Saturday, December 10, 2011

Ghen, Tình yêu & Hôn nhân

Ghen, Tình yêu & Hôn nhân
Khánh An, phóng viên RFA
2009-12-15
Chuyện Tiger Woods ngoại tình là một trong những sự kiện được tìm kiếm nhiều nhất trên Google mấy tuần qua. Liệu sự ghen tuông có phá hỏng cuộc hôn nhân vốn được xem là mẫu mực của họ?

Hình chỉ mang tính minh hoạ. AFP PHOTO
Trong Tạp chí Phụ Nữ kỳ này, mời quý vị theo dõi ý kiến của một số phụ nữ trong và ngoài nước bàn về vấn đề ghen.
Ghen
Ghen thế nào để các “nạn nhân” không trở thành “thủ phạm” của một sự đổ vỡ khác?
Ghen tuông là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến kết cục bi thảm của những vụ án liên quan đến hôn nhân gia đình tại Việt Nam dạo gần đây. Mức độ trầm trọng ngày càng tăng của các vụ án khiến người ta không khỏi đặt vấn đề về nền tảng đạo đức của những người trong cuộc.
Ngày 8/12 vừa qua, Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố anh Nguyễn Bá Trường, người đã đánh vợ đến vỡ gan chỉ vì ghen tuông sau khi nhận được một tin nhắn lạ vào điện thoại của vợ.
Trước đó, ngày 2/12, cũng vì ghen tuông, chị Nguyễn Thị Mười đã dùng cây đánh chết chồng mình khi bắt gặp anh này đang ngoại tình với một phụ nữ khác tại nhà.
Có thể thấy, những vụ án liên quan đến ghen tuông xuất hiện liên tục trên báo chí, với mức độ ngày càng nặng, thậm chí có nhiều trò đánh ghen quái đản và độc địa.
Nếu người phụ nữ thấy rằng mình có bản lãnh, có đủ điều kiện và những điểm tốt rồi thì mình cũng không nên ghen bậy bạ. Nhưng mình cũng phải ghen vì có yêu mới ghen.
Chị Kim, Virginia, Hoa Kỳ
Dường như từ xưa đến này, chuyện ghen tuông thường dính dáng đến các bà nhiều hơn các ông. Bởi với truyền thống Á đông, chuyện các ông “ăn nem” hiển nhiên được cái nhìn cảm thông của xã hội hơn tội “ăn chả” của các bà.
Như vậy, khi xảy ra chuyện “ăn chả” của các ông, các bà có nên ghen không?
Câu trả lời là:
Ghen, nhưng mà ghen tùy lúc chứ không phải tầm bậy tầm bạ (Chị Kim, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ).
Mình nghĩ là có chứ (Chị Kim Ngân, Hà Nội)
Vụ ghen thì đàn bà mình ai cũng máu đỏ hết, đâu có ai máu trắng đâu?! (Chị Hạnh, An Giang)
Ghen như thế nào?
Thái độ và cách ghen tuông của phụ nữ cũng phong phú và đủ màu sắc chẳng kém gì những trạng thái của họ khi yêu. Đối với một số phụ nữ được cho là bản lĩnh, cách ghen ngọt ngào và được ưa chuộng nhất là làm cho người đàn ông nhận ra “cơm nhà” đậm đà và giá trị hơn “phở người”. Chị Kim, cư trú tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nói:
Nếu người phụ nữ thấy rằng mình có bản lãnh, có đủ điều kiện và những điểm tốt rồi thì mình cũng không nên ghen bậy bạ. Nhưng mình cũng phải ghen vì có yêu mới ghen, nhưng cái ghen của mình phải đúng, chứ đừng ghen bậy bạ, đàn ông cũng không thích đâu. Chẳng hạn như phải ghen như thế nào cho người ta nể mình.
Ví dụ một người đàn bà nào đó thích chồng mình, mà mình biết chồng mình không thích người đó vì người đó về mọi mặt không bằng mình mà mình cứ ghen bậy bạ thì chồng mình sẽ chán mình. Mình phải quang minh chính đại, đối xử với người đàn bà đó bình thường như với bạn bè thì người đàn ông đấy mới nhìn lại và thấy rằng vợ mình hay, anh ta lại càng yêu mình. Chứ tự nhiên ghen tổng lên, nói bậy bạ, đàn ông sẽ không thích mình đâu.
Quan trọng là phải cho người ta nể mình, respect (tôn trọng) mình, thấy mình hay ở nhiều điểm, người ta mới yêu mình, mới thấy mình khác những người đàn bà khác. Lúc đó chẳng cần phải ghen nữa vì lúc đó người ta thấy mình tốt rồi thì còn hơi đâu đi chỗ khác nữa.
Tất cả những phụ nữ chia sẻ ý kiến ở đây đều cho rằng ghen tuông phải “đúng người, đúng tội” bởi ghen tuông vô lối có thể biến thành liều thuốc độc giết chết hạnh phúc gia đình. Dư luận, những người thân quen đôi khi vô tình trở thành một chất xúc tác biến những kẽ hở trong quan hệ vợ chồng trở thành những hố sâu ngăn cách nếu người vợ không bình tĩnh, sáng suốt trong các tình huống. Chị Hạnh, một nông dân ở An Giang, chia sẻ trường hợp của chị:
Ghen thì cũng tùy trường hợp. Ví dụ mình ở với chồng hai ba chục năm, mình hiểu ý chồng mình rồi. Nhiều người ở đây họ cũng nói dữ lắm, tại vì ổng cũng đi làm phước dữ lắm: chùa chiền rồi cất nhà, cất cửa… Ổng đi dữ lắm nên nhiều người lối xóm người ta đặt vấn đề. Người ta thấy em hiền, ở trong nhà, mình đàn bà nội trợ, đâu có đi đâu.
Mình nghĩ mình có chồng là thôi, ở nhà mình lo cho chồng cho con. Nhiều người thấy người ta nói: “Ừ, mày để chồng mày đi thế nọ thế kia…”. Em mới trả lời: “Chồng tui, tui biết” vì mình ở với chồng mấy chục năm, mình biết tánh ý chồng rồi.
Nhiều khi mình chẳng ghen thì cũng cứ giả vờ ghen đi. Chuyện không đáng ghen mà mình thấy rất buồn cười, không đáng ghen thì cũng cứ ghen đi cho nó hay.
Chị Kim Ngân, Hà Nội.
Anne Bercht, tác giả của cuốn sách gây nhiều tranh cãi chỉ vì cái tựa đề của nó: “My Husband’s Affair Became the Best Thing That Ever Happened to Me” (tạm dịch là “Việc chồng ngoại tình đã trở thành một điều tốt nhất xảy đến với tôi”). Nhiều độc giả cho rằng không có một người phụ nữ nào mong muốn trải qua kinh nghiệm “tốt nhất” này! Bởi ngoại tình luôn để lại những vết thương hay vết sẹo trong cuộc hôn nhân của họ. Vì vậy, điều “tốt nhất” có lẽ là đừng bao giờ xảy ra chuyện ngoại tình ấy.
Để hâm nóng tình yêu?
Thế nhưng, không ít người lại quan niệm, ghen tuông “chút chút” hay những kiểu “ghen vờ” sẽ làm cho cuộc sống lứa đôi thêm đậm đà, thi vị. Chị Kim Ngân, cư ngụ tại Hà Nội, thừa hưởng “chiêu thức” này từ mẹ. Chị kể:
Như mẹ mình nói, trên đĩa rau mà không có quả ớt thì cũng không ngon! Ví dụ như mình ăn một bữa cơm từ đầu đến cuối mà không va vấp một cái gì thì thấy nó cũng bình thường. Còn tự nhiên đang mãi xem ti vi mà cắn phải một cục sạn sẽ làm cho mình bừng tỉnh.
Thành ra mình nghĩ cũng nên ghen một chút. Còn mình cứ bình bình, có khi cả chục năm không như thế thì chồng mình cũng sốt ruột, bảo vợ mình không hiểu tại sao mà mình có bao nhiêu biểu hiện lộ ra như thế mà không thấy có biểu hiện lại gì cả?! Nhiều khi mình chẳng ghen thì cũng cứ giả vờ ghen đi. Chuyện không đáng ghen mà mình thấy rất buồn cười, không đáng ghen thì cũng cứ ghen đi cho nó hay.
Chẳng hạn như một câu chuyện xảy ra với vợ chồng chị:
Hôm đấy hai vợ chồng ngồi không có việc gì cả nên cầm điện thoại của nhau đọc thoải mái, không sao cả. Thế là hôm đó mình đọc được một tin nhắn trong điện thoại của ông xã mình là: “Em đang ở quán này. Anh ra đây nhé, nhớ rủ theo em Hương”. Mình thấy như thế nên mới bảo chứ: “Chết thôi! Hẹn một cô là đã đủ rồi mà đây còn hẹn tới hai cô. Hẹn một cô rồi còn kéo theo một cô nữa, thế có đủ sức không?”.
Mình bảo thế. Lúc đấy, ổng cười, chẳng nói năng gì. Nhưng cái chuyện đấy mình cứ đi, khi có bạn tới, mình bảo: “Đấy, anh thì làm sao bằng ông xã nhà em được. Ông xã nhà em đây này, có tin nhắn có một cô ra rồi mà còn thêm cô nữa”. Mình cứ nói thế.
Một lần không sao mà đến lần thứ hai thì ông xã mình mới để ý là mình nhớ dai chuyện đấy. Thế là hôm đấy ổng dẫn một cậu ở công ty đến, cậu đấy dẫn theo cô bạn gái, rồi bảo: “Đây này, cái tin nhắn là của cậu này này.
Cậu ấy nói là cậu ấy đang ngồi ở đây, bây giờ cậu ấy muốn rủ cô này ra mà không có cớ nên rủ anh ra rồi anh rủ nốt cô ấy ra hộ cậu ấy. Mình thì mình không biết đấy có phải là “bài” của nhau không nhưng ít nhất là có lời giải thích.
Có thể thấy, nhiều phụ nữ rất khôn khéo trong việc “khai thác” thông tin xung quanh chồng bởi với họ phương châm của các ông luôn là “kể hết trừ những điều cần giấu”. Thế nhưng ngược lại, cũng có những người cho rằng không nên tìm hiểu những điều chồng không nói vì sự bình yên của cả nhà.
Còn một khi đã có những “tang chứng, vật chứng” cụ thể, có nhiều cách để người phụ nữ thóat khỏi tình trạng là “nạn nhân” mà không biến mình thành “thủ phạm” của những đổ vỡ tiếp theo.
Những nguyên tắc có thể kể đến như sau: Thứ nhất, để ý đến những phản ứng và hành động của mình trong bất kỳ trường hợp nào, đừng để “giận quá mất khôn”. Thứ hai, tập đối diện với thực tế, chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón nhận kết quả xảy ra. Thứ ba, phải tự trọng. Thứ tư, tham khảo ý kiến người khác.
Riêng với người phụ nữ Việt Nam, sự dịu dàng, khéo léo cộng thêm tấm lòng bao dung, rộng lượng của họ lại là một “liều thuốc” ghen hữu hiệu có thể xoay chuyển được rất nhiều tình huống.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là đối với những người thực sự bị phản bội, việc thực hiện các lời khuyên theo lý thuyết không hề là chuyện đơn giản.
Tác giả Anne Bercht, ngay trong bìa sau của cuốn sách trên, đã viết: “Đó cũng là một kinh nghiệm hủy hoại nhất trong đời tôi”. Bà gọi những người trải qua kinh nghiệm này là những “chiến binh trong hôn nhân”. Một khi vượt qua được cuộc chiến, họ sẽ là những người mạnh mẽ và trưởng thành hơn rất nhiều.
(Khánh An xin chào tạm biệt. Mong gặp lại quý vị trong Tạp Chí Phụ Nữ kỳ tới.)
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment