Saturday, December 10, 2011

Nhà văn Trang Hạ và tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”

Nhà văn Trang Hạ và tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-10-25
Trang Hạ là một phóng viên trẻ, làm việc cho báo Tiền Phong và chị được biết đến nhiều khi dịch tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, một tác phẩm từ Trung Quốc của tác giả Tào Đình, còn được gọi là Bào Thê.

Nhà văn Trang Hạ. Ảnh Viet Dung.
Đây là một tác phẩm lưu hành trên mạng và trở nên nổi tiếng trong giới trẻ tại Việt Nam sau khi được Trang Hạ dịch và giới thiệu trên trang blog của chị. “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” được nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành với số bán tăng cao bất ngờ. Trang blog của chị mang tên Trang Hạ Blog, mỗi ngày hàng ngàn lượt ghé xem và chỉ trong vòng vài năm con số người vào trang blog này lên đến hơn 2 triệu rưỡi người, khiến tên tuổi của chị vang dội khắp nơi và trở thành một hiện tượng đầu tiên trong giới blogger tại Việt Nam.
Trên những trang nhật kí điện tử này, Trang Hạ đăng những bản dịch văn học, những sáng tác bằng tiếng Việt và Hoa ngữ, nói về nỗi truân chuyên của những cô gái Việt sang Đài Loan lấy chồng hay làm việc trong những nhà máy. Trang Hạ thông qua kinh nghiệm của người đang công tác tại Đài Loan, chị viết những hướng dẫn cụ thể cho sinh viên Việt Nam sang du học ở Đài Bắc... Bài viết của Trang Hạ hầu như không nói gì về những vấn đề chính trị, mà tập trung chủ yếu vào những ghi chép cập nhật những vấn đề xã hội sinh động đang xảy ra trong đời sống mà chị gặp.
Mặc dù không sinh hoạt chính trị nhưng vào ngày thứ bảy 22-12-2007 Trang Hạ bị công an Hà Nội tạm giữ hơn 10 tiếng đồng hồ để tra hỏi chị về việc tham gia biểu tình chống Trung Quốc vào sáng Chủ Nhật, 16 tháng 12 cùng đợt với blogger Điếu Cày. Sau đó vì không có bằng chứng chị được thả ra với lý do tạm giữ vì không mang theo giấy chứng minh khi ra đường.
Đoạt giải khuyến khích của giải thưởng văn học tuổi 20
Trang Hạ: Vào khoảng năm 1993 em có những bài viết đầu tiên trên trang “Áo trắng” của chú Đoàn Thạch Biền xuất bản tại nhà xuất bản trẻ TPHCM. Và những truyện ngắn đầu tiên đăng trên tờ Hoa Học Trò tại Hà Nội. Sau đó, tháng 5 năm 1993 em đã có bước chuyển đầu tiên trong vòng 5 năm và có lẽ đấy là bước đánh dấu đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của em. Đến năm 1995, khi đó em 20 tuổi, em đoạt giải khuyến khích của giải thưởng văn học tuổi 20. Cùng giải khuyến khích với em là Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Thị Minh Ngọc, Phan Triều Hải, em nhớ loáng thoáng là như vậy. Đó có lẽ là cột mốc thứ hai, còn sau đó có lẽ là tới khoảng 10 năm em dành thời gian nuôi con, đi làm, thất nghiệp, đi học. Tức là khi em quay trở lại với viết blog thì khi đấy em đã là một người đàn bà va chạm nhiều, cũng đã gần 30 tuổi và cái nhìn của mình với đời sống đã khác hẳn. Những gì được bày tỏ trong văn chương đã khác hẳn với khi em 20.
Mặc Lâm: Trang Hạ có thể cho biết người đọc Trang Hạ vào lúc này có thấy sự khác biệt nào giữa hai Trang Hạ bây giờ và khi nhận giải hay không?
Trang Hạ: Khi bạn đọc Trang Hạ bây giờ sẽ thấy khác hẳn với Trang Hạ đoạt giải văn học tuổi 20 lần đầu tiên năm 1995. Nhưng em rất mừng vì người đọc thích Trang Hạ bây giờ hơn là hơn là Trang Hạ mười năm trước.
Văn chương là phản ánh của đời sống
Mặc Lâm: Có phải sau khi Trang Hạ quyết định bắt tay vào việc dịch tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ “ thì chính tác phẩm này đã khiến quan niệm sống cũng như văn phong của Trang Hạ thay đổi một cách toàn diện như nhiều nhà phê bình nhận xét hay không?
Trang Hạ: Có lẽ nó là một yếu tố tiềm ẩn quyết định tất cả những công việc của em sau này kể cả quan điểm trong sáng tác lẫn góc nhìn trong đời sống. Với Trang Hạ của 10 năm trước thì em chẳng thể coi “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” là văn chương. Chắc chắn em không bao giờ có ý định bỏ tiền ra mua hoặc bỏ công sức ra để dịch một tác phẩm như thế, bởi với Trang Hạ 10 năm trước thì văn chương là một thánh đường. Ở đó cái nó hướng tới là chân thiện mỹ, là những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống, là những gì mà cuộc sống không đạt tới được, thế nhưng mà với Trang Hạ của hơn 10 năm sau thì em hiểu ra rằng, văn chương thực ra nó là một cái phản chiếu của đời sống, và nó không thể tách rời khỏi đời sống. Không có một trí tưởng tượng nào phong phú bằng những gì ta gặp ở trong đời. Không có một tác phẩm nào mà không bắt nguồn từ những gì có thật. Không có một nhân vật văn chương nào nó không đi ra từ trải nghiệm của chính tác giả. Và quan trọng hơn, em cho rằng văn chương nó hoàn toàn không phải là một thánh đường, nó là cách mà người ta bày tỏ cuộc sống, thái độ với chính trị, với tôn giáo, với dân tộc, trách nhiệm đối với đất nước, tình yêu đối với gia đình, bạn bè và người đọc. Quan trọng hơn nó phản ánh cái thẩm mỹ của tác giả.
Và quan trọng hơn, em cho rằng văn chương nó hoàn toàn không phải là một thánh đường, nó là cách mà người ta bày tỏ cuộc sống, thái độ với chính trị, với tôn giáo, với dân tộc, trách nhiệm đối với đất nước, tình yêu đối với gia đình, bạn bè và người đọc.
Nhà văn Trang Hạ
Mặc Lâm: Mặc dù nổi tiếng nhưng nhiều người được cho là bảo thủ vẫn xem tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”chỉ là một tác phẩm rẻ tiền. Là người dịch tác phẩm này Trang Hạ nghĩ thế nào về phản bác này?
Trang Hạ: Em cho rằng “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” là một tác phẩm rẻ tiền nhưng bây giờ em hiểu ra rằng, có lẽ em là người trong số những người rẻ tiền đó. Điều em muốn hướng tới chính là những điều được người ta gọi là văn chương hàng chợ, văn học thị trường hoặc những giá trị mà rất nhiều nhà văn khác đã bỏ qua. Em hiểu ra rằng là mục đích của em không phải là giải Nobel văn chương. Mục đích của em là đến gần với những người đọc bình dân, những người ở thôn quê không có điều kiện lên thành phố, những người ngồi bán hàng xén ở chợ, và tác phẩm này mang cho người ta một mơ ước khác, một cuộc sống khác, một tình cảm khác làm cho cuộc sống người ta đỡ tẻ nhạt hơn. Và em nghĩ rằng “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” cũng như tất cả những trang viết sau này hoặc những tác phẩm em lựa chọn dịch sau này, làm người ta được an ủi trong đời sống. Bởi em hiểu rằng đời sống chả bao giờ được như mình mong muốn cả, và văn chương sẽ chữa lành những vết thương đó không chỉ là trên thân thể, trong tâm hồn mà có lẽ trong cả niềm tin nữa. Nếu như anh nói chuyện với rất nhiều giới trẻ trí thức, thậm chí những người ít học, những cô dâu xa xứ, những người đi làm thuê hoặc những ông chủ nhỏ, thì điều mà họ hoang mang nhất bây giờ là niềm tin và em nghĩ rằng những văn chương giá rẻ thị trường này đã an ủi họ trong giai đoạn khủng hoảng đấy.
Mặc Lâm: Riêng về những lời lẽ nặng nề cho rằng Trang Hạ đang thương mại hóa văn học, có phải đây là cũng là những mục tiêu mà Trang Hạ đang muốn tiến tới hay không?
Trang Hạ: Có những người chửi bới Trang Hạ là đang thương mại hóa văn học và Trang Hạ là một con điếm chữ. Em rất thích từ “điếm chữ” đấy vì nó nói lên được bản chất của em. Mình không còn ảo tưởng về văn học cũng như đời sống nữa, mình đã thực tiễn hơn. Trong 10 năm qua, những gì mình đã trải qua hoặc tính đàn bà nó tiềm ẩn trong người mình làm cho mình hiểu rằng mình không tách rời được khỏi đời sống nữa, mình không thể biến văn chương thành cái tháp ngà để mình chạy trốn hiện thực. Nó là những lý do tiềm ẩn ở trong“Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”, còn những lý do nằm ngoài tác phẩm đó nữa bởi bản thân tác phẩm này là một tác phẩm hay, và em nghĩ, ngoài em ra thì cũng có nhiều người công nhận điều đó. Với Trang Hạ 10 năm trước thì chắc Trang Hạ đã từ chối “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ”.
Bởi em hiểu rằng đời sống chả bao giờ được như mình mong muốn cả, và văn chương sẽ chữa lành những vết thương đó không chỉ là trên thân thể, trong tâm hồn mà có lẽ trong cả niềm tin nữa.
Nhà văn Trang Hạ
Dự án giúp đỡ các cô dâu VN tại Đài Loan
Mặc Lâm: Những lúc gần đây Trang Hạ đã có nhiều hoạt động xã hội rất đáng chú ý đó là viết nhiều bài về các cô dâu Đài Loan cũng như thân phận phụ nữ Việt Nam khi làm công nhân xuất khẩu tại đấy. Trang Hạ đã có những kinh nghiệm gì về vấn đề này có thể chia sẻ với thính giả ngày hôm nay?
Trang Hạ: Đầu tiên em xin khẳng định rằng em chưa làm được gì nhiều cho cô dâu Đài Loan như em mong muốn, hoặc như em kỳ vọng ở bản thân, hoặc như năng lực của em có thể. Đó là điều luôn làm em trăn trở nhất. Thứ hai là khi vị trí của mình trong xã hội đã thay đổi, quan điểm của mình về đời sống cũng đã thay đổi thì chắc chắn những gì mình gặp, mình làm hay mình hướng tới nó không còn như ngày xưa nữa. Có lẽ những điều đó thôi thúc em sau này và nó trở thành những dự án, những chương trình văn hóa, văn nghệ giúp những cô dâu VN đỡ nhớ quê nhà, mời những ca sĩ từ VN sang, phát sách báo miễn phí tại Đài Loan, hỗ trợ họ lập đường dây nóng để hỗ trợ cho cô dâu VN khi họ cần từ những việc rất đơn giản. Ví dụ họ gọi điện đến khi họ cãi nhau với chồng, hoặc nhờ phiên dịch khi họ không giỏi tiếng Hoa… Em hiểu ra rằng mình có một năng lực khác, tức là tình yêu thương không bó hẹp lại trong những định nghĩa cụ thể về gia đình, về quê hương đất nước, mà nó rộng lớn hơn đến cả những người xa lạ, thậm chí với những người không bao giờ nói một câu cảm ơn với mình.
Mặc Lâm: Trong khi tiếp cận với những phụ nữ lấy chồng Đài Loan, điều gì gây ấn tượng mạnh nhất khiến cho Trang Hạ bỗng dưng thay đổi thái độ từ xa lánh đến chia sẻ và cuối cùng thì đồng cảm một cách sâu sắc như vậy?
Trang Hạ: Cái mốc quan trọng nhất để thay đổi nhận thức của em là khi mới đến Đài Loan, em rất coi thường những cô dâu Đài loan mà bỏ con xa chồng để về quê (về VN) một mình. Em cho rằng tình mẫu tử là thiêng liêng nhất, và với những người mẹ thì không có gì lớn hơn con cái mình. Em không thể hiểu nổi tại sao có những cô dâu bỏ con cái mình rồi trốn về VN mà ở lại luôn. Đến khi em để con ở lại VN để sang Đài Loan du học thì em mới hiểu rằng nỗi đau của người mẹ nào cũng thế thôi, nỗi đau ấy không khác gì nhau dù cho ở VN hay Đài Loan. Và chắc chắn khi họ để con ở lại thì họ có những đêm thầm lặng tự hỏi mình đã đúng hay sai, việc mình làm thì tốt hay xấu. Khi em đi du học, em tin rằng tương lai của con em sẽ tốt hơn, thì những cô dâu Đài Loan cũng vậy. Có lẽ khi họ bỏ con ở lại Đài Loan như thế, họ nghĩ rằng người chồng sẽ chăm sóc con họ tốt hơn vì người chồng có nhiều tiền hơn, con họ ở trong môi trường tốt hơn ở VN. Em hiểu thêm nhiều điều mà trước đây em chưa hề nghĩ tới. Nếu không đi ra khỏi gia đình của mình thì không bao giờ có một sự so sánh thân phận mình với những thân phận khác để hiểu rằng, trong cuộc sống không có đẳng cấp, cũng không có địa vị khác nhau. Sở dĩ người ta chia đẳng cấp khác nhau chỉ vì nhận thức khác nhau mà thôi.
Nếu không đi ra khỏi gia đình của mình thì không bao giờ có một sự so sánh thân phận mình với những thân phận khác để hiểu rằng, trong cuộc sống không có đẳng cấp, cũng không có địa vị khác nhau.
Nhà văn Trang Hạ
Mặc Lâm: Một câu hỏi cuối có liên quan đến trang blog của Trang Hạ. Trang Hạ có hài lòng đối với những kết quả mà công dân mạng đã mang đến cho trang blog cá nhân này hay không?
Trang Hạ: Blog là một nơi cá nhân của một người và đối với riêng em thì blog còn là nơi ghi chép hay là một kho lưu trữ dữ liệu của bản thân mình và em may mắn là những gì em ghi chép đã nhận được quan tâm của rất nhiều người…
Quý vị vừa theo dõi cuộc nói chuyện với nhà văn Trang Hạ về những suy nghĩ cũng như các sáng tác của chị bắt đầu từ tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” tuy là tác phẩm dịch nhưng đã thay đổi cả quan niệm sáng tác cũng như nhân sinh quan của chị. Sắp tới, Trang Hạ sẽ cho ra mắt tiểu thuyết mang tên “Chuyện kể dưới ngọn đèn đường”, một cuốn tiểu thuyết phi hư cấu, được viết từ những mảnh đời có thật mà chị gặp gỡ trên đường đời. Tiểu thuyết này sẽ được ra mắt một ngày gần đây tại Đài Loan.
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tác phẩm này và sẽ trình bày cùng quý vị trong những ngày sắp tới.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment