Sunday, November 21, 2010

Những ngôi đình trong lòng Đà Lạt

Những ngôi đình trong lòng Đà Lạt (06/11/2010)


Thành phố Đà Lạt nơi mang trong mình
những ngôi đình trầm mặc, yên bình


Thành phố Đà Lạt với lịch sử 117 năm hình thành và phát triển, vì vậy nơi đây không có những ngôi tổ đình hay những ngôi đình cổ kính như ở các nơi khác Giữa cái tấp nập vồn vã của thành phố, cái náo nhiệt của nếp sống đô thị thì những ngôi đình vẫn lặng lẽ còn đó với vẻ trầm mặc, yên bình.

Đó là mái đình và những tín ngưỡng văn hoá dân gian về một vị thành hoàng làng có công với làng, cũng là nơi để sinh hoạt cộng đồng trong những ngày lễ tế hội hè. Theo thống kê, hiện nay Đà Lạt còn hơn 20 ngôi đình như: đình An Hoà; đình Thiên Thành; đình Ánh Sáng, đình Đà Lạt, đình Nghệ Tĩnh... Các ngôi đình ở đây có niên đại khá muộn so với các đình khác trên cả nước, đình có niên đại sớm nhất là đình Đà Lạt và đình ấp Tân Lạc được xây dựng năm 1920, có những đình được xây dựng sau này như đình Lạc Thành (1972); đình ấp Đa Trung (1973).

Có thể chia đình ở Đà Lạt thành hai loại. Thứ nhất, đình có nét văn hoá và sinh hoạt chung của cộng đồng gồm nhiều thành phần dân cư. Thứ hai, đình có nét văn hoá và sinh hoạt riêng của một cộng đồng dân cư của một số địa phương cụ thể. Nhưng tựu chung lại đó đều là những nét văn hoá đặc trưng trong tổng thể văn hoá. Cũng như các đình khác trên cả nước, đình ở Đà Lạt có trang trí nhiều cặp câu đối và hoành phi. Đình An Hoà có một cặp câu đối ở bên ngoài mà mọi người đều có thể nhìn thấy khi dừng chân trên đường 3/2 “Nhân tâm vi bổ - Vạn thế vĩnh tồn” (Lòng người là gốc - Muôn đời trường tồn), hay như đình Đà Lạt có cặp câu đối “Nhân kiệt địa linh an định lạc - Phong thuần tục mĩ lợi hoà đa” (Nơi địa linh có người tài giỏi là nơi yên lành vui vẻ - Thuần phong mĩ lợi hoà đa).

Đình ở Đà Lạt không có bình phong như đình ở Huế cũng không được trang trí cầu kỳ như ở và đình An Hoà cũng phần nào mang một nét cổ kính khi trên mái đình được trang trí bằng những con rồng ở đầu mái, trong nội đình được thiết kế 3 gian và hai bên tả ban, hữu ban đều có bàn thờ và những câu đối. Trong chừng mực nhất định nào đó khi những người dân Việt mở mang bờ cõi về phía Nam đã thổi vào đây một đời sống văn hoá tinh thần thì đình làng vẫn mang đầy đủ dấu ấn tâm linh mà người xưa để lại.

Nhìn chung đình làng hay đình ấp là những nơi thiêng liêng nhưng lại rất gần gũi với những người dân. Đây cũng chính là một sợi dây tinh thần nối chặt con người lại với nhau. Dù trong hoàn cảnh đô thị hoá hiện nay, nhiều ngôi đình vẫn giữ được chức năng thuần tuý của nó là gắn kết cộng đồng cùng những sinh hoạt lễ nghi không thể thiếu trong nét văn hoá của người Việt.

Lê Khắc Niên

No comments:

Post a Comment