Monday, December 26, 2011

Cà pháo trong văn hoá Việt Nam

Cà pháo là món ăn dân dã lâu đời của người Việt Nam nên đã trở nên thân thuộc và có dấu ấn rõ nét trong văn hoá. Màu tím đặc trưng của hoa loại cây này cũng được gọi là tím hoa cà.
• Thành ngữ:
"Một quả cà bằng ba thang thuốc."
"Tương cà là gia bản"


Màu tím hoa cà
• Ca dao:
"Anh đi, anh nhớ quê nhà.
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương"
"Bồng em đi dạo vườn cà
Cà non chấm mắm, cà già làm dưa"
"Khen anh làm rể Chương Đài
Một năm ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu thì dắt anh ra
Kẻo anh chết với vại cà nhà em."
• Thơ ca:
"Ta đi ta nhớ núi rừng
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
Bát cơm rau muống quả cà giòn tan
(Bài thơ Hắc Hải - Nguyễn Đình Thi)
"Quê hương quanh tôi những hoa cà hoa cải
Cũng có cô Tiên trong trái thị vàng"
(Quê hương - Phan Thành Minh)

Món ngon từ cà pháo
Thứ Ba, 25.10.2011 | 10:04 (GMT + 7)
Những quả cà pháo nhỏ xinh, trắng ngần, có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món ngon nên luôn được các bà nội trợ ưa chuộng lựa chọn mua về chế biến thành những món ngon, đậm đà hương vị quê nhà.
Cà pháo trộn mắm nêm là món ăn quen thuộc của người quê tôi. Chọn những trái cà pháo tươi non, da sáng, không bị sâu. Cắt bỏ cuống cà, rửa sạch, cắt lát mỏng rồi ngâm vào nước muối loãng để loại bỏ vị hăng của cà. Rửa sạch cà, phơi dưới nắng nhẹ cho cà ráo nước và hơi héo rồi cho vào lọ, thêm mắm nêm, ớt tươi xắt lát, tiêu bột, mì chính, gừng tươi giã nhỏ, trộn đều, đậy nắp kín để khoảng nửa giờ là cà thấm gia vị. Có thể bảo quản ăn dần trong ba ngày khá đậm đà, lạ miệng và rất “hao” cơm.
Dưa cà pháo là món mà các bà nội trợ quê tôi luôn dự trữ trong nhà để phòng những ngày mưa bão, không thể đi chợ được gia đình vẫn sẽ có thức ăn. Để làm dưa cà đòi hỏi người nội trợ phải có một vài bí quyết nhỏ. Chọn những quả cà tươi, da màu trắng sáng, căng bóng, không bị sâu. Đặt biệt, phải chọn những quả cà không quá già cũng không quá non. Nếu cà non thì khi muối xong, cà sẽ mềm, ít giòn. Nếu cà quá già thì vị sẽ rất hăng, không ngon.
Cắt bỏ cuống cà nhưng tránh phạm vào thịt cà, rửa sạch, để ráo rồi phơi héo để tạo vị giòn cho cà khi muối. Bổ cà làm đôi theo chiều dọc, cho cà vào lọ thủy tinh, thêm hỗn hợp gồm nước muối đun sôi để nguội (nước muối phải đủ mặn để cà không bị nhũn), vài tép tỏi, riềng giã nhỏ và vài muỗng đường để cà mau lên men.

Cà dầm tương. Ảnh: Thanh Nga.
Dùng một vật nặng đè lên trên cho cà ngập hẳn trong nước rồi đậy kín nắp lọ. Khoảng hai tuần sau là cà “chín”, giòn và có vị chua. Dưa cà rửa sạch nước váng, bổ đôi, cho vào lọ thủy tinh, thêm tương ớt, riềng, tỏi, đường, mì chính bảo quản ăn dần rất ngon và rất tiện lợi.
Cà dầm tương ớt có vị chua nhẹ, giòn của cà, cay của tương ớt, thơm của riềng, tỏi. Bữa cơm gia đình ngày mưa mà có đĩa cá đồng kho nghệ tươi với chén mắm cà dầm tương ớt thật ngon không gì bằng.
Dưa cà pháo kho cá đối cũng là món ngon thường có mặt trong bữa cơm gia đình của người quê tôi trong mùa mưa. Cá đối làm sạch, để ráo, ướp muối, mì chính, nước mắm ớt tươi xắt lát, hành, tỏi, dầu phộng khoảng mười lăm phút rồi thêm nước vào, kho trên lửa nhỏ. Dưa cà rửa sạch nước váng, cắt lát mỏng theo chiều dọc, vắt nhẹ tay cho dưa cà ráo nước. Khi kho cá được khoảng mười phút thì cho dưa cà vào, kho thêm năm phút nữa cho cà thấm gia vị và vị ngọt của cá. Cuối cùng, thêm một ít tiêu bột vào nồi cá kho và tắt bếp. Món này ăn với cơm nóng rất thơm, rất ngon và rất đậm đà, thích hợp trong những ngày lạnh.
Ngoài ra, dưa cà pháo còn được dùng để kho với thịt ba chỉ hay kho với tép đồng cũng ngon và lạ miệng không kém.
Dù đời sống kinh tế có khá giả thế nào đi chăng nữa thì những món ngon dân dã từ quả cà pháo vẫn mãi hiện diện trong những bữa cơm gia đình của người quê tôi và đã trở thành nỗi nhớ quê hương của bao người con xa quê mỗi khi mùa mưa đến.
Thanh Nga

No comments:

Post a Comment