Monday, January 17, 2011

"Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây"

Nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây"
2007-12-09
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình văn học nghệ thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị nghe lại một bài thơ mà những ai từng sống trong thời gian sau năm 1975 tại Việt Nam đều từng được nghe qua đó là bài "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây" của nhà thơ Phạm Tiến Duật được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành ca khúc.

Trường sơn đông, trường sơn tây

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây
Trường Sơn tây anh đi. Thương em thương em bên ấy mưa nhiều
Con đường là gánh gạo. Muỗi bay rừng già cho dài mà tay áo.
Hết rau rồi em có lấy măng không?
Còn em thương bên tây anh mùa đông. Nước khe cạn bướm bay lèn đá, biết lòng anh say miền đất lạ, là chắc em lo đường chắn bom thù.
Anh lên xe trời đổ cơn mưa cái gạt nước xua tan nỗi nhớ.
Em xuống núi nắng về rực rỡ. Cái nhành cây gạt mối riêng tư.
Từ nơi em đưa sang bên nơi anh. Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận, là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn.


Nhà thơ Phạm Tiến Duật. File photo
Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 tại Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo. Trong thời gian này, ông sống và đi bộ đội công binh chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Đây cũng là thời gian ông sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng. Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách là phó trưởng ban đối ngoại. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Ngày 4 tháng 12 năm 2007, nhà thơ Phạm Tiến Duật mất tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì căn bệnh ung thư phổi.
Bài thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây của nhà thơ Phạm Tiến Duật đến với công chúng miền Bắc khi những đợt bom trải thảm bắt đầu gây thương vong cho một số lớn bộ đội miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh nổ ra ác liệt trên đường Trường Sơn. Chiến tranh dù dưới bất cứ danh nghĩa nào cũng bộc lộ tính chất hủy diệt của nó.
Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, tất cả những hoạt động văn học nghệ thuật của miền bắc được tập trung tuyên truyền cho mục đích cuối cùng là chiến thắng. Tất cả những tác phẩm ra lò đều có chung một khuôn mặt, một tính cách và một mục tiêu: đó là hủy diệt tận lực kẻ thù bất kể bằng phương tiện nào.
Người dân miền bắc sau bao năm sống trong những điệp khúc mạnh mẽ kêu gọi giết chóc và tàn phá bỗng một hôm bừng dậy vào lúc 5 giờ sáng khi lần đầu tiên sau nhiều năm đài phát thanh Hà Nội phát đi nhạc phẩm này.
Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn Hai đứa ở hai đầu xa thẳm Ðường ra trận mùa này đẹp lắm Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.
Một dãy núi mà hai màu mây Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác Như anh với em, như Nam với Bắc Như Ðông với Tây một dải rừng liền.
Trường Sơn tây anh đi, thương em Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo Muỗi bay rừng già cho dài tay áo Rau hết rồi, em có lấy măng không.
Em thương anh bên tây mùa đông Bướm khe cạn nước bay lèn đá Biết lòng Anh say miền đất lạ Chắc em lo đường chắn bom thù
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ Em xuống núi nắng về rực rỡ Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Ðông sang tây không phải đường như Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵn sàng" xanh áo Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.
Từ nơi em gửi đến nơi anh Những đoàn quân, trùng trùng ra trận Như tình yêu nối lời vô tận Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.
Điều mới lạ
Như một giòng suối mát len lỏi trong từng ngóc ngách của tâm hồn, người ta gọi nhau í ới để chia sẻ chút hạnh phúc hiếm hoi khi bản nhạc lạ lùng có âm hưởng mạnh mẽ của tình yêu mà từ lâu họ không cảm nhận được trong nhiều tác phẩm thi ca. Nhà thơ Nguyễn Khắc Phục kể lại những kỷ niệm của mình trong thời gian xuất hiện bài thơ.
Miền bắc đã có chiến lược lâu dài cho giới văn nghệ sỹ tham gia cuộc chiến bằng tác phẩm của mình. Và cũng từ đó, những ngòi bút ưu tú trước chiến tranh cùng nhau chịu khó xếp hàng sau lưng Tố Hữu như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Hoàng Tích Chỉ, Nguyễn Minh Châu...để vừa ngợi ca lãnh tụ vừa cổ vũ chiến tranh và thi nhau dựng lên những nhân vật anh hùng không có thật hay có nhưng chỉ thật phân nửa.
Phạm Tiến Duật lúc ấy đứng riêng hẳn một mình. Ông vừa làm thơ, vừa lái xe vừa trêu chọc các o dân quân mà không hề lên gân như các đồng nghiệp của ông. Tiếng thơ của Phạm Tiến Duật bàng bạc tình người, tình đồng đội và trên hết là tình yêu trai gái. Duật đem hình ảnh của hai người yêu nhau và quan tâm đến nhau qua những chi tiết tưởng chừng như vụn vặt nhưng thấm đẫm yêu đương, vốn là thứ mà trong cẩm nang viết lách của các văn nhân thi sĩ miền bắc trong thời gian chiến tranh thường tỏ ra dị ứng.
Những chi tiết mà các nhà thơ cao đạo không thích vương vấn tới vì sợ phê bình kiểm điểm là ủy mị và tha hóa lại xuất hiện đầy trong bài thơ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây. Phạm Tiến Duật đã khơi dậy những thèm muốn rất người và những thèm muốn trong sáng đó nằm ẩn phía sau những ngập ngừng nóng bỏng.
Đông và Tây dưới ngòi bút của nhà thơ không còn ngàn trùng nữa mà được kết nối bằng những nhắn gửi có tính cách thiết tha lo lắng cho nhau giữa trăm ngàn hiểm nguy bề bộn. Những hình ảnh đời thường này được nhà thơ phả vào những cảm xúc rất thật của mình và biến chúng thành những tuyên ngôn, tuyên ngôn của những người yêu nhau, cho dù những người này đang gùi gạo, ăn măng, đào đường nhưng vẫn tiến lên bằng hình ảnh của người yêu đang đồng hành phía trước.
Trong suốt cả bài thơ người ta không thấy một từ ngữ nào ngợi ca hay vinh danh chiến tranh. Câu duy nhất trong toàn bài thơ có thể hiểu cách nào cũng được là câu: "chắc em lo đường chắn bom thù.." Tuy có hình ảnh chiến tranh qua từ "bom" nhưng hình ảnh này bị tối thiểu hóa đến độ người nghe cứ tưởng quả bom nằm tận đâu đâu chứ không dính gì tới người trong cuộc cả.
Hiệu ứng từ ngữ trong câu: Ðường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây mở ra thật nhanh hình ảnh của cả cánh rừng vĩ đại kéo dài từ Đông sang Tây bỗng nhiên thấy gần hẳn lại chỉ qua một chữ "nhớ" nằm chính giữa câu thơ. Ngôn ngữ thi ca đã phô diễn sức mạnh của nó trong trường hợp này. Phạm Tiến Duật vạch mây trường sơn một cách hồn nhiên để gọi người yêu ra từ một nơi nào xa lắm:
Một dãy núi mà hai màu mây Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác Như anh với em, như Nam với Bắc Như Ðông với Tây một dải rừng liền.
Và rồi có lẽ bốn câu gây chấn động người nghe xuất hiện như một tiếng gõ khẽ khàng nhưng nằm lại thật lâu trong tâm trí:
Anh lên xe, trời đổ cơn mưa Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ Em xuống núi nắng về rực rỡ Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.
Cái nhành cây vô tư đã gạt đi chút âu yếm nhớ nhung của người con gái phía bên kia núi lại được sắc màu rực rỡ của nắng Trường Sơn đồng tình hứa hẹn một cuộc tương phùng tưởng chừng gần lắm. Anh lên xe và em xuống núi có gì phân cách hay không mà sao trong nhạc điệu của bốn câu thơ nghe chừng tràn đầy hạnh phúc?
Phạm Tiến Duật trong những năm gần tàn cuộc chiến bỗng nhiên trầm tư hẳn qua nhiều câu thơ ảm đạm mà nếu không may mắn ông khó thoát qua được cuộc thanh trừng của những cây viết phê bình văn nghệ trong đảng. Bài thơ ngắn ngủi mang tên Vòng Trắng xuất hiện trên tạp chí Thanh Niên số 1 năm 1974 có những câu như sau:
Vòng Trắng
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng tôi với bạn tôi đi trong yên lặng cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết khăn tang vòng tròn như một số không nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng là cái đầu bốc lửa ở bên trong
Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc thì sau khi bài thơ xuất hiện, tạp chí Học Tập số 9 năm 1974 phê phán gay gắt rằng: "Giữa lúc cần nói to lên niềm sung sướng tự hào về cái được vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì nhà thơ lại chỉ thấy cái mất, chỉ thấy tang tóc đau thương và than thở..."
Phạm Tiến Duật hô to lên một điều mà trong suốt cuộc kháng chiến không một ai nói tới, cho dù đó là một sự thật vĩnh hằng: Có mất mát nào lớn bằng cái chết?
Bây giờ thì nhà thơ đã cam chịu mất mát bằng chính cái tan rã hư không của thân xác. Dầu sao thì nhà thơ đã trải nghiệm qua nhiều biến động của cuộc sống nhưng ông luôn yên ả trong tâm hồn qua những cái nhìn cuộc đời đầy nhân bản và nhất là hiệu ứng với câu thơ cuối cùng của nhà thơ: khăn tang vòng tròn như một số không

No comments:

Post a Comment