Saturday, January 1, 2011

Viện trợ và hợp tác kinh tế

Viện trợ và hợp tác kinh tế: Chiến lược của Trung Quốc đối với lưu vực sông Mê Công
Cập nhật ngày: 01/09/2010, 21:13 GMT+7.
Campuchia nhận một nguồn viện trợ vô cùng lớn của Trung Quốc. Năm 2006, Trung Quốc cung cấp 600 triệu USD cho Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng (trong khi đó tổng các khoản vay của OECD cũng chỉ lên tới 601 triệu USD). Năm 2007, lần đầu tiên Trung Quốc cam kết viện trợ cho Campuchia thông qua gói của OECD. Trong gói 952 triệu USD cam kết trong năm 2008, EU cung cấp 214 triệu USD, Nhật Bản 112,3 triệu USD, còn lại là của Trung Quốc.

Phần 1 - Hợp tác quy mô song phương

Các mối quan hệ song phương của Trung Quốc với các quốc gia ven sông Mê Công được tô điểm bằng bức tranh hỗn tạp gồm cả sự thù địch, sự thân tình và sức ép của Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á không có cùng một nhận thức đồng nhất về Trung Quốc. Mỗi nước có một cách thức quan hệ với Trung Quốc, tận dụng những lợi ích và khẳng định những khó khăn của riêng mình. Tuy nhiên, không khó để có thể xác định các nhóm có chung nhận thức trong mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Tại khu vực sông Mê Công, Campuchia và Lào hình thành một nhóm.

Campuchia nhận một nguồn viện trợ vô cùng lớn của Trung Quốc. Năm 2006, Trung Quốc cung cấp 600 triệu USD cho Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng (trong khi đó tổng các khoản vay của OECD cũng chỉ lên tới 601 triệu USD). Năm 2007, lần đầu tiên Trung Quốc cam kết viện trợ cho Campuchia thông qua gói của OECD. Trong gói 952 triệu USD cam kết trong năm 2008, EU cung cấp 214 triệu USD, Nhật Bản 112,3 triệu USD, còn lại là của Trung Quốc. Vì thế, tính cả các khoản cho vay ngoài OECD, tới nay Trung Quốc vẫn là nước quan trọng nhất đối với CPC xét về viện trợ phát triển. Trong lĩnh vực đầu tư, năm 2004 Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia, đóng góp 89 triệu USD trong tổng số 217 triệu USD đầu tư nước ngoài tại Campuchia. Năm 2005, Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 448 triệu USD. Năm 2006, chỉ riêng Tập đoàn Sinohydro đã đầu tư 280 triệu USD vào nhà máy thủy điện công suất 193 MW tại Kamchay. Tính tổng trong giai đoạn từ 1994 tới 2006, đầu tư của Trung Quốc chiếm 9,18% (925 triệu USD) trong tổng số đầu tư đã được chấp thuận của Campuchia, tập trung vào các ngành nông nghiệp, hầm mỏ, lọc dầu, sản xuất thép, sản xuất các loại xe, quần áo, khách sạn và du lịch. Nhập khẩu của Campuchia từ Trung Quốc năm 2003 chiếm 11,3% và năm 2004 chiếm 16,5% tổng nhập khẩu.

Lào chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang Trung Quốc. Sản phẩm nhập khẩu chính của Lào từ Trung Quốc là nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp, may mặc và đầu vào cho nông nghiệp. Trung Quốc đầu tư tại Lào trên nhiều lĩnh vực, nhưng đầu tư vào thuỷ điện được coi là trọng tâm chiến lược. Lĩnh vực này được coi là mảng đầu tư đôi bên cùng có lợi. Chính phủ Lào, với ít sự lựa chọn hơn, coi việc bán điện từ thủy điện sang Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc là đóng góp chính cho ngân sách quốc gia và vì thế thường xuyên vận động Trung Quốc thúc đẩy đầu tư.

Bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng tại Campuchia và Lào như đường xá, cầu và trường học, các khoản tiền của Trung Quốc đã giúp phát triển nền kinh tế của cả hai nước trong khi vẫn tạo ra một cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu, phục vụ cho xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại các hàng hóa từ Vân Nam, Quảng Tây và Tứ Xuyên. Việc tăng cường giao thương và gắn kết này cũng làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cả hai chính phủ Campuchia và Lào. Chẳng hạn như dù các quan chức Campuchia lo lắng về các hoạt động xây dựng đập của Trung Quốc ở sông Mê Công nhưng họ kiềm chế không phản ứng một cách công khai. Với thế mạnh lấn át tại lưu vực sông Mê Công, Trung Quốc đã làm ngơ trước những quan ngại về việc xây dựng 7-8 đập ở thượng nguồn sẽ đe dọa tới ngành nông nghiệp ở vùng châu thổ sông Mê Công của Việt Nam, đồng thời tiếp tục việc xây dựng mà không cần tham vấn với các nước hạ nguồn. Tương tự, mùa thu hoạch hải sản tự nhiên lớn ở Biển Hồ của Campuchia phụ thuộc vào nguồn nước sông Mê Công. Việc Trung Quốc xây dựng các đập ở thượng nguồn sẽ khiến cho chu trình tự nhiên mang lại lợi lớn này cho Campuchia không còn.

Quan hệ của Trung Quốc với Miama và Việt Nam khác về một số khía cạnh so với quan hệ của Trung Quốc với Lào và Campuchia. Điều nổi bật nhất là Mianma cho phép Trung Quốc tiếp cận về mặt quân sự qua nước này tới Ấn Độ Dương, một tình huống mà Ấn Độ hiện đang kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, Mianma cung cấp cho Trung Quốc nguồn nguyên liệu thô. Mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên rất gần gũi. Quan hệ kinh tế và chính trị của Trung Quốc với Việt Nam về truyền thống là luôn có vấn đề. Dù sao thì đường biên giới trên bộ cũng không còn là vấn đề xung đột chính sau khi đường phân định ranh giới trên bộ giữa hai nước được hoàn tất vào ngày 23/2/2009. Năm 2004, Trung Quốc và Việt Nam cũng đã đạt được sự phân định và thỏa thuận đánh bắt cá tại Vịnh Bắc Bộ, tuy nhiên việc thực hiện các thỏa thuận này vẫn gặp nhiều khó khăn. Một điều thú vị là cả hai nước đã tiến hành hai cuộc tuần tra trên biển chung mỗi năm kể từ năm 2006. Tuy vậy, Bắc Kinh và Hà Nội vẫn tiếp tục mâu thuẫn về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vì thế, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thống trị một cách hiệu quả tại lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Mianma. Về lĩnh vực kinh tế và cả chính trị, Trung Quốc đã vượt qua đối thủ của mình là Nhật Bản, nước hiện là cổ đông lớn nhất của ADB. Việc này có tác động trở lại đối với việc hợp tác trong các thể chế lưu vực sông Mê Công, đặc biệt là Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng. Vị trí địa lý của Trung Quốc như là nước cung cấp mang lại cho Trung Quốc thêm lợi thế: Trung Quốc không chỉ là cường quốc quân sự, chính trị, kinh tế mạnh nhất của khu vực mà còn kiểm soát các nguồn nước.

Đập Tiểu Loan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Phần II - Hợp tác thể chế tại lưu vực sông Mê Công

Hiện tại có 6 cơ chế hợp tác ở lưu vực sông Mê Công với sự khác nhau về các thành viên. Tất cả đều dựa vào sông Mê Công và coi đó coi đó là nguồn giao thông, sản xuất lương thực và phát triển năng lượng. Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng là cơ chế duy nhất bao gồm tất cả các nước hạ nguồn sông Mê Công cùng với hai tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây (trong đó chỉ có Vân Nam là tỉnh ven sông này). Tuy nhiên không phải tất cả các cơ chế hợp tác hiện có đều mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Và vì thế, Trung Quốc có xu hướng tránh các cơ chế đi ngược lại lợi ích của mình hoặc tìm cách tạo ra các cơ chế mới để thông qua đó Trung Quốc có thể theo đuổi các lợi ích của mình.

Một trong những cơ chế mà lãnh đạo Trung Quốc coi là sự cản trở là Ủy ban sông Mê Công gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Nhiệm vụ chính của Ủy ban sông Mê Công là quản lý nguồn nước chung (IWRM). IWRM kết hợp giữa phát triển kinh tế với quản lý nguồn nước ổn định về mật môi trường có liên quan tới nhiều cơ quan, từ chính quyền trung ương cho tới địa phương, các doanh nghiệp, các cộng đồng tại địa phương và các tổ chức NGO. Các nhà tài trợ không thống nhất được với nhau, chẳng hạn như các nhà thầu Pháp (Électricité de France) và Na Uy (Statkraft) chỉ ủng hộ việc xây dựng các đập lớn. Còn các thành viên có vẻ muốn hợp tác đa phương đơn giản để thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua các mối liên hệ về hạ tầng cơ sở xuyên biên giới. Vì thế ủy ban này nằm trong tình trạng khó khăn, theo đó chương trình nghị sự của các nhà tài trợ lại đi ngược với mục đích của các quốc gia thành viên.

Kết quả là các nước thành viên tập trung chủ yếu theo Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng đơn thuần về kinh tế hơn. Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng, với nguồn vốn chủ yếu từ ADB và các thành viên, có mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên biên giới: đường xá, đường ray xe lửa, viễn thông. Có tầm quan trọng đặc biệt là "Các hành lang kinh tế" với mục tiêu phát triển kinh tế tại khu vực đường biên của các nước thành viên. Và đây cũng là lợi ích đặc biệt quan tâm của giới lãnh đạo Trung Quốc ở trung ương cũng như tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây bởi nó sẽ cho phép thiết lập một thị trường xuất khẩu ở Đông Nam Á cho các hàng hóa của hai tỉnh này. Ngược với Ủy ban sông Mê Công, Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng không đề cập đến vấn đề quản lý nguồn nước, một phần là bởi các thành viên đều can dự vào các chương trình xây dựng đập lớn, việc đã gây phiền toái cho Ủy ban sông Mê Công. Thực sự, 6 thành viên của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng nỗ lực loại bỏ mục quản lý nguồn nước ra khỏi chương trình hành động để tận dụng khu vực gần sông Mekong của mình và phát triển kinh tế là chính.

Kể từ năm 2004, Ủy ban sông Mê Công đã cố gắng đạt được một sự hợp tác lớn hơn với TQ, đặc biệt là về các chương trình thủy điện. Trong khi Trung Quốc có các kế hoạch lớn xây dựng các nhà máy thủy điện như là một phần trong Chiến lược Phát triển miền Tây, Ủy ban sông Mê Công đã chuyển sự nhấn mạnh của chương trình làm việc của mình từ bảo vệ nguồn nước sang đầu tư. Kết quả là, Ủy ban sông Mê Công không chỉ tiến gần tới lợi ích của các quốc gia thành viên mà nó cũng phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc trong việc khai thác sông để phát triển kinh tế.



Việc tạo ra diễn đàn Hợp tác Kinh tế Bốn bên (QEC) năm 2001 cho thấy các lợi ích và các chiến lược của Trung Quốc ở lưu vực sông Mekong. QEC là một cơ chế gồm Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanma. Nó thường được biết đến như là "Tứ giác vàng" hay đôi khi gọi là "Tứ giác kinh tế" để tránh sự lầm lẫn với vùng "Tam giác vàng" chuyên sản xuất thuốc phiện. Mục tiêu của QEC là đào sâu thêm sông Mekong ở đoạn từ huyện Simao của tỉnh Vân Nam và Luang Prabang tại Lào để tạo thuận lợi cho tàu thuyền tải trọng lớn đi lại. Việc tạo ra một tổ chức riêng cho vấn đề này phục vụ hai mục tiêu: (1) Nó khiến cho Ủy ban sông Mê Công không thể can thiệp vào các kế hoạch này; (2) Cho phép Trung Quốc và Mianma, hai nước không phải là thành viên Ủy ban sông Mê Công, cũng như Thái Lan và Lào theo đuổi các kế hoạch này mà không phụ thuộc vào các nguyên tắc của Ủy ban sông Mê Công. Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng các hội nghị thượng đỉnh của Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng để hứa viện trợ cho các nước hạ nguồn và để thúc đẩy Định hướng cơ bản An ninh mới cũng như chính sách "Láng giềng hài hòa". Việc này giúp tăng cường các mối quan hệ song phương của Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ với Lào. Nó không chỉ củng cố ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc mà còn cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng đi theo chủ nghĩa đa phương khi việc này mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Nói tóm lại, QEC phản ánh một cách rõ ràng chiến lược kép, sử dụng các tổ chức hợp tác đa phương sẵn có đồng thời hình thành những cơ chế hợp tác mới thuận tiện hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn. Đối với Trung Quốc, can dự vào các thể chế ở sông Mê Công đã được thể hiện trong Khái niệm An ninh Mới và Sách trắng Quốc phòng 2002. Khu vực này đang hình thành nên một thị trường tiềm năng cho các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Việc đi theo chủ nghĩa đa phương một cách khôn ngoan của Trung Quốc thường gắn liền với nguồn tiền đầu tư. Bắc Kinh đã sử dụng Tiểu vùng sông Mê Công Mở rộng để cung cấp nguồn viện trợ cho các nước hạ nguồn, qua đó tăng cường ảnh hưởng của mình tại đây. Việc mở rộng ảnh hưởng cũng mang lại cho Trung Quốc một vùng đệm để cách ly với sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.



Lê Dương

No comments:

Post a Comment