Sunday, November 21, 2010

“Hiểu con”, chuyện chẳng bao giờ cũ

“Hiểu con”, chuyện chẳng bao giờ cũ (06/11/2010)





Hiểu con để dạy con


Thường thì cha mẹ nghĩ rằng, cho rằng mình là người hiểu con nhất, để rồi bênh con, che chở cho con, phía sau đó cũng là sự biện bạch cho chính mình. Cả việc “chạy” cho con khi con bị gặp “sự cố” nào đó; để rồi ngộ ra cái sự ngộ nhận của mình về con cái thì có khi đã muộn.

Cũng có thể cha mẹ là người hiểu con nhất, thế nhưng hiểu đúng về con thì đã chắc gì! Ở đây có nhiều lẽ: Một, đó là sự hiểu biết này luôn mang đậm dấu ấn chủ quan bởi quan hệ máu mủ ruột rà đến mức “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên “mẹ hát con khen hay” và luôn “đóng cửa bảo nhau“, “đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, cũng là cái lẽ thường tình, tự nhiên nên càng phải khách quan tỉnh táo; hai, nhiều khi cái sự hiểu biết ấy lại là suy ra từ thời làm con của mình, ngày xưa mình cũng là vậy, như thế! Trong khi đó giữa cha mẹ và con cái là khoảng cách thời gian xã hội,... của hai thế hệ, với sự vận động biến đổi phức tạp và gia tốc.

Ngày xưa bằng tuổi con, mình đâu có sống, học tập, hoạt động, giao lưu, tiếp xúc như con mình bây giờ. Mỗi thời mỗi khác, và cái rất khác, rất mới hôm nay là lớp trẻ cùng với môi trường sống thực còn là môi trường sống ảo, là thế giới của đủ loại mạng... đó là bao sự cuốn hút không thể định hướng, kiểm soát nổi. Lại nữa là quan hệ tiếp xúc tình cảm, tâm tư thường nhật giữa con cái và cha mẹ giờ đây đang trở nên thưa vắng, lỏng lẻo, vội vã; dưới mỗi mái nhà là một gia đình thì các gia đình ấy đã trở thành gia đình “hạt nhân”, còn mái nhà đã trở thành mái nhà “điện tử“, ở đó con người xoay quanh cái trục cá nhân của chính mình, cùng với đề cao cá nhân, tôn trọng cá tính là sự suy giảm tình thương và ý thức về bổn phận. Cha mẹ thì lo làm ăn, kiếm sống, thu nhập, thăng tiến còn con cái thì chịu bao áp lực của học tập, thi cử, chạy theo thành tích, danh hiệu đủ loại.

“Hiểu con để dạy con” cái mệnh đề tư duy sư phạm gia đình này giờ đây cũng cần nhận thức lại cho đúng, bởi hiểu con cũng chính là hiểu mình, hiểu con là dạy con. Từ hiểu đúng mà có sự cảm thông, chia sẻ, tự điều chỉnh, cảm hóa lẫn nhau, khi ấy niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa. Giáo dục gia đình, gia giáo là sự làm gương, nêu gương, noi gương, mỗi người soi vào gương người khác mà nhận ra mình ở trong đó, trong sáng, cao thượng, vị tha hay bụi bậm thấp hèn, vị kỷ, rất nhạy cảm. Xin đừng nghĩ rằng những điều nêu trên là lí sự... dông dài, đã quá xưa cũ.

Đang có quá nhiều câu hỏi dành cho con mà lại là dành cho cha mẹ, những người luôn cho rằng mình đã hiểu con. Chẳng hạn như: con mình có hay không là người vô tâm, vô tư, vô cảm hay là người hay lo, lo nghĩ, lo lắng, lo âu, lo toan. Ở con mình điều gì là niềm vui, đem lại mừng vui cho con, mới đây, hôm nay; và nó đang buồn về nỗi gì, vì sao? Con mình có giận ai bao giờ, vì sao? Với con điều gì nó cho rằng dễ ghét, đáng ghét nhất ở một con người, và điều gì cần có để con người trở nên đáng yêu, đáng quý, mến trọng, theo sự cảm nhận của chính nó? Với con mình có ai, có điều gì trong cuộc sống xung quanh khiến nó sợ, và có khi nào con tự nhủ rằng “sợ gì! chẳng có gì đáng sợ”...Đây là những cảm nhận, những suy tư, trải nghiệm, tạo nên đời sống tâm lí của con cái, qua hoạt động và giao tiếp, dần dần được sàng lọc, lắng đọng thành những phẩm chất xã hội, văn hóa, đạo đức, thành tính nết, tính cách của con, từ tuổi mới lớn mà đi vào tuổi trưởng thành.

Xin được góp thêm một góc nhìn về dạy con.
N. Đ. T

No comments:

Post a Comment