Wednesday, March 2, 2011

2 Bài Viết của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn

2 Bài Viết của Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn

Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn vừa đột ngột từ trần vào ngày Thứ Tư 20-5-2009 nhằm ngày 26 tháng 4 năm Kỷ Sửu.

Toàn thể bộ biên tập Take2Tango xin thành kính phân ưu cùng cựu Thủ Tướng Phu Nhân và Tang Quyến. Cựu Thủ Tướng VNCH Nguyễn Bá Cẩn, đã lìa bỏ cỏi trần sau khi hoàn thành thủ tục đệ nạp hồ sơ về Thềm Lục Địa Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc hôm 11-5-2009, và phê bình hồ sơ của CSVN là bỏ ngõ hải phận có thể giúp cho Trung Cộng thôn tính thêm lãnh hải và các quần đảo Việt Nam.

Chúng tôi mạn phép xin đăng bài tùy bút "Cần Thơ, quê hương tôi", cũng như bài viết cuối cùng, mang tên "Kỷ niệm học trò" của vị Thủ Tướng cuối cùng của VNCH, một nhà ái quốc đáng kính.

KỶ NIỆM HỌC TRÒ

Tôi may mắn trúng tuyển vào trường trung học Phan Thanh Giản năm 1942, giữa lúc thế chiến 2 lan rộng ở Âu Châu, Á Châu và ầm ĩ khắp Thái Bình Dương. Thật là một niềm vui vô hạn cho gia đình tôi vì trường Phan Thanh Giản là trường trung học công lập duy nhất ở miền Tây Nam Việt. Mỗi năm, trường tổ chức thi tuyển cho hàng ngàn thí sinh không những cho các tỉnh Hậu Giang mà luôn cả hai tỉnh Vỉnh Long và Sa Đéc thuộc Tiền Giang cũng đến Cần Thơ để tranh giành độ 100 chổ vào năm thứ nhất (vừa đủ cho 2 lớp học A và B), tương đương với đệ thất của chương trình trung học ngày nay. Riêng đối với tôi còn là một danh dự và hảnh diện được vào học trong khu trường qui mô đồ sộ, có hàng chục lớp học, hàng dãy lầu đầy đủ phòng việc cho Văn Phòng, các phòng thí nghiệm, phòng đọc sách, cùng các cơ sở đặc biệt như phòng ăn, phòng ngủ, bếp núc, bệnh xá, v.v.. cho học sinh nội trú.

Trong thời điểm này, tại Đông Dương, quân đội Nhật Bổn tràn ngập từ Trung Hoa xuống tận Tân Gia Ba nên Chính quyền Bảo hộ của Pháp ở Đông Dương hợp tác với Nhật Bổn theo đường lối của Chính Phủ Vichy của Pháp chù trương hợp tác với phe Trục (Đức, Ý và Nhật) trong lúc Chính Phủ Pháp Tự Do thành lập tại Luân Đôn quyết tâm xếp hàng với Thế giới Tự Do để đánh bại phe Trục. Do đó từ Bắc vào Nam, quân đội Pháp phải tái phối trí để đề phòng bị quân đội Nhật đánh úp một ngày nào đó.

Tôi vừa học xong năm thứ nhất thì trường sở bị trưng dụng cho Trung đoàn 43 Bộ binh Thuộc địa (43ème RIC) sử dụng. Vì vậy bắt đầu năm thứ hai, trường trung học dời qua trường tiểu học. Cho tới khi tôi học xong chương trình trung học, trường vẫn chưa được dời về vị trí củ. Nhờ sự hợp tác với Pháp nên quân đội Nhật ngang nhiên đổ bộ vào Đông Dương và có mặt từ Bắc chí Nam của đất nước Việt Nam. Dưới thời Pháp thuộc, tại Nam Kỳ, chương trình giáo khoa của trung và tiểu học dạy toàn bằng Pháp văn. Mỗi tuần, chỉ có một giờ dành cho Việt văn, lúc bấy giờ gọi là “annamite”.

Sáu mươi sáu năm đã trôi qua với bao nhiêu biến cố thay đổi, từ chiến tranh sang hòa bình, từ chính trị lệ thuộc Pháp đến độc lập, từ cộng sản ở miền Bắc đến tự do dân chủ của 2 nền cộng hòa ở miền Nam, rồi từ hòa bình trở lại chiến tranh một lần nữa do cộng sản miền Bắc xâm lăng, trả thù đày đọa miền Nam và áp đặt nền “Bắc thuộc” độc tài toàn trị của cộng sản cho đến tận ngày nay. Viết lại chuyện cũ của tuổi học trò cách đây hơn nửa thế kỷ không thể tránh khỏi một vài lầm lổi thiếu sót.

Kỷ niệm đầu tiên là sân trường bổng nhiên được đào nhiều hầm trú ẩn hàng ngang dãy dọc để mỗi khi có còi hụ báo động máy bay Mỹ bay đến giội bom cơ sở quân sự Nhật Bổn thì toàn trường chạy nhanh xuống hầm để tránh bom. Thú thật tuổi học trò là tuổi biếng nhác và ham vui. Dân Cần Thơ chạy bom cả trăm lần nhưng chưa hề bị giội bom lần nào. Do đó khi đến trường học là mong có còi hụ, nhất là bữa nào mà đêm trước đó bị còi hụ, toàn tỉnh lỵ tắt hết đèn nên không ai thuộc bài học phải trả hôm sau. Ngoài ra, thời gian trú ẩn dưới hầm là thời gian vui nhộn nhất. Bao nhiêu câu chuyện vui buồn, “chọc huê”, tiếu lâm đều được mang ra tường thuât chọc cười ồn ào như nhóm chợ.

Cũng cần nhắc lại trong 2 năm 1944 và 1945, vì Sài Gòn bị giội bom quá nặng nên các trường học tại Sài Gòn đều bị đóng cửa. Các chị Gia Long nguyên quán Cần Thơ tản cư về tỉnh nhà xin vào học lớp tương đương của trung học Phan Thanh Giản. Mỗi lần có còi hụ là khổ sở cho các chị vì học sinh toàn trường đều mang guốc đi học nên khi bị thúc hối chạy nhanh xuống hầm, nam cũng như nữ đều bỏ rớt guốc lại sau lưng mình. Mỗi lần còi hụ chấm dứt là một màn tìm guốc và đổi guốc vô cùng nhôn nhịp sôi nổi, nhất là đổi guốc giữa nam và nữ học sinh. Chưa hết. Khi trở vào lớp học thì cả lớp cười rần lên vì trong lúc bỏ lớp chạy, thế mà có cậu nào trốn ở lại một phút để viết trên bản đen hàng chử to tướng “CÁ ĐỐI NẰM TRONG CỐI ĐÁ”. Đến khi thầy Đối giám thị nghe quá ồn ào, vào kiểm soát hỏi ai viết thì lặng im cả lớp. Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba …”.

Trong năm thứ nhất, GS Hựu dạy Pháp văn. Các giáo sư Trần dạy Lý Hóa, GS Tuyết dạy Vạn Vật, GS Tiến dạy Sử Địa, GS Can dạy Toán, GS Tứ dạy Việt Văn, GS Ty dạy hội họa, v.v… Riêng GS Hựu đã để lại trong trí tôi nhiều ấn tương sâu đậm khó quên. Ông rất hiền đức, đôn hậu, tận tụy, chăm sóc học sinh từng chi tiết. Mỗi lần dạy tới bài nào, ông cũng bỏ bục cao bước xuống sàn gạch vừa đọc bài, vừa làm bộ tịch y như đóng kịch, mô tả đúng từng câu, từng chử, làm cho học sinh không sao quên được. Tôi còn nhớ rõ khi dạy bài “Người tiều phu” (Le bucheron), ông vừa đọc câu đầu “Un pauvre bucheron, tout couvert de ramée”, vừa khom lưng xuống nửa người, hai tay đưa lên vai phải giống như đang kềm bó củi nặng trĩu trên vai, đi từng bước ngắn để diễn tả bó củi quá nặng, vừa lê bước chậm chạp vừa thở hổn hển. Ông vốn thấp người, khổ người hơi tròn mặc dù lúc bấy giờ giáo sư hảy còn trẻ, nhưng đóng đúng vai tiều phu trong truyện, một tiều phu phải lam lũ cực nhọc lắm mới kiếm được miếng ăn hàng ngày. Thật là sống động. Tôi vẫn còn nhớ hình dáng Thầy Hựu y như mới đâu đây mặc dù 66 năm đã trôi qua.

Sang năm thứ hai, giáo sư Pháp văn là Thầy Trương Vĩnh Khánh, cháu nội của nhà văn hào bác học Trương Vĩnh Ký. Giáo sư thuộc gia đình giàu có, quyền quý trong Nam, đậu bằng cử nhân văn chương bên Pháp. Khác với tất cả giáo sư dạy trường Phan Thanh Giản, GS Khánh to lớn, phương phi hơn mọi người. Thời buổi chiến tranh, gạo châu củi quế. Trong lúc các thầy mặt quần short và áo sơ-mi đến trường, GS Khánh lúc nào cũng mặt đồ lớn loại tuýt-so (tussor) đắt tiền. Nếu các thầy khác đi bộ hoặc đạp xe máy đến trường thì GS Khánh chểm chệ ngồi xe kéo, miệng ngậm điếu xi-gà trông oai phong lẩm liệt. Khi thầy giảng bài trong lớp, các học sinh đàn anh bỏ ghế ngồi dưới lớp lên giành ngồi ghế hàng đầu. Để bò lên phía sau bảng đen lượm điếu thuốc xi-gà tắt lửa bị thầy quăng vào góc tường sau tấm bảng. Có lần thầy bắt được một anh lượm thuốc, thầy ôn tồn bảo “Xi-gà khi tắt rồi thì khét lắm. Có đốt lại hút cũng không ngon”. Mặc cho thầy giải thích, nếu điếu thuốc bị liệng chưa hút được phân nửa thì các học sinh ghiền thuốc vẫn lượm như thường… Thầy dạy luôn môn Luân lý. Có lần dạy tới bài “Biết ơn cha mẹ”, thầy gọi một trò lên để hỏi “Tại sao trò phải biết ơn cha mẹ?”. Trò này trả lời “Vì cha mẹ sanh ra tôi”. Ông vặn hỏi “Trò đâu có xin ổng bả sanh ra trò đâu?”. Trò này cũng khá lanh trí nói thêm “Vì cha me có công nuôi dưỡng dạy dỗ tôi”. Ông vặn hỏi tiếp “Sanh ra mà không nuôi, rủi trò chết đói thì ổng bả ở tù sao?”. Đối đáp một lúc thì học trò đuối lý. Tôi miển trình bày GS Khánh giải thích lý do tại sao, vì sẽ làm mất nhiều thời giờ. Điều tôi muốn lưu ý là phương pháp giảng bài bằng cách đối đáp giúp cho học sinh dể nhớ và dể hiểu hơn là đơn phương đọc bài làm cho học sinh nhàm chán.

Cũng nên mở dấu ngoặc tại đây để nói thêm là sau khi thế chiến 2 chấm dứt, Pháp trở lại tái chiếm Nam Kỳ. Trong lúc chiến tranh giành độc lập bộc phát trên toàn quốc, Pháp vẫn cố gìn giử thuộc địa cũ là Nam Kỳ, nên mới thiết lập Chính Phủ Nam Kỳ tự trị. Khi bác sĩ Lê Văn Hoạch, người Cần Thơ được mời làm Thủ Tướng Nam Kỳ, GS Trương Vĩnh Khánh được tham gia nội các với chức vụ Tổng Trưởng Giáo Dục. Rủi thay, trong một chuyến kinh lý miền Tây, khi đoàn xe của ông đến Giồng Dứa thuộc xã Long Định, cách ngã ba Trung Lương độ 3 cây số thì bị Việt Minh phục kích, hạ sát ông tại đây.

Sang năm thứ ba (1944), GS dạy Pháp văn là Bà Le Guezenec, phu nhân của Trưởng Ty Bưu điện Cần Thơ. Từ năm thứ ba lên năm thứ tư, có thay đổi một số giáo sư như GS Trực dạy toán, GS Trọng dạy Vạn Vật, GS Giỏi dạy Việt Văn, v.v…. Riêng Bà Le Guézenec đã để một kỷ niệm khó quên cho lớp tôi trong giờ văn phạm Pháp văn, khi Bà dạy cách chia động từ có vần “OUDRE” sau cùng. Lý do là vì Bà gọi môt nam sinh chia động từ “remoudre” và một nữ sinh chia động từ “recoudre” làm cho cả lớp cười rộ lên cả mấy phút, không ngừng được, làm nghẻn lớp học, khiến bà nổi giận bỏ ra về. Học sinh lại càng mừng thêm, được dịp mạnh ai nấy to tiếng phát biều ầm lên. Đến lượt các chị phải bỏ lớp và sau cùng ra về luôn.

Sang năm thứ tư, thầy dạy Pháp văn là thầy Nguyễn Bá Cường. Thầy này cũng đỗ cử nhân Văn Chương bên Pháp. Thầy dạy rất hay, hấp dẫn, thao thao bất tuyệt. Ngặt một nổi, thầy nói tiếng Pháp còn nặng giọng Bắc nên mỗi vần “AIN” sau cùng của bất cứ chử nào cũng được thầy đọc rất mạnh thành “ANH” (đọc theo Bắc), khiến anh em chúng tôi làm một câu sau đây “DeMANH maTANH (Demain matin), un petit MaroCANH (Marocain), tout habillé de saTANH (satin), grimpe le Massif ArmoriCANH (Armoricain), en quête des raiZANH (raisins), v.v… Cứ độ còn 5 phút trước khi thầy đến lớp dạy, cả lớp đồng lượt đọc câu này, và nhấn thật mạnh vần “ANH”, rồi cùng cười rộn cả lớp. Tuổi trẻ thật hồn nhiên.

Ngoài việc học hành, tôi còn được chọn tham gia đội bóng tròn của trường, thường giao đấu với các hội bạn trong tỉnh. Rảnh rỗi hơn nữa thì đi bơi lội ở sông Cần Thơ hoặc sông Cáí Khế, hoặc tản bộ lên Bình Thũy hay vô Cái Răng. Ngoài ra, có môn chạy bộ là vui nhất. Tôi có chân trong toán chạy bộ của trường. Hàng ngày tập dượt chạy bộ từ đường Ngô Quyền xuống đến Hoà Bình (còn gọi là Hàng Xoài) thì quẹo mặt, đến đường Nguyễn An Ninh (còn gọi là Hàng Bả Đậu) thì quẹo trái, thẳng xuống tận đường mé sông thì quẹo trái, tới giáp Ngô Quyền thì chạy trở về trường. Có lẽ nhờ chơi nhiều môn thể thao lúc còn trẻ nên sau này khi được phục vụ tại các tỉnh, tôi có điều kiện thuận tiện chơi thêm hai môn khác nữa là tennis và trượt nước (ski nautique), giúp tôi gìn giử sức khỏe và trí tuệ đến ngày nay, còn đủ khả năng viết lách và tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh cho đất nước.

Đã nhắc đến các thầy cô khả kính mà không nói đến một vài đồng môn thân thiết là một thiếu sót. Trong suốt mấy năm học, mỗi lần lên lớp đều được chỉ định chổ ngồi theo thứ tự mẫu tự nên các bạn ngồi cùng bàn gặp nhau trở lại như những năm trước. Nào là Huỳnh Ngọc Anh, thuộc gia đình trung lưu, vừa ra trường thì được đi du học bên Pháp. Sau khi đổ tiến sĩ dược khoa, anh Anh về phục vụ đất nước, trước hết ở Bộ Y Tế, làm đến chức Tổng Giám Đốc. Kế tiếp là Đặng Tứ Bửu, con của một bác sĩ ở Cần Thơ, cũng sang Pháp du học về hàng hải, sau về nước phục vụ cho Hải Quân Công Xưởng. Tôi (Cẩn) ngồi giữa Bửu và Huỳnh Đăng Giai, bị một giáo sư gọi “bộ ba BCG” (tên tắt của một loại thuốc chích ngừa bệnh lao phổi). Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa rõ vì sao bị gán một biệt danh như vậy. Hồi xưa, học sinh rất sợ các thầy nên không dám hỏi lý do tại sao. Ra trường (năm 1947) được 6 năm thì tôi gặp trở lại anh Giai cùng trúng tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh với tôi. Nhiệm sở cuối cùng của Giai là Phó Tỉnh Trưởng Gia Định. Đến năm 1967, tôi được gặp trở lại anh Anh cùng đắc cử với tôi vào Hạ nghị viện đệ nhị cộng hòa. Một anh bạn khác là Cao Minh Thiện, học nhất lớp, vừa ra trường thì đi theo kháng chiến, hy sinh cho đất nước trong thời gian Khu 9 cách mạng ở miền Tây đánh Pháp “thất điên bát đảo”. Một anh bạn rất thân khác cùng lớp và ở trọ cạnh nhà tôi là anh Trần Văn Trọng viết nhạc từ lúc còn theo học Phan Thanh Giản Cần Thơ, về sau trở thành nhạc sĩ tài danh “Anh Việt” rất được đồng bào ngưỡng mộ. Năm 1951, tôi gặp lại anh Trọng trong bối cảnh bị động viên vào Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Đến ngày mất nước, anh Trọng là đại tá đảm nhận chức vụ Cục trưởng Quân cụ QLVNCH.

Mỗi năm đến ngày đọc diễn văn chúc Tết thầy cô, học sinh chúng tôi góp tiền để tặng hoa và mua sắm bánh trái cùng nước ngọt để khoản đãi thầy cô và liên hoan trọn lớp. Đây là một cơ hội để tôi hát giúp vui với nhạc đệm của Anh Việt. Khi mới vào trung học thì những bài tôi thường hát gồm có “Làng tôi”, “Chùa Hương”, “Thiên Thai” hoặc Bến Cũ” của Anh Việt. Nhưng hai năm chót, cùng với cao trào yêu nước bùng cháy trong lòng người dân khai mào cho “cách mạng mủa thu”, sinh hoạt trong lớp học cũng thay đổi theo. Đơn ca được thay thế bằng đồng ca của cả lớp với những bản nhạc hùng yêu nước Chí Lăng và Bạch Đằng Giang nổi tiếng.

Trong năm đồng môn vừa kể, bốn người đã quá vãng, chỉ trừ anh Giai là còn sống nhưng đang ở trong tình trạng tàn phế tại một “nursing home” của miền Đông Hoa Kỳ. Thời gian tàn phá vạn vật, kể cả con người, một cách khác nhau tùy theo định mệnh do Thượng Đế ban cho.

Riêng tôi rời Cần Thơ ở tuổi 20, lên Sài Gòn làm việc được vài tháng thì bị động viên vào Khóa 1 Thủ Đức. Sau khi giải ngũ vì lý do sức khỏe, tôi trúng tuyển vào Khóa 1 Học viện Quốc Gia Hành Chánh. Rồi thì một chuổi dài dấn thân trên đường phục vụ đất nước. Bước đi chập chững đầu tiên là cùng đồng bào quận Cái Bè (Định Tường) động viên nhân tài vật lực xã ấp đánh bại chiến tranh du kích của Cộng sản trong quận, tạo điều kiện để nhân dân địa phương vùng lên quản trị công việc điều hành quê hương của họ ở giai tầng xã ấp. Tôi lớn lên bên bờ Sông Hậu, phục vụ ở quận và tỉnh dọc theo Sông Tiền, Sông Vàm Cỏ và vàm sông Soái Rạp ở miền Nam. Tôi có cơ hội thăm viếng chiến sĩ và đồng bào từ Bến Hải đến Cà Mau cùng thu lượm kinh nghiệm để tìm phương thức đương đầu với thế chiến nhân dân do cộng sản Bắc Việt chủ trương để xích hóa miền Nam. Tôi được rèn luyện dưới thời đệ nhất và trưởng thành trong thời đệ nhị Cộng Hòa (1954-75), suốt 21 năm mà đồng bào miền Nam được hưởng đời sống tự do dân chủ nhất trong lịch sử nước nhà, tất nhiên hơn xa cả ngày nay dưới cái chế độ ngục tù được gọi là xã hội chủ nghĩa.

Một sự ngẫu nhiên trong đời phục vụ đất nước của tôi là dành chuyến kinh lý cuối cùng cho vùng Thủ Thừa Bến Lức, Long An, một tỉnh cũ tôi từng phục vụ, trước khi tôi từ chức chỉ huy hành chánh địa phương để ứng cử dân biểu Hạ nghị viện. Tháng 4 năm 1975. Cộng sản Bắc Việt vừa chiếm xong tuyến phòng thủ Phan Rang và đang chuyển quân áp lực Vùng 3 trong khi 2 sư đoàn chủ lực Bắc Việt đang tìm cách đánh bại Sư đoàn 18 bộ binh anh hùng của Quân Lực VNCH tại Long Khánh. Ngày 18 tháng 4, tôi đến thị sát mặt trận Thủ Thừa, nơi mà lực lượng địa phương quân của ta được tăng cường một trung đoàn của SĐ7BB chống trả mãnh liệt sức tấn công của 2 sư đoàn 5 và 8 của Việt Cộng với ý đồ cắt đứt quốc lộ 4 nối liền thủ đô với toàn thể các tỉnh miền Tây. Lúc bấy giờ, Sư đoàn 22 bộ binh từ miền Trung được tái phối trí về Bến Lức án ngữ cửa ngỏ miền Tây của đô thành. Cộng sản cũng vận dụng quân số cấp sư đoàn bao vây SĐ22BB để ngăn chận không cho tiếp cứu lực lượng ta tại Thủ Thừa.

Sau khi từ giã Thủ Thừa, trên đường bay lên Bến Lức viếng thăm SĐ22BB, tôi được thông báo Nam Vang đã rơi vào tay Khmer Đỏ và tin đau lòng là Hoàng thân Sirik Matak, Cố Vấn Chính Phủ và Tướng Long Boret, Thủ Tướng Kam Pu Chia đã bị lực lượng Pol Pot hạ sát. Số phận Kam Pu Chia và Việt Nam gắn liền nhau trong thế bất khả phân sau khi Hoa Kỳ đã bắt tay sống chung hòa bình với Trung Cộng và Nga Xô, và như vậy thì trong chính sách đối ngoại của cường quốc này không còn chổ đứng cho hai tiền đồn chống Cộng ở bán đảo Đông Dương nữa.

Thật bất hạnh cho dân tộc mình đã chọn lầm một đồng minh bất nghĩa.

Nguyễn Bá Cẩn


CẦN THƠ, QUÊ HƯƠNG TÔI

Nguyễn Bá Cẩn

Đoàn học sinh tuổi trung bình từ 12 đến 18 đang diễn hành đều bước trên Lộ Mới là một trong những con đường nhộn nhịp nhất chạy từ trung tâm thành phố Cần Thơ đến sông Cái Khế. Con đường này, nay được gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cách đây 60 năm, người Pháp cai trị Đông Dương nên đã có thời kỳ con Lộ Mới này được đổi tên là Capitaine d'Hers, sau nữa đổi thành Phan Thanh Giản cho đến năm 1975. Nó chạy xuyên ngang một khu đông đúc gồm có trại gia binh và trường trung học Phan Thanh Giản ở phía Nam và khu gia cư ở phía Bắc lên đến tận sông Cái Khế. Cứ mỗi buổi chiều, đến giờ thể dục thì học sinh trung học tập đi diễn hành ngoài đường và ca ngợi nước Pháp với hai câu hát được Chính Phủ Pháp tung ra, “Maréchal! Nous voilà! Devant toi le sauveur de la France” (Thưa Thống Chế, vị cứu tinh của nước Pháp! Chúng tôi đang trình diện trước mặt Ngài!), để vinh danh Thống Chế Pétain, vị anh hùng của trận Verdun hồi thế chiến thứ I.

Năm 1941, khi Phát Xít Đức xâm chiếm các nước Âu Châu, trong đó có Pháp, Chánh Phủ Cộng Hòa Pháp kể cả Quốc Hội tự động giải tán. Quốc gia Pháp được thành lập tại miền Nam nước Pháp dưới quyền lãnh đạo của Thống Chế Pétain, chủ trương hợp tác với Phát Xít Đức để cứu vãn nước Pháp, ít lắm là theo lời tuyên bố của ông ta, trong lúc đại đa số người dân Pháp hướng về Thiếu Tướng De Gaulle, đang kêu gọi toàn quốc kháng chiến, từ Luân Đôn (Anh Quốc) là nơi ông đã thành lập Chính Phủ Pháp Tự Do và lãnh đạo cuộc chiến đánh đuổi Đức Quốc Xã để giải phóng nước Pháp.

Tại buổi ra mắt sách của Văn Đàn Đồng Tâm.

Nhà tôi nghèo. Quê tôi là làng Phú Hữu, ở tận cực Nam của tỉnh Cần Thơ, cách tỉnh lỵ độ 18 cây số. Bên nội tôi sống bằng nghề nông. Trước năm 1945, xã Phú Hữu cũng như tất cả các xã khác, trừ xã tại quân lỵ, chỉ vỏn vẹn có một lớp Đồng Ấu để dạy trẻ con biết đọc và viết mà thôi. Với hoài bảo cho các con ăn học để tương lai được sáng sủa hơn là cứ miệt mài với ruộng vườn quanh năm suốt tháng mà không thoát cảnh nghèo nàn, ba mẹ tôi dời lên ở tỉnh lỵ Cần Thơ, cất nhà sát bên cạnh trường trung học Lộ Mới, tiện cho việc học hành của các con sau này.

Quê tôi nghèo. Bên nội tôi gồm khoảng 50 gia đình thuộc ba bốn thế hệ chia nhau chiếm trọn con Kinh Nhỏ là nơi phát nguồn của Rạch Mái Dầm giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng. Toàn dân trong xã làm ruộng, hết mùa lúa ở quê nhà thì rủ nhau bơi xuồng xuống Ba Xuyên gặt lúa để kiếm thêm chút đỉnh, hoặc bằng tiền hoặc bằng hiện vật là lúa để tăng cường lợi tức thấp kém của mình. Lúc bấy giờ trong nước chỉ làm ruộng một mùa. Người nào siêng năng cần cù thì trồng thêm vài luống khoai hoặc bắp, kiếm thêm thức ăn độn cho gia đình. Nông thôn ta lúc bất giờ chưa biết làm lúa hai mùa hoặc trồng rẫy qui mô để sinh lợi. Sau khi gặt hái, còn lại nửa năm không biết làm gì nên dân làng thường tổ chức cờ bạc và đá gà.

Đất nước tôi nghèo, nghèo lắm. Hơn 90 phần trăm nhân dân sống lam lũ ở nông thôn. Ngoại trừ một thiểu số làm công chức và nghề tiểu công nghệ hoặc tiểu thương, đa số quần chúng sống trong cảnh nghèo đói theo định nghĩa “nghèo đói” của Liên Hiệp Quốc ngày nay. Nước nghèo lại gặp cảnh thế chiến. Gạo thừa thải chút đỉnh nhưng xuất cảng không được. Ngoài ra, Pháp và Nhật tung đòn đánh phá nhau về kinh tế gây nạn đói ở Bắc Việt chết hàng triệu người. Có đủ gạo thì ăn cơm, thiếu gạo thì phải độn khoai cho đỡ đói, và đừng mong mua được đồ biến chế ngoại quốc vì các phe lâm chiến phong tỏa khắp các mặt biển và hải trình.

Trong trọn tỉnh lỵ Cần Thơ, tôi chỉ thấy một chiếc xe hơi của Chánh Tham Biện tức Tỉnh Trưởng người Pháp. Lúc bấy giờ, thế giới chưa có máy lạnh (air conditioner), và máy truyền hình. Tôi cũng chỉ thấy có một tủ lạnh (refrigerator) nơi tư thất của một trong 10 gia đình giàu nhất ở chợ Cần Thơ. Ngoài ra, từ trường trung học cho đến sông Cái Khế, trọn một khu gia cư dọc theo đại lộ Phan Thanh Giản gồm có cả trăm gia đình mà chỉ có nhà ông giáo Chưởng, thầy dạy tôi lớp vỡ lòng tại trường tiểu học tỉnh lỵ, là có một cái máy phát thanh duy nhất. Chiều chủ nhật nào, Lộ Mới cũng đông nghẹt nơi đây vì lối xóm ngồi chiếm nửa mặt lộ trước nhà ông giáo này để nghe Huyền Vũ tường thuật các trận túc cầu quốc tế ở Sài Gòn.

Anh cả của tôi dạy học, lương khoảng 100 đồng bạc Đông Dương. Một người anh khác làm thợ máy cho Công Chánh, lương khoảng 70 đồng. Từng ấy lợi tức giúp má tôi nuôi một gia đình gồm má tôi và 8 anh em. Cho đến khi học năm thứ ba trung học, tôi vẫn còn mặc bà ba và mang guốc cây để đi học như 90 phần trăm bạn bè cùng trường. Một vài học sinh giàu mới mua sắm được “sơ mi” và quần tây ngắn. Ngay cả giáo sư trung học và các công chức cũng đều mặc quần ngắn, lý do là vì hằng 4, 5 năm kể từ ngày thế chiến bùng nổ, không có nhập cảng hàng vải được nữa. Công tư chức mới mua được một chiếc xe đạp để đi làm và dùng cho mọi cuộc di chuyển khác sau giờ làm việc hoặc cuối tuần. Trong lớp học của tôi chỉ có một học sinh duy nhất là anh Lê Đình Thêm, em vợ kỹ sư Phan Khắc Sửu (sau cuộc Cách Mạng và Chỉnh Lý, đảm nhận vai trò Quốc Trưởng Việt Nam), mới có xe đạp. Toàn dân mang guốc cuốc bộ. Cho đến đường cát, sữa đặc và diêm quẹt cũng phải đến Quận Châu Thành hoặc Tòa Hành Chánh Tỉnh xin phiếu mua dùng. Nêu lên một vài cảnh sinh hoạt kinh tế tại tỉnh lỵ mỹ miều Cần Thơ để biết mức độ nghèo khổ của quê hương yêu dấu trước 1945.

Tại tỉnh lỵ thì còn thấy người dân ăn no mặc ấm. Nhưng khi đi sâu vào nông thôn như tôi năm nào cũng sống hai tháng hè tại quê nội, là nơi mà 90 phần trăm dân ta sinh sống, thì cảnh nghèo khó biến thành bần cùng. Đa số nhân dân ăn mặc rách rưới. Vì không có vải nhập cảng nên đã bắt đầu thấy “vải ta” xuất hiện, mình vải hết sức thô vì được dệt bằng bông vải nội địa và dệt bằng tay theo lối tiểu công nghệ. Nhiều gia đình nghèo không mua nổi vải, phải may quần áo bằng bố tời (loại bao bố chỉ gai màu xám lợt để làm bao đựng lúa hoặc đựng gạo). Chính mắt tôi chứng kiến nhiều gia đình nghèo đến nỗi chỉ mua sắm được có một bộ quần áo, dù là bằng bố tời. Khi có việc phải ra khỏi nhà thì vợ hoặc chồng mới dùng đến bộ quần áo duy nhất đó. Ở thôn quê chí rận nhiều, vì vừa nghèo vừa thiếu điều kiện vệ sinh. Cho nên trước khi mặc quần áo bằng bố thì phải trải trên mặt phản và lấy ve chai loại 1 lít, đè thật mạnh và lăn qua lăn lại để giết chí rận, đè nát lên bọn chúng, tiếng nghe “răng rắc”.

Đó là thực tế đời sống ở miền Nam trước khi thế chiến II chấm dứt. Những mỹ từ thường được dùng như “Hòn Ngọc Viễn Đông” để ám chỉ Sài Gòn, bao lơn Thái Bình Dương khi nói đến Việt Nam, và “Tây Đô bên bờ sông Hậu” cũng chỉ nhằm an ủi niềm đau khổ thấp hèn của người dân thuộc địa mà thôi. Có lẽ độc giả thắc mắc tại sao ai cũng nói miền Nam Việt Nam, nhất là miền Tây là một vùng giàu có nhất trong nước, thế mà tại sao tôi lại mô tả đen tối đến thế.

Miền Tây Việt Nam còn được gọi là Hậu Giang chỉ có lúa ruộng. Phần lớn đất đai do người Pháp khai khẩn, như tại Cần Thơ có một số đồn điền người Pháp canh tác ruộng lúa tại những vùng Thới Lai, Cờ Đỏ và miệt kinh xáng như Kinh Bảy Ngàn. Nếu không ở trong tay của Pháp thì cũng ở trong tay của Hoa Kiều vốn dĩ có nhiều vốn liếng lại còn được hưởng đặc quyền đặc lợi thụ đắc qua các hiệp ước ký kết với Triều Thanh trong tinh thần Pháp Hoa lưỡng lợi, chia sẽ miếng mồi thuộc địa. Có một số chủ điền Việt Nam có từ năm, mười cho đến vài trăm mẫu ruộng do hai ba đời cần cù làm lụng tiết kiệm để tậu mãi. Còn lại đa số là tiểu điền chủ có từ một vài sào cho đến một hai mẫu ruộng là cùng. Gặt hái xong được vài chục hoặc vài trăm giạ lúa, một số để dành làm giống cho mùa sau, còn lại để ăn trong năm, thiếu trước hụt sau. Đại đa số người dân trong xã không có ruộng phải xin thuê ruộng để canh tác, được gọi là tá điền, lại còn nghèo hơn tiểu điền chủ hai ba bậc. Trong đại đa số này có một số khá đông không thuê được ruộng thì đi làm công cho chủ điền, từ công việc cày bừa, gieo cấy cho đến khi gặt hái, được trả “lương chết đói” bằng hiện vật là lúa.

Đừng đánh giá Hậu Giang giàu sang khi nhìn thấy một số đại điền chủ người Việt hoặc Minh Hương (Việt lai Tàu) sinh sống thảnh thơi hoặc khi đọc truyện các công tử Bạc Liêu phung phí tài sản trong đó có Cậu Ba Qui con của một đại điền chủ giàu khét tiếng miền Tây, mỗi cuối tuần tự lái máy bay riêng lên Sài Gòn khiêu vũ trác táng với gái “hạng sang” tột bực, đến chiều thứ hai mới lái về nhà. Do đó, mỗi chiều thứ hai, trẻ con chúng tôi ở Lộ Mới thường tụ tập để đón xem máy bay của “Cậu Ba” bay ngang tỉnh lỵ, trên đường về Bạc Liêu.

Trong thời gian thế chiến II, Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương không theo đường lối của nước Pháp Tự Do do De Gaulle lãnh đạo, mà lại nghiêng về Chính Phủ Vichy, tức là chính phủ hợp tác với phe Trục (Đức/Ý/Nhật) ngỡ mong được Nhật Bản để yên. Hy vọng này trở nên hão huyền vì ngày 9/3/1945, Nhật Bản đảo chính Đông Dương để làm bàn đạp tiến chiếm Mã Lai và Singapore. Chính Phủ Trần Trọng Kim ra đời, rồi tiếp đến “Cách Mạng Mùa Thu”, Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị để làm công dân một nước độc lập. Từ trước năm 1944, Đảng Cộng Sản Đông Dương, với một số cán bộ nòng cốt được huấn luyện tại Moscow về đấu tranh giai cấp và cách mạng lật đổ chính quyền, đã biết lợi dụng thời cơ tổ chức kháng chiến đánh phá Nhật Bản, mục đích là mua lòng Trung Hoa và Hoa Kỳ để được viện trợ vũ khí của hai nước này hầu phát triển lực lượng võ trang của họ. Cộng Sản đã lấn lướt các phe phái Quốc Gia trên bình diện chính trị và ngoại giao.

Về nội bộ thì Cộng Sản sẵn có cái vốn kỹ thuật xách động quần chúng đấu tranh nên đã chiếm ưu thế lãnh đạo trong các tổ chức cứu quốc như Ủy Ban Giải Phóng Dân Tộc và sau đó là Cộng Sản liên minh với Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội của Nguyễn Hải Thần, Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh và Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam. Đến khi Nhật Bản đầu hàng và Chánh Phủ Trần Trọng Kim từ chức, thì thời thế đã chín muồi cho Cộng Sản Hồ Chí Minh phát động quần chúng biểu tình áp lực Bảo Đại và dư luận toàn quốc phải để cho Việt Minh thành lập chính phủ. Cộng Sản vừa có kế hoạch, vừa có cán bộ cuồng nhiệt và liều lĩnh để thực thi kế hoạch, nên ngày 17/8/1945, bọn chúng đã biến cuộc biểu tình tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, thay vì để ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim, thành ủng hộ Việt Minh và bất thần cho cán bộ đến chiếm Tòa Công Sứ một cách dễ dàng.

Tại Sài Gòn cũng vậy, trong lúc cán bộ Cộng Sản do Moscow đào tạo Trần Văn Giàu thuyết phục Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất gồm có Đại Việt, Cao Đài và Hòa Hảo gia nhập VNĐLĐMH để giải phóng đất nước thì được tin Bảo Đại mời Việt Minh thành lập chính phủ. Do đó mà Mặt Trận tuyên bố giải tán để trở thành Ủy Ban Lâm Thời Nam Bộ do Trần Văn Giàu cầm đầu. Cứ như thế mà Cộng Sản nhờ núp dưới chiêu bài Việt Minh kháng chiến lần lượt tiếm thâu quyền hành từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các tỉnh trong toàn quốc. Tại Nam Kỳ, lúc bấy giờ Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập thu hút hàng triệu tín đồ. PGHH chủ trương “hành Đạo giúp Đời” và đặt Ân Đất Nước lên hàng đầu trong Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Do đó các tôn giáo khác, các chánh đảng và đoàn thể yêu nước qui tụ lại thành Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp do Đức Thầy lãnh đạo với sứ mệnh đánh đuổi Pháp để tranh thủ độc lập cho nước nhà.

Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ của Việt Minh là đảng viên Cộng Sản Trần Văn Giàu lo ngại uy thế của Đức Thầy và Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Sẵn dịp ngày 8 tháng 9 năm 1945, lãnh tụ PGHH Năm Lửa ở miền Tây tổ chức biểu tình hàng ngàn người tại Cần Thơ để kêu gọi nhân dân ủng hộ Chính Phủ Việt Minh và yêu cầu võ trang quần chúng để chống xâm lăng, Trần Văn Giàu chụp mũ Hòa Hảo nổi loạn để đàn áp cuộc biểu tình và bắt giữ một số tín đồ PGHH, mặc dù cuộc biểu tình đã được thông báo trước cho nhà cầm quyền địa phương. Ngày hôm sau, tức ngày 9 tháng 9, Trần Văn Giàu cho Quốc Gia Tự Vệ Cuộc bao vây trụ sở PGHH tại Sài Gòn để lùng bắt Đức Thầy nhưng Đức Thầy thoát nạn.

Thế chiến thứ II vừa chấm dứt thì Chính Phủ Pháp do De Gaulle lãnh đạo mang quân qua tái chiếm thuộc địa cũ là Nam Kỳ. Tuy Việt Minh chưa ra lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, nhưng chỉ thị dân chúng thi hành chánh sách “Vườn không nhà trống”, bỏ trống thành thị tản cư về quê.. Quân đội Pháp sau khi chiếm xong Sài Gòn đang chuẩn bị tiến đánh các tỉnh. Trước khi chiến cuộc lan tràn đến tỉnh nhà, mẹ tôi hướng dẫn trọn gia đình di tản bằng đường thủy về quê ngoại tại quận lỵ Tam Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình chúng tôi chỉ kịp mang theo quần áo và mùng mền, bỏ lại tất cả tài sản, khóa cửa nhà lại để xuống ghe từ chợ Cần Thơ theo sông Cửu Long xuôi miền Nam đến Trà Ôn rồi nương theo kinh đào đến quận Tam Bình. Ghe vừa đến ngang quận lỵ thì thấy dân chúng tập họp đông đảo khác thường tại cầu tàu. Đến khi lại gần thì chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng. Trên cầu tàu, một người tuổi độ tứ tuần bị lột áo để mình trần, đang bị cán bộ Cộng Sản hành quyết bằng cách mỗ bụng vì tội đàn áp phong trào “Nam Kỳ Khởi Nghĩa” của Cộng Sản trước đó vài năm. Nạn nhân là một cựu Chánh Tổng trước kia có cộng tác với cơ quan an ninh của chính quyền Pháp ruồng bắt cán bộ Cộng Sản tổ chức khá đông tại Tam Bình. Một hai tuần sau đó, tôi có dịp chứng kiến một loạt hành quyết khác tại các xã xung quanh quận lỵ. Khác với lần đầu mỗ bụng, các lần sau Cộng Sản chặt đầu các nạn nhơn bằng mã tấu. Thì ra, thay vì dùng súng, Cộng Sản cố tình dùng những phương pháp rùng rợn hơn như chặt đầu và mỗ bụng moi gan để gây khiếp đảm và khủng bố tinh thần dân chúng.

Tạm trú tại Tam Bình độ một tháng thì được tin quân đội Pháp tiến đánh Vĩnh Long nên gia đình tôi lại phải xuống ghe đi qua xã Phú Hữu phía cực Nam của tỉnh Cần Thơ. Gia đình tôi tạm trú tại nhà bà nội tôi ở ấp Kinh Nhỏ. Bà ở một mình trong một căn nhà ba gian, khá lớn. Gian giữa có bàn thờ tổ tiên, cùng một bộ tràng kỷ gõ đen, cẩn ốc xa cừ để tiếp khách. Hai bộ phản bằng ván gõ dầy 1 tấc chiếm phía trước hai gian bìa, còn phía sau thì hai phòng ngủ có cửa gài khóa lại. Phía sau bề ngang rộng ba gian dùng làm kho, sát vách hè có 10 mái đầm (lu cỡ thật lớn ở miền Tây), 5 mái chứa nước mưa để uống quanh năm, 5 mái còn lại đựng lúa giống để gieo mạ mùa lúa tới.

Sở dĩ nhà nội tôi có phần khá hơn bà con trong xóm vì khi sanh tiền, ông nội tôi bao tá được vài chục mẫu ruộng. Sau khi ông qua đời, bà tôi chỉ còn giữ lại ngôi nhà, còn lợi tức cũng chỉ đủ sống đấp đổi qua ngày như đa số bà con nghèo khác. Hai anh tôi mỗi người được Ủy Ban Kháng Hành Tỉnh (Kháng chiến Hành chánh) phát cho hai tháng lương. Mẹ tôi rất tiện tặn vì dự trù có thể tản cư cả năm thì phải lo kinh tế tự túc chớ đâu thể ỷ lại vào hai tháng lương này được. Lớn nhỏ đều đổ ra đồng làm rẫy, hàng ngang hàng dọc. Nào là dọc theo mương thì thả giàn trồng bầu, bí đao, mướp, dưa leo, khổ qua, v.v.. Tận dụng các khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng các loại đậu xanh, đỏ, đen, cùng bí rợ, và các loại cải trắng, cải xanh, cải rổ, v.v.. Ngoài công việc trồng trọt, còn phải nghĩ đến thịt, cá để tăng cường dinh dưỡng. Tôi và người anh thứ tư của tôi tổ chức giăng câu, thả chà dưới sông, đặt lọp, lưới cá, mò tôm, v.v.. Các em nhỏ tôi thì chăn nuôi, săn sóc các bầy gà vịt, lượm trứng, cho ấp nở các bầy khác, Gia đình chúng tôi ít được dùng gà vịt vì phải dành để đổi lấy gạo, đường, nước mắm, và các loại vật dụng khác mỗi khi có “ghe hàng” thổi “tù và” báo cho đồng bào trong xóm đến đổi chác cho nhanh vì ghe còn phải qua các làng khác.

Chỉ tại vùng đồng bằng Cửu Long ở Miền Tây là câu tục ngữ “trời sinh voi sinh cỏ” có ý nghĩa nhất. Đừng có lo. Đến mùa mưa lúa lớn mạnh như thổi cùng với tôm cá sinh sản tràn đồng. Kịp đến ruộng khô không còn tôm cá nữa thì đến mùa lúa chín, là mùa chim và chuột ăn lúa chín mập tròn. Còn rắn thì nhờ bắt được nhiều chuột hơn trước nên cũng to béo hẳn lên. Chim thì “rô-ti”, rắn thì nấu cháo đậu xanh. Thịt chim hay rắn đều có thể bầm nhỏ xào củ hành xúc bánh tráng, lớn nhỏ đều ưa thích. Chuột thì thui rồi lột da, vứt bỏ đồ lòng, giữ lại mỡ sa để thắng thành dầu thắp đèn ban đêm. Thân chuột banh ra mập trắng như heo sữa bày bán ở các sạp thịt nhà lồng chợ. Món anh em tôi thích nhất là chuột ớp sả ớt, kẹp nướng than hồng, ăn với cơm trắng và nước mắm tỏi ớt. Tuy nhiên, trong các tháng nước kém, cạn lòi lòng sông, cá tôm hoàn toàn biến mất. Chuột rắn cũng không còn. Nhiều hôm không tìm được gì thì lấy nước mắm kho sệt lại để ăn với rau luộc. Có sống ở nông thôn mới biết nước mình nghèo. Có chia sẻ cọng rau hột muối với nông dân mới thương dân mình nghèo, dân mình đói

Nguyễn Bá Cẩn
Cựu học sinh PTG Cần Thơ 1942-47
(Tháng 2, 2009)

No comments:

Post a Comment