Hồi Ký Đặng Tuyết Mai
Categorized:
• Dang Tuyet Mai Biography
FOREWORD
Ngày Mother's Day này KD nhận được một món quà thật đặc biệt từ mẹ của KD. Món quà không phải là quần áo, nữ trang, đồ dùng...v.v. Món quà cũng không được gói trong hộp bọc giấy mầu, thắt bằng những sợi ribbon xinh xắn, như mẹ vẫn thường tặng KD. Món quà này chỉ vỏn vẹn là bốn trang giấy trắng với những giòng chữ viết tay ngoằn ngoèo, nhưng cầm vào KD bỗng cảm thấy một nguồn xúc cảm dâng tràn vì tựa bài viết là "Hồi Ký Đặng Tuyết Mai."
Với KD, đây là món quá vô giá, vì đứa con nào cũng muốn được nghe câu chuyện tình của bố mẹ nó, dù bố mẹ nó đã xa nhau, nhưng ít ra nó cũng biết rằng ở một thời điểm nào, một không gian nào... bố mẹ nó đã yêu nhau thật sự và nó là kết quả của tình yêu đó.
Kỳ Duyên
May, 2009
Kỳ Duyên và mẹ Đặng Tuyết Mai - 1966
Sàigòn 1964...
Tôi nằm, vươn vai trên giường, nướng thêm cả tiếng nữa mặc dù không thể nào dỗ giấc ngủ trở lại... Bõ những khi phải dậy từ 3, 4 giờ sáng, sửa soạn đi bay. Nhớ đến giọng "ranh con" của con em họ tên Oanh, mỗi lần thấy mình dậy sớm mà nó còn được ngủ là nó lại buông câu trêu ghẹo: "Đúng là thân trâu ngựa có khác."
Thật ra, không đến nỗi phải đi bay sớm đến thế, nhưng xe đưa đón của Air Vietnam (AVN) bao giờ cũng có bổn phận phải đón toàn thể nhân viên của cùng một chuyến bay một lúc. Mặc dù, mỗi người ở một ngã, có khi hoàn toàn ngược đường với nhau. Cũng may vì đi sớm, nên đường Sàigòn còn vắng.
Cuối cùng rồi tôi cũng đành dậy. Nhìn đồng hồ mới 9 giờ sáng, sự hồi hộp trong lòng không cho tôi thảnh thơi nghe nhạc, hay đọc nốt cuốn "Le Fil du Rasoir" của Somerset Maugham mà tôi đang say sưa đọc đến nỗi không buông sách xuống được.
Trưa nay, tôi có hẹn với Thiếu Tướng Kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ sau chuyến bay "định mệnh" từ Bangkok về. Lúc đó, tôi được Air Vietnam biệt phái sang Không Quân trên chuyến bay cùng T.T. Kỳ đưa phái đoàn Không Quân sang Bangkok thăm viếng 1 tuần.
Mỉm cười một mình, nhớ đến giọng nói rất "Bắc Kỳ" vừa trầm, vừa ấm, phải nói là rất quyến rũ mới đúng. Không biết học ở đâu mà "Ông" hay dùng âm hưởng Huế để nói câu "Buồn chi lạ" mỗi khi mời tôi đi ăn hay đi shopping và mà bị từ chối.
Tối hôm đầu tiên ở Bangkok tôi có hẹn đi ăn với một người bạn ngoại quốc, nên đang đứng chờ ông ta dưới lobby. Bất ngờ phái đoàn không quân gồm có rất nhiều nhân vật nổi danh như Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử (thả bom dinh Độc Lập rồi trốn qua Cambodge) , Đại Tá Vũ Văn Ứơc, Nguyễn Thanh Lịch, Luận "Mặt Xám"...v.v., cũng xuống lobby để đi ăn ở tòa Đại Sứ Việt Nam ở Bangkok. Thấy tôi đứng một mình Đại Tá Ứơc bước lại cười hỏi:
-"Mời Cô Mai đi ăn chung với tụi này cho vui?"
Tôi từ chối. Thế là cả phái đoàn xúm lại năn nỉ, rủ rê, thậm chí còn có người "dùng áp lực" nêu cả tình thần yêu nước và mầu cờ sắc áo để ép tôi đi chung. Ngay lúc đó thì một người làm việc trong hotel chạy đến hỏi Tướng Kỳ:
-" Có phải ông là Mr. Kỳ mà bốn năm trước đã ghé ngang đây ở một tuần? Ông có còn nhớ Cô X chứ? Cô ta đã chờ ông cả ba năm và rất tin tưởng ông sẽ trở lại. Cô ta mới lấy chồng chừng bốn tháng nay thôi."
Bầu không khí đang ồn ào cười nói, bỗng im phắc bởi vẻ mặt rất nghiêm nghị lẫn trách móc của người nhân viên này. Tôi đứng khá xa nên không nghe T.T. Kỳ nói những gì với ông ta - vẻ mặt rất ân hận. Và từ đó T.T. Kỳ không nói gì nữa. Chắc là những kỷ niệm năm xưa đang ùa tới.
Thế rồi sự gì phải đến đã đến. Tôi đương nhiên phải nhượng bộ đám đông, nhận lời đi ăn với điều kiện là chỉ đi ăn chung tối nay mà thôi. Thì giờ còn lại 1 tuần lễ ở Bangkok sẽ là của riêng tôi. Mọi người đều vui vẻ đồng ý.
Người bạn tôi đang đợi tên là Smith. Ông là người Anh, là Giám Đốc Hãng Hàng Không B.O.A.C. ở Bangkok. Ông ta theo đuổi tôi đã lâu, nhưng tôi chưa một lần đi chơi với ông. Mỗi lần ông đến Sàigòn mời tôi đi chơi, tôi đều viện cớ là ở Việt Nam mọi người rất có thành kiến với những người con gái đi chung với người ngoại quốc. Tôi hứa bao giờ đến Bangkok, tôi chắc chắn sẽ nhận lời mời của ông.
Tất cả các bạn Hotesse của tôi đều thích ông ta, nhất là Nghiêm Xuân Thúy. Cô vẫn có "khuynh hướng" thích người ngoại quốc. Những người bạn khác thường hay nhận được quà của ông ta nên ông luôn luôn biết hành trình bay của tôi. Lần này đến Bangkok tôi không hề gọi, mà vừa đến hotel là đã nhận được message của ông mời tôi đi ăn tối nay. Cho nên khi ông gọi lại, tôi đã nhận lời và còn nhờ ông trên đường đón tôi tối nay, xin ghé tiệm son phấn nào để mua cho tôi một cây viết chì kẻ lông mày vì tôi đã sơ ý đánh rơi đâu mất.
Đúng 7:30, xe limousine đến. Smith, bước ra, tay cầm một giỏ hoa rất đẹp và tay kia cầm một basket đồ make-up. Chỉ xin một cây viết chì mà ông mua luôn một collection make-up của Chanel, không thiếu món gì. Trông Smith thật đẹp trai và long trọng trong bộ đồ veste rất "Ăng Lê," rất "Giám Đốc" của ông. Ai cũng nói ông trông rất giống Prince Phillip, chồng của Nữ Hoàng Elizabeth vì cũng cao và có mái tóc vàng.
Trước mắt mấy chục sĩ quan Không Quân, tôi đã phải ra xin lỗi Smith rất nhiều và hứa sẽ đi chơi với ông cả ngày mai nếu ông không bận đi làm. Dĩ nhiên, là một English gentleman, Smith đã thật lịch sự, thông cảm, đi về và chúc tôi một buổi tối vui.
Tôi được mời lên xe của T.T. Kỳ cùng đến Toà Đại Sứ, suốt dọc đường ông không nói chuyện, không khí thật nặng nề cho đến cuối bữa ăn, ông tự nhiên thốt lên như nói với chính mình "Buồn chi lạ. Không ngờ mình đã vô tình đi qua đời một người đàn bà và bây giờ đang có một người đàn bà vô tình bà đi qua đời mình...????" Chúng tôi vẫn im lặng suốt buổi tối và cả trên đường về. Anh Kỳ không có cặp mắt đẹp Tây Phương, nhưng ánh mắt anh thật cô đọng và buồn. Tôi bắt gặp ánh mắt ấy và trằn trọc suốt đêm không ngủ. Tại sao....?
Sáng sớm hôm sau, biết rằng phái đoàn phải đến trình diện Vua Thái Lan và một số sĩ quan K.Q. sẽ được gắn huy chương cao quý của Không Quân Thái Lan. Tôi thức dậy điện thoại order Room Service, nhìn đồng hồ đã gần 8:30 sáng. Tôi vội vàng với tay khoác chiếc Kimono đỏ, tay dài quét đất mới mua tháng trước trong chuyến ghé Tokyo. Dùng lược sơ sài chải tóc, thả xõa xuống vai. Tự ngắm mình trong gương, có vẻ hài lòng và tự tin, tôi mở của balcon bước ra từ lầu 4 nhìn xuống đường rất rõ.
Tất cả sĩ quan K.Q. đang tụ tập ngay ngoài cửa hotel. Xe bus cũng đang đậu sẵn đó, có lẽ chỉ chờ T.T. Kỳ ra là khởi hành. Có tiếng gõ cửa phòng, tôi đoán là nhân viên khách sạn mang thức ăn sáng lên. Chạy vội ra mở cửa, chẳng buồn nhìn lên, tôi vội vã quay lại balcon chỉ sợ không nhìn thấy phái đoàn khởi hành. Đứng đã khá lâu mà không nghe động tịnh của nhân viên yêu cầu ký tên. Tôi quay mặt lại và suýt la lên ngạc nhiên. Đứng yên ngoài cửa là T.T. Kỳ trong y phục Đại Lễ của Không Quân, mũ mãng chỉnh tề, huy chương đầy ngực, cả huy chương thòng, gươm ngắn đeo bên hông trông thật oai phong. Hai tay ông đang bưng khay thức ăn sáng của tôi. Mắt trìu mến ông nhìn tôi không chớp và khẽ âu yếm nói: "Chúc Cô Mai ngon miệng nhé."
Tôi, như người bị thôi miên, đứng chết trân, không nhúc nhích. Cuối cùng bằng giọng cảm động tôi khẽ nói: "Thưa Thiếu Tướng, trong tất cả những hình ảnh đẹp và hào hoa của người Không Quân, hình như hình ảnh người sĩ quan, quần áo chỉnh tề, tay bê khay đồ ăn cho người yêu của mình là ý nghĩa nhất. Hình ảnh đó nói lên hạnh phúc của một quê hương hòa bình và no ấm. Bởi người lính không cần đi hành quân chém giết nhau nữa mà chỉ ở nhà lo cho gia đình nhỏ bé của mình. Và thưa Thiếu Tướng hình ảnh này chắc chắn sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm tôi. Cám ơn T.T."
11 giờ trưa, Smith đến đón. Chúng tôi ăn cơm trưa trên thuyền. Ông đưa tôi đi xem tất cả thắng cảnh, chùa chiềng của Bangkok. Buổi tối dùng cơm ở khách sạn sang trọng Penninsula. Có những nhạc sĩ kéo violin đến tận bàn trình diễn những bài nhạc yêu cầu thật tình tứ. Vậy mà, không hiểu sao lòng tôi nao nao chỉ muốn về. Cuối cùng 10:30 chúng tôi đã về tới hotel. Bước vào lobby giật mình, vì T.T. Kỳ đang ngồi đó một mình. Vừa thấy tôi giọng ông buồn buồn có vẻ như hờn mát, "Sao, Cô Mai đi chơi có vui không?"
Tôi cố tình tỏ ra thản nhiên trả lời, "Dạ vui lắm cám ơn T.T."
Rồi tỉnh bơ tôi nói "good night" và bước vào thang máy lên phòng...
Sáng hôm sau điện thoại reo, lại giọng trầm ấm, "Cô Mai ngủ ngon không? Có dậy nổi xuống ăn sáng với chúng tôi không?" Gần như với một tâm trạng tội lỗi và ân hận, tôi vội trả lời "Vâng tôi dậy rồi sẽ xuống ngay trong 15 phút."
Xuống tới phòng ăn gặp gỡ mọi người chào hỏi vui vẻ, không khí thật thân mật. Đại Tá Ứơc, đúng là vua tán gái, cứ ngồi cạnh tôi hỏi đủ thứ chuyện. T.T. Kỳ kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi và cười cười nói với Đại Tá Ứơc:
- "Ứơc...nhẹ tay thôi."
Mọi người đều phá lên cười. Ăn sáng song, T.T. Kỳ hỏi tôi:
-"Theo như quy ước đêm qua, chúng tôi không nài ép cô, nhưng chúng tôi có chương trình đi shopping. Nếu Triệu Cô Nương rảnh, thì mời đi chung với tụi tôi cho vui. Tin chắc là cô biết rất rõ Bangkok sẽ hướng dẫn và giúp ý kiến chúng tôi mua quà cho thân nhân."
Tôi buột miệng hỏi lại:
-"Vô Kỵ Công Tử muốn mua quà cho Chu Chỉ Nhược Cô Nương à?"
-"Ai? Ai là Chủ Chỉ Nhược"
-"Không biết nữa, nhưng nếu đã có Vô Kỵ, Triệu Minh, thì phải có Chu Chỉ Nhược Chứ"
(Những tên trên đây, Triệu Minh, Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược đều là những nhân vật trong cuốn võ hiệp kỳ tình "Cô Gái Đồ Long" của Kim Dung)
No comments:
Post a Comment