Sunday, November 28, 2010

KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRA, BASA

GIỚI THIỆU KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRA, BASA
[28 - Jun - 2007 :

Cá tra phân bố ở một số nước Ðông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Indonexia và Việt Nam, cá ba sa có mặt ở Thái lan và các nước Ðông Dương. Ðây là những loài cá nuôi quan trọng có giá trị kinh tế. Riêng cá tra được nuôi phổ biến hầu hết ở các nước Ðông Nam Á, là một trong 6 loài cá nuôi quan trọng nhất của khu vực này

[http://agriviet.com]
Bốn nước trong hạ lưu sông Mê kông đã có nghề nuôi cá tra truyền thống là Thái lan, Capuchia, Lào và Việt nam do có nguồn cá tra tự nhiên phong phú. Ở Capuchia, tỷ lệ cá tra thả nuôi chiếm 98% trong 3 loài thuộc họ cá tra, chỉ có 2% là cá ba sa và cá vồ đém, sản lượng cá tra nuôi chiếm một nửa tổng sản lượng các loài cá nuôi. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã nuôi cá tra có hiệu quả từ những thập niên 70-80. Từ nửa đầu thế kỷ 20, nuôi cá trong ao mới bắt đầu xuất hiện ở đồng bằng Nam bộ và đối tượng nuôi chính là cá tra. Tài liệu thống kê của tỉnh An giang cho thấy năm 1985 có hơn 90% diện tích ao nuôi cá ở nông thôn của tỉnh lúc bấy giờ là nuôi cá tra. Tài liệu của Ủy Hội sông Mê kông cũng đề cập về hiện trạng nuôi cá tra ở miền Nam Việt nam những thập niên 50-70. Từ trước những năm 1970, kỹ thuật nuôi còn hạn chế, thì nghề nuôi cá còn mang tính chất đơn điệu với đối tượng nuôi chủ yếu là cá tra, các đối tượng khác rất ít. Hiện nay nuôi cá tra và ba sa đã phát triển ở nhiều địa phương, không chỉ ở Nam bộ mà một số nơi ở miền Trung và miền Bắc cũng bắt đầu quan tâm nuôi các đối tượng này. Nuôi thương phẩm thâm canh cho năng suất rất cao, cá tra nuôi trong ao đạt tới 200 - 300 tấn/ ha, cá tra và ba sa nuôi trong bè có thể đạt tới 100 - 300kg/ m3 bè. Ðồng bằng sông Cửu long và các tỉnh Nam bộ mỗi năm cho sản lượng cá tra và ba sa nuôi hàng trăm ngàn tấn. Nghề nuôi cá bè có lẽ được bắt nguồn từ Biển Hồ (Ton le sap) của Căm pu chia được một số kiều dân Việt nam hồi hương áp dụng khởi đầu từ vùng Châu đốc, Tân châu thuộc tỉnh An giang và Hồng ngự thuộc tỉnh Ðồng tháp vào khoảng cuối thập niên 50 thế kỷ trước. Dần dần nhờ cải tiến,bổ sung kinh nghiệm cũng như kỹ thuật. Nuôi cá bè đã trở thành một nghề hoàn chỉnh và vững chắc. Ðồng bằng sông Cửu Long có hơn 50% số tỉnh nuôi cá bè, nhưng tập trung nhất là hai tỉnh An Giang và Ðồng tháp, với hơn 60% số bè nuôi và có năm đã chiếm tới 76% sản lượng nuôi cá bè của toàn vùng. Nguồn giống cá tra và ba sa trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào vớt trong tự nhiên. Hàng năm vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch, khi nước mưa từ thượng nguồn sông Cửu Long (MêKông) bắt đầu đổ về thì ngư dân vùng Tân châu (An giang) và Hồng ngự (Ðồng tháp) dùng một loại lưới hình phễu gọi là 'đáy' để vớt cá bột. Cá tra bột được chuyển về ao để ương nuôi thành cá giống cỡ 7-10cm và được vận chuyển đi bán cho người nuôi trong ao và bè khắp vùng Nam bộ. Khu vực ương nuôi cá giống tập trung chủ yếu ở các địa phương như Tân châu, Châu đốc, Hồng ngự, các cù lao trên sông Tiền giang như Long Khánh, Phú thuận. Trong những thập niên 60-70 thế kỷ 20, sản lượng cá bột vớt mỗi năm từ 500-800 triệu con và cá giống ương nuôi được từ 70-120 triệu con. Sản lượng vớt cá bột ngày càng giảm do biến động của điều kiện môi trường và sự khai thác quá mức của con người. Ðầu thập niên 90, sản lượng cá bột vớt hàng năm chỉ đạt 150-200 triệu con (Vương học Vinh, 1994). Nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá tra được bắt đầu từ năm 1978 và cá ba sa từ 1990. Mỗi năm nhu cầu con giống cá ba sa từ 20-25 triệu con. Từ năm 1996, trường Ðaị học Cần thơ, Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II, công ty Agifish An giang đã nghiên cứu nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ và cho đẻ nhân tạo cá basa thành công, chủ động giải quyết con giống cho nghề nuôi cá ba sa.


Kinh nghiệm nuôi cá tra thịt trắng
[18 - Aug - 2007 ::: buiviethung]

Cá tra đánh bắt ngoài tự nhiên tại các vùng nước sạch đều có thịt màu trắng, trong khi cá tra nuôi hầm, bè thịt cá thường bị vàng, nên hiệu quả xuất khẩu không cao.
Nguyên nhân chính là do môi trường nước nuôi và nguồn thức ăn. Kinh nghiệm của người nuôi cá tra ở Đồng Tháp cho thấy: nếu sử dụng các loại thức ăn xanh (rau muống), bắp, bí đỏ, cua đồng... chất kết dính (bột gòn) chắc chắn thịt cá sẽ có màu vàng.
Khắc phục:


[http://agriviet.com]Sử dụng thức ăn: nhiều hộ nuôi cá tra cho biết, cùng với thành phần thức ăn như rau muống, cám tấm nấu, cá tạp xay nhuyễn... nếu được ủ lên men bằng hèm rượu sau 24 giờ mới cho cá ăn thì thịt cá sẽ trắng đẹp do quá trình ủ lên men đã phân huỷ một số diệp lục tố trong rau muống. Theo kinh nghiệm, với thành phần thức ăn 45% cám, 40% cá biển, 15% bã hèm rượu, phối thêm ít vitamin, Premix. Ngày trung bình thay nước 5 giờ (khoảng 15% nước ao, dù tảo có phát triển nhưng chất lượng cá vẫn không bị vàng).
Điều này cho thấy, bã hèm rượu với một lượng vừa phải, khoảng 10 – 15% bổ sung liên tục vào thành phần thức ăn của cá, sẽ giúp cá có sức đề kháng tốt, ít bệnh và cá đạt tỷ lệ thịt trắng cao.
Môi trường nuôi:
Trên thực tế, cá tra nuôi ao nước tĩnh, ít thay nước, hệ số thức ăn thấp, tỷ lệ sống cao, cá ít bị bệnh nhưng thịt hay bị vàng. Cá tra nuôi ao bãi bồi có chế độ thay nước thường xuyên, hệ số thức ăn cao, tỷ lệ sống thấp hơn, thịt cá thường có màu trắng. Với cá nuôi bè, đăng quầng nước chảy, hệ số thức ăn cao, tỷ lệ sống đạt 70 – 75%, nhưng thịt cá trắng đẹp. Song mô hình này phải theo dõi chăm sóc tốt vì cá thường bị bệnh do phụ thuộc thường xuyên vào môi trường nước.
Như vậy, nếu giữ được môi trường nước nuôi trong sạch, không để tảo phát triển bằng các mô hình nuôi chủ động thay nước như nuôi đăng quầng, nuôi trong ao ven sông, có chế độ ăn thích hợp và định kỳ xử lý đáy ao nhằm giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, kết hợp với kinh nghiệm cho thêm hèm rượu trong thức ăn, sử dụng con giống nhân tạo, cá tra thương phẩm sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra, nuôi cá tra thương phẩm cần phải chú ý đến thời điểm nước xoáy (vào khoảng đầu tháng 5 âm lịch). Lúc này, nước sông có màu đỏ son, cá tra nuôi bè, đăng quầng sẽ bị ảnh hưởng đến màu thịt. Vì vậy người nuôi hạn chế thu hoạch vào thời điểm này.
Trong những ngày nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước sông trên 290C và nhiệt độ nước ao nuôi trên 380C) cũng có thể làm cho màu và thịt cá tra kém chất lượng.
Tác giả: Ks. Châu Minh Chinh
Nguồn: TC Khoa học và Đời sống, tháng 10/2004, tr. 75.


NÔNG NGHIỆP
Liên kết nuôi cá tra, ba sa: Xu hướng mới
Thứ bảy, 26/06/2010, 04:12 (GMT+7)
Tại buổi họp báo mới đây, Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu cá tra, ba sa đang tăng mạnh về lượng với trên 120 thị trường, trải đều từ những quốc gia có GDP cao như Mỹ, các nước EU, Australia, Nga… đến những nước có GDP trung bình như Mexico và cả những quốc gia vùng Bắc Phi và Trung Đông thuộc nhóm nước Hồi giáo…

Hệ lụy của tự phát

Chỉ khoảng 6.000ha cá tra, cá ba sa nuôi nông dân Việt Nam đã thu về khoảng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong khi mặt hàng tôm để thu được trên 1,5 tỷ USD kim ngạch mỗi năm phải cần đến khoảng 600.000ha mặt nước. Điều này cho thấy, giá trị mang lại từ 1ha đất nuôi cá quá sức hấp dẫn. Không chỉ diện tích nuôi cá tăng mà đối tượng nuôi cá cũng tăng nhanh trong thời gian ngắn, từ những người nuôi cá chuyên nghiệp đến người trồng lúa, người có tiền ở nơi khác và cả người… bán vàng cũng tham gia.

Hệ lụy của sự tự phát này đang để lại những hậu quả đáng tiếc. Nguồn cung dồi dào dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) để giành khách hàng, nhà nhập khẩu nước ngoài được dịp ép giá. Cá tra, ba sa Việt Nam bị đánh thuế do bán phá giá từ thị trường Mỹ từ việc giảm giá này. Do tỷ giá đồng EUR giảm so với USD khiến hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường chung này khi quy ra USD bị đẩy giá lên quá cao. Nhà nhập khẩu không chấp nhận giá cao, do vậy buộc phải giảm giá bán.

Điều đó giải thích vì sao, những tháng qua sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá trị lại giảm mặc dù nhu cầu vẫn còn nhiều. Hiện nay, giá cá tra phi lê vào loại thấp, trên dưới 2USD/kg so với trên dưới 3 USD/kg như trước. Hậu quả, giá mua cá nguyên liệu ở ngưỡng 16.000 đồng/kg, người nuôi cá không thể có lời.
Giảm giá và thừa nguyên liệu liên tục mấy năm nay đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, lượng người nuôi phá sản ngày càng nhiều. Một thực tế, nguyên liệu thừa nhưng vẫn thiếu. Do tạo ra sự cung cầu không hợp lý: Thừa cá thịt đỏ, dư cá cỡ lớn trong khi cá thịt trắng, cỡ 800g/con lại khan hiếm.


Chế biến cá ba sa xuất khẩu ở Công ty QVD tại Đồng Tháp.
Chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn toàn cầu

Trước nguy cơ này, các nhà máy phải tự xây dựng vùng nguyên liệu từ khoảng 20%, lên 50%-60%, thậm chí có DN tự cung ứng nguyên liệu đến 90%.
Theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT Agifish (An Giang), so với nông dân, DN có lợi thế hơn khi đầu tư vào vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Do các nhà máy không thể tự tạo 100% nguồn nguyên liệu nên phải liên kết với những người nuôi có diện tích và vốn lớn. Việc liên kết trên nhằm chia sẻ rủi ro và giảm bớt phần vốn DN phải bỏ ra, tạo được chuỗi liên kết giữa các bên trong bối cảnh nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất vẫn cao và không dễ khó vay.

Một chuỗi liên kết mới nhất hiện nay là có sự tham gia của nước ngoài. Mới đây, Mazzetta, nhà nhập khẩu, phân phối thủy sản đông lạnh hàng đầu của Mỹ, liên kết với Proconco, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Pháp tại Việt Nam triển khai dự án nuôi cá tra an toàn sinh học tại An Giang với quy trình khép kín từ nguồn thức ăn, nông trại, chế biến, đến người tiêu dùng.
Theo đó, Proconco sẽ nghiên cứu để đảm bảo chất lượng nguồn thức ăn cho cá, hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi và quá trình chế biến để đáp ứng tiêu chuẩn mà khách hàng thị trường Bắc Mỹ yêu cầu. Còn Mazzetta sẽ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Mazzetta hy vọng sẽ nâng sản lượng mua cá mỗi tháng từ 600 tấn/tháng hiện nay lên 1.000 tấn/tháng từ năm 2011. Việc liên kết này giúp cho vùng nguyên liệu được quản lý tốt, tạo ra sản phẩm đặc trưng thương hiệu cá tra, ba sa Việt Nam, với giá bán cao (3-3,5USD/kg).

Đầu năm 2009, Binca Seafoods Vietnam, liên kết với Ntaco (Việt Nam) xây dựng vùng nuôi cá tra 35ha đạt chuẩn Global GAP. Binca Seafoods VN cũng đầu tư 2 triệu USD cho các hộ ở An Giang nuôi cá tra sinh thái, sản lượng 1.200 tấn/năm và đang liên kết với Công ty Sinabico (Năm Căn, Cà Mau) nuôi tôm sú sinh thái, khoảng 2.000 tấn/năm.

Với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, quản lý môi trường tốt sẽ không còn cơ hội cho những thông tin sai lệch, bôi xấu như hiện nay ở một số nước về hình ảnh cá tra, ba sa Việt Nam.
CÔNG PHIÊN

No comments:

Post a Comment