Wednesday, March 2, 2011

Tuổi thơ trên những cánh diều

Tuổi thơ trên những cánh diều
Fri, 08/13/2010 - 03:07 — nguyenxuanthiep
TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ
Nguyễn Xuân Thiệp
Những ngày cùng với gia đình và bạn bè đi chơi ở vùng biển Destin, Florida, Nguyễn một lần nữa được gặp lại hình ảnh con diều giấy lượn bay trong gió. Như một tiếng đàn ngân, ký ức Nguyễn chợt dậy lên bao kỷ niệm của một bầu trời.
Đúng như vậy. Có thể nói trong tâm trí mỗi gã đàn ông đều có hình ảnh cánh diều thời thơ ấu. Cùng với ca dao, đồng dao, cổ tích, cánh diều mở ra một bầu trời trong sáng thuở tâm hồn ta chưa bị những lớp sóng thực tế vùi dập. Và đặc biệt trẻ con dưới bất cứ bầu trời nào cũng yêu thích những cánh diều. Mới đây, ngày 19 tháng 7, trẻ em ở giải đất Gaza khốn khó và thù nghịch cũng đã nô nức thả trên 7,000 cánh diều đủ màu trên khắp bãi biển, nói lên ước vọng về một cuộc sống bình yên thơ dại hồn nhiên.

Vâng. Cánh diều tuổi thơ, hay ước mơ thời bé dại, bao giờ cũng đẹp. Đẹp và mong manh. Và chính vì quá đẹp, quá mong manh nên cánh diều không chống chõi được những cơn gió lớn của cuộc đời. Tuổi thơ là tuổi của những chuyện thần tiên. Thế giới tuổi thơ toàn những điều tốt đẹp. Công chúa bị con chằng tinh bắt về giam trong hang, cuối cùng sẽ được Thạch Sanh đến cứu. Gã tiều phu hiền từ, tốt bụng sẽ được ông Tiên hay ông Bụt giúp đỡ. Cô bé lọ lem rồi sẽ gặp được hoàng tử của đời mình. Nghĩa là, trong trí tưởng trẻ thơ, ở hiền sẽ gặp lành, những người hiền lương dù có gặp gian nan hoạn nạn, chung cuộc đều được bình yên, sung sướng. Thế nhưng cuộc đời không phải luôn luôn như vậy. Như trong khúc bi ca ngày nào Nguyễn viết:
Nhưng
thế giới thần tiên sụp đổ
những kẻ hiền lương sống kiếp đọa đày…
Hỡi cô bé quàng khăn đỏ
đã chết. trong hàm răng. sói già
Và đây, Tô Thùy Yên cũng cho ta một hình ảnh đẹp và bi thương của cánh diều tuổi nhỏ:
Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ
Xương tàn còn vướng ngọn cây cao
Đến nay trời nổi bao mùa gió
Còn tưởng oan hồn vật vã đau
Như vậy đó, cánh diều của buổi ấu thời. Thế nhưng, một nhạc sĩ nổi tiếng của thời đại chúng ta -Trịnh Công Sơn- muốn nhìn cánh diều tuổi nhỏ dưới một cái nhìn khác và cho nó một số phận khác. Này bạn ơi, hãy nghe bài "Ra Đồng Giữa Ngọ” để biết TCS muốn nói gì. Ở đây, Nguyễn chỉ xin dẫn lời của bạn ta Trần Hữu Thục (tức nhà văn Trần Doãn Nho) trong “Tác Giả-Tác Phẩm-Và Sự Kiện”: "(Bài hát) Chỉ có ba hình tượng: thằng bé, con diều giấy và yêu tinh. Bài hát giản dị lập đi lập lại như một câu chuyện vui. Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ (là Tôi, là anh, là em, là con người) mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp một khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp, đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:
Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ
Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.
... tan trong cội nguồn
Vâng, tan giữa hư không. Cả thằng bé. Cả con diều. Cả khuôn mặt yêu tinh. Cả em, Cả tôi. Cả Cõi thế. Tất nhiên, tất cả: tan trong cội nguồn."
Thật là đẹp. Thật là lý tưởng. Không còn xấu tốt, thiện ác nữa. Cánh diều tuổi thơ cũng như con yêu tinh. Tất cả, như chúng ta và cõi thế gian này, rồi đều trở về thế giới nhất nguyên, nghĩa là trở về cội nguồn. Lập ý như thế là cao siêu. Đúng là cảm hứng sáng tạo. Nhưng cuộc đời có vậy không? Trong cuộc đời, con yêu tinh có để yên cho cánh diều non nớt, hiền lành giỡn bay trong gió? Con sói già có dung tha cô bé quàng khăn đỏ không? Biết bao ước mơ, mộng tưởng trong sáng hồn nhiên đã tan vỡ, đã bị giết chết (như cánh diều mùa hạ cũ hay cô bé quàng khăn đỏ) nếu chúng ta không làm gì để bảo vệ những ước mơ, những mộng tưởng ấy. Đâu có yên bình, hòa hợp như bạn tôi Trần Hữu Thục nói: “Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên cao giữa thinh không với nhau!” Con yêu tinh không bao giờ thân thiện với cánh diều non. Cuộc chiến đấu sinh tử tất phải xảy ra, chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa con diều giấy và yêu tinh. Tưởng tượng giữa bầu trời trưa lồng lộng, con diều giấy mỏng manh nghênh chiến với con yêu tinh mắt xanh, mũi đỏ, râu vàng. Thật dũng cảm và bi tráng, phải không các bạn? Và anh em ơi, xin hỗ trợ con diều giấy của tuổi thơ chúng ta. Này các bé con hãy ra đứng giữa đồng hò reo, cổ vũ bạn mình. Hãy phất cờ, gióng trống, nổi thanh la vang dậy cả một vùng. Ca sĩ ơi, xin cùng nhau cất lên bản hợp xướng ngợi ca cuộc đời và trí tuệ con người. Các thi sĩ hãy viết những bài thơ thật đẹp và nhân bản thả bay lên giữa trời hư không. Tất nhiên, cuối cùng con diều giấy rồi sẽ chết trước nanh vuốt yêu tinh, nhưng là một cái chết hùng tráng, xiển dương lý tưởng tự do và chân thiện mỹ.

Như vậy đó, hãy gìn giữ, bảo vệ cánh diều của tuổi thơ. Nó là hình ảnh cực đẹp và lý tưởng của đời người. Cho nên Nguyễn rất hạnh phúc khi gặp lại cánh diều trên vùng cát trắng nước xanh màu ngọc bích của bãi biển Destin ở Florida. Cũng như ngày nào trên bãi biển Galveston, Texas, Nguyễn được nhìn thấy hai cánh diều sặc sỡ lượn bay dưới sợi dây căng của hai cậu bé. Ngày ấy, có hai gia đình Việt Nam với vợ chồng con cái cùng đi tắm biển Galveston. Chắc hẳn hai ông bố hồi nhỏ cũng mê thả diều nên muốn các con mình biết niềm vui trong sáng của ấu thời. Và họ đã làm hai con diều thật đẹp, theo kiểu diều Đông phương, màu cánh sen pha nâu và biếc, như màu của một chiếc chăn thêu. Như vậy là hai ông bố này đã mang theo quê hương trong hình ảnh con diều giấy. Nguyễn tìm tới làm quen, thì được anh Hải người Huế cho biết, ngày xưa anh từng thả diền trên cánh đồng làng Lại Thế, Phú Vang, là nơi quê nhà của Nguyễn. Và trước khi sang Mỹ định cư, anh Hải từng có chân trong Câu Lạc Bộ Diều của Huế. Đôi lần, anh đoạt giải thưởng thả diều của thành phố. Tới nay, anh vẫn còn tương tư những cánh diều trên bầu trời quê cũ. Nhìn những con diều giấy của hai anh, bây giờ được trao tay lại cho các con nhỏ, Nguyễn chợt thấy nhớ thiết tha bầu trời mình từng lớn lên, biết hờn giận và yêu thương, khi còn nơi quê cũ. Em ơi, làm sao quên được. Bầu trời ngày ấy, hình như đẹp hơn bây giờ. Và đình làng Lại Thế với cây bàng cao lá đỏ dường như đã đi vào thời gian của người. Tôi thấy lại. Tôi thấy lại. Cái ao sen trước đình, nơi người mã phu mê trà bị Việt Minh gán cho tội phản quốc và đem ra bắn. Và nơi sân đình kia, duới mái ngói âm u, là nơi Nguyễn và bạn Tống Viết Mẫn từng ngồi học bài thi. Và trên cánh đồng mênh mông của làng Lại Thế, những cánh diều trắng tung bay trong chiều lộng gió. Không như trong “Ra Đồng Giữa Ngọ” của Trịnh Công Sơn, chúng không gặp con yêu tinh mắt xanh râu đỏ nào cả, mà chỉ chuyện trò với Mặt Trăng. Cũng như những con diều giấy trên bãi biển Destin và Galveston chỉ lượn chơi, nô đùa với mấy cánh hải âu hiền lành. Bầu trời ở đây cũng như ở quê nhà ngày ấy, thật an lành phước hạnh.
Trở về lại với những cánh diều của tuổi thơ đời người. Ôi, biết bao nhớ tưởng, tiếc thương. Và chính lúc này đây, Nguyễn đang nghĩ tới cánh diều đầu tiên mình có trong đời. Đó là những ngày đã xa, quá xa, chìm lẫn trong màu xanh thời gian. Những ngày Nguyễn còn "áo vắt vai đi qua rừng sim / lội trong cỏ may ngập đầu gối"... Cánh diều đầu tiên được làm bằng những thanh tre mỏng manh, dùng giấy từ tập vở cũ xé ra rồi dán lên. Dây diều được làm bằng sợi bao bố xe lại và nối cho dài thêm. Khi diều đã làm xong, Nguyễn cùng thằng Sao trong xóm chạy ra quãng đồng không, đợi gió lên để thả diều. Một thằng cầm đầu sợi dây chạy đằng trước, thằng kia nâng con diều chạy theo và phóng lên. Lúc đầu, con diều la đà trên mặt ruộng rồi rớt xuống. Thế nhưng, cuối cùng rồi nó cũng bay lên được. Hai đứa cười sung sướng. Nụ cười không đậu được bao lâu đã vội tắt. Diều đứt dây, băng đi theo cơn gió lớn, rồi nằm run rẩy trên đầu ngọn tre.

Như thế đó, diều băng. Và cũng như mọi giấc mơ khác, nó đã chết, thân xác treo trên ngọn cao, trên cột điện. Nhớ ngày nào, được đọc một đoạn văn của Bình Nguyên Lôc viết về những xác diều, do Thụy Khuê trích dẫn trên Hợp Lưu số tháng 4 & 5. 2006, lòng riêng vô cùng cảm khái:
"Những xác ấy bị treo lủng lẳng như vậy, có xác rơi xuống đất sau vài hôm, một tuần, một tháng, mà cũng có xác trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến mùa mưa mới chịu để cho phong võ làm rả thịt mục xương.
“Diều sống có cá tánh riêng biệt khi bay lượn, mà chết, xác diều cũng có cá tánh nữa. Không phải xác nào cũng giống xác nào về lối chết và lối an nghỉ ngàn thu trên dây điện...
“Diều ơi, diều có phải gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Châu Phi mà khi chết xác không thổ táng, hỏa táng mà lại không táng?"
Vậy, diều xuất xứ từ đâu? Trên thảo nguyên của dân du mục, ở những bãi biển của người dân Polynesia. Có lẽ là thế, nhưng Nguyễn tôi do mê thơ Đường và Dương Quý Phi nên cứ nhất quyết cho nó ra đời đầu tiên ở Trung Quốc. Ờ, có thể một ông Tàu mơ mộng nào đó, từ thuở Tần Hán xa xưa, đã vót tre, đắp giấy sáng tạo ra chú diều, thả bay lên trời. Nghe đâu còn có chuyện mấy ông tướng Tàu đem diều tham gia chiến trận nữa kia đấy. Nhưng ơ kìa, tại sao hôm nay Nguyễn lại bày đặt tra cứu khảo cổ rồi dẫn chứng bố láo. Thôi, bỏ đi Tám, và hãy ngước mắt lên trời tìm một cánh diều, có lẽ như thế vui hơn.
Viết thêm sau khi đọc lại: Nguyễn nhớ trong một cuốn truyện của Charles Dickens, có một lão khùng ngày ngày viết những ý tưởng của mình về nhà vua đương thời rồi đem dán lên cánh diều thả bay giữa hư không. Truyện cổ Ấn Độ cũng kể rằng có chàng trai trẻ nọ khéo tay, làm một cánh diều và qua nó, thả thư cho người yêu bị giam cầm nghiêm ngặt một nơi xa thật xa... Chuyện thơ mộng và lâm li, ướt át lắm lắm đấy chớ. Nếu có được một cánh diều thật lớn, Nguyễn tôi cũng muốn bắt chước cái lão khùng điên trong truyện của Charles Dickens viết lên cánh dièu mấy câu thơ sau đây: "Xin ngày mai cổ thụ / không che ánh mặt trời / những con người dã thú / không giữ cửa cuộc đời / Anh và em về lại / trên cánh đồng tuổi thơ / tìm bông dã quỳ đỏ…” và đem phóng lên trời. Và rồi hàng ngàn, hàng vạn những cánh diều bay lên tiếp tiếp, rao truyền thông điệp của tình yêu, hạnh phúc thật thà chất phác và một thế giới trẻ lại như khi nhân loại còn thơ.
NXT

No comments:

Post a Comment