Saturday, January 29, 2011

Khái Hưng và Hồn Bướm Mơ Tiên

Khái Hưng và Hồn Bướm Mơ Tiên (1896-1947)
Published June 22nd, 2008
(Số 113, ra ngày 20 tháng 06 năm 2008)
2 …”Người đẹp trai…
“-Quái lạ! sao ở vùng nhà quê
lại có người đẹp trai đến thế!”
Khái Hưng (HBMT trang 10)
Tuy “yêu là một luật chung của vạn vật…” (Khái Hưng-Hồn Bướm Mơ Tiên) nhưng đặt vào phạm trù “của vạn vật”, yêu như chỉ Nguồn Tình của Cõi Vạn Vật, được hiểu là Phàm Tục, Phàm Trần!DuyênTình, Duyên Ân Ái của Phàm nhân như được Tục cảnh nhìn như nghịch lý với các Nguồn Đạo Lý, nên Đạo Từ Bi luôn được quan niệm như Nguồn Đạo phải xa lánh tục trần:
-“Thế nào cũng phải xa lánh nơi trần tục!”
(Khái Hưng-HBMT trang 98)
Khi đặt ra hạng từ “lánh xa nơi trần tục”, phải chăng Khái Hưng muốn quán chiếu trong vạn vật thế gian này vẫn có một “Cõi thế” nào riêng tư cho những tha thể muốn vượt thoát cảnh ngộ của mọi duyên tình ân ái phàm trần? Vì nếu chỉ là vật thể “Bướm” hay tha thể “Bướm” thì không thể mơ về một Cõi nào khác,mà chỉ khi thoát qua vật thể, mới có thể xây dựng một Giấc Mơ dù đó chỉ là Giấc Mơ của Hư Ảo, Vọng Tình thoát tục ở một huyền thể ngay trong vật thể thế gian? Phải chăng vì vậy nên mới hướng về “Hồn Bướm” để có thể “Mơ Tiên”,khi xác bướm phàm trần không thể nào vượt qua mọi phạm trù thông lệ của cuộc sống? Cho nên dù thấy mình hóa bướm như Trang Chu, vẫn chỉ là chuyển hóa từ tha thể này sang tha thể khác trong cõi thế này qua tương quan của vọng mộng:
“ Trang Sinh hiểu mộng mê Hồ Điệp
Lý Thương Ẩn (Cầm Sắt)
Qua tương quan của toan tính:
“Tựa gối bên mành toan hóa bướm
Nguyễn Khuyến (Ngán đời)
Hay qua tương quan của môt giấc mơ cổ tích du tình:
“Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
“Kén nhân tài mở Điệp Lang Khoa
“Vua không lấy Trạng vua thề thế
“Con Bướm Vàng tuyền đậu Thám Hoa
Nguyễn Bính-Truyện Cổ Tích
Và dù cuộc du tình hoan lạc đến đâu, Thám Hoa Phò Mã cùng Công Nương cũng lạc lối về, cho nên khi muốn trở lại trần gian, phải được Nguồn Sống ThầnTiên chỉ nẻo:
“Đây về Nước Bướm đường thì xa
“Về tạm nhà ta ngủ với ta
“Có đủ chăn thêu cùng gối gấm
“Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa…
“ Đêm ấy chăn êm và gối êm
“Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên
“Ăn xong thoát chốc liền thay lốt
“Chồng hóa làm anh, vợ hóa em
Nguyễn Bính-Truyện Cổ Tích 1938
Hóa ra Thân Người là huyền nhiệm, và Hồn Bướm trong người chỉ là thể nhịp song đôi để đạt đến cảnh giới ThầnTiên? Và có thể chính phạm trù huyền nhiệm của “Kiếp Người Ta” lại hướng một huyền nhiệm thể người ta khác vọng giấc mơ tiên từ cảnh giới phàm trần:
“Ngọc đi bên cạnh chú tiểu, liếc mắt nhìn trộm nghĩ thầm:
“-Quái lạ! Sao ở vùng nhà quê lại có người đẹp trai đến thế, nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng con gái”
Khái Hưng (HBMT trang 10)
Phẩm chất của bao nhiêu tha thể riêng biệt đã sáng tạo nên một hiện thể “đẹp trai đến thế”: từ “nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo” trong quán nghiệm của Ngọc đi bên cạnh chú tiểu, để tạo nên một huyền nhiệm thể ngay từ “hợp thể” đẹp trai. Tuy nhiên đó mới là ngoại vật, để từ ngoại vật ấy ánh lên nguồn thức tỉnh trầm lặng của con người khi ở các vị thế khác nhau:
“Thốt gặp con người lạ, chú bẽn lẽn hai má đỏ bừng, chắc vì chú tu hành ở vùng quê kệch không trông thấy người vận tây mấy khi nên chú sợ hãi chăng?
“Người kia thấy chú giật lùi lại một bước, thì mĩm cười ngã mũ chào, rồi hỏi:
_Thưa chú, chú làm ơn bảo dùm cho từ đây vào Chùa Long Giáng đường còn xa hay gần?
Chú tiểu tò mò nhìn lữ khách rồi hỏi lại:
_Thưa ông, có phải ông là ông Ngọc không?
_Vâng, chính phải, tôi là Ngọc, tại sao chú biết?
Chú tiểu hai má lại đỏ ửng cúi đầu xuống trả lời:
_Thưa ông, vì mấy hôm nay cụ thường nhắc đến ông và nói ông sắp lên chơi vãn cảnh chùa!”
Khái Hưng (HBMT trang
Từ phẩm chất thanh tú của chú tiểu đồng quê, “nước da trắng mát, tiếng nói dịu dàng, trong trẻo như tiếng con gái”, Khái Hưng có khi lại đưa “giấc mơ Tiên” thành một nhà lực sĩ, cường tráng,mỹ lệ như một pho tượng cổ Hy Lạp:
“Nàng thấy hiện ra một nhà lực sĩ cường tráng, mỹ lệ như một pho tượng cổ Hy lạp. Nàng không lưu ý đến màu da rám nắng, mà chỉ ngắm nghía những nét nhịp nhàng cân đối của một tấm thân thể hoàn toàn. Vọi lại có khuôn mặt đều đặn, cặp mắt hơi xếch và sáng, cái cằm vuông và lồi, khiến chàng nổi hẳn trong bọn dân chài nặng nề, kém thông minh.
Có lẽ sự xét đoán của Hiền cũng bị trí tưởng tượng làm sai đi vài phần. Nhưng một điều chắc chắn là Vọi đẹp, đẹp theo nhà hội họa, nhà điêu khắc, nhà thể thao…”
Khái Hưng-Trống Mái
Hành trình Mơ tiên của Khái Hưng từ “người đẹp trai” của vùng quê chùa Long Giáng đến “Vọi đẹp”, khởi duyên cho Mỹ Cảm sáng tạo từ phẩm chất của những Kiếp người ta, tuy ở những vị thế khác nhau, cách biệt từ trên non đến dưới biển, từ Long Giáng đến hòn Trống Mái vẫn là một Đức Tính của Duyên Tình hướng ngoại từ chính ChânTâm! Và từ Đạo Lý của Chân tâm ấy đã sáng tiếp thêm một nguồn sống mới, không phải ở trên non hay xa xôi tận biển cả, mà chính ở giữa một chốn thị thành:
“Đứng vơ vẩn bên hang giậu giăng, một cô thiếu nữ vào trạc mười bảy, mười tám, chit khăn ngang, vận áo trắng sổ gấu, chân đi ngơ ngác nhìn sân trường,như muốn vào, nhưng dùng dằng lo sợ! Nước da cô trắng xanh, quầng mắt đen sâu hoắm, càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu.
Trong cái mặt trái xoan, má hơi hóp, môi khô khan, chỉ có hai con mắt là có vẻ hoạt động khác nào như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Thoáng trông cô cũng biết cô có điều tư lự.”
Khái Hưng-Nửa Chừng Xuân
Từ các Chân Dung ấy, như đang thấp thoáng “Hồn Bướm” đâu đây, khi Chân Dung nào cũng phải t ừ Đạo Lý của Chân Tâm nội giới, dấn thân vào ngoại cảnh của cuộc trần ai với bao nhiêu nghịch lý của ngoại giới giăng mắc thành những mạng lưới của cõi người ta luôn nghiệt ngã với thân người, nếu không tìm được một Giấc Mơ Tiên để giải thoát.
Dù Giấc Mơ Tiên nào trong thế gian cũng khó tựu thành nơi từng tha thể,hay vượt qua mọi kết hợp của ước nguyện làm người, nhưng đó chính là hành trình của Chân Dung Người Tình hiện thể ngay trong cuộc sống. Người Tình đang hóa hiện thành từng nét Chân Dung trong hữu thể của Kiếp Người Ta, dù Kiếp Người cũng chỉ là hư ảo! Người Tình đang là “người đẹp trai”, đây là người có “những nét nhịp nhàng cân đối…” đang “đẹp theo nhà hội họa…” hay đang có” điều tư lự” dù có hai con mắt…”như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng”
Cho nên “ĐẸP” trong tương quan mỹ cảm của nghệ thuật dường như là một Đức Tính Huyền Nhiệm của CHÂN DUNG”
(Còn Nữa)
Bà Tôi
Published May 26th, 2008
Bà tôi được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Cháu tôi hỏi: “Bà gọi là bà?”
“Ừ, bà gọi là bà, bà nội.”
“Thế bố cháu?”
“Bố cháu là chắt gọi là cụ, cụ ngoại.”
“Còn cháu?”
“Cháu là chút gọi là kỵ…”
Ngừng một lát như để ghi nhớ những điều vừa hỏi, nó tiếp: “Bà ơi, thế kỵ làm gì mà được phong anh hùng?”
“Vì kỵ có một người con trai độc nhất là liệt sĩ!”
“A, vậy là cháu biết rồi.” – nó reo lên – “Vậy cháu là chắt gọi liệt sĩ là cụ ngoại. Bố cháu là cháu gọi liệt sĩ là ông ngoại; còn bà… bà là… con của liệt sĩ.”
“Ừ bà là con…”
“Thế mà chẳng bao giờ cháu thấy bà nói chuyện về cụ, về kỵ…”
“Lâu quá rồi! Bà cũng quên mất…”
Không nhận ra có điều gì đó không bình thường trong câu trả lời của tôi, cháu tôi hồn nhiên: “Thế cụ hy sinh năm nào hả bà?”
“Năm 1950!”
“Năm ấy cụ bao nhiêu tuổi?”
“Hai ba tuổi!”
“Còn kỵ? Kỵ mất năm nào?”
“Sau đó bốn năm!”
“Năm đó kỵ bao nhiêu tuổi?”
“Bằng tuổi bà bây giờ…”
“Bằng tuổi bà là bao nhiêu?”
“Năm mốt (51)!”
“Năm mốt” – nó nhẩm tính – “vậy nếu còn sống thì năm nay kỵ cũng chỉ mới ngoài chín mươi…”
“Còn sống thì năm nay kỵ chín lăm (95); cũng gần trăm tuổi rồi…”
“Giá như kỵ còn sống để biết mình được phong là anh hùng bà nhỉ?”
“Ừ, giá như kỵ còn sống…!” – Tôi lặp lại những lời của đứa cháu mà thấy tim mình như bị ai bóp chặt và nước mắt cứ chực trào ra…”
*
Bà tôi bị quy là địa chủ và bị xử bắn trong cải cách ruộng đất! Không hiểu nghe ai xui khôn xui dại, mẹ tôi đã tố bà tôi: “Thủ đoạn bóc lột người làm của mụ rất tinh vi, xảo quyệt! Mụ luôn lấy tấm gương “thờ chồng nuôi con” của mình ra để ngăn cản không cho tôi tái giá, nhằm mục đích biến tôi thành một người làm việc kiêm đứa ở không công trong nhà!”.
… Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ ngồi hồi tưởng lại, những kỷ niệm đau buồn – vết thương lòng của một thời – nhờ thời gian đã kịp kéo lên một lớp da non, lại tấy lên nhức nhối như mới hôm nào! Nói thế chẳng để oán hận ai, bởi tôi cũng không còn muốn nhớ và nhắc lại những chuyện ấy nữa, mà nhớ và nhắc lại chỉ là sự bất đắc dĩ phải nhớ và nhắc lại, vậy thôi!
Bố tôi hy sinh trong Chiến dịch Biên giới khi tôi mới ba tuổi! Thời gian còn chưa đủ để cho bà tôi có thể nguôi ngoai thì năm sau tiếp đến cái chết của ông tôi! Làm nghề thuốc, chuyên bốc thuốc trị bệnh cứu người, nhưng rốt cục ông tôi đã không thể cứu được mình thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, bởi sự buồn phiền trước cái chết của bố tôi đã khiến căn bệnh nan y của ông tôi tái phát!
Sau hai cái tang gần như cùng một lúc, bà tôi nằm liệt giường mất mấy tháng! Vừa vục dậy được, có người đến rỉ tai là có mấy nhà ở làng đang muốn bán ruộng với một cái giá rất phải chăng, bà tôi liền quyết định bán căn nhà ở phố phủ vốn là cửa hàng thuốc của ông tôi cộng với gánh hàng xén của mình và số vốn liếng dành dụm được trước đó để tậu ruộng! Bà tôi không ngờ rằng những người bán ruộng cho mình đều là những nhà có con em ở vào những cương vị cao trong hàng ngũ cách mạng, nên biết trước được tình thế, họ đã bán tống bán tháo số ruộng đang canh tác để… chạy làng…
Như vậy, tính đến khi bị quy là địa chủ và bị xử bắn, bà tôi mới chỉ là địa chủ được trên dưới ba năm! Lý do mà họ đưa ra là nhà chỉ có một lao động (người ta không tính mẹ tôi, bởi mẹ tôi cũng coi mình là người bị bà tôi bóc lột) mà có hơn chục mẫu ruộng – là người nhiều ruộng nhất làng và do đó cũng là người có nhiều người làm thuê nhất làng!
Trước đó, cũng không nghĩ là mình có thể bị bắn, nhưng lo tôi sẽ theo mẹ tôi “cắt đứt” với bà, nên một lần bà đã gọi tôi lại ướm thử: “Mẹ cháu bảo mấy hôm nữa sẽ về đón cháu đi đấy!”. Tôi đã bảo bà: “Không! Cháu sẽ không đi đâu cả, cháu ở với bà…”. Bà đã âu yếm kéo tôi vào lòng, xoa đầu khen tôi ngoan, hứa sẽ mua cho tôi một bộ quần áo mới để mặc tết, rồi cả hai bà cháu ngồi ôm nhau khóc! Tôi không ngờ (và bà tôi hẳn lại càng không ngờ) đó cũng là lần cuối cùng hai bà cháu còn được ngồi với nhau!
Sau đó, bà tôi đã gửi tôi về bên ngoại, cách nhà tôi chừng hai cây số nhờ các ông cậu, bà mợ trông nom. Về sau tôi mới biết là trong thời gian đó bà tôi đã phải chịu đựng biết bao nhiêu là nhục nhã, ê chề! Không kể ruộng đất, toàn bộ của nả, từ thóc lúa, con trâu, cái cày cho đến cái chổi cùn, cái rế rách trong nhà tôi đều bị tịch thu. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được chia cho ba hộ thuộc thành phần bần cố nông. Bà tôi bị giam lỏng một nơi, có dân quân canh gác; đi đái, đi ỉa phải xin phép và phải chào hỏi, vâng dạ, phải xưng con và phải kêu là ông, là bà với tất cả những người mình gặp kể từ đứa trẻ con còn ẵm ngửa trở đi…
Ngày bà tôi bị bắn, như có linh tính mách bảo, tôi từ bên ngoại trốn về. Đến nhà, không thấy bà đâu lại thấy nhà cửa tan hoang như vừa bị mất cướp, tôi bất giác oà khóc bởi nỗi sợ hãi là tai hoạ đã giáng xuống đầu bà tôi; rằng đúng vào lúc bà tôi cần đến tôi thì tôi lại không có mặt và tôi đã vĩnh viễn mất bà! Đúng lúc đó thì một “ông” dân quân vai đeo súng dẫn hai người đàn ông đã đứng tuổi (sau này tôi mới biết một người cũng bị quy là địa chủ, còn một người làm nghề thầy cúng) đi vào. Theo lệnh của “ông” ta, hai cánh cửa sổ buồng nhà tôi được tháo xuống và mỗi người một cánh mang đi. Tôi vội chạy theo:
“Sao các ông lại tháo cửa nhà tôi?”
“Ông” dân quân quay lại: “Nhà nào của nhà mày! Đây là nhà của nông dân!” – Rồi ông ta nhìn tôi cười nhăn nhở – “Mà… tháo hai cánh cửa này… là… tháo cho… bà mày đấy!”
“Bà tôi đâu?”
“Ơ…! Thì ra mày vẫn chưa biết gì thật à! Có muốn chia tay bà mày thì ra đồng Trước…”
Đồng Trước! Bà tôi ra đồng Trước làm gì? Và người ta đang làm gì bà tôi ở đồng Trước? Tôi vội hớt hải chạy theo…
Cánh đồng Trước vừa gặt xong còn trơ gốc rạ, bây giờ là cả một biển người với cờ, loa, khẩu hiệu; với cả rừng những cánh tay giơ lên, hạ xuống và những tiếng hô: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!” trong niềm phấn khích của đám đông nghĩ là mình đã đổi đời!
Tôi đến nơi đúng lúc người ta vừa thi hành án xong với bà tôi và Toà án Nhân dân cách mạng đã tuyên bố kết thúc phiên toà. Đến đây, tôi mới hiểu hai cánh cửa sổ được mang ra đây để làm gì! Một cánh thay cho tấm “địa”, một cánh làm tấm “thiên” rồi với hai vòng thừng hai đầu và một chiếc đòn tròn (một loại đòn được dùng để gánh rạ), ông địa chủ và ông thầy cúng mỗi người một đầu – theo lệnh của “ông” dân quân – hai người khiêng xác bà tôi ra bãi tha ma! Nghĩa tử là nghĩa tận, ngoài việc dành cho bà tôi hai cánh cửa để làm “cỗ áo”, người ta còn chứng tỏ lòng nhân đạo bằng việc đốt cho bà tôi cả một bó nhang!
Với ai đó thì “chết là hết” nhưng số bà tôi còn khổ cả sau khi chết! Vốn người thấp, bé nhưng vì hai cánh cửa sổ quá ngắn, nên suốt dọc đường đi mái tóc và hai chân của bà tôi, đoạn từ đầu gối trở xuống cứ lê thê quết đất! Khi chỉ còn cách bãi tha ma một đoạn, bó nhang phía đầu “áo quan” bỗng nhiên bùng cháy và bén vào tóc bà tôi. “Ông” dân quân liền lệnh cho hai người hạ bà tôi xuống, và thật bất ngờ khi “ông” ta chỉ vào ông thầy cúng rồi chỉ vào đám tóc đang cháy của bà tôi ra lệnh: “Thằng này! Đái!…”
Ông thầy cúng lắp bắp mãi mới thốt được nên lời: “Dạ… thưa ông… con… con không mót!”
“Ông” ta liền quay sang ông địa chủ: “Thằng này!…”
Cùng lúc, nhận ra đũng quần của ông địa chủ đã ướt sũng, “ông” ta liền xăm xăm tiến đến trước mặt bà tôi và vén quần lên…
Tôi vội nhào đến và chỉ kêu được hai tiếng “Bà ơi!” rồi không biết gì nữa…
*
Do có một người tham gia cách mạng và lại là liệt sĩ, nên trong sửa sai, gia đình tôi được xếp thuộc diện “địa chủ kháng chiến”. Năm gian nhà ngói và ba gian nhà ngang trên mảnh đất mười hai thước được trả lại. Trả giá cho lỗi lầm của mình, mẹ tôi đã tìm đến cái chết, nhưng không dám chết ở làng mà ra Hà Nội, tìm đến tận hồ Hale tự tử…
Bà tôi được truy tặng danh hiệu: “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Anh hùng? Không! Bà tôi không phải là anh hùng, cũng như trước đây bà tôi không phải là “cường hào ác bá”! Có gì mà “cường hào ác bá”! Bà tôi chỉ là một người phụ nữ Việt Nam như bao người phụ nữ Việt Nam bình thường khác! Vậy xin hãy để cho linh hồn bà tôi được yên nghỉ, bởi tôi muốn mãi mãi bà tôi vẫn chỉ là bà tôi.
Phùng Thành Chủng

No comments:

Post a Comment