Monday, January 17, 2011

Truyện cực ngắn

Truyện cực ngắn
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2010-12-11
Trong chương trình VHNT kỳ này Mặc Lâm xin được giới thiệu đến với quý thính giả một thể loại sáng tác trong văn học được mang tên là truyện cực ngắn được giới sáng tác cũng như nhiều cây viết không chuyên Việt Nam tận dụng như một phương tiện mới để chuyên chở ý tưởng của họ.


Nhà văn Võ Phiến. Photo courtesy of WikiVietLit.
Nói đến thể loại truyện rất ngắn trong tiếng Anh có rất nhiều tên gọi, trước tiên là Minute Long Story, nghĩa là truyện 1 phút, Postcard Fiction: truyện bưu thiếp, Skinny Fiction: truyện gầy, hay Pocket-Size Story: truyện bỏ túi hoặc Palm Size Story: truyện có kích thước bằng lòng bàn tay…Còn tiếng Việt có hai cách gọi, hoặc truyện thật ngắn hoặc truyện cực ngắn.
Riêng văn chương Trung Hoa thì gọi là "cực đoản thiên", rất sát với cách gọi của Việt Nam là truyện cực ngắn.
Dù tây hay tàu gì thì cũng dùng để chỉ độ dài của loại truyện này là phải thật ngắn, ngắn đến chỗ không thể ngắn được nữa. Càng ngắn càng cô đọng thì càng hay.
Ngắn, cô đọng, xúc tích
Có người thắc mắc, vậy có tiêu chí nào dành để đếm số chữ trong một truyện loại này để xem anh nào ngắn đúng bài bản hay không? Xin thưa không ai đưa ra định mức cho cách đo đếm này. Nhà phê bình văn học chưa có những thích thú đúng mức để viết những bài dài phân tích cặn kẽ thể loại này hầu đưa ra một chuẩn mực nào đó dùng để đánh giá mức độ thành công của một tác phẩm thật ngắn hay cực ngắn.
Người cổ động và gây nhiều chú ý về thể loại truyện thật ngắn trong cộng đồng văn chương Việt Nam có lẽ là Võ Phiến. Tác phẩm “Truyện Thật Ngắn” gồm 12 truyện của ông xuất bản năm 1991 cho thấy khả năng gợi cảm của những câu chuyện được cô đọng lại có sức hấp dẫn như thế nào qua văn phong đặc biệt của Võ Phiến.
Theo nghiên cứu văn học Tạ Quốc Tuấn thì “truyện thật ngắn là một câu chuyện nho nhỏ, hoặc một khía cạnh, một tình cảm, một ảo tưởng, một đoạn đối thọai của một người đều có thể làm thành đề tài của truyện cực ngắn...Truyện cực ngắn dồi dào triết lý tính. Một truyện cực ngắn có khái quát lực đối với sinh hoạt hiện thực và xuyên thấu lực đối với bản chất sinh hoạt là đã thông qua sự thực hiện lập ý”.
Truyện cực ngắn dồi dào triết lý tính.
Nhà nghiên cứu văn học Tạ Quốc Tuấn
Còn Võ Phiến thì cho rằng “do hoàn cảnh mới,tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác với cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngoạn ngày nay khác cách thưởng ngoạn ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ cũng khác”.
Những nhận xét mà Võ Phiến đưa ra có cái lý của nó, nhất là đối với những cư dân thời a vòng, thời mà con người không đủ kiên nhẫn để thưởng thức những câu chuyện lê thê dù lời văn có gọt dũa kỹ lưỡng đến đâu cũng không hấp dẫn được người đọc hôm nay.
Ngắn, cô đọng, xúc tích là đặc điểm mà thế loại này đòi hỏi.
Mùa lá rụng
Một truyện thật ngắn của Nguyễn Bá Hòa post trên mạng có lẽ phần nào thỏa mãn được đòi hỏi này, tuy chưa thể nói là hay nhưng câu chuyện làm người đọc bâng khuâng, suy nghĩ:
Mùa lá rụng
Chị là công nhân quét rác của thành phố. Thành phố đẹp với con phố dài che mát bởi hai hàng cây thẳng tắp. Nhưng khổ nỗi cứ chiều về lá rụng đầy con phố, chị quét đến khuya, quét phía trước, lá rụng phía sau… Mồ hôi nhễ nhại.
Chồng chị có chút ít chữ nhưng lại xin không được việc làm. Anh ở nhà đọc sách làm thơ, bài nào kha khá thì gửi báo họa may có ít đồng nhuận bút.
Tối nay xong công việc chị vội vã về nhà. Đèn còn sáng, chắc có chuyện gì, bởi lẽ giờ này anh ấy đã ngủ say. Chị vừa bước vào nhà anh đã hồ hởi khoe:
- Mới làm bài thơ mới, em đọc đi!
Mệt mỏi nhưng nể chồng, chị cầm tờ giấy lên xem. Mới đọc tiêu đề bài thơ “Mùa lá rụng” chị bỗng rùng mình, một cơn lạnh chạy từ sống lưng lên đỉnh đầu. Chị ngất đi trong vòng tay của anh.
Với tổng số 174 chữ tính luôn cả tựa, truyện của Nguyễn Bá Hòa có thể nói đã đạt được yêu cầu về độ ngắn nhưng người đọc vẫn chưa thỏa mãn được điều gì đó mang một chút yếu tính văn chương. Có thể là cách chọn chữ, chọn câu chăng?
Anh tôi
Trong một truyện thật ngắn khác của Vũ Viết Hưng người đọc cảm thấy xúc cảm trước một câu chuyện đổ vỡ đã được báo trước.
Anh tôi
Anh gần 40 tuổi mà chưa có vợ, chị nhỏ hơn anh gần một giáp lại xinh đẹp. Ngày anh đưa chị về nhà, ai cũng mừng cho anh chỉ riêng mẹ bảo: "Con phải tính cho kỹ, mẹ thấy không yên tâm". Anh cười nói: "Mẹ đừng lo".
Thôi nôi con anh được một tháng thì mẹ mất, trước khi đi mẹ chỉ dặn anh: "Giữ cháu lại cho bà". Anh cầm tay mẹ bảo: "Mẹ yên tâm".
Anh chị ly dị, con anh theo mẹ, anh đứng trước bàn thờ mẹ khóc chỉ nói được câu: "Con xin lỗi".
Truyện này thậm chí ngắn hơn cả truyện của Nguyễn Bá Hòa, chỉ vỏn vẹn 103 chữ!
Thế nhưng truyện thật ngắn của Vũ Viết Hưng cũng chưa thể xem là một tác phẩm hoàn chỉnh, dù nó hoàn toàn thỏa mãn những đòi hỏi của kỹ thuật viết.
Ở một truyện khác của Trương Hoa người đọc hụt hẫng với hình ảnh một bà mẹ một mình ngồi dưới bếp ăn món ăn quê mùa trong ngày sinh nhật của mình:
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học.
Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?"
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…
Câu chuyện làm người đọc suy nghĩ. Hình ảnh tiếp theo hình ảnh, từ cận cảnh của đám đông trong bữa tiệc đến khi ống kính của tác giả quay chậm cảnh bà mẹ một mình dưới bếp là động tác so sánh làm người đọc cảm nhận đây chính là một câu chuyện hoàn chỉnh. Ngắn và cô đọng.
Thành Hoàng
Cả ba truyện thật ngắn mà chúng ta vừa nghe do những tác giả không chuyên trong nghề văn sáng tác. Các tác phẩm này dù sao đã đạt được tiêu chuẩn ngắn cần thiết. Tuy nhiên có cần thiết phải cực ngắn mới lột được cái thần của nhân vật hay cái lõi của câu chuyện hay không? Nhà văn Nguyễn Viện có một truyện thật ngắn với 304 chữ mang tên Thành Hoàng sau đây có thể nói là dài so với ba truyện mà chúng ta vừa nghe:
Đó là tấm hình của một người đàn ông có râu được đặt trên bàn thờ của ngôi đình.
Tôi đã nhìn ngắm tấm hình rất nhiều lần và thật kỹ. Ít ra về tướng mạo học, có thể nói đó là một người đàn ông uy nghi nhưng phúc hậu như người ta đã cố tình tạo ra một chân dung như thế. Và tôi không thể không tự đặt cho mình một câu hỏi: Điều gì đã khiến ông ta được tôn thờ và tại sao việc tôn thờ ông ta lại quan trọng và cần thiết đến thế?
Cho đến bây giờ, tấm hình đã bạc đi ít nhiều. Nhưng chẳng hề chi, ông ta vẫn ở trên bàn thờ và đóng vai thần thánh của mình. Tôi tin chắc rằng, bản thân ông ta không phải thần thánh nhưng sự cả tin vào ông ta đã biến ông ta thành thần thánh. Và chính những người tạo nên sự cả tin ấy mới thực sự đáng được biết đến, bởi vì đó chính là tấn tuồng nhân loại và nó tạo nên lịch sử cho một cộng đồng.
Nhưng tại sao ông ta phải chết trước khi cái chết thật sự đến? Điều này thì chính tôi đã tìm thấy câu trả lời, chỉ có cái chết mới tạo ra huyền thoại và cái chết mang lại một tự sự chung cho tất cả những ai thương tiếc người chết đó. Và cái chết biến thành một chiêu bài cho những ai biết sử dụng nó.
Thế là hiện thể, hiện tồn hay hiện thực của một sinh linh bị bắt buộc giản lược vào một tấm hình. Chung quanh tấm hình ấy người ta tạo ra hào quang và sự tôn thờ trở nên có ý nghĩa.
Thật ra khó thể cho rằng đây là một truyện ngắn, hay cực ngắn mà theo tác giả thì gọi nó là truyện thật ngắn thì tương đối chính xác nhất. Nhà văn Nguyễn Viện cho biết thói quen của ông khi sáng tác thể loại này như sau:
“Trước một công việc sáng tạo nào thì người ta bắt đầu bằng một ý tưởng nào đó. Từ cái ý tưởng đó người ta sẽ quyết định mình sẽ viết ngắn hay viết dài. Thực ra tôi không định mình sẽ viết ngắn hay viết dài hay tiểu thuyết mà cái ý nó tới trước rồi tùy theo ý đó là ý gì mình sẽ quyết định sẽ viết nó cực ngắn hay dài, hay vừa.
Cái giọng văn của tôi xưa nay lẽ ra phải viết thật dài thì tôi lại viết ngắn. Tôi muốn mình đóng một cây đinh hay mình đấm một quả đấm và đấy phải là cú đấm nốc ao.”

TS Nguyễn Thị Hậu. Nguồn Newvietart.com.
Đối với TS Nguyễn Thị Hậu, một người không nhận mình là nhà văn mặc dù bà đã có rất nhiều sách được xuất bản thì truyện cực ngắn là một thể loại bà viết thành công nhất. Bà cho biết thói quen của mình khi sáng tác thể loại này:
“Thật ra những ý tưởng dùng làm chất liệu để viết những chuyện rất ngắn như thế nó đến trong cuộc sống bình thường thôi. Có khi chỉ là một câu nói nghe được ở đâu đấy, có khi là một câu chuyện mà mình trao đổi với bạn bè nảy ra những câu chuyện nho nhỏ…tất cả những cái đấy là chất liệu, nó ở trong đầu và đến lúc nào đấy thì tự nhiên nảy ra cái ý định viết một truyện ngắn nhưng hoàn chỉnh.
Có thể dưới góc độ nào đấy thì nó có tình tiết, đóng mở giống như cấu trúc một câu chuyện nhưng nó được hoàn chỉnh dưới dạng một cảm xúc, tình cảm. Có khi một câu nói đẩy tình cảm người ta đến một cảm giác buồn vui hay phẫn nộ…
Những chuyện tôi viết không hẳn là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp nghiên cứu khoa học cho nên khi viết thì từ ngữ cố gắng cho chính xác…nói cố gắng không đúng lắm nhưng khi mình viết thì chọn từ diễn tả đúng ý định mình muốn nói trong đầu. Cho nên đôi khi viết ngắn như thế nhưng phải viết đi viết lại.”
Gãy Chân
- Đi nhậu về, chồng bị tai nạn xe máy gãy chân, phải nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ, nặng chịch. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ.
Khuya. Bỗng chồng lăn lộn rồi ngã nhào từ trên giường xuống đất, cái chân lành bị chân bó bột đập mạnh làm sưng vù, tím bầm. Vợ choàng dậy, hỏi: anh sao thế, sao lại ngã thế? Vẫn chưa hết hốt hoảng, chồng trả lời: nằm mơ, thấy đang ngồi trên đường rầy, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: làm gì mà ngồi trên đường rầy? – Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu!
Bước Hụt
Chúng ta vừa nghe truyện thật ngắn có tựa “Gãy Chân” của Nguyễn Thị Hậu. Một truyện thật ngắn khác mang tên “Bước Hụt” sau đây có thể làm người nghe mường tượng được khả năng thẩm thấu sự việc một cách nhanh chóng và sâu sắc của tác giả tới mức nào:
Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày một mới hơn, đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.
Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền…
Đi nhanh ra khỏi phòng và bước xuống, chị chợt nghĩ, sao bậc cầu thang nhà mình dạo này cao thế không biết…
Chỉ với 87 chữ, Nguyễn Thị Hậu dẫn người đọc bước liêu xiêu theo bước chân hụt của bà, “hụt” là từ đắt nhất mà bà dùng ở đây. Nó chứa đựng gần như mọi thứ thất vọng trên đời kể cả thất vọng về tình cảm và niềm tin. “Hụt”, ngắn và gọn nhưng hiệu quả biết chừng nào.
Xe đạp ơi
Ở một truyện khác ngắn chưa đầy trăm chữ mang tên “Xe đạp ơi”, Nguyễn Thị Hậu mang cái cay đắng nhưng cũng trần trụi cuộc đời ra để chia sẻ. Xe đạp ơi có cái tình tứ của tuổi trẻ, cái mỏi mệt của trung niên và cái về chiều của từng chiếc lá…ba giai đoạn cuộc đời gói gọn trong 102 chữ nào phải dễ dàng đối với một người sáng tác, và trên hết, “Xe đạp ơi” trần trụi một sự thật mà nhiều người khó thể chịu đựng.
Ngày yêu nhau anh thường chở chị đi chơi, đi làm bằng xe đạp. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị nép vào lưng anh, thầm thì: Mệt không anh?
Anh gò lưng đạp xe nhưng vẫn ngoái lại nhìn chị, vừa thở vừa ráng mỉm cười: có gì đâu em.
Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy cũng câu hỏi âu yếm “anh mệt không?”, không ngóai đầu lại, anh lầm bầm “Người chứ có phải trâu đâu mà không mệt!”.
Ngồi sau bất giác chị co rúm người, chỉ mong biến thành chiếc lá, bay đi.
Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm...
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc
Chúng tôi xin dẫn lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc để kết thúc câu chuyện văn học hôm nay, hẹn quý thính giả trong chương trình kế cũng trên làn sóng thường lệ của đài Á Châu Tự Do:
"... Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm..."
Trần Mộng Tú và tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-12-04
Nhà thơ Trần Mộng Tú là khuôn mặt quen thuộc của giới thưởng ngoạn thơ hải ngoại từ đầu những thập niên 80 khi bà vừa đặt chân đến Mỹ với tư cách một người tỵ nạn.


Nhà thơ Trần Mộng Tú. Photo courtesy of Mạng Lưới Dũng Lạc.
Trần Mộng Tú là tác giả của nhiều tập thơ và người đọc thơ bà nhanh chóng tăng theo thời gian kể từ khi những trang thơ đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng hải ngoại.
Thơ của bà chủ yếu là thơ tình, nhưng đây là những bài thơ tình khó tìm trong tủ sách các nhà thơ nữ của thời cận đại. Thơ của Trần Mộng Tú thả lỏng ngôn ngữ để chúng có thể buông mình rơi tự do xuống khoảng trống suy tưởng và thăng hoa thành thứ tinh chất kết dính bài thơ với người đọc chúng.
“Tôi rời Việt Nam vào ngày 2 tháng Tư năm 1975 do hãng thông tấn AP nơi tôi làm việc tại Việt Nam đưa tôi và gia đình ra đi. Lúc đó tôi còn độc thân họ thu xếp cho tôi và bố mẹ đi với nhau.
Sang Mỹ năm 1975 coi như tôi làm tờ báo đầu tiên là Quê Hương xuất bản. Mấy người tham gia đầu tiên gồm có Du Tử Lê, Trần Mộng Tú, Hoàng Khởi Phong, Hoàng Chính Nghĩa và một vài người nữa làm tờ bào đó chung với nhau.
Tôi bắt đầu đem những bài thơ của mình ra đăng từ năm 1975, mặc dù trước đó tôi cũng có làm thơ nhưng chưa bao giờ đăng báo vì tôi thấy không có nhu cầu cần đăng báo. Sang tới Mỹ thấy tiếng Việt ngày càng hiếm hoi, thấy anh em gia nhập vào báo chí tôi tham gia theo và từ đó tôi làm rất nhiều thơ về quê hương.”
Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu tới quý thính giả tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009” của Trần Mộng Tú, một trong nhiều tác phẩm của bà đã được in ra tại Hoa Kỳ.
Mặc dù tác giả cho rằng tập thơ này không nhất thiết chứa đựng những bài thơ hay nhất của mình, nhưng ít ra cũng tập trung hầu hết những bài thơ quan trọng của từng chặng thời gian qua suốt bốn mươi năm sáng tác.

Hãy tưởng tượng ra em
ở một căn nhà lạ
mình em một ngôn ngữ
mình em một màu da
mình em một màu mắt
mình em một lệ nhòa

Hãy tưởng tượng ra em
ở nơi không định tới
em tủi như chim khuyên
khóc trong lồng son mới

Hãy tưởng tượng ra em
ở một thành phố khác
em buồn như nước sông
khóc chia dòng tan tác

Bài thơ quý vị vừa nghe được Trần Mộng Tú sáng tác vào tháng 7/1975, ba tháng sau khi Trần Mộng Tú đặt chân xuống Mỹ. Thành phố tạm dung bà và gia đình dường như cũng thở dài cho cái không khí thê lương trong tâm hồn nhà thơ lúc ấy.

Cũng những tiếng than khô không lệ nhưng những giòng thơ của bà nghe ra có thấp thoáng hơi hám của mùa xuân lấp ló trong tiếng thở dài của buổi ban đầu ngỡ ngàng nơi xứ lạ. Con chim khuyên trong lồng có thể đang khóc, đang tủi bởi màu sơn son cộng với thếp vàng chóa ngời đôi mắt, nhưng con chim họ Trần ý thức rất rõ chiếc lồng hẹp này chỉ là giai đoạn ban đầu, giai đoạn rét mướt trước khi mùa Xuân tới.

Bài thơ nổi tiếng của bà mang tên “Cả một dòng sông đứng lại chờ” có không khí của giòng nhạc thính phòng những năm đầu thập niên 60. Vần bằng đều đặn ở cuối mỗi câu thơ khiến người đọc liên tưởng tiếng vọng của những bản thánh ca buồn vào cuối ngày Chúa Nhật. Lễ Misa nào thống thiết trong nỗi nhớ của nhà thơ, nhớ từng hơi ấm làn da, nhớ mài miệt từng hơi thuốc thơm vàng tay cháy môi thơm phức.

Tôi xa người nắng buồn trên vai
môi tôi mùi thuốc còn thơm hơi
người xa tôi một dòng sông trắng
dãy núi bên kia có ngậm ngùi

Tôi xa người hàng cây bâng khuâng
nước dâng chiều xuống nhớ muôn trùng
người xa tôi có còn đứng ngóng
một cánh chim bay ở cuối rừng

Nỗi buồn đeo bám Trần Mộng Tú dai dẳng nơi xứ người, cho dù khi đã lấy chồng, đã bước ra đường với một cái họ mới, họ của nhà chồng. Nhà thơ thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ người, nhớ từng cọng rơm sợi tóc, cái nhớ mà người Việt trong những năm 80 vẫn canh cánh như Trần Mộng Tú. Bà không nhớ một mình, nhưng cái nhớ của bà khác người, thật khác.
Tôi ở quê chồng xa xăm quá
cách quê cha cả một đại dương
mỗi độ xuân về tôi ngơ ngác
như con ngựa trận mất yên cương

Mỗi độ xuân về tôi nhớ lắm
những ngày xuân cũ trên quê hương
nhớ người tình cũ, ngôi chùa cũ
hoa mẫu đơn nở đỏ bên tường

Bài thơ “Tôi buồn như một nốt dương cầm” được bà viết năm 1984 thật sự là một tiếng ngân nhẹ nhưng thăm thẳm của nỗi buồn. Mùa Xuân đến một lần nữa nhưng Mùa Xuân khoác lên vai chiếc áo khác với chiếc áo Trần Mộng Tú quen biết từ nhiều chục năm trước. Ngôi nhà chơ vơ lạnh và trống vắng. Các con tung tăng đến trường trong khi bà đứng một mình, buồn như một con chim đuối sức.

Có thật mùa xuân đã đến đây
sao lòng tôi không đổi mới
sáng nay đưa con đi học
các con vẫn mặc đồng phục
và trong túi thì không có một phong bao
tôi trở về,
buồn như một con chim
con chim bay về từ phương nam
không tìm thấy tổ

Ngôi nhà cũng cô đơn
đứng chơ vơ
trên ngọn đồi ngập gió
những cánh đồng cửa sổ đóng im
trên bàn
một bài thơ viết dở…
một chuyện tình cố quên

Chuỗi buồn phiền cứ đeo đuổi bà trong suốt nhiều chục năm tại xứ người. Buồn là âm thanh của mọi bài thơ trong tuyển tập. Buồn từ động tác, từng hơi thở và từng hành động thường nhật. Cái buồn của Trần Mộng Tú không phải ai cũng được gặp. Nó miên man và bất ngờ. Nó không lộ ra nhưng ăn mòn ký ức. Nỗi buồn của sự chết và hơn thế nữa, nỗi buồn như những vết cắt, cào xước tâm hồn.

Đốm nhang cháy đỏ như quầng mắt
khói có bay về tận cố hương
vườn người, tôi chiết cành xuân thắm
nhớ quê vết cắt trượt xuống hồn.


Nhà thơ Trần Mộng Tú. Photo courtesy of Blog Nguyễn Xuân Hoàng.
Mùa Xuân đối với Trần Mộng Tú hình như đã qua và không trở lại nhưng tháng Giêng thì vẫn rất quê nhà trong tâm trí bà. Tháng Giêng xuất hiện lại qua lăng kính trời Tây với những đứt khúc trí nhớ. Vườn sau nhà, khung cửa vắng và mùa Xuân ướt sũng…những tập hợp hình ảnh này làm thơ bà hình tượng hơn nhưng vẫn không mất nét lãng mạn của một cơn bão tháng Giêng, bão rất nhẹ nhưng đủ làm cho ai đó trăn trở, nhớ thao thiết một khung trời, một sắc lá.

Vườn tôi gầy quá hoa không nở
mưa ở nơi đây ướt sũng xuân
những cành thông gẫy ôm đầy gió
khung cửa nhà ai nhận vết thương

Mưa gió đuổi nhau qua thớ gỗ
que diêm xòe thảng thốt trong đêm
nến như mắt bão trừng bóng tối
một mảnh tháng Giêng vỡ bên thềm

Nỗi buồn nào rồi thì cũng phai, vết thương nào rồi cũng tới ngày lành. Thế nhưng bài thơ mang tên “Vết thương” xem ra rất khó lành. Nhà thơ ngập ngừng lắm mới mở được lòng ra thăm dò vết thương năm cũ, mà chao ơi, vết thương tuy đã kéo da non nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ lành lặn. Nó vẫn đau phía bên trong. Vẫn cần được thăm nom trong những ngày tháng tới.

Được sáng tác vào năm 1991 bài thơ “Vết thương” báo hiệu với chính nhà thơ về sự cạn kiệt dần quỹ thời gian trên hai khóe mắt. Quê nhà vẫn xa xa chơi trò cút bắt trong khi người yêu nay đã kiệt cùng nỗi nhớ. Bài thơ nhẹ nhàng nhưng cay đắng chen lẫn mỏi mệt của tháng ngày chồng chất:

Anh ạ! Tháng Tư mềm nắng lụa
hoa táo hoa lê nở trắng vườn
quê nhà hun hút sau trùng núi
em mở lòng xem lại vết thương

Năm tháng qua mau quên đếm tuổi
trong gương mắt đã rạn chân chim
em nhuộm nỗi buồn như nhuộm tóc
vết thương đóng vảy nhói trong tim

Anh ạ! Tháng Tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi ngã về.

“Sương mỏng nhưng sao nhìn mãi chẳng thấy quê!”
Câu thơ nhẹ mà đau như dao cắt.

Em ở nơi này mười bảy năm
có khi cất tiếng gọi dòng sông
có lúc bóng chùng lên bóng núi
sao núi sông vẫn đỗi lạ lùng

Nắng hạ cũng vàng thêu áo lụa
chẳng ai níu vạt tặng câu thơ
chữ hiếu như kim chìm đáy biển
chữ tình gió thổi đến xác xơ

Em ở nơi này mười bảy năm
buông vào nhật nguyệt nắm tuổi xuân
cầm như thả tuyết vào lò sưởi
những cánh hoa tan dưới lửa hồng

Tóc đã sợi đen chen sợi trắng
mắt cười đã lụn bấc đam mê
người vẫn từ quê ngơ ngác đến
ngượng môi không dám nhắc…chuyện về

Cảm tác bài thơ “Ta về”của Tô Thùy Yên, Trần Mộng Tú ghi lại những nốt trầm của 17 năm xa xứ. Bài thơ “17 năm 17 đoạn thơ” mà chúng ta vừa nghe man mác cái tứ của thất ngôn, thể loại thơ gần với “hành”, với gươm cùn, với ngựa mỏi…Người đọc chia sẻ không khí cổ xưa trong bài thơ qua những từ rất cũ như chữ hiếu, chữ tình, cầm như…thế nhưng toàn bài thơ lại toát lên cái tứ rất mới, rất đa nghĩa và nhất là mang đậm nỗi nhớ tươi roi rói nhưng đôi khi ngơ ngác đến tội nghiệp.

Không phải lúc nào Trần Mộng Tú cũng cứng cỏi, mạnh mẽ của thất ngôn, bà sử dụng lục bát cũng bén và đa chiều đến bất ngờ. Chỉ với bốn câu trong bài “Mưa Seattle”, Trần Mộng Tú đã dẫn dụ người đọc đứng trước cái mênh mông của một sợi tóc mỏng manh:

Sáng nay ra phố gội đầu
giọt mưa sợi tóc ôm nhau khóc òa
cong tay hứng hạt mưa sa
mưa giăng mắt lưới xóa nhòa chỉ tay

Mưa và tóc, hai hình tượng nhạt nhòa trong bốn câu thơ trên gây cảm giác người phát hiện ra chúng đang tan dần vào số phận, vào định mệnh, vào những đường chỉ tay đầy bất trắc…

Những bài thơ cuối trong Tập Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009 của Trần Mộng Tú được lật sang trang của những năm hai ngàn, những năm đầu trong thiên niên kỷ mới. Và, nhà thơ, cũng như mọi người khác, hăm hở bắt đầu bằng hy vọng. Qua bài “Nhìn Nhau Rất Xa” bà viết:

Sáng đầu năm hồn em chắp cánh
bay lơ mơ vào một kỷ nguyên
dĩ vãng như bức tường trong suốt
bụi hôm qua rũ lại bên thềm

Em giấu em ở trong hạt gạo
nằm rất ngoan giữa những chân nhang
đợi tiếng giầy anh chạm bực cửa
về chia nhau một thế kỷ tàn

Đóa thủy tiên của ngày rất mới
đang quay đầu nhìn thế kỷ qua
những viên sỏi đã thành cổ tích
anh và em nhìn nhau rất xa

Và một hôm bà trở về nhà.

Việc đầu tiên là nhà thơ chia sẻ cái hạnh phúc mà bà có cho người yêu. Cái mà nhà thơ muốn chia trong bài thơ là một chút thân ái mà bà đánh mất nhiều năm, hôm nay gặp lại bà viết Trong bài “Chia nhau Hà Nội”:

Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà Nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ

Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm

Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này

Em gửi cho anh
đất trời Hà nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột
được bạn chia cho trong một lúc.

Ai là người may mắn này? Không biết! có thể là “anh” của Sài Gòn người trước khi chia tay. Có thể là “anh” của chốn dung thân, người từ bên kia bờ đại dương ngóng theo bước chân bà trong những ngày vacation ngắn ngủi. “Anh” cũng có thể là tiềm thức, là nhớ nhung là trăn trở và tại sao không, những mất mát cần tìm…

Quý vị vừa theo dõi một vài tác phẩm của nhà thơ Trần Mộng Tú trong tuyển tập “Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm1969-2009”. Hy vọng qua những bài thơ này, quý vị sẽ tìm thấy đôi điều đồng cảm vói nhà thơ, người luôn chăm chút nỗi buồn có tên “quê hương” nỗi buồn mà ai trong chúng ta cũng đã ít nhiều kinh nghiệm….
Nguyễn Đức Liêm – Gã say thích nghịch thơ
Khánh An, phóng viên RFA
2010-05-29
Vào chiều Chủ Nhật vừa qua, tại Trung tâm Văn Hóa của Trường Đại học Cộng Đồng Bắc Virginia, “Tuyển tập Nguyễn Đức Liêm” – nhà thơ của những vuông tròn – vừa được giới thiệu ra mắt cộng đồng Việt Nam.

Hình bìa tuyển tập Nguyễn Đức Liêm
Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật tuần này sẽ dành để giới thiệu tuyển tập thứ 9 này của nhà thơ Nguyễn Đức Liêm – người có thể tạm gọi là “gã say thích nghịch thơ”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm sinh ngày 8 tháng 12 năm 1941, ở tỉnh Kiến An, trong một gia đình lễ giáo nho phong. Đến năm 1954, gia đình ông di cư vào Nam. Từ đó, Nguyễn Đức Liêm học hành và trưởng thành trên đất Sài Gòn. Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An và Đại học Luật Khoa Sài Gòn.
Tốt nghiệp trường Luật, Nguyễn Đức Liêm bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật khi ông theo học nghề đạo diễn với các đạo diễn truyền hình NBC, rồi sau đó làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam cho đến năm 1975.
Ông sang Mỹ tị nạn chính trị, làm đủ các nghề để sinh sống và để… làm thơ. Trong 35 năm sống trên xứ người, Nguyễn Đức Liêm tích góp được khoảng một ngàn trang thơ, tùy bút và thơ tùy bút. Tuyển tập Nguyễn Đức Liêm ra đời do công lao “đốc thúc” của bạn bè, để đánh dấu cột mốc “1000 trang thơ” này.
Trong buổi ra mắt tuyển tập, Nguyễn Đức Liêm cho biết về hai văn tài có ảnh hưởng mạnh mẽ trên thơ ông, đó là Kim Dung và Alexandre Dumas. Câu chuyện bắt đầu từ lần theo gia đình tản cư năm 1947:
“Một hôm, tôi len lỏi vào một ngôi nhà ở rất sâu trong ngõ Duối. Ngôi nhà rất rộng, ba gian, trên mái ngói, cột nhà bằng gỗ lim trồng trên nền đất trị. Chắc chủ nhà mới chạy nên sập gụ, tủ trà còn nguyên. Đầy một nhà những trướng, liễn, hoành phi, câu đối.
Lần xuống căn nhà ngang, tôi lạc vào một thế giới không biết cơ man nào là sách. Trong chiếc đầu tí hon của tôi lúc đó tự hỏi, không biết sách chữ quốc ngữ ở đâu mà nhiều như thế này. Hàng lô truyện dịch của Tàu như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc, Thủy Hử, Đảng Thống Chí (tức Tục Thủy Hử), rồi Phong Thần, Phong Kiếm Xuân Thu, Chung Vô Diệm, Thuyết Đường, Phản Đường… Chính những cuốn sách võ hiệp mới còn ở giai đoạn quyền cước này sẽ mở đường cho không gian chưởng của Kim Dung sau này.
Tôi lúc đó mới biết đọc, biết viết chừng hơn 1 năm, một năm rưỡi gì đó, nhưng sẵn máu tiểu thuyết trong số tử vi, cho nên mừng ơi là mừng, như đi vào chỗ không người. Trong mấy ngày liền, tôi lúc đó mới lên 6, lên 7, mà đã làm một chuyện vô cùng phi pháp, là nghiễm nhiên lon ton bê gần hết tủ sách của người ta về nhà trọ của mình, cho các anh các chị truyền tay nhau đọc. Rồi mình cũng bắt đầu học đòi mê mãi kế ai.
Tiếp tục đọc như vậy cho đến khi chạy sang làng khác thì chia nhau nhét vào đám đồ đạc, chỗ này một cuốn, chỗ kia hai ba cuốn. Riêng tôi còn ẵm theo nguyên một bộ võ hiệp, không phải của Tàu, mà của Tây, đó là cuốn “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của Alexandre Dumas, do Nguyễn Văn Vĩnh xuất thần dịch hay ơi là hay!”
Thơ và rượu là một
Chỉ cần đọc thoáng qua tuyển tập Nguyễn Đức Liêm, ngay cả một kẻ ngoại đạo khô khan nhất trong thánh đường thơ cũng sẽ dễ dàng nhận ra chất men của rượu nồng nàn trong từng trang thơ. Ông đúng là một gã say thứ thiệt, chứ sao nữa, khi ông ngông nghênh tự họa mình trong bài “Bạch Huyền Hồng”:
Lụa bạch cuốn nắng đào
hỏi nhánh hạt huyền

Ngoài vũ trụ
còn trăng nhưng hết rượu
ba người kia bèn cả tiếng thơ cười
cùng nhau uống rượu bằng trăng

Họ là ai đấy nhỉ

Có tiếng vọng trả lời

Hai người kia là
Omar Khayyam và Lý Bạch.
Gã say Nguyễn Đức Liêm khi uống vào, cũng như bao gã say khác, coi trời bằng vung.
Một ly là đến ngàn ly đấy
Đẹp nhất trên đời hãy xuống đây
Cả nước nghe không đừng quậy nữa
Ngồi im thì được ngắm ta say
(Tứ tuyệt)
Có thể tìm thấy trong Tuyển tập Nguyễn Đức Liêm một bar rượu, với tên của các loại rượu Tây, nhặt ra từ các vần thơ, thậm chí ngay trên tựa đề bài thơ. Nói như diễn giả Nguyễn Minh Diễm trong buổi giới thiệu tuyển tập, rằng:
“Tôi có cảm tưởng như nếu chúng ta giở tập thơ này ra, chúng ta giở những bài thơ đó ra, rồi mỗi lần chúng ta nhìn những bài thơ đó, đọc những câu thơ thì chúng ta cũng có thể nhắm một món được rồi, thay cho rượu. Khỏi phải uống đâm ra hại cho sức khỏe!”
Gã say Nguyễn Đức Liêm vốn tự cho mình là kẻ uống rượu có bản lĩnh, nghĩa là đánh mất mình nhưng lại rất nhớ mình, lúc say lại là lúc tỉnh. Gã tỏ ra thích thú khi sử dụng các con số bởi gã vốn là dân ban Toán của trường Chu Văn An trước kia, chẳng hạn như:
Một vạn rưỡi
Hai vạn rưỡi
Ba vạn rưỡi
Ba vạn sáu
Ba vạn bẩy
Ba vạn tám
Ba vạn chín nghìn
Chai
(Đời trong chai)
Gã tự thú nhận về sở thích mê con số của mình, rằng:
Thơ tôi tính toán cộng trừ
Nhân chia từng cõi sương mù nhân gian
(Con sông du đãng)
Nguyễn Đức Liêm say đến nỗi không những sử dụng con số để tính toán “cõi sương mù nhân gian”, mà còn đong đếm cả trong chuyện tình.
Đêm nay Nguyễn Đức Liêm buồn
Yêu hai lần rưỡi nhưng còn nhưng thôi
(Cognac nói)
Hay như:
Thưa tôi xin có bấy nhiêu
Mà cô nói phải bao nhiêu giữ gìn
Tôi đương ba vạn sáu nghìn
Mê tơi ba vạn chín nghìn mà cô
(6/9)
Đối với ông:
“Thơ và rượu là một. Nó nâng đỡ tinh thần tôi. Nó đã thêm thắt cuộc sống cho tôi. Nó sẽ vỗ về tôi khi tôi chết. Nó cổ như đạo đức kinh. Nó mới lạ như lối diễn xuất của James Dean trên màn ảnh Hoa Lệ Ước. Nó dạy tôi những bí mật về tâm linh. Nó gạch nối tôi với ba nghìn thế giới.”
Nói thế, nhưng diễn giả Nguyễn Minh Diễm đã không ngại phơi ra nỗi niềm của một gã say, khi ông nói về thơ của Nguyễn Đức Liêm:
“Song hành với lưu linh cũng đồng nghĩa với cô đơn. Tại vì ai, vì sao? Có ai say mà không tỉnh đâu? Mà có ai tỉnh sau lúc say mà lại không thấm thía nhận ra sự bất lực của chất men như một phương cách tiêu sầu hay giải tỏa cô đơn, dù là sau men rượu có là quay cuồng tiếp trong men tình?”
Riêng gã say, trong một lúc không có rượu, đã thú nhận:
Tôi mượn rượu để làm thơ. Chúng tôi lợi dụng lẫn nhau, tôi và thơ và rượu lợi dụng lẫn nhau, nhiều khi rất vô lối, nhưng cái vô lối đó nó sảng khoái, nó cho người ta một cuộc sống rất trọn vẹn.
Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm
“Tôi mượn rượu để làm thơ. Chúng tôi lợi dụng lẫn nhau, tôi và thơ và rượu lợi dụng lẫn nhau, nhiều khi rất vô lối, nhưng cái vô lối đó nó sảng khoái, nó cho người ta một cuộc sống rất trọn vẹn.”
Người đọc sẽ rất dễ tìm thấy ngay ID của Nguyễn Đức Liêm qua những “dấu vết” ông để lại trong thơ. Ở đó, có sự hòa trộn, ảnh hưởng của cả ba nền văn hóa khác nhau là Việt, Pháp, Mỹ. Trong thơ ông, người ta thấy có đủ cả ba thứ ngôn ngữ mà ông chịu ảnh hưởng, chỉ trong vài vần thơ:
Thế nhưng
tôi khen ngợi
nước Đại Pháp Lan Tây
đã đản sinh ra
muôn loài vang máu chúa
và nhất là
đây lại nói về loài v.s.o.p.

Này “very special old pale”
hay “variété supérieure d’origine patentée”
hay gì gì đi nữa
cũng cứ việc mà
“verser sans oublier personne” đi nhé
nghe em
(V.S.O.P)
Có lẽ vì những ảnh hưởng giao thoa của các nền văn hóa mà thơ Nguyễn Đức Liêm có nét lạ và mới, như lời nhận xét của chị Ngọc, một khách mời trong ngày ra mắt tuyển tập thơ:
Thường thường những nhà thơ lớn tuổi của Việt Nam có ảnh hưởng của Đông phương nhiều hơn, nhưng thơ của anh, mình nghe thì thấy lác đác có ảnh hưởng chiều hướng Tây phương nhiều hơn, thành ra rất hay, rất lạ.
Chị Ngọc
“Thơ của anh có khuynh hướng phóng khoáng, ảnh hưởng Tây phương, như anh đã nói, nhưng mà rất là lạ. Thường thường những nhà thơ lớn tuổi của Việt Nam có ảnh hưởng của Đông phương nhiều hơn, nhưng thơ của anh, mình nghe thì thấy lác đác có ảnh hưởng chiều hướng Tây phương nhiều hơn, thành ra rất hay, rất lạ.”
Đọc thơ ông, dễ có cảm tưởng như Nguyễn Đức Liêm là một kẻ thích nghịch ngợm chữ nghĩa. Ông giống như một cậu bé thích chơi trò Logo, tỉ mẩn sắp xếp câu chữ ngược xuôi, rồi vỗ đùi cười khoái chí khi tìm ra quá nhiều kết quả về ý nghĩa.
Loan
nhớ lại đi em
Em là người anh không quen biết
Em là người không quen biết anh
Nhớ lại đi em
Đi em nhớ lại
Dù cho vật đổi sao dời
đừng quên em nhé
đừng quên nhé em
(Loan và một bài thơ của Jacques Prévert)
Nguyễn Đức Liêm có tài chơi với chữ. Ngoài ngữ nghĩa, ông còn chơi với âm thanh:
Nắng vang vang
Nắng nắng
Vàng vàng
Nắng nắng
(Khi Mã Nhật Tân Đoài)
Ông chơi với cả dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng:
Em
đến rất sắc
và ra đi thật nặng
trước khi anh hỏi
vào thơ anh ngã
xuống đáy lưng ong
đương thắt thoại
của em huyền
(Yêu dấu)
Nửa thế kỷ nghịch ngợm với con chữ, Nguyễn Đức Liêm để lại cho sân chơi cuộc đời 9 tuyển tập, là kết quả của những cuộc chơi. Nhà văn Trần Lam Giang trong phần giới thiệu về Nguyễn Đức Liêm đã dùng hai từ “tài hoa” để khen ông, thế nhưng, nếu phải kết luận về bản thân, Nguyễn Đức Liêm chắc chắn sẽ bảo “Chả nhẽ tôi lại nói về tôi” như ông đã từng bảo trong “Uyênắngió”.
Riêng trong mắt bè bạn, dù ông có là bậc thầy về chơi chữ hay chỉ là một gã say ngông nghênh, thì ông vẫn mãi là gã “Liêm gàn” như biệt danh họ đã gán cho ông từ những ngày thơ bé.
“Kêu là “Liêm gàn” từ hồi nhỏ, thành ra hơi gàn gàn, hơi ngang ngang một chút nhưng mà vui lắm, chơi với bạn bè rất là thân tình.”
Vừa rồi là những nét phác họa về nhà thơ Nguyễn Đức Liêm và tuyển tập thơ của ông. Khánh An thân ái chào tạm biệt quý thính giả.
Nguyễn Thị Hậu và Tiểu Anh trong tuyển tập “Bông và Giấy”
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-05-23
Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu hai nhà thơ nữ xuất hiện trong tuyển tập Bông và Giấy vừa được nhà xuất bản Lao Động in và ra mắt trong tuần lễ vừa qua.

Hình bìa tuyển tập thơ "Bông và Giấy"
“Bông và Giấy” là tên một tuyển tập thơ của 30 nhà thơ, theo như trang mở đầu cho biết họ thường có mặt tại một quán cà phê trên đường phố Sài Gòn. Bông và Giấy có những nét rất duyên, ngay từ trang bìa, cách thiết kế cũng cho thấy có một điều gì đấy thật sự bùng vỡ, hay ít ra là cố vượt thoát cái chật chội bức bối của không gian trang bìa.
Ba mươi tác giả trong đó không hiếm những người đã nổi tiếng như Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Quang Thiều hay Phan Huyền Thư, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ...
Ba mươi cách thể hiện và cùng lúc có mặt trong một tập thơ tương đối mỏng có lẽ là điều hiếm thấy. Chúng tôi quyết định chọn hai tác giả nữ trong tuyển tập này để nói đôi điều về tác phẩm của họ, đó là NguyễnThị Hậu và Tiểu Anh. Hai tác giả cùng với hai cách diễn đạt ấn tượng đã thật sự chinh phục chúng tôi từ lúc giở những trang in đầu tiên.
Trong khuôn khổ một bài viết có giới hạn thời lượng của chương trình, chúng tôi xin mạn phép để 28 tác giả còn lại cho một lần viết khác.
Câu hỏi đầu tiên đối với tuyển tập mang tên “Bông và Giấy” là: Tại sao lại Bông và Giấy?
Tiểu Anh cho chúng ta biết cái tựa của tập thơ khá ngộ nghĩnh này phát xuất từ một quán cà phê của Sài Gòn, nơi đó thường tụ tập những cây viết của nhiều thể loại và dần dà quen thân với nhau sau nhiều năm gặp gỡ. Bông và Giấy đã thân thiết với họ và từ đây thành tên của tập thơ.
Nguyễn Thị Hậu và những mẩu tản văn đậm chất thơ
Người đọc thơ sau nhiều năm quen với loại thơ có những dòng giới hạn, bỗng nhiên khi những tiết tấu khác lạ so với thơ đập vào tai mình thì cảm giác đầu tiên là suy đoán: đây là loại thơ mới, như Tân hình thức chẳng hạn ...
Thật ra những bài viết của Nguyễn Thị Hậu trong tập thơ Bông và Giấy hoàn toàn không phải là thơ nhưng lại gần với thơ một cách kỳ lạ. Nguyễn Thị Hậu cho biết đây chỉ là những tản văn rời mà phần lớn bà muốn chia sẻ trong trang blog của mình.
Thế nhưng khi bạn bè của cà phê Bông Giấy tin rằng nếu đứng chung với những bài thơ khác thì những mẩu tản văn đậm chất thơ này không hề lệch pha mà trái lại sẽ làm cho Bông Và Giấy khác hẳn với những tuyển tập thơ khác. Đa dạng hơn và nhất là tươi hơn.
-Mùa thu năm nay có những ngày mưa thật lạ lùng…
Ngỡ chỉ ở Sài Gòn còn những cơn mưa cuối mùa sầm sập quất xuống hàng cây ràn rạt lá, quất xuống dòng người câm nín giữa đường kẹt xe, quất lên những mái tôn liêu xiêu trong hẻm nhỏ…

Ở Hà Nội cũng vậy.

Buổi sáng, ngồi quán café vỉa hè Lê Thánh Tông nghe hơi thở mùa thu tràn về trên vòm lá xanh mướt, mát mẻ, trong trẻo, nhẹ nhõm… Chiều đến không khí lại oi nồng, mây đen kéo đến, bỗng chốc mưa dông ầm ầm, đường phố ngập nước.
Nguyễn Thị Hậu vừa đọc cho chúng ta nghe một đoạn trong bài “Quý bà Mùa Thu”. Nếu không được tác giả cho biết trước là theo thể loại tản văn thì ai trong chúng ta sẽ nói rằng đây không phải là thơ?
-Lần đầu tiên ra biển, bất ngờ ngụm nước biển tràn vào miệng, cô bé 5 tuổi kêu lên nước canh ở đây mặn quá! Nhưng từ đó vị mặn mòi của biển đã trở thành kí ức trở về mỗi khi lòng cô không yên tĩnh.

Mười lăm tuổi ra biển, cô thiếu nữ mơ ước một cánh buồm đỏ thắm cô đơn hiện ra nơi đường chân trời và mặt biển xanh thẳm không còn ranh giới.

Hai mươi lăm tuổi ra biển, đêm không trăng trên bãi cát dài, lắng nghe lời khuyên của sóng, cô hiểu mình cần phải đi tiếp quãng đời còn lại, dù chỉ một mình…

… Nhiều năm trôi qua, không còn ở tuổi 15 mơ mộng, không còn ở tuổi 25 đầy kiêu hãnh, lần này chị ra với biển, với núi, với trăng 14 nguyên vẹn như kí ức. Sóng vẫn bình yên như thế, bình yên ngàn năm như thể một ngày. Cảm giác bình yên của sự tỉnh táo, cánh buồm đỏ mãi chỉ là ước mơ…

TS Nguyễn Thị Hậu. Nguồn Newvietart.com.
Rất ngậm ngùi, ngôn ngữ thơ của Nguyễn Thị Hậu dẫn ta về ngược với thời gian trước đây trong từng độ tuổi. Thời gian cùng với biển, hai phạm trù mênh mông và hiền lành. Nhưng trong cái mênh mông hiền lành ấy liệu có chút lừa lọc nào không mà loài người ngược xuôi hoài vẫn không thoát ra được chất ngất ước ao về những điều mà thời gian hay biển cả có thể làm được cho mình.
Một ân sủng từ mênh mông đem tới cho chúng ta chăng? Hay khát vọng biến mình thành kình ngư vẫy vùng trong hố sâu tuyệt vọng? Nguyễn Thị Hậu lặng lẽ và hiền lành tin rằng Biển và Thời gian không từ bỏ niềm tin của mình, và thật nhẹ nhàng, Hậu tìm thấy câu trả lời đậm chất Thiền ẩn trong những giọt mực cuối cùng: Sóng vẫn bình yên như thế, bình yên ngàn năm như thể một ngày. Cảm giác bình yên của sự tỉnh táo, cánh buồm đỏ mãi chỉ là ước mơ…
Phải chăng bình yên và tỉnh táo mãi mãi chỉ là ảo tưởng khi con người vẫn luôn ước mơ. Ước mơ và ảo tưởng là hai kẻ sinh đôi, giống nhau như đúc và không hề lên tiếng phủ nhận ai là người được hạ sinh ra trước.
Tiểu Anh với Dòng thơ hiện thực
Nếu “Nhớ Biển” của Nguyễn Thị Hậu đậm chất nữ với những câu hỏi dung dị thì Tiểu Anh lại tỏ ra rực rỡ hơn dưới chiếc áo của dòng thơ hiện thực. Hục hặc, dày xéo và không thiếu những thanh âm gây gỗ, Tiều Anh hỏi người, hỏi đời rồi tự hỏi mình với những câu hỏi mà cô gọi là “Những câu hỏi tháng Ba”. Bài thơ ngắn, giản dị nhưng đầy ắp chi tiết, nhất là những chi tiết rừng rực hơi hám cuộc sống.
Câu hỏi tháng 3
8
Phải chăng
chúng mình chẳng bao giờ có thể
lớn lên
vì oằn trên lưng
cõng
dăm thằng khổng lồ và hàng vạn nỗi đau
chẳng thể chờ
khi loay hoay với cơm áo
không vui như trò đánh đáo
nhưng vẫn phải bày cuộc
anh ra đi tháng ba
quẳng lại sau lưng lời chia tay cũ rích
dòng đời ngắn ngủi
em về soi bóng mình
dưới sông một con hủi
đầy đủ 10 ngón tay dài, thon, nhọn
nhưng không thể cầm nắm bất cứ thứ gì
vậy mà vui
mọi người đều thành gù
mọi người đều phải chơi
mọi người như là hủi
em không khóc, lâu rồi, không khóc
chỉ ngồi hát ca
sao tháng ba
mưa giăng giăng thế?
Mưa giăng giữa tháng Ba có gì quá khó hiểu không khi hiện thực cho thấy khu vực sinh thái của con người ngày càng nhỏ lại? Tháng Ba cũng mưa là một hình thức đe dọa từ thiên nhiên, đe dọa cảm giác an tâm, chai lì của cuộc sống. Vậy ra Tiểu Anh đang cảnh báo chúng ta ư?
Tháng 3 vỡ miệng
Tháng ba
ngửa mặt hỏi
trận cuồng phong trái mùa
trút
gió gào ấm ức, trả lời
tiếng sấm đấm thùm thụp
xả đớn đau
Tháng ba
điệu vũ phồn hoa
cô gái nhỏ điệu múa dân tộc mê hồn
ngoại bang
cô không sinh vào 30 năm trước
sao biết nước hoa tinh chế từ máu hạng sang.
tháng ba vân vũ trắng
co ro lạnh trời
răng cắn vào môi
mưa axit
vết thương vỡ miệng
Nhìn đi
đâu chỉ là dông tố tháng ba...
Thì ra trong cái sấm chớp tháng Ba ấy Tiểu Anh nói với chính mình. Với chính những cơn đau thật cộng hưởng từ sấm chớp. Mưa a xit là một hiện tượng thiên nhiên nhưng lại có khả năng làm nhiều vết thương lòng vỡ miệng. Phải chăng sự bức tử thiên nhiên đang trở lại hành hạ con người?
Bằng ngôn ngữ của ẩn dụ, Tiểu Anh kéo chiếc màn nhung cuộc sống cho người đọc xem một vở diễn chỉ xuất hiện một lần. Một nhân vật. Một tình huống.

Mặt nạ tháng 3
“Uổng ngàn năm thâu góp báu Càn Khôn,
Sẩy một phút, tan tành trường phong nguyệt.”
Tháng 3 mưa
loang loáng mụn thủy đậu vỡ
uể oải thành phố trở mình
hầm hập cơn sốt
vết thẹo trượt dài
toác miệng nhiễm trùng
cơn dịch tháng 3
Nguyệt cô gào thét
vang vọng khóc ời ời
Ngọc người có rơi ở phương Đông
Rừng cháy, rừng chặt
trơ khô khốc
ngàn năm tu luyện hóa hư không
tháng 3
vết thương loét
con vi trùng kháng thuốc
mặt nạ tuồng xanh đỏ
vở diễn trái mùa
cau có
Tiết Giao vẫn tuôn lời
sáo ngữ, xảo ngôn
Sài Gòn rên ư ử
...
Nếu Tiểu Anh nói về cuộc đời bằng chất liệu của trầm uất trong không gian thi ca thì Nguyễn Thị Hậu nhìn cuộc sống chung quanh với cái nhìn tỉnh táo của một thị dân đang hòa nhịp sống của chính mình vào dòng chảy mênh mông đầy bụi bậm này.
Tỉnh táo nhưng người đọc cảm nhận được một chút ngỡ ngàng trong cái quan sát gần của đôi mắt ít nhiều mệt mỏi. Tác giả lắng nghe âm thanh của dòng nhạc quen thuộc mà ngỡ như đang xem khúc dạo đầu của một đoạn phim tài liệu, miêu tả nỗi bức bách của những dở dang cùng những bất cập của bao đi khuya về tắt.
Đi ngang qua 1 chiếc xe hơi sang trọng, người trong xe hạ cửa kính ngó nghiêng gì đấy, thoáng nghe một bài hát xa xưa…
Ôi, sao những lời ca tình yêu đẹp mênh mang như thế lại vang lên trong cái oi bức bực bội giữa thành phố chật chội này nhỉ… Ngoái lại nhìn, cánh cửa xe đã đóng kín, lớp kính đen mờ không thể trông thấy
chủ nhân đang ung dung trong chiếc xe máy lạnh. Ừ, ngồi trong xe máy lạnh nghe bài hát kia mà mơ về một chốn núi cao rừng sâu, bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh những vì sao xa, và có hai người yêu nhau… Mặc kệ đào đường với lô cốt với kẹt xe, mặc kệ cơn dông mùa hè đang dậm dọa, mặc kệ bụi mặc kệ khói… chỉ có hai người yêu nhau…
Khác với Nguyễn Thị Hậu thu nhận hình ảnh cuộc sống bằng lăng kính hiền lành, Tiểu Anh dữ dội cào cấu nó và cuối cùng bật cắn vào đôi vai mà cô gọi là cuộc đời. Cùng là vết cắn khắp châu thân nhưng có chỗ đau có chỗ lại lẳng lặng tái tê niềm sảng khoái. Nét lạ trong thơ Tiểu Anh làm người đọc khá bất ngờ và từ cảm nhận ban đầu, giờ đây tác giả đã có khả năng dẫn người đọc thơ của cô vào sâu hơn trong thế giới thi ca nhiều màu sắc mà Tiểu Anh phù phép.

Cắn
cắn vào cuộc đời
nghe tiếng vô minh rền óc
nghe âm vọng bán mua
nghe kinh cầu an lừa dối
và nghe đau
một linh hồn chưa nghén phôi thai
cắn vào cuộc tình
máu tuôn mắt
chờ chớp lóa giữa cơn dông
em xanh như cỏ, hương như kẹo
đắng lòng anh mấy cõi du du
cắn chặt vào đêm
ễnh ương uồm oàm mưa bão
sonata vang vọng Thiên Cầm ngân
cắn vào em
bừng thức
những bông hoa nín thở
đêm hè
Như chúng ta thường gặp ở nhiều nhà thơ nữ, dù phá phách bao nhiêu cuối cùng thì mảnh vườn chữ nghĩa của họ vẫn sáng bừng lên thứ ngôn ngữ tinh túy nhất, hàm chứa biết bao dịu dàng và nhân ái. Tiểu Anh cũng vậy, nhà thơ trở lại với bức tranh cổ điển để nói lên một điều rất đơn giản: Em vẫn chờ anh...

Trang kinh trăng
Thôi người về ta ở lại chờ trăng
tháng Chạp rằm hương phả
đèn nhang khói rét
ngộp lo toan
áo nỉ quàng khăn sin sít bó
lòng chật hẹp
dập đầu cầu, dập đầu khẩn
bả tình mua bán những lương tri
vang vọng xa im lìm lịm giấc
ê ả trang kinh đong đẩy đưa
chiều ngả xám
mặc kệ người tháng Chạp
mọc đầu hôm
tầm cầu khối thạch cao trơ phông phỗng
mép cười sư nhoen nhoẻn nhếch
sãi lòm khòm khom polime
gom góp gom
xào xạc sao bay niềm tin rơi
tia le lói
đêm vẫn tròn vành
Trang kinh trăng em xếp lại chờ anh
Và Nguyễn Thị Hậu cũng thế, những cánh hoa dã quỳ trong ký ức vẫn nở vẫn khao khát sống sau những tàn phá của cuộc đời. Dã quỳ vươn lên sống trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào khiến tác giả tự thân so sánh mình với loài hoa dịu dàng mà khắc khổ kia với nỗi tê tái đắng chát và khó lòng dấu diếm:
Qua một mùa nắng gắt tưởng như đã cháy khô đến tận gốc, qua một mùa mưa trôi đất tưởng như không còn chỗ để rễ nảy mầm, chớm đông về dã quỳ lại hồi sinh, tươi mới, hồn nhiên, duyên dáng… Dù vậy, vẫn là dã quỳ cứng cỏi, và cô đơn...
Quý vị vừa thưởng thức một vài sáng tác của hai tác giả Nguyễn Thị Hậu và Tiều Anh đóng góp trong tuyển tập thơ Bông và Giấy gồm tác phẩm của ba mươi nhà thơ do Lao Động xuất bản và phát hành mới đây. Hy vọng trong thời gian khá chật hẹp của trang VHNT chúng tôi đã phần nào mang được đến với quý vị những con chữ, những ý tưởng tài hoa của hai tác giả nữ này. Xin hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình kỳ tới....
Nhà khảo cổ học TS Nguyễn Thị Hậu và Hội thảo 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-08-01
Hội thảo 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh vừa diễn ra tại Quảng Ngãi với nhiều tham luận của các nhà khảo cổ trong và ngoài nước, nhằm tìm kiếm cũng như khai thác các chứng liệu mà các di chỉ cũng như hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh để lại.

Photo courtesy of Wikipedia
Văn hóa Sa Huỳnh là vùng ven biển miền Trung còn văn hóa Đông Sơn thuộc trung du bắc bộ.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia khảo cổ, phó viện trưởng viện nghiên cứu xã hội TPHCM để tìm hiểu thêm những thông tin về nền văn hóa này.
Lịch sử khám phá
Năm 1909, Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp tên M. Vinet phát hiện lần đầu tiên tại đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi một số lượng lớn quan tài bằng chum . Giới khảo cổ bắt đầu gọi Di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh. Nhiều năm sau đó những phát hiện tiếp theo cho thấy nhiều cổ vật có niên đại sớm nhất của nền văn minh Sa Huỳnh đã cho phép giới nghiên cứu đánh giá rộng rãi hơn về nền văn hóa này. Xuất hiện cách đây khoảng 3000 năm và được xem là kết thúc vào thế kỷ thứ 1 nên niên đại Sa Huỳnh được cho là không dưới 5000 năm. Từ những năm 2004 cho tới năm 2005 Viện Khảo Cổ học quốc gia Đức đã hợp tác với Việt Nam tiến hành khảo cứu sâu hơn tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nơi mới đây tổ chức buổi hội thảo 100 năm ngày phát hiện văn hóa Sa Huỳnh.
Những cổ vật đáng chú ý
Những cổ vật đáng chú ý của văn hóa Sa Huỳnh là thủy tinh nhân tạo và đồ gốm gia dụng. Hai thành tựu của người cổ đại này đã khiến cho Sa Huỳnh có một nét đặc sắc mà nhiều nền văn hóa khác phải ghen tỵ. Thủy tinh nhân tạo phát hiện tại Sa Huỳnh được đánh giá là sớm nhất thế giới và chúng có những mẩu mã tinh xảo đến độ người ta nghi ngờ xuất xứ của nó. Bên cạnh đó, gốm Sa Huỳnh cũng độc đáo không kém. Gốm Sa Huỳnh được tạo dáng với nét thanh tú khó tưởng tượng phối hợp với những hoa văn tinh tế và đặc biệt nhất là người xưa đã biết kỹ thuật nung để độ bóng và bền của gốm trở nên khó thể giải thích.
Nếu nói về di tích thì có lẽ đặc trưng tiêu biểu nhất của Sa Huỳnh là các khu mộ táng bằng chum gốm.
TS Nguyễn Thị Hậu
Tập tục độc đáo của cư dân Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ học xác định là tập tục chôn người chết trong các chum lớn. Những chum này được làm từ vật liệu đất và được nung khá tốt. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối - như một hiện tượng được sống tiếp với thế giới bên kia. Đồ tùy táng theo người chết tùy thuộc vào sự giàu có hay nghèo khó mà có nhiều hay ít hiện vật được chôn theo.
Văn hóa ven biển
Những nét độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ. Hôm nay chúng tôi tìm hiểu thêm một số thông tin có tính học thuật về nền văn hóa này qua cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thị Hậu, một nhà khảo cổ học có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS đã vui lòng dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa bà, những phát hiện văn hóa Sa Huỳnh được xác định niên đại như thế nào so với các nền văn hóa khác?
TS Nguyễn Thị Hậu: Hiện nay qua 100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh có thể nhận biết văn hóa Sa Huỳnh không phải chỉ có niên đại sơ kỳ đồ sắt như là người Pháp nghiên cứu trước đây nhưng các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được cái giai đoạn gọi là tiền Sa Huỳnh.
Mặc Lâm: Chúng ta cũng có hai nền văn hóa lớn là Đông Sơn và Đồng Nai, bà có thể cho biết văn hóa Sa Huỳnh có sự khác biệt nào với hai nền văn hóa này?
TS Nguyễn Thị Hậu: Cái đặc điểm khác nhất so với Đông Sơn và Đồng Nai là địa bàn phân bố. Văn hóa Sa Huỳnh là vùng ven biển miền Trung còn văn hóa Đông Sơn thuộc trung du bắc bộ.
Mặc Lâm: Các di tích phát hiện được tại Sa Huỳnh có gì khác biệt với các khu vực khác?
TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nói về di tích thì có lẽ đặc trưng tiêu biểu nhất của Sa Huỳnh là các khu mộ táng bằng chum gốm.
Mặc Lâm: Các chứng tích khảo cổ cho thấy các hiện vật tại Sa Huỳnh rất tinh xảo mà lại có niên đại rất lớn. Điều này đưa đến câu hỏi là liệu có sự chuyển dịch những cổ vật từ nơi khác đến hay không?
TS Nguyễn Thị Hậu: Với niên đại của Sa Huỳnh đặc biệt là 500 năm trước công nguyên thì nhiều người sẽ ngạc nhiên về điều này nhưng các nhà khảo cổ đã tìm ra được chứng cứ có dấu vết chế tạo tại chỗ.
Mặc Lâm: Dấu vết chế tạo tại chỗ như TS vừa nói được xác định qua những chứng cứ nào?
TS Nguyễn Thị Hậu: Dấu vết chế tạo tại chỗ dưới góc độ khảo cổ học thì rất dễ nhận biết đấy là những hiện vật đang làm dỡ dang, hoặc là các phế phẩm trong quá trình chế tác người ta để lại.
Cho tới nay thì các nhà khảo cổ đều cho là văn hóa Sa Huỳnh được coi là tiền thân của văn hóa Chămpa vì trước hết hai nền văn hóa đều có chung một địa bàn phân bố.
TS Nguyễn Thị Hậu
Mặc Lâm: Văn hóa Sa Huỳnh có sự giao lưu nào rõ nét nhất ngoài hai nền văn hóa như Ấn Độ, hay Trung Hoa?
TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nhìn ra biển Đông thì văn hóa Sa Huỳnh gần gũi với các di tích Philippines mà thể hiện rõ nhất là qua hệ thống đồ gốm mà các nhà khảo cổ học gọi là Sa Huỳnh Calanay.
Mặc Lâm: Liệu văn hóa Sa Huỳnh có chứa đựng những yếu tố nào của nền văn hóa Chăm Pa hay không?
TS Nguyễn Thị Hậu: Cho tới nay thì các nhà khảo cổ đều cho là văn hóa Sa Huỳnh được coi là tiền thân của văn hóa Chămpa vì trước hết hai nền văn hóa đều có chung một địa bàn phân bố.
Mặc Lâm: Có nhiều người ghi nhận rằng:“Là một trong những văn hóa tiền sử được phát hiện và nghiên cứu sớm nhất ở VN và ĐNA, văn hóa Sa Huỳnh có vị trí quan trọng trong việc định vị và đối sánh các văn hóa cùng thời, nhất là những văn hóa ven biển và hải đảo…” từ những nhận định này có thể giúp xác định đời sống cư dân cũng như sinh hoạt của từng thời kỳ tại các hải đảo nhằm tìm ra manh mối hay bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo hay không?
TS Nguyễn Thị Hậu: Nếu nói văn hóa Sa Huỳnh có góp bằng chứng gì khẳng định chủ quyền biển đảo hay không thì theo tôi hơi sớm để nói về điều đấy. Bởi vì văn hóa Sa Huỳnh thể hiện rộng rãi với sự giao lưu khu vực Đông Nam Á vì vậy nếu dựa vào các bằng chứng thì không thể thuyết phục.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010-03-07
Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh tại TP Đà Nẵng năm 1972, vừa là nhà thơ, nhà văn, phê bình văn học và cũng là nhà báo, hiện sống và làm việc ở Sàigòn.

Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh (phải) và đạo diễn Hồ Quang Minh
Anh từng đạt nhiều giải thưởng văn học về Thơ và Truyện ngắn của các các báo, tạp chí trong nước như Tiền Phong (1990), Tuổi Trẻ (1996), Sông Hương (2003). Ngoài sáng tác anh còn dịch thuật và viết tiểu luận phê bình.
Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh từng được giới thiệu trên tạp chí Thi Bình (số 5-2005) và trên website Văn chương Việt Nam - Hàn Quốc (www.vietnamkorea.org) của viện Chấn hưng Nghệ thuật Hàn Quốc.
Trên tạp chí này, Nguyễn Hữu Hồng Minh được đánh giá là một trong những nhà thơ trẻ triển vọng, có nhiều cách tân thơ đột phá ở VN.
Nhà thơ trẻ hiện đại
Nguyễn Hữu Hồng Minh, từng gây tranh luận về sự đổi mới quyết liệt trong thơ ca cùng những bạn viết đồng lứa như Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Cầm Hải…Giới phê bình cho rằng họ đều là những người có sự "cách tân đặc biệt" về thơ. Anh là tác giả của các tập thơ "Giọng nói mơ hồ" (NXB Trẻ, 1999), "Tháo đáy" (NXB Thanh Niên, 2000), "Chất trụ" (NXB Thuận Hóa - Huế, 2002), "Vỉa từ", "Muối và đá"…
Một số thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc và Đức.
Sáng tạo thi ca nó gần như một cuộc chơi, nó cũng giống như định mệnh, sứ mệnh. Bởi vì tôi làm thơ trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
“Sáng tạo thi ca nó gần như một cuộc chơi, nó cũng giống như định mệnh, sứ mệnh. Bởi vì tôi làm thơ trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Từ nhỏ, bố tôi là nhà thơ Đông Trình sống tại Đà Nẵng, nhà tôi là cái nơi mà rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng lui tới. Thành ra thường xuyên có những cuộc vui, trao đổi thi ca nghệ thuật và tôi học được rất nhiều. Sau này tôi đã nhờ vào đó để sáng tác.”
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa cho biết những thuận lợi trong môi trường sáng tác của anh ảnh hưởng đến cách nghĩ và viết của anh như thế nào. Thật ra, hạt mầm gieo vào đất tốt thì tăng trưởng dễ dàng hơn là chuyện hiển nhiên, thế nhưng chính chất lượng của hạt giống mới là điều quyết định. Các sáng tác của Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chứng tỏ anh là hạt giống tốt trong mảnh đất văn nghệ tương đối cằn cỗi hiện nay. Qua cách anh tra vấn, thực nghiệm, xoay chiều chủ đề để nghiền ngẫm, cũng như tiếp cận một cách sáng tạo những thầm thì hết sức bất chợt của ý tưởng, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã mang đến người đọc những sáng tác ấn tượng khó quên bằng cung cách rất riêng, đầy khai phóng.
Thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh đa chiều và người đọc đôi khi vấp váp trước những gai góc của ngữ nghĩa, hay các đột biến mà chính tác giả cũng tỏ ra bất ngờ. Hồng Minh viết nhiều thể loại nhưng đối với anh thơ vẫn là điều gì đấy linh thiêng nhất được anh thực hiện với một thái độ gần như tuyệt đối trân quý. Thơ của anh khó khăn và đầy trăn trở trong từng con chữ. Thái độ nghiêm túc này đôi khi làm thơ anh khô nứt những trằn trọc, suy gẫm.

MÙA HÈ CHÁY
Một mùa hè cháy
Một mùa hè nóng nực
Ta con suối lãng quên, khô cạn
Muộn phiền

Tuổi trẻ trên những chiếc lá phong tố
Sa mạc hoang vắng nỗi niềm
Ta đi không mặt trời không chân trời
Mùa hè chở ngày tháng qua

Thời gian găm vào tim nỗi đau
Tiêm vào hồn thuốc độc
Bao mùa hè như cốc rượu xoay trên tay
Cầm nắm những chiếc hư vô
Hơi thở mặt trời tan
Như đá khuấy lanh canh trong phiếm ly

Những câu thơ tàn tạ như mùa hè
Như thiếu phụ hết nhan sắc
Huẩy mông chiếc đuôi bò

Chết chìm trong ta những mùa những mùa sáng thế!
Bải thơ mà Trân Văn vừa đọc có tựa đề: Mùa Hè Cháy của Nguyễn Hữu Hồng Minh sáng tác vào năm 2009.
Nhà phê bình văn học đầy sáng tạo

Nhà thơ chụp ở đài Tưởng Niệm Quốc Tế Vô Sản. Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com.
Nguyễn Hữu Hồng Minh còn là một nhà phê bình văn học đầy sáng tạo. Anh nhìn vấn đề bằng nhiều đôi mắt. Bên cạnh thính giác nhạy bén cộng với một trực giác mạnh mẽ, ngòi bút anh đè các vết mực trên từng biến thể của văn bản một cách chính xác mà nhiều khi người sáng tác không kịp nhận ra.
Cũng đôi khi qua thơ, Nguyễn Hữu Hồng Minh vẽ chân dung mình thành một nhân vật hai mặt, vừa là nhà thơ hồng hộc rượt đuổi ý tưởng vừa là nhà phê bình vặn ốc vít vào từng vết rơi của âm thanh, của sắc màu, của ẩn nghĩa mà nhà thơ đánh rơi trên văn bản.

GỬI MỘT NHÀ PHÊ BÌNH

Anh quá gồ ghề, gân guốc!
Xin lỗi, tôi đang đối thoại với bức tường
Những tiếng iing oong iing oong vọng lại

Anh quá ngầu với bộ cánh lý thuyết xám xịt
Chưa nói đã vỗ cánh
Bụi tung mù
Tôi thấy những con gián điên cuồng chạy ra
Ngôn ngữ rậm như cánh rừng thủy sinh
Và anh, tiếng nói ngậm rễ cây
Những cái rễ chết dưới hầm nối những thời đại hoang tàn
Giờ đây tiếp tục bị thẩm tra,
Tiếp tục dựng dậy treo cổ
Và anh, nhà phê bình đồ tể với lưỡi đao phục sinh ngôn ngữ
Những lớp muối trên mắt anh, nhìn mặn đời sống!
Anh quá uy nghiêm
Còn hơn cả tượng đài
Tiếng nói thầm như dòng sông ngược hướng
Những lớp nghĩ quăn lại - Vảy cá nhám
Những lô-gíc kéo giãn, co chùn chớt nhả dây thun?
Chúng ta làm gì với những viên đối thoại?
Phổi bò
Một làn hơi của khói nóng
Mà không thể phá tan
Uổng thay!
Và thơ
Thơ vẫn long lanh
Đá lạnh
Kêu và tan tuyệt vời trong nước...
Chúng ta vừa nghe bài thơ “Gửi một nhà phê bình”của Nguyễn Hữu Hồng Minh do Việt Long đọc.

Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng có những bài thơ ngắn và buồn kỳ lạ mặc dù những điều anh thầm thì đôi khi rất tối nghĩa. Hình như âm thanh được anh dùng trong thơ có khả năng phủ dụ người đọc san phẳng bớt những con chữ yếu ớt hay lấp đầy thêm những ẩn dụ xuất hiện một cách lấp lửng. Chẳng hạn như bài thơ mang tên “Hẻo Lánh” sau đây

HÉO LÁNH
Những ký hiệu không rõ nghĩa
Những đoạn đời tù mù
Những góc khuất tối tăm
Câu nói nửa chừng, bài thơ viết dở

Và những…

Cuốn sách đọc quăn trang
Gạch bỏ
Nửa ngày qua đêm
Nửa chiều qua trưa
Cơn nóng lạnh không hình thái
Không buồn vui
Không dửng dưng, trơ trọi
Thành phố đi về những vết mụn trên mặt
Cơn điên bất thường
Ngã tư, ô chéo
Từ đây đến hết đời
Tim bão bùng

Và sau nữa…

Tiếng con chó sủa đêm
Khao khát

Chỉ cơn mưa
Anh biết
Bong bóng vỡ cuộc đời héo lánh…

Viết truyện ngắn với kỹ thuật làm thơ

Bỉa tập truyện ngắn "Tháo Đáy". Photo courtesy of nguyenhuuhongminh.com.
Nguyễn Hữu Hồng Minh cũng viết truyện ngắn nhưng với kỹ thuật của một người làm thơ. Gắn liền ý tưởng vào nhau bằng những câu rất ngắn. Truyện của anh chắt lại như những giọt cà phê nguyên chất. Vì nguyên chất nên đắng chát và làm khó chịu cho người đọc dễ tính.
NƠI TRÚ ẨN AN TOÀN - TRUYỆN NGẮN
Một người vì quá sợ hãi đã quyết định đào một cái hố nhảy xuống để trốn. Ban đầu chỉ là một cái lỗ nhỏ đủ cho y giấu hai tay mình cốt không ai biết y làm gì. Sau đó là một cái hốc lớn vùi hai chân để không ai thấy y đi đâu. Vẫn chưa an toàn. Y quyết định chôn toàn thân. Đất phủ rào rào lên mặt y. Thân thể y đã lọt thỏm bất động dưới cái hố.
Nhưng nỗi sợ hãi cứ tiếp tục dâng lên. Y thấy một họng súng vô hình đang ngắm vào giữa trán và đỉnh ót y. Thế là y quyết định chôn luôn gương mặt. Đất xé ào ào, từ từ ngập lên cổ, lên cằm, lên miệng, lên mũi và lên mắt. Rồi y không còn nhìn thấy. Cả người y khuất vùi trong lòng đất.
Nhưng khi đã ở trong đất, y vẫn không hết sợ. Y tiếp tục đào loằng ngoằng những đường hầm liên thông ngoắt ngoéo để chạy trốn. Y đào đến đâu nỗi sợ hãi theo ngự trị đến đó. Không bao giờ y thoát ra phía bên trên hay bên ngoài nó cả.
Khi y chết bạn bè chỉ biết và chỉ thấy một miệng hố sâu thăm thẳm nơi y bắt đầu đào xuống. Nhưng không ai đủ can đảm thử thách độ sâu của cái hố sợ hãi để xác định biết y đang nằm ở cái ngách nào trong cái hố của mình mà móc xác y lên.
Truyện ngắn mà chúng ta vừa nghe cho thấy một thế mạnh khác của Nguyễn Hữu Hồng Minh trong một thể loại mà nhiều người cho là dễ thất bại nhất kể cả những cây viết có nghề.
Hồng Minh chắt lọc rất kỹ câu cú và anh thường làm người đọc giật mình bởi cách ngắt câu bất ngờ nhưng đúng lúc của anh. Kéo dài một ý tưởng dễ làm cho người đọc gập cuốn sách lại, nhưng cụt ngủn ngôn từ cũng không khác gì một người nói lắp nếu người viết không đưa vào câu ấy những điều cần đào sâu hơn cho người đọc. Truyện của Nguyễn Hữu Hồng Minh co giãn thoải mái trong nhiều tình huống khiến người đọc anh thoải mái theo dõi với thái độ tập trung.
Anh ngước mắt nhìn lên đỉnh đèo Hải Vân xanh thẳm. Thoáng chốc anh hình dung con tàu nặng nề với những toa dài cuồng vọng qua núi. Có một cái gì đó quá sức nhưng vẫn phải băng đi. Bởi không qua núi thì không cách nào đến Huế, tới với những miền xa xanh thẳm quá. Quy ngồi bó gối. Đôi mắt nàng buồn u uẩn như mắt cá. Cánh áo đỏ như tia lửa cuối cùng thắp giữa hoàng hôn. Những ngón tay gầy khẳng của nàng chụm lại hình hoa sen trong tay anh. Nàng khum giữ một điều thiêng liêng mà nàng biết chỉ có bản thân nàng nắm giữ và không thể chia sẻ.
Đôi khi chìm đắm trong những ước mơ héo úa một cách ngẫu nhiên mà không thể nào giải thích. Trên chuyến tàu vô vọng của đời mình Hùng không rõ anh sẽ còn lang thang đến bến bờ nào của tình yêu nữa. Những con cá nhỏ bị sóng đánh dạt lên bờ biển Nam Ô giữa tiếng vọng nặng nề của một đoàn tàu kéo qua.
Chiều nay Quy là con cá mắc lưới. Hùng cũng chưa bao giờ là gã chài quăng lưới nhưng trái tim anh bỏng rãy những vết thương. Họ chẳng nói gì ngoài tiếng sóng và những con chim biển soãi mãi đôi cánh liệng trên sóng hoang dại. Và Hùng đi. Một sân ga lầm lũi. Một cánh áo đỏ.
Từ nhỏ, bố tôi là nhà thơ Đông Trình sống tại Đà Nẵng, nhà tôi là cái nơi mà rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng lui tới. Thành ra thường xuyên có những cuộc vui, trao đổi thi ca nghệ thuật và tôi học được rất nhiều.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
Các trích đoạn từ truyện ngắn “Tàu Qua Núi” của Nguyễn Hữu Hồng Minh phần nào nói lên được hiệu quả cô đặc câu chữ trong thể loại truyện ngắn của anh. Hồng Minh không nương tay khi đốn ngã những từ không cần thiết để vào truyện của mình những từ ngữ mới, lóng lánh chất thơ.
Đôi khi chủ đề cũng là một mục tiêu mà Hồng Minh nhắm tới cho truyện ngắn của mình. Thường thì anh khá thành công khi tính thời sự của một nhà báo trong anh dẫn mạch truyện bằng những ngõ tắt mà nhiều nhà văn khác không áp dụng. Đôi khi chỉ vài dòng ngắn ngủi Hồng Minh đã dán lên truyện ngắn của mình một dấu ấn không lầm được với tác giả khác. Anh cất công trau chuốt chữ nghĩa như một thợ kim hoàn giỏi cần cù với từng nét hoa văn của mình

CÁI LƯỚI

Một cái lưới từ trong vô hình thả xuống xung quanh một nhà văn mà ông không hề biết. Ông vẫn tưởng là ông rất tự do. Ông viết và sáng tạo những tác phẩm công bố trên báo chí và tấm lưới càng ngày càng thu chặt lại.
Kỳ thật là nhà văn không thể thấy rõ tấm lưới đó. Bởi nó được dệt bằng khối lập thể từ không gian ảo. Chỉ thi thoảng trong giấc ngủ những tấm voan thật mỏng thõng xuống từ cái lưới dài lướt thướt quệt lạnh lẽo vào ngực và mặt nhà văn mới khiến ông giật mình. Ông choàng tỉnh, thức dậy vẫn không thấy gì. Mặt dù cơn ớn lạnh vẫn đập bập bùng trong ngực. Dâng trào những đợt sóng nhiễm thể trên da ông.
Rồi một hôm nhà văn bị bắt. Ông không hiểu vì sao mình bị cuốn tròn trong một tấm lưới mắt cáo đan bện liên hoàn chằng chéo và toàn thân như bị miệng của một con thú dữ ngoạm lấy. Dù sao thì cũng nhẹ nhàng êm ả vô cùng. Những chiếc vòi bạch tuộc uốn rễ trên người ông. Thì ra là cái lưới. Lần đầu tiên ông thấy nó. Trông vừa vô thể vừa hữu thể. Cuộn trong nó cho ông tràn ngập một cảm giác vừa thân quen vừa xa lạ. Cố giụi mắt nhìn kỹ trong ánh sáng chói lòa của nó, nhà văn thấy có rất nhiều đoạn văn bện kéo chi chít dọc ngang trên tấm lưới ấy. Và nhà văn bỗng giật mình.
Thì ra tấm lưới đang thít chặt ông để nộp cho pháp luật ấy được đan bện bằng những câu văn ca ngợi tự do trong tác phẩm ông.

Chúng tôi vừa giới thiệu đến với thính giả nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh cùng các nỗ lực làm mới thi ca của anh, để từ đó đã tạo được chỗ đứng trong dòng văn học Việt Nam hiện đại một cách chắc chắn, đầy tự tin. Anh như một kẻ cầm chiếc rìu chữ nghĩa đốn từng nhát vào sáng tác của mình để mỗi bài thơ, truyện ngắn của mình mang dáng dấp vừa lạ lùng nhưng cũng đầy hấp dẫn.
Và dĩ nhiên con đường của anh còn dài, rất dài phía trước…
Cao Xuân Huy và “Tháng Ba gãy súng”
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-05-02
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu một tác phẩm văn học đã xuất hiện cách đây 26 năm viết về cuộc chiến đấu sau cùng của những người lính VNCH tại miền Trung Việt Nam.

AFP PHOTO/NATIONAL ARCHIVES
Chiến trường Việt Nam ngày 16 tháng 5 năm 1966
Tác phẩm “Tháng Ba gãy súng” của tác giả Cao Xuân Huy đã tái bản được 10 lần và chính tác giả cũng bất ngờ với kết quả này. Trong không khí của những ngày cuối tháng Tư, mời quý vị nghe lại một câu chuyện mà bất cứ người dân Việt Nam nào khi nghĩ đến cũng đều xót xa trong lòng cách này hay cách khác.
Gãy súng chứ không buông súng
Cuộc chiến dù đã qua đi nhưng những hình ảnh bạo tàn của nó không dễ gì phai nhòa trong lòng nhiều người, đặc biệt đối với những ai trực tiếp chịu những va đập vào những giây phút cuối cùng trước khi lịch sử Việt Nam lật sang một trang mới.
Cao Xuân Huy: Tôi viết vào khoảng giữa nữa cuối năm 84, lúc mà mới vượt biên qua chừng độ năm bảy tháng gì đó. Bắt đầu viết thì nhà văn Nguyễn Mộng Giác ổng đăng trên tờ báo hàng tuần ở đây, vừa viết xong thì cũng vừa đăng xong rồi thì in luôn thôi, in vào khoảng 85 ông ạ.

Các chiến sĩ VNCH trong một buổi tập trận. Photo courtesy of history.army.mil.
Cao Xuân Huy vừa cho chúng ta biết hoàn cảnh ra đời của “Tháng Ba gãy súng”. Một hoàn cảnh khá bất ngờ đối với hành trình đầy thử thách của một nhà văn, khởi đầu một cách tình cờ và kéo dài vài chục năm sau đó chỉ với sức mạnh thôi thúc nói lên một sự thật, sự thật mà nhiều người muốn biết về cuộc chiến này.
Cao Xuân Huy: Thật sự khi mà cầm bút viết tôi chỉ vì một điều ấm ức rằng là một ông tướng cũ của mình ổng tuyên bố rằng "để mất nước (là) tội chung mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé" thì tôi không đồng ý điều đó, tại vì chúng tôi đánh nhau đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt thì không phải là chúng tôi có tội. Tôi tức quá về điều đó, tôi viết ra, mà viết nửa chừng rồi thôi, thế rồi vì ở chung nhà với Nguyễn Mộng Giác, ổng lấy ổng đem đăng, xong rồi hết thì ổng thúc, cứ hết thì ổng thúc, hết thì thúc, thì cứ thế mà viết thôi. Đó là cái khởi đầu của quyển sách.
Còn sinh hoạt về văn chương, những lúc đó thì tôi không có dính tới văn chương, anh ạ. Mãi về sau này, sau khi quyển sách ra xong rồi người ta gọi tôi là nhà văn, xong rồi lại ở chung với ông Giác, với lại Hoàng Khởi Phong, cùng với nhau làm tờ Văn Học. Thế rồi cuối cùng tôi làm tổng thơ ký tờ báo Văn Học, xong rồi cuối cùng mấy năm sau này thì ông Giác giao luôn tờ Văn Học cho tôi và tôi làm chủ biên luôn. Đến bây giờ thì tờ tạp chí Văn Học đã tạm đóng cửa rồi vì lý do sức khỏe của tôi.
Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đâu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?
Nhà văn Cao Xuân Huy
Cao Xuân Huy thú nhận ông không phải là nhà văn ngay từ trang đầu của “Tháng Ba gãy súng”, ông viết chỉ vì khao khát và bị thúc đẩy nhằm phản biện lại lời tuyên bố của một ông tướng.
Trong lời tựa ông viết: "Quyển sách này không hề là tiểu thuyết mà là một hồi ký, bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. "Tháng Ba"thì mọi người đã rõ, còn "gãy súng" - tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc cũi mục.
Chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đâu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?
Tôi đặt chữ "gãy súng" cho quyển sách là như vậy. Tôi gọi "Tháng Ba gãy súng" là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết. Tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết. Và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết."
Hồi ký chứ không phải tiểu thuyết
Tác giả xác nhận không hề có một chút hư cấu nào được ông mang vào tác phẩm. Ông thuật lại những sự việc xảy ra cho ông và đồng đội với tất cả những chi tiết nhỏ nhất. Trong những hoàn cảnh gần kề với cái chết được ông viết lại sinh động đến nỗi khá nhiều độc giả cứ nghĩ đây là những trang tiểu thuyết chiến tranh. Trong một đoạn cuối của lời tựa, ông xác nhận: "Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.

Hình bìa sách "Tháng Ba Gãy Súng"
Nếu "Tháng Ba gãy súng" là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái "những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...", trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết."
Cao Xuân Huy: Không có một hư cấu nào hết, tức là tôi nhớ đến đâu tôi viết đến đó, vì nó là hồi ký thành thử ra không có hư cấu. Và nhân vật trong đó là nhân vật thật hết. Một số nhân vật trong đó hiện giờ còn đang sống ở Mỹ này.
Nơi trang 89, Cao Xuân Huy kể lại một trận đánh được xem là bị buộc phải mở đường máu mà với số lượng binh sĩ hiện diện cùng với tình hình bi đát ở những giây phút cuối của cuộc chiến, ông và đồng đội hiểu rất rõ cái chết đang sát một bên lưng và sự chọn lựa nào cũng đều vô vọng.
Ông viết: "Còn nỗi bi thảm nào hơn tình thế của chúng tôi trong lúc này. Có những người tìm cái sống trong cái chết, ít ra họ còn cái hy vọng tìm thấy cái sống, mặc dù rất nhỏ nhoi, hy vọng nhỏ đến đâu cũng vẫn là hy vọng. Một mảnh ván mục giữa biển cũng là hy vọng. Còn chúng tôi, miếng ván mục cũng không trông thấy. Chúng tôi không thất vọng, chúng tôi không tuyệt vọng, mà chúng tôi vô vọng. Chúng tôi, những thằng thanh niên khỏe mạnh, yêu đời, rất ham sống, đang ngồi mơ được giậm chân tại chỗ này, đánh nhau để rồi chết tại đây cho đỡ mệt chứ không muốn mở đường máu để chết dần chết mòn dọc đường, cuối cùng đến được một chỗ cũng để chết. Cái chết kiểu này quả tình không hứng thú tí nào hết."
Đối với một người lính trong một binh chủng được xem là ưu tú nhất của QLVNCH thì chấp hành lệnh của thượng cấp là điều tất nhiên. Chấp hành bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào được người ta gọi đó là kỷ luật quân đội. Tuy nhiên, người lính ngao ngán nhận ra họ tuân hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy trong khi chính những người ra lệnh cho họ cố thủ, mở đường máu hay tấn công, lại không có mặt tại nơi xảy ra cuộc chiến.
Cao Xuân Huy viết: "Nghĩ đến chuyện phải mở đường máu, phải di chuyển cho mệt rồi cuối cùng cũng chết, nhưng đã có lệnh chuẩn bị tức là sẽ đến lúc thi hành, quả là ngao ngán. Tôi không muốn thi hành cái lệnh này, nhưng tôi lại không thể không thi hành lệnh, vậy thì cách giải quyết tốt nhất để không phải thi hành lệnh là chết trước, chết ngay tại đây, trong lúc này. Tôi không muốn mệt nhọc hơn nữa để kéo dài cái sống thêm được vài tiếng đồng hồ.
Tôi đi một vòng dọc theo tuyến của đại đội để kiểm soát lính tráng. Lần này tôi đi theo đúng nghĩa của tiếng đi, thẳng lưng mà đi. Cứ thẳng lưng như vậy tôi đi trong ánh sáng chập chờn của những trái hỏa châu chiếu đến kéo dài những bóng đen rung rinh của những luồng dương mờ dần rồi đen thui. Trời lại sáng lên, bóng đen của những luồng dương lại rõ nét, ngắn hơn, lại kéo dài ra, mờ dần. Đột nhiên tôi bị hất ngã và không biết gì nữa".
Không có một hư cấu nào hết, tức là tôi nhớ đến đâu tôi viết đến đó, vì nó là hồi ký thành thử ra không có hư cấu. Và nhân vật trong đó là nhân vật thật hết. Một số nhân vật trong đó hiện giờ còn đang sống ở Mỹ này.
Nhà văn Cao Xuân Huy
Mở được đường máu chưa phải là kết thúc. Bi kịch chỉ bắt đầu khi tác giả dẫn một toán lính tìm lối thoát vào Nam bằng đường biển. Con tàu duy nhất có thể đón ông và toán lính lại trở thành nơi chiến đấu, chiến đấu giữa những người lính với nhau để giữ mạng sống.
Tại trang 101 ông viết: "Con tàu khá nhỏ, sức chứa tối đa theo tôi ước lượng chỉ có thể chứa được hơn ngàn người, đó là đã kể đến trường hợp nem người như nem cối, vậy mà số người muốn được lên tàu, cũng theo ước lượng của tôi, có đến trên chục ngàn.
Chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc thi tuyển bằng bắp thịt và giá phải trả bằng máu, bằng sinh mạng của từng thí sinh để kiếm được một chỗ trên tàu. Một cuộc thi không có trọng tài, không có giám thị, không có hội đồng giám khảo, mà cuộc thi chỉ có những thí sinh là những người đang chạy cho xa Việt cộng, đang liều mạng sống để khỏi rơi vào tay Việt cộng.
Trước những sự thật được tận mắt chứng kiến với đầy đủ những hình ảnh nản lòng, cảm giác của tác giả ra sao về những người mà trước đây ít lâu là cấp chỉ huy, là những người được xem là anh hùng, dày dạn trong chiến đấu? Cao Xuân Huy cho biết ý nghĩ của mình:
Sự thật có một số những sự việc nó xảy ra mà không được đẹp thì nó không phải là chính cái tính chất của nhân vật đó, mà nó ở cái lúc, cái thời gian đó, cái lúc đó phản ứng của người ta như vậy, chứ không phải là lúc nào người ta cũng thế, thành thử ra lỡ lúc đó phải chịu thôi.
Cuốn sách được khép lại ở những đoạn cuối cùng từ trang 163, Cao Xuân Huy kể lại cảnh những người lính thất thểu một đoàn dài khi trở thành tù nhân bị dẫn đi và bị bắn giết như thế nào. Trong đoạn văn này, từng giọt máu như đang rỉ ra theo gót chân của đoàn tù.

Các chiến sĩ VNCH trong một cuộc hành quân. Photo courtesy of wikimedia.
Máu theo chân, máu đổ khắp nơi khi từng viên đạn bắn đi, từng người một ngã xuống, ngã xuống...người còn sống không biết bao giờ thì đến phiên mình, tất cả chờ đợi cái chết đến, chờ đợi trong hãi hùng, trong khủng khiếp: "Lúc nãy ở bờ bên kia phá chúng tôi được nếm mùi cướp bóc thổ phỉ và bây giờ trên con đường đất hai bên là ruộng, là lùm, là bụi này, chúng tôi được thưởng thức món giết người.
Đoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi. Trò bắn giết rất kỳ cục và khó hiểu! Những người bị bắn chết và những người không bị bắn hay chưa bị bắn đều không hiểu tại sao bọn Việt cộng lại bắn người này mà không bắn người kia.
Chúng tôi rất hoang mang, nhưng lúc này không có ai phản ứng gì. Mọi người vẫn cứ lầm lũi, thất thểu đi. Đói, khát, mệt mỏi và luộm thuộm lếch thếch, chúng tôi đi, hoang mang không hiểu bao giờ đến lượt mình bị bắn. Số người bị bắn mỗi lúc dĩ nhiên mỗi nhiều hơn. Tất cả lon lá đã được gỡ ra từ sáng khi chúng tôi mới nhận được quần áo mang từ bờ biển vào. Râu ria trên mặt biểu hiệu cho chức cấp -hiểu theo nghĩa Việt cộng- cũng không phải, vì nhiều người để râu, trong đó có cả tôi, không hay chưa bị bắn. Nhiều người râu ria nhẵn nhụi thì đã bị bắn."
Đoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi.
Nhà văn Cao Xuân Huy
Và cuối cùng thì tác giả cùng nhiều đồng đội của ông cũng dừng chân tại một chỗ không ai mong muốn. Tuy nhiên cái chỗ được gọi là trại giam này lại là nơi quyết định sự sống còn của họ: "Chúng tôi bị đưa về căn cứ La Sơn nhốt tạm để sau đó hạ sĩ quan và binh sĩ bị đưa nhốt ở Khe Tre, Nam Đông. Đám sĩ quan chúng tôi bị đưa về cây số 23, gần ngay chỗ ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 ít ngày trước, đối diện với làng Đồng Lâm. Khoảng giữa tháng Tư chúng tôi bị đưa về trại tù binh chính thức nằm phía Bắc Khe Sanh, sát biên giới Lào, ở ngay đầu nguồn sông Bến Hải."
Họ đã được phân phối đi tới các trại tù khác nhau. Số phận những người lính này sau đó không ai biết ra sao, nhưng có một điều Cao Xuân Huy tin chắc rằng, ông và đồng đội của ông đã trả đầy đủ bồn phận đối với tổ quốc, và ông cùng đồng đội có quyền hãnh diện, ưỡn ngực và nói to rằng: họ là người lính chiến, đúng nghĩa là lính chiến trong bất cứ thời đại nào....
Nhà thơ Trần Yên Hòa và thi tuyển “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng”
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-04-25
Trong chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin trân trọng giới thiệu tập thơ “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” của nhà thơ Trần Yên Hòa.

Photo courtesy of voanews.com
Nhà thơ Trần Yên Hòa
Tập thơ rất mỏng in 30 bài thơ và một nhạc phẩm phổ từ thơ của nhà thơ Trần Yên Hòa mà chúng tôi nhận được ít lâu trước đây chưa phải là một tập thơ nặng ký nói theo ngôn ngữ đương đại, nhưng tập thơ sẽ này gây cảm hứng cho người đọc nó là điều chắc chắn.
Cảm tình đến từ bìa tập thơ lan theo từng trang giấy có thể làm ấm dần lên cảm xúc của người đọc. Thơ Trần Yên Hòa không mới như đòi hỏi của nhiều nhà phê bình văn học, nhưng trước tiên, người đọc chắc chắn sẽ nhận được sự chia sẽ ký ức đối với nhà thơ trên từng câu ngắn.
Chữ nghĩa trong thơ Trần Yên Hòa đằm thắm và chuyên chở nhiều tình tự xa lắc của quê nhà. Đọc thơ ông, người ta có cảm giác nghe một người bạn thân ngồi kế bên kể chuyện về biết bao thứ. Cảm giác này gây cho người đọc một không gian gần gũi với thơ là thành công đầu tiên và quan trọng nhất của Trần Yên Hòa.
Gợi nhớ thời phượng hồng
Cũng có khi vài điển tích nho nhỏ xuất hiện trong thơ ông, thế nhưng các điển tích này tự nó đã là những kỷ niệm, kỷ niệm của một thời mới lớn trong những năm cuối vào giờ Văn Học Sử. Điển tích xuất hiện trong thơ Trần Yên Hòa như một nhắc nhớ, gợi ý, hâm nóng lại thời của bằng hữu, của phượng hồng, và hơn thế nữa thời mong manh quần xanh áo trắng.

PHƯỢNG HỀ

Ta vác trên vai hình hài em Phượng
Mỏi vai ta và nặng tên người
Mười tám tuổi ta làm thân du tử
Phượng bước qua đời thuở áo vá vai

Tấm thân em như mùa hạ đỏ
Nắng cháy da trơ đá cằn khô
Mưa lũ bao mùa nước không thấm đất
Đá cuội lăn tăn chờ buổi dâng cờ

Buổi sáng quân đi như dòng sông chảy
Sân trường reo vui rợp mát tiếng chim
Ta mang mùa xuân cùng em hương sắc
Buổi sáng em vào lớp học hiền ngoan

Phượng hề, Phượng hề, dòng sông chảy mãi
Từ suối từ khe róc rách dấu chân
Bến nước chia xa em ngồi chân đợi
Đợi một ngày nào yêu dấu quen thân

Trần Yên Hòa cũng tỏ ra không tiện tặn lắm với các danh từ Hán Việt thế nhưng cách dùng của ông không làm cho người đọc dị ứng. Người đọc còn mãi bận bịu với những thiết tha mà Trần Yên Hòa đang tìm mọi cách thuyết phục người tình, người của tình thì đúng hơn bởi Phượng trong bài thơ có thể là một loài hoa chỉ nở và đẹp dưới ánh mắt học trò. Người tình được ẩn dụ là Phượng cũng có thể chỉ là nỗi nhớ huyền ảo mà nhà thơ day dứt mà thôi.

Hình bìa tập thơ “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng”
Phượng hề, Phượng hề, loài chim cổ tích
Em là giai nhân giữa chốn ba quân
Em là uyên ương cùng ta cạn chén
Nam nhi cũng quên một khúc ưu phiền

Nữ nhi thường tình, phương nam, phương bắc
Ta nam nhi hề gát kiếm treo đao
Hát khúc phượng xưa yêu em lay lắc
Quên nhân gian vui với sóng ba đào

Mười năm yêu em, mười năm yêu Phượng
Giấc ngủ không tròn mộng mị tráo trơ
Ta giáp mặt ta tháng ngày binh lửa
Ta say mê đi như sóng vỗ bờ

Mười năm yêu em, mười năm xa ngái
Giấc mộng trở về ẩn khuất mù tăm
Ta làm cánh chim bay cùng tứ xứ
Bỏ em sau vườn mưa dội xa xăm

Phượng hề, em yêu, ra đi đành đoạn
Như chim bay mù trong cõi nhân gian
Đất đá cày tơi đường kim mũi chỉ
Còn lại bài thơ hơi hướm tên người

Mười phương xa ơi, lòng ta trơ trọi
Giữa bóng mây trời ta thấy em lên
Em bước chân ra giữa vùng cương tỏa
Còn ta đứng nhìn một thuở không quen

Phượng hề, mười năm, rồi hai mươi năm
Mưa giông ướt ta chìm trong mấy nỗi
Giỏ hoa của ngày thơ ấu xa xăm
Lai rộ lên tình yêu trái chín

Trần Yên Hòa sau khi mỏi mệt rượt đuổi vô vọng hình ảnh nhập nhòe của Phượng cuối cùng rồi cũng trở về gian nhà cỏ của các hoàng tử thi ca. Nhà cỏ hay sơn cốc tự hay gì gì đi nữa cũng chỉ là lời than làm dáng. Lời tỉ tê não nùng của dế rúc giữa khuya phải chăng là những riêng tư nhưng rất chung của nhiều thế hệ như ông?

Nay ta trở về đường sơn cốc tự
Lập quán ẩn danh biệt tích giang hồ
Nhắm mắt yêu em, yêu người tố nữ
Trong cõi nhân quần sống biệt mù tăm

Chỉ còn Phượng xưa, Phượng yêu, Phượng đỏ
Với ta chỉ là một giấc mơ hoa
Giấc mộng ôm em trong tay phủ dụ
Bằng bặc một đời sông nước phù sa

Phượng hề, giữa ta luôn luôn sóng cuộn
Mưa đầu nguồn, mưa cuối bãi, mênh mông.
Mùa hè đi qua, mùa hè, máu chảy
Giữa giòng đời Phượng vẫn nở thênh thang.

Thử làm tì kheo tay ôm bình bát
Dắt em đi về tịnh độ uyên nguyên
Đôi mắt trỏm lơ tụng hoài câu hát
Máu chảy qua tim dội vết chân thiền

Tình Yêu!Tình Yêu! chia xẻ ngọt bùi
Ta nay qua sông làm con chốt thí
Phượng hề! Mười năm cuộc đời tục lụy
Phượng hề! Trăm năm thương mãi về người.

Có còn gì không giữa chốn nhân gian?
Ta mơ ngủ yên dưới cội hoa vàng.

Trần Yên Hòa vừa cho chúng ta biết một ít thông tin về chặng đường tham gia vào chốn văn chương của ông từ trong nước cho đến khi ra nước ngoài.

Khát vọng cho quê hương
Tập thơ “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” còn có những bài thơ khác nói lên những khát vọng về quê hương, con người cũng như những tiềm ẩn khát khao của người thơ trước các biến thiên thời cuộc. “Đêm thức trắng nhớ Côn Sơn” là một bài thơ hay, phảng phất nét ngang tàng của tráng sĩ nhưng cũng không thiếu nỗi ngậm ngùi của thi nhân trước tâm linh lịch sử.

ĐÊM THỨCTRẮNG
NHỚ CÔN SƠN

Fact box
- Nhà thơ Trần Yên Hòa là cựu sinh viên luật khoa Sàigòn,
- tốt nghiệp khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt,
- định cư tại Hoa Kỳ từ 1995 tại Nam California.

Đêm thức trắng dòng dòng câu cổ lục
Rớt xuống hồn thành giọt lệ ứa khô
Quả đã quá sáu trăm năm Nguyễn Trãi
Trái tim người còn để lại ngàn sau

Ta bỗng nhớ Côn Sơn ngày tháng cũ
Trong căn lều rơm cỏ Người làm thơ
Thơ Người viết bằng tâm hồn kẻ sĩ
Giục giã lê dân đòi lại cơ đồ

Thơ người viết như một làn kiếm sắc
Chém vào đau thương cùng khổ cơ hàn
Thơ vực dậy nhưng đọa đày, khốn khó
Của bao kiếp người nô lệ lầm than

Người bỏ Côn Sơn đi thờ Minh Chúa
Suốt mười năm nếm mật với nằm gai
Làm kẻ sĩ dựng cơ đồ áo vải
Vua lại quên người…kẻ sĩ một mai

Trở về Côn Sơn trong căn lều cỏ
Người có như ta, thức trắng, xót thương đời
Người có như ta nhỏ lệ suốt canh thâu
Hồn vất vưởng tang thương từ dạo nọ

Nỗi niềm người xa xứ
Trần Yên Hòa còn một bài thơ mang tên “Mùa Thu trong ký ức” đậm chất quê nhà. Người Việt dù ở miền nào cũng thấy chính mình trong đó. Trần Yên Hòa chịu khó cầm gương để trước mặt từng người trong chúng ta với ý thức soi rọi, tìm kiếm từng kỷ niệm riêng tư trong sâu thẳm của người xa xứ. Trần Yên Hòa đi từng bước nhỏ, khẽ khàng đếm lá rơi, nhớ về những tiểu thuyết xa xưa cùng những chiều thu vàng úa. Bài thơ đậm đặc và mênh mông. Lạnh và buồn.

Chẳng thể quên mùa thu mông mênh
Ngày tháng cũ
Ở một nơi có loài chim bay về xao xác
Hình như trong lòng ta vọng tưởng
Những mùa thu xa ngái

Ở một nơi ta đến theo cánh chim bay
Có lá vàng rụng ngoài hiên vắng
Đó là xứ sở thần tiên
Mà ta gặp hoài trong trí tưởng

Mùa thu nào có bước chân Hà Nội
Bước chân lang thang trên phố Quan Thánh
Ta chợt thấy Khái Hưng ngất ngưỡng trên chuyến tàu điện
Thấy Nhất Linh từ trường Thăng Long bước ra
Thấy Thế Lữ, Thạch Lam, Hoàng Đạo
Ôi một thời làm ta rưng rưng nhỏ lệ
Mùa thu bây giờ ở đâu?

Ngày tháng có bước chân Sài Gòn
Bước chân lang thang trên đường Phạm Ngũ Lão
Dáng dấp nào thật quen
Của Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh
Của Bùi Giáng, Lê Xuyên, Sơn Nam
Ta ôm Sài Gòn trong tay
Hương mùa thu lãng đãng một mùi rất nhẹ

Những câu thơ cuối cùng như một tiếng chuông. Lung kinh nhắc tới căn cước hiện nay của từng người xa xứ:

Ngày tháng có bước chân Cali
Một mình ta buồn thảm
Ta không thấy ai thân quen
Mùa thu rụng vàng đâu đó
Ta chỉ còn mình ta trên đường Bolsa
Mùa thu buồn phiền, ảm đạm

Mùa thu nào xa xưa
Hát lên khúc tình thu mấy độ.

Chúng ta vừa nghe ba bài thơ trong thi tuyển “Uyên Ương, Phượng Hề, và Khát Vọng” của nhà thơ Trần Yên Hòa, được nhà xuất bản Thế Kỷ xuất bản vào năm 2009. Hy vọng rằng với thời gian ít ỏi mà chúng ta có trong chương trình, ít nhiều gì thìquý vị sẽ nhận được những đồng cảm của ngôn ngữ thi ca mà Trần Yên Hòa gói ghém suốt 130 trang giấy của tập thơ này.

No comments:

Post a Comment