Saturday, December 10, 2011

Chuyện đi học ở VN, đi học ở nước khác.

Chuyện đi học ở VN, đi học ở nước khác.
Sat, 10/29/2011 - 22:46 — songchi
Song Chi.
Gọi điện thoại về VN cho người chị họ, có cô con gái năm nay đang học lớp 9, chuẩn bị năm tới thi chuyển cấp. Con bé đang bị ba mẹ ép học đến xanh cả người. Ngày nào cũng ra khỏi nhà từ 6:30 sáng đến 9:30 tối mới về tới nhà. Là vì con bé học bán trú, 5:30 chiều mới tan trường, mẹ đi đón, mua thức ăn cho ăn tại chỗ xong tức tốc chở qua Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng cho học thêm. Tuần 6 ngày lịch y như nhau. Chủ Nhật cũng không được nghỉ, vì còn học Anh Văn, học bơi gì đó. Ngày nào cũng ngồi suốt từ sáng đến tối nên con bé hết bị đau khớp háng, lại đau..xương cụt, cứ phải ngồi nghiêng nghiêng hết mông này lại đến mông kia! Khốn khổ. Không có thời gian giải trí, tối về học bài ở trường xong là lăn ra ngủ. Ti-vi, phim ảnh, hay sách truyện đều bị mẹ cấm tiệt, bao giờ thi xong, đậu xong hẳn hay.
Tôi kêu lên học như thế không ích lợi gì đâu, lối học thụ động chỉ toàn đến lớp nghe thầy giảng rồi chép, không có thì giờ tự học, tự suy nghĩ, rồi mai mốt khi thi gặp trúng bài toán đã học rồi chẳng hạn, vẫn không biết giải như thường. Nhưng tôi biết, có nói thì bà chị họ vẫn cứ bỏ ngoài tai, vẫn thúc con bé học theo cái lịch như thế suốt năm. Mà ngay chính con nhỏ cũng đòi học thêm, vì các bạn ai cũng học, mình không học làm sao thi đậu nổi. Lại đang mơ đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong thì càng phải ráng. Đối với học sinh/phụ huynh ở Sài Gòn, những cái tên như trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hay Trường Phổ thông Năng Khiếu là niềm mơ ước, hãnh diện, phải phấn đấu để vào cho được. Cũng như dân Hà Nội đối với trường THPT chuyên Amsterdam (bây giờ là Trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam) hay THPT Chu Văn An vậy.
Những ông bố bà mẹ ở VN điên rồ, kéo theo con cái họ cũng điên rồ, lao vào sự học bất kể ngày đêm. Học từ trước khi vào lớp Một. Từ lớp Một đã đi học thêm, và học thêm suốt 12 năm của bậc tiểu học cho tới trung học. Học thêm Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ…rồi còn học thể dục, bơi lội, aerobic, múa…, học đàn piano, violon, học vẽ, học chơi cờ…Nghĩa là học đủ thứ. Không có ngày nghỉ. Không có mùa hè. Nói cho ngay, đó chỉ là học sinh ở các thành phố lớn, chứ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, học chữ thôi đã không có tiền, tiền đâu mà cho con đi học những thứ xa xỉ khác!
Cũng chỉ tại cái nền giáo dục điên rồ, chạy theo thành tích, điểm số, chuộng cái hư danh-có sự phân biệt giữa trường chuyên, trường điểm, trường chọn…với trường thường, nên các ông bố bà mẹ mới phải thúc vào lưng con, ép con phải vào bằng được trường chuyên, không vào được thì…chạy tiền, nhờ cậy người quen. Rồi một xã hội điên rồ, chuộng bằng cấp hơn khả năng thực, nên mới có chuyện chạy điểm, chạy bằng, mua bằng, bằng giả bằng dỏm v.v…
Hồi còn ở VN, tôi thuộc loại không ép con học nhiều. Cũng may, con nhỏ học được, thi vào Lê Hồng Phong khá là nhẹ nhàng. Nhưng phải học trong cái môi trường rất căng xung quanh, con nhỏ cũng than chả có thì giờ đâu mà đọc sách, xem phim, mỗi ngày học xong về nhà làm cho xong bài tập, học bài ngày mai là đã nửa đêm.
Đến khi sang Na Uy là một môi trường giáo dục khác hẳn, không khí học tập khác hẳn. Chả có cái khái niệm trường chuyên trường chọn gì cả. Mọi trường đều như nhau. Điều kiện học tập ở thủ đô Oslo hay ở thành phố Kristiansand tuốt phía Nam hay mãi tận phía Bắc cũng đều như nhau. Học sinh ở đây đi học rất là thoải mái. Chả có chuyện phải đi học thêm. Cũng không bị sức ép về điểm số gì cả. Đối với học sinh bậc tiểu học, thầy cô ở đây không cho điểm. Lên đến lớp 7 mới có điểm. Nhưng điểm của ai người đó biết. Thầy cô không bao giờ công bố điểm của học sinh trước lớp để tránh cho những học sinh học kém bị mặc cảm. Trong lớp học, thầy cô cũng không bao giờ gọi học sinh lên trả bài mà để em nào tự nguyện muốn lên thì lên.
Thầy cô thoải mái, cha mẹ cũng thoải mái, chả thúc ép. Bài vở thường thanh toán tại lớp để về nhà còn thời gian nghì ngơi, giải trí. Mùa hè là tuyệt đối nghỉ ngơi, vui chơi. Nhà trường thu lại hết sách. (Sách vở từ bậc tiểu học, trung học là nhà trường phát cho mượn, khỏi phải mua. Học phí bậc trung học tất nhiên cũng miễn phí). Chương trình học so với bên VN là nhẹ hơn nhiều, nhất là các môn khoa học tự nhiên. Nhưng ở bậc trung học, nhất là những năm cuối, học sinh được rèn luyện nhiều về khả năng học nhóm, làm việc chung, khả năng tranh luận, thuyết trình những vấn đề dưới cái nhìn riêng của mình. Và không có đề tài, chủ đề gì là cấm kỵ, cũng không phải sợ hãi gì nếu nói ngược với ý kiến của thầy cô.
Nhưng cái gì thì cũng có mặt này mặt kia. Học hành nhẹ nhàng thoải mái không bị thúc ép như thế nên phải nói thật, nhìn chung học sinh ở Na Uy…lười hơn học sinh ở VN. Không thật cố gắng, nếu chương trình khó hoặc học thấy không vui là…nghỉ, đi học nghề hoặc đi làm. Nếu học sinh ở Na Uy mà sang VN hay Trung Quốc chẳng hạn, nhìn thấy sự học căng như thế nào chắc là lè lưỡi phát khiếp!
Con gái tôi học chương trình IB (International Baccalaureate), là chương trình tú tài quốc tế, so với chương trình của Na Uy có nặng hơn, nhưng nặng vì phải tự đọc thêm nhiều sách, viết các bài essay, phải thuyết trình…chứ cũng chẳng ai thúc ép gì. Khi còn ở VN, con bé rất ngại học các môn Văn, Sử-phải nói là chán. Mà thử hỏi chương trình môn Văn, môn Sử dạy như vậy học sinh nào chẳng ngán? Văn thì cứ học đi học lại thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, thơ văn cách mạng…Sử thì hết hai phần ba là lịch sử đảng cộng sản, với những trận đánh, những con số ngày tháng năm…nhức cả đầu. Chưa kể, thời đại đã thay đổi mà quan điểm chính trị, cái nhìn trong những quyền sách giáo khoa vẫn là quan điểm, cái nhìn từ thời trước năm 1975, lịch sử thì bị bóp méo, sai sự thật…Chẳng trách vì sao ở bậc trung học, số lượng học sinh chọn ban C (Văn, Sử, Địa) luôn luôn rất thấp, khi thi đại học số lượng thí sinh chọn các ngành Văn Sử Địa cũng vậy. Hiện tượng hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011 vừa qua cho thấy học sinh không hứng thú với môn Sử nên học không vào, đó là do chương trình, cách dạy mà ra.
Còn nhớ khi trả lời phỏng vấn của báo chí về chuyện này, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đã cho đó là “chuyện bình thường”, rằng “Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng này. Vì tiếng nói của khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động”. (Báo Pháp luật TP.HCM ngày 30.7.2011)
Xin thưa với ông Bộ trưởng, chả biết ông dựa vào đâu để nói “môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại,…” Riêng chương trình IB mà con gái tôi đang học, trái ngược với hồi còn ở VN, cháu cực kỷ thích môn Văn, môn Sử. Bởi môn Văn, cháu được học đủ các tác giả nổi tiếng trên thế giới, không có nhà văn nào là “cấm kỵ”, từ J. D. Salinger, Gabriel Garcia Marquez, George Orwell, Chinua Achebe, F. Scott Fitzgerald, Patrick Suskind, William Golding, Mark Twain, Mary Angelou, các nhà thơ Shakespeare, Robert Frost, Sylvia Plath…ngoài ra cỏn đọc thêm Franz Kafka, Albert Camus…
Môn Sử thế giới thì được học bắt đầu từ thế chiến thứ nhất tới nay, đặc điểm các chủ nghĩa (phát xít, tư bản, cộng sản), sự sụp đổ của các nước cộng sản, phần historiography (cách các nhà sử học nhìn 1 sự kiện qua các giai đoạn: orthodox, revisionist, post-revisionist)… Với một cái nhìn khách quan, trung thực, mọi chuyện trên thế giới xảy ra như thế nào thì tường thuật thế ấy, không chủ trọng những chi tiết như ngày/tháng trừ những sự kiện thật sự quan trọng, mà chú trọng cách hiểu và khái quát vấn để, trình bày lại dưới cái nhìn của riêng mình.
Chưa kể môn Theory of knowledge rèn luyện kỹ năng critical thinking, cách nhìn vấn đề từ nhiều hướng, đưa ra một quan điểm và lật ngược lại, chấp nhận mọi thứ trên đời không có gì thực sự chắc chắn, sự ảnh hưởng của văn hóa, kinh nghiệm, quốc gia… tới quan điểm, cách nhìn… của mỗi cá nhân v.v…
Khi học, học sinh tha hồ tranh luận với giáo viên, giáo viên cũng rất khuyến khích học sinh có quan điểm riêng, độc lập. Chính vì vậy học sinh rất thích các môn khoa học xã hội nhân văn, chương trình học ở bậc trung học cũng đặt nặng các môn này hơn các môn khoa học tự nhiên, vì chính kiến thức thu được từ những môn khoa học xã hội nhân văn mới là kiến thức đi theo chúng ta suốt cả cuộc đời, ảnh hưởng đến nhân cách của chúng ta.
Khi hỏi những người quen, bạn bè đang sống ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp…tôi thấy tình hình giáo dục ở bậc phổ thông của những nước này cũng tương tự.
(Đó là mới nói đến giáo dục ở bậc phổ thông trung học, còn ở bậc đại học thì cách học, cách dạy cũng như khoảng cách giữa nền giáo dục của VN và các nước phát triển trên thế giới càng xa vời vợi.)
Vậy thì lỗi không phải ở riêng những bậc phụ huynh VN khi ngược xuôi chạy trường điểm cho con, khi thúc ép con phải học đến xanh cả người, lỗi cũng không phải ở riêng học sinh khi hiện tượng xài “phao”, quay cóp…diễn ra phổ biến tại các kỳ thi, kể cả việc hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 môn Sử…Chính là nền giáo dục của VN có vấn đề.
Một nền giáo dục lạc hậu, nhồi nhét quá nhiều kiến thức chết, vô bổ trong khi lại thiếu hẳn phần xây dựng óc độc lập, biết tư duy, biết tranh luận…cho học sinh. Một nền giáo dục dạy và học thuộc lòng là chính, đào tạo học sinh chỉ biêt nghe, chép, không được phép tranh luận hay nghĩ khác, nói khác với thầy cô, sách giáo khoa. Một nền giáo dục chỉ nhằm lấy bằng để đi làm, có vị trí trong xã hội. Một nền giáo dục chỉ nặng lý thuyết mà ít thực hành, chỉ truyền đạt kiến thức sách vở mà không chú trọng đạo đức, nhân cách, triết lý sống, quan điểm sống cho học sinh…Nói tóm lại, thiếu vắng hẳn một triết lý giáo dục, không biết mục tiêu thật sự để đào tạo Con Người là gì và như thế nào.
Hậu quả ra sao cứ nhìn chất lượng "đầu ra" (trình độ kiến thức phổ thông, kiến thức chuyện môn của người có bằng cấp) ở VN, cho đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự tha hóa về mặt nhân tính trong con người VN nói chung lâu nay thì rõ.
Đã có hàng vạn ý kiến từ các nhà giáo, chuyên gia…, và từ chính lời “kêu cứu” của phụ huynh và học sinh, hàng ngàn biện pháp cải cách giáo dục được đưa ra, nhưng giáo dục VN cứ ngày càng nát bét. Bởi, một nguyên nhân đơn giản, giáo dục, cũng như các lĩnh vực khác của xã hội, phải dựa trên việc tôn trọng Con Người, nghĩa là tôn trọng nhân quyền, tôn trọng sự tự do, độc lập của mỗi cá nhân, và tôn trọng Sự thật. Mà những cái này thì không thể có trong một xã hội độc tài, nên mọi cải cách, sửa đổi cũng chỉ chạm đến phần ngọn của vấn đề mà thôi!
Và học sinh VN sẽ vẫn tiếp tục khổ sở, thiệt thòi như các thế hệ cha anh của họ!
• songchi's blog
• Add new comment
Comments
Sun, 11/13/2011 - 00:42 —
chao chi Song Chi
Cac bai cua chi co ban English khong? Toi muon chia se bai cua chi voi ban be ngoai quoc o day, Manila, Philippines.
God bless you and your pen.
• reply
Sun, 11/13/2011 - 15:34 — songchi
Chào Anh/Chị; Cảm ơn Anh/Chị
Chào Anh/Chị;
Cảm ơn Anh/Chị đã quan tâm. Thật tiếc là tất cả các bài blog của tôi không có bản tiếng Anh, thưa Anh/Chị.
SC.


• reply
Mon, 11/14/2011 - 01:25 —
Chuyen di hoc o VN, di hoc o nuoc khac
Dung roi, lam quai gi co ban tieng Anh. Con cho tac gia di hoc... chuyen tu tieng Anh da!!!!
• reply
Sat, 11/05/2011 - 10:25 —
Thêm một chuyện đi học
Xin kể câu chuyện đi học của con tôi để góp tiếng ủng hộ những nhận xét của chị Song Chi. Hy vọng những quan sát cuả phụ huynh như chúng tôi ở những nơi có nền giáo dục tiến bộ có thể giúp phần nào cho các nhà giáo dục đang nắm quyền ở Việt Nam (nhưng nếu họ đang cố tình nhắm mắt thì đành chịu thôi).
Trước đây vì công việc tôi phải đi qua nhiều nước, nên con tôi cũng đã phải chuyển trường nhiều lần và cũng phải học chương trình IB trong các trường quốc tế, như con chị Song Chi. Và cũng như bố, con tôi rất lười, lại mê chơi game, nên rất may cho cu cậu là đã không phải đi học ở Việt Nam. Suốt 18 năm trời mãi đũng quần trên ghế nhà trường, cu cậu chưa một lần phải đi thi. Dĩ nhiên các bài kiểm thừơng xuyên và thi cuối học kỳ trong lớp thì không kể. Cũng chưa qua một giờ học thêm hoặc học hè (không kể những giờ học tiếng Việt). Đi học về tới nhà là ... chơi. Mẹ cháu nhiều lần xin với cô giáo cho thêm bài tập để buổi chiều về nhà làm thêm, thì cô giáo bảo là nó học ở lớp đủ rồi, bà có muốn thì kiếm sách cho nó đọc thêm. Mẹ cháu luôn than phiền là sao bây giờ chúng nó đi học cứ như đi chơi, không như mình ngày xưa. Chả thế mà mấy đứa đều mê đi học lắm, ngày lễ nghỉ cũng đòi đi học. Lên đến trung học thì có bài làm về nhà, nhưng cũng chỉ nửa tiếng hoặc chậm lắm một tiếng là xong.
Nhìn vào tập vở của cháu thì toàn là những bài ghi chú nguệch ngoạc. Không có những trang chi chít những chữ. Không có những giờ ngồi bặm môi gò từng nét chữ. Không có học thuộc lòng. Cũng không có học hè. Có lần vào dịp đầu hè, tôi bảo cháu vào thư viện trường mượn sách sẽ học sang năm để về nhà xem trước, thì cu cậu phản đối, bảo làm thế là ăn gian. Biết là cu cậu chỉ lười thôi, nhưng nó nói có lý quá tôi không cãi được.
Thay vào đó chúng được học nhiều thứ khác. Chỉ vài tháng sau khi vào lớp prep năm tuổi mà trong bụng chưa có một chữ tiếng Anh nào, cháu đã biết nhường nhịn, biết chờ đợi đến phiên mình, biết học theo nhóm, giơ tay khi cần nói, biết phản đối khi bố mẹ ngắt lời nó, hoặc khi bố hư quá cho ngón tay vào móc mũi. Ra đường thì đi đứng đúng luật, đến nơi công cộng không nói lớn hay làm ồn. Sách vở cho ngày mai đi học cháu tự lo lấy không cần bố mẹ nhắc. Khi cần nói chuyện hay tranh cãi với bố mẹ thì chững chạc không sợ hãi, nhiều khi làm bố mẹ cũng phải ngạc nhiên. Do không cần phải sợ hãi nên cháu sẽ mạnh dạn cho bố mẹ biết cả những điều mình làm không đúng trong lớp và bị cô giáo nhắc nhở, và dù có muốn dấu cũng không được vì trong cuốn sổ liên lạc mà phụ huynh phải ký hàng tuần cô giáo cũng đã viết vào đó rồi.
Ngay từ tiểu học cháu đã phải hàng ngày viết bài điểm sách (book review) về những quyển sách cháu đem từ thư viện về để đọc mỗi ngày. Gọi là sách cho oai chứ thật ra sách cũng chỉ có độ mươi trang với nhiều hình ảnh hơn là chữ. Nhưng để viết được vài dòng cảm tưởng về cuốn sách các em cũng phải suy nghĩ dữ lắm. Ngày hôm sau cô giáo lại khuyến khích các em suy luận thêm về cuốn sách đã đọc, bằng cách đặt ra những câu hỏi mà câu trả lời không có sẵn trong câu chuyện, chẳng hạn như theo em thì chuyện này xảy ra vào mùa nào, hay giờ nào trong ngày... do đó tập cho các em vận dụng những điều đã học ở nơi khác.
Có lần tôi được may mắn quan sát buổi cô giáo dạy cho các cháu hiểu về việc trong lớp vừa có thêm người bạn mới, mà bạn này lại bị chứng tự kỷ. Bạn này cư xử rất khác mọi người, chẳng hạn không nhìn vào mắt ai bao giờ, không nói cảm ơn và cũng không trả lời khi có bạn chào hỏi. Ai cũng thắc mắc sao bạn ấy lại khác thường như thế.
Để trả lời cho cả lớp, một hôm cả lớp ngồi quây quần trước mặt cô giáo, cô mới bảo các em hãy tả lớp học của mình, căn cứ vào những gì các em nhìn thấy. Các em đều tả tương tự như nhau, là trong lớp học có cô giáo, bảng trắng, bản đồ, hình ảnh, kệ để sách ... Sau đó cô gọi một em đến ngồi cạnh cô, đối diện với các bạn. Khi cô bảo bạn này tả lớp học, thì em nói em thấy bạn bè, bàn ghế của học sinh, và trên tường là tranh ảnh do các em vẽ. Cô giáo lúc đó mới chỉ cho các em thấy là cùng một lớp học, cô và các em nhìn thấy những điều khác nhau. Vậy thì người bạn mới chỉ là một người nhìn sự vật qua một góc độ khác mà thôi. Từ hôm đó các em hiểu, chấp nhận và thông cảm với người bạn mới một cách tự nhiên. Một hôm sau đó được gặp cô giáo tôi ngỏ lời khen ngợi bài học cô đã dạy cho các em hôm trước, thì cô trả lời là cô chỉ thực hành những điều cô đã được học mà thôi.
Đến năm cuối tiểu học các em đã biết tự trình bày kết quả học của mình trong buổi họp cuối học kỳ với cô thầy và phụ huynh, tự đánh giá việc học của mình, và tự nêu những điểm cần sửa đổi trong học kỳ tiếp theo. Tờ trình học kỳ có chữ ký của học sinh bên cạnh chữ ký của cô. Nhìn con nói năng gãy gọn trước thầy cô, phụ huynh không khỏi cảm thấy hãnh diện nhưng đồng thời cũng hiểu rằng mình không thể cư xử với con mình như một đứa nhóc tì "không biết gì" được, mà phải coi nó như một cá nhân, dù nhỏ bé, nhưng xứng đáng và cần được tôn trọng. Sự tôn trọng của người lớn ngay từ tuổi nhỏ sẽ giúp cho các em phát triển lòng tự trọng, tính thành thật, và lòng căm ghét sự giả dối.
Chỉ nhờ có con đi học mà tôi thấy được cái mục đích chính trong trường học ở những nước tiến bộ. Trường học là nơi giúp các các cá nhân với khả năng hoàn toàn khác biệt có cơ hội phát triển đến mức tốt nhất những tiềm năng của mình. Như vậy mọi nỗ lực ở trường học đều phải nhắm mục đích giúp người đi học được học hành cách tốt nhất. Đó mới thật sự là nền giáo dục đáng gọi là đặt trọng tâm vào học sinh.
Còn ở đâu đó khi mà từ lãnh đạo cho đến người dân còn chưa thể đồng ý được với nhau xem đi học để làm gì, thì nói chuyện cải cách giáo dục chẳng qua chỉ là chuyện bắc cóc bỏ dĩa mà thôi. Mà cóc cũng không chắc đã bắt được, khi mà sự giả dối đã lên đến đỉnh cao như hiện nay: tiến sĩ giả, giáo sư giả, phi công giả, lòng tin giả ... Chỉ có những thiệt hại cho đất nước, cho nền giáo dục là thật mà thôi.
• reply
Sat, 11/05/2011 - 14:40 —
Đúng Vậy !
Các con tui học ở nước ngoài từ nhỏ , chúng học như đi chơi , chẳng thấy bài làm ở nhà gì cả ,cho đến gần cấp 3 ( Trung Học ) mới thấy có bài tập ở nhà. Chúng yêu thích trường lớp lắm ! ngày ốm binh cũng muốn đi học vì vui , có bạn bè mà không có bị áp lực , ép buộc, răn đe , dọa nạt nào cả . Khi vào Đại học thì lại học gấp đôi, gấp 3 ĐH ở VN và chỉ học những điều thực sự có liên quan đến nghề nghiệp mà thôi vì thế chúng rất rành rõ về ngành nghề của mình , khi đi làm hay học lên cao hơn đầu óc chúng vẫn chưa bị " Chai cứng" , vẫn đầy sáng tạo hơn hẳn SV học ở VN nhiều . Về thăm VN , nhìn thấy các cháu nhỏ đi học mà tội nghiệp chúng quá , bị bọn " Dã Nhân " hành hạ, ép buộc đủ điều , bày ra đủ chuyện để kiếm tiền, bóc lột cha mẹ HS mà không cần nghĩ đến , thương cho thế hệ " tương lai của đất nước " . Chưa có nước nào trên thế giới mà có thi tuyển vào lớp 1 như CHXHCN VN , đúng là cái gì VN cũng nhất ! ngay cả sự dã man và vô giáo dục.

No comments:

Post a Comment