Saturday, January 29, 2011

Văn học – Thi ca – Âm nhạc

Văn học – Thi ca – Âm nhạc – Từ thời đại đến thời đại
Filed Under (Literature, Music) by B.l.u.e on 17-07-2009
Tagged Under : âm-nhạc, thi-ca, văn-học
Hôm nay, nhân đọc tin Tế Hanh – một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới vừa qua đời1, tôi chợt giật mình, cảm thấy hơi hụt hẫng khi nhận ra một điều rằng: những ngòi bút tuyệt vời ấy, rồi đã tới ngày chẳng còn ai trên cõi đời này (sự thật là hiện trong những tác giả được liệt kê ở cuốn “Thi nhân Việt Nam”, chỉ còn nhà thơ Xuân Tâm còn sống2). Để dòng suy nghĩ trôi miên man một hồi, tôi lại buồn bã khi phải tự thừa nhận sự thật là, sẽ phải cần một thời gian rất lâu (mà có lẽ cuộc đời tôi sẽ không chứng kiến được), Việt Nam mới lại sản sinh ra một thế hệ tài hoa tuyệt đỉnh như thế.
Tôi vốn là người rất ngại tìm hiểu, ít khi nào tự đặt những câu hỏi: tại sao?, nhưng trong vấn đề này, tôi muốn tìm ra câu trả lời thật thỏa đáng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao thời đại hiện tại, không có những văn nghệ sĩ thực sự nổi bật? Điều này là do sự cách khoảng của chu kì thời gian, do ảnh hưởng của những yếu tố khách quan hay do những tính chất đặc trưng của thời đại chúng ta?
Tôi thích đọc thơ và nghe nhạc. Vì vậy, tôi sẽ thử viết về hai chủ đề chính này. Bài viết ắt còn nhiều thiếu sót, mong nhận được sự góp ý của mọi người.
1 – Văn học và Thi ca

Trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam do hai anh em Hoài Thanh – Hoài Chân xuất bản (lần đầu vào năm 1942), tác giả trong bài luận đề tựa của mình có gọi quãng thời gian từ năm 1932 – 1941 là “một thời đại trong thi ca”. Tôi cả nghĩ, nếu là tôi viết cuốn sách ấy, thì ắt sẽ đổi lại cụm từ trên thành “thời đại rực rỡ nhất trong thi ca”.
Nếu bạn lần đầu nhìn vào danh sách những nhà thơ được liệt kê trong Thi nhân Việt Nam (dĩ nhiên, có kha khá nhà thơ tài ba bị “bỏ sót”3), tôi quả quyết rằng bạn sẽ phải ngạc nhiên. Không thể tin được tại sao chỉ trong chừng chục năm ngắn ngủi, mà văn đàn Việt Nam lại sản sinh ra nhiều quái kiệt thế, hoặc cũng có thể là tại sao những quái kiệt ấy, lại cho ra đời hầu hết những tác phẩm xứng đáng xếp vào hàng đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của mình vào thời điểm ấy.
Trăm hoa đua nở, Lưu Trọng Lư nhẹ nhàng và tinh tế, Huy Thông gói gọn trong hai chữ “bi tráng”, Xuân Diệu ông hoàng của tình thơ Việt Nam, chân quê như Nguyễn Nhược Pháp, đau thương Hàn Mặc Tử… tất cả đều tỏa sáng rực rỡ trong giai đoạn này.
Xét về lãnh vực văn xuôi, truyện ngắn. Tầm thời điểm này cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các nhà văn trong phong trào Tự Lực Văn Đoàn. Những ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh… đua nhau nhảy múa. Chẳng thể nào quên được Thạch Lam với ngòi bút rất nên thơ, chân thật và thấm đậm tình người trong “Gió lạnh đầu mùa”, một “Hồn bướm mơ tiên” phiêu du, ảo mộng của Khái Hưng.
Năm 1941 cũng là năm ra đời của tác phẩm “Lò gạch cũ” (sau đổi tên thành Chí Phèo), là bệ phóng đưa Nam Cao vào danh sách một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỉ 20. Tầm năm này (1940), Nguyễn Tuân cho ra đời “Vang bóng một thời” – ngông đến cùng cực, nhưng tài hoa uyên bác được thể hiện qua từng câu, từng chữ, và “đẹp” đến vô ngần. Chúng ta cũng cần lưu ý, hầu như tất cả các tác phẩm hay nhất của “ông vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng cũng ra mắt trong thời gian này (Giông Tố 1936, Số Đỏ 1936…)
Có kể thì tới ngày mai cũng không hết về các nhà văn, nhà thơ cùng tác phẩm tiêu biểu, tôi chỉ muốn rút lại một câu: hầu như những tài năng văn thơ kiệt xuất, đều chọn thời đại ấy để đầu thai, và để phát tiết tinh hoa, để lại cho đời những đứa con tinh thần bất hủ.
Vậy thì, tại sao thời đại ấy lại được như thế, còn hiện tại thì không?
Đầu tiên, ta thử xét qua về khía cạnh lịch sử và xã hội. Chúng ta nói về hai khía cạnh “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”, nhé!
Sau chừng chục năm hội nhập với văn hóa của Tây phương, khi mà những giá trị đến từ các nước trời Âu ấy cái thì hòa lẫn, cái thì đấu đá với cái tư tưởng văn hóa Trung Hoa lãnh hội từ bao đời nay, con người ta phân vân, lạc lối trong mớ hỗn độn, ngổn ngang
Củi một cành khô, lạc mấy dòng
(Tràng Giang – Huy Cận – 1939)
Đến một lúc, khi nhu cầu khẳng định cái “TÔI” lớn mạnh, vượt qua những cái quan niệm “vì số đông” tồn tại lâu đời, người ta muốn viết, để ca ngợi những gì họ yêu thích, đấy là tình yêu, đấy là cái đẹp. Đây cũng là thời gian mà quan điểm “vị nghệ thuật” phát triển mạnh nhất. Hầu hết các bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, đều rất thi vị, hoàn toàn không giáo điều, không chính trị, không áp đặt tư tưởng… Phải chăng vì thế, nó mãi đi vào lòng người, bởi bản chất vốn có của loài người là yêu cái đẹp?
Về văn xuôi, lại là vấn đề khá khác.
Xã hội nhiễu nhương, nước mất nhà tan đặt các nhà văn vào vị trí phải dùng ngòi bút để vạch trần, để bóc tách mọi thứ. Những Chí Phèo, Số Đỏ… trong thời điểm này, đọc vào chỉ thấy đầy chua xót.
Tôi không bàn về “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”, cái nào đúng, bởi việc này chẳng khác gì gà và trứng cái nào có trước. Chỉ thấy thật tấu xảo, phải chăng chính cái “vị nghệ thuật” đến mức tối đa đã tạo nên những bài thơ đầy thi vị, tinh tế và nhẹ nhàng và cái “vị nhân sinh” đến cùng cực cho ra đời các tác phẩm văn xuôi, truyện ngắn, phóng sự đọc vào chỉ muốn rơi nước mắt, đã hòa cùng nhau để tạo nên giai đoạn hoàng kim ấy?
Tôi lí giải điều trên có ý nói là điều kiện xã hội đã góp phần tạo nên những văn nghệ sĩ tuyệt vời ấy, mà bỏ qua yếu tố ngẫu nhiên của tạo hóa (vì bàn thế nào được). Thế thì ngày nay ra sao?
Ngày nay, cũng là thời điểm cái TÔI được đề lên rất cao. Phong trào emo rầm rộ, phong trào ăn mặc và để tóc phá cách, nhạc nhẽo, thể thao cá tính mạnh… là một phần minh chứng cho xu hướng này. Việc một người đề quá cao cái TÔI của mình không còn bị đánh giá một cách thiên kiến như vài chục năm trước.
Con người càng ngày càng yêu cái đẹp và muốn nói về nó. Nhưng vì sao thơ văn không lớn mạnh? Vì sao lại ít nhà văn nhà thơ nổi tiếng?
Tuy nhiên, với việc xã hội phát triển nhanh, dân giàu nước mạnh, ít hẳn đi các cảnh sống lầm than (nhìn chung đại bộ phận dân chúng so với những năm trước 1945), có thể nói, các văn nghệ sĩ của chúng ta thiếu hẳn đề tài sáng tác. Ồ, tôi không có chủ trương hay suy nghĩ: đất nước cần nghèo khổ để văn học phát triển, chỉ nêu lên mối tương quan giữa việc khi xã hội càng cần nhiều ngòi bút sắc lạnh, cần nhiều tác phẩm, thì khi đó mới xuất hiện càng nhiều tài năng kiệt xuất.
Nhưng, không thể lấy đó làm lí do để đổ lỗi hoàn toàn cho sự thật rằng nền văn học Việt Nam phát triển chậm hẳn lại vào lúc này. Thiên chức của người cầm bút là dùng câu chữ, lời văn của mình khắc họa cuộc sống. Cuộc sống không dừng lại, thì vì lí do gì mà văn học dừng lại?
Không thể nói rằng văn học – thi ca Việt Nam ta vào thời điểm này chẳng có gì ra hồn. Vẫn có những tác phẩm hay, nhưng đem so với những bài thơ, câu chuyện của thời đại trước, thì khoảng cách còn ở xa lắm. Đấy là chưa nói giai đoạn trước đây, có vô vàn bài thơ và tác phẩm văn xuôi xuất sắc thế.
Ngoài ra, tôi nghĩ cần bàn đến sự tác động của việc bùng nổ các phương tiện truyền thông. Nhưng đây là vấn đề, sẽ bàn ở phần sau, bởi nó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nói ra trước sẽ mất lí thú.
2 – Âm nhạc
Còn tiếp…
p/s: Bài này có sử dụng tư liệu tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Thi_nhân_Việt_Nam
Chú thích
1. http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2009/07/3BA11540/ [↩]
2. thông tin tại http://tintuc.xalo.vn/02976019621/nguoi_tho_con_sot_giua_nhan_gian.html – chưa kiểm chứng [↩]
3. Tú Mỡ, Đỗ Phồn… [↩]
(1) Comment Read More
Jul
14
i don’t want to [miss] a thing
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 14-07-2009
Tagged Under : khoảnh-khắc, N

Nói chung là anh không thích các bạn già Aerosmith lắm. Tuy nhiên vì nhạc của mấy bạn rất nổi tiếng, nên một thằng dù là fan hâm mộ cuồng nhiệt của Bảo Thy và Ưng Hoàng Phúc, cả ngày chỉ nghe V-Pop như anh cũng hân hạnh được biết tới. Nhạc của mấy bạn hay, anh không phủ nhận, phỏng ạ! Nhưng anh không thích là không thích, thế thôi.
Dĩ nhiên, cái gì chả có ngoại lệ, đến loài gái vốn rất khờ khạo và kém đủ điều cũng có thể lọt ra một bé đủ làm cho trái tim anh xao động, nhớ nhung đến mức không biết làm gì đành phải ngồi viết entry thế này, thì việc các bạn già của anh có những bài đi sâu vào trái tim vốn rất mong manh và hay yêu cái đẹp – như – anh âu cũng là điều bình thường như cân đường hộp sữa (anh mạn phép mượn các bạn teen câu so sánh này, cho nó tươi trẻ).
Ngoại lệ của các bạn ấy là bài Amazing và I don’t want to miss a thing. Bài Amazing thì chỉ vì một câu: life is a journey, not a destination. Câu này anh đồ rằng ít người hiểu được. Thôi, sau này có dịp, các bạn mời anh một li beer, anh sẽ giảng giải cho các bạn nghe, chỉ một câu này thôi.
Trong khi đó, I don’t want to miss a thing thì lại khác, nó là cả một câu chuyện dài.
Có những thằng trên đời sống vì những khoảnh khắc. Anh là một trong số những thằng như thế. Nói ra thì nghe rắc rối, khó hiểu, nhưng đại loại là thế này: anh không bao giờ quan tâm nguyên nhân – diễn biến – và có thể sẽ là kết cục của một hay một chuỗi những hành động, cảm xúc. Thứ duy nhất anh quan tâm là cái khoảnh khắc hiện tại. Điều này cực kì rồ dại và ngu dốt. Anh có thể bỏ hết tất cả, chỉ để nắm bắt và tận hưởng đến cùng cực một phút giây, nếu anh thấy thích. Khá giống với những gì trong bài I don’t want to miss a thing
Well, every moment spent with you
Is a moment I treasure
….
And I don’t wanna miss a thing
Vì lí do đó, anh từng thất bại nhiều, nhưng thôi, anh cũng chẳng bận tâm.
Anh chưa từng nghĩ rằng gái cần hiểu anh. Chả thiếu gì gái từng ném vào mặt anh hàng loạt câu chửi thậm tệ. Anh chỉ đơn thuần là có quá nhiều thứ cần quan tâm và muốn quan tâm, hơn là quan tâm gái đánh giá anh như thế nào. Vì vậy, đừng nghĩ anh viết bài này để giải thích, bày tỏ (và nhìn chung tất cả các bài khác trên trang Xanh Dương này cũng thế) cho gái nào cả.
Anh viết bài này, vì ngay bản thân anh thấy rằng, anh rất thích và trân trọng cái – giây – phút – này.
Có thể em không biết, nhưng dù là một tuần, hay chỉ là hai-mươi-bốn giờ, hoặc cũng có thể chỉ là một vài phút mà thôi, thì đối với anh, cái khoảnh khắc này, là thứ mà ngay từ sâu trong thâm tâm anh có thể nói
I don’t want to [miss] a thing…
B.l.u.e
p/s: hình lấy từ http://www.flickr.com/photos/uolli_77/1438311454/
(6) Comments Read More
Jul
12
cả một trời yêu, bao giờ trở lại
Filed Under (Another Me, Music, Việt Nam) by B.l.u.e on 12-07-2009
Tagged Under : trời-yêu, Việt Nam

Đây là một buổi chiều rất nhẹ. Cái xứ Texas này lạ quá, giờ đã gần bảy giờ tối rồi mà ngoài cửa sổ vẫn sáng, cái cảm giác nằm lì trên giường, quên cả thời gian, lười biếng nhấm nháp cái mớ hỗn hợp tạo bởi cuốn tiểu thuyết Suối Nguồn, ánh nắng tươi vàng mà không gắt, giọng Khánh Ly da diết phát ra từ cái laptop tồi tàn, thỉnh thoảng lim dim nhắm mắt đi vào mộng mị, thật là mang tư vị gì đó rất khác lạ.
Đến khi câu “cả một trời yêu, bao giờ trở lại”1 vang lên, cái tư vị nhẹ nhàng đấy biến mất, ngay lập tức. Chỉ còn cái cảm giác thật sự, thật sự tiếc nuối đọng lại. Và đơn giản, anh viết chỉ vì muốn nắm bắt thật chặt cái cảm giác này.
Bắt đầu cuộc sống mới, cách bắt đầu hoàn hảo là quên những cái cũ đi. Đây là điều anh vẫn nghĩ, có thể là do anh yếu đuối, tự bản thân anh cũng không tin rằng mình có thể làm song song hai việc: hội nhập và giữ lại. Vì vậy, anh đành chọn cách làm tốt nhất về lý thuyết cho bản thân mình.
Đã chọn như thế, lẽ ra không nên nghe, nhìn, đọc những gì gợi nhớ lại cái hai mươi hai năm cũ ấy. Khi từng câu, từng chữ đầy khắc khoải như thế vang lên, anh biết rằng mình phải chấm dứt ngay, bằng bất cứ cách nào có thể được. Tuy nhiên, anh chỉ nằm đó, đầu hàng cái cảm giác day dứt ấy trong sự bất lực, và để từng giai điệu ăn sâu vào từng tế bào nhỏ nhất của nỗi nhớ.
Anh nghĩ về bạn gái cũ của anh. Nghĩ đến lời hứa sẽ không bao giờ buông tay em, dù trong bất cứ tình huống nào mà nhói cả tâm can, và hận chính bản thân mình. Anh đơn độc quá. Em ơi, sao cứ để anh một mình đối chọi với không phải cả thế gian, nhưng là những định kiến còn mạnh hơn thế nữa? Tại sao, không thể bước cùng anh…
Anh nghĩ về giờ phút chia tay ở sân bay với các bạn anh. Anh đã ôm các bạn anh rất chặt. Và giờ đây anh nghĩ, rồi trong cuộc đời này, liệu sẽ còn cơ hội nào để một lần nữa ôm các bạn – như những người bạn thật sự chân thành thế không.
Hôm qua, anh có chat với một cô bạn cũ. Anh nghe bạn ấy hí hửng khoe về chuyến đi chơi sắp tới của mọi người. Cảm giác thật sự trong anh là ghen tị. Anh ích kỉ quá, anh luôn lo rằng, mọi người rồi sẽ quên sự tồn tại của anh, sẽ xem việc không – có – anh – trong – các – cuộc – vui chỉ là bình thường.
Anh nghĩ về azi – cô bạn thân của anh. Anh nhớ về sms của nó “The la tu gio khong duoc gap Noob roi dung khong?”. Anh sợ, sợ bạn quên anh lắm.
Anh nghĩ về từng con đường, từng hàng quán đầy kỷ niệm. Và nghĩ về thời gian dài đằng đẵng sắp tới cùng bao nhiêu khó khăn. Anh lo mình sẽ giống hầu như tất cả mọi người, đến một lúc nào đó, sẽ quên cái khung trời đầy yêu dấu ấy.
Anh sợ mình bị lãng quên, và cũng sợ chính bản thân mình lãng quên.
Cả một trời yêu, bao giờ trở lại…
B.l.u.e
Chú thích
1. Mười năm tình cũ – ns Trần Quảng Nam [↩]
và ta vì em tương tư lần đầu…
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 30-06-2009
Tagged Under : N

Choàng dậy. Không rõ là vì do quên kéo rèm nên vài tia nắng mặt trời buổi sáng sớm chiếu thẳng vào mặt, hay là vì tin nhắn của thằng bạn mới tới: “Cafe bệt nhé. Dậy sửa soạn đi. 15′ nữa tao qua”.
Anh với tay lấy cái điện thoại bàn cũ kĩ, mắt nhắm mắt mở bấm số gọi lại cho nó [điện thoại di động chưa có tiền nạp *cười*], giọng uể oải dặn nó: “Từ từ qua, lên mp3.zing.vn search và down giùm tao bài Tình Ca, ns Quốc bảo, cs Trần Thu Hà”, và cúp máy ngay, kéo rèm lại, cuộn vào chăn và tưởng tượng điệu bộ lèm bèm của nó.
30′ sau, anh và nó ngồi ở cafe bệt.
Thời tiết Sài Gòn mùa này đẹp và lừa tình kinh dị. Buổi sáng mà cứ mát mẻ đến trong veo như thế này, thì hỏi sao chẳng khiến người ta tự nhiên thấy ngẩn ngơ?
Hôm nay, anh mua sẵn hai gói xôi, một xôi gấc, một xôi đậu xanh lên đó. Mỗi đứa một gói, ngồi nhâm nhi li cafe sữa đá và ngấu nghiến gói xôi. Phù, bữa ăn sáng chỉ giản đơn thế thôi. Đang lúc ăn, anh đưa tay vào túi bạn anh, lấy ra cái điện thoại của nó, và mở bài nhạc mà anh nhờ nó download về.
Tiếng hát trong trẻo, khéo léo, đầy quyến rũ của Hà Trần cất lên vang vọng:
Có khi yêu như là yêu lần cuối
Và như là yêu lần mới đâu ngờ
Cứ yêu như là em chờ ta từ kiếp nào
Và ta vì em tương tư lần đầu
Và giữa cái không gian tuy nhộn nhịp nhưng đẹp đẽ ấy, anh đã mỉm cười…
B.l.u.e
p/s: ảnh lấy tại ZideanART
(1) Comment Read More
Jun
29
Thử tình khả đãi thành truy ức…
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 29-06-2009
Tagged Under : nhớ

Anh nghe hai câu này đầu tiên là khi đọc Tiêu Thập Nhất Lang1
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên
(Tình này chỉ còn chờ thành kỉ niệm
Còn lúc này thì đang ngẫn ngơ)
Hai câu thơ, Thẩm Bích Quân đã từng đọc qua, nhưng chưa bao giờ hiểu.
Đến bây giờ, nàng mới thông cảm cái tịch mịch và đau khổ hàm chứa trong đó, nồng đậm không bao giờ phai.
Anh không thuộc nhiều thơ Đường, nhưng có những câu đã đọc rồi là không thể quên. Hai câu trên là một trường hợp như thế.
Anh bình thường chỉ uống được 2 chai beer. Đêm qua, anh uống những 5 chai. Nhưng anh không say.
Trời mưa, thì anh hay nhớ. Anh không biết lí do tại sao, nhưng quả thật là thế. Đêm qua, trời không mưa. Nhưng anh vẫn nhớ.
Thật sự, khi những ngón tay của anh bấm lần lượt vào cái – tổ – hợp – phím – điện – thoại mà có nằm mơ anh vẫn thấy ấy, anh hiểu rõ mình đang làm gì. Chỉ có thằng hèn mới dám làm mà không dám nhận. Anh tuy hèn trong đủ mọi chuyện, nhưng riêng việc này thì anh dám nhận: anh vẫn nhớ nó. Ừ, nó ở đây là bạn gái cũ của anh. Đôi khi từ ngữ không diễn tả hết mọi thứ, nhỉ?
Khi tiếng của nó vang lên trong điện thoại, anh tưởng chừng như mình không thể đứng vững. Đúng là cái mặt nạ đích thực của thời gian là man trá, khi thì ngọt ngào, lúc lại tàn khốc. Tưởng như tiếng tík tắk của đồng hồ vọng về từ một vùng kí ức xa xôi, nhưng rồi lại giật mình phát hiện nó rất gần.
Đúng vào thời điểm ấy, anh đưa tay ra, nhưng những gì anh chạm vào, chỉ là ánh sáng vàng nhợt nhạt của bóng đèn đường, cái hương thơm toả ra dịu nhẹ của cây cảnh, cảm giác lạnh nhè nhẹ đầy thoả mãn của gió… và một phần của anh. Chỉ không có nó.
Dốc cả tâm can – không ngắn cũng không quá dài, bốn từ này là đủ mô tả mọi thứ. Lại một lần nữa, những gì yếu hèn nhất trong anh, thứ mà bình thường anh che giấu vô cùng tốt bằng một nụ cười nhếch mép, cái nhìn dửng dưng, được dịp tuôn ra ào ạt. Hiện không nhiều người có thể khiến anh như thế. Dĩ nhiên, tên nó nằm ở đầu danh sách.
Anh gọi cho nó, không phải để níu kéo, không phải để ôn cố tri tân. Chỉ đơn giản, vào thời điểm ấy, giữa không gian ấy, đúng lúc con người anh như thế, anh cảm thấy cần gọi.
Anh biết, cái gì cũng chỉ có một thời. Thời đó, đã qua, thật sự qua rồi.
Đến hôm nay, anh mới thật sự thấu hiểu, cái cảm giác mong chờ mọi thứ biến thành kí ức nó như thế nào.
Bàn tay anh vẫn chưa buông, nhưng thứ mà anh đang chạm vào, chỉ có hư – vô.
B.l.u.e
p/s: bức tranh minh hoạ là Memory (Nhớ kỷ niệm xưa) với một khoảng Phố Phái (Oil on canvas, 38 x 45.5 cm, 2001) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng
Chú thích
1. http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn1n1nnn31n343tq83a3q3m3237n1n2n – Hồi 24 [↩]
(2) Comments Read More
Jun
28
Sài Gòn của anh – Cafe bệt
Filed Under (Việt Nam) by B.l.u.e on 28-06-2009
Tagged Under : cafe-bệt, sài-gòn

Bạn anh ở Hà Nội vào đây nói, anh xin lỗi, anh lập lại nguyên văn, chứ anh thì không bao giờ chửi thề: đm, cái xứ đe’o gì mà toàn quán cafe là quán cafe.
Cô giáo lớp 1 của anh từng dạy rằng, hễ ai chửi thề thì người đó là người xấu.
Cô giáo lớp 2 của anh lại bảo, nên chọn người thật thà mà chơi.
Thế thì anh biết làm sao, phỏng ạ! Bởi câu nói trên của bạn anh là hoàn toàn đúng.
Cám ơn trời, anh không phải dân Nhân Văn, vì thế anh cực dốt viết những gì đi sâu, tận sâu vào văn hoá, phong tục, tập quán. Nhưng anh có cái miệng, vì vậy, anh nghĩ rằng anh có quyền gọi: Văn hoá cafe Sài Gòn.
Sài Gòn chi chít quán cafe, đủ mọi thể loại và phong cách. Có quán đánh vào sự trẻ trung, nhịp sống hiện đại, có quán tìm về không gian trầm mặc, cổ xưa. Có nơi mở jazz, nơi Tuấn Ngọc, nơi gào thét tiếng nhạc Rock chát chúa. Mỗi quán, à không, mỗi thể loại quán, đều góp phần tạo nên cái gọi là Văn hoá cafe Sài Gòn (mà anh đã nhắc ở trên). Tuy nhiên, cafe đặc biệt nhất, theo anh chính là cafe bệt.
Thực ra, không ai biết tên chính xác của cafe bệt là gì, bởi vì nó làm khỉ gì có tên. Chỉ là mỗi người một cách gọi, và bọn anh quen gọi nó như thế.
Cafe bệt nằm ở ngay công viên gì đấy trước Dinh Độc Lập, được chia theo vị trí thành bốn góc (mà có bạn gọi là 4 vùng chiến khu). Trong đó, góc anh hay ngồi nhất là góc đối diện ngay Nhà Thờ Đức Bà.
Nói về ý nghĩa cuộc sống này nọ thì nghe có vẻ triết lí quá – nếu nói theo nghĩa lịch sự, còn nói theo ngôn ngữ bình thường là: xạo bỏ mẹ. Nhưng đúng là, một buổi sáng, à, Sài Gòn này vẫn có khái niệm sáng sớm, nhưng không rõ ràng lắm. Có lẽ, khái niệm buổi sáng sớm của Sài Gòn nên là 7h sáng thì đúng hơn. Nhắc lại, tầm 7h sáng ngồi ở cafe bệt, nhâm nhi li cafe và ổ bánh mì (anh thề, chẳng ngon lành gì sất, nhưng ăn thích thích), và ngắm dòng người – xe chạy thoăn thoắt đủ mọi ngả, lâu lâu chau mày vì những tia nắng sớm mai xuyên qua kẽ lá, nhảy đùa nghịch trên khuôn mặt, cảm giác ấm áp nơi mái tóc chưa gội mấy ngày. Lúc đấy, nhìn lên bầu trời tươi tắn, không một gợn mây, phóng tầm mắt ra xa xíu nữa, bắt gặp vẻ cổ kích như mãi trường tồn với thời gian của nhà thờ Đức Bà, xen với vẻ hiện đại của toà nhà cao tầng Diamond Plaza với lớp kiếng phản chiếu hàng cây xanh – xanh ngắt, khẽ lẩm bẩm câu hát màu nắng hay là màu mắt em. Với anh, đấy đích thực là cảm giác an bình.
Những ngày anh chia tay với bạn gái, anh thực hiện lối sống khốn nạn một cách triệt để: tối ngủ sớm, sáng dậy đi bơi. Đi bơi xong, anh và thằng bạn hay phóng một mạch lên cafe bệt, chỉ đơn thuần là ngồi đó đọc báo giấy và ngắm cảnh, ngắm người. Không lâu đâu, chỉ cần 30′ thôi, rồi cũng lại nhập vào cái dòng xoay hối hả ấy. Nhưng như thế đã là quá hoàn hảo để bắt đầu một ngày mới…
Cảm giác an bình mà hiếm hoi anh tìm được ở Sài Gòn của anh chính là nơi Cafe bệt.
B.l.u.e
p/s: ảnh của kylin nguồn từ Diễn đàn tin học
(4) Comments Read More
Jun
26
Sài Gòn của anh
Filed Under (Another Me, Việt Nam) by B.l.u.e on 26-06-2009
Tagged Under : sài-gòn

Anh thích cái tên Sài Gòn hơn Thành phố Hồ Chí Minh.
Thật ra chẳng liên quan gì đến lí do chính trị này nọ. Đơn giản là vì từ hồi nhỏ, tầm mỗi tháng một lần, cứ buổi tối, lại có một thằng bé rất đáng yêu, với đôi mắt đen to tròn lay láy (là anh đới), đứng tựa cửa chờ mẹ “đi Sài Gòn” về. Khi đấy, đối với những đứa trẻ nhà quê như anh, thì “đi Sài Gòn” là một việc gì lớn lao lắm. Nó khác hẳn so với việc bọn anh hằng ngày vừa đi vừa chạy nhảy, cười nói líu lo trên con đường làng. Chính vì thế, hai chữ “Sài Gòn” nó có gì đó rất đặc biệt trong anh. Nó có thể là một phần niềm mơ ước thời còn niên thiếu, hoặc giả là những gì hiếm hoi còn sót lại mà anh có thể nhớ, để lâu lâu nhấp miếng trà và tặc lưỡi nói rằng: “Ngày đấy, anh thường hay nghĩ tới…”
Những người dân nơi đây cũng có rất nhiều người thích hai tiếng Sài Gòn. Đó đa phần là những người mà kí ức đẹp nhất gắn với vùng đất được mệnh danh “hòn ngọc Viễn Đông” trước năm 1975. So với lí do của họ, thì có vẻ anh hơi buồn cười nhỉ. Đúng kiểu em chã, uỷ mị, thơ với chả ấu, thằng vẽ chuyện, anh biết sẽ có đứa ác mồm ác miệng bảo thế. Nhưng kệ, anh cứ thích.
Anh chưa từng tự hỏi chính anh: Cái tình cảm thực sự của anh đối với Sài Gòn là gì? Chỉ đơn giản là một vùng đất nơi anh ở, hay nó là một phần trong anh?
Sài Gòn chẳng là của riêng ai. Nhưng khi anh đặt tiêu đề Sài Gòn của anh, ấy là anh đang muốn đề cập tới những cảm xúc về Sài Gòn qua cái nhìn của anh. Đó có thể là một góc nhìn đầy sần sùi, gai góc, sặc mùi tiêu cực; đó cũng có thể là một cái nhìn thật nhẹ, thật mông lung và huyền ảo. Đó có thể là cái nhìn được nhuộm một màu xám nhàn nhạt của quá khứ; hoặc giả là những màu sắc rõ nét nhất mà dòng thời gian – đang – tuôn – chảy dệt nên nó… Chỉ có một điều chắc chắn, anh nhắc lại, đó sẽ là cái nhìn của riêng anh.
No Comments Read More
Jun
25
Vũng Tàu
Filed Under (Another Me, Việt Nam) by B.l.u.e on 25-06-2009
Tagged Under : vũng-tàu

Có những khoảng thời gian bằng nhau nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Anh biết anh rồi sẽ lần lượt phải trải qua lần lượt từng khoảng mười hai năm xoay vần, nhưng có lẽ, sẽ không có mười hai năm nào, đẹp như mười hai năm đầu ấy.
Mười hai năm, chỉ ba chữ ngắn gọn, nhưng đó là tuổi thơ của anh.
Mười hai năm, là vô vàn kí ức, kỉ niệm, có cái đã mãi mãi nằm lại với thời gian, có cái vẫn theo anh cho đến tận giờ.
Vũng Tàu trong kí ức của anh không dính dáng gì đến biển. Thật ngạc nhiên, nhưng quả thật là thế. Dù trong giấy khai sinh, hộ khẩu, chỗ thành phố của anh vẫn ghi hai chữ Vũng Tàu, nhưng chỉ là thuộc tỉnh Vũng Tàu. Từ nơi anh ở tới biển, chim chắc cũng phải thay chục đôi cánh mới tới.
Nhưng chẳng hề gì, anh yêu Vũng-Tàu-không-biển-của-anh, hơn là cái Vũng Tàu với những bãi biển đẹp, những con đường lồng lộng gió ban chiều mà các bạn ưa thích.
Vũng Tàu của anh là những con đường đất

màu nâu nhạt. Ở ngoài cùng hai bên bờ là bờ cỏ xanh mướt. Và nằm chính giữa cái khoảng đường đất và bờ cỏ là các mương để dẫn nước.
Anh còn nhớ, khi anh nhỏ, trò chơi ưa thích của anh khi trời mưa là lội xuống những cái mương nhỏ ấy để bắt cá. Đôi khi bắt xong rồi lại thả nó xuống, rồi hì hục bắt tiếp, cứ thế mà hò hét cả buổi chiều.
Vũng Tàu của anh là những hàng rào hoa râm bụt, mà thương thay, đến bây giờ khi về lại, anh mới nhận ra là chúng thấp bé đến nhỏ nhoi, hay cũng có thể tại vì anh không còn là thằng nhóc lùn tịt của ngày ấu thơ.
Anh còn nhớ, khi anh nhỏ, anh cực kì ưa thích trò chui hàng rào. Các bạn cứ thử đi, anh quả quyết, cảm giác chui hàng rào nó hấp dẫn và nó vĩ đại hơn nhiều so với việc tung chân đá bay cánh cổng chính rồi đường hoàng bước vào.
Vũng Tàu của anh là bọn trẻ hàng xóm cùng những trò nghịch ngợm vui đùa.
Vũng Tàu của anh là những cây điều trước nhà, nơi trưa nào anh cũng leo lên đó nằm khềnh ra ngắm trời trăng [hồi đấy anh chưa biết buổi trưa không có trăng], mơ ước những điều viển vông, lâu lâu với tay ngắt trái điều và cẩn thận đưa vào miệng, kẻo nước điều dây vào áo không giặt ra thì lại bị la mắng.
Vũng Tàu của anh là chuồng lợn ba mẹ nuôi, mà mới bốn tuổi, vì nghịch không quản được, anh được ưu ái nhốt vào đó; là luống rau muống ba mẹ trồng sau nhà; là cái ao mà mỗi mùa mưa tiếng ếch kêu ộp oạp náo động cả đêm hè.
Vũng Tàu của anh, là mái trường, là nhà dòng, nơi mà tuy cơ sở vật chất đầy thiếu thốn, nhưng nếu không có mái trường tiểu học và nhà dòng, thì nhất định sẽ không có một anh tài hoa phong nhã như ngày nay. Đến bây giờ, và cho tới tận mai sau, anh sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những người thầy của thời thơ ấu ấy, những người mà luôn nói với anh rằng anh rất đặc biệt, luôn truyền cho anh sự tự tin rằng mình không hề thua kém ai.
Gần mười hai năm nữa đã trôi qua, ở cái nơi thân thương ấy, đã có rất nhiều kí ức anh buộc phải bỏ lại [anh rất buồn, nhưng phải đổ lỗi rằng trí nhớ con người có hạn], nhưng cũng có rất nhiều, rất rất nhiều thứ mãi đi cùng anh, thậm chí, trở thành một phần con người anh.
Tạm biệt vùng đất thân yêu, hi vọng rằng, anh sẽ không phải tốn thêm một khoảng xoay vần là mười hai năm, mới có thể gặp lại bạn.
Tạm biệt kí ức một thời…
B.l.u.e

Văn học – Thi ca – Âm nhạc – Từ thời đại đến thời đại – II
Filed Under (Music) by B.l.u.e on 27-07-2009
Tagged Under : âm-nhạc, thi-ca, văn-học

Một buổi chiều, khi mà thời tiết không quá nóng bức, khi mà nhiệt độ vốn cao như heo ở Texas giảm một cách rõ rệt, thì thiết tưởng chẳng có gì thích thú bằng ngồi trên chiếc xích đu nhỏ trong vườn, nghe lại các bài nhạc thật nhẹ, và ngồi viết.
Cái nhìn của tôi về nghệ thuật, hay nói khác đi là cách cảm nhận về nghệ thuật của tôi khá thiên kiến và tiêu cực. Tôi thường chỉ thích đọc sách từ vài tác giả, hay về vài chủ đề quen thuộc; nhạc cũng thế, tôi thích nghe đi nghe lại những bản nhạc cũ của mình, hơn là tìm đọc và nghe tràn lan. Việc này thoạt nhìn thì có khuyết điểm con ếch chỉ thấy được bầu trời là miệng giếng, nhưng nó giúp cho tôi tự tin rằng cái nhìn của mình về các thể loại yêu thích là một cái nhìn hoàn toàn không hời hợt.
Tôi bắt đầu nghe nhạc trữ tình Việt Nam vào những năm trung học phổ thông, khi nhà tôi nối Internet. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác háo hức chờ để tải cho bằng được một bài nhạc xưa nào đấy, hay thích thú đến mức chỉ muốn hét toáng lên khi đột nhiên có một cơn rùng mình nhè nhẹ, không thể kiểm soát được khi có dịp “nếm” một ca khúc nào, mà cả ca từ lẫn nội dung đều xứng đáng gọi bằng tên tuyệt tác.
Tôi vẫn giữ thói quen này cho tới tận bây giờ, kể ra cũng đã tầm bảy năm trời. Đem cái kinh nghiệm bảy năm nghe nhạc của mình để bàn về chữ “thời đại” như trong tựa đề, điều này là không lượng sức mình. Tuy nhiên, bài này tôi không thật sự viết cho tôi…
Tôi viết cho những người có cùng sở thích với tôi, dù quen biết hay chưa từng nghe tên, nói chuyện.
Tôi viết cho tất cả những người đã và đang chia sẻ những bản nhạc này, dù là qua forum, hay từng bài, từng bài lẻ gởi qua Yahoo! Messenger ì ạch, ngay khi có bất cứ ai yêu cầu, chỉ với mục đích đưa cái đẹp, cái tinh tuý đi khắp nơi.
Tôi viết cho những anh, những chú mà tôi đã có cơ duyên gặp gỡ. Đó là những buổi – trộm vía thay, toàn gắn liền với thịt chó, ngồi vừa nhấm nháp miếng dồi chó, vừa đệm guitar thùng và cả bọn cùng hát vang, hay là những phút giây ngồi cùng nhau bên bờ sông, kẻ xướng người ca những bài nhạc quen thuộc, choàng tay khoác vai nhau nói chuyện thật thân thiết. Dù hiện tại, đã hết rồi những dịp thế này, tôi vẫn rất trân trọng các chú, các anh và thời khắc ấy.
Thế nhé, bắt đầu vậy…
2 – Âm nhạc
Khác với thi ca và văn học, nền âm nhạc Việt Nam kéo dài cái thời huy hoàng của mình xuyên suốt gần nửa thế kỷ. Quãng thời gian ấy tuy dài, nhưng độ chín, độ rung động của các bài nhạc không bị loãng đi, trái lại, nó chỉ giúp cho số lượng các bài nhạc tuyệt tác tăng nhiều, tỉ lệ thuận với độ dài của thời gian.
Tuy cùng bị ảnh hưởng bởi làn sóng nghệ thuật ào ạt đổ bộ từ phương Tây, đặc biệt từ Pháp, nhưng nền tân nhạc Việt Nam đi sau phong trào Thơ Mới tầm vài năm, nghĩa là phát triển chậm hơn. Tân nhạc Việt Nam được cho là bắt đầu từ khoảng năm 1937. Thời điểm này, các nhạc sĩ bắt đầu viết lời cho các bài nhạc Tây, hay gọi là “bài hát ta điệu Tây”. Và chỉ khoảng thời gian ngắn sau đấy, các nhạc sĩ bấy giờ đã mày mò, sáng tác ra các bản nhạc hoàn toàn Việt Nam. Người ta dùng thuật ngữ “âm nhạc cải cách” (musique renovée1) để chỉ loại nhạc này.
Thực ra, vẫn chưa ai biết ai là người đầu tiên khai phá, đặt viên gạch đầu tiên cho nền tân nhạc Việt Nam. Theo Trần Quang Hải trong Lịch sử tân nhạc Việt Nam thì ca khúc tân nhạc Việt Nam đầu tiên là bài Cùng nhau đi Hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu, viết vào năm 1930, trong thời gian bị cầm tù tại Côn Đảo. Người thì cho là các nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Doãn Mẫn… tuy nhiên đa phần các nhạc sĩ này chỉ sáng tác và phổ biến các ca khúc của mình trong phạm vi hạn hẹp (nhóm nhạc).
Mốc đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc Việt Nam là buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội vào năm 1938. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đã nổi tiếng trên sóng đài phát thanh với các ca khúc như Kiếp hoa (sáng tác năm 1937), Anh hùng ca, Bông cúc vàng – ba ca khúc này hầu như được chính thức xem là các ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, mốc này chỉ xét trên khía cạnh “được phổ biến”, bởi thời điểm này đã có nhiều ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung được sáng tác. Tại Huế, Nguyễn Văn Thương viết bản Trên sông Hương năm 1936. Lê Thương ở Hải Phòng cũng có Xuân năm xưa năm 1936. Tuy nhiên, các ca khúc này không được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Nhắc lại, vào tháng 4 năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc, chuyến đi này được báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn – tờ báo rất phổ biến ở miền Bắc thời bấy giờ, đánh giá rất cao. Sau đấy, vào tháng 9 năm 1938, tờ Ngày Nay đã cho đăng những bản nhạc đầu tiên Bông cúc vàng, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh, Đường trường của Trần Quang Ngọc…
Nhiều ca khúc sáng tác từ trước được các nhạc sĩ phát hành. Từ đầu 1939, các bản nhạc của được bán tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành.
Lạ lùng thay, nền tân nhạc Việt Nam không có khái niệm mới – cũ, ban đầu – sau này, chập chững – trưởng thành. Tuy mới phát triển, nhưng các ca khúc trong giai đoạn này đã đạt được chữ “mỹ”. Một trong những ca khúc rất hay ban đầu là bản Biệt ly của nhạc sĩ Doãn Mẫn, và đặc biệt là Thu ca tam tuyệt: Đêm thu – Con thuyền không bến – Giọt mưa thu của nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong.
Kể từ bước phát triển đầy mạnh mẽ lúc ban đầu ấy, nền tân nhạc Việt Nam đã phát triển như vũ bão, giai đoạn nào cũng có những nhạc sĩ vô cùng tài năng, với các bài hát tuyệt mỹ cả về ca từ lẫn giai điệu. Thật may mắn cho thế hệ thính giả chúng ta, trong vòng hơn nửa thập kỉ ấy, kho tàng âm nhạc Việt Nam đã được lấp đầy với hàng loạt tuyệt tác.
Bài này, nhắc lại, mục đích chính không phải là tóm tắt nền tân nhạc Việt Nam, mà chủ yếu là so sánh lí do tại sao thời hiện đại không có nhiều ca khúc hay như trước đây.
Giống như trong phong trào Thơ Mới, chỉ cần đem ra một cái tên nhạc sĩ nào đó trong giai đoạn trên, cũng có thể khiến chúng ta hiện nay lắc đầu mà cảm thán rằng: đến bao giờ, đến bao giờ…
Liệu có phải vì thính giả chúng ta quá thiên kiến, quá yêu mến những nhạc sĩ cùng các ca khúc bất hủ như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… mà bĩu môi, dè bỉu các bài nhạc hiện tại? Tôi nghĩ câu trả lời là không!
Nếu chúng ta nhìn vào mốc thời gian mà nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong nền âm nhạc Việt trong vài thập kỷ trở lại đây là Trịnh Công Sơn, và trước đó xíu là các sáng tác của cây đại thụ Phạm Duy, thì sẽ nhìn thấy một điều: những bài hát này ra đời trong giai đoạn người ta đang say mê nhạc của vô vàn các tên tuổi nổi tiếng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Thương, Dương Thiệu Tước…
Nếu mà những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng của ngày ấy cũng có tâm lý e dè trước cái bóng Hòn vọng phu của Lê Thương bất hủ, Thu ca tam tuyệt sầu mà đẹp đến nao lòng của Đặng Thế Phong, hay các bài thu của người được xem là “nhạc sĩ của mùa thu” Đoàn Chuẩn, thì làm sao có được các bản tình ca hoa mỹ và đắm say lòng người? Vì thế, đem lý do thị hiếu của người nghe ra là không đúng. Người nghe tuy có thiên kiến nào đấy, nhưng luôn yêu thích cái đẹp, và luôn đi tìm “chân, thiện, mỹ”. Chỉ cần nhạc hay, là đại bộ phận người nghe sẽ tiếp nhận, như họ đã từng yêu mến và say mê cùng lúc những nhạc sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau đã nói ở trên.
Vậy thì, lí do tại sao nền tân nhạc đương đại Việt Nam hiện tại không được đánh giá cao?
Không thể nói rằng, hiện tại âm nhạc Việt Nam không có ca khúc hay. Người ta hay cho rằng, thời điểm mà các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An… ngưng sáng tác, thì nền âm nhạc Việt Nam dần dần lụi tàn. Tuy nhiên, có một điều ít ai để ý, ca khúc nổi tiếng Riêng một góc trời của Ngô Thuỵ Miên được sáng tác vào năm 1997, Mưa trên cuộc tình tôi cũng của Ngô Thuỵ Miên được sáng tác vào năm 2000, vào đúng thời điểm làn sóng nhạc Hàn, Tàu, Thái… tấn công ồ ạt thị trường âm nhạc Việt. Đến thời điểm hiện tại, vẫn có những tên tuổi như Dương Thụ, Quốc Bảo… sáng tác những bài nhạc với ca từ thật nhẹ nhàng, nên thơ.
Cá nhân tôi vẫn cho rằng, các bài của Dương Thụ như Đánh thức tầm xuân, Bài hát ru cho anh, và gần đây tôi nghe là Hoạ mi hót trong mưa; Quốc Bảo với Chờ em nơi thềm trăng, Em về tinh khôi, và đặc biệt là Còn ta với nồng nàn, có thể đạt tới mức gọi là hoa mỹ, sánh với các tuyệt tác của Văn Cao hay Đoàn Chuẩn thì không nổi, nhưng lời ca thì theo tôi hoàn toàn có thể sánh với một vài bài hay nhất của Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Thử nhìn ca từ Chờ em nơi thềm trăng, như giấc xưa áo hoa tóc rối… hay Mưa, trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng/ Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn…, nó rất đẹp và rất lạ, nồng nàn và thắm thiết, có kém gì đại đa phần các tác phẩm thời trước đâu?
Tuy nhiên, những nhạc sĩ như thế là quá hiếm, so với hàng hà sa số các tác phẩm mà người ta gán cho nó cái mác là âm nhạc chả ra thể thống gì hiện nay. Vậy tại sao nền âm nhạc Việt Nam lại đi xuống như thế? Tại sao những chương trình được ưa thích như Paris By Night, các ca khúc được mong chờ luôn là các ca khúc xưa?
Tôi đã từng có một thời gian nghe tuốt luốt tất cả các album nhạc teen mới nhất trên Zing, chủ yếu để xem loại nhạc này có gì hấp dẫn. Kết quả là thấy chán ngắt, tôi thuộc lời các bài nhạc đấy vanh vách, mà chẳng thể nhớ nổi chúng nói về cái gì. Lỗi lớn nhất trong việc này nhiều người cho là thuộc về anh báo chí, trong việc lăng xê quá đáng bọn mà họ gọi là sao tuổi teen ấy, giọng hát thì yếu ớt, cảm xúc thì không có, lăng xê phong trào ca sĩ tự sáng tác, thay vì nói thẳng là sáng tác của anh dở tệ. Tuy nhiên, như lão già Wynand trong Suối Nguồi đã nói: tờ báo của tôi thành công vì viết về những thứ mà độc giả thích đọc, mọi sự ở đây cũng như thế…
Vậy vì lí do gì mà lứa trẻ ngày nay thích đọc và thích ca sĩ vì những tin lăng xê vớ vẩn, thay vì bỏ thời gian nghe những loại nhạc hay đích thực? Một xã hội đang trên đà xuống dốc về mặt văn hoá – nghệ thuật, hay là Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế2. Công nghệ truyền thông phát triển quá nhanh, nhu cầu nghe – nhìn của công chúng cũng tăng theo cấp số nhân, vì thế các nhạc sĩ không có thời gian sáng tác các tác phẩm âm nhạc bằng tâm huyết đích thực của mình, mà đành phải xào xào nấu nấu để cho ra các sản phẩm mì ăn liền phục vụ nhu cầu và thị hiếu? Do phải chăng giờ trở thành ca sĩ quá dễ, người người nhà nhà mộng thành sao, chỉ cần vài chục triệu là được lên truyền hình hát, nên cái tâm với nghề không còn cháy bỏng, dẫn đến việc ít khi chịu tìm hiểu để hoàn thiện kĩ năng ca hát của mình?
Cá nhân tôi cho rằng, tất cả những điều trên, từ thị hiếu lười và thích hưởng thụ những thứ hào nhoáng của lứa trẻ, cho tới sự đồng tình của báo chí và các cơ quan truyền thông, đã góp phần biến nền âm nhạc Việt Nam, từ giai đoạn phát triển huy hoàng, trở thành tàn lụi. Và nếu không phải có những tác phẩm của những nhạc sĩ có tài và có tâm như Bảo Phúc – Bảo Chấn, Dương Thụ, Quốc Bảo, Trần Tiến… góp phần giữ cho nó từng hơi thở thoi thóp, thì ắt là nó đã đi về nơi xa lắm.
Lạ lùng cái là giới trẻ ngày nay đủ nhận thức để biết đâu là ca khúc hay – dở, nghĩa là họ vẫn biết những bài nhạc Trịnh là tuyệt vời, họ vẫn nghe và vẫn cảm nhận được, nhưng song song với đó, họ lại dễ dàng tỏ ra say mê các ca khúc thời thượng với ngôn từ rỗng tuếch, và nhạc thì chả có điểm đặc sắc riêng. Liệu có cần một cú hích thật thẳng tay, để dần dần bỏ đi cái lớp hào nhoáng rẻ tiền ấy?
Biết phải làm gì, kêu gọi mọi người đi tìm về những giá trị nghệ thuật đích thực chăng? Thôi đành, nghe những bản nhạc tuyệt tác ấy, mà chặc lưỡi than rằng: Thương thay, một kiếp vàng son...
B.l.u.e
p/s: bài viết có sử dụng tư liệu trên vi.wikipedia.org (từ khoá: Tân nhạc)
Chú thích
1. nhà thơ Nguyễn Văn Cổn là người đầu tiên dùng thuật ngữ này [↩]
2. câu của Ngô Thì Nhậm [↩]
(1) Comment Read More
Jul
25
Suối Nguồn – vị nhân sinh – và những trải nghiệm gần đây
Filed Under (Another Me) by B.l.u.e on 25-07-2009
Tagged Under : suối-nguồn, tôi

Tôi đọc những trang đầu tiên của Suối Nguồn1 khi đang ngồi chờ cho hết tám tiếng quá cảnh tại một sân bay nào đó ở Tokyo. Cuốn Suối Nguồn này là do một người bạn mà tôi cho là đặc biệt với tôi tặng. Tôi ngấu nghiến cuốn sách ở một góc nhìn ra ngoài thấy hàng loạt máy bay to đùng, giữa những bước chân nhộn nhịp đi qua đi lại, xì xồ thứ ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu tại sân bay Nhật Bản; hay vừa đọc vừa lim dim chập chờn nhìn ra cửa sổ máy bay, đọc giữa một bên là ánh sáng mờ mờ trong khoang, một bên là vẻ xanh tươi của đại dương phía dưới và mây trời phía trên; hoặc giả là vào những buổi chiều nắng nhẹ, ngồi trên xích đu trong vườn, vừa đung đưa theo gió, vừa nhấm nháp từng trang sách.
Nói từng câu, từng chữ thì hơi quá, nhưng quả thật, từng tình huống trong Suối Nguồn đều có một phần tác động không nhỏ đến nhận thức và suy nghĩ của tôi. Tôi biết rằng cái tư tưởng chủ đạo của tác giả là những gì mà từ lâu tôi – tuy mơ hồ, nhưng luôn hướng tới; tuy thế, tôi vẫn loay hoay trong cái mớ bòng bong ấy, phần hiểu, phần mù mờ, cho tới khi tôi trải qua vài sự kiện trực tiếp có liên quan.
Cũng nói thêm một chút, tư tưởng của Ayn Rand trong Suối Nguồn được khắc hoạ qua hình ảnh của nhân vật chính, dài tới gần 1200 trang, còn của tôi chỉ đơn giản trong câu: sống cho khoảng khắc hiện tại.
Tôi vốn định mượn lời của Howard Roak – nhân vật chính trong tiểu thuyết để mô tả ý mình, nhưng phút cuối nghĩ lại, tôi chọn cách diễn giải ý kiến và cảm nhận của tôi. Có lẽ điều này sẽ tốt hơn.
Trên đời này, có hai thứ nhân danh ghê tởm nhất, theo tôi, đó là nhân danh số đông và nhân danh điều tốt lành. Tiếc là, ngày càng có nhiều người đủ thông minh để áp dụng những thứ này trong các cuộc tranh luận hòng tạo thêm trọng lượng cho biện hộ của mình.
Có sự liên hệ khá mật thiết giữa cái “tôi” vị kỷ và việc nhân danh. Thực ra, những người đứng lên để hô hào, dùng những lý lẽ “nhân danh”, lại là những người có cái tôi lớn nhất. Khi cái tôi của họ lớn quá mức kiểm soát, đến mức họ sợ sệt chính con quái vật do họ tạo ra, thì họ sẽ “nhân danh” để tìm được lý do biện hộ cho chính mình.
Không phải số đông nào cũng đúng, và cũng không phải điều tốt lành nào cũng là tốt lành cho tất cả. Hai điều này cực kì đơn giản và dễ nhận ra. Nhưng để vận dụng cái “nhân danh” tốt đẹp nhất, người ta đành bỏ qua nó.
Con người thường rất ngại khi phải thừa nhận rằng mình là người ích kỷ. Nhưng quả thật, sâu trong bản thân mỗi người đều là cái tôi to đùng. Tôi có thể hiểu khi nghe câu: Tôi rất quan tâm tới anh x, chị y, cô z… nhưng lại không đồng tình với câu: tôi sống vì… Con người không thể sống vì người khác, trong cả cuộc sống lẫn trong tình yêu. Khi con người đủ nhận thức, thì việc đầu tiên họ cần làm, và người khác nên để yên cho họ làm, đó là cho họ quyền sống vì chính mình, miễn là nó không vượt đi quá mức giới hạn nào đó – theo hệ quy chiếu của gia đình, xã hội, hay luật pháp.
Khi bạn không thể yêu bản thân bạn hơn hết thảy, thì đừng nói tới việc yêu người khác.
Vị nhân sinh là tốt, nhưng trong chừng mực nào đó. Vị nhân sinh theo nghĩa tuyệt đối, lại là một cách nghĩ có phần giả tạo.
Mỗi người đều có một cái tôi. Không ai được quyền lấy đi cái tôi, hay giết chết cái tôi của người khác. Con người phải sống vì cái tôi của mình, phải tự nuôi nấng nó. Một người mà mất đi cái tôi, điều đó là thảm hoạ. Chính vì thế, việc làm ngu ngốc nhất là hướng người khác theo những gì mình muốn, khi người đấy đã đủ nhận thức, đủ trưởng thành. Lúc này, khi cái tôi của người đó đang rất mỏng manh yếu ớt, chưa kịp phát triển mạnh mẽ, đã bị bóp nghẹt, bị giới hạn. Kết quả có thể là người đó có một cuộc sống tốt lành, nhưng rất nhạt, khi cái tôi – cái cơ bản kết cấu lên chính mình đã tan biến.
Điều bi kịch là, xã hội này về cơ bản được tạo thành từ những giá trị truyền thống, nơi mà một người nhân danh, một người đẩy cái “vị nhân sinh” (theo lời người ấy nói) lên cao nhất, lại tạo được sự đồng cảm hơn những người sống vì chính mình (vốn bị đánh đồng với sự ích kỷ).
Vấn đề tiếp theo, là đi mãi theo niềm tin của mình.
Ai cũng biết, cách giết đi một người, chính là giết chết niềm tin của anh ta.
Ngay từ nhỏ, tôi luôn nghĩ mình bằng mọi giá phải sống theo những gì mình cho là đúng. Nhưng tôi thất bại.
Khi mà lẽ ra tôi phải đứng lên và chống lại cái “nhân danh” ấy, thì tôi lại để nó tác động đến tôi, dẫn tôi đi chệch với cái lí tưởng sống mà tôi đã đề ra. Tôi có thể biện hộ cho mình bằng mọi lý lẽ: vì cái “nhân danh” ấy quá to lớn, quá tốt đẹp, quá cần thiết, nhưng trong bản chất, tôi vẫn thấy coi thường chính tôi. Vào thời điểm cần thiết nhất để khẳng định cái tôi của chính mình, thì tôi buông xuôi. Tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để nói thẳng ra là: tôi khinh bỉ và ghê sợ cái “nhân danh” của bạn.

Khi mọi việc đã xảy ra, người ta sẽ có 2 cách chọn: một là tiếp tục buông xuôi, hai là tự cải tạo chính mình để đi theo đúng cái ý nghĩa cuộc sống mà mình đã đề ra. Để không bị trượt dài, tôi sẽ chọn cách thứ hai. Tuy nhiên, đó lại là câu chuyện khác…
B.l.u.e
Chú thích
1. http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=235004&ChannelID=172 [↩]

No comments:

Post a Comment