Monday, March 7, 2011

Đất Mũi Mù Xa Nguyễn Ngọc Tư

Đất Mũi Mù Xa
Nguyễn Ngọc Tư
Nơi ấy, lúc đất chuyển vào xuân, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người. Nơi ấy, những ngôi nhà đều không cửa, nhà mở toang cho gió Nam vào, chướng tới, bấc qua, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày cả gan ruột... Nhưng rồi đến với làn sóng di dân ào ạt, cái không cần thay đổi đã thay, còn cái cần thay đổi thì chưa đổi bao giờ. Đất Mũi ngày xưa sẽ đến một ngày xa mãi...
Thỉnh thoảng anh gọi điện cho tôi từ thành phố Hồ Chí Minh, hỏi vụ con chó cò nó ra làm sao, trái giác là trái gì mà nấu được canh chua bông súng... ( sao mà những gì tôi viết ra đều khó hiểu như thế không biết). Có nói gì thì cuối cùng, anh cũng gạ, hỏi rằng: “Còn Đất Mũi, chỗ đó nó ra làm sao, em hả?”.
Trời, đất nước mình hẹp te vậy mà lời anh hỏi sao nghe thăm thẳm mù xa. Nhưng anh lại hỏi lầm người rồi, tôi là đứa bạc bẽo từ Đất Mũi ra đi không nhớ thương, luyến tiếc, tôi là loại người thấy nhà người ta đẹp hơn nhà mình, thấy vợ người ta đẹp hơn vợ mình, nên tôi bảo rằng, “Dạ, Đất Mũi cũng thường thôi anh”. “Thường à?”. Phải, thường lắm, thường thiệt là thường, tôi trả lời mà tự xấu hổ trong lòng. Về nói lại với cô em gái, em tôi la lên: “Ôi trời, sao anh không mời ảnh về thăm quê mình một chuyến cho biết hả anh?”, đó là lúc tôi lặng đi, cái bản chất mến khách của người Đất Mũi trong tôi cũng đã phai rồi.
Thành ra trong câu chuyện này có tới ba người, anh, tôi và cô em gái Đất Mũi rặt ri. Tôi thành nhịp cầu nối hai miền đất.
Em tôi nhắn với anh rằng, Đất Mũi thiệt tình không có núi cao, không có biển xanh, cát trắng, không cung đình cổ kính lại càng không có phổ cổ đìu hiu. Đất Mũi chỉ có bùn sình, rừng thẳm và biển. Dẫu biển không xanh ngằn ngặt mà đục ngầu phù sa nhưng ở đây nhiều biển lắm. Biển đằng trước, biển bên phải, biển bên trái. Bình minh, mặt trời từ biển quẩy nước ngoi lên rồi khi chiều về, mặt trời chín đỏ già nua lại ngụp về biển sau một ngày tự cháy.
Bây giờ, Đất Mũi đang mùa gió chướng. Coi ra thì người xóm Mũi sướng nhất đời rồi, ngọn Nam, ngọn chướng về, xóm Mũi là nơi đón, thưởng thức trước tiên. Em tôi muốn mời anh về ngay mùa này, lúc đất chuyển vào xuân. Gió mùa phây phẩy, gió đưa trời lộng lên cao, phù sa bắt đầu nôn nả lấn biển, rồi không lâu lắm đâu, từ bãi bồi, đất sẽ cồn lên, một rừng mắm xanh non rào rạt tiến về phía trước giữ đất lại cho người. Mùa này, ba khía chuẩn bị vào hội; không biết hẹn hò nhau từ hồi nào, ba khía tụm về xúm xít đeo trên gốc mắm, rễ đước. Con nào con nấy thịt chắc nụi, gạch ứ đầy mai ( nói tới đây tự dưng thèm ba khía muối ăn với bần chua cháy lòng).
Cũng mùa này, bắt đầu con nước rông, cây đước nhón cái rễ như cái nơm cao lên đến nửa thân cây, những cái rễ mới thò xuống từ trong tán lá rừng xanh biếc. Nước tràn bờ bãi, người xóm Mũi bắt đầu cuộc sống rặt trên sàn. Những cây đước lót sít sao nhau để làm lối vào nhà, lối qua bên hàng xóm, lối ra nhà tắm, chuồng gà. Trẻ con chạy rượt, u hơi ở trên sàn, nhảy lò cò bên những bụi hẹ, bụi ớt lơ thơ trồng trong thúng. Cá thòi lòi dạn dĩ theo con nước chạy rột rẹt dưới sàn nhà, có lúc ngóc đầu lên, nhìn thom lom, ý hỏi ai đây ta, ai mà lặn lội tới xứ bùn sình rừng rú này, ai mà ngó tui thiếu điều lòi con mắt ra, lạ lắm sao?
Lạ lắm, nếu anh đến, thể nào anh cũng bảo cái mũi đất cùng trời cuối đất này sao mà lạ quá đi ?
Lạ chớ, em tôi cười, lạ từ cái cây, ngọn cỏ, vụ trái giác với con chó cò chỉ là chuyện nhỏ. Em tôi hỏi anh đã từng thấy nụ bông đậu cộ tím biêng biếc như những chiếc giày cao cổ (em bảo chắc như đinh đóng cột rằng hầu hết hoa dại ở xứ tôi đều có màu tím thủy chung), anh đã thấy những bông vẹt cứng cỏi xòe chơm chởm như cái nơm cá, bao giờ kết trái, hoa lại trở thành chiếc ô che đầu, rồi những trái quao mới sinh ra đã cong cong. Em tôi vì nuôi nấng mẹ già, không chịu lấy chồng, ai tới hỏi, em đều cắc cớ đòi lễ vật phải có một mâm muỗi tréo cánh và mâm trái quao thật thẳng ( vụ trái quao này là tôi nói thêm với anh, chứ đời nào em nói). Và còn những trái đước quê tôi, anh đã biết ? Từ khi còn là trái xanh lủng lẳng trên thân cây mẹ, trái đước đã thẳng người trong tư thế một ngày cắm thẳng xuống bãi bùn mà không mảy may nghi ngờ, chọn lựa. (Đôi lúc trên con đường văn chương cô độc, tôi chùn bước, em tôi lại bảo tôi phải chặt lòng chặt dạ, phải giống như những trái đước ấy, lao xuống đất văn chương bằng niềm say mê mãnh liệt nhất).
Bao giờ ngồi nghĩ thật lâu về quê nhà tôi cũng nhận ra rằng, dường như Đất Mũi thiêng lắm, nhất là khi đất biết có người ngày mai chia xa nên dưới kinh bắt đầu con nước rặt, nước chảy cạn chỉ còn một lạch nhỏ. Quê xứ bắt đầu cồn lên những thứ mà ai cũng biết rằng không thể mang theo. Đây mùi cá khô vừa mới se se nửa nắng hăng hăng nồng nả bay vào gió. Những giàn lưới tanh mặn mùi biển cả vắt mình trên những giàn phơi. Tiếng tàu đêm ra biển rù rì. Mẻ un trên những căn nhà nhỏ bên sông tù mù cuộn khói. Món hàu tái chanh, cá thòi lòi kho dừa, vọp nướng... mà em tôi đãi món nào cũng ngọt tự nhiên một cách kỳ lạ. Mới nhớ có người đã từng thốt lên chừng như cảm động không chịu được, rằng ở đây chỉ có nước biển mặn thôi, tất cả thì ngọt bùi. Người Đất Mũi sao mà hiền từ, mến khách thấu trời thấu đất vậy không biết, dường như sống giữa bao la trời, bao la biển này, người ta phải học cách thương nhau để khỏi cô độc. Làm sao tay xách nách mang những thứ này được đây, khi em gởi theo ít ba khía muối mang về, ba khía thì mang về được rồi, còn cái tình cái nghĩa của người Đất Mũi đằm sâu vậy, làm sao bỏ vô giỏ xách theo được ?
Tôi vẫn không từ bỏ câu nói của mình rằng Đất Mũi thường thôi, rất thường, nhưng hết thảy mọi thứ ở đây đều làm cho người ta nhớ vì lạ, vì thương. Bầy dã tràng xe những hòn cát liu riu nằm trên bãi Khai Long, những bông rau muống biển mỏng tang mà chống chọi với gió trời, rập rờn tím ngát. Hòn Khoai thì xanh thẳm ngoài kia với ngọn hải đăng chưa bao giờ tắt. Dường như mọi thứ ở đây đều thắm và đậm. Nắng thì lầm lì thôi là lầm lì, gió cởi mở thôi là cởi mở. Rừng đã xanh là xanh lặc lìa, một màu rời rợi. Biển đã đục là ngầu ngầu phù sa. Nước đã mặn là mặn quéo đầu lưỡi. Người Đất Mũi rặt đã thương là thương trọn, đã nhớ thì nhớ sâu, đã sầu thì sầu dai dẳng. Hết thảy đều không thể nửa vời. Cho nên khi anh về, đừng có từ chối mà không cạn từng ly rượu đế cay xè, cũng đừng trả giá nửa ly thôi, làm lòng bà con mình buồn nghen. Mà, anh dứt khoát phải gặp em tôi một lần, cô có tất cả đặc trưng của người Đất Mũi, da ngăm ngăm, rắn rỏi, mắt hay cười, em hay hồn nhiên xắn quần cao đến khỏi đầu gối lội qua kinh những lúc nước ròng, mộc mạc không giả đò mắc cỡ làm duyên...
Những năm tháng qua đi đã làm em tôi khôn lớn. Em bắt đầu biết buồn, mà toàn buồn chuyện đâu đâu không hà. Mỗi lần lên thành phố thăm tôi, em đều ngồi thừ ra, em nói, chắc mơi mốt rồi chẳng còn Đất Mũi ngày xưa nữa. Đất Mũi của ngày em lên chín, mười, từ vàm Rạch Tàu đến tận cuối xóm Mũi thưa thớt nhà, nhưng những ngôi nhà đều không cửa. Nhà mở toang cho gió Nam vào, chướng tới, bấc qua, tầm nhìn thông thống, nhìn nhà là hiểu người, chân thật đến bày ra cả gan ruột của mình mà rộng rãi, hào sảng. Tháng tám hội ba khía. Tháng chín mùa cua lên bãi. Tháng mười hội cá đường. Rừng dày rậm rạp, rừng chồm sát mé kinh để níu kéo chút hơi ấm con người. Cái hồi mà thiên nhiên ở đây hào phóng tới mức cha ông chúng tôi chắc lòng chắc dạ tuyên bố với quân thù, chừng nào “Khai Long hết xác cá đường, thì Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bây”.
Thấy em buồn, tôi chỉ cười, sao mà cô đi lo chuyện thiên hạ không vậy. Em giận tôi, em bảo, “không, đó là chuyện của quê hương, của nhà mình, của thời thơ ấu chúng mình”. Em tôi nghĩ hoài, rồi sau này khi tôi đưa anh về thăm biết làm sao bây giờ, làm sao để đưa anh đến một ngôi nhà bình yên trải lòng ra như thế, với một làn sóng di cư của hàng trăm, hàng ngàn người từ nơi khác tới, người Đất Mũi khép cửa lòng tin. Người bản xứ vẫn gắn bó mình với chiếc ghe cào, ghe câu đánh bắt gần bờ; với những chân đáy hàng khơi thì những người mới đến sống bằng cách phá rừng, càn quét bãi bồi. Nên em bảo cố rủ anh về khi trở qua mùa gió chướng bởi gió Nam là mùa gió buồn nhất, mùa này, tôm cá về bãi, người mới đến thôi phá rừng mà đi đẩy te, xiệp, giăng lưới ba màng, sạt sò huyết, mò vọp, bắt cua. Những cách đánh bắt hết thảy đều mang tính tận diệt. Bãi bồi nhão nhừ dấu chân người, vạt mắm nhỏ xíu xanh líu ríu mới vừa bắt rễ để lấn biển giữ phù sa đã bị càn phá giạt trôi, dẫu lòng đất âm ỉ muốn sinh sôi mà chân thì không sao bước tới. S. Antov viết rằng, mỗi người có những ước mơ khác nhau nên không hiếm khi bi kịch đã xảy ra vì có số ước mơ phải hy sinh để những ước mơ khác trở thành hiện thực. Tôi nghĩ tới Đất Mũi. Ước mơ đất của em tôi, của người yêu thiên nhiên đã đau đớn gục xuống cho bầy trẻ con có tiền đi học, khạp gạo để ở góc nhà được đầy, bữa cơm không chỉ muối trắng, tối ngủ mùng lành, có mền đắp để qua mùa gió bấc năm nay...
Rồi lẫm đẫm đất đã đổi thay, cái bản sắc vùng đã phai nhạt ít nhiều (em lo là không còn cái chất riêng của miền đất cuối, anh sẽ bảo anh ra Cần Giờ sướng hơn, chớ lặn lội làm chi mấy ngày đường). Lô xô những ngôi nhà tạm bợ mọc lên chen nhau bạt trống huơ cả mấy khoảng rừng. Thiên nhiên bắt đầu nghèo nàn, rách rưới, mà đất vẫn hiền như mẹ, dẫu con lầm lỗi vẫn ôm vào tấm lòng. Em than thở với tôi, đã có câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” còn sáng tác ra câu “bần cùng sanh... lâm tặc, ngư tặc” chi vậy không biết. Tôi biểu em đừng tiếc nữa mà em không chịu nghe, mới hay vừa ráo bùn tôi đã không còn là tôi nữa, chỉ có em thôi, bấy lâu nay cái không cần thay đổi thì đã thay, cái cần đổi thì chưa đổi bao giờ. Nhất là cái khoản luôn luôn nuối tiếc những gì mình không trở lại nữa, mà, trời ơi, đời người có bao lâu đâu, không nhìn phía trước sau cứ lo ngoái lại.
Anh à, em tôi có ý nhắn hỏi anh rằng, có phải em tệ lắm không. Bởi dù gì thì hơi ấm con người đang làm cho đất thức dậy sau gần trăm năm vì sông nước chằng chịt, vì rừng rậm hoang sơ cản đường người ta đi tới. Cuồn cuộn theo dấu chân của những gia đình di cư, là xóm chợ xôn xao, những hàng quán mọc lên. Đất cuối trời bừng tỉnh, sôi động. Những chiếc vỏ lãi cao tốc lướt băng băng trên sóng làm con đường vốn xa ròng rã gần lại. Vậy thì lẽ ra em không nên buồn, không nên tiếc mới phải ? Em đã nhắn vậy rồi anh còn chần chừ ngại ngần chi nữa mà không tới Đất Mũi hả anh ?
Để được đón anh về, có lẽ em tôi sẽ nhọc nhằn hơn nữa bởi hết lòng cố giữ những gì đáng giữ. Này biển, này rừng, này tôm cá trên bãi bồi, này tính cách hồn nhiên không vụ lợi của người Đất Mũi. Để anh có thể ngồi quây quần với bà con, đêm thức nghe gió mùa tan trong bếp lửa, bên bữa rượu ấm nồng, tôi ngồi đếm tóc anh, chợt giật mình thấy anh bạn mình tuổi đời có còn trẻ gì đâu, hú hồn, chút xíu nữa là không kịp về Đất Mũi xứ tôi rồi. Đất Mũi gần gũi vậy, sao phải mất tới mấy chục năm trời mới đến được vậy ta.
Nhưng anh biết không, đi với anh dưới ánh nắng vàng dãi, len lỏi trong những mảng rừng loang lổ, nhìn về cái bãi đất bồi hoang vắng, nếu thấy em tôi vui cười chơi chơi vậy, chưa chắc em đang thật đâu, với em tôi, Đất Mũi ngày xưa sẽ đến một ngày xa mãi.
Nếu em tôi thật sự mệt mỏi buông xuôi rồi, thì tôi biết làm sao đây anh ?

Dòng nhớ
Nguyễn Ngọc Tư
Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, ngiêng ngiêng ngó ngó một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông, má tôi thấy ghe nào cũng lần xuồng lại, dòm mặt chủ rồi đi. Con nhỏ chèo đò chắc là chèo mối, nó biết bà già định đi đâu, định làm cái gì nên nó biểu :
- Hỏng hỏi thăm thì vô phương kiếm ra, ngoại ơi.
Má tôi ngẩn ngơ. Hỏi chớ, chú ơi, thím ơi, tôi muốn hỏi thăm một người quen. Tên gì? Ghe bán gì? Hai Giang. Ghe bán hàng bông. Trời đất, ở xứ này có tỉ tỉ ghe bán bán hàng bông, cũng có biết bao nhiêu người tên Giang, vậy tướng tá người đó ra làm sao? Bây giờ đâu có biết ra làm sao, gặp được một lần mười sáu năm trước, nhớ sao tả vậy nghen. Đàn bà, chừng sáu mươi, trạc tuổi tôi, tóc dài, da ngăm ngăm, không đẹp không xấu. Mới đầu đi với chồng, sau chồng bỏ lên bờ vì cơ cực quá trời, hồi trẻ có đứa con gái đầu lòng chừng bảy tháng tuổi thì rớt xuống sông chết.
Vậy thì đông lắm, người sống trên chợ này hể mười thì có năm người y chang hoàn cảnh vậy, dân Ba Bảy Chín mà, “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, chị hỏng nghe sao ?
Má tôi chẩng hẩng :
- Vậy ?
- Ừ, người đó quen sao mà tìm coi bộ cực dữ ?
- Quen. Chà, hỏng biết nói sao bây giờ, dài dòng lắm, vợ của chồng tôi.
Nếu vậy thì dài dòng thiệt, chuyện tình tay ba mà phim dính vô chuyện nầy cũng năm bảy tập trở lên, còn cải lương lâm ly không biết bao nhiêu là nước mắt.
Má tôi cũng khóc nhiều rồi.
Má tôi nói hoài, ba mươi tám năm bà về làm dâu nhà chồng, cực có, sướng có, chưa bao giờ nội tôi khắt khe, nhỏ nhặt, khó chịu với dâu, nhưng má tôi vẫn hận nội tới chết mới thôi. Hỏi sao kỳ vậy, má tôi kéo chéo khăn lên chậm chậm vô đôi mắt, “Bộ hết người rồi sao mà nội bây cưới tao cho ổng, đó, bà chỉ tay ra bến, gần hết đời rồi tao có được vui đâu”.
Đó là lúc “ổng”, tức ba tôi chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến. Ông dừng lại chỗ mấy cây tra, lấy tay rờ rẩm, săm soi từng cái lá, cái bông như tay bắt mặt mừng thằng bạn lâu năm mới gặp. Rồi ông lần ra tới đầu bến, đứng dưới hàng mấm già ngày xưa ông trồng để giữ đất cho khỏi lỡ, để mặc cho mấy cái hoa nắng vàng xơ rơ đậu xuống cái đầu húi cua, bạc trắng của mình, ông già thao thiết nhìn ra sông. Chỉ vậy thôi rồi khật khừng quay lên, cái chân trái yếu ớt như tựa hẳn vô cây gậy, cứ mỗi lần chân bước, đầu gậy lại xoáy sâu vô đất một lổ tròn tròn.
Cảnh thì quen lắm, thì ngày nào, buổi nào ba tôi chẳng làm vậy nhưng cứ tụm cả nhà lại, rồi ngồi lặng lẽ dòm, ai cũng nghe đau đau xót xót như ai lấy cật tre cứa tới cứa lui trong lòng. Bởi cái lúc này là lúc sum họp đây, vậy mà sao vẫn thấy thiếu một người, mà thiếu đúng cái người đang lững thững đi dưới nắng kia mới chết.
Sau đợt tai biến mạch máu não lần thứ nhất, nửa người bên trái ba tôi yếu hẳn đi, tưởng chỉ vậy thôi, đến lần thứ hai bỗng dưng tâm trí ông già nhớ quên, ít nói, lẩn tha lẩn thẩn. Nhưng còn sống, còn tự mình đi đứng được là may lắm rồi, ai cũng nói vậy. Lúc đó cả nhà đang ở chợ, ba tôi càng lúc càng buồn, hay chống gậy đi, mấy lần cả nhà bỏ tiệm may đi kiếm ông tở phở. Sau này chỉ cần một mình tôi, vắng ông, tôi chạy xe dọc theo con đường về vườn cũ là gặp. Thấy tôi, ông già khựng lại, không nói gì, nhưng cặp mắt khẩn cầu, da diết, tôi làm như không biết, cầm gậy, đỡ ông lên xe chở về, có lần, ba tôi khóc, ông khóc rưng rức, nước mắt nước mũi nhểu nhão, lòng thòng.
Sau lần ấy, cả nhà quyết định đưa ông về sống trong vườn nhà nội. Vườn bỏ lâu nay, nhưng nhờ cô dượng Ba ở kế bên nhà trồng trọt, trông coi nên chỉ cần dựng căn nhà lên là ở được. Chuyện cắt cử người ở lại với ba tôi thì khỏi phải bàn bởi chừng nào mà má tôi bỏ ông được, “làm gì làm má cũng phải giữ ba”, tôi đùa. Má tôi xua tay :
- Ổng còn nguyên đó chớ có đi đâu, trước không mất giờ còn sợ mất mát gì nữa, mà, giọng má chợt cay đắng, hồi đó giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ.
Ba tôi là người của sông. Không phải ông nhớ vườn xưa mà chống gậy về, ông nhớ sông, một ngày ba bốn lượt lủi thủi chống gậy ra bến, đôi mắt như đang nhìn da diết, mà không biết nhìn ai, chỉ thấy mông mênh vậy thôi. Chơ vơ, cô độc. Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi.
Và cũng y như má tôi, ba cũng không sống được mấy ngày vui, vui thật, vui đúng nghĩa. Hồi tôi còn nhỏ, còn sống chung với bà nội, đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Kiểu ngồi một chân xếp bằng, chân kia dựng lên, rồi tì cái tay cầm điếu thuốc lên cái đầu gối, đêm này qua đêm khác, kiểu ngồi không đổi. Nửa đêm, má tôi đi ém mùng lại, tôi thức giấc, ngó ra chỉ thấy đốm lửa lập lòe, lúc đỏ rực, lúc lại tắt thiu thiu. Má tôi ngồi trong mùng lặng lẽ nhìn ba, còn ba thì nhìn ra sông. Sông cách nhà một cái bến dài chẻ ngang đám dừa nước. Nếu không vướng tầm mắt vào đám ô rô mọc lởm chởm chồm từ mé lá lên, không vướng mấy bụi ráng, bụi lức dại có thể thấy lồng lộng một khúc sông. Đêm sáng trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì trảy qua, theo tiếng mái chèo quẩy chách bụp rất đều. Dài từ ngã ba Vàm đến đây, nước chảy êm, khuất gió, những chiếc ghe đi đêm hay đậu lại, nghỉ ngơi. Lâu lâu, có chiếc ghe hàng bông lặng lẽ neo lại ngoài bến nhà tôi, treo ngọn đèn chong lên cây đước chơm chởm những cái nhánh con, mỗi nhánh lủng lẳng trái khóm, trái bầu dầm nắng mưa đã teo héo. Không thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác. Hừng đông chạy xuống bến thì ghe đã đi rồi. Những đêm đó, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở dài. Má tôi thở dài, chạy qua buồng bên khóc với bà nội tôi, không biết nói cái gì, chỉ nghe lỏm bỏm, tiếng nội làu bàu, “vậy ra má đã làm sai cái gì ?” và má tôi tuyệt vọng “Kiểu này biết chừng nào ảnh mới quên chuyện xưa hả má ?”.
Ngày xưa ba tôi cũng yêu thương một người. Tự ba tôi chọn. Nội tôi dứt khoát không chịu (nội có tỉ tỉ lý do, nhưng cái lý do lớn nhất là người phụ nữ đó đã có một đời chồng), ba tôi mới dắt díu người ta bỏ nhà đi, sống kiếp thương hồ. Hai người trãi qua biết bao nhiêu cơ cực, nào là gặt mướn, làm cỏ lúa, đắp bờ … mới có được một ít vốn, ba tôi sắm cái máy Koler xuống rẫy bán hàng bông. Họ sống nghèo lắm. Mỗi lần đi ghe đi ngang qua nhà, ba tôi khắc khoải ngó lên, vừa nhớ, vừa đau vì cãi nội. Rồi hai người có với nhau đứa con, nhưng chị bạc mệnh chết đuối, tận cùng đau khổ, ba tôi bỏ về nhà, được về, ba tôi cũng phải đáp ứng vài điều kiện của nội, vậy là ba tôi bỏ người ta giữa dòng bơ vơ. Tôi biết được có bao nhiêu đó thôi, kể ra cũng mấy dòng vậy thôi. Mà, cũng phải đợi tới năm mười lăm tuổi, cả nhà mới cho tôi biết. Tôi bật ngửa, chuyện xảy ra lâu rồi, nhưng người ta vẫn còn nhớ, vẫn còn cắm sào trước bến nhớ ba tôi, vậy mà biểu ba tôi quên cái rụp thì làm sao quên được.
Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gởi gắm tình thương yêu đến cả những người vắng mặt. Ông ít nói, hiền lành, từ tốn với má tôi, những lần má tôi bệnh, ba chèo một hơi mười mấy cây số vừa đi vừa về đưa má tôi ra trạm xá, không than mệt, không thở ra, tận tụy. Lúc nào cũng mình mình tôi tôi, mấy bà hàng xóm nghe tủi cho mình mà khóc, má tôi cũng òa khóc theo, cảnh mỗi người tự người đó biết, người ta hay đứng núi này trông núi nọ vậy mà.
Mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, cả nhà tôi lúc nào cũng cảm thấy không vui, dù hạnh phúc (hai thứ nầy sao lại không thể đi chung). Không thấy ai đòi nhưng nợ vẫn cứ là nợ, nó rờn rờn quanh quất trong chái bếp ngày ngày khói tỏa, trong mấy chiếc giường ngủ con con, trong hai bữa ăn mỗi ngày. Ngồi quây quần như vầy trong bụng cứ nghĩ, có một người nào đó cô độc, bơ vơ. Mà tội nhất là nội tôi, vốn mê cải lương, nhưng bữa nào ti vi chiếu mấy tuồng có bà mẹ chồng ác nghiệt chia rẽ duyên của con, dâu là thấy nội tôi rầu. Cho tới lúc cuối đời, chắc nội tôi vẫn băn khoăn trong lòng câu hỏi : “ Vậy ra, mình giống mấy bà già trong đó thiệt sao ?”
Má tôi thấy nội bứt rứt cũng không tỏ ra phiền muộn nữa, cốt để an ủi nội tôi lúc cuối đời. Khi nội tôi vừa khuất, má quyết định gặp đối thủ một lần, chỉ định nhìn vậy thôi, chưa biết làm gì mà cũng không biết làm gì người ta, nhưng chắc chắn phải biểu người ta buông tha ba tôi ra, còn gì nữa đâu mà neo ghe trước nhà ngó mong hoài.
Chờ đợi, rình rập hụp hửi mấy lần, chiếc ghe nhỏ với ngọn đèn đo đỏ lại về đậu trước bến nhà tôi, như mong đợi của má. Bữa đó, má nói với ba tôi chèo xuồng về chơi bên ngoại một đêm. Gà gáy chập đầu, bà trở lại, trên xuồng chất đầy mấy thứ rau đồng, bà giả đò làm người đi chợ sớm.
Ngang qua, má tôi tấp xuồng lại kế bên chiếc ghe, than :
- Tính đi chợ cho sớm mà gió quá, chèo không lên, bậy thiệt.
Má tôi tin rằng, người đàn bà kia, cũng như ba tôi, những đêm như vầy không bao giờ ngủ. Mà thật, dì đang chong đèn ngồi thêu áo gối, nghe tiếng má tôi, dì quay lại, dường như sững sờ, bất ngờ một chút, dì cười :
- Dà, đêm nay nhiều gió thiệt – Dì vẹt mớ quần áo ngổn ngang trên cái sạp tre – Chị vô mui ngồi cho ấm, chờ bớt gió rồi đi, ngồi ngoài đó cảm sương chết.
Má tôi không từ chối, bà buộc dây xuồng lại, bước qua ghe. Bà cao người nên ngồi trong cái mui lợp bằng lá chầm đóp phải khom một chút. Họ ngồi đâu mặt với nhau. Má tôi thấy lòng mình bình lặng lạ lùng, hồi ngồi dựng cái cảnh gặp mặt nầy, cứ tưởng là phải làm một cái gì ghê gớm lắm.Có thể vì người đàn bà của ba tôi hiện lên rất hiền, dì mặc chiếc áo cộc tay màu cau khô ở trong, khoác thêm chiếc áo bà ba ở ngoài, mỏng te, nhiều mụn vá. Tóc đã bạc nhiều, lơ thơ vài cọng rủ xuống mặt. Sương gió đã làm cho khuôn mặt dì đen sạm, nhăn nheo. Má tôi nghĩ thầm trong bụng, “xấu hơn mình nhiều”. Má tôi sợ cứ nhìn chằm chằm người ta hoài cũng không phải nên má ngó lơ chỗ khác. Đồ vật trên ghe món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng. Ngay sau lưng chỗ má tôi ngồi, bỏ khoang tát nước có một cây ớt hiểm, một cây sống đời đang trổ bông trồng chung trên miệng cái khạp bể. Dì lúi húi dẹp miếng vải đang thêu dỡ, vói lấy bình thủy, châm nước vô cái bình trà sứt vòi, ho khúc khắc. Má tôi chép miệng, “Cha, có trà uống thì còn gì bằng, mà, chị bịnh hả, mấy lá sống đời nầy ngậm với muối cũng đỡ ho lắm”. Dì ngước lên cười, “Dà, lúc nầy trở gió, cũng nhờ nó…”. Má tôi hỏi :
- Chị đi ghe một mình à, một mình cũng được sao ?
- Dà, cũng được, chị.
- Ủa, chồng chị đâu ?
- Dà, dì bối rối, ảnh… đi xa lắm.
- Còn chồng tôi thì theo vợ bé mất rồi, má tôi nói luôn.
Dì nhìn sững má, dường như để xem xem nỗi đau mất chồng của má với dì có giống nhau. Hồi lâu, dì chợt cúi mặt :
- Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thể nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó, chị, đa số đàn ông đều tốt.
Tốt sao ? Người ta bỏ cô để cưới tôi mà là tốt à, má tôi ngồi lặng, tự hỏi, mà không biết nói gì nữa, cái câu quan trọng nhất chắc không phải nói lúc nầy. Má tôi ngồi ngó quanh, một ánh đèn nhỏ nhoi thôi cũng đủ hắt sáng vài xâu cốm gạo treo trên vách, mấy hủ kẹo, bánh ngọt, tiêu tỏi để bên này, trái cây như khóm, bí rợ, khoai lang thì chất thành hàng bên kia. Sát bên hông dì, dưới tấm vải trắng thêu dỡ là hai xấp quần áo cũ, người lớn có, trẻ con có được xếp ngay ngắn, nhưng hết thảy đều củ kỷ, bạc màu. Má tôi vọt miệng :
- Ủa, chị có cháu nhỏ à ?
Sau nầy, má tôi nói, đó là cái câu tàn độc nhất mà má lỡ miệng đánh ngay vào nỗi đau của dì. Dì nhìn trân trân vào ngọn đèn, cái nhìn đau lặng. “Con bé Phước nhà tôi vô phước lắm chị à, tại tôi không cẩn thận nên cháu vừa mới biết bò đã té sông, trôi mất. Cũng mười mấy năm rồi, bây giờ, nó còn sống, chắc tôi thêu gối cưới cho nó cũng vừa. Tôi… tôi chiêm bao thấy cháu nó hoài, chiêm bao lãng nhách hà, tự nhiên tôi thấy con tôi biết nói, nó biểu má đừng bỏ con, trời ơi, tiếng nó thấy cưng lắm kìa, vía tôi trả lời, mẹ sẽ sống trên sông hoài, hoài hoài với con, vía tôi thấy nó cười…” Dì nói một hơi dài, giọng dì hơi nghẹn lại, “trời ơi, chị có chuyện buồn lòng mà tôi lại kể chuyện buồn lòng nữa, chắc chị phiền tôi lắm. Mớ đồ nầy tôi cất lâu rồi, sợ mốc, cứ mấy tháng là tôi đem ra giặt lại, của con bé con tôi có, của chồng tôi có. Chồng tôi… tôi chỉ còn giữ lại bao nhiêu đây thôi. Chị coi, tôi khùng hôn, không giặt thì không được mà giặt hoài, tới hơi chồng cũng bay, tôi cũng quên mất rồi…”
Dì cười quay quắt. Má tôi chút nữa đã bật khóc, bà cố nén nghẹn ngào :
- Đàn bà mình sao khổ vậy ?
Tiếng gà gáy xa xa, con nước đêm nay mau lớn quá, mới đây thôi đã ngập nửa cây sào neo ghe rồi. Lúc nầy, nước lớn không nghe bìm bịp kêu, mà, nhờ không có, chứ nghe bìm bịp kêu càng buồn nữa. Má tôi ngồi bình tâm lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà dành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ… Còn người ta, nhớ thương đứt ruột cũng đành ngồi đây ngó lên, giữa đường gặp nhau chỉ nhìn vậy thôi mà không chào hỏi tiếng nào. Đau lắm chớ. Má tôi nhìn ra ngoài trời, vẫn còn khuya lắm, nhưng đã thấy mấy chiếc xuồng đi chợ sớm lướt qua, tiếng mái chèo quẫy chủm trên mặt sông ngọt, nhẹ, cứ tưởng từng lát nước xếp lên nhau như những lát đất cày. Dường như trời bớt gió nhiều rồi. Dì nghiêng đầu ra ngó trời, chừng như nuối tiếc, thảng thốt :
- Trời đất, đêm qua lẹ thiệt. Chắc tôi phải đi bây giờ.
- Sớm vậy sao ?
- Dạ, tôi thường đi… trước lúc người ta thức…
- Tại tôi nhiều chuyện làm chị thêu không xong…
- Không, người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã, tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi… tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc … khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à.
Vậy rồi hai người chia nhau đi. Ghe nổ máy rồi, khói xịt tơi bời, dì còn dặn lại : “Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu làm gì thì cũng thương mình chị thôi”. Má tôi không nói, quay đi và khóc.
Tháng sau, má tôi quyết định gom mớ của cải cả nhà có được ra chợ, mua cái nhà. Ba tôi ít chút ít nghề mộc nên nhận đóng tủ, bàn ghế ở nhà, má tôi chiên đậu hủ bỏ mối, chị tôi mở tiệm may, tôi vào Đại học. Mọi thứ được sắp đặt lại, mới mẻ, gọn gẽ. Má tôi bứt ba phải xa sông, nhưng chính bà cũng biết, những dòng nhớ vẫn tiếp tục chảy mãi trong hồn ông. Mà, chính má tôi cũng không quên cái hình ảnh cái rổ úp chén đan bằng nan tre đã xỉn màu, trên đó có cái dĩa, cái tô và ba cái chén, ba đôi đũa như thuở người đàn bà trên ghe còn nguyên một gia đình.
… Tới bây giờ má tôi vẫn chưa tìm được dì. Tôi hỏi má tìm làm gì, má tôi nói để cho hai người gặp lại, coi thần trí ba mầy có đỡ hơn không. Bây giờ thì ba tôi cũng nằm xuống, ông nằm ở lớp mả thứ ba trên cái liếp chôn cất ông bà. Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được, chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.
Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy.

Một mái nhà
Nguyễn Ngọc Tư
Tạp văn
Một bữa trên đường gánh trái cây đi bán dạo, con Bèo gặp tôi, mừng quá, lâu lắc quá chừng rồi, Bèo rối rít mời tới nhà chơi, mà, cái giọng của con bạn, trời ơi, nó tươi rói, giòn tan, sung sướng, tự hào. Bèo dặn vói theo cho tới khuất người khuất bóng mới thôi, "Nhớ nghen, Tư, rảnh vô nhà tao quậy cho đã một bữa, muốn chiên bánh xèo cũng được, không thì tụi mình nấu chè khoai môn ăn". Rồi nó cười hực hở, rạng rỡ, như thể nhà nó là một thiên đường.
Ai mà dè nhà nó nằm tuốt trong con hẻm Cỏ sau lưng siêu thị. Đó là một con hẻm dài, hẹp te, tối tăm, sình bùn ọp ẹp, ngoa ngoắt ngoặt trái ngoặt phải, mỗi lần ngoặt thì nhà cửa hai bên lại nhỏ đi một chút, làm người ta tuyệt vọng đi một chút, điệu này, tới cuối hẻm, chắc nhà chỉ còn bằng cái miễu ông Tà. May, nhà của con Bèo cũng không tệ đến mức vậy.
Tổ ấm đó đủ để một bàn thờ kê trước chiếc giường đôi, còn thừa một chỗ trống để giăng chiếc võng sát góc nhà. Phía sau có kê tấm dal làm bếp, gần đó đặt cái bàn ăn cơm nhỏ xíu với hai chiếc ghế ba chân để đâu cũng lún vì nền đất ướt chèm nhẹp. Vách nhà được dừng bằng những tấm kẻm đã phơi bản ở nhà in (chồng nó làm việc ở đó), chi chít thơ. Hỏi con Bèo thơ viết gì, nó cười, "Mầy biết mà, tao học tới lớp sáu là nghỉ ngang, chữ xuôi đọc còn trậm trầy trậm trật nói chi để chữ ngược ngạo vầy…"(tội nghiệp, sống giữa thế giới thơ mà không tận hưởng được). Mái lợp bằng lá cũ mèm, ngửa cổ đã thấy lấp lánh trời sao. Nước bưng ra để cái cộp, khách chưa kịp uống lá mục đã rớt vào, nên nước nghe thơm mùi lá lắm. Con Bèo cười, "Chồng tao ảnh nói để lãnh lương tháng nầy mua lá lợp lại, chớ đâu có để vầy hoài".
Tôi tới chơi một lần, tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất, nghe trong lòng có một chút ghen hờn. Con Bèo học hành lỡ dỡ, nghề nghiệp cũng chẳng cao sang, sao nó lại ngộ chữ "tri túc", còn mình thì không ?
Tôi cũng có nhà, lớn hơn một chút, đầy đủ tiện nghi hơn nhưng chẳng bao giờ tôi biết hãnh diện về nó. Nhiều lúc bạn bè nói dèm, bảo để tới nhà nhỏ Tư chơi, tôi bàn ra, “Nhà em khó kiếm dữ lắm mấy anh ơi”. Bạn gạt phăng đi (vì thương tôi quá mà), “không sao, khó mấy có lòng cũng tìm ra”, tôi rối beng trong bụng, giả đò nín thinh như người điếc, nghĩ thầm, nhà mình thấy ghê...
Nhà tôi nằm ngang chợ phường, quay lưng với sông, ngửa mặt đón bụi đường, trong nhà không lúc nào ngớt tiếng xe, tàu chạy (tôi ngồi viết văn ở đó, giữa tiếng động chói gắt khủng khiếp của tàu xe, tiếng nhạc nhùng nhằng từ xe kẹo kéo, tiếng những người đàn bà bên chợ cá cự cãi nhau). Đứng ở đằng trước thấy thông thống đằng sau, tuềnh toàng một cái bếp thấp tè, chiếc máy giặt cổ mỗi lần giặt rung cà cồng cà cưỡng (có người còn đề nghị cho mượn để … cầu số). Chen giữa lối cầu thang lên gác xép với nơi để máy vi tính là cái bàn ăn, (nên ngồi một chỗ, tôi có thể vừa truy cập Internet, vừa... ăn cơm, hoặc quay lưng lại xem ti vi). Trên vách lỏng chỏng nồi niêu xoong chảo, lọ nghẹ ám đen, dài theo đó đóng ba bảy hàng đinh, treo lủ khủ những thứ mà ở dưới đất, không có chỗ cất. Đồ đạc bằng cây thì cũ kỹ, gảy bản lề, bằng kim loại thì sét nghẹt, thấy rầu. Đụng tay vô đâu cũng gặp bụi, lau hôm trước, hôm sau bụi lại đầy, mùa gió nam hay gió chướng, trước nhà cũng tả tơi giấy vàng bạc, vỏ tràm. Buổi trưa đi làm về lại lýnh quýnh chạy đi, hỏi làm gì gấp, bảo chạy về thăm ngoại (nói vậy cho nó … tử tế, chớ không lẽ nói “dzọt” vô trong ấy để ngủ, ở đây nóng quá, chịu gì thấu).
Tôi chỉ nhớ nhà những lúc đi xa, đi lâu (cái chính là nhớ người ở lại). Ở một vùng đất heo hút nào đó, nửa đêm thức dậy, nghe tiếng gà gáy, tiếng con chim kêu thảng thốt, gió ngào ngạt hương hoa bưởi, hoa cau, tôi nhớ tổ ấm của mình, giờ này ở đó chẳng có gió máy gì đâu, thằng nhóc ở cạnh nhà chắc là đang chạy rầm rầm trên gác (e là nó đã bị hỏng đồng hồ sinh học), những người phục vụ quán nhậu bên kia đường đang dọn dẹp, tiếng chai rỗng vọng xuống đáy thùng côm cốp, rồi tất cả đều im lắng lại, nhường cho tiếng chổi đêm xao xác. Tôi chân thành cảm ơn những cuộc đi xa, nó làm cho tôi biết nhớ nhà, ờ, miễn là nhà - của - mình, thôi thì, sao cũng được.
Một bữa trèo lên tầng thượng cao ốc ngân hàng, tôi nhìn về phía nhà, nghe gió thổi qua mặt, gió tràn vào lòng, nhận ra nhà của mình nhỏ nhoi, chật chội quá trời đất, gì mà mái nhà hẹp te như chiếc chiếu bông (Rõ ràng là người ngồi trên cao sẽ nhìn đời bằng đôi mắt khác). Úi cha cha, không biết chừng nào mình mới có được một căn nhà đủ rộng, có cửa sổ đón gió và nắng trời, có cái sân trồng giàn bông giấy, có phòng riêng cho con (thì cũng phải sinh con chứ, chừng vài ba đứa), có chỗ cho tụi nhỏ đạp xe ba bánh chở nhau, trên vách treo tấm hình đám cưới, treo cái gương dài để mặc đồ mới đứng ngắm nghía chơi. Ở đằng trước đủ rộng đặt bộ ghế sa lông cho khách ngồi, khoe cái kệ chật những sách, báo; ngoài sau đủ sáng để bày biện nấu nướng cúng giỗ cha mẹ chồng, sau nữa là mảnh đất nhỏ trồng cải, ớt, hành, vài thứ cây ăn trái như ổi, cóc, xoài… hệt mảnh vườn của má, rồi chim về chim hót, rồi gió về gió thơm mùi cỏ mùi cây… Tôi sẽ mang đá sỏi, rơm rạ vào nhà, nuôi cá lia thia, thả bèo vô chậu, ở chỗ cái hồ dưới giếng trời tôi trồng bụi năn, bụi lác, bụi bông súng quê nghèo. Đất có hơi hẹp khổ, nhưng không sao, tôi sẽ xây nó lên cao, cho ai đi qua tới đây cũng phải xửng vửng, ngạc nhiên kêu lên :"Nhà của ai mà bảnh quá ta ?" (Lúc đó tôi sẽ ưỡn ngực ra mà rằng : "Có ai trồng khoai đất này, nhà Tư tui chớ ai"). Nhưng chừng nào thì mình mới có được một cái nhà như vậy kìa, biết chừng nào, chừng nào, chừng nào?
Câu hỏi đó cháy bỏng trong lòng. Chạy xe ngang qua nghĩa địa Triều Châu, tôi tần ngần ngó những ngôi mộ nằm chen chúc trong nắng chiều, nghĩ người chết rồi, nằm thẳng cẳng không biết trời trăng gì rồi mà xây cất chi cho long trọng vậy không biết, phải chi… Nhận tiền nhuận bút được một trăm hai chục ngàn mua sách hết một trăm, tôi buồn thiu thỉu, vậy là xong hai bao ximăng, mất trăm rưỡi gạch, bay vèo một mét khối cát, thấy mình tuyệt vọng một chút. Có lần đi công tác, đứng trong nhà vệ sinh khách sạn, chực nghẹn ngào, trời ơi, chỉ chỗ này thôi còn sang trọng hơn, đẹp hơn nhà mình nữa. Rồi tới chiêm bao tôi cũng thấy căn nhà mơ ước, nhưng vía vừa tới cửa, bỗng còi rúc liên hồi, giật mình tỉnh giấc, nghe xà lan ngược nước ràn rạt đi qua, nhớ giấc mơ dang dở, tôi tiếc quá chừng…
Con Bèo nghe chuyện, nó cười quá trời đất, nó nói tôi "điên nhà", nó cười mà lòng nó đau như thắt, nghĩ tội nghiệp cho con bạn nông cạn, dại khờ. Mấy cô bạn ở sát nhà nó cũng qua chơi, cũng rười rượi, bảo " Không phải có nhà cao cửa rộng là hạnh phúc đâu, mấy thằng đàn ông hay rủ tụi tui tới nhà tù ti tú tí, thằng nào cũng giàu (không giàu sao có tiền bao gái ?). Con Bèo giải thích với tôi, "tụi nó bán bia ôm". Rồi một mai khi son phấn rã rời, khi ngày cùng đêm tận, có mái nhà nào đón họ về không (dù bé bỏng, chật chội như tổ ấm của con Bèo) ?
Vậy thì cảm ơn Bèo lắm lắm, con bạn nghèo ơi ! Nhờ gặp ở đây, giữa xóm lao động này, nhờ ánh mắt nụ cười của bạn, tôi ngộ ra rằng, hạnh phúc không ở những ngôi nhà sang trọng, tự mình thấy đủ, dù chòi tranh vách lá, dù ở dưới dạ cầu, cũng vui. Có những ngôi nhà cao rộng mà lạnh lẻo, vô hồn, có những mái lá đơn sơ mà nồng nàn, đượm khói. Ô la la ! Gặp mưa giữa đường, có chỗ ta về, có người đưa tấm khăn để lau tóc ướt, là “đã” lắm rồi, đừng có lãng mạn mong ước xa vời.
Tôi về đứng trước cửa nhà mình, ngơ ngác yêu thương như con chim lâu lắm mới tìm lại tổ. Nỗi vui cồn cào tới mức muốn mời ai đó tới nhà chơi ngay bây giờ, ngay lúc này. Tôi sẽ vén mớ đồ đạc bề bộn ra ( như khoả mặt ao bèo), mời bạn ngồi (và biết khi bạn đứng lên ra về, nó sẽ bừa bộn như cũ, giống hệt bèo). Nhà hơi tối, hơi ngộp, đừng lo, tôi sẽ mở cửa sau, nhìn ra sông nước rập rờn, nắng bừng qua cửa, gió phơ phất từng cơn, mát rượi. Chúng ta sẽ ngồi ở đó, cắn hạt dưa, cười tở mở, nói những câu nói thật lòng, đùa những lời ý nhị. Chúng mình ngồi ở đó, ngó về sông, kia những chiếc ghe khẳm lừ chở mấy con chó nghinh mặt sủa vang trong buổi chiều đỏ thẩm, hỡi người cầm lái, nhà anh là chiếc ghe nhỏ đó hay nhà anh vẫn còn xa, xa ngái ?
Giờ đó, sâu trong hẻm Cỏ, chắc con Bèo đang nhen lửa, chồng nó vo cơm

No comments:

Post a Comment