Monday, March 7, 2011

Nhật ký Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư

Nhật ký
Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư
1.
Gặp cậu lần nào cũng ngó mình, rưng rưng, con Lam của cậu cùng tuổi với bây. Tuổi Tỵ. Tết này là ba mươi tròn. Rồi cậu lặng đi, trợn trạo nuốt ngụm trà như vừa uống nước mắt.
Đứa em họ có cái tên làm mình phải ghen tị hoài, bởi cảm giác Lam là cái gì đó rất êm đềm, dịu dàng, bảng lảng, mỏng manh, như lụa, như sương như khói, chẳng phải như tên mình, thô dày, nặng nề và có vẻ thách thức. Nghĩ vậy, nên đau nhói đôi lần, khi thấy Lam è ạch kéo xuồng qua đập, khi Lam trầm mình dưới bến sông làm bờ kè chống lở.
Lam lấy chồng sớm, ngày cưới mình, Lam đã hai con. Hiếm hoi, dịp cúng giỗ gặp nhau, giật mình khi Lam gọi mình bằng chế, đúng theo vai vế. Chưa đến nhà Lam nhưng cảm giác đã đến rồi, cũng lần dọc theo con sông miên man, rẽ vào mấy dòng kinh quanh co, sẽ đến một xóm nhỏ buồn buồn, với những hàng cau, bụi tre buồn buồn. Nhà cột cặm, hơi thấp, cũng buồn buồn. Cho đến một ngày buồn buồn, Lam tìm đến cái chết.
Mọi người vật ra, ngơ ngác, món nợ chưa đầy hai mươi triệu + bà mẹ chồng hơi khó tính + những mùa tôm cứ thất bát nối đuôi nhau + buồn = cái chết. Đơn giản như một bài toán trẻ con. Lam nằm lạnh ngắt, dửng dưng, hai đứa bé đứng ngơ ngác nhìn những người lớn đang thương khóc, mà chẳng hiểu làm sao họ khóc. Cảm giác của mình về một cái tên dường như đã sai ngay từ đầu, Lam dường như là lam lũ, cơ cực, cong oằn, cả cái chết cũng là cơn bão quăng quật tả tơi những người ở lại.
2.
Diễm cũng hưởng dương hai mươi chín tuổi. Đứa bạn sung sướng từ lúc lọt lòng, nghe nói chưa bao giờ đi chân không trên đất. Học trường điểm từ hồi mẫu giáo, cấp một hai ba cũng vậy, vào đại học cũng thuộc loại danh tiếng, xênh xang. Chưa ra trường, gia đình đã thành lập một công ty kinh doanh máy văn phòng lớn, với đầy đủ nhân sự, chờ Diễm về. Công việc không chê được, người yêu cũng tuyệt, đúng chuẩn đẹp trai để thương nhớ, giàu có để lấy làm chồng.
Nên hôm Diễm than buồn mình đã bật cười, trời ơi, Diễm mà buồn thì mình biết làm sao. Diễm cười, héo hắt như người ta đơm sẵn nụ cười ở đâu đó, và Diễm lấy gắn vào môi. Một cơn buốt lạnh chạy dọc sống lưng, mình đã từng cười như thế, đúng là Diễm buồn, buồn như một căn bệnh. Không phải là buồn như mình vẫn thường rêu rao, “Trời ơi, sao không ai rủ tui nhậu, tui buồn muốn chết rồi nè”. Bệnh buồn là hổn hợp của những đổ vỡ, ngơ ngác, thảng thốt, vu vơ, ngớ ngẩn, lạc lỏng, mất mát, vô nghĩa, không phương hướng. Những cái buồn không nắm bắt được. Mù mịt. Vây bủa. Không biết lối nào để thoát khỏi nó.
Từ những buồn rời, không tan được vì thiếu lửa, buồn kết thành băng. Diễm chọn cái chết. Đơn giản hơn cả bài toán đơn giản nhất. Cái chết chỉ là buồn + buồn + buồn + n buồn + vô tận buồn. Hôm tới tiễn nhau, mẹ Diễm không nói, chỉ nhìn mình, ánh mắt nhói lên, “tại sao lại là con mình, sao không là con bé xấu xí hom hem và phá phách, phiền phức này?” Mình muốn giận bà, mà giận không xong, chỉ thương ngập lòng.

3.
Những cơn buồn đã vùi Lam, Diễm vào đất cũng đã từng làm mình hoang hoải, điêu đứng, liêu xiêu. Như đã dìm một lớp người trẻ khác vào biển buồn, một thứ cạm bẫy mới, rất đáng sợ. Ở đó, những lời động viên, an ủi, công việc, tiền bạc… đều không có tác dụng, chúng chìm lỉm. Ai đó buông xuôi, ai đó vịn được bờ. Bến bờ là một cái gì đó tình cờ, đôi khi kết thành từ những vớ vẩn, bờ của mình là một thí dụ. Một loài cây trổ bông xanh. Một cao nguyên biền biệt đá, người sống trên đá, chết trên đá, cây cỏ mọc trên đá. Một vùng cát trắng khô cằn, những đàn bò gầy quắt mỏi mê tìm cỏ dưới cái nắng rát bỏng… Mình đã được đến những nơi ấy đâu ? Mình đã trải nghiệm cảm giác … làm sui, nỗi đau nhói khi tiễn con về nhà chồng đâu ? Những nỗi đau của người đời, mình chưa kịp viết. Và còn quá nhiều người mình chưa được gặp, còn nhiều cuốn sách hay (mà dạo này lại có quá nhiều sách hay), nhiều bộ phim chưa xem…
Đến một ngày, đứng bên một dòng sông lạ, gấp lại một cuốn sách, thấy rưng rưng biết ơn chúng, có chúng nên qua bão buồn mình còn sống sót.
Và còn nhìn thấy màu xanh đã thẫm lại của tuổi ba mươi. Dù con đường đi đã vắng vài bóng người quen, họ mỏi mê, họ không đi tiếp nữa. Mình vẫn một mình bước tới.

Nhớ nhà văn Sơn Nam
02/08/2009 18:01
(VTC News) - Nhà văn Sơn Nam đã ra đi được một năm nhưng những người yêu quý ông vẫn cảm thấy dường như ông vẫn còn hiện diện đâu đây trên những nẻo đường Sài Gòn.
> Nhà văn Sơn Nam trở thành người giàu với phần mộ tiền tỉ
> Vĩnh biệt nhà văn Sơn Nam
> Tản mạn cuối năm cùng nhà văn Sơn Nam
> Nhà văn Sơn Nam: " Cô Tư viết hay nhưng hỗn"
Mỗi lần đi ngang Phòng truyền thống quận Gò Vấp, không ít người chạnh lòng ngoái nhìn. Bởi vì với họ trong những người ngồi uống cà phê mỗi sáng kia vẫn thấp thoáng bóng hình “ông già Nam Bộ” tay cầm điếu thuốc, tay kia vung vẩy minh họa câu chuyện đang nói, miệng thì cười móm mém.

Nhà văn Sơn Nam.

Phòng truyền thống quận Gò Vấp nằm trên đường Nguyễn Văn Nghi, phường 17, quận Gò Vấp (TP.HCM) là nơi làm việc của ông trong khá nhiều năm. Khi nào cần gặp ông, các phóng viên cứ đến thẳng đó. Hoặc lúc nào cần bài viết của ông, cứ “alô” tới địa chỉ này là cô văn thư nhiệt tình chuyển máy cho ông. Bất kể bạn đọc nào muốn gặp ông cũng đều được ông tiếp đón nhiệt tình tại nơi này.

Sinh thời, kho sách của ông là cả một gia tài mà bất kỳ người yêu sách nào cũng mơ ước. Ông có thói quen tặng sách cho những người mê sách. Bất kỳ ai xin, trừ khi đó là quyển sách ông đang cần, còn thì ông đều tặng mà không hề nghĩ đến mình đã từng cất công sưu tầm nó khó nhọc thế nào.

Sau khi ông mất đi, những vật dụng quen thuộc và “gia tài” của ông hầu như không còn gì. Các con ông lục tìm lại thì chỉ còn rải rác vài ba quyển sách mà ông thường đọc lúc nằm trên giường bệnh. Sách của ông viết thì hầu như gia đình không còn quyển nào. Chị Minh Chương – cô con gái thứ của ông cho biết, những ngày cuối đời, ông rất hay tặng sách cho người đến thăm, đến nỗi bây giờ, mỗi khi nhớ ông, gia đình chỉ biết ra nhà sách tìm mua về đọc.

Những ngày cuối đời trên giường bệnh, nhà văn Sơn Nam xem sách như bạn tri kỷ.

Sinh ra ở vùng đất gần tận cùng tổ quốc (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), xa nhà từ nhỏ, nhà văn Sơn Nam luôn đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê. Quê ông nghèo, những người thân còn lại ở quê cũng nghèo. Mỗi lần về thăm quê là mỗi lần ông ngậm ngùi. Nhắc đến quê là ông hoài niệm về vùng đất có những rừng tràm bạt ngàn trải dài từ Rạch Giá qua Sóc Trăng, Bạc Liêu đến tận Cà Mau.

Trong ký ức của Sơn Nam loại cây tràm bám chặt trong nước, sinh sôi nảy nở giữ đất cho con người mãi mãi... Ông đi đâu, làm gì, nói gì rồi cũng quay lại xứ sở U Minh của rừng tràm. Càng lớn tuổi ông càng hoài niệm cố hương. Có lẽ vì vậy mà ông thường ngâm nga hai câu thơ trong bài Không đề - lời tựa trong tác phẩm Hương rừng Cà Mau: “Phong sương mấy độ qua đường phố - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…”.

Năm 2006, khi người em gái út qua đời, thọ 79 tuổi, ông đang nằm trên giường bệnh không về đưa tiễn em được. Khi vợ con ông từ quê trở lên, nghe kể về cuộc sống của người thân dưới đó, đôi mắt ông cứ rưng rưng. Mỗi lần nhắc về quê nhà, ông cứ luôn miệng bảo: “Ở dưới đó bà con còn nghèo quá!”.

Bao nhiêu năm xa quê, định cư trên đất Sài Gòn, ông vẫn mãi là người chân chất, bình dị như đất rừng U Minh. Ông có óc hài hước, mỗi lần kể chuyện dù câu chuyện đó có đắng lòng đến đâu thì thể nào ông cũng chêm vào vài ba câu tiếu lâm làm người nghe phải bật cười. Ở bên ông, những người yêu quý ông chỉ thấy mình đang trò chuyện với một ông già vui tính. Nhưng đến khi ông đi xa rồi nhớ lại mới giật mình thấy rằng ông đã dạy cho mình bao điều quý giá trong cuộc sống bằng vài câu chuyện đơn giản.

Nhà văn Sơn Nam đã đi xa đúng một năm (ngày âm lịch 13/6/2008 – 13/6/2009). Nhân ngày giỗ đầu của ông, xin thắp một nén nhang tưởng nhớ đến nhà Nam bộ học!



Nhà văn Sơn Nam: "Cô Tư viết hay nhưng hỗn"
18/09/2006 15:04
Tai nạn giao thông làm nhà văn Sơn Nam phải nằm một chỗ gần hai năm nay. Với một người nổi tiếng thích đi bộ như ông thì đây là một cực hình. Trước những biến đổi của cuộc sống, ông đã phải nằm im ngắm nhìn, quan sát qua báo, đài, qua bạn bè và người thân. Sau khi khỏe mạnh, vùng đất đầu tiên nhà văn muốn đặt chân đến là Cái Bè, Cai Lậy tỉnh Tiền Giang…

Phóng viên: - Vì sao lại là Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Tho mà không là các vùng khác, thưa nhà văn Sơn Nam?

Nhà văn Sơn Nam: - Đã viết về văn minh miệt vườn thì phải vào tận vườn để thực tế, mà văn hóa Nam Bộ bắt nguồn từ vùng đất Tiền Giang. Chỉ cần đi loanh quanh ở các xóm coi cách làm ăn của bà con thấy nhiều điều hay lắm. Tại sao người ở đây chèo xuồng khác người ở vùng đất Biên Hòa, vào các làng nghề coi họ làm bánh tráng sữa, bánh tráng phồng, làm kẹo chuối… Đi từ đầu trên xóm dưới la cà là có được cả kho tàng về văn hóa trong đầu chứ nói đâu xa xôi.


Trước những biến đổi của cuộc sống, ông đã phải nằm im ngắm nhìn, quan sát qua báo, đài, qua bạn bè và người thân
- Sau quyển “Hồi ký Sơn Nam” trọn bộ bốn tập, độc giả chưa thấy quyển nào mới của ông, có phải nhà văn ngừng sáng tác vì tuổi tác và vấn đề sức khỏe?

- Tuổi tác không đáng ngại, “gừng càng già càng cay”. Nhưng nằm một chỗ hơn một năm nay, tôi viết lách gì nổi. Bao nhiêu ý tưởng trong đầu chỉ chờ tôi đi đứng, ngồi dậy được là có ngay một quyển sách mới.

- Với một gia tài sách đồ sộ để lại cho đời (khoảng 60 tác phẩm – PV), ông còn ấp ủ về đề tài nào nữa không, thưa nhà văn?

- Miền Nam còn nhiều cái hay chưa viết hết. Sống cả đời ở Nam Bộ cũng khó mà viết tường tận về vùng đất này. Tôi đang có ý tưởng hoàn thành một bộ sách cuối cùng của cuộc đời, cũng về đất và người Nam Bộ. Với vựa lúa gạo chiếm sản lượng cao nhất nước, vựa trái cây, cá tôm đầy ắp… vùng đất này còn rất nhiều điều hay ho và mới mẻ.

- Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có cảm thấy hối tiếc hoặc còn điều gì trăn trở chưa làm được không, thưa nhà văn?

- Hối tiếc thì không, nhưng có trăn trở. Tôi còn nhiều điều ấp ủ chưa làm. Như là quyển sách cuối cùng này, hy vọng tôi vẫn còn thời gian. Năm nay tôi đã 81 tuổi, chỉ cần đi lại được tôi sẽ tiếp tục công việc dang dở của mình.


Cô Tư viết hay nhưng hỗn
- Lớp nhà văn trẻ sau này hầu như không có ai quan tâm nghiên cứu và viết về sách biên khảo, theo ông thì vì sao?

- Sách này khó viết, đòi hỏi phải kiên nhẫn ngoài kiến thức. Viết sách tiền chậm, mà lớp trẻ bây giờ ham kiếm nhiều tiền, thiếu kiên nhẫn nên không ai chịu theo nghề viết văn.

- Trong khoảng gần 60 tác phẩm của mình, ông tâm đắc về quyển sách nào nhất?

- Tập truyện “Hương rừng Cà Mau” và “Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn”.

- Có một dạo, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư gây xôn xao dư luận. Nhà văn nhận xét thế nào về quyển sách này và về tác giả?

- Cô Tư viết hay nhưng hỗn. Văn phong của cổ hơi cà rỡn. Cái nhìn trong “Cánh đồng bất tận” không rộng, nông dân ở đó không nhìn hẹp như thế mà mỗi cái họ đều có lý của họ. Ngọc Tư thông minh, sẽ còn phát triển nữa nhưng cần người chỉ dẫn sau vụ lùm xùm về “Cánh đồng bất tận”.

- Niềm vui mỗi ngày của nhà văn hiện nay là gì?

- Sáng sáng tôi đọc tờ Tuổi Trẻ để biết tin tức xã hội, rồi nằm đó mong có bạn bè, người quen đến nói chuyện chơi.

- Xin cảm ơn nhà văn. Chúc ông sớm bình phục.

Thanh Phúc (Thực hiện)

No comments:

Post a Comment