Sunday, November 28, 2010

Sự mù quáng của 1 nữ luật sư trẻ

Lê Thị Công Nhân và sự mù quáng của 1 nữ luật sư trẻ

Trong thuật ngữ của các tổ chức phản động lưu vong, người ta gọi hành động lôi kéo " Lê Thị Công Nhân về Văn phòng Luật sư Thiên Ân của Đài để tiêm nhiễm tư tưởng chống đối Nhà nước là cách thức "phát triển kết nạp lực lượng".

Nguyễn Văn Đài - kẻ cơ hội và ngông cuồng (Bài 2)
Nếu ai được biết hoàn cảnh của Lê Thị Công Nhân có thể không dè sẻn lời khen để nói rằng đó là một cô gái có nghị lực. Sinh năm 1979 ở Gò Công Tây, Tiền Giang, năm 2 tuổi Lê Thị Công Nhân phải chịu cảnh bố mẹ chia tay nhau, từ đó đến nay cô gái này vẫn chưa được gặp lại người cha đẻ của mình là ông Lê Minh Đức. Hiện không rõ ông Đức làm gì, ở đâu vì thất lạc tin tức.
Lên 5 tuổi, Nhân theo mẹ từ Gò Công Tây, Tiền Giang, ra Hà Nội sống cùng mẹ và cha dượng là một giáo sư danh tiếng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm 1980, với đồng lương ít ỏi của mẹ là bà Trần Thị Lệ, một cán bộ bình thường của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thể nói cuộc sống của một gia đình 4 - 5 miệng ăn chắc cũng chẳng dư dả gì. Vậy mà, Lê Thị Công Nhân dẫu mới chuyển về Thủ đô nhưng có thể nói đã khá tu chí học hành để thi đỗ vào Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ra trường năm 2001, Nhân học tiếp một thời gian nữa để được cấp bằng luật sư và từ đó Nhân dường như muốn theo đuổi nghề luật sư lâu dài thì phải. Nếu nhìn ở góc độ nhân văn, phải chăng vì ngay từ bé, Lê Thị Công Nhân sống thiếu bố nên thường có mặc cảm bị bất công, vì thế khi trưởng thành cô muốn theo đuổi nghề luật sư để bảo vệ công lý, bảo vệ sự bình đẳng cho giới phụ nữ.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự phỏng đoán của người viết bài này. Bởi theo một lô gích bình thường thì biết đâu đi theo con đường chính thuận, Lê Thị Công Nhân hoàn toàn có cơ hội phấn đấu trở thành một nữ luật sư tài năng ở Việt Nam .
Bởi khác với Nguyễn Văn Đài phải đi đường vòng lên Vĩnh Phúc để được tham gia Đoàn Luật sư, Lê Thị Công Nhân được cấp bằng luật sư đàng hoàng ngay từ năm 2003 và sau đó có thời gian ngắn làm thư ký quan hệ quốc tế của Đoàn Luật sư Hà Nội. Như vậy, chí ít Nhân cũng có vốn ngoại ngữ thuộc diện "đọc thông viết thạo" mới được đảm đương nhiệm vụ đó.
Thế nhưng, dường như là không may khi đang còn quá trẻ, Lê Thị Công Nhân lại bị vướng vào "từ trường" của Nguyễn Văn Đài lúc cô gái này cần thời gian rèn luyện bản lĩnh nhất.
Vậy là có thể nói không ngoa rằng, Lê Thị Công Nhân bị Nguyễn Văn Đài lôi kéo, cám dỗ và trở thành thân tín của Đài trong các hoạt động chống đối Nhà nước. Trong thuật ngữ của các tổ chức phản động lưu vong, người ta gọi hành động lôi kéo "nữ nhi" Nhân về Văn phòng Luật sư Thiên Ân của Đài để tiêm nhiễm tư tưởng chống đối Nhà nước là cách thức "phát triển kết nạp lực lượng".
Khi bị bắt quả tang cùng Nguyễn Văn Đài đang tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam tại Văn phòng số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Lê Thị Công Nhân đã thừa nhận rằng chính Nguyễn Văn Đài đã giới thiệu cô ta quy đạo Tin lành tại Hội thánh Tin lành số 2 Ngõ Trạm, Hà Nội.
Trước đó, từ năm 12 tuổi, Lê Thị Công Nhân là tín đồ BAHA"I (tức đạo Bà hai, ánh sáng), nhưng từ năm 2005, Lê Thị Công Nhân và mẹ là Trần Thị Lệ đã bị Hội đồng tinh thần đạo BAHA"I Việt Nam truất quyền đầu phiếu do có những hoạt động vi phạm giáo lý, giáo luật… Thì ra việc "chuyển đạo", "đổi tín đồ" của Lê Thị Công Nhân là thể hiện cá tính bất ổn của cô, góp phần tạo nên những tiền đề thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước sau này.
Có lẽ vừa bị cám dỗ, vừa bị tiêm nhiễm lúc còn quá trẻ tuổi, cho nên chỉ trong một thời gian ngắn khi về Văn phòng Luật sư Thiên Ân, Lê Thị Công Nhân lao như con thiêu thân vào các hoạt động chống đối Nhà nước.
Ví như vào tháng 4/2006, Lê Thị Công Nhân đã ký tên ủng hộ cái gọi là "Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam 2006" và chủ động cùng Nguyễn Văn Đài tham gia "khối 8406" mà kẻ khởi xướng là Nguyễn Văn Lý, đối tượng lợi dụng tôn giáo ở Huế hoạt động vi phạm pháp luật vừa bị TAND Thừa Thiên - Huế xử 8 năm tù giam. Đây là một tổ chức được Nguyễn Văn Lý và đồng bọn thành lập một cách trái phép nhằm thực hiện hoạt động xuyên tạc, vu cáo, chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam .
Bản thân Lê Thị Công Nhân cũng thừa nhận đã ủng hộ cái gọi là "Hội dân oan Việt Nam" do Đài lập ra. Đặc biệt, theo lời Nhân khai, vào tháng 9/2006, cô ta đã chủ động xin gia nhập vào cái gọi là "đảng Thăng tiến Việt Nam" cũng do Nguyễn Văn Lý câu kết với bọn phản động lưu vong người Việt vừa nặn ra.
Không rõ vì bị kích động hay vì lý do gì nữa mà Lê Thị Công Nhân rất hăng hái ủng hộ cái đảng phản động này. Quyết liệt đến mức, từ 2/9 đến 5/9/2006, Nhân - một cô gái chưa chồng, nhưng đã dám chủ động "xăm xăm băng lối... tàu khuya một mình" vào tận Huế để gặp Nguyễn Văn Lý và một số nhân vật trong ban đại diện thành lập "đảng Thăng tiến Việt Nam" là Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Hoàng Thị Anh Đào ở 69 Phan Đình Phùng - Huế... Tại đây Nhân tham gia cùng bàn luận về nội dung của dự thảo "cương lĩnh" tạm thời, bàn việc quyết định tuyên bố công khai đảng này trên mạng Internet vào ngày 8/9/2006.
(Theo CAND)

No comments:

Post a Comment