Sunday, November 21, 2010

Quê tôi mùa nước lũ

Quê tôi mùa nước lũ (23/10/2010)
“Năm nay lũ lại trắng đồng
Làng tôi lại tỏng tòng tong mùa màng...”
(Thơ Nguyễn Duy)
1. Các chương trình thời sự trên các báo đài liên tiếp cập nhật những hình ảnh, những con số thiệt hại về người và của mà quặn lòng. Các bản tin dự báo thời tiết về diễn biến bão lũ ở miền Trung trong nhiều ngày qua, chắc hẳn làm không một ai nén được tiếng thở dài lo lắng, kể cả đó không phải là người dân sinh ra và lớn lên ở miền Trung ruột thịt như tôi! Quê nghèo và lam lũ tôi ơi, sao “ông trời” bất công đến thế?

Lớn lên, tôi được nghe mẹ kể mình sinh ra trong một đêm bão gió đầy trời. Chưa qua tuần tuổi, tôi được cha gói ghém như một “chiếc bánh tẻ” nâng quá đầu người chạy lụt. Tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác trong làng, được ưu tiên cho trú mưa bão trong kho thóc mầm của hợp tác xã đặt ở sát mép bờ đê. Rồi tuổi thơ tôi cũng cứ tuần tự đi qua mỗi mùa mưa lũ. Có những đêm tôi còn nhớ như in, cả làng cuống cuồng chạy lụt trong đêm tối và mưa gió mịt mùng, trâu bò thở hồng hộc như người lớn, lợn gà kêu oai oái như trẻ con. Sáng hôm sau, ở những mô đất nước chưa ngập hết, có đầy đủ cả chó gà, chim chuột, rắn rết, dế giun... cùng trú ngụ. Lạ một điều là sao lúc đó các loài vật đó có thể “chung sống hoà bình” với nhau đến thế? Sau khi được ông nội giải thích, tôi đã láu cá mà “nổ” với đám bạn con nít cứ y như phát kiến của mình rằng: Cái cần đối phó, cần chống chọi của các loài vật chung sống ở một vài mô đất nhô lên giữa bãi đó, là cơn đại hồng thuỷ của ông Trời. Cái quy luật sinh tồn tồn tại cả vạn năm giữa các loài đó với nhau, lúc ấy được xếp vào hàng thứ yếu.

Tuy nhiên, có những điều mà sau này khi đã lớn lên, tôi từng cất công tìm hiểu và lý giải, nhưng vẫn chưa thể thoả mãn. Ấy là sau mỗi trận lụt như thế, xoong chảo nồi niêu cùng trăm thứ dụng cụ, nông cụ khác cứ nổi lềnh bềnh. Nước rút, của ai người ấy đến nhận, gần như không có sự nhầm lẫn cố ý nào. Kể cả đó là những vật dụng bê bết bùn đất hoặc đã ngả màu vì ngâm nước quá lâu. Rồi gà vịt ngan ngỗng (con nào chả giống con nào), ấy vậy mà cấm ai nhận nhầm của ai, hoặc giả có nhầm, người ta lại mang ra sân kho hợp tác để của nhà ai người ấy nhận lại. Tôi tạm gọi đây là nét văn hoá hậu lũ của người miền Trung quê tôi, mà đến tận hôm nay tôi chưa thấy một học giả, một nhà nghiên cứu nào đưa ra phân tích, khảo cứu cho có hệ thống? Rồi cả những con vật cùng nhau co ro trú ngụ trên những mô (mỏm) nhất nhô lên giữa đồng, giữa bãi nói trên, ít nhiều cũng nói lên cái nét cộng đồng của các sinh vật đó khi đối phó với lũ lụt và mưa gió mịt mùng. Mọi hiềm khích, mâu thuẫn (nếu có trước đó) của người miền Trung, có lẽ vì thế chăng mà sau những “trận đòn chí tử” của thiên nhiên (mưa bão, lũ lụt), đã được “san bằng”, đã trở nên khăng khít, đoàn kết...? Bất giác, tôi nhớ đến những dòng nhạc của anh Hồ Hữu Thới, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Nghệ An: “...mùa lúa mới, xua tan những ngày lụt lội, cho đất sinh sôi. Người gặp nhau thêm mến yêu người, vững niềm tin lúc gian khó...”

2. Mấy chục năm rồi, tuy đã “thoát ly” cái dẻo đất miền Trung nối hai đầu đất nước, nhưng mỗi khi mùa mưa bão đến, lòng tôi không thôi quặn thắt bởi lưng còng dáng mẹ tôi. Khi ngồi viết những dòng này, tôi nhận được điện thoại của mẹ nói rằng đã có các anh bộ đội biên phòng đến lợp lại mái nhà bị tốc mất một góc tối qua. Những lúc thế này, không được ở bên mẹ, lòng tôi càng bề bộn lo toan. Dù tôi biết và tôi hiểu, quê tôi vẫn ngàn năm khó nhọc bởi không (hoặc chưa!) bao giờ được nhận sự “ưu ái” của ông Trời. Dẫu rằng, những mùa bão lũ gần đây, tuy mùa màng mất trắng, bà con có thể đứt bữa, nhưng đã không còn mấy cái cảnh “những ai bị gậy phiêu bồng chân mây” nữa. Nhưng ngồi nghĩ về cái cảnh nước ngập trắng đồng, mưa bão mịt mùng, không ai khỏi ái ngại, xót xa!

Tuy nhiên tôi, chắc cũng giống như suy nghĩ của nhiều người, tin chắc rồi miền Trung lại đi qua bão lũ như cả ngàn đời nay vẫn vậy! Người miền Trung, lại đứng lên từ sau những tàn phá khốc liệt và tan hoang của thiên nhiên. Điều đó không chỉ vì riêng “cái chất” của người miền Trung, mà còn vì có cả một một đất nước, một cộng đồng dân tộc cùng chung lưng đấu cật vượt qua mọi thử thách, gian nan!
Trần Thanh Tường

No comments:

Post a Comment