Sunday, March 6, 2011

Người năm cũ-Nguyễn Ngọc Tư

Người năm cũ
Truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư

Khi Hiên thôi học ở thành phố về, mướn căn nhà, treo cái bảng kẻ bằng bút lông lên giấy các tông "Viết hồi ký thuê" thì Hiên gặp lại người thương của má.
Bảy năm rồi, Hiên mới gặp ông. Ông ốm, xanh, ông không già đi bao nhiêu nhưng tóc đã rụng nhiều để lại cái trán rộng như sân bay Trà Nóc. Hiên luôn luôn thấy ông gần gụi và thân thuộc, cái cảm giác ông luôn luôn có mặt trong đời của Hiên mặc dầu chẳng thâm tình gì nhau. Cứ nói với một đứa bé mười, mười hai tuổi rằng cái ông đang nói trên ti vi hồi đó thương má mày đi, nó sẽ dõi theo ông ta bằng một sự quan tâm nào đó không lý giải được. Ngay từ khi còn vào tại chức, ông luôn xuất hiện trên mặt báo, trên ti vi với sự chân thật toát ra từ đôi mắt, một vẻ mặt trăn trở, đấu tranh. Hiên cho rằng đôi mắt thể hiện được con người. Ông từ chức chủ tịch trước nhiệm kỳ hồi cuối năm rồi với lý do sức khỏe kém, không đủ năng lực để làm việc. Hiên cố làm như mình chẳng bao giờ quen ông. Bảy năm, đủ để ông già đi và Hiên bỏ bộ dạng đứa học trò quê cũ. Hiên hỏi ông muốn viết hồi ký ở dạng nào. Hẳn nhiên là có nhiều cách viết khác nhau, để lại cho con cháu thì đào sâu về đạo đức lối sống, về buổi đầu lập thân cực nhọc ra làm sao để lại cho đòi sau cơ ngơi, sự nghiệp này. Nếu xuất bản hàng loạt thì chú trọng những công việc, thành tích trong đời... hoặc chỉ viết riêng cho một mình ông thôi, sống giấu kín, chết mang theo. Ông cười rất đẹp (đôi lúc có những nụ cười như thế làm cho tim Hiên thót lên một tiếng hít hà).
- Tôi muốn cháu viết cho người tôi yêu. Và viết thật.
Hiên thưa rằng Hiên sẽ viết thật nếu như ông nói thật. Ông lại cười. Má ơi?
Hiên thèm được viết thật dữ lắm chớ. Hiên vừa học vừa làm thêm việc viết hồi ký non hai năm. Hiên đã gặp nhiều khách hàng nghe họ kể về cuộc đời của họ. Ai cũng làm tỉ tỉ điều tốt, điều cao thượng hơi giống nhau, bày tỏ lòng nhân ái với thế giới, lòng thương mến với tất cả mọi người. Hiên nhận ra một quỹ đạo nhàm chán là không ai kể về những lỗi lầm của mình dù là từ thuở ấu thơ đã ngắt đuôi con chuồn chuồn đỏ nhét vào cọng cỏ hay về chú dế lửa bị mình nhốt trong cái lồng đất đã chết vì chật và buồn. Mà, Hiên cho rằng, hồi ký là phải thật, ai đời người ta lại gian dối với cả chính mình. Đôi khi cầm quyển hồi ký do chính tay mình viết ra, trình bày sạch sẽ, bìa đẹp, lật từ trang đầu tới cuối thấy người ta sống sao mà tốt quá, tốt thiệt, tốt đến không ngờ. Bạn bè cười vào cái ý nghĩ ngớ ngẩn của Hiên: “Thì tật con người ta vậy mà...”. Hiên biểu tin Hiên đi, thấy cuộc đời kiểu nầy không ham, không thấy vui đâu.
Ông không vậy, ông thủ thỉ với Hiên như một người bạn bên một người bạn thân thiết. Hiên cảm thấy cái quý giá nhất của họp đồng nầy là được ông tin cậy. Ông nói với Hiên về tuổi thơ, về quê hương, về tất cả nhưng chiến công và những lỗi lầm. Những nơi ông đến rồi đi và ấn tượng những người ông gặp. Buổi tối, trở về căn nhà vuông vức như cái bánh chưng, Hiên mở máy ghi âm để ghi lại giọng nói điềm đạm như thể dè dặt của ông và chợt nhận ra mình viết cái hồi ký không phải cho riêng ông. Hiên viết cho những đồng đội đã hy sinh xương máu để giúp ông lập nhiều chiến công. Hiên viết cho những người cộng sự cùng ông đưa cái địa phương nầy đi lên, được biểu dương thành tích. Và Hiên hạnh phúc viết về một bóng hình mơ hồ nào đó mà ông đã chia tay trong quá khứ nhưng luôn biểu hiện bên ông. Hiên không chắc đó có phải là má Hiên không. Thường thì đàn ông không nhớ sâu sắc và yêu sâu sắc như người đàn bà.

Ông sống một mình trong một căn nhà rộng, mặt ngó ra một con đường nhỏ chạy vòng vèo quanh một hồ rộng nhân tạo. Vợ ông qua đời gần tròn bốn năm. Họ không có những đứa con trai, con gái. Ông bảo bà yếu ớt, hay đau bệnh lắm. Ông cũng đang bệnh, mỗi sáng, mỗi trưa và tối, Hiên thấy ông uống một vốc thuốc. Hơi thở của ông cũng phảng phất mùi kháng sinh. Hiên hỏi thăm ông bệnh gì, ông cười, bệnh nhỏ thôi, mai mốt hết. Hiên hơi bần thần. Cô vẫn cần mẫn đến nhà ông như mọi ngày. Sáng nào ông cũng rang cơm và chừa cho Hiên một chén. Ông rang cơm rất ngon. Hột com se lại, giòn tan. Mùi tỏi vàng trong dầu nóng xộc vào mũi.
Hiên thường bưng chén cơm ra ăn ngoài khoảng sân hẹp rụng đầy bông điệp đỏ và ngồi xuống cái băng đá đặt dưới bệ cửa sổ. Màu của buổi sáng trong ngôi nhà nầy mới trong trẻo làm sao, Hiên bảo:
- Sống một mình khổ thiệt. Cháu sẽ làm mai cho chú một cô. Thím cũng mất lâu rồi, phải không, chú?
Ông lấy tay vỗ vỗ đầu gối Hiên, tay ông to, nhưng mềm và lạnh lẽo:
- Thôi, cháu. Trễ quá rồi.
Hiên cười, chú vẫn còn trẻ chán. Ông chắc lưỡi, “tự nhiên thèm gặp một người” rồi quay sang hỏi Hiên có muốn nghe chuyện tình của ông không. Hiên còn chờ đợi gì mà không gật đầu. Hiên nhận thấy con người nầy luôn luôn vắt kiệt mình trong đám bùng nhùng thiện - ác, đúng - sai, giả - chân... Cả trong tình yêu cũng vậy. Hai người ngồi trong cảnh buổi sớm đang vãi nắng lên cao.
Hiên tưởng như mình đang đi trên con tàu cuộc đời ông và đã qua bao ngoặc trái ngoặc phải, leo bao đồi dốc, băng qua những cây cầu sang sông rồi một ngày, Hiên nhìn thấy má mình như một ga xép hiện rõ dần lên trong đêm tối. Một ga xép với đầy đủ vẻ đẹp của nó: thầm lặng, đìu hiu, nhưng rất trân trọng đón đưa những con tàu xuôi ngược.
- Đó là thời đạn bom ác liệt, nhưng sáng nào cổ cũng chèo xuồng ra chi khu Rạch Ráng bán trầu. Tôi thương cổ từ ốp trầu cổ bó. Ốp trầu chắc nùi, hai đầu cong cong như mái đình làng. Những lá trầu xanh đằm lên nhau khăng khít không chèn lẫn một lá úa nào. Tôi thương cổ từ ngón tay cái bấm trầu đã mòn khuyết như trăng mùng tám. Tôi hoạt động trong vai một thầy giáo, “con” út của một bà má tiến bộ. Con trai má đi lính cho Ngô Đình Diệm đã bị tử trận, bà má đó quả quyết là con trai bà bị chính lực lượng cộng hòa dập pháo và bà muốn trả thù. Sáng nào tôi cũng ra bến chợ, xuống xuồng của cổ mua một ốp trầu cho “má”. Cổ không đẹp lắm, ừ, giống như cháu vậy, ở cổ luôn luôn lộ ra một nét duyên ngầm, càng nhìn càng thấy lạ, thấy thương. Cổ cũng thương tôi thiệt lòng. Ngặt cái cổ là con gái xã trưởng Ba Chi khét tiếng ác. Gia thế cổ là vậy. Cổ chấp nhận thương tôi mặc dầu cũng đoán được tôi ở phía nào trong cuộc chiến tranh này. Cháu cũng biết thân phận của tôi mà, ông nội tôi, ba tôi, các chú bác đều thoát ly đi làm cách mạng. Gia đình tôi phản đối dữ lắm. Tổ chức cũng không đồng ý. Nhưng lúc đó tôi còn trẻ, trẻ như cháu bây giờ, tôi nghĩ, tình yêu sẽ vượt lên tất cả.
- Cháu cũng nghĩ vậy, chú à. - Hiên gật đầu.
- Nhưng cháu còn trẻ, cháu có hiểu không? Chiến tranh vốn đầy bất trắc. Nó để lại cho tôi một niềm đau, lâu quá rồi mà còn đau hoài.
Hiên cũng vậy. Hiên biết buồn nỗi buồn chiến tranh từ ngày còn bé. Tụi bạn chơi trò “Việt cộng đánh quốc gia” bao giờ cũng đẩy Hiên về phía giặc. Thằng Đen lớn nhất, nó chống nạnh cười khì khịt; “Mẩy phải ở “bên nó”. Má tao nói hồi đó ba mẩy đi lính quốc gia”. “Bên mình” bắn “bên nó” phẳng phẳng. Hiên cũng bắn lại phẳng phẳng nhưng Hiên phải chết. Có khi nằm trên ổ kiến lửa để chết, Hiên giật nảy lên, giãy dụa, thằng Đen đứng vỗ tay cười chưa xong đã khóc mướt: “Con nhỏ nầy chết y hệt ba tao”. Hiên cũng khóc. Những đứa trẻ như thằng Đen, như Hiên mới tí tuổi đầu đã bị súng bập dừa bắn vào trái tim thơ ngây. Đen thôi hồn nhiên và Hiên thì ngơ ngác chết.
- Người ta mong hòa bình một, tôi mong tới chín mười, cháu à. Sau Mậu Thân, cơ sở bị lộ, tôi rút vô cứ. Địch ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Tề ngụy gom dân vô ấp chiến lược, trong đó, nhà cổ đi đầu. Người xuôi kẻ ngược, cổ chỉ kịp đầm đìa nước mắt và hẹn nhau hai tiếng “hòa bình”. Coi lại, cả đời chúng tôi chỉ rượt đuổi nhau. Cổ bỏ nhà ra ấp chiến lược mới chín tháng thì chúng tôi mở rộng căn cứ về xóm quê cổ. Tôi dọn dẹp căn nhà đầy váng nhện và bồ hóng của cô để làm nơi làm việc. Hôm một bà má đi chợ về ghé báo con út Xuyến nó lấy một thằng lính ngụy, đêm đó bom bỏ vụn căn nhà. Tới bây giờ, tôi cũng không hiểu làm sao mình còn sống được, nhưng hôm đó, trong cái hầm nước lỏng bỏng, tôi tìm được trong hốc đất một cái khăn trắng thêu hai con chim đậu trên cành mận trổ đầy hoa, và một dòng thêu dở: “Đường dài ngựa chạy biệt tăm... ”
- ... “Người thương có nghĩa trăm năm cũng về ” - Hiên buột miệng, rồi giật mình, cô quấy quá thêm - Cháu đã đọc câu ca dao nầy ở đâu rồi, chắc là trong trường học.
Ông gật đầu, dường như chớm bàng hoàng, ông nhẩm lại “người thương có nghĩa trăm năm cũng về”. Mặt ông hơi tái đi.
- Vậy tôi không phải là người thương có nghĩa rồi, cháu ạ. Tôi đã có thật nhiều cơ hội nhưng rồi đã bỏ qua. Năm tám hai, tôi chuẩn bị làm bí thư huyện thì nghe tin chồng cổ vượt biên.
- Và chú phải lựa chọn, hoặc làm bí thư hoặc phải từ bỏ tất cả không ai chấp nhận chú lập gia đình với một người đàn bà đã có một đời chồng là lính ngụy.
Ông nhìn Hiên kinh ngạc, trong mắt ông ánh lên một niềm đau xót:
- Cháu biết nhiều như vậy để làm gì, cháu gái?
Hiên có muốn biết nhiều đâu, đời dạy cô vậy mà. Cô không trả lời câu hỏi, chỉ thốt lên:
- Trời đất ơi, sao chú lại có thể đem tình yêu ra mà bì với mấy cái đó. Cháu mà yêu ai, cháu sẽ vượt qua mọi trở ngại để tới với người ta.
- Cháu đã làm thử chưa?
- Rồi - Hiên quả quyết.
- Có một lần, tôi cũng đã làm như vậy. Tôi về thăm căn cứ. Chiếc tàu hì hụi về tới xóm đã chạng vạng. Tôi lúc đó không nghĩ tới chuyện gì khác ngoài chuyện tôi sắp gặp lại cổ. Khi tàu ghé dưới bực kinh nhà Tám Muốt, tôi thấy cổ bơi xuồng đi đặt đó. Xuồng nhỏ, bóng cổ nhỏ, một mình. Nhìn tôi, cổ mừng tới xuống nước mắt. Tối đó, sau khi ăn đã đời bữa cơm bông súng nấu canh chua cá nâu, mắm sống, tôi chống xuồng qua sông. Hôm đó, tôi hơi say. Chắc tôi ngộ lắm nên đứa con gái nhỏ của cổ cứ nhìn tôi hoài. Tôi ngả mình trên võng mà khói cứ bay nồng mũi. Tôi còn nhớ mình nói rằng không chấp chuyện đã qua, tôi không ngại đứa con gái lên sáu tuổi của cổ. Tôi nói rằng cơn mưa xưa đã đem nguồn nước cũ về đầm. Cổ nằm trên một cái võng khác, giăng xéo qua hai cây cột, đưa con gái ngủ. Cổ chỉ khóc, khóc thật nhiều mà có nói được gì đâu. Vậy mà hai đứa thức, thở vắn thở dài tới sáng. Bữa sau, tôi đi thăm những bà con trong xóm căn cứ cũ. Vườn sau sân trước hố bom chằng chịt hố bom. Bảy năm sau giải phóng mà xóm rất nghèo. Những gia đình cách mạng ngày xưa hết mình nuôi nấng, che giấu chúng tôi cuộc sống rất khó khăn, mặc dầu bông súng đã nở trắng hố bom, bầy vịt ta lội ngủng ngẳng. Cạnh nhà tường đạn bom cháy xém bà con dựng lại căn nhà lá. Tôi về than, bà con mình nghèo quá. Cổ nói với tôi rằng dù có chính tay họ làm hay không nhưng cha cổ, chồng cổ đã gây biết bao nhiêu tội ác, làm cho cái quê nhỏ nầy trở nên như vậy. Mà, có còn ai để giúp cổ trả món nợ nầy cho bà con, cho làng xóm, để cho cổ được ngẩng đầu lên nhìn cuộc đời mà không thấy mình có tội, ngoài tôi. Tôi thương cổ lắm, tôi quay lại, tự hâm nóng mình. Thời đó tôi sống tràn đầy hoài bão, tràn đầy thương yêu như cháu bây giờ, cháu gái à. Tôi chưa biết ham mê tước vị, quyền lợi. Rồi từ từ tôi mới biết cân nặng nhẹ, biết so đo. Tôi lấy vợ, mà, tội nghiệp tôi lắm, lấy vợ mà cũng so đo. Ông già vợ tôi là cán bộ tổ chức của tỉnh. Tới một ngày chợt nhận ra, quyền lực đối với tôi càng giống như cục mỡ rệu trong veo trong nồi thịt kho tàu ngày Tết, nhìn thì thèm, ăn quá ngán mà bỏ thì tiếc.
Ông cười sùng sục. Tiếng cười nghe xao động như quầy dừa rụng xuống hào ranh giữa buổi trưa vắng. Nhưng Hiên giật mình vì ánh mắt không hề có một niềm vui, nó sâu hun hút. Hiên thấy lòng mình lạnh hẳn. Cái nhìn ông lạnh như cái ao sâu phủ kín lục bình.
- Chú à, bây giờ cô ấy ở đâu?
- Cháu có biết xóm Trầu? Một cái xóm đẹp. Căn cứ cũ của chúng tôi. Tôi nhớ hoài, trước mặt xóm là một cái đầm nước gió ơi là gió...
Và một hàng dừa nước bên sông nghiêng mình soi đáy. Những ngày gió chướng về, nước trong vằng vặc như thấy rành rạnh từng sớ lá. Trên bờ kinh, dây choại mọc đầy, đọt choại xanh non nhuốt líu ra líu ríu níu bước chân người. Hàng bông bụp trước sân nhà nở đỏ. Con heo cỏ bụng bự đầy đất sục mũi vào đám rau diệu, rau chay. Sau vườn, dây trầu già leo cây cau ốm. Bầy kiến vàng liêu xiêu bò ra bò vào trên nhánh chanh giấy de ra mé ao. Và ở đó có má Hiên, một đời thầm lặng, hiền lành. Sớm sóm, ngồi xắt chuối quết nát trộn vòi cám cho bầy vịt xiêm ăn. Xẩm tối, má đốt nhang lên bàn thờ ông bà ngoại, đóng cửa, sập rèm. Má Hiên bị bức phải lấy ba Hiên tháng chín, tháng tư năm sau giải phóng miền Nam. Cái khoảnh khắc đó so với cuộc đời ngắn ngủi biết bao nhiêu nhưng đã trì níu cuộc đời má Hiên xuống. Mấy mươi năm, cuộc đời má như hủ sành bể nát, không mảnh nào ráp được với mảnh nào, phải làm hai, làm ba còn lấy keo chắp vá. Niềm vui chỉ những ngày cuối tuần, má Hiên trông từng chuyến tàu trưa, coi Hiên có về không? Một ngừơi quen cũ có về không? Khi ba Hiên đi học cải tạo ba năm, Hiên lớn lên không hề có ba mà không thấy tủi. Ba Hiên về, năm sau xuống tàu vượt biên, Hiên đã là một con bé lạ lùng, Hiên có thể rạch ròi chuyện từng chuyện một. Hiên nghĩ rằng ba ra đi là lỗi của ông, vì ông nghĩ rằng đất này không cưu mang, không liên quan tới chuyện mối tình xa gì gì đó của má. Hồi đó, mối tình đó chỉ là một ngọn lửa le lói cháy trong mắt má Hiên. Lạ sao, đến bây giờ, ngọn lửa vẫn không tắt và chưa bao giờ tắt. Có lẽ, người đời luôn luôn nuối tiếc những gì không tròn vẹn. Hiên vẫn không tin được, chỉ những lời hứa hẹn và một đôi lần nắm tay nhau (Hiên tưởng tượng cùng lắm thì hôn lên má nhau, nếu có thể) lại làm cho người ta nhớ lâu, nhớ sâu đến vậy. Mỗi lần xem ti vi, nhìn thấy ông thoáng qua, trên màn hình, má Hiên luôn cười rất nhẹ, kín đáo âm thầm. Cái cười nhỏ nhưng tràn đầy tình. Hiên có lần bảo, “Con mà thương ai thể nào con cũng lặn lội lại nói với người ta liền”. Má Hiên cười, “Con còn trẻ, má già rồi. Mà, má có xứng gì đâu...”. Hiên chợt nhận ra, thế hệ của mình đã khác, thế hệ mình sống nhẹ nhàng hơn thời của má nhiều.
Không biết bây giờ xóm cũ có còn như trước, cũng ba năm rồi tôi không về...
Ông trầm ngâm. Hiên nói với lòng mình. Không, cái xóm đó không bao giờ thay đổi được. Người ở xóm đó vẫn vậy. Chắc nó không khác được đâu, lúc nào nó cũng soi mình xuống đầm. Thấy mình khác một chút đã sửa lại.
- Lẽ ra bây giờ chú phải về xóm Trầu. Cháu chắc chắn là có người vẫn chờ đợi chú, chờ đợi tới trăm năm.
Ông bồn chồn ngước lên nhìn Hiên.
... Hai hôm sau, khi Hiên quay lại nhìn ông, nhà đã khóa cửa ngoài. Hiên quay về chỗ trọ thì nhận được lá thư nhỏ. Thư của ông. Hiên cứ cầm thư mà xuống nước mắt. Ông viết: “Cuộc đời đã tằn tiện chai sớt lại cái cơ hội cuối cùng của chú, cũng bởi vì chú đã hoài phí nhiều. Chú đã nhận ra cháu rồi, cháu gái à. Chú chuyển lời xin lỗi đến má cháu. Chú bệnh, bệnh nặng. Không còn ham hố, vướng bận gì nữa, chú cũng không thể trở về, bởi vì chú không muốn làm một gánh nặng cho má con cháu lúc cuối đời... Chú thương cháu nhiều, con gái nhỏ...”
Chỉ vậy mà họ có thể bứt khỏi nhau ra được sao, tròi đất quỷ thần ơi, những người lớn... Đường đời gang tấc mà vì nỗi gì mà đi vòng cho xa hoài, xa mãi. Hiên lặng người, tới bây giờ Hiên cũng không biết ông bệnh gì, nghiêm trọng ra làm sao? Hiên không biết. Má ơi!
Trở gió
Tạp văn

Nguyễn Ngọc Tư

Cuộc hẹn của chúng tôi không rõ ràng, mỗi năm gió lại đến bằng một ngày khác nhau. Nên vừa bước qua tháng Chín, tôi bắt đầu dời chiếc chuông gió sang cửa sổ phía Đông. Cuộc chờ đợi nhiều khi rất dài, đến nỗi quên phứt đi. Để rồi một sớm mai, bỗng nghe hơi thở gió rất gần. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không. Rồi nó mừng húm, khi nhận ra tôi chẳng quên được nó bao giờ (dù tôi đã để những chàng trai như Đờ, Ka, Mờ... lãng phai tuốt luốt). Cái chuông gió với những âm thanh mỏng manh trở thành thứ đồ chơi lãng nhách, chẳng thể hiện nổi sự hừng hực, dạt dào của nó - bây giờ lớn thành một dòng gió, xấp xãi, cuống quýt xốc vào tấm tol bên chái Đông đã bị đứt đinh từ mùa trước. Cồn cào. Nồng nhiệt. Mà thiệt dịu dàng. Ôi ! Gió chướng.
Tôi thường đón gió chướng về với một tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang. Mừng đó rồi bực đó. Sao tôi lại chờ đợi nó, chẳng phải năm nào cũng vậy, lúc cầm cây chổi ra quét sân, đứng trong gió đầm đìa tôi cũng buồn, buồn muốn chết. Trời ơi, gió này là sắp hết năm đây, sắp già thêm một tuổi đây, mình đã kịp sống gì đâu, tay mình vẫn trắng như vầy... Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống...
Nhưng tôi vẫn mong gió chướng về. Sự chờ đợi đã thành thói quen của thời thơ dại. Khi gió bắt đầu hiu hiu se lạnh, đám con nít nhảy cà tưng, háo hức vỗ tay cười, vậy là gần được sắm quần áo, dép mới rồi (nhà nghèo, cả năm chỉ được dịp này chứ mấy). Gió chướng (và gió bấc) với tôi là gió Tết, dù từ khi bắt đầu mùa gió đến Tết, mất gần ba tháng ròng. Má tôi cũng coi nó là gió Tết, nghe gió, má thuận miệng hát "Cấy rồi mùa qua sông cấy mướn. Ông trời ổng thổi ngọn chướng buồn cha chả là buồn..." rồi thở dài cái thượt "Ứ hự, lụi hụi mà hết năm...". Dường như tâm trạng má khác tôi, những sợi gió cứ như xốn xang vào nỗi nghèo túng, sợ không lo nỗi một cái tết tử tế cho cả nhà.
Má, tánh lo xa. Chứ gió chướng vào mùa thì lúa cũng vừa chín tới, hy vọng rực lên theo màu lúa. Mùi rơm thơm ràn rụa thổi ngang đồng, nỗi buồn lo của má tan không thành tiếng, tan mau như sương. Đáng chờ đợi lắm, vì mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch. Gió thổi tạnh ráo những đôi chân suốt một mùa đầm đìa trên đồng bãi. Liếp mía đặt từ hồi tháng hai, tháng ba, đợi gió mới chịu già, nước ngọt và trĩu, cầm khúc mía trên tay, nghe nặng trịch. Vú sữa chín cây lúc lỉu, căng bóng, màu vàng lan dần từ đít những trái xanh, trái tím càng tím lịm, nửa đêm dơi ăn rớt lịch bịch ngoài hè. Còn dưa hấu nữa, ui chao...
(Bây giờ thì mùa trái cây kéo dài cả năm, cảm giác thèm thuồng ngày đó không quay lại, nhưng xẻ trái dưa đỏ, thưởng thức giữa cơn gió chướng hiu hiu, thấy 'đã" hơn, đậm đà hương vị hơn nhiều. Ậy, lại cực đoan...).
Cảm xúc ngọt lành thời thơ ấu chín muồi trong ký ức, lúc lớn lên, gió chướng ám luôn vào những trang viết. Tác phẩm nào tôi cũng cho gió lúc thấp thoáng lúc ròng ròng thổi qua (nhiều lúc hết hồn, chỉ chi tiết này thôi mình cũng đang lặp lại, mấy nhà phê bình không khinh khỉnh sao được). Những đám cưới được tôi cho xuất hiện trên cái nền gió này, nhưng chỉ là cái cớ cho buồn thẫm hơn, sắc lại trên những mối tình dang dỡ. Chắc tại gió quá dịu dàng, nên có cảm giác gờn gợn buồn, có cảm giác như gió mồ côi, cúi đầu hiu hắt đi giữa đời. Hay tại tôi đã già, đã nhận ra không mùa vui nào là vui trọn. Con nít sướng rơn nhìn đám cưới đi qua, tự hỏi bà dì lỡ thời sao lại buồn dữ vậy. Đứa cháu ngồi nhìn lớp da của ông ngoại mình bong ra rơi trên nền gạch, thắt lòng nghĩ về cái chết - con đường thế ngoại sắp (và tất) phải về...
Gió chướng với tôi, một đứa bấp bỏm văn chương, nó "gợi" khủng khiếp. Tôi vẫn thường hình dung, một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ "gió chướng", ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà. Và những hình ảnh quen thuộc hàng hàng lũ lượt hiện ra, những nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước... Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.
Ở đó, siêu thị chất đầy những dưa hấu, dưa kiệu dưa hành bánh chưng, bánh tét, liệu ở đó, có ai bán một mùa gió cho tôi ?
Người nhà quê
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư
Họ là ai? Là những người đi vệ sinh không nhấn nút xả nước dội cầu, mang dép vào nhà mặc cho nền gạch bóng lộn. Vì “mù” luật giao thông, họ lừng khừng qua đường trước mũi xe ta (ngay cả lúc ta quyết định dừng lại nhường họ qua thì họ lấm lét rụt lại không thèm đi tiếp nữa). Họ hà tiện, thích ăn những món rẻ tiền bên đường, kém vệ sinh. Mặt mũi họ luôn đen đúa lem luốc, răng đầy bợn. Họ ăn mặc đơn điệu, luộm thuộm, có chưng diện cũng thô thiển, quê mùa, từ đôi bông tai vàng choé cho tới kiểu tóc uốn dợn. Họ viết chữ cực xấu (vì đôi khi trình độ chỉ tới lớp ba nhưng khoái nói chuyện chính trị văn hoa), họ cả tin vào chuyện thần thánh vẩn vơ, những tin đồn buồn cười, vô căn cứ...
Họ gây cho ta một sự khó chịu cả khi bày tỏ tình cảm, khi cố nài ép ta phải nhận món quà là buồng chuối chín, hay dăm ba trái dừa khô (ở chợ, ta cần chi những thứ này, khi mà món ngon vật lạ bày đầy ra trước mắt), đôi lúc họ còn dúi vào tay ta một con vịt ốm nhách, hôi hám, lấm láp phèn.
Hình ảnh họ là một vệt lấm lem trên cái nền thị thành rực rỡ, như sẵn tay ngoáy mũi rồi bôi bừa lên những bông hoa lịch lãm và sang trọng. Và mỗi khi có cảm giác khó chịu với người nhà quê, mỗi khi lườm nguýt, cười cợt họ, mỗi khi chen vào con đường lúc nhúc xe cộ, buộc miệng mắng nhiếc họ "Bộ muốn chết sao mà chàng ràng đây?", tôi đều tha thứ cho mình.
Nhưng mười một giờ trưa ngày thứ hai rồi, trên đường về nhà, người đi cạnh tôi tạt câu nói đó vào một người quê (thật dễ nhận ra với áo bà ba nâu khoác ngoài cái áo túi đã phai màu, tay xách giỏ đệm) lủi thủi đi trong khói nắng, tôi bỗng nghe nhói ran. Bỗng thấy giận cái người đã buông lời đau như ném đá.
Bỗng thấy tôi đã thay đổi, đến giật mình.
Đến ngơ ngác, không biết người nhà quê trong mắt tôi đã khác tự hồi nào, sao tôi lại ngoay ngoắt thương yêu họ đến thế kia. Họ có khác gì đâu, vẫn nghèo, lam lũ, cục mịch và bỗ bã. Những mùa mưa, tôi thấy họ ngồi khóc bên đống lúa ướt đã lên mầm trắng xóa. Tôi thấy những phụ nữ dầm mình dưới kinh, bẻ rau muống ra chợ bán, món tiền cho một thúng rau chỉ bằng tô phở sáng của tôi. Con nít đi kéo tép rong bị ong nghệ đánh sưng mắt. Tôi thấy những bữa cơm nghèo, người già, trẻ nhỏ cũng chỉ rau luộc chấm nước chao, hay mấy con cá lòng tong kho tiêu, mặn và khô quắt. Tôi thấy những vách nhà gió xé tơi tả, trống lỗ trống hang mà họ không tiền sửa, bộ vạc nằm ngủ cũng chỉ cây ván vụn ghép tạm. Những mùa nắng, tôi thấy họ gánh nước tưới rau hay đào đất sên vuông giữa trưa nóng rẫy. Cả đống lúa nhễ nhại mồ hôi, thành quả lao động ngót ba bốn tháng ròng chỉ đáng giá một tiệc nhậu của người thành thị. Nên họ đi qua mùa nông nhàn, mùa giáp hạt bằng cách bắt chuột đồng, hay đào củ năn để bán.
Những món quà họ dành cho tôi cũng chẳng sang trọng lên chút nào. Vẫn chuối, dừa, ổi, mãng cầu chín trong vườn nhà, họ dúi vào túi xách khi tôi xuống bến. Có ông cụ còn tặng tôi một mặt thớt mù u, tôi đem về quẳng vào một góc. Sau này, nghe tin ông mất, vì bệnh uốn ván (mà người ta hay gọi là "phong đòn gánh"), nghe rằng, ông đạp phải một cây phảng sét. Tôi lấy đinh đóng vào tường treo mặt thớt ấy lên, không biết đau ở đâu mà suýt rơi nước mắt.
Những người nhà quê, họ là ai ? Những chuyến công tác ở vùng đất xa ngái của quê nhà đã giúp tôi vẽ lại họ một chân dung khác. Họ nhọc nhằn cả đời để rồi cả đời nghèo khó, thiệt thòi.
Tôi ngả lòng về phía họ khi nhận ra điều đó ?
Hay vì một bữa, đứng ở Sài Gòn, tôi đắng đót nhận ra mình cũng là người nhà quê, mình chưa và không bao giờ từ bỏ được sự thật đó. Ngay lúc ấy, tôi bỗng nghe thèm được ai đó cầm tay dắt qua đường, mà không, một cái nhìn ấm áp thôi, cũng được...
10/2005
Xa Đầm Thị Tường
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư

Mình ngờ ngợ là mình đã quên cái gì nơi ấy.
Lục lạo lại thì đúng là mình có bỏ lại cây bàn chải đánh răng. Nghĩ lại, cây bàn chải đánh răng thì nhằm nhò gì, mà mình bứt rứt khó chịu như vậy. Mình vẫn còn cảm thấy bỏ lại một cái gì đó, khác hơn và lớn hơn, sâu đậm hơn nhiều.
Vậy thì có phải mình để lại Thị Tường một mùa gió chướng không?
Là vì? Mình về Thị Tường ngay đầu mùa gió. Chướng về lặng lẽ, nửa đêm nghe hây hây trên da, trên tóc. Nằm trong căn chòi giữ lú giữa đầm nghe gió lạc xạc trên nóc. Mấy cái đuôi lá xao xác, nước biển như chỉ chờ có vậy, chạy từ cửa sông ông Đốc qua kinh xáng Bà Kẹo, le liếm lan vào dòng ngọt. Thức dậy ngậm một ngụm đã nghe mặn cứng môi, vậy mà hôm qua mình còn lấy gáo múc lên rửa mặt. Nước đang lợn cợn đục bỗng trong vắt, phớt đỏ, người ta chép miệng, “Mới đây là nước “chè chè” rồi”. Chim én không biết về trước gió hay sau gió mà đậu chiu chít trên mấy đống chà. Nghe gió về, người Thị Tường hy vọng rất nhiều, rất nhiều mùa tôm cá đang đi tới.
Người Đầm Thị Tường làm lúa suốt năm nhưng trúng mùa nhất là vào giờ này. Lúa ngoài đồng sau đang xanh lá, có vạt trổ đòng đòng đất, chờ ngọn gió lao rao lạnh là đốn tre xuống lú. Miệng lú rộng tròn như miệng thúng, rộng hơn một tí, bao quanh bằng lưới. Lú giăng ngang Đầm, miệng nằm giữa hai cái ven lúc nào cũng hướng xuôi theo con nước đón luồng tôm. Con tôm ngộ lắm, tụi nó lội ngược, thấy ánh đèn treo trên đầu lú, tôm de đít vô. Không thể đếm có bao nhiêu ngọn đèn trên Đầm vào mùa này. Nhưng người Thị Tường biết rành lắm kìa, ngọn đèn kia là của một đôi vợ chồng son, đem theo là để xem lại album ảnh cưới, và tối nay đã có một vạt đèn vừa tắt ngấm của một cụ già nhất xóm chiều hôm qua đi vào cõi vĩnh hằng. Thị Tường trút bỏ vẻ lãnh đạm, ơ thờ ban ngày để trở thành một thành phố đêm rực rỡ. Thành phố của những người làm nghề hạ bạc. Những ngọn đèn chong mắt thức sáng đêm. Những ngọn đèn đứng yên mà như hấp háy trôi mãi, trôi mãi. Ửng mờ mờ những khuôn mặt người nhòe trong bóng nước. Thất tình cũng không thèm buồn. Cuộc sống đẹp thế, vui thế cơ mà.
Mình tiếc sao năm ngoái, không về mùa này, về ngay gió nầy. Khi đêm hoa đăng không mặc cảm với trăng đã từ từ giếng giăng sáng mặt Đầm. Mình thả xuồng ra đó chơi.
Ra Đầm, mình sẽ thấy mùa xuân đang tiến đến gần hơn bao giờ hết. Bờ lá dừa nước xa xa, mờ mờ sẫm. Bầu trời xa lắm. Mặt nước mênh mông. Mình cứ nằm soãi chân, tay gối đầu lên sạp xuồng, cần gì khua đầm, gió đẩy mình đi, linh đinh trong lòng nước. Sóng vỗ lốc bóc vô mũi xuồng. Dạt xa bờ, gió không khuất rặng dừa nước dày bịt, nên sóng cồn cào, nằm trên sạp đóng băng gỗ cau lão, nghe sóng nhảy nhót hấp hé be xuồng. Đầm Thị Tường bao đời nay không sâu lắm, nước có chỗ le đé ngực, có chỗ chỉ đém lưng quần, tại gió thôi mà hôm qua chiếc xuồng buộc ngang hông chòi, bị sóng đánh chập chã một hồi, chìm lỉm, còn dây buộc vướng lại nên cái mũi ngóc lên trời.
Tại gió mà có nhiều đêm không đốt đèn được, gió thổi phù phù. Gió giật hiu hút. Gió tháng Ba mang hương cà bắp, mùi hương dân dã bay ra từ bờ lá đang trổ rộ lưỡi mèo phèn. Gió tháng Sáu mang từ trong xóm quê mùi rạ tươi thơm, mùi rơm giòn đượm. Gió tháng Chạp bát ngát hương nếp mới, nghe rõ ràng nhịp chày hì hụp quết bánh phồng, những nhịp chày ròng rã. Những chiếc đệm, chiếc chiếu trải rộng trước sân nhà, dưới nắng phơi bánh phồng vàng óng màu mật ong.
Tại gió này nước cũng ngấp nghé lên. Không sôi réo ồn ào mà lặng lẽ. Rất lặng lẽ. Đêm ấy, nằm chò co trong chòi mà đang mơ thấy một người, nghe lưng dưng không lạnh ngắt. Lớ ngớ bò dậy thì nước lên đã ướt đầm lưng rồi. Cái cà ràng chị mình để trên sàn đang nấu cơm buổi sớm ngập nước rã ra làm ba mảnh. Chị mình buồn lắm, không biết có phải tại cả nhà bữa này ăn nồi cơm nửa sống nửa chín hay tại thương cho số phận ba ông Táo, nông nổi như vậy mà còn phải chia xa.
Nhưng mình vẫn còn quên cái gì ở đó vậy cà?
Không, mình có đem về quà xứ Đầm. Mình nhớ lời chị T. nói hôm trước. Chị ngồi tả, vừa tả vừa chắc lưỡi ngọt sớt: “Trời ơi, giữa trưa mà ăn cơm nguội vớì ghẹm muốỉ còn gì bằng, mà phải muốỉ cho thật mặn nghe,(chắc lưỡi), ăn đã dữ lắm. Còn mắm thì làm hai món: nấu ninh lược nước làm lẩu, ăn với cá rô, cá phổi, khổ qua, rau thì có rau đắng đất, cải xanh... mắm chua thì ăn sống. Mắm cá nâu ác bống nhỏ tẳn mẳn để nguyên con, trộn gừng, đường cát, vắt tí chanh. Gắp một con mắm cặp với chuối chát, khế xắt lát mỏng dính mà ăn, (chắc lưỡi), nó ngon hỏng biết làm sao mà nói. Vừa chua vừa ngọt, vừa chát vừa cay, tả một hồi bắt thèm”.
Mình nghe chị tả, hiểu lòng chị, xách về khệ nệ nào mắm, nào ghẹm. Ở Đầm, vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi. Ở Đầm người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy. Rồi hỏi về mắm, dù mùa cá hội đã qua lâu lắm rồi nhưng nhà nào cũng còn hũ mắm chưa giỡ, chỉ cần hé cái nắp đậy một chút đã nghe thơm lừng lựng mũi. Cái xứ ngộ, con người nhiệt tình, chưa kịp nói gièm thì đã dúi vào giỏ biểu mang về rồi. Tình thật, mình muốn mang về đâu phải bao nhiêu đó. Một buồng dừa nước cơm thơm, con cua gạch son, một mớ tôm bạc, tôm càng, một con cá dứa... cho bạn bè mình biết cái xứ mình hào phóng cỡ nào. Cho những người xa Đầm Thị Tường nhớ đến ứa nước mắt khi nhìn tại những món ngon năm cũ.
Có rất nhiều người từ Đầm Thị Tường ra đi. Đây Tân Phong, Đất Cháy, Kinh Một, Hai, Ba, Tư, Vịnh Dừa, Giáp Nước. Bà Ký, Thọ Mai, Vịnh Trăn, Mũi Mắm... những cái xóm nhỏ bình thường, cái tên cũng bình thường nhưng là vùng căn cứ nổi tiếng thời chống Pháp, Mỹ. Xứ ủy Nam kỳ ở đây, Tỉnh ủy nằm ở đây, các báo kháng chiến nằm ở đây, Xóm làng che chở. Trực thăng, máy bay địch không biết bắn phá ở đâu chiều về quẹo lại Đầm xả bom đạn chơi vậy, cũng không cần mục tiêu gì, bỏ xuống cho nhẹ lái, vì khát máu nên họ thấy cái đẹp mà không biết nâng niu, cảm nhận.
Hồi đó sao người ta thèm nhiều chuyện “độc” vậy không biết. Thèm buổi sáng ngắm mặt trời mọc từ Đầm, buổi chiều khập khựng úp mặt về mũi mắm cuối Đầm, thèm nhìn một bầu trời tinh tươm không bóng bầy ác điểu đen xì. Thèm thả xuồng ra Đầm, mang theo một ít ghẹm muối nguyên con, thịt non mềm, một tay cầm củ gừng một tay cầm con mắm cứ cắn gừng một miếng, cắn mắm tnột miếng mà lai rai dưới trăng. Có cầu kỳ gì đâu, có đòi hỏi gì cao sang đâu mà vì bom đạn chiến tranh vẫn không làm được.
Bây giờ những người từ Đầm Thị Tường ra đi có còn nhớ không? Đất và những con người hào sảng đậm chất Nam bộ. Đàn ông nhậu một mâm thì đàn bà cũng một mâm. Đàn ông say thì ca vọng cổ (đôi khi cũng buồn tình đập chén, đánh vợ không kể), đàn bà say chỉ nhảy múa cho vợi hơi rượu đi. Người dân móc ruột mình ra mà nuôi cán bộ, sống chết với cách mạng. Không đếm được bao nhiêu hy sinh mất mát của người dân xứ Đầm. Rồi có còn nhớ không những cơn gió?
Mình vẫn còn thấy quên, thấy xon xót trong lòng, có phải vì một bờ lá ven đầm bắt đầu nham nhở... Đứng bên này bờ Đất Cháy đã nhìn thấy lồng lộng những mái nhà trắng xám phía bên kia Phú Mỹ. Người dân phá lá ngoài Đầm, phá vườn trong xóm làm vuông, nuôi tôm. Những rặng dừa nước giao ngọn, âm u hoang sơ ngày xưa đã mất. Mình đứng tiếc. Có phải vì mình “văn nghệ” quá không? Có phải mình phi thực tế không?
Đầm Thị Tường vẫn là vùng nước mênh mông, vẫn như trái tim nối những mạch máu kinh rạch đi trăm ngả. Ừ, nhìn qua thì cũng như ngày xưa. Nhưng không, ngày ấy ông cố mình sinh ra mười người con, ông ra Đầm cắm đăng đặt đó, vậy mà thảnh thơi, mười anh em của ông nội mình cùi cụi khôn lớn, dựng vợ gả chồng và mỗi người lại sinh ra một đàn con khác. Ông nội mình lại ra Đầm, bắt đầu dầm dãi, nhọc nhằn. Đến đời ba mình thì không còn những mẻ tôm nặng ký. Chuyện cá tôm nhiều vô kể quanh năm, chuyện một chiếc xuồng con với vài tay lưới có thể nuôi cả nhà đã quá xa vời. Chuyện xuồng đi tới đâu, đàn cá nược đuổi theo đến đấy, dường như chỉ là cổ tích.
Ngày trước cứ năm trăm mét là một hàng lú, bây giờ là một trăm, những nò, những chà,... lưới chi chít mặt Đầm như một ma trận. Tôm cá thiên nhiên cạn kiệt. Mình xin mọi người đừng trách cứ Thị Tường ở bạc. Chúng mình thở gió Đầm, ăn con tôm, con cá trong Đầm, mặc cái quần, cái áo, từ Đầm mà lớn lên. Mai mốt này chúng mình tại vắt kiệt sức thiên nhiên để nuôi đám con chúng mình khôn lớn y như vậy.
Mình sợ ngày ấy, Thị Tường sẽ khác bây giờ. Nuôi tôm có thể nhiều nhà ngói, nhà lầu, có thể nhiều tiện nghi hơn bây giờ. Và vườn dừa cao vọi trong xóm không còn nữa, rặng dừa nước bao bọc ôm ấp con Đầm, nơi con cá kèo chạy giỡn rượt nhau, con tôm bạc ẩn mình... không còn nữa. Con người tự bào chữa, trấn an mình, tại không sống được vào nó nữa rồi chớ nào muốn làm cho vùng Đầm đánh mất nét duyên dẻ bao đời.
Mình sẽ trở lại Thị Tường, đứng bên bờ xáng, nơi có bụi ô rô lá võ vàng. Mình đứng đó trong lồng lộng gió, gió không hương. Mình đứng đó trong vàng dãi nắng, nắng cô hồn.
Mình sợ phải nhìn thấy Đầm Thị Tường vốn từng nhớ thương sâu sắc trong lòng đưa tay vẫy cái chào xa mãi.
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư

Tôi định hôm nào về xóm Chẹt, ghé lại nhà quen, uống một bụng nước mưa đã đời xong rồi nằm chò co chỗ bộ vạc đằng trước nhà ngủ một giấc thật sâu. Rồi nghĩ, chắc là không ngủ được, vì nhớ...
Tôi chắc dù đất xóm Chẹt có thay đổi cỡ nào, tôi có già cóc thùng thiếc đi, mình vẫn nhận ra ngôi nhà ấy, ngôi nhà của một bà già hiền như bà nội, bà ngoại mình. Tôi không nhớ rõ khuôn mặt của bà, có thể mặt bà đầy những nếp nhăn, có thể lưng bà còng, có thể bà cũng nhai trầu bỏm bẻm như bao nhiêu bà má quê khác. Cái tôi mường tượng rõ nhất là đằng trước nhà bà, chỗ sát hàng ba, lúc nào cũng có cái lu nước mưa với bộ vạc cau và hai cái đôn sứ hình con voi đã gãy mất vòi.
Hồi đó, lần nào đi học ngang tôi cũng ghé lại. Uống một gáo nước mát dạ lúc khát khô, ngồi nghỉ cho chân đỡ mỏi vì đường xa, đụt mưa, trốn nắng. Đã bao nhiêu năm, bao nhiêu lượt người ghé lại, đám học trò nhỏ ngày xưa đã sắp bạc tóc dài râu, qua nhà lại nhớ bà, già mà thiệt thính tai, nghe chúng tôi khoả gáo đã biết nước dựt tới đâu, mau mau hối con cháu châm đầy cho tụi nhỏ dễ múc. Cái nắp lu bằng sành bà sợ nặng, ngồi tỉ mẩn chầm lá để đậy, nên nước trong lu mát lạnh tới tận óc, ngọt ngào, lại thơm thoang thoảng mùi cà bắp của đám dừa nước ven sông. Cái gáo đen mịt cúi đầu chổng mông lên cây trúc cặm kế bên cũng thơm ngây ngấy mùi gỗ đã ngâm nước lâu ngày.
Bộ vạc đằng trước đã thay đổi nhiều xác cau. Có bữa ghé đụt mưa đám học trò chúng tôi buồn tình ngồi vẽ trâu, vẽ sáo, ghi chi chít “con Út Cò Hương + thằng Bầu = hai vợ chồng”... Vạc cũ dỡ ra bà biểu con gái đem đi chụm củi hết rồi, từ bấy đến nay không biết con Út Cò Hương có lấy thằng Bầu không nữa?
Nhà bà đã một lần bị bom, một lần bị bão, mấy đận cất mới, mấy lượt sửa sang, nhưng có thay đổi mấy bà vẫn nhắc con giữ nguyên cái lu với bộ vạc. Và một ngọn đèn, ừ, thêm một ngọn đèn chong...
Đèn chỉ tắt những đêm tối trời, trăng sáng rồi thì cháy đỏ một tháng hai mươi mấy ngày. Hồi đó, đồn Chẹt đóng kế bên nhà, hễ chạng vạng là đám lính thấy bà đem cái đèn (loại dùng để đặt đó) ra treo ngoài hàng ba. Bọn giặc sợ, theo tra hỏi hoài, “Làm ám hiệu gì cho Việt Cộng vậy bà già, hay là soi đèn cho tụi nó bắn tỉa tôi?”. Bà cười ung dung: “Ám hiệu ám hiếc gì đâu, tui treo đèn là để mấy đứa nhỏ đi đêm khỏi sợ”. Đèn nhỏ, ngọn lửa chỉ le lói đỏ nhưng lạ lùng, đêm càng tối đèn càng sáng lung linh. Cái vầng sáng đó hắt ra tới tận bờ lá, nhuộm hồng cả một khúc đường. Tối nào má tôi sai đi mua dầu hôi, nước mắm ở quán chú Sồi, tôi cắm đầu chạy đến đây thì dừng lại thở, nhìn cái đèn với một lòng biết ơn mênh mông. Tôi thắc mắc sao ai cũng cần ánh sáng mà lính đồn Chẹt thì không?
Hàng ba nhà bà, không chỉ một mình tôi nhớ. Nhiều lắm những người khách bộ hành xuôi ngược. Người buôn bán ve chai lông vịt, người đi bán tranh thờ, bán chiếu... những thợ gặt xuôi về xứ khi lúa hết mùa... những người đàn bà tan buổi chợ trưa... người ta nhớ hoài, thương hoài cái hàng ba thơm thảo đó.
Phải đợi lớn lên, tôi mới nhận ra, bà dành cho những người qua đường chúng tôi không chỉ lu nước mưa, cái vạc cau và cây đèn chong. Cái không gian nhỏ nhoi dưới mái hiên đó giống như tổ ấm của mỗi người với đầy đủ nhu cầu tối thiểu, có thuốc uống, có chỗ nghỉ chân, có ánh sáng... Phải đi về sống nơi phố thị, tôi mới nhận ra, cứ bước chân ra khỏi nhà - công sự của mình (dù có khi chỉ để đi... nhậu) là lòng lại thấy chẫng hẫng, chơ vơ, không hiểu vì nỗi gì! Nhìn những hàng rào cao ngất, kín bưng bọc lấy ngôi nhà hai bên đường, bỗng thèm được đi qua xóm cũ, ghé tạt vào hàng ba quen thuộc, uống một ngụm nước mưa giữa mùa, ý trời, nó mát thì thôi đi chớ...
Có khi bỏ nón ở đâu không nhớ, bỏ tiền túi nào cũng không nhớ mà lại nhớ mấy cái chuyện cũ bên trời này, ngặt thiệt.
Trăm năm bến cũ con đò
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Cửa sau nhà tôi trông ra sông. Tôi thường ví đó là một khung tranh, và bức tranh biến đổi không ngừng, có lúc nó hiện lên những chiếc tàu cao ngệu, hùng hục đi qua, che khuất cả dãy nhà sàn bên kia sông, có lúc hình ảnh lại xa vắng với vài chiếc vỏ lãi dài nhằng, bé teo mong manh chở đầy nhóc dừa, chuối... Nhiều khi bức - tranh như bị trĩu xuống khi buộc phải vẽ mấy chiếc xà lan ngược nước è ạch khẳm lừ, gầm gừ... Nhưng cảnh có chuyển động thế nào, trong bức tranh cửa sau của tôi, vẫn luôn có hình ảnh một chiếc đò thầm lặng chờn vờn trên sóng nước.
Bến đò nằm cạnh nhà. Có thể nghe được tiếng bước chân người xoèn xoẹt lại qua, nghe mũi đò chạm lịch kịch vào bến, và tiếng chèo chém ngọt vào mặt nước những lát cắt dày. Và nhiều khuya nghe tiếng gọi đò xao xác, tôi đã nghĩ, phải mình là đạo diễn, thể nào cũng làm phim về cái bến, con đò.
Trong hình dung, đó là bộ phim giàu hình ảnh hết biết.
Trèo lên một chỗ thật cao, tôi sẽ bắt đầu "bộ phim tưởng tượng" của mình bằng cảnh các con sông giao nhau cắt thành phố bằng năm ba mảnh, gặp chút đó rồi lại thao thiết chảy đi. Nằm rải rác dọc theo những khúc sông, khúc kinh có hàng trăm bến đò ngang dọc. Mỗi bến có một cái tên khác nhau như Đậu Đỏ, Cầu Chùa, Rạch Rập, Công Chánh... nhưng giống hệt ở lối đi xuống hẹp và hơi tối. Bậc lên xuống bằng bê tông bị sóng mài mòn phô lớp đá nhỏ bên trong, nhờ vậy mà đỡ trợt chân. Những người phụ nữ đi chợ sáng về, rôm rả chuyện trò trong lúc chờ qua sông, tôm cá quẫy trong giỏ lách tách.
Và con đò, nó tới kia. Một đám trẻ con vai quàng khăn đỏ đứng ngồi lóc nhóc đang qua bờ bên này. Những chiếc đò đóng theo kiểu tam bản vững chãi, ít chao lắc. Hai bên be, đằng mũi đều được bọc vỏ xe để khỏi sờn khi va vào bến. Có chiếc còn đỏ au lớp dầu trong, có chiếc đã nhiều năm dầm mưa nắng sạm đi, khô rốc, nứt nẻ. Chiếc đò cũng già đi như người chèo nó. Cũng buồn, cũng mệt mỏi, cũng làm công việc nặng nhọc, chở người đi, về.
Nhưng dòng chảy của sông đã làm công việc người chèo đò bớt đơn điệu. Sông quê tôi không rộng nhưng sâu, đôi khi nước đứng lờ đờ, lúc ròng lại nôn nao chảy xiết. Khéo lèo lái, chỉ cần khẩy nhẹ vài lát chèo là đã qua bờ, nên ngoài sức mạnh của đôi tay còn phải nương theo nước, theo gió. Cái "nghệ thuật" chèo đò cũng lắm công phu, đừng có ai dại dột cậy mình biết chút đỉnh chèo chống hồi còn ở quê rồi xung phong chèo đò thử, coi chừng quê độ à nghen.
Đôi lần, thử gồng mình thót lên đôi chèo dưới cái nắng Cà Mau rát, gió Cà Mau khô, tôi lại thương người chèo thêm một chút. Và hình ảnh họ trong "phim" tôi luôn mạnh mẽ, tươi tắn, dù khuôn mặt có đen sạm, dù đôi tay vồng lên những đường gân guốc, dù họ chỉ khoác một manh áo bạc, và lai quần xoắn tít vì không được ủi, lâu ngày.
Trong cái phim tưởng tượng đó, tôi ao ước được vào vai người ngồi trên bến thu tiền, một bà cụ còng queo, như hầu hết người làm công việc này đều già (nhận xét này cần được kiểm chứng lại, cả câu hồi trước tôi hay nói là tất cả cây cỏ dại mọc trên đất quê nhà đều trổ hoa màu tím biếc, tôi cũng không chắc đâu à nghen). Chỗ tôi ngồi có một chiếc võng con giăng ngang căn chòi de ra mép nước. Cái thùng đựng tiền đã lên nước bóng ngời đặt trước mặt, thùng ngăn làm nhiều ngăn nhỏ, mỗi ngăn đựng một loại giấy bạc hai trăm, hoặc năm trăm...
Không khó để tôi vào vai nhỏ đó, bởi buổi chiều nào giữa đời, tôi cũng nhìn thấy bà cụ ngồi thu tiền đò bên kia sông. Quen thuộc, đến nỗi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy rõ cái cười móm mém và ánh mắt hóm hỉnh, tinh quái của bà. Hai mươi năm đưa đò, cái ngày không còn quạt nổi mái chèo, bà lên bến (chứ làm sao xa được khúc sông này). Ngày ngày, bà ngồi nhìn cuộc đời cuồn cuộn đi qua, chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi cuộc đời, người già già đi, bọn nhỏ lấy nhau sinh ra nhiều thiệt nhiều đứa trẻ. Và những đứa trẻ lớn lên ... Có người qua đò rồi quay về, có người không trở lại. Bến đò, cũng là nơi nhiều đứa con gái qua sông lên thành phố rao bán mình trong những "chợ vợ", để lại mấy thằng con trai chiều chiều ra bến đón đã đời mới ngơ ngác, trời ơi, mình đang chờ ai đây. Bến đò, cũng là nơi anh cán bộ phường ngày xưa thường qua, rồi anh lên thị xã, ai đó mừng, "thằng chả mà làm lớn thể nào cũng bắc cây cầu qua xóm mình. Thì kinh nghiệm, ông lớn nào đường vô nhà cũng ngon hết". Ai dè, lúc anh "lên" tới tỉnh, anh qua đò rồi đi luôn một nước. Xóm bên sông nghèo vẫn hoàn nghèo, ọp ẹp và buồn hiu.
Mới lấy ví dụ có vài khuôn mặt người mà đã thấy cái bến đò sinh động biết bao. Và vai bà cụ tóc trắng ngồi miên viễn trên bến đáng cho tôi hoá thân vào biết bao (dù có một chút thiệt thòi là sẽ rất... xấu xí). Tôi mà được ngồi ngay cái võng đó, không cần diễn, sẽ ngấm ngay nỗi vui của một người lương thiện, vui vì không làm gánh nặng cho cháu con, vui vì được làm nhân chứng cho đời... Khi đôi bàn tay gầy guộc của tôi vuốt lại những tờ bạc lẻ nhàu nát lem luốc mồ hôi, dầu nhớt.. để nộp thuế cho đằng phường, nghĩ tới mấy vụ tham nhũng động trời ngay tại quê mình, nghĩ tới những bữa tiệc vung vinh tiền triệu, chắc cái mặt tôi buồn hết biết, mà tôi còn khóc, hỏng chừng...
Cửa sau nhà tôi vẫn ngó ra sông, tôi vẫn ngày ngày ghi vào lòng mình bộ phim tưởng xong mà hoá ra dang dỡ mãi. Người qua đò mỗi ngày mỗi khác, có người tốt lên, có người xấu đi. Làm sao ghi hết những hình ảnh đó ?
"Phim" chưa xong, vì bến đò vẫn còn, vì cầu xây lâu mà vẫn chưa xong. Để đêm đêm tiếng gọi đò lại cất lên, những âm thanh ồn ào của đô thị lập tức ngưng phắc, chết ngắc, dường như một nửa thành phố - mấy rẻo đất buồn bên kia những dòng sông vừa lên tiếng...
Mơ thấy mùa đang tới
Nguyễn Ngọc Tư

Nếu cuộc sống của bạn đã mệt nhoài, nếu rã rượi với công danh, chức tước rồi, nếu ho khan với khói bụi thành phố rồi... thì về quê tôi làm một tour du lịch dài ngày, dài cả năm, sống vật lộn làm một thuở nông dân chơi. Tour của tôi không kén khách, bạn có thể đã từng là nông dân nhưng bây giờ thì quên mất, bạn có thể chưa một lần đặt chân xuống sình đất quê hương, chưa biết sống đời nông dân như thế nào... Tôi chấp nhận hết.
Tôi sẽ dẫn bạn về gặp má tôi. Má tôi sẽ dẫn bạn đi hết một mùa của má.
Má tôi ấy à, bà là một người nông dân chân chính.
Ai quen với cái "e" hễ nói tới nông dân là phải rằn vắt vai, chân đất đầu sương, móng tay ám khói thuốc gò thì má tôi là người rất khó hình dung. Bà mập mạp, hồn hậu, ăn mặc giản dị nhưng đẹp, không thô ráp như nhiều phụ nữ quê khác. Bà không ăn trầu, uống rượu (đừng thất vọng, má tôi không uống thì bạn uống với tôi). Bà đi nhiều, hiểu nhiều chứ không suốt đời chôn chân mình vào một chốn quê. Bà chăn dắt đám ruộng chưa tròn mười công đất chứ không như nhiều nông dân khác ruộng đất ròng ròng mấy chục công cúm núm chiều về bay lạc ổ. Nhưng má tôi vẫn là người nông dân, bởi đã sống cực nhọc, lam lũ như đời nông dân lam lũ, cực nhọc.
Gật đầu rồi thì hãy đi với tôi. Tốt nhất bạn hãy làm cùng má tôi, hụ hợ thôi nhưng đừng đứng nhìn bởi vụ lúa mới này má tôi làm công việc như mùa trước, trước nữa, khác nhau chỉ vài thông số kỹ thuật, tuyệt má tôi không biểu diễn. Không biểu diễn thì làm sao đứng coi được. Nào, đi từ bây giờ, ngay bây giờ. Bởi vì má tôi không chờ bạn. Bởi vì bây giờ là tháng Tư. Mùa Tết còn nắm níu mấy giồng dưa hấu muộn chưa nhổ gốc thì mưa đầu mùa đã gióng giả vuột bụi trên cây lá, việc của má tôi, tour của bạn bắt đầu.
Mài cây chét cho bén, mình đi làm cỏ bờ. Chỗ bờ đứt thì ôm những lát đất tươi ngon đã cày vỡ từ mấy tháng trước chất lại đó. Tin má tôi đi, đất khô gặp mưa sẽ rỡ ra thành bờ chắc núi. Rồi máy cày bác Tư Chợ bừa tơi đám ruộng, bạn coi má tôi ngâm giống ủ giống. Kinh thuỷ lợi thì xa mà ruộng nhà lại nằm trong, chuyện gì má cũng làm trước bà con xung quanh đó, làm trước nước có đường ra. Đặt máy bơm tát lòi đất gò, phía này, ốc bươu vàng dồn xuống, có việc rồi: bắt ốc. Chân thụt sình, khom lưng, căng mắt mà bắt. Tụi nó bò lừ đất đi đằng trước nó bò đằng sau. Đừng bực dọc đừng nản lòng. Má tôi dạy rằng “có công mài sắt có ngày nên kim”. Năm 1998, năm đầu tiên đồng đất Bà Điều quê tôi chứng kiến cuộc tiến công tàn bạo của ốc bươu vàng vào đồng ruộng. Tôi đi học xa. chiều thử bảy đi xe từ Sóc Trăng về để bắt ốc. Cả nhà bắt ốc. Cả xóm bắt ốc. Cả tỉnh bắt ốc. Lúc sức trẻ tôi đuối rệu rã thì má tôi vẫn chăm chắm từng con ốc theo mỗi bước chân thụt lút dưới sình. Má tức: “Đất xứ mình bao đời nay đâu có đẻ ra nó, chỉ tại nước ngoài người ta đem qua...” . Má đinh ninh: “Má nghi bên Thái Lan thấy mình làm ruộng giỏi quá, sợ mình xuất khẩu gạo hơn họ nên họ thả ốc qua phá mình chơi chớ gì...”. Trách con người nào vô tâm đem mấy con ốc về nhậu nào ngờ đâu nó nhậu lại nông dân mình. Do chủ quan, chưa biết sức “địch” nên đợt giống đầu ốc lượm sạch, bây giờ lượm lại ốc để gieo sạ đợt hai. Đó là lúc tôi thấy má tôi tội nghiệp như nàng Tấm bị mẹ con mụ dì ghẻ cay nghiệt bắt nhặt thóc trong gạo khi làng đang vào hội, khi đời náo nức ngoài kia. Má già sọm như trăm ngày góp lại, cái dáng lẻ loi chịu đựng, bộ đồ đi ruộng phèn thấm nào sớ vải chấp chới trong nhoè nhoẹt mưa rơi, mắt tôi nhức, rụng xuống vài giọt nước trong và mặn.
Thấy chưa, chỉ con ốc thôi mà cũng làm cho nông dân đã nhọc lại nhọc nhằn thêm. Con ốc vàng ươm, con ốc đẹp đẽ nhìn đã thấy thèm một chén nước chấm có gừng, có sả, có ớt. Con ốc tròn cùi cụi nhìn đã thấy thèm một chảo ốc xào cari, nước cốt dừa đó cũng đủ sức làm cho má tôi điêu đứng. Nghĩ cũng lạ, hại nông dân là cả bọn mỹ miều, cơn bão số năm Linda mỹ miều, rồi bọn chuột chạy rần rần ngoài bờ kia cũng một phần do mấy cái quán nhậu thịt tiểu hổ mang tên mỹ miều: quán Lan, quán Thắm... Làm nông dân mà, cực từ đằng Đông, Tây đem lại, cực từ Nam, Bắc cực vô, cực từ trên trời rơi xuống. Bạn thấy chưa?
Nhưng rồi bạn hãy tin ở má tôi, lúa lại xanh rì trên đồng. Như bây giờ vậy, mới đây mà lúa đã trải thảm mời người. Má tôi đi thăm ruộng sớm chiều ngày này qua ngày khác. Bạn có thể đi theo nhưng bạn sẽ chán. Má tôi thì không. Má có con mắt thần kỳ thấy cây lúa bữa nay cao hơn ngày hôm qua, cây lúa hôm nay tốt hơn bữa trước. Lúa có linh hồn. Không biết má trao cho đám lúa còn non nớt xanh rới kia bao nhiêu tình yêu thương, bao nhiêu tin yêu hy vọng. Buổi sáng, má đi ruộng. Buổi chiều má đi ruộng. Má tôi có cái tật làm ráng, quên tối. Bà lại hay bị chóng mặt, té. Nên mỗi lần về trễ, ba tôi biểu phải đi kiếm má. Trên đường ra ruộng, tôi lại nghĩ dại. Tôi sợ má tôi té ngụp mặt vào nước. Đành rằng, có một ngày nào đó, má tôi sẽ lại về với đất, nhưng về kiểu này, tôi không đang tâm. Bao nhiêu ý nghĩ đau thương chợt “rụp”, biến tan, khỏa chân vội cầu ao, má khoe bằng cái giọng tếu dễ sợ: “Mấy đứa lên ruộng mà coi, lúa của ai mà tốt lộng lẫy luôn, mê lắm”. Chị em tôi đùa lúa là chồng nhỏ của má. Má tôi chưa từng được phong danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nhưng làm ruộng vào loại giỏi ở ấp Xóm Lớn này. Bác Tám kế bên nhà cứ kình theo má để coi lúa ai tốt hơn. Để thua đàn bà thì ê thiệt. Nhưng năm nào bác cũng thua. Má tôi thắng vì bà có tình thương yêu ruột ràng vào cây lúa, bà tin tưởng mạnh mẽ vào kinh nghiệm nắng sương mấy mươi mùa ròng rã của mình. Để coi, tính mùa này nữa, má tôi làm ruộng suốt ba mươi tám năm. Bà có nhiều kỷ niệm trên đồng ruộng, ngày ba tôi ghé tạt lại theo ông ngoại để coi mắt má, má đang trên đồng, về tới nhà mồ hôi đẫm tóc. Năm nẳm có chồng, tản cư về Đất Cháy, hôm má hay tin Bác Hồ mất, má đang cấy “không hiểu thương làm sao mà nước mắt rớt rớt vậy”, má kể. Rồi cái ngày má được báo tin đất nước mình giải phóng, má đang phát cỏ, làm đất chuẩn bị gieo mạ... Qua bao nhiêu chuyện, qua bao nhiêu năm, qua bao nhiêu mùa, thời gian đó đủ cho một tình cảm thiêng liêng vô hình nào đó níu mấy bà. Lúa vừa ra ba lá, má tôi đã xách cặp vịt luộc tươm vàng để kế bộ đồ lòng cùng nhang đèn gạo muối bên bờ mẩu để cúng Thần Nông. Chén cháo đậu xanh váng mỡ này, tôi mời bạn, chén cháo ngọt lừ.
Phía đó là tâm linh, bạn không học được, bởi bạn chưa máu thịt với mảnh đất này, bạn chưa đủ đức tin. Bạn để ý má tôi chuyện khác, má tôi cũng khoa học lắm. Má phiền: “Sao mình cũng làm lúa mà thua người ta. Cần Thơ bỏ cấy lúa mùa mấy năm, mình mới chạy theo mình sạ. Rồi năm ngoái, người ta bỏ sạ tay, có máy sạ hàng, mình chưa có. Người ta có máy gặt đập liên hợp, mình cũng chưa. Người ta đỡ cực rồi sao mình cứ cực hoài...”. Cực hoài... Lủi thủi đi theo người ta hoài. Lúa chín đợt này, bạn có chở lúa về nhà, mới biết má tôi làm sao mà mơ cái máy gặt đập. Ngày trước thì dùng trâu cộ, mấy mùa nay trâu về thành phố, về quán S.T. làm trâu đun, trâu hầm sả hết rồi. Đồng Bà Điều biền biệt bóng trâu. Bạn chịu khó đẩy xuồng trên ruộng cạn tải từng bó lúa như ba tôi, má tôi đẩy dưới nắng hè. Má tôi đã bao nhiêu năm rồi đẩy vơi vơi trời biển. Lúa về nhà, trời không nắng, phải che lều ni lông phơi lúa. Lều cao thì gió lồng bung, lều thấp thì ngợp, thở hông hốc, thở không ra hơi. Muốn vô trở lúa phải khom lưng. Có đêm nào về nằm ngủ, chân mình mỏi tưởng chân ai, tay mình tưởng tay ai, chỉ biết có mỗi con mắt mình, xốn xang nhiều nỗi. Năm ngoái, má tôi mừng hết lớn khi nghe chính quyền mở một con kinh cách ruộng nhà chừng một công đất, “Sướng rồi”, má tôi hồ hởi, “chở lúa cũng sướng, làm vụ ba nước ra cũng sướng”. Năm nay, không nghe động tĩnh gì, mới biết, đất ngoại ô đang sấp ngửa đô thị hoá, đồng sẽ thành nhà ở, thành chợ, còn làm ruộng đâu nữa mà đào kinh. Mà má tôi, bà con nông dân xứ tôi phải chờ tới ngày dó. Nên má tôi ước máy gặt đập liên hợp (cho dù không biết nó có hợp với đùng đất này không?), má ước có cái máy sấy lúa trong xóm. Vậy thôi. Ước toàn cho cây lúa.
Không biết từ bao giờ, từ thời nào, đàn bà xứ tôi bắt đầu gắn bó với đồng ruộng, có lẽ tại đất nước này chiến tranh ở lại lâu quá. Ngót bốn ngàn năm dựng nước thì đã hơn ba ngàn năm chiến tranh. Nó như dòng sông điên cuồng cuốn những người đàn ông của đồng ruộng chảy phăng về trăm ngả: trong đó có hai người đàn ông của má tôi, tức ông ngoại và ba tôi. Cha, chồng làm cách mạng, má quen rồi đồng áng. Cực vì chồng con nên không buồn. “Anh đi lọng lúa ba bông. Để em cấy lúa giữa đồng lúa khô.”. Hôm qua bạn thấy má tôi chạy xe máy mua phân bón về chứ gì, má kể một chuyện buồn mà giọng rất vui (hay tại giọng má tôi vốn hồ hởi thế ). Má tôi nói: “Mấy đứa ngoài cửa hàng hỏi tao vậy nhà đàn ông con trai đâu hết mà để thím đi chở phân hàng chục bao. Tao nói cần gì đàn ông con trai, cái gì mình làm được thì làm chớ”. Tôi thương má tôi thì thôi đi. “Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi. Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn, Nghêu”?
Bao giờ? Tôi nghi má tôi y chang như bà ngoại, người thương đồng thương ruộng tới lúc tàn hơi. Tôi nghi má tôi mai đây, mắt mờ, nghe mưa đầu mùa day diết trên mái nhà hối đám con cháu coi kêu trục đất là vừa, chân yếu rồi nhưng lây bẩy muốn đi. Ôi! Đôi chân ấy. Một nhà văn đã từng nói: “Đôi chân của những người phụ nữ Việt Nam là đôi chân biết khóc”. Bạn nhìn xem, má tôi cũng có một đôi chân như thế. Chân má ngắn, ngón ngắn mà móng chân cũng ngắn, chỉ rộng bề ngang nên nhìn nó to bè bè. Đôi chân khóc không chỉ bằng hai con mắt nên nước đã không chảy thành giọt thành dòng. Trên vuông đất nhỏ nhoi nằm thỏm trong cánh đồng Bà Điều, là tháng, là năm chân má đầm đìa sình và nước. Lâu lâu, như buổi tối nay, tôi nơ chân má lên cắt móng cho má, lại thấy móng dày thêm sớ phèn che bít cái phần hột gạo đục ở trong, vàng hoe hoe vàng. Dưới gan bàn chân, đằng đầu chai nhiều chỗ, đằng gót thì nứt nẻ như đồng khô mùa hạn. Gió trở bấc, chỗ nức tứa máu, lại nứt sâu hơn. Má cười: “Làm ruộng mà, sao đẹp được con?”.
Xứ này có nhiều người đàn bà giống hệt má tôi.
Xứ này có nhiều đứa con giống hệt tôi.
Tôi là một đứa con không chịu được cực khổ. Làm ruộng không quen, “ghét gió, kỵ mù sương mà ra đường thì nhảy mũi”. Tôi mê chợ. Tôi ăn hạt gạo má tôi làm ra mà không giúp gì cho má tôi. Việc nhỏ là ra ruộng cặm gò tôi làm cũng không xong. Mắt tôi quen bó hẹp trong bốn bức tường, ra trảng, ngắm cho ba tôi cặm gò cũng lệch hướng. Hàng này xọ hàng kia, bạn thấy chưa, khó coi hết biết. Là tôi ỷ có má tôi rồi, có ba tôi rồi. Nhưng tôi quên, ngày ba tôi về hưu, ông không còn bao nhiêu thời gian để phụ má chống vai gánh bớt nhọc nhằn.
Tội cái là má tôi chưa bao giờ buồn vì chuyện đó. Bạn có thấy má tôi buồn chưa? Thăm ruộng về, lúa bị cháy lá, sâu phá má có thuốc trị, không buồn. Lúa thất, là thất đều trời, thất do thiên tai, dịch họa chứ không phải không biết làm ruộng mà lúa thất, không buồn. Má làm mệt, bực bội là rầy mấy đứa con làm biếng, không phải là buồn. Nhưng bạn là người khó ngủ, bạn sẽ biết má tôi buồn lúc nửa đêm về sáng. Ba tôi đi làm việc hàng ngày, chuyện gì cũng đợi lúc này để kể cho má nghe. Ông Y tham lạm tỷ rưỡi, ông X thụt ngân quỹ hai tỷ tư chẳng hạn... những câu chuyện đó làm cho má tôi buồn.
Quen nết nông dân, bà tính, số tiền đó làm ruộng chắt mót mấy đời. Lúa rẻ rề. Một giạ hai mưoi sáu ngàn, một năm trúng mùa được năm trăm giạ. Còn số tiền mấy ông “ở trển” làm mất tính ra hàng tỷ giạ chớ ít sao. Có khi bà buồn vì một chuyện khác, đi Đầm Dơi, bên nội tôi về nghe bác Bảy tôi vổ vuông một đêm năm bảy triệu, má nằm lắc võng than: “Thấy người ta làm vuông ham quá, ngủ một đêm thức dậy bằng mình làm lúa ì ạch một mùa, nghĩ chán thiệt mấy đứa ơi!”. Nhưng rồi sáng hôm sau, khi bạn còn đang ôm mộng đẹp trên giường, má tôi đã thay bộ đồ phèn đi ruộng. Mùa này, má phấn đấu phụ tiền mua chiếc xe Hàn Quốc cho anh ba tôi đi làm, dư dả chút đỉnh, khi tôi lấy chồng bà cho tôi ít chỉ vàng làm của hồi môn. “Nhà mình nghèo...”
Bạn có thể là người đang “ở trển”, đi chuyến này vừa thư thả óc vừa thị sát dân tình, bạn có thể vừa “ở trển” xuống, mệt lử với đại cuộc rồi, muốn vui đời điền viên, bạn có thể là người sắp lên “ở trển” nên tranh thủ chút này hưởng trọn cảnh quê, và bạn có thể là một người bình thường, bạn nên hiểu và nên biết những nỗi buồn, những nhọc nhằn mà những người nông dân như má tôi trải qua. Bạn đừng giận khi má tôi cằn nhằn: “Thuở đời nay, năm nào mấy ổng cũng lên ti vi kêu năm này phấn đấu đạt năng suất cao hơn năm trước, khuyến khích giống mới này trúng hơn giống cũ, vậy mà lúa làm ra trần thân, bán không có giá, mấy ổng đổ thừa tại nông dân làm cho cố làm chi rồi bán không được.. .” Thấy chưa, má tôi nói cũng có lý lắm à.
Thú thật, tôi dắt bạn về đây là đầy ý đồ. Tôi muốn bạn sống trọn một mùa nông dân trước đã, có cực rồi mới hiểu mới thương. Tôi đưa bạn về với tôi, từ đầu Gành Hào chạy về đây theo đường Cà Mau - Năm Căn tròm trèm ba cây số, bạn nhớ đô thị thì bạn về thăm đô thị. Từ đây ra đó ngót ngót ba cây, chạy xe ù cái là tới. Nhưng ở ngoài đó, hai bữa cơm tươm tất trong một ngày của một bà nội trợ yêu chồng thấp gì cũng bằng một giạ lúa của má tôi. Một giạ hai mươi sáu ngàn. Có được một giạ thì phải chờ ba tháng lúa sớm thì cũng tám mươi lăm ngày. Rồi vô bồ để dành tới tháng Chín, né được lúa Vị Thanh, Bình Thủy chưa chín, giá lúa nhóng lên cao lắm là ba mươi hai ngàn, vậy thôi. Má tôi còn có đồng lương của ba tôi hụ hợ, chứ như dì Ba, chú Tám... vợ đau, con đi học, tang chế, cưới gả gì cũng nhờ vào bồ lúa, mà lúa giá bèo vầy, ngóc đầu sao lên? Nên bạn thấy, cái khoảng cách này gần đó mà xa đó, xa đến thẳm sâu. Bạn có cần đi đâu xa, về vùng khỉ ho cò gáy nào không?
Má tôi trăn trở hạt lúa vàng sáng hới rồi, cắn vào răng nghe giòn rồi, chà mẻ gạo đầu mùa cơm thơm dẻo là hết vụ đầu, bạn về đi thôi. Vụ sau vẫn thế, cực thế. Mồ hôi má tôi túa đầm đìa, ướt áo chứ tuyệt không lặn vào trong. Chân má tôi nứt thêm như cho dế ở chứ chẳng lành lại. Cực là bản chất của đời nông dân mà, vui buồn có khi thay đổi do hoàn cảnh, nhưng xoay qua lại thì cũng không qua con ốc, con chuột, do mưa nắng thất thường, do mấy ông “ở trển”... Ai biểu làm ruộng làm chi. Trách bà ngoại tôi ban cho má tôi máu làm ruộng, trách tổ tiên tôi cải cách cây lúa trời thành lúa nước, trách tôi, bạn và hàng triệu người suốt đời mê ăn cơm nấu từ gạo trắng, sống bằng gạo trắng, có quý “phở” như thế nào thì cũng ao ta mà xơi “cơm”... Chỉ hy vọng “mấy ông “ở trển” làm cách nào cho dân bớt khổ”, má tôi nhấn mạnh, bằng cái giọng hết sức tin tưởng với tôi: “mấy ổng hứa rồi...”
Tôi tiếc mình không làm được gì cho bạn trong một chuyến du lịch thơ mộng, hết thảy đều trần trụi, phải không? Thôi không còn con cá rô róc rách ruộng cày, thôi không còn cúm núm nước rơm, không mục đồng thổi sáo... May ra, còn cái mặt trăng bằng cái nia lựng bựng vẹt đám dừa loi ngoi lên phía chân trời, còn bầy cò trên đường về tổ ghé lại thảnh thơi, còn một đêm giông gió bạn ngủ trong căn lều che trên đồng canh nước, nằm trên xuồng nghe lẫn trong tiếng máy bơm có một bầy nhóc nhen kêu bạn rùm trời...
Thôi không cần tính chuyện tiền bạc với tôi, kết thúc kỳ du lịch, tôi khuyến mãi tặng thêm cho bạn một chiếc chuông gió. Tháng Chạp (vì ở chỗ bạn, gió chỉ khẽ như một tiếng rung). Mong nhà bạn có cửa sổ, bạn treo chuông, nghe chuông hát leng keng, là biết gió về, mưa về. Trong gió có mùi cỏ khô cháy ong ong, mùa đốt đồng. Trong cơn mơ bạn thấy cái lưng ai đó (thường nằm mơ khó thấy mặt người). Cái lưng y như lưng má tôi. ba tôi. chỉ khác là còng khẳm một chút, bạn thấy cái dáng đó đang ngồi mài cây chét. Mùa đang tới.

Tháng 5/2000
Cái nhìn khắc khoải
Nguyễn Ngọc Tư

Khoa điện thoại cho tôi từ phòng lab:
- Hình xong rồi, đã lắm. Mày kiếm đâu ra ông già ngon vậy?
Tôi cười, gác máy rồi xách xe chạy lại chỗ Khoa. Những tấm ảnh đen trắng treo trên dây còn đọng nước, giọt rất tròn và trĩu. Khoa nghiêng đầu ngắm:
- Mày coi, hình như, trong mắt ông già này có nước.
- Mày cận bao nhiêu độ rồi?
Khoa mắc cở tháo cặp kính ra, đôi mắt đờ đẫn.
- Hôm trước ba rưỡi, bây giờ chắc ba tám rồi.
- Mắt mày cũng còn ngon lắm.
Khoa lại hỏi tôi cái câu ban nãy, "mày kiếm ông này ở đâu mà thần thái vậy?". Tôi không trả lời, ngước mắt nhìn về những bức ảnh của tôi. Trong mảng tối sáng trong vắt, khuôn mặt một người đàn ông hiện lên, trầm lặng mà sâu sắc.
Và tôi lại thấy mình ở trong một căn chòi chăn vịt cất dựa mé kinh Chiếc. Căn chòi đầy khói. Cái mẻ un ám khói chất đầy giỏ dừa khô. Khói ngùn ngụt khói. Ngồi trên cái sạp ghe đóng thưa bằng tre chẻ thẻ, một người đàn ông ngồi nhìn ra cửa. Cô độc. Gió vụt vụt vô chòi. Ông làm nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa vừa mới chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi. Chòi cặm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho ông nằm. Buổi sáng, ông lùa bầy vịt ra đồng, tay cầm cây trúc không róc đọt, bù xù. Bầy vịt ngàn hai trăm con, ngoi quẫy, vẫy vùng, rúc vào những nùi rạ mới, nhặt từng hột lúa. Con vịt xiêm tên Cộc cũng ào ra cùng bọn chúng, những lúc đó, không phải vì bụng đói, mà vì mùi rạ thơm quá, ngọt quá, ngụp mỏ vào thấy sướng người. Ông ngồi bệt trên bờ mẫu, khăn sọc cũ quấn đầu, nón vải nâu lốm đốm mủ chuối. Ông ngó lũ vịt và vấn điếu thuốc châm lửa, phà khói lên trời. Và trời rất xa xanh, trong. Ông kêu :
- Cộc, biểu!
Con Cộc chạy lại, vẫy nước và cọ đầu vào bắp đùi đen bóng của ông.
Buổi tối buồn lắm. Đêm nào cũng như đêm nấy, lùa vịt vô chuồng, tắm táp qua loa, ông khom lưng thổi phù phù vô cái bếp un cho căn chòi đầy khói rồi nằm đưa võng. Gió vụt vụt vô chòi. Con Cộc lò mò ra đống rơm dập dềnh dưới mé kinh, vùi mình vào đó ngủ một giấc. Nó tưởng lâu vậy, dài vậy mà lúc ngó lên vẫn thấy chao chát ngọn đèn đỏ lòm. Ông kêu:
- Cộc, giận gì mà xuống đó vậy mậy?
Cộc lạch bạch đi lên. Nó ghé ngang cái lưới bao rào vịt, thò mỏ vào mổ một con vịt ta khác. Gây chuyện chơi cho vui. Nó là con vịt chúa gây chuyện. Ngoài những lúc này, nó khá cộc cằn, tư lự. Mấy người bạn lang bạt của ông chụm lại nhậu lần nào cũng nhằn: "Cha nội sống như vầy rầu thấy mẹ, mai mốt con vịt xiêm đó chết rồi, cha sống với ai". Ông cười, "còn thằng con tao". Nó ở chợ. Lâu lắm mới về thăm ông một lần, về tới, ngoài việc kêu ông bán bầy vịt ra ngoải sống với nó, còn chuyện ông cưới vợ, nó nói, nó con trai, biết cô đơn là cái gì rồi, khổ lắm, buồn lắm. Nó giục ông từ năm nó mười hai tuổi. Ông ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi ông biết rằng, nó đã học được ông cái tánh rộng lòng đồng khơi, như trời cao. Ông vò đầu nói với nó, cũng khó khăn thiệt, nhưng ông quen rồi. Nghề nuôi vịt mà, nghèo, lang thang, đeo mang người nữa, không đành.
Tháng Tám. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông chèo lựng khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc, "Tôi cũng không biết mình đi đâu". Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía dưới đám dừa nước:
- Cô có sao không?
Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc.
- Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay ... làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen.
Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp ghe bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cuối đầu không nói không rằng lùi lụi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi nhưng ông la: "Cộc! Bị đòn nghe mậy". Nó dừng lại, đủng đỉnh qua đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: "Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?". Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, Vịt Xiêm chứ vịt gì, thiệt tình.
Qua thêm ba đám lá dày nữa là về tới nhà ông. Nhà vắng, vườn hoang, lúc chạng vạng buồn hiu hắt. Ông đi năm ba tháng về một lần, về đúng vạt đồng sau vừa chín. Hồi đi, con tắc kè ễnh bụng kêu è è, hồi về đã thấy đeo trên cột nhà mấy con tắc kè con, da chưa bông chưa hoa, mốc cời, đầu chờ vờ như cá lóc gặp nước mặn. Ông đẩy cửa bước vô trước, tay quơ mớ váng nhện lùng nhùng, đốt cái đèn, thổi lù lù mớ củi ướt. Chị ôm cặp đồ ngồi gá nhẹ mép ván, ngó quanh. Ông lượng xượng, "Nhà bỏ lâu, bê bối quá chừng". Rồi khói bay lên, ấm áp.
Ở căn nhà lá cũ mèm này, ông có nhiều kỷ niệm. Mỗi khi trở về nó lại chảy thành dòng dịu ngọt trong ông, nó chảy khẽ giửa những mạch máu. Những ngày thơ ông có ba má, những ngày trẻ ông có người chăn gối cùng. Có cây lụa bên hè làm chứng, mỗi lần nhà đổ bánh xèo, vợ ông ra hái đọt lụa, đứng tần ngần, "phải ảnh có nhà để ăn". Chiến tranh, ông đi biền biệt. Ngày về, chỉ còn đứa con trai. Nó khóc, kể, "Bửa đó cúng đình, có cải lương, má rũ con đi. Tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn đó ba. Hát chưa xong khúc Thoại Khanh ngồi đờn cho công chúa Châu Tuấn nghe, thì pháo đằng đồn Chẹt bắn lại, má con chết luôn". Mùa đó lụa ra lá từng chùm trắng xanh, non nhuốt. Ông bắt thèm ứa nước mắt. Cũng thằng con ông, sau này nó nhằn: "Chuyện buồn mà ba nhớ làm chi cho tới già vậy không biết. Ông bảo ông có nhớ gì đâu. Thiệt đó, thằng nhóc, có nhớ gì đâu. Thằng con chép miệng, "Khổ quá!"
Người phụ nữ ông lượm chiều đó còn khổ hơn. Chị quê Cây Khô, lỡ thời, thương thằng (xin lỗi!) thợ gặt miệt Bình An đổ xuống. Không biết gốc gác, cội nguồn người ta mà thương gì ác nhơn vậy không biết. Làm vợ thợ gặt, sống đời thợ gặt. Chị ngồi vấn vạt áo: "Ai cũng nói em ngu, cực cỡ nào em cũng chịu, miễn là mình thương người ta". Vậy mà thằng đó (xin lỗi!) tệ thiệt, làm ít, nhậu nhiều. Tới đây, nhậu nhẹt, nợ nần, chị ra gánh trả. Nợ nhiều quá, mấy cái quán tạp hóa đòi lấy xuồng, nửa đêm chồng chị trốn đi, bỏ chị lại. Không biết quê chồng, không về được quê mình, chị ra bờ sông ngồi khóc.
- Cô Út không ngại, cứ ở lại đây, chừng nào có hướng đi đâu, mần ăn gì thì đi, nghen.
Nghe xong câu chuyện của chị, ông bập một hơi thuốc lá, nói một câu, bập hơi nữa thì hết điếu.
Chị chịu ở lại. Buổi sáng, chị thức dậy bắc ấm nước lên bếp cho ông uống trà, xong lùa vịt ra đồng. Thả vịt ruộng gần, chị đem cơm ra tới chỗ, dọn trên bờ mẫu, ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn vịt, chờ ông ăn xong mới đi vô. Ruộng xa, chị thức dậy từ ba giờ sáng nấu cơm dỡ cho ông xách theo. Thuốc gò, giấy quyến mới vơi một ít, chị bỏ lại cho đầy để ông bỏ túi, "Nửa chừng mà hết thuốc chịu không thấu anh Hai à, giửa đồng mông quạnh, buồn chết, hồi đó ảnh ...", chị bỏ câu nói nửa chừng. Mờ mờ trời, chị lụi hụi vô chuồng lấy hột vịt, rồ chở ra chợ xã bán, chị tính:
- Chịu khó ra ngoài đó một chút, bán giá cao hơn anh Hai à. Sẵn hái ít đọt lụa bán luôn, thứ này người ta khoái lắm.
- Nhưng phiền cô quá....
- Có gì đâu.
Chị làm cỏ ngoài sân, trồng lên dấp cá với húng lủi. Chị súc lu đợi trời mưa hứng nước. Chị giặt mùng mền phơi cho thơm nắng. Ông cằn nhằn:
- Cô làm gi như người ở đợ cho tôi vậy?
- Có gì đâu, anh Hai, được ở lại đây là em mừng rồi.
Ông ngoái lại, nói:
- Thiệt tình, cô ở lại để chờ người ta phải hôn cô?
Chị không trả lời, chị cuối đầu đi thẳng. Chị không đẹp lắm, nhưng lúc thổi lửa có duyên. Chị không có duyên lắm nhưng lúc bậm môi bửa củi thấy đẹp. Ông chắc không để ý chuyện này, ông bận đốn so đũa cặm cột, dừng lá dừa nước làm cái nhà tắm cho chị. Ông vừa mài cây búa vừa nói nhỏ nhỏ với con Cộc:
- Mình đàn ông gì cũng được, giờ có thêm người... Ông ngừng lại, vuốt cánh con vịt -vậy hen Cộc?
Cộc không trả lời, kêu cóc cóc, há mỏ đớp vô mắt cá chân ông. Thì vậy chứ còn sao nữa, ý nó muốn nói vậy. Rồi nó đủng đỉnh đi chơi, dạo dạo bậy bạ kiếm trùn đất ăn. Ông nghĩ trong bụng hoài, "Làm vịt như mầy coi bộ sướng. Cộc à, làm người, hỏng làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó".
Thằng con ông đi công tác qua nhà thấy có người lạ nó ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng xong thì mừng. Nó nói: "Ba lúc này ngon rồi nghen". Ông gạt phăng phăng, "Mày chỉ giỏi bậy bạ". Ông không nói với nó vẫn thường thấy chị ôm cái áo người cũ ngồi khóc, chị thường hay kho cá bỏ me, ông vốn không thích. Hễ hổng đi chợ thì thôi, đi về y như rằng mua chai rượu, ông có uống gì nhiều đâu. Thằng con không biết. Thằng con đi dài dài xóm, ai cũng xầm xì chuyện của ba nó với người đàn bà gặt mướn. Cô Ba nó nói: "Tao thấy con mẻ không xứng với ba mày đâu, bỏ nhà theo trai, bị trai bỏ, giờ mới bám víu vô đàn vịt của ổng, đàn bà đàng hoàng, ai ở lại dễ dãi vậy". Thằng con cười, "Sao cũng được, cô Ba à, trước là trước, bây giờ là bây giờ, tốt xấu gì ba con biết, miễn sao ba vui là được rồi". Cô Ba chẩng hẩng.
Nhưng thằng con hơi thất vọng. Hễ chạng vạng, nhốt vịt, tắm rửa xong, ông kêu con Cộc đi dài xóm chơi. Con vịt thì chạy xà quần rượt cắn đám con nít, ông chơi lai rai với bè bạn, họ hàng. Chờ khi khuya mới về. Về ngủ nhà xuồng cặp mé kinh. Nhà mục rồi, đêm nằm nghe mối ăn trẹo trẹo, sợ chị ngại, ông nói: "tánh tôi ở đồng quen rồi, ngủ có gió mới ngon". Không lẽ nói trắng ra, nằm trong nhà, bên này nằm nghe bên kia thở nghe sao được. Những lúc nửa đêm, con Cộc cắm đầu cắm cổ chạy, ông cũng cuốn mùng chạy. Chị mở cửa năn nỉ ông vô nhà, để lạnh chết. Cực chẳng đã ông mới vô, ngồi chí mí ván, chong chong nhìn ra cửa chờ tạnh hột. Chị cảm động ứa nước mắt.
Chị vẫn thuờng đón ghe hàng bông hỏi thăm tin tức cánh thợ gặt An Bình. Tin tức ngày càng xa. Ở đây, trăm ngả sông nuớc, làm sao mà kiếm. Tin tức ngày càng vắng. Lúc rày, mua nắng thất thuờng. Nắng một hơi năm bảy ngày, mưa một hơi năm bảy ngày, bà con nông dân gặt ngay mưa, phơi lúa không được rầu muốn chết. Chị đi chuyên nuớc vô lu, đôi dép Lào cu mỏng dính, trợt một cái trật gân. Tội nghiệp quá chừng. Ông về nạt nộ một hơi, đã nói mà, cô có chịu nghe tôi đâu. Nói vậy thôi, ông di chợ huyện mua thuốc cho chị, sẵn mua đôi dép mới làm chị ngại trong lòng lắm. Ông bảo:
- Đôi dép cô mỏng thiếu điều cạo râu đuợc rồi, tiếc làm chi, để té nữa thì khổ.
Những chiều, lùa bầy vịt no căng luờn từ ngoài ruộng về, ông xúc tô com, ngồi ngoài gốc cây vú sữa đã bị cưa thành cái đôn, vừa ăn vừa nhìn cây chanh núm bắt đầu ra trái. Dưới cầu ao, chị đang lật đít xoong chùi lọ nghẹ, cảnh chiều êm đềm. Cô Ba đi qua, tròn con mắt.
Một bữa, mưa nhiều, lúc ông đội áo đi, chị dặn:
- Mưa lúc này gầm dữ quá, sét nhiều, anh Hai nhớ vô sớm nghen.
Ông gật đầu, day qua dặn lại:
- Cô Út thôi đừng hứng nước mưa nữa, hỏng chừng mai mốt tôi đi, ai mà uống.
Chị chưng hửng hỏi ông đi dâu, ông trả lời giọng rất buồn:
- Thì cho vịt ăn hết đồng này phải lùa đi chổ khác chớ cô. Vịt đang đẻ rất quạo, nhốt một hai ngày là mất sức. Tôi ở nhà cả tháng rồi, cũng buồn.
Nói vậy rồi ông quay lưng đi. Chị vịn tay vào cửa, nhìn theo.
Buổi chiều, ông về sớm, chị giũ áo mưa của ông phơi lên vách, miệng quở ông trời mưa dai thấy sợ. Chị xúc chén lúa đổ cho con Cộc, miệng hỏi lãng như không: "Cộc, mưa lạnh hôn con?". Cộc không trả lời, nó nghinh lên, ý nói vịt mà lạnh gì, ổng lạnh sao không hỏi, thiệt tình. Ăn cơm xong, chị dọn ra xị rượu nướng mấy con khô cá chạch:
- Anh Hai lai rai cho ấm bụng, mưa quá, nhâm nhi đỡ buồn.
Chị ngồi lắc võng, may hai cái bìa khăn mới mua cho ông, vừa may vừa nói:
- Bây giờ người ta làm khăn mỏng dính, hỏng may xổ chỉ ra nùi nùi hết trơn.
Ông không nói gì, đi xúc chén lúa lại đổ cho đầy mẻ, biểu "Cộc, lại ăn nè". Con vịt không chạy lại cái mẻ mà lạch bạch đi tới chỗ bộ ván ngựa sần sùi nó chui xuống gầm. Cái thau nhôm hôm nắng ông lấy nấu chai trét chiếc ghe giờ được làm mẻ un đang phì phì khói. Ông ngồi trước chai đế trầm ngâm. Chị dè dặt lên tiếng:
- Anh Hai tính chừng nào đi?
- Hai ba bữa nữa. Đi chuyến này qua tới miệt Khánh Hà, chắc đi lâu mới về.
Người đàn bà cuối xuống cắn chỉ, che cái thở dài.
- Cô Út à, tôi... có chuyện muốn nói với cô.
Chị làm rối chỉ:
- Gì vậy anh Hai?
- Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nói có thợ gặt An Bình ở đó.
- Anh Hai!
Ông bước xuống đẩy mớ vỏ dừa vô mẻ un. Xơ dừa mịn, cháy rực, rồi tắt ngắm.
- Ảnh tên Sinh phải hôn cô Út? Ờ, Sinh, ảnh... cũng đang gặt bên đó, cô Út à.
- Anh Hai!
Chị buông cái khăn xuống kêu bàng hoàng.
- Tàu từ chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu giờ rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm cực lắm. Tính vậy nghen cô Út.
Con Cộc lại hì hụi đi ra, ngỏng cổ lên nhìn ông. Khuôn mặt ông mờ mờ sau làn khói. Khói mắt dịch, làm cay con mắt muốn chết. Cái võng chị ngồi sau lưng ông, chị khom xuống cắn mớ chỉ rối mà buồn. Ông rót ly rượu uống mà buồn.
- Anh Hai à, sao anh tính vậy?
- Tôi biết cô còn nặng lòng cùng ảnh. Qua bển hỏi đầu đuôi gốc ngọn ra làm sao. Nói có tình, mình ở lại, biết đâu người ta có nỗi khổ gì...
Chị bật khóc. Con Cộc điềm đạm lại cái mẻ lúa, nó ăn chậm rãi. Ý nói làm sao mà tôi tội nghiệp hai người quá đi, làm người mà khổ vậy, làm vịt còn sướng hơn. Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở nhẹ mà rất dài. Ai biểu...
Sáng sau ông lùa vịt ra đồng khi trời còn tối mịt tối mò. Ông đuổi vịt đi xa thiệt xa nhưng vẫn nghe tàu bè ghé bến nào rất gần. Ông ngồi bệt bên bờ mẫu, khăn cũ, nón cũ, kêu: "Cộc, biểu!" mà không thèm để ý nó có lại hay không. Kêu chơi vậy thôi. Nhưng Cộc là con vịt có nguyên tắc. Nó vẫn chạy lại, gác đầu lên đùi ông, cọ cọ an ủi. Rồi bất ngờ, ông lùa vịt cắt vạt đồng hối hả trở vô. Ông bỏ quên bịch thuốc trong nhà, thèm quá. Tới liếp tràm bông vàng trong vườn, ông ngồi lại, lũ vịt tràn xuống ao rau muống tắm táp. Ở đây, bỏ ba liếp chuối nữa là tới nhà. Ở nhà, không biết có còn ai...? Ngồi đây thôi, bước vô đó lỡ không còn ai... Hồi lâu, ông nói như chỉ nói với mình:
- Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?
Con vịt cạp mắt cá ông, đi thì đi chớ gì.
- Mày đi hoài, mầy mệt không?
Nó há mỏm đóm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.
- Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen.
Con Cộc mổ vô ống quyển ông, rồi nhóng cần cổ dòm ông lom lom, có phải ông chờ bà đó quay lại không? Ông nhìn lên ngọn tràm và thấy mấy cái bông vàng như mấy con sâu rọm đang dịu dàng rơi xuống. Có phải chỉ cần nhìn lại một chút, ông sẽ thấy ngọn khói bay lên không? Gió lùa lá chuối khô giống hệt bước chân ai vậy. Ông mắc ngoái nhìn. Và tôi đã chụp được chân dung ông trong ngoái nhìn khắc khoải đó.
Tôi bảo Khoa:
- Những người như ông già này có rất nhiều ở xứ mình, Khoa à, tao đâu có kiếm gì đâu.
Khoa nhìn tôi và nhìn lại những tấm ảnh, nó ngờ ngợ, "Mầ đang kể về ba mầy, phải không?"

Quán nhớ
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư

Trong đám bạn nhỏ cùng xóm, lớn lên tản mác, chỉ nó là người đi xa nhất, cách núi sông đã đành, lại còn cách biển, bên nầy bên đó không thể cùng lúc ngắm mặt trời lên. Lâu lắm nó mới về, nó bảo, bây giờ xứ mình cái gì cũng khác, nhờ có tình bạn tụi mầy mà tao còn biết đường về, nhờ một thứ nữa là cái tiệm tạp hoá của dì Hai, may, cứ nhìn tiệm đó mà tao không lạc.
Lối sống văn minh không làm nó quên tiếng "tiệm" ngày xưa, ngày mà cả nó và tôi còn nhỏ xíu, ngày nào má nó cũng kêu thằng Út ơi, thằng Út à, chạy lại đằng tiệm mua giùm má ít đồ. Buổi sáng chạy ra mua tương mua củi về nấu bữa cơm sớm cho má nó lót lòng đi làm phụ hồ, ba đi đạp xích lô, trưa cả hai người về, cho đỡ mệt. Chiều xách chai mua dầu về thắp đèn, bữa nào ba nó vui, muốn nhâm nhi với mấy ông bạn, nó đong thêm xị rượu. Nó biết đi tiệm mua đồ từ lúc còn chưa biết mặt của mấy tờ giấy bạc, ở nhà đưa tiền, nó chạy lại xòe tay ra mấy tờ bạc bèo nhèo đưa dì Hai, "má con dặn mua hết bi nhiêu đồng muối". Dặn mua ít món còn nhớ, dặn nhiều nó phải vừa đi vừa nhẩm, gặp cái chạc cây, vấp ngã, quên mất, lại phải mếu máo chạy về hỏi lại. Ở nhà sai biểu cái gì còn mê chơi, dùng dằng chứ bảo đi tiệm là nó te tái đi ngay, mua món đồ còn dư một vài trăm, thể nào dì Hai cũng thối lại bằng mấy cục kẹo chanh, kẹo dừa xanh xanh đỏ đỏ, ngọt dai dẳng cả một tuổi thơ của đám con nhà nghèo.
Tiệm tạp hóa của dì Hai cất dựa mé sông, nhà nhỏ, hàng hoá chất đầy ra lối đi, treo lùm đùm líu đíu không thấy được đầu người. Nhỏ vậy, chật chội vậy mà dường như hỏi món gì cũng có, gạo củi mắm muối thì nói gì, tiệm có cả những thứ năm thì mười họa mới bán được một lần. Chen chúc nhau những kệ cao kệ thấp, thùng nhỏ, thùng to, hủ sành, hủ mủ... không có cái thứ tự nào cho món lớn nhất như sịa nia thúng mủng, nhỏ nhất như cục đá lửa, cái dao lam... Bạn tôi nói với tôi rằng, mười mấy năm qua, mỗi lần bước vào những siêu thị hàng hóa bày bán hào nhoáng, nó vẫn thường nhớ tới tiệm của dì Hai, nó nói có một cái gì đó đầy sự sống, ấm áp trong cái quán bề hộn, hỗn độn của dì. Nên nhớ nhiều lắm. Nhớ đùm cốm gạo treo trên vách, mấy cái keo đựng bánh kẹp, bánh men, cái diệm đựng củ cải muối để kế bên rổ hột vịt, ở góc nhà là thạp đường mía vàng ong óng, một lần nó lén lấy tay mút thử, dì Hai rầy, "cái thằng sao ở dơ ở dáy vậy con, sao không nói để dì lấy dao xắn cho". Nó còn nhớ nắp đậy trên cái lon đựng tiền lẻ của dì lúc nào cũng dính dâm dấp bột gạo, bội củ năng. Qua bao nhiêu năm rồi, nó vẫn thắc mắc, tự hỏi, làm sao dì nhớ rành vị trí từng thứ hàng hoá trong tiệm của mình, để người ta hỏi cái gì, dì lẹ làng, phăm phăm lôi ra ngay thứ ấy, mà từ cái chỗ đôi khi ta không ngờ tới. Tôi cười, với dì, cái tiệm đó có một trật tự riêng, tụi mình không biết được đâu.
Bởi dì đã mở tiệm hàng này từ lúc chúng tôi chưa được sinh ra. Có vài ba cái tiệm như thế cho xóm lao động nghèo nhưng không có cái nào lâu đời như tiệm của dì. Mỗi gia đình trong xóm nhỏ nầy, ai đi ai đến dì rành hết thảy. Buôn bán lâu năm dì còn thuộc nết ăn, xài từng nhà. Như cậu Ba chỉ thích ăn bí hầm dừa với đường mía, vừa ngọt dừa thanh, dì Chín mê món cháo trắng ăn với cải xá bấu, sáng nào cũng nấu, nhà mợ Bảy thích xài xà bông bột hơn loại kem... Với cư dân trong xóm, khi đã vượt qua được đận cơm ngày hai bữa thiếu trước hụt sau, ai cũng tự hỏi, hồi đó sống sao được nếu vắng những tiệm buôn bán lẻ trong xóm mình ha. Làm ngày nào đủ chi ngay ẩy, đủ hai ký gạo, hai trăm đồng muối, năm trăm đồng đường, với bột ngọt, tương, chao... lắt nhắt, vụn vặt, không người bán biết mua ở đâu. Rồi mấy đứa con gái đểnh đoảng như tôi vất vả biết chừng nào, đôi khi không lấy được chồng chứ hỏng phải chuyện chơi, vì lâu lâu vô bếp một lần, đang nấu canh, kho cá, tá hỏa lên trong nhà hết đường hết muối, sai đứa con nít chạy lẹ ra tiệm mua về nêm vẫn kịp, thiệt hú hồn, may quá. Lớn lên, xa nhà, đi rày đây mai đó, nhớ về xóm cũ, từng cái cây ngọn cỏ, còn đường dường như mỗi thứ đã trở thành một phần đời... Cả cái tiệm tạp hóa bình dị, mộc mạc của người đàn bà goá chồng hiền hậu mà cả đời chẳng đứa nào quên tên gọi: dì Hai.
Nó lại thăm, dì Hai than lúc nầy già cả rồi, con mắt ngó không thấy đường, đêm nào cũng nghe đau nhức mình mẩy. Dì nắn bóp tay nó (cái bàn tay chuyên môn lén quẹt đường mía ăn), khen lúc nầy con lớn quá, mập ra. Nó cười, thì mười mấy năm rồi còn gì, xóm xưa trở thành phố thị, hàng quán tíu tít mọc lên. Mọi thứ đã đổi rồi, sao dì với tiệm của dì không thay đổi gì hết vậy? Dì Hai cười, nếu cái gì cũng đổi hết thì bây biết đường đâu mà về.
Tôi thấy chút xíu nữa nó đã rơi nước mắt. Nó nén lòng, mếu máo cười, bảo, "Lâu quá, hỏng ăn kẹo của tiệm dì hai, dì bán cho con năm trăm kẹo đi, dì!". Dì cười, "Cái thằng, buôn bán gì, lâu lâu con mới về, dì đãi'", rồi dì lụm cụm lấy cho nó một vốc kẹo dừa.
Hồi xưa nó cũng mê chỉ mỗi món kẹo dừa, mê tới mức cả hàm răng sún hết trọi.
Bạn nhậu cũ
(cũng là “Cha và Con”)
Bút ký

Nguyễn Ngọc Tư

Hắn chịu thiệt là mình mê chơi, ham vui, và vì thích chơi vui nên khoái nhậu. Còn gì buồn bằng việc phải về nhà sớm vào những buổi chiều cuối tuần dìu dịu nắng, gió nhẹ hiu hiu, phải ngồi một mình trong những buổi trưa trời mưa rả rích. Có gì vui bằng được ngồi trong một cái quán nào đó, hơi ồn ả, phức tạp một chút. Ở đó, mỗi người mang tới một màu sắc mùi vị, một tính cách khác nhau, đa dạng như cuộc đời tươi đẹp này. Họ có thể không có lý do gì rõ ràng hết, cũng có thể vì gặp người bạn cũ lưu lạc lâu rồi, một hợp đồng kinh tế mới ký, buồn do thất tình, vui vì mới cưới vợ xong... và niềm tự hào duy nhất của hắn khi ngoái lại nhìn nửa đời bia bọt là có lúc hắn đi quán chỉ vì nhớ cha, nhớ quá trời.
Ngày xa, cứ năm ba bữa hắn lại chở cha đi nhậu. Đó là những bữa hắn bỏ rơi đám bạn bè mà không đứa nào dám giận, có đứa còn ngồi tấm tắc, ước gì tao còn ông già, đứa khác nghe lòng thẹn thùa, lâu rồi mình không về thăm, ăn một bữa cơm với ba, chỉ đoàn tụ được mấy bữa giỗ nhưng hôm đó, ông già khề khà chung mâm của ông già, con ngồi cụng ly với đám bạn cùng cơ quan, nhậu nhẹt vốn là chuyện ít câu nệ nhất, xuề xào, hòa đồng nhất mà hai ba con còn không thể sánh vai ngồi, nói chi... Nên hắn được bạn thương lắm, nể nhiều, tụi nó tò mò theo hỏi: "Nhậu với ông già, vui hôn mậy?"
Hắn nói vui, vui lắm, ít ai kiếm được một ông bạn nhậu quý như vậy. Khi đi hắn chở cha, lúc về, cha sợ hắn say, nên cha giành chở. Ngồi lâu nhưng uống không nhiều. Cha hắn thường bảo, uống ít còn nhiều, còn bạn bè, còn tự chủ, còn nhân cách, còn là mình, uống nhiều mất hết. Rượu bia là thứ để thưởng thức chứ không phải nốc vô tội vạ để khoe tài. Cái thức uống này là để rạng rỡ lòng chứ không phải tiêu sầu. Nên hắn vô chừng hai ly là có thể nói chuyện cởi mở với cha như một người bạn đồng niên. Có bữa, hắn ngà ngà say nên nổi hứng đọc bài thơ con cóc, cha cười, "vậy là cha biết làm sao con thích la cà quán nhậu rồi, để hứa hẹn như đinh đóng cột với mọi người cái chuyện mình không bao giờ làm được, gõ cái chén ca bằng cái giọng tệ... không chịu được, nói cho hả hê những ấm ức trong lòng... tất cả nhũng chuyện đó, lúc tỉnh, con không bao giờ làm". Hắn cũng cười, "Nhậu cũng khổ lắm cha ơi, đầu tháng có tiền, nhậu toàn món sang. Cuối tháng, còn chừng mười ngàn trong túi đành ngồi nhậu với đậu phộng luộc, cá khoai khô. Lúc nầy kể ra thì xấu hổ đây, đi ngang quán quen chạy thiệt chậm coi có thằng bạn nào ngoắc lại không, ngoắc nhẹ mình tự ái chạy luôn, ngoắc mạnh mình ghé lại, tình bạn nhiệt thành vậy, con phụ sao đành". Cha cười ha ha, cái thằng...
Hắn giống cha, giống nhất là nhiều râu. Râu cha xồm xoàm, cứng tua tủa, ngả màu bạc, râu con cạo sạch nhưng vẫn xanh rì dưới làn da. Hắn càng uống càng đỏ mặt, cha càng uống càng xanh. Hắn nói với cha về những khó khăn trong công việc, về con bạn hắn thương sắp lấy chồng (đặc biệt chuyện này lúc tỉnh dễ gì hắn mở miệng), cha ờ ờ, hồi trẻ cha cũng bị thất tình hoài. Hắn ngạc nhiên, "cha nói chơi, "cứng" như cha, từng vào sinh ra tử với quân thù, cũng biết cảm giác buồn nẫu ruột khi mất người yêu như đám thanh niên bây giờ sao?" Tự nhiên hắn thấy giữa mình và cha hình như không còn khoảng cách nào hết, vì có thể nói và nghe nhau. Có lần: hắn còn kêu cha lấy vợ đi, lấy cô giáo già thương cha hoài, chờ cha hoài đó. Cha cười, "cha già rồi". Hắn gạt ngang, "Già đâu mà già, cha còn "ngon" lắm, lần nào cha con mình nhậu con cũng say trước...". Cha hắn bật cười, cái thằng uống rượu như xe bồn mà dám giả đò say. Nhưng có điều chắc cha chưa biết, hắn làm vậy để được cha che chở, dìu dắt như ngày còn bé. Đàn ông lớn xác vậy nhưng đôi lúc vẫn thèm, đời ngoài kia trần trụi và khốc liệt quá mà...
Rồi một ngày hắn đến quán một mìmh, ngồi chỗ cũ, gần song cửa đóng bằng thẻ tre bù xè đã ăn thủng lỗ chỗ, phấn rắc lấm tấm mặt bàn. Hắn đòi hai cái ly, một dĩa đậu phộng rang, run rẩy rót rượu tràn ra bàn rồi đau đáu nhìn về chiếc ghế trống trước mặt. Cha hắn đi rồi, đi xa lắm, cô phục vụ xinh đẹp rụt rè ngồi xuống chỗ cha thường ngồi, cô bảo:
-Hôm rồi xe tang đi qua, em thấy giống bác, em đã ngờ ngợ... Hỏng ngờ...
Hắn không nói gì hết, sợ mở miệng ra sẽ bật khóc. Đàn ông đàn ang ai khóc trước mặt con gái, kỳ.
Sau này gặp lại, cô phục vụ cười:
- Chừng nào em lấy chồng, em sẽ chọn một người y hệt anh, một người có thể chở cha mình đi nhậu. Bây giờ ít người làm vậy lắm - Rồi cô nghẹn ngào - Sao thấy anh em nhớ bác quá, anh à.
Người tri kỷ xưa vừa đi, người tri kỷ khác lại đến.
Cha mất hai năm, cô phục vụ nọ thành vợ hắn, người vợ duy nhất không cằn nhằn khi chồng đi nhậu, vì cô biết, có lúc chồng mình cũng bỏ mặc đám bạn bè để một mình đến quán cũ, ngồi nhớ thương người bạn nhậu cũ. Nói cho cùng, la cà ở quán nhậu cũng hỏng phải là chuyện xấu lắm..

CHỢ NHÓM BÊN ĐƯỜNG
Bút ký
Nguyễn Ngọc Tư

Giống như đống lửa rơm nghi ngút khói bên đường, những cái chợ nhỏ làm ấm lòng kẻ giong ruổi trên những con đường đầy bụi và sương, nắng và gió.
Chờ đợi ngót hai mươi lăm năm sau chiến tranh, Cà Mau mới có đường về 5 huyện. Những con đường còn hoang vắng, thô sơ. Một mình một ngựa... nổ chạy rong chạy ruổi lóc cóc xuyên qua những cánh đồng gốc rạ tươi thơm, hai bên đường là bờ sậy, bờ chuối rậm rì. Làng quê yên ả. Những ngôi nhà im sẫm buổi sớm mai. Người lớn ra đồng, trẻ con ngồi học ê a bên cửa sổ, mấy con chó cò lông vàng lem luốc vừa ngửa cổ sủa rân trời vừa rối rít đuổi theo đằng sau xe, lòng tự dưng thấy lạc lõng, cô độc lạ lùng. Rồi chợ, chợ trước mặt, ôi ấm lòng làm sao những ngôi chợ nhóm bên vệ đường.
Chợ lúc nào cũng nhóm ngay đầu cầu, trước cơ quan xã hay đầu cống đá vào xóm kinh. Như người phụ nữ chân quê, chợ nhỏ nhoi, hiền hậu, trầm tính dịu dàng. Mấy rổ hàng con con, mười người phụ nữ tay lấm áo lem ngồi với nhau là thành chợ, đông nữa, hai ba mươi người cũng gọi chợ. Không cần lặn lội khuya lơ khuya lắc như đi chợ thị xã, cứ chờ cho sáng ra bắc nồi cơm lên bếp cái đã, rồi đủng đỉnh xách hàng ra chợ. Đã hiểu nhau về hết thảy nỗi nhọc nhằn nên người mua không nặng nề mặc cả bon chen, người bán cũng chẳng đanh đá chua ngoa như kẻ chợ, hình như chợ họp chỉ để trao đổi, san sẻ với nhau những gì mình có. Bán đi những trái dừa khô để mua lại mớ rau càng cua về trộn dầu giấm chấm mắm kho. Bán mấy trái khổ qua đắng để mua ít đỉnh cải bẹ xanh về nấu với mớ cá rô mề mới giăng tới được sáng naỵ. Cả cá, cả rau cả trái đều bán theo mớ, hiếm hoi lắm có dì có được cây cân đòn loại 12 kg, trái cân lò dò đặt lên cái đòn đã mòn những khía, tỏ con mắt cũng không biết số ký nằm đâu. Ôi, có hề gì chuyện nặng nhẹ đong đo, lòng người ta tin nhau đầy ắp kia mà. Buổi sáng sao mà dậy mùi thơm nồng hăng của rau húng lủi, húng cây, rau cần trục, cần rừng. Bày ra đó, không phải chăm chăm trông chừng hàng hoá, chị em chụm lại rôm rả với nhau chuyện chồng con, chuyện làng xóm, ruộng lúa, vườn cây... (chuyện xóm quê mà, nói biết chừng nào cho hết). Thành ra chợ không chỉ bán gà, bán cá, bán rau củ trong vườn nhà mà còn gửi gắm thông tin cho nhau nên chợ ít người mà vui, mà thắm đượm nghĩa tình cũng vì lẽ đó.
Chợ không chỉ độc đáo vì bản sắc bình dị, nó còn độc đáo ở những mặt hàng mà nó bày ra. Thì mớ tép rong ôm một bụng trứng xanh rờỉ còn ướt rượt nước mới cất vó từ dưới kinh lên đó, thì mớ cá lòng tong, lìm kìm, cá mè con con nhảy tung nhảy toé, nhảy đến tróc lớp vảy óng ánh ra, thì kìa, rổ trái giác trái tròn tròn, bóng mẩy như viên đạn cu ly, rồi những cọng năng trắng muốt thơm ngai ngái mùi bùn, mùi nước lên đồng... Những thứ này, ở thành phố có thèrn cũng chịu thua, có lang thang hết chợ này sang chợ khác tìm kiếm tảo tần chưa chắc có.
Trên những con đường mới mở còn lơ thơ nhà, lơ thơ hàng quán, đi một đoạn xa ơi là xa, thèm hơi người thì gặp chợ, hỏi làm sao không vui. Qua chợ bên đường, lòng nghĩ, thôi, làm như mình chưa biết gì về luật giao thông, không nhóm chợ nơi đây thì nhóm ở đâu bây giờ, đường sá chờ mấy mươi năm mới có, phải kéo nhau ra đó ngồi buôn bán, phô bày bộ mặt tươi mới của nông thôn, tiện thể dòm xe qua lại cho vui chớ. Bây giờ có kéo nhau xuống đập dưới kia mà nhóm chợ, anh bạn mình làm sao mà trông được cái cổ cao cao, cái cuời giòn tan, tươi tắn của cô nhỏ bán hàng, rồi nhớ hoài, nghe ngọt ngào hoài? Thì ra giữa những quãng đường xa ngái, chợ còn có nhiệm vụ là nhóm lên một bếp lửa đời, cho cuộc hành trình bớt xa đi.
Tôi lần nào qua chợ cũng giật mình, làm như gặp lại người nào đó, mà lâu lắm rất quen nhau. Hình như má, hình như chị, mà hình như giống hệt mình đang ngồi đó, quanh mình ngọt ngào buổi sớm mai trong.

Ngủ ở Mũi
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
Giong ruổi lang thang mãi mình hóa ra người “sành điệu” lúc nào không biết. Tháng 2 quẩy túi về đồng, canh trúng mùa đìa, bắt cá lóc ký đốt rơm nướng trui ăn kèm muối ớt, uống rượu xóm Dừa (rượu Tân Lộc cũng được), dài tới tháng 4, sa mưa, ra đồng bắt ốc lác luộc với lá sả, lá ổi chấm cơm mẻ chơi. Gió chướng về đầm Bà Tường ăn cơm nguội với ghẹm muối. Tháng 10 trái mắm rụng đầy những sông những rạch ven các cửa biển, mùa săn cá dứa bắt đầu... Ăn “sành điệu” đã đành, lúc ngủ cũng đòi đi về phía biển, để ngủ ngay tại ấp Mũi, một xóm nhỏ ở cuối trời Tổ quốc.
Ở đó có những căn nhà không bao giờ khép cửa. Những căn nhà không cả vách che đằng trước, vì chẳng ai thèm tham lam của ai cái gì. Không cần giới thiệu gì cả, bản chất của xứ sở chúng tôi là đây, những ngôi nhà này. Mưa Nam hay mưa Chướng, nhà chỉ treo một cái rèm bằng mấy cái bao bố may ghép lại hoặc bằng lá chầm đóp. Không cái gì cho người ta cái cảm giác thái bình, no ấm như thế, không có gì cho ta sự gần gũi, thân thuộc như thế. Những ngôi nhà rất rộng lòng, mở trong tầm nhìn của ta một chiếc giường, một cái bàn thờ gia tiên, cái bàn trà, một bức màn vải thêu hình hai con chim loan đậu trên cành trúc, thấy nhà nó hợp với con rạch này làm sao đâu, vì khi nước ròng rạch cũng cạn lòng, phơi đáy. Nó hợp với tính cách con người của vùng đất này làm sao đâu, vì người ở đây cũng sống khoảng khoát, cởi mở, rộng rãi, hào sảng.
Người ấp Mũi ít khi làm buồng để ngủ, buồng chỉ để cho con gái, cho những cặp vợ chồng son, người xứ biển thích ngủ đằng trước nhà, chỉ cần cái mùng, khỏi chiếu, áp cái lưng trần đỏ au xuống với sàn nhà bằng gỗ đước bóng như gương đồng; vậy là được một giấc ngủ ngon. Mà đúng là ngủ ở ngoài này thì thích không chịu được.
Nhà bao nhiêu gian thì bấy nhiêu gian đầy gió. Trong cái mùi biển tanh nồng mặn mòi của những giàn lưới phơi trên giá, trong cái mùi khói ngọt bùng nhùng tỏa ra từ mẻ ung, dường như có nhà ăn cơm chiều trễ, nghe mùi béo ngậy của cá thòi lòi kho với nước cốt dừa. Và đâu đó chắc có vài người chuẩn bị lai rai, rõ ràng là mùi thơm khô mực nướng trên lò than đang tàn.
Ngủ ở ấp Mũi có “quá trình” hẳn hòi (như quá trình công tác vậy). Bao giờ lúc chạng vạng ta cũng ngồi với nhau uống vài ly cho ấm bụng, không khô mực thì hàu nướng, sò nướng chấm muối tiêu chanh. Khuya một chút, khi ngà ngà say rồi, người dưới bếp sẽ bưng lên một nồi cháo sò huyết. Trời ơi, cái mùi thơm của sò, của tiêu, của mỡ tỏi mới hít vào hơi rượu đã tan đâu hết, còn nói gì tới cảnh xì xụp húp chén cháo nóng, nó không chê vào đâu được. Xong rồi, ta quay lại uống trà.
Trà xứ biển đậm đà, nước vàng quánh, kẹo. Nên lần đầu ngủ ở ấp Mũi hẳn sẽ có người thao thức. Vì trà, vì ngủ trong phòng kín cửa với gió máy điều hòa se se quen rồi, nằm đây ngộp thiệt chớ chơi à. Còn nỗi sợ nữa, sợ bóng đêm, sợ mấy anh chàng nằm cạnh giả đò ngủ say dịch qua để... gác chân ảnh lên chân mình. Thôi, nằm canh chừng cho chắc ăn, má dặn, thân gái dặm trường... (Lạ, ở đây người ta sống chân thật với nhau đến mức để trống cả vách nhà, của cải đồ đạc cũng có mất mát gì đâu, vậy thì mắc mớ gì phải dè chừng). Gió vẫn như múa, như ca, như chạy như nấp bên ngoài cái mùng vải thơm mùi nắng. Những chiếc tàu đánh cá ầm ì chạy qua, và tiếng biển, đúng là tiếng biển lướt trên những búp lá đẫm sương trong rừng đước, rì rào rất gần. Chỉ có tiếng biển mới mênh mông một nỗi nhớ bờ như thế.
Nhưng ngôi nhà sàn không cửa lại có cái lý của nó. Để cho tiếng biển thật gần mình, cho người vợ trẻ nghĩ tới chồng đang bủa lưới ngoài khơi, cho những ông già nguôi niềm thương nhớ biển kể từ khi xa những cái đáy hàng khơi, cho những cậu bé đang tuổi nhổ giò mơ một giấc mênh mông, tròng trành trên chiếc ghe câu giữa bốn bề biển cả.
Có cái gì đó giống như ta đang ngủ ở trong một cái chòi giữ vuông giữa cánh đồng gió tơi bời, có cái gì đó như không giống. Phải chăng, ngủ ở đây, gió có vù vụt, cồn cào ta cũng không thấy lạnh, bởi đây là nhà, một mái nhà mang đầy đủ ý nghĩa của nó, có khói mẻ ung, có những hơi thở nhẹ, có con gà đứng trên ngọn cây mắm gáy le te.
Cũng vì vậy mà có cái gì đó giống như ta đang ngủ ở trong một căn chòi ngoài đáy hàng khơi, lại vừa không giống. Vẫn gió mang cái hơi nước mặn mòi, vẫn tiếng biển ì ầm nhưng thiếu cái yên ả, êm đềm thâm nâu của đất.
Tự dưng thấy coi thường cái câu “Ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật” (không biết có bị A.Q của Lỗ Tấn nhập không?), làm nghề viết lách như ta coi bèo bèo vậy chớ “sành điệu” thấu trời.
TBKTSG 1-9-05

No comments:

Post a Comment