Sunday, December 11, 2011

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam

Giới thiệu Chủ nhật, 11/12/2011

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam


Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt nam (Nhạc viện Hà nội) được thành lập từ năm 1956, với ba chức năng chính là Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Biểu diễn âm nhạc. Học viện là một trong những trung tâm âm nhạc lớn, có uy tín của Việt Nam và khu vực. Học viện đào tạo các cấp học từ trung cấp, đại học, cao học và nghiên cứu sinh với tổng số gần 1 800 sinh viên trong gần 40 chuyên ngành âm nhạc. Đội ngũ giảng dậy với hơn 200 giảng viên, trong đó có 19 Giáo sư, Phó giáo sư, 14 Tiến sỹ, 03 Nhà giáo Nhân dân, 26 Nhà giáo Ưu tú, 08 Nghệ sỹ Nhân dân, 28 nghệ sỹ Ưu tú là những người đầu ngành về âm nhạc, có uy tín và kinh nghiệm nhất trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt nam. Nhiều học sinh ngoại quốc như: Lào, Thuỵ điển, Hàn quốc, Nhật bản đang theo học tại Học viện theo các khoá học khác nhau. Học viện đã được phép đào tạo liên kết sau đại học với Úc và là cơ sở âm nhạc duy nhất trong cả nước đào tạo Tiến sỹ âm nhạc. Trong hơn 50 năm qua, Học viện đào tạo hầu hết các nghệ sỹ biểu diễn, các giảng viên âm nhạc, các nhà phê bình, sáng tác, chỉ huy, lý luận âm nhạc của Việt Nam, trong số đó có nhiều người đã giành giải cao tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nứơc. Học viện thường xuyên cử các Giáo sư, giảng viên đến công tác giảng dậy tại các Nhạc viện khác.

Học viện thường xuyên có quan hệ cộng tác với hơn 60 các tổ chức âm nhạc và Nhạc viện có tên tuổi trên Thế giới tại Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ... Đặc biệt là Nhạc viện Quốc gia Maxcơva mang tên Tchaikovsky, Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp), Nhạc viện Trung Quốc (Bắc Kinh), Nhạc viện Thượng Hải, Khoa âm nhạc thuộc trường Tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Malmo Thuỵ Điển, Viện Nghệ thuật biểu diễn Hông Kông (APA), Dàn nhạc trẻ Châu Á (AYO), Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya, các tổ chức âm nhạc quốc tế như CIM; CIMF; FIJM; JOC; ICTM… Học viện là thành viên của Hiệp hội các trường Đại học Châu Âu và Đông Nam Á.

Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, dàn nhạc thính phòng và giao hưởng nổi tiếng của Hoa kỳ, Úc, Pháp, Đức, Nga, Thuỵ điển, Nhật bản … đã sang giảng dậy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sỹ, giảng viên, sinh viên cuả Học viện đã được mời đi biểu diễn ở các nước như Liên xô và Đông Âu cũ, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Hồng Kông, Đài loan, Thái lan, Malaysia, Singapor… Thông qua các cuộc thi tuyển, Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng với các Dàn nhạc giao hưởng nước ngoài: Dàn nhạc giao hưởng Châu Á, Dàn nhạc trẻ Châu Á, Liên hoan Âm nhạc Châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản), Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á (Thái Lan), Dàn nhạc Thế kỷ XXI (Nhật Bản)…

Học viện với đội ngũ Giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ đầu ngành và các sinh viên xuất sắc đã đóng vai trò là nghệ sĩ độc tấu chủ chốt trong các chương trình biểu diễn âm nhạc quan trọng của cả nước. Hàng năm, Dàn nhạc giao hưởng Hà nội, Dàn nhạc thính phòng, dàn Hợp xướng, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam với hàng trăm buổi biểu diễn thuộc nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, đã phục vụ tốt các dịp lễ lớn của đất nước, phục vụ xã hội, tuyên truyền nền âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với thế giới cũng như đóng góp tích cực vào việc nâng cao dân trí và đời sống nghệ thuật của đất nước.

Các công trình nghiên cứu về âm nhạc trên nhiều lĩnh vực khác nhau của Học viện đã được xuất bản có số lượng lớn. Ngoài ra, Học viện âm nhạc soạn thảo các Chương trình, Giáo trình, sách chuyên ngành, chuyên khảo cho các ngành đào tạo trên phạm vi cả nước. Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc và tác phẩm mới được các sử dụng trên phạm vi quốc tế, đặc biệt là các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc hoặc các tác phẩm có ngôn ngữ âm nhạc đương đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Học viện là một trường đã đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lưu giữ, tổ chức tư liệu, tạo ra kho tư liệu phong phú, khoa học. Thư viện âm nhạc chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo của nhà trường và cho tất cả các trường văn hoá nghệ thuật trong cả nước mang tầm cỡ lớn nhất của quốc gia về âm nhạc.

Trong những năm qua, nhiều sinh viên và giảng viên của Nhạc viện Hà Nội đã đoạt giải cao, mang vinh dự về cho đất nước. Đặc biệt có NSND Đặng Thái Sơn giải nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên F. Chopin tại Vácxava Ba Lan năm 1980. Tôn Nữ Nguyệt Minh giải ba cuộc thi Piano Quốc tế mang tên Smetana tại Praha - Cộng hoà Séc năm 1980… Thời gian gần đây, Học viện đã có thêm những tài năng trẻ mới, đã đoạt các giải thưởng quốc tế: Bùi Công Duy, Nguyễn Bích Thuỷ, Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Quỳnh Trang, Lưu Hồng Quang… cũng như sự thành công nổi bật của một số sinh viên khoa âm nhạc truyền thống đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế về biểu diễn nhạc cụ Dân tộc.



Tin tức hoạt động Chủ nhật, 11/12/2011



Chương trình kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Âm nhạc
Chương trình kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam các ngày từ 11 đến 13/12/2011 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Đêm ca nhạc 55 năm một chặng đường
Đêm ca nhạc đặc biệt “55 năm một chặng đường“ nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam (Nhạc Viện Hà Nội) vào 20 giờ ngày 1/12 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSƯT Gia Hội, NSƯT Hoàng Chè, NSƯT Quang Huy, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Khánh Linh, Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, Tam ca Trọng Tấn- Đăng Dương- NSƯT Việt Hoàn, Phương Nga, Song ca Tân Nhàn Tuấn Anh, Song ca Minh Anh-Minh Ánh và ban nhạc, hợp xướng cùng dàn dây HVANQG với những ca khúc nổi tiếng nhất của nền âm nhạc Việt Nam.

Chương trình biểu diễn Khoa Accordeon Guitar chào mừng 55 năm thành lập Học viện
Chương trình biểu diễn Khoa Accordeon-Guitar-Jazz chào mừng 55 năm thành lập Học viện vào 20 giờ ngày 29/11/2011 tại Phòng Hoà nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam 77 Hào Nam Đống Đa, Hà Nội.

Học viện đảm nhận các chương trình hoà nhạc ngoài trời
Nhằm mục đích tuyên truyền đưa âm nhạc đến với mọi tầng lớp nhân dân và nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa của nhân dân Thủ Đô, đồng thời tạo điều kiện cho các học sinh sinh viên của Học viện kỹ năng biểu diễn thực hành, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt nam được sự ủng hộ của Ủy Ban nhân dân Tp Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa TTDL Hà Nội đã tổ chức những chương trình hòa nhạc ngoài trời mang tên “Tôi yêu sự chia sẻ” do các học sinh, sinh viên của Học viện biểu diễn. Đây sẽ là một hình thức sinh hoạt âm nhạc ngoài trời mới tại Thủ Đô.

Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo các môn kiến thức âm nhạc
Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Khoa Kiến thức Âm nhạc phối hợp cùng với Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy và Viện Âm nhạc đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng đào tạo các môn kiến thức âm nhạc" vào sáng nay 16/11/2011 tại Học viện. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đầu ngành, các nhà quản lý, các Giáo sư đã và đang tham gia giảng dạy âm nhạc cùng các giảng viên, cán bộ, sinh viên trong nhà trường.


Khoa kiến thức âm nhạc Chủ nhật, 11/12/2011




Giới thiệu:

Khoa Kiến thức âm nhạc được thành lập năm 2001 trên cơ sở Bộ môn Kiến thức âm nhạc, thuộc khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của nhạc viện Hà nội, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Khoa Kiến thức âm nhạc là đơn vị đào tạo chuyên môn của Học viện, chịu trách nhiệm đào tạo kiến thức âm nhạc cho tất cả học sinh, sinh viên, thuộc các ngành Biểu diễn nhạc cụ (Việt Nam và phương Tây), Piano, Thanh nhạc, Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy. Kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các Khoa chuyên ngành trong việc phát hiện và đào tạo nhân tài âm nhạc cho đất nước cũng như góp phần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho học sinh, sinh viên toàn trường; Kết hợp với Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy đào tạo chuyên ngành Lý luận âm nhạc bậc Trung học, Đại học và Cao học; Biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, ngân hàng đề thi - kiểm tra các môn kiến thức âm nhạc; Biên soạn giáo trình, giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ tin học vào giảng dạy; Tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, công trình nghiêm cứu về phương pháp sư phạm âm nhạc cấp trường và cấp bộ.

Khoa Kiến thức âm nhạc gồm 3 Bộ môn:
- Bộ môn Lịch sử - Phân tích gồm các các môn học: Lịch sử âm nhạc phương Tây, Lịch sử âm nhạc phương Đông, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Trích giảng âm nhạc thế giới, Phân tích tác phẩm, Hình thức âm nhạc, Âm nhạc dân tộc cổ truyền, Hát Dân ca.
- Bộ môn Lý thuyết gồm các môn học: Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hoà âm, Phức điệu, Đối vị.
- Bộ môn Ký - Xướng âm.

Khoa có 17 giảng viên, trong đó có 2 Tiến sĩ, 9 Thạc sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 3 học viên cao học và 4 cử nhân. Cộng tác viên của khoa là các GS, PGS, TS, Ths, NGND, NGUT, NSUT giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.

Các môn học:
Ký xướng âm, Lịch sử âm nhạc phương Tây, Lịch sử âm nhạc phương Đông, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Trích giảng âm nhạc thế giới, Phân tích tác phẩm, Hình thức âm nhạc, Âm nhạc dân tộc cổ truyền, Hát Dân ca, Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hoà âm, Phức điệu, Đối vị.

No comments:

Post a Comment