Sunday, March 6, 2011

Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền nam

Nguyễn Ngọc Tư, đặc sản miền nam
Trần Hữu Dũng
Nếu bạn theo dõi văn chương Việt Nam mấy năm gần đây, và nhất là nếu bạn sinh trưởng ở miền Nam, hẳn bạn đã biết Nguyễn Ngọc Tư. Cô là một nhà văn nữ, còn trẻ (sinh năm 1976), quê quán ở Cà Mau và hiện vẫn sống ở vùng đất Mũi. Năm 2000, tập truyện đầu tay Ngọn Đèn Không Tắt của cô được giải Sáng tác văn học tuổi 20 lần II của Hội Nhà văn TP HCM, và năm 2003 tập truyện Giao Thừa của cô cũng được một giải thưởng của Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra cô còn là một khuôn mặt quen thuộc trên các tạp chí qua nhiều tạp văn, tạp bút.

Nguyễn Ngọc Tư, ngòi bút trẻ ấy, rõ ràng đã tạo được một chỗ đứng khu biệt cho mình. Nhiều người cho rằng cái độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư là sự chân chất mộc mạc tươm ra từ mỗi truyện cô viết. Đúng, và dưới đây sẽ nói thêm. Song, trước hết, cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (cách thích thú), là nồng độ phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu bạn là người Nam, và nhất là nếu bạn đã xa quê hương lâu năm, thì chỉ những chữ mà Nguyễn Ngọc Tư dùng cũng đủ làm bạn sống lại những ngày thơ ấu xa xôi ấy. Từ vựng của Nguyễn Ngọc Tư không quý phái hay độc sáng (như của Mai Ninh chẳng hạn) nhưng, đối nghịch, đó là một từ vựng dân dã, lấy thẳng từ cuộc sống chung quanh. Sự phong phú của phương ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là tích tụ của một thính giác tinh nhạy và trọn vẹn: nghe và nhớ.
Nhiều người nghĩ rằng, nói chung, văn chương miền Nam (dù gì cũng là vùng đất mới) không thể so được với sự chỉn chu truyền thống của văn chương miền Trung, miền Bắc. Nguyễn Ngọc Tư sẽ làm những người đó phải nghĩ lại. Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, họ sẽ khám phá rằng nếu dùng đúng chỗ, trong tay một tác giả cẩn trọng, phương ngữ mộc mạc miền Nam, giọng điệu dân dã miền Nam hoàn toàn có khả năng cấu tạo một nhánh văn chương đặc biệt, không giống, nhưng chuẩn mực không kém những miền khác Mỗi truyện viết của Nguyễn Ngọc Tư là một bửa ăn văn chương thịnh soạn, dọn bày chu đáo, gồm toàn đặc sản miệt vườn, với những vật liệu hảo hạng, tươi sống.
Đàng khác, hiển nhiên, cái bất lợi của một tác phẩm nhiều phương ngữ là nó khó được những người không quen với phương ngữ ấy cảm nhận hoàn toàn (và tất nhiên còn là thử thách khó hơn cho người muốn chuyển nó sang một ngôn ngữ khác). Đối với những độc giả này, tác phẩm ấy chỉ là một công trình gợi tò mò, hoặc hấp dẫn vì lý do khác, mà phương ngữ là một chướng ngại cảm nhận.
Song, nhìn kỹ, sự hấp dẫn của truyện Nguyễn Ngọc Tư không phải ở kho từ vựng miền Nam dồi dào của cô, nhưng ở chỗ sử dụng phương ngữ tối đa và đúng chỗ vào những câu chuyện thật “miền Nam”. Đó là miền Nam của tỉnh lẻ, của ruộng vườn, và nhất là của sông, của mưa (Dòng Nhớ, Chợ nổi Cà mau- chút tình sông nuớc, Qua cầu nhớ người, Nhớ sông, Nước chảy mây trôi). Đó là miền Nam đã thái bình nhưng vẫn còn dấu chiến tranh -- không ở sự điêu tàn vì bom đạn mà ở những vết thương trong đời người (Ngọn đèn không tắt, Mối tình năm cũ).
Trong cách chọn lựa tình tiết, cốt truyên, Nguyễn Ngọc Tư đã trung thành (một cách khó giải thích) với cái “tình tự” Nam bộ của quê hương cô. Chỉ những người sống và lớn lên ở một địa phương, thật sự mến yêu họ hàng làng xóm của mình, mới thể hiện tình tự với quê hương mình được như thế. Và, bởi ở đâu cũng có cái đặc thù, chính tính đặc thù lại là cái phổ quát nhất. Sự cá biệt của phương ngữ, khi được sử dụng để diễn đạt những tình tự phổ quát của con người, có khả năng vạch ra cái chung của cái riêng.
Câu nói của Vũ Hạnh về kịch miền Nam “Sự giản dị, thoải mái và hồn nhiên của kịch miền Nam đều hướng về đạo nghĩa” (khi ông phê bình Kim Cương), cũng có thể áp dụng cho văn xuôi miền Nam. Nguyển Ngọc Tư rất Nam như thế đó.

Văn của Nguyễn Ngọc Tư nghe như nhạc. Nhiều câu trong trẻo và buồn (nhưng không nghẹn ngào) như một bản vọng cổ hoài lang. Như cô viết: “tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất” (Một mái nhà), nhưng hình như cô không muốn người khác buồn theo cô . Giọng buồn của Nguyễn Ngọc Tư không là tiếng than vãn thì thầm của một người lớn tuổi, nhưng là một lời thốt, lửng lơ, đứt ngang, nhưng rất đủ, của một người trẻ bổng nhiên phát giác những bất hạnh của cuộc đời, mà vẫn hi vọng. Văn Nguyễn Ngọc Tư là văn của lời nói. Cách ngắt câu của cô là cách ngắt của âm điệu. Cái tài của Nguyễn Ngọc Tư là đem những cảnh tượng rất bình thường, khoanh lại, biến nó thành châu báu “Cãi qua cãi lại, hai má con ngã ngửa ra, ủa, hơi đâu mà nói chuyện của người ta.” (Nhà cỗ)
Hồ Anh Thái, và vài người nữa, đã có khen “cách dẫn chuyện gọn gàng, sự cắt cảnh chuyển lớp chính xác” của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chưa thấy ai nói đến cấu trúc câu của cô. Mới và độc đáo. Lối bắt đầu với chữ Mà, rồi một dấu phẩy. Hoặc lối chen vào giữa câu một chi tiết trong ngoặc đơn: “Hai đứa tôi ngồi đâu đó (chỗ mà ai cũng nhìn thấy) nói chuyện chơi, có lúc, chẳng cần nói gì” (Nhà cỗ). Hoặc lối dứt câu bằng một thán từ có âm bổng: “Sao tự nhiên em qua đây lãng xẹt vậy không biết?” (Lý con sáo sang sông)
Nhân vật trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư hay khóc, và nhiều lúc cô khuyến khích nhân vật của mình khóc.
“Mãi dì Thấm không mở lời nói được, chỉ khóc là khóc, nức nở ồ ồ, nhìn cảnh mọi người xúc động, hỉ mũi rột rẹt nhưng không ai bước ra dỗ cho dì nín. Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, “mấy chú làm ơn dừng lại một chút” rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thấm, dì như trẻ con, lau khô rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm” (Mối tình năm cũ)
Hay là:
“Nhưng không phải buồn Phương lấy vợ, tôi buồn là vì chiều nay, Nhân Phủ đã sụp đổ trong lòng.
Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi.” (Nhà cỗ)
Nhưng, để ý: cái khóc của Nguyễn Ngọc Tư là vì thương yêu, không vì oán giận. Không phải là cái khóc nghẹn ngào, day dứt, ủ rũ. Đây là cái khóc ào ào như cơn mưa miền Nam, và người đọc biết (hay mong mỏi) chỉ khoảnh khác thì mưa sẽ tạnh, nắng sẽ lên và nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sẽ quẹt nước mắt xông vai trở lại cuộc sống bận rộn của mình.
Chính vì Nguyễn Ngọc Tư còn trẻ, cô nhìn cuộc sống bằng cặp mắt trong sáng (khác với lạc quan) và trung thực. Cô không giả vờ dằn vặt nội tâm như nhiều nhà văn (không chỉ ở Việt Nam) ham đòi thời thượng. Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không ngây thơ “chuyện đời”. Cô nhìn, cô nghe, cô biết hết. Nguyễn Ngọc Tư là một chứng nhân trung thực và tinh nhạy. Không phải chứng nhân cho những vụ việc hung hăng, thô bạo, nhưng cho những mảnh đời đơn dị, bình thường. (Truyện Nguyễn Ngọc Tư không có người lừa đão, không có kẻ sát nhân. Có lẽ trong truyện của cô cái tội lớn nhất là tội ... ngoại tình.) Nếu lúc gần đây truyện của Nguyễn Ngọc Tư có “buồn” hơn, ấy không phải vì mắt cô đã nhạt đi màu hồng (hãy mong thế), nhưng vì tầm nhìn của nó xa hơn và, trong quãng không gian mở rộng đó, cô thấy thêm những chuyện đời dang dở. Cô không buồn hơn, nhưng lọt vào mắt cô là những mảng đời buồn hơn.
Nhưng đừng tưởng Ngưyễn Ngọc Tư là người hời hợt. Quả vậy, những truyện – nhất là những truyện sau này – đều là về những mối tình không trọn. Chẳng phải đổ vỡ, nhưng không trọn. Những mối tình đó không phải chỉ của người già, mà còn là những mối tình của thế hệ cô (Ngổn ngang) – hay thứ tự phải ngược lại?. Nhìn cho kỹ, sự dang dở đó không phải lỗi của ai. Nguyễn Ngọc Tư chấp nhận nhưng không than oán, mà cũng không ra vẻ cứng rắn kiểu anh hùng rơm.
Những cặp “tình nhân” (tạm gọi) trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư không bao giờ hôn nhau (như cô sẽ hỏi: ai làm chuyện kỳ vậy?). Nhiều lắm, thì chỉ như:
“Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời.”(Giao thừa)
Hay là:
“Nó ngồi sau lưng thầy ... mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt nghe thèm đến rớt nước mắt được nép mặt vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy.”(Nước chảy mây trôi)
Phần nào, sự chuyên biệt của Nguyễn Ngọc Tư vào những truyện loại này có thể làm người đọc lo ngại. Chằng lẽ nghiệp văn của cô sẽ khoanh trong thể loại những mối tình không trọn, những ký sự đồng quê? Quả là Nguyễn Ngọc Tư có tài thiên phú, cô viết rất nhanh, rất khoẻ (trong vòng ba năm đã ra bốn tập truyện ngắn). Nhưng cái đáng lo là chỗ đó. Người ta bắt đầu thấy quá quen thuộc với truyện của cô. Chúng na ná như nhau, và dù rằng mỗi truyện vẫn đáng đọc, vẫn cho người đọc những giờ phút thú vị, nhưng sao ấy, chúng không còn để lại cái ấn tượng sâu đậm của những truyện mấy năm đầu. Đến lúc nào đó, nhà văn không thể chỉ sử dụng cái thiên bẩm của mình. Nhà văn phải đổ mồ hôi, xót con mắt, lã ngón tay (hay cho độc giả cảm tưởng ấy). Sự quanh quẩn trong những không gian, hoàn cảnh quen thuộc có thể là cái chớp đèn vàng (nhưng chưa đỏ) trên con đường văn chương của Nguyễn Ngọc Tư.

Nhiều người so sánh cô với Sơn Nam. Nhưng Sơn Nam là người viết ký sự giỏi, hầu như là nhà nghiên cứu, nhà dân giả học chuyên nghiệp. Nguyễn Ngọc Tư không như vậy, cô là nhà văn chuyên môn. Những cây bút khác ở miền Nam liền trước Nguyễn Ngọc Tư (như Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng) là thế hệ của chiến tranh dành độc lập. Tuy Nguyễn Ngọc Tư không phải mang nhiệm vụ (gánh nặng?) đó nữa, quá khứ ấy được cô đưa vào truyện một cách rất tự nhiên (Mối tình năm cũ, Ngọn đèn không tắt). Có lẽ Nguyễn Ngọc Tư không biết là chính cái trẻ của cô, cái tính “tỉnh nhỏ” của cô đã cho cô một lợi thế rất lớn. Đó là cô không bị hành trang của thế hệ trước làm nặng vai, hay bị ảnh hưởng của những người đi trước (trong thư riêng gởi một độc giả, Nguyễn Ngọc Tư cho biết chưa từng đọc Võ Phiến, chẳng hạn).
Một đặc điểm của Nguyễn Ngọc Tư là hình như cô đã chớm thấy sự khác biệt giữa cô – như một nhà văn – và những người khác (chẳng hạn như trong Một mái nhà, Nguyệt - người bạn không biết viết văn). Đây là một điềm tốt nhưng cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tốt vì cô ý thức trách nhiệm (trong chừng mực nào đó) của mình, nhưng nguy hiểm vì nó có thể gây một tự giác quá độ về chỗ đứng của cô – như một nhà văn – đối với xã hội. Nhà văn, theo tôi nghĩ, vừa phải đứng trong vừa phải đứng ngoài dòng cuộc sống. Song Nguyễn Ngọc Tư lại có vẻ thành thật tiếc nuối cuộc sống bình dị của những người không viết văn. Đặt vấn đề cách khác, những nhà văn trẻ Việt Nam như Nguyễn Ngọc Tư, từ trước đến giờ vẫn sống với cái bẩm sinh của mình, sẽ ra sao khi biết được nhiều hơn về văn đàn (thế giới), khi ý thức hơn “nghề văn” của nhà văn? Đó là những câu hỏi lớn, định đoạt chỗ đứng tương lai của nhà văn đó trong khu vườn văn học.
Một cái “bệnh” của những người viết trẻ bây giờ là mặc cảm (hay đua đòi) phải dùng một bút pháp mới, mô tả xã hội tân thời (thường được xem như đồng nghĩa với lối sống thị thành), đôi khi phải làm ra vẻ biết nhiều, học rộng. Nguyễn Ngọc Tư không cần “làm dáng” kiểu ấy. Cái mới trong văn Nguyễn Ngọc Tư chính là cái cũ, cái lạ ở cô là tài khui mở những sinh hoạt thân thuộc trước mắt. Nguyễn Ngọc Tư không “vén màn” cho người đọc thấy cái chưa từng thấy, cô không dẫn dắt ta khám phá những ngõ ngách của nội tâm mà ta chưa từng biết (một điều cũng rất cần, nhưng để những nhà văn khác). Cô chỉ đưa ra một tấm gương rất trong, thật sáng, để chúng ta nhìn thấy những sinh hoạt, tình tự rất thường. Và qua đó, lạ thay, như một tiếng đàn cộng hưởng, ta khám phá cái phong phú của chính đời ta.
Tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Tư làm người đoc vừa mong đợi, vừa âu lo. Mong rằng tài năng của cô sẽ chín ra, sẽ lớn thêm. Nhưng lo rằng, với tuổi đời, giọng văn tươi mát đó sẽ không còn thích hơp với những đề tài có gam màu sậm hơn. (Nhưng khoảng cách hai năm, từ Ngọn Đèn Chưa Tắt sang Giao Thừa, sự tiến bộ của cô – đúng ra là sự thích ứng với kinh nghiệm sống của cô, buồn hơn, thâm thúy hơn – làm người đọc hi vọng.)
Chúng ta mong sự trưởng thành của Nguyễn Ngọc Tư sẽ là sự trưởng thành của thế hệ trẻ Việt Nam. Ta mong cô sẽ tiếp tục là một người ghi chép chân thật những chuyển biến của đời sống dân tộc. Nếu cô làm được điều đó thì chúng ta thật cám ơn cô. Tài năng của cô đúng là thiên phú. Nguyễn Ngọc Tư là một đặc sản của miền nam.
Tiểu Hằng Ngôn
Dayton
25 - 1- 2004

Báo Cần Thơ
Thứ sáu, 09 Tháng chín 2005

Có một tủ sách Nguyễn Ngọc Tư ở Mỹ

Huỳnh Kim thực hiện

Ở Mỹ, có một giáo sư kinh tế mê văn học nước nhà và yêu văn chương của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư . Ông đã lập trang web “Văn hóa & Giáo dục” (+), trong đó có hẳn một “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư. Sau đây là cuộc trao đổi với chủ nhân của “tủ sách” ấy, Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG...
+ Thưa ông, khoa Kinh tế Đại học Wright State ở Mỹ là nơi làm việc của ông, còn trang web “Văn hóa & Giáo dục”, trong đó có “tủ sách” Nguyễn Ngọc Tư, có phải là một “cõi riêng” của ông?
- Giáo sư TRẦN HỮU DŨNG: Có thể nghĩ như vậy nhưng thú thật, khi làm trang đó tôi nghĩ trước tiên đến nhu cầu nghiên cứu, theo dõi văn chương VN của tôi. Tất nhiên, nhu cầu đó bắt nguồn từ cái “tình” của tôi đối với quê hương. Dần dà, trang đó ngày càng “dày thêm”, bạn bè hỏi thăm, rồi người này mách người kia. Bây giờ “khách khứa” hơi đông, tôi lại thấy có trách nhiệm chăm sóc nó như một ngôi nhà chung. Cũng hơi cực!
+ Có phải vì quê ông ở Mỹ Tho mà ông “cảm” được cái chất “đặc sản Nam bộ”, như ông nói, trong văn của Nguyễn Ngọc Tư?
- Chắc là như thế. Nhưng tôi nghĩ không chỉ là tôi cảm được cái “tính Nam bộ” của Nguyễn Ngọc Tư, và không phải chỉ cái tính Nam bộ của cô làm tôi quý mến, mà quan trọng hơn chính là cái tài thiên bẩm của cô. Tôi nghĩ miền nào cũng là may mắn nếu có được một nhà văn thể hiện được cái “chất” của địa phương mình như Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho Nam bộ. Tôi luôn luôn cám ơn cô về điều đó.
+ Truyện của Nguyễn Ngọc Tư, qua trang web ấy, có là một “nhịp cầu tình cảm” giữa Việt kiều, nhất là trong giới trí thức, với quê hương?
- Tôi không nghĩ theo cách đó, nhưng qua những thư từ mà tôi nhận được (từ Sài Gòn, Cần Thơ, từ một thành phố nhỏ thuộc bang Iowa ở Mỹ, từ Montréal ở Canada, Munchen ở Đức, Paris ở Pháp, Sydney ở Úc...) tôi không thấy có sự khác nhau giữa Việt kiều và người trong nước ở những gì mà Nguyễn Ngọc Tư khơi dậy trong lòng họ.
Đến một chừng mực nào đó, ai cũng là xa quê hương làng xóm của mình (dù là chỉ từ Mỹ Tho lên Sài Gòn), ai cũng cảm thấy lòng dịu lại khi hồi tưởng về thời thơ ấu của mình (nhất là những người lớn lên ở thôn quê). Ai cũng thích nghe một câu chuyện hay, đọc những nhận xét tinh tế.
Trong văn chương Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta, khắp mọi phương trời, tìm lại được cái quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình, những kỷ niệm mà mình tưởng như không ai chia sẻ.
+ Đầu tháng 8 vừa rồi, ông có chuyến công tác ở quê nhà và về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Ông có thể kể một chút về kỷ niệm này?
- Chuyến đi ấy là một “cao điểm” của đời tôi. Xin cho tôi được ấp ủ nó cho riêng mình một thời gian và sẽ kể trong một dịp khác. Tôi chỉ xin nói sơ như vầy: cô Tư mà tôi gặp giống y chang cô Tư mà chúng ta đã biết qua các tạp văn của cô. Đó là một người phụ nữ rất trẻ, dung dị, chân thật, đảm đang và vui tính, vô cùng thực tế dù được trời cho một sự rung cảm cực kì tinh nhạy và một tài năng sáng tác tuyệt vời.
+ Nửa ngày ở bên một nhà văn nữ 29 tuổi không sinh ra từ chiến tranh có làm cho một người chuyên tâm đến những vấn đề kinh tế toàn cầu như ông nghĩ ngợi về cuộc mưu sinh hàng ngày?
- Trong công việc “kiếm cơm” của tôi, đề tài nghiên cứu chính bao giờ cũng là sự bất quân bình giữa nước nghèo và nước giàu, và những đãi ngộ không tương xứng đối với những người đóng góp thật sự cho phúc lợi của nhân loại.
Đời sống của Nguyễn Ngọc Tư mà tôi được biết (và của đại đa số những nhà văn, nhà thơ khác, không phải chỉ ở nước ta mà hầu như cả thế giới) nếu có gợi lên điều gì trong tôi thì trước hết chắc chắn phải là một sự “phẫn uất” về sự trái khoáy trong cách đãi ngộ đó.
Mặt khác, tôi cũng cảm nhận rõ hơn sự kì diệu của tiến bộ thông tin ngày nay: nếu không có Internet thì chắc còn lâu tôi mới đọc được văn Nguyễn Ngọc Tư, còn lâu những người yêu thích văn Nguyễn Ngọc Tư mới có thể trở về (trong tâm tưởng) với quê hương mình.
+ Theo ông, văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?
- Một điều vẫn làm tôi áy náy là với khả năng phương ngữ dồi dào, văn Nguyễn Ngọc Tư rất khó dịch. Tôi ước chi mình có tài hơn để làm việc ấy. Nhưng tôi lại nghĩ: tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không?
Theo Báo Cần Thơ

Diễn Đàn
Số 154 - tháng 9/2005

Về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư

Bút ký

Trần Hữu Dũng

Trước rạng đông một ngày đầu tháng tám, tôi lên một chiếc xe van chín chỗ, từ Sài Gòn về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng tôi sẽ không kể lại từng phút giây của hai ngày đáng nhớ ấy (hôm đó và hôm sau) mà tôi gặp Tư và gia đình cô ở Cà Mau, bởi vì cuộc hành trình này (như bây giờ tôi nhận ra) không chỉ là non mười một tiếng đồng hồ ngồi xe về đất Mũi, nhưng là một chuyến trở về “quê thật”của tôi. Quê ấy chẳng phải là một nơi nào đó trên bản đồ địa lý, nhưng là một vùng tâm tưởng của một người đã ra đi hơn bốn chục năm trời. Và gặp Tư không phải vì tò mò về một tác giả mà tôi đã đọc nhiều và yêu thích, nhưng để hình tượng hoá khung cảnh sản sinh những tác phẩm có sức rung cảm tuyệt vời của một nhà văn mà tôi đã gọi là “đặc sản miền Nam”.

Xe chuyển bánh từ giữa lòng bóng tối, loà nhoà ánh đèn vàng của Sài Gòn còn ngái ngủ, vào ngoại ô trong sương lúc bình minh, qua những địa danh quen thuộc của tuổi trẻ tôi: Bến Lức, Tân An, Ngả ba Trung Lương, Cái Bè, Cai Lậy, Cầu Mỹ Thuận, Vĩnh Long (chẳng biết người tôi quen hơn bốn mươi năm trước bây giờ ở đâu?), Cần Thơ, và những nơi có thể tôi đã qua nhưng không còn nhớ: Sóc Trăng, Bạc Liêu. Càng xa Sài Gòn, đường càng xấu, khủng khiếp nhất là đoạn từ Bạc Liêu đến Cà Mau. Và rồi khoảng ba giờ chiều hôm ấy, dưới ánh nắng vừa hực lại sau một thoáng mưa to, bên vệ đường vào thị xã Cà Mau, một người trẻ (tôi còn nhớ đã thốt thầm: trời, sao trẻ vậy!) như nữ sinh trung học, quay xe Dream ngừng lại cúi chào tôi. Nguyễn Ngọc Tư.

Suốt buổi chiều hôm ấy tôi trò chuyện nhiều với Tư, dùng cơm tối với Tư và ba Tư. Sáng hôm sau đi ăn cháo cá với Tư (và, cao điểm của đời tôi: được Nguyễn Ngọc Tư chở Honda vòng quanh thị xã Cà Mau), về nhà (cũng là cửa hàng) của vợ chổng Tư, lại nhà ba má Tư ăn trưa với cả gia đình. Rồi chia tay, tôi trở lại thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi sẽ không nói về Tư nhiều hơn nữa bởi vì, tôi phát giác, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi gặp chính là Nguyễn Ngọc Tư mà mọi người đều có thể biết rõ qua các bút ký của cô,và Cà Mau mà tôi đến là Cà Mau trong tất cả những gì Tư viết.

Đó là môt người phụ nữ rất trẻ, dung dị, bình thường, nhưng kiên cường và bản lĩnh. Tư sống gần ba má, anh chị. Từ thế hệ nội, ngoại, cả gia đình của Tư đều là bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ. Chị và anh của Tư sinh ra trong chiến khu trước hoà bình, còn Tư thì sinh ra ở Bạc Liêu (năm 1976, nhưng không ai nhớ ngày nào, chỉ nhớ đêm ấy trời không trăng, tối mịt) rồi về sống ở Cà Mau từ hồi bốn tuổi. Ngoài đời, Nguyễn Ngọc Tư mà tôi đã gặp rõ ràng là Tư của Lời cho má, Sân nhà, Tắm sông, Chơi một mình, Một mái nhà, Nguyệt – Người bạn không biết viết văn, Cửa sau. Và Cà Mau mà tôi thấy chính là chợ (hãy đọc lại Chợ nổi Cà Mau, -- chút tình sông nước), là sông, là xóm làng (Đất Mũi mù xa, Nhớ đất, Tháng Chạp ở rạch Bộ Tời) trong bút ký Nguyễn Ngọc Tư.

Song tôi phải nói, đến Cà Mau, tôi mới thấy rõ hơn sự gắn bó của Nguyễn Ngọc Tư với con người, với đời sống, với đất nước quanh cô. Bối cảnh gia đình cho Nguyễn Ngọc Tư một cái nhìn mà tôi ít thấy ở ai khác. Đó là cái nhìn thật trưởng thành nhưng của một người rất trẻ, đó là cái nhìn của kẻ đã sống qua máu lửa, chứng kiến lắm đau thương, nhưng với con mắt vô tư của một người sinh ra khi đã hết chiến tranh. Đó là cái nhìn của một gia đình chân chất và trầm lặng, hãnh diện đã làm tròn nhiệm vụ đấu tranh cho đất nước, không chút nghi ngờ tương lai của dân tộc, nhưng chẳng có ảo tưởng nào về những mặt bất toàn của hiện tại. Đó là những người bị thiên tai liên miên vùi vập (Chờ đợi những mùa tôm, Đi qua những cơn bão khô, Ngậm ngùi Hưng Mỹ), nhưng bao giờ rồi cũng đứng lên và xây dựng lại. Đó là những người nặng tình với công lý, song không phải là thứ công lý khô khan, quyết liệt của kẻ bị áp bức, bốc lột thời bị trị, mà là thứ công lý đầy nhân ái, giận nhưng không oán, trách nhưng không thù (Mơ hết, Kính thưa anh nhà báo, Làm cho biết, Tản mạn quanh … cái cổng).

Và, đến Cà Mau, tận mắt nhìn sông, nhìn chợ, tận tai nghe tiếng gà gáy sớm, tiếng máy ghe bình bịch sau nhà Tư, rồi nhớ lại những bút ký của Tư (mà hầu như tôi nhớ hết!), tôi thêm một ý nghĩ: nếu là nhà làm phim, Nguyễn Ngọc Tư sẽ rất tài tình. Bạn hãy đọc, hoặc đọc lại, một sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư (tỉ như Mối tình năm cũ), rồi trả lời giùm: đó là phim hay truyện? Những chi tiết trong đó làm người đọc thẩn thờ, nhưng sao ấy, chúng không tủn mủn tẩn mẩn, mà sáng và vui. Cái nhìn của cô trong Chợ nổi đúng là một cái nhìn “điện ảnh”: những gam màu thật tươi, những “cận ảnh” bất ngờ, song đôi mắt nhà văn ấy không bị vướng cái rè rè cơ động, cái xoay chuyển chậm chạp của máy quay phim, mà gần hơn với cái tung tăng của một con bướm nhỏ. Cảnh và người, lạ mà thân, xa mà gần, náo hoạt mà tĩnh yên, và đầy lòng thương mến. Nguyễn Ngọc Tư cho biết cô hay nghe nhạc khi viết, và tôi không ngạc nhiên. Đúng là văn của cô nghe như nhạc. Nhiều truyện của cô gần như một bài vọng cỗ (hay một thứ ballad, nếu nói cách kiêu kì) hơn bất cứ gì khác. Và, như bài vọng cỗ, chúng thường là những chuyện buồn, đôi khi rất buồn, kết thúc bằng một nốt trầm, một sự lửng lơ.

Có thể hình dung phần lớn cuốn-phim-bút-ký của Nguyễn Ngọc Tư như một con thuyền vượt sóng: một bên là những rộn ràng sống động của sinh hoạt đời thường, một bên là những đòi hỏi (rất nghiêm trang và chính đáng) cho công lý. Nguyễn Ngọc Tư là tiêu biểu của thế hệ Việt Nam mới, sinh ra sau thống nhất, trong thanh bình, nhưng luôn quý trọng những hi sinh, và hãnh diện chấp nhận kế thừa những người mang lại thống nhất và thanh bình ấy. Hãnh diện với quá khứ và xông vai tiếp tục đi tới. Những người như Nguyễn Ngọc Tư cực khổ mà không than phiền. Đâu đó trong nụ cuời e thẹn (và rất xinh!) của cô là sự trong sáng của một tuổi trẻ hãy còn đây. Ở Nguyễn Ngọc Tư là phong cách ngoan hiền nhưng kiên quyết, cuộc sống giản đơn nhưng thấp thoáng một nội tâm phức tạp và bí ẩn (những lúc cô chợt im lặng giữa câu chuyện, con mắt trở nên đăm chiêu, làm tôi giật mình). Nguyễn Ngọc Tư thường ví truyện của mình như trái sầu riêng: nhiều người rất thích nhưng cũng có người (“đáng thương thay!”, tôi nói) lại dị ứng. Tôi đã cự với Tư về cách ví von này bởi vì, theo tôi, văn của Tư không chỉ là một trái này hay quả nọ, mà là cả hàng chục, hàng trăm loại trái cây, hoa quả. Nhìn cảnh chợ Cà Mau, tôi tin là tôi đúng hơn Tư. Xin lỗi nha Tư!

Tôi hỏi Nguyễn Ngọc Tư có cảm thấy cô lập trong đời văn không (nhớ rằng Cà Mau dù gì cũng là hơi xa đông đảo những người viết khác) thì Tư lại bảo nếu không còn làm ở chỗ hiện tại (Hội Văn Học Nghệ Thuật Cà Mau) cô muốn sẽ về công tác ở một Hội Nông Dân ở vùng xa, vùng sâu hơn nữa, nơi không ai sẽ biết cô là nhà văn nhà báo (ít ra trong vài tháng đầu, cô nói đùa) để cô biết thêm về đời sống của họ. Nguyễn Ngọc Tư là như thế đấy.

Khi trao tặng Tư một quyển biên khảo mà tôi có tham gia, nhìn tay cô loáng thoáng lật nhanh trang giấy, tôi chợt nhớ chỉ vài năm trước đây chính bàn tay nhanh nhẹn ấy còn hái rau để má đem ra chợ bán mỗi sáng. Bàn tay hái rau, nấu cơm, rồi lật sách và cầm bút! Những chuyển biến gần như huyền thoại của một phụ nữ đảm đang, một tài năng thiên phú. Có điều tôi hơi hổ thẹn là ngồi với Tư, tôi lại nói nhiều hơn Tư! Nếu tôi là người nổi tiếng thì Tư có thể viết một bút ký “Gặp Trần Hữu Dũng ở Cà Mau” tiết lộ những “tâm sự” của tôi, chắc tôi phải độn thổ!

Vậy bạn đừng quở tôi, nghe nói đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư mà sao không kể gì về Cà Mau, không kể gì về cô Tư hết vậy? Bởi vì, cà-mau ở đây chính là sự bình dị của hàng trăm tỉnh làng trên mọi miền đất nước. Những tỉnh làng không hoành tráng, không nhiều danh lam thắng cảnh, thưa khách tham quan, và nghèo, nhưng là cái nôi, cái nguồn của sức sống dân tộc. Bởi vì, nguyễn-ngọc-tư ở đây là hình ảnh một phụ nữ miền Nam như rất nhiều phụ nữ khác, không phải là một trong “mười khuôn mặt tiêu biểu năm 2003” (dù cô có là), một người đàn bà còn rất trẻ, không son phấn, bận bịu chồng con, chăm lo ba má, quần qưật công việc cơ quan, và sáng tác. Và chuyến đi Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư của tôi là một cuộc trở về (vì tôi đã lớn lên ở đó) với ruộng vườn miền Nam ruột thịt, một cuộc viếng thăm (vì lại phải ra đi) những đứa em, đứa cháu, những bà con và bè bạn (mới và cũ) đang sống nơi ấy, vui, buồn, gian nan và thành đạt, nhưng trong tất cả là khí tiết của quê hương.

Trần Hữu Dũng
Dayton 23/8/2005


*Bài đã đăng đầu tiên trên nguyệt san Diễn Đàn, số 154, tháng 9/2005, dưới bút hiệu Tiểu Hằng Ngôn.

Văn Nghệ
Số 39 - 24-9-2005


Đọc Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh đồng bất tận

Hoàng Thiên Nga

Cái tên Nguyễn Ngọc Tư gắn liền với tên truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” đầy ma lực in giữa trang 1 báo Văn nghệ số ra ngày 13/8/2005 buộc tôi phải đọc ngay. Sau 2 điệp khúc “Còn nữa” với cảm giác nóng lòng chờ số Văn nghệ tiếp theo, tiếp hàng chục lần trang nọ trang kia mới thấy truyện không ngắn, lên mạng đếm tới gần mười bảy ngàn chữ. Song có lẽ việc phân chia thể loại chẳng mấy quan trọng. Điều đáng nói là truyện quá hay. Và độc giả nào cũng thèm, cũng thiết tha cần cái sự hay ấy.

Vẫn bút pháp giản dị gọn ghẽ đầy ắp âm sắc Nam bộ, cách chọn lọc ngôn ngữ cử chỉ sống động như đẽo như tạc, trên bối cảnh tiêu sơ ruộng đồng sông nước Cửu Long vẫn là những mảnh đời nghèo khó xiêu dạt bơ phờ vì áo cơm. Nhưng không cũ mòn, không nhàm chán, mạch văn liên kết chặt chẽ bởi vô số chi tiết hình ảnh thú vị, cốt truyện hình thành theo dòng suy tưởng của nhân vật xưng tôi, nhẫn nhịn lặng lẽ mà xuyên mỗi lúc một sâu phơi mở tận đáy tâm hồn, tính cách, số phận con người.

Vào truyện, những chấm phá đầu tiên đã báo hiệu chuỗi ngày khắc nghiệt phía trước. Cha con người chăn vịt trong mùa đồng cháy nước cạn vì hạn hán đã tình cờ cưu mang một người đàn bà bị đánh ghen tơi tả, không chốn nương thân. Triền miên chịu đựng thái độ lạt lẽo và những trận đòn vô cớ của người cha chất chứa đầy hận thù, hai đứa trẻ chăn vịt luôn khát khao được chia sẻ yêu thương dễ dàng chấp nhận người đàn bà lẳng lơ vừa gặp đã “Ba mấy cưng đẹp trai dễ sợ” sống bên mình. Khốn khổ cả vật chất lẫn tinh thần, hai đứa trẻ già trước tuổi chẳng ngạc nhiên khi nghe người đàn bà cười nhận mình làm đĩ, “mặt buồn như phủ một lớp sương giá” nhưng vẫn mong sự chung đụng với chị sẽ khiến cha mình trở lại “người” hơn. Ba nhân vật tội nghiệp cun cút chịu đựng mọi nỗi đau với hy vọng xoay chuyển tâm tính một gã đàn ông chai sạn tàn nhẫn. Không chút thành kiến, hai đứa trẻ đã hồn hậu công bằng nhìn ra vẻ đẹp đầy sức sống bản năng và nỗi buồn, lòng tự trọng che giấu sau lớp vỏ lơi lả của ả điếm lạc loài. Sau một đêm quyến rũ cha bọn trẻ thành công, “chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khoé mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng, như chị vừa mở ra một cánh cửa mặt trời...”. Lập tức niềm hạnh phúc nhỏ nhoi bị chà đạp tan nát: Cha đưa chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt “Tôi trả cho hồi hôm”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt. Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười “Trời ơi, cha mấy cưng sộp quá chừng.” Truyện dài mà dung lượng vẫn dồn nén vì câu văn ngắn gọn, chuyển cảnh dứt khoát lạnh lùng, bỏ lại phía sau lớp lớp ngữ nghĩa ẩn chứa đầy mùi vị cay đắng.

Sông dài, đồng rộng với những xóm làng cặp bến giây lát rồi lại ra đi khiến hình ảnh hai đứa trẻ càng nhỏ nhoi cô độc. Nguyễn Ngọc Tư không sa đà tả cảnh, tả người. Chỉ miên man thao thức cùng nhân vật xưng Tôi để mổ xẻ căn nguyên của mỗi tính cách. Các nhân vật trong truyện đều đầy tính thiện, thế nhưng cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo dốt nát lam lũ và điều kiện sống tù túng ngột ngạt dần xô đẩy người này trở thành nạn nhân của người kia. Bà vợ nhẹ dạ nông nổi là nạn nhân của chiếc ghe đầy vải vóc. Ông chồng bị cắm sừng trả thù bằng cách chim vợ người khác rồi vứt bỏ họ giữa đường. Con cái là nạn nhân của cha ấy mẹ ấy phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Sự báo ứng rơi vào hai đứa trẻ trong trắng đáng thương: Điền tự huỷ hoại bản năng đàn ông của mình, vô vọng chạy theo người đàn bà bị sỉ nhục. Nương bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi đang bị đè nghiến xuống bùn. Không lên gân bạo liệt, không tăm tối bi quan, những đoạn văn đầy tình tiết trắc ẩn như thủ thỉ dịu dàng mà đẩy dần số phận từng nhân vật tới tận cùng bi thảm. Đồng khô, lúa cháy, đàn vịt là nguồn sống cuối cùng cũng bị chôn sống! Đại diện hiếm hoi cho phía chính quyền trong suốt câu chuyện là 2 ông cán bộ ấp và xã, không chỉ vô cảm với nỗi khổ dân quê mà còn sẵn sàng vét nốt của họ cả mảnh tình rách nát. Bản lĩnh tác giả đã níu cảm xúc người đọc kịp dừng lại bên bờ tuyệt vọng, khi mầm thiện trong trái tim nhân vật xưng tôi ngập trong máu và nước mắt vẫn bừng xanh niềm hy vọng sâu sắc thiêng liêng: nếu như Nương “bị có con” sau cuộc bạo hành, thì “ đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường”, sẽ sống hạnh phúc “vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.

Hơn chục năm trước nếu đưa tới bất kỳ toà soạn nào bản thảo Cánh Đồng Bất Tận, hầu hết các chủ bút sẽ dè dặt lắc đầu. Còn bây giờ, khi những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước cũng đã thẳng thắn nhìn nhận nỗi nhục tụt hậu và đói nghèo, có lẽ gì nhà văn không dám lặn xuống đáy xã hội để soi rọi phản chiếu những cảnh đời cùng khổ! Bối cảnh xã hội thấp thoáng đan xen trong cốt truyện là rất thật, vốn đã và đang được phản ánh nhan nhản trên báo chí. Cũng bởi trong đời thực, Nguyễn Ngọc Tư còn là người viết báo. Vì vậy mà nỗi đau càng thật, càng ngấm như máu ứa trong lòng từng độc giả. Nhìn từ khía cạnh khác, thay vào cố tật chụp mũ chính trị , ta cũng có thể nói về trách nhiệm công dân, Nguyễn Ngọc Tư qua Cánh Đồng Bất Tận đã góp lời giục giã chính quyền phải thấm thía hơn về trách nhiệm nâng cao mức sống người dân, có nhiều hơn nữa những xoay chuyển thiết thực để giảm tỉ lệ dân nghèo rất đáng kể ở nông thôn, cụ thể là ngay tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tôi chưa từng gặp nhưng đã yêu Nguyễn Ngọc Tư qua ngòi bút chị quá đỗi tinh tế, nhân hậu và trong lành. Nhiều người tò mò tìm hiểu đời riêng của nữ văn sĩ ngoài hai mươi tuổi bất chợt rực sáng tài năng từ một vùng thôn dã tận rẻo đất cực Nam đã không thể tin Tư mới học đến lớp 9 phổ thông, cấp ba bổ túc, sống giản dị với người chồng thợ bạc chẳng bao giờ đọc truyện vợ viết. Bạn bè Cà Mau của tôi kể: Vợ chồng Tư bình đẳng lắm! Và tự hào: Tư cá tính, thoải mái, ngồi đâu cũng viết được! Gọi điện thoại cho Tư, tôi nghe tiếng chị nhỏ nhẻ tự nhiên giữa ồn ào một cuộc nhậu. Tư cho biết lực lượng phóng viên và biên tập của Hội Văn nghệ Cà Mau có 4 người để chăm chút cho tập san Bán đảo Cà mau 1 kỳ/ 2 tháng , chị không bị cơ quan bó buộc giờ giấc nên viết khá thoải mái. “Học lóm” để làm báo, suy nghĩ về sáng tác giữa những đợt cơm sôi trong lúc lo nấu ăn cho chồng và nhóm thợ bạc, chăm sóc dạy dỗ thằng cu 3 tuổi rưỡi, Tư thấy mình vẫn còn nhiều thời gian để viết và ... ngủ. Nhà Tư phía sau là sông, đằng trước là đường phố đông đúc, ồn lắm nhưng vẫn viết được. Truyện trong nước, Tư thích Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Hồ Anh Thái thời Tiếng Thở Dài Qua Rừng Kim Tước. Tác gia nước ngoài Tư chưa được biết bao nhiêu. Thư viện tỉnh cũ kỹ nghèo nàn, dòm qua vài bữa thấy đã gần hết cái để đọc.

Nguyễn Ngọc Tư đã đôi lần trả lời phỏng vấn rằng chị không muốn màu mè, cũng không cố gắng cầu kỳ làm mới bởi đời chị và con người chị đã gắn liền với ruộng đồng lam lũ. Chị không muốn sống và viết vượt ra khỏi mảnh đất mà chị hiểu sâu xa tường tận hơn cả so với bất kỳ vùng đất nào khác. Chị tự biết mình cần phải tỉnh táo: “Viết văn mà cứ đòi lên dốc mãi thì cũng khó, mà làm gì có cái dốc nào cao đến thế nên đôi khi cũng phải dừng lại, ngoảnh lại, thậm chí đi xuống rồi mới đi lên. Mỗi tác phẩm hay là một món quà tinh thần tặng cuộc sống rồi, và cái hay thì luôn có hạn, lấy đâu ra mà tặng mãi ?”. Với Cánh Đồng Bất Tận, tôi thấy Tư vẫn đang đi lên. Suốt câu chuyện dài mười bảy ngàn chữ chị không để thừa chi tiết hay câu văn nào non tay. Hấp dẫn từ đầu đến cuối, tới dấu chấm hết vẫn thấy ngòi bút tác giả bình thản như đôi chân vàng chưa đuối sức sau cuộc chạy maratông. Tôi tin với tư chất thông minh và văn tài thiên phú, Nguyễn Ngọc Tư đủ bản lĩnh để tỉnh táo trên quãng đường dài văn nghiệp vốn không hiếm cạm bẫy danh vọng và vô số khen chê luôn dễ khiến người nghe ngộ nhận , đánh mất mình .

Hoàng Thiên Nga
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
4-11-2005
Đọc tạp văn “Trở gió” của Nguyễn Ngọc Tư

Lê Phú Cường


Tôi vốn chưa bao giờ dám bình luận một tác phẩm nào một cách chính thức thành bài viết hẳn hoi, trừ những bài tập làm văn khi còn đi học. Vậy mà hôm nay tôi lại muốn làm cái công việc khó khăn đó, vì tôi đã trót đọc nhiều tác phẩm của cô Tư rồi, tôi thấy mình phải có trách nhiệm, với tư cách của một người đọc cảm nhận chứ không dám với tư cách của một người phê bình.
Tôi vốn hay đọc Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ở đó có mục Trà dư tửu hậu và thỉnh thỏang cũng có đăng tạp văn. Gần đây, hầu như vài số, tức vài tuần vì báo ra hàng tuần, tôi lại được đọc một bài của cô Tư. Đến hôm nay đọc bài “Trở gió” thì tôi không thể làm thinh cảm nhận nữa mà tôi phải chia sẻ với mọi người cảm nhận của tôi về nhà văn này, vì cô đã chọc vào cái tâm tư của người xa quê là tôi như vầy: “Tôi vẫn hình dung một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gọn lỏn hai từ “gió chướng”, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà”.
Nghe có “chết giấc” chưa! Chết lăn quay như con cheo nghe súng nổ. Thì tôi cũng đang xa quê đây, mà cô khơi làm chi cái kỹ niệm ủ ê đó cho tôi động lòng trắc ẩn. Cô dùng từ “chết giấc” ngụ ý điều gì? Gió máy chớ đâu phải điện mà nhạy vậy, như thể loài mắc cỡ cụp lá hay con rùa rụt cổ khi ai đó đụng vào, như thể trái sầu riêng chín muồi nghe gió đến là rơi lộp độp. Gió chướng chớ có phải là tà khí đâu mà nghe tới đã chết giấc, thì ra gió bây giờ không còn là hiện tượng thiên nhiên nữa rồi, mà đó là kỹ niệm, cũng da diết như một mối tình nồng nàn trót dỡ dang, cũng có hình có ảnh như một người yêu cũ, tha thiết lắm mà vì nghịch cảnh phải tan nát lòng dứt áo chia tay. Kỹ niệm đó ngọt ngào và êm dịu lắm. Có thế nên mới chỉ nghe gọi tên thôi mà đã chết ngay lập tức rồi. Cô làm cho cái tâm tư của người xa quê bấy lâu nay vẫn không yên mà không biết mình bệnh gì, như thể bệnh tim mà không phải, cũng không phải bị đột quỵ vì đó là chứng của người già, chúng tôi còn trẻ phây phây mà, nay biết đó là tâm bệnh, bệnh nhớ quê, nhớ đồng, nhớ nhung, nhớ mông lung của người xa xứ, ai gợi gì nhớ nấy, như nghe hơi thổi lành lạnh thì nhớ mùa gió chướng.
Ở đây tôi làm gì được đón gió chướng về vì từ sáng sớm tôi đã vào phòng làm việc có máy lạnh chạy rì rì, tối về tôi lại đóng cửa nhà im ỉm, đóng cửa cổng kín mít vì sợ trộm thì tài nào nghe được gió chướng về. Mà, ở thành phố thì có gió chướng không, hay chỉ toàn là gió bụi?
Cô lại còn hỏi “có ai bán một mùa gió cho tôi?". Trời ơi, cô ở ngay cái mũi Cà Mau mà hứng gió, sung sướng một đời, cô còn tưởng tượng ra chi cái cảnh xa xứ ngậm ngùi nỗi nhớ, rõ ràng là cô cố tình chọc khuấy nỗi niềm của chúng tôi. Mà, ngày nào Hàn Mặc Tử rao bán vầng trăng, nghĩa là Tử cho đi, nên nghe lòng cũng thảnh thơi dư dã, nay Tư đã thừa rồi sao còn đi kiếm mua một mùa gió cho mình?
Cô ơi, gió về cô xòe tay ra thấy “tay mình vẫn trắng như vầy…”, cô buồn lắm nhỉ? Thì cô đã có một quê hương đầy “những nùi rơm vướng oằn nhánh me, giồng bạc hà cháy lá, con nước rong linh đinh lém bờ sông, má đứng giê lúa, trấu bay xà quần về cuối gió, vài buồng cau quá lứa thắp lửa trên cao, tiếng chày quết bánh phồng thâm u trong rặng dừa nước…”, cô đã sống ở một nơi thanh bình, yên ả, bên má và người thân, mỗi tiếng chày quết bánh cũng thân quen như nhịp tim người yêu cô đập, mùi rơm rạ thơm nồng tỏa ra từ lúc cô mới lọt lòng đến bây giờ còn theo cô len vào giấc ngủ canh khuya. Gió chướng về cô xẻ trái dưa hấu đỏ, ngồi chồm hổm bên hè mà ăn, để nước chảy ròng ròng ướt cả ngón tay, ngón chân, ngồi cho gió nó mơn man tà áo mỏng, liều lĩnh hôn luôn da thịt của cô làm cô nghe lành lạnh mà giật mình như có ai nhìn trộm, vân vân, vậy là cô có quá nhiều rồi. Chứ cô có thấy tôi không, ở cách xa quê cả ngày xe chạy, ngày qua tháng lại, gió chướng đã về mà tôi vẫn không hay. Xòe hai bàn tay ra thấy sao trơ trụi thế, mà lại còn nhăn, còn khô, thêm vài nốt tàng nhang của tuổi già, một mối tình vẫn còn nặng mang chưa trọn vẹn, nên còn thua cô, ngón áp út của tôi có chiếc nhẫn nào đâu! Ngày qua ngày, sáng dậy sớm đi làm đến tối mịt lùi lủi về nhà, nhìn thời gian trôi mà đầm đìa hối tiếc, cùng tuổi mình, người ta đã … thành nhà văn!
Gió chướng về, cô “gấp rãy ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống...” cô nhìn thời gian như nhìn trái cây chín trên cành, cũng có hình hài vóc dáng, cũng đậu cũng rơi, như Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử, như “trái sầu rụng rơi” của Huy Cận. Ngày rụng xuống, thế là tôi biết cô tiếc lắm rồi, như mất mát một cái gì yêu quý lắm, có giống “nghe xót xa như rụng bàn tay” trong thơ Hoàng Cầm không? Cùng tuổi với cô mà tôi đã làm được gì đâu nên nghe ngày rụng mà như nghe trái tim mình rụng xuống! Cô yêu cuộc đời này biết mấy nên mỗi mùa gió chướng về lấy mất của cô một tuổi phải không? Gió không lấy mất của cô đâu mà gió đang làm đẹp cuộc đời cô đó, vì gió đã làm cho trái tim cô thổn thức, chính là đang xây đắp tình yêu trong lòng cô, vậy thì gió cho cô thật nhiều chứ không hề lấy của cô gì cả. Gió chỉ lấy của ai một tuổi khi người đó hờ hững lúc gió về, vì người đó không biết yêu, không nao nao lòng dạ trước vẽ đẹp dịu dàng của đất trời trong cơn chuyển mình mùa vụ, không ý thức được thời gian đang vùn vụt trôi theo từng cơn gió theo mùa, dù đó là gió chướng lành lạnh, gió hè hây hẩy nóng, gió thu hiu hiu buồn, hay gió đông lạnh lùng khơi niềm nhớ.
Cô ơi, ở đó cô có cái không gian nhẹ nhàng cho cô sáng tác, gió chướng thổi cảm xúc vào tâm hồn nhạy cảm của cô, không khí trong lành nuôi lá phổi cô tươi tốt, quá khứ cho cô kỹ niệm êm đềm mà ngây ngất, trái ngọt cây lành, tôm cá sinh sôi, đất đai màu mỡ thì cô gắng mà giữ lấy, mà cảm hứng để dâng tặng cho đời thêm nhiều tác phẩm hay. Thế là cô đã có chỗ đứng trong cuộc đời này rồi, chỗ đứng giữa quê hương, đứng ngay trong lòng bạn đọc. Cô hãy vì những thứ cô đã gắng sức tạo ra và đã được cuộc đời vốn rất công bằng dâng tặng, mà phấn đấu hơn nữa thì cô sẽ có rất nhiều, nó không nằm trên hai bàn tay cô mà nó nằm trong lòng cô, trong trái tim cô.
Còn tôi, cô thấy tôi có chút ít của cải, chút ít vật chất nhưng tôi nông cạn lòng dạ, toan tính thiệt hơn. Có ai hiểu tôi như hiểu cô đâu? Chỉ một mùa gió chướng thổi về, lòng dạ của cô đã mát rượi và đầy ắp nào là kỹ niệm, nào là tâm tư. Chỉ một chút gió của cô cô đã làm se sắt lòng tôi rồi, thế thì cô hay lắm chứ!
Sài Gòn, tháng 10 năm 2005
Nắng, gió, vịt, và đàn bà
giữa những Cánh Đồng Bất Tận

Đoàn Nhã Văn

“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Dân gian nói thế. Nuôi cá giàu thế nào, nuôi heo khá ra sao? Chưa biết. Nhưng rõ ràng, không ai muốn nghèo. Vì thế, nuôi vịt chạy đồng là một việc bất đắt dĩ của người cùng đinh, những người đi suốt những cánh đồng bất tận mà không có một hòn đất để chọi chim. Nuôi vịt không những nghèo, mà còn đầy cơ cực, cái cơ cực bám từ cái đầu dang nắng, đến tận những móng chân đóng phèn. Truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận, khoảng 30 trang, của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ dựng lại tận tường những điều cơ cực ấy mà còn mở ra nhiều điều khác, xa hơn và cao hơn, xoáy sâu vào lòng người đọc, cho dù dấu chấm hết đã hạ xuống ở hàng chữ cuối cùng.
Nguyễn Ngọc Tư là một khuôn mặt không xa lạ gì với độc giả trong nước, trong những năm qua. Cô viết khá nhiều truyện ngắn, tạp ghi và ký. Có tập được giải thưởng cao của hội nhà văn Việt Nam. Theo chân những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, rõ ràng đây là một cây viết có tay nghề. Tuy nhiên, phải đến thiên truyện Cánh Đồng Bất Tận của cô, người đọc mới thấy một tay nghề đã được đẩy đến bậc cao hơn để chữ nghĩa in đậm vào lòng người cái tên Nguyễn Ngọc Tư, với một giọng văn đầy chất Nam Bộ, một giọng văn, trơn tru, ngọt xớt, lại rất có duyên, cái duyên ngầm của nghệ sĩ, lấy những hình ảnh nhỏ để làm nên những rung động lớn ở người thưởng ngoạn.
Cánh Đồng Bất Tận chặt chẽ từ ý tứ đến lời văn, và lấp lánh nhiều hình ảnh đẹp. Truyện vừa xuất hiện, trong nước, là tạo ngay một sự chú ý của độc giả. Chú ý, không vì sự kỳ dị, mà là một thu hút lớn từ cốt truyện hay, lối dàn dựng nghệ thuật và chữ nghĩa sinh động của cô.
“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn.” Những câu mở đầu của thiên truyện đã mở ra một trúc trắc, một lênh đênh, một khốn khó, đang bủa vây một gia đình du mục gồm ba người: Cha, Tôi và Điền - đứa em trai, cùng gia tài: một đàn vịt đang độ lớn, cần thức ăn còn xót lại trên đồng, và nhất là cần nước, trong một mùa nắng chát chúa, khô rát mặt người. Từ cái bắt đầu này, những nhân vật khác xuất hiện, mà phần lớn là những người đàn bà không tên, trôi giạt. Từ người đàn bà bị đánh ghen, đến người đàn bà thân thuộc trong gia đình, Má, rồi đến những người đàn bà khác mà “tôi” đã gặp trên những con sông cạn nước, trên những cánh đồng khô nẻ, trên những phiên chợ đầy mùi người, cho đến những người đàn bà bị Cha tôi gạt gẫm, bịt lối quay về, sau nỗi buồn đứt ruột, khi Má bỏ nhà ra đi. Mỗi người đàn bà mang một số phận như những con nước trong mùa hạn hán. Mỗi con nước có một nguồn riêng, nhưng phần lớn đều cạn kiệt trước khi hòa mình vào dòng lớn. Trong số những người đàn bà không tên ấy, “Chị” là người gắn với gia đình “tôi” như một định mệnh.
Cánh Đồng Bất Tận đào sâu vào nỗi đau khổ và xoáy thẳng vào những mê muội rất tầm thường của con người. Đây không phải là đề tài mới. Nhưng cách dựng những điều ấy mang những nét rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư.
Bốn nhân vật là bốn mảnh đời tơi tả, tan thương, nhưng đầy cá tính. Nếu Cha là một người cộc cằn, thô lỗ, kể từ ngày Má ra đi, thì Chị là một người ăn nói ngọt xớt, trơn tru. Chị tỉnh bơ ngay cả với những điều “lớn lao”, so với người khác. Chị bổ bã, và có khi táo tợn trong những lúc cần thiết. Một phường “làm đĩ”, như chị nói, nhưng đầy đạo nghĩa. Còn “Tôi”? Tôi là một cô gái mới lớn. Một cô gái cơ cực từ tuổi thơ, lớn lên thiếu mẹ, sống bên cha mà vắng tình thương. Bước vào đời đã cực, học hỏi được điều gì ở đời, cái giá phải trả gấp năm gấp bảy, vì tất cả đều tự học lấy mà không một người đi trước hướng dẫn. Và Điền, đứa em trai, nhỏ hơn tôi một tuổi, một đứa bị bệnh chảy nước mắt sống từ hồi chín tuổi. Căn bệnh chảy nước mắt sống của nó khởi đi từ một lý do đặc biệt, của một đứa trẻ, nhìn thấy một sự kinh tởm trong đời. Lênh đênh theo con nước, trôi dạt theo những cánh đồng bất tận, cùng Cha và chị gái, chăn nuôi đàn vịt để mưu sinh, Điền mang một sự bất thường của đứa con trai vừa mới lớn.
Cánh Đồng Bất Tận, như đã nói, được viết bằng một giọng đặc sệt Nam Bộ. Nói vậy, không có nghĩa rằng, cứ hễ viết bằng giọng kể của người dân sống trên sông nước miền Nam là hay, là thu hút. Khác với những nhà văn khác, khi viết về sông nước, thổ ngư, và con người Nam Bộ, cái thôi miên của Cánh Đồng Bất Tận, trước hết, phải nói đến đơn vị nhỏ nhất của văn chương: câu văn. Câu văn của Nguyễn Ngọc Tư, qua Cánh Đồng Bất Tận, thường ngắn, gãy gọn, không lê thê theo lối kể thường tình. Ngắn, nhưng không gầy. Ngắn, khác với cái trần trụi của Nguyễn Huy Thiệp, ở giai đoạn mới xuất hiện. Ngắn, nhưng chữ nối chữ, ý liền ý, theo cái duyên thầm của người dựng truyện. Cái duyên thầm, ở đây, là biết dừng lại ở những chỗ cần dừng, để mở ra những liên tưởng ngút ngàn. Xuyên suốt bản văn, Nguyễn Ngọc Tư không hề sa đà trong tả cảnh, không lắm lời trong gợi tình. Nói ít mà thấm. Viết ngắn mà xoáy vào lòng người. Giọng văn như thế, đánh dấu một sự làm chủ hoàn toàn trước khi những con chữ trườn mình ra trang giấy. Hơn thế nữa, Cánh Đồng Bất Tận có rất nhiều hình ảnh đẹp, đẹp theo ý nghĩa văn chương: đọc xong, khó lòng mà quên được.
Đây là cái đau của một người đàn bà bị đánh ghen.
“Suốt một quãng đường, chị không hề thay đổi thế nằm, im lìm, lạnh ngắt như người chết. Trong ghe chỉ trôi mênh mang những tiếng rên khi dài, khi ngắn, khi thiu thỉu buồn xo, lúc nghe như tiếng nấc nghẹn ngào... (...) Nhưng chiều hôm đó và cả ngày sau chị không ăn. Chị từ chối cả uống nước, đợi đôi môi khô đã bắt đầu nứt ta, chị mới chịu hớp một vài ngụm nước ít ỏi, dường như chỉ đủ ướt môi. Đói và khát, nhưng chị còn sợ đau hơn. Người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị ...”
Nếu là bạn, bạn sẽ diễn tả cái đau của Chị ra sao? Sẽ dùng hàng loạt tính từ để chỉ cái đau, để thấy nét mặt, cái trân mình chịu đau đớn của người đàn bà? Hay bạn sẽ dựng lại những lời rên rỉ, than thân, của một kẻ bị đánh thiếu sống, thừa chết? Trên nhiều trang sách của những tác giả khác, trong những cảnh ngộ thương tâm, họ đã làm thế. Và họ đã đi vào con đường mòn. Trong nghệ thuật, đi vào đường mòn là tự chọn cho mình một con đường ngắn. Con đường ấy dẫn đến sự quên lãng của độc giả.
Nguyễn Ngọc Tư thì khác. Cái đau của người bị đánh ghen, cô không diễn tả trực tiếp. Cô mượn một hình ảnh khác, một góc nhìn khác, nghệ thuật hơn. Cô chọn hình ảnh một đứa con trai mới lớn, từng chịu đựng bao sương gió của cuộc đời, thằng Điền, để diễn tả, để cài vào người đọc một sự liên tưởng. Khi người em trai rời chiếc ghe nhỏ, căn nhà di động của một gia đình ba người, để đi vào xóm, cô chị dặn em trai mình ghé tiệm mua một ít đường cát cho gia đình. Một tí đường cát đối với người khác là điều nhỏ nhặt, nhưng với một gia đình du mục, không phải là nhỏ. Vậy mà, “Chắc gió đã bạt mất lời tôi, khi quay về, Điền không mang theo gì, nó lẳng lặng xòe tay trước mặt tôi, tay nó dính một lớp gì đó, bóng mượt, trong suốt, và đang khô quánh lại, khiến những ngón tay đơ ra như đá. Điền bảo, “keo dán sắt...”. Dường như những người sản xuất ra loại keo này cũng không ngờ nó có nhiều công dụng đến thế. Hai chị em tôi tỉ mẩn lột lớp keo ra, mảng da non trên bàn tay nó bỏng đỏ nhừ, tươm máu. Chúng tôi cùng ngó về chỗ khoang ghe, nghe tiếng thở thênh thang cùng gió...”
Đưa hình ảnh bàn tay của đứa con trai mới lớn, cơ cực theo kế sinh nhai, bị bỏng rát, tướm máu sau khi thử dán bằng keo dán sắt, rồi bỏ lững. Cái bỏ lững đầy nghệ thuật để người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh của người đàn bà đang nằm bất động trên ghe. Bàn tay của thằng con trai đã thế, huống hồ....Vâng, đây chính là phép “vẽ mây nẩy trăng” trong nghệ thuật.
Một chỗ khác, người đọc nghẹn ngào với một hình ảnh đầy thương tâm, tội nghiệp của đứa con gái ở tuổi dậy thì. Thiếu tình thương của Má từ thuở nhỏ, chấp nhận những đòn roi vọt của cha tuổi mới lớn, bước qua thời con gái, không một lời chỉ dẫn từ người đi trước. Hình ảnh của lần đầu con gái, của Tôi”, đã làm nghẹn ngào nhiều người đọc.
“Máu chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu từ từ chảy qua kẻ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhợt chết dần. Thằng Điền vói bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bả rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước...”
Ở chỗ nọ, hình ảnh một người đàn bà “làm đĩ” đã thương lượng, chấp nhận “đi đêm” với hai gã cán bộ để cứu bầy vịt thiếu ăn, một gia tài của ba cha con du mục. Ở đoạn này, Nguyễn Ngọc Tư viết rất khéo. Viết, như một kể lại một cách bình thường, chẳng lên gân dạy trò đạo đức, cũng chẳng kêu gào kết án những ai. Vậy mà lối viết bình thường ấy lôi kéo một cách lạ thường, làm sáng lên hai mặt của đồng tiền. Một, cái thối tha, của những kẻ lúc nào miệng cũng gắn liền: chủ trương, chính sách, triệt để, thi đua, sự cố .v.v... nhưng khi cần “đi đêm” thì tất cả vẳng vào xọt rác. Hai, cái nghĩa cử đẹp, cái đạo trong văn chương. Cái đạo của phường làm đĩ. Đạo ở đây, không phải là thứ đạo mà Hoàng Ngọc Hiến đã nhắc tới khi nói về một nền văn học “phải đạo”, trước đây. Đạo ở đây là đạo làm người. Làm một người tử tế hay sống một đời lương thiện, thời nay, thật khó. Càng khó hơn, khi sống trong những cảnh khốn cùng, như Chị.
Một truyện ngắn có nhiều hình ảnh đắc địa.
Một truyện ngắn đầy dung lượng.
Đọc xong Cánh Đồng Bất Tận, một cảm giác khó tả cứ vấn vương. Cảm giác đó có thể gói gọn trong một chữ: Khoái.
Truyện gợi lên nhiều điều về thân phận làm người, những người cùng khổ trong một xã hội đang quay trong cơn lốc. Từ đó, mở ra những suy ngẫm về nhân tình thế thái, sự suy đồi đạo đức, đặc biệt là ở những kẻ đầy tước quyền trong tay. Nhưng xa hơn, và quan trọng hơn, những con chữ kết thúc thiên truyện đã đẩy truyện ngắn lên thêm một bậc: gieo niềm tin vào lòng cuộc sống. Hay nói một cách khác, đó là cái nhìn về phía trước của một người sống tận đáy cùng của xã hội, một người không may mắn trên bước đường chăn vịt để mưu sinh, một người mà định mệnh luôn trói chặt với những đau thương, khốn khổ. Đó, chính là hạt mầm tốt.
Không có những hạt mầm tốt gieo vào lòng đất, thì trên những cánh đồng bất tận, mãi mãi, chỉ có nắng nung người, gió cháy da, chất phèn chua lét, đàn vịt cọc còi, và những người đàn bà ... làm đĩ. May thay, hạt mầm đã có, và được gieo, không bởi tuyên ngôn của các vĩ nhân, mà lại được gieo, bởi những kẻ khốn cùng trong xã hội.
Đó là tín hiệu mừng.
Đó cũng là chỉ dấu của quyển sách sắp sang trang.

Đoàn Nhã Văn
Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo
số 11- 28-12-2005

Nỗi đau trong
Cánh Đồng Bất Tận

Thảo Vy


“Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì – dù chỉ một lời. Hãy im lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ” (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương). Đoạn văn này được Nguyễn Ngọc Tư trích dẫn trong lời phi lộ của Cánh đồng bất tận, một tác phẩm văn học đang làm xôn xao dư luận.

Nguyễn Ngọc Tư viết: “Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê?”. Và trong Cánh Đồng Bất Tận, chị đã đưa một nỗi đau vào trong cõi hận.

Cánh Đồng Bất Tận được bao trùm bởi một nỗi hận: nỗi hận bị vợ bỏ. Thành phần hận nặng nề hơn thành phần ghét bỏ. Lâu lâu, chúng ta cũng được nghe tiếng thở than nẫu ruột trong máy cassette: “Ôi đàn bà, đàn bà là những niềm đau…”, hay lại thấy một chàng trai, một người trung niên, một cụ già… vui vẻ cho người khác xem hình xăm chữ “hận đời” bên cạnh trái tim bị mũi tên xuyên thủng, rướm những giọt máu… màu xanh. Nỗi hận trong Cánh Đồng Bất Tận ghê gớm hơn. Khởi đầu chỉ là sự khó chịu, ghét những gì liên quan đến người vợ. Nhưng dần dần nó phát triển thành ý muốn tiêu diệt những gì có thể nhắc nhở đến người vợ ấy. Trước hết là sự đánh đập đứa con gái chỉ vì nó giống mẹ. Sau đó, nỗi hận ấy được nâng lên thành nỗi hận phổ quát: hận tất cả đàn bà. Ở Cánh Đồng Bất Tận, người đàn ông đốt nhà của mình rồi dẫn hai đứa con và đàn vịt vào những cánh đồng trong cõi hận. Phản ứng thù hận người vợ phụ bạc là lẽ thường trong cuộc sống, nên hiều độc giả cảm thấy tâm lý ấy có thật. Nhưng khi nỗi hận tăng lên đến mức: “Ôi đàn bà (nói chung)…” thì người đọc cảm thấy quá dữ dội. Vì vậy, nỗi hận ấy vừa thực nhưng vừa cường điệu.

Với nỗi hận ghê gớm, người cha đã thực hiện việc trả thù… toàn bộ giới phụ nữ. Ông ta quyến rũ họ, và khi họ vừa bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ chồng, bỏ con để “cuốn gói” theo… tiếng gọi tình yêu thì ông ta ngay lập tức bỏ rơi họ. Nỗi hận ấy làm cho con người không ngượng ngùng, hổ thẹn và không chùn tay, không sợ hãi khi làm điều sai xấu.

Hổ thẹn là một thành phần của cái biết, làm cho con người ta tự giác chấp nhận các qui tắc của đời sống xã hội. Sự hỗ thẹn đó nảy sinh từ những giá trị chung mà mỗi cá nhân tự cho là đúng đắn và hợp lý. Chẳng hạn, mỗi con người ở các địa vị khác nhau trong xã hội, việc ăn mặc, đi đứng, nói năng, hành xử đều phải tuân theo qui cách nhất định. Người cha trong Cánh Đồng Bất Tận không có trách nhiệm dạy bảo các con, cũng không che đậy vì hành vi lừa dối, và sự thù hận là cái cớ làm cho ông không còn biết hổ thẹn. Tính không hổ thẹn ấy có lúc đã đưọc đám đông hưởng ứng. Đám đông trong đầu câu chuyện đã “đánh hội đồng” một người đàn bà một cách hăng say mà không hổ thẹn. Trong khi, hổ thẹn làm cho người ta do dự và tránh các việc sai xấu, và sự do dự này là tốt và cần thiết cho sự ổn định xã hội.

Sợ hãi là một thành phần khác của cái biết, làm cho người ta ngần ngại khi hành động xấu. Người cha đã lừa dối, dụ dỗ những người phụ nữ cả tin. Sau đó ông bỏ rơi họ (cho bỏ ghét), mà không sợ hậu quả xấu sẽ đến cho mình và cho các đứa con của mình. Trong các loại không sợ hãi, thì không sợ quả báo là loại suy nghĩ làm cho xã hội mất ổn định nhất, vì mọi hành vi đều không bị giới hạn, miễn là thoát hỏi sự phán xét của công luận và luật lệ.

Hổ thẹn và sợ hãi đóng vai trò như cái phanh kìm hãm con người làm điều sai xấu, và là bước đầu dẫn tới sự tự điều chỉnh của bản thân. Hai thành phần này làm cho cách xử sự của xã hội trở thành văn minh. Hổ thẹn ngăn ngừa hành vi sai xấu từ bên trong, sợ hãi ngăn ngừa hành động từ bên ngoài. Nhân vật người cha đã sống trong một “cõi” không có hai yếu tố quan trọng này, nơi không có các trật tự, luật lệ thông thường của con người. Trong “cõi” đó, “…không thể phân biệt được đây là mẹ hay là em, chị của mẹ; đây là vợ của anh (hay em) của mẹ; đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài chó, loài chó sói…”, nghĩa là chuyện loạn luân sẽ xảy ra. Khi sự mê muội hoạt động thì các yếu tố bản năng như tình dục (ham dục) trở nên mạnh mẽ và sai lệch. Trong nhiều chi tiết của câu chuyện, yếu tố tình dục chi phối mạnh, nhưng do miêu tả quá đậm đã làm cho câu chuyện trở nên u ám hơn.

Cánh Đồng Bất Tận là sự thiếu vắng của ánh sáng, nên câu chuyện dường như diễn ra trong nền cảnh màu xám của các cơn mộng. Sự thiếu vắng của ánh sáng là đặc trưng của sự tối tăm (si ám). Trạng thái tối tăm này không phải là do sự thất học, bởi có những người trình độ học vấn cao nhưng lối sống vẫn rất tối tăm. Người cha ấy tựa như người đi trong đêm tối, đã rời bỏ chỗ ở của mình, mang theo hai đứa con trong một hành trình vô định. Chính do sự mê muội, ông luôn tạo ra nhiều nguyên nhân cho đau khổ trổ quả. Sự mê muội ấy làm người đọc vừa thương vừa giận.

Sự tăm tối được thúc đẩy bởi lòng tham, nóng giận hay sự suy nghĩ sai nên đã gây ra không ít điều ác. Người cha bị thúc đẩy bởi lòng thù hận người vợ phụ mình, đã tạo ra nhiều tội lỗi. Tuy vậy, người cha vẫn lờ mờ cảm thấy một trách nhiệm đối với hai đứa con của mình. Chi tiết ông mua cho đứa con gái cái nhẫn để dành dành đám cưới cũng như việc “cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời”, cho thấy tình thương và sự hối hận của người làm cha đã sống dậy. Điều đó làm cho câu chuyện có lối thoát.

Điểm nổi bật của Cánh Đồng Bất Tận là thông điệp: hãy sống nhân ái để khỏi bị quả báo khổ. Nguyên lý nhân quả này là một loại nguyên lý bảo toàn trong đời sống. Thời nay, chúng ta phải chứng kiến một nghịch lý, lớp trẻ, cần phải có một nguyên tắc sống, nhưng họ tin hoàn toàn vào nguyên lý bảo toàn trong tự nhiên, và không biết gì lắm về nguyên lý bảo toàn trong đời sống. Trong khi đó, các bà già “trầu”, còn sống chẳng bao lâu, thì lại tin vào nguyên lý bảo toàn trong đời sống – rằng làm điều sai xấu thì phải chịu quả báo – chẳng hiểu và cũng chẳng cần phải hiểu đến các nguyên lý bảo toàn trong tự nhiên. Ở đây, Cánh Đồng Bất Tận không chỉ nhằm mô tả hiện thực mà dùng hiện thực để nói lên vấn đề nhân quả. Một nguời trẻ như Nguyễn Ngọc Tư mà có thể thâm nhập vào nguyên lý nhân quả dưới dạng cụ thể như vậy cũng là điều đáng mừng. Nó cho thấy giới trẻ vẫn còn quan tâm đến các kết luận có giá trị vốn đã ăn sâu trong truyền thống văn hóa của dân tộc.

Nếu không có lời phi lộ và không có sự báo ứng thì Cánh Đồng Bất Tận cũng chỉ nằm khuất đằng sau cái bóng của Trăm năm cô đơn. Nó làm ta nhớ tới Giọt máu của Nguyễn Huy Thiệp với câu mở đầu “đem chuyên trăm năm giở lại bàn”. Điểm khó khăn cho những nhà văn muốn chuyển Cánh Đồng Bất Tận thành phim là, nếu không khéo, bộ phim sẽ trở thành sự phô diễn cho một cuộc sống dữ dội, bản năng vói những ám ảnh tình dục không lối thoát.

Cánh Đồng Bất Tận được mô tả với một ngòi bút tế nhị, nhiều khi có sự thông cảm, có lòng thương xót đối với người và vật (như những chú vịt hiểu ý người). Tuy nhiên, cũng có độc giả cho rằng, do để nhân vật kể chuyện là con gái của người chăn vịt, người trải qua những cảnh khổ, nên nhiều chi tiết không hợp lý. Có nhiều người cảm thấy ngộp vì tính cách dữ dội, tàn nhẫn của câu chuyện.

Văn học Việt Nam hiện nay cũng có nhiều tác giả viết rất dữ dội. Tuy nhiên cách xử lý của Nguyễn Ngọc Tư có sự khác biệt. Nguyễn Ngọc Tư đã mô tả cuộc sống bản năng của một gia đình, cô lập nó ra khỏi ảnh hưởng của các quan niệm và các ý thức hệ xã hội. Có nhà phê bình cho rằng “cánh đồng” ở đây là “cánh đồng cuộc đời” và “Tư đã đưa ngòi bút của mình ra khỏi nhà, khỏi xóm, đến với cánh đồng. Hình như phải sống giữa đất trời mới ra con người Nam bộ, cả sự ngang tàng lẫn nỗi đau đớn”. Nếu “cánh đồng cuộc đời” mà như vậy thì quá khủng khiếp.

Mong rằng sắp tới, tác giả sẽ có những tác phẩm mang hơi thở thời đại hơn và vẫn đầy tính nhân bản. /.

Báo DOANH NHÂN SÀI GÒN
XUÂN BÍNH TUẤT 2006

________________________________________

Nguyễn Ngọc Tư, chuyện mới nghe qua

Huỳnh Kim

Một ngày cuối năm 2005, nhà thơ Lê Chí, cùng quê Cà Mau với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nói tôi viết một bài ngắn cho báo Doanh nhân Sài Gòn Tết năm nay về Nguyễn Ngọc Tư giùm vì anh đã nhận lời với báo mà hổng rành cô Tư lắm. Tôi nói, tôi chỉ quen cô Tư qua chuyện… đặt cổ viết bài mà thôi. Nhưng tôi cũng hẹn với anh Lê Chí là để thử xem rồi gọi điện thoại nói lại hết với Nguyễn Ngọc Tư như vậy, xong gởi cổ một mớ câu hỏi để có thêm thông tin mới. Hổng dè ngay hôm sau tôi nhận được hồi âm của tác giả truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”, một phụ nữ 29 tuổi vừa làm “dậy sóng” trong làng văn nghệ nước nhà năm 2005, cũng với cái truyện này. Thấy nhiều thông tin cũng cũng hay hay, tôi bèn bỏ ý định viết bài và xin được chép lại y nguyên chuyện này gởi về tòa soạn.

- Nghe nói Tư không biết rõ ngày sanh tháng đẻ của mình, chỉ nhớ là sanh trong đêm nên Tư có nước da màu đen, nhưng mà có duyên. Tư có soi gương thấy mình dễ thương không?

- Có chứ, em hay nghĩ mình tuy xấu nhưng có duyên ngầm. Có điều hơi cục mịch và không biết xử sự, hơi thất thường, sớm nắng chiều mưa. Khi em sinh con trai, thấy nó ốm nhằng, xấu òm, em lại nghĩ thương má, hồi nhỏ em xấu tệ, xấu đau xấu đớn, út mót mà. Chắc má cũng buồn… Giống như mình. Nhưng không sao, hồi nhỏ, ít nhất má cũng được tự hào vì em học khá giỏi, ở xóm trầm trồ khen hoài. Lớn lên cũng lại làm thêm nhiều chuyện… giỏi nữa, chắc là em đã bù đắp được rồi, cho má, cho ba.

- Hồi nhỏ Tư học hành ra làm sao?

- Giỏi. Nhưng lên lớp 6 thì môn toán dở èm. Ông thầy mặt xanh lét ốm nhòng như bị nghiện, dạy lại lừ đừ nên có đứa bạn em… rượt ổng chạy dài. Ổng chạy, bỏ lại em với môn toán mất căn bản trầm trọng.

- Từ nhà tới trường, có băng qua những “cánh đồng bất tận” nào không?

- Nhà em cách trường khoảng năm cây số, đi bộ. Nhằm bữa tan học gặp ba đi xe đạp về, ba rủ mà em không chịu lên xe, em nghĩa khí, em không thể để nhỏ bạn (mà em kêu bằng chế, dì, bà con xa) đi bộ một mình. Tụi nó cũng vậy.

- Có gặp cái anh nào tán tỉnh mình hay là gặp cái ông nào mà mình ấn tượng gì không?

- Hồi đi học em như cây củi, khô đét, đen đúa, cứng cỏi như con trai, thằng nào đui mới dám xáp vô. Mà tuổi học trò ngày xưa khùng khịu lắm, khác bây giờ.

- Hay là ngoại, cha, mẹ… dạy cái gì mình quá nhớ thời học trò đó?

- Lúc chưa đi học, em ở nhà ngoại. Một đôi lần em ăn cắp… tiền. Nguyên cái xóm chỉ ngoại em bán tạp hoá, kẹo bánh nên lấy tiền cũng chẳng làm gì, cũng trả lại, nhưng lâu lâu lại nhìn tủ tiền, thòm thèm. Có lẽ cuộc sống nghèo khó của gia đình lúc đó làm em có tâm lý muốn sở hữu một cái gì đó, thiết thực. Và bây giờ đôi khi thấy mình… ham tiền thì cũng hợp lý thôi.

Có một chuyện mà em hối hận suốt đời. Hồi chăm sóc ông ngoại, em bận nấu cơm, rồi cắt, bó rau rồiquẩn quanh với nhiều công việc khác mà em ít nói chuyện với ông ngoại. Nhà thì rộng, ông đi đứng khó khăn nên không thể lại đằng xóm chơi. Em nhiều khi quạu quọ, nhiều khi dọn cơm ra bỏ đó rồi đi chỗ khác. Nhiều khi ông ngoại hỏi chuyện này nọ, em nạt ngang. Khi ông ngoại mất, em nhận ra, kỷ niệm là thứ không thể chỉnh sửa.

- Nghe nói Tư đang học tiếng Anh?

- Có, nhưng em đang tính nghỉ. Em không theo nổi. Chương trình học quá lạ lẫm, em lại có quá nhiều chuyện để làm. Ngoại ngữ là môn không thể vắng mặt, không nghỉ được, vì bỏ một buổi là không theo kịp. Vào học, nghĩa là đầu óc không thể thảnh thơi để nghĩ ngợi bất cứ cái gì, cứ lấm lét sợ ông thầy gọi bắt đọc mấy tiếng anh xì xồ. Học mới một tháng mà em bị stress rồi, ngủ trưa ngủ tối gì cũng không được, phải uống “Hoạt huyết dưỡng não” để ngủ, sụt mất hai ký lô.

- Ngoài việc ở Hội Văn nghệ Cà Mau, làm “nghị sĩ” của tỉnh, người ta giao cho Tư công chuyện gì vậy? Có lần Tư bảo “làm cho biết”, là làm sao?

- Đó là công việc tệ nhất của em. Em luôn thấy ngán ngẫm mỗi khi vào kỳ họp. Em hoàn toàn không làm tròn trách nhiệm dân cử, cơ quan cũng phàn nàn sao chẳng thấy em nói gì ở diễn đàn cho văn nghệ sĩ dễ thở một chút. Nhưng em cảm thấy bất lực, em có cảm giác không chống được guồng máy đã gài chế độ chạy tự động. Đó, “làm cho biết” là vậy đó.

Em định xin ra khỏi Hội đồng Nhân dân nhưng người ta bảo, muốn ra cũng phải nghị quyết này nọ, mất công lắm, rốt cuộc, em là “nghị sĩ vật vờ”, “hội đồng ừ”.

- Nghe nói Tư thích nghe nhạc khi viết lách?

- Không. Trước khi viết thì em nghe bài nào đó buồn buồn cho nó lắng bớt cảm xúc xuống chớ không thì nó nổi trôi hết. Còn khi viết thì không nghe gì hết.

- Nhà của Tư sát sông Cà Mau, rộn rã xuồng ghe suốt ngày đêm thì làm sao viết được?

- Khi viết thì em không nghe thấy gì nữa. Cho nên ở bất cứ chỗ nào cũng viết được.

- Tư thích chơi với ai nhất? Có nhớ, có nghĩ lai rai tới ai không?

- Em thích chơi với mình, trong một khoảng lặng nào đó. Nếu bạn bè là từng quen biết, ăn uống chung, tặng sách cho nhau thì em có đầy, nhưng một người bạn đúng nghĩa thì không. Người hiểu em cũng ít. Dường như một vài người gì đó có vẻ hiểu em, nhưng lại buột miệng là hiểu Tư quá trời. Vậy có nghĩa là không hiểu em gì hết, em rất bực khi cảm giác mình nghĩ gì làm gì anh kia cũng biết tỏng tòng tong, vậy thì em sống làm gì, mắc công. Vậy đó, tưởng hiểu, cuối cùng có hiểu gì đâu.

Về cái khoản “nhớ lai rai”, có phải anh hỏi lãng đãng một thứ tình ngoài vợ chồng? Có, nhưng một mình em quyết định và điều chỉnh nó. Ông nào dù dễ thương mấy mà sấn tới là em rút lui, em bỏ chạy. Em cần giữ khoảng cách an toàn, em chỉ chơi với những người mà mình thật sự tin tưởng, an tâm. Mà yêu thêm cũng chỉ là một trò chơi, và nó gây thương tổn cho rất nhiều người, vậy thì tại sao mình không chọn trò ít đau thương hơn, vui vẻ hơn.

- Tư thường lục lọi trong sách báo mỗi ngày ra làm sao?

- Toàn đọc báo có hình nhiều, nhất là những báo điện ảnh và phụ nữ, thời trang. Đọc sách nhiều, chữ đã mòn con mắt em rồi. Nên với báo chí, em đọc những gì nhẹ nhàng thôi.

- Thích xem ti-vi chương trình gì nhất?

- Hoạt hình.

- Không thích xem gì?

- Phim Đài Loan.

- Có thích xem “Thu Cúc đi kiện”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”… của Trương Nghệ Mưu không?

- Không, xem thì thấy hay, nhưng không thích. Em thích phim tình cảm và hoạt hình Mỹ, nhiều phim nhân bản lắm. Anh xem “Nê-mô”, “Cô dâu ma” hay “Thời kỳ băng giá” chưa? Dễ thương lắm. Em rất thích Judy Low, vì anh này đẹp trai. Em vừa xem xong “Núi lạnh”, khóc đã đời luôn. Em cũng thích phim Hàn Quốc, cái cách người trong gia đình họ đối xử với nhau mới dễ thương làm sao.

- Nói một chút về “tủ sách Nguyễn Ngọc Tư” trong trang web của anh Trần Hữu Dũng (*) đi? Có hay lục lọi trong Internet như đọc sách thường ngày không?

- Trang riêng này của thầy Dũng em vô có một lần. Bởi nó chứa tất cả những gì mà em đã biết, nên chẳng có gì để tò mò. Em sử dụng Internet chủ yếu là gửi và nhận mail, em sợ… tốn tiền nhiều. Mù tịt về Internet nhưng rành mấy trang web về điện thoại, nhất là khi chuẩn bị mua điện thoại… mới (em là chuyên gia mất điện thoại mà).

- Anh nên chấm hết bài viết mà anh Lê Chí nói dài cỡ hai ngàn chữ ấy về Tư ra sao đây?

- Tết này em sẽ đi chơi mút mùa, bù lại năm trước mùng hai là thằng con nổi trái rạ tới rằm tháng Giêng, Tết trong căn nhà kín gió. Với lại năm nay, nhờ cánh đồng bất tận mà em có chút đỉnh tiền, phải làm sao cho tưng bừng chớ.

Tôi đã cẩn thận gởi bản thảo này để cô Tư coi lại. Và khi nhận hồi âm, tôi chú ý cổ không sửa mấy chữ “cánh đồng bất tận” sau cùng như là tên của cái truyện ngắn có nhiều dư luận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư./.
Ngày đầu năm đọc 'Cánh đồng bất tận'
với sức hút kỳ lạ
Nguyễn Tý
Báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh
7 tháng 2, 2006


Đây là tập truyện thứ 7 của Nguyễn Ngọc Tư, ngay từ khi Cánh đồng bất tận xuất hiện trên tuần báo Văn Nghệ 4 kỳ liên tiếp đã tạo thành một hiệu ứng trong giới sáng tác. Có người cho rằng, Nguyễn Ngọc Tư đang thể nghiệm một phong cách sáng tác mới sau khi đã có nhiều truyện ngắn viết về miền Tây – nhất là về những thân phận người nghệ sĩ cũng như người phụ nữ ở tận cùng Đất Mũi, Cà Mau.
Cũng có người cho rằng, Tư (người viết quen gọi thân mật kiểu Nam bộ-NT) vẫn viết làng nhàng chỉ hơi thay đổi bút pháp, nghĩa là có đề cập đến khía cạnh dục tính mà một số cây bút trẻ nữ ở Hà thành đang gây xôn xao trên diễn đàn văn học gần đây.
Nói gì thì nói, sức bật để tự làm mới mình là điều Tư đáng được nhận lời khen. Không phải từ khi báo Tuổi Trẻ đăng đàn lại 6 kỳ liên tiếp Cánh đồng bất tận mới gây sự chú ý (trước đó trên mạng Evan của báo Điện tử Vnexpress.net đã đăng tải từ báo Văn Nghệ). Người viết bài này đọc được từ khi Tư đăng đàn nhưng chỉ được 2 số đầu vì những tưởng Tư cũng chỉ viết về thân phận người đàn bà bị ruồng bỏ, xã hội lại đẩy đưa số phận vào con đường tha hóa nhân cách, về người đàn ông bị vợ phụ tình, về hai đứa con lớn lên trong cảnh thiếu vắng tình thương chỉ biết “tự học” cách để mà sống mà chứng kiến những bất công… cho đến khi đọc những lời bình luận miệng, tôi lại lần dở đọc tiếp và đúng là Tư có mới… thiệt.
Theo tôi, đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư người đọc chỉ nên đọc một truyện rồi gấp sách lại, ngẫm nghĩ về nỗi đau thân phận người, thấu hiểu tâm trạng của nhân vật và một chút trải nghiệm của tác giả mới phần nào thấm thía cái giọng văn đặc sệt miền Tây (nghĩa là thấy sao nói vậy). Đó chính là nỗi đau đời mà dẫu vô tình hoặc cố ý khi xây dựng nhân vật, Tư tạo nên một phong cách không lẫn vào ai - ấy là chỗ văn Tư dễ đọng vào lòng người sau những giờ phút mệt nhọc với cuộc sống cơm áo gạo tiền, đọc thư giãn đọc nghiền ngẫm, ồ thật hay và tình làm sao ấy.
Về nhân vật, Tư đã dựng lên những thân phận người, ở đó số phận và bi kịch trong từng hoàn cảnh có nét tương đồng. Phần lớn những người phụ nữ gặp cảnh tréo ngeo trong duyên số, những anh chàng Hai Lúa yêu mà hổng dám ngỏ lời, những ông già cuối đời vẫn sống cô đơn và hơn nữa là biết chấp nhận. Chấp nhận để đồng cảm với những thân phận trẻ dầu chỉ thoáng chốc chung sống như tình cảm ruột thịt ở ông già Năm Nhỏ (Cải ơi!) hay ông Chín trong Nhớ sông đến cả người cha trong Cánh đồng bất tận – những người đàn ông chịu đựng và cảm thông ở ông Năm Nhỏ, ông Chín và ở người cha của hai đứa trẻ lại lặng im tìm cách ‘trả thù’ người vợ phụ tình trên thân xác những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin khác…
Và những chàng thanh niên gặp những chị phụ nữ lỡ làng nên duyên vợ chồng trong Duyên phận so le, Một trái tim khô, Cuối mùa nhan sắc, Hiu hiu gió bấc, Mối tình năm cũ… đều có tình yêu thương của con người bằng đời mà đối xử “tử tế” (chữ dùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) với nhau, để cuối cùng là hạnh phúc nhưng ở từng trang viết của Tư lại có cái kết quá day dứt và hơi quá đời thật khi cái hậu của mỗi câu chuyện thường là dở dang, lận đận dù họ chỉ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”.
Và phải chăng từ truyện ngắn hay nói cho gần hơn đó là truyện vừa Cánh đồng bất tận, Tư mới để manh nha một chút cái ác có phần nhẫn tâm trong ba số phận của một hoàn cảnh: người cha (Út Vũ), Nương (chị gái) và Điền (em trai). Tôi cho rằng ấy cũng là tảng băng ngầm mà Tư giờ mới xuất tuyệt chiêu.
Viết về dục tính và viết sao cho khéo ấy là phong cách của mỗi nhà văn, Tư có cái đặc tả thật gần nhưng xa nói như ông bà ta đó là “nói bóng nói gió”.
Người cha và những người phụ nữ bị bỏ rơi trong 'Cánh đồng bất tận'
Phiên bản đầu tiên đó là hình ảnh người đàn bà bị đánh ghen và cũng thật tàn nhẫn từ hình ảnh Hoạn Thư ghen Thúy Kiều đến hiện thực đời thường xã hội, khi đàn bà ghen họ sẵn sàng rạch mặt bằng lưỡi lam hay tạt axít, sởn tóc… nay tôi mới thấy và lần đầu tiên có một cách trả thù ghen hơi ác “Người ta đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị…”, và Tư cho nhân vật lý giải: “Tôi hỏi chị làm gì để bị đánh. Chị cười, “Làm đĩ”. Đọc thấy hơi rợn.
Người đàn bà ấy có chung số phận của nhiều người “Chị, cũng giống như họ, chớm tàn tạ, đói rã ruột ở thị thành mới chạy xuống quê”, ai lại có cách nghĩ ngược như Tư. Bởi ngày ngày chúng ta chứng kiến những cô gái thôn quê có chút nhan sắc và đẹp nữa là khác nhưng kém chịu học “chạy” lên thành phố đua nhau lấy chồng Đài, chồng Hàn hay đổi đời bằng cách làm tiếp viên nhà hàng, khách sạn quán nhậu và gần nhất là gái gọi, gái đứng đường…
Phiên bản hai, đó là người cha tìm cách giải quyết sinh lý đối với người đàn bà mà ông cúi xuống từ nỗi đau hằn học bị vợ theo trai để đánh đổi thân xác. Xong, vứt bỏ như người ta vứt đồ ăn thừa: “Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa cơm, khi nhà đủ mặt, “Tôi trả cho hồi hôm…”. Rồi cha điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê”. Người đàn bà có lòng tự trọng và yêu thương trẻ con, dẫu ăn nói có sổ sàng nhưng gặp cảnh hai đưa trẻ thiếu tình thương của mẹ, chị cam chịu và vui nữa: “Mà hên nghen, nhờ vậy (bị đánh-NV) mà được gặp mấy cưng, được ở chung vầy, vui thiệt vui…”. Rồi không thấy Tư nhắc đến chị ta nữa (chỉ cuối truyện mới cho người đọc gặp lại chị ta), để cảnh đời của ba cha con lại trôi dạt đến nơi cần đến, người cha lại “trả thù” một chị chủ nhà mặc dầu chị “bị” vứt bỏ vẫn “tin rằng sự lựa chọn nầy là đúng, tình yêu nầy xứng đáng được đánh đổi”, sau khi đã thỏa mãn dục tính với màn kịch: “Cha ghé một chợ nhỏ đầu xóm kinh, biểu chị lên mua một ít của cải muối đem theo. Người vừa khuất trong tiệm tạp hóa, cha cười. Chị em chúng tôi mãi mãi không quên cái cười đó, nó vừa dữ đội, đau đớn, hoang dã, cay đắng, nghiệt ngã. Cái cười thật dài, riết lấy khuôn mặt cha, làm mắt cha hơi lồi ra, ánh lên như có nước. Cha quăng đồ đạc của chị lên bờ vung vãi. Và nổ máy cho ghe đi”.
Nhân vật hai chị em và những trang viết gợi tả tính dục
Tư viết chỉ lướt qua nhưng gợi trong lòng người đọc cả một xã hội thu nhỏ trong bóng tối cuộc đời. Ở đó có nhiều người chỉ vì nhu cầu, ở đó có người vì bản năng và ở đó hầu hết là những nhân vật thiếu chữ nên họ yêu thương cũng vội vàng. Tư để hai nhân vật chị em chứng kiến những cảnh ấy rồi nghĩ về “Cha không tốn nhiều công sức cho việc chinh phục (Những người đàn ông quê mùa đã tự đẩy người đàn bà của mình đến với cha, bằng nhiều cách. Họ thích uống say, họ thích dùng tay chân để tỏ rõ uy quyền. Mệt nhọc làm lụng trên đồng, người đàn ông đã trở nên khô cằn, có khi cả đời, họ không nói với phụ nữ một câu yêu thương tử tế. Họ không biết vuốt ve, âu yếm, khi cần, họ lật cạch người phụ nữ ra và thỏ mãn, rồi quay lưng ngủ khò)”. Những chuyện phòng the để hai chị em nghĩ ngợi rằng: ‘Tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy, vùi mặt vào da thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt. Thằng Điền cay đắng, ‘Cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái… Tôi nạt, “Đừng nói bậy’”.
Trong truyện vừa Cánh đồng bất tận, Tư khắc họa thành công nhất đó là hình ảnh hai chị em Nương và Điền. Ở lứa tuổi trưởng thành nhưng gặp cảnh cha bỏ mẹ, hai chị em phải sống với người cha lầm lũi làm việc và lầm lũi cả trong quan hệ tình cảm. Hai chị em phải ‘tự học’ cách sống để làm người và học ngay cả bản năng (như là chuyện giáo dục giới tính mà học sinh bậc trung học phổ thông cơ sở hộc ở môn Sinh vật vậy) để chứng kiến và… bỏ qua. Hai chị em với cánh đồng trở nên quen thuộc và ‘lỡ’ chứng kiến cảnh sinh hoạt ‘mua bán’ sau vụ thu hoạch “Đêm đến, sau các đụn lúa, họ thả tiếng cười chút chít, tiếng thở mơn man… lên trời, làm nhiều người đàn bà đang cắm cúi nấu cơm, cho con bú trong lều thắt lòng lại. Tối nào mua rượu cho cha, chúng tôi cũng đi ngang qua những đôi người. Chúng tôi nhận ra họ ngay, khi không còn mảnh vải nào trên người họ vẫn điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình chứ không trơ ra ngượng nghịu, cam chịu như những người phụ nữ quê. Sáng sau, họ xiêu xiêu biến mất, đem theo mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc quần quật của đám đàn ông”. Nhưng cánh đồng cũng là nơi mà chị em họ có quá nhiều kỷ niệm… buồn nhiều hơn vui: “Cánh đồng không có tên. Nhưng với tôi Điền, chẳng có nơi nào là vô danh, chúng tôi nhắc, chúng tôi gọi tên bằng những kỷ niệm mà chúng tôi có trên mỗi cánh đồng. Chỗ chị em tôi trồng cây, chỗ Điền bị rắn cắn, chỗ tôi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên… Và mai này khi trôi dạt đến một nơi nào khác, nhắc đến cánh đồng nầy với cái tên của chị, chắc chúng tôi xốn xang”.
Hai chị em cùng người cha sống lang bạt sau vụ mẹ bỏ nhà theo trai vì: “Kể nhiều chuyện như vậy là để trả lời chị, nhà tôi, má tôi, rốt cuộc đã trở thành tro bụi mất rồi. Nên khi hết mùa lúa chín, những người nuôi vịt chạy đồng khác đã trở về nhà còn chúng tôi lại tiếp tục lang thang.
Đàn vịt đưa chúng tôi đi hết cánh đồng nầy đến cánh đồng khác. Đôi khi không hẳn vì cuộc sống, chúng là cái cớ để chúng tôi sống đời du mục, tới những chỗ vắng người”.
Người cha buồn mượn rượu và “đánh chị tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy. Đó là khi nguời ta thấy hoang hoải, chán chường, sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh…Tôi đành để cha đánh để ông bớt đau lòng. Sau nầy chị em tôi không day dứt chi cho mệt, vì hiểu thấu ra, mình bị đòn chỉ vì là con của má, vậy thôi”. Và hai chị em “buộc phải tự học lấy cách sống. Nhiều khi dễ đến không ngờ…Nhiều lúc tôi (Nương-NT) hơi nhớ con-người…
Những gì không biết, chúng tôi thử. Những gì không hiểu, chúng tôi chất thành khối trong lòng. Nhiều khi thấu đáo được một điều nào đó, chúng tôi phải trả giá cao”.
Hai chị em ước ao có ông nội, người đọc đến nay ruớm nước mắt: “Phải chi ông nầy là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?”. Nghe câu đó tôi bỗng thấy mình nghèo rơi nghèo rớt, nghèo đến nỗi không có… ông nội để thương, thèm muốn bên đường. Tôi lắc đầu, bảo thôi”.
Về người em trai tên Điền
Chuyện người lớn khiến “Điền thao thức… Điền chê ngủ ghe chòng chành quá chừng. Tôi biết lòng nó đang chao.
Điền có những ngày bối rối. Nó hay hỏi tôi, “Người ta yêu mẹ ra làm sao?”…Thí dụ như đêm nay, cái gì khiến tim ta đau nhói, cái gì làm cho ta cảm thấy giận dữ, nặng nề?
Khi tôi thức dậy, Điền đã mệt mỏi thiếp đi, nó nằm co quắp, hai tay kẹp giữa đùi, mặt buồn như phủ một lớp sương giá”.
Và ở cái tuổi mới lớn còn nhiều thắc mắc về giới tính ấy Điền đã tự vượt qua như trong buổi câu cá cùng người đán bà điếm: “Trưa ấy chúng tôi trầm nghịch dưới nước rất lâu. Chị cười nôn khi thấy bùn bám dưới mũi tôi xám xanh như bộ râu củ ấu. Tự dưng nét mặt chị bỗng âu yếm lạ, như đang nựng nịu một đứa bé con, và thằng em trai mười bảy tuổi của tôi đứng đực ra, chết lặng trong nỗi ngượng ngùng. Nước cồn cào chỗ bụng nó, tôi biết chị đang táo tợn làm gì đó phía dưới. Rồi phát hiện ra một mất mát lớn lao, chị thảng thốt kêu lên: “Trời đất ơi, sao vậy nè, cưng?”.
Nương là người chị đóng vai trò ‘mẹ trẻ’ để vỗ về em trai và cũng chính là vỗ về, an ủi mình. Nương thấy được sự thay đổi lớn trong em trai: “Dấu hiệu bắt đầu từ một bữa trong xóm đê, tình cờ ngó đôi chó nhảy nhau, thấy các chị đang phơi lúa kêu ó ré lên, tôi rủ Điền giả đò nhắm mắt (trò nầy cực kỳ trẻ con, vì ai cũng mường tượng mồn một tư thế động tình của hai con chó). Thằng Điền phì cười, nó kêu lớn, “Hai, coi nè…” rồi cầm đoạn cây xông đến quất đôi chó tới tấp… Thằng Điền biết là tôi tôi đã nhìn – thấy – cái – gì – đó, nó chua chát cúi đầu. Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một gnười đàn ông thực thụ. Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng sự tất cả sự miệt thị, giận dữ, cămn thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm. Giãy giụa đến rã rời, nhiều bữa, nó dầm mình dưới ao đến khi người tái nhợt…”.
Để khám phá dục tính nên ‘Điền yêu chị (người đàn bà được ba cha con cứu sống-NT) và Điền từ giã cuộc sống bó buộc trái tim người trai trẻ, Điền chạy theo chị và cũng để giải thoát chính mình.
Về người chị tên Nương
Nương sống trong hoàn cảnh với cha và em, sống trong nỗi lo sợ đến quen cả tuổi thơ mà lẽ ra Nương và Điền phải được thừa hưởng. Nương thương cha, tuy những lúc nhớ mẹ, chị đã phải cố ‘quên’: “Những thói quen, những cái gì liên quan đến má tôi phủi gần sạch rồi, nhưng tôi làm sao có thể từ bỏ hình hài nầy”. Chị mơ ước bình dị đơn giản nhưng lại quá cao xa tấm tay của chị: “Tôi ôm quắp thằng Điền nghe những con sóng nhỏ lách tách vỗ vào mũi ghe, nói, Hai nhớ trường học quá à, cưng (Ôi cái trường xiêu dựng trên khu vườn chùa đầy cây thuốc, có ông thầy trẻ tuổi hay vò đầu tôi gvà xao xuyến hỏi, má khỏe hôn con?). Thằng Điền hỏi lại, “Mắc gì mà nhớ? Lãng òm…”. Tôi không biết, tôi đã ngưng nhớ nó từ khi sống cuộc sống trên đồng, nhưng đêm nay, sao tôi lại nghĩ tới, cả chuyện kiếm tiền để chữa mắt cho Điền (tôi vẫn nghĩ, sự xuất hgiện của nước mắt chỉ có ý nghĩa khi người ta khóc). Đêm nay, tôi sao thế nầy? Vì nhìn thấy niềm hy vọng ư? Và tôi ngủ trong nỗi xốn xang”.
Đến khi Điền chạy theo người đàn bà mà trót xem việc “Chị…làm đĩ quen rồi, mấy chuyện nầy nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?”, Nương chỉ thầm mong cho em mình “Không biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vạ vật ở đâu đó, bên vách buồng (hay một ghi-đô bằng vải), đau vật đau vã nghe hoan lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét. Không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi”.
Người đời thường nói: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, quả đúng vậy, người cha của Nương sau khi bị vợ rũ bỏ đã trở nên khô cứng tình cảm chỉ biết thỏa mãn xong xuôi ‘quất ngựa truy phong’. Do vậy cái linh cảm của Nương dành cho số phận của mình như niềm dự cảm trước. chính lúc người con trai bỏ đi, ông quan tâm đến đứa con gái tội nghiệp đã từng bị ông dày vò bởi tội giống mẹ, chính lúc này Nương đã ‘trả’ giúp cho cha, đó là Nương đã bị đám thanh niên cưỡng bức ‘Ba người họ ập tới tới phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa… Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không vói được ánh sáng đến nơi nầy? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã ch khuất nó?” ngay trước mắt ông ‘quả báo nhãn tiền’ là vậy. Trong cơn đau vật vã thể xác, Nương vẫn chưbng1 tỏ bản lĩnh không cam chịu ‘không để cảm giác đau tiếc làm mình lịm vào chết’. Nương kịp kêu lên tên em trai yêu quý nhưng “Thằng Điền thì ở xa,. Cánh đồng vắng ngắt, chấp chới vài cánh cò”. Thương cho phận gái như Nương trong hoàn cảnh quá sức thương tâm: “Ước gì cha tôi hiểu, để mà thanh thản, xưa rày, cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, đó là một cách tự học để sống. Chỉ có sự giao tiếp giữa thân xác là tôi chưa từng trải qua”.
Những khung trời mới
Mở đầu thiên truyện Tư miêu tả cánh đồng nơi đã từng gọi trong gia đình bé nhỏ ấy nhiều buồn đau hơn hạnh phúc, để kết truyện, chị mở ra một vùng trời tương lai với “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi".
Truyện Chí Phèo Nam Cao cho một cái kết để mở ra nhiều cái bắt đầu như “Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng” nghĩa là còn có những Chí Phèo con ra đời, còn những định kiến xã hội đưa đẩy con người với ‘Nhân chi sơ tính bổn thiện’ để sông 1ác để tha hóa nhân cách, đánh mất minh. Nhưng bầu thai của Thị Nở có tác giả là Chí Phèo còn Nương chỉ biết mơ ước cho riêng mình, nói dại “Không biết con có bị có con không, hả cha?” và "Nó hơi sợ hãi. Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăn quăn đang ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen). Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”.
“Hai đứa trẻ” trong truyện ngắn của Thạch Lam thức đợi chuyến tàu đêm với ánh sáng nhưng là chuyến tàu của tương lai đổi mới của niềm tin và hy vọng, còn hai chị em của Nguyễn Ngọc Tư lại có những va vấp truy đuổi đến cái cùng cực, ray rứt và cái để đọng lại trong người đọc đó là thông điệp Tư gởi đến trong truyện vừa Cánh đồng bất tận, chỉ riêng tiêu đề đã toíat lên ý nghĩa của sự ‘bất tận’. Không có quý hơn tình cảm mái ấm gia đính, ở đó dẫu nghèo khó nhưng cha mẹ hạnh phúc, con cái hiền ngoan. Sự đỗ vỡ gia đình kéo theo bao hệ lụy cho con cái, sự giáo dục thương yêu sẽ làm con cái trưởng thành cả về thể lực và trí tuệ...
Cao quý hơn Tư đã định hướng cho người đọc nhất là những bậc cha mẹ cách giáo dục con cái ở tuổi mới lớn – đó là giáo dục giới tính. Câu kết truyện “là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn” quả là một sự nhân văn hóa và tôi nghĩ sở dĩ ‘Cánh đồng bất tận’ có sức hút kỳ lạ vì tính nhân văn ở chỗ đó. Được biết, Cánh đồng bất tận (NXB Trẻ, 11-2005, dày 215 trang, giá 27.000 đồng) sẽ tiếp tục ‘bất tận’ vì nay mai sẽ dựng thành phim nhưng trước hết rất cần có trong mỗi gia đình cuốn truyện này.
NGUYỄN TÝ
Vẽ cây, vẽ chim
Cao Huy Thuần

Tôi nghe tin nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị kiểm điểm cứ tưởng như chuyện đùa. Nhà văn này, và tác phẩm của cô, đôn hậu, trong sáng như một khung trời xanh. Ai tưởng tượng được sấm sét có thể nổ trên bầu trời thanh bình đó? Cô bị đánh mà ai cũng thấy đau. Cây viết trên bàn như cũng rùng mình. Kim đồng hồ quặn một phút mặc niệm. Cho văn chương.
Từ khi đọc "Cánh đồng bất tận" tôi đã muốn viết một thư cho tác giả mà chưa có dịp. Bỗng nhiên đây là dịp tốt. Không phải tôi định viết về cả tác phẩm: chỉ về một trang trong đó thôi. Không ngờ trang đó bây giờ ăn khớp với thời sự văn chương, cho phép tôi vừa gởi lòng đến tác giả, vừa mặc niệm với kim đồng hồ. Đó là mấy câu mở đầu cho truyện "Cánh đồng bất tận":
"Tôi hiểu biết về Phật giáo không nhiều, vớ được quyển sách nào thì đọc cái ấy. Cũng có điều hiểu được, học được, làm được, nhưng nhiều điều buộc phải "bó tay". Ví dụ như mấy lời này: "Khi nào bạn bực tức, giận dữ, hãy bất động! Ngay tại đó! Đừng cử động! Đừng làm gì cả! Đừng nói gì – dù chỉ một lời. Hãy yên lặng và bất động hoàn toàn. Tuyệt đối không biết gì đến kẻ hoặc sự việc làm cho mình giận dữ (Hạn chế sân hận, trải rộng tình thương - Tỳ kheo Visuddacaraz). Trời ơi, mình giận muốn chết, muốn gào thét, muốn cào cấu, muốn đập phá mà không cho mình nhúc nhích, sao có thể hả hê? Đạt được đạo mới khó làm sao ..."
Đọc lại những hàng trên trong hoàn cảnh mới, tôi có cảm tưởng bây giờ tác giả đã ... đạt đạo. Chắc chắn cô đã không đập phá, cào cấu. Chắc chắn cô đã cần một sự yên lặng "tuyệt đối" để suy nghĩ, để hành động sao cho đúng. Nhà sư kia cũng chỉ nói bấy nhiêu thôi, nhưng lời nói hùng hồn quá và đã đến không đúng lúc. Giận là chuyện thường ngày. Nhiều khi là cần thiết, là hay, nếu đó là giận bất công, giận áp bức, giận cái xấu. Vấn đề là mình phản ứng thế nào, có muốn làm Trương Phi hay không, có muốn đốt nhà hay không khi giận con chuột. Cô Tư đã đem chuyện giận ra để mở đầu, tôi cũng bắt chước cô đi vào chuyện giận trước. Không chừng giữa cái giận và cái hứng sáng tạo của nhà văn có một khoảng trống yên lặng nào đó giống nhau chăng.
Kinh nghiệm của tôi về cái giận là tôi rất khổ mỗi khi giận. Tôi rất khổ và khổ rất lâu mỗi khi cãi cọ với ai. Biết như thế nhưng vẫn giận, vẫn cãi. Vậy thì làm sao vẫn cãi, vẫn giận, mà đừng khổ? Chiến lược thì rất rõ: đừng để cái giận nó kéo mình đi. Nhưng chiến thuật là thế nào? Kinh nghiệm riêng của tôi là thế này: làm bất cứ một hành động gì, cử chỉ gì, ý nghĩ gì không có chút liên quan nào với cơn giận đang bốc. Rót một ly nước. Uống một ngụm. Nhìn chậu hoa đang héo và nghĩ: hôm qua quên tưới nước cho nó. Sắp lại một quyển sách vào kệ. Nhìn hai con ngựa đang đùa với nhau trong bức tranh trên tường. Nghe theo tiếng xe đang chạy ngoài đường. Tiếng nói chuyện của trẻ con đi học về. Trong khi cơn giận đang kéo mình đi, nghĩ đến bất cứ một cái gì khác là để cắt đứt nó. Một hình ảnh đẹp. Một người thân. Một câu thơ. Một câu kinh. Nghĩ đến thôi, không cần đọc, nghĩ chớp một cái, rồi nếu bám theo được một chữ thì cố bám. Câu kinh nằm lòng của tôi là:

Chận được cơn giận
Khi đang bùng lên
Như thể hãm được
Xe chạy có đà
Thì người như vậy
Như Lai gọi là
Người lái xe giỏi
Còn những người khác
Chỉ cầm cương hờ.

Nghĩ như vậy để làm gì? Để tạo khoảng trống giữa cơn giận và thân miệng. Để tay chân đừng làm bậy, miệng đừng nói bậy. Làm một cái gì, nói một câu gì trong khi giận là thêm cũi cho lửa. Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng thành công; nhưng càng ngày tôi càng bớt thất bại.
Nếu tôi giận quá, không nghĩ gì khác được, thì chiến thuật thứ hai được đem ra: nhìn cơn giận. Nhìn nó đến, nhìn nó đang hành hạ mình, nhìn nó bốc lửa, nhìn nó thiêu đốt, cứ để nó thiêu đốt, nhìn nó hạ lửa, nhìn than hồng ... Cơn giận đang muốn cuốn tôi theo nó; tôi hãm nó lại không được thì tôi nhìn nó đi. Vấn đề không phải là cố làm mất nó: sức mấy mà nó mất. Vấn đề là phải ý thức về nó, đừng để mất ý thức. Cơn giận không muốn gì hơn là mình đổ nó lên đầu người khác. Mình nhìn theo nó thì mình tránh được chuyện đó, tránh làm nô lệ. Nhìn theo nó cũng là để tạo khoảng trống trước bước chân nó đi.
Hai chiến thuật đó được hỗ trợ thêm bằng một suy nghĩ căn bản: phải biết phân biệt con người và hành động, có hành động ác nhưng không có con người ác. Nếu giận, hãy giận cái hành động, đừng giận con người. Người gây cái ác cũng chỉ là nạn nhân của hàng trăm yếu tố bên ngoài; họ đáng thương hơn là đáng giận và nên thương họ. Hơn ai hết, chắc bây giờ cô Tư đang thấm điều này. Chung quanh tôi ở đây, chung quanh cô Tư ở bên nhà, dường như ai cũng biết gởi cái giận của mình vào đâu cho đúng chỗ. Dường như ai cũng biết giận và biết thương, biết giận cái gì, biết thương ai. Giận cái hành động chứ không giận người thì không đổ giận lên đầu người khác bằng thân, bằng miệng. Tức là tạo khoảng trống đó thôi !
Tôi học được câu chuyện này trong sách. Hãy tưởng tượng ta đang chèo thuyền dạo chơi êm ả trên sông một buổi chiều sương mù. Thuyền đang nhẹ trôi như vậy thì, ô hay, bỗng hiện ra từ trong mù sương một chiếc thuyền của ai cứ nhắm thẳng vào thuyền ta mà xông tới. Choảng! Nó đâm vào ta rồi. Giận quá, ta muốn la lối, chửi mắng một trận nên thân, nhưng nhìn lại thì thuyền kia trống trơn, chẳng có ai trong đó. Làm gì bây giờ? Chửi đổng trời đất một tiếng rồi cũng im thôi. Nhưng ví thử bây giờ thuyền kia không trống mà có người chèo, chuyện gì sẽ xảy ra? Trời đất sụp đổ, xô xát, không chừng đổ máu. Cái gì làm hai tình trạng khác nhau? Chỉ thế thôi: một bên có người khác để ta trút cơn giận, một bên chẳng có ai nên cơn giận tự tiêu. Vậy thì phải chăng hãy suy nghĩ về cái trống thì mình làm chủ được cơn giận?
Cho nên các người học thiền phải học ngồi. Học thở. Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở như vậy để làm gì? Để chú tâm? Không hẳn. Để rốt cuộc chỉ còn hơi thở mà không còn người thở. Chỉ còn thở vào, chỉ còn thở ra, như gió thổi qua cửa trống. Cái gì bên ngoài cũng vào ra như vậy. Con chim hót trên mái nhà? Thì tiếng chim đi vào, tiếng chim đi ra. Không có người để thích thú: chà, con chim mùa xuân đã về. Cũng không có người để bực dọc: chà, con chim làm ồn quá không để cho người ta thở. Cái gì trống thì không vướng mắc. Cơn giận cũng thế. Cơn giận đi vào, cơn giận đi ra, như tiếng chim. Học thiền là học mở cửa. Mở cửa cho tất cả đi vào, kể cả cơn giận. Mở cửa cho tất cả đi ra, kể cả chính mình. Quên mình đi là cứu cánh của học thiền. Bởi vì quên mình thì mới có tất cả. Cái vỏ lúa không quên mình, không làm trống mình đi, thì cây lúa không mọc được. Khúc củi không quên mình đi thì lửa không rực bốc. Có nhiều khi khúc củi không chịu quên mình: khi đó thì không có lửa, chỉ khói cay mắt. Lửa bốc lên không phải từ gỗ, mà từ cái trống của gỗ. Cô Tư đâu có cần theo đạo Phật, nhưng cô Tư biết trống hơn bao nhiêu người học thiền. Có người phỏng vấn cô về chuyện nhà văn thế này thế kia, cô trả lời: "tôi vẫn không nghĩ mình là nhà này nhà nọ". Cô trống như vậy thì khó đánh cô lắm. Đánh vào khoảng trống thì tự mình mất đà, đã không trúng ai mà còn ngã chúi. Hơn thế nữa, cô biết cô trống thì cô nhìn ai mà chẳng thấy người đó cũng trống? Cô sẽ nghĩ: đâu có ai đánh mình! Ấy là một mớ thành kiến, một mớ mê muội đang biểu diễn mấy đường quyền đó thôi, có con cá nào đâu mà chém cái thớt!
Thế là từ chuyện giận của cô Tư tôi đã đi qua chuyện trống của thiền mất rồi. Nhưng thiền và sáng tạo nghệ thuật thì có gì khác nhau đâu! Cả hai bên đều nhắm vào cái chỗ trống ấy! Đây, tôi kể chuyện nghệ thuật. Đời xưa, có người thợ mộc vâng lệnh vua đẽo một cái giá chuông. Ông đẽo tài tình thế nào mà khi chuông đánh lên, tiếng ngân nga như đi vào tận tâm can của cả thiên hạ. Hỏi ông bí quyết, ông bảo: có gì đâu, tôi ăn chay nằm đất cho lòng thanh tịnh, rồi tôi quên mất lợi lộc vua ban, quên mất thưởng phạt, quên cả triều đình chức tước, quên luôn thân thể tứ chi của tôi, cứ thế tôi đi vào rừng, tôi ngắm thân cây, ngắm thiên nhiên hiển lộ trong thân cây, lựa cây nào tràn đầy thiên nhiên nhất, rồi sau đó, sau đó, chỉ sau đó thôi, tôi mới mường tượng ra cái giá chuông sẽ đẽo. Ông thợ mộc vứt hết; ông vứt hết thì ông mới có tất cả, có tất cả thiên nhiên trong ông. Thiên nhiên đó bắt gặp thiên nhiên cuồn cuộn trong thân cây, làm sao chuông không ngân nga tiếng thần? Ông vứt hết, vứt luôn ra khỏi đầu cái định kiến, cái chấp trước về giá chuông; với cái đầu trống trơn như vậy, giá chuông ông đẽo làm sao không khác giá chuông của cả thiên hạ từ xưa đến nay? Chuyện ấy, tôi kể lại từ ông Trang Tử.
Cùng nói chuyện nghệ thuật cả thì đời nay cũng vậy, bên Tây cũng vậy thôi. Ai cũng biết những tranh vẽ cây nổi tiếng của Matisse. Nhà danh họa ấy đã vẽ cây như thế nào? Ông thú thực: bao nhiêu lần ông đã vẽ cây nhưng chẳng lần nào thành công. Lúc đầu, ông bê cả cái cây vào tranh, nghĩa là cái cây thế nào thì ông vẽ thế ấy. Kết quả làm ông nản, vì ông thấy tranh không có hồn, chẳng nói được gì về mối cảm xúc của ông về cây. Tiếp theo, ông cố đưa vào tranh chỉ tình cảm, xúc động của ông mà thôi, nhưng ông lại bị choáng ngợp trước vẽ đẹp của thân cây, trước sức vóc lực lưỡng của thân ấy và bí ẩn chứa đựng trong đó, đến nỗi ông chỉ vẽ thêm được một hai cành thôi rồi ngưng nửa chừng. Vậy mà, lạ thật, khi ông nhìn cây trong lúc không có ý định vẽ thì lại thấy toàn thể cây từ thấp lên cao. Cứ thế, dù cảm nhận được cây từ gốc đến ngọn, hễ cầm cọ vẽ là ông bị thân cây chiếm trọn đầu óc. Vẽ thân cây xong, đến khi thêm cành lá, lá cành tuồng như chỉ để cắt nghĩa đây là cái cây, chẳng đem lại chút rung động nào. Mãi hoài như vậy, rất lâu, hễ động đến cành lá là y như ông bị dội lui, rất khổ sở. Cho đến một hôm, không có ý định gì trước, ông vớ tập giấy viết thư và thử vẽ cành lá bằng cách đơn giản nhất: mỗi lúc cây từ từ hiện ra dưới ngòi bút, ông lại thấy lá cành mọc ra.
Đó là đoạn thư ông viết cho người bạn tâm giao. Ông vẽ cảnh không được vì vướng tình, tình quá đầy. Ông vẽ tình cũng không được vì vướng cảnh, cảnh rào rạc thần hồn. Đầy ắp tình, đầy ắp cảnh, đầu ông lại còn đầy ắp cái ý định vẽ. Chưa vẽ mà đầu đã bị đóng khung trong ý định, làm sao bức tranh vọt ra? Phải mở cửa cho nó! Phải làm trống cái đầu! Cho nên Matisse chỉ vẽ được cây khi không có ý định gì trước.
Ông viết rõ trong bức thư: "Tôi nghe nói các ông thầy dạy vẽ bên Tàu dặn học trò: vẽ cây, hãy có cái cảm giác trèo lên với nó khi bắt đầu vẽ từ gốc". Làm sao trèo lên dần dần với cây trong tranh nếu không sống trọn vẹn với nó và chỉ với nó mà thôi? Làm sao sống trọn vẹn với chỉ một mình nó nếu không vứt bỏ hết tất cả ra khỏi đầu, nếu không làm trống cái đầu?
Matisse viết thêm trong một thư khác: để vẽ cây thực sự, đừng bao giờ có "một hình ảnh đã tạo ra trước". Ông giải thích: "Tôi không lý luận khi tôi vẽ: các họa sư Trung Quôc bảo rằng khi vẽ cây phải trèo lên với nó. Tôi cũng làm như vậy. Nhưng đừng nói trong khi vẽ: tôi đang trèo lên với nó đây và lý luận trên đó. Khi tôi làm một việc gì, tôi không tìm kiếm, tôi chỉ cho". Matisse nói: chỉ cho. Có khác gì các ông thiền sư đâu: chỉ làm, chỉ ngồi, chỉ thở. Cho, làm, ngồi, thở là có. Còn tất cả là không. Từ đâu thổi tới phơi phới ngọn gió trong tranh Matisse? Từ cái trống đó. Ông thổ lộ:"Hình như nỗi vui toát ra trong tranh của tôi bây giờ nhiều hơn trước; đó thực là điều mà tôi đã thử làm cách đây năm mươi năm. Phải trải qua bấy nhiêu năm tôi mới đạt được trình độ cho phép tôi nói được điều tôi muốn nói".
Diễn tả một cách khác, cụ thể hơn, nhưng cùng trên một ý phải biết vứt bỏ trong khi sáng tạo nghệ thuật, Picasso viết:"Ai cũng có một dự trữ như nhau về năng lượng. Người trung bình phung phí năng lượng của họ bằng trăm nghìn cách. Tôi, tôi dồn tất cả sức lực của tôi vào một hướng mà thôi: vẽ. Và tôi hy sinh tất cả mọi chuyện khác vì nó: hy sinh anh, hy sinh tất cả mọi người, kể cả tôi". Kể cả tôi! Chỉ còn vẽ thôi. Người vẽ cũng không còn. Cũng trống trơn. Vì không còn người đứng vẽ nữa cho nên Picasso có thể vẽ ba bốn giờ liên tục, không làm một cử chỉ nào thừa. Có người hỏi ông đứng lâu như thế có mệt không, ông lắc đầu: "Không. Khi tôi làm việc, tôi để cái thân của tôi ngoài cửa, như các người hồi giáo cất bỏ giày dép trước khi vào giáo đường. Trong tình trạng đó, cái thân chỉ nguyên vẹn hiện hữu dưới dạng cây cỏ, và chính vì vậy mà giới họa sĩ chúng tôi thường sống rất lâu".
Giống hệt như thiền, bí quyết của sáng tạo nghệ thuật là trở về lại với cái đầu trống trơn, cái đầu của đứa bé, cái sơ tâm, cái đầu chưa hề bị ảnh hưởng về bất cứ cái gì khác. Viết một câu văn cũng vậy, một câu thôi, không người cầm bút nào nảy ra được một ý hay, một tứ mới, nếu không vứt bỏ đi hết những gì đã học, đã đọc. Vậy thì cô Tư giận gì, giận ai, nếu người nào đó đổ tràn vào đầu cô một trăm cái chữ "phải": phải thế này, phải thế nọ? Người đó nói cái chuyện gì đâu đâu, nào có liên quan gì đến chuyện viết văn?
Trên kia, tôi nói: khi cơn giận nổi lên, tôi cố cắt đứt nó bằng một cử chỉ, một hình ảnh, một ý nghĩ, một câu thơ, một câu kinh ... Bây giờ, giận chuyện cô Tư, tôi cũng cắt đứt bằng một bài thơ, bài thơ mà tôi vốn thích từ ngày còn đi học, của Jacques Prévert, "Để vẽ chân dung một con chim":
Trước hết vẽ một cái lồng
với cánh cửa mở
sau đó vẽ
một cái gì xinh
một cái gì đơn sơ
một cái gì đẹp
một cái gì ích lợi
cho con chim.
Rồi đặt khung vải cạnh thân cây
trong vườn
trong rừng non
trong rừng già.
Nấp sau cây
không nói
không cử động ...
Đôi khi chim đến nhanh
nhưng cũng có khi hàng năm đằng đẵng
mới quyết định đến.
Đừng nản.
Chờ.
Chờ hàng năm cũng chẳng sao.
Chim đến nhanh hay chậm
chẳng liên hệ gì
với thành công của tác phẩm.
Khi chim đến
nếu nó đến
hãy im lặng thật sâu
chờ chim vào lồng
và khi chim vào rồi
nhè nhẹ đóng cửa lồng bằng bút vẽ.
Rồi
xóa hết nan lồng từng cái một
mà cố tránh đừng động đến lông chim.
Sau đó vẽ cây
chọn cành nào đẹp nhất để vẽ
cho chim.
Cũng vẽ lá cây xanh và hơi mát của gió
bụi mặt trời
tiếng côn trùng tỉ tê trong cỏ nóng bỏng mùa hạ.
Rồi chờ chim quyết định hót.
Nếu chim không hót
thế là điềm chẳng lành
dấu hiệu bức tranh vẽ xấu.
Nhưng nếu chim hót thì đó là điềm tốt
dấu hiệu bạn có thể ký tên.
Khi đó bạn nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng
nhổ một lông chim
và viết tên bạn trên tranh nơi góc.

Tôi cam đoan với cô Tư, khi nào cô Tư "giận muốn chết", cô Tư hãy nghĩ đến con chim trong bài thơ, cơn giận sẽ đi qua. Cô Tư nhớ nghen: vẽ một cái lồng chim với cánh cửa mở; đặt cái lồng giữa thiên nhiên; con chim là thiên nhiên thì mình cũng phải thiên nhiên như nó; như vậy thì nó đang là mình và mình đang là nó, cả hai là một; chỉ lúc đó và chỉ lúc đó mới vẽ; và vẽ là mở cửa lồng ra, làm biến nó mất, như chính mình cũng mất; giữa thiên nhiên chỉ còn lồng lộng con chim, không biết chim trong tranh hay chim ngoài trời, tranh vẽ hay chính thiên nhiên tràn trề sức sống đang hót với chim, nồng với nắng hạ, xanh với lá non, tỉ tê với cỏ ... Mình nói chuyện sống trong sáng tạo nghệ thuật. Người kia nói chuyện chết. Hai chuyện có ăn nhậu gì với nhau đâu mà giận?
Bản gốc của tác giả
(Bài đăng trên talawas)

No comments:

Post a Comment