Monday, January 17, 2011

Nhà văn Hồ Trường An

Nhà văn Hồ Trường An
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-16
Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long.

Photo courtesy of vietnamthuquan.net
Nhà văn Hồ Trường An (phải) và soạn giả Nguyễn Phương

Ông tốt nghiệp Khóa 26 (1968) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới tháng 4/75. Hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc. Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến...
Sự nghiệp sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường, với 22 truyện dài, 10 tập truyện, 16 bút khảo, ký sự, bút ký và 3 tập thơ được xuất bản, đó là chưa kể những bài viết rời ông cộng tác với các tạp chí trong nước và hải ngoại suốt gần 50 năm cầm bút.
Lãng mạn miệt vườn
Văn phong Hồ Trường An gần gũi với những cây bút miền nam nổi tiếng từ Hồ Biểu Chánh tới Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và cả Lê Xuyên. Người đọc ông có thể tìm thấy cái hương vị miền Nam đậm đặc trong từng hơi thở của nhân vật nhưng người đọc cũng dễ dàng phát hiện ra cái sâu thẳm hơn trong Hồ Trường An bởi tính chất lãng mạn của một ngòi bút bật ra quá nhiều tỉ mẩn của một cô con gái dính liền với thôn dã.
Là một người đồng tính, Hồ Trường An không hề có ý định che giấu giới tính của mình; văn chương của ông như sợi lụa mỏng manh nhưng dai dẳng cột chặt người đọc từ trang này sang trang khác qua những lời kể dông dài nhưng quyến rũ về các câu chuyện của một thời xa xưa, lúc đồng bằng sông Cửu trong giai đoạn hình thành.
Hồ Trường An làm cho nhiều người đọc say sưa bởi tính chi li tỉ mẩn của ông qua từng trang sách. Tả về người đàn bà hay bất cứ điều gì có liên quan đến công dung ngôn hạnh là chừng như rồng gặp nước, ông không biết dừng và chính tính chất đặc biệt này đã giúp ông đứng riêng một cõi.
“Cô Hai Phụng vóc mình dong dỏng, nước da ngăm đen nhưng tóc cô mềm và nhuyễn, dợn sóng trước trán, mắt cô ướt rượt, nụ cười cô có duyên phô hàm răng trắng muốt như hột dưa leo. Cô mặn mòi xinh đẹp lắm. Hễ cô liếc tên trai làng nào thì tên đó bủn rủn mới có một, nhưng khi cô cười thì hắn bàng hoàng tới mười.
Ý là cô chỉ mới biết đọc biết viết, cô lại không biết đọc tiểu thuyết, không mấy khi được coi hát bội, hát cải lương, nhưng cách nói chuyện của cô vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn làm tự ái đờn ông được vuốt ve. Rốt cuộc hắn sướng rơn cả người, hồn phách tâm trí hắn bị cô hớp hết vô cái miệng xạo đía của cô.”
Khi viết về đồng quê hay những kỷ niệm trong gia đình, văn phong Hồ Trường An lại rẽ qua một hướng khác, thâm trầm và sâu lắng hẳn. Hồ Trường An làm người đọc cảm nhận được hương vị quê hương một cách rõ rệt như đang nhấm nháp và sờ mó chúng. Có lẽ đây là thế mạnh của ông, biết dằn một chút muối trong nồi canh quê để người thưởng thức tự cảm nhận cái đậm đà mà họ đã đánh rơi trên suốt quãng đường gió bụi.
“Ngoại tôi không nấu canh mồng tơi suông đâu. Bà cũng hái rất nhiều lá mồng tơi, rồi cùng với rau tập tàng, rau bồ ngót, rau cải trời, rau dịu để nấu canh tôm. Những con tôm he được ngắt đầu, bóc vỏ, bỏ đuôi, rút gân máu, đem quết nhuyễn và tra thêm tiêu, hành lá, nước mắm... rồi vo từng cục tròn tròn, dẹp dẹp thả vào nồi nước sôi, trước khi bỏ rau mồng tơi và rau khác vào. Canh rau do đó, thật ngọt, được múc vào những chiếc tô sành sản xuất từ Lái Thiêu, với một nét họa phóng bút bằng tay.
Chúng tôi nghỉ học. Tìm được tập giấy trắng và ngòi viết lá tre cũ, tôi hái trái mồng tơi pha chế thành mực tím chép những bài hát nổi tiếng đương thời. Trên nền giấy ố vàng, những hàng chữ gò gẫm, sắc nét và lối trình bày sạch sẽ cũng làm cho tập giấy có vẻ ngoạn mục riêng.
Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi. Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc.
Việt Minh đã sung công hết ruộng đất của ông nội tôi. Sản nghiệp của ông dần dần khánh kiệt. Với tài chế biến khéo léo, má tôi làm những món đạm bạc nhưng ngon lành và tinh khiết: canh rau nấu bột ngọt, cá cơm kho tương ăn với dưa leo và rau thơm, cá linh, cá rô kho sả ớt, con ruốc chấy tóp mỡ... Giậu mồng tơi quê nội đã giúp cho mẹ con tôi chịu đựng cái nghèo trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh suốt chín năm.”
Viết phê bình, tiểu luận
Hồ Trường An không những sáng tác truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết…mà ông còn phê bình, viết tiểu luận văn chương và tiểu sử của những ngòi bút nữ nhân mà ông mến mộ. Hãy đọc một đoạn ông viết về Hồ Biểu Chánh:
“Cái ngôn ngữ dí dỏm, chót chét trong văn phong của Hồ Biểu Chánh thường làm cho chúng ta bật cười một cách thống khoái, dù cụ có cằn nhằn chì chiết nhân tình thế thái đi nữa. Chúng ta cảm nhận ngay sự thành khẩn của cụ. Chúng ta vụt cảm thấy tận đáy sâu của ngôn ngữ cụ, tận cái thiết tha của tình ý cụ có một hấp lực kỳ đặc, không dễ gì tìm gặp ở bút pháp kẻ khác….”
Nói về Bình Nguyên Lộc Hồ Trường An thân tình hơn, do đó có phần âu yếm:
“Văn chương Bình Nguyên lộc nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi nên anh không làm chủ được ngòi bút của mình. Do đó văn chương ấy trở nên bộc tuệch, trống trải, cường điệu, bộc lộ cá tính Nam Kỳ.
Cái bộc lộ ấy chưa chắc là cái khuyết điểm hay nhược điểm gì. Trái lại, nó làm cho sự diễn đạt tình ý của anh thêm minh bạch, thêm tươi rói và cực kỳ quyến rũ. Anh để mặc cho tâm sự mình phơi bày hở hang, trần truồng, không ngụy trang, không úp mở. Độc giả đa số không cần ở văn chương anh cái mánh khóe tiềm ẩn hay cái phong niêm tinh xảo để làm cho sự diễn tả được hàm súc và ý nhị. Họ chỉ cần tấm lòng tươi son bền sắt của anh đối với quê hương của anh.”

Nhà văn Sơn Nam. Hình: http://nhavansonnam.blogspot.com.
Còn Sơn Nam thì sao, hãy nghe ông phê bình mà như một lời trần tình cho người bạn nối khố:
“Quan niệm về nghệ thuật của Sơn Nam vẫn là quan niệm vừa sâu sắc vừa dí dỏm như quan niệm của Võ Phiến. Anh không phải là nhà văn tư tưởng. Nhưng văn chương anh rất cận nhân tình, gây lý thú bất ngờ cho người đọc qua những lời khề khà của một bợm nhậu hào sảng trong lúc rượu vào lời ra. Nhưng coi chừng đó, những lời theo hơi men tuôn ra từ cửa miệng anh thường làm chúng ta nghĩ ngợi.”
Lê Xuyên thì Hồ Trường An tỏ ra dè sẻn hơn khi viết:
“Lê Xuyên không viết văn dài dòng: không cần tả cảnh, tả người, tả vật, tả tâm trạng, tức là không tả những cái mà giới bình dân cho là lòng vòng không hợp với khiếu thưởng ngoạn của lớp độc giả với lòng dạ rổng rang, suông thẳng như ống nứa ống tre. Anh thích kể chuyện, ưa cho các nhân vật của mình chuyện trò vòng vo Tam Quốc, cằn nhằn dai dẳng, cà khịa rỉ rả, cãi lẫy tưng bừng, có khi chửi bới huyên náo. Anh không cần viết văn đâu.”
Hồ Trường An nói về những cây viết này:
“Anh Bình Nguyên Lộc thì ảnh ham đào sâu vào tâm trạng, tâm lý tâm linh của mình, tới khi đụng tới đồng tính luyến ái thì ảnh không biết. Ông Sơn Nam thì chỉ viết phong tục xã hội miệt vườn thì, ảnh không cần viết tâm lý của nhân vật ra sao. Lê Xuyên cũng vậy.”
Mãn nguyện với giới tính
Mặc dù được nhiều người công nhận ngòi viết Hồ Trường An tập trung vào đồng quê và những mẩu chuyện trữ tình lãng mạn của miệt vườn, nơi những chàng trai cô gái chân chất tỏ bày tình cảm của mình hồn nhiên như cọng lúa….thế nhưng phía sau cái mềm mại ấy là những bùng vỡ của tâm trạng, của giới tính, của khác biệt đôi khi khó thể phân bày.
Mặc dù cuồn cuộn và hừng hực như nham thạch, nhưng tâm trạng ấy phải bị đè xuống, dấu đi chỉ còn lại chút dư âm của cuộc tình đồng tính. Hồ Trường An kể về tác phẩm “Hợp Lưu” của mình, tác phẩm hiếm hoi viết hẳn về đồng tính luyến ái của ông:
“Người đầu tiên mà viết về đồng tính luyến ái là một người bạn của tôi tên là Đỗ Quế Lâm viết cuốn “Vết hằn rướm máu” nhưng cũng nói tới một chút thôi.
Nguyễn Văn Trọng viết : “L’Enfer Rouge et mon amour”” tức là “Hỏa ngục đỏ và người tình của tôi” sáng tác bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Việt nhưng mà nói cũng qua loa vậy thôi không tả những cuộc làm tình tỉ mỉ được.
Anh Thảo trong lúc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Văn bị người ta chửi dữ lắm. Những cú điện thoại, thơ rơi… nhưng tôi chỉ viết những khía cạnh tổng quát của một cuộc làm tình chứ đâu tả cái sex ra làm sao… không có! Chỉ tả nàng và chàng khỏa thân với nhau tạo ra những cảnh đẹp gặp nhau giữa hoàng hôn, hay dưới ánh trăng thanh rồi chỉ nói sơ qua hai người trần truồng với nhau cùng với hình ảnh thơ mộng vô trong đó chứ không phải để trắng trợn tục tĩu đâu.”
Nhà thơ
Hồ Trường An còn có hai tập thơ, và khi làm thơ, Hồ Trường An chắt lọc từng chữ từng ý. Cũng mặn mòi và thấm đẫm chất quê nhưng trong thơ Hồ Trường An người đọc nhận ra một mảng cảm nhận khác.
Trong bài thơ “Vườn cau quê ngoại” tác giả phải ky cóp kỷ niệm nhiều lắm, phải thương nhớ mảnh đất cố cựu một cách sâu nặng lắm mới cho chúng ta những cụm từ tuyệt đẹp mà chỉ người miệt vườn mới thấm, mới chia sẻ được nỗi thương nhớ quê nhà qua tàu cau bẹ chuối…

Đêm qua vườn ngoại tàu cau rụng
Vàng ố loang từng bẹ lá khô
Mo xám quắt queo bao cữ nắng
Hồn xanh phai lạt giữa mơ hồ.
Thềm vắng, xế nay ngồi vót chổi
Ngoại đưa cần mẫn chiếc dao dâu
Chừng nghe tiếng chổi khua sàn sạt
Quét rụng niềm vui tự thuở đầu.
Sống lá từng tàu cau chuốt mỏng
Dẻo mềm lạt buộc chổi tinh khôi
Ngoại từ xanh tóc nay đầu bạc
Vót chổi bao năm một chỗ ngồi.

Đêm qua bão rớt, bông cau rụng
Mai mốt buồng cau thưa trái non
Vững mạnh nọc trầu bên mé nước
Dài giây, tủa rễ, lá xanh rờn.


Nhà văn Hồ Trường An. Photo courtesy of wikivietlit.
Từ hình ảnh của cây cối thân yêu sau vườn, Hồ Trường An chừng như muốn bật khóc khi gió chiều se lạnh, cái lạnh quê nhà tràn tới trong khi tác giả tha hương đã làm hồn vía của ông trở thành lạc lỏng cô đơn biết chừng nào…

Nắng tắt, hiên ngoài se sắt lạnh
Gió chiều quét sạch lớp mây giăng
Ngoại đưa đẩy chổi trên sân vắng
Quét lá, làm sao quét ánh trăng?

Làm sao quét nỗi buồn giăng mắc?
Đèn lửa đêm dài chong hắt hiu
Cau sấy ba canh, than cháy đỏ
Làm sao hong ráo lệ bao chiều?

Vườn cau quê ngoại thời niên thiếu
Ươm giữa hồn thơ nét đẹp buồn
Ký ức tháng ngày rung bóng lá
Thơm hương cau tỏa dưới trăng sương.
Vườn cau hòa tiếng tim châu thổ
Dựng mộ bia sau mái miếu đường
Có bóng ma người bao thuở trước
Suốt đời bám riết đất quê hương.
Hồ Trường An có thể chưa trở thành một cây viết ngang ngửa với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, nhưng chắc chắn rằng ông đứng hẳn ra một cõi với văn phong và sự trăn trở dữ dội của một ngòi viết đồng tính gần như duy nhất của Việt Nam.
Trong suốt 50 năm cầm bút, ông luôn hãnh diện nhận mình là một người đồng tính luyến ái, vừa hãnh diện vừa ngại ngùng và đôi khi rụt rè, nhưng bất cứ khi nào nói đến bốn chữ “đồng tính luyến ái” thì chừng như giọng của ông cất cao hơn, hoàn toàn mãn nguyện đối với những gì thượng đế ban cho mình.
Đây cũng là một điểm đặc sắc nữa của Hồ Trường An, một người cầm bút hiếm hoi trong cộng đồng người đồng tính.
Tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-08-17
Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm xin dành để tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam, một ngòi viết và cũng là một nhà Nam bộ học được yêu mến trong nhiều thập niên qua, vừa từ trần hôm 13 tháng 8 tại Thành Phố Hồ Chí Minh vì bạo bệnh.

Hình: http://nhavansonnam.blogspot.com
Nhà văn Sơn Nam.
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 ở vùng quê Kiên Giang. Sơn Nam được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri "pho từ điển sống về Miền Nam" hay là "nhà Nam bộ học".
Ngoài hàng trăm truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam cũng rất thành công với nhiều công trình khảo cứu về lịch sử vùng đất Nam Bộ như: Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn, Bến Nghé xưa, Cá tính Miền Nam. Cho tới gần cuối đời, ông vẫn còn xuất bản thêm một số tác phẩm: Hồi ký Sơn Nam, Theo người tình, Từ U Minh đến Cần Thơ, Xóm Bàu Láng…
Tất cả các tác phẩm của Sơn Nam đã được Nhà Xuất Bản Trẻ TP.HCM mua bản quyền trọn đời từ Tháng 12 Năm 2002. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, giám đốc nhà xuất bản Trẻ cho biết:
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt : Hiện nay tụi tui đã vừa xuất bản được 19 đầu sách của Sơn Nam. Có thể nói là muốn hiểu được cái văn hoá đặc thù của mảnh đất Phương Nam là phải đọc các tác phẩm của Sơn Nam.
Tác phẩm của Sơn Nam gồm có hai dòng: Một là dòng biên khảo, chủ yếu vẫn là khai thác, tìm hiểu về mảnh đất, lịch sử hình thành của Phương Nam; cái mảng thứ hai là mảng văn học, những tác phẩm biên khảo hoặc là những tác phẩm văn học của Sơn Nam. Đặc thù của Sơn Nam là biên khảo hoặc là văn học về Nam Bộ.
Rất được mến mộ
Chắc chắn là đối tượng của các tác phẩm này trước hết vẫn là người Miền Nam. Và tôi nghĩ rằng là không chỉ về văn của ông rất là chân phương, mộc mạc, rất được cả giới bình dân lẫn giới học thuật đều yêu thích.
Nhà văn Lê Văn Thảo, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh nói về những cảm nghĩ của ông đối với nhà văn Sơn Nam :
Nhà văn Lê Văn Thảo : Đúng là anh Sơn Nam là một tác giả rất được mến mộ ở Miền Nam và thậm chí cả nước. Người ta mến mộ là vì cái giọng văn, cái khung cảnh, cái nhân vật, cái cốt truyện, rồi tất cả những cái đó nó thấm đẫm cái bản sắc của người Nam Bộ, nhứt là công cuộc khai phá thiên nhiên hoang dã của Miền Tây, bán đảo Cà Mau, rừng U Minh, rừng đước, rừng mắm này kia, những cái đó rất là đặc sắc.
Đúng là anh Sơn Nam là một tác giả rất được mến mộ ở Miền Nam và thậm chí cả nước. Người ta mến mộ là vì cái giọng văn, cái khung cảnh, cái nhân vật, cái cốt truyện...
Nhà văn Lê Văn Thảo
Công việc sáng tác của Sơn Nam thì gồm có hai phần: một phần thì cái văn học cơ cấu, một phần thì nó có tính cách biên khảo. Nhưng mà anh Sơn Nam thì ảnh hoà quyện hai cái phần đó. Người đọc thấy có cái thú vị đối với phần cơ cấu nhưng đồng thời cũng thấy trong đó những nét của người biên khảo.
Một cái nét nữa là ít có người như anh Sơn Nam, thì đây là một con người rát là khoáng đạt, rất là rộng rãi, bộc trực. Lời ăn tiếng nói của anh Sơn Nam, con người anh Sơn Nam nó đi vào với tác phẩm của anh Sơn Nam, nó cái cái gì đó thống nhứt. Cho nên anh em đối với những người trong giới rất là mến mộ anh Sơn Nam.
Cái tên Sơn Nam bắt đầu được người ta nhớ qua Hương Rừng Cà Mau năm 1962, được đăng trên tạp chí Hương Quê, một tạp chí khuyến nông của Bộ Nông Nghiệp thuộc chế độ Sài Gòn trước đây. Nhiều chục năm sau, đạo diễn Việt kiều trẻ là Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã thể hiện lại những ý tưởng trong hai truyện ngắn "Mùa len trâu" và "Một cuộc biển dâu" thành bộ phim Mùa Len Trâu nổi tiếng.
Theo nhà văn Sơn Nam cho biết thì "Len" ở đây có gốc tiếng Khơ-me, là tháo ra, cởi ra. "Len Krabey" nghĩa là tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều, mùa nước nổi người dân phải dắt trâu lên núi để tránh nước, cũng đồng thời gửi trâu cho những tay giang hồ hảo hán chuyên lùa cả đàn trâu đi kiếm ăn ở nhiều cánh đồng bát ngát của Miền Nam cho đến khi nước rút thì lại mang trâu về.
Truyện ngắn "Mùa len trâu"
Mời quý vị thưởng thức một đoạn trong truyện ngắn đặc sắc này qua giọng minh họa của Đỗ Hiếu và Thanh Trúc:
Mưa cứ mưa trút xuống. Gió cứ dậy sóng lên. Từ lúc thằng Nhi dẫn trâu đi, nhà cửa lần lần trở nên vắng lạnh. Thiếm Tư cằn nhằn:
- Giao sanh mạng hai con trâu cho họ, ba nó chưa vừa bụng sao? Lại còn bày đặt cho thằng Nhi đi theo ! Rủi bề gì...
Chú Tư nói :
- Má nó khéo lo thì thôi ! Trâu hễ tới số thì dẫu cầm ở nhà nó cũng không sống đâu. Tôi buồn lắm. Trâu giúp mình tạo ra hột lúa; bù lại, mình không kiếm đủ cỏ cho nó ăn no. Như vậy là mình bất nhân . Còn thằng Nhi... dịp này để nó học nghề với người ta.
Thiếm Tư hơi giận :
- Nghề gì ? Nghề chăn trâu mà cũng học nữa à ? Tôi hông ham cái nghề đó.
- Má nó nói giỡn sao chớ ! Chăn trâu còn khó hơn là điều binh khiển tướng. Ðời xưa, nhiều người lúc nhỏ chăn trâu mà lớn lên được làm vua. Con nít chăn trâu ca hát nghe bậy bạ nhưng nhiều khi linh nghiệm như sấm truyền, đoán trúng những chuyện quốc sự. Tôi nhớ coi... Trong truyện Phong Thần gì đó nhắc cái tích ông Nịnh Thích ngồi trên lưng trâu, gõ sừng mà hát công kích vua đời... Liệt Quốc Ðông Châu ! Vua giựt mình, mời ông Nịnh Thích về làm quân sư. Nghe đâu lúc về hưu trí, ông Nịnh Thích lại cỡi trâu mà du sơn ngoạn thủy. Ngư, tiều, canh, mục là bốn điều sang trọng mà.
Thiếm Tư vẫn chưa nguôi cơn buồn :
- Ba nó nói chuyện đời xưa. Chăn trâu theo kiểu ở xứ mình có khác, tối ngày đeo đuôi trâu mà lặn hụp dưới nước, ăn không no, ngủ không yên...
- Nhưng mà học khôn nhiều chuyện. Mà nó hồi nào tới giờ chưa từng tới núi Ba Thê, vậy mà bây giờ thằng Nhi nó rành đó ! Cảnh núi non thanh lịch, trâu ăn cỏ ngẩng đầu coi mây bay lui tới; ngứa lưng thì trâu cọ mình vô cột của đền vua chúa mà gãi sốn sột. Má nó biết không ? Ở núi Ba Thê, trâu len ăn cỏ trên đền vua đời xưa... Vua chúa mất hết, trâu đời đời kiếp kiếp còn đứng dửng dưng trên mặt đất này hoài !
Thiếm Tư bực bội :
- Ðói, không đủ cỏ ăn mà cũng sang trọng. Thôi ông ơi ! Ðừng nói nữa.
- Hết cỏ thì qua chỗ khác, má nó đừng lo. Từ Ba Thê cả bầy trâu len qua miệt Bảy Núi. Oai vệ lắm kìa ! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều ; cảnh đó ở miệt rừng ai cũng thấy. Ðằng này, trâu lội nước năm ba trăm con, đen đầu, đặc nước. Kiếm bạc trăm là dễ chớ muốn thấy được cảnh đó không phải dễ đâu, giống như hồi thiên hạ sơ khai, càn khôn hỗn độn... Mấy ông thầy chùa, bà vãi ẩn mình trong cốc trên núi, chán cảnh trần tục vậy mà họ còn bước ra ngóng mắt theo bầy trâu len dữ dội...
Càng nhắc tới, chú Tư càng thích chí, thiếm Tư trái lại ngồi buốn xo, không tin nơi lời chồng mình, cho rằng đó là kiểu an ủi gượng của kẻ túng cùng. Chú Tư lại vấn thuốc, hỏi vợ :
- Má nó ngủ hay thức ? Nãy giờ có nghe không ? Sao không ừ hử gì ráo, hay là ngủ say rối...
- Tôi nằm nghe đây mà. Nghe bằng lỗ tai chớ nghe bằng miệng sao mà phải ừ hử từng chập ?
Chú Tư lại nói tiếp :
- Ở Bảy Núi thanh khiết hơn ở Ba Thê. Trâu ăn toàn cỏ lạ hoa thơm ; lắm thứ cỏ phảng phất mùi gì giống như vị thuốc Bắc. Ban đêm, muỗi mòng cũng ít, tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ thì nhiều... Mặc dầu ăn cỏ ở dưới chân núi, trâu cũng được phong làm chúa sơn lâm. Cọp beo trên núi quì xuống mà đầu hàng chớ không dám xáp lại.
Bên kia sàn nhà, thiếm Tư bắt đầu thở nhẹ rồi ngáy pho pho. Chú Tư mỉm cười, không chút hờn giận. "Vợ mình chán không thèm nghe nữa vì nãy giờ mình nói toàn những chuyện vui tươi, sung sướng, giấu giếm những nỗi cực nhọc trong nghề chăn trâu. Nhưng cần gì ? Cốt ý là mình nhắc lại cuộc đời len trâu của mình hồi thuở con nhỏ cho riêng mình nghe mà thôi".
Nói sao viết vậy
Nhiều nhà phê bình văn học lẫn các nhà hoạt động văn hóa đều công nhận rằng ngoài vai trò của một nhà văn Nam Bộ, Sơn Nam là một nhà Nam Bộ Học đúng nghĩa qua nhiều tác phẩm khảo cứu của ông.
Văn phong của ông là hình ảnh rõ nét nhất không những chuyển tải chất Nam Bộ rừng rực trong từng mẩu đối thoại hay ngay cả một công trình nghiên cứu lịch sử hình thành một vùng đất, một phong tục hay thú vui dân dã cũng được diễn tả một cách sống động qua ngôn ngữ rất Sơn Nam mà trước đó dù có rất nhiều nhà văn đi trước như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Quản, Bình Nguyên Lộc thì Sơn Nam vẫn đứng rất riêng ở vị trí của mình.
Nhiều câu chuyện của Sơn Nam mới xem có vẻ vụn vặt, đời thường nhưng nghiền ngẫm kỹ sẽ thấy đó là cả một gia tài chuyện kể về lịch sử trong đời sống dân gian của nhiều thế hệ, góp phần cấu thành những bức tranh xã hội sống động trong một giai đoạn lịch sử nào đó mà điển hình nhất là giai đoạn của thời kì Gia Long bôn tẩu, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm, đánh Nguyễn Ánh, v..v..
Sơn Nam rất đặc sắc trong các chuyện kể về việc khẩn đất, chuyện đào thêm kinh, mở rộng đồn điền, chuyện bán buôn, lập vườn, xây chợ; chuyện sinh hoạt, chuyện giải trí, cũng như các loại hình ca cổ. Ông duyên dáng đem các cuộc hò hát đối đáp, đưa em, huê tình, nói thơ, nói truyện ra để mà kể trong các bài khảo cứu hay truyện ngắn của mình cũng như nhào nặn những nét đặc trưng Miền Nam trong vấn đề quan hệ yêu đương, tình cảm gia đình, xã hội... để chúng trở thành các văn bản sử liệu có tính hệ thống trong khi hình thành văn hóa Miền nam.
Có người cho rằng văn của Sơn Nam là văn nói, nói sao viết vậy, và do đó thiếu vắng chất văn học. Những nhận định này vừa đúng lại vừa sai. Văn của ông không hoàn toàn đem trọn một câu nói vào trang sách. Ông đã cực kỳ khéo léo gọt bớt những dung tục để câu văn vẫn giữ nguyên chất thô rám của đời sống nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn chương khiến khó thể nhận ra rằng những điều mà nhà văn thể hiện đã được tinh luyện, nhào nắn. Có điều tính chất văn chương của Sơn Nam nhẹ nhàng như hơi thở của thiên nhiên chứ không hào hễn như nhiều tác giả khác. Thử nghe lại một đoạn ngắn, rất ngắn trong Mùa Len Trâu của ông:
Dưới ánh trăng suông, con trâu Pháo bước tung tăng, nhịp móng xuống lớp phù sa mát rượi, đứng trên mặt đất hôm nay mà sao thấy hơi khác lạ hơn mặt đất hôm nao, cũng ở chốn này. Nó hinh hỉnh mũi như cố phân biệt mùi thơm của cỏ núi hoa rừng với mùi thơm của mùi lúa sạ đang độ chín.
Nhà văn Sơn Nam mất đi đồng nghĩa với việc Miền Nam mất đi một nhân chứng văn hóa và lịch sử. Văn học Việt Nam lại chịu tổn thất thêm một danh tài nữa trong khi chưa kịp hình thành một khuôn mặt mới có tầm cỡ như ông.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010-01-24
Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan sinh năm 1960 tại Hà Nội. Năm 1978 thi đỗ vào khoa Sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng không theo học khoa này mà học một khóa bồi dưỡng về báo chí của trường Tuyên huấn Trung ương.
Từ 1994 đến 1998 học tiếng Anh hệ tại chức tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Từ 1978 làm phóng viên cho báo Chính Nghĩa. Từ năm 1985 đến nay làm phóng viên và biên tập viên thời sự cho báo Người công giáo Việt Nam.
Tác phẩm: Đã in ba tập thơ - Một, Hai, Ba, Nxb Văn học 1994, Nhật kí và bài tập, Nxb Văn học 1995, Gửi một mùa cổ điển, Nxb Văn học 1997. Từ tháng 7 năm 2004 viết nhiều bài phê bình văn học cho tạp chí Người Hà Nội.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông xoay chung quanh đề tài văn học trong nước và hải ngoại. Trước tiên chúng tôi đặt câu hỏi:
Tuổi tác và tư duy văn học
Mặc Lâm: Là người quen thuộc với nhiều tác giả qua các bài viết phê bình văn học, khoảng cách tuổi tác cùng tư duy văn học của họ gây ấn tượng gì nơi ông?
Nguyễn Chí Hoan: Thật ra thì cũng không phải quen biết nhiều tác giả lắm. So với số tác phẩm được đọc thì tác giả quen biết không nhiều. Nói về ấn tượng trong những năm gần đây đối với người quan sát thì văn học Việt Nam tăng tiến theo chiều tăng tiến của xã hội. Đấy là ấn tượng chung nhất đối với văn học.
Theo tôi thấy các nhà văn tạm coi là lớp trước, chủ yếu là tư duy văn học phản ảnh cái lối trực diện hiện thực đó.
Nguyễn Chí Hoan
Còn thứ hai khi đề cập đến khoảng cách tuổi tác, tư duy văn học, trước đây người ta vẫn có thành kiến chung đối với nhà văn ở lớp lớn tuổi hơn đặc biệt những nhà văn trở về sau thời kỳ chiến tranh thì thường viết về những câu chuyện quá khứ, kỷ niệm. Còn lớp nhà văn mới cuối năm 90 đổ lại đây viết về cuộc sống cá nhân của họ trong xã hội hiện tại.
Tôi thì tôi nghĩ nét phân biệt ngày càng xóa nhòa đi. Khoảng cách tuổi tác trong các nhà văn bây giờ không thể hiện rõ rệt trên tác phẩm như trước. Một trong những nét chung ở Việt Nam mà tôi vẫn quen gọi là nhà văn trẻ, tức là hàm ngụ có những nhà văn ở cái lớp không còn trẻ nữa ở lớp trước. Tất cả những người hiện còn đang viết trong cả hai thế hệ đó đều viết đều và viết tốt. Nói chung là người ta đáp ứng thị hiếu đương thời nhiều mức độ khác nhau. Tất nhiên nó đa dạng phong phú về câu chuyện hoặc đề tài nhưng ý thức đáp ứng nhu cầu người đọc rất là rõ.
Về tư duy văn học là cái mà nó gây ấn tượng nhiều hơn là về tuổi tác, thế hệ. Theo tôi thấy các nhà văn tạm coi là lớp trước, chủ yếu là tư duy văn học phản ảnh cái lối trực diện hiện thực đó. Thế còn lớp nhà văn trẻ từ 90 trở lại đây, theo tôi thì họ có lối văn học biểu hiện chủ yếu kể những câu chuyện về mình và liên quan đến bản thân mình đứng trên nội dung câu chuyện.
Thế còn lớp nhà văn trẻ từ 90 trở lại đây, theo tôi thì họ có lối văn học biểu hiện chủ yếu kể những câu chuyện về mình và liên quan đến bản thân mình đứng trên nội dung câu chuyện.
Nguyễn Chí Hoan
Còn những điều họ tập trung chú ý vào khai triển các chiều kích của con người cá nhân mà điều kiện con người xã hội, tưởng là văn học tăng tiến cùng với tăng tiến của xã hội đó thì xã hội có những bước cởi mở rất lớn so với trước và mức độ hội nhập vào đời sống thế giới tăng rất nhanh, có thể nói tăng nhanh như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với tất cả những cái đó, biểu hiện xu hướng bùng nổ của nhà văn trẻ để bộc lộ cuộc giải phóng cá thể thì tôi nghĩ cũng là một điều tự nhiên.
Ảnh hưởng của phê bình văn học
Mặc Lâm: Theo ông thì các bài viết phê bình văn học có ảnh hưởng gì đối với người sáng tác trong tình hình hiện nay?
Nguyễn Chí Hoan: Ở đây mọi người cũng có những nhận xét chung như thế kể cả trong giới chuyên môn hay ở những người viết. Ảnh hưởng phê bình văn học ở đây đối với sáng tác thì hầu như là khó thấy. Nhưng theo tôi trong mức độ phát triển hiện nay của văn học Việt Nam cũng như bộ phận người ta gọi là phê bình văn học thì tôi nghĩ người ta trông đợi rằng phê bình tác động người đọc là điều dễ nhận thấy.
Nhưng theo tôi trong mức độ phát triển hiện nay của văn học Việt Nam cũng như bộ phận người ta gọi là phê bình văn học thì tôi nghĩ người ta trông đợi rằng phê bình tác động người đọc là điều dễ nhận thấy.
Nguyễn Chí Hoan
Việc thứ hai người ta trông đợi ở phê bình cũng là các nghiên cứu văn học và những nghiên cứu về lý thuyết, tác động đến hệ tư tưởng thẩm mỹ hiện nay do buổi giao thời kéo dài có những xô đi đẩy lại và nó không có tầm vóc về mặt thẩm mỹ. Xâm thực văn hóa từ bên ngoài tạo nên rất nhiều đảo lộn và thực ra ai cũng thấy một bộ phận khá đông người đọc không có lựa chọn cho tốt theo hướng xây dựng văn hóa vừa hiện đại mà vừa lành mạnh theo cái nền nếp xã hội hiện hành. Tôi nghĩ người ta trông đợi người phê bình hai điểm đó là chính.
Những khó khăn của các cây viết trẻ
Mặc Lâm: Cái yếu của những cây viết trẻ mà ông thường gặp là gì?
Nguyễn Chí Hoan: Những cái yếu của các nhà văn viết trẻ theo tôi thì có một vài. Trước hết tôi nói về điều kiện để họ thực hiện tác phẩm, xã hội hóa tác phẩm của họ. Khoảng mươi năm nay có lẽ là trong nước cũng không biết rõ thì những quan sát ở bên ngoài cũng không thể nào lưu tâm được. Bởi vì họ xuất bản tác phẩm gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện các nhà xuất bản và các công ty văn hóa, dưới dạng công ty tư nhân họ làm trong lĩnh vực liên kết xuất bản của các nhà xuất bản của nhà nước, đồng thời phát hành sách báo tất cả những thể chế xuất bản ấy nó bị ảnh hưởng thị trường rất mạnh.
Khía cạnh thứ hai là những người viết trẻ, trừ những khuôn mặt thật xuất sắc, nói chung họ thiếu những học tập nghiên cứu về văn học, về sáng tác cho nên họ thiếu tự tin trong việc đưa tác phẩm ra xuất bản.
Nguyễn Chí Hoan
Họ buộc phải làm điều gì đó để duy trì lợi nhuận cho doanh nghiệp của họ cho nên những người viết trẻ không đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không thể gây được sự chú ý thì không xuất bản được tác phẩm của mình. Khía cạnh thứ hai là những người viết trẻ, trừ những khuôn mặt thật xuất sắc, nói chung họ thiếu những học tập nghiên cứu về văn học, về sáng tác cho nên họ thiếu tự tin trong việc đưa tác phẩm ra xuất bản.
Văn học phát triển theo đổi mới xã hội
Mặc Lâm: Dự đoán về tình hình văn học Việt Nam trong chu kỳ 25 năm tới, điều gì làm ông lạc quan nhất và ngược lại?
Nguyễn Chí Hoan: Tôi không nghĩ đến cái chu kỳ 25 năm, bởi vì tôi không thấy nó có một chu kỳ như vậy trong văn học Việt Nam, ít nhất là từ 25 năm đổ lại đây. Tôi nghĩ là nếu có chu kỳ trong các phát triển văn học tại Viêt Nam thì có lẽ nó là chu kỳ những đợt sóng kể từ khi có cuộc đổi mới trong toàn bộ lĩnh vực của xã hội thì tôi thấy văn học Việt Nam phát triển theo những đợt sóng. Sóng nọ sắp xuống thì sóng khác gối lên. Tôi nghĩ là trong vòng độ 5 năm tới đây có thể nói là lạc quan.
Trong những hoàn cảnh xã hội Việt nam hiện nay thì việc nhà nước duy trì một chính sách văn hóa và gần đây có sự quay trở lại đối với toàn bộ hiện trường văn học và phát triển văn học nói chung được chú ý trở lại.
Mặc Lâm: Vai trò của các đoàn thể, cơ quan hay các nhà xuất bản có giúp gì cho sự phát triển văn học trong xã hội hay không thưa ông?
Nguyễn Chí Hoan: Đoàn thể mà các cơ quan có liên quan người ta có lẽ không trực tiếp giúp đỡ nhiều cho người trẻ, đặc biệt là những người trẻ làm văn học chuyên nghiệp, nhưng mối quan tâm xã hội đối với nó có tăng lên vị thế của người viết và người đọc có mặt thuận lợi.
Mặc Lâm: Và ông có đánh giá cuối cùng như thế nào về tác động nhân quả của người đọc và người viết thưa ông? Có bi quan lắm không?
Nguyễn Chí Hoan: Tôi nghĩ toàn bộ những vận động đó nó cho thấy là số lượng người đọc, lượng độc giả tiềm tàng trong văn học nó tăng lên có thể không mạnh lắm nhưng nó tăng đều đặn và có lẽ đó là hậu thuẫn mạnh nhất cho triển vọng xuất hiện các tài năng văn học sẽ thu hút mạnh hơn. Ngoài ra điều ngược lại bi quan thì đối vối tôi không thấy có gì đáng gọi là bi quan.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chính
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-02
Nguyễn Đình Chính sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi, và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga.

Photo courtesy of VTC.VN
Nhà thơ Nguyễn Đình Chính

Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh bậc hai. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Nguyễn Đình Chính cũng viết hay làm những công tác khác trong lĩnh vực điện ảnh và kịch nghệ. Tác phẩm Rừng Lạnh của ông được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh; tác phẩm Người Trên Mặt Sông và Hòn Đảo chìm xuống không được duyệt và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.
Khắc khoải với tệ nạn xã hội
Ông làm khá nhiều thơ và dư luận chú ý nhiều đến thơ ông qua trang mạng hơn là tác phẩm in thông thường. Thơ Nguyễn Đình Chính chứa nhiều nhạc điệu trầm lắng hòa cùng tiếng vọng ngữ nghĩa luôn lung linh qua khung cửa mở rộng với thơ tự do. Bài thơ tình mang tên “Bài Ca Tình Yêu” có những chữ thật đẹp, cái đẹp làm người đọc bàng hoàng, ông viết:

chiều buồn như một lời xin lỗi
quán bia nhễ nhại bên đường.
anh ngồi hoá đá
nắng tháng mười hớt hải đi qua

Nét đẹp của chữ trong thơ Nguyễn Đình Chính không hề giả tạo, ông đặt chúng bên cạnh những khắc khoải mà dân tộc ông phải sống chung như sống chung với lũ, đó là nạn bia ôm. Ông nhìn tệ nạn này dưới cặp mắt tỉnh táo và thật thà đưa ra nhận xét:

em đấy ư
mắt thâm quầng mất ngủ
bàn tay thô ráp
tình cờ
mùi nước hoa rẻ tiền

em đấy
bật nút chai bia thứ nhất
chào nhau
làm quen
cái miệng cười lạ lùng
như hoa nở

ai tìm ai yêu nhau
tuyệt vọng săn lùng trái tim dính đạn
thế giới nghèo hèn vẫn đòi ta phải sống.
phải sống
phải thở
phải ăn và
phải yêu

ai đi tìm ai yêu nhau
nước mắt cô đơn mồ hôi cô đơn
máu rỏ cô đơn
trong ly bia sủi bọt

bật nút chai bia thứ hai
chia thật đều niềm vui ướt
về hai ngả
niềm vui gì
không biết
(hay không thèm biết)
chia thật đều nỗi đau ướt
về hai ngả
nỗi đau gì
không biết
(hay không thèm biết)

tâm hồn đói khát săn lùng
ảo giác tình yêu vô vọng
hoang đường và
ngu xuẩn

bật nút chai bia thứ ba
em đây
anh đây
nụ hôn không hề do dự
trút bỏ xiêm y giả mạo
ta ngả vào nhau
giản dị mơ màng
yêu

yêu
em đây
anh đây
vườn địa đàng có thật

Đậm đặc yếu tố thời sự
Thơ Nguyễn Đình Chính ngay cả trong tình yêu cũng đậm đặc yếu tố thời sự. Với ông hình như làm thơ là để phác họa lại những gì đang xảy ra trong đời sống, ngay cả tình yêu, thứ hàng quốc cấm không phải dễ dàng để chia sẻ.

Là con trai của Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ nổi tiếng trong nhiều thời kỳ nhưng Nguyễn Đình Chính không có một nét nào khiến người ta có thể liên tưởng tới người cha của ông. Theo Nguyễn Đình Chính thì ông và cha ông không hề có một chia sẻ nào về thơ ca, ông nói.

Có lẽ góc nhìn khác hẳn người cha của ông là một yếu tố tích cực khiến ông đứng riêng ra một cõi, bất kể chỗ đứng này có phù hợp với sự nghiệp của cha ông hay không.

Trong bài “Những hạt bụi hoá đá” Nguyễn Đình Chính trêu chọc

chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
lơ lửng lơ lửng
dưới bầu trời tổ quốc mênh mông
trên mặt đất tổ quốc mênh mông
chúng tôi không thể bay lên được

đùa giỡn với bầy chim cánh trắng nhởn nhơ chúng tôi cũng không thể sà xuống ngã vào cỏ hoa xanh biếc như ngọc chúng tôi cũng không thể nào phình to hoặc teo tóp lại không thể rẽ ngang rẽ ngữa không thể quay phải quay trái những hạt bụi không thể chết và lại càng cũng không thể sống giữa thiên đường tổ quốc

nẻo trời xa
hạt bụi đời
hạt bụi trái tim
hạt bụi hồn tôi
bay đi đâu
bạn ơi

chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
những hạt bụi
đang chầm chậm
hoá đá
hoá
đá

Nguyễn Đình Chính quan niệm chỉ viết những gì ông thấy và chia sẻ được. Triết lý đơn giản này thật ra không dễ dàng khi quá nhiều văn thi sĩ theo chân cha của ông là Nguyễn Đình Thi viết theo đơn đặt hàng của Xã hội chủ nghĩa. Hai cha con tuy cùng cầm bút trong nhiều thời kỳ nhưng ngã rẽ của ý thức đã làm ông ngày càng xa hơn mối tình phụ tử.

Trong “Bài thơ thắp đèn” Nguyễn Đình Chính”

Thắp đèn lên
góp một niềm vui nhỏ
chung triệu niềm vui ánh lửa đồng bào
những ngày này ta nắm chặt tay nhau
nắm thật chặt
cố gắng chạy
chạy

chạy chạy

băng qua vũng bùn nỗi buồn cúi đầu nô lệ rửa mặt thật sạch hàng triệu hàng triệu người đang hiện rõ mặt con người hiện rõ mặt con người (không phải mặt con vật) ngẩng lên không còn sợ hãi

xin lỗi không thể hiểu được
tức cười
tại sao mà lâu nay lại sợ thế nhỉ

thật ra chúng nó chỉ có một dúm
mấy chục thằng bệnh hoạn
lai lịch mờ ám
đang chết sặc trong quyền lực và tiền bạc

tôi vẫn mơ tới một ngày
đi phượt cùng anh
hai thằng nằm dài trên đỉnh núi
lục túi hút chung một điếu vi na
tán lăng quăng về thơ tân hình thức
chỉ có thế
rồi tuyết lở chôn vùi năm tiếng
nhưng…
còn lâu hai thằng mới ngoẻo
xin lỗi mấy em thổ mừ cứu hộ
các anh đang thèm một ly cốt nhắc
cốt nhắc thứ thiệt
và có thể
lại một điếu vi na
và cũng có thể
hai em vén váy ngồi xuống đây
trợn mắt lên mà nghe
chẹc chẹc
đang lò mò
bò sang thơ kể
xin lỗi — đéo thể hiểu được
tức cười
giấc mơ nhỏ nhoi mà khó thành chuyện thực

thắp đèn lên
góp lửa triệu người
mong một ngày
lửa tự do
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt

Nguyễn Đình Chính nhìn chung quanh và làm thơ. Ông đào sâu sự kiện để lật mặt trái của từng sự việc. Bằng những rung cảm của một nhà thơ, vấn đề thời sự được ông nhào nặn thành vật thể có thể cảm nhận được một cách cụ thể. Trong bài “Tôi cũng là người vô gia cư” ông viết:

Tôi cũng là người vô gia cư như bà,
thưa bà tiến sĩ, mặc dù tôi cũng có công việc làm đàng hoàng như bà, thưa bà tiến sĩ

Tôi là người vô gia cư mặc dù hàng ngày tôi vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn hít thở không khí bụi bặm và vẫn làm tình nhăn nhở trong một ngôi nhà 4 buồng giá hàng trăm ngàn đô la.

Bao nhiêu năm nay rồi tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi khi tôi viết những bài thơ kể về nỗi buồn bi thảm của dân tộc tôi nỗi buồn đã bị mấy kẻ ác tâm tàng hình nghiền thành bột đổ xuống cống rãnh hôi thối.

Tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi mỗi khi tôi hát lên bài ca thương cảm giống như bát cháo hoa vẩy lên trời bố thí cho hàng triệu oan hồn lang thang đói khát bị chết oan không hiểu vì sao mình lại chết trong cuộc chiến tranh chỉ mang lại quyền lực và tiền bạc cho một dúm kẻ kẻ ác tâm tàng hình.

Buổi chiều hôm nay gió lạnh đổ về

tôi nhìn thấy bà đang co ro ngồi trên ghế đá lạnh buốt ngoài công viên, thưa bà tiến sĩ còn tôi thì đang ngồi thu mình trong căn buồng ấm áp.Vậy mà tôi cũng đang lâm vào cảnh khốn nạn như bà, thưa bà tiến sĩ.

Bà bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng
tiền bạc gom góp suốt đời của bà
Còn tôi thì bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng niềm tin mà tôi cũng đã dành dụm suốt cả đời tôi

Niềm tin mà nhà thơ dành dụm suốt đời không hề dám hoang phí đã một sớm một chiều bị đồng đội, đồng chí của ông tước mất. Chẳng những mất lòng tin mà còn mất cả tự do sáng tác và phát hành tác phẩm của mình. Nguyễn Đình Chính đưa ra những sự thật mà ông cho rằng không dễ thấy. Sau khi qua nhiều hệ thống kiểm duyệt một tác phẩm ra đời đáng lẽ phải hay, phải sắc sảo lắm nhưng thường thì ngược lại, chúng chỉ có thể gọi là tàm tạm mà thôi.

-Chắc chắn…anh không biết bây giờ trong nước người ta…

Cùng hát lên

tôi muốn chia sẻ với bạn
không phải một miếng cơm ăn

không phải một manh áo mặc
cũng không phải một chút ít tiền bạc
tôi muốn chia sẻ với bạn
một dúm không khí tự do
để thở
dúm không khí tự do sặc sụa rác bẩn
hàng ngày quắn quại trên đầu chúng ta

khó thở quá

bạn ơi hãy siết chặt tay với tôi
và cùng hát lên thật to
bài hát của bà chúa Liễu Hạnh
bài hát của bà tổ mẫu Po Inư Nagar

kể về hạt lúa trổ bông ngã nghiêng trên cánh đồng kể về bụi cỏ mắt trâu nở hoa rực rỡ trên ngọn đồi cao kể về đàn cá da trơn quẫy mình tung tăng ngoài biển bài hát ngàn năm kể về sông núi đất đai này là của ông bà anh em chúng ta đâu phải của riêng một bọn người dấu mặt đang tàng hình

tôi muốn chia sẻ với bạn
nỗi buồn không thể nói lên thành lời
không của riêng ai
nỗi buồn vô gia cư
lang thang
đi hoang
trong ngôi nhà tổ quốc.

Quý vị vừa theo dõi tác giả Nguyễn Đình Chính qua những bài thơ cùng nhận xét, chia sẻ của ông đối với sự nghiệp thi ca. Xin trân trọng cám ơn quý vị.
Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-08
Trần Nhương còn có những bút danh khác như Trường Nhân, Lâm Thao. Trần Nhương sáng tác trên nhiều lĩnh vực, ông viết tiểu thuyết, truyện ngắn, làm thơ và những năm gần đây ông còn tiến sang lĩnh vực hội họa.
Người đa tài

Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of blog quechoa
Nhiều tác phẩm văn học của ông đã được xuất bản từ năm 1980. Hai tác phẩm thơ quan trọng “Gương mặt tôi yêu” xuất bản năm 1980 và “Bài thơ tình của lính” xuất bản năm 1987 đã được giới sinh hoạt văn học nghệ thuật chú ý đến.
Tiểu thuyết “Dòng sông không có đôi bờ” của ông xuất bản năm1997 và tái bản năm 2005. Tập truyện mới nhất mang tên “Em đã có một người đàn ông” xuất bản năm 2010.
Tuy mới bước vào lĩnh vực hội họa, Trần Nhương đã sáng tác khá nhiều và ông đã có 7 cuộc triển lãm cá nhân và nhóm từ năm 1998 tới nay. Tranh của Trần Nhương được giới thưởng ngoạn đánh giá có chiều sâu và mang nhiều hơi hướm thi ca trong từng tác phẩm.
Tác giả Trần Nhương hiện đã về hưu sau nhiều năm tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật và ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức văn học nghệ thuật, trong đó bao gồm hội viên hội nhà văn Việt Nam. Trần Nhương hiện là biên tập viên của báo Người Cao Tuổi Việt Nam.
Nói về tự thân, tác giả Trần Nhương sơ lược đôi điều về mình như sau:
Trước đây mình là giáo viên, mình viết và in những bài đầu tiên từ năm sáu mấy…nhưng in báo trung ương gọi là oách một tì thì từ năm 67 mới bắt đầu in trên tờ Quân Đội, sau đó đi bộ đội, đi lính. Cuộc đời cứ làm thơ làm văn, đi dự đại hội văn trẻ lần thứ hai năm 71…Tất nhiên văn chương mình nó cũng chẳng nổi quả gì nhưng thôi mình cứ làm bền bỉ…
Trần Nhương là một tác giả xuất thân từ bộ đội, sau một thời gian ngắn làm giáo viên tại Hà Nội, ông nhập ngũ và cũng như mọi thanh niên khác, ông tham gia chiến trường ngành vận tải vào năm 1965. Đi nhiều, tiếp cận nhiều cảnh đời trong chiến tranh. Ông san sẻ cái nhìn của mình trong tập thơ “Bài thơ tình của lính” do nhà xuất bản Quân đội xuất bản năm 1987. Tác phẩm này tái bản lần thứ 2 năm 2005 và nhận Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1989.
Tập thơ “Bài thơ tình của lính” mang hơi hướm của người bộ đội viết về những nơi mình đi qua, những suy nghĩ rời rạc cũng như các trăn trở như người đọc thường thấy trong các tác phẩm viết về người lính trong cuộc chiến. Bên cạnh những bài thơ về mẹ của các tác giả cùng thời hay trước ông, bài thơ Mẹ của Trần Nhương có lẽ gây được sự xao động nơi người đọc trong tập thơ này.
Cũng những khắc khoải tự trách và hình ảnh làng quê lớn lên song song cùng với bà mẹ, nhưng Trần Nhương đã vượt khá xa nhiều tác giả khác khi tránh được những nhóm từ quen thuộc như ca dao thường xuất hiện trong những bài thơ về mẹ. Ông không dùng từ ngữ nào mới nhưng những hình ảnh đến và đi trong bài thơ đôi khi buồn đến chạnh lòng:
Từ lòng Mẹ con lớn lên
Qua vòm cổng đá ong chân trời như ban ngày ào đến
Tuổi thơ ngây vội vàng
Bước chân trâu sá cày bỡ ngỡ.
Khi giọng nói vỡ ra, manh áo chật
Buông theo cày con cầm súng lên đường
Mẹ tiễn con rồi cánh cửa mở ra
Đón vầng trăng vào nhà bầu bạn
Ngày mùa nhớ con đầy nồi cơm mới
Ngày tết nhớ con phấp phỏng câu chào
Con đi núi xanh rừng xanh
Mái tóc Mẹ thắm suốt đường chiến dịch
Rời lũy tre bé bỏng
Con đến với bao la mặt trận trong này.
Cảm xúc rất thật
Đọc lại bài thơ “Đất nước những ngày này” trong tập thơ, người đọc dễ dàng nhận ra những cảm xúc thật rất đáng suy ngẫm của tác giả trong thời gian ấy. Ông nhìn lại những gì mà sau bao năm người lính cùng nhân dân miền Bắc tranh đấu bằng máu để dành lại được, nhưng đời sống người dân vẫn cơ cực như ngày nào khi chiến tranh còn đang tiếp diễn.
Niềm tin sẽ có một ngày tươi sáng hơn vẫn cháy rực rỡ trong tim nhà thơ, vì theo ông, cũng như hàng trăm ngàn người lính lúc ấy, mặt trận kinh tế và chính trị không thể nào gian khổ bằng mặt trận quân sự mà ông và bạn bè đưa lưng chống đỡ. Niềm tin vào cái nghèo sẽ bị tiêu diệt chừng như phơi phới trong lứa tuổi thanh xuân của ông lúc bấy giờ:
Cái đói nghèo còn theo mãi
Chợ sớm chợ chiều giá gạo như nước lên
Bữa ăn thành mối lo ngày đêm
Vài mét vải hai năm nay mặc tạm
Bao cám dỗ những chân trời di tản
Kéo người nhẹ dạ ra đi
Nắng hạn chưa qua, bão lụt lại về
Mùa màng thất bát
Cái cũ kỹ như sợi dây trói buộc
Đâu sao Khuê lấp lánh phía chân trời?
Trước bao điều dữ dội
Nếu không có Đảng mình đất nước sẽ về đâu...

Một bức tranh làng quê VN của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
“Nếu không có Đảng mình đất nước sẽ về đâu?” là câu hỏi rất thật trong phạm trù niềm tin mà ông và rất nhiều người lúc ấy đặt vào. Tiếc thay, những điều dữ dội trong cuộc sống sau gần nửa thế kỷ chừng như vẫn hiện diện như chưa bao giờ có cuộc đổi thay ở đất nuớc này.
Sau nhiều năm nằm trong chiếc tổ ấm mang tên Đảng, một hôm Trần Nhương giật mình nhớ tới hai từ “nhân dân” quen thuộc. Nhân dân xưa và nhân dân ngày nay có khác:
Trước lũ lụt nhân dân thất bại
Gặp cửa quyền thất bại phía nhân dân
Thời lạm phát nhân dân thất bại
Nhập tách gì thất bại chỉ nhân dân
Chống tham nhũng nhân dân đều thất bại
Cải cách gì thất bại gửi nhân dân
Vậy mà cứ trường tồn hơn tất cả
Võng lọng, oai quyền năm tháng sẽ hư không
Nhân dân lọc vứt đi bao cặn bã
Để tìm ra rờ rỡ trái tim hồng…
Năm 2002, trong một bài thơ mang tên “Chẳng có gì quan trọng” tác giả nhìn lại mình, nhìn lại chung quanh sau một thời gian dài sáng tác. Trần Nhương thảng thốt thú nhận mọi nỗ lực tranh đấu để tồn tại hay gạt bỏ đều vô ích. Một cách gián tiếp, tác giả thú nhận những viễn mơ mà ông từng kinh qua, tuy đẹp nhưng cuối cùng thì chỉ là những kết quả buồn, nào có gì đâu để gọi là quan trọng.
Những cuốn sách một thời như sấm trạng
Giờ bán cân bà đồng nát mua về
Những quy phạm một thời như thước ngọc
Thành vết hằn ghi dấu sự ngô nghê.

Dòng sông Đà hùng dũng nhường kia
Giờ ngăn đập sông luồn qua cửa cống
Biển Vũng Tàu cứ tưởng mình dài rộng
Dàn khoan dầu biển hoá mảnh ao quê.

Người quan trọng một thời bao thuộc hạ
Giờ vẩn vơ đợi khách chẳng ai thăm
Em hoa hậu đẹp như nhành lửa ấm
Bếp thời gian để lại chút than hoa!

Em của anh ơi, chẳng gì là quan trọng
Đến tình yêu cũng có thể già
Ta hãy sống vô tư như trẻ nhỏ
Sáng xuân này lối ngõ nở đầy hoa..

Thơ của ông trong thời gian gần đây có khuynh hướng theo dõi những diễn biến xã hội, đặc biệt mẫn cảm với những bất công, giằng xé trong giới nông dân nghèo và những nạn nhân thời cuộc. Khi xảy ra sự cố công an bắn chết một học sinh trong vụ xô xát tại khu lọc hóa dầu Nghi Sơn do người dân xã Tĩnh Hải tập trung tại phần đất thuộc khu lọc hóa dầu này để ngăn cản đơn vị thi công vì họ chưa đồng tình với phương án giải quyết đền bù.
Bài thơ mang tên “Thơ viết ngày 1 tháng 6” khá nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà kém phần xót xa, ông viết:
Ngày vui này các em thiếu đi một bạn
Bạn Lê Xuân Dũng
Mười hai tuổi học lớp 6 ở Tĩnh Hải, Nghi Sơn
Ngã xuống khi cùng dân làng giữ đất

Thương thay !
Bạn chưa kịp nhìn thấy những mẻ dầu
Được lọc ngay trên quê hương bạn
Chưa được nhìn tàu cao tốc
Chạy qua đất Tĩnh Gia
Chưa kịp lớn để trái tim lỡ nhịp
Bởi một ánh nhìn ai đó online

Có thể đó là không cố ý của viên công an
Làm bạn dừng ở tuổi 12
Nhưng đối diện với nhân dân
Viên công an nhân dân
Đưa đạn lên nòng là cố ý…
Nghịch lý cuộc sống

Một bức tranh của họa sĩ Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com
Trong bài “Ngọt Đắng”, Trần Nhương đi xa hơn trước những mâu thuẫn mà ông đối diện hàng ngày trong đời sống. Những yếu tố hạn hẹp manh mún xuất hiện song song với nhau làm ông hụt hơi phân tích để rồi cuối cùng “ngọt và đắng” trở thành kết quả tự nhiên khiến ông phải chấp nhận như một vĩnh hằng. Tác giả không đặt cho mình câu hỏi nào, sự trải nghiệm đã làm ông tỉnh táo hơn trước các nghịch lý mà ông cho là tất nhiên phải có. Bản năng tranh đấu của người cộng sản trước bất công hình như đã mòn trong cuộc hành trình dài hơi của người lính. Ông trở nên tĩnh lặng trước đen và trắng của cuộc đời, ông viết:
Em dịu dàng mềm mại như nhung
Lại cứng nhắc gan lỳ như thép
Trời mênh mông vẫn còn bao lối hẹp
Người tươi cười che đậy lắm mưu mô

Tưởng vĩnh hằng bền vững Liên xô
Ngôi sao đỏ thành một thời hoài niệm
Voi to lớn lại ngại ngùng lũ kiến
Quan như thần hóa bè lũ maphia

Nơi thâm cung ngưỡng mộ nhường kia
Bao trung nịnh, bao dâm ô, tội ác
Đến đồng tiền cũng đi liền với bạc
Có ban ngày còn có cả ban đêm

Nước triều vơi rồi nước triều lên
Biển lớn thế vẫn chịu bờ trói buộc
Bao trải nghiệm cho ta nhìn thấy được
À thế ra ngọt đắng vẫn đi cùng…
Những ngày về hưu đối với nhiều người là một quãng thời gian để nghỉ ngơi và hồi tưởng, nhưng đối với Trần Nhương lại là những gọi nhớ không bình yên khi nhận thấy đời con chim trong lồng mà ông nuôi sao lại giống với những bâng khuâng mà ông chứng kiến hàng ngày đến thế!
Bài thơ mang tên “Lặng Im” có lẽ phần nào chia sẻ được những hoài niệm chen lẫn bâng khuâng và ít nhiều cay đắng của một nhà thơ trước những thang bậc cuối cùng của đời người ngắn ngủi và giới hạn.
Về hưu nuôi một con chim
Để mong bớt cái lặng im trong nhà
Ngày một, ngày hai, ngày ba
Thức ăn, nước uống, mang ra nhấc vào
Huýt sáo líu ríu khơi mào
Ngọt ngào câu hỏi lời chào cậu chim
Thế mà nó vẫn lặng im
Đôi khi ánh mắt lim dim mơ màng
Nuôi chim mong tiếng hót vang
Mà chim không hót nghĩ càng chán thêm
Tôi ngồi nghĩ ngợi liên miên
Hay là nó muốn đòi tiền cát-xê
Hay là đương chức ù lì
Chỉ ăn không nói làm chi cho phiền
Hay là quan chức cấp trên
Kiệm lời ra dáng người hiền của dân
Hay là kẻ sĩ ngu đần
Cúi đầu vâng dạ làm thân tôi đòi
Hay là khao khát khoảng trời
Rừng xanh một thuở là nơi vẫy vùng

Con chim héo hắt trong lồng
Và tôi xao xác muối lòng sớm trưa
Tôi ra cửa hàng đã mua
Đổi con chim khác cho vừa ý hơn
Người bán nhìn tôi cười ròn:
Chim lồng nó thế cụ còn mong chi
Tôi buồn thả cậu chim đi
Nó bay một quãng lại về… lạ chưa ?
Thương chim oanh liệt ngày xưa
Trong lồng lâu quá ngu ngơ một đời
Lặng im là lặng im ơi
Hình như đang cất bao lời với ta…
Quý vị vừa theo dõi một vài tác phẩm của nhà thơ họa sĩ Trần Nhương. Hy vọng chúng tôi sẽ trở lại với ông trong một bài viết về hội họa của người nghệ sĩ đa tài này….
Nhà thơ Ý Nhi và thơ của lớp trẻ
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-08-12
Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu buổi nói chuyện với nhà thơ Ý Nhi, bà là một cây bút lâu năm trong giới văn nghệ Việt Nam. Hồi gần đây bà có những sinh hoạt đáng chú ý khi tham gia các cuộc bình chọn các nhà thơ trẻ . Bà từng như phụ trách biên tập thơ cho một số các tờ báo lớn trong nước.
Nhà thơ Ý Nhi tên thật là Hoàng thị Ý Nhi sinh năm 1944 tại Thị Xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968. Từng phụ trách công tác biên tập thơ cho các nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng và Tác phẩm mới (Hà Nôi ). Bà có một số tác phẩm đã xuất bản đáng chú ý như: Trái tim - Nỗi nhớ in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1974; Cây trong phố chờ trăng, in chung với Xuân Quỳnh năm 1981. Những tác phẩm bà in riêng gồm có Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan; Ngày thường; Mưa tuyết, Gương mặt; Vườn, Thơ Ý Nhi ; tác phẩm mới nhất của bà là “Những gương mặt những câu thơ” là thể loại chân dung văn học in năm 2008.
Chỉ nên viết khi nào mình cảm thấy có nhu cầu (từ nội tâm)
Khi được hỏi về những sinh hoạt của bà trước đây, và điều gì bà cho rằng một nhà thơ nên tránh trong sinh hoạt sáng tác, nhà thơ Ý Nhi cho biết:
- Tôi là người làm thơ nhưng đồng thời cũng có cái may mắn làm biên tập thơ nhiều năm, lúc đầu làm cho Nhà xuất bản văn nghệ giải phóng, sau đó đến Nhà xuất bản tác phẩm mới gọi là Nhà xuất bản hội nhà văn bây giờ. Làm rất nhiều năm, đọc rất nhiều thơ của các nhà thơ Việt nam đôi khi biên tập những tập thơ dịch ra từ các nhà thơ nước ngoài, tức là tôi có điều kiện đọc và tự mình cũng làm, đó là điều quan trọng nhất. Thực ra thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng làm được. Bây giờ tôi vẫn cảm thấy thơ bị đặt hàng nhiều. Ví dụ Thơ Tết chẳng hạn, đó là một đề tài rộng rãi thoải mái nhưng mà không mấy khi chúng ta có Thơ Tết 2 cả bởi ít người có cảm xúc đúng vào thời điểm đó để có những bài thơ như thế nên tâm niệm sâu sắc nhất của tôi chính là: Mình thật sự chỉ nên viết khi nào mình cảm thấy có nhu cầu (từ nội tâm) mà thôi.
- Thưa bà, thường thì thơ và nỗi buồn thường song hành với nhau. Khi nỗi buồn đến thì sẽ tạo ra niềm hứng khởi cho thi sĩ, bà có phải là một ngoại lệ hay không?
- Tôi nghĩ không phảỉ chỉ riêng thơ mà nói chung tất cả các sáng tạo văn học nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điêu khắc…đều như vậy, tất nhiên là có đặc thù riêng. Nhưng nỗi buồn của người làm thơ thì trực tiếp hơn, ngắn gọn và bộc phát hơn. Đối với người sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung thì đó là điều không có ngoại lệ và tôi cũng thế thôi ạ.
Phục vụ thơ chứ không phải sử dụng nó
- Có bao giờ bà có cảm giác là mình đã bạc đãi thơ hay không và nếu có thì bằng cách nào bà hòa giải ?
- Hồi nhỏ khi tôi còn học phổ thông thì nhân sự kiện nhà du hành vũ trụ Liên xô bay vào vũ trụ thì có một chú ở báo Tiền Phong xuống Hải Phòng nơi tôi học và BGH thấy tôi có chút năng khiếu nên đặt viết một bài thơ nhân sự kiện này. Đó là bài thơ duy nhất tôi làm do đơn đặt hàng còn ngoài ra tôi không bao giờ làm thơ khi không có nhu cầu. Không có bất cứ một áp lực nào đối với tôi cả. Chính vì thế nên tôi nghĩ mình không bạc đãi thơ nên cũng không có sự làm hòa. Tôi có nhớ một câu rất hay của một nhà thơ (đại ý) là người ta phải phục vụ thơ chứ không phải sử dụng nó. Sử dụng thơ tức là đã bạc đãi thơ rồi”. May mắn là tôi không rơi vào tình cảnh như thế ạ.
- Có một câu hỏi thường nhận được sự trả lời rất khác nhau từ các nhà thơ, đó là nếu được viết lại từ đầu thì bà sẽ làm gì sau khi đã đi qua một chặng đường dài như bà đã từng?
- Câu hỏi này có lẽ hơi khó không phải chỉ riêng tôi mà với tất cả mọi người vì nếu như làm lại thì người ta sẽ thay đổi rất là nhiều. Khi tôi bắt đầu làm thơ thì rất nhiều anh chị khác cùng thế hệ như chị Xuân Quỳnh, anh Bằng Việt hay anh Phạm Tiến Duật đã làm thơ trước đó dù cùng một lứa làm thơ với nhau. Tuy nhiên khi bắt đầu làm thơ thì mình cũng hòa vào giọng chung đó, chưa có được giọng riêng cho mình. Nếu như có sự bắt đầu tốt hơn, có vị trí độc lập thì tốt hơn nhưng cũng chả sao vì cái gì mình đã sống, đã làm cũng đáng quý. Tôi thực sự không hối hận hay nghĩ mình phải làm cách khác vì điều đó là không thể.
Lớp trẻ làm thơ
- Bà đã từng biên tập thơ cho nhiều tờ báo vậy trong khi làm công việc này bà có nhận xét gì đối với các nhà thơ trẻ hiện nay? Họ có những sáng tạo rất mới đôi khi đến khó hiểu và dư luận có lúc lên tiếng cho rằng ngô nghê, làm dáng, hay phá phách đặc biệt là trong thể loại thơ Tân Hình Thức. Bà có nhận xét ra sao về họ?
- Tôi là người gốc miền nam nhưng năm 54 tôi cùng gia đình ra bắc. Khi tôi học phổ thông, học đại học đến lúc đi làm thì có một nền thơ chung của miền bắc lúc bấy giờ . Và cũng do cuộc chiến tranh nên thơ miền bắc có giai đoạn khác với thơ miền nam và thơ của lớp trẻ bây giờ khác với thời kỳ thơ của tôi. Tôi cảm thấy lớp trẻ bây giờ thật sự tự do, họ tìm kiếm những phương thức mới để biểu hiện họ.
Bọn trẻ bây giờ hay nói đến hậu hiện đại. Về lý thuyết thì tôi không hiểu lắm nhưng tôi thấy nhiều người để ý và viết mà không ai phản đối. Sự tự do trong tư tưởng trong tình cảm sự không ràng buộc là điều quan trọng nhất đối với những người làm thơ trẻ. Hiện nay tôi không làm thơ nữa mà tham gia vào ban giám định tổ chức những cuộc thi thơ. Những cuộc thi này rất để ý đến những tác giả trẻ. Tôi cảm thấy điều quan trọng nhất là họ tự do, họ không bị bất cứ sự ràng buộc nào về mặt tư tưởng, tình cảm cũng như về nghệ thuật, về thủ pháp... Đất của họ rất rộng.
Từ sau 75 đến giờ xuất hiện rất nhiều đợt những tác giả thơ trẻ khác nhau. Đa số các nhà thơ nữ hay viết về đề tài tình yêu mà có thời kỳ chúng tôi không được nói đến điều đó, bây giờ tôi thấy hơi nhiều, hơi quá đà, coi như tình yêu là thứ duy nhất người ta muốn nói. Trong giải thơ tôi đang tham gia là giải Bách việt gần đây có tổ chức một buổi ra mắt những tập thơ mới, tôi thấy anh Đồng Chương Tử, anh Tuệ Nguyên, anh Trần Tuấn, anh Lê Vĩnh Tài… có đề tài quan tâm rộng hơn, sâu sắc hơn anh ạ.
-Như bà vừa trình bày lớp sáng tác trẻ có khuynh hướng tiếp cận với thơ hậu hiện đại nhiều hơn là làm thơ theo kiểu cổ điển, mà loại thơ này thì thật ra khó cảm nhận cho dù chỉ tương đối vì cho đến lúc này thế giới vẫn loay hoay đánh giá cách sáng tác cũng như chủ đề của loại thơ này. Từ những khó khăn như vậy, làm cách nào mà bà và ban giáo khảo có thể chấm những tác phẩm sáng tác trong hình thức này của giới trẻ?
- Cái này đúng là hơi khó. Trong giải thưởng thơ chúng tôi đang làm thì có tờ báo họ bảo là đổi mới vừa vừa tức là cái mà ban thẩm định có thể chấp nhận được, nhà xuất bản có thể cấp phép được và bạn đọc có thể chấp nhận được. Còn những người đi quá sâu vào khuynh hướng đó, quá tự do thì họ xuất bản bằng cách khác. Họ có thể gửi lên mạng gửi ở Tiền Vệ, gửi ở Da màu, gửi ở Ăn mày văn chương… hoặc in ra thì cũng có nhưng sự tiếp nhận của công chúng và cả với chúng tôi cũng rất dè dặt, rất khó. Những tác phẩm đã được in ra, đã được tham gia giải này giải kia thì cũng chừng mực, vừa phải chứ không đi thật sâu vào khuynh hướng hậu hiện đại. May mắn là họ vẫn được viết và có phương tiện phổ biến những sáng tác của mình, đó cũng là điều tốt.
- Xin cám ơn nhà thơ Ý Nhi, để kết thúc phần nói chuyện ngày hôm nay mời quý vị thưởng thức bài thơ ngắn có tên Quê Hương của tác giả Ý Nhi do Khánh An đọc sau đây

QUÊ HƯƠNG
Rồi ta về ngày thơ ngây
trái mận trái mơ
con giống đêm rằm
đèn trung thu sáng nến
phượng nở êm đềm trên mái rêu
Rồi ta về
nghe gió
thiếp lặng giữa vòm cây
như tiếng gọi trong chiều
Rồi ta về
trông sóng
trên mặt nước hồ xanh
còn chuyến đi bền bỉ tới bờ
Rồi ta về
mưa phùn ,lộc biếc
Rồi ta về
phố dài cô vắng
sông lớn âm thầm thắm đỏ
Rồi ta về
tìm qua ô cửa
một chút gì bóng dáng đời ta
một chút gì như đốm nắng trên tường vôi cũ
một chút gì như tiếng chim khuyên
nơi vườn hoang
Rồi ta về
cuộn trốn giữa yêu thương
như đứa trẻ
cuộn mình trong chăn ấm chiều đông
Ôi quê hương quê hương
mắt trũng sâu chờ đợi
ta khóc ngập lòng trên lối về.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chính
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-10-02
Nguyễn Đình Chính sinh năm 1946 tại Hà Nội. Ông là con trai thứ hai trong số ba người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi, và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga.

Photo courtesy of VTC.VN
Nhà thơ Nguyễn Đình Chính

Năm 1951, bà Nguyệt Nga mất vì trọng bệnh tại khu di tản, Nguyễn Đình Chính sống với bà ngoại. Năm 1955, Nguyễn Đình Chính về Hà Nội và học hết phổ thông. Năm 1965, đi bộ đội. Năm 1976, xuất ngũ, thương binh bậc hai. Nguyễn Đình Chính từng công tác nhiều năm trong các lĩnh vực điện ảnh, sân khấu và báo chí. Hiện ông sống ở Hà Nội.
Nguyễn Đình Chính cũng viết hay làm những công tác khác trong lĩnh vực điện ảnh và kịch nghệ. Tác phẩm Rừng Lạnh của ông được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh; tác phẩm Người Trên Mặt Sông và Hòn Đảo chìm xuống không được duyệt và khoảng 15 vở kịch khác, trong đó 5 vở đã được dựng và diễn trên các sân khấu Hà Nội.
Khắc khoải với tệ nạn xã hội
Ông làm khá nhiều thơ và dư luận chú ý nhiều đến thơ ông qua trang mạng hơn là tác phẩm in thông thường. Thơ Nguyễn Đình Chính chứa nhiều nhạc điệu trầm lắng hòa cùng tiếng vọng ngữ nghĩa luôn lung linh qua khung cửa mở rộng với thơ tự do. Bài thơ tình mang tên “Bài Ca Tình Yêu” có những chữ thật đẹp, cái đẹp làm người đọc bàng hoàng, ông viết:

chiều buồn như một lời xin lỗi
quán bia nhễ nhại bên đường.
anh ngồi hoá đá
nắng tháng mười hớt hải đi qua

Nét đẹp của chữ trong thơ Nguyễn Đình Chính không hề giả tạo, ông đặt chúng bên cạnh những khắc khoải mà dân tộc ông phải sống chung như sống chung với lũ, đó là nạn bia ôm. Ông nhìn tệ nạn này dưới cặp mắt tỉnh táo và thật thà đưa ra nhận xét:

em đấy ư
mắt thâm quầng mất ngủ
bàn tay thô ráp
tình cờ
mùi nước hoa rẻ tiền

em đấy
bật nút chai bia thứ nhất
chào nhau
làm quen
cái miệng cười lạ lùng
như hoa nở

ai tìm ai yêu nhau
tuyệt vọng săn lùng trái tim dính đạn
thế giới nghèo hèn vẫn đòi ta phải sống.
phải sống
phải thở
phải ăn và
phải yêu

ai đi tìm ai yêu nhau
nước mắt cô đơn mồ hôi cô đơn
máu rỏ cô đơn
trong ly bia sủi bọt

bật nút chai bia thứ hai
chia thật đều niềm vui ướt
về hai ngả
niềm vui gì
không biết
(hay không thèm biết)
chia thật đều nỗi đau ướt
về hai ngả
nỗi đau gì
không biết
(hay không thèm biết)

tâm hồn đói khát săn lùng
ảo giác tình yêu vô vọng
hoang đường và
ngu xuẩn

bật nút chai bia thứ ba
em đây
anh đây
nụ hôn không hề do dự
trút bỏ xiêm y giả mạo
ta ngả vào nhau
giản dị mơ màng
yêu

yêu
em đây
anh đây
vườn địa đàng có thật

Đậm đặc yếu tố thời sự
Thơ Nguyễn Đình Chính ngay cả trong tình yêu cũng đậm đặc yếu tố thời sự. Với ông hình như làm thơ là để phác họa lại những gì đang xảy ra trong đời sống, ngay cả tình yêu, thứ hàng quốc cấm không phải dễ dàng để chia sẻ.

Là con trai của Nguyễn Đình Thi, một nhà thơ nổi tiếng trong nhiều thời kỳ nhưng Nguyễn Đình Chính không có một nét nào khiến người ta có thể liên tưởng tới người cha của ông. Theo Nguyễn Đình Chính thì ông và cha ông không hề có một chia sẻ nào về thơ ca, ông nói.

Có lẽ góc nhìn khác hẳn người cha của ông là một yếu tố tích cực khiến ông đứng riêng ra một cõi, bất kể chỗ đứng này có phù hợp với sự nghiệp của cha ông hay không.

Trong bài “Những hạt bụi hoá đá” Nguyễn Đình Chính trêu chọc

chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
lơ lửng lơ lửng
dưới bầu trời tổ quốc mênh mông
trên mặt đất tổ quốc mênh mông
chúng tôi không thể bay lên được

đùa giỡn với bầy chim cánh trắng nhởn nhơ chúng tôi cũng không thể sà xuống ngã vào cỏ hoa xanh biếc như ngọc chúng tôi cũng không thể nào phình to hoặc teo tóp lại không thể rẽ ngang rẽ ngữa không thể quay phải quay trái những hạt bụi không thể chết và lại càng cũng không thể sống giữa thiên đường tổ quốc

nẻo trời xa
hạt bụi đời
hạt bụi trái tim
hạt bụi hồn tôi
bay đi đâu
bạn ơi

chúng tôi như những hạt bụi bay
(không phải bay mà chỉ lơ lửng)
những hạt bụi
đang chầm chậm
hoá đá
hoá
đá

Nguyễn Đình Chính quan niệm chỉ viết những gì ông thấy và chia sẻ được. Triết lý đơn giản này thật ra không dễ dàng khi quá nhiều văn thi sĩ theo chân cha của ông là Nguyễn Đình Thi viết theo đơn đặt hàng của Xã hội chủ nghĩa. Hai cha con tuy cùng cầm bút trong nhiều thời kỳ nhưng ngã rẽ của ý thức đã làm ông ngày càng xa hơn mối tình phụ tử.

Trong “Bài thơ thắp đèn” Nguyễn Đình Chính”

Thắp đèn lên
góp một niềm vui nhỏ
chung triệu niềm vui ánh lửa đồng bào
những ngày này ta nắm chặt tay nhau
nắm thật chặt
cố gắng chạy
chạy

chạy chạy

băng qua vũng bùn nỗi buồn cúi đầu nô lệ rửa mặt thật sạch hàng triệu hàng triệu người đang hiện rõ mặt con người hiện rõ mặt con người (không phải mặt con vật) ngẩng lên không còn sợ hãi

xin lỗi không thể hiểu được
tức cười
tại sao mà lâu nay lại sợ thế nhỉ

thật ra chúng nó chỉ có một dúm
mấy chục thằng bệnh hoạn
lai lịch mờ ám
đang chết sặc trong quyền lực và tiền bạc

tôi vẫn mơ tới một ngày
đi phượt cùng anh
hai thằng nằm dài trên đỉnh núi
lục túi hút chung một điếu vi na
tán lăng quăng về thơ tân hình thức
chỉ có thế
rồi tuyết lở chôn vùi năm tiếng
nhưng…
còn lâu hai thằng mới ngoẻo
xin lỗi mấy em thổ mừ cứu hộ
các anh đang thèm một ly cốt nhắc
cốt nhắc thứ thiệt
và có thể
lại một điếu vi na
và cũng có thể
hai em vén váy ngồi xuống đây
trợn mắt lên mà nghe
chẹc chẹc
đang lò mò
bò sang thơ kể
xin lỗi — đéo thể hiểu được
tức cười
giấc mơ nhỏ nhoi mà khó thành chuyện thực

thắp đèn lên
góp lửa triệu người
mong một ngày
lửa tự do
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt
sáng bừng đất việt

Nguyễn Đình Chính nhìn chung quanh và làm thơ. Ông đào sâu sự kiện để lật mặt trái của từng sự việc. Bằng những rung cảm của một nhà thơ, vấn đề thời sự được ông nhào nặn thành vật thể có thể cảm nhận được một cách cụ thể. Trong bài “Tôi cũng là người vô gia cư” ông viết:

Tôi cũng là người vô gia cư như bà,
thưa bà tiến sĩ, mặc dù tôi cũng có công việc làm đàng hoàng như bà, thưa bà tiến sĩ

Tôi là người vô gia cư mặc dù hàng ngày tôi vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn hít thở không khí bụi bặm và vẫn làm tình nhăn nhở trong một ngôi nhà 4 buồng giá hàng trăm ngàn đô la.

Bao nhiêu năm nay rồi tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi khi tôi viết những bài thơ kể về nỗi buồn bi thảm của dân tộc tôi nỗi buồn đã bị mấy kẻ ác tâm tàng hình nghiền thành bột đổ xuống cống rãnh hôi thối.

Tôi là người vô gia cư trên tổ quốc của tôi mỗi khi tôi hát lên bài ca thương cảm giống như bát cháo hoa vẩy lên trời bố thí cho hàng triệu oan hồn lang thang đói khát bị chết oan không hiểu vì sao mình lại chết trong cuộc chiến tranh chỉ mang lại quyền lực và tiền bạc cho một dúm kẻ kẻ ác tâm tàng hình.

Buổi chiều hôm nay gió lạnh đổ về

tôi nhìn thấy bà đang co ro ngồi trên ghế đá lạnh buốt ngoài công viên, thưa bà tiến sĩ còn tôi thì đang ngồi thu mình trong căn buồng ấm áp.Vậy mà tôi cũng đang lâm vào cảnh khốn nạn như bà, thưa bà tiến sĩ.

Bà bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng
tiền bạc gom góp suốt đời của bà
Còn tôi thì bị đuổi ra khỏi ngôi nhà xây bằng niềm tin mà tôi cũng đã dành dụm suốt cả đời tôi

Niềm tin mà nhà thơ dành dụm suốt đời không hề dám hoang phí đã một sớm một chiều bị đồng đội, đồng chí của ông tước mất. Chẳng những mất lòng tin mà còn mất cả tự do sáng tác và phát hành tác phẩm của mình. Nguyễn Đình Chính đưa ra những sự thật mà ông cho rằng không dễ thấy. Sau khi qua nhiều hệ thống kiểm duyệt một tác phẩm ra đời đáng lẽ phải hay, phải sắc sảo lắm nhưng thường thì ngược lại, chúng chỉ có thể gọi là tàm tạm mà thôi.

-Chắc chắn…anh không biết bây giờ trong nước người ta…

Cùng hát lên

tôi muốn chia sẻ với bạn
không phải một miếng cơm ăn

không phải một manh áo mặc
cũng không phải một chút ít tiền bạc
tôi muốn chia sẻ với bạn
một dúm không khí tự do
để thở
dúm không khí tự do sặc sụa rác bẩn
hàng ngày quắn quại trên đầu chúng ta

khó thở quá

bạn ơi hãy siết chặt tay với tôi
và cùng hát lên thật to
bài hát của bà chúa Liễu Hạnh
bài hát của bà tổ mẫu Po Inư Nagar

kể về hạt lúa trổ bông ngã nghiêng trên cánh đồng kể về bụi cỏ mắt trâu nở hoa rực rỡ trên ngọn đồi cao kể về đàn cá da trơn quẫy mình tung tăng ngoài biển bài hát ngàn năm kể về sông núi đất đai này là của ông bà anh em chúng ta đâu phải của riêng một bọn người dấu mặt đang tàng hình

tôi muốn chia sẻ với bạn
nỗi buồn không thể nói lên thành lời
không của riêng ai
nỗi buồn vô gia cư
lang thang
đi hoang
trong ngôi nhà tổ quốc.

Quý vị vừa theo dõi tác giả Nguyễn Đình Chính qua những bài thơ cùng nhận xét, chia sẻ của ông đối với sự nghiệp thi ca. Xin trân trọng cám ơn quý vị.
Trò chuyện cùng nhà thơ Lê Anh Hoài
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-07-26
Lê Anh Hoài là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học hiện hoạt động tại Hà Nội. Ông còn là một nhà báo cộng tác trên nhiều trang văn hóa.

Hình do nhân vật cung cấp
Thi sĩ Lê Anh Hoài
Lê Anh Hoài được giới yêu nghệ thuật biết đến qua những lần tham dự các cuộc trình diễn ngoài trời do những nghệ sĩ theo khuynh hướng hậu hiện đại tổ chức.
Lê Anh Hoài có những tác phẩm đã cho ra mắt như: Những giấc mơ bên đường (thơ, NXB Văn học, 1999), Chuyện tình mùa tạp kỹ (nxb Đà Nẵng, 2007), tiểu thuyết này được vào vòng chung khảo giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2008, Không lạc loài (nxb Hội Nhà Văn VN, 2008), Tẩy sạch vết yêu (tập truyện ngắn, nxb Hội Nhà Văn VN, 2010), @ tình (tiểu thuyết, tái bản, nxb Văn Học, 2010)
Bên cạnh việc viết lách, Lê Anh Hoài tham gia rất nhiều buổi trình diễn nghệ thuật thị giác với tên gọi: “Tôi là cột điện”, “Tiến lên”, “Đồng Cu”. Lê Anh Hoài còn tham gia trình diễn thơ tại Văn Miếu cùng với nhiều kiểu cách khác mà nhiều người trong giới phê bình nghệ thuật cho là vượt ra ngoài phạm trù nghệ thuật.
Khuynh hướng hiện đại
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông chung quanh việc sáng tác cũng như tham gia trình diễn nghệ thuật thị giác. Trước tiên ông chia sẻ những nỗ lực mà giới tạo hình đang theo đuổi hiện nay:
"Thưa anh, theo như quan sát của tôi, hiện nay khi trào lưu đương đại, khi anh hỏi về cái khuynh hướng hiện đại thì tôi thấy là có một số nghệ sĩ và đa phần là trẻ thì họ đang theo đuổi, nhưng mà cũng theo quan sát của tôi thì chủ yếu là họ bằng cái cảm thức được gọi là hậu hiện đại là chính chứ không phải là cái việc triệt để với cái chủ nghĩa hậu hiện đại này, tức là nhân với rất nhiều các điều và các khía cạnh khác nhau, chủ yếu là ở cái cảm giác là cần phải thay đổi thì họ rất là nỗ lực làm mới mình. Bên cạnh những người vẫn tiếp tục làm những tác phẩm theo kiểu cũ, với hình thức cũ, cách nghĩ cũ thì có một lớp nghệ sĩ trẻ họ cũng làm những cái rất là mới, với những hình thức mới và những chủ đề mới, hoặc là chất liệu mới."
Mặc Lâm: Thưa ông, về chuyện viết lách, ông nhận thấy những cây viết trẻ có nỗ lực gì qua các tác phẩm của họ?
Nhà thơ Lê Anh Hoài: "Trong văn chương tôi thấy là cái nỗ lực theo hướng đương đại hậu hiện đại thì nếu mà so với số người viết văn khá là nhiều ở Việt Nam hiện nay thì số người viết theo khuynh hướng này cũng không nhiều. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây thì tôi thấy là cũng có một cái sự bùng nổ với sự xuất hiện một loạt của các tác giả theo khuynh hướng hậu hiện đại và đương đại. Chủ yếu họ cũng đã tiếp cận được với cái sự đọc và hiểu về cái tinh thần cốt lõi cũng như là các lý luận có thể nói là mạnh hơn một số giới khác, giới nghệ sĩ khác, cho nên sự tiếp cận với nhiều người cũng khá là triệt để, có rất nhiều khuôn mặt cả ở hải ngoại và cả ở trong nước.
Tôi nhận thấy là cái việc chung trong các tác phẩm này, thứ nhất là họ không tôn trọng và gần như là không công nhận những giá trị đã được xác lập và đã được tôn vinh trong nhiều thập kỷ hoặc là thậm chí nhiều thế kỷ nay. Cách họ đưa ra cái chủ đề nhiều khi với cách nhìn cũ thì nhiều khi nó có sự phản kháng, nó có thể đưa ra những chủ đề mà bình thường thì cái giới hàn lâm - tạm gọi như vậy - hoặc là những người theo trường phái cổ điển, họ không bao giờ đề cập tới.
Bên cạnh những người vẫn tiếp tục làm những tác phẩm theo kiểu cũ, với hình thức cũ, cách nghĩ cũ thì có một lớp nghệ sĩ trẻ họ cũng làm những cái rất là mới, với những hình thức mới và những chủ đề mới, hoặc là chất liệu mới.
Nhà thơ Lê Anh Hoài
Hoặc là bằng cái giọng điệu nó rất là khiêu khích, và cái cách sử dụng ngôn từ có thể là dùng những ngôn từ mà thường được người ta coi là tục tằn chẳng hạn, hoặc là những cách diễn đạt ở ngoài đường phố, rồi sử dụng ngôn ngữ "i-za-đéc" hoặc là sử dụng phương ngữ, có nghĩa là những cái gì mà phi chính thống từ trước đến nay thì là họ đều sử dụng mà khá là thành công. Rồi cái tinh thần chung thì tôi thấy đa phần, kể cả dạy trong các trường từ xưa đến nay, thì thường thường các giáo sư rồi những người làm lý luận phê bình thì đều cho rằng văn chương là cái gì nó rất là nghiêm cẩn, nó rất là trang trọng, nó rất là "văn dĩ tải đạo", vân vân.
Thế nhưng mà cái tinh thần của những nhà văn hậu hiện đại, như tôi vừa mới đề cập, thì họ rất là phi nghiêm cẩn, họ có thể là dưới những hình thức như là tào lao, hoặc dưới những hình thức rất là đùa giỡn, thì tôi cho là cái này là tinh thần chung của một nhóm những nhà văn theo trường phái hậu hiện đại. Ở Việt Nam thì là như vậy!
Khuynh hướng hậu hiện đại
Mặc Lâm: Trong tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" nhiều người cho rằng ông đang thay đổi cách viết cũng như kỹ thuật dựng chuyện theo khuynh hướng hậu hiện đại, ông có điều gì muốn thêm vào hay không, thưa ông?

Thơ trên xe máy trong lồng sắt của thi sĩ Lê Anh Hoài triển lãm tại Ngày thơ Việt Nam lần 8 tại Hà Nội hôm 28/2/2010. Photo courtesy of suckhoedoisong.vn
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Thưa anh Mặc Lâm, tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" này thì nó có 19 truyện, không phải là truyện nào nó cũng mang khuynh hướng kỹ thuật dựng truyện mới hoặc là cái dấu ấn đậm đặc hậu hiện đại, tuy nhiên trong này nó cũng có một phần đa tức là tôi cũng muốn đưa cái cảm thức hậu hiện đại của mình vào, đồng thời cũng có cái cách diễn đạt ở một số truyện (mà) theo chủ quan tôi nghĩ là nó cũng muốn đưa cái tinh thần hậu hiện đại và cái tinh thần đương đại vào trong đó.
Thì, so với tập tiểu thuyết trước đây của tôi, trước đây tôi có một tập tiểu thuyết có tên là "Chuyện tình mùa tạp kỹ" thì tập tiểu thuyết đó về mặt kỹ thuật, về mặt cách viết thì nó triệt để, nó mạnh mẽ hơn. Thế còn những phần truyện ngắn trong tập truyện ngắn "Tẩy sạch vết yêu" thì tôi cũng để cho nó ẩn chìm hơn và chủ yếu tôi muốn đưa vào trong đấy cái tinh thần nó mạnh mẽ hơn, tức là có thể một số truyện thì cái kết cấu, cái bố cục nó cũng bình thường thôi, nó cũng dễ đọc, tuy nhiên quan trọng là cái tinh thần ở trong đó. Chẳng hạn như là tôi có một truyện viết về thân phận của một bản thảo, thì cái bản thảo đây tôi không biết là ở nước ngoài hay ở cái nền văn minh khác thì cái bản thảo đó nó có được quan tâm, nó có được coi trọng không, nhưng mà chẳng hạn như ở Việt Nam thì hầu như nó không được coi trọng gì hết, thì tôi muốn đề cập đến thân phận của một bản thảo như thế.
Tôi cũng đưa ra hai nhân vật là hai cục băng phiến để khử mùi trong toilette, thì hai cục đó tôi cho thành hai nhân vật và yêu nhau, một tình yêu ở trong cái toilette. Thế thì bằng cách viết như vậy tôi muốn người ta nhìn nhận lại sự vật xung quanh mình với một con mắt khác.
Mặc Lâm: Qua tự truyện của Nguyễn Thành Trung do ông ghi lại mang tên "Không lạc loài", theo ông thì điều gì đã nằm chính giữa để ngăn trở thế giới người đồng tính và cộng đồng?
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Để viết cuốn "Không lạc loài" cho anh Nguyễn Thành Trung thì tôi cũng đã tiếp cận với anh Nguyễn Thành Trung rất là nhiều và cả những người bạn bè và trong cái cộng đồng đồng tính. Tôi cũng bỏ thời gian tiếp cận trực tiếp rất là nhiều, đọc rất nhiều tài liệu, và cũng tiếp cận với rất là nhiều những người tạm được coi là "bình thường" đó, thế thì tôi nhận thấy là ở Việt Nam thì cái ngăn trở này rất là lớn, và nguyên nhân chính theo tôi nghĩ là sự thiếu hiểu biết và thiếu nhân ái, bởi vì hai cái này nó cũng liên quan đến nhau nhưng nó cũng là hai cái phần khác nhau.
Vì người ta không có thông tin, người ta không có cái hiểu biết thực sự cuộc sống của người đồng tính là như thế nào cho nên họ hiểu biết sai lệch và họ có những định kiến rất là kỳ lạ. Ngoài ra tôi nghĩ là còn có một cái thiếu nhân ái bởi là vì cũng do rất là nhiều nguyên nhân: cái cộng đồng lớn, cái xã hội Việt Nam, tôi tạm gọi như là một cái tính theo đạo Khổng gì đó, họ quan niệm rằng là mọi cái đều có mọt cái chuẩn nhất định nào đó, nó rất là bao trùm, vì vậy cho nên tất cả những gì được coi là chuẩn thì họ rất là căm ghét, kỳ thị. Thế thì ở đây nó là biểu hiện của một cái thiếu nhân ái trong một cộng đồng, theo tôi là vậy đó.
Mặc Lâm: Rất nhiều nhà phê bình tỏ ra dị ứng một cách không cần thiết với những cố gắng cách tân nghệ thuật hiện nay qua các buổi trình diễn như performing art, body art, installation...Theo ông thì nguyên nhân sâu xa do đâu mà ra?
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Theo tôi, đầu tiên cũng là do họ không hiểu, bởi vì thật ra thì khá nhiều nhà phê bình hiện nay tương đối là có tên tuổi, có uy tín, thì họ được học hành, họ đọc tài liệu, v.v. ở trong cái thời nó khá là xa xưa, và những cái lý luận về văn chương, về nghệ thuật thời đó khá là lạc hậu. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân khá lớn. Tuy nhiên, lẽ ra như vậy thì họ nên cập nhật thêm, thế thì tôi thấy nỗ lực cập nhật thêm này nó rất là ít. Và vì không hiểu như vậy cho nên họ có cái phản ứng của người nắm chân lý.
Cái này hiểu về mặt tâm lý thì mình cũng có thể hiểu được thôi, vì mình thì mình cho là mình đang làm cái việc rất là bình thường, nhưng họ thì cho rằng là không bình thường. Ngoài ra thì tôi thấy có một nguyên nhân này nữa là cũng có rất nhiều người (mà) tôi nhận thấy là họ không hẳn là không hiểu, họ cũng thấy được một cái gì đó mới, một cái gì đó nó thật sự là con đường mới nghệ thuật, nhưng mà họ cố gắng chống lại bởi vì toàn bộ cái nền tảng của họ, cái nền tảng tạo nên vị trí của họ nó đang lung lay, từ đó nó có những khuynh hướng phê bình rất là đao to búa lớn, rất là nặng nề, rất là gần như là một sự đánh đập.
Thì tôi nhận thấy xuất phát từ cái suy nghĩ kiểu như vậy thì một số bài phê bình, thậm chí một số nhà phê bình cố gắng "đạo đức hóa" hoặc là "chính trị hóa" những hoạt động nghệ thuật mà họ không hiểu, không cảm thấy là nghệ thuật mới. Họ đang thấy nó là một cái mầm mống nghệ thuật mới thì họ cố gắng họ chụp mũ cho nó những cái yếu tố như tôi vừa nói đó, tức là yếu tố đạo đức chẳng hạn, yếu tố chính trị chẳng hạn, mà trong khi đó thì nó không phải là như vậy.
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng với tốc độ hiện nay, bao lâu nữa những nỗ lực của các nghệ sĩ có khuynh hướng đương đại mới thật sự lôi kéo được sự đồng tình của các nhà phê bình và công chúng, thưa ông?
Nhà thơ Lê Anh Hoài: Thưa anh, theo quan sát của tôi cả về bên mỹ thuật lẫn bên văn chương thì tôi nhận thấy là số người làm nghệ thuật mới và viết theo tinh thần đương đại, tinh thần hậu hiện đại thì gần đây tăng lên khá là đáng kể. Tuy nhiên, số nhà phê bình thì không tăng lên theo sự tương ứng, và số nhà phê bình thực sự là nhà phê bình đương đại, nhà phê bình của nghệ thuật hậu hiện đại, của những khuynh hướng nghệ thuật khác những khuynh hướng nghệ thuật mới, mà ta có thể nhìn đôi chỗ người ta có thể gọi là khuynh hướng thử nghiệm, v.v. rất là ít, trong mỹ thuật cũng khá là ít và trong văn chương thì lại càng ít hơn.
Trong một bối cảnh như vậy thì tôi khá là bi quan và tôi nghĩ rằng là nếu mà chờ đợi những nhà phê bình nào đó mà họ đưa ra những công trình nghiên cứu và những bài phê bình để có thể thưc tỉnh được một bộ phận công chúng nào đó thì tôi thấy rất là bi quan. Tuy nhiên, bằng những quan sát riêng thì tôi thấy là số khán giả, số người đọc mà thích thú với nghệ thuật đương đại, thích thú với nghệ thuật hậu hiện đại thì nó cũng có tăng lên mặc dù cái tăng lên này nó cũng ở mức độ vừa phải và nó cũng tự phát thôi.
... trong một vài năm gần đây thì tôi thấy là cũng có một cái sự bùng nổ với sự xuất hiện một loạt của các tác giả theo khuynh hướng hậu hiện đại và đương đại.
Nhà thơ Lê Anh Hoài
Nhưng mà tôi cho là số nhà văn và số nghệ sĩ mà kiên trì, hứng thú làm theo cái nghệ thuật mới, nghệ thuật đương đại, thì tự họ, họ có ảnh hưởng đến công chúng nhất định của họ, chứ còn không phải là trong số các nhà phê bình, thưa anh. Thế thì cộng thêm với một cái là sự phát triển nó khá là chậm về văn hóa nghệ thuật nói chung ở Việt Nam, bởi vì - tôi có thể nói thêm một chút - tức là không phải chỉ là nghệ thuật đương đại hoặc nghệ thuật hậu hiện đại mà ngay cả nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam thì phát triển cũng rất là chậm mà cũng có rất là nhiều lỗ hổng. Thế thì trong một không khí chung như vậy thì tôi cũng e rằng là cái sự đồng tình như anh nói thì chúng tôi cũng rất là hy vọng, nhưng mà cái sự đồng tình nào đó của giới phê bình và có được một số người thưởng ngoạn đông, một số người thưởng ngoạn đáng kể, tôi cho rằng còn rất xa nữa, thưa anh."
Quý vị vừa theo dõi buổi nói chuyện với Lê Anh Hoài, một nghệ sĩ có nỗ lực cách tân nghệ thuật qua các phương tiện từng được giới hoạt động nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới theo đuổi trong nhiều chục năm qua. Trong thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn tự tạo cho mình một không gian chơi nhằm mở rộng cách tiếp cận nghệ thuật của công chúng bằng những thể loại mới mẻ của nghệ thuật đương đại.
Cũng như bao nhà tiền phong khác trong lịch sử mỹ thuật thế giới, có thể Lê Anh Hoài và bằng hữu sẽ âm thầm rời cuộc chơi một cách cay đắng hay ngược lại không chừng ông sẽ đăng quang với vòng nguyệt quế mang tên sáng tạo…
Dù sao đối với những người tiên phong phát quang cánh đồng văn chương nghệ thuật nay đã trở nên già cỗi, và đang tranh đấu không khoan nhượng trước những ấu trĩ có tên gọi là “phê bình” để qua đó, chúng ta, những người thưởng ngoạn hiểu thêm một chặng đường nữa trong một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi của nền mỹ thuật Việt Nam.
Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-01-10
VHNT tuần này giới thiệu một nhà thơ mà sáng tác và sinh hoạt văn nghệ của ông dính liền với những sự kiện thời sự mà nhiều người quan tâm, đó là nhà thơ Bùi Minh Quốc, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Nhà thơ quân đội

Nhà thơ Bùi Minh Quốc. RFA file photo
Tôi sinh năm 1940, ở một làng tên là TrinhTiết tên Nôm là làng Sêu, thuộc huyện Mỹ Đức tỉnh Hà Đông cũ. Lúc bé ở quê, năm 11 tuổi bố mẹ đưa ra Hà Nội. Lúc ấy Hà Nội thuộc vùng tạm chiếm của Pháp. Học ở Hà Nội cho đến khi tốt nghiệp đại học.
Năm 1963 về làm công tác cho đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam. Công tác ở đây 4 năm sau đó đi B, tức đi chiến trường miền nam với tư cách phóng viên của tờ tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng Trung Bộ, tức là khu V, vùng từ đèo Hải Vân đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên làm công việc phóng viên từ năm 1967 đến năm 1975.
Đến năm 1980 ra làm biên tập viên tờ Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1983 về làm phó chủ tịch hội văn nghệ Quảng Nam Đà Nẵng, tổng biên tập tạp chí Đất Quảng.
Đầu năm 1987 chuyển công tác lên tỉnh Lâm Đồng, gây dựng Hội Văn Nghệ Lâm Đồng và được anh em bầu làm chủ tịch hội.....
Những chi tiết mà nhà thơ Bùi Minh Quốc vừa kể cho thấy ông đã gắn bó mật thiết thế nào đối với sinh hoạt văn nghệ Việt Nam từ những ngày chiến tranh cho đến thời gian gần đây nhất.
Tác phẩm của ông đã đồng hành cùng với nền văn nghệ miền Bắc với niềm tin tưởng gần như tuyệt đối đó là văn chương có thể thay đổi đời sống con người. Ông sáng tác nhiều thể loại nhưng nổi tiếng nhất vẫn là những bài thơ mang đậm tính thời sự qua nhiều thời kỳ.
Ông cùng với vợ vào B chiến đấu và người vợ trẻ đã nằm lại vĩnh viễn tại chiến trường miền Nam để lại trong lòng thi sĩ một dấu ấn khôn nguôi. Cái chết của người vợ là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ sau này của ông trong đó ngôn ngữ thi ca mà ông dành cho vợ thật đằm thắm, đến nỗi gây cho người đọc một cảm giác yên vui trong thứ tình cảm ngây ngất của vợ chồng.
Tổ Quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt
Hợp đồng này giầu đẹp lắm Người ơi!
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Bùi Minh Quốc nhẹ nhàng nhắc lại những kỷ niệm mà ông đã cùng với vợ từng trải qua như những giấc mơ mà khi yêu nhau người ta thường lập đi lập lại.
Sự nhắc nhớ trong con chữ của Bùi Minh Quốc tuy đôi khi cũng cay đắng nhưng niềm cay đắng này bàng bạc vị ngọt của hạnh phúc mà ông đã đánh mất.
Bài thơ về hạnh phúc
(Tưởng nhớ XQ thân yêu)
Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt
Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng
Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng
Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt
Bao giốc cao em cần cù đã vượt
Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh
Em nói tới những điều em định viết
Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép
Con sông Giàng gầm réo miên man
Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan
Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Bài thơ có những câu cuối thật xót lòng. Bùi Minh Quốc than vãn não nuột về sự ra đi của vợ, sự ra đi mà có lẽ ông đã biết trước như một định mệnh, vì chiến tranh nào chừa một ai trong cơn hủy diệt của nó. Nhà thơ chỉ biết tự an ủi mình khi đẩy ánh mắt của vợ trước giờ ra đi như một thứ ánh sáng, hay hào quang góp vào nguồn sáng ban ngày:
Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Chuyến đi xuyên Việt
Bùi Minh Quốc không sống lâu trong những bài thơ tình, dù là tình cảm vợ chồng. Ông có nhiều chuyến đi xuyên Việt và trong những lần dong ruỗi ấy nhiều sự việc đã khiến ngòi bút của ông trở nên bén hơn với những chất liệu thời sự ngồn ngộn cuốn hút ông mỗi ngày.
Một trong những chuyến đi đã làm tư tưởng ông thay đổi sâu sắc đó là chuyến xuyên Việt lấy chữ ký nổi tiếng mà ông và một nhóm bạn hữu tổ chức theo lời kể sau đây:
“Trong khi làm chủ tịch hội Văn Nghệ Lâm Đồng thì tôi thực hiện một chuyến đi làm việc với các hội văn nghệ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ở các địa phương anh em tổ chức các cuộc đọc thơ.
Cùng đi trong chuyến ấy có nhà thơ Hữu Loan và những cuộc đọc thơ đều có mặt nhà thơ Hữu Loan. Những cuộc đọc thơ này rất hào hứng sôi nổi. Những bài thơ một thời không được in đã được đọc trong dịp này.
Cùng với những cuộc đọc thơ là tuyên bố chung của công dân và văn nghệ sĩ hưởng ứng đổi mới. Qua các tỉnh thì lấy được 118 chữ ký, ra đến Hà Nội là chữ ký cuối cùng. Sau đó đưa tất cả các bản tuyên bố ấy cho ban Bí Thư Trung Ương Đảng và các cơ quan hữu quan như Quốc Hội, bộ Thông Tin ...”
Và như chúng ta đã biết, việc làm mà nhà thơ cho là đúng đắn này được nhà nước nhìn với cặp mắt ngờ vực. Hậu quả là nhà thơ nhiều lần bị mời đi thẩm vấn để truy tìm cho ra những điều mà nhà nước cho là mầm mống phản động.
Đối với người dân thì mỗi lần bị công an mời là một lần kinh hoàng nhưng với nhà thơ có bề dày chiến đấu như Bùi Minh Quốc thì những cuộc thẩm vấn này chỉ làm cho thơ ông thêm sáng thêm bén mà thôi.
Qua bài thơ có tựa đề Thơ Vụt Hiện Trong Phòng Thẩm Vấn, ông đã vẽ lại hình ảnh cuộc hỏi cung mà ông là người trong cuộc, kể lại bằng một thứ ngôn ngữ đơn giản nhất nhưng lại có sức hiện thực mạnh mẽ bất ngờ:
Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn
Bài thơ này được viết vào năm 1997, trong suốt mấy tháng mùa hè năm 97 tôi liên tục bị công an mời làm việc hàng ngày.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Xuân hổn hển ngực đồi cỏ thắm
Ðà Lạt dậy mùa hoa
Anh nghiến răng trong phòng thẩm vấn
Giữa ban ngày mà ngập đêm đen
Những câu hỏi làm anh lộn mửa
- Bài thơ này anh gửi cho ai?
- Ai gửi cho anh bài này bài nọ?
Trái tim thơ muốn nổ chuỗi cười dài!...
Thật dễ quá đầu môi yêu Tổ Quốc
Ðây tình yêu như máu cuộn không lời
Người quằn quại người nát thây lầm đất
Vẫn người đi, người tiếp mãi bên người.
Tổ Quốc hỡi tình chi đau đớn vậy
Con yêu người, ngục tối nuốt trời xanh
Ôi Tổ Quốc vào tay quỉ dữ
Tiếng hát tự do uất nghẹn khắp thân mình.
Con đối diện những tia nhìn cú vọ
Cả một thời xung trận lại trào sôi
Ðôi cánh thơ vẫy vùng trong bão tố
Tiếng hát tự do trong biếc mãi dâng đời.
Ngôn ngữ thi ca trong bài thơ này hoàn toàn thiếu vắng chất trau chuốt nhưng ngữ điệu của nó lại có sức mạnh khiến lòng người sôi lên những bất bình. Đây là thành công của bài thơ vì nó chuyên chở được thông điệp mà nhà thơ muốn nói đến người đọc, đặc biệt là người đọc có cùng hoàn cảnh như mình.
Bài thơ như một tin nhắn, một sứ điệp lan tỏa trong cộng đồng mạng và nhanh chóng được giới văn nghệ sĩ biết đến. Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể lại hoàn cảnh mà ông sáng tác bài thơ này như sau:
“Bài thơ này được viết vào năm 1997, trong suốt mấy tháng mùa hè năm 97 tôi liên tục bị công an mời làm việc hàng ngày. Trước đó khi xuống Sài Gòn tôi có đến thăm anh Hoàng Minh Chính, lúc đó ông ở ngoài Bắc mới vào ở với con gái.”
Nhà thơ với Thời cuộc
Bùi Minh Quốc rất bén nhạy với những sự kiện về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông lặn lội trong Nam ngoài Bắc để in sách của bạn bè nói về vấn đề này.
Ông lần mò tới tận địa đầu tổ quốc ngồi ôm tấm bia ghi cột mốc biên giới như một cách chống đối thụ động, vì ông biết rõ không thể làm gì hơn trước sự im lặng của nhà cầm quyền Việt Nam.
Ông viết kháng thư tố cáo sự im lặng nặng nề của Hà Nội và lên tiếng kêu gọi hùng tâm tráng chí của mọi người.
Những hình ảnh đời thường chung quanh nhà thơ đã khiến ông bật ra những câu thơ não lòng. Ông vẽ lại thực trạng xã hội hôm nay từ những bàn nhậu của một lớp người mà ông cho là đang gian lận đời sống Việt Nam.
Trong bài “Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt” ông lên án mạnh mẽ sự phản bội trần truồng của những người mà mới đây ông còn gọi là đồng chí, ông cay đắng ghi nhận:
Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Còn ai kêu cho những cây thông không biết nói
Khi nhà thơ bị bóp cổ nghẹn lời
Rừng nguyên sinh vung lưỡi rìu quỉ đói
Rắc rắc cây xô cốc chạm quỉ vang cười
Chúng nó nhậu từng cánh rừng dải núi
Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi
Nhậu tất cả từ Vua Hùng để lại
Nhậu đến nàng Tô Thị rã thành vôi
Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch
Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom
Con mất xác dưới chân thành Quảng Trị
Mẹ khoét hầm nuôi tiếp biết bao con
Kìa mẹ về run rẩy dưới mưa tuôn
Qua cửa vi-la thấy đàn con ngồi nhậu
Những đứa con thoát chết vụ khui hầm
Đang tưng bừng nâng cốc tụng nhân dân
Tổ Quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt
Hợp đồng này giầu đẹp lắm Người ơi!
Im lặng và tuyệt vọng
Nếu khi xưa những bài thơ gửi cho người vợ bất hạnh của ông thuần những ngôn ngữ nhẹ nhàng, êm ái thì nay ngôn ngữ đã thay đổi đến tận cùng. Hình như ông muốn chia sẻ với người vợ hiền của ông rằng đời sống đã quá khốn đốn và trơ tráo, ông bị vây khổn giữa muôn trùng bất trắc và chính giấc ngủ dịu hiền của người vợ mới là vĩnh hằng trong ao ước của riêng ông.
Thơ tặng vợ hiền
Em ngồi đó, quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay, lan một thế giới dịu hiền
Những búp bê len muôn màu hồn nhiên ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh
Gầm rít quanh ta cơn bão phũ phàng
Cuộc vây hãm dằng dai của mắt cú miệng hùm lưỡi rắn
Em ngồi đó, mười ngón tay lau đằm thắm
Một thế giới dịu hiền - thông điệp của hồn em
Cái thời nhố nhăng cặn bã hóa vương quyền
Rồi lọc hết qua bàn tay em - chỉ sau cùng còn lại
Chỉ sau cùng còn lại
Một thế giới dịu hiền nâng giấc mãi thơ anh.
Bài thơ tuyệt vọng tới mức bi thảm. Bùi Minh Quốc lặng lẽ độc thoại trong đêm tối với ý thức thất vọng tận cùng. Những lời thơ không còn cánh, không còn sức sống, và thậm chí không còn cả âm vang của ngôn ngữ. Im lặng tuyệt đối. Im lặng và buồn...
Nguyễn Việt Chiến - tài hoa trong thi ca, mạnh mẽ trong ngòi bút
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-11-08
Một tài năng thi ca mà thơ và con người của anh đang được theo dõi rất kỹ trong và ngoài nước, đó là nhà báo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến hiện đang bị nhà nước Việt Nam giam giữ và buộc tội lợi dụng quyền tự do dân chủ trong vụ án PMU18.

Photo AFP
Nhà báo Nguyễn Văn Hải bị tuyên án 24 tháng cải tạo không giam giữ; Nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị kết án 2 năm tù giam.
Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 tại Hà Tây, quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây, sống và làm báo tại Hà Nội. Phóng viên báo Thanh Niên từ năm 1993. Nguyễn Việt Chiến cũng là hội viên Hội Nà Văn Việt nam, hội viên Hội Nhà Báo Việt nam, hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội.
Những sáng tác chính của anh là ba tập thơ Ngọn sóng thời gian, Mưa lúc không giờ, Cỏ trên đất và cuối cùng là thi tuyển Những con ngựa đêm. Nguyễn Việt Chiến nhận được Giải thưởng văn chương của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2004.
Tháng 5 năm 2008 anh bị bắt cùng với bạn đồng nghiệp là nhà báo Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ. Ra tòa vào ngày 15 tháng 10 năm 2008.
Anh bị kết án 2 năm tù giam vì cương quyết không nhận là mình có tội, trong khi đó nhà báo Nguyễn Văn Hải được phóng thích vì tòa cho là có thái độ thành khẩn nhận tội. Tội danh mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị cáo buộc là một tội danh từng gây rất nhiều tranh cãi.
Một tài năng thi ca
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được đánh giá cao qua tài năng thi ca cũng như nhân cách sống và làm việc của anh. Anh được xem là nhà thơ cách tân trong ngôn ngữ và ý tưởng đổi mới thơ Việt Nam đương đại.
Tác phẩm cuối của anh mang tên “Những con ngựa đêm” có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất, trong đó dòng chảy trữ tình bàng bạc trong nhiều bài thơ nhưng không làm mất đi chất lửa của đời thường qua cái nhìn của một ký giả.
Khi ẩn dụ, khi phơi trần, nhưng dù dưới hình thức nào thì Nguyễn Việt Chiến cũng quyến rũ được người đọc thơ anh bằng những nhận biết kỳ ảo, miêu tả tế vi và hoài mơ lãng mạn.
Những con ngựa đêm đi qua mặt hồ
Để lại dấu chân trên song
Những con ngựa hoang thức dậy từ đáy nước sâu
Những ngôi sao hoang mọc dậy từ đáy nước sâu
Đêm nay rong rêu không ngủ
Đêm nay cá hồ không ngủ
Những con ngựa đêm cõng chúng ta đi qua mặt hồ
Khi chiếc kẹo bạc hà trong miệng em chưa tan
Bên kia hồ nhiều người đang hôn nhau
Những lứa đôi
Không thuộc về ngày mai
Không thuộc về quá khứ
Nhưng giấc mơ đêm nay là của họ
Những con ngựa đêm đi qua mặt hồ
Đi qua đường viền của bóng tối
Em cởi bỏ sợi dây buộc tóc
Mái tóc đêm xoã ấm
Em cũng giống như chú ngựa đêm đi qua mặt hồ
Nhưng không để lại dấu chân trên song
Bởi em là trăng xanh
Chúng ta vừa nghe chị Phùng Thị Bích Ngọc hiền nội của nhà thơ đọc bài “Những Con Ngựa Đêm và Trăng”.
Ngôn ngữ thi ca tài hoa
Bài thơ ngắn nhưng chứa đựng thật nhiều điều. Trước tiên là ngôn ngữ thi ca. Nguyễn Việt Chiến rất tài hoa khi sử dụng thứ ngôn ngữ tinh khôi, chưa qua tinh luyện của dòng thời gian văn học.
Anh sắp xếp trật tự của chúng một cách khác thường và biến chúng từ rất khó cảm thụ trở thành bình thường và dễ hiểu một cách lạ lùng.
Những con ngựa hoang thức dậy từ đáy nước sâu
Những ngôi sao hoang mọc dậy từ đáy nước sâu
Cấu trúc ngữ nghĩa trong hai câu này nếu đứng riêng ra thì không một từ nào khó hiểu nhưng khi kết hợp lại với nhau trong cùng một nhịp điệu chúng trở thành mơ hồ và đầy ấn tượng.
Người ta có thể tự hỏi về ý nghĩa của hai câu thơ nhưng sẽ cùng đồng ý với nhau một điểm: Ý niệm của hai câu này rõ ràng là đơn giản nhưng khó giải thích cho thật dễ hiểu.
Người đọc hay nghe cảm thụ rất nhanh tính chất mơ hồ như khi người ta xem tranh trừu tượng. Và khi xem tranh trừu tượng, óc quan sát không còn quan trọng cho bằng sự đồng cảm. “Ngựa” và “Sao” trong hai câu thơ không sáng tạo cho sự quan sát mà được nhào nặn cho cảm nhận và suy tưởng.
Em cũng giống như chú ngựa đêm đi qua mặt hồ
Nhưng không để lại dấu chân trên song
Bởi em là trăng xanh
Bởi em là trăng xanh hình như lập lại những viên lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, nhưng trăng xanh trong thơ Nguyễn Việt Chiến gần gũi hơn, ít triết học hơn do đó dễ đồng cảm hơn. “Ngựa” làm ta liên tưởng tới em: Thần thoại và dễ vỡ.
“Em” làm ta liên tưởng tới trăng xanh: Đẹp, buồn và cũ như cổ tích. Chi tiết rất ít nhưng được Nguyễn Việt Chiến khéo léo tập hợp lại khiến câu thơ nổi lên miên man như sóng vỗ.
Những con ngựa đêm cõng chúng ta đi qua mặt hồ
Khi chiếc kẹo bạc hà trong miệng em chưa tan
Bên kia hồ nhiều người đang hôn nhau
Một lần nữa, ba câu thơ rời rạc và đầy mệt mỏi này bỗng dưng tạo hiệu ứng thành một chuỗi hình ảnh liên hệ. “Ngựa trên lưng”, “bạc hà trong miệng” và “người hôn nhau” là những cặp chữ tuyệt đẹp khiến câu thơ rộng mênh mang và sâu não nùng.
Nguyễn Việt Chiến cũng tỏ ra cứng tay trong loại thơ 8 chữ tuy thể loại này đã được cày xới rất kỹ bởi những kiện tướng trong phong trào Thơ Mới. Hãy nghe vài đoạn trích trong bài "Đất nước" của anh:
Thôi hãy lặng yên
Cánh đồng trên trang sách
Tiếng cuốc dưới trời mưa
Và hạt thóc lấm bùn
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước
Thôi hãy chín đi quả xanh rơi vãi
Nắm đất nào chẳng đẫm ứa mồ hôi
Gánh lo âu vai mẹ hứng suốt đời
Lưng mẹ thắt dáng buồn sông núi cổ
Nón trên đầu, núi hoang liền ruộng vỡ
Ta nhận ra đất nước chính là người
Thôi hãy lên đường
Rừng sâu bể vắng
Những đứa con năm tháng ngóng tìm về
Nơi mắt mẹ trời xanh cha thấy hửng
Nơi tóc mẹ trắng mưa đêm lũ úng
Mùa bão dài chưa qua
Chiếc thuyền nan câu hát lấm phù sa
Miền châu thổ bùn hoang gió cả
Cây lúa nào cháy đen mùa giặc giã
Mẹ gánh con hớt hải chạy trên đồng
Mẹ gánh con súng trận đã bao năm
Mùa loạn lạc lúa trên đồng vẫn cháy
Thôi hãy lặng yên
Cánh đồng trên trang sách
Tiếng cuốc dưới trời trưa
Và hạt thóc lấm bùn
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước
Nhà thơ làm báo
Và hạt thóc lấm bùn,
Ta như cỏ trên ngực trần đất nước
Hai câu cuối của bài thơ cho người đọc thấy niềm đau của nhà thơ trước nhọc nhằn mà bao đời nay người dân Việt vẫn chưa thoát khỏi. Tầm nhìn của một nhà báo phần nào chi phối cảm quan thi ca của anh và tính chất thời sự không thể thiếu vắng trong những bài thơ sau này. “Niềm Tin Thơ Ngây” là bài thơ có lẽ nói lên được rất nhiều tâm sự của một nhà thơ làm báo. Anh thảng thốt móc niềm tin của mình ra ngắm nghía và bật lên những thừa nhận não lòng:
Cánh đồng trên trang sách
Những đám mây ngôn từ
Cỗi cằn bao ý tưởng
Hạt chữ miền hoang vu

Những ngọn nến không cháy
Những cánh chim không về
Trên môi lời hát ấy
Ngủ quên không ngời nghe

Những cỗ xe tưởng tượng
Chất đầy sách và người
Oằn lưng như ngựa kéo
Đi về miền xa xôi

Cánh buồm nào không gió
Dòng sông nào đứng im
Không một người đi bộ
Không một vì sao lên
Thế giới chung quanh nhà thơ có vẻ như cô đặc lại bằng những hình ảnh: cánh đồng, trang sách, cánh chim, ngựa kéo, cánh buồm, vì sao... tất cả quay chung quanh một trục bánh xe thời cuộc, sức ly tâm của vòng quay kéo nhào những tranh chấp trong đời sống lẫn mệt mỏi rã rời của từng con người trong vòng quay ấy. Người trí thức thì tự vấn trước những trang sách bây giờ đã trở thành vô nghĩa như mây bay, như ngựa chạy....
Tận tình với ngôn từ
Nguyễn Việt Chiến làm thơ lục bát cũng hay như thơ tự do, thơ năm chữ cũng tròn như thơ tám chữ. Anh không công phu với thể loại mà anh tận tình chí cốt với ngôn từ.
Thơ của anh có thể đọc để đồng hành mà cũng có thể để thưởng thức và suy gẫm. Dù bằng cách nào khi đã chọn thơ Nguyễn Việt Chiến, người đọc thật khó lòng mà bỏ ngang trước khi dừng lại ở những chữ cuối cùng.
Cát chiều bay sẫm bến sông
Thương con đò ngược mùa đông chưa về
Lối mòn bạc cỏ may đê
Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau
Sóng đêm tự bến sông nào
Theo trăng về thức dưới màu mây xưa
Tôi hoang vu, cát hoang vu
Trăng là người khách qua đò đêm nay
Cô đơn xuống một đò đầy
Tôi chờ em phía bên này mùa đông
Cát còn bay trắng bến sông
Người còn đi trắng mùa mong ước này
Tôi cầm hạt cát trên tay
Đêm không còn ấm như ngày có em
Tôi cầm cả chính tôi lên
Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu
Câu thơ như cát mỗi chiều
Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm.
Nguyễn Việt Chiến cũng trãi lòng mình trong “Nhật Ký Của Một Nhà Báo”:
Anh dành cho mình vài phút xa xỉ
Sau một ngày làm việc
Được ngồi một mình với cốc bia
Giữa những người xa lạ
Thành phố đang mưa
Đám mây trong đầu anh
Và ngọn lửa nghi ngại
Chiếc bàn uống nơi anh ngồi
ướt và bẩn
Vài phút xa xỉ anh dành cho mình
Sau cơn giông
Anh không biết gì về những người xung quanh
Họ đang uống cũng như anh ngẫm ngợi
Trời mỗi ngày một tối
Và mưa mau hơn
Những đứa trẻ bán báo rong trong thành phố này
Cũng như những đứa trẻ lang thang phía bên kia lục địa
Và, anh - người làm báo
Viết gì về trẻ thơ
Chiến tranh và cái đói
Tuổi thơ rét mướt
Anh đã từng đi qua
Giờ này
Bên cạnh chiếc máy chữ của anh
Đất đai đang cày xới
Nhũng hạt giống được ngâm ủ trong bùn
Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi
Và anh
Kẻ nông phu cần mẫn
Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ
Bởi niềm tin lành lặn
Ở con người
Thật khó mà hình dung ra được anh đang nghĩ gì trong khuôn viên nhà tù hiện nay. Tài hoa trong thi ca, mạnh mẽ trong ngòi bút phản kháng tham nhũng để cuối cùng nhận được những xỉ vả từ bản án mà anh không làm.
Cay đắng có thể làm thơ anh hay hơn nhưng tù hãm không thể làm niềm tin bật sáng.
Niềm tin của kẻ nông phu cần mẫn Nguyễn Việt Chiến trên cánh đồng chữ nghĩa có còn lành lặn hay không sau bài học cay đắng này có lẽ vẫn còn đeo đẳng anh rất lâu sau này.
Và cũng có lẽ, thơ sẽ mãi mãi bên anh thay cho ngòi bút ký giả nay đã trở thành xa xỉ từ sau bản án hai năm.....
Vì sao văn chương Việt vẫn chưa khởi sắc?
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-09-26
Từ hơn hai thập niên qua, độc giả Việt Nam không còn cơ hội thưởng thức những tác phẩm được xem là vượt trội trong khu vườn văn chương Việt Nam.

Những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh ngày càng vắng không có thế hệ kế tục.
Để tìm hiểu hiện trạng này chúng tôi có trao đổi với ba nhà văn Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đình Chính và Trần Nhương để biết thêm tại sao qua một thời gian dài như vậy văn chương Việt vẫn chưa có gì khởi sắc nếu không muốn nói là dừng hẳn lại.
Thiếu tài năng lớn?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo. RFA file photo.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo có nhận xét về văn học Việt Nam trong 10 năm qua với một cái nhìn hết sức bi quan, ông nói:
“Trong vòng 10 năm nay thì tôi thấy cũng không có cái gì nổi bật về văn học ở nước ta, ở trong nước. Chưa có tác phẩm nào gây tiếng vang ghê gớm cả, bởi vì mọi thứ thấy cũng nhàn nhạt cả, đều đều cả thôi. Những giải thưởng của Hội Nhà Văn cũng chẳng có đáng để người ta coi là những tác phẩm có giá trị; thì nó cũng là lễ lạc vậy thôi, cũng không có gì nổi bật, nổi cộm lên cả.
Nguyên nhân thì nó có nhiều nguyên nhân mà đổ hẳn là do chế độ, do cơ chế độc tài, chế độ độc tài thì cũng không hẳn, tức là thực sự là nó thiếu tài năng, nó không có những tài năng lớn. Bây giờ mà có những tài năng lớn mà càng đàn áp người ta thì người ta càng viết tợn, người ta càng viết.
Bây giờ không cần in, người ta gởi ra hải ngoại người ta in vẫn được mà. Chỉ cần gửi email là có tác phẩm ra hải ngoại in thôi. Chứ bây giờ một số người bất tài đổ lỗi, tôi không có bênh gì cái chế độ này thế nhưng mà đổ hẳn là do cái chế độ nó độc tài, nó cấm đoán cho nên tôi không có tác phẩm lớn, thì nói cái đó nó không có chính xác.
Trước hết là cá nhân nhà văn chưa có tác giả lớn, và muốn có tác giả lớn thì cái phần của từng tác giả, của từng người là quan trọng nhất, nhưng nó phải có những yếu tố, nó phải có những bối cảnh, những môi trường để tạo ra những tài năng.
Như nước ta hiện nay chưa có những tài năng lớn. Nói cho công bằng ngay ở hải ngoại anh em có tự do sáng tác nhưng tại sao những nhà văn vẫn không có tác phẩm lớn?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Một hạt giống tốt phải có miếng đất tốt thì nó mới tốt được. Nếu có sự tự do sáng tác, nhà nước có tự do sáng tác thì nó vẫn là điều kiện phát triển tài năng tốt hơn, nhưng mà cái yếu tố đó nó không có. Yếu tố tự do sáng tác hầu như không có. Phải viết theo yêu cầu của Đảng và Nhà Nước. Họ chi tiền cho Hội Nhà Văn cho nên Hội Nhà Văn phải viết theo yêu cầu của họ thôi, nghĩa là ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày, lẽ dĩ nhiên là như thế. Nhưng mà cái yếu tố là cái bối cảnh hay là cái tạo ra cái tài năng thì nó không có vì họ khuôn văn học vào chính trị, họ chính trị hóa toàn bộ văn học thì làm sao mà có tác phẩm lớn được.”
Khi nhận xét về tính chuyên nghiệp của văn chương Việt Nam, nhà văn Trần Nhương có nhận xét khá bi quan, ông cho rằng tính chuyên nghiệp của nhà văn, người đọc và xã hội không gặp nhau:
“Bây giờ đòi văn chương chuyên nghiệp thì rất khó bởi vì thực tế người đọc cũng chưa chuyên nghiệp, người quản lý không chuyên nghiệp, tất cả đến chính phủ còn chưa chuyên nghiệp nữa thì làm sao mà đòi tất cả chuyên nghiệp được!
Đôi khi nó cũng phải đồng bộ, bởi vì người ta đọc kỹ, người ta suy luận, suy diễn, nói chuyện quấy. Cho nên hai nữa một cái khung nào đó thì mình lại chưa có cái khung, vậy thì người ta rất là suy diễn. Nó phải có luật và nó phải có cái khung ấy. Tôi vượt ra ngoài khung thì anh lấy luật pháp anh trị. Trong cái khung ấy phải để thoải mái. Thành ra bây giờ với nước mình vẫn còn nhiều cái chưa đồng bộ, chưa đủ luật pháp để quản lý.”

Nhà văn Trần Nhương. Photo courtesy of trannhuong.com.
Riêng về nhà văn Nguyễn Đình Chính, một người viết lâu năm trong nhiều lĩnh vực từ truyện, tiểu thuyết đến thơ và cả trong lĩnh vực điện ảnh, cũng thừa nhận mình không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Ông nói:
“Chúng tôi là những người cầm bút mà chẳng được đào tạo gì, mà nó là do từ đời sống lên. Thích thì viết vì thế nó khác, khác khi tôi đã bảo ngay từ đầu khi tôi làm phim bị người ta cũng nói nhiều, cấm đoán. Rồi làm kịch cũng được mấy vở rồi viết sách, tánh của tôi nó khác, tôi bảo tôi nhìn hiện thực nó khác, tôi bảo hiện thực không phải như vậy.”
Từ những ý kiến vừa nêu cộng với nhận xét của nhà văn Trần Mạnh Hảo có thể thấy bức tranh văn học Việt Nam đương đại đang gặp khá nhiều trắc trở mà điều cơ bản quan trọng nhất theo như nhà văn Trần Mạnh Hảo ghi nhận là nền văn học ấy thiếu tài năng lớn. Ông nói:
“Người Việt Nam chúng ta chưa có những tài năng lớn để có những tác phẩm lớn, đấy là bản thân nhà văn.
Ví dụ thời nước Nga Xô Viết nó khủng bố ác liệt như vậy vẫn có tác phẩm được Giải Nobel, như Solzhenitsyn hay là Boris Pasternak, người ta vẫn đưa ra những tác phẩm đỉnh cao lớn vượt lên, mà sáng tác trong một bối cảnh thời Stalin đàn áp khủng khiếp thì người ta vẫn có những tác phẩm lớn vượt lên, đó là do tài năng của người ta, như Solokov người ta vẫn có tác phẩm được Giải Nobel, thế thì có rất nhiều tác phẩm lớn thời Xô-Viết mà nó vượt qua chế độ, vượt qua bức màn sắt sang thế giới Phương Tây, thì người ta vẫn tạo ra do có những tài năng lớn.
Như nước ta hiện nay chưa có những tài năng lớn. Nói cho công bằng ngay ở hải ngoại anh em có tự do sáng tác nhưng tại sao những nhà văn vẫn không có tác phẩm lớn? Mình nói cái gì cũng phải có công bằng, cũng không đổ hẳn là do chế độ không có tự do sáng tác mà tôi không có viết được.
Thế anh cứ viết xem nào, anh cứ viết gởi ra hải ngoại anh in làm chấn động thế giới xem nào. Nhưng không có tài năng thì làm sao viết được, không có những nhà văn lớn thì lỗi là tại người sáng tác chứ không phải lỗi tại bối cảnh.
Thế thì người ta mới hỏi là đấy đấy như ở hải ngoại các anh em có tự do sáng tác, ai bảo không có tự do sáng tác, sao chưa có tác phẩm chấn động thế giới, trong khi các thành phần hải ngoại của các dân tộc khác họ có những tác phẩm lớn chứ. Nhiều dân họ di tản họ cũng có tác phẩm lớn, ví dụ như người Nhật Bản họ sống ở nước ngoài hay người Trung Hoa họ có những tác phẩm lớn, những tác giả được Giải Nobel.”
Văn học và chính trị

Nhà văn Nguyễn Đình Chính. Photo courtesy of VTC.VN.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính thì nhận xét rằng trong nước vẫn còn những ngòi bút có thể nói là sắc sảo, tuy nhiên các ngòi bút này đang gặp khá nhiều vật cản, mà vật cản lớn nhất là họ không tự vượt qua được chính mình, vẫn bị cơ hội, hay thủ đoạn chính trị lôi kéo làm thui chột tài năng:
“Tôi thấy không phải là trong nước bây giờ không có đâu. Có, nhưng mà thường thường những cái đó không được công nhận. Phần lớn - hầu hết các nhà văn của mình là viết theo một cái rất là cơ hội, rất là thủ đoạn chính trị, chứ không viết theo cái của mình đâu.
Tôi nói thật như thế, chứ không phải người ta không có đâu, nhưng mà không viết, mà viết theo cái của người khác nói chứ không viết theo cái tự mình nghĩ ra. Ngồi nói chuyện với nhau thì ghê lắm nhưng mà khi đến đọc của người ta thì thấy không phải.
Cái này thì tôi thấy là, nó gọi là những cái thực dụng chính trị tủn mủn. Trên bảo là phải viết thế này, thí dụ bây giờ hợp tác xã tốt lắm thế là ào ào viết về hợp tác xã. Trên bảo phải viết thế này thế la ào ào viết theo, tức là không viết theo cái của mình kinh nghiệm thực tế xã hội, viết theo cái của người khác.”
Phần lớn - hầu hết các nhà văn của mình là viết theo một cái rất là cơ hội, rất là thủ đoạn chính trị, chứ không viết theo cái của mình đâu.
Nhà văn Nguyễn Đình Chính
Nhà văn trước khi cầm bút phải nhận được kiến thức văn chương từ nhà trường. Đây là cái nôi đầu tiên và lớn nhất ươm mầm cho tài năng chấp cánh nhưng tình trạng giáo dục văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa từ nhiều chục năm qua theo nhà văn Trần Mạnh Hảo là một sự thao túng chính trị hơn là giảng dạy văn chương nghệ thuật:
“Do nhà nước chính trị hóa toàn bộ sự giảng dạy văn học, mà thực ra giảng văn học là giảng chính trị chứ không phải văn học, tức là mượn văn học để giảng chính trị. Cái này tôi đã viết hàng trăm bài phê phán cách dạy văn ở nhà trường rồi, không phải là dạy văn mà dạy chính trị trá hình, không phải dạy văn!
Cho nên cái môn văn ở nhà trường thực sự ra là không phải môn văn, vậy thì học sinh nó có được học văn đâu! Nó học chính trị trá hình chứ học văn đâu! Tức là đào tạo con người nó méo mó là do nền giáo dục. Nền giáo dục thì ngay cả những người mà họ bảo vệ chế độ thì họ cũng phải công nhận đây là nền giáo dục không trung thực, nền giáo dục dối trá, chứ họ không phải là những người phê phán chế độ đâu. Những điều này tôi đã nói rất nhiều lần rồi.”
Thiếu tự do ngôn luận

Bìa sách Thời của Thánh Thần
Bên cạnh việc quản lý các kênh truyền thông, Bộ Văn Hóa còn dùng hệ thống kiểm duyệt để kiểm soát nhà văn hay nói rộng ra thao túng người làm văn học nghệ thuật, nhà văn Nguyễn Đình Chính cho biết:
“Chắc chắn trong nước bây giờ nói là có tự do nhưng mà cái kiểm duyệt nó rất là tinh vi và nó có rất là nhiều kinh nghiệm mấy chục năm rồi. Cái kiểm duyệt này nó ở ngay đội ngũ những người biên tập, thường thường các anh làm biên tập ở nhà xuất bản đấy, là người ta kiểm duyệt, mà những lớp này thường là không có trình độ lắm đâu.
Sau đó là có hệ thống kiểm duyệt ở trên nữa, rồi lại có hệ thống nữa, tức là nó có rất nhiều tầng lớp kiểm duyệt, trông cứ tưởng là nó lơ mơ nhưng mà nó ghê lắm. Cái lớp trẻ sáng tác bây giờ, những người như Chánh, Bùi Chát, Lý Đợi thì ăn thua gì đâu, làm sao mà lọt được. Anh em ngoài này cũng thế, tác phẩm hơi một tí là bị thôi.”
Nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng đồng tình với nhà văn Nguyễn Đình Chính, ông nói:
“Đúng rồi. Cũng có những cái cản trở. Và công bằng cũng có những cuốn anh em ta viết cũng đọc được, cũng khá nhưng mà viết ra gần như bị cấm như cuốn "Thời của thánh thần" của Hoàng Minh Tường vừa rồi là rất khá đấy chứ, nhưng ra một cái là không cho tái bản và coi như dư luận không nghe tiếng nói nữa.
Cũng không phải anh em họ không viết được cái gì, như anh Hoàng Minh Tường nhìn lại công bằng mà nói cũng có một cuốn phê phán chế độ rất khá. Nhưng mà sau khi ra được một cái thì bây giờ họ cấm không được nhắc tới nó nữa.
Bài thơ của anh Nguyễn Việt Chiến vừa rồi họ cũng cấm đoán, không cho giải. Bài thơ nói về chiến tranh thời đất nước gian lao của anh Nguyễn Việt Chiến, bài thơ đó cũng chẳng có ảnh hưởng chính trị hay đụng chạm gì họ mà họ vẫn cấm.
Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Đó, như bài thơ được giải Trăng Nghẹn nó có cái gì đâu mà họ cấm đoán, chẳng hạn như thế. Bài thơ của anh Nguyễn Việt Chiến vừa rồi họ cũng cấm đoán, không cho giải. Bài thơ nói về chiến tranh thời đất nước gian lao của anh Nguyễn Việt Chiến, bài thơ đó cũng chẳng có ảnh hưởng chính trị hay đụng chạm gì họ mà họ vẫn cấm. Sự cấm cản đó nó quá mức, tức là chỉ có "lề phải" chứ không có "lề trái".
Một đất nước mà chỉ có lề phải mà không có lề trái thì đất nước đó không có những con đường, bởi vì con đường phải có lề phải, lề trái chứ. Chỉ có lề phải mà không có lề trái thì không phải là những con đường. Những con đường trên đất nước chúng ta theo quan điểm nhà nước là không phải là những con đường.
Con đường thì phải có lề phải, lề trái, chứ đâu chỉ có lề phải thôi, và mọi người không được đi ở dưới lòng đường mà phải đi bên lề phải hết, cho nên anh Ngô Bảo Châu bảo là lề phải, lề trái, trên lề là dành cho cừu chứ không phải dành cho người. Ngô Bảo Châu là người được nhà nước ca ngợi, là nhà toán học trẻ đấy. Anh Ngô Bảo Châu có nói câu rất hay là trên lề dành cho cừu đi chứ không phải người đi.”

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Photo courtesy of Nguyễn Việt Chiến's blog.
Và cuối cùng nhà văn Trần Mạnh Hảo cho rằng muốn vực dậy nền văn học hiện tại thì nhà nước chỉ cần làm một việc đơn giản, đó là thực hiện dân chủ trong toàn xã hội, khi ấy thì nhà văn sẽ tự biết mình sẽ làm gì:
“Để tạo điều kiện cho nhà văn có bầu trời thoải mái và có tự do sáng tác thì phải có tự do ngôn luận, nói chung là phải có tự do, phải có dân chủ. Đất nước không có tự do, không có dân chủ thì làm gì có văn học được.
Cảm ơn anh và thính giả Đài RFA.”
Quý vị vừa theo dõi câu chuyện sáng tác qua những ý kiến của 3 nhà văn Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Đình Chính và Trần Nhương. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp trở lại đề tài này trong một ngày không xa để cùng đào sâu hơn vào câu hỏi: tại sao văn học Việt Nam đã quá lâu mà không có tác phẩm nổi trội…

No comments:

Post a Comment