Saturday, January 29, 2011

Món nhân quyền tại Bạch Ốc

Obama, Hồ và món nhân quyền tại Bạch Ốc
Đinh Từ Thức Chia sẻ - ShareThis ♦ 1 bình luận ♦ 25.01.2011
Tổng thống Obama bắt tay Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Winfield House, gia thất của Đại sứ Mỹ ở Luân Đôn, Anh quốc, ngày 1 tháng 4 năm 2009

Dư luận đã nói nhiều tới chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ Tịch Trung Quốc, cũng như bàn tán về bữa quốc yến ông Obama thiết đãi ông Hồ Cẩm Đào tại Bạch Ốc tối 19 tháng 1.
Quốc yến thường là dịp hiếm có, và là danh dự cho người được mời. Nhưng cũng có khi, vì lý do tế nhị, người được mời đã kiếm cớ từ chối. Đó là trường hợp của ba trong bốn nhà lãnh đạo Quốc Hội thuộc cả hai đảng. Tại Thượng Viện, Nghị sĩ Harry Reid, lãnh tụ khối đa số Dân Chủ, từng gọi Hồ Cẩm Đào là nhà độc tài, đã từ chối dự quốc yến. Lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa là Nghị sĩ Mitch McConnell cũng không tham dự.
Tại Hạ Viện, tân chủ tịch là Dân Biểu Cộng Hòa John Boehner đã từ chối, chỉ có cựu chủ tịch và hiện là trưởng khối Dân Chủ thiểu số, bà Nancy Pelosi, tuy thường chỉ trích nặng nề thành tích nhân quyền tại Trung Quốc, và tích cực ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng đồng ý tham dự.
Sở dĩ các nhà lãnh đạo quốc hội cùng đảng với ông Obama cũng từ chối tham dự, vì có nhiều dị nghị về quốc yến dành cho ông Hồ Cẩm Đào. Lần đầu tiên khi ông Hồ tới đây năm 2006, Tổng thống George Bush lúc bấy giờ đã không đãi quốc yến, mà chỉ mời ăn trưa. Có người cho rằng, quốc yến của một nước dân chủ, chỉ nên dành để thiết đãi nguyên thủ một nước bạn dân chủ. Ông Hồ Cẩm Đào, tuy là quốc trưởng một nước lớn, nhưng không do dân bầu theo đường lối dân chủ. Một dân biểu Cộng Hòa đã so sánh ông Hồ Cẩm Đào với các vị hoàng đế thời trước.
Riêng với ông Obama, việc thiết quốc yến ông Hồ còn có một điểm khó xử. Ông Obama là khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình năm 2009, nay đứng ra thiết quốc yến ông Hồ Cẩm Đào, người bỏ tù ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 2010, chẳng hóa ra biệt đãi kẻ thù của người cùng hội đồng thuyền với mình.
Ông Patrick Mahoney, bên cạnh ảnh của Lưu Hiểu Ba, là thành viên của nhóm Christian Defense Coalition (Hiệp hội Bênh vực Tín đồ Ki tô Giáo). Ông bị cảnh sát bắt giữ trước tòa Bạch ốc ngày 18 tháng 1 năm 2011 trong cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống Obama đặt vấn đề với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về sự vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc

Bài này không nhằn mục đích đào sâu về quốc yến, mà chỉ muốn nói về món nhân quyền đã được dọn, và thưởng thức như thế nào tại cuộc họp báo trưa 19 tháng 1, từ 12:27 đến 2:35 tại Đông Phòng (East Room), Bạch Ốc.
Cuối năm 2009, trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh của ông Obama, cũng có họp báo, nhưng theo kiểu cộng sản Tầu. Ký giả chỉ được nghe hai nhà lãnh đạo đọc lời tuyên bố, rồi ký giả Tầu về viết bài ca tụng, chỗ nào phạm húy như tổng thống Mỹ nói về nhân quyền, thì được lệnh bỏ đi. Nhập gia tùy tục, trong chuyến thăm Mỹ, ông Hồ Cẩm Đào phải chấp nhận họp báo có hỏi đáp, nhưng chỉ giới hạn cho bốn người được hỏi (2 Mỹ, 2 Tầu), không được trực dịch (simultaneous), mà phải dịch xen kẽ (consecutive).
Trong lời tuyên bố, ngoài các vấn đề khác, về nhân quyền, ông Obama nói (1):
Tôi tái xác nhận cam kết nền tảng của Hoa Kỳ về nhân quyền phổ quát của mọi người. Điều này gồm cả những nhân quyền căn bản như tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, quyền lập hội và biểu tình, và tự do tôn giáo – những quyền đã được thừa nhận trong hiến pháp Trung Quốc. Như tôi đã nói trước đây, Hoa Kỳ lên tiếng cho những tự do này, và nhân phẩm của tất cả mọi người, không phải chỉ vì nó là một phần của những người Mỹ như chúng tôi, nhưng chúng tôi làm như vậy vì chúng tôi tin tưởng rằng bằng cách giữ gìn những quyền phổ quát này, tất cả các dân tộc, kể cả Trung Quốc, cuối cùng sẽ được thịnh vượng và thành đạt hơn.
Vì thế, hôm nay, chúng tôi thỏa thuận tiến tới với cuộc đối thoại chính thức của chúng tôi về nhân quyền. Chúng tôi đồng ý về những trao đổi mới để phát huy việc cai trị theo luật pháp. Và ngay cả khi Hoa Kỳ thừa nhận rằng Tây Tạng là một phần của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ thêm đối thoại giữa chính quyền Trung Quốc và đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết những quan tâm và dị biệt, kể cả việc bảo tồn tín ngưỡng và văn hóa riêng của nhân dân Tây Tạng.
Ông Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng tuyên bố tiếp theo ông Obama, nhưng hoàn toàn không đề cập tới nhân quyền hay Tây Tạng. Coi như hai món này không hợp với khẩu vị Trung Quốc.
Sang phần hỏi đáp, ký giả Ben Feller của Associated Press được ông Robert Gibbs, phát ngôn viên Bạch Ốc mời mở đầu. Câu hỏi của Feller về nhân quyền, dành cho cả hai. Phần cho Obama:
Xin ông giải thích cho dân chúng Mỹ làm thế nào Hoa Kỳ có thể hợp tác với một nước đã được biết là họ đối xử với dân của họ rất tệ, như dùng kiểm duyệt và sức mạnh để đàn áp dân nước họ? Ông có chút tin tưởng nào rằng kết quả của cuộc thăm viếng này sẽ đem lại thay đổi?
Phần dành cho ông Hồ:
Xin dành cho Chủ Tịch Hồ cơ hội để đáp lại vấn đề nhân quyền này. Ông biện minh thế nào về thành tích nhân quyền của Trung Quốc, và ông có nghĩ rằng chuyện này có ăn nhằm gì tới dân chúng Hoa Kỳ không?
Sau đây là phần trả lời của ông Obama:
Trung Quốc có một chế độ chính trị khác với chế độ của chúng ta. Trung Quốc đang ở một tầm mức phát triển khác với chúng ta. Chúng ta có nguồn gốc từ những nền văn hóa và lịch sử rất khác nhau. Nhưng, như tôi đã nói trước đây và tôi lập lại với Chủ Tịch Hồ rằng, người Hoa Kỳ chúng tôi có một vài cái nhìn cốt lõi về tính phổ quát của một số quyền nào đó – tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp – những quyền chúng tôi nghĩ là rất quan trọng và vượt trên văn hóa.
Tôi đã rất thẳng thắn với Chủ Tịch Hồ về những vấn nạn này. Thỉnh thoảng, chúng là nguồn gốc sự căng thẳng giữa hai chính quyền. Nhưng những gì tôi tin tưởng cũng giống như những gì tôi nghĩ là bảy vị Tổng Thống tiền nhiệm của tôi cũng tin như vậy, đó là chúng ta có thể can dự và thảo luận về những vấn đề này theo đường lối trung thực và thẳng thắn, nhắm vào những địa hạt chúng ta đồng ý, trong khi công nhận rằng có những địa hạt chúng ta bất đồng.
Và tôi muốn nêu ra rằng đã có một sự tiến bộ tại Trung Quốc trong 30 năm qua, kể từ khi bắt đầu bình thường hóa liên lạc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Và tôi mong rằng trong 30 năm tới chúng ta cũng sẽ thấy tiến bộ xa hơn và thay đổi nhiều hơn.
Vì thế, điều tôi tiếp tục làm sẽ là tán dương thành tựu lạ thường của nhân dân Trung Quốc, nền văn minh phi thường của họ; nhiều lãnh vực trong đó chúng ta phải cộng tác không phải vì ích lợi của đất nước chúng ta nhưng cũng vì ích lợi của cả thế giới; thừa nhận rằng chúng ta sẽ có những khác biệt và nói một cách thành thực, tôi nghĩ đối tác nào cũng cần phải thành thật khi đến lúc chúng ta phải nhìn các vấn nạn này như thế nào.
Và vì thế, thẩm định thẳng thắn và thành thật đó về phía chúng ta sẽ tiếp tục. Nhưng nó không cản trở chúng ta trong việc hợp tác về các lãnh vực khác cực kỳ quan trọng.
Sau khi ông Obama trả lời phần câu hỏi của mình, con mắt mọi người đổ dồn vế phía ông Hồ, đợi ông biện minh về thành tích nhân quyền của Trung Quốc. Nhưng ông không nói gì cả. Thấy lạ, mọi người chỉ còn biết trao đổi ánh mắt hoang mang. Kế tiếp là tới phiên người đặt câu hỏi thứ nhì, phía khách. Đó là một nữ ký giả thuộc đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Đây là loại câu hỏi không phải để chất vấn, mà theo ngôn ngữ làng báo VN trước kia, gọi là câu hỏi “cò mồi”, chẳng có gì đáng nói.
Lại tới phiên phía Mỹ đặt câu hỏi. Ông Gibbs mời ký giả Hans Nichols của hãng Bloomberg. Anh này trước khi đặt câu hỏi mới, đã cắc cớ nhắc lại câu hỏi cũ mà ông Hồ đã lờ đi:
Thưa Chủ Tịch Hồ, trước tiên, đồng nghiệp của tôi đã hỏi ông một câu về nhân quyền, mà ông đã không trả lời. Tôi không hiểu liệu chúng tôi có được trả lời về câu đó không?
Ông Hồ trả lời:
Trước hết, tôi muốn làm sáng tỏ, vì trục trặc kỹ thuật và dịch thuật, tôi đã không được nghe câu hỏi về nhân quyền. Điều tôi được biết là ông ấy đã hỏi một câu dành cho Tổng Thống Obama. Khi ông nêu câu hỏi này, và tôi đã nghe được rõ ràng, chắc chắn là tôi trong tư thế để trả lời câu hỏi đó.
Tổng Thống Obama và tôi đã gặp nhau tám lần. Mỗi lần gặp, chúng tôi đã trao đổi sâu xa quan điểm của chúng tôi một cách thẳng thắn về những vấn đề có ích lợi chung và về những vấn đề quan tâm của mỗi bên. Và trong những vấn đề chúng tôi đã đề cập tới, chúng tôi cũng thảo luận cả về nhân quyền.
Trung Quốc luôn cam kết về việc tôn trọng và phát huy nhân quyền. Và về mặt nhân quyền, Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều tiến bộ to lớn, được công nhận rộng rãi trên thế giới.
Trung Quốc thừa nhận và cũng tôn trọng tính phổ quát của nhân quyền. Và cùng lúc, chúng tôi tin rằng chúng tôi cũng cần phải kể tới sự khác biệt và hoàn cảnh quốc gia khi nói tới giá trị phổ quát của nhân quyền.
Trung Quốc là một nước đang mở mang với một dân số khổng lồ, và cũng là một nước đang mở mang trong tình trạng cải tổ nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh này, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với nhiều thử thách về phát triển kinh tế và xã hội. Và hãy còn rất nhiều việc cần phải làm tại Trung Quốc về mặt nhân quyền.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thăng tiến cuộc sống của người dân Trung Quốc, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc phát huy dân chủ và cai trị theo luật pháp tại nước chúng tôi. Cùng lúc, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục trao đổi và đối thoại với các nước khác về mặt nhân quyền, và chúng tôi cũng sẵn sàng học hỏi lẫn nhau về phương cách thực hành tốt đẹp.
Như Tổng thống Obama vừa nói rất đúng, mặc dầu có những bất đồng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền, Trung Quốc vẫn sẵn sàng can dự vào đối thoại và trao đổi với Hoa Kỳ trên căn bản tương kính lẫn nhau và trên nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.Theo cung cách này, chúng tôi sẽ có thể tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu bất đồng, và gia tăng lãnh vực chung.
Câu trả lời của ông Hồ không dở, còn lời nói của ông có đi đôi với việc làm không, đó là chuyện khác. Nhưng phải nghĩ thế nào về việc “trục trặc kỹ thuật” khiến ông Hồ không nghe được câu hỏi đầu về nhân quyền? Theo chính lời ông, thì ông có nghe được phần câu hỏi dành cho ông Obama, nhưng chỉ không nghe được phần dành cho ông. Sao kỳ vậy? Bốn mươi hai năm trước, khi dânTrung Quốc còn đang đói dài, và đám nhóc tì thế Đảng hành đạo dưới chiêu bài Cách Mạng Văn Hóa muốn giết ai thì giết, kỹ thuật của Hoa Kỳ đã cao tới mức cho người đáp xuống mặt trăng, không trục trặc. Bây giờ Trung Quốc đang tranh ngôi anh chị thế giới, chế được cả máy bay tàng hình đem dọa Mỹ trước chuyến đi của ông Hồ, vậy mà có thể nói cái hệ thống âm thanh của Bạch Ốc nó trục trặc. Mỹ là đồ bỏ, hay ông Hồ nói dối không ngượng?
Nếu ông Hồ không nói dối, thì chính ông cũng bị những thứ như Tô Huy Rứa hay Đinh Thế Huynh của Đảng Tầu Cộng trong phái đoàn đã bịt tai, bịt miệng ông.
Hôm sau cuộc họp báo, Tham vụ báo chí Bạch Ốc Robert Gibbs đã khoe rằng, việc ông Hồ tự nhận và nói ra “còn rất nhiều việc cần phải làm tại Trung Quốc về mặt nhân quyền” là một điều đáng kể, vì từ trước tới nay, chẳng có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào chịu nói như thế. Nhưng theo một bài báo của New York Times (2), ông Hồ không hề nhượng bộ chút nào cả, vì Trung Quốc định nghĩa nhân quyền theo cách riêng của họ. Theo một tuyên bố của họ gửi cho Liên Hiệp Quốc năm 2008, thì nghèo, đói, bệnh tật, chiến tranh, thực phẩm là những đe dọa cho nhân quyền. Họ không hề đề cập tới những quyền về chính trị. Theo tài liệu “Tiến bộ về nhân quyền tại Trung Quốc” từ 2009, họ đã nói rằng: “Vì phát triển không đầy đủ và thiếu thăng bằng, hãy còn rất nhiều chỗ để tiến bộ về các điều kiện nhân quyền”.
Về giá trị phổ quát của nhân quyền, hai đoạn của bài báo trên NYT có thể tạm dịch như sau:
Sau cùng, một số giới chức Mỹ và những người theo dõi tình hình Trung Quốc đã bắt được lời nói của ông Hồ vào Thứ Năm rằng Trung Quốc chấp nhận “giá trị phổ quát” (universal value) của nhân quyền. Điều này cho thấy một sự thay đổi trong chính sách chính thức; cho đến nay, truyền thông nhà nước vẫn lên án quan niệm rằng nhân quyền là một giá trị phổ quát, bác bỏ nó như là một tin tưởng của Tây phương không phù hợp với Trung Quốc.
Nhưng sự thật, đó là người thông dịch của ông Hồ, không phải Chủ Tịch Trung Quốc, đã thốt ra mấy chữ “universal value” (giá trị phổ quát). Về sau mới vỡ lẽ, điều ông Hồ thực sự nói là “nguyên tắc phổ quát” (universal principle) – một thứ ngôn ngữ rập khuôn lấy làm nền cho chính sách không suy chuyển của Trung Quốc.
Chuyện trục trặc xẩy ra ở Bạch Ốc, chẳng hiểu sự thật thế nào, nhưng tại Trung Quốc, rõ ràng cả hai ông Hồ Cẩm Đào và Barack Obama đều bị bịt miệng.
Theo bài báo của ký giả Keith B. Richburg viết từ Bắc Kinh (3), đăng trên Washington Post ngày 20 tháng 1 thì “Công chúng Trung Quốc đã bị giữ trong bóng tối những điều ông Hồ công nhận về nhân quyền” (Chinese public kept in the dark on Hu Jintao’s human rights admission). Bài báo viết:
Bản tường trình trên TV của BBC đang chiếu cảnh từ cuộc họp báo hôm thứ Tư của hai ông Obama – Hồ tạị Bạch Ốc, về đề tài nhậy cảm nhân quyền. Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu nói: “Vẫn còn nhiều việc cần phải làm…”
Rồi bàn tường trình TV thành đen ngòm.
Bản tin cho biết tiếp, truyền thông quốc doanh Trung Quốc đã trình bầy rầm rộ về chuyến đi của ông Hồ, nhưng thiếu vắng trên truyền thông chính thức của Trung Quốc, cũng như các hãng truyền thông nước ngoài (bị kiểm duyệt), là phần nói về nhân quyền.
Lần sau, nếu có dịp hỏi ông Obama về nhân quyền, ký giả Ben Feller cần đổi lại câu hỏi của mình:
“Xin ông giải thích cho dân chúng Mỹ làm thế nào Hoa Kỳ có thể hợp tác với một nước đã được biết chẳng những họ đối xử rất tồi tệ với dân nước họ, như bịt miệng và dùng sức mạnh để đàn áp, họ còn kiểm duyệt cả chủ tịch nước họ, và tổng thống nước ngoài như ông?”
————————
Tài liệu tham khảo:
1- Transcript của Bạch Ốc về cuộc họp báo:
http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2011/01/19/press-conference-president-obama-and-president-hu-peoples-republic-china
2- Bài báo của The New York Times: Chinese Leader Gets Ride on Chicago’s Big Shoulders,
http://www.nytimes.com/2011/01/22/world/asia/22hu.html?_r=2&ref=politics
3- Bài báo của Washington Post: Chinese public kept in the dark on Hu Jintao’s human rights admission,
http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2011/01/20/AR2011012001386.html?hpid=topnews

No comments:

Post a Comment