Saturday, January 29, 2011

In the Aeroplane Over the Sea

In the Aeroplane Over the Sea
Filed Under (Music) by B.l.u.e on 28-01-2011

In spite of everything, I still believe that people really are good at heart…

Trong cuốn Nhật Ký mà sau này nổi tiếng trên toàn thế giới của mình, cô gái trẻ Anne Frank đã có lần viết như thế. Anne Frank là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất khi nhắc đến cuộc tàn sát chủng tộc (holocaust) giết hại gần 6 triệu người Do Thái do Đức Quốc Xã tiến hành.
Những ai đã có dịp xem qua bộ phim nổi tiếng từng đoạt nhiều giải Oscar Schindler’s List ắt sẽ phần nào hiểu được sự tàn bạo của bọn SS, đồng thời thương cảm cho dân Do Thái, những con người lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng chờ chết, chỉ bởi cái kế hoạch die Endlösung der Judenfrage điên rồ của Hitler.
Các bộ phim nổi tiếng của những tay đạo diễn điện ảnh lừng danh như Steven Spielberg, Roman Polanski… khiến người xem xúc động bằng ngôn ngữ điện ảnh, thì cuốn Nhật Ký của Anne Frank lại tác động đến hàng triệu triệu người theo một cách khác, với những ngôn từ giản đơn nhưng chất chứa đầy tâm trạng của một cô gái đang tuổi mới lớn. Cuốn Nhật ký của Anne Frank là một trong những quyển sách được đọc rộng rãi nhất trên thế giới, có người đã viết trong cuốn sổ dành cho các du khách tại tòa nhà số 263 đường Prinsengracht – nơi cô từng ẩn náu như sau: Nếu chỉ có hai cuốn sách dành cho cuối cuộc đời của tôi, hai cuốn này sẽ là cuốn Thánh Kinh và cuốn Nhật Ký của Anne Frank…
***
Vài dòng viết sơ lược giới thiệu về Anne Frank để nói đến một trong những album mà tôi thích nhất, và theo ý kiến của tôi là hay nhất trong dòng indie rock – album In the Aeroplane Over the Sea của ban indie rock Mỹ Neutral Milk Hotel. Mới nghe In the aeroplane over the sea lần đầu, dù có ngờ ngợ vì cái chất rất quái trong lời nhạc của ban này, tôi vẫn không nghĩ nhiều lắm. Nhưng sau đó, vì thắc mắc bởi vài chi tiết trong lời của một bản nhạc, tôi thử tìm kiếm trên Internet một hồi, và đọc được đâu đó rằng đích thân tay guitar và thủ lĩnh của band là Jeff Mangum thừa nhận trong một buổi trình diễn là album này lấy cảm hứng từ cuộc đời của Anne Frank.

Jeff Mangum là một tay rất tài, dưng mà chẳng hiểu sao ngoài cái album được nhắc đến trong bài này, thì những album còn lại thuộc dạng chả gây hứng thú lắm. Chất giọng của Jeff trong album này tuy không có ảo cùng cực như Thom Yorke của Radiohead, nhưng cái mớ hỗn độn cảm xúc mà tay này cùng Neutral Milk Hotel tạo ra, so với Ok Computer – album nổi danh của Radiohead, hay thậm chí là St.Pepper của huyền thoại The Beatles chả hiểu sao rất gần nhau, và quen quen đến lạ.
Điểm khác biệt của một album được lấy cảm hứng từ một nhân vật nào đó, và một album nói về một nhân vật hay sự kiện nào đó rất rõ ràng. Đến khi Jeff nói rằng bản thân mình rất thích và bị ảnh hưởng bởi cuốn Nhật ký của Anne Frank và album cũng thấp thoáng hình ảnh về cuộc đời và tâm trạng của cô, thì người nghe nghe lại, mới giật mình phát hiện ra đúng như thế. Chất nhạc vốn mập mờ, ma quái của In the Aeroplane over the Sea nay kết hợp với vài chi tiết ứng với cuộc đời và cái chết của cô gái nổi tiếng ấy, đem lại cho mọi người cái cảm giác đặc biệt.
Tôi nghe lại In the Aeroplane over the Sea khi biết được mối liên hệ rất mỏng nhưng xuyên suốt ấy, cảm giác trong tôi rất lạ. Đó có một phần xúc động đến ngẩn ngơ như khi xem thấy hình ảnh Oskar trong Schindler’s List đứng nhìn theo cái xe cút-kít chở xác người dân Do Thái, khung cảnh trắng đen ấy, nổi bật lên cái cô bé với bộ váy màu hồng nhạt – hình ảnh có màu ngoài trắng đen hiếm hoi trong phim; một phần hoàn toàn thương cảm, rất thương, khi nghe tới đoạn nhắc đến vụ thảm sát trong track Oh Comely; thậm chí cảm được cả cái tâm trạng bình an hiếm thấy của cô bé Anne Frank trong những ngày ẩn nấp.
Như đã nói, Anne Frank là hình ảnh xuyên suốt trong album này của Neutral Milk Hotel, nhưng lập lòe, chỗ thì rất mơ hồ, chỗ lại hoàn toàn rõ nét. Vì thế, phân tích từng track tìm hiểu ý nghĩa đích thực của lời nhạc dường như là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể được, vì cái gã Jeff Mangum ấy đã thành công trong việc tạo ra không gian âm nhạc ảo đến thế.
Dưng mà cũng thử điểm qua vài khúc có liên hệ tới Anne Frank thử. Rõ nét nhất là bài Holland, 1945 với khúc
The only girl I’ve ever loved
Was born with roses in her eyes
But then they buried her alive
One evening, 1945
Để chỉ tới việc Anne Frank và gia đình bị Đức Quốc Xã phát hiện tại một căn nhà nhỏ nơi Amsterdam, bị bắt đi, hai chị em bị đưa vào trại tập trung và qua đời vào năm 1945.
hay nói rõ hơn về cuộc thảm sát trong bài Oh Comely
I know they buried her body with others
Her sister and mother and 500 families
And will she remember me 50 years later?
I wished I could save her in some sort of time machine
hay, một lần nữa, đề cập tới mốc thời gian chính xác, trong bài Ghost
And she was born in a bottle rocket, 1929

I know that she will live forever
She won’t ever die
Anne Frank sinh năm 1929…
Một album đầy cảm xúc khiến tôi nghe nhiều lần vẫn không thấy chán. Tôi cũng không muốn đi sâu phân tích, xin nhắc rõ, đây không phải là một bài bình luận, cảm nhận album, chỉ là vài tâm trạng chia sẻ khi nghe album hay đến thế. Việc còn lại, nếu các bạn muốn đi sâu hơn vào nghệ thuật, âm nhạc, cách ban chơi nhạc… trong album này, đấy lại là chuyện của các bạn.
Xin mượn một đoạn lyrics mà cá nhân tôi thấy là rất đẹp, để làm kết thúc cho bài này
And one day we will die
And our ashes will fly
From the aeroplane over the sea
But for now we are young
Let us lay in the sun
And count every beautiful thing we can see
Và một ngày chúng ta đều sẽ chết
Tro bụi thân tàn sẽ bay bay
Từ tàu bay nơi phía trên biển cả
Thế nhưng, giờ đây, chúng ta đều còn trẻ
Hãy cứ nằm trong ánh dương
Và cùng ngắm tất cả những điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể được thấy
Anne Frank – một cô gái yêu cuộc đời, khao khát được sống đến cháy bỏng, nhưng không thể… vì vậy, hãy trân trọng những gì tốt đẹp mà cuộc đời đang mang lại…
And count every beautiful thing we can see…
280110,

Tình ca Việt Nam – Nguyễn Đình Toàn
Filed Under (Music) by B.l.u.e on 13-01-2011
Tagged Under : nguyễn-đình-toàn, nhạc-chủ-đề, tình-ca-việt-nam
Nền âm nhạc Việt Nam ngày xưa rất lí thú. Cái sự lí thú ấy được tạo nên không phải chỉ bởi những ‘quái kiệt’ – những con người mà cả cuộc đời lẫn sự nghiệp đều được coi như là giai thoại, mà còn bởi những người tưởng như thật bình thường; bình thường đến mức đôi khi ta sợ rằng, họ chỉ sống trong trí tưởng của một lớp người ít ỏi và cụ thể nào đó; và rằng, một ngày, của chục năm sau chẳng hạn, sẽ chẳng còn ai nhớ đến họ, những con người tưởng như bình thường sinh ra trong một giai đoạn thú vị.
Dần dần, theo cái vòng quay hối hả vô cùng của bánh xe thời gian, chẳng còn ai nhớ tới những cái tên đó nữa. Người ta sẽ quên họ, như cách mà người ta đứng nhìn về những tháng ngày xa cũ của đất nước với con mắt của một-người-chứng-kiến, chứ không hoàn toàn có cảm giác thân thuộc – như rằng, cái tháng ngày xa xưa ấy, sao lại có phần nào khiến mình đồng cảm, khiến mình có cảm giác như một phần của mình thuộc về nó như thế?
Nhưng, chính những cái tên tưởng như bình thường, và rồi, một ngày nào, sẽ chỉ còn được dăm ba người nhắc đến trong những bài viết tưởng nhớ, lại đóng một phần không nhỏ góp phần tạo nên một nền văn hóa – nghệ thuật rất đa dạng, phong phú, rất hay nhưng cũng rất dị ngày đó.
Nguyễn Đình Toàn là một người như vậy.
***
Nguyễn Đình Toàn không phải là một cái tên mà người ta nghĩ ngay đến khi nhớ về nền văn nghệ Việt Nam ngày xưa. Đóng góp của ông không to lớn một cách gây ‘sững sờ’, nhưng cũng hoàn toàn không phải là nhỏ lắm. Dzoãn Mẫn với ‘Biệt ly’ đi vào lòng lịch sử âm nhạc nước nhà như là một trong những ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc được đông đảo giới trẻ yêu thích; Đặng Thế Phong với ‘Thu ca tam tuyệt’ và những giai thoại quanh cuộc đời và cái chết đầy tiếc nuối của ông, cũng luôn ngự trị trong lòng những người yêu nhạc.
Không thể nói gì về việc Nguyễn Đình Toàn và những văn nghệ sĩ còn lại ai hơn ai, vì đơn giản, cảm nhận là thứ gì đó không ai cưỡng cầu được. Nhưng quả thật, Nguyễn Đình Toàn cũng góp một phần công không nhỏ để mang âm nhạc đến với đại chúng người nghe, chỉ có điều đóng góp của ông khá thầm lặng.
Nguyễn Đình Toàn trước tiên là một nhà văn, nhà thơ trong nhóm Sáng Tạo khá nổi tiếng trước năm 1975. Nhưng ông được biết tới nhiều không phải bởi những bài văn, bài thơ của ông, dù trong đó có vài bài khá, như Hiên Cúc Vàng, Khi Em Về… Người ta cũng thích ông qua những bài nhạc, như Em Còn Yêu Anh – mà lần đầu nghe Tuấn Ngọc trình bày, tới hai câu
Ta đã xanh úa như đời xa cõi chết
Có bao giờ ta thấy lại nhau không…
hay
Có nhiều khi, một người đi mà như mất thiên đường…

tôi đột nhiên thấy run cả người vì cảm được cái tâm trạng sầu thảm của bài hát.
Hoặc nổi tiếng hơn là bài Em đến thăm anh đêm ba mươi, một trong những bài nổi tiếng nhất trước 1975. Và, những ai yêu nhạc cũng hẳn còn nhớ đến Tình khúc thứ nhất, viết chung với Vũ Thành An, mở đầu cho loạt Bài không tên nổi tiếng sau này. Tình khúc thứ nhất với những lời nhạc lay động lòng người
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Lạc đề lan man quá, mỗi khi nhắc tới nhạc xưa, dường như tôi không có cách nào kiểm soát nổi cảm xúc của mình, cứ để nó đi xa quá.
Đại loại, điều mà khiến Nguyễn Đình Toàn được đông đảo người dân miền Nam trước những năm giải phóng yêu thích là chương trình “Nhạc chủ đề” trên sóng phát thanh của ông. Ngày ấy hàng triệu thính giả ở miền Nam chỉ đợi đến mỗi tối thứ Năm để nghe những lời dẫn quen thuộc:
Tình ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…
Cái thời khói lửa núp mình trong lớp vỏ bình an đấy, khi mà những thông tin về chiến tranh, bom đạn ngoài trận tuyến vẫn tràn về mỗi ngày, mỗi giờ, thì những giây phút hiếm hoi được hòa mình vào trong dòng nhạc trữ tình thật quí giá biết chừng nào. Và chương trình “Nhạc chủ đề” với giọng dẫn truyền cảm của Nguyễn Đình Toàn đã góp phần ru hồn người bằng những khúc ca.
Ngày đó, có hai chương trình phát thanh nổi tiếng, ngoài chương trình của Nguyễn Đình Toàn ra còn có “Tiếng nhạc tâm tình” của ca sĩ nổi danh Anh Ngọc, do nhà văn Mai Thảo đọc lời dẫn. Nếu nói về giọng dẫn, thì cả hai nhà văn đều có chất giọng cuốn hút như nhau. Nhưng cái cách mà Nguyễn Đình Toàn nhỏ nhẹ, dịu dàng dùng những từ dẫn nhập như ‘Hỡi em yêu dấu…’ khiến người ta tò mò, thích thú hơn.
Một điểm khác biệt nữa là chương trình của Nguyễn Đình Toàn thời đó hay mời những tay tài tử, hát cho vui, điển hình như luật gia Duy Trác, kĩ sư địa chất Võ Anh Tuấn đến trình bày. Nói lan man ra xíu, cá nhân tôi nghe nhạc xưa, lâu lâu được một bài mà ca sĩ “rặc” giọng miền Nam hát, thấy thích thú gì đâu. Điển hình như bài Chiều mưa biên giới với tiếng hát của quái kiệt Trần Văn Trạch. Tôi nghe bài này vào một chiều mưa âm u, khi đang lái xe, giọng Nam Bộ cùng làn hơi ấm áp của tay quái kiệt ấy, thật hợp với không khí của một chiều mưa biên giới. Và sau Trần Văn Trạch, Võ Anh Tuấn là một trong những ca sĩ hát “rặc” giọng Nam trình bày các ca khúc có hồn nhất.
Qua chương trình này, nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn “những bản tình ca không có hạnh phúc”, qua tiếng hát của “góa phụ chiến tranh” Khánh Ly được lan tỏa rộng rãi tới người nghe.
Sau này, vào năm 1970, Nguyễn Đình Toàn cho ra mắt băng nhạc “Tình ca Việt Nam”, gồm những bản nhạc bất hủ của nền nhạc tình Việt Nam, với sự góp mặt của các tên tuổi mà giờ đây đã thành huyền thoại như Duy Trác, Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh… Ban nhạc góp mặt lúc đó cũng toàn những nhạc công nổi tiếng của miền Nam bấy giờ là ban nhạc Nhật Bằng, với tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy… tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây..
Điểm đặc biệt nhất mà tôi thích ở băng nhạc này, không phải ở những giọng ca đang lúc đỉnh cao của sự nghiệp, cũng không phải bởi một ban nhạc không thể chất hơn, mà là ở lời dẫn đầu trầm ấm, cuốn hút của Nguyễn Đình Toàn. Đôi khi tôi có những suy nghĩ kiểu: Thủy Hử mà thiếu lời bình của Kim Thánh Thán thì cũng như những bài nhạc này thiếu lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn. Cái cảm giác ấy nó thật vi diệu. Dù những lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn có liên hệ tới bài hát không nhiều, nhưng một khi đã nghe rồi, thì bỏ nó ra, lại thấy thiếu thiếu gì đó.
***

Tình ca Việt Nam của Nguyễn Đình Toàn là một trong những album tôi hay nghe nhất khi rảnh, nhưng chỉ đột nhiên hôm nay mới có cảm hứng viết vài dòng về ông, và về album này. Tôi run người khi nghe “Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi, biết người có nhớ nhung chi, hết rồi giây phút phân ly” (Hướng về Hà Nội) hay “Em nhớ cho, Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa” thì cũng đầy xúc cảm khi nghe những lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn như
Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…
hay
Anh hãy tha thứ nỗi khổ đau em đang chịu đựng, và nếu yêu em xin hãy tha thứ nguồn vui của em…
hoặc giả
Ôi những bông hoa nở bằng nước mắt đau thương nhỏ trên hạnh phúc. Có bao giờ chúng ta sống được hai lần hạnh phúc của mình…
Mỗi lần nghe album này, tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập lòe ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi…

Charles
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 03-01-2011
Tagged Under : charles
Khi Vienna kể với tôi rằng, cô ấy đã khóc rất nhiều trong bữa tiệc chia tay người bạn sau khi hai người tốt nghiệp cao học và ai sẽ phải về nước của người ấy, tôi mỉm cười và khuyên cô những câu sến ngập ngụa như Thanh sơn bích thủy, Hậu hội hữu kỳ (Non xanh vẫn đó, nước biếc còn đây, ngày sau ắt gặp lại)… Vậy mà, tối hôm qua, và cả sáng hôm nay, tôi đã gần như rơi nước mắt.
Cái thước đo duy nhất của hai chữ ‘bạn bè’, nó không nằm ở cái khoảng cách xa – gần, nó không nằm ở lớp bụi thời gian, nó đơn giản chỉ là một ý niệm – cảm thấy là bạn bè, ắt hẳn là bạn bè. Đấy phải chăng mới là thứ tình cảm bạn bè chân chính?
***
Tôi và Charles biết nhau tầm được tám tháng. Ông là người bạn Mỹ đầu tiên của tôi và cũng là người bạn đầu tiên của tôi trên nước Mỹ. Nếu nói là bạn thân, bạn tâm giao hiếm hoi trong đời, kể cũng đúng. Tôi quen rất nhiều, những người tôi từng coi là bạn bè, giờ đây nhiều cái tên đã dần phai mờ trong trí tưởng. Tôi quen, quen nhiều lắm. Nhưng những người mà tôi xem như bạn tâm giao không có mấy người. Đó không phải là tôi đặt một cái tiêu chí cao cho hai chữ “tâm giao” ấy. Đấy đơn giản vì chỉ có những người ấy, không phải ai khác, khiến trong tôi dâng tràn cái ý niệm tuyệt vời của hai tiếng “tâm giao”.
Charles hơn tôi tầm 18 tuổi. Charles và tôi không đơn thuần là hai thế hệ khác nhau, đó còn là hai nền văn hóa khác nhau, hai hệ tư tưởng khác nhau. Charles là con người của một nước Mỹ phồn hoa, nhưng mê những giá trị xưa cũ – những bài nhạc của thập niên 70, 80, những bộ phim mà ông gọi là “kinh điển”. Tâm hồn tôi thuộc về một Việt Nam xưa cũ, thuộc về cái lớp bụi mịt mù phủ trên con đường làng quê, thuộc về một Hà Nội đầy hoài niệm, một Sài Gòn bát nháo, bon chen. Nhưng, tôi và ông rất hợp, ngay từ những giây đầu tiên tôi gặp ông.
Những ai từng biết tôi, ắt sẽ rõ khoảng thời gian đầu tiên của cái mà người ta hay gọi là “Giấc mơ Mỹ”, với tôi, nó khó khăn đầy trắc trở như thế nào. Bước ngoặt của tôi đến vào lúc tôi nhận được cuộc gọi đi thử việc ở một công ty bên này. Tôi chưa bao giờ là một kẻ thiếu tự tin, kể cả khi đứng trước hàng trăm người bình luận, hay khi quyết định lao vào những cuộc yêu mà ai đó đều nói sẽ không có kết quả. Nhưng khi cái máy bay mang số hiệu gì chả rõ, hạ cánh cái ầm xuống Dallas, tim tôi đập nhanh, tay chân lóng ngóng, đôi mắt dáo dác đảo xung quanh, đến mức nếu mà nhìn mặt tôi không ngu ngu bẩm sinh như thế, ắt an ninh sân bay đã tưởng tôi là khủng bố gì đó rồi. Sở dĩ tôi căng thẳng thế, vì tôi biết đây là cơ hội tốt và hiếm hoi, và tôi buộc phải nắm lấy, nếu muốn biến cái “Giấc mơ Mỹ” của tôi thành một cơn mộng đẹp. À, cũng khổ, mới tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam đã đi định cư, lần đầu tiên đi làm, đã lại làm ở một công ty nước ngoài, với những người đến từ một nền văn hóa khác, nói những thứ tiếng mà tôi lúc đó khó có thể hiểu trọn.
Tôi bước vào phòng họp công ty, quanh cái bàn tròn là những khuôn mặt đầy xa lạ đang mỉm cười, gắng nặn ra một nụ cười duyên dáng nhất mà cái mỏ đang cứng đơ của tôi có thể tạo thành, lần lượt bắt tay giới thiệu với từng người. Sau khi ngồi xuống, tôi phát hiện có một gã nhìn tôi rất ‘kì lạ’, với cái cười ‘gian gian’ – sau tôi mới biết đó là kiểu cười đặc trưng của tay ấy. Hết buổi họp, tay ấy, và lúc đó khi nhắc lại tên, tôi mới nhớ là Charles hỏi tôi ngay: I know your English is not good, but don’t worry…
Ngồi hí hoáy sắp đặt cái không gian làm việc đầu tiên của một mình một lúc, là tới trưa rồi, Charles tới, câu đầu tiên ổng bảo là: We will go to a Vietnamese restaurant near here, I don’t know whether you wanna join us, it is quite good. Tôi trả lời ngay: What did you think when you said that, I am Vietnamese…, à dĩ nhiên là với thứ tiếng Anh ngọng ngịu.
Khi tôi lên đây thử việc ba tuần, công ty thuê một phòng khách sạn cho tôi ở. Và Charles đảm nhận nhiệm vụ đưa đón tôi mỗi ngày. Mỗi sáng, tôi đều ngồi ăn điểm tâm ở sảnh khách sạn, chờ Charles lái cái xe Audi đẹp đẽ tới. Chúng tôi lên xe, ghé Starbucks và nói đủ chuyện trên trời dưới biển. Ngay từ những lần đầu tiên, bọn tôi đã nói về chiến tranh Việt Nam, về Uncle Ho, về how fucking hilarious Vietnamese girls are… Khi lên tới freeway, lại mở cửa xe ra, gió thổi vào lồng lộng và cùng gào thét những bài của The Beatles, The Police…
Ở khách sạn được tầm một tuần, Charles bảo tôi chuyển tới ở chung với ổng cho đỡ buồn, nhà ổng còn phòng trống. Thế là tôi lần nữa xách vali đi. Tới căn nhà của Charles, tôi cùng ông bắt đầu nấu những món ăn Việt Nam – phù, dở tệ, cùng ngồi loay hoay chơi Dynasty Warrior, Call of Duty, Medal of Honors… trên XBox, Playstation mỗi tối.
Charles giới thiệu cho tôi những bộ phim kinh điển của Mỹ, ngồi giảng giải cho tôi luật bóng bầu dục, nói như ông là: wanna teach you the real American cultures… Có những chiều nóng nực, tôi cùng ông ôm hai con chó nhảy ùm xuống hồ. Có những đêm dịu mát, chúng tôi xách kính viễn vọng ra nhìn lên bầu trời trăng sao xa thăm thẳm, cùng bàn kế hoạch sẽ làm gì khi người ngoài hành tinh tấn công trái đất. Charles dắt tôi đi hết các tiệm ăn ngon ở Dallas, cùng tôi đi mua đồ ở chợ Việt Nam. Đến lúc ông đi mua súng, tôi cũng đi cùng ông. Rồi tôi và Charles cùng nhau đi bắn súng – lần đầu tiên trong đời tôi bắn súng thật. Rất nhiều, rất nhiều kỉ niệm.
Sau đó, tôi về lại Houston một tuần chờ quyết định xem công ty có nhận tôi không. Khi tôi lên lại đây làm việc, tôi cùng Charles lái xe vòng vòng, đi tìm nhà, rồi cùng nhau dọn nhà.
Charles quen bất cứ ai, đều dắt về nhà và hỏi tôi nghĩ thế nào về cô ấy. Rồi chúng tôi cùng đi xem film, đi ăn, cùng trò chuyện vui vẻ.
Ở một thời gian, Charles không thấy tôi cặp kè với ai, ông đưa tôi cái account ở một trang Online Dating phải trả phí, bảo tôi đổi profile thành của tôi rồi xài. Tôi đổi cho ông vui, rồi để nó đóng bụi ở đó, mặc ông ngày nào cũng cằn nhằn: tao chỉ muốn tốt cho mày thôi… Tôi và ông ngày nào cũng đi ăn phở ở quán Việt Nam, ổng hay lân la ra chỗ ông bà chủ quán và bảo họ tìm thử xem có ai xinh giới thiệu cho tôi không, tôi tốt bụng lắm.
Khi con trai của Charles lần đầu tiên dọn tới ở chung với ông sau mười sáu năm, tôi lặng người nhìn niềm hạnh phúc hiển thị rõ rệt trên khuôn mặt ông, khi ông và tôi lái xe tới phi trường đón nó. Và cũng sau đó, tôi chứng kiến những cái nhíu mày đầy phiền muộn, những lần đôi mắt ông đỏ hoe hoe, mỗi khi ông và con trai có chuyện. Những ngày sau đó, hành động tôi và ông làm nhiều nhất là những đêm tối trời, tôi và ông đứng ở ngoài hiên sau, ngắm trời sao, ông rít thuốc liên tục, và chúng tôi cùng nói chuyện về cuộc sống, về con trai của ông.
Lúc đó, tôi mới thấy được một con người khác ngoài một người lúc nào cũng đùa giỡn liên hồi – một người cha đầy tâm sự về đứa con hư của mình. Những niềm vui khi nó học giỏi, những nỗi buồn khi he fucked everything up, tôi và Charles đều cùng trải nghiệm, cùng cảm nhận, cùng trải qua. Chúng tôi cũng hay lái xe ra ngoài lúc nửa đêm, chỉ lái loanh quanh vô định, Charles đốt thuốc, tôi cảm thán, và đôi lần bị cảnh sát hỏi thăm vì tưởng là trộm đảo quanh quẩn.
Những lần con trai Charles trong đội bóng bầu dục của trường thi đấu, tôi đều tới, ngồi cạnh ông, cùng hòa chung nhịp điệu của trận đấu. Ba người chúng tôi làm nhiều việc cùng nhau như thế ấy, như một gia đình nhỏ…
Charles hay phàn nàn về việc tôi chuyên môn quăng đồ tứ lung tung ở sofa, bàn ăn, và phòng khách; hay khi tôi lúc nào cũng ôm lấy cái laptop, kể cả khi ăn. Nhưng chúng tôi rất hợp, như có lần ông nói: you are the best roommate one can have…
***
Tôi đang ở Houston cùng gia đình đón Tết Tây khi tôi nhận được điện thoại của ông giám đốc là Charles is not going to work with us. Có rất nhiều lí do, nhiều nguyên nhân, đó là kết quả của một chuỗi các sự việc không ai lường được. Charles sẽ quay lại Arizona. Đó là lựa chọn duy nhất.
Hôm qua, khi tôi lái lên Dallas, tôi ngồi nói chuyện với ông, mắt ông đỏ hoe, tay chấm nước mắt vài lần. Ông bảo tôi: I know we will miss each other. Charles nói điều ông nhớ nhất sẽ là tôi và ông có cảm giác như một gia đình, khi hai người cùng đi làm về, và cùng nói chuyện về con cái, về cuộc sống. Tối qua là một trong những lần hiếm hoi tôi có cảm giác còn buồn hơn cả khóc…
Cái ngày ông đi, sẽ rất gần, sẽ chẳng bao giờ biết có dịp gặp lại. Rất buồn, nhưng vẫn phải nói lời tạm biệt tới người bạn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, lại là một người mà tôi có thể gọi bằng hai tiếng “tâm giao”.
Wish you all the best.
Hải

(1) Comment Read More

khi người ta trẻ, trước mỗi thềm năm mới, người ta tự viết ra cho mình một lô một lốc các điều cần làm và quyết tâm làm trong năm mới, dù họ biết, cái sự khắc nghiệt và đồng bóng của cõi đời, sẽ không bao giờ cho phép họ – những con người yếu đuối, nhỏ nhoi, được đi theo cái lộ trình mà họ đã vạch ra ấy
ấy thế, năm này qua năm khác, khi thời gian đang bò lê bò lết những khoảng khắc cuối cùng của một năm – dần – đã – cũ, người ta lại hay ngồi, tập trung, và viết cái – gần – như – vô – nghĩa đó
2011 resolution với anh, chỉ đơn giản như một câu của Guillaumet trong Cõi người ta:
Anh chống lại mọi cám dỗ. Anh bảo: nằm ở trong lòng tuyết, con người ta mất tuốt hết linh tính tự vệ. Đi suốt hai, ba, bốn ngày đường, con người chỉ còn có cầu mong giấc ngủ. Tôi cũng ước mong được ngủ. Nhưng tự nghĩ: vợ tôi, nếu tin là tôi còn sống, ắt tin là tôi đương đi. Bạn hữu tôi, cũng tin rằng tôi đương đi. Mọi người cùng tin cậy nơi tôi. Tôi là một thằng tồi nếu tôi dừng bước lại.
mong ước cho năm 2011 của anh cũng như thế, dù bất cứ điều gì xảy ra, cũng chỉ mong đủ niềm tin, đủ kiên nghị để mãi đi trên con đường mà mình đã chọn – bất kể con đường đó có khó khăn, hiểm trở như thế nào
vì còn sống là còn phải đi
và các bạn của anh, anh cũng mong cho các bạn luôn gặp những may mắn, mong cho con đường mà các bạn đi năm mới này sẽ luôn bằng phẳng, luôn thuận lợi. Nhưng, nếu vì bất cứ lí do gì, chẳng hạn tạo hóa trêu ngươi, khiến con đường đó gập ghềnh đi một chút xíu, mong cách bạn hãy luôn nhớ rằng: anh – bạn hữu của các bạn, tin cậy nơi các bạn, tin rằng dù thế nào thì các bạn vẫn đương đi…
Happy New Year!
01012011
B.l.u.e



Ôi, gửi người em gái miền Nam

Tagged Under : gửi-người-em-gái-miền-nam, đoàn-chuẩn

Trong số các nhạc sĩ của nền nhạc trữ tình Việt Nam, bản thân tôi thấy lạ nhất là trường hợp nhạc của Đoàn Chuẩn. Tôi không biết mọi người nghe nhạc của ông thấy thế nào, chứ riêng tôi, rất hiếm khi xảy ra cái cảm giác chẳng biết là thích, hay là không; khó xác định đối với mình là hay, hoặc là dở như với các bài của ông. Tôi đã từng có nhiều lúc cả ngày chỉ nghe đi nghe lại album gồm các bài của Đoàn Chuẩn, nghe xong rồi vẫn không rõ mức độ yêu thích của mình.
Có nhiều bài nhạc của Đoàn Chuẩn, nếu hỏi tôi nhớ lời hay không, thì chắc chắn là tôi sẽ trả lời không, nhưng nếu nhạc của bài nào đó vang lên, thì tôi lại có thể hát theo ngay.
Nhạc của Đoàn Chuẩn cứ tự nhiên đi vào tâm trí tôi như thế.
***
Trong các bài của Đoàn Chuẩn, tôi thích nhất là “Lá đổ muôn chiều”, chỉ vì hai câu kết rất đạt
Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát
Đời vắng em rồi vui với ai
nó rất giống câu kết trong một bài thơ của Vũ Hoàng Chương, nhưng hoàn toàn không sáo rỗng, người đọc/ người nghe không có cảm giác sao chép lộ liễu (trường hợp “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương mượn ý thơ Thanh Tâm Tuyền cũng thế).
Ngoài ra, các bài còn lại của Đoàn Chuẩn, tôi đều có cảm giác quen thuộc như nhau.
***
Bình thường khi nghe nhạc Đoàn Chuẩn, tôi rất ít khi suy nghĩ nhiều, ít khi để ý tới lời bài hát, vì mỗi khi ca sĩ cất giọng lên, thì dường như những lời ấy tự động chạy ngang trong đầu tôi. Đột nhiên sáng nay tới công ty sớm, lâu lắm rồi mới có cảm giác đi làm sớm, chỉ bởi vì tối qua mất net nên phải ngủ một mạch từ 11h đêm, nên sáng ra tươi phơi phới vì được ngủ như con heo bự. Tới công ty, ngồi lướt Facebook vu vơ, và lên Mp3 Zing, chọn đại album nào đó nghe. Đại loại là lúc nào ngồi trước máy vi tính, thì tôi phải có cái gì đó để nghe.
Hôm nay chả hiểu sao chọn nghe “Nơi tôi sinh Hà Nội” của Minh Quân. Sau bài “Hà Nội ngày tháng cũ” nghe tàm tạm, thì tôi có hứng nghe tới “Gửi người em gái”.
“Gửi người em gái” tôi nghe không tới ngàn lần thì cũng phải vài trăm, ừ thôi, thì vài chục lần vậy, không lại bị gọi là chém gió. Nhấm nháp từng ngụm cafe nghi ngút khói, ngả người trên cái ghế êm và nhìn ra bầu trời Texas xanh thẳm, bên tai tôi văng vẳng từng giai điệu quen thuộc. Bất chợt…
Cái gì đây nhỉ? Đây đâu phải là “Gửi người em gái”!
***
Cũng lạ, đây không phải lần đầu tiên tôi nghe “Gửi người em gái”, nhưng thình lình đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác thật – sự – bực – bội vì bài hát bị sửa đổi một cách hết sức thiếu tôn trọng tác giả.
“Gửi người em gái” đúng như nguyên tác, có lẽ là version của Ngọc Bảo. Ai từng nghe qua version này, như gần đây là trong album “Lời du tử” của ông, để ý xíu ắt sẽ ngạc nhiên vì nó dài tới 8 phút, gần gấp đôi những version còn lại trên mạng của các ca sĩ khác.
Trước đây, tôi có đọc đâu đó là “Gửi người em gái” khi được đưa vào Nam hát đã bị chỉnh sửa nhiều chỗ hết sức – vô – lý bởi Khánh Ly. Có nhiều chỉnh sửa không làm thay đổi rõ ràng cái ý liền mạch của tác phẩm (như anh giải phóng – anh du kích trong bài “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn), nhưng việc chỉnh sửa này, đúng là, hoàn toàn thay đổi rất nhiều ý nghĩa bài hát.
Dù biết vào thời điểm đó, vì lí do chính trị, Khánh Ly buộc phải đổi lời như thế, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy sau này, khi mà âm nhạc được cởi trói một phần nào rồi, rất nhiều ca sĩ vẫn vô tư lự hát theo lời của Khánh Ly. Đã có thời điểm, người ta xem nhạc Đoàn Chuẩn (hay nói rộng hơn là nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình…) như cái mốt để đánh bóng mình, ca sĩ nào cũng đua nhau hát. Vì thế, từ một version – sai – của – Khánh – Ly, nó bị biến tấu thành nhiều version – sai – và – sai khác.
Ngồi thử nghe “Gửi người em gái” của nhiều ca sĩ, tôi thấy choáng váng vì sự hỗn loạn, thiếu thống nhất, kiểu các ca sĩ muốn hát gì thì hát, lấy từ version này một ít, version kia một ít.
Nhìn chung, “Gửi người em gái” có 3 kiểu hát nổi bật:
Version gốc như Ngọc Bảo: Tài tử Ngọc Bảo là một tên tuổi lớn, một giọng hát hiếm có trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng với nhiều người ngày nay, có lẽ họ chả biết tới Ngọc Bảo là ai. Chính vì thế, dù đây là version đúng nhất (theo ý tôi), vẫn không nhiều người hát.
Xa xa thì có Lê Dung hát đúng. Gần hơn nữa thì có Trần Thu Hà. Tôi không nhớ nhiều lắm về version của Hà, nhưng chỉ nghe tới khúc Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền bị Hà ‘nhầm lẫn’ hát thành Rồi từ ngày ấy sống xa anh nơi kim tiền là đã bấm ngay nút close đóng ngay version đó lại. Ôi, đã bỏ công hát đúng với version gốc, thì tại sao phải sửa hai chữ đơn giản như thế?
Version tiếp theo được sử dụng và học theo nhiều nhất, là version của Khánh Ly. Dù sao Khánh Ly cũng là một trong những ca sĩ lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam, nên nhiều người xem cô là chuẩn mực cũng đúng thôi. Version của Khánh Ly bỏ đi nhiều đoạn, trong đó đáng tiếc nhất là đoạn mà tôi thấy rất hay:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat
Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!
Cái ý ‘trắng xóa mặt đường’ hay thế, tại sao không được xài, mà thay bằng ‘nhìn xác pháo bên thềm’, và ‘một người em gái nhớ người thương’ bị đổi thành ‘gợi lòng tôi nhớ tới người em’.
Hay
Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.

bị đổi thành
Tình nghèo xa cách mãi em tôi đành ôm mối sầu mà đi

Ngay cả Ánh Tuyết, người được đánh giá là hát nhạc Đoàn Chuẩn rất thành công, cũng hát theo version này. Cả những diva tên tuổi như Thanh Lam cũng thế. Tâm trạng tôi là: thất vọng.
Version còn lại là các version khác. Như Anh Ngọc và Tuấn Ngọc thì chọn cách lập lại từ đoạn: Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi, và thay đổi rất nhiều từ lẻ.
Ngoài ra còn các version như kiểu Hồng Nhung, vẫn hát đoạn Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ… nhưng ngoài việc hát anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương thành anh đến chờ em… giữa cầu Hiền Lương thì cô còn bỏ đi đoạn đẹp nhất trong bài là
Xuân năm nay, đường đêm Catinat…
Đại loại là các version khác, đều mang một chút ý rất hay từ version gốc, người có chỗ này, thiếu chỗ kia; người thiếu chỗ này, nhưng có chỗ kia; trong khi việc đơn giản là hát lại y như version gốc, thì không mấy ai làm (gần đây có hai bạn trẻ Nathan Lee và Thu Minh hát đúng lời, nhưng giọng và cách phối thì dở tệ).
Ôi, gửi người em gái miền Nam mà thiếu những câu như
Dần trắng xóa mặt đường
Một người em gái nhớ người thương!
hay
Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn

hay
Trời Bắc lóa ánh đèn
Một người trên đất Bắc chờ em!
thì có còn là Gửi người em gái miền Nam nguyên gốc nữa không…
111110,
B.l.u.e
p/s:
- link youtube http://www.youtube.com/watch?v=a8AZnUxsKQo
- link mp3: http://www.mediafire.com/?aaz9kffibh169p1
(2) Comments Read More
Nov
09
Đôi mắt người Sơn Tây
Filed Under (Music) by B.l.u.e on 09-11-2010
Tagged Under : phạm-đình-chương, đôi-mắt-người-sơn-tây

Cuối cùng là chẳng có một đổi thay nào. Sau bốn mươi năm, chúng ta vẫn yêu mến Hoài Bắc Phạm Đình Chương bằng một mến yêu không bao giờ thay đổi.
Đoạn trên là lời tưởng niệm Phạm Đình Chương của nhà văn Mai Thảo. Ngày ấy, nghĩa là sau cái thời điểm mà cuộc hôn nhân giữa Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc tan vỡ, ông uống rượu rất nhiều, uống cả ngày, cùng với Mai Thảo. Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu mến nhất trong số rất nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc Việt Nam – tuy chỉ dài chưa được 3/4 thế kỉ, nhưng đã sản sinh ra bao nhiêu tài năng, bao nhiêu tuyệt phẩm.
Tôi nghe Phạm Đình Chương khi nào tôi cũng không rõ lắm, nhưng hình như là sau Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn một thời gian khá dài. Thật ra, ban đầu là tôi mua cái đĩa Mp3 tổng hợp các bài nhạc tiền chiến (12 ngàn/ đĩa bán đầy ở các cửa hàng băng đĩa lậu). Tôi nghe nhạc hay thích nghe vào những buổi chiều, trong căn phòng kéo kín rèm tối bưng. Và lần đó, Winamp chơi random tới bài “Người đi qua đời tôi” với tiếng hát Thái Thanh. Những giai điệu lúc dồn dập, lúc thê lương hòa cùng tiếng hát liêu trai rất đặc trưng của “Tiếng hát vượt thời gian” Thái Thanh khiến tôi rùng mình ớn lạnh, ngay từ câu đầu tiên: Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu… cho tới câu: Trên lối về nghĩa trang/ Nghe những linh hồn nghe những linh hồn/ Trong mộ phần tối đen…
Kể từ đó, tôi biết tới cái tên Phạm Đình Chương.
Ban đầu, tôi không thích nhạc của ông nhiều lắm, vì đơn giản một điều là nó quá thê lương. Thậm chí, sau này khi đã nghe qua những câu như Đừng bỏ em một mình, đường về nghĩa trang mông mênh (Phạm Duy) hay Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, Con dế buồn tự tử giữa đêm sương (Từ Công Phụng), tôi vẫn không cảm giác được cái nỗi tuyệt vọng như thế.
À, đại loại là, tôi ngày đó nghe hầu hết các bài của Phạm Đình Chương, nhưng chỉ là nghe qua cho biết, rất ít khi nghe lại lần thứ hai…
***
Phạm Đình Chương về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, có thể chia thành hai giai đoạn rõ ràng, được ngăn cách bởi một sự kiện – đau đớn – và – phũ phàng: phát hiện vợ mình ngoại tình.
Chương của thời tâm hồn tươi trẻ, đó là ca sĩ Hoài Bắc, ca sĩ chính của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng một thời. Cho đến nay, theo ý kiến của tôi, có lẽ chỉ có ban đại hợp xướng Tiếng tơ đồng của ông vua Tango Hoàng Trọng, và sau này, tuy hơi khập khiễng xíu khi so sánh, là ban Phượng Hoàng với các thành viên Elvis Phương – Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang mới đạt đến mức tuyệt vời như thế.
Không hiếm chuyện các nhạc sĩ xuất thân từ ca sĩ, hay có giọng hát hay. Một vài tên tuổi quen thuộc có thể liệt kê ở đây như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Lê Uyên Phương, và sau này là Trần Tiến… nhưng trong đó, hiếm ai hát thật sự cuốn hút như Phạm Đình Chương.
Tôi hồi đó nghe kể lại là Hoài Bắc (Chương) sở hữu một giọng hát rất trầm ấm, truyền cảm và cuốn hút. Đặc biệt là ông có tài ngâm thơ. Nói ngoài lề một chút, việc ngâm thơ trong một bài hát, nếu áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, thì đem lại hiệu quả tuyệt vời, nhưng nếu thái quá thì ra tác dụng ngược. Có thể nêu ra ở đây vài bài của Hoàng Oanh – ngay cả khi ‘thương hiệu’ riêng của Hoàng Oanh là thế (nhưng không vì vậy mà bài nào cũng hay và hợp), gần đây là Trường Vũ. Anh Trường Vũ này rất khoái ngâm thơ, dù nhiều lúc, nói thật, tôi thấy chán òm, mà chả hiểu sao người ta khen nhiều thế.
Quay lại, Chương sau khi chia tay Khánh Ngọc, là một Phạm Đình Chương của u sầu, của hoài niệm, của tiếc nhớ, của đớn đau. Những điều này có thể dễ dàng nhận ra qua những sáng tác thời điểm sau của ông. Có nghe, có hiểu Chương qua cả hai thời kì ấy, mới thấy thương ông ghê gớm. Phải chăng vì thế, khi ông mất bên hải ngoại, rất nhiều người buồn và thương tiếc…
***
Trong các bài thơ đã học ở chương trình văn học phổ thông, thì chỉ có hai bài để lại cho tôi ấn tượng nhất, đó là Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, và Tây Tiến của Quang Dũng. Đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn hay lẩm nhẩm vài câu trong những bài đó. Những câu cứ thế tự nhiên đến trong đầu, thật là lạ kì.
Như đã nói ở trên, tôi đã không nghe Chương từ lâu lắm, bất chợt một chiều nọ – quái, tôi rất hay bị chết đứ đừ bởi các bài nhạc tình cờ đến như thế này – tôi ngồi lái xe và nghe lại “Đôi mắt người Sơn Tây”.
Đôi khi người ta hay đặt câu hỏi: ai là người phổ thơ hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam? Dĩ nhiên, kể ra thì nhiều lắm, Phạm Duy với những bản phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh mà tôi rất thích, hay Anh Bằng với số lượng ca khúc phổ thơ đồ sộ; có nhiều người thì gọi Phạm Đình Chương là thiên tài trong lãnh vực đem thơ vào nhạc.
Thật ra, ai cũng có những điểm mạnh của mình. Lấy Phạm Duy làm ví dụ, “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình”, ông đem vào nhạc hay đến mức chính Minh Đức Hoài Trinh cũng phải thừa nhận là chúng thậm chí còn hay hơn cả hai bài thơ gốc. Riêng tôi, tôi đánh giá việc Phạm Đình Chương đem cả hai tuyệt phẩm của Quang Dũng “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây”, để hòa vào một bài nhạc bất hủ duy nhất “Đôi mắt người Sơn Tây” cao hơn.
Nghe “Đôi mắt người Sơn Tây” của Chương sau khi đã đọc hai bài thơ nguyên gốc của Quang Dũng, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên vì không thể tìm thấy cái ranh giới nào, dù chỉ là rất nhỏ, gọi là có thể ngăn cách cái ý liền mạch của bài hát. Dường như, đó là một bài duy nhất, chứ không phải lấy ý từ hai bài thơ khác biệt. Chỉ nội điểm này thôi cũng đã đủ để người đời ngả mũ kính phục.
“Đôi mắt người Sơn Tây” gần đây được khá nhiều người biết tới, sau khi Đức Tuấn – một giọng ca tiềm năng của nền nhạc Việt đương đại, đưa nó trở lại với khán giả yêu nhạc sau hơn 30 năm đóng mờ cát bụi. Không thể phủ nhận Đức Tuấn xử lí bài hát này rất đạt, đạt từ giọng hát tới phần hòa âm. Tôi đánh giá version này của Đức Tuấn còn hay hơn cả Bích Liên, và ngang ngang bản của Thái Thanh.
***
Cái thú vị của việc nghe lại những bản nhạc xưa, là tình cờ tìm được version nào đó, rất độc, rất lạ, và rất cũ. Như bản “Dạ khúc cho tình nhân” vào năm 1970, chỉ có độc tiếng guitar của Phương, hay bản “Thiên thai” với phần trình diễn của ban đại hợp xướng Tiếng tơ đồng.
Đối với “Đôi mắt người Sơn Tây”, thì đó là hai phiên bản (mà tuy chất lượng thu âm không cao), nhưng theo tôi là ăn đứt version của Đức Tuấn, và cả Thái Thanh.
Bản đầu là giọng hát của chính tác giả, điều đặc biệt là khúc cuối, đích thân Hoài Bắc ngâm bốn câu thơ cuối trong bài Đôi Bờ:
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?
Đúng là có nghe tiếng hát trầm ấm của Chương hát xong, lại nghe tiếng ngâm thơ hòa hợp về cuối, mới thấy được hết cái đẹp xen lẫn buồn nhẹ nhàng của bài hát.
Bản thứ hai là sự kết hợp giọng ca liêu trai, đầy cao vút của Thái Thanh, chất giọng truyền cảm của Chương, và giọng ngâm thơ của Hồng Vân.
Hồng Vân là một trong những giọng ngâm thơ khá được chú ý trong nền âm nhạc Việt Nam, dù không được như Tô Kiều Ngân, Vân Khanh… nhưng đặc biệt trong bài này, giọng ngâm của cô mang lại nhiều tư vị riêng, nhất là khi nghe hai câu ngâm:
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
***
Buồn viễn xứ khôn khuây… nghe câu này, tôi nhớ ai? Nhớ quê hương, nhớ kỉ niệm, hay nhớ em…
091110,
B.l.u.e

ba
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 25-10-2010
Tagged Under : ba

Người ta có thể chọn mọi thứ, nhưng không thể chọn người sinh ra mình. Đại loại là có ai từng nói với tôi câu này, là mẹ tôi, là bà nội tôi, hay là bác ruột tôi? – trời, kí ức qua lâu lắm rồi, làm sao tôi nhớ được cơ chứ? Tôi chỉ biết họ nói câu này khi tôi bảo rằng tôi hận ba tôi. Những cảm nghĩ, những tình cảm của tôi về ba, nó nhòe nhoẹt lắm, không phải vì do thời gian làm cho nó mờ đi, mà là do có quá nhiều cảm xúc khác nhau, và mỗi thứ đều là những thái cực hoàn toàn tương phản.
Lịch sử dưới góc nhìn của một đất nước chỉ là những biến cố xảy ra, theo cách này hay cách khác, nhưng đối với nhiều người, nó đơn giản để lại những hệ quả cả đời người. Ba tôi hồi trẻ học giỏi, đẹp trai, hát hay và đàn giỏi (tôi thì không được cái nào trong cả bốn cái đó). Ông có lẽ đã được đi du học nếu không xảy ra sự kiện 1975. Và chính cái biến cố ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông sau này.
Có hai thứ gắn liền với hình ảnh ba mà tôi nhớ nhất khi nghĩ về tuổi thơ của mình: đó là hình ảnh chai xì dầu bay đánh choảng vào cái tủ sau lưng, chỉ cách đầu tôi vài gang tay, và hình ảnh ngọn đèn thắp thâu đêm khi ba kèm tôi học. Những kí ức yêu, hận cứ đan xen lẫn nhau, đi cùng tôi đến gần hai mươi năm cuộc đời.
Có những lần khi ba uống rượu say, tôi hay ngồi một góc, lặng nhìn khuôn mặt đang rất tức giận, và tự hỏi liệu đó có phải là người đàn ông rất tinh tế, rất nghệ sĩ luôn tươi cười mà mình biết trước đó? Những lúc như vậy, tôi hay nghĩ về quá khứ, khi ông cùng tôi chơi đá banh, những lúc ông học cùng tôi, giải toán cùng tôi, hình ảnh ông ngồi im trên chiếc xích đu cũ kĩ, nhìn ra bãi cỏ xám bạc cả một màu vào những buổi chiều ông chờ tôi tan lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở huyện về, hay hình ảnh ông nhảy xuống ao hì hục tát nước lên dập cho tắt đám cháy mà tôi và thằng Bảo, vì nghịch ngợm chơi trò búng diêm đã xém đốt gần như trụi bãi cỏ của trường. Cũng có lúc, tôi lại nhớ về cái ngày mà ba nói với tôi: ba mẹ bỏ những gì gầy dựng bao năm ở đây, chuyển nhà lên thành phố để con học cho tốt.
Tôi biết ơn ba lắm, ông dạy tôi từ những bài học của cuộc đời ông, những bài học mà một anh chàng vốn thư sinh như ông phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, bằng những ân tình và cả lừa dối của người đời. Nhưng rồi, cũng có lần tôi hận ba ghê gớm, khi ba và mẹ gây sự ầm ĩ cả xóm làng, và sáng hôm sau, tôi đi học, tôi đến trường trong cái nhìn đầy thương cảm của bọn bạn.
Tôi hận ông, đặc biệt khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, của em gái tôi, và đôi khi của tôi – như thể tôi đang từ ở một nơi nào đó xa lắm, một tầng không gian nào đó và đang nhìn xuống cái cảnh tan tành đang diễn ra. Đôi khi tôi thấy quen thuộc đến chai lì với nó, đôi khi tôi thấy đau đớn khôn nguôi.
Những cơn say của ông diễn ra thường xuyên đến mức, nhiều khi ngay sau lúc xưng tội xong, biết rằng mình đã được Chúa tha thứ hết, tôi nghe tiếng còi tàu xe lửa hú vang lên và nghĩ, hay mình đâm đầu vào đó cho xong, vì chắc chắn chết rồi sẽ được lên thiên đàng, sẽ có cuộc sống tốt hơn hiện tại. Nhưng rồi tôi lại nhớ về mẹ tôi, về em gái tôi. Đó cũng là lúc tôi tự bảo mình phải mạnh mẽ hơn.
Năm tôi bắt đầu học cấp ba, cũng là khi tôi bắt đầu phản kháng lại ông. Những lần ầm ĩ trong nhà tôi hay bắt nguồn từ các kịch bản quen thuộc, ba la tôi hay em tôi, mẹ tôi bênh lại, và cuối cùng tôi là người đứng thẳng lên phản kháng. Những lúc như thế, những lúc khi tôi sẫng giọng lên với ông, nhìn vào đôi mắt đỏ hằn vệt máu của ông, tôi nghĩ ông sẽ đánh tôi, nhưng ông chỉ run run và bảo: ngay cả mày giờ cũng như thế, rồi đóng sập cửa phòng lại và ngồi trong đó cả ngày. Những lần đó, tôi hay tự hỏi, ông làm gì trong đó, liệu ông có đang buồn vì tôi như thế?
Tôi khi đó hành xử theo những cơn nóng giận của cảm xúc, của bản thân. Tôi từng lén xé bỏ đơn li hôn của ba mẹ tôi, cũng có lần khuyên mẹ nên nộp đơn ra tòa, vì như thế là giải thoát. Có một lần như thế, khi tôi in cái bảng bán nhà cho mẹ tôi, và tự mình ra dán ngay trước cửa nhà, ba tôi đi đâu về, thấy, ông lẳng lặng xé nó ra, và ngồi ngay cầu thang. Tôi khi đó chả thiết gì nữa rồi, tôi cũng chỉ ngồi lẳng lặng đó xem ông làm gì. Ai ngờ, nơi cái góc cầu thang tối om, ừ, đó vẫn là kí ức hằn sâu trong tôi, tôi thấy ông khóc. Ông bảo tôi rằng: ba biết con hận ba lắm, nhưng ba lúc nào cũng là ba của con, phải không? và ông tiếp tục: ba không biết, là ba không tốt, ba sợ sau này khi con quen ai đó, gia đình người ta nhìn vào nhà mình thấy ba không tốt, sẽ không cho con quen con gái người ta. Lúc đó, tôi chết lặng, đúng nghĩa của từ đó, tôi chỉ muốn chạy tới ôm chặt ông, nhưng cái tính ích kỉ quá trẻ con của mình khiến tôi chỉ đứng đó, chăm chăm nhìn ông…
Sau đó, đột ngột một buổi sáng ông thức dậy, ông quyết định thay đổi. Ông là một trong những người mà tôi thấy khó hiểu nhất. Ông bướng bỉnh không chịu thay đổi, ngay cả khi có thể vì sự bướng bỉnh đó mà ông mất cả gia đình ông yêu thương nhất, thứ quý giá duy nhất của cuộc đời ông. Và rồi, ông lại đột ngột trở thành một người khác hẳn. Ông bỏ rượu, bỏ thuốc lá ngay lập tức, không có triệu chứng vất vả gì. Rồi ông hằng ngày thức dậy lúc 4h sáng để đi nhà thờ. Dù là muộn màng, nhưng ơn trời, lòng ông rốt cuộc cũng được bình an. Ông hay bảo đó là do bà nội tôi ở Thiên Đàng hằng ngày cầu nguyện cho ông.
Tôi học được từ cái cách tôi nhìn ông qua năm tháng rất rất nhiều điều, và tôi đang làm rất tốt. Tôi học những bài học để trở thành một tôi như hiện tại qua những trải nghiệm đích thực như thế. Tôi chưa bao giờ để mình thật sự say mất kiểm soát. Cả cuộc đời tôi từ đó tới giờ, tôi có thể tự hào nói rằng tôi hầu như chưa từng nóng giận. Tôi lì lợm theo cách mà đôi khi tôi cũng ngạc nhiên, tôi gai góc, tôi phớt đời, và tôi cũng rất đa cảm, rất yếu đuối.
Những điều tốt đẹp của cuộc đời, dạy ta theo một cách, và những mất mát, những kí ức buồn đau, lại làm công việc của nó theo một hướng khác, và phải chăng chính chúng mới tạo nên một chúng ta như hiện tại?
Ba tôi thay đổi nhiều kể từ ngày ấy, ông vui vẻ cả ngày, không còn cái bất mãn với cuộc đời thường thấy. Tuy ông không thể cùng tôi học như những ngày còn nhỏ, nhưng ông vẫn theo dõi từng bước tôi đi. Ông không bao giờ hỏi tôi về những cô gái mà tôi đang quen, nhưng ông biết rõ về họ.
Những kỉ niệm không vui của tôi về ba, giờ được thay thế bằng tiếng cười của ông những lúc ông cùng tôi chơi game. Ông chơi một trò chơi với tôi, đến mức nhiều lúc tôi đang ngồi tán gái trong game, còn bị bạn tôi bảo: thằng Cún xê ra để ta nói chuyện với bác xem nào. Những lúc như thế tôi thấy tôi và ông thật gần gũi (dù đôi khi ông hay mắng tôi vì tôi quen những đứa con gái “không ra gì”).
***
Cuộc sống ở Việt Nam rất nhàn hạ, dư ăn dư mặc, nhưng như một lần nữa, ba vẫn quyết định bỏ tất cả để qua Mỹ, vẫn với câu quen thuộc: nơi đó tốt cho con và em hơn. Qua đây, tôi đi cùng ông tới từng garage sửa xe, từng tiệm mộc, từng chợ người Việt… để hỏi người ta việc cho ông. Khi tôi chưa biết lái xe, ông chở tôi đi tới từng nơi, từng nơi để phỏng vấn, mỉm cười khi tôi bước ra khỏi công ty, an ủi tôi khi biết tôi bị họ từ chối.
Một lần tôi có cuộc phỏng vấn dài hơn ba giờ đồng hồ, khi tôi bước chân ra khỏi cửa công ty, thì thấy ông đang ngồi bên gốc cây chờ tôi. Mười năm trước, vẫn là hình ảnh đó, mười năm sau, vẫn là hình ảnh đó. Tôi biết rằng, tình yêu và niềm hi vọng của ông về tôi, sẽ theo tôi cả đời.
Ngày tôi được nhận đi làm trên Dallas, ông vào sở làm và khoe với tất cả mọi người. Khi tôi nghe mẹ tôi kể lại, tuy không ở đó, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ông vui thế nào.
Tôi đi làm, ngày ngày vẫn nói chuyện với mẹ, vẫn chat trên YM với em gái tôi, nhưng chưa từng nói chuyện gì với ông, trừ những lần liên quan đến việc nhà này nọ. Tôi không coi đó là xa cách, giao tiếp không phải là cách duy nhất mà hai người đàn ông có thể dùng để hiểu nhau.
***
Mẹ gọi tôi, mẹ nói tôi rằng ba dạo này yếu lắm, nhưng mẹ nói ba mua bảo hiểm sức khỏe, ba không mua, vì nó mắc quá. Mẹ nhờ tôi khuyên ba. Đến lúc này, tôi mới thực sự nhận ra ba tôi đã lớn tuổi thế nào, và tôi thật sự đang thay thế ông trở thành trụ cột của gia đình ra sao.
Những đoạn kí ức đó vẫn còn, nhưng cách nghĩ của một thằng nhóc 16 tuổi không còn. Tôi chỉ còn kính trọng ba, và rất thương ông. Như lúc ấy tôi đang chạy xe, giọng mẹ nhỏ nhẹ vì sợ ba nghe thấy, nói tôi về tình hình sức khỏe của ông, tới những chữ “ba dạo này yếu lắm”, tôi buồn, rất buồn…
25102010,
B.l.u.e
(8) Comments Read More
Oct
24
tôi đang mơ giấc mộng dài
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 24-10-2010
Tagged Under : mơ
Tối Chủ Nhật, ngủ một giấc tới trưa, rồi xuống nhà nằm đọc gì đó và xem gì đó, những thứ mà đến giờ mình chẳng còn chút ý thức đọng lại xem nó là gì. Chiều mới lồm cồm bò dậy, mò đi ăn, về nhà rồi lại ngủ một giấc tới tối khuya, đói quá lái xe đi mua sandwich ăn.
Trên con đường ngắn ngủi chạy tới Subway, ngồi nghe vài bài nhạc vu vơ. Và đột nhiên, thấy buồn, buồn ghê gớm.
Như là lúc hôm qua, đứng giữa hàng chục người Mỹ bự, cụng beer với họ cả buổi, và đột nhiên ngẩn người ra, mình đang đứng nơi đâu và làm gì thế này, những thứ thế này có ý nghĩa gì với cuộc đời của mình?
Hay lại cũng như là lúc hôm qua, giữa hơn bốn chục ngàn người gào thét vang dội nơi sân vận động, đột nhiên ngồi lặng lại, những thứ này là gì, tại sao nó lại quá khác biệt so với cuộc sống thật của mình. Ừ, rồi lại nhận ra, đây mới là cuộc sống thật của mình, cuộc sống mà mình đang sống.
Còn tối nay, khi tỉnh giấc, xung quanh là một màu đen tĩnh lặng, trong đầu mình không còn tồn tại khái niệm gì về không gian và thời gian, cứ nằm đó và tự hỏi: cái thằng đang nằm đây và đang tự hỏi phải là mình không?
Đột nhiên, bùng dậy trong đầu một nỗi bực tức, một cơn giận khôn tả, kiểu như tại sao tôi-lại-đang-là-tôi-như-thế-này?
và rồi, thấy cô đơn và buồn kinh khủng…
Cứ như đang mơ những giấc mộng dài, những giấc mơ màu sắc và sự kiện hỗn loạn. Mà biết đâu, cuộc đời thực đang tiếp diễn này của mình, lại đang là trong một giấc mơ ngắn của một ai đó. Đột nhiên muốn xem Inception quá, nghe bảo nó giải thích được cái gì thực và mộng. Mà thôi, có là mơ hay thực, cũng thế mà thôi.
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh
(Phạm Duy)

tôi ngồi đọc thư em…
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 03-10-2010
Tagged Under : tiểu-tình-nhân
Tặng Hiệp của anh
Cả tuần công việc và việc học bận rộn, mệt mỏi, ngày nào cũng đến tối mịt mới lết xác về nhà. Chính vì thế, như bao nhiêu người khác, tôi rất thích cuối tuần.
Như hôm nay là Chủ Nhật chẳng hạn, tôi nằm dài trên giường đến tận 1h trưa, cho đến khi mẹ gọi điện và cằn nhằn, mới lết xác xuống nhà. Khi xuống dưới nhà, lại ngồi chơi Modern Warfare trên XBox 360 tới 3h chiều mới lái xe đi mua gì đó ăn tạm.
Khi lái xe qua cái hộp thư đặt trước nhà, tôi nhận được thư em.
Tôi đang sống một cuộc sống rất vui vẻ. Tôi vui mỗi khi mẹ gọi điện hỏi thăm. Tôi vui khi hai bé Trung Quốc chung nhóm sau khi để tôi làm hết bài đồ án, mới nói cám ơn, và: không có cậu thì bọn mình chả biết gì. Tôi vui mỗi tháng hai lần nhận cái pay check ở công ty.
Hay như hôm nay, một chủ nhật đẹp trời, trong căn phòng, các sửa sổ kéo rèm lên hết, trên cái nệm vàng ươm màu nắng, tôi ngồi đọc thư em, và… mỉm cười vì hạnh phúc.
Hanh phúc thật giản đơn…


những bài nhạc tôi yêu về Hà Nội [p1]
Filed Under (Music) by B.l.u.e on 19-09-2010
Tagged Under : hà-nội, tiểu-tình-nhân
riêng tặng Hiệp của anh
Người ta có nhiều lí do để yêu một thành phố nào đó. Như tôi, tôi yêu Hà Nội chỉ vì những câu thơ, những bài nhạc – hay nói đúng hơn là một Hà Nội trong trí tưởng, một Hà Nội của thời xa xôi lắm. Thật ra, không phải cứ là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mới có quyền yêu Hà Nội. Có nhiều nhạc sĩ, thi sĩ chưa một lần đặt chân ra thủ đô, nhưng đã có những sáng tác tuyệt vời về vùng đất này. Tôi cho rằng, họ mang tâm hồn và tính cách Hà Nội còn hơn cả nhiều người xưng mình là Hanoian thật sự.
Dĩ nhiên, trong bài viết để tặng riêng em, tôi không muốn gây nhiều tranh cãi, nên tạm ngừng cái quan điểm cá nhân ở đây. Bài viết ngắn này tặng em, không phải vì em yêu Hà Nội hay tôi yêu Hà Nội, mà là vì tôi yêu tất cả những gì liên quan đến em, đơn giản như là vùng đất em đang sống, cái bầu không khí mà em đang thở vậy.
Những ca khúc viết về Hà Nội cũng nhiều, bài này của tôi không nhằm mục đích tổng hợp lại tất cả, mà chỉ là những bài – mà theo ý kiến riêng của tôi, tôi cho là – hay nhất.
(tất cả các link download đều nằm ở phần comment cuối bài)
Hà nội 49 – Trần Văn Nhơn 1949


Hà Nội 49 luôn được xem là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội. Trần Văn Nhơn là một trong những nhạc sĩ ở thời buổi đầu nền tân nhạc Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi thời bấy giờ biết hòa âm, phối khí và chỉ huy dàn nhạc.
Khắp chốn nay điêu tàn
Nhà xiêu đổ một cảnh nát tan
Cũng cần lưu ý là Trần Văn Nhơn sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Sau này không rõ vì lí do ông lưu lạc ra Hà Nội và trở thành nhạc trưởng ban Việt Nhạc đài phát thanh Hà Nội. Hà Nội 49 được viết khi Hà Nội đang nằm trong tay người Pháp. Thời điểm này Việt Minh từ chiến khu hay tổ chức những trận đánh úp vào Hà Nội rồi rút rất nhanh, bỏ lại một Hà Nội điêu tàn, đổ nát.
Hà Nội 49 xưa có Duy Trác và Khánh Ly hát. Sau này ca sĩ Mai Hoa cũng hát lại trong album Hà Nội 49 gồm các ca khúc của thời kì đầu tân nhạc Việt Nam. Về cảm nhận cá nhân, thì tôi thích Hà Nội 49 do Duy Trác hát nhất.
Hướng về Hà Nội – Hoàng Dương 1954
Đây là ca khúc mà tôi thích nhất về Hà Nội, và cũng được đa phần mọi người đánh giá là hay nhất.
Về ca khúc này có nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện bên lề. Như theo lời Hoàng Dương kể lại, thì thời điểm đó Hoàng Dương đang ở Nam Định. Khi đó ông mới tầm hơn 20 tuổi, đang yêu một cô gái Hà Thành. Vào một đêm khuya, khi nghe tiếng pháo dội trong thành phố, ông bồi hồi nhớ đến cô, và thắp đèn thâu đêm để viết nên ca khúc này.
Người ta còn kể rằng nhà thơ Quang Dũng khi nghe tài tử Ngọc Bảo hát bài này, sau gặp Hoàng Dương đã ôm lấy ông và bảo: “Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã rất giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó”.
Tôi nghe Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương, ngay từ đầu đã chết mê mệt những câu đầy ý thơ, đầy ngọt ngào và hoài niệm. Ngay từ câu đầu
Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi…
hay những câu
Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê…
và đặc biệt là thời điểm này, mỗi khi chạy xe, nhìn ra ngoài cửa kính mưa đang đọng lại thành từng vệt, từng vệt, rất buồn và đơn độc, mỗi lần nghe tới
Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về
tôi đều nở một nụ cười…

Hình ở trên là bìa đĩa do Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, họa sĩ Duy Liêm trình bày. Bên trong bài hát có câu đề tựa: “Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu…”
Hoàng Trọng và Hoàng Dương là 2 người bạn khá thân. Chính Hoàng Trọng đã một phần gíup ca khúc Hướng về Hà Nội đến với đông đảo người yêu văn nghệ, bằng cách giới thiệu ca sĩ Kim Tước để hát bài này.
Sau, có nhiều ca sĩ khác như Thanh Thúy, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, và gần đây là Quang Dũng trình bày. Nhiều người hay cho rằng bản của Lệ Thu là hay nhất, vì giọng của Lệ Thu rất điêu luyện, dễ mê hoặc lòng người.
Cá nhân tôi, tôi lại thích version đầu tiên mà Kim Tước hát. Nó không hẳn là hay nhất, nhưng tôi cảm nhận cái nét buồn man mác, nét hoài niệm về một Hà Nội đẹp như thơ, qua từng nốt nhạc, từng câu chữ của tác giả.
Giấc mơ hồi hương – Vũ Thành – sau 1954
Người ta ít biết tới Vũ Thành, vì nhìn chung ông sáng tác nghệ thuật vị nghệ thuật, đòi hỏi ông đặt ra khi sáng tác rất cao. Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Vũ Thành là một trong hai nhạc sĩ Việt Nam trong ban nhạc hòa tấu đầu tiên ở nước ta. Vũ Thành là người đi tiên phong trong việc sử dụng những cung điệu mới so với cung Ré thứ ủ rũ, buồn đến nao lòng trong nhạc của Văn Vao, Đặng Thế Phong trước đây.
Ngoài lề xíu, Phạm Duy từng gọi Vũ Thành là nhạc sĩ đẹp trai nhất nước. Khâm phục ông ghê, tài sắc vẹn toàn.
Quay lại, Giấc mơ hồi hương sau năm 1954 được những người miền Bắc di cư vào Nam xem như kinh nhật tụng, ngày ngày hát lên và nhớ về một Hà Nội thân thương, một Hà Nội mà có lẽ cả đời cũng không bao giờ thấy được. Ngay như bản thân tác giả, cũng đã qua đời trước khi có dịp biến Giấc mơ hồi hương thành sự thật.
Từng từ, từng câu trong Giấc mơ hồi hương đều rất đẹp, rất gợi cảm xúc
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi
Hà Nội hiện ra như hình ảnh một cô gái
Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Giấc mơ hồi hương là một trong những ca khúc rất khó hát, đòi hỏi giọng người hát phải thật khỏe. Vì thế trong giới ca sĩ, không mấy người đủ khả năng để hát nhạc của ông. Có phải vì vậy mà ca khúc này ít được phổ biến rộng rãi?
Về các version của ca khúc này, tôi đã nghe những giọng nữ như Khánh Hà, Lệ Thu, Thái Thanh… giọng nam như Sỹ Phú, Anh Ngọc hát, gần đây thì có Ngọc Hạ cũng hát lại. Không đủ trình độ để đánh giá chất giọng nào hay nhất, nhưng, một lần nữa, theo cảm nhận của cá nhân, tôi thấy “Giọng hát trượng phu” Anh Ngọc là hợp nhất, dù version tôi có chất lượng bản thu âm rất tệ. Nhưng biết làm sao hơn?
Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi

Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi – 1947
Người Hà Nội được Nguyễn Đình Thi sáng tác vào năm 1947, theo như lời tác giả thì bài hát được ra đời trong một chuyến công tác tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhuệ.
Đôi khi tôi không hiểu lắm về việc mình thích bài này, vì vốn dĩ tôi chỉ thích một Hà Nội đẹp và yên bình. Nhưng quả thật bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, tuy nội dung chủ yếu là những câu thấm đậm tinh thần quật cường, đấu tranh như
Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi…
Hay tuyên truyền như
Bùng cháy khắp phố ta ơi! Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu.
nhưng đôi chỗ vẫn có những câu rất đời thường, rất bình dị
Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô.
Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kìa Ô Cầu Rền, làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi thắm.
Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào. Quanh co, chen quanh rộn ràng Ðồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, hàng
Ðào ríu rít Hàng Ðường, Hàng Bạc, Hàng Gai.
Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu
Ngoài lề một chút, theo tôi thì chỉ bằng đoạn này thôi, cũng đã đánh bại được cái gì mà báo chí khen ngợi quá lời về những sinh hoạt bình dị của người dân Hà Nội được khắc họa rõ nét trong bài Hà Nội Boogie, và còn một vài độc giả đề nghị nên trình diễn ở dịp đại lễ.
Nếu có bài nào được trình diễn, thì đó nên là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, đầy hào hùng, đầy quật cường nhưng đôi đó vẫn ẩn hiện một Hà Nội rất thơ, rất đẹp.
À, trước đây tôi hay nghe bài này do Lê Dung hát, gần đây nghe Lan Anh (Lan Anh là một giọng ca hiếm có, tuy ở nhiều chỗ còn kém Lê Dung, nhưng cũng có thể coi là độc đáo vô cùng ở Việt Nam thời điểm này) hát cùng dàn hợp xướng. Nếu xét về giọng hát, thì tôi vẫn thích Lê Dung hơn, nhưng version này hát với dàn hợp xướng thì hay hơn, đủ chất hào hùng cần có của một bài nhạc như thế này.
Vì vậy, tôi thích bài này do Lan Anh và dàn hợp xướng hát nhất (không biết Lê Dung có version nào như thế không, hay tôi chưa tìm ra nhỉ?)
Tiến về Hà Nội – Văn Cao – 1949
Văn Cao là nhạc sĩ mà tôi hâm mộ nhất trong tất cả các nhạc sĩ Việt Nam từ xưa tới nay, cả về nhạc, thơ, lẫn tính cách của ông. Nói về những giai thoại về Văn Cao thì cả ngày cũng không hết. Riêng bài Tiến về Hà Nội này cũng có nhiều điểm đáng lưu ý.
Bài Tiến về Hà Nội được viết trước ngày Giải phóng Thủ Đô những 5 năm, nhưng từng lời ca của bài hát vẫn mô tả được chính xác cái không khí tưng bừng, trùng trùng quân đi như sóng sau đó.
Theo lời Văn Cao, thì ông sáng tác bài này
“Tôi sáng tác Tiến về Hà Nội trong một đêm thu, bầu trời trong vắt, đầy sao, không gian tràn ngập ánh trăng và thơm ngát mùi lúa ngậm đòng” (Trích trong “Văn Cao – đời và người”).

Thực ra bài này tôi không nghe thường xuyên lắm, nên không biết được bài này ca sĩ nào hát hay nhất. Gần đây tìm được version do dàn hợp xướng trình bày, thấy nghe cũng hay. Nên gởi lên đây vậy.
Thật, chỉ cần nghe câu đầu Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về thôi là đã thấy hào khí nổi lên rồi…
[còn tiếp]

No comments:

Post a Comment