Monday, January 17, 2011

“Ta thấy hình ta những miếu đền”

Nhà văn Mai Thảo và tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-10-31
Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý. Sinh năm 1927 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Giòng Việt từ năm 1954. Chủ trương các tạp chí Sáng Tạo, Nghệ Thuật, Văn. Tị nạn tại Hoa Kỳ từ 1978. Mất tại California năm 1998.

Nhà văn Mai Thảo. Photo courtesy of VOA.
Thành lập nhóm Sáng Tạo
Mai Thảo nổi tiếng với tác phẩm đầu tiên mang tên “Đêm giã từ Hà Nội” và sau đó hơn 50 tác phẩm vừa tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn ra mắt độc giả. Năm 1956 cùng với Thanh Tâm Tuyền và một nhóm nhỏ bạn hữu, Mai Thảo đã thành lập tạp chí Sáng Tạo và sau đó tạp chí này trở thành nơi tập họp các văn thi họa sĩ sáng tác dưới cái tên nhóm Sáng Tạo. Những công trình của các nghệ sĩ trong nhóm sau nhiều thập niên đã có một số ảnh hưởng đến giai đoạn sáng tác của giới cầm bút, và tên tuổi của nhóm Sáng Tạo vẫn được giới phê bình văn học đánh giá cao qua các lĩnh vực sáng tác cũng như lý luận phê bình.
Tập thơ duy nhất của Mai Thảo được xuất bản trước khi ông mất ít lâu mang tên: “Ta thấy hình ta những miếu đền” sau nhiều chục năm sáng tác với thể loại văn xuôi. Hôm nay chúng tôi mời quý thính giả lần giở lại tập thơ này, tỉnh lặng trong giây lát để sống cùng với ông qua những nỗi niềm mà ông lặng lẽ viết và đọc một mình trong một thời gian rất lâu trước khi tập thơ xuất hiện.
“Ta thấy hình ta những miếu đền” với phụ bản của ba họa sĩ Ngọc Dũng, Thái Tuấn, và Nguyên Khai. Hình bìa của tác giả Trần Cao Lĩnh chụp chân dung của tác giả. Văn Khoa xuất bản 1989. Tập thơ có 44 bài thơ Mai Thảo đã viết trong nhiều năm và một thân hữu đã thay ông tập trung lại in thành sách.
Mai Thảo từ nhiều thập niên trước khi sang Mỹ đã được giới phê bình đánh giá là ngòi bút văn xuôi đậm chất thơ nhất nước. Văn chương của ông ngoài phần kỹ thuật viết, bàng bạc trên các trang chữ là không khí lung linh của thi tứ, của chắt lọc tinh tế chỉ có trong thơ và hơn hết, Mai Thảo chứng tỏ rất sành sõi khi lựa những cặp chữ đậm dấu ấn thi ca vào truyện của ông.
Nhiều nhà phê bình cho rằng văn của Mai Thảo chỉ hay khi ông có hứng thú thật sự và biến sự hứng khởi này thành chất lửa rồi đưa chúng vào tác phẩm. Nếu thiếu yếu tố này mà vẫn phải viết thì Mai Thảo sử dụng kỹ thuật để che bớt khiếm khuyết của chất lửa. Chất lửa trong sáng tác là phần cốt lõi làm nên bản sắc Mai Thảo.
Ngạo mạn
Thế nhưng khi làm thơ, hầu như Mai Thảo chưng cất chữ nghĩa cẩn thận hơn trong tất cả các bài thơ ông có. Trong tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền”, nhiều bài chỉ bốn câu ngắn viết lên những suy tưởng khác nhau của Mai Thảo. Ngắn nhưng được ông gọt giũa, chưng cất nên thơ ông trở thành chuẩn mực của một kinh nghiệm có được sau khi sống trọn đời cho văn xuôi. Bài thơ Cục Đất vừa hóm hỉnh lại vừa thâm trầm, ít nhiều nói lên được cá tính của ông:
Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhoà
Thì treo cục đất tòng teng giữa
cho cái vô cùng vẫn nở hoa
Từ trên phi cơ, núi non ngất ngưỡng và mây trắng bồng bềnh, Mai Thảo nhìn thấy cái vô cùng vừa bát ngát vừa đe dọa cho mầm sống cũng đang lơ lững trên không là ông. Mai Thảo “Con người” chợt nảy ra ý tưởng cân bằng cái bao la của vạn vật chỉ bằng một cục đất treo tòn teng chính giữa. Và ông nhận ra rằng cái vô cùng cũng hiền hòa, cũng bình an như cục đất vậy thôi. Triết lý biến sự vật nhỏ lại bằng ý muốn, tức cái vô cùng của con người đã được Mai Thảo nhiều lần áp dụng vào sáng tác của ông. Có người bảo rằng ông tự kiêu, có người nặng nề hơn cho là ngông cuồng. Có nhẹ lắm thì cũng là ngạo mạn. Nhà phê bình Thụy Khuê có nhận xét về sự ngạo mạn dễ thương này của ông như sau:
Mai Thảo tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, ông viết Ta thấy hình ta những miếu đền, cái trung tâm này phát xuất từ câu đầu khi ông viết truyện ngắn đầu tiên Đêm giã từ Hà Nội.
Nhà phê bình Thụy Khuê
“Mai Thảo tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, ông viết Ta thấy hình ta những miếu đền, cái trung tâm này phát xuất từ câu đầu khi ông viết truyện ngắn đầu tiên Đêm giã từ Hà Nội.”
Trong bài thơ “Em đã hoang đường từ cổ đại”, mặc dù vẫn còn cái lung linh hào sảng của một người tự nhận mình và người mình yêu hội tụ những đặc sắc mà trời đất đã ban tặng, Mai Thảo chỉ lặng lẽ thở dài cho những ân sủng ấy, bởi ông biết dù tài tử giai nhân thế nào chăng nữa cuối cùng thì cũng chỉ còn lại một nhánh hương cúng Phật.
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương
Phù du
Càng gần với trời đất, Mai Thảo càng nhận chân được cái hão huyền của đời sống. Như một người tù của nhân thế, ông vạch từng ngày còn sống sót lên trên bức tường đời bao chung quanh, và ông tự hỏi phải chăng những vết gạch này chính là chiếc lá trôi trong không gian vô tận đưa ông đến vô biên, đến nghìn năm trước mặt?
Mỗi ngày một gạch một ngày giam
Lên bức tường câm lạnh chỗ nằm
Gạch miết tới không còn chỗ gạch
Gạch vào trôi giạt tới nghìn năm
Mai Thảo đặt bút xuống bài thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” chừng như để tự trả lời cho chính mình một câu hỏi mà từ rất lâu khi bước chân vào ngôi đền thờ văn chương đã phát sinh: Phải chăng văn chương cuối cùng thì cũng chỉ là một cuộc bể dâu, tên tuổi, đền thờ miếu mạo rồi cũng không nói lên được gì cả ngoài cái lãng quên, cái bạc đãi cùng những đớn hèn ích kỷ của con người dành cho văn chương chữ nghĩa? Nếu nhìn bài thơ qua lăng kính này người đọc sẽ thấy Mai Thảo xuất hiện ở một tâm thế khác, đáng thương và quỵ ngã như một con sư tử già chịu thua số phận. Ở đoạn đầu bài thơ, những câu hỏi liên tiếp đặt ra với thủ pháp gần với thậm xưng, tự trào thường thấy ở nhiều bài thơ cổ.
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta, sử chép cả ngàn chương
Sao không, hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
Từ những hình ảnh mang dáng dấp giữa cuộc đời, Mai Thảo đẩy chúng lên tận trời đất
Ta thấy muôn sao đứng kín trời
Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
Sao không, một điểm lân tinh vẫn
Cháy được lên từ đáy thẳm khơi
Không ngừng ở đó, Mai Thảo tìm tới cả Chúa và Phật để chia sẻ sự vinh quang này của ông, một vinh quang ảo không hề có.
Ta thấy đường ta Chúa hiện hình
Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
Sao không, tâm thức riêng bờ cõi
Địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi!
Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải dửng dưng
Khi người đọc còn đang chông chênh giữa những điều huyễn hoặc mà Mai Thảo đưa ra, người đọc chợt nhận ra mình bị lừa khi tới những câu cuối:
Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi
Sao không, quay gót tên hề đã
Chán một trò điên diễn với người
Ta thấy ta treo cổ dưới cành
Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
Sao không, sao chẳng không là vậy
Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.
Rèm nhung đã khép, tấn tuồng văn chương, nghệ thuật cũng khép theo. Giai nhân tài tử lẫn các vai hề lặng lẽ trở về với vai trò thật của mình. Mai Thảo từ ẩn dụ ham muốn phù vân của thế sự, muốn tìm kiếm hư danh qua các bảng đường đầy những tên của mình trên đó, đột ngột khép lại bằng tiếng than muôn thưở của nhân sinh: Mọi sự ở đời chẳng qua là phù phiếm. Mai Thảo lấy mình ra như một cái bia, vừa chế giễu vừa thương xót lại cũng vừa chua chát qua những câu cuối của bài thơ.
Cô độc
Mai Thảo trong những năm cuối đời đã uống rượu thay cơm và hầu như ông ăn rất ít. Rất hiếm khi người ta thấy ông say cái say sinh lý, nhưng ông lại say liên miên theo cung cách của một nhà thơ. Bốn câu thơ nói về rượu của ông trong bài “Một mình” là bốn câu hay trong tập thơ, ông viết:
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy
Chữ “Ngồi tượng hình” vừa quen vừa lạ. Tượng hình khiến người ta liên tưởng đến một pho tượng hơn là một con người. Pho tượng một mình trong một góc lại dẫn người đọc đến một liên tưởng khác, vừa cô đơn lại vừa hiện hữu trong đám đông. Trong câu “Tiếng người: kia, uống cái chi đây?” Mai Thảo không cụ thể ai hỏi, người hỏi đứng ở vị trí nào và vai trò của y ra sao? Một bartender hay một người nào khác? Tiếng người Mai Thảo sử dụng ở đây vừa mênh mang rộng lại vừa lay lắc buồn. Buồn và rộng là hai yếu tố làm bài thơ tuy ngắn nhưng đầy ứ nỗi niềm.
Mai Thảo cũng dùng kỹ thuật biền ngẫu quen thuộc để đưa ra từng cặp chữ đối xứng hết sức hoàn chỉnh. Kỹ thuật xưa cũ này qua tay Mai Thảo đã thành mới và hết sức day dứt. “Một ngụm chiều” đối với “một bình đêm” chỉ thật sự thành thơ khi rơi lệ đối với rót đầy. Động tác “rót rất đầy” của “chiếc bình đêm” chỉ cốt làm cho chiều rơi lệ qua một “ngụm” vừa cay đắng, vừa chịu đựng như một định mệnh khiến bốn câu thơ này trở thành ám ảnh.
Trong bài Thơ say trên máy bay Mai Thảo diễn tả tâm trạng của mình khi đặt chân xuống đất. Tâm trạng của một người suốt đời không vợ không con, không một mái ấm đúng nghĩa. Mai Thảo thẩn thờ viết lên sự thật của những lần ông đi đó đi đây:
Máy bay đáp xuống chuyến bay đáp
Hồn bỗng thương tâm một cảnh mình
Điều chi nên vẫn là chẳng tới
Nghĩ vậy trong lòng bỗng nín thinh
Mai Thảo nhấn mạnh ở cụm từ “máy bay đáy xuống” và rồi “chuyến bay đáp” nghe có vẻ choáng váng của một người chưa quen với tình trạng thay đổi trọng lực. Hai cụm từ gần như giống nhau này lại rất khác nhau. Máy bay là một thực thể không thay đổi nhưng chuyến bay thì có thể thay đổi. Hàm ý của Mai Thảo trong câu này chứng tỏ rất chi tiết trong cách diễn tả. Máy bay đáp xuống là điều hiển nhiên, không có sự cố kỹ thuật nào trục trặc và vì vậy chiếc máy bay mà ông đi đã đáp. Vậy ông còn chờ đợi một điều gì? Một trục trặc khác cho chuyến bay mà ông miêu tả? Chuyến bay bị trì hoãn hay đã bị hủy bỏ? Phải chăng khi viết câu này ông đưa ra một tâm lý rất hoang mang, rằng ông mong chuyến bay không đúng giờ, thậm chí bị hủy bỏ, vì chuyến đi này của ông cũng như bao chuyến bay khác đều ngoài ý muốn, đều phù phiếm và đầy những bâng khuâng.
Ra đời muộn màng nhưng tập thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” chứa rất nhiều ưu tư của Mai Thảo. Ông làm thơ không dễ dàng như viết văn. Làm thơ đối với ông như một cách viết nhật ký. Và viết chỉ cho ông đọc khi một mình. Có phải vì vậy mà ông chắt chiu đến từng ý từng lời để đời có tập thơ tuy nhỏ nhưng lại ẩn chứa nhiều điều đáng nói như vậy?
Cung Trầm Tưởng
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-01-05
Cung Trầm Tưởng là một nhà thơ rất quen thuộc từ đầu thập niên 60. Tên tuổi Ông nhanh chóng tràn vào giới thanh niên trí thức thời bấy giờ khi ông từ Pháp trở về Việt Nam cùng không khí lãng mạn của phong trào thơ mới, lúc đó vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến thanh niên trí thức Việt Nam.
Ngay cái tên của ông cũng đã ấn tượng đối với nhiều người vì chất văn học rất đậm trong mỗi chữ: Cung Trầm Tưởng.
“Tôi là Cung Trầm Tưởng vào khoảng 50-51 tôi du học tại Pháp..sau đó tôi thi đỗ vào trường không quân của Pháp học chung với ông Nguyễn Xuân Vinh, ông Nguyễn Ngọc Loan…Đến năm 1957 tôi trở lại Sài Gòn và phục vụ trong binh chủng không quân cho đến ngày 30/4/1975 tức là được 23 năm.
Trong thời kỳ ở Pháp tôi làm thơ rất nhiều tập trung vào thơ lãng mạn, tình yêu đôi lứa như Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế được tôi sáng tác trong khoảng thời gian này. Có những bài thơ tôi chưa từng đăng bất cứ báo nào thì bây giờ nó sẽ được tập trung lại trong toàn tập thơ của tôi trong 60 năm mang tên Cung Trầm Tưởng và Hành Trình Thơ, sẽ được xuất bản trong năm tới.”
Trong thời kỳ ở Pháp tôi làm thơ rất nhiều tập trung vào thơ lãng mạn, tình yêu đôi lứa như: Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế… Cung Trầm Tưởng.
Cung Trầm Tưởng vừa sơ lược cho chúng ta biết về đời sống sáng tác của ông mà trong đó phần quan trọng nhất làm nên một Cung Trầm Tưởng từ một bài thơ sống rất lâu trong trí nhớ nhiều người đó là tác phẩm Mùa Thu Paris. Tác phẩm này được đem tới người nghe qua tài năng của Nhạc sĩ Phạm Duy khi ông phổ nó thành thơ và giới thiệu trên đài phát thanh Sài Gòn.
Ngôn ngữ trong bài thơ thật ra không phải mới lạ hay phá cách để nổi tiếng, bài thơ được giới trẻ đón nhận một cách thích thú vì một chi tiết trước đó chưa bao giờ xảy ra, đó là:
Một chàng thanh niên Việt Nam du học có người yêu bên Pháp với tóc vàng mắt xanh… hai người yêu nhau và chính những cuộc chia tay trên ga vắng đã thi vị hóa câu chuyện để nó trở thành một mode mới trong đời sống thanh niên thời bấy giờ. Bài
thơ như một trang sách mới cùng những con đường lạ lẫm bên trời Tây mở ra cho giới trẻ và đâu đó người đọc cảm thấy phần nào hả hê bù đắp lòng tự ái dân tộc đã bị mất mát khá nhiều dưới gót giày được gọi là khai hóa văn minh của thực dân Pháp.
Mùa thu Paris
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt gía từ tâm
Mùa thu nơi đâu ?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu !... Trời ơi ! Tình thu !
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng chia sẻ với chúng ta kỷ niệm về bài thơ này:
“Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Thời đó tôi học ở trường Pháp cứ bị mang tiếng là Tây con, đã sẵn có ngôn ngữ Pháp và văn hóa Pháp thấm nhuần trong người thành ra sang bên đó mình không bị lạ lẫm. Tôi gặp một số mối tình dù rằng không vĩnh viễn nhưng nó đánh giá những kỷ niệm đầu đời của mình.”
Tôi làm những bài thơ về Paris đó là có thật. Lẽ dĩ nhiên khi làm thơ thì mình cũng lý tưởng hóa nó một chút, tất cả về tóc vàng mắt xanh là có thật. Cung Trầm Tưởng.
Kỷ niệm đầu đời cùng các mối tình tóc vàng mắt xanh ấy đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ của Cung Trầm Tưởng vào thời mới lớn. Những chiếc ga nhỏ nằm trơ trọi giữa mùa đông nước Pháp đã từng chứng kiến biết bao cuộc chia tay trước đó, lại một lần nữa nhìn ngắm mối tình dị chủng giữa một chàng trai một đất nước bị trị và một cô gái tóc vàng, đại diện cho văn hóa và nếp sống phương Tây.
Từ đây trong hơi thở rẽ chia ấy, bắt đầu một thấm đượm khác nối liền hai bờ đại dương. Và cũng bắt đầu một vói ra ngoài, một trằn trọc mới đối với hàng triệu thanh niên Sài Gòn thời bấy giờ.
Chưa bao giờ buồn thế
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Hôn nhau phút này rồi
Chia tay nhau tức khắc
Khóc đi em. khóc đi em
Hỡi người yêu xóm học
Để sương thấm bờ đêm
Đường anh đi tràn ngập lệ buồn em...
Ôi đêm nay
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tàu em đi tuyết phủ
Toa anh lạnh gió đầy
Làm sao anh không rét
Cho ấm mộng đêm nay
Và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy !
Trời em mơ có sao
Mình anh đêm ở lại
Trời mùa đông Paris
Không bao giờ có sao
Trời mùa đông Paris
Chưa bao giờ buồn thế !
Cung Trầm Tưởng không phảỉ chỉ làm thơ tình với những khuông mẫu yêu đương trai gái. Dù lãng mạn hay cổ điển thì thơ tình không thể chia sẻ được hết mọi khổ đau của một người bị đày đoạ trong vòng tù ngục. Cung Trầm Tưởng như hàng trăm ngàn người khác sau khi Sài Gòn sụp đổ, đã cùng với đồng đội vào những nhà tù tập trung cải tạo để trả lời cho bài học lịch sử về ý nghĩa cuộc chiến tranh mà ông và đồng đội là những người thua cuộc.
Thơ của Cung Trầm Tưởng từ đây trở thành lạnh lẽo và chai cứng hơn. Chữ nghĩa ông sử dụng trong các bài thơ tù trở nên sắc sảo đến kỳ lạ. Sắc sảo và đớn đau như kim châm vào tim giữa mùa đông miền Bắc:
Áo tù thẫm máu đôi vai
Bàn chân nứa chém, vành tai gió lùa
Ngó tay bỗng thấy già nua
Cứa em thân xác thấy mùa thu qua
Môi cằn má hóp thịt da
Ngô vơi miệng chén canh pha nước bùn
Đêm nằm ruột rỗng vai run
Đầu kề tiếng súng chân đùn bóng đêm…
Bài thơ được làm tại Hoàng Liên Sơn vào mùa thu năm 1977 cách bài Mùa Thu Paris hơn 25 năm. Khoảng cách thời gian không làm bài thơ lạnh hơn mà chính khoảng cách con người làm bài thơ gần như hóa đá.
Ngôn ngữ thơ trong bài này bàn bạc những ẩn ức rất đời thường của người tù và người đọc cảm nhận ngay tính chất cay nghiệt của nó.
Thế nhưng Cung Trầm Tưởng lại có những bài thơ tù thấm đậm chất triết học. Nhà thơ tĩnh tại nhìn ngắm biến thiên của đời sống và thiền định tâm tưởng mình với những câu tuyệt đẹp:
Mưa về gióng lê thê
Nai kêu nguồn đâu đó
Xưa nay tù ngục đỏ
Mấy ai đã trở về
Vỗ, vỗ rơi tàn thuốc
Thả khói vào mông lung
Hư vô đẹp não nùng
Nụ hôn đời khốc liệt
“Nụ hôn khốc liệt” dành cho đời phải chăng là một cách phản ứng thụ động trong thế giới bừng bừng thống nhục mà nhà thơ đang trải nghiệm?
Cõi sầu ta tinh khiết
Thép quắc vầng trán cao
Phong sương dệt chiến bào
Với máu se làm chỉ
Đã đi trăm hùng vĩ
Xông pha lắm đoạn trường
về làm đá hoa cương
Gởi đời sau tạc tượng
Nguồn sống hồi sinh
Cung Trầm Tưởng trở về với cuộc sống sau khi đã nếm trải đầy đủ mọi thứ mùi vị của tù nhân như hàng trăm ngàn người khác.
Trong không khí gia đình, ông có những dòng thơ gợi mở tinh khiết hơn sau nhiều năm tháng thiếu vắng. Tiếng chuông nhà thờ và những nhành huệ trắng đã giúp ông gội rửa tâm tình để tâm hồn ngày một tươi tắn hơn, Ông tìm ra được nguồn suối trong ngay tại nhà mình hay nói đúng hơn, ngay tại lòng mình, một cõi lòng đang chuyển mình cùng với thiên nhiên để tạm quên cõi tục.
Huệ trắng trinh nguyên sau một đêm
Huệ trong thư các huệ ngoài thềm
Sớm nay Chủ Nhật thơm thương quá
Chỉ có Sài Gòn trong dáng em
Chủ Nhật niềm tin màu huệ trắng
Hiền từ xoạt áo như lời kinh
Em đi lễ nhất trời trên ngõ
Dẫy tóc đen mềm ánh sao xanh…
Sài Gòn dưới mắt nhà thơ đã dần dần lấy lại được hình ảnh tinh khôi của nó vào những sớm mai trong trẻo. Người con gái trong thơ ông từ từ sống lại, khác với cô tóc vàng khi xưa, cô gái Sài Gòn bây giờ trắng như huệ và trong như ban mai trinh nguyên của một Sài Gòn ấm áp.
Tuy thế, người yêu thơ Cung Trầm Tưởng không dễ gì quên cô gái tóc vàng bên trời Tây cách đây hơn 50 năm để chia sẻ những cảm nhận của nhà thơ những hình ảnh của các cô gái Sài Gòn ngày nay.
Tiếng còi tàu vẫn chứng tỏ ma lực của nó quyến rũ người đọc thơ đến mức sau bằng ấy năm, hình như mỗi lần nghe lại bản nhạc Tiễn Em do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” của ông, người nghe vẫn cảm thấy hình như đang dấy lên nỗi buồn man mác.
Nỗi buồn không tên nhưng có thật. Và nó vẫn ở đấy trong bất cứ người nào nếu từng thừa nhận rằng sự chia tay nào cũng đều rơi nước mắt…
Nhà thơ Ngô Tịnh Yên
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010-01-16
Ngô Tịnh Yên tên thật là Ngô Thị Tuyết Trinh nguyên quán Gia Định Sài Gòn,. hiện đang định cư tại California. Ngô Tịnh Yên làm thơ khá sớm và đã có nhiều tác phẩm ra đời trong thập niên 90.

Photo courtesy of VietBao.com
Đồng hương tham dự buổi ra mắt sách " Chiều Nếu Có Yêu Tôi" do nhà thơ Ngô Tịnh Yên tổ chức.
Tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1989 mang tên Ngũ Long Công Chúa, viết về lứa tuổi học trò. Ba tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản sau đó là “Ở nơi nào cũng có, năm 1993. Lãng mạn năm 2000, 1996 và Lục bát khỏa thân, xuất bản năm 2001. Tác phẩm sẽ ra mắt trong hai tháng tới mang tên Ký sự Cam Bốt: Thiên thần trong địa ngục, viết về những mảnh đời trôi dạt của các bé gái người Việt tại Cambodia bằng đôi mắt thật của mình.
Bolsa và người Việt tỵ nạn
Ngô Tịnh Yên cộng tác với rất nhiều nhật báo và tạp chí tại Little Saigon, miền nam California.

Bolsa mưa ít, nắng nhiều
Buổi sáng tổ quốc, buổi chiều quê hương
Bolsa cũng rán tròn vuông
Vương thì tội mà đi thương thế nào

Những người làm thơ đều biết, nhiều khi đang ngủ giật mình thức dậy chạy ra đi kiếm cho được cây viết để viết xuống bài thơ vừa nghĩ ra…nhưng cũng có khi cả năm không làm được bài thơ nào!
Nhà thơ Ngô Tịnh Yên
Ngô Tịnh Yên vừa cho chúng ta biết địa chỉ hiện tại của người thơ nương náu. Nơi cách xa địa chỉ thật của nhà thơ một bờ đại dương, một nơi mà hai chữ Bolsa hình như chỉ viết riêng cho người Việt và sau hơn ba mươi năm, Bolsa đã trở nghiễm nhiên trở thành Việt ngữ.
Tại sao lại “buổi sáng tổ quốc mà lại buổi chiều quê hương”?
Chỉ một câu ngắn, Ngô Tịnh Yên kể lại cho chúng ta nghe cả một chuyện dài về người tỵ nạn. Câu chuyện bắt đầu từ khi những nhóm người Việt đầu tiên từ nhiều tiểu bang tụ về trên con đường Bolsa, lúc ấy còn heo hút giữa cộng đồng nhỏ bé của người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ. Những người Việt đầu tiên ấy đến đây tụ tập lại trong cùng một hoàn cảnh duy nhất lúc bấy giờ. Trong những buổi sáng nhớ mong về Việt Nam ấy, lá cờ tổ quốc bay phất phới trong trí nhớ đã gom họ ngồi lại nhắc nhớ lại những ký ức của một đất nước nay đã trở thành lịch sử. Và buổi chiều, sau khi tứ tán kiếm ăn, những cánh chim mệt mỏi trở về nhà quây quần bên mâm cơm Việt. Những món ăn quê hương không thể thiếu trên bàn ăn của họ, trong đó chai nước mắm là bạn đồng hành thủy chung không hề vắng mặt. Buổi sáng cờ bay hướng về tổ quốc và buổi chiều hương vị quê nhà đã làm người xa xứ gần gũi với quê hương hơn. Câu thơ ngắn, vẽ lại một thời khó khăn đầy nước mắt của người Việt nơi đất khách quê người.

Bolsa túi đựng vàng thau
Trắng đen lẫn lộn nói đâu thành lời
Bolsa bùng nổ một thời
Giọng ca Tuấn Vũ, tuyệt vời Linda

Những tranh cãi chính trị không làm mờ đi hiện tượng tranh sống của người dân Bolsa. Trắng đen thời nào mà lại chẳng lẫn lộn, nhưng Bolsa có một thứ không hề trùng lắp với bất cứ thành phố nào có người Việt định cư trên khắp thế giới: đó là giọng ca Tuấn Vũ và nét thanh tú tuyệt vời của Linda Trang Đài. Tuấn Vũ là hiện tượng của người xa xứ từ những bài hát trước và sau 30 tháng 4 và nhân vật này trở thành huyền thoại. Giọng hát buồn bã, nghẹn ứ và đặc sệt tố chất địa phương của anh đã đi vào trái tim hàng triệu người. Bên cạnh những tác phẩm Bolero mang theo từ trong nước, nhiều bài hát mới diễn tả tâm trạng của những đêm chôn dầu vượt biển hay những bồi hồi tự hỏi biết bao giờ trở lại Việt Nam do anh thể hiện đã làm nét đặc sắc Bolsa trở nên dấu ấn.
Nhà thơ Nguyên Sa có lẽ là người yêu Tuấn Vũ nhất. Ông có những kỷ niệm ngọt ngào đối Tuấn Vũ và không ngại ngần gì khi viết những câu khen tặng hết lời chàng trai này. Ngô Tịnh Yên cũng có duyên với nhà thơ Nguyên Sa khi những ngày đầu tiếp xúc với ông. Lục bát của Ngô Tịnh Yên đã làm Nguyên Sa chú ý và từ đó cô trở thành thân thiết với nhà thơ hơn:
“Nguyên Sa cũng là tình cờ hạnh ngộ của Ngô Tịnh Yên. Không phải là giúp nhưng ông khuyến khích rất nhiều. Không hiểu sao ông đồng cảm với lục bát của Ngô Tịnh Yên như vậy. Thơ lục bát của ông rất là í,t ông chuyên về tự do. Ông không thể giải thích tại sao ông nhìn được dòng thơ lục bát của Ngô Tịnh Yên mà ông đồng cảm. Những câu thơ nào dở ông thẳng tay bảo bỏ đi chứ không bao dung chút xíu nào hết. Ngô Tịnh Yên rất may mắn, tập thơ Lãng mạn năm 2000 của mình được ông khuyến khích, xem và viết lời tựa. Đó là lời tựa cuối cùng trước khi ông qua đời.”

Gió đem sợi tóc chẻ hai
Mưa chẻ những giọt ngắn dài vấn vương
Tình yêu chẻ những vết thương
Biệt ly chẻ những con đường lá bay
Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai
Đường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười
Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Củi ngo còn dóm bếp than
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?

Có lẽ Nguyên Sa thích thú lục bát Ngô Tịnh Yên qua bài thơ “Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay” này chăng? Quả thật, không thể không ngạc nhiên khi Ngô Tịnh Yên sử dụng chỉ một từ “chẻ” bình thường trở thành tiếng xé lụa trong thi ca. Tịnh Yên chẻ những thứ không thể chẻ trong đời sống nhưng có thể chẻ vụn tâm hồn con người. Nỗi buồn chẻ nhỏ thì càng buồn thêm và cõi lòng nếu chẻ ra được thì ai cấm tàn tro không trở thành ám ảnh?
Nét ca dao trong thơ lục bát
Nhưng không phải thơ Ngô Tịnh Yên lúc nào cũng đằng đẵng như thế. Dòng lục bát của chị đôi khi trở thành ca dao, một thứ ca dao của người thành phố biết làm thơ và biết nghĩ ngợi về nó. Nét ca dao trong thơ Ngô Tịnh Yên tuy không thoát hẳn ra để đứng riêng như những nhà thơ lớn, nhưng thành thật mà nói, khi đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, người nghe không cảm thấy bị xúc phạm vì thần tượng Nguyễn Du của mình bị người khác lem luốc.

Tôi buồn, buồn sững - buồn câm
Trăng không đốt nến sao trầm hương bay?
Tôi buồn, buồn đắng - buồn cay
Đường không ngăn ngõ nhưng dài lối đi
Tôi buồn, buồn lạ - buồn kỳ
Không ai trăn trối sao đi chẳng đành?
Tôi buồn, buồn quẩn - buồn quanh
Buồn da buồn diết buồn thanh thoát đời
Tôi buồn, buồn đất - buồn trời
Mành se chẳng đặng tiếc thời chiêm bao.

Buồn đến như thế thì chỉ có ca dao mới diễn tả nổi. Thì ra, nhà thơ của chúng ta rất tinh tế khi mượn ca dao để làm tình làm tội nỗi buồn của mình. Chưa hết, trong một bài thơ khác, Ngô Tịnh Yên đã rất cứng tay không ngần ngại dùng hồn vía ca dao để dẫn người đọc về một vùng quê nào đó nơi đồng bằng sông Cửu để hò hát cùng nhà thơ trong những mùa gặt đầy trăng.

Cho tôi mượn đỡ cái vai
Mốt mai xin trả lại ngày bình yên
Cho tôi mượn đỡ trái tim
Mai mốt thề trả lại đêm ngọt ngào
Cho tôi mượn đỡ tình đầu
Rồi đây trả lại tình sau gấp mười
Cho tôi mượn đỡ nụ cười
Biết đâu hạnh phúc trả - lời gấp đôi
Bằng không cho mượn thì thôi!
Đừng nên điều tiếng mà tôi đau lòng

Những người làm thơ đều biết, nhiều khi đang ngủ giật mình thức dậy chạy ra đi kiếm cho được cây viết để viết xuống bài thơ vừa nghĩ ra…nhưng cũng có khi cả năm không làm được bài thơ nào!

Đêm đêm ghì lấy ngực mình
Cho hồn vỡ nát những thành quách ma
Đêm đêm u uẩn trăng tà
Bóng rơi khỏi vách hình là đà bay
Đêm đêm tôi thấy tôi gầy…

Rất thật thà, Ngô Tịnh Yên hỏi lớn: Khi người yêu lấy vợ thì sao? Câu hỏi này cũng được chính người đặt ra là kẻ thất tình mang tên Ngô Tịnh Yên xéo xắt:

Người yêu lấy vợ thì sao?
Làm chim ô thước bắc cầu nhân duyên
Hay thành một cánh rong mềm
Nương con sóng hận đỡ thuyền anh xuôi
Thôi tặng anh một nụ cười
Cho anh tử tế với người mai sau
Gởi anh đôi chiếu buồng cau,
Đôi chăn anh đắp, đôi sầu em đeo
Mùa thu một chiếc khăn thêu
Hai con loan phượng sớm chiều có nhau
Có thêm chùm bông giấy màu
Rắc lên chú rể cô dâu chúc mừng
Còn đây một phong pháo hồng
Nổ tung nước mắt, nổ tung tim mình
Dù tặng gì nữa hỡi anh!
Cũng không dấu được tan tành lòng em.

Thi sĩ có lẽ là thành phần thắc mắc với cái chết nhiều nhất. Cái chết là đề tài không thể không nói tới vì những kinh nghiệm của con người đối với nó là con số không. Cái chết luôn làm trí tò mò bừng tỉnh và từ đó thi sĩ nhìn cái chết như một gạch nối giữa thực và ảo, vận động và tĩnh lặng. Tĩnh lặng chiêm nghiệm là tĩnh lặng tuyệt đối. Ngô Tịnh Yên cũng nói về cái chết, nhưng chị lại muốn chết thử vài khoảnh khắc để nghe biến động trong giấc sống khác nhau với thiên thu như thế nào. Trong bài “Chiều Tang Nghi Quán”, Tịnh Yên thử nghiệm trò chơi giả chết một cách tỉnh táo. Giả chết để trầm tư cái sống.

Tôi nằm chết thử nửa giờ
Nghe ba mươi phút bỗng ngơ ngẩn dài
Tôi nằm chết thử một giây
Nghe sáu mươi khắc mà thay đổi lòng
Tôi nằm chết thử một hôm
Nghe hăm bốn tiếng không còn một ai
Tôi nằm chết thử nào hay
Chiều tang nghi quán lạnh dài khói hương
Lặn lội tới tận Cambodia
Ngô Tịnh Yên không những làm thơ nhiều nhưng chị còn có những hoạt động khác trong lĩnh vực báo chí. Tác phẩm sắp ra mắt của chị mang tên “Ký sự Cam Bốt: Thiên thần trong địa ngục” có thể làm nhiều người ngạc nhiên vì nó mang đậm tính nhân bản của người nghệ sĩ. Lặn lội tới tận Cambodia để viết những trang ký sự không phải là điều mà tác giả nào cũng làm được. Ngô Tịnh Yên làm được vì chị có sự chia sẻ sâu sắc với những bé gái cùng nói tiếng nói của chị, tiếng nói Việt Nam.
Sau khi xem cuốn phim Holy của Holywood làm nói về một cô bé Việt Nam 12 tuổi bị bán qua một cái động mãi dâm ở Cambodia thì Ngô Tịnh Yên rất xúc động. Sau đó Ngô Tịnh Yên tự bỏ tiền túi ra để qua Cambodia để tìm hiểu cái thảm trạng của những bé gái Việt nam bị bán qua đó…
Nhà thơ Ngô Tịnh Yên
“Sau khi xem cuốn phim Holy của Holywood làm nói về một cô bé Việt Nam 12 tuổi bị bán qua một cái động mãi dâm ở Cambodia thì Ngô Tịnh Yên rất xúc động. Sau đó Ngô Tịnh Yên tự bỏ tiền túi ra để qua Cambodia để tìm hiểu cái thảm trạng của những bé gái Việt nam bị bán qua đó…”
Chúng ta chờ đợi tác phẩm này như một bằng chứng về cuộc sống khi nhà thơ không thể dùng thơ của mình để nói lên hết những ngập ngụa trên thân thể trẻ thơ nay đang trở thành những thi thể biết đi. Ngô Tịnh Yên có lẽ sẽ vui hơn khi chị nhận ra ánh mắt còn chút tinh anh của những bé gái bất hạnh kia khi trực tiếp viết về nó.
Chúng tôi cũng chờ đợi tác phẩm này nhanh chóng được in ra để giới thiệu cùng với quý vị như một chia sẻ nỗi đau của quê hương, nỗi đau khó thể lành lặn nếu thiếu những tột cùng bức bối như Ngô Tịnh Yên, một nhà thơ thực sự biết mình đang làm gì với ngòi bút của mình.
Phạm Thiên Thư và Ngày Xưa Hoàng Thị
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-11-29
“Anh trao vội vàng, chùm hoa mới nở…”đó là hình ảnh đầy sức sống của một thời niên thiếu mà ai trong chúng ta cũng đã từng qua. Thế nhưng đối với những ai tò mò thì tác giả bài thơ nổi tiếng này có thật là đã trao chùm hoa cho cô Ngọ để bài thơ trở thành nổi tiếng đến như thế hay không?
Vì Phạm thiên Thư, như chúng ta đều biết là một nhà sư, vậy bài Ngày Xưa Hoàng Thị được ông sáng tác từ bao giờ?
“Bài Ngày Xưa Hoàng Thị tôi viết trước khi đi tu. Khi tôi vào chùa rồi thì hình ảnh trên đường đi làm tôi nhớ lại kỷ niệm xưa. Nhớ lại hình ảnh của cô Ngọ, thời học trò ấy mà. Chẳng có tình yêu đâu chỉ là học trò vui vui thôi. Đó là lý do tại sao tôi viết bài đó.”
Bài Ngày Xưa Hoàng Thị tôi viết trước khi đi tu. Khi tôi vào chùa rồi thì hình ảnh trên đường đi làm tôi nhớ lại kỷ niệm xưa. Nhớ lại hình ảnh của cô Ngọ, thời học trò ấy mà.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư
Phạm Thiên Thư vừa cho chúng ta biết một chút lý lịch của bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị, bài thơ này đã một thời gây sóng gió trong khuôn viên các trường Trung cũng như đại học tại Việt Nam vào đầu những năm bảy mươi. Nhạc sĩ Phạm Duy đã tinh tế khi chọn bài thơ này để phổ nhạc và sau đó hàng loạt bài khác của Phạm Thiên Thư liên tục chiếm lĩnh đài phát thanh Sài Gòn trong nhiều năm trời.
Mang Thiền vào Thơ
Phạm Thiên Thư có những bài thơ tình tuyệt vời mặc dù bản thân ông là một nhà tu. Điều gì đã dẫn ông tới bên bờ luyến ái khi từ tâm thức ông là đồ đệ chân chính của thiền môn?
Thật ra không phải lúc nào nhà thơ cũng theo đuổi tình yêu. Bên cạnh những lời thơ mang bóng sắc của cái ngã, Phạm Thiên Thư đã mang Thiền vào thơ của ông kể từ bài Động Hoa Vàng. Tác phẩm đã mở một hướng nhìn mới vào thế giới của tu trì và từ bên trong người theo gót thiền có cơ hội dàn trải những tình cảm trước thiên nhiên, cuộc sống trong đó không loại trừ tình yêu đôi lứa. Tình yêu trai gái trong thơ ông cũng nhuộm phần nào hơi hướm của tăng sòng và từ đó thơ ông trở nên tĩnh tại và sâu lắng hẳn.
“Sau khi vào chùa, thời gian đó cái tư tưởng của nhóm thầy Nhất Hạnh đưa ra gọi là tu sĩ mới ảnh hưởng. Tôi có ý làm sao mà tu theo hướng tinh thần mới, con người mới trong đó có cả thơ phú dưới hình thức Thiền. Đó là lý do tại sao tôi sáng tác thơ tình cảm có nhuốm chất Thiền. Thứ nhất tôi cũng là một người trong học hội Hồ Quý Ly từ năm 19 tuổi cho tới năm 23 tuổi thì tôi vào chùa. Tôi muốn làm sao sử dụng sức mạnh dân tộc vì theo gương Hồ Quý Ly, ông là một vị nghiên cứu chữ Nôm cho nên tôi đưa tinh thần dân tộc là làm sao tạo nét độc sáng cho thanh niên để vươn lên sức mạnh dân tộc qua bài thơ này, mỗi đoạn 4 câu chứa những nét của dân tộc.”
Động Hoa Vàng
Bốn trăm câu lục bát của bài Động Hoa Vàng mà Phạm Thiên Thư vừa nhắc tới như một bức tranh xuân trong đó ẩn chứa nhiều triết lý thú vị của cảm quan cuộc sống. Sự bừng nở thi tứ yêu đương trong suốt bài thơ làm hơi thơ trở thành sương sớm quyện trong chút nắng hừng ấm đầu xuân. Động Hoa Vàng có thể là nơi non cao, núi vắng nhưng cũng có thể là một xóm nhỏ nào đó giữa buổi chiều xuân im ắng hanh hao. Kẻ theo Thiền đạo có thể tin rằng mình vừa tìm được một lối nhỏ mong manh giữa cuộc trần dẫn đến sự thoát thai ý thức. Trong khi đó, người trần tục cũng không thể phớt lờ được từng ẩn dụ ý nhị lấp lánh phía sau mỗi câu thơ trong như suối ngàn và xanh như rừng thẳm.
Con chim mùa nọ chưa chồng
Cũng bay rời rã trong dòng xuân thu
Từ em giặt áo đông tơ
Nay nghe lòng suối hững hờ còn ngâm

Thuyền ai buông lái đêm rằm
Sông thu ngân thoảng chuông trăng rì rào
Cửa sương nhẹ mở âm vào
Lay nghiêng bầu nậm rượu đào trầm ca

Lên non cuốc sỏi trồng hoa
Xuôi thuyền lá trúc la đà câu sương
Vớt con cá nhỏ lòng đòng
Mải vui lại thả xuống dòng suối tơ

Em nghiêng nón hạ cầu mưa
Sông ngâm mây trắng nước chưa buồn về
Hoa sầu cỏ cũng sầu chia
Lơ thơ xanh tụ đầm đìa vàng pha

Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì em chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi...

Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Tưởng xưa có kẻ trên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa

Tóc dài cuối nội mây xa
Vàng con bướm nhụy lẫn tà huy bay
Dùng dằng tay lại cầm tay
Trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa

................
Ừ thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

........................

Ðôi uyên ương trắng bay rồi
Tiếng nghe tha thiết bên trời chớm đông
Nửa đêm đắp mảnh chăn hồng
Lại nghe hoa lạnh ngoài đồng thiết tha

Con chim chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao
Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu

...........................
Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương
Tiếng em hát giữa giáo đường
Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng
Em Lễ Chùa Này
Phạm Thiên Thư cũng được biết tới qua một bài thơ khác mang tên “Em Lễ Chùa Này”. Bài thơ có dáng dấp của truyện kể dân gian. Thật ra theo nhà thơ thì câu chuyện này hoàn toàn có thật, ông kể:
… ông ấy nhớ lại tình cảm hồi xưa khi ông còn là chú tiểu thì ông ấy gặp một cô bé đi chùa, ông tiểu cứ đánh chuông cho cô ấy nghe và cuối năm thì cô ấy chết đi. Cảm động từ câu chuyện này tôi làm bài thơ “Em lễ chùa này”.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư
“Bài thơ này sáng tác theo lời một ông thầy khi ấy đã quá 50 tuổi rồi, ông ấy nhớ lại tình cảm hồi xưa khi ông còn là chú tiểu thì ông ấy gặp một cô bé đi chùa, ông tiểu cứ đánh chuông cho cô ấy nghe và cuối năm thì cô ấy chết đi. Cảm động từ câu chuyện này tôi làm bài thơ “Em lễ chùa này”.”

Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này - vườn nắng tung bay
Và ngàn lau - vàng màu khép nép
Bãi sông bay - một con bướm đẹp

Tàn Mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa - Trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa - tơ óng như mây

Mộ của em - mộ vừa mới lấp
Có con chim - nào hót trên cây
Lời của chim - chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây - vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em - ngày tháng qua mau
Một nụ mai - vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi - mây đã qua cầu
Đoạn Trường Vô Thanh
Phạm Thiên Thư cũng được biết đến nhiều qua tác phẩm “Đoạn Trường Vô Thanh” Tác phẩm này bị nhiều người cho là chạy đua với Nguyễn Du khi dùng cùng một thể thơ lục bát và tên gọi của tác phẩm. Sự thật ra sao chúng ta hãy nghe nhà thơ trần tình.
“Trong thời gian đó bên Trung Quốc có cuốn sách tựa là “Nguyễn Du Là Gì”. Cuốn sách nói rằng Nguyễn Du chỉ dịch của Trung Quốc, về văn chương không có gì độc sáng cả chỉ lấy từ Trung Quốc mà thôi. Tôi viết “Đoạn Trường Vô Thanh” nhằm nói về những nét độc đáo của dân tộc.
Ngày Xưa Hoàng Thị
Trở lại với “Ngày Xưa Hoàng Thị”, tác phẩm đem người đọc tới với thơ Phạm Thiên Thư như chính tác giả thừa nhận. Âm hưởng vừa ngây thơ như thư sinh lại vừa thâm trầm như người tu thiền khiến bài thơ có nét độc đáo khác biệt vừa lãng mạn vừa uyên nhu, rất riêng tư nhưng không thiếu phần lôi cuốn. Hình ảnh người con trai âm thầm theo sau cô Ngọ mang nét đẹp của vụng dại, hồn nhiên khá tương phản với cái trầm tư của những từ kinh điển như “Áo Tà Nguyệt Bạch” hay “Ðời Như Biển Động” hoặc “Xóa Dấu Ngày Qua”. Bài thơ có những chi tiết rất đắt khi gợi lên hình ảnh chú chim non đang dấu mỏ dưới cội hoa vàng. Chú chim lén nhìn một cách thích thú gót chân chàng trai lẽo đẽo theo cô Ngọ trong một chiều tan trường với áo trắng đầy sân.

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non dấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài

Anh đi theo hoài
Gót giày thầm lặng

Ðường chiều uá nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
........

Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhòa mau

Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ

Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ

Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu

Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng
Ðời như biển động
Xóa dấu ngày qua

Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Bài thơ tuy nhắc lại một cách dịu dàng kỷ niệm thời xưa nhưng đã động lòng biết bao thế hệ sau đó. Những chàng trai thời a vòng hôm nay đâu thua gì thế hệ Phạm Thiên Thư bởi họ cũng đã và đang bâng khuâng chờ tiếng chuông tan trường để được xao xuyến theo sau gót chân những cô Ngọ thời nay. Mặc dù cô Ngọ của thế kỷ 21 không còn e ấp như xưa nhưng nét duyên muôn thuở của thời áo trắng dễ gì phai nhạt?
Phạm Thiên Thư tuy xuất hiện không lâu trên vòm trời văn học Việt Nam nhưng thơ của ông có những nét rất riêng và sự khác biệt chọn lọc đó đã được trả công từ người đọc lẫn người nghe thơ ông. “Ngày Xưa Hoàng Thị” tuy chỉ là một bài thơ phổ nhạc nhưng có sức thu hút lòng người một cách mạnh mẽ. Bốn mươi năm sau khi nghe lại bài thơ này người ta vẫn không khỏi ngạc nhiên tự hỏi sao lại có một bài thơ hay như thế?
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
In bản tin này Email bản tin này
Ý kiến của Bạn
Click here to add your own comment
Nguyễn Phương nơi gửi USA :
Cám ơn Mặc Lâm. Lời bình trau chuốt và bóng bảy quá, khiến tôi nhớ lại một quảng đời xa củ thân yêu đầy mơ mộng. Xin được copy bài viết của anh để gửi đi cho các bạn học ngày xưa, cùng nhớ lại những kỹ niệm nhiều lưu luyến tuổi học trò. Cám ơn đài RAF.
09/12/2009 16:36
Nguyễn Phương nơi gửi USA :
Cám ơn Mặc Lâm. Lời bình trau chuốt và bóng bảy quá, khiến tôi nhớ lại một quảng đời xa củ thân yêu đầy mơ mộng. Xin được copy bài viết của anh để gửi đi cho các bạn học ngày xưa, cùng nhớ lại những kỹ niệm nhiều lưu luyến tuổi học trò. Cám ơn đài RAF.
09/12/2009 16:36
Martha Trần nơi gửi Norway :
Những bài về Văn Học Nghệ Thuật của Mặc Lâm rất hay,lời văn trong những mỗi bài được gọt dũa trao chuốt kỹ lưỡng. Đặc biệt tôi xin cảm ơn Mặc Lâm đã chọn để tài Phạm Thiên Thư nầy, trong đó những bài hát của Phạm Duy phổ thơ PTT đã đi suốt thời niên thiếu, tuổi học trò của tôi. Nhờ bài phát thanh nầy tôi được biết thêm về nhà thơ PTT và những bài thơ của ông, tiếc rằng thời lượng quá ngắn không đủ chuyên chở hết những đề tài quá lớn, đặc biệt đề tài PTT, tôi mong sao có 1 lần nào đó Mặc Lâm trở lại với PTT qua tác phẩm Đoạn trường vô thanh mà tôi vẫn hằng thắc mắc. Cám ơn Mặc Lâm và cám ơn đài RFA.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc và tạp chí Langbian
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-11-22
Chương trình VHNT kỳ này Mặc Lâm mời quý thính giả nhớ lại câu chuyện của một tờ tạp chí từng nổi tiếng vì những cải tổ được xem là triệt để cho nền văn học được xem là khô khan và quá nhiều bất cập.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc. RFA file photo
Đó là tạp chí Langbian của tỉnh Lâm Đồng với các đóng góp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Thanh Thảo, Tiêu Dao Bảo Cự cùng nhiều cây viết được xem là tiến bộ khác ngay vào thời gian đổi mới.
Tổng biên tập tờ báo này là nhà thơ Bùi Minh Quốc có nhã ý chia sẻ những kỷ niệm của ông với quý thính giả của đài nhằm nhớ lại một khoảng thời gian mà ông cho là sôi động nhất trong đời làm báo của ông.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc nhớ lại những ngày đầu của tờ Langbian như sau:
Đóng cửa vì nội dung
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Khi tôi làm tổng biên tập tạp chí Langbian, đồng thời là chủ tịch hội văn nghệ Lâm Đồng, tôi nhớ là tạp chí Langbian ra được ba số, số đầu vào tháng 11 năm 87, số thứ hai tháng giêng năm 88, và số thứ ba ra sau đó độ hai tháng. Sau khi ra được số thứ ba thì có cái lệnh của bộ thông tin lúc đó là Trần Hoàn làm bộ trưởng, Phan Hiền làm thứ trưởng ra lệnh các sở Văn hóa và Thông tin không được cấp giấy phép cho tạp chí địa phương vì lúc ấy các tạp chí địa phương đều phải xin giấy phép của sở văn hóa địa phương mình.
Vì nội dung của ba số tạp chí Langbian rất mạnh mẽ. Mới ra được một tháng thì bên sở văn hóa tổ chức đấu tờ tạp chí này.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Mặc Lâm: Thưa ông có phải còn một lý do nào khác khiến cho bộ văn hóa thông tin chú ý tới tờ Langbian hay không vì lý do mà bộ nói là giấy phép xem ra không nghiêm trọng như vậy.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Vì nội dung của ba số tạp chí Langbian rất mạnh mẽ. Ngay số đầu đăng bài thơ của Thanh Thảo “Những cây thông kêu” có câu như: những cây thông ào vào tỉnh ủy, xin đừng đốn chúng tôi…Mới ra được một tháng thì bên sở văn hóa tổ chức đấu tờ tạp chí này. Đấu nội dung của tờ số 1…tất cả những nội dung đấu và tất cả những bài phê phán bài thơ của Thanh Thảo và đồng thời đăng ý kiến song song. Cách làm như thế những người lãnh đạo bảo thủ họ không hài lòng. Tới số hai thì đăng 4 chương thơ trong trường ca “Đi”, bài thơ Việt Bắc của Trần Dần. Đây là nơi đầu tiên công bố tác phẩm Trần Dần sau vụ Nhân Văn vào năm 88. Thế thì số hai này là số gây chấn động rộng rãi thì không biết nhưng chắc chắn là chấn động giới lãnh đạo bảo thủ. Họ coi việc công bố tác phẩm Trần Dần, những chương mạnh mẽ nhất, sắc sảo nhất. Đến số ba thì lại đăng cái đề dẫn của Nguyên Ngọc, là bí thư đảng đoàn hội nhà văn năm 1979.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết nội dung đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc có điều gì mới mẻ đến nỗi gây ra việc đóng cửa cho tờ báo như vậy?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Đề dẫn thảo luận trong các cuộc hội nghị trong đó có rất nhiều ý mới trong khuôn khổ không gian lý luận thời đó. Rất mới và rất mạnh bạo, thí dụ như vai trò của sáng tạo, vai trò cá nhân, phê phán chủ nghĩa tập thể bầy đàn…
Vận động chữ ký
Mặc Lâm: Lúc gần đây, bộ thông tin và truyền thông đã đưa ra nhiều quy định nhằm mục đích trấn áp báo chí, xin ông cho biết trong thời kỳ của Langbian việc sáng tác có bị ruồng bố như hồi gần đây hay không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Cuộc chiến đấu cho tự do báo chí xảy ra sau khi Trần Hoàn ra quy định không cho các địa phương cấp giấy phép cho các tạp chí địa phương nữa. Hội văn nghệ Lâm Đồng mới lập một cái đoàn gồm có anh Tiêu Dao Bảo Cự, và các nhân viên văn phòng đi làm việc với hội văn nghệ các tỉnh để bàn việc thể chế hóa nghị quyết 05. Nghị quyết này mang lại sự hứng khởi rất lớn cho giới văn nghệ sĩ.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì chính nhà thơ là người đi vận động chữ ký cho nghị quyết này, ông có thể nói thêm những chi tiết được không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Đây là tuyên bố của các cá nhân, các công dân, các văn nghệ sỹ hưởng ứng đổi mới. Các văn nghệ sỹ tuyên bố mấy nội dung yêu cầu đổi mới, không đổi mới chập chờn, cách chức những người trong ban tuyên huấn trung ương cũng như trong bộ thông tin tỏ ra không chịu đổi mới.
Quy luật thì luôn luôn rằng những người chống đổi mới thì luôn luôn chống tự do ngôn luận. Họ dùng hết cỡ, hết sức mạnh của bộ máy để họ gây trở lực tối đa cho quyền tự do ngôn luận của người dân.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Mặc Lâm: Sau khi lấy chữ ký rồi thì việc tiếp theo là gì? Gửi đi hay đích thân nhà thơ mang đến cho các giới chức cao cấp?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Sau đó thì đi photo và đem đến trụ sở bộ chính trị, ban bí thư và yêu cầu gặp thường trực ban bí thư Nguyễn Thanh Bình.
Mặc Lâm: Kiến nghị có được xem xét hay trả lời như thế nào không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Kiến nghị không được trả lời, sau đó Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị khai trừ cách chức…
Mặc Lâm: Xin được hỏi nhà thơ trong tình hình báo chí quá u ám như hiện nay ông nghĩ rằng những người làm báo chân chính có còn lòng tin gì để theo đuổi lý tưởng như trước đây vài năm hay không thưa ông?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Nhiều anh em hiện nay đang làm việc cũng có tâm huyết như mình mặc dù số anh em như thế có thể rất ít, nhưng họ phải làm việc trong những điều kiện khe khắt hơn, ngặt nghèo hơn và nếu sơ hở thì sẽ bị đánh bật ra khỏi hệ thống ngay.
Mặc Lâm: Và xin ông một câu hỏi cuối trước khi chia tay, ông nghĩ thế nào về tình hình cấm đoán tự do ngôn luận hiện nay và cuối cùng thì nó sẽ về đâu thưa ông?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc: Quy luật thì luôn luôn rằng những người chống đổi mới thì luôn luôn chống tự do ngôn luận. Vì vậy chừng nào họ còn tồn tại thì họ chống đến cùng. Họ dùng hết cỡ, hết sức mạnh của bộ máy để họ gây trở lực tối đa cho quyền tự do ngôn luận của người dân.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc về câu chuyện ông vừa kể cho thính giả đài Á Châu Tự Do vừa qua…
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-11-08
Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải sinh năm 1952 tại Biên Hòa, sau tháng 5-1975 sống tại Hoa Kỳ. Ông mất ngày 3-8-1992 tại California.
Làm thơ năm 14 tuổi

Cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Photo courtesy of Wikipedia.
Theo lời những người bạn cùng trường thì Nguyễn Tất Nhiên làm thơ rất sớm khi mới 14 tuổi. Năm 1966, cùng với Đinh Thiên Phương, Nguyễn Tất Nhiên dùng bút hiệu Hoài Thi Yên Thi cho ra đời thi phẩm Nàng thơ trong mắt. Nhà thơ Du Tử Lê nhớ lại kỷ niệm mà ông có với Nguyễn Tất Nhiên trong giai đoạn này như sau:
“Giữa năm 1970, khi tôi đang ngồi ở cà phê La Pagode ở Sài Gòn cùng với mấy người bạn của tôi là các anh Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ thì có một cậu học trò đẩy cửa đi vào hỏi tôi có phải là Du Tử Lê không, thì tôi nói là: “phải”. Sau đó cậu ấy tặng cho tôi một tập thơ nhan đề là Thiên Tai, và tác giả tập thơ đó tên là Hoài Thi Yên Thi. Cậu ấy cho biết là cậu đang học ở trường Ngô Quyền, Biên Hòa. Sau đó chúng tôi trở thành tình anh em rất là thân thiết. Đến lần gặp thứ hai thì cậu nói với tôi là cậu muốn có một tên hiệu khác, tức là một bút hiệu khác, vì bút hiệu Hoài Thi Yên Thi có vẻ thi văn đoàn quá. Tôi có chọn cho cậu ấy cái tên“Nguyễn Tất Nhiên”. Đó là kỷ niệm mà tôi rất nhớ.”
Khúc Tình Buồn
Trong những năm đó sinh viên học sinh miền Nam có phong trào thành lập Thi văn đoàn và những người có năng khiếu văn chương cùng tụ tập nhau lại để in những bài thơ, hay văn xuôi chung với nhau. Kỹ thuật quay ronéo để xuất bản tác phẩm của những người trẻ trong giai đoạn này rất phổ biến. Nguyễn Tất Nhiên nổi lên như một ngôi sao khi bài thơ Khúc Tình Buồn của ông được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Khúc Tình Buồn được đặt lại tên “Thà như giọt mưa” và trong nhiều tuần lễ sau đó, nhạc phẩm này hầu như ngày nào cũng phát trên đài phát thanh Sài Gòn được giới sinh viên học sinh chuyền tay nhau tập thơ của ông với tất cả sự thích thú vốn có của tuổi trẻ:

Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
Khúc tình buồn
Người con gái tên Duyên
Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.
Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:
“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”
Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.
“Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi, nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi.Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm.”
Nguồn cảm hứng tôn giáo
Thời gian trôi qua, những vần thơ nói về Duyên hay ám ảnh bởi Duyên không còn là nguồn cảm hứng chính trong thơ Nguyễn Tất Nhiên nữa. Thay vào đó nguồn hứng khởi tôn giáo bắt đầu đi vào thơ ông một cách tình cờ, bắt đầu từ bài “Hai năm tình lận đận”:
Chuông nhà thờ đổ mệt
Tượng Chúa gầy hơn xưa
Chúa bây giờ có lẽ
Rơi xuống trần gian mưa

Anh bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ
Nguyện làm cây thánh giá
Trên chót đỉnh nhà thờ

Cô đơn nhìn bụi bậm
Làm phân bón rêu xanh
Dù sao cây thánh giá
Cũng được người nhân danh

Càng về sau Nguyễn càng thấy hình tượng của Chúa, của Linh Mục, Ma Soeur gần gũi với ông hơn mặc dù nhà thơ là người ngoại đạo. Vì ngoại đạo nên thơ ông không chịu sự ràng buộc của tín lý, của đức vâng lời, tôn kính. Nguyễn Tất Nhiên tung tăng trong ngôn ngữ đức tin và bởi vô úy nên những lời thơ truyền thẳng vào tâm tình người đọc, bùng lên thứ cảm nhận vừa xuýt xoa ngạc nhiên vừa lâng lâng niềm khoái cảm của người ăn trái cấm:

vì tôi là linh mục
không mặc chiếc áo giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!

vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông!)

vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn
nên người tình duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông
Nguyễn Tất Nhiên chậm rãi dìu người tình của mình nay hóa thân thành một Ma Soeur đằm thắm. Ma-Soeur-Người-yêu này nhẹ nhàng xưng tụng niềm thống hối như tín đồ xưng tội. Kẻ ngoại đạo cảm thấy Thượng Đế mỉm cưởi với mình qua ẩn dụ tràn ngập chân phước. Tình Yêu trở thành bất tử, và thánh hóa dưới ánh mắt hiền hòa của Chúa qua những vần thơ xưng tụng.
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa?

Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai

Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng!

Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur

Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Những năm cuối đời
Nguyễn Tất Nhiên ở những năm cuối đời đã có những biểu hiện của chứng trầm cảm. Người thơ thường đặt những câu hỏi gần gụi với cái vĩnh hằng, là sự chết. Chết trở thành một câu hỏi lớn theo đuổi nhà thơ, như bóng ma thời gian ám ảnh sự sống không ngừng. Trong bài Thiên Thu, nhà thơ thở dài buồn bã nhận ra bóng mình in trên bức tường vôi luống tuổi mang tên “Con người”:

sao thiên thu không là chôn sâu?
nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhầu
tôi đứng như xe tang ngừng ngập
và một họ hàng khăn trắng buồn đau!

sao thiên thu không là đường chim?
nên mây năm xưa còn trên tay phiền
tôi đứng như tường vôi luống tuổi
và những tàng xanh chùm gởi quê hèn!

sao thiên thu không là lãng quên?
nên tình xưa còn cháy âm thầm
tôi đứng như căn nhà nám lửa
và những người thân trốn chạy vội vàng!

sao thiên thu không là sương tan?
nên mặt trời xưa còn gượng huy hoàng
tôi đứng như dòng sông yên lặng
và những cánh buồm kiệt sức lang thang!

“Cánh buồm kiệt sức” ấy không còn lang thang nữa, theo như lời kể của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, người quen thân với nhà thơ từ thuở thiếu thời:
“Một tuần lễ trước ngày Nguyễn Tất Nhiên quyết định con đường ra đi, tôi và Nhiên ngồi với nhau ở ngoài lề đường. Tôi nói Nguyễn Tất Nhiên đi vào ăn cơm thì Nhiên nói rằng:“Cái thằng sắp chết không ăn”. Biết tính Nhiên từ lúc còn bé chơi với nhau, nên tôi cũng không để ý câu nói đó, tôi hỏi:“Vậy thì hút thuốc không?”, Nhiên cũng nói rằng:“Cái thằng sắp chết không hút thuốc lá”. Và đó là lần chót mà hai đứa có trao đổi với nhau. Và tuần lễ sau thì Nhiên mất. Thực sự ra thì từ lúc chơi với nhau ở Sài Gòn trước 75, và sau 75 thân thiết hơn, thì lúc nào Nhiên cũng mang một ý định muốn tự quyết định cuộc đời mình. Mãi sau, những người bạn thân với Nguyễn Tất Nhiên đều hiểu rằng có thể đó là một lúc mà tinh thần không được ổn định thì Nhiên nói thế thôi. Anh em không còn để ý và xem đó như là một lời nói có tính cách nghiêm trọng nữa. Không ngờ một tuần lễ trước khi Nhiên quyết định tự tử, Nhiên lại nói với bản thân tôi hai lần câu: “Người sắp chết không ăn cơm và người sắp chết không hút thuốc lá.”
Nguyễn Tất Nhiên ra đi ở tuổi 40 khi còn rất trẻ, khi mầm sống thi ca đến độ chín muồi nhất. Thế nhưng đối với trường hợp riêng ông thì quyết định chọn được nằm im để hòa mình vào nguồn minh triết của suy tưởng bất diệt có lẽ là một quyết định đúng với nhà thơ khi ông chợt nhận ra cõi đời đã trở nên vô nghĩa …
AA

No comments:

Post a Comment