Monday, November 29, 2010

Ai đi ngoài sương gió

Ai đi ngoài sương gió
Anh báo trẻ nói cuối tháng sẽ trả nhà, sẽ không tiếp tục bám mảng thời sự của mảnh đất nhiều… thời sự này nữa. Hỏi sẽ đi đâu, cậu nhỏ ngó ra ngoài trời, cười nhẹ, “em lang thang Bạc Liêu, Sóc Trăng, qua miệt Hậu Giang hay Kiên Giang chưa biết chừng…”
Cũng phải, anh trẻ này cực kỳ “ngọt” với thể loại phóng sự, ký sự mà muốn săn được nhiều phóng sự thì chịu khó đi. Cũng phải, anh trẻ vẫn chưa vướng bận vợ con gì, tha hồ mà lang bạt kỳ hồ. Cũng phải, đã đến lúc cởi bỏ cái áp lực quay cuồng với những tin tức nóng cho đủ… chỉ tiêu. Cũng phải, đất này chật quá, anh viết trong cơn tranh đấu không ngừng, giữa sự thật và những cái vỗ vai thân ái của chú Ba, chú Bảy…Bạn bè viện dẫn vài ba cái lý do để gật gù, để che giấu sự lo lắng trong lòng. Tự hỏi, đó là cái chông chênh tự nhiên của một người khi hay bạn mình sắp đi xa, sau này muốn ngồi cafe với nhau cũng khó, dù lắm lúc gặp chỉ hỏi một câu, “lúc này có gì mới ?”, sau đó thì ai nấy gục đầu vô mấy tờ báo. Hay do bản năng phụ nữ, bỗng dưng cậu nhỏ gọi mình chị ơi chị à giờ lại khăn gói đi xa, mà dáng vẻ nó vốn gầy gò, khắc khổ như trái mướp khô.
Hay sự bất an này có nguyên nhân từ những chuyện anh báo trẻ vừa trải qua. Tháng trước anh bị một anh công an khu vực khóa tay trong khi đang chụp ảnh mấy căn nhà đang cháy. Vài ngày trước đó anh cũng có mặt trong vụ một sỹ quan quân đội đập phá máy ảnh và đánh nhà báo. Và những lời hăm dọa, mua chuộc qua tin nhắn, qua điện thoại mà anh đã nhận trong suốt hành trình làm báo của mình. Nên từ lâu đã thấy sương gió vờn quanh chỗ anh trẻ đứng, ngồi. Nghề báo bắt đầu lộ rõ sự bất trắc, khi thi thoảng lại gặp những mẫu tin người báo bị đánh đập, hành hung, rồi thì lao lý… Cái nghề ai cũng nghĩ là sang, là oai bỗng dưng cũng nhiều rủi ro, gần giống như anh thợ hồ bị sập giàn giáo, như anh thợ mỏ bị sập hầm lò, như khu chợ của những chị bán vải bị cháy….
Những tin tức bất an đôi lúc khiến người báo tỉnh nhỏ như lạc đi, chẳng biết đi đâu, làm gì, viết gì, mình là ai,?! Nhưng tới đây, cậu nhỏ mới gió sương thật sự, đương đầu với bất trắc thật sự. Những bất trắc không cần cơn cớ, có thể một anh dân phòng say quá nên nện cho anh báo trẻ này mấy dùi vì cái tội… nhìn mặt thấy ghét. Có thể anh bị cho ngủ với bầy muỗi đói một đêm vì la cà trong vụ khiếu kiện đông người. Anh cũng có thể bị hoạnh họe cả ngày bởi một anh công an xã nông nổi. Thí dụ vậy, và anh không thể dùng lý lẽ để bảo vệ mình, bởi ngay từ đầu luật đã bị lệ vô hiệu hóa. Anh sẽ rút thẻ nghề ra, như dùng đến con dao hai lưỡi, những người này không yêu anh, trước giờ họ cười với anh vì họ sợ. Bây giờ thì họ không sợ nữa.
Giữa những tai nạn đó, cậu nhỏ không có bạn bè ở bên, để nhận vài câu hỏi han, khích lệ tay đã bớt đau chưa, sao lúc này ốm vậy, kiếm gì đó viết đi, viết cho người nghèo đỡ bị quên… Nhưng cậu nhỏ chọn rồi, dấn thân. Quen sương gió dưới mái nhà nên ngại gì sương gió đường xa, cậu ta chặc lưỡi, phẩy tay ra chiều khinh bạc, một nỗ lực ngượng ngập những mong xóa tan sự lo lắng của bạn bè. Buổi sáng giữa tháng mười ấy, có xe bán bong bóng đi qua, nó phát một bài nhạc ngớ ngẩn, “Anh chỉ biết câm nín nghe tiếng em khóc”. Bài hát này nói giùm lòng ai vậy trời ?!
(bài đăng TBKTSG)

No comments:

Post a Comment