Saturday, January 29, 2011

Một dòng sông đã chết

Một dòng sông đã chết – trách nhiệm thuộc về ai?

Đã rất lâu rồi, xóm mà tôi ở được gọi bằng một cái tên rất “Hán” đó là ”Bàn Thạch Thôn”, nơi có con sông Bàn Thạch chảy qua.
Theo lời Ba tôi kể lại cho chúng tôi nghe: Sông Bàn Thạch là một con sông rất đẹp. Sông chia làm hai nhánh, giữa hai nhánh sông là một cồn đá, chiều dài hơn 1km, khoảng giữa rộng nhất khoảng 200m, hai đầu hẹp dần. Người ta gọi cồn này là: “Cồn Thị” vì ở đó có những cây thị rất lớn, cao 20m, vòng gốc 10 người ôm.
Theo lời ba tôi kể lại, cồn thị là một cồn đá, hai đầu cồn đá này là hai bãi sình, ở đó là một rừng cây “rán”, một loại dương xỉ lớn. Trong rừng dương xỉ có rất nhiều chim, chim Áo đà (vì nó có bộ lông màu đà giống áo nhà sư – mõ trắng rất đẹp) chim vành khuyên, chim mía, và rất nhiều cò, những con cò đậu vắt vẻo trên lùm cây bần, cây đước, chúng sống và làm tổ ở đó.
Những buổi chiều, khi đèn đường bật lên, những con cò về đậu đầy trên những lùm cây đó. Tiếng kêu trầm đục buồn buồn.
Sông Bàn Thạch sâu và thơ mộng lắm. Dưới sông đầy cá, cá bơi lội tung tăng đùa giỡn trong làng nước trong xanh. Cá nhiều đến nỗi từ trên cầu nhìn xuống chân cầu, cá tập trung thành từng bầy nhung nhúc, cá Hồng, cá Hanh, cá Tràng, cá Nâu, cá Dìa, cá Gáy, cá Thác lác, cá Căn…nhất là cá Căn, nó rất dạn dĩ, có con tinh nghịch trườn cả lên bờ nằm phơi mình trên bờ cát như muốn phô bày bộ cánh rằn tuyệt đẹp của nó, rồi vẫy một cái nó lại biễn nhanh vào làn nước mát.
Đó là thời kỳ thịnh vượng của những năm 1970. Lúc đó sông rất nhiều cá, biển cũng nhiều cá, người cũng ít hơn bây giờ nên không ai nghĩ đến chuyện săn bắt chúng một cách ráo riết bằng những phương tiện độc ác như bây giờ.
Thực phẩm lúc đó ê hề, câu cá chỉ là một thú tiêu khiển của những ai nhàn tản hay đơn giản chỉ muốn thay đổi khẩu vị một chút. Những ngày mùa hè, ba tôi đã bơi lội vẫy vùng cùng các bạn trên dòng sông này. Bến sông tấp nập ghe thuyền, thuyền buôn, thuyền chở khách từ Tam Hoà, Tam Quang lên, có cả tàu của hải quân Việt Nam Cộng hoà, trên bến sông là một chợ cá. Chính quyền địa phương của VNCH làm một bến cá kiên cố và rộng rãi cho tàu thuyền neo đậu.
Những ngày tháng Giêng người ta cầu an cho xóm làng và những chiếc thuyền dán bằng giấy sặc sỡ với cờ xí đủ màu được thả xuống dòng sông trên đó có xôi, bánh, gà, chuối và cả những mơ mộng của lũ trẻ đứng trên bến, trên cầu nhìn theo những chiếc thuyền đó ra khơi, trong lòng dấy lên một chút mơ mộng hãi hồ.
Nhưng đó là ký ức của ba tôi.
Giờ đây trước mặt tôi là một dòng sông chết, nước sông đen ngòm, hôi thối và đặc quánh. Dòng sông cạn vì rác mà người dân chung quanh đó đổ xuống, rác nhiều đến nỗi làm nghẽn cả dòng, còn đôi bờ thì dần thu hẹp lại.
Trên dòng sông đó lềnh bềnh những xác chết súc vật, ngập ngụa phân người trong những túi nilon, đủ thứ rác. Từ giường chiếu, mùng mền cũ, bao ximăng, bao đựng gạo, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ và cả băng vệ sinh phụ nữ ”siêu mỏng”. Mặt nước sông phủ một lớp rêu xanh, dập dềnh xác súc vật trong làn nước đặc quánh dầu mỡ người ta xả ra từ những chiếc ghe cá và từ khắp nơi gần đó. Bây giờ cá đã chết, chim đã bay xa. Cồn Thị bây giờ không còn cây Thị nào, người ta đã đốn đi rồi.
Xóm Bàn Thạch là một xóm rất nghèo, toàn là người lao động làm thuê buôn bán nhỏ, vì nghèo nên họ phải sống trong những căn nhà nhỏ chật chội. Cả nhà mấy thế hệ phải chung sống trong đó. Ngày xưa, ”Tứ đại đồng đường” là một cái phúc nhưng bây giờ trở thành cái hoạ.
Chung sống trong một không gian chật chội, con người khó có thể tránh được sự va chạm, cho nên “Bàn Thạch thôn” hay xảy ra những việc gấu ó nhau giữa chồng vợ, cha mẹ, anh em, và cũng vì nghèo quá nên không có tiền xây những công trình phụ như buồng tắm, cầu tiêu. Các cô gái, chàng trai, ông già bà lão đều tắm ở giếng công cộng.
Nhưng tệ nhất là việc đi cầu. Những cô cậu thanh niên thì bỏ ra 500 đến 1000 đồng để vào nhà vệ sinh tuy không được sạch sẽ nhưng kín đáo. Còn các em nhỏ, những người già và có cả những người mới 40-50 tuổi, cái tuổi chưa phải già lắm nhưng để tiết kiệm 500-1000 đồng mua dầu gội đầu họ đành liều mạng. Kiếm một chỗ nào đó trên bờ sông để xã cái thứ ô uế trong người. Họ ngồi làm cái việc không thể không làm đó giữa thanh thiên bạch nhật, bên đường đi, người đi trên cầu nhìn thấy hết mặc kệ, lâu dần thành quen, không còn xấu hổ nữa.
“Xấu hổ” là một bản tính rất người và chỉ có con người mới có nhưng nếu sự xấu hổ không còn thì đó là sự đáng tiếc và nguy hiểm.
Mỗi lần đi ngang qua đó tôi thấy vô cùng xấu hổ khi phải bất đắc dĩ chứng kiến cái cảnh đau lòng này. Những du khách từ phương Tây đến đây, trên đường đi tắm biển cũng ngang qua đó, họ nghĩ gì về dân tộc chúng tôi. Họ có nghĩ chúng tôi mọi rợ không? Không, Dân tộc chúng tôi có 4000 năm văn hiến, có một nền văn minh và một nền văn hoá ứng xử tốt đẹp, nhưng bây giờ vì hoàn cảnh mà phải như vậy. Đất nước chúng tôi đang tiến lên hay đi lùi đây! Câu hỏi này cần được trả lời nghiêm túc và đầy trách nhiệm.
Bây giờ trên bờ Nam của Cồn thị, đã mọc lên khu vui chơi giải trí, ăn uống rất đẹp. Khu giải trí này có một cái tên rất tiểu thuyết: ”Bạch Vân” tức là mây trắng – một ý niệm thanh cao giải thoát, nhưng những người khách đến ngoạn cảnh, tiệc tùng ở đây nghĩ gì khi nhìn ra hai bên, chỉ cách vài chục met, những người đàn bà đàn ông trẻ con đang trần mông hướng về phía họ để đi cầu. Làm sao họ ăn uống cho ngon miệng được, và những lời tình tự của đôi trai gái đang âu yếm nhau làm sao thốt lên được trước cái cảnh trần trụi dơ dáy đến thế.
Chẳng lẽ người Việt Nam đã quen rồi và trở nên vô cảm.
Nếu như thế thì nguy rồi?!
Trách nhiệm này thuộc về ai…một dòng sông chết, một môi trường ô nhiễm, trước hết trách nhiệm thuộc về người dân xóm tôi, sau nữa là Thành phố Tam Kỳ và cuối cùng trách nhiệm quan trọng này thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng lãnh đạo và quản lý đất nước này, họ phải có câu trả lời cho vấn đề đã tồn tại hơn 30 năm nay.
Tháng 7 năm 2007. Ba tôi nhận được giấy mời của Uỷ ban phường Hoà Hương, mời họp dân để thông báo chương trình di dời, xây dựng bờ kè cho sông Bàn Thạch, đường Bạch Đằng dọc bờ sông. Đây là một dự án nên làm, đáng ra đã làm từ lâu, vấn đề là làm như thế nào để mọi người dân đều được hưởng lợi.
Ba tôi rất vui vì đây là điều ông mơ ước, trông đợi từ lâu, nhưng mãi đến bây giờ dự án vẫn còn trên giấy và chính cái dự án này lại gây rắc rối cho nhiều gia đình muốn sửa chữa nhà cửa cũng không được vì nằm trong dự án quy hoạch, trong đó có gia đình tôi.
Tinh thần trách nhiệm là động lực để phát triển xây dựng bảo vệ đất nước, nhưng ở Việt Nam bây giờ không ai có trách nhiệm cả. Trách nhiệm thuộc về người dân, nhưng người dân lại không có quyền để hành xử trách nhiệm của mình. Còn Đảng CS có quyền nhưng thiếu trách nhiệm.
© Đàn Chim Việt Online

No comments:

Post a Comment