Monday, March 7, 2011

Thói xấu đàn bà

Thói xấu đàn bà
“Tôi ghét đàn bà!”. Xin độc giả bình tĩnh, để từ từ tôi giải thích. Ghét ở đây không phải ghét bỏ, không phải ganh ghét, càng không phải ghét cay ghét đắng, mà chỉ là khó ưa. Khó ưa sao? Cũng chưa đúng lắm, khó chịu thì đúng hơn hoặc trên mức khó chịu một chút. Nhưng chẳng lẽ nói: “Tôi trên mức khó chịu đàn bà một chút”, hơi dài dòng, nên nói gọn: “Tôi ghét đàn bà.”
Không phải một lần mà rất nhiều lần tôi nói với bạn bè: “Tôi ghét đàn bà.” Lần nào cũng gặp sự phản đối quyết liệt, hoặc bị phản đối tức thì:
• Họ chiếm nửa nhân loại đó, anh ghét họ thì sống với ai.
• Họ là phái yếu, phái đẹp. Không có họ, đời thi vị gì nữa.
• Thế giới đang vinh danh phụ nữ từng giây, từng phút. Anh đừng nói chuyện nghịch thường.
• Những người mẹ, người chị đã đi qua chiến tranh, anh liệu cái mồm.
Tôi nghe ù tai và ừ ừ đúng. Đúng thật.
Nhưng dù gì tôi vẫn ghét đàn bà. Tôi biết điều này thật khó nghe, thật khó chấp nhận.
Người đàn bà đầu tiên tôi ghét là mẹ tôi. Xin bạn đọc bình tĩnh, hết sức bình tĩnh, đừng vội cho tôi bất hiếu, vô đạo. Tôi sẽ giải thích.
Nay tôi đã trên bốn mươi tuổi, một vợ hai con. Tôi được bà con lối xóm cho là có hiếu. Tôi về thăm mẹ thường xuyên. Chăm sóc thức ăn, thức uống cho mẹ lúc tuổi già. Tôi làm đúng phận sự của người con cả trong gia đình. Nhưng thật tình tôi chưa bao giờ ngưng ghét bà, cái ghét cứ chen ngang tình thương tôi dành cho mẹ.
Anh ghét mẹ chỗ nào chỉ ra chứ? Vâng, tôi sẽ chỉ, dù không muốn chút nào.
Lúc còn nhỏ, tôi nhớ mỗi lần mẹ dọn dẹp vườn tược, nhà cửa là bà bắt đầu chửi. Chửi to, chửi nhấm nhẳng, chửi bẳn hẳn, chửi khi nào nghỉ tay bà mới ngưng. Tôi đang ngồi học, vội vàng bỏ sách vở ra phụ mẹ, bà không chửi nữa mà chuyển sang càm ràm mọi người trong nhà, nhất là ba tôi, sau đến em tôi và cả tôi. Nhức óc, nhức ra tới ngọn tóc.
Biết mẹ tôi thành tật vậy rồi, sau nghe mẹ chửi, tôi không phụ giúp mẹ nữa. Tôi vẫn bỏ sách vở xuống, nhưng ngồi đó trên cái thùng đựng đạn của Mỹ, kê làm ghế. Cái bàn học là tấm phản ghép bằng nẹp tre, coi là giường; ba tôi cùng tôi và các em trai ngủ mỗi tối. Nỡ lòng nào mẹ la: “Học hành lớn làm ông gì mà ngày nào cũng ngồi cả buổi, sao đời tôi khổ vậy trời!”. Trời! Mẹ tôi khổ quá chứ còn gì, nhưng cả nhà tôi ai mà chẳng khổ, cha tôi mới khổ hơn chứ, bà không nói có phải tốt hơn không? Có điều mẹ tôi hồi đó nói đúng, bây giờ tôi chẳng làm được “ông” gì! Tôi nghe mẹ tôi mắng chửi, la rầy suốt thời niên thiếu. Vì khổ nghèo nên mẹ chửi, vì mẹ chửi nên khổ nghèo. Cha tôi như cái bóng trong nhà, bần thần, mệt mỏi. Tôi mủi lòng lắm, tôi đang khóc đây các bạn ạ.
Không có mẹ tôi sao có tôi, có hình hài này để ngày hôm nay nhập cuộc nhân sinh đầy trắc trở. Không có mẹ tôi, ai lo ăn từng bữa cho anh em tôi ngày đó. Không thể nói mẹ không thương chúng tôi. Nhưng bà chưa bao giờ chia sẻ tình thương đó với chúng tôi một giây phút nào, một ánh mắt nào. Tất cả những hình tượng nghệ thuật về người mẹ mà các văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ v.v… xây dựng, tôi xúc động lắm. Nhưng rồi cũng không thương mẹ tôi lâu được. Dù sao cũng xin cảm ơn các nghệ sĩ, không có họ đời tôi khô héo tự bao giờ.
Người đàn bà thứ hai tôi ghét là vợ tôi. Thôi chết, lại xin bạn đọc bình tĩnh. Nhất là các nữ độc giả, đừng xúc lô tôi: “Nếu ghét thì ly dị, nói làm gì cho mệt. Mẹ không kiếm ra được, chứ vợ thì khối gì”. Không phải đơn giản vậy đâu. Tôi kiếm ra được vợ, chứ con tôi đâu có dễ kiếm ra người mẹ thứ hai.
Vợ tôi ngày mới cưới hiền dịu biết bao, tôi ngất ngây sung sướng. So với mẹ tôi, vợ tôi là nữ thiên thần. Còn bây giờ tôi cam đoan rằng ngày nào vợ tôi không cẳn nhẳn, cằn nhằn với con cái; ngày nào vợ tôi không rằn rực chuyện tiền nong, lương bổng ở tôi, tôi thề đi đầu xuống đất, thề không làm thằng đàn ông. Nhưng cái “thằng đàn ông” tôi cố làm đó, đang im lặng, im lặng truyền kiếp từ thời cha tôi để lại. Có khi truyền từ thời ông nội, giờ đã biến đổi gen, gen chịu đựng. Đúng là: “Ghét của nào trời trao của ấy”. Hồi nhỏ tôi từng nghĩ lớn lên sẽ không lấy vợ đấy chứ. Thiệt trớ trêu!
Nhưng rõ ràng không có vợ tôi, ai sinh cho tôi những đứa con xinh xắn, ai cùng tôi xây đắp gia đình. Nhưng mà ghét, có khi rất ghét. Tôi đem câu vè học được, đọc cho vợ tôi nghe:
“Con gì ăn ít nói nhiều
Mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền?”
Nghe xong vợ tôi cười nhăn nhở, thấy trúng quá nhưng rõ ràng không hề có ý sửa mình.
Vợ tôi coi khinh những gì tôi thích, ghét những gì tôi ưa. Vợ chê tôi không kiếm được nhiều tiền như người này, người nọ. Nhưng mà xin lỗi, rất nhiều thằng lắm tiền, vợ tôi vừa kể tên tới, trong mắt tôi nó là cặn bã của xã hội. May quá, vợ tôi cũng thấy vậy chứ không cãi nhau to. Tôi từng ứa nước mắt khi đọc những bài thơ khen vợ, nghe những bài hát tặng vợ, xem những bộ phim về những người vợ chịu thương chịu khó, chịu cả tủi nhục. Bỗng thấy thương vợ làm sao! Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau là ghét. Socrate nói: “Vợ hiền, ta hạnh phúc. Vợ dữ, ta thành triết gia”. Ô hay! Được thành triết gia như ông, cưới thêm một cô vợ nữa xem sao?
Người đàn bà thứ ba tôi ghét là cô người yêu cũ. Chồng cô mất vì bạo bệnh. Người yêu cũ chỉ có thương; thương không hết chứ ghét làm sao được. Nhìn cảnh mẹ góa con côi, ai mà không chạnh lòng?
Tôi nói với nàng câu này, sau một năm chồng nàng mất: “Xin phép em, anh sẽ lui tới thường xuyên, mẹ con có khó khăn gì, anh giúp”. Nàng nói: “Anh bỏ vợ đi rồi đến với em, không thì đừng làm phiền em!”. Trời ơi, nàng không hiểu ý tôi hay tôi không hiểu ý nàng đây trời? Chồng nàng chết có để một ít của cải, giá trị nhất là lô đất mặt tiền ở con đường mới mở, nhưng tôi cần quái gì tài sản đó. Tôi thương nàng chân thành, “tình cũ không rủ cũng theo”, vậy mà nàng làm tôi hụt hẫng quá. Nói chuyện với tôi nàng chê bai hết người đàn ông này đến anh nọ. Tưởng tượng, nếu nàng hô xếp hàng những kẻ thích nàng chắc được tiểu đội. Biết đâu những người đàn ông đó cũng thương nàng thật lòng như tôi thì tội nghiệp họ quá. Rồi biết đâu nàng cũng chê tôi “loại hàng dỏm” cho họ nghe. Thật đáng ghét.
Bẵng một thời gian tôi quay lại xem mẹ con nàng thế nào? Thằng con lớn thi trượt vào lớp 10 công lập, còn nàng có phần héo hắt. Tôi lo cho cháu vào lớp 10 theo cách của tôi. Ghé thăm mẹ con nàng đôi lần, xem ra nàng cũng còn xuân sắc. Ngủ lại một đêm ở nhà nàng, sáng ra nàng yêu sách: “Ít nhất trong một tuần anh phải đến thăm mẹ con em vào chiều thứ Bảy”. Chết tôi chưa, làm gì ấn định rõ vậy được. Tôi có bao nhiêu là chuyện: Cơ quan, nhà cửa, vợ con tôi… Khi nào tôi rảnh và “rình thấy cảm giác an toàn” thì tôi đến, sao nàng vị kỷ vậy? Tôi cũng đâu có ràng buộc nàng điều gì. Rất ghét.
Sao trên phim Hàn Quốc những chuyện “tình cũ” như thế, lúc nào cũng đẹp nhỉ?
Đối tượng tôi ghét thứ tư là mấy nữ đồng nghiệp. Không có họ trong cơ quan, công sở còn sinh khí gì nữa. Và tôi từng nghĩ: Họ chỉ cần trang điểm đẹp, phô diễn những đường cong gợi cảm, nói những lời dịu ngọt, dễ thương là đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là tôi dành tình cảm đặc biệt mới nói vậy, chứ họ phải khẳng định vị trí của mình trong cơ quan chứ. Đúng thôi, lương bổng ngang nhau mà. Nhưng không hiểu sao cái sự “tự khẳng định” của họ làm tôi ghét. Trong phòng làm việc, một cô nói, hai ba cô tán đồng: “Ông đó trúng trật gì.” Ôi! Không biết là ông nào? Nhưng đàn bà ăn nói thế thì… đáng ghét thật
Chị em công chức nhà nước đều có gen lí sự. Họ lấy lí sự làm cái chứng tỏ. Ai đề xướng tiêu chí phải tôn trọng phụ nữ vậy ta? Cái đó không khác gì bổ sung nước tăng lực cho cái “lí sự” kia lấn tới. Nghe ghét, không thèm nói lại chứ vặn một câu thì tịt, mấy lăm hơi đâu mà lí với sự.
Một nữ nhân viên trẻ đẹp mới vào cơ quan, tôi luôn thông cảm. Rồi đây họ phải sanh ít nhất hai đứa con sau khi lấy chồng. Vì cái thiên chức đó, tôi sẵn sàng giúp đỡ nàng trong công việc, bỏ qua những yếu kém về chuyên môn của nàng, nếu có, nhấn mạnh là nếu có. Tôi luôn dành sẵn những tình cảm tốt đẹp nhất cho phụ nữ. Vậy mà rồi lại ghét. Đến một lúc tôi thấy họ không phải đàn bà nữa. Tham sân si hỉ nộ ái ố, ôi thôi quyết liệt lắm. Trong đầu họ là “O du kích nhỏ giương cao súng” hoặc chị Út Tịch đánh đến còn cái lai quần cũng đánh. Mỵ Châu, Thúy Kiều sao đọ lại với súng gươm!
Chúng ta nịnh đầm không đúng chỗ, làm bộ tôn trọng họ quá, quen mặt đàn ông trong cơ quan rồi, họ nói cười hô hố. Tiệc tùng, họ cũng “Một hai ba, dzô dzô dzô.” Họ đâu còn muốn là “phái yếu” nữa.
Mẹ tôi, vợ tôi, người yêu cũ, đồng nghiệp nữ của tôi, chưa thấy một ai biết tự kiểm điểm, biết soi xét mình. Họ cho rằng mọi đổ vỡ, rắc rối, hư hỏng đều do đàn ông gây ra cả. Chung quanh tôi toàn đàn bà đáng ghét. Hay tại cái số tôi không gặp được đàn bà nhu mì, diễm lệ nhỉ?
Thôi! đành sống chung với ghét, như dân đồng bằng sông Cửu Long sống chung với lũ vậy. Nhưng nhìn cho kỹ thì ai cũng phải sống chung với một điều đáng ghét nào đó: Sống chung với kẹt xe, sống chung với melamine, sống chung với môi trường ô nhiễm, sống chung với tham nhũng, sống chung với bệnh tật v.v… và v.v…

No comments:

Post a Comment