Sunday, December 11, 2011

ĐỪNG NGỘ NHẬN VỀ HAI CHỮ CỘNG SẢN

ĐỪNG NGỘ NHẬN VỀ HAI CHỮ CỘNG SẢN
Kami’s blog – Một điều mà chúng ta phải công nhận đó là sự vô cảm của người Việt nam đối với vấn đề liên quan đến chính trị, hình như hai chữ chính trị là nhạy cảm và là vùng cấm khiến cho bất kỳ ai cũng phải sợ hãi, nói đến nó sẽ bị coi là phản động, chống đối và sẽ bị chính quyền trả thù bằng cách này hay cách khác. Do đó nói đến chính trị thì ai cũng sợ và lảng tránh, vì họ nghĩ rằng chuyện chính trị mặc nhiên chỉ độc quyền dành riêng cho một nhóm người rất nhỏ nhân danh đảng CSVN, nhóm người đó họ tự nhận mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm tư tưởng chủ đạo mới có đặc quyền đó.
Chính vì sự sợ hãi và vô cảm đó của dân chúng trong thời gian kéo dài, đã khiến đảng CSVN từ lấn quyền tới lạm quyền và vi phạm Hiến pháp. Điều đó thể hiện rõ nhất bắt đầu trong bản Hiến pháp năm 1980, khi mà đảng CSVN tự phong cho họ cái quyền là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội bằng Điều 4 của Hiến pháp và cũng từ đó Quân đội nhân dân từ chỗ trung với nước – hiếu với dân trở thành trung với đảng, còn lực lượng công an nhân dân cũng bị biến thành công cụ bảo vệ đảng theo phương châm còn đảng, còn mình.

Mặc dù về mặt văn bản pháp luật, Điều 50 của Hiến pháp có ghi rõ các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật và Điều 52 ghi rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Và đặc biệt trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ tại Chương VII: Sửa đổi Hiến pháp- Điều thứ 70 đã ghi rõ: “…việc sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây: a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu./ b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi./ c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Như vậy, năm 1980 khi đảng CSVN tự ý bổ xung Điều 4 khẳng định: “Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” mà không thông qua toàn dân phúc quyết là hành vi vi phạm Hiến pháp. Mặt khác Điều 4 bổ xung này đã phá vỡ nền tảng Hiến pháp của một nhà nước Dân chủ cộng hòa, tức là nhà nước Việt nam là nhà nước theo một chế độ Đảng trị, không đúng như Điều 2 Hiến pháp cũng khẳng định ” …nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân”.
Bất kể các hành động nói trên là vi phạm Hiến pháp, xong hầu như nó đã không gặp phải bất kỳ phản ứng nào từ phía dân chúng nên đảng cộng sản họ càng lấn tới, để ngày càng củng cố hoàn thiện một chế độ độc tài toàn trị rất tinh vi. Đó là toàn bộ hoạt động chính trị xã hội hay tôn giáo của các tổ chức quần chúng đều bị bàn tay lông lá của đảng CSVN thao túng, đạo diễn và điều khiển. Điều này đã diễn ra hàng chục năm và có thể còn là chuyện kéo dài. Nhân dịp sắp tới đây chính quyền nhà nước đã và đang cho Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chuẩn bị cho việc sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được ban hành từ năm 1992. Vì thế cũng xin có một vài ý kiến về đảng cầm quyền ở Việt nam hiện nay có thực sự là một đảng cộng sản hay không?.
Trước hết cần nhắc lại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“. Nếu đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay thì ngoài cái tên là Đảng CSVN thì đảng lãnh đạo nhà nước hiện nay không còn là đảng cộng sản, vì chính đảng đó đã không còn tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó họ không còn đủ giá trị để thực hiện vai trò là lực lượng lãnh đạo và nhà nước và xã hội.
Theo Điều lệ của đảng CSVN thì những nguyên tắc cơ bản trong Chủ nghĩa Marx-Lênin được xem là kim chỉ nam và là nền tảng tư tưởng trong mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam để đưa nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Căn cứ Chủ nghĩa Marx-Lenin được nghiên cứu và được coi là môn học chính trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam thì ” Chủ nghĩa cộng sản là nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế – xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất, mà trong đó mọi người là bình đẳng, không có hiện tượng “người bóc lột người”. Và theo như lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx – Lenin thì trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, là giai đoạn chuyển tiếp đi lên chủ nghĩa cộng sản, mà ở đó vẫn còn nhà nước để lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa cộng sản nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất. Trong đó mọi người là bình đẳng, không còn có hiện tượng “người bóc lột người”.
Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam thì tuy đảng và nhà nước tiến hành công cuộc Đổi Mới, từ bỏ nền Kinh tế tập trung chuyển sang nền Kinh tế thị trường tư bản theo định hướng XHCN, nhưng không phải là từ bỏ việc thực hiện chủ nghĩa xã hội. Theo họ sự đổi mới chỉ là thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó chỉ là một cách lấp liếm hòng sử dụng danh nghĩa cộng sản để làm vỏ bọc nhằm áp đặt sự độc quyền lãnh đạo của mình và sử dụng cái gọi là Pháp chế XHCN, một biến thể của Chuyên chính vô sản độc tài, vô luật pháp. Nhằm tạo điều kiện cho đảng CSVN có quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật là điều hòan toàn trái Hiến pháp. Đổi mới là quyết định đúng đắn của Đảng CSVN nhưng nó không kiên định với CM Marx-Lênin và TT Hồ Chí Minh bởi nó vi phạm nguyên tắc như GS Nguyên Đức Bình là một trong những nhà lý luận chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nói: “Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân”, vì theo ông nói: “thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?”
Điều này đúng hoàn toàn với Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi Hồ Chí Minh đã từng khẳng định thì “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”. Điều này cũng có nghĩa là Đảng CSVN và chính quyền của họ đã và đang chấp nhận bóc lột và đang cổ phần hóa các Doanh nghiệp nhà nước, tức là tư hữu hóa sở hữu tòa dân thì chứng tỏ càng không phải là Đảng Cộng sản đúng nghĩa của nó. Mặt khác đảng cộng sản Việt nam hiện có chủ trương kết nạp các người chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng, đa phần trong số rất ít các đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng lại là chủ các doanh nghiệp tư nhân, trực tiếp tham gia bóc lột người lao động.
Việc đổi mới lấy Kinh tế thị trường thay cho Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung (quan liêu bao cấp) là cần thiết, chấp nhận Kinh tế thị trường là nền nền kinh tế nhiều thành phần đương nhiên phải chấp nhận chế độ người bóc lột người. Nhưng điều đó đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy đảng cầm quyền ở Việt nam hiên nay về thực chất không phải là đảng cộng sản, mà nó chỉ là một nhà nước tư bản thân hữu còn hoang dã, sơ khai với các nhóm lợi ích khác nhau có sự cấu kết chặt chẽ vì lợi ích nhóm của họ.
Việc đảng CSVN sử dụng chiếc vỏ bọc cộng sản nhằm đánh lừa số đông những người thiếu hiểu biết để dễ bề cai trị, nhưng tiếc ràng không ít trí thức trong nước và hải ngoại, kể cả các chính trị gia vẫn ngộ nhận hoặc không hiểu rõ bản chất khái niệm cộng sản là gì trong việc phê phán đảng CSVN. Với lối mòn của tư duy chính trị không theo kịp thời cuộc, những người này vẫn luôn coi họ là cộng sản như trước kia trong việc phê phán và chửi rủa. Mà họ không biết rằng hành động đó vô tình trở thành hành động tiếp tay cho đảng cầm quyền ở Việt nam trong việc lừa bịp quần chúng nhân dân rằng họ vẫn là đảng cộng sản.
Phải phân biệt và hiểu cho rõ bản chất của đảng CSVN và chính quyền của họ hiện nay, để chỉ cho quần chúng nhân dân thấy rõ bộ mặt thật của đảng CSVN thì mới có thể tạo điều kiện cho một sự thay đổi về thể chế chính trị hiện tại, xóa bỏ thể chế độc tài toàn trị để thay bằng một thể chế dân chủ, đa nguyên, một nhà nước pháp quyền với một nền kinh tế thị trường tự do, một xã hội dân sự lành mạnh. Ở đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là con đường duy nhất để đưa đất nước và dân tộc Việt nam phát triển và giàu mạnh.
Trong thời gian tới, nếu đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ có tổ chức trưng cầu dân ý đối với bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, thì ngay từ bây giờ mọi người cần phải truyền tải những thông tin này cho mọi tầng lớp dân chúng hiểu rõ, để kiên quyết phải loại bỏ Điều 4 ra khỏi Bản Hiến pháp sửa đổi. Vì đảng CSVN hiện nay chỉ còn duy nhất cái danh xưng là cộng sản, còn lại họ không còn hội đủ các yếu tố như quy định cụ thể của Điều 4 Hiến pháp để lãnh trách nhiệm là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Ngày 6 tháng 12 năm 2011


LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ Ở ĐÂU?
Phan Mai, Pháp Luật – Tại hội nghị về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa diễn ra tại Hà Nội, cơ quan quản lý lao động cho hay lương của nhiều lãnh đạo DNNN được cơ cấu lên tới cả trăm triệu đồng (trong khi mức trần của Bộ chỉ 50 triệu đồng) khiến dư luận bất bình, bởi nhiều DNNN họ lãnh đạo đang thua lỗ dài dài…
Đáng nói ở chỗ nhiều DN đó được xem là chủ lực của nền kinh tế nên họ đang được độc quyền kinh doanh (như điện lực) hoặc được ưu tiên cao nhất trong sử dụng ngân sách và tài nguyên quốc gia, nên đương nhiên họ phải chịu sự giám sát cao nhất về các khoản chi phí theo quy định của Nhà nước.
Cũng trong tuần, hàng loạt địa phương ra chỉ thị đón tết Nguyên đán. Dĩ nhiên là tất cả lĩnh vực có liên quan đến… tết đều được liệt kê, song cụm từ “không dùng ngân sách làm quà biếu” thì tuyệt đại đa số các bản chỉ thị này đều nhắc đến. Nếu xem lại các chỉ thị năm trước, năm trước nữa… thì cụm từ trên cũng luôn có mặt, đến mức nó từng gây hiểu lầm rằng không ghi như thế thì cấp dưới lại… quên!
Thật ra, cả hai việc nêu trên đều đã quy định rất đầy đủ, chi tiết trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đến nay đã có hiệu lực được sáu năm! Thậm chí trách nhiệm cá nhân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong luật này cũng đã nói rất kỹ như trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức (Điều và trách nhiệm của cán bộ, công chức (Điều 9). Đồng thời, tại từng lĩnh vực cũng có quy định cụ thể chế tài, xử lý đối với cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi có hành vi gây lãng phí. Đó là bồi thường đi đôi với xử lý kỷ luật và xử lý vi phạm hành chính, trong đó bồi thường là biện pháp xuyên suốt áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm gây lãng phí. Riêng về chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự, luật có bố trí một điều riêng (Điều 84) quy định chế tài này để bao quát hết các trường hợp vi phạm gây lãng phí ở mức độ nghiêm trọng.
Thế nhưng sáu năm qua không thấy cơ quan nào công bố kết quả thực hiện luật. Trong khi lương lãnh đạo DNNN mỗi năm một tăng (dù DN lỗ) và chính quyền các tỉnh cứ đến tết lại nhắc “cấm dùng công quỹ làm quà biếu”!
Vậy luật này sẽ được ai thực hiện?


PHÁT NGÔN TVN: MÁU LÀM QUAN!

Kỳ Duyên, Tuần Việt Nam – Xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo… cha anh, chạy theo hư danh. Danh “hư” nhưng lợi “thực”. Có “thực” lại chạy tiếp “danh”.
Xin được lấy một phụ đề nhỏ trong bài viết “Thế hệ 9X: Làm quan hay làm ăn?” của tác giả Alan Phan đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 29/11/2011 để làm chủ đề chính của Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này.
Một nền giáo dục ứng thí
Bài viết của tác giả, tuy chỉ đề cập tới sự ham muốn- “máu làm quan” của thế hệ trẻ ngày nay, qua tiếp cận với hơn 100 sinh viên đại học. Nhưng thực chất đã đụng chạm tới một vấn đề vĩ mô hơn, và cũng đáng suy ngẫm hơn.
Vì sao tuổi trẻ người Việt lại “máu làm quan” hơn “máu làm ăn”?
Hay bởi các em được tạo ra từ một nền giáo dục học để thi, không phải học để làm? Cho dù ngành GD luôn nhắc tới bốn trụ cột- châm ngôn của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Cái nền GD đó, thấm đẫm tinh thần thi cử, ngay cả trong văn chương. Không phải ngẫu nhiên, tác giả Alan Phan nhắc tới bài thơ Trăng sáng vườn chè. Người viết bài chợt nhớ, cả tuổi thơ của mình, cũng luôn được nghe tiếng mẹ hát ru:
Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi…
…Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng tới lên trên vườn chè.
Dân tộc chúng ta, trọng sự học. Và cũng rất trọng “cái danh”- làm quan. Cái danh ấy chỉ có thể lập nên qua chuyện đỗ đạt thi cử. Cái danh ấy, nó len lỏi tới cả chốn phòng the, tới cả sự ân ái vợ chồng, đến mức nàng cảm thấy Đêm nay mới thật là đêm, chỉ sau khi chàng đã vinh quy bái tổ. Đủ hiểu đặc điểm, đặc tính một dân tộc trọng sự học và trọng cái danh đến độ nào.
Cũng phải công bằng mà nói, háo danh và máu làm quan là bản năng của con người, khi bắt đầu có nhận thức về nhóm, về tập thể, cộng đồng và xã hội. Nó không xấu, nếu nền tảng xã hội nói chung, nền tảng GD nói riêng, tạo ra được những vị quan tài đức, chứ không phải bất tài bất đức…song toàn!

Ảnh minh họa
Nhưng nếu nền tảng xã hội và nền tảng GD đó, chỉ ưu ái, khuyến khích con người háo danh và làm quan, thì xã hội đó sẽ ra sao đây?
Mặc dù trải qua ba, bốn cuộc duy tân hay cải cách, GD Việt Nam đến giờ, thực sự chưa thoát khỏi thân phận một nền GD ứng thí- bản chất cốt lõi của một nền GD phong kiến xưa cũ, nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Thi cử vẫn là cái gốc điều chỉnh mọi cách thức tổ chức GD, mọi phương pháp dạy- học. Mới có câu thi gì học nấy.
Người ta lo cho con cái, và chuẩn bị cho cái sự ứng thí của đứa trẻ từ lúc bập bẹ, lớp “lá” mầm non, lớp 1 tiểu học, tới mục tiêu cao nhất- thi đại học. Vấn nạn học thêm, vì vậy cũng nảy nở từ bậc tiểu học tới trung học phổ thông như nấm sau mưa. Liệu có nên gọi, bên cạnh nền GD chính khóa, còn có một nền GD học thêm?
Bộ GD tự lúc nào, được mệnh danh là Bộ… thi cử. Từ đầu năm, cho đến cuối năm chỉ loay hoay họp hành, chuẩn bị cho các kỳ thi. Thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi học sinh giỏi quốc gia các cấp, thi Olimpich quốc tế và khu vực. Chưa kể các kỳ thi của các địa phương.
Đã thi cử là có gian lận. Chống gian lận bằng cuộc vận động Hai không rầm rộ, nhưng đến thời điểm này, qua các tỷ lệ tốt nghiệp cao và đẹp đến…nghi ngờ, cái sự gian lận thi cử, e nó lại “vận” vào chính ngành GD?
Đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải hỏi thẳng vị Bộ trưởng GD tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII mới đây: Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp) có phản ánh thực chất không… Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp (VietNamNet, 24/11/2011).
Người dân khổ vì thi cử, nghi ngờ thi cử, thậm chí vay nợ chồng chất vì con cái đi thi cử, nhưng lại không thể rời bỏ thi cử.
Bộ GD khổ vì thi cử, nhưng cũng không dám bỏ bớt thi cử.
Ngay chủ trương thi “2 trong 1″- chỉ còn một kỳ thi trung học quốc gia, một chủ trương hợp xu thế thời đại, dưới áp lực xã hội, Bộ GD đành lững lờ không nói không, cũng không nói có, hệt chú “thỏ đế” trong ca dao: Rằng yêu thì nói là yêu/ Không yêu xin nói một điều cho xong…
Cũng cần công bằng để nói rằng, từng có nhiều năm, nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình, ngành GD muốn thay đổi xu hướng học để thi, khi chủ trương phân luồng qua mô hình phân ban THPT: Ban A (Khoa học tự nhiên), B (khoa học kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội và nhân văn).
Thế nhưng rất nhạy cảm, số đông người dân không ai muốn con em mình đi theo ban B – để làm thợ. Tất cả chỉ một ước muốn chui qua cánh cửa hẹp – thi đại học.
Phân ban lần đầu thất bại, vì đã không có học sinh theo học như thiết kế chủ quan của ngành, không được người dân ủng hộ. Mà cũng còn vì GD không trả lời được câu hỏi của họ- học sinh ban B sẽ đi về đâu, làm gì?
Phân ban lần hai ra đời, còn mỗi hai ban: A và C, chỉ để chạy theo và đáp ứng nhu cầu thi ĐH của số đông con em nhân dân.
Cái hay được thay bằng cái dở. Đi kèm theo là sự lãng phí, tốn kém tiền bạc không biết bao nhiều mà kể.
Nhưng xét cho cùng phân ban thất bại, GD không có lỗi, nhân dân không có lỗi, vì… Cái nước Việt mình nó thế(!)
Danh “hư” nhưng lợi “thực”
Nếu biết rằng, có chính sách nào trong xã hội chúng ta thực sự trân trọng khuyến khích người thợ, người lao động? Cao hơn nữa là trân trọng người giỏi, người tài? Từ vị thế, lương bổng, chế độ đãi ngộ? Hay chỉ khuyến khích con người vươn tới…làm quan?
Thì cái bằng cấp là tiêu chí đầu tiên phải có để tiến thân. Thế nên, ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng từng có chủ trương 100% cán bộ cốt cán phải là tiến sĩ!
Cái danh làm quan khi ra đời, dĩ nhiên luôn kèm theo cái lợi- bổng lộc, tiền bạc. Cái danh kiếm lợi bằng chính danh không thỏa, nó sẽ tận dụng để kiếm lợi bằng nhiều cách khác nhau.
Báo chí mới đây đưa tin, một vụ trộm ở TP. HCM. Chủ nhân ngôi nhà bị mất trộm (vợ và chồng) đều chỉ có một chức quan nhỏ thuộc ngành thuế, và ngành dạy nghề. Số lượng tài sản bị mất khá lớn, bao gồm 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất trộm là hơn 6 tỉ đồng.
Rồi cách đây vài năm, người ta còn chưa quên vụ một chiếc cặp bị bỏ quên ở sân bay của một quan chức trên đường công tác từ Tây Nguyên trở về Hà Nội. Trong chiếc cặp số có tới 11 chiếc phong bì đựng tiền VN (ít nhất từ 2 triệu đến 10 triệu) và đô la Mỹ. Ngoài phong bì có ghi tên nơi biếu.
v..v… và v..v..
Trong GD thì quốc nạn học thêm. Ngoài xã hội thì quốc nạn tham nhũng. Cũng bởi hai từ danh- lợi.
Nó chi phối con người đến mức, có lần nói chuyện về lứa trẻ, một GS từng trải buồn bã: Các em bây giờ, họ chỉ đi tìm “minh chủ, hắc chủ” để tiến thân, chứ không đi tìm thầy để tu thân đâu, nhà báo ạ!
Ở một đoạn khác, TS Alan Phan viết: Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ở Việt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẫn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy của các dân tộc Âu Mỹ: Lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phục vụ.
Cái tâm lý cay đắng ấy, đã được nhà văn Lê Lựu trong cuốn Thời xa vắng, chỉ ra, qua số phận đầy bi kịch của anh nông dân Giang Minh Sài, ngay cả khi anh ta đã ra thành phố. Số phận một cá nhân hay số phận của nhiều cá nhân một thời cuộc ấu trĩ?
Đó là chuyện thôn làng trong quá khứ. Nhưng nếu TS Alan Phan biết rằng ở tầm vĩ mô, thì thời hiện đại này, đến một cái danh hiệu cũng ưu tiên cho người làm quan? Như tiêu chí xét tặng Huân chương Lao động của Nhà nước chẳng hạn, mà người viết bài chứng kiến mắt thấy tai nghe.
Vậy có ai không thích làm quan?
Con người được đào tạo bởi một nền GD ứng thí, khi ra đời, lại sống trong một xã hội, mà sự làm lợi từ cái danh rất dễ.
Đó là lý do vì sao làm quan thẳng thì khó, nên không ít kẻ, mua quan bán tước, làm quan… tắt.
Đó là lý do vì sao, có biết bao câu chuyện bằng rởm, bằng giả của quan chức thấp, quan chức cao.
Một đất nước không rộng mà có bao nhiêu loại quốc nạn: Quốc nạn tham nhũng, quốc nạn học thêm, quốc nạn giao thông, quốc nạn bằng giả. Còn quốc nạn gì nữa đây?
Bằng rởm, bằng giả trong nước không oai, người ta tìm kiếm bằng rởm, bằng giả quốc tế, xuyên quốc gia “dọa nhau”. Vải thưa hóa ra vẫn che được mắt thánh! Không ít bằng giả, bằng rởm vẫn chễm chệ lên ngôi.
Thế nên, xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo… cha anh, chạy theo hư danh.
Danh “hư” nhưng lợi “thực”. Có “thực” lại chạy tiếp “danh”
Chỉ đất nước, là khó phát triển?
Like
Be the first to like this post.
Filed under: Chính Trị-Xã Hội , kỳ duyên
2 Responses
1. QM nói:
Tháng Mười Hai 10, 2011 lúc 12:23 chiều
Nếu theo quan điểm học thuật thuần tuý và chân chính thì kiểu giáo dục CS là kiểu giáo dục phản động vì nó không khuyên khích trí sáng tạo và không thúc đầy quá trình nhân loại hoá. Giáo dục CS là học để làm cách mạng, để phục vụ Đảng, sao lại đặt lợi ích của một nhóm người lên trên cả dân tộc và nhân loại. Nếu đặt mục đích giáo dục như vậy sẽ dẫn đến phương pháp giáo dục sai lầm là nhồi sọ, cấm tư duy phản biện. Tư duy phản biện thì nước Anh đã đặt ra từ thế kỷ 15, điều đó giải thích vì sao người Anh có nhiều phát minh sáng chế, ca những phát minh đối lập với tôn giáo như học thuyết Đác- uyn. Nay liệu ta có những phát minh nào (về xã hội) đối lập với đảng hay không?
Trả lời
2. QM nói:
Tháng Mười Hai 9, 2011 lúc 4:00 chiều
“Vấn nạn học thêm”, “vấn nạn” là cái gì? Dùng tiếng mẹ đẻ chưa sõi mà cứ bàn luận lung tung xoè? Học không làm quan thì học để đi hót phân à? Con người ai chẳng có hai động lực danh vọng và tiền tài. Chỉ đáng trách là con người không bước lên danh vọng và kiếm tiền một cách chân chính thôi. Nên trách những quan chức thật mà bằng dỏm, nhờ bằng dỏm mà lại kiếm được danh vọng thật. Đây là bệnh xã hội. “có học mới nên người” là quan điểm đúng đắn, cần khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người dân được học để xã hội tiến lên, có mở mang dân trí thì dân tộc mới không hổ thẹn với nước ngoài. Nhưng phải tiêu diệt tình trạng học giả, học điêu, học thói lưu manh côn đồ kiểu cộng sản.

No comments:

Post a Comment