Hồi Ký Đặng Tuyết Mai - Part II
Categorized:
• Dang Tuyet Mai Biography
Chuyến bay Bangkok tiếp...
Ăn sáng xong, tất cả chúng tôi đều lên xe bus xuống downtown. Tôi nghiễm nhiên thành tour gal dắt mọi người đi mua lụa may áo dài. Mọi người đều hỏi ý kiến tôi từ mầu sắc đến kích thước, rồi đến giầy ví, mầu này có hợp với áo nọ không? Ví kia có hợp giầy này không? Thậm chí còn có mấy ông ngại ngùng và lúng túng nhờ tôi lựa quần áo lót cho vợ nữa. Tôi thấy điều này thật dễ thương nên hết sức giúp đỡ - có một ông không biết size đồ lót của vợ, hỏi thăm đồ lót của tôi size mấy và hiệu gì để ông mua cho vợ. Tôi nghiêm mặt nhìn thì ông vội xin lỗi rồi gãi đầu gãi tai lí nhí nói,
- "Vợ tôi cũng cao cao và bề ngang chắc cũng cỡ bằng cô, xin lỗi không có ý xúc phạm cô đâu."
Dù vậy ông cũng làm tôi đỏ mặt và bối rối. Biết rằng ông không có ý cợt nhã nên chúng tôi vui vẻ cùng lựa vài bộ thật đẹp. Mấy ông kia cũng xúm lại bắt chước. Tiếc rằng không có máy ghi lại hình mấy ông xúm xít trong quầy quần áo phụ nữ. Cho nên các bà KQ vẫn không giận nổi các ông mặc dù chúng tôi đôi khi hơi "bị" hào hoa quá đáng. T.T. Kỳ thấy chúng cười nói ồn ào mới tò mò bước lại, tôi hỏi,
- "T.T. có cần chọn quà này cho ai không?"
Ông lắc đầu và nhờ tôi lựa áo dài cho ba bà chị và một cô em gái. Ông còn mua rất nhiều chemises cho các đàn em KQ của ông. Tôi cũng lựa 2 sấp áo dài, một cái ví, một bộ nữ trang rất đẹp đưa cho T.T. Kỳ và hỏi,
- "Mầu này chắc hợp với Chu cô nương chứ?"
Ông nhìn tôi rất lâu xem tôi có ý tinh nghịch phá ông hay không rồi nói,
- "Cô hay thích đọc ý nghĩ của người ta à?... Vâng mấy thứ này đều đẹp lắm, nhưng hợp hay không thì tôi thật tình không biết. Rất cám ơn, Triệu cô nương thật thông minh và tế nhị."
- "Thông minh ư? Có phải T.T. muốn nói, tôi xuất sắc trong vai tỳ nữ không?"
- "Đấy, biết hết, quả nhiên là cô thông minh tuyệt vời, tôi nói có sai đâu." Chúng tôi cùng cười xòa rất tương đắc.
Khoảng 5 giờ chiều mọi người đã đói meo. Chúng tôi kéo nhau đến một nhà hàng chuyên nấu đố nhậu đặc biệt Tháilan. Có các thứ đồ biển và rất nhiều loại mắm mà chỉ có dân địa phương mới biết thưởng thức. Có cá rô nhỏ chiên dòn ăn với cà pháo tươi chấm mắm thái, có gỏi thu đủ xanh ba khía, gỏi mực, gỏi tôm, lẩu cá mú đặc biệt nấu với rau rút (Hà Nội có loại rau này), vừa thơm, vừa dòn, vừa cay sé lưỡi, ăn ngon đến "quên chết." Có xôi nấu trong ống tre thật thơm mùi lá dứa, ăn với xoài chín, còn có một quầy các thứ chè để tráng miệng và còn sầu riêng nữa chứ. Rất tiếc hồi đó tôi chưa biết thưởng thức món này.
Chưa ăn xong mọi người đã bàn nhau lát nữa sẽ đi xem show gì. Ở Tháilan, nổi tiếng là show các cô gái thật sexy và đẹp nhưng tất cả đều là con trai hoặc đã giải phẫu rồi, hoặc vẫn còn là trai giả gái. Vào thập niên sáu mươi chuyện này còn là chuyện lạ làm mọi người hiếu kỳ. Chưa kịp quyết định thì vừa lúc đó sĩ quan tùy viên của T.T. Kỳ đến thì thầm gì bên tai ông. Mọi người vẫn còn đang xôn xao bàn tán thì ông giơ tay ra hiệu cho tất cả im lặng. Ông nghiêm mặt tuyên bố,
- "Không được đi đâu. Mọi người phải quay về hotel ngay. Thu xếp hành lý và cất cánh bay về tức khắc. Sàigòn có đảo chính." Thế là mọi người tiu nghỉu, cụt hứng. Ai nấy lo thu nhặt đồ đạc mới mua rồi phóng lên xe bus về hotel.
Về tới phòng chưa được mười phút đã nghe tiếng gõ cửa. Sĩ quan tùy viên cho biết phải đi ngay. Tôi cuống quít vì chưa kịp thay áo uniform của AVN, đúng lúc T.T. Kỳ và mọi người ở cùng floor đều ra thang máy. T.T. Kỳ nói,
- "Cô không cần mặc uniform vì đằng nào về đến Tân Sơn Nhất cũng đã tối rồi, và nhất là sẽ đáp bên KQ, chứ không phải bên dân sự, nên cô không cần thắc mắc."
Tôi đang định gọi cho Thai's commissariat để order đồ ăn cho chuyến bay thì bị ngăn lại, vì tính cách tối mật của chuyến bay. Vì bay bằng máy bay C47 nên sẽ phải bay khoảng 3 tiếng đồng hồ mới tới. Suốt thời gian bay tôi được xếp ngồi cạnh T.T. Kỳ nên có dịp tìm hiểu và nói chuyện rất nhiều. Ông rất ưu tư cho sự an nguy của đất nước. Trên hết mọi chuyện, ông muốn duy trì một chính thể yên ổn ở hậu phương, dân sự hay quân sự cũng được miễn là để người lính nơi tiền tuyến an tâm đánh giặc. Ông không hề có phe đảng hay thuộc về bất cứ thành phần nào, hoặc tôn giáo nào, mặc dù ông là người Phật giáo.
Nói chuyện với ông một lúc tôi cảm nhận được lòng yêu nước tha thiết và trực tính rất "nhà binh" của ông. Tôi cũng khẳng định rằng tôi có một nhận xét và một giác quan khá sắc bén chứ không đến nỗi hồ đồ. Sự nghiệp chính trị của T.T. Kỳ lúc đó đang được mọi người chú ý. Nhất là vai trò "chống đảo chánh." Chính T.T. Kỳ cũng chợt nhận ra sự can thiệp rất hữu hiệu của KQ trong vấn đề này. Cho nên mọi phe phái, khi định có âm mưu gì đều muốn có sự ủng hộ của KQ. Tôi hỏi thăm T.T. Kỳ về dư luận đồn rằng ông ủng hộ Đại Tướng Khánh? (ĐTK) Ông trả lời,
- "Ngày nào tôi còn nhìn thấy đất nước qua ĐTK thì tôi còn ủng hộ Ông ta."
Trong câu chuyện ông thường tỏ vẻ ngạc nhiên về sự theo dõi thời sự của tôi. Tò mò, ông đưa ra nhiều câu hỏi khó để thăm dò xem ý kiến và nhận xét của tôi như thế nào. Giống như một người lớn đang nói chuyện với con nít và chợt thú vị vì thấy nó thông minh. Sau mỗi câu trả lời, thái độ ông thường hay tủm tỉm cười, gật đầu tán thưởng:
- "Khá lắm khá lắm, xứng đáng được lấy tên Triệu Minh. Tôi nghĩ, một người vừa đẹp vừa thông minh thì vẻ đẹp đó càng sáng ngời và... trở thành nguy hiểm."
- "Cám ơn Thiếu tướng quá khen nhưng tôi không nguy hiểm đâu 'đàn bà đẹp mà tự biết mình đẹp' mới là nguy hiểm. Riêng tôi không dám nghĩ là mình đẹp đâu. Sở dĩ học hỏi và theo dõi mọi vấn đề vì tự biết mình mới rời ghế nhà trường, dò dẫm vào đời. Cần phải học hỏi nhiều để lỡ gặp trường hợp như hôm nay, bị 'truy' kỹ quá mà không biết thưa thốt thì ở đây làm gì có cột để dựa!"
Ông cười ha hả, gật đầu, " Đáo để, đáo để thật... Thế bình thường cô hay theo dõi vấn đề gì nhất?"
- "Dạ tôi theo dõi các vấn đề thời sự, từ chính trị cho đến các phát minh khoa học, nhất là thời trang. Theo dõi đời tư của các yếu nhân trên thế giới, các cuộc tình sôi nổi của các tài tử điện ảnh và các cuộc tình của T.T. Kỳ."
- "Các cuộc tình của tôi? Để làm gì?"
- "...dạ để... biết và để ...né nếu có gặp phải."
Ông định thần nhìn sâu vào mắt tôi lâu lắm...lâu lắm...ông làm tôi chới với bồng bềnh rồi chậm rãi nói,
- "Có né được không? Không tôi không hỏi cô đâu, tôi đang tự hỏi tôi đây!!!"
Im lặng...bối rối... tôi chưa biết phảỉ nói gì thì may quá và có lẽ cũng để tránh ngượng ngùng T.T. Kỳ đứng lên vào phòng pilot để liên lạc và theo dõi tình hình biến chuyển mới. Khá lâu, lúc trở lại, ánh mắt đăm chiêu và ông như lạc vào thế giới ưu tư nào. Nụ cười tươi và nét tinh nghịch trên mặt cũng biến mất. Tôi kính trọng sự suy tư nên cũng ngồi im đọc sách - có đọc được gì không...?
Bức rức, khó chịu, mấy lần định cất tiếng hỏi rồi lại thôi. Cuối cùng không nhịn được nữa, gấp sách lại tôi không nhìn, cũng không quay sang ông, chỉ hỏi trống không, "Tình hình nghiêm trọng lắm sao?"
- "Chưa xác định được, nhưng xe tăng chúng bò như kiến trên xa lộ rồi."
- "Có biết ai chủ mưu không?"
Lắc đầu, ông bâng khuâng nghĩ thành tiếng "Vấn đề là có nên dội bom lên đầu chúng trong khi chúng còn trên xa lộ không, nếu để chúng vào thành phố sẽ bị khóa tay vì không dám chạm vào dân chúng."
- "Thưa TT nhưng dư luận và quần chúng đã biết họ định làm loạn, tranh dành quyền lợi cho chính mình hay họ định ủng hộ phe phái nào, có chính nghĩa không?"
- "Không cần biết lý do gì, lúc này không cho phép bất cứ ai làm đảo lộn tình hình chỉ có lợi cho cộng sản thôi."
- "Nhưng nếu lý do chưa được sáng tỏ mà mình đã ra tay ngăn chặn, chỉ sợ dân chúng hiểu lầm lại nghĩ chính mình mới là độc tài ngăn chặn mọi tiếng nói của các thành phần khác thôi. Sao T.T. không đợi cho mặt nạ họ rớt ra đã rồi hãy hành động? Như thế có phải mình lại được tiếng là anh hùng dẹp loạn không?"
Gật gù tán thành "A... công xây ê tát nước (conseiller technique) này cũng có vẻ có lý đó."
Phi cơ quần mấy vòng trên không phận Tân Sơn Nhứt. Mọi người vẫn ngồi im lìm, bình tĩnh, nhưng không dấu được nét khẩn trương trên mặt. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao máy bay lượn mãi mà một lúc khá lâu mới đáp xuống được.
Mở cửa ra đã thấy Phan Đạm Liệu (sĩ quan tùy viên) của T.T. Kỳ mang hai sao (lon thiếu tướng) ra tận chân máy bay trao cho ông. T.T. Kỳ đang là chuẩn tướng, bây giờ mới chính thức được Tướng Khánh phong chức lên T.T. Đại Úy Liệu cười cười tiến gần đến T.T. Kỳ nói,
- "Ông biết ĐTK phong chức cho ông rồi, tôi đã mang sao ra đây. Ông đeo ngay cho nóng."
T.T. Kỳ gật đầu, cười hiền hòa, thái độ rất thân thiện với đàn em, ông giơ tay cầm lấy lon và quay sang tôi,
- "Nhờ cô Mai đeo dùm."
Tôi vội vàng xua tay và lắc đầu lia liạ, "Dạ không dám... không dám."
T.T. Kỳ nói, "Đây là truyền thống của KQ, bao giờ lên lon cũng dành vinh dự cho người đẹp gắn lon cho mình."
- "Vậy thì T.T. mời Chu cô nương gắn đi. Tôi không muốn nếm mùi Cửu Âm Chân Kinh đâu." Biết không ép được ông đành đút lon vào túi.
Tất cả lên xe đến bộ Tư lệnh KQ. Tôi xin phép về thì T.T. Kỳ nói,
- "Chung quanh TSN đã bị quân đảo chánh bao vây hết rồi. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cô đành ở đây để chia sẻ sống chết với chúng tôi thôi. Ai bảo Công xây ê tát nước khuyên nên đợi họ lộ diện đã rồi hãy hành động!" Nhìn thấy tôi tái mặt đi ông liền cười an ủi, "Tôi nói chơi thôi, không sao đâu. Nếu mệt cô cứ ngủ trên salon này, để tôi dặn tụi nó đừng ai vào đây cho cô ngủ và kiếm cho cô cái chăn nhé?"
Ngồi một mình trong văn phòng T.T. Kỳ tại Bộ Tư Lệnh KQ tôi nghe radio nhưng chẳng nghe được tin tức gì đặc biệt. Hình như thành phố và đài phát thanh chưa biết có đảo chánh?
Sau này tôi mới biết là Tướng Lâm Văn Phát, một tín đồ công giáo, cùng với Tướng Dương Văn Đức, Tư lệnh quân đoàn 4 và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo từ Cần Thơ đem quân về đảo chánh Tướng Khánh. Họ nghĩ rằng Tướng Khánh là người của Phật Giáo. Vào lúc đó Tướng Khánh đang nghỉ mát ở Đalat. Đại Sứ Mỹ Taylor cũng không có mặt ở Sàigòn. Chỉ có Phó Đại Sứ Mỹ là ông A. Johnson đang hiện diện ở Sàigòn và ông vẫn ủng hộ ĐTK.
T.T. Kỳ ra lệnh cho máy bay khu trục "quần" (danh từ KQ) trên đầu quân đảo chánh và "múc" mấy vòng quanh TSN. Những chiếc máy bay xà xuống thấp, dưới cánh mang đầy bom đạn, trông thật khiếp đảm. Với sức mạnh hữu hiệu, KQ có thể chặn đứng mọi chuyển biến cấp kỳ. Từ đó về sau bất cứ cuộc đảo chánh nào cũng đặt trọng tâm vây ngay TSN nhằm "tê liệt hóa" KQ trước tiên.
Không ngủ được tôi tò mò bước ra cửa, nhìn lên bầu trời không trăng sao. Những chiếc khu trục như những con thần điểu trong cổ tích ngày xưa đang xé không gian ngay trên đầu chúng tôi. Phản ứng tự nhiên tôi nằm rạp xuống đất lấy tay che đầu cảm giác sợ kinh hoàng. Tôi hết hồn chợt nghĩ, nếu thả bom hay xạ kích xe tăng của địch ở gần mình thế này thì chính mình cũng là nạn nhân chung rồi còn gì? Súng đạn nào trên cao có mắt để phân biệt đâu là bạn, đâu là địch?
Tôi nhớ đến ngày xưa hồi còn bé chạy loạn, chỉ có hai máy bay Bearcat loại rất nhỏ đuổi theo dân chúng chạy trên đồng lúa. Trời thì mưa tầm tã. Lúc đó em Thức và tôi còn quá bé được mẹ thuê người gánh chạy. Mỗi lần máy bay vòng lại xạ kích thì mọi người nằm rạp xuống ruộng nước, quên cả em Thức và tôi còn đang ngồi trong "thúng." Hai chị em chỉ biết sợ hãi khóc thét lên chứ đâu biết nằm núp xuống! May quá, trời thương, nên vẫn được bình an vô sự.
Đang lo sợ hoang mang thì tướng T.T. Kỳ bước từ war room ra. Thấy tôi co ro đứng ngoài hành lang một mình, ông giơ tay khoác vai và dìu tôi bước trở vào phòng, tay nhè nhẹ vỗ về an ủi. Một cảm giác êm đềm, như được che chở giống ngày bé dại, khi bố tôi còn sống...
T.T. Kỳ dìu tôi ngồi xuống ghế âu yếm hỏi:
- "Có sợ không?" Tôi khe khẽ gật đầu. Nhẹ nắm tay tôi ông nói,
- "Không sao đâu. Đã điều đình xong rồi họ sẽ rút quân vô điều kiện." Rồi trở lại vẻ tinh nghịch ông trêu tôi,
- "Sao? Công xây ê tát nước có vẻ "chì" lắm mà cũng biết sợ à?"
Tôi xấu hổ chống chế, "Dạ tại nhớ lại lúc chạy loạn ngày xưa bị máy bay rượt còn có gia đình bên cạnh...nhưng nếu hôm nay xẩy ra chuyện gì thì... không có ai"
Nhỏ nhẹ ông đáp "Có chứ..."
Tôi đánh trống lảng, bắt sang chuyện khác "Mà xin hỏi thật T.T., nếu họ không chịu rút quân thì T.T. có thả bom thật không? Địch gần như thế mà thả bom thì mình cũng chết chung rồi còn gì!"
Để một ngón tay lên miệng "Shushh..." ông cả cười, như kẻ vừa tháu cáy được ván bài, thú vị ông nói "Thế mà họ không nghĩ ra và chịu rút quân vô điều kiện đó."
Tôi cũng phì cười trước thái độ của ông rồi nói, "Thực sự bây giờ tôi mới đỡ lo. Hôm nay đã bước sang ngày 14/9/64. Hôm qua vẫn còn 13 nên sợ xui."
Lắc đầu ông nói, "Lại dị đoan! Có nhiều ông tướng cũng luôn bấm độn xem giờ tốt mới hành quân. V.C. biết được nên đã lợi dụng lúc đó để chuyển vận rất an toàn, những bí mật quân sự mà để cho địch nắm được tẩy thì chết rồi."
- "Vâng T.T. nói đúng, thế còn trong tình cảm thì sao?"
- "Cũng phải giữ tẩy thôi, vấn đề là nếu gặp phải đối tượng quá thông minh thì họ cũng đọc hết tẩy mình rồi."
- "T.T.! T.T. đang nói gì thế? Tại sao lúc này còn đùa?"
- "Cô có thấy tôi giống nói đùa không?"
- "T.T. à tôi đang muốn cắn lưỡi vì bầy đặt nói lung tung dể liên lụy đến T.T. đây bây giờ phải làm sao?" Ông cười khi thấy tôi mếu máo sắp khóc. Ông nắm tay tôi an ủi, nghiêm nghị nói "Cô Mai, không sao đâu, đã dàn xếp song, họ sẽ rút quân và tôi đã bảo đảm an ninh cho họ. Tôi hứa sẽ đưa thỉnh nguyện của họ ra trước hội đồng tướng lãnh và mọi thắc mắc sẽ đưa ra để giải quyết nhưng không cho phép làm loạn tình thế lúc này không có lợi. Công xây ê tát nước rất giỏi, rất có lý. Chúng ta sang câu lạc bộ ăn sáng rồi cho xe đưa cô về."
Tôi không che dấu nổi vui mừng la lên "Thật không T.T.? Chắc tại suốt đêm tôi niệm Phật xin cho mọi sự giải quyết êm đẹp và đừng đổ máu nữa. Cám ơn Trời! Xin cho một phút thay đồng phục vì tôi phải sang AVN làm báo cáo trước khi về."
Tôi đi thay đồ, vừa mặc đồng phục ra, tôi còn cầm áo chemise trong tay thì TK đã gần như giật lấy áo "Cô Mai cho tôi chiếc áo này làm kỷ niệm nhé?" Nói rồi tay kia ông đưa ra một đĩa hát "Unforgettable" với tiếng hát của Nat King Cole, "Tôi mua cái này từ Bangkok để tặng cô." Ông nhìn tôi, lại ánh mắt đa tình ấy...cười đằm thắm "Cô Mai giỏi lắm, nói chuyện với cô tôi thật đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không ngờ cô còn trẻ mà cũng có kiến thức chững chạc. Nếu tình hình yên ổn tối mai tôi mời cô đi ăn được không?"
- "Cám ơn T.T., nhưng sợ không tiện."
Bài viết hay quá.Hãy cùng chúng tôi chung tay bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp. Liên hệ Công ty tư vấn môi trường Phong Việt
ReplyDeleteChuyên viên môi trường - Hoàng Hải Vy - 0912.811.100
Trụ sở chính :97 - 99 Tôn Thất Đạm, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Văn phòng : 372/1 Nguyễn Văn Nghi, Phường 7, Quận Gò Vấp
Tham khảo: Đề án bảo vệ môi trường chi tiết tại Tp. Hồ Chí Minh
de an bao ve moi truong chi tiet tai Tp. Ho chi minh