Wednesday, March 2, 2011

Xét lại ý tưởng dân chủ trong ngày 4 tháng 7

Xét lại ý tưởng dân chủ trong ngày 4 tháng 7 (Fourth of July)
• Tác Giả: Nguyễn-Khoa Thái Anh
• Đăng ngày 04.07.08
• Quan Điểm
• Chưa xếp hạng
Nguyễn-Khoa Thái Anh

View all articles by Nguyễn-Khoa Thái Anh
Có những lúc hành trình mang nhiều ước vọng cao đẹp nhất của con người sẽ đi đến một ngã rẽ không thể tránh được, trở thành một sự đành đoạn chia ly. Trong trường hợp phân ly của ĐànChimViệt.com và DCVOnline.net, chúng ta có thể xem đây là một điều khả quan, nhất là trong một thể chế đa nguyên, sự tách đôi không nên kể là một chuyện đứt gánh giữa đàng. Độc giả sẽ có thêm một chọn lựa tốt, chấp nhận sự khác biệt phải có giữa hai chủ trương.
Thiết nghĩ, không nói ra, nhiều cơ quan ngôn luận hải ngoại mong muốn tạo nên một phong thái độc lập, khách quan, không phải phục vụ một một quyền lực hay đảng phái nào. Đàn Chim Việt không khác gì, cũng mong phát huy và cổ động một diễn đàn tự do và trung thực, không bưng bít thông tin, chấp nhận các quan điểm khác nhau, miễn là người ta biết cách đối xử tử tế với nhau, không phán đoán hồ đồ, diễn dịch ý tưởng của tác giả theo một hậu ý nào.
Tuy yêu chuộng sự thông thoáng, cởi mở, ý kiến và sinh thái của những người góp ý kiến, người góp ý nên đầu tư một ít suy nghĩ trước khi phê bình, tôn trọng những điều lệ căn bản của một sân chơi dân chủ, không viết lách bừa bãi, vô trách nhiệm đối với những bày tỏ của mình, thể hiện một tinh thần dân chủ đa nguyên.
Trong ý niệm đó, suy cho cùng một sự chia tay tương kính, có ý nghĩa sẽ nói lên được mong ước vươn lên, muốn bay cao của Đàn Chim Việt, không khác gì lời tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ đã có những câu khai phóng cho biết lý do của sự tách bạch đó:
"Trong hành trình tiến bộ của loài người, điều thiết yếu đòi hỏi người ta (một dân tộc) cần giải thể những vòng hệ lụy chính trị đã buộc mình vào với kẻ khác nhằm nhận lãnh những quyền hành tự nhiên của trời đất, một chỗ đứng riêng biệt, bình đẳng và xứng đáng mà Tạo hóa và Thiên nhiên đã dành cho mình. Do đó, trước sự nể trọng tử tế của công luận thế giới buộc họ phải giải thích lý do khiến họ tìm một phân ly riêng rẽ này." (1)
Nhân ngày Quốc Khánh của Hoa kỳ sắp đến (July 4th, 1776), thiết tưởng cũng đúng lúc chúng ta nên nói qua về ý nghĩa của ngày khai phóng, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nền lập quốc của Hoa Kỳ, giúp họ tách rời khỏi sự cai trị và lệ thuộc với mẫu quốc (nước Anh: England)
Ở nhiều nơi trên thế giới bản tuyên dương độc lập của Hoa Kỳ mang nhiều ý nghĩa đặc biệt vì nó nói lên được ước vọng tự quyết của những dân tộc đang bị đè nặng dưới ách thống trị của bạo quyền. Đương nhiên, đối với Việt Nam và trong số những người mưu toan chính trị, người ta không thể quên ông Hồ chí Minh, một người đã sớm ý thức được ý tưởng độc lập của dân tộc nên đã mượn những câu tuyên ngôn này, diễn dịch và đọc lên trước quần chúng ở quảng trường Ba Đình vào ngày 2 tháng 9, 1945 (bản viết trích dưới đây được chép lại theo ghi âm của nhà nước Việt -Nam đã post trên youtube).
"Người đồng bào cả nước, tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo ra cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc" (2) Lời bất hủ ấy ở trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy luận ra trong ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc sinh ra trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791(3) cũng nói: người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền này và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền ấy. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được, thế mà hơn 80 năm nay bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta, hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp đã man, chúng lập 3 chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết..."
Nực cười, nếu người ta mang hầu hết những lời phát biểu (đoạn viết nghiêng) của bác Hồ trên đây mà ứng nghiệm vào đời nay thì rõ ràng những ngôn từ dành cho thực dân, những lời bác Hồ cáo buộc người Pháp ngày xưa, ngày nay có thể áp dụng đích thị cho "nhà nước và hệ thống an ninh Công An của chủ nghĩa Xã hội Việt Nam" trong cách hành xử thô bạo mà họ dành cho dân tình Việt Nam, nhất là những người tranh đấu cho sự thật, nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Nhưng một điều không nực cười tí nào, trái lại rất đau buồn và bất hạnh cho Việt Nam trong kỷ nguyên này là cả bao nhiêu xương máu của dân tộc Việt đã đổ ra, hy sinh giành lại độc lập, tự do, dân chủ thì nay chỉ mang lại gần như một con số không to tướng, mặc dù đất nước đã thống nhất và hòa bình trên 30 năm nay.
Tưởng rằng sau hai phần ba thế kỷ chiến tranh, người Việt đã giành được độc lập từ thực dân Pháp, kể cả gần hai thập kỷ nồi da xáo thịt, đánh Mỹ cứu quốc thì ngược lại Đảng Cộng sản Việt-Nam lại đem dâng trở lại cho Bắc triều để đổi lấy một ban phát, củng cố cho sự tham quyền cố vị của mình. Sự thật phũ phàng là những điều bác Hồ mong muốn cho Việt Nam như độc lập, tự do, dân chủ không ngờ 70 năm sau đã nghiễm nhiên trở thành những điều vẫn được nhiều người dân âu lo trông đợi, một số khác bị tù đày, bức bách chỉ vì họ tranh đấu một cách ôn hòa cho những lý tưởng trong tuyên ngôn Hoa Kỳ mà bác Hồ đã nêu ra.
Vì Ai Gây Dựng Cho Nên Nỗi Này?
Nhưng có lẽ hậu quả tai hại nhất -- sau gần một thế kỷ dưới sự lèo lái của đỉnh cao trí tuệ -- là hiệu chứng Việt Nam. [Đây không phải là Vietnam Syndrome theo định nghĩa của Mỹ, một tì vết thua trận, tháo chạy, bỏ rơi đồng minh trong tâm thức người Mỹ đã trở thành một cái nhục quốc thể, tạo nên một tâm lý thụ động, lẩn tránh trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ rõ lâu cho đến khi Bush 2 xâm chiếm Iraq].
Trận chiến Quốc Cộng, Nam Bắc phân tranh, đã gây ra hơn ba triệu cái chết cộng với những năm cai trị khắc nghiệt của thời 'bao cấp' phân biệt đối xử, cướp đoạt tài sản ở miền Nam (không kể hai phần ba thế kỷ đọa đày ở miền Bắc) đã tạo nên một sự kiện mà người viết - để tránh nhầm lẫn với Vietnam Syndrome nói trên - xin tạm gọi là Hiệu chứng Cộng sản. Nếu đơn thuần đây chỉ là một sự căm phẫn, thù hằn giữa người dân và nhà nước Cộng sản, thì câu chuyện hiệu chứng cộng sản đã có lẽ đã được giải quyết sớm hơn, không đến nỗi phức tạp đến như vậy.
Vỡ bi kịch của chúng ta
Mượn ý phần nào của Tiêu Dao Bảo Cự (4), tôi muốn nói về cái thảm kịch của của hai phần ba thế kỷ chiến tranh nồi da sáo thịt đã tạo ra hố chia rẽ và nghi kỵ giữa người Việt. Người Cộng sản không tin thiện chí của người hải ngoại, nhất là khi nó khoác lên một ước vọng dân chủ. Trái lại, người quốc gia (quá khích) cũng ít khi nào công nhận đóng góp hay thành quả tích cực nào đó của phía bên kia. Do đó, không ai có thể quả quyết được: người Việt không cần hoà giải, vì giữa hai thái cực của hai ý chí và vai trò (chính nghĩa) của mỗi bên chính là một cố gắng cần thiết để tìm giải pháp cho một tương lai sáng sủa hơn cho đất nước.
Khổ nỗi trong một thế giới không tuyệt đối trắng đen, thiện ác rõ rệt này, người ta quên rằng không chỉ có bạo quyền, bạo chúa và dân lành -- ngay cả đối với một vài lãnh đạo mà một số người coi là hiện thân của sự gian ác đã được thần tượng hóa và tôn sùng cho đến ngày nay. Có phải họ có lúc tốt lúc xấu, hay tất cả chỉ là một màn kịch lớn? Không ai có thể khẳng định được điều này. Và câu trả lời cũng chẳng có ích lợi gì cho tương lai chung của đất nước
Đảng Cộng Sản Việt Nam không chỉ gồm một phe nhóm chóp bu, vì đã có bao nhiêu thế hệ nhiệt huyết đã bị quyến rũ theo chủ thuyết này, hy sinh tất cả. Nhiều người may mắn sống sót trở về sau chiến tranh, nhiều người được ân sủng, nhiều người bị thất sủng, nhiều người được trực tiếp hưởng những ơn mưa mốc, nhiều người gián tiếp quen biết chỗ quan quyền, vì cần phải tạo liên hệ quen biết để sống. Nhiều người bị đầy ải, nhưng rồi họ cũng phải vươn lên và tồn tại.
Người nghèo thì phải lượm ve chai, bán từng tấm vé số, thỏi kẹo sưng gôm (chewing gum) sống qua ngày, người giàu làm áp phe, biển thủ công quỹ, kiếm vài triệu đôla, cá độ bóng đá hay nướng nó trong một vài canh bạc.
Cái cốt lõi của cuộc đời là sự sống, ít ai lại đi tìm cách tự hủy diệt. Trong bối cảnh Việt Nam, đã mấy ngàn năm nay, quy luật sống còn không thay đổi. Nó lại càng thực dụng hơn trong thời cuộc nhá nhem tư bản - cộng sản này khi mọi người phải cố lèn lách để tìm lẽ sống, ngay cả làm giàu. Có phải một câu nói dân giả miền Nam, đã được nghe sau ngày 'giải phóng':
Sống hùng, sống mạnh không thể sống dai
Sống ươn, sống hèn sống lai rai sống hoài
chính là bí quyết 'cho tôi sống với' hay 'live and let's live' đã nói lên tình huống của người sống trong chế độ Cộng sản?
Không một ai hiểu biết lại cho rằng 3 triệu đảng viên Cộng sản đều là những cá nhân xấu xa nhất cần được tiêu diệt. Nhiều người chật vật cả đời, mong lấy được thẻ đảng, tìm cơ hội 'bình đẳng' hơn để vươn lên mà sống. Trong một đất nước 84 triệu người không phải ai cũng là người trượng phu khí phách, phải làm những chuyện anh hùng để lại tiếng thơm cho hậu thế.
Có một người Việt hải ngoại nào có thể tự phụ cho rằng họ không có dính dáng hay liên hệ họ hàng nào với một người trong nước? Xa hơn, có một ai ở nước ngoài không gián tiếp có liên đới với một người khác liên quan đến Cộng sản? Biết như vậy, thì may ra người Việt có thể đối xử với nhau tử tế hơn hầu tìm ra một giải thoát khỏi ngõ bí này, không đào sâu cái vực thẳm ngăn cách hai bên.
Có lẽ tôi không có quyền phán đoán những người chống Cộng cực đoan, những người đã mất đi một phần đời vì lao tù Cộng sản, là nạn nhân của hải tặc vượt biên, mang những vết thương thể xác cũng như tâm thần vì Cộng sản, vì tôi chưa bao giờ trực tiếp chịu khổ nhục bản thân như đồng loại nên tôi không hiểu nổi cái nghiệp chướng oán thù Cộng sản của họ, nhưng theo tôi dù có mang hành trang của oan nghiệt hay không, là người Việt Nam ai cũng là nạn nhân của Cộng sản. Và đã có một số lớn những người trực tiếp nhận lãnh những đòn thù của đối phương nhưng họ đã vượt qua tất cả để tìm phương cách hàn gắn vết thương dai dẳng của dân tộc.
Sự đồng cảm và óc tưởng tượng
Trong bài diễn văn ra trường Harvard của tác giả Harry Potter nổi tiếng, bà J. K. Rowling đã nói lên một điều chí lý:
"Nhiều người không thích sử dụng trí tưởng tượng của mình một chút nào. Họ chọn cách nằm yên trong ranh giới bình an và quen thuộc của cuộc sống, không bao giờ tự hỏi nếu phải sinh ra trong một hoàn cảnh khác hơn kinh nghiệm bản thân mình thì sẽ ra sao. Họ từ chối không nghe tiếng la hét hoặc nhìn vào những xà lim; họ có thể đóng tim óc mình lại trước những khổ đau mà không dính dáng đến bản thân họ; họ có thể từ chối không muốn biết.
Có lẽ tôi cũng suýt ganh tị với những người sống được như vậy, nhưng tôi không nghĩ rằng họ ít bị ác mộng hơn tôi. Chọn lối sống hẹp hòi, xa lánh đồng loại có thể đưa mình đến một trạng thái tâm thần, sợ hãi đám đông, tự nó cũng mang đến những kinh hoàng. Thiện nghĩ những kẻ cố tình không có óc tưởng tượng như thế sẽ gặp nhiều ác quỷ. Họ thường sợ sệt, hèn nhát hơn.
Còn gì hơn, những người chọn sự vô cảm thường giúp sản sinh thêm nhiều ác quỉ trên đời này. Vì cho dù chính chúng ta không phạm tội ác độc, chúng ta đã đồng lõa với tội ác vì sự thờ ơ lãnh đạm của chúng ta." (Đại học Harvard, 5 tây tháng Sáu, 2008)
Đương nhiên phát biểu trên đây được áp dụng đích xác hơn với những người trong nước và thái độ của họ đối với những nhà đối kháng dân chủ, nhân quyền. Nhưng đồng thời nếu suy luận xa hơn, người ta có thể áp dụng nó với những kẻ làm ngơ trước những trạng huống của những nạn nhân lớn nhất của Cộng sản, những người miền Bắc bị đày đọa và còn sống sót đến ngày nay.
Người Cộng sản gộc phân biệt đối xử nghi kỵ hay kỳ thị người dân chủ vì sợ mất chỗ đứng đặc quyền đặc lợi của mình đã đành nhưng nếu người Việt hải ngoại tự cho chuyện chống Cộng của mình là dân chủ (vì không phải ai chống Cộng đều là người dân chủ) và ghét bỏ tất cả những người được họ coi là Cộng sản trong hay ngoài nước thì đến bao giờ người ta mới tìm đến cội rễ của vấn đề, hòng tìm một giải pháp khả thi cho Việt Nam?
Ngược lại, tất thảy mưu toan lớn như chính trị, hay xã hội người hải ngoại thường tìm về một mẫu số chung nhỏ nhất -- yếu tố chống Cộng -- đối với họ có lẽ đây là một cứu cánh của mình. Làm như cứ hễ người nào, tổ chức nào có thể to miệng, chứng minh hùng hồn nhất lập trường chống Cộng của mình, hay đúng hơn vu cáo cho phe đối phương là thiên Cộng thì phần thắng sẽ thuộc về mình.
Đó là sự kiện ở quận Cam (Orange County) hiện nay. Trong cuộc tranh cử giám sát viên quận Cam, phe của Dinah Nguyễn, đang tranh cử chức giám sát viên, dược nhóm Trần Thái Văn làm hậu thuẫn đã vu cho Janet Nguyễn là Cộng Sản. Ngược lại gần đây Giám sát viên Janet Nguyễn cũng đã tung ra hàng loạt những cáo buộc nhóm Dinah Nguyễn -Trần Thái Văn qua chiến dịch e-mail của mình với. Chứng cớ là gốc gác, hình ảnh, văn từ của những nhân vật trong cuộc cũng như những số tiền họ đóng góp cho quỹ vận động bầu cử của mỗi bên.
Trước nhất đối với những người sống trong một thể chế tự do, dân chủ đa nguyên, chuyện nhận tiền ủng hộ bầu cử của nhiều nhóm (special interest) hay của các doanh nhân hay đại gia nào đó là điều thường tình, người ta khó có thể đòi hỏi phải có sự phân biệt rạch ròi về chỗ đứng hay lập trường của người cho. Ưu tiên hay mục tiêu tiên quyết của nhóm doanh nhân hay người làm kinh doanh là lợi nhuận và một phương cách đầu tư dễ dàng. Chính trị là chuyện thứ phụ đối với họ. Thiết tưởng ngày kia, khi phía dân chủ nắm thế thượng phong, các doanh nhân và đại gia sẽ không ngần ngại đóng góp, hiện nay đã có nhiều đóng góp không ồn ào từ những cá nhân này. Do đó chúng ta không nên có những thước đo quá mức đối với họ.
Theo tôi đây là những chuyện trát/ném bùn thấp kém (mud slinging) mà người ta thường thấy trong mùa bầu cử. Nói trẳng ra, đối với người Việt 'cái mác 'thân Cộng' đã trở nên một chiêu bài thật tiện lợi và hữu hiệu trong những năm sau này. Nhưng gần đây, có lẽ lá bùa 'thân Cộng' đã sắp hết linh thiêng, bắt đầu từ vụ biểu tình 'Little Saigon' cho đến vụ lên án báo Người Việt cho đến chuyện lên án Trịnh Công Sơn, chụp mũ Trịnh Hội, cáo buộc cụ Hoàng Minh Chính, tất cả đã làm cho nhiều người Việt chán ngán, xa lánh. Nhất là sau chuyện 4 người Việt ra tranh cử vào Hội đồng Thành phố/City Council ở San Jose vừa qua, không một người Việt Nam nào đắc cử vào chân nghị viên thành phố Tòa Thị Chính San José. Trước tiên, phải nói đây là phản ảnh sự thất bại của cộng đồng người Việt San Jose nói riêng, và cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung.
Người ta quên rằng chính những người to tiếng, hung hăng nhất trong chuyện chống Cộng đã vô tình hay cố ý trở thành công cụ phá hoại cộng đồng hải ngoại hiệu nghiệm nhất của Cộng sản. Người hải ngoại (dân chủ) phải bình tâm trước mọi vu cáo, buộc tội hồ đồ như thế. Trong một thế cuộc thiên hình vạn trạng như hiện nay, chúng ta nên chấp nhận tất cả mọi đóng góp, hình thái dân chủ, không nên nghi ngại, chụp mũ ai, ngay cả những người đã từng ở phía bên kia chiến tuyến. Người ta nên đối xử với họ như những người đồng hành trong cuộc đóng góp cho một nước Việt Nam công bình và dân chủ cho đến khi họ có những hành động phản dân chủ thực sự, thí dụ:
* Chụp mũ không bằng cớ, vu oan giá họa cho người khác vì bất cứ một hậu ý hay mưu đồ cá nhân nào.

________________________________________
(1) When in the Course of human events, it becomes necessary for one people to dissolve the political bands which have connected them with another, and to assume among the Powers of the earth, the separate and equal station to which the Laws of Nature and of Nature's God entitle them, a decent respect to the opinions of mankind requires that they should declare the causes which impel them to the separation. (Preamble to the Declaration of Independence, United States of America)
2) so với nguyên văn Anh ngữ của Hoa Kỳ: "Chúng ta tuyên bố rằng đây là những chân lý hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được thượng đế ban cho những quyền bất khả xâm phạm như mạng Sống, Tự Do và việc mưu cầu Hạnh phúc..."
3) thật ra cuộc cách mạng Pháp bùng nổ vào năm 1787-1789 và kéo dài trong khoảng một thập niên sau đó 1789-1799)
4) Từ “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường” đến “Hội chứng chính nghĩa” và “Bi kịch của chúng ta” (Tiêu Dao Bảo Cự)


© 2008 danchimviet.com

No comments:

Post a Comment