Saturday, January 29, 2011

Chủ nghĩa tập thể và tự do cá nhân

Chủ nghĩa tập thể và tự do cá nhân
Nước Việt Nam ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hình thành từ nền văn minh sông Hồng-nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước cách đây hơn bốn ngàn năm.Từ nhu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và trị thủy, tổ tiên ta đã hiểu được tầm quan trọng của sự quần cư đoàn kết của các nhóm người Việt. Rồi sau khi giành được độc lập từ tay người Hán, người Việt đã lần lượt xây dựng những triều đại phong kiến tập quyền ở trung ương, cùng với sự cổ súy và thiết chế hóa các giá trị văn hóa và luân lý Khổng Nho với tư tưởng quy tụ và “đại nhất thống”. Từ hoàn cảnh ấy, trên tất cả, chủ nghĩa tập thể đã ăn sâu vào dân tộc tính của người Việt chúng ta.
Văn hóa Khổng Nho là một hệ thống các giá trị triết học và luân lý xem xét các cá nhân con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chủ trương xây dựng một xã hội ổn định và “đại nhất thống” mang đặc điểm của chủ nghĩa tập thể. Mỗi cá nhân có nghĩa vụ phục tùng xã hội và tất cả những giá trị vinh danh cái toàn thể. Trong nền luân lý ấy, cá nhân không phải là một chủ thể độc lập được tự do định đoạt, tự do ý chí mà chỉ là một cá thể nhỏ bé phụ thuộc và phục vụ cái tập thể “cao quý” hơn; tập thể đó có thể là gia đình, là đẳng cấp hay lớn hơn là quốc gia. Mọi mưu cầu cho cá nhân, khác biệt với luân lý tập thể đều bị xem là tiêu cực, là ích kỷ. Mọi luân lý khác biệt với luân lý nguồn chính đều không được chấp nhận. Ở đó không có chỗ cho sự đứng lên tranh biện đúng sai mà chỉ có sự chấp nhận. Mọi người từ khi được sinh ra đã tự nhiên bị trói buộc trong ba mối quan hệ (tam cương) với những giá trị luân lý bắt buộc, không thể thay đổi. Để đảm bảo cho những giềng mối xã hội ấy được ổn định, triết lý Nho giáo chủ trương mỗi người phải có bổn phận thực hiện đúng những chuẩn mực sẵn có. Trong nền văn hóa ấy, mỗi cá nhân là những thực thể yếu đuối, không đủ sức để tạo ra những khác biệt đáng kể chứ chưa nói đến đối lập với tư tưởng dòng chính, một phần do sự chế tài của quyền lực chính trị còn phần kia là do sự áp đảo của sức mạnh ý chí tập thể.
Sự đồng thuận và hòa hợp giữa cá nhân và xã hội (như Khổng tử cổ võ) tất nhiên là điều tốt, nhưng nó thực sự là điều không phù hợp với tự nhiên. Mãi mãi không bao giờ tồn tại một xã hội mà ý chí mọi cá nhân đều phù hợp với nhau và phù hợp với toàn thể xã hội. Vì thế dùng sức mạnh chế tài của Nhà nước hay sức mạnh của ý chí tập thể để duy trì sự hòa hợp ấy thì đây là điều đồng nghĩa với sự phủ nhận phẩm giá con người.
Tôi viết những điều này không nhằm tập trung sự đả kích vào Nho giáo; nêu lên mặt hạn chế của một vấn đề không phải là phủ nhận mọi mặt tích cực của nó. Hơn ai hết, tôi luôn đặt một niềm hi vọng rằng thế hệ trẻ chúng ta sẽ là những người nhận chân được cả hai mặt tốt xấu của những giá trị truyền thống, những giá trị đặc trưng Á Đông mà dân tộc ta đã chia sẻ mấy ngàn năm qua, để định hướng và phác thảo cho những giá trị tương lai, phù hợp với hoàn cảnh mới. Nếu không làm được điều này thì chúng ta khó lòng tiếp thu những giá trị mới, những giá trị nâng đỡ cho nền tảng của một Việt Nam tự do dân chủ sau này.
Dân tộc ta đã thăng trầm trong ảnh hưởng lớn của nền văn hóa ấy, chưa từng được trải nghiệm những tư tưởng cởi trói của chủ nghĩa phóng khoáng và sự đề cao tự do cá nhân thì lại bị “hồng hóa” trong hệ tư tưởng cộng sản, cũng là một dạng của chủ nghĩa tập thể. Nhưng ý thức hệ này còn nguy hiểm gấp bội lần khi ở đó cá nhân không những không được coi trọng mà còn trở thành con cờ, là phương tiện hi sinh để đạt được cái mục tiêu mang bộ cánh ”tập thể” hay “xã hội”, trong khi nó thực sự chỉ là mục tiêu của một cá nhân hay nhóm cá nhân thống trị. Và cũng thật dễ hiểu khi chủ nghĩa cộng sản không thể tác oai tác quái ở phương Tây mà lại chạy về phương Đông để hoành hành trên những xứ sở thấm nhuần truyền thống tôn sùng “trật tự” và chủ nghĩa tập thể như ở Việt Nam ta. Sự đoàn kết, ”nhất trí’ phục vụ cho “mục tiêu chung” cao cả được cổ súy và nếu cần thì bị áp đặt bằng võ lực đã tiêu diệt mọi ước muốn tranh biện, và lòng khát khao có được quyền tự do cá nhân. Đoàn kết và thống nhất luôn là chiêu bài để ngăn chặn sự “phân hóa”, hay “phân chia”, vì phân hóa hay phân chia luôn mang ý nghĩa bất ổn, tiêu cực! Bao nhiêu năm sống dưới chế độ phong kiến, thực dân rồi cộng sản,”trật tự” và “chuẩn mực” luôn là một cái gì đó biểu trưng cho sự ổn định và tốt đẹp!?
Người ta-những người Việt Nam chúng ta đã quen với việc tuân phục một sự chỉ đạo từ trên xuống, miễn sao nó mang cái danh hiệu phục vụ cái chung và được đám đông chấp nhận,thì mọi sự kháng cự xuất phát từ cá nhân sẽ là một hành động rồ dại. Đó là cái tâm lý chung của chúng ta. Tôi đang nghĩ đến nguyên nhân vì sao hoài bão và những nỗ lực của nhà cách mạng Phan Chu Trinh gặp vô vàn khó khăn với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, trái ngược với sự mở rộng dễ dàng của tư tưởng cộng sản trong đám đông quần chúng Việt Nam đầu thế kỷ 20. Dân ta có thói quen muốn được người khác sắp đặt chứ không muốn tự nỗ lực!?
Quay trở lại với những hậu quả của chủ nghĩa tập thể, và tư duy giáo điều sâu đậm trong nền văn hóa nước ta. Một minh chứng tiêu biểu và khá rõ ràng cho hậu quả của lối tư duy rập khuôn, thụ động ấy được thể hiện trong nền giáo dục Việt nam đương đại. Ngành giáo dục là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, thế nhưng nền giáo dục nước ta sau bao nhiêu lần “đánh trống khua chiêng” cải cách vẫn “mèo lại hoàn mèo”, vẫn không tạo nên sự khởi sắc đáng kể nào, dù chương trình học cho học sinh phổ thông nặng nề đến ngạt thở và những kỳ thi vào đại học rầm rộ không kém những kỳ thi tuyển vào đại học Harward. Nếu vẫn giữ mãi cái phong cách dạy-học “cho-nhận” thì khó lòng có sự thay đổi nào. Bởi vì giáo dục không phải là sản xuất, giảng dạy không phải là “chế tạo” ra những lớp người với những đặc điểm hình mẫu về đạo đức và trí tuệ tiêu chuẩn nào đó mà là một sự tương tác, một sự gợi mở làm bộc lộ tài năng tiềm ẩn của học sinh. Dạy tốt tức là làm tốt vai trò của người mở khóa giải phóng năng lượng cá nhân, tạo cho học sinh cơ hội khẳng định “cái tôi’. Lãnh hội những giá trị sẵn có là điều cần thiết nhưng tư duy giáo điều, rập khuôn không phải là mảnh đất tốt để biến tài năng trí tuệ thành thành tựu khoa học. Học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn đang cật lực học hành trong một môi trường giáo dục chuộng “quy chuẩn” như thế, để thụ hưởng những giá trị đã sẵn có, đã được công nhận chứ không phải là để phá cách, ”vựơt rào” đến những giá trị mới mẻ. Vì vậy, ở Việt Nam không thiếu học sinh, sinh viên giỏi nhưng thiếu trầm trọng những nhà khoa học thực thụ cùng với những sáng kiến, sáng chế khoa học mang tầm vóc lớn có thể giúp ích cho sự phát triển quốc gia. Đây là cái hậu quả của nền văn hóa và các thiết chế chính trị xã hội không tôn trọng ý kiến cá nhân, và quyền tự do ý chí của cá nhân.
Nhưng đó chỉ là một trong những biểu hiện của căn bệnh nan y của hiện tình nước nhà. Một nền văn hóa kế thừa sự đề cao chủ nghĩa tập thể, trói buộc ý chí cá nhân; một nền chính trị độc tài toàn trị, phủ nhận mọi quyền tự do cá nhân; một nền kinh tế nửa mùa kém sáng tạo, đó là tất cả những gì chúng ta có thể cảm nhận khi “bắt mạch” cho xã hội Việt Nam đương đại.
Người Á Đông ưa chuộng sự ổn định và an toàn, nhưng chỉ có sự mạo hiểm trải nghiệm mới tạo nên sự phát triển của tư duy khoa học. Không ai biết được một điều nào đó là đúng hay sai cho đến khi nó được thực tế kiểm chứng. Con người có thể mắc sai lầm, nhưng chúng ta có thể sửa sai. Vì thế mỗi người xứng đáng được trao cho cơ hội quyết định những việc mình làm, và kết quả sẽ được kiểm chứng, cho họ mạo hiểm và thất bại để tìm ra một con đường mới là cách tốt nhất chứ không phải chỉ cho họ tiếp tục đi con đường cũ để được an toàn, để khỏi thất bại. Sự phát triển của xã hội không cho phép chúng ta luôn bước đi trên nhứng con đường đã được vạch sẵn. Hơn nữa, mỗi người được quyền sống hạnh phúc theo cách riêng của mình mà không phải chịu sự ngăn cản hay “định hướng” nào đó, miễn sao điều này không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác, đó mới là điều hợp với tự nhiên nhất, vì tính đa nguyên của xã hội và là phương pháp tốt đẹp nhất để năng lực cá nhân được thể hiện. Con người sẽ sống và làm việc đạt được hiệu quả tốt nhất theo ý chí và nguyện vọng của chính mình hơn là được ai đó nhân danh Nhà nước hay xã hội chỉ bảo phải làm gì!
Tôi không phải là người theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng thiết nghĩ việc đề cao quyền tự do cá nhân là thực sự cần thiết cho một xã hội hướng đến sự phát triển. Hiểu được tầm quan trọng của quyền tự do cá nhân, chúng ta sẽ có cái nhìn khoan dung hơn đối với những ý kiến và hành vi khác biệt; từ đó sẽ chấp nhận ý kiến phản biện và sự khác biệt với tư duy cởi mở và thái độ ôn hòa. Đó là điều mà Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay nên suy nghĩ và học hỏi một cách nghiêm túc.
Thế giới Tây Âu và những xứ sở tự do ở Đông Á đã tiến những bước dài trên con đường dân chủ hóa và đã đạt được những phát triển toàn diện.Trong khi Việt Nam ta mới lập cập tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo và hiện còn phải đối mặt với biết bao vấn nạn quốc nội và đối ngoại. Dân chủ tự do là câu trả lời thỏa đáng hơn bao giờ hết, nhưng nó không phải là một món hàng, chúng ta không thể đi mua ở Mỹ một chút, ở Pháp một chút, ở Nhật một chút rồi kết hợp lại mà thành. Dân chủ đòi hỏi nỗ lực của mỗi chúng ta. Muốn có một nền dân chủ thì phải có trước hết những con người dân chủ, một con người dân chủ trước hết là người hiểu rõ tầm quan trọng của tự do cá nhân và sự đa nguyên của xã hội. Con người là chủ thể của xã hội, xã hội không thể tiến bộ với những con người yếu đuối, bị kiềm chế và không được tự do ý chí. Những người trẻ thông minh, năng động, có đủ can đảm để thoát ra khỏi cái tư duy “trật tự” và cái bóng tối của chủ nghĩa tập thể đè nặng lên cả nền văn hóa của chúng ta sẽ là những người xây dựng ngôi nhà tự do dân chủ trong tương lai cho một nước Việt Nam vốn đã chịu quá nhiều đau thương, tủi hổ và những khiếm khuyết trong nền văn hóa suốt thế kỷ 20 vừa qua.
© Huỳnh Thục Vy

No comments:

Post a Comment