Saturday, December 10, 2011

Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay

Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-06-03
Văn phòng Hỗ trợ Pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan có giám đốc sáng lập là linh mục Nguyễn Văn Hùng.

Photo courtesy of vieclamvietnam.gov.vn
Công nhân Nghệ An lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009.
Văn phòng này được thành lập nhằm giúp đỡ những lao động tha phương cầu thực gặp cảnh bức xúc đáng thương, hay những cô dâu Việt chẳng may bị ngược đãi trên quê chồng.
Từ năm 2006, để tránh tai tiếng, chính phủ Đài Loan cũng đã cấm các công ty môi giới nhận phụ nữ Việt qua đó để giúp việc nhà cho người bản xứ.
Những câu chuyện như thế từng được trình bày nhiều lần trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi nhằm mục đích thông tin cho những người ôm giấc mơ theo chồng về Đài Loan, sang Đài Loan lao động hay ở đợ để kiếm tiền gọi là để cải thiện cuộc sống cho gia đình ở quê nhà.
Khi công nhân bị như vậy thì công ty môi giới Việt Nam, các người phiên dịch của công ty môi giới Việt Nam và công ty môi giới Đài loan vẫn không giúp đỡ cho những người công nhân bị hại như thế.
LM Nguyễn Văn Hùng

Với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay, linh mục Nguyễn Văn Hùng nói về hiện trạng của công nhân, cô dâu và người giúp việc Việt Nam ở Đài Loan hiện nay.
Tình hình hiện nay
Thanh Trúc: Tình hình công nhân lao động Việt Nam sang Đài Loan có gì thay đổi, tốt hơn hay xấu đi, qua cái nhìn của người thường giúp đỡ và hỗ trợ pháp lý như linh mục Nguyễn Văn Hùng đã thực hiện với các công nhân Việt Nam mấy năm nay?
LM Nguyễn Văn Hùng: Về tình hình của công nhân Việt Nam đến Đài Loan trong thời gian qua, thì tôi thấy có sự thay đổi. Thứ nhất là vì nền kinh tế của Đài Loan không có triển vọng khá hơn cho nên số người qua Đài Loan có phần giảm đi, nhưng mà không giảm đáng kể.
Điểm thứ hai là kể từ tháng Sáu năm ngoái đến giờ, chúng tôi nhận thấy tiền môi giới Việt Nam có giảm xuống. Trước thì 7.500 đô la đến 9.000 đô la để qua đến đây. Bây giờ chỉ chừng 6.000 đến 7.000 đô la để qua đến đây.
Điều thứ ba là đối với công nhân đến từ Việt Nam thì tình trạng bị đưa qua Đài Loan đi làm mà không đúng với hợp đồng, bị chủ bóc lột và thái độ của các người phiên dịch Việt Nam cũng như các công ty môi giới Việt Nam đối với công nhân lao động Việt vẫn không có gì thay đổi cả.
Tối hôm nay trong chương trình phát thanh tin tức của chính phủ ở Đài Loan thì có ba chị công nhân Việt Nam được đưa đến một cái nhà chủ và ở trong nhà đó, chủ bắt đi làm việc một ngày mười ba, mười bốn tiếng mà không được nghỉ ngơi, sau đó về thì bị chủ nhốt trong phòng khoá cửa lại, không cho đi ra ngoài. Ba chị phải đi tiểu tiện tại nơi mình ở luôn. Đêm đi làm việc về thì chủ bắt phải làm công việc trong nhà giống nô lệ lúc trước.
Khi công nhân bị như vậy thì công ty môi giới Việt Nam, các người phiên dịch của công ty môi giới Việt Nam và công ty môi giới Đài loan vẫn không giúp đỡ cho những người công nhân bị hại như thế.

Cô dâu Việt và chú rể Đài tại trung tâm TPHCM tháng 4/2000. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Thanh Trúc: Thưa linh mục, mặc dù thái độ của các công ty môi giới và ngay cả giới chủ nhân nữa đều không mấy thay đổi, nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, thì chính sách của chính phủ Đài Loan đối với công nhân và người lao động Việt Nam có thay đổi. Linh mục có thể trình bày và phân tích những thay đổi này không?
LM Nguyễn Văn Hùng: Đối với chính phủ Đài Loan là một quốc gia tự do dân chủ thì họ làm việc với các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi, đồng thời là chúng tôi cũng tạo áp lực với các dân biểu nghị sĩ của các đảng phái để nêu lên những vấn đề gây nhiều thiệt hại cho các công nhân lao động nước ngoài, đặc biệt là công nhân lao động Việt Nam tại Đài Loan.
Qua những áp lực đó thì chính phủ Đài Loan có thay đổi. Thí dụ những tình trạng bị bóc lột sức lao động hay là bị buôn bán con người, dạo này bên Sở Di Dân đã áp dụng Luật Chống Buôn Người. Cũng nhờ Luật Chống Buôn Người đó nên chúng tôi cũng đã giúp đỡ được rất nhiều anh chị em bị làm việc bị đối xử như nô lệ trong các viện dưỡng lão.
Và qua việc sử dụng Luật Buôn Người như vậy thì chúng tôi nhận thấy có một số thay đổi liên quan đến những sự giúp đỡ của phía chính phủ Đài Loan. Đối với chính phủ địa phương, giải quyết những vụ án mà chúng tôi yêu cầu họ giải quyết mà không đến nơi đến chốn thì chúng tôi đưa lên Viện Kiểm Sát. Viện Kiểm Sát cũng đã rất tích cực điều tra trở lại.
Văn phòng của chúng tôi cũng được sự giúp đỡ đó, và Viện Kiểm sát đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh là một vài chính quyền địa phương ở Đài Loan trong thời gian qua đã không làm việc đúng với nhiệm vụ của họ. Viện Kiểm Sát đã bắt buộc họ phải điều tra trở lại. Đó là một số những thay đổi về thái độ cũng như công việc của chính phủ Đài Loan trong thời gian vừa qua.
Thanh Trúc: Về mặt lao động giúp việc nhà, còn gọi là ô sin, thưa linh mục, tại sao chính phủ Đài Loan lại ngưng nhận những phụ nữ giúp việc nhà người Việt Nam từ năm 2006 đến giờ?
LM Nguyễn Văn Hùng: Lý do mà chính phủ Đài Loan cấm không cho lao động Việt nam qua Đài Loan giúp việc nhà nữa là vì họ bị áp lực của các tổ chức phi chính phủ tại Đài Loan. Chúng tôi đã nêu ra những trường hợp của lao động Việt Nam đi qua Đài Loan làm việc nhà mà không được luật pháp Đài Loan bảo vệ. Thứ hai là họ đã bị công ty môi giới bên Việt Nam bóc lột trước khi rời Việt Nam bằng cách người nào có tiền thì phải trả một số rất là lớn cho môi giới ở Việt Nam.
Trường hợp người nào không có tiền thì họ bắt ký khống vào một bảng nợ và người công nhân không bao giờ nhìn thấy tiền và cũng không biết đã vay một số lớn như vậy. Cho nên khi đến Đài Loan làm việc thì họ không nhận được tiền lương mỗi tháng đúng như qui định của chính phủ Đài Loan mà họ bị trừ mỗi tháng như vậy là mười ngàn cho đến mười hai ngàn tiền Đài Loan.

Người đàn ông Đài Loan và phụ nữ VN bên ngoài văn phòng cấp Visa tại VN năm 1999. AFP PHOTO/FREDERIK BALFOUR
Bị trừ số tiền lớn như vậy nên họ đã không còn đủ tiền để trả số nợ ở Việt Nam. Vì vậy đại đa số người giúp việc nhà đã bỏ trốn ra ngoài. Với con số bị bóc lột nhiều như thế, trốn ra ngoài nhiều như vậy, chúng tôi yêu cầu chính phủ Đài Loan phải xem lại chính sách này. Cũng vì bị áp lực nên chính phủ Đài Loan đã cấm không cho các công ty thu nhận công nhân giúp việc nhà người Việt Nam từ năm 2006 đến bây giờ.
Thanh Trúc: Về vấn đề phụ nữ Việt nam kết hôn với người Đài Loan, thưa linh mục Nguyễn Văn Hùng, theo như ông nhận xét thì con số các cô dâu Việt Nam, đi qua Đài Loan để xum họp với người chồng bản xứ, có cao như những năm 2003, 2004, 2005, có nghĩa là năm bảy năm trước?
LM Nguyễn Văn Hùng: “Chúng tôi không có được những con số thống kê của chính phủ Đài Loan để có thể khẳng định là con số đó lên hay xuống. Nhưng mà với kinh nghiệm làm việc, qua sự liên lạc với các cô dâu đến văn phòng trong thời gian qua có giảm xuống. Có nghĩa là số cô dâu mới qua sau này mà chúng tôi hỏi thì họ nói chính phủ Đài Loan đã khắt khe rất nhiều so với trứơc kia trong việc phỏng vấn những cặp mà chồng là người Đài Loan và vợ là phụ nữ Việt Nam.
Bởi vì khắt khe cho nên số lượng cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan giảm đi. Đó là cái điều mà đúng hơn cả là do các tổ chức phi chính phủ cũng như áp lực quốc tế đối với Đài Loan trong một thời gian dài vì họ đã không làm đủ để bảo vệ các người con gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan.
Với những áp lực như vậy thì họ phải chứng tỏ thiện chí của họ bằng cách là khắt khe hơn trong tiến trình phỏng vấn, cũng như không cho phép các công ty môi giới quảng cáo hôn nhân ở nơi công cộng, hoặc là cấm luôn công ty môi giới làm mai mối hoặc cưới hỏi nữa.”
Những chương trình hỗ trợ
Thanh Trúc: Chúng tôi biết ông đã cố gắng thành lập một Hội Phụ Nữ Việt Nam tại thành phố Đào Viên. Xin ông trình bày về công việc của Hội Phụ Nữ Việt Nam, mục đích thành lập và tầm hoạt động của tổ chức này?
LM Nguyễn Văn Hùng: “Hội Phụ Nữ Việt Nam có đăng ký với chính phủ và có giấy phép hoạt động. Hội được thành lập cách đây ba năm, mục đích là tạo sự liên kết trong chị em cô dâu Việt Nam để qua đó hỗ trợ cho nhau, giúp đỡ nhau khi gặp khốn khó, đồng thời vận động với chính phủ Đài Loan để họ thay đổi một số chính sách liên quan đến cô dâu ngoại quốc, đặc biệt là cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Đài Loan.
Các anh chị em công nhân gặp khó khăn hoạn nạn đến văn phòng của chúng tôi thì chúng tôi giúp đỡ cho họ. Khi những người này trở về VN thì bị công an VN sách nhiễu, đe dọa. Tôi không hiểu lý do họ không làm được mà lại còn hành xử một cách không văn minh như vậy.
LM Nguyễn Văn Hùng

Ngoài ra chúng tôi cũng muốn là qua hội thì chúng tôi giúp đỡ chị em trong vấn đề bạo động gia đình, hoặc giúp đỡ con em của các cô dâu có cơ hội học tiếng Việt, hoặc là nâng đỡ những người khó khăn trong đời sống gia đình.
Hội phụ nữ đã tổ chức những cuộc gặp gỡ khi có dịp, thí dụ Trung Thu hoặc ngày Phụ Nữ Quốc Tế. Sắp tới đây họ tổ chức một buổi đi chơi cuối tuần cho cả gia đình của các chị em. Đã có bốn mươi đến năm mươi gia đình đăng ký để tham dự cuộc dã ngoại. Hội chính là nơi để chị em đến với nhau, chia sẻ nâng đỡ nương tựa nhau để sống. Hy vọng trong thời gian tới khi đủ mạnh thì tính tự lập của chị em sẽ cao hơn, rất tốt cho chị em phụ nữ Việt Nam tại Đào Viên cũng như các nơi khác trên đất nước này.”
Thanh Trúc: Trở lại chuyện gần đây nhất về lao động Việt Nam tại Đài Loan, thưa linh mục, chúng tôi biết hiện Văn phòng hỗ trợ pháp lý cho công nhân và cô dâu Việt Nam ở Đào Viên đang cưu mang khoảng mười mấy anh chị em từ công ty điện tử Tổng Giai cũng ở Đào Viên. Xin ông trình bày thêm về trường hợp này và cho biết văn phòng đang tìm cách nào để giúp đỡ họ?
LM Nguyễn Văn Hùng: “Những người công nhân này đã làm việc trong một công ty điện tử gần văn phòng của chúng tôi. Từ năm ngoái họ đã đến nhờ giúp đỡ. Theo thủ tục làm việc thì chúng tôi yêu cầu họ viết tường trình lại cái sự kiện họ bị ngược đãi và những yêu cầu của họ, sau đó uỷ quyền cho văn phòng. Văn phòng đã phát công văn gởi chính phủ và yêu cầu chính phủ mở phiên họp với những người công nhân này mà có sự tham dự của chúng tôi.

Một người nước ngoài trong trang phục truyền thống VN đem heo sữa quay đi hỏi vợ VN thời điểm 2002. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Chúng tôi đã làm việc với anh chị em công nhân để giúp cho họ thấy những điểm chính trong đòi hỏi của họ. Văn phòng đã được chính phủ tại Đào Viên sắp xếp mở ít nhất ba cuộc họp. Trong cuộc họp đó chúng tôi dựa vào luật pháp của Đài Loan để yêu cầu công ty có những thay đổi. Thí dụ thay đổi cách ứng xử giữa chủ quản với công nhân, vấn đề tiền làm thêm phải trả cho họ, không được cấm họ đi ra ngoài từ thứ Hai đến thứ Sáu, tiền lương phải trả cho họ.
Công ty cũng có hứa nhưng không làm, cứ nhiều lần như vậy và cuối cùng thì những người công nhân này bức xúc quá đã đến Cục Lao Động Đài Loan.
Trong cuộc họp vừa rồi thì chúng tôi đã yêu cầu công ty phải sửa đổi theo luật pháp để công nhân làm việc trong một nơi mà họ cảm thấy không bị đè nén, bị áp lực, và tiền bạc được trả cho họ sòng phẳng.
Ngay lúc đó thì ông chủ quản tức người cơ trưởng của bộ phận quản lý nhân sự đã la hét tại buổi họp và đã không cho những công nhân này trở lại công ty. Sau đó thì văn phòng thương lượng với chính phủ địa phương để cho những người công nhân đến văn phòng của chúng tôi và tạm thời cư trú ở đây trong thời gian chờ giải quyết vấn đề của họ. Những công nhân này yêu cầu được đổi chủ và trả lại những gì mà công ty thiếu của họ từ trước đến giờ. Chúng tôi mong chính phủ sẽ đứng ra giải quyết chuyện này đến nơi đến chốn.
Các anh chị em công nhân gặp khó khăn hoạn nạn đến văn phòng của chúng tôi thì chúng tôi giúp đỡ cho họ. Khi những người này trở về Việt Nam thì bị công an Việt Nam sách nhiễu, đe dọa. Những việc như vậy không giúp ích gì được cho người đang bị hại ở đây. Công việc này đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải làm từ trước đến giờ. Tôi không hiểu lý do họ không làm được mà lại còn hành xử một cách không văn minh như vậy.”
Những lời này kết thúc mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tối nay, câu chuyện về những công nhân, những người giúp việc, những cô dâu lấy chồng bên xứ lạ. Thanh Trúc xin cảm ơn linh mục Nguyễn Văn Hùng về những trình bày của ông.

No comments:

Post a Comment