Saturday, January 29, 2011

Thú tội

Thú tội: Roma 1633, Hà Nội 2009
Đinh Từ Thức Chia sẻ - ShareThis ♦ 12 bình luận ♦ 26.08.2009
LTS: Cách đây 400 năm, vào ngày 25 tháng 8 năm 1609, Galileo giới thiệu ống kính thiên văn của mình trước nhóm thương gia thành Venice. Ông không phải là người đầu tiên phát minh ra loại kính thiên văn này (được ráp lại từ những mảnh kính hiển vi chế tạo bởi những thợ làm kính người Hòa Lan vào thời đó). Ông cũng không phải là người đầu tiên dùng kính thiên văn để nhìn ngắm bầu trời, nhưng ông là người đầu tiên đã chứng minh và đồng thời phổ biến điều ông khám phá rằng quả đất không phải là trung tâm của vũ trụ như Hội Thánh đã quả quyết, mà xoay quanh mặt trời, một định tinh. Sự khám phá của Galileo, đến chuyện ông bị ép thú tội và giam lỏng tại gia, cho tới ngày hôm nay vẫn là biểu tượng cho sự xung đột nan giải giữa khoa học và tôn giáo, lô gích và huyền thuyết, sự thật và hệ tư tưởng, cá nhân và chính quyền ….

Galileo thảo luận về những tuần trăng với các vị Hồng Y
Vào đúng ngày kỷ niệm lần thứ 64 cuộc Cách mạng 19 tháng 8 năm nay, nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội đã điệu lên truyền hình vào giờ cao điểm bốn nhà vận động dân chủ bị bắt một vài tháng mới đây, để họ tự thú nhận đã có hành vi chống chính phủ, vi phạm pháp luật, và xin được khoan hồng.
Có hai khuynh hướng rõ rệt phản ứng về vụ này: Một khuynh hướng tỏ ra thông cảm cho những người trong hoàn cảnh đặc biệt, vì lý do nào đó chưa biết rõ được, đã phải bó buộc tự tố cáo mình, nhận tội, và xin được tha thứ. Một khuynh hướng khác tỏ ra khắt khe. Ví dụ, tác giả Lê Diễn Đức, qua bài mang tựa “Những Nhà Dân Chủ Thích Sống nhục” viết: “sự đầu hàng chứng minh cho sự ấu trĩ, nông nổi về tư duy cách mạng, ngựa non háu đá, ảo tưởng, thích nổi tiếng vớ vẩn, bạc nhược, không đúng với tư chất của một người có máu và có gan làm chính trị thực thụ (Blog Talawas 20-8-09).
Phê phán là quyền của mọi người. Và khi phê phán người khác, ắt hẳn ai cũng có lý do mà mình coi là xác đáng. Ở đây, người viết những dòng này, chỉ muốn đề cập tới sự kiện là do áp lực mà có người phải tự tố cáo, tự nhận tội vì đã làm những việc mình tin là đúng, hứa từ bỏ và xin được khoan hồng, không phải là chuyện mới mẻ. Cũng như không phải chỉ có những kể ấu trĩ, nông nổi, ngựa non háu đá mới làm. Tôi muốn đề cập tới trường hợp thú tội của nhà bác học nổi tiếng thế giới Galileo Galilei, người đã đề cao thuyết thái dương hệ, cho rằng trái đất di chuyển quanh mặt trời, thay vì mặt trời quanh trái đất, như sự hiểu biết cách đây 5 thế kỷ.
Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn tin rằng nhà toán học và thiên văn học Galileo Galilei, vì có quan điểm trái ngược với Giáo hội Công giáo La Mã, nên đã bị mang ra tòa dị giáo (Inquisition), bị xử tử, và anh dũng chết trên giàn thiêu, vì cương quyết bảo lưu quan điểm của mình.
Sự thật là ông Galileo bị ra tòa dị giáo, không hề bị tra tấn đánh đập, và bị thẩm vấn nhiều lần. Khi ra tòa, lúc đầu, ông cũng bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng việc mình làm là đúng. Nhưng sau đó, đứng trước lựa chọn, một là chịu nhận tội, hai là chịu tra tấn, ông đã chọn điều thứ nhất cho được yên thân. Khi phiên xử án cuối cùng vào ngày 22 tháng 6, 1633 kết thúc, vĩ nhân của thế giới Galileo Galilei không được ngồi bàn đọc lời thú tội ngon lành như các nhà dân chủ Việt Nam, mà phải quỳ trước tòa đọc bản phản tỉnh (abjuration) và xin khoan hồng đã được tòa viết sẵn.
Để bạn đọc có dịp so sánh chuyện đời nay với chuyện đời xưa, xin ghi lại sau đây phần chính (vì quá dài nếu ghi đầy đủ) lời thú tội của các nhà dân chủ VN, được báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức Đảng Cộng sản Việt Nam công bố ngày 20 tháng 8, 2009, và bản dịch đầy đủ bản phản tỉnh của Galileo Galilei, đọc ngày 22 tháng 6, 1633, theo bản dịch tiếng Anh được in trong cuốn Galileo’s Daughter, của Dava Sobel, nxb Walker, NY. 1999, tr. 275-7. Sau đó là mấy nhận xét của người viết.

Lời thú tội cùa Lê Công Định:
Tôi thấy những việc làm nêu trên của tôi có mục đích tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam và hành vi của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là điều 88 Bộ luật Hình sự, như tôi bị khởi tố.
Tôi rất hối hận về sai lầm của mình mà vì đó mà tôi đã bị bắt tạm giam như ngày hôm nay. Do vậy tôi đã hợp tác khai báo đầy đủ về việc làm của mình cho cơ quan điều tra và mong muốn được hưởng các tình tiết giảm nhẹ và sự khoan hồng theo quy định của pháp luật.

Lời thú tội của Nguyễn Tiến Trung
Hiện tại, sau quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi thấy các chính khách nước ngoài luôn vì quyền lợi của người dân nước họ. Nếu họ ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam thì cũng một phần là vì quyền lợi của người dân đất nước họ. Ðó là sai lầm của tôi vì đã quá tin vào họ.
Ðến nay, tôi đã thấy được các hành vi của tôi là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tôi rất ân hận vì đã làm liên lụy đến gia đình, người thân, bạn bè và sẽ từ bỏ không tham gia “Ðảng Dân chủ Việt Nam” và “tập hợp Thanh niên dân chủ”, chấm dứt các hoạt động chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tôi xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để có thể sớm trở về với gia đình, trở thành người công dân tốt, đóng góp vào sự phát triển của đất nước một cách thiết thực”.

Lời thú tội của Trần Huỳnh Duy Thức
… Tôi tự nhận thấy những hành vi nêu trên của tôi đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Tôi thành thật cảm ơn cơ quan an ninh Việt Nam đã kịp thời ngăn chặn, nếu không tôi còn vi phạm nghiêm trọng hơn. Tôi cảm thấy hối hận vì đã quan hệ với ông Bình và ông Ðịnh để thực hiện những mưu đồ chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tôi cũng rất lấy làm tiếc đã quan hệ với ông Nguyễn Hữu Hiền để có những thông tin nội bộ, từ đó bôi nhọ, chia rẽ nội bộ cấp cao các vị lãnh đạo, gây mất niềm tin đối với quần chúng nhân dân.
Tôi thực sự ân hận về việc làm của mình. Thông qua cơ quan An ninh điều tra tôi xin được Ðảng và Nhà nước rộng lượng khoan hồng miễn giảm hình phạt cho tôi để tôi sớm được trở về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội, và để khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội của tôi gây ra.

Lời thú tội của Trần Anh Kim
Sau khi được cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình giải thích cặn kẽ những quy định của pháp luật nước CHXHCN Việt Nam; đối chiếu với việc tôi đã làm, tôi thấy tôi đã vi phạm pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, cụ thể: Tôi đã tham gia Ðảng Dân chủ Việt Nam với chức danh phó tổng thư ký Ðảng Dân chủ Việt Nam hiện chưa được Nhà nước cho phép. Mục đích tôi tham gia đảng này muốn xóa bỏ chế độ chính trị, trong đó có cả chính quyền nước CHXHCN Việt Nam. Bản thân tôi tự nhận thấy do kiến thức về pháp luật có hạn, lại bị một số phần tử cơ hội chính trị kích động, lôi kéo nên đã có việc làm sai. Tôi xin tự nguyện tự giác khai báo và mong được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xem xét cho tôi được hưởng lượng khoan hồng.

Lời thú tội của Galileo Galilei
Tôi, Galileo, con của cố Vincenzio Galilei, người Florence, 70 tuổi, bản thân bị giữ trước toà này, và quỳ trước mặt các ngài, những Hồng y cao cả cực trọng của Toà Dị giáo chống lại tình trạng dị giáo đồi trụy trong toàn thể cộng đồng Thiên chúa giáo, hai tay tôi đang đặt trên Thánh Kinh trước mặt, thề rằng tôi vẫn tin, tôi đang tin, và với Chúa giúp sức tôi sẽ tin trong tương lai tất cả những gì được gìn giữ, rao giảng, và dạy dỗ bởi Hội thánh Công giáo và Giáo tông. Nhưng xét rằng – sau khi đã được khuyên răn bởi Toà thánh phải từ bỏ hoàn toàn quan niệm sai lầm rằng Mặt trời là trung tâm của thế giới và không chuyển động, và Trái đất không phải là trung tâm và nó chuyển động, và rằng tôi không được bảo lưu, bênh vực hay giảng dậy dưới mọi hình thức, dù bằng lời nói hay văn tự, chủ thuyết sai lầm đó, và sau khi tôi đã được thông báo là chủ thuyết đó trái với Thánh Kinh – tôi đã viết và cho in một cuốn sách trong đó tôi đã luận giải về chủ thuyết đã bị lên án và viện dẫn những lý lẽ hữu hiệu để ủng hộ nó, không đưa tới một giải pháp nào: Tôi đã bị xử là hiển nhiên khả nghi dị giáo, nghĩa là đã lưu giữ và từng tin rằng Mặt trời là trung tâm của thế giới và bất động, và rằng Trái đất không phải là trung tâm và di động.
Bởi đó, với ước muốn xoá đi khỏi trí não các ngài và của mọi giáo hữu sùng tín bản án hợp lý đã dành cho tôi, tôi xin từ bỏ với lòng thành và chân thật, tôi nguyền rủa và ghê tởm những sai lầm và dị giáo đã kể và một cách đại cương tất cả và mỗi sai lầm và phe nhóm trái với Giáo hội Công giáo. Tôi xin thề và hứa rằng trong tương lai sẽ không bao giờ nói hay khẳng định qua lời nói hay chữ viết những chuyện như vậy mà nó có thể khiến tôi bị nghi ngờ tương tự; và nếu tôi biết một kẻ dị giáo nào, hay một phần tử đáng nghi là dị giáo, tôi sẽ tố cáo hắn với Toà thánh, hay Toà Dị giáo hay với Giáo quyền sở tại. Tôi cũng thề và xin hứa sẽ chấp nhận và thi hành toàn thể mọi sự đền tội Toà thánh đã hay có thể sẽ dành cho tôi. Và nếu tôi vi phạm bất cứ điều nào đã hứa, phản đối hay thề bồi, tôi sẽ phải chịu tất cả mọi sự đau đớn và hình phạt dành cho tôi và đã được công bố bởi Giáo luật và các luật lệ khác, nói chung và cách riêng, chống lại các vi phạm đó. Xin Chúa và Thánh Kinh của Người mà tay tôi đang tiếp xúc hãy giúp tôi.
Tôi, Galileo Galilei, kẻ nói tới trên đây, đã từ bỏ, thề, hứa, và tự ràng buộc bởi những điều trên đây; và sự thật làm chứng, bằng chính tay tôi đã ký vào văn kiện phản tỉnh này, và đã đọc nó từng chữ một ở La Mã, tại Tu viện Minerva, ngày 22 tháng Sáu năm 1633.
Tôi là Galileo Galilei, đã phản tỉnh như trên, bằng chính tay tôi.
*
Tuy cách nhau năm thế kỷ, những lời thú tội và xin khoan hồng tại Hà Nội năm 2009 khá giống lời thú tội năm 1633 tại Roma. Điều khác nhau là Galileo chỉ phải đọc thú tội sau khi tòa xử; các nhà dân chủ Việt Nam phải nhận tội trước khi ra tòa. Người xưa, ít nhất cũng tôn trọng nguyên tắc được coi như vô tội cho đến khi bị tòa kết án. Ngày nay, công an thay quan tòa, và truyền hình thay tòa án. Có người than phiền Việt Nam lạc hậu, nhưng không biết tụt lùi bao xa. Qua vụ thú tội giữa Roma và Hà Nội, khoảng cách tụt hậu có vẻ tới trên năm thế kỷ, và tư pháp Xã hội Chủ nghĩa hình như còn kém cả thời tòa dị giáo.
Một nhận xét khác, Tòa Thánh Roma đã không bắt nhà bác học Galileo Galilei thú tội và xin khoan hồng vào dịp trọng đại như Lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh, như các đỉnh cao trí tuệ Hà Nội đã cho thú tội vào lễ kỷ niệm Cách Mạng 19 tháng 8.
Ngày nay, khó kiếm thấy sách vở báo chí cũ lên án Galileo là trí thức “thích sống nhục”, ấu trĩ, nông nổi, ảo tưởng. Có thể chê Nguyến Tiến Trung 26 tuổi “ngựa non háu đá”, nhưng với con ngựa già Galileo 70 tuổi, muốn đá cũng khó. Người bị nhục trong vụ thú tội ở Roma năm 1633 không phải là nhà thiên văn, mà là những ai đã buộc vĩ nhân này nhận tội và xin khoan hồng. Giáo hội La Mã, với hai ngàn năm lịch sử, và hơn một tỷ con chiên, xin lỗi mãi, đấm ngực ăn năn mãi, mà vẫn chưa rửa sạch vết nhơ này.
Hà Nội 2009, liệu có học được gì từ bài học Roma 1633?
bài đã đăng của Đinh Từ Thức


12 bình luận »
• Trinh _ Trung Lap viết:
Kính gửi Ông Đinh Từ Thức:
Là 1 người rất tôn trọng các tín hữu Kitô giáo, tôi nghĩ mình có trách nhiệm góp 1 vài ý kiến comment bài viết của Ông như sau :
- Như tôi đã có ý kiến trước đây về sự khác biệt giữa tín ngưỡng (1 niềm tin) và tôn giáo (1 tổ chức). Và như thế, Công giáo La mã không thể tránh khỏi những sai lầm như Ông đã đề cập, và trong tương lai cũng sẽ còn những sai lầm khác (vì tính chất thế tục của 1 tổ chức).
- Việc xin lỗi của Giáo hoàng John Paul II (1992) trước toàn thế giới và việc Ngài công nhận giải oan cho Galileo là 1 việc làm đúng đắn và cần thiết của 1 vị đứng đầu 1 giáo hội đã sai lầm. Và như thế việc chấp nhận lời xin lỗi này có được chấp nhận hay không còn tùy thuộc vào thành trì tư tưởng của các bậc trí thức trượng phu.
- Tuy nhiên có 1 điều quan trọng mà tôi rất ngạc nhiên khi Ông không nhắc tới; đó là :
…..Galileo là một tín đồ sùng đạo của Cơ đốc giáo La Mã. Galileo có ba đứa con ngoài giá thú với Marina Gamba. Họ có hai con gái, Virginia sinh năm 1600 và Livia sinh năm 1601, và một con trai, Vincenzo, sinh năm 1606. Cả hai cô gái đều được gửi tới nhà tu kín San Matteo ở Arcetri và sống trọn đời ở đó. Virginia lấy tên Maria Celeste khi vào nhà tu. Bà mất ngày 2 tháng 4 năm 1634, và được chôn cất cùng Galileo tại Basilica di Santa Croce di Firenze. Livia lấy tên Sister Arcangela và ốm đau trong suốt cuộc đời. Vincenzo sau này được hợp pháp hoá và cưới Sestilia Bocchineri…..
Chi tiết này cho thấy Galileo đã đặt “Đức vâng lời”- 1 đặc điểm quan trọng của Giáo hội La mã với đầy đủ tính chất thần quyền. Ông sẽ thấy rõ điều đó khi đi sâu vào thần học của Công giáo La mã.
Như vậy tình huống của Galileo trước toà án Roma là 1 sự vâng phục của 1 con chiên ngoan đạo trước quyết định của giáo hội, dẫu Ông thừa biết quyết định đó là sai lầm. Công giáo La mã dựa trên quan điểm sự thần quyền. Họ căn cứ trên lời truyền của Chúa Jesus với ST. Peter “….ta giao cho con chìa khoá nước trời, sự gì con cởi mở/hay cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cởi mở/ hay cầm buộc….”
Tâm trạng của Galileo lúc đó chính là sự vâng phục tuyệt đối trước 1 quyết định của Thiên chúa. Không phải như tính chất những vụ án mà Ông đã nhắc tới. Các vụ này sẽ ra toà án vào tháng 9 này. Tôi nghĩ Ông đã sai khi “chọn mẫu” để thực hiện 1 phép so sánh rất quan trọng.
Kính chúc Ông sức khoẻ !
- 27.08.2009 vào lúc 3:39 am
• Đinh Từ Thức viết:
Kính thưa ông Trịnh Trung Lập,
Xin cám ơn ông đã góp ý về bài viết của tôi.
Sau đây, xin trả lời ông về một số điểm:
Trước hết, nếu tôi không lầm, ông cho rằng Galileo thú tội vì “Đức vâng lời”, không phải vì bị ép buộc hay đe dọa. Tôi không nghĩ như vậy. Không phải đến năm 1633 Tòa Thánh Roma mới cấm Galileo không được cổ võ lý thuyết Thái dương hệ của Copernicus. Đầu năm 1616, tại Roma, Galileo đã cổ võ cuốn “Lý thuyết về Thủy triều” (Theory on the Tides) của ông để chứng minh trái đất quay. Cuộc vận động của ông khiến các chức sắc bảo thủ khó chịu. Tháng Hai 1616, theo lệnh của Giáo Hoàng Paul V, các Hồng Y ở Tòa Thánh đã tóm tắt lý thuyết của Copernicus vào hai điều, rồi yêu cầu một ban tham vấn gồm 11 nhà thần học biểu quyết. Hai điều đó là:
1- Mặt trời là trung tâm của thế giới, và không chuyển động
2- Trái đất không là trung tâm của thế giới và di chuyển
Toàn thể đã biểu quyết: Quan niệm 1 không những “chính thức dị giáo” còn trái ngược với Thánh Kinh, và “điên khùng và vô lý” (foolish and absurd) theo triết học. Quan niệm 2 bị coi là sai lầm về đức tin.
Cuộc biểu quyết đã diễn ra ngày 23 tháng Hai, kết quả được tường trình cho Tòa Thánh ngày 24. Ngày 26 tháng Hai, 1616, hai chức sắc thuộc tòa Dị giáo tới Đại sứ quán Tuscan, áp giải Galileo tới văn phòng Tòa Thánh. Tại đây, sau khi được đón tiếp tử tế, Hồng Y Roberto Bellarmino đã đại diện Giáo Hoàng yêu cầu Galileo Galilei hãy “từ bỏ việc bênh vực quan điểm của mình như là một sự kiện”. Một linh mục của tòa Dị giáo, một trong các nhà thần học của ban tham vấn, cũng thay mặt Giáo Hoàng cảnh cáo Galileo rằng ông nên từ bỏ quan điểm của Copernicus, nếu không, Tòa Thánh sẽ tiến hành thủ tục xét xử ông.
Ngày 5-3-1616 Hội đồng Thư mục (Congregation of the Index) của Tòa Thánh ra tuyên bố rằng quan điểm thiên văn của Copernicus là “sai lầm và trái Thánh Kinh”, và đình chỉ sách của Copernicus cho đến khi được sửa chữa.
Không vâng lời Tòa Thánh, 16 năm sau, Galileo đã viết và xuất bản vào năm 1632 cuốn sách quan trọng về Thái dương hệ, là “Đối thoại về Hai Hệ thống chính của Thế giới…” (Dialogue on the Two Chief World Systems…). Đã cấm mà không nghe, Galileo mới phải ra tòa Dị giáo năm 1633, và bị ép buộc phải tự thú, để tránh bị tra tấn.
Ngoài ra, khi đề cập tới lời nói việc làm của một người nào ngoài lãnh vực đời tư, tôi không có thói quen nhắc tới gia đình vợ con của người ta. Trong bài viết, tôi chỉ ghi lại lời thú tội của bốn nhà dân chủ Việt Nam, nên cũng làm như vậy về phía Galileo.
Cũng xin thêm, tôi rất ngạc nhiên khi ông đề cập tới người vợ không chính thức và ba con ngoại hôn của Galileo, rồi dùng chi tiết này chứng tỏ “Đức vâng lời” của nhà bác học. Chắc ông thừa biết, với người Công giáo, phép hôn phối rất quan trọng. Có vợ con ngoài Bí tích hôn phối, chẳng những không vâng lời, còn là phạm tội trọng.
Nếu chẳng may làm cho ông buồn lòng khi nhắc tới sai lầm của một tôn giáo, đó là điều ngoài ý định của tôi. Mong ông vì lòng bác ái mà bỏ qua.
Kính chúc ông mọi sự bằng an.
- 27.08.2009 vào lúc 7:24 pm
• Trinh - Trung Lap viết:
Kính thưa Ông Đinh Từ Thức !
Xin cám ơn Ông đã trả lời thắc mắc của tôi.
Qua những luận cứ mà Ông đưa ra tôi cho rằng sự hiểu biết về Thần học Công giáo La mã của Ông là vấn đề cần phải giải thích thêm. Tuy nhiên tôi cũng rất cảm kích về việc Ông đề nghị chúng ta hãy vì lòng bác ái mà bỏ qua. Tôi cũng đồng ý như vậy và có lẽ chúng ta sẽ không tranh luận gì thêm.
Để giải thích rõ hơn các thắc mắc của Ông tôi chỉ xin vắn tắt như sau :
- Ông viết :
“….Đã cấm mà không nghe, Galileo mới phải ra tòa Dị giáo năm 1633, và bị ép buộc phải tự thú, để tránh bị tra tấn….”
“….với người Công giáo, phép hôn phối rất quan trọng. Có vợ con ngoài Bí tích hôn phối, chẳng những không vâng lời, còn là phạm tội trọng…..”
Qua đây tôi nhận thấy Ông nghi ngờ về “Đức vâng lời” của Galileo vì các sự kiện liên tục không vâng lời nói trên.
Thưa Ông Đinh Từ Thức, có lẽ Ông cũng nhất trí với tôi rằng 1 người con trong gia đình thực thi “Đức vâng lời” đối với cha mẹ không phải lúc nào cũng trước sau như 1. Chính vì vậy mà cha mẹ nào cũng trăn trở không an tâm về con cái từ khi sinh nó ra cho đến khi họ trút hơi thở cuối cùng. Ông đồng ý chứ !
Trong các tôn giáo luôn có những vị thánh như vậy đó. Hoang chơi vô độ, bất trung bất tín, cứng lòng tin rồi bỗng 1 ngày được mặc khải và trở thành đấng tử đạo cao cả. (ST. Paul là 1 thí dụ, không những không nghe theo Chúa mà còn dẫn quân đi bắt đạo nữa)
Ngoài ra tôi muốn nhấn mạnh lại chi tiết các sử gia đều ghi lại rằng Galileo là 1 tín đồ Công giáo La mã sùng tín, chẳng hạn 2 người con gái yêu của Ông cũng được Ông hiến dâng cho Chúa vào dòng tu kín…
Vậy đó, tôi nghĩ Ông nên dùng 1 “mẫu chọn” khác để phản ảnh chính xác hơn quan điểm của Ông đối với các vụ án và khía cạnh nào đó bài viết sẽ không xúc phạm đến các tín đồ Công giáo, điều mà hiện nay ngay cả Nhà nước Việt nam cũng đang muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng họ luôn tôn trọng các tổ chức tôn giáo.
Tôi nghĩ xúc phạm tôn giáo là 1 điều không nên, nhất là khi mình là 1 cây viết cổ võ cho “tự do”, “dân chủ” và “nhân quyền”
Rất mong có dịp được học hỏi thêm Ký giả Đinh Từ Thức mà tôi đã từng được đọc và rất thích nhiều bài viết của Ông.
Kính chào Ông và chúc Ông nhiều niềm vui trong công việc.
- 28.08.2009 vào lúc 4:22 am
• BBT Da Màu viết:
Mến chào bạn Trịnh Trung Lập,
Ở thư gửi tác giả Đinh Từ Thức, bạn viết, “Vậy đó, tôi nghĩ Ông nên dùng 1 “mẫu chọn” khác để phản ảnh chính xác hơn quan điểm của Ông đối với các vụ án và khía cạnh nào đó bài viết sẽ không xúc phạm đến các tín đồ Công giáo ….”
Chúng tôi e rằng đây cũng là một cách độc giả “kiểm duyệt” cách suy nghĩ/lý luận của người viết, chỉ vì người đọc lo sợ về chuyện xúc phạm thành phần thứ ba, “các tín đồ công giáo.” Sự lo sợ này có lẽ cũng chỉ là một cách muốn bảo vệ “sĩ diện” của phe cầm quyền, trong trường hợp này là Hội Thánh, mà qua những diễn tiến của lịch sử và khoa học đã cho ta thấy rõ sự sai lầm khi chối bỏ khám phá quan trọng của Galileo và bắt ông thú tội?
- 28.08.2009 vào lúc 7:10 am
• trịnh sơn viết:
Thưa ông Trịnh-Trung Lập, tác giả Đinh Từ Thức cùng BBT DA MÀU,
Chuyện Galileo có phải là 1 tín đồ ngoan đạo của Ki-tô giáo hay không, chúng ta không thể nào xác quyết được. Những thêu dệt xung quanh một vĩ nhân là rất nhiều. Như mới đây người ta thêu dệt về Trịnh Công Sơn vậy, dù Trịnh Công sơn chỉ có thể kể đến như hạt cát lấp lánh của Việt Nam – một nhân tài âm nhạc. Vì thế, nhìn nhận lịch sử theo chiều hướng học thuật và nhìn nhận lịch sử theo chiều hướng tuyên truyền (tô màu có dụng ý), là 2 mục đích hoàn toàn trái ngược nhau, mà chúng ta đã trải nghiệm qua chính lịch sử của mình. Qua nhiều biến cố của các tôn giáo, trong đó có Thiên chúa giáo, chúng ta đều có đủ khôn ngoan để nhận thấy rằng Đức tin và Tín ngưỡng không đồng nhất. Đức tin nằm ngoài ý chí, có chiều hướng thiên về cảm xúc, cái cảm xúc mà Jung đã định nghĩa: như một trạng thái vô thức tương đối, là nơi diễn ra sự hoán đổi gần như ma thuật trong tương quan chủ thể – khách thể. Nghĩa là, Đức tin, tự bản chất nó đã không có nền tảng hay những cây đinh đóng vào tường để treo nó lên, gần giống như một thứ nhu cầu của Bản năng. Còn Tín ngưỡng, lại là một hệ thống của giáo lý và lề luật, bắt buộc tín đồ của nó phải rèn luyện trong khuôn mẫu, mẫu định hình và mẫu ngoại giác. Nên , không thể căn cứ vào mức độ sùng tín của một tín đồ để đánh giá Đức tin của anh ta với giáo lý mà anh ta đang theo. Chữ ĐẠO, theo Wilhem, là, Ý NGHĨA. Do đó, một sự vận hành tri thức và trí năng hữu hạn là bất khả nếu muốn tầm sâu vào uyên nguyên của vạn vật.
Chúng ta đều biết rằng, chính Tây Phương, tiên phong của nền khoa học duy lý – để sống sót qua những hủy diệt kỹ tinh thần của nền kỹ thuật duy lý, đã phải cố gắng bắt chước sự ngây thơ của trẻ con như một sự trở về. Điển hình rõ ràng nhất là hội họa trừu tượng và những hình thức nghệ thuật tái định hướng, tái cấu trúc thử nghiệm. Qúa trình củng cố niềm tin của họ vào tôn giáo, dài đằng đẵng và phát tiết nhiều tinh hoa cũng như nhiều vết bùn nhơ trên chính văn hóa, lịch sử của mình.
Cổ vũ cho tự do, dân chủ và nhân quyền, cần coi như một đức tính chứ không thể đánh đồng với một hành vi giới hạn trong phạm vi vật chất bó buộc mình. Xúc phạm một tôn giáo, không phải là ta tát vào mặt vị giáo chủ hay tín đồ của nó, mà là ta bác bỏ những tưởng tượng lỗi thời và các giáo điều vô luân của nó. Nếu không có cái gan xúc phạm tôn giáo thì, thử hỏi quý vị, làm sao có Công giáo rồi lại có Tin Lành? Làm sao chỉ một Đức Thích Ca Mâu Ni mà đẻ ra Đại Thừa với Tiểu Thừa?
Tôi là một con chiên ngoan đạo, ít nhất là tính theo số ngày giờ tôi có mặt ở nhà thờ và làm các công việc phụng vụ giáo họ. Nhưng, tôi rất tâm đắc câu chuyện về Phật Thích Ca Mâu Ni: Khi nhập Niết bàn, Ngài nói với các môn đệ vây quanh mình: “Nếu có ai trong các ông nghĩ rằng ta sắp nhập Niết bàn thì người đó chưa phải là đệ tử của ta. Mà ai nghĩ rằng ta không nhập Niết bàn cũng chưa phải là đệ tử của ta.” Trong thời đại Galileo sống, những phát minh và kiến giải của ông vượt ngoài sự lãnh hội của mọi người. Còn chúng ta, chúng ta lãnh hội nó như thế nào? Và, chúng ta đang lãnh hội thế giới hiện tại của mình như thế nào? Cái chết của Galileo là cái chết đáng tôn thờ, dù cho ra trước tòa án, ông nhận mình có tội với Chúa hoặc ông khẳng định mình đúng (vô tội). Đem Galileo ra làm “mẫu chọn” để phát biểu suy nghĩ của mình về những chuyện hiện tại, thiết nghĩ, tác giả Đinh Từ Thức đã miễn cưỡng bản thân mình rất nhiều.
Vài điều trao đổi cùng ông Trịnh-Trung Lập cùng tác giả Đinh Từ Thức. Mạn phép!
- 28.08.2009 vào lúc 9:00 am
• Minh Ngọc viết:
Nếu tôi không lầm thì ông Đinh Từ Thức cũng là một tín đồ của Công Giáo, ông Thức từng viết báo Hòa Bình của Linh mục Du thì phải. Không có lý gì ông Thức xúc phạm đến Công Giáo. Giáo hội cũng có khi sai vì Giáo Hội không thể đồng nghĩa với Thiên Chúa.
- 28.08.2009 vào lúc 10:29 am
• Trinh - Trung Lap viết:
Kính thưa BBT Damau, Ông Trịnh Sơn, Tác giả Đinh Từ Thức, bà Minh Ngọc!
Trước hết, tôi xin cám ơn BBT đã phản ảnh giúp tôi 100% ý tưởng của tôi. Chỉ xin được thay 2 từ “kiểm duyệt” và “sĩ diện” thành 2 từ khác là “muốn học hỏi” và “uy tín” để chính xác hơn về mục đích của tôi. Một lần nữa chân thành cám ơn BBT damau.
Ý kiến của Ông Trịnh Sơn thật chắc chắn về phương pháp luận cũng như rất có giá trị đối với tôi khi xem xét giữa 2 khái niệm Đức tin và Tín ngưỡng. Rất cám ơn Ông.
Comment của bà Minh Ngọc cũng như trả lời của Tác giả Đinh Từ Thức cho tôi thấy rằng chúng ta (overall) có cùng mối quan tâm chung. Đó là điều đáng quý nhất thường thấy trên damau.
Tôi thật sự không muốn trích dẫn lại một số đoạn trong bài viết của Tác giả Đinh Từ Thức sau khi tôi và TG ĐTT đã trao đổi sau 2 cái comments đầu.
Hy vọng rằng những ý kiến của chúng ta ở đây đã được thấu hiểu. Tôi nghĩ còn rất nhiều khía cạnh thú vị và nóng hổi khác từ bài viết trên của TG ĐTT mà chúng ta có thể quan tâm hơn.
Một lần nữa kính chúc Quý vị nhiều nhiều sức khoẻ và chân thành cám ơn!
- 28.08.2009 vào lúc 7:54 pm
• Như Hà viết:
Sự so sánh khập khiễng.
Khi tôi đọc bài viết “Thú tôi Roma”của tg Đinh Từ Thức, tôi thấy tác giả có ý so sánh việc nhận tội của 4 nhà dân chủ và vĩ nhân Galileo, như vậy có phần khập khiễng qua chăng. Vì khi đó cái thời điểm tòa án giáo hội Roma bắt Galileo nhận tội phỉ báng nhà thờ vì dám cả gan trái đất chỉ là 1 hành tinh quay quanh mặt trời, chứ không phải là trung tâm vũ trụ, đã cách chúng ta hơn 400 năm. Khi đó loài người vẫn tin là như vậy. Giả sử khi đó tôi cũng tin và lên án Galileo, vì chỉ duy nhất có mình ông là người đi ngược lại quan điểm của loài người.
Còn ở đây thì 4 nhà dân chủ buộc lòng phải nói “đảng CSVN là đại diện duy nhất cho nhân dân VN” trong khi họ biết rằng có hơn 80 triệu người không muốn thế và có đến hơn 4 tỉ người trên trái đất thừa nhân “trái đất chỉ là hành tinh quay quanh mặt trời”. Ngoại trừ Trung Quóc Việt Nam, Cu Ba và Triều Tiên mà thôi.
Điều hoàn toàn khác biệt là khi đó giáo hội khi xử tội Galileo,nằm trong trạng thái mù tịt, chỉ tin vào đức chúa trời. Còn đảng CSVN hôm nay, họ cố chứng minh cho thế giới biết. Tuy ở trên cùng một trái đất, nhưng Việt Nam có một bầu trời riêng. Họ đủ nhân thức được những việc làm của họ ĐÚNG hay SAI.
- 29.08.2009 vào lúc 1:58 am
• langsaotui viết:
Xin mạn phép được hỏi ông Trịnh Trung Lập:
1. Ông có tận mắt chứng kiến cuộc xét sử của tòa án Dị hình giành cho Galileo không?
2. Sử liệu mà ông trưng dẫn có bảo đảm là sự thật 100% không?
3. Ông có biết rằng, nếu Giêsu không phải là kẻ Bất tuân phục các tăng lữ Do thái, thì liệu ông và giáo dân của ông có một cái đạo mà người ta hay gọi là Công giáo Rôma không?
Tóm lại, tâm ông chỉ có cái ‘đức vâng lời’, nên ông thấy ai cũng phải cúi đầu vâng lời giáo hội.
- 29.08.2009 vào lúc 5:48 am
• Minh Ngọc viết:
Khác với một số người tôi rất thích bài viết của ông Đinh Từ Thức. Có lẽ một phần do ảnh hưởng của cha tôi để lại. Ngay từ nhỏ, tôi cứ đợi cha đi làm về để ra sạp báo đầu đường mua vài tờ ‘nhật trình’ cho cha, hai tờ báo mà tôi còn nhớ mãi là tờ Chính Luận và tờ Hoà Bình. Tờ Chính Luận do Bác Sĩ Đặng văn Sung làm chủ nhiệm và tờ Hoà Bình là của một vị Linh Mục mà trong đó cha tôi rất thích đọc phần bình luận của Sức Mấy (hình như là ông Đinh Từ Thức) và những bài viết khác của ông Thức.
Có lẽ tác giả đã chạm vào tự ái, nỗi đau của quý vị khi nhắc đến vụ án Galileo, còn tôi một người tư nhận mình không đạo đọc nó vô cùng thích thú. Một bên dùng thần quyền để kiểm soát tư tưởng người khác, còn một bên dùng thế quyền, bạo lực cách mạng để trói buộc ý kiến chống đối. Dù chống đối lại thần quyền hay thế quyền,Galileo hay những nhà hoạt động dân chủ đều phải cân nhắc, đấu tranh với chính mình vì phải đương đầu lại một bộ máy cầm quyền lâu đời, vững chắc. Họ cũng tiên đoán được một phần nào rủi ro xãy ra cho họ. Mục tiêu tranh đấu cho cái đúng của họ Galileo hay các nhà hoạt động dân chủ đều xứng đáng ngợi khen như nhau.
- 31.08.2009 vào lúc 8:41 am
• Phan Đức viết:
Tôi hoàn toàn đồng ý với Như Hà về sự so sánh một cách quá đơn giản của tác giả ĐTT khi hai sự kiện xảy ra chịu tác động của hoàn cảnh khác hẳn nhau.
Thật ra, thuyết địa tâm (tức trái đất là trung tâm vũ trụ) là niềm tin của người Hy Lạp cổ và được triết gia Aristotle (384-322 trước CN) và nhà thiên văn-chiêm tinh gia cũng là người Hy Lạp Ptolemy (thế kỷ thứ 2 trước CN.) phổ biến. Khái niệm này cũng đã bắt
nguồn từ suy nghĩ của nhà toán học-triết gia Pythagoras (thế kỷ thứ 6 trước CN). Điều đáng chú ý là tư tưởng của triết gia Aristotle thuộc về triết học, chứ không phải khoa học nhưng lại được thánh triết gia Thomas Aquinas (1225-1274) là một tiến sĩ của giáo hội có ảnh hưởng rất lớn lúc bấy giờ tìm cách hòa hợp triết lý trên với giáo lý Thiên Chúa Giáo. Việc này cũng được ghi lại trong Galileo’s mistake của Wade Rowland như thế này là “kết qủa sự pha trộn giữa thuyết lai tạp của Aristotle và thuyết của Aquinas để trở thành tín điều của giáo hội La Mã”. Như vậy, sai lầm ở đây của giáo hội chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh trong đó triết lý pha trộn giáo lý trở thành khoa học, và vì khoa học thời đó chưa có cộng đồng khoa học đúng nghĩa mà lại nằm trong tay giáo hội, nghĩa là thẩm quyền về tôn giáo và khoa học luôn là một,có thể nói là có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Nhân vụ án này, tôi nhớ có đọc được hai bài viết của 2 tác giả trong nước trích dẫn sai về việc Galileo lên giàn hỏa nhưng thực sự, ông chỉ bị quản thúc tại gia mà thôi!
- 31.08.2009 vào lúc 5:27 pm
• Phan Đức viết:
Xin viết thêm “triết lý pha trộn giáo lý” cho rõ nghĩa tôi muốn nói:
“Như vậy, sai lầm ở đây của giáo hội chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh trong đó triết lý
pha trộn giáo lý trở thành khoa học…”.
Xin đa tạ.

No comments:

Post a Comment