Saturday, January 22, 2011

Thơ Con Cóc

Thơ Con Cóc - Thơ Dở Sao Lại Sống Mãi

Trong các sáng tác thơ văn - các bài yếu kém thường bị rơi vào quên lãng. Bài văn, thơ, có dở cách mấy cũng không thể nào lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cho dù được tâng bốc đến tận mây xanh. Thơ, văn dở vẫn là thơ văn dở.

Tuy nhiên, trong số hằng hà sa số các bài thơ văn dở lại để lại một bài thơ dở tận cùng. Cái lạ, là bài thơ dở kia lại sống mãi với thời gian. Bao nhiêu người vẫn nhận định: đây là bài thơ dở nhất trong các bài thơ dở. Bài thơ con cóc là biểu tượng để diễu đời. Bài thơ con cóc để chê bai các người làm thơ dở. Bài thơ dở để khuyên răn mọi người khác chớ làm thơ dở (như thế).
Thế nhưng, vẫn chưa trả lời thỏa đáng: đã là bài thơ dở, sao lại được lưu truyền qua bao thế hệ. Dù biết bao nhiêu người, ai cũng nhìn nhận là bài thơ dở thậm tệ. Nhưng sao ai cũng nhớ ? Để răn đe các người làm thơ, chớ viết thơ theo tinh thần thơ Con Cóc kia. Thơ dở tàn tệ. Một bài thơ con Cóc khác, từ thiền sư Nhật Bản, dạng thơ Bài Cú (Haiku). Ba câu: để tả về cái tĩnh, cái an nhiên.

Ao Sâu
Con Cóc Nhảy
Bõm

Tự nhiên, tôi chợt tỉnh người. Bài thơ dở, bài thơ Con Cóc Việt Nam (khuyết danh):

Con Cóc Trong Hang
Con Cóc Ngồi Đó
Con Cóc Nhảy Đi

Chẳng phải để tả cái an nhiên tự tại kia chăng ? Người làm bài thơ kia, Con Cóc Việt Nam, phải an nhiên nhìn ra con cóc (mãi) trong hang. Con Cóc Tự Tại. Con Cóc Ngồi Đó. Con Cóc An Nhiên. Và rồi con cóc nhảy ra. Thế thôi.
Hay mỗi chính chúng ta cố đang đi tìm cái an nhiên tự tại, vẫn vòng vo trong hỗn loạn cuộc đời. Để rồi than khóc, hân hoan. Để trào ra tâm tư rúng động. Tình do tâm mà ra. Câu kinh còn nguyên vẹn hình hài. Qua bao đời sống. Tâm ở đâu. Sao hoài rúng động. Có an nhiên. Có tự tại ?

Thơ Con Cóc, tự dưng sống mãi. Thơ dở. Sao lại truyền mãi. Sống mãi với cái tự tại an nhiên kia.

Thơ Con Cóc - hai bài thơ lạ lùng .Dở thế mà lại hay.
Old pond
Frog jump-in
Water sound

Mời các bạn đọc bài sau của Natphung do tức bụng sinh thơ:

Trưa vắng
Bõm
Mặt ao lao xao
Lao xao ...

Chỉ vì thiếu có con cóc mà bài Haiku trên đã trở thành thơ con cóc . Than ôi, lại còn nặng mùi nữa , dở thế mà lại hay...


Nguyễn Đăng Tuấn
Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 1)
2007-05-27
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật kỳ này Mặc Lâm xin giới thiệu nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc và tác phẩm Thơ V..V và V..V..trong đó đặc biệt nói về bài thơ "Con Cóc" mà ông chứng minh là một bài thơ không dở như mọi người thường nghĩ từ trước đến nay. Nguyễn Hưng Quốc tên thật Nguyễn Ngọc Tuấn. nguyên quán Quảng Nam. Vượt biên đến Pháp năm 1985.



Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Photo courtesy vietbay.com
Ông hiện dạy Ngôn Ngữ, Văn Học, Văn Hoá và Chiến Tranh Việt Nam tại trường đại học Victoria, Úc; nguyên chủ bút tạp chí Việt; một trong những người chủ trương Trung tâm văn học nghệ thuật liên mạng Tiền Vệ.
Ông cũng là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản (1991), Văn Hoá Văn Chương Việt Nam (2002), Nguyễn Hưng Quốc còn là tác giả của nhiều tác phẩm biên khảo có giá trị về văn học Việt Nam trong đó được nhiều người biết đến nhất là tác phẩm Văn Học Việt Nam Từ Điểm Nhìn Hậu H(i)ện Đại (2000).
Là một nhà biên khảo và phê bình văn học Việt Nam được xem là nổi bật nhất hiện nay, Nguyễn Hưng Quốc thường đưa ra những bài viết có tính đột phá, đào sâu vào những lập luận mà các trường phái phê bình văn học trên thế giới thường áp dụng để tìm ra một hướng cảm thụ văn học mới và từ đó hướng người đọc lẫn người viết tránh bớt những lối mòn mà văn học Việt Nam đã đi gần một thế kỷ qua.
Sau đây là buổi nói chuyện quanh đề tài nói về bài thơ Con Cóc giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Bài phỏng vấn này được phát làm hai kỳ và đây là phần đầu mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa anh, một trong những đề tài văn học được bàn cãi sôi nổi trong vài năm trước đây khi cả trong và ngoài nước tập trung vào bài viết "Thơ Con Cóc " của anh. Bỏ qua những chuyện chê khen, tôi đề nghị xin anh cho biết ý tưởng này có phải phát xuất từ mục đích luôn vận động làm mới cách cảm thụ mỹ học nói chung và văn học nói riêng?
Nguyễn Hưng Quốc: Thưa anh để cho chính xác tôi xin thưa là cái bài viết về thơ Con Cóc thật ra được in từ năm 1994 sau đó được in trong quyển Thơ V...V... và V...V...in năm 1996 tức là cách đây hơn 10 năm rồi. Khi nó mới xuất hiện bài viết về bài thơ Con Cóc của tôi được tranh luận rất ồn ào không những ở hải ngoại mà còn trong nước nữa.
Về phương diện lý luận mà nói chuyện gì trở thành điển hình thì không thể dở được ngay khi nó điển hình về cái dở thì cũng là sự thành công, kiểu như Nam Cao mô tả Thị Nở cũng là một sự thành công về nghệ thuật.
Nó tạo ra cái gọi là trận địa Con Cóc trên nhiều tạp chí văn học. Tuy nhiên suốt thời gian vừa rồi những cuộc tranh cãi ồn ào có lắng xuống nhưng những ý kiến bất đồng đây đó vẫn còn đây là lý do khiến tôi cho tái bản lại cuốn sách trong đó có bài Thơ Con Cóc. Lần này thì tôi tập trung hẳn vào bài thơ Con Cóc và những bài lý thú văn học tập trung chung quanh bài thơ này.
Riêng cái câu hỏi của anh thì hoàn toàn đúng. Vấn đề diễn dịch và đánh giá bài thơ Con Cóc thì nằm trong một ý định chung nó bao quát hơn, lớn hơn đó là nổ lực vận động để đổi mới văn học Việt Nam. Lúc nào tôi cũng cảm thấy văn học Việt Nam loay hoay bế tắc. Ở trong nước đã bế tắc ở hải ngoại cũng bế tắc. Không thể thoát khỏi sự bế tắc ấy nếu chúng ta không đổi được cách viết.
Mặc Lâm: Trở lại ý tưởng của anh về bài thơ Con Cóc, bắt đầu từ luận cứ cho rằng nếu dở thì bài thơ này không thể tồn tại một thời gian lâu như thế. Cứ tạm đồng ý với anh về điểm này, tuy nhiên, đào sâu hơn về những cái hay của bài thơ thì điều gì sẽ xảy ra nếu chịu khó nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau?
Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, có lẽ trước hết chúng ta phải nhắc lại bài thơ con cóc, bài thơ đó thì đơn giản tôi nghĩ rằng ai cũng biết nhưng để giúp dễ theo dõi thì tôi xin đọc lại bài thơ đó:
Con cóc trong hang Con cóc nhảy ra Con cóc nhảy ra Con cóc ngồi đó Con cóc ngồi đó Con cóc nhảy đi.
Để phân tích bài thơ này tôi xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ nhất là từ khía cạnh lịch sử, theo tôi thì người ta không thể tìm ra được một bài thơ nào dở mà lại bất tử như bài thơ con cóc.
Hàng triệu bài thơ dở không thể tồn tại với thời gian bởi vậy nếu cho bài thơ Con Cóc là một bài thơ dở như vậy chúng ta chấp nhận nó như một ngoại lệ. Thật ra, cái ngoại lệ ấy rất ít khả năng xảy ra và không đủ sức thuyết phục.
Mặc Lâm: Thưa anh nếu tôi nhớ không lầm thì có ý kiến cho rằng chẳng những bài thơ Con Cóc được xem là dở mà nó còn điển hình của cái dở nữa, người ta thường lấy nó ra để đồng hóa với những bài thơ dở, anh nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Hưng Quốc: Về phương diện lý luận mà nói chuyện gì trở thành điển hình thì không thể dở được ngay khi nó điển hình về cái dở thì cũng là sự thành công, kiểu như Nam Cao mô tả Thị Nở cũng là một sự thành công về nghệ thuật.
Nếu bài thơ Con Cóc là một bài thơ hay thật thì quan hệ giữa nó và ý nghĩa bài thơ như thế nào? tôi muốn nói tới nhà phê bình. Đâu là giới hạn của nhà phê bình, cách diễn dịch như vậy có hiệu quả gì...nó liên quan tới việc viết và việc đọc. Nó liên quan đến văn học là lịch sử của điều viết hay những điều được đọc v..
Mặc Lâm: Thưa anh ngoài vấn đề anh vừa nêu là yếu tố tồn tại với thời gian, yếu tố điển hình đã làm bài thơ Con Cóc được để ý còn có yếu tố nào thuyết phục hơn chẳng hạn như âm thanh, kết cấu, từ vựng hay thậm chí sự thô tháp của bài thơ?
Nguyễn Hưng Quốc: Nếu chúng ta đọc bài thơ con cóc thật chậm, đọc từ từ một cách nhẹ nhàng, sâu lắng thì chúng ta sẽ dần dần phát hiện ra bài thơ có nhiều cái hay cái đặc sắc lắm. Những đặc sắc này thể hiện qua nhiều phương diện từ kết cấu, từ vựng cũng như nhạc điệu...
Mặc Lâm: Cho tới lúc này thì tôi cảm thấy bị anh thuyết phục hơi nhiều...nhưng thưa anh cái cốt lõi ở đây vẫn là một điều gì đấy quan trọng hơn bản thân sự hay hay không hay của bài thơ mà anh muốn hướng tới phải không?
Nguyễn Hưng Quốc: Nếu bài thơ Con Cóc là một bài thơ hay thật thì quan hệ giữa nó và ý nghĩa bài thơ như thế nào? tôi muốn nói tới nhà phê bình. Đâu là giới hạn của nhà phê bình, cách diễn dịch như vậy có hiệu quả gì...nó liên quan tới việc viết và việc đọc. Nó liên quan đến văn học là lịch sử của điều viết hay những điều được đọc v..v. .
Mặc Lâm: Anh vừa cho là cách cảm thụ và phê bình một bài thơ qua sự diễn dịch của nhà phê bình hay người thưởng ngoạn làm tôi liên tưởng đến sự thưởng ngoạn một bức tranh trừu tượng vậy, người xem hoàn toàn có quyền suy tưởng theo cảm nhận của mình hay nói một cách khác là có thể sáng tác lại một lần nữa bên cạnh tác giả. Tuy nhiên trong lĩnh vực văn học tính chất diễn dịch này có làm sai lệch đi những mấu chốt chính của tác giả hay không?
Nguyễn Hưng Quốc: Đó là điều mà các nhà nghiên cứu lý luận vẫn thường đặt ra. Người ta đặt ra những câu hỏi như: Ý tưởng của bài thơ có phải là ý tưởng của tác giả hay không? thì hầu như cho đến bây giờ thì mọi nhà lý thuyết văn học đều nghi ngờ cái nhận định ấy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc. Xin quý thính giả tiếp tục theo dõi phần hai cũng trên chủ đề này trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật sẽ được phát vào tuần tới.
Bài thơ Con Cóc qua nhận định nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc (phần 2)
2007-06-03
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật kỳ này Mặc Lâm xin mời quý vị tiếp tục theo dõi buổi nói chuyện với nhà phê bình và lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc về bài thơ "Con Cóc" mà ông chứng minh là một bài thơ không dở như mọi người thường nghĩ từ trước đến nay.


Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Photo courtesy vietbay.com
Tưởng cũng nên nhắc lại, Nguyễn Hưng Quốc là một nhà biên khảo và phê bình văn học Việt Nam được xem là nổi bật nhất hiện nay, ông thường đưa ra những bài viết có tính đột phá, đào sâu vào những lập luận mà các trường phái phê bình văn học trên thế giới thường áp dụng để tìm ra một hướng cảm thụ văn học mới và từ đó hướng người đọc lẫn người viết tránh bớt những lối mòn mà văn học Việt Nam đã đi gần một thế kỷ qua.
Bài viết về bài Thơ Con Cóc cũng nằm trong ý hướng này. Sau đây là buổi nói chuyện quanh đề tài nói về bài thơ Con Cóc giữa chúng tôi và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Đây là phần thứ hai và cũng là phần cuối mời quý vị theo dõi.
Mặc Lâm: Thưa anh lần trước anh đã nói về những khía cạnh độc đáo khiến bài thơ Con Cóc không những trở thành gần như bất tử mà còn có khả năng dẫn người đọc đến những cảm nhận thẩm mỹ văn học rất khác so với từ trước đến nay.
Việc dẫn giải và minh chứng có tính cách mở ra những suy tư rộng hơn trước một tác phẩm gây cho người nghe buổi nói chuyện của chúng ta có cảm giác là việc cảm nhận bài thơ này của anh giống như cách mà trào lưu Dada kêu gọi thay đổi cảm nhận thẩm mỹ mà điển hình nhất là tác phẩm Fountain của Marcel Duchamp năm 1917? Không biết anh có cảm thấy vấn đề có liên quan với nhau hay không anh?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Có thể liên quan ít nhiều, xa xôi anh ạ. Xin nhắc lại tác phẩm này cho tiện theo dõi. Đó chỉ là cái buồng tiểu được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật rồi sau đó nó biến mất. Cái mà chúng ta còn là hiện nay chỉ là một bức ảnh chụp lại.
Dĩ nhiên không ai nói cái buồng tiểu ấy đẹp nhưng vấn đề chính khi đem cái buồng tiểu như thế vào một phòng triển lãm quốc tế trưng bày như một tác hẩm nghệ thuật thì chính cái hành động ấy được xem như một sự sáng tạo quan trọng.
Có thể liên quan ít nhiều, xa xôi anh ạ. Xin nhắc lại tác phẩm này cho tiện theo dõi. Đó chỉ là cái buồng tiểu được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật rồi sau đó nó biến mất. Cái mà chúng ta còn là hiện nay chỉ là một bức ảnh chụp lại.
Mặc Lâm: Anh vừa nhắc đến cái đẹp mà trào lưu Dada muốn diễn đạt có ảnh hưởng sâu sắc đến cả khái niệm thẩm mỹ của thế kỷ vừa qua khiến tôi liên tưởng đến tác phẩm The Gift (Tặng Vật) 1921 của Man Ray trong tác phẩm này người xem như bị điện giật khi nhìn thấy chiếc bàn ủi được gắn thêm những chiếc đinh nhọn bên dưới tạo cảm giác bất an, mâu thuẩn và rất kinh dị so với những chiếc bàn ủi bình thường.
Vẻ đẹp mà anh cho là trần trụi, gai góc trong bài thơ Con Cóc có liên quan gì với hình ảnh chiếc bàn ủi của Man Ray hay không, thưa anh?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Trực tiếp thì chắc là không nhưng gián tiếp thì thể nào cũng có, tác phẩm tặng vật mà anh vừa nói cũng như tác phẩm cái buồng tiểu của Marcel Duchamp cũng như những bài thơ chắp nối của trào lưu Dada đã được nhiều nhà phê bình chấp nhận có lẽ tôi cũng là người ít nhiều chịu ảnh hưởng của cái nhìn như vậy từ đó tôi phát hiện ra bài thơ Con Cóc không trực tiếp nhưng có lẽ nó cũng nằm trong quỹ đạo đó.
Mặc Lâm: Trong lời nói đầu của tác phẩm Thơ Con Cóc và Những Vấn Đề Khác vừa được xuất bản, anh có viết rằng Trong chừng mực nào đó, cũng có thể nói mỗi lý thuyết mới, mỗi trào lưu mới là một thí nghiệm mới, một cách sai mới: ít nhất là trong lãnh vực văn học, anh tin những cái sai mới ấy có giá trị hơn hẳn những cái “đúng”cũ.
Điều này chứng tỏ anh vừa cẩn trọng vừa quyết đoán trong việc đưa ra một cách nghĩ mới cho văn học. Cho tới nay sau nhiều năm anh có gì bổ xung thêm cho vấn đề này không?
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: Trong các cuộc tranh luận phần lớn trong chúng ta cứ tranh phần thắng thôi, cứ tự xem mình là duy nhất đúng nhưng chỉ cần nhìn lại lịch sử của nhân loại thì chúng ta sẽ thấy nó không có cái duy nhất như vậy. Lịch sử nhân loại đầy những sai lầm đầy những thí nghiệm.
Riêng trog lĩnh vực văn học lại càng không có cái duy nhất đúng như vậy. Các trào lưu và tường phái văn học liên tục phủ định nhau. Những phát hiện và những thành tựu lớn của chủ nghĩa Cổ Điển, chủ nghĩa Tân Cổ Điển, Lãng Mạn, Hiện Thực....vẫn còn đó những giá trị kinh điển...bởi vậy chúng ta không nên mơ tưởng đạt đến một cái đúng tuyệt đối. Nó hấp dẫn nhưng thật ra điều đó không có thật.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc về buổi nói chuyện ngày hôm nay.

No comments:

Post a Comment