Sunday, December 11, 2011

Bánh bèo Hội An

Bánh bèo Hội An
March 25th, 2009 | Pho Co Hoi An | 2 Comments »
Trong các món ăn chế biến từ gạo, sau mỳ Quảng, bánh bèo là một món ăn chiếm được sự ưa chuộng của đông đảo cư dân Hội An, nhất là cư dân các vùng nông thôn.

Bánh bèo Hội An
Để làm bánh bèo, người ta chọn loại gạo ngon cho vào ngâm nước để gạo mềm rồi xay thành nước bột min. Bánh ngon hay dở phụ thuộc phần lớn và khâu xay này. Nước bột không được đặc quá, vì đặc bánh sẽ cứng, ít dẻo. Nếu lỏng quá, bánh sẽ nhão, không đứng tròng (chén bánh không trũng ở giữa). Nước bột này khi lấy tròng xong (kỹ thuật thử độ dẻo và mịn của bột) được cho vào chén rồi sắp lên vỉ tre đặt vào nồi để hấp. Bánh chín đựơc vớt ra để chồng úp lên nhau cho nguội. Chén bánh khi chín trắng tinh, mềm mướt, giữa lại có một xoáy tròn thật là ngộ nghĩnh. Chén để làm bánh bèo là một loại chén bằng đất nung tráng mem, nhỏ hơn chén ăn thông thường, mà tròn trịa dễ thương. Nhưn (nhân) bánh bèo chủ yếu được làm từ những sản vật địa phương, đó là tôm, thịt,… Tôm bỏ đầu, băm nhỏ, thịt xắt nhỏ hạt lựu, trộn vào với tôm, ướp với gia vị, pha thêm chút bột điều (loại bột màu đỏ được chế từ một loại quả cây) cho tăng phần màu mè hấp dẫn, rồi đưa lên bếp xào chín, hòa thêm ít nước bột gạo đổ vào, sao cho nhưn chín có dạng sền sệt màu đỏ hồng, vị ngọt béo lẫn vị cay the và thơm là đạt yêu cầu. Nhưn nấu chín được đựng trong một chiếc nồi cơm, trên mặt rãy một lớp tiêu lấm chấm đen và cộng hành xanh xanh xặt nhỏ.
Bánh bèo có mặt khắp ở Hội An, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những vùng ven phố Hội như Cẩm Châu, Cẩm Nam… với những quán lá nhỏ đơn sơ mà mát mẻ, ấm cúng. Khách vào quán, người chủ sắp nhiều chén bánh lên khay, múc nhưn đổ vào, thêm dầu mỡ, thương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Tùy theo khẩu vị của người ăn mà có thể thêm ít nước mắm hay tí ớt vào. Nhìn chén bánh bèo trăng phau, nhưn giữa màu đỏ hồng điểm tôm thịt như nhụy một đóa hoa đang khoe hương khoe sắc. Lại thêm mùi thơm sực nức, đầy hấp dẫn khiến cho người ăn muốn một lần ăn hết mấy chục chén bánh cho hả dạ. Dụng cụ để ăn bánh bèo không phải là đũa, cũng không phải muỗng mà là một thanh tre vót hình lưỡi dao, gọi là “dao tre”. Lối ăn thế này cũng gợi bao sự hiếu kỳ cho khách và cũng là lối ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các loại bánh được chế tác bằng gạo.
Một số làng quê ở Hội An, vào những buổi sáng có các mẹ gài, cô gái gánh bánh bèo dạo khắp các ngả đường để bán cho người ăn. Nhưng nên thơ nhất là vào những lúc mặt trời lên cao, bà chủ ngồi bán dưới bóng cây xanh râm mát, những đứa trẻ trong xóm chạy đến xúm xít vây quanh gánh bánh bèo, mới nhìn vào tưởng như có cảnh bọn trẻ đang tụ tập để hát đồng dao hay chơi trỏ nhảy dây, đánh tổng.
Bánh bèo Hội An là một món ăn dân dã khác với loại bánh bèo mang tính cung đình của Huế. Nó vừa ngon, vừa rẻ, lại gần gũi với người dân, chính vì thế, nó đã luôn chiếm được sự ưa thích của đông đảo người ăn. Bánh bèo đã thực sự trở thành món ăn truyền thống của cư dân phố Hội.
(Theo Hoian24h)

Đến Hội An ăn cao lầu, cơm gà, chè bắp
August 13th, 2011 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Đến Hội An không thể không ăn cao lầu, tuy nhiên nếu bỏ qua cơm gà thì sẽ là cả một sự hối tiếc, và trong lúc mải ngắm những ngôi nhà cổ, bạn cũng đừng quên rẽ vào quán nhỏ để ăn một bát chè bắp.
Hội An là điểm đến đầy thú vị của du khách trong và ngoài nước. Những ngôi nhà cổ, những quán cà phê nhỏ xinh, những gánh hàng hoa rực rỡ, những đêm rằm thả đèn hoa đăng lãng mạn… đã mê hoặc lòng người.
Và dĩ nhiên, đi dọc theo những con phố tĩnh lặng của Hội An, khi bụng đã réo ầm ĩ thì bạn không thể tìm cho mình một món ăn ngon. Xin điểm những món ăn ngon khó bỏ qua và rất dễ tìm thấy khi đến phố Hội.
Cơm gà Hội An
Sự lựa chọn đầu tiên của bạn, chắc chắn sẽ là cơm gà Hội An. Bởi trước khi đến đây, bất kỳ ai cũng “google” những món ngon của xứ sở này, và cơm gà là đặc sản. Nhưng Hội An không có nhiều quán cơm gà, phải đi vòng vèo vài con phố, bạn mới “tia” thấy lác đác những tấm biển gỗ, và đặc sắc nhất là quán cơm gà Bà Buội, Cô Nga, thường bắt đầu từ 11h trưa hoặc tối.
Đó là một đĩa cơm nhỏ, với gà xé, gà trộn và rau sống. Cơm trắng nấu riêng, được trộn trước với một ít mỡ gà, béo ngậy và vàng ươm. Thịt gà ta được xé nhỏ, lọc hết xương, trộn và bóp đều với các loại gia vị, chanh, ớt, tỏi, rau sống.

Cơm gà Hội An.
Trong tiết trời ấm áp của Hội An, chỉ vì mải chơi quá nên lúc nhìn đĩa cơm gà vàng ươm, dậy mùi thì chỉ sau 5 phút bạn đã “xử” hết veo một đĩa cơm gà. Nếu muốn bạn có thể gọi thêm một đĩa, nhưng ăn theo kiểu “thòm thèm” thì mới ngon và còn chỗ để tiếp tục thưởng thức những món khác khi dạo phố. Giá cơm gà ở Hội An rất phải chăng, từ 25.000-40.000 tùy vào độ lớn nhỏ.
Tò mò với cao lầu
Với những “tín đồ” của phim truyền hình Việt Nam thì sau những thước phim Cho một tình yêu, cao lầu sẽ là món ăn khiến bạn tò mò nhất khi đến Hội An. Đây cũng là món ăn gắn liền với thương hiệu của phố Hội từ xưa đến nay.
So với cơm gà thì cao lầu được bán phổ biến hơn tại phố cổ. Trong những nhà hàng sang trọng, những quán ăn nhỏ hay đơn giản là một gánh hàng trong đêm, bạn đều có thể gọi món cao lầu. Mỗi bát cao lầu có giá từ 10.000-20.000 đồng, tùy vào địa điểm mà bạn lựa chọn.

Cao lầu được bán rất nhiều tại Hội An.

Cao lầu của người Hội An được chế biến rất công phu.
Nhiều người không quen ăn thường cho rằng cao lầu có vị giống mì Quảng, tuy nhiên, chế biến cao lầu là cả một quá trình chăm chút và tinh tế hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà vị của món ăn này có sức hút đối với không chỉ người trong nước mà còn cả du khách quốc tế.
Sợi mì làm nên cao lầu được làm từ bột gạo sống và chín, trải qua nhiều công đoạn sẽ cho ra sợi mì giòn và dai hơn mì Quảng. Ngoài giá, rau sống, tóp mỡ giòn tan, thì điểm nhấn chính của một bát cao lầu là thịt lợn xá xíu. Và nước thịt xá xíu này cũng chính là nước cho vào bát cao lầu, rất đậm đà và dậy mùi thơm.
Bánh rán hàng rong
Trên phố, một vài chiếc xe bán các loại bánh rán cũng đẩy đưa rất mời gọi. Mỗi chiếc bánh này có giá từ 4.000-5.000 đồng/chiếc, được bày bán trên chiếc xe nhỏ rất sạch sẽ. Muốn ăn chiếc nào, bạn chỉ vào chiếc đó và chủ xe cho bánh vào chảo mở nóng ran, một lúc sau bạn đã có trên tay chiếc bánh này.

Bánh rán hàng rong.
Tuy nhiên, bánh rán ở Hội An không đa dạng và không có mùi vị đặc trưng riêng, đơn giản đó là những chiếc bánh làm bằng bột mì, nhân đậu, thịt được rán giòn theo vị mặn hoặc ngon.
Tào phớ
Sau khi bước chân qua cầu Nhật Bản, ghé thăm ngôi nhà cổ Phùng Hưng với muôn vàn chiếc đèn lồng sặc sỡ, bạn bước chân ra hít thở khí trời trong lành. Và bên kia đường, bạn nhìn thấy một gánh tào phớ nóng hổi và thơm lừng. Thế là, món ăn này đến với bạn, vừa ngon, vừa vui, vừa gợi nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ với những gánh hàng rong: “Ai tào phớ, tào phớ đê”….

Tào phớ ấm lòng.
Chè bắp phố Hội
Buổi tối, Hội An lung linh với những quán cà phê ngập tràn sắc màu của đèn lồng. Bạn cũng có thể chọn một quán cà phê bên dòng sông Hoài, nằm giữa trung tâm phố để vừa ngắm cảnh vừa thưởng thức món ngon. Đồ uống của Hội An cũng không có gì đặc biệt, tuy nhiên, trong lĩnh vực chè thì Hội An rất hãnh diện với chè bắp, chè sen.
Chè sen đặt trong một chiếc ly nhỏ, những hạt sen tươi, trắng muốt, thơm và mát, tương tự như bất kỳ một ly chè sen ở nơi khác, nhưng giá thì rẻ hơn rất nhiều, chỉ 5.000-6.000 đồng/ly.

Chè sen

Chè bắp và bánh tráng đập.
Với chè bắp thì đó là sự khác biệt. Bắp ở đây không hề để nguyên cả hạt như những hạt bắp chúng ta vẫn thường ăn chè ở Hà Nội, TP.HCM hay nhiều nơi khác. Hạt bắp được bào thành những lát rất mỏng, nấu nhừ ở mức độ vừa phải để khi cho ra bát thì đa số vẫn giữ nguyên lát li ti đó.
Vị chè bắp của Hội An cũng thơm, cũng dẻo, nhưng ăn không cần phải cho thêm đá mà vẫn rất mát dịu. Mỗi bát chè bắp nhỏ xinh đó, giá chỉ khoảng 4.000-5.000 đồng.
Bánh tráng đập
Nếu chưa từng một lần ăn bánh tráng đập, đặc sản của người Quảng Nam – Quảng Ngãi, chỉ với 5.000-10.000 đồng, bạn sẽ có ngay món ăn này tại bất kỳ con phố nào ở Hội An. Nghe tên gọi bánh đập thì nhiều người tưởng phải “tung chưởng” ghê lắm, nhưng bánh đập đơn giản là bánh tráng kẹp bánh ướt, đập nhẹ rồi chấm với nước mắm ngọt, cay.
Bánh tráng đập cho vào miệng, có sự giòn tan của bánh tráng, mềm và mát của bánh ướt, chút đậm đà, cay cay sau khi chấm. Ngon một cách dịu nhẹ như đang ở một buổi chiều hoặc đêm mùa hè mát mẻ. Chỉ đơn giản là thế thôi, nhưng cũng đủ để bạn cảm thấy thư thái hơn trong một buổi dạo quanh phố cổ, với những món ăn nhẹ nhàng mà khó quên.
Theo Bưu Điện Việt Nam


Bánh đậu xanh
March 25th, 2009 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Bánh in bột đậu xanh ở Hội An có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ thứ XVIII, bánh đậu xanh đã là một món quà có giá trị được cư dân địa phương dùng để dâng tặng các quan lại.
Trong những lần vua Minh Mạng tuần du vào Quảng Nam, cư dân ở đây đã dâng tiến loại bánh đậu xanh thượng hạng ở phố Hội An để ngài ngự dụng. Đại Nam nhất thống chí, quyển II, tập VII, trang 397 nghi: “Bánh đậu xanh sản ở Hội An là ngon nhất”.
Tiếng thơm này không phải ngẫu nhiên mà có. Cũng là đậu xanh, nếp, đường, nhưng chiếc bánh ở Hội An. Có hương vị và cách trình bày riêng, không giống ở các nơi khác. Những chiếc bánh đậu xanh ở đây có dáng tròn hoặc vuông, lớn vừa phải để có thể vừa cầm vừa ăn. Cũng là bánh đậu xanh ướt nhưng không quá bở, mềm như bánh đậu Hải Dương. Nó có một độ dẻo vừa phải để khi ngậm vào miệng không tan ngay.

Bánh đậu xanh Hội An
Một số loại bột thơm cũng được sử dụng khéo léo để tăng hương vị của bột đậu. Lại có loại bánh đậu xanh khô. Người ta trộn bột đậu xanh, nếp, đường theo một tỉ lệ vừa phải, cho vào khuôn nhỏ bằng gỗ để làm nên những chiếc bánh đậu xanh xin xắn. Sau đó đem sấy bánh trên lò than để chúng săn cứng, giòn, thơm. Khi ăn, những chiếc bánh đậu xanh vỡ giòn tan giữa hai hàm răng và từ từ tan ra thơm ngát trong cổ họng. Đặc biệt là loại bánh đậu xanh khô có nhân thịt.
Đây chính là sản phẩm độc đáo của phố Hội và thật đáng tiếc cho ai đến Hội An mà bỏ qua dịp để nếm thử những chiếc bánh in này. Chúng vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm, vừa giòn. MỘt sự pha trộn kỳ lạ mà chỉ có những nghệ nhân tài hoa về ẩm thực mới có thể nghĩ ra và chế biến được.
Tuy có nhân thịt nhưng do xử lý kỹ nên nên bánh có thể giữ được lâu từ nửa tháng đến một tháng mà không sợ bị ôi thiu. Ngày nay, những phong bánh in đã được bày bán nhiều nơi ở trong phố Hội An và rất được du khách ưa chuộng. Chúng đã góp phần tôn vinh truyền thống ẩm thực vốn có của cư dân nơi đây:
“Dày công chế tạo mới nên hình
Bánh đậu thơm ngon, đường bột tinh
Quý khách phương xa nên nhớ đến
Mỹ Trân chính hiệu làng Minh”
Sưu tầm


Bánh susê – Bánh ít lá gai
February 24th, 2009 | Pho Co Hoi An | 3 Comments »
Bánh susê hay còn gọi là bánh phu thê. Tên gọi này gắn liền với câu chuyện kể về vợ chồng người lái buôn thuở xưa. Chuyện kể rằng, trước lúc người chồng lên đường đi buôn ở phương xa, người vợ làm bánh tặng chồng và thề rằng cho dù xa nhau nhưng lòng nàng vẫn luôn ngọt ngào, đậm đà như bánh.
Chồng cảm động đặt tên cho bánh là phu thê (tức bánh vợ chồng). Chẳng ngờ đến phương xa, người chồng bị say đắm bởi sắc đẹp của các cô gái lạ và không muốn quay về. Người vợ ở nhà biết tin liền làm bánh gởi cho chồng lèm theo lời nhắn:
“Từ ngày chàng bước xuống ghe
Sóng bao nhiêu đợt bánh phu thê rầu bấy nhiêu”
Nhận được bánh và lời nhắn của vợ, người chồng hối hận liền tức tốc quay về và không còn nghĩ đến chuyện thay lòng đổi dạ nữa. Từ đó bánh phu thê thường hay có mặt trong các tiệc cưới nhằm nhắn nhủ lời thuỷ chung đến các đôi vợ chồng trẻ.
Bánh susê có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Bánh cũng được bao bọc bởi một lớp lá chuối giống như bánh ít lá gai. Là một trong những loại đặc sản được bày bán nhiều nơi ở Hội An.
Cũng giống như nhiều miền quê trên mọi miền đất nước, bánh ít lá gai từ lâu đã đi vào trong đời sống ẩm thực của người dân đất Quảng, là lễ vật đầy ý nghĩa trong những ngày Tết cổ truyền, dịp cúng tổ tiên, ma chay, cưới hỏi …
Cách chế biến bánh không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự kỹ lưỡng ở từng công đoạn chọn nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, mật đường, lá cây gai, lá chuối. Bánh ít lá gai Quảng Nam có hình dáng mộc mạc, chân chất như những sản vật miền thôn dã nhưng vẫn hàm chứa cái hương vị rất riêng của vùng đất giàu lòng mến khách. Bánh ít lá gai được bày bán nhiều nhất ở Hội An, ngay trên những khu phố, chợ và trong các nhà hàng, quán ăn.

Bánh ít lá gai
Bài viết liên quan: http://hoian.vn/banh-it-la-gai-pho-hoi/

Bánh xèo Hội An
March 25th, 2009 | Pho Co Hoi An | 2 Comments »
Hội An là vùng có rất nhiều loại bánh, mỗi bánh phù hợp với từng mùa. Bánh Xèo vào mùa mưa được gọi là ” mùa thịnh”

Bánh xèo Hội An
Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, đòi hỏi phải có tôm, thịt chỉ là phần phụ, hơn nữa làm bánh xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, vì vậy mùa mưa là mùa thích hợp nhất cho việc làm loại bánh nầy. Gạo tốt cho vào ngâm rồi xay thành nước bột gạo. Nước bột gạo cũng được pha chế sao có độ lỏng vừa phải để tạo nên cái giòn, cái dẻo của bánh. Nếu đặc quá, bánh sẽ khô, sống. Nếu lỏng quá bánh sẽ mềm, nát, sít với chảo.
Khi chuẩn bị bột và các nguyên liệu phụ như giá, thịt, dầu phụng xong, người ta bắt tay vào đổ bánh xèo. Những chiếc chảo con thân trệt được bày lên bếp như những chiếc cồng chiên trông lạ mắt. Khi chảo nóng, người ta dùng một nhúm thân hành nhúng dầu phụng thấm đều quanh chảo và đặt vào lòng chảo một vài con tôm và thịt ba chỉ xắt nhỏ. Thịt và tôm đã được ướp mắm, muối, gia vị và chấy sơ qua cho vừa chín. Dầu chín toả mùi thơm thì dùng vá múc nước bột gạo đổ vào chảo. Bột gặp dầu nóng phát ra tiếng kêu “xèo, xèo” nghe rất vui tai. Có lẽ vì những âm thanh này mà người ta đặt tên bánh là bánh xèo chăng?
Sau khi đã cho bột vào chảo, người chủ cho lên trên một ít giá đậu xanh rồi đậy vung lại cho bánh chín. Lúc bánh chín giòn được gắp ra sắp lên đĩa để mời khách. Nhìn những đĩa bánh vàng giòn, thơm ngát, thực khách đã muốn thưởng thức ngay.
Nước chấm của bánh xèo cũng được chế biến khá kỷ lưỡng. Người ta dùng nước tương trộn với gan heo, mè, đậu phụng xay nhuyễn, sau đó dùng dầu tô chín và pha thêm ít bột gạo, gia vị để làm thành một loại nước chấm lạ miệng.
Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn.


Cua đá cù lao chàm
July 31st, 2009 | Pho Co Hoi An | 5 Comments »
Cù lao Chàm cách biển Cửa Đại 15km, cách Hội An 19km. Từ cửa Đại – Hội An, chỉ với 20 phút đi canô theo hướng đông bắc sẽ đến hòn Ông – hòn đảo lớn nhất của cù lao Chàm. Ngoài vẻ đẹp của biển đảo, núi rừng hòn Ông còn một đặc sản độc đáo khác là cua đá.

Cua đá ở cù lao Chàm
Thuyền cập bến cầu cảng bãi Làng, ngay trên bờ, những cư dân địa phương bày bán đủ loại đặc sản của miền biển đảo, gây chú ý nhất trong số ấy là những chiếc lồng sắt chắc chắn, đựng những con cua có màu sắc kỳ lạ – gọi là cua đá vì sống trên các hang đá trên núi – một món ngon dân dã của xứ đảo cù lao mà ai từng đến cũng mong được nếm thử. Vị thịt cua ngọt, thanh chứ không phảng phất vị tanh thường thấy của động vật miền biển. Do cua ăn các loại cỏ cây trên núi, nên thịt cua nồng một mùi cây rừng, thơm đến lạ.
Mỗi con cua đá trung bình chỉ lớn bằng nắm tay, và có màu sắc rất ấn tượng, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới ngả màu vàng ươm. Cua đá rất khoẻ, chạy nhanh, và thường chỉ lú đầu khỏi hang khi đêm xuống để đi ăn. Đó cũng là lúc những cư dân trên đảo đi săn cua đá. Một thợ săn cua cho biết, đi săn mà gặp 10 con, bắt được 4 – 5 con là nghề lắm rồi.
Cũng do cái “tội” nhanh chạy, dẻo dai, leo núi khoẻ, lại chuyên “ăn chay” nên thịt cua đá phải nói theo ngôn ngữ của người Hoa Chợ Lớn là “dzách lầu”, từ cái nước luộc cua đã đượm vị ngọt nhẹ, dịu thanh, thịt cua dai hơn hẳn cua biển, cua đồng, không chút mùi tanh. Nhưng cái độc chiêu nhất khi thưởng thức cua đá, đó là hương thơm kỳ lạ. Giở ngược cái mai cua, túm mấy chân xé một đường, con cua mới luộc còn hơi nóng, phả làn khói nhẹ từ phần thịt nằm dưới mai cua, xông lên mũi phảng phất đâu đó chút the the, cay cay mùi thảo dược, đem lại cho người ăn cảm giác cứ như đang hít hơi của nồi xông giải cảm.
Dân đảo ai cũng nói cua đá là một vị thuốc, hỏi kỹ thuốc trị bịnh gì thì… không ai rõ, nhưng chỉ biết ăn vào vừa ngon vừa lạ miệng, tinh thần thấy sảng khoái, cộng thêm cái hiu hiu của gió biển hoà cùng cảnh vật trời mây sóng nước, khiến cho cái thi vị trong từng miếng thịt cua xứ cù lao càng tăng lên bội phần. Chẳng thế mà cua đá từ lâu đã trở thành “ngôi sao” của ẩm thực ở cù lao Chàm, nên dù chỉ cách Hội An nửa giờ đi biển, con cua đá cũng không đủ nhiều để vào được bờ, cung cấp cho hằng hà sa số những lữ khách ngày ngày du ngoạn miền Hội An, Cửa Đại.
Nguyễn Đình – SGTT


Bún mắm Hội An
November 5th, 2010 | Pho Co Hoi An | 2 Comments »
Không phải món bún mắm miền Tây với đa sắc rau, cũng giống món bún mắm miền Nam với đầy đủ thịt heo quay, tôm, mực… chan trong nước dùng nấu mắm. Món bún mắm ở Hội An mang đậm dấu ấn miền Trung, nghĩa là sực nức mùi mắm nêm trộn với dưa leo rau ghém, đậu phộng rang và tai heo luộc…

Được chế biến bằng các loại cá biển như cá cơm thang, cá nục nhỏ, cá me…, mắm nên thường chứa trong chum, vại nhỏ. Đến ngày chín, mắm mang màu đỏ đỏ hây hây dưới nắng vàng, thơm nức mũi. Người ta để lắng lại, phía trên là nước mắm trong màu hổ phách, phía dưới lại đùng đục xương cá, xác cá còn sót lại. Những phần dưới đùng đục đó lại được lọc, gạn thêm một lần nữa, qua một lần đun sôi, lại ra được một thứ mắm sền sệt ngả màu xám nâu tỏa mùi thơm và ngon được gọi là mắm nêm.
Yếu tố quyết định chất lượng mắm nêm là bí quyết pha chế và nồng độ muối phù hợp để tạo ra loại mắm sền sệt có mùi thơm nức mũi mà lại hơi khăn khẳn rất độc đáo. Khi ăn với bún, mắm nêm thường được thêm vào nhiều gia vị như tỏi ớt băm nhuyễn để làm dịu vị mặn và dậy mùi thơm. Người ta cũng cho thêm chanh để mắm nêm có vị chua chua rất ngon.
Món ngon phố cổ
Nhắc tới thị trấn bên sông Thu Bồn, người ta hay nghĩ tới những món nổi tiếng như cao lầu hay mì Quảng. Những món ấy ngon đã hẳn, và bây giờ thêm phần sang nữa, vì khách du lịch ăn nhiều tự khắc trở thành những món phục vụ trong nhà hàng, những quán những hàng bán rong chẳng còn nữa. Không phải như bún mắm nêm, món ăn mà cứ đi qua một hai con phố bạn lại bắt gặp. Giản đơn lắm, cái bàn nhỏ với dăm ba cái ghế, tấm biển mộc từ năm nào không biết, cái tủ chứa đủ nguyên liệu chế biến món ăn dân dã ấy.
Nghe tên món ăn cũng chẳng có gì cầu kỳ, song ở phố Hội, bún mắm là món ăn đạt đến sự kết hợp tinh tế giữa nhiều hương vị: rau thơm Trà Quế nằm gọn ở đáy bát, phủ bún trắng ngần lên trên, thêm thìa hành tỏi chiên giòn, một thìa đậu phộng rang thơm phức, rồi thịt heo quay hoặc tai heo luộc xắt mỏng phủ lên trên, rồi mắm nêm được chan lên trên cùng.
Chưa hết, bát mắm đúng “chất” phố cổ còn đượm màu đỏ của tương ớt dẻo vốn là đặc sản của Hội An. Đủ thanh lẫn sắc, bún mắm đậm đà các vị cay nồng, hơi béo và bùi bùi, lại có mùi thơm rất đặc trưng. Với những người mới ăn lần đầu, không phải ai cũng hợp khẩu vị. Nhưng đã ăn được một lần thì sẽ “ghiền” ngay lập tức, và lần sau quay lại phải ăn cho bằng được.
Ngoài những nguyên liệu kể trên, một số quán hàng ở Hội An còn thêm vào bún mắm mít non trộn hay hến xào là đặc sản của nơi đây. Đó là những quán lâu đời, thêm nếm những hương vị quen với người phố Hội để bát bún mắm thêm hấp dẫn.
Giản dị nhớ lâu
Người ta rời Hội An nhớ hương bún mắm còn bởi một nguyên nhân khác. Ấy là vì nó phổ biến quá. Chẳng khó khăn gì để tìm thấy một quán hàng bán món ăn dân dã này. Sáng ra đi bộ chừng năm phút qua những góc đường Trần Phú hay Lê Lợi, hoặc ngang qua phố chợ là đã đếm được vài quán. Mà mang tiếng là bán ở đường phố song rất sạch sẽ và gọn gàng. Chủ bán và khách ăn đều nhẹ nhàng. Hình như do phong thổ của vùng đất, người ta ít to tiếng, nhịp sống cũng chầm chậm chứ chẳng vội như những vùng du lịch khác.
Bún mắm lại là món ăn đậm mùi, nên khách tới chỉ tự thưởng thức chứ ít trò chuyện. Mà cũng bởi bát bún mắm nêm mới bưng ra, mùi thơm nồng nàn quyến rũ đã kích thích ngay vị giác của thực khách. Mùi mắm nêm thoang thoảng, vị đậm đà, sợi bún mềm dai… Cũng có nhiều người thích món ăn này vì thao tác trộn đều các nguyên liệu trong bát trước khi ăn. Trộn đến đâu, hương mắm từ từ bay lên tạo cảm giác ngon miệng muốn ăn ngay đến đó. Đến khi ăn rồi thì những vị cay cay, the the, beo béo, đậm đà ở đầu lưỡi khiến bạn ăn một cách ngon lành, ăn đến đâu cảm giác thích thú lan tỏa đến đó.
Mắm nêm ở Hội An không quá mặn cũng không quá ngọt mà đậm đà, hơi cay the chứ không sắc như mắm nem ở Huế. Bởi vậy bún mắm ở đây hương vị cũng nhẹ hơn, người dân cũng vì thế mà rất ưa chuộng món này. Giá của bún mắm lại rẻ hơn các thức quà khác, vì dân dã và cũng vì kén khách ăn. Bởi thế, những ai đã trót mê thường ăn hai ba bát mỗi lần.
Ngẫm kỹ, món ăn ngon lành này vốn không khác biệt gì lắm so với bún mắm nói chung ở các vùng đất miền Trung khác như Huế hay Đà Nẵng. Có chăng, tại Hội An nó được thêm vào những nguyên liệu đặc trưng của thị trấn cổ xưa như dăm ba cọng húng quế của làng rau Trà Quế nổi tiếng hay tương ớt dẻo… Cái hồn của mảnh đất giàu văn hóa được ẩn trong những nét bình dị nhất dưới hình thức món ăn dân dã khiến du khách càng thêm lưu luyến.
Tại Hội An bún mắm được thêm vào những nguyên liệu đặc trưng của thị trấn cổ xưa như dăm ba cọng húng quế của làng rau Trà Quế nổi tiếng
(theo MonngonVietnam)

Độc đáo ốc vú nàng Cù Lao Chàm
December 10th, 2010 | Pho Co Hoi An | 3 Comments »
Mỗi khi có dịp từ đất liền ra đảo Cù Lao Chàm (thuộc TP Hội An, Quảng Nam) gặp ngày trăng tròn, thế nào tôi cũng được những người bạn đi biển đãi các món ăn chế biến từ ốc vú nàng. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc vú nàng mới xuất hiện nhiều.

ốc vú nàng luộc
Không phổ biến như ở Côn Đảo, Phú Quý…nhưng ốc vú nàng Cù Lao Chàm là đặc sản lạ tai, lạ mắt đối với nhiều du khách. Chỉ với tên gọi thôi, loài ốc độc đáo này đã khiến nhiều người muốn tò mò, tìm hiểu. Thật ra vú nàng là loài ốc hình chóp lệch, trên đỉnh có một cái núm nhỏ trông tựa như bầu vú của cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xám, mặt trong lấp lánh xà cừ.
Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc vú nàng thành nhiều món, trước tiên là món luộc. Nói là luộc nhưng chẳng cần tí nước nào, những con ốc vú nàng tự thân khá nhiều nước, tự nó đủ nước luộc lấy. Ốc bắt về ngâm nước cho sạch, xếp vào nồi, trong khi luộc, mở nắp nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra. Trong giây lát những con ốc vú nàng đã bắt đầu co dần, khi thịt đã chuyển sang màu vàng, mùi thơm lan tỏa là ốc chín. Món này ăn nóng cùng với muối tiêu, chanh, người sành ăn dùng tay húp luôn nước trong con ốc.

Ốc nướng
Món thứ đến là món nướng, món này ấn tượng không kém món luộc. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò than. Sắp ốc lên vỉ nướng, vài phút sau nước ốc nhỏ ra vỉ nướng xèo xèo, mùi thơm bốc lên nưng nức hai cánh mũi. Ốc vú nàng nướng phải vừa chín tới ăn mới ngon, để quá lửa thì thịt bám chắc hay săn quắt lại rất khó gỡ ra. Cứ một miếng ốc vú nàng, một ngụm rượu, trong chốc lát số vỏ ốc đã bỏ đầy một góc.
Món gỏi ốc vú nàng cũng đầy hương vị đậm đà khiến người thưởng thức khó mà quên được. Thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ, dưa chuột, rau răm, rau húng, đậu phụng rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm ăn với bánh tráng nướng, chấm với nước mắm gừng là tuyệt không gì bằng.
Không quá béo như thịt, không quá dai như sò, nghêu, không nhỏ như hàu và có hương vị đậm đà khó quên, ốc vú nàng được xem là loài ốc quý trong danh mục ốc xứ Quảng.
Báo Lao Động

Bánh bao – bánh vạc
February 24th, 2009 | Pho Co Hoi An | 1 Comment »

Bánh bao - bánh vạc
Do có hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh và có màu trắng trông như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An.
Bánh báo bánh vạc là hai loại có tên gọi khác nhau nhưng thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và cùng có chung một loại nước chấm rất đặc biệt: không quá mặn, không quá nhạt và có thơm hương, vị ngọt của thịt tôm..
Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao bánh vạc là gạo nhưng được thực hiện qua nhiều công đoạn rất công phu. Gạo xay xong phải “bòng” với nước nhiều lần (khoảng từ 15 đến 20 lần) để chọn cho được loại bột bánh ngon. Nhân bánh bao chủ yếu chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn với muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Nhân bánh vạc thì có thêm một số nguyên liệu như: nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo … đã được thái mỏng và xào chín. Cả hai loại nhân đều được bao bọc bởi một lớp bột bánh mỏng và hấp chín qua lửa.

Hiện nay, tại Hội An chỉ còn có một gia đình trên đường Nhị Trưng sản xuất loại bánh này để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách.
Về Hội An mà chưa ăn bánh bao, bánh vạc, xem như chưa hưởng hương vị đặc trưng của phố. Đây là món ăn khá sang trọng, nổi tiếng ngon và lạ với tên gọi thi vị: bánh hoa hồng trắng. Chuyện kể rằng, có một du khách ngoại đến Hội An, khi ăn loại bánh này liên tưởng đến những cánh hoa hồng, thế là đặt tên cho bánh là White Rose.
Chế biến tỉ mỉ từng… hoa bánh
Kể cũng lạ, bánh ra đời từ mấy trăm năm, được người Hội An xem như “vật gia bảo” lại lấy tên gọi của một người ngoại quốc. Cả chất liệu làm bánh cũng lấy từ bột gạo nổi tiếng của miền Tây Nam bộ. Có lẽ vì thế mà bánh bao, bánh vạc khiến cho người ăn cảm thấy vừa lạ, vừa quen. Quen vì hình như từng ăn đâu đó, nhưng rồi lạ vì chưa thử loại nào… ngon hơn.
Hiện chỉ có một hộ gia đình ở đường Nhị Trưng làm món bánh nho nhỏ, xinh xinh này. Yêu cầu đầu tiên là mọi thứ phải tinh sạch, người thợ phải thật nhẫn nại làm qua nhiều công đoạn nhỏ nhặt, chi li. Gạo xay thành bột, chắt lọc từ 15 đến 20 lần cho bột lắng xuống, nước thật trong rồi vê bột lại cho nhuyễn đều. Nhân bánh bao làm bằng loại tôm nước lợ nhỏ con, thịt chắc và tươi sống lột vỏ, giã thành chả, trộn gia vị và nhồi nhiều lần cho thấm đều. Nhân bánh vạc ngoài phần chả tôm còn có giá hột, nấm mèo, măng tre, lá hành xắt nhỏ và thịt heo thái hình hạt lựu xào chín.
Bắt bánh cũng phải khéo

Bánh bao bánh vạc - White Rose
Phải khéo léo nhón một ít bột và nắn từng miếng thật mỏng, tạo dáng bánh bao cách điệu như những cánh hoa hồng, còn bánh vạc thì giống hình quai vạc. Bánh chỉ chưng chừng 10 đến 15 phút là chín. Sau đó bày vào đĩa: bánh bao ở giữa, trên; bánh vạc ở xung quanh, bên dưới rồi trải một lớp hành phi vàng, một muỗng dầu phụng đã khử chín. Nước chấm làm không quá mặn, quá ngọt mà phải có vị ngọt của thịt tôm được pha chế từ nước luộc tôm cùng một ít lát ớt vàng xắt nhỏ.
Khi ăn, bánh bao, bánh vạc sẽ cho vị ngọt của nhân tôm, mùi thơm béo của gạo trắng nước trong cùng những lát hành phi béo ngậy và hương vị cay nồng của ớt.

No comments:

Post a Comment