Wednesday, March 2, 2011

Nỗi niềm thổ lộ cùng ai?

Nỗi niềm thổ lộ cùng ai?

Không chỉ là 272 đầu việc "ngập đầu", cán bộ phường còn phải thường xuyên bị ngập trong các cuộc hội họp triền miên. Theo tài liệu chúng tôi có được, trong năm 2007, một phường ven ở Q.Tân Phú (TP.HCM) đã tổ chức tổng cộng... 1.084 buổi họp, trong đó chỉ có 279 buổi họp bàn công tác chuyên môn, còn lại là triển khai nghị quyết và nội dung khác. Thậm chí, "lịch công tác" từ 28.7 đến 4.8.2008 của phường này cho thấy, Chủ tịch phải dự họp 5 cuộc với quận và khoảng 4 cuộc họp "trao đổi nhanh" tại phường. Ngoài ra, "nếu khu phố nào có vấn đề cần tháo gỡ" thì đích thân Chủ tịch phường phải họp với khu phố đó, tổng cộng cũng cả chục cuộc mỗi tháng, cho đến khi nào giải quyết xong thì thôi.
Trả lời trưởng đoàn khảo sát về việc cán bộ phường Nguyễn Cư Trinh xin nghỉ việc hàng loạt, một cán bộ là bí thư khu phố phường này nói như phân bua. Nội dung câu nói hàm ý cán bộ phường để làm được việc cho dân thì đôi khi phải xé rào, bị "trên la rầy". Còn cứ khư khư theo những công thức hành chính cũ thì trễ nải việc dân, bị "dân kêu". Đã thế, nói như chị L.H, cán bộ một phường ở Q.Bình Thạnh: "Mọi công việc đều được đẩy xuống cấp phường. Nhưng cán bộ, công chức cấp phường lại không được nhìn nhận trong dự thảo Luật cán bộ, công chức. Đó là một nghịch lý!".
Theo ông N., cán bộ địa chính một phường ven ở Q.Tân Phú, nhiều khi các ông phải thi hành những việc mà chính các ông cũng không thể giải thích được, không thể thổ lộ cùng ai. Chẳng hạn, trong việc xác nhận hồ sơ hợp thức hóa quyền sở hữu nhà cho dân, theo yêu cầu thì chủ tịch phải làm bản tường trình về trường hợp xin hợp thức hóa đó, không chấp nhận tường trình của chủ nhà. Trong bản tường trình, chủ tịch phải nêu rõ và phải chịu trách nhiệm về tường trình của mình là nhà đó được xây dựng năm nào? Theo ông N., có hai điều không hợp lý trong quy định này: Trước hết, chủ tịch phường, nhất là ông chủ tịch phường không phải là người sống lâu năm tại địa phương, mà cho dù là người địa phương đi nữa thì cũng không thể biết được hết nguồn gốc tất cả các nhà dân. Thứ hai, không công nhận tường trình, hay cam kết của dân thì vô tình đã tước đi quyền... chịu trách nhiệm trước pháp luật của công dân. Tương tự, trong xác nhận diện tích đất lộ giới để giải tỏa - đền bù, Chủ tịch phường cũng phải xác nhận là đất đó do dân lấn ra từ trước hay sau ngày 15.10.1993.
"Những trường hợp như vậy làm sao mà ông Chủ tịch biết được nếu không căn cứ vào bản tự khai của dân? Xác nhận sai thì chủ tịch phường phải bỏ tiền túi ra đền. Còn nếu ngại không xác nhận thì quyền lợi của dân bị thiệt hại, dân kêu ca. Rất khổ!", ông N. than với chúng tôi như vậy.
Tiền lương thắt thỏm
Trao đổi với chúng tôi, anh Phó chủ tịch phường Nguyễn Cư Trinh còn rất trẻ vừa cắm cúi trước chồng hồ sơ phải ký ngay, vừa cho biết, lương tháng của anh vỏn vẹn chỉ 1,6 triệu đồng, không còn khoản nào khác. Ông Đ., nhân vật chúng tôi vừa đề cập ở phần trên, có thâm niên công tác 21 năm, hệ số lương 3.6, được gần 2 triệu đồng/tháng. Vợ ông cũng là một cán bộ chuyên môn của phường, lương xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Ông Đ. cho biết, tối nào không phải hội họp, ông lái xe đưa vợ đi tiếp thị thuốc tây cho các cơ sở y tế tư nhân. Công việc này giúp ông bà có thêm 2 triệu đồng nữa, vị chi thu nhập của hai vợ chồng là 6 triệu đồng/tháng.
Còn vị chủ tịch UBND một phường ven của Q.Tân Phú thì tiết lộ, lương ông cộng với 600.000 đồng tiền trợ cấp học đại học do TP cấp, tổng cộng cũng chỉ 2,4 triệu đồng/tháng, đủ đổ xăng, cà phê sáng và ăn cơm hộp. Theo ông, làm chủ tịch cũng giống như... làm dâu; mỗi một cử chỉ, hành động, lời nói người dân đều nhìn vào. Mỗi năm, chủ tịch phường như ông phải đi dự trên dưới 30 cái đám cưới; rồi ma chay, đám tiệc. "Đã là chủ tịch thì đi phong bì cũng phải coi cho được...". Đi sớm, về khuya với ông chủ tịch này là chuyện thường ngày. Ông bảo, từ khi làm chủ tịch đến giờ, chi tiêu mọi thứ trong gia đình do một tay vợ ông lo. Thời gian dành cho gia đình quá ít; tiền lương èo uột trong khi vật giá leo thang. Gia đình ông sinh lục đục.
Chia sẻ với chủ tịch phường, ông bí thư phường ven ở Q.Tân Phú hy vọng những bức xúc mà cán bộ phường đang gặp phải sẽ sớm được cấp trên nhìn nhận và điều chỉnh. Vì theo ông, chế độ tiền lương đối với cán bộ phường và những cải cách cần thiết sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho "công bộc của dân", mà gián tiếp mang lại lợi ích cho cả người dân. "Vì vậy, chúng tôi tự động viên nhau, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thôi".
Nguyên Thủy

No comments:

Post a Comment