Saturday, January 29, 2011

Tôi Không Có Kẻ Thù của Lưu Hiểu Ba

Về bản dịch Tôi Không Có Kẻ Thù của Lưu Hiểu Ba
Đinh Từ Thức Chia sẻ - ShareThis ♦ 4 bình luận ♦ 3.01.2011
Bản dịch Tôi Không có Kẻ Thù của khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình năm 2010 đã được BBT Da Màu cho đăng vào dịp nghỉ lễ Giáng Sinh vừa qua, nhân kỷ niệm một năm ông Lưu Hiểu Ba công bố bài đó, hai hôm trước khi ông bị án 11 năm tù. Trước hết, xin cám ơn BBT Da Màu đã làm theo đề nghị của tôi vào dịp kỷ niệm một sự kiện quan trọng. Một trí thức không hận thù — kể cả với những người đã làm hại mình – yêu tự do dân chủ, nhân quyền và hòa bình, một tinh thần rất phù hợp với Mùa Giáng Sinh, đã bị một án tù nặng nề vào đúng Lễ Giáng Sinh năm 2009, chỉ vì đã sử dụng quyền phát biểu của mình. Muốn trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, sao Trung Quốc phải lén lút trừng phạt một trí thức công dân của mình vào ngày lễ quan trọng trong năm, nhất là tại Tây phương, để đỡ bị chú ý và chống đối?
Vì bài dịch được đăng vào dịp nghỉ cuối năm, tôi đã không có cơ hội đáp ứng ngay nhiều ý kiến chỉ giáo rất quý báu. Xin thành thật cáo lỗi với tất cả quý vị đã góp ý, và lại xin BBT cho tôi được trình bầy qua bài này mấy điểm cần nói thêm.
Điểm đầu tiên, xin được nhấn mạnh, tôi không phải là “dịch giả” theo đúng ý nghĩa của hai từ này. Tôi không đủ khả năng dịch các tác phẩm nghệ thuật, dù là thơ hay văn xuôi, nhất là triết học. Là nhà báo, tôi thường chú ý tới các khía cạnh: thông tin, trung thực, và thời sự. Tôi đã chuyển những thông tin về ông Luu Hiểu Ba từ một văn bản Anh ngữ sang Việt ngữ, cố gắng trình bầy sự hểu biết của mình để người đọc không hiều sai ý chính, vào dịp ông Lưu mới được vinh danh tại Oslo, và lời tuyên bố của ông đã được đọc tại đó.
Bản văn gốc lời phát biểu của ông Lưu bằng chữ Hán (1), tôi không đọc đựơc, không phải vì chữ mờ hay mắt kém, mà chỉ vì không biết chữ Hán. Xin kèm theo đường dẫn đến bài này để quý vị thông hiểu chữ Hán có dịp tham khảo, hoặc dịch thẳng từ ngôn ngữ gốc, hay giúp ý kiến chỉnh sửa bản dịch của tôi thì rất quý hóa.
Khi dịch bài Tôi không có kẻ thù, tôi đã căn cứ theo bản dịch của HRIC được đọc tại Oslo ngày 10 tháng 12, 2010 (bản HRIC)(2), lấy từ website của Nobelprize.org. “HRIC” là viết tắt của Human Rights In China (Trung Quốc Nhân Quyền | 中国人权), một tổ chức vận động nhân quyền. Bản này được căn cứ trên bản dịch của J. Latourelle, dịch giả này đã từng dịch nhiều bài khác của ông Lưu Hiểu Ba, như “Changing the Regime by Changing Society”, do ông Lưu viết năm 2006, đăng trên bản tin của PEN American Center. Tôi cũng tham khảo thêm bản dịch của David Kelly, một giáo sư người Úc về Trung Quốc học tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (China Research Center) thuộc Đại học Kỹ thuật Sydney (University of Technology Sydney). Bài này đã xuất hện ngày 23 tháng 12, 2009, trên China Digital Times, một bản tin mạng điều hành bởi Berkeley China Internet Project tại University of California’s Graduate School of Journalism, và New York Times đăng lại ngày 10 tháng 12, 2010 (bản Kelly) (3).
Hai bản dịch từ Hán sang Anh ngữ, có nhiều chỗ khác nhau, nhưng tựa bài giống hệt nhau: I Have No Enemies: My Final Statement. Khi dịch, thay vì viết đầy đủ Tôi không có nhiều kẻ thù: Lời tuyên bố cuối cùng của tôi, tôi đã theo thói quen của người làm báo, viết tựa càng ngắn càng tốt, nên chỉ dùng năm chữ của vế đầu: Tôi không có kẻ thù. Với con mắt khắt khe, tôi có thể bị buộc tội dịch sai và dịch thiếu. Sai vì dịch không xác định số lượng kẻ thù. “Không có kẻ thù”, có thể hiểu không có ai là kẻ thù, dù một người hay nhiều người, trong khi bản tiếng Anh xác định “không có nhiều kẻ thù”, có thể vẫn có một kẻ thù — lỡ kẻ ấy là ông Hồ Cẩm Đào thì sao? Thiếu, vì tôi đã bỏ vế thứ nhì: My Final Statement, với lý do nói sau. Nhưng may mắn, chưa có vị nào khắt khe đến cỡ này.
Ngay câu mở đầu thân bài, đã gặp nhiều phản ứng. Lương Thùy Châu viết:
Ông Đinh Từ Thức dịch câu đầu tiên: “In the course of my life, for more than half a century, June 1989 was the major turning point” thành ra:
“Trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ của tôi, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng.”
Dịch như vậy là không đúng. Đề nghị sửa lại thành:
“Trong cuộc đời tôi, hơn nửa thế kỷ qua, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng.”
Vì nếu dịch “Trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ của tôi…” thì không chỉ là sai ý, mà còn nghe như là ông Liu Xiaobo chỉ sống được hơn nửa thế kỷ thôi, tức là ông sắp chết rồi, và đây là lời trăn trối của ông!
Đặng Trần Minh sau khi viết “dịch kiểu Đinh Từ Thức, sót/lệch ý so với bản gốc”, đã viết tiếp:
Điều quan trọng là chính ông Lưu Hiểu Ba cũng không tự phát biểu “Trong cuộc đời hơn nửa thế kỷ của tôi, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng”, mà ông ta đã phát biểu rõ ràng “Trong cuộc đời tôi, hơn nửa thế kỷ qua, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng”, vì câu này mới diễn tả chính xác điều ông muốn nói.
Đúng là ông Lưu Hiểu Ba đã không phát biểu giống như tôi dịch. Nhưng cũng không nên xác định ông đã phát biểu đúng như lời dịch của Lương Thùy Châu đã được Đặng Trần Minh công nhận “câu này mới diễn tả chính xác điều ông muốn nói”. Ông Lưu Hiểu Ba phát biểu bằng chữ Hán, khi được dịch sang tiếng Anh, có những chỗ khác nhau giữa các bản dịch. Thiếu thông hiểu về bản gốc, không thể căn cứ vào một bản dịch để đoan chắc bản này chính xác với điều tác giả muốn nói. Bản Kelly không dịch giống như bản HRIC, đã đưa thời điểm tháng Sáu 1989 lên đầu, và cho ông Lưu trẻ hơn một chút: “June 1989 was the major turning point in my 50 years on life’s road”. (Tháng Sáu 1989 là khúc quanh quan trọng trong đường đời 50 năm của tôi). Tôi không phủ nhận câu dịch do Lương Thùy Châu đề nghị và được Đặng Trần Minh chấp nhận là “chính xác”, nhưng với riêng tôi, khi đọc “Trong cuộc đời tôi, hơn nửa thế kỷ qua, tháng Sáu năm 1989 là khúc quanh quan trọng”, tôi có ý nghĩ cái khúc quanh quan trọng đó xẩy ra từ hơn nửa thế kỷ qua, trong khi nó chỉ mới sẩy ra trước khi ông Lưu viết lời tuyên bố 20 năm. Để tránh ý nghĩ sai lầm này, tôi đã dịch như bạn đọc đã thấy, và gây hiểu lầm. Vì vậy, trừ trường hợp có vị nào dịch thẳng từ bản chữ Hán đúng ý ông Lưu Hiểu Ba hơn, tôi xin dịch lại câu mở đầu như sau: “Trong dòng đời của tôi trải qua hơn nửa thế kỷ, tháng Sáu 1989…”
Xin thêm một chút về mấy chữ “lời trăn trối” trong phản hồi của Lương Thùy Châu. Khi đọc mấy chữ trong vế thứ nhì của tựa bài: My Final Statement, tôi đã thoáng nghĩ tới một lời trăn trối. Một trí thức hoạt động trong môi trường chính là vận động quần chúng, mà ra “Tuyên bố cuối cùng”, khác gì một lời trăn trối. Ngoài ý muốn rút gọn tựa bài, ý nghĩ trăn trối này đã góp phần vào việc tôi bỏ vế sau trong tựa bài. Nhưng đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa! Tránh ý tưởng trăn trối trong tựa bài, lại khiến người đọc có cảm tưởng này trong câu mở đầu.
So sánh giữa hai bản dịch từ bản gốc chữ Hán, tôi thấy có nhiều chỗ khác nhau, và đôi khi, sự khác biệt này đã giúp bổ khuyết cho vài chỗ khó hiểu. Ví dụ bản HRIC viết: “whether as a person or as a writer, I would lead a life of honesty, responsibility, and dignity”. Lúc đầu tôi dịch “dù với tư cách là một người hay một nhà văn…”, nhưng tự nghĩ một nhà văn cũng là một người, vậy phải phân biệt như thế nào? Bèn tham khảo bản Kelly, thấy viết là: “both as a person and in my writing, I had to live with honesty, responsibility and dignity”. Tôi đã theo bản này để dịch là: “dù trong cuộc sống hay trong văn phẩm, tôi phải lương thiện, trách nhiệm, và trọng phẩm giá”. Nếu chỉ căn cứ vào bản HRIC, sẽ thấy tôi dịch “writer” thành “văn phẩm” là sai.
Một thí dụ khác: Bản HRIC viết “two opportunities to address the public have both been provided by trial sessions at the Beijing Municipal Intermediate People’s Court”. Bản Kelly viết “the two opportunities I had to speak in public have been provided by trials held in the People’s Intermediate Court in Beijing”. Khác nhau chính giữa hai bản dịch này là, một bản “to address the public” (nói với quần chúng), bản kia là “to speak in public” (lên tiếng công khai). Tôi không biết bản nào trung thực với nguyên gốc chữ Hán hơn, đành địch theo bản HRIC.
Như quý vị đã thấy, về tên của tòa án, hai bản dịch cũng khác nhau. Ngoài những quý vị có lòng tốt đọc bài, còn tốn công viết phản hồi gửi về đăng trên Da Màu, có một vị học giả tốt bụng ở Boston, góp ý qua BBT, giúp chuyển những tên riêng thành từ Hán Việt. Theo vị này, tòa án xử ông Lưu là “Bắc Kinh thị trung cấp pháp viện – 北京市中級法院” tôi theo bản HRIC, dịch là “Tòa án Nhân dân Trung cấp Bắc Kinh”, ông cho biết nên bỏ hai chữ “Nhân dân”, vì không có trong tên chính thức. Điều đó quá dễ, tôi sẵn sàng bỏ cả Trung Quốc, huống chi là nhân dân. Nhưng trong cả hai bản dịch đều có chữ “People’s”. Nếu tên chính thức không có hai chữ “Nhân dân”, tại sao ông Lưu viết vào. Nếu ông Lưu không viết trong bản gốc, tại sao có trong cả hai bản dịch Anh ngữ?
Có chỗ hai bản dịch trái ngược hản nhau. Ví dụ, bản HRIC viết “…in maintaining prison order and opposing the bullies among inmates”. Tôi dịch là “… giữ gìn trật tự trại giam và chống lại những phần tử côn đồ trong số trại viên”. Nhưng theo bản Kelly, tù nhân (inmates) biến thành cai ngục (warders). Bản này viết “… keeping order in their cells and opposing the warders sense of themselves as lords of the jail” (giữ trật tự trong phòng giam của họ và chống lại những cai ngục tự coi mình như chúa tể trong tù). Phải đợi một bản dịch đúng từ bản gốc chữ Hán mới có thể biết rõ ông Lưu nói gì.
Thí dụ khác cho thấy cùng một ý tưởng, bản dịch này dài dòng, bản kia ngắn gọn hơn. Bản HRIC viết: “I am serving my sentence in a tangible prison, while you wait in the intangible prison of the heart”. Tôi dịch “Anh đang thi hành bản án trong một nhà tù hữu hình, trong khi em đợi chờ trong nhà tù vô hình của trái tim”. Bản Kelly viết: “I am sentenced to a visible prison while you are waiting in an invisible one” (Anh bị án trong một nhà tù hữu hình trong khi em đợi chờ trong một cái [nhà tù] vô hình).
Một điều nữa tôi xin đề cập ở đây: Khi dịch theo bản được đọc trong lễ trao giải Nobel tại Oslo, lấy trên mạng Nobel prize, có mấy chữ “… a process of squeezing out the "wolf’s milk", tôi dịch: “một tiến trình vắt “sữa chó sói”, nhưng thú thật tôi không hiểu rõ là gì. Đến khi tìm bản dịch trên mạng của HRIC, mới thấy chú thích của dịch giả nói rõ: “Writers in China today often refer to indoctrination with the ideology of class struggle as “drinking wolf’s milk,” and the ideology of the Cultural Revolution era as the “wolf’s milk culture,” which had turned humans into wolf-like predatory beasts.” (Các nhà văn tại Trung Quốc hiện nay thường nói tới việc nhồi sọ ý thức hệ giai cấp đấu tranh như là “uống sữa chó sói”, và ý thức hệ của thời Cách Mạng Văn Hóa như là “văn hóa sữa chó sói”, thứ đã biến con người thành những con vật ăn tươi nuốt sống như chó sói). Khi biết như vậy, thấy dịch a process of squeezing out the "wolf’s milk", thành một tiến trình vắt “sữa chó sói” là không sai, nhưng không đúng với ý tác giả. Ông Lưu muốn nói tới một tiến trình giải độc để người dân thoát khỏi độc tố đã bị nhồi vào đầu óc họ, biến họ thành độc ác như chó sói.
Mới chỉ so sánh giữa hai bản dịch, đã thấy nhiều điểm không giống nhau, thậm chí có chỗ trái ngược nhau. Ngay cả khi dịch đúng ngữ nghĩa, cũng vẫn không đúng ý tác giả. Thật ra, còn có thể nêu thêm nhiều thí dụ nữa, nhưng có lẽ như vậy đã tạm đủ. Ông Đặng Trần Minh đã “thử nghiệm” câu đầu trong bản dịch của tôi bằng cách tự dịch lại sang tiếng Anh, rồi so sánh với câu đầu trong bản HRIC, và kết luận “Câu này hoàn toàn khác ý nghĩa với câu của ông Lưu Hiểu Ba”. Điều này khiến tôi nghĩ đến một trò vui: Trong một cuộc họp mặt nào đó, với khoảng một vài chục người tham dự, người nào cũng biết cả tiếng Việt và tiếng Anh. Bắt đầu bằng cách một người viết một câu tiếng Việt, đưa cho người thứ nhì dịch sang tiếng Anh, người thứ ba lại dịch sang tiếng Việt …. Cứ như vậy, rồi đem câu tiếng Việt của người dịch chót so với câu đầu tiên, sẽ có kết quả khá vui. Không phải tôi dùng chuyện này để tự biện hộ, mà chỉ muốn nói nếu đánh giá bản dịch theo kiểu dịch qua dịch lại thì kết quả như thế nào.
Riêng với ông Bùi Vĩnh Phúc, ngoài việc đọc, ông còn khuyến khích, tham gia ý kiến và trình bầy nhiều điều bổ ích. Chẳng những thế, ông còn quá cẩn thận ngỏ lời xin lỗi đã nói thay cho tôi. Tôi phải mang ơn ông, ông chẳng có điều gì phải xin lỗi.
Nhân tiện, cũng xin yêu cầu BBT, nếu có thể, làm ơn sửa lại những tên riêng trong bản dịch của tôi bằng những từ Hán Việt theo góp ý của vị học giả ở Boston. Vì biết ý ông không muốn “xuất đầu lộ diện”, tôi không dám tự tiện nêu danh ông để cảm ơn ở đây.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả quý vị: Lương Thùy Châu, black raccoon, Bùi Vĩnh Phúc, Đặng Trần Minh, “ẩn sĩ Boston,” và Nguyễn Anh Thăng đã cho những ý kiến rất đáng trân trọng.
————–
Tài liệu tham khảo:
1- Văn bản chữ Hán:
http://gb.hrichina.org/public/contents/18550
2- Bản HRIC trên mạng nobelprize:
http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/2010/xiaobo-lecture.html
Và trên mạng HRIC:
http://www.hrichina.org/public/contents/article?revision_id=174000&item_id=173747
3- Bản Kelly trên mạng China Digital Times:
http://chinadigitaltimes.net/2010/02/liu-xiaobo-i-have-no-enemies-my-final-statement/
Và trên Blog New York Times:
http://thelede.blogs.nytimes.com/2010/12/10/text-of-chinese-dissidents-final-statement/

No comments:

Post a Comment