Saturday, December 24, 2011

Món Việt qua gu ẩm thực của Đại sứ Mỹ

Món Việt qua gu ẩm thực của Đại sứ Mỹ
Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 24/12/2011 06:00 GMT+7
Tôi thích món ăn Việt vì vừa cay, vừa nhiều gia vị. Tôi thích phở, bún chả và bánh xèo nhất. Nhưng, nói chung, món ăn Việt nào đối với tôi cũng ngon. Các món ăn vỉa hè bao giờ cũng là những món ngon nhất. - Đại sứ David Shear
"Nghị quyết Năm Mới" của Đại sứ Hoa Kỳ (Phần 1)

Trước bữa ăn trưa, ông đã uống thử nước vối. Ông thấy vị nó thế nào?
Đây là lần đầu tiên tôi uống nước vối. Về Hà Nội tôi sẽ ra chợ xem có bán không? Liệu tôi có mua được ở Hà Nội không?
Có chứ, nước vối đã trở nên khá phổ biến ở Hà Nội trong những năm gần đây. Thậm chí ông có thể uống nước vối trong một số quán cà phê. Uống miễn phí.
(Cười) Ồ, thế thì càng hay.
Ông có thích bữa trưa hôm nay không?
Toàn đồ biển. Tôi rất thích đồ biển, nên cũng thích đi những tỉnh duyên hải.
Ông thấy điều gì hay nhất trong văn hoá Việt Nam?
Tôi quan tâm nhiều đến văn hoá ẩm thực. Tôi thích ăn các món ăn Việt, tôi thích uống cà phê Việt. Thú nhất đối với tôi là, vào buổi chiều, ngồi ở một quán cà phê ven đường. Hai vợ chồng vừa uống cà phê, vừa nói chuyện.
Còn đối với món ăn Việt, thì bất kể vào nhà hàng sang trọng, hay ghé quán ăn bên đường, chúng tôi vẫn luôn được thưởng thức những món ăn Việt rất ngon.

Những phút thảnh thơi của Đại sứ David Shear và Tham tán Thông tin - Văn hoá Chris Hodges trước giờ làm việc với Chủ tịch Thái Bình.
Ông đã biết nấu món Việt chưa?
Mới bắt đầu học thôi.
Tôi biết một chuyên gia ẩm thực Việt Nam. Ông xuất bản một cuốn sách ảnh về các món ăn Việt khắp mọi miền tên là "Culinary Vietnam" (Bếp Việt).
Ồ, có thể tôi cũng có cuốn sách đó, nhưng tôi không nhớ tên tác giả. Tên ông ta là gì?
Tên của ông ta là Daniel Hoyer, tôi đã phỏng vấn ông cho báo Sài Gòn Tiếp Thị. Nếu ông muốn nói chuyện với ông ta về ẩm thực Việt Nam, tôi sẽ tìm số phone cho ông.
Có chứ. Xin cám ơn anh.
Cuốn sách của ông Hoyer đặc biệt ở chỗ nó không chỉ giới thiệu cách nấu các món ăn của các vùng miền của Việt Nam, mà ông còn giới thiệu về những vùng miền đó nữa. Cho nên, nó giống như một cuốn Atlas về văn hoá, lịch sử và ẩm thực, hơn là một cuốn sách dạy nấu ăn thuần tuý.
Tuyệt vời. Tôi nhất định phải gặp ông ấy. Tôi thích món ăn Việt vì vừa cay, vừa nhiều gia vị. Tôi thích phở, bún chả và bánh xèo nhất. Nhưng, nói chung, món ăn Việt nào đối với tôi cũng ngon.
Ông hay ăn ở nhà hàng, hay tại các quán vỉa hè, hơn?
Cả hai. Các món ăn vỉa hè bao giờ cũng là những món ngon nhất.
Thế khi ông bà ngồi ăn ở vỉa hè, có ai nhận ra đây là ông bà đại sứ không?
Đôi khi. Cũng do tôi làm cái video trước khi sang Hà Nội. Mọi người xem và nhận ra tôi.
Hà Nội với tôi rất duyên dáng. Tôi thích kiến trúc Hà Nội, nhất là những toà nhà mang tính lịch sử, thích con người Hà Nội.
Hai vợ chồng tôi thường đi dạo trong thành phố, sau đó đi ăn. Chúng tôi thường đi ô tô đến hồ Hoàn Kiếm, rồi xuống đi bộ quanh hồ. Hoặc đi khám phá phố cổ.
Tôi dự định sẽ ăn Tết (Nguyên Đán) ở Hà Nội. Lúc đó, tôi sẽ cưỡi chiếc xe đạp lượn quanh các con phố vắng tanh, để khám phá thêm về thành phố này.
Xe đạp của ông là xe của Mỹ, hay của Trung Quốc?
Mỹ chứ.
Ông luôn mang theo khi ra nước ngoài?
Đúng vậy.
Nó bao nhiêu tuổi rồi?
12 tuổi.
Nó cùng ông đi bao nhiêu nơi?
Washington, Tokyo, Kuala-Lumpur và Hà Nội.
Thế còn hồi ở Bắc Kinh?
Hồi ở Bắc Kinh, tôi có một chiếc xe Trung Quốc hiệu "Flying Pegeon". Nặng lắm.
Ông đi một mình hay chở vợ ông sau lưng?
Không. Vợ tôi cũng có một chiếc.
Sở thích của ông là gì?
Nghe nhạc. Nhạc gì cũng được.
Tôi thích đọc sách, nhất là đọc sách, khi ngồi trong quán cà phê.
Tôi cũng thích chơi tennis, và đạp xe.
Và thích nhất là ăn, và nấu ăn.
Ông có biết nấu những món Nhật, hay món Tàu không?
Món ăn Á do vợ tôi nấu. Tôi nấu các món ăn Mỹ.
Trong Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) hồi tháng trước, tôi đã làm món gà tây bỏ lò.
Còn trong các bữa ăn Giáng Sinh, tôi luôn làm món bít tết.
Anh có biết nấu ăn không?
Hồi sinh viên tôi nấu ăn cũng khá. Ít nhất bạn bè tôi nói như vậy. Nhưng khi lập gia đình, vợ tôi đã huỷ hoại cái khả năng đó của tôi.
À, tôi hiểu. Có vợ khiến anh trở nên lười biếng hơn.
Quan trọng hơn là vợ tôi nấu ăn rất giỏi.
Anh chỉ có một cậu con trai mà anh đã kể?
Không. Một con trai và một con gái.
Đẹp đấy.
Đúng hơn là bình đẳng, bình đẳng giới.
(Cười) À, đúng vậy.
Vợ tôi làm ở Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam mà. Cách Khách sạn ông đang ở (49 Hàng Chuối) có mấy nhà thôi. Chiều nào tôi cũng đi ngang qua chỗ ông, khi đến đón vợ tôi.
Chỗ đó tôi đang ở tạm vì toà biệt thự dành cho Đại sứ Mỹ đang phải sửa chữa.
Toà biệt thự ở Tông Đản? Ông biết không, ngày xưa tôi từng làm việc ở đó đấy. Chỗ đó trước là Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao.
Thế thì khi toà nhà sửa xong, nhất định tôi sẽ mời anh tới chơi.
Đọc trong bản giới thiệu về ông, thấy ông có tập môn võ Kendo của Nhật Bản. Tại sao ông lại thích Kendo?
Bởi nó có ích không chỉ cho cơ thể bạn, mà còn tốt cho tinh thần nữa. Tính kỷ luật và khả năng tập trung cao là những đòi hỏi để có thể giỏi về Kendo. Tập Kendo là cách tốt nhất để có được khả năng tự kiểm soát bản thân và khả năng tập trung cao.
Tôi tập Kendo với vợ tôi. Vợ tôi còn giỏi hơn tôi, nên khi tập tôi luôn phải cảnh giác bà ấy.
Tại sao ông không tìm câu lạc bộ ở Hà Nội để tiếp tục tập Kendo?
Tôi không biết là có câu lạc bộ nào hay không nữa.
Năm ngoái, khi tôi tới tư gia của Đại sứ Nhật Yasuaki Tanizaki, tôi đã được gặp chủ tịch một CLB Kendo ở đó. Bản thân ông Đại sứ cũng là người từng tập Kendo.
Thế à? Chắc ông ấy giỏi hơn tôi.
Ông có nghĩ ông sẽ học môn võ gì đó của Việt Nam không?
Tôi rất thích xem biểu diễn võ thuật truyền thống ở Việt Nam với nhiều người tham gia. Nhưng, bây giờ, có lẽ tôi đã hơi già để lại bắt đầu tập võ.

Đại sứ David Shear và vợ trong một quán ăn Việt ở Mỹ trước khi sang Hà Nội.
Không. Chúng tôi có những môn võ rất nhẹ nhàng, thoải mái (nhu quyền).
Tôi có thể giới thiệu với ông câu lạc bộ võ cổ truyền Nhất Nam.
Anh nhắc lại tên đi?
Nhất Nam. Ông chưởng môn (Võ sư Ngô Xuân Bính) là người đã phát triển môn võ này ở nước Nga. Chính ông là người dạy võ thuật cho đội cận vệ của ông Putin.
Nhất định tôi phải đi xem thế nào. Nhưng mà có lẽ tôi vẫn phải dành thời gian để cải thiện khả năng đánh golf.
À, golf là môn thể thao ưu thích của các nhà ngoại giao mà.
Tôi nghĩ ở Việt Nam rất nhiều người chơi golf, chứ đâu chỉ riêng dân ngoại giao.
Ông đã đánh ở những sân nào?
Tôi mới tới đánh thử ở hai sân.
Ông có nhớ câu nói của ông Vũ Khoan, người đã cùng bà Barshefski ký BTA, tại hội thảo hôm đó, không? Ông ấy nói rằng bây giờ hỏi ông ấy là sân golf nào chơi tốt hơn, thì ông ấy dễ trả lời hơn là Việt Nam nên tham gian sân chơi TPP như thế nào?
(Cười) Ông ấy nói cho vui thôi mà, tôi biết.
Hôm nay anh có thấy thú vị không? Một ngày trong đời một đại sứ Mỹ.
Đúng vậy. Có lẽ, ngày mai tôi sẽ post một phóng sự ảnh lên Vietnamnet, với tiêu đề "Một ngày đi tỉnh của Đại sứ David Shear".
Ý tưởng hay lắm.
Còn bài viết, thay vì theo kiểu "blog phóng viên" như đã trao đổi với Beau, có lẽ tôi nên để nguyên là cuộc trò chuyện thì tự nhiên hơn. Quả thực tôi thấy trò chuyện với ông rất thoải mái và thú vị.
Cũng hay. Này, tôi có nói gì sai, Chris?
Christopher W. Hodges (Tham tán Thông tin - Văn hoá, người ngồi ở ghế trước): Không hề, thưa Ngài.
Vậy thì tốt thôi.
Anh đã từng phỏng vấn những người tiền nhiệm của tôi?
Tôi chỉ phỏng vấn Đại sứ "Pete" Peterson và Đại sứ Michael Marine. Riêng Đại sứ Peterson ông Sếp người Nhật của tôi và tôi đã phỏng vấn ông tại toà nhà ở Láng Hạ, ngay sau khi BTA được ký kết.
Trong phòng làm việc của Đại sứ?
Vâng.
Đó vẫn là phòng làm việc của tôi. Toà nhà đó cũ kỹ quá rồi, và còn quá chật chội nữa.
Anh biết không, chúng tôi có khá đông nhân viên, nên phải chia ra làm ba chỗ làm mới đủ. Dở nhất là chúng tôi không thể tổ chức Giáng sinh cho nhân viên đại sứ quán và gia đình của họ cùng tại một địa điểm cho vui vẻ, ấm cúng.
Vì vậy, một ưu tiên quan trọng nữa trong nhiệm kỳ của tôi là cố gắng trước khi về Washington sẽ thoả thuận với chính quyền Hà Nội một địa điểm mới để xây dựng toà đại sứ mới. Tất nhiên, đổi lại, chính quyền Washington sẽ phải tìm một địa điểm mới cho Việt Nam xây toà đại sứ mới.
Hy vọng là mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Giá đất ở cả hai thủ đô đang rớt mạnh do khủng hoảng mà.
(Cười) Tôi cũng hy vọng như vậy.
Ông có dự định gì với kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới sắp tới?
Hai vợ chồng tôi có kế hoạch đi nghỉ ở Đà Lạt.
Tại sao lại là Đà Lạt mà không phải nơi khác trong kỳ nghỉ Giáng Sinh?
Bởi vì đó là địa danh mà bất cứ ai cũng muốn đến và phải đến, cùng với Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Đồng bằng Sông Cửu Long, hay Sơn La. Vậy tại sao không đến Đà Lạt vào kỳ nghĩ lễ Giáng sinh cơ chứ?
Xin cám ơn ông, và chúc một kỳ Giáng sinh vui vẻ.
"Nghị quyết Năm Mới" của Đại sứ Hoa Kỳ
Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 23/12/2011 06:00 GMT+7
Chúng tôi muốn thế giới biết rằng hai nước có quan hệ song phương rất tốt, có những lợi ích chung, và cả hai phía đều có thể hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ này, không chỉ kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường, mà cả ngoại giao và quốc phòng. Quan hệ đối tác chiến lược là cách tốt nhất để điều hành và điều chỉnh mối quan hệ đang phát triển mà chúng ta đang có. Điều thú vị là những người Việt Nam tôi gặp rất quan tâm tới mối quan hệ này - Đại sứ Mỹ David Shear
Mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện khá đặc biệt giữa phóng viên Huỳnh Phan và Đại sứ Mỹ David Shear.
Thứ nhất, cuộc trò chuyện được thực hiện trên xe hơi riêng của Đại sứ David Shear, trong chuyến đi Thái Bình ngày 16.12 vừa rồi của ông.
Thứ hai, đây không hẳn là cuộc phỏng vấn, mà là cuộc trò chuyện thoải mái giữa hai người lần đầu làm quen với nhau trong một chuyến đi. Mặc dù, tất nhiên, để có cuộc gặp đó hoàn toàn không phải do sự tình cờ.
Có điều, phóng viên cũng không cần phải mặt mày căng thẳng, với những câu hỏi "hóc búa" chuẩn bị sẵn, mà tiện đâu hỏi đấy, thích gì hỏi nấy. Còn vị đại sứ cũng không cần "thủ thế", "giữ kẽ", với tư cách là một nhà ngoại giao.
Đại sứ David Shear tự giới thiệu: "Trong nhiệm kỳ làm Phó Đại sứ Mỹ ở Kuala- Lumpur (Malaysia), hai vợ chồng tôi đã đi du lịch Việt Nam vào năm 2007. Chúng tôi rất thích Hà Nội, và Việt Nam nói chung. Lúc đó, tôi không hề nghĩ rằng sẽ có ngày mình sẽ quay trở lại Hà Nội với tư cách Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tôi nghĩ tôi đã gặp may."

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear. Ảnh: Huỳnh Phan
Tôi tò mò không hiểu trải nghiệm về Việt Nam với tư cách một du khách có chút liên quan nào tới việc ông sang đây làm đại sứ không?
Rời Malaysia, tôi trở về Washington làm việc trong ba năm, làm mảng Trung Quốc. Những người ở cấp của tôi bắt đầu tìm chỗ để đi làm đại sứ. Việt Nam chuẩn bị có chỗ trống, và thực sự tôi cũng không hy vọng là mình sẽ được cử sang Việt Nam.
Thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, Sếp gọi tôi lên và hỏi tôi có đi Việt Nam không. Ký ức về khoảng thời gian ngắn ngủi đi du lịch Việt Nam đã khiến tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có lựa chọn nào tốt hơn. Con người thân thiện, đồ ăn ngon lành, và phong cảnh rất đẹp... Vậy, tại sao lại không đi Việt Nam?
Tôi biết ơn Sếp tôi, và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã ủng hộ sự đề cử của tôi. Bởi một khi Bộ Ngoại giao đề cử, Nhà Trắng và Thượng viện phải phê chuẩn. Vì vậy, tôi cũng phải chờ một thời gian, và chỉ sang đây vào tháng 8 năm nay.
Vợ tôi tìm được một thầy dạy làm đồ gốm ngay gần nhà, thế là suốt ngày bà ấy vui thú với việc nặn lọ gốm.
Anh học tiếng Anh ở đâu?
Tôi tự học. Ngoại ngữ tôi được học ở trường lớp là tiếng Nga.
Anh còn nói tiếng Nga tốt chứ.
Cũng lâu không nói, do ít cơ hội giao tiếp.
Anh đã đến Moscow chưa?
Có, tôi học ở đó gần 2 năm, vào cuối những năm '70. Ông đã đến Moscow chưa?
Chưa. Nghề nghiệp của tôi chủ yếu dính dáng đến Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc và Đông Nam Á. Tôi đến châu Âu chỉ trong những chuyến công tác ngắn.
Có một lần tôi đã đến Berlin để đàm phán với Bắc Triều Tiên. Một cảm giác rất buồn cười khi đàm phán với người Bắc Triều Tiên ở Berlin.
Trước hay sau khi bức tường Berlin sụp đổ?
Tất nhiên là sau. Vào cuối những năm '90.
Người Mỹ muốn nhìn thấy một điều gì đó tương tự như nước Đức ở bán đảo Triều Tiên?
Có thể là vào một ngày nào đó. Nhưng tôi không hy vọng là sớm đâu.
Vâng, tôi cũng nghĩ vậy. Bắc Triều Tiên rất khác so với Đông Đức.
Trước khi sang đây, ông biết gì về Việt Nam? Về thời chiến nhiều hơn, hay thời bình nhiều hơn?
Nhiều người già ở Mỹ nghĩ tới Việt Nam là nghĩ tới cuộc chiến nhiều hơn. Nhưng cách nhìn đó đang thay đổi, do sự thay đổi thế hệ.
Còn tôi thì tìm hiểu cả hai, quá khứ lẫn hiện tại của Việt Nam. Tôi hiểu Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng.
Trước khi sang đây, tôi còn kịp học hai tháng tiếng Việt nữa. Tôi định tháng Một tới sẽ lại tiếp tục học tiếng Việt. Đó là Nghị quyết Năm Mới (New Year Resolution) của tôi. (Cười)
Tôi hy vọng là trước khi hết nhiệm kỳ ở đây, tôi sẽ có thể nói chuyện dễ dàng hơn với người Việt Nam. Chứ không ngớ ngẩn như lần tôi phải điều trần để Thượng Viện phê chuẩn.
Chuyện đó thế nào?
Khi đi dọc hành lang để vào cuộc điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện về việc phê chuẩn tôi làm đại sứ, tôi gặp TNS Jim Webb, người sẽ chủ toạ buổi điều trần đó. Tôi biết ông rất giỏi tiếng Việt, nên quyết định nói một câu tiếng Việt, với hy vọng lấy được thiện cảm của ông. Lúc đó, tôi mới học tiếng Việt được một tuần.
Khi bắt tay ông tôi trịnh trọng nói: "Rất hân hạnh được gặp chị."
Ông nhướn mắt nhìn tôi, rồi nói" Rất hân hạnh được gặp anh chứ."
Ông có cảm thấy thoải mái trong thời gian vừa qua ở Hà Nội không?
Rất thú vị. Tôi có một thời gian biểu rất bận rộn.
Không biết anh đã xem đoạn video khoảng hai phút tôi làm và đưa lên youtube nhiều tuần trước khi tôi sang đây. Trong đó tôi nói rằng một trong những nhiệm vụ của tôi là đại diện cho nước Mỹ trước chính phủ Việt Nam, và một nhiệm vụ khác là đại diện cho nước Mỹ trước nhân dân Việt Nam.
Để thực hiện được điều đó, tôi phải ra khỏi Hà Nội, tới thăm những tỉnh thành khác.

Trong lúc chờ cơm trưa ở nhà hàng “Cây Trầu”, người lái xe đã mời Đại sứ Shear thử uống nước vối. Trên đường về, ông hỏi liệu có thể tìm được “nước vối” ở Hà Nội không.
Ông đã kịp đi những tỉnh thành nào rồi?
Tôi đến Đà Nẵng hai lần, TP Hồ Chí Minh ba lần, Hội An, Bạc Liêu, Sơn La và Ninh Bình. Tôi cố gắng làm sao đến trước khi về, có thể đi đủ hết các tỉnh thành của Việt Nam, để gặp gỡ người dân những nơi đó và có một hiểu biết đầy đủ về đất nước các bạn.
Vậy chuyến đi này cũng để thực hiện điều đó?
Đúng. Nhưng tôi thực hiện với sự thích thú.
Hai nhiệm vụ với chính phủ và nhân dân khác nhau thế nào?
Tôi nghĩ nếu tôi kết hợp tốt giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân, công việc của tôi ở đây sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Thế những người ông gặp ở địa phương có thái độ thế nào với ông?
Họ rất thân thiện và mến khách. Tôi luôn cảm thấy dễ chịu khi gặp họ.
Ông có cảm giác tương tự khi gặp các quan chức chính phủ không?
Có chứ. Trong ba năm trở lại đây, quan hệ hai nước đã được cải thiện nhiều. Hai bên đều cảm thấy dễ lĩnh hội quan điểm của nhau hơn, và dễ hợp tác hơn, so với trước đó.
Chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta có nhiều lợi ích chung. Và nhiệm vụ của một đại sứ như tôi là giúp làm sao cả hai bên có thể theo đuổi những lợi ích chung đó.
Tôi đã gặp một số quan chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam, và các cuộc trao đổi đều diễn ra khá thân thiện. Thứ trưởng Ngoại giao của chúng tôi William Burns đã thăm Việt Nam cách đây vài ngày, gặp gỡ với Thủ tướng, Ngoại trưởng và một loạt các quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam. Tôi đánh giá các cuộc gặp đó đều thú vị và hiệu quả.
Tôi nghĩ chúng ta có một tiềm năng rất lớn để phát triển quan hệ song phương. Cả ở cấp độ chính phủ và giữa nhân dân hai nước.
Anh nên nhớ rằng hiện có khoảng 15 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tập ở khắp nơi trên đất nước Mỹ. Họ là những vị đại sứ tuyệt vời của Việt Nam trên đất Mỹ. Còn khi trở về nước, họ sẽ có những đóng góp quan trọng giúp Việt Nam trở nên giàu mạnh hơn.
Tôi nhắc tới điều đó để nhấn mạnh rằng đối ngoại nhân dân quan trọng như thế nào.
Quả thực là số sinh viên Việt Nam ở Mỹ bây giờ nhiều hơn so với số sinh viên Việt Nam cử sang Liên Xô học ở thời của tôi. Đó là một chỉ dấu rất quan trọng.
Và cũng dễ hiểu thôi, nền giáo dục đại học của Mỹ hấp dẫn không chỉ với giới trẻ Việt Nam, mà hầu như giới trẻ trên toàn thế giới. Con trai tôi chẳng hạn, vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương được nửa năm và hiện đang làm Công ty Kiểm toán Delotte, cũng đang chuẩn bị để tìm học bổng sang Mỹ học cao học.
Ở sứ quán chúng tôi có một chuyên gia tư vấn về giáo dục. Hãy bảo cậu ấy đến đó để nhận được những chỉ dẫn và lời khuyên hữu ích cho việc tìm kiếm học bổng ở các trường đại học của Mỹ.
Xin cám ơn ông.
(Xe quay đầu trên đường Giải phóng)
Ồ, tôi biết chỗ ngoặt này để chuyển sang đường cao tốc. Tuần trước, tôi đi Ninh Bình, cũng hướng này.
Tôi đã đến Nhà thờ Phát Diệm. Và sau đó, vào bữa trưa chúng tôi ăn thịt dê, dê núi. Tuyệt vời. Sau đó, chúng tôi đi thuyền vào động Trang An.
Ông có uống rượu không?
Ồ, có. Cũng tuyệt.
Rượu tiết dê?
Ồ, không. Tôi chưa dám uống.
Ông có biết rằng tác giả của cuốn "Một người Mỹ trầm lặng" cũng đã từng nằm trên tháp chuông của của Nhà thờ Phát Diệm không?
Graham Green? Hay nhỉ?
Năm 1993, tôi đã dẫn một nhà văn Mỹ, người đang viết sách tiểu sử về Graham Green (tập 2) đến Nhà thờ Phát Diệm. Ông đòi lên Tháp chuông xem và chụp ảnh vì Graham Green đã từng nằm ở đó.
Đó là thông tin bây giờ tôi mới biết.
Ông thích cuộc sống ở đô thị, hay nông thôn, hơn?
Tôi mong rằng, sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ có hai ngôi nhà, một ở thành phố, một ở thôn quê. Tôi sẽ để ý tiết kiệm tiền hơn để thực hiện được ý định đó.
Anh đã tới Thái Bình lần nào chưa?
Rồi. Lần trước, cách đây hơn 3 năm, tôi đã đi theo những người làm dự án về sự tham gia của người dân vào việc điều hành ở thôn xã.
Cách đây hơn 10 năm, ở Thái Bình đã xảy ra bất ổn lớn. Sau đó, cả chính quyền và một tổ chức NGO đã vào cuộc để xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở, tức là tổ chức do người dân lập ra tự giải quyết một phần các mối quan hệ trong đời sống cộng đồng.
Kết quả ra sao?
Rất tốt, ít nhất là tốt hơn nhiều so với trước đó. Chính quyền thôn xã cũng thừa nhận rằng công việc của họ cũng đỡ phức tạp đi nhiều.
Ông nói là ông có lên Sơn La. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về sự chênh lệch về trình độ phát triển ở đó với dưới này?
Quả thật là tôi có nhận thấy sự chênh lệch đó. Nhưng tôi cũng nhìn thấy cố gắng của Sơn La. Bằng chứng là tôi nhìn thấy rất nhiều xe máy trên đó, và việc canh tác trong những thung lũng ở Sơn La tỏ ra khá có hiệu quả.
Tôi rất muốn quay trở lại Tây Bắc để tìm hiểu thêm, và lưu lại lâu hơn, bởi tôi đã ở Sơn La chỉ có một ngày. Và tôi cũng muốn đến thăm Điện Biên Phủ.
Đúng vậy. Và lần tới, ông nên đi sâu hơn nữa vào vùng núi, nơi ông sẽ nhìn thấy ít xe máy hơn, và cuộc sống của người dân khó khăn hơn nhiều.
Con gái tôi hiện sống và làm việc ở New York. Cô bé sẽ sang Việt Nam chơi vào tháng Một, hay tháng Hai tới. Cô bé muốn đi du lịch Sa Pa. Có lẽ, chúng tôi sẽ đi tàu hoả lên đó, và chơi ở đó khoảng đôi ba ngày. Con gái tôi đã đi cùng chúng tôi trong chuyến du lịch Việt Nam năm 2007.
Kết hợp giữa ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân là triết lý ngoại giao riêng của ông?
Không. Các đại sứ quán của Mỹ trên khắp thế giới đều làm như vậy.
Và đại sứ quán Việt Nam tại Washington, cũng như các lãnh sự quán ở vài bang khác, cũng làm điều tương tự.
Tất nhiên, ở cương vị đại sứ, tôi xuất hiện nhiều hơn trước những người dân Việt Nam, ở những sự kiện khác nhau, như tôi sắp làm trong chuyến đi này.
Nhưng không chỉ có tôi. Mọi nhân viên đại sứ quán đều phải ra ngoài làm nhiệm vụ này ở các sự kiện khác nhau.
Họ có phải xin phép khi phát biểu ở đâu đó không?
Tôi nghĩ là chúng tôi phải được sự cho phép của chính quyền phía Việt Nam để đi thăm một nơi nào đó. Nhưng, theo tôi biết, chúng tôi không cần xin phép khi phát biểu.
Điều mà tôi thấy thú vị là người Việt Nam rất tò mò về mọi khía cạnh trong quan hệ giữa hai nước chúng ta. Và tôi cũng rất thích thú khi hỏi họ về những điều họ suy nghĩ, họ quan tâm. Cứ mỗi lần đi tỉnh trở về, là lại một lần kiến thức của tôi về Việt Nam, về công việc của mình, lại dày dặn thêm.
Người dân thường hỏi ông những gì? Hay loại câu hỏi nào mà ông thường phải trả lời nhất?
Chẳng hạn, khi tôi gặp gỡ những người trẻ tuổi, tôi thường hay phải trả lời về việc làm thế nào để một thanh niên Việt Nam có thể qua Mỹ học, làm cách nào để tìm trường phù hợp, xin được visa, hay kiếm học bổng... Và chúng tôi cố gắng đáp ứng nguyện vọng của họ thông qua website của sứ quán, thông qua Văn phòng Education USA ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Nhưng tôi nghĩ đó là mối quan tâm của giới trẻ ở đô thị, nơi có điều kiện tiếp cận giáo dục tốt hơn. Còn ở nông thôn, chắc giới trẻ quan tâm đến chuyện khác nhiều hơn, bởi chuyện đi học ở Mỹ với họ, theo tôi nghĩ, có vẻ hơi xa xỉ?
Ngay cả ở Bạc Liêu, tôi cũng gặp những thanh niên muốn sang Mỹ học. Tất nhiên, ở đó họ cũng quan tâm nhiều tới việc thu hút đầu tư từ Mỹ đến địa phương của họ.
Một mối quan tâm nữa của những người Việt tôi gặp là làm sao cải thiện hệ thống giáo dục của Việt Nam. Vì vậy, một trong những ưu tiên của tôi là tìm cách cải thiện hạ tầng giáo dục, và cả hạ tầng y tế, ở đây.
Tôi tò mò, không hiểu người dân thường ở Việt Nam mà ông gặp có quan tâm tới mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai chính phủ chúng ta đang hướng tới không?
Có chứ, họ cũng rất quan tâm. Tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng 10 năm ngoái tại Hà Nội, rằng hai nước mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, chính là một cách báo hiệu tốt nhất cho thế giới về quan hệ ngày càng được cải thiện giữa hai nước. Chúng tôi muốn thế giới biết rằng hai nước có quan hệ song phương rất tốt, có những lợi ích chung, và cả hai phía đều có thể hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ này, không chỉ kinh tế, giáo dục, y tế, môi trường, mà cả ngoại giao và quốc phòng.
Quan hệ đối tác chiến lược có một nội hàm rất rộng, rất toàn diện, và là cách tốt nhất để điều hành và điều chỉnh mối quan hệ đang phát triển mà chúng ta đang có.
Điều thú vị là những người Việt Nam tôi gặp rất quan tâm tới mối quan hệ này, và tôi luôn nhấn mạnh tới những lợi ích chung của Việt Nam và Mỹ.
Tôi muốn khẳng định lại là những người Việt Nam bình thường khi nói chuyện với ông hỏi ông về quan hệ đó, chứ không phải ông chủ động nói với họ. Bởi dường như vế đầu tiên thực sự có ý nghĩa hơn?
Đúng, họ luôn hỏi tôi về mối quan hệ đối tác chiến lược. Và, anh nói đúng, điều đó thực sự có ý nghĩa quan trọng.
Tôi có đọc thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ liên quan đến chuyến đi của Thứ trưởng William Burns sang Việt Nam. Trong đó có nói rằng hai bên đang xác định nội hàm của khái niệm đối tác chiến lược. Ông có nghĩ rằng cả phía Việt Nam cũng hiểu khái niệm như phía Mỹ hiểu không? Xin lỗi vì câu hỏi hơi ngớ ngẩn của tôi, nhưng trên thực tế Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với một loạt quốc gia, thậm chí cả Tây Ban Nha nữa.
(Cười lớn) Tôi nghĩ, riêng về mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ, cả hai bên đều hiểu rõ điều đó thực sự có ý nghĩa gì. Trong những tháng tới cả hai bên sẽ làm việc để xác định những lĩnh vực cụ thể. Nhưng tôi muốn khẳng định lại rằng đây là một mối quan hệ toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực. Đây là cách để hình thành một lối tư duy mới cả từ hai phía để làm sao đưa mối quan hệ lên một tầm cao mới.
Ông có cho rằng hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Việt?
Theo tôi hiểu, Việt Nam mong muốn hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Việc tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có thể giúp Việt Nam thực hiện mong muốn đó, và còn hơn nữa - hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông nghĩ thế nào về triển vọng ký TPP trong vòng một năm nữa?
Các nguyên thủ của các quốc gia đang đàm phán TPP đã gặp nhau hồi tháng 10 ở Honolulu trong cuộc gặp thượng đỉnh (lần thứ hai). Họ đã cam kết sẽ hoàn tất đàm phán TPP trong năm 2012. Đó là một quá trình phức tạp, với những cam kết mở cửa rất rộng, nên sẽ phải có nhiều việc phải làm. Các nhà đàm phán Việt Nam là những nhà đàm phán giỏi, cứng rắn, nhưng cũng có nét thú vị riêng, và quan trọng, là họ hiểu được tất cả những lợi ích của Việt Nam khi ký hiệp định này.
Tôi tin là cuối cùng mọi chuyện sẽ ổn thoả, bởi các nguyên thủ đã cam kết sẽ thúc đẩy mạnh trong năm tới.
(Còn tiếp...)

Việt Nam và Trung Quốc qua cảm nhận của Đại sứ Mỹ
Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 25/12/2011 06:00 GMT+7
Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt, và chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi đoàn các quan chức cấp cao. Tất nhiên, tôi nói điều này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á, đang tiếp tục được củng cố và phát triển, cũng như sự hiện diện và can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á, ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn. Tất cả là nhằm đảm bảo cho một tương lai hoà bình ổn định và thịnh vượng của khu vực này. - Đại sứ Mỹ David Shear.
"Nghị quyết Năm Mới" của Đại sứ Hoa Kỳ (phần 1)

"Chúng ta sẽ hiểu nhau nếu thực sự muốn hiểu nhau"
Ông có gặp trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam không?
Có. Tôi có tới chỗ ông ta chỉ ít lâu sau khi tôi tới Hà Nội nhận nhiệm vụ. Nhưng người mà ông ta phải giữ mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ là Trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ.
Barbara Weisel? Tôi gặp bà lần đầu vào đầu năm 2006, khi bà tham gia đoàn của trưởng đoàn Barbara Dwoskin đàm phán với về việc Việt Nam gia nhập WTO. Sau họp báo, tôi hỏi bà được một câu.
Còn tôi gặp bà Weisel hồi tôi còn ở Kuala-Lumpur. Lúc đó, chúng tôi đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với Malaysia. Nhưng khi TPP hình thành, nó đã trùm lên FTA đó, nên chúng tôi dừng lại, và Malaysia tham gia TPP.
Và lần thứ hai là mùa hè năm ngoái khi bà cũng với Phó Đại diện Thương mại Demetrios Marantis vào Việt Nam, để thuyết phục lãnh đạo Việt Nam tham gia đàm phán TPP như một thành viên đầy đủ. Hôm đó, sau buổi họp báo, bà đã ghi vào sổ tay của tôi địa chỉ email của bà.
Còn ông Marantis hôm đó đã xác nhận với tôi rằng chính ông là người viết bài phát biểu cho TNS Max Baucus đọc tại Hội Châu Á, đã gây tiếng vang rất lớn trong quá trình vận động PNTR (qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn) cho Việt Nam. Bởi ông Marantins đã có thời gian hai năm ở Việt Nam, làm luật sư cho Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt của bà Ginny Foote.
Ồ, anh cũng tìm hiểu nhiều về đàm phán Việt - Mỹ nhỉ? Anh có dự Gala Dinner sau hội thảo 10 năm BTA không? Không à?
Marantis là người đã tham gia tích cực vào BTA Mỹ - Việt. Tại buổi Gala Dinner sau hội thảo 10 năm BTA, họ chiếu cái video clip, trong đó có phát biểu của ông Marantis.
Điểm thú vị nhất của Gala Dinner tối hôm đó là họ đã tạo cơ hội gặp gỡ cho hầu như tất cả những người đã tham gia vào quá trình BTA từ cả hai phía. Họ đã gặp lại nhau một cách hoàn toàn cởi mở và thân thiện. Hôm đó vui lắm.
Tôi nghĩ rằng lễ kỷ niệm BTA không chỉ có ý nghĩa là nhớ lại một kỷ niệm, dù là một kỷ niệm mang tính lịch sử. Tôi nghĩ rằng những người tổ chức sự kiện này, cũng như những người tham gia, đều mong muốn thúc đẩy Việt Nam trên con đường TPP.

Đại sứ David Shear phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 10 năm thực thi BTA, 9.12.2011

Đó là một quan điểm hay. Tôi cũng cho rằng các lễ kỷ niệm nói chung không chỉ là để nhớ lại quá khứ, mà còn hướng sự quan tâm của người ta đến tương lai.
BTA tất nhiên là một thoả thuận rất tốt. Nhưng hai bên chúng ta không nên dừng lại ở đó, mà cần tiếp tục xây dựng một mối quan hệ kinh tế vững chắc hơn, chiến lược hơn, và TPP là cách tốt nhất để thực hiện điều đó.
Có lẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước là ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ của mình? Ông còn có những mục tiêu ưu tiên nào khác không?
Đúng vậy. Ưu tiên về kinh tế bao gồm thúc đẩy quá trình đàm phán TPP, thúc đẩy xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam. Thương mại hai chiều của chúng ta dự kiến sẽ vượt quá ngưỡng 20 tỷ USD trong năm 2011 này.
Tôi cũng muốn thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Tôi đã đi thăm một số nhà máy của Mỹ tại Việt Nam, mỗi nhà máy có hàng trăm công nhân Việt Nam làm việc.
Ưu tiên thứ hai của tôi là thúc đẩy việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ưu tiên thứ ba của tôi là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa nhân dân hai nước, với trọng tâm là giáo dục, y tế và môi trường.
Tất nhiên một ưu tiên khác không thể bỏ qua là đối thoại nhân quyền, khi chúng ta vẫn còn những bất đồng trong lĩnh vực này. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi với các đối tác Việt Nam vẫn có thể tiếp tục thảo luận với nhau để giảm dần những bất đồng đó.
Theo ông, có sự khác biệt lớn giữa cách nghĩ của người Phương Đông và người Phương Tây không?
Họ khác nhau trước hết ở lối sống, rồi đến cách tư duy. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn hiểu nhau, chúng ta thực sự cố gắng để hiểu nhau, chúng ta sẽ hiểu nhau. Vì vậy, theo tôi nghĩ, bất chấp sự khác biệt có hiển hiện ra bên ngoài thế nào, từ trong sâu thẳm con người chúng ta vẫn có những cái chung để chúng ta có thể giao tiếp được với nhau, và cuối cùng cũng sẽ hiểu nhau.
Mỗi đại sứ khi nhận nhiệm vụ đều xác định những mục tiêu ưu tiên, và cách tiếp cận để đạt được những mục tiêu đói. Vậy cách tiếp cận của ông như thế nào?
Tôi nghĩ cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó là xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở mức cao nhất giữa tôi với những quan chức Việt Nam mà tôi hay phải làm việc. Bởi một nhà ngoại giao không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu chủ nhà không tin cậy anh, và ngược lại anh cũng không tin cậy nơi chủ nhà.
Và tôi nghĩ rằng đó là cách duy nhất.
Việc đi tỉnh thế này cũng là một cách xây dựng sự tin cậy lẫn nhau, bởi người ta sẽ cho rằng đối với một đại sứ Mỹ cả đất nước này đều quan trọng. Chứ không phải chỉ là Thủ Đô, hay những thành phố lớn, mới quan trọng.

Đại sứ David Shear bắt tay chào tạm biệt Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Bình
Tôi thực sự tò mò là không hiểu việc lựa chọn hai địa điểm viếng thăm hôm nay, trừ cuộc làm việc với Chủ tịch tỉnh Thái Bình, là tình cờ hay có chủ ý? Một nơi là trung tâm phòng chống HIV/AIDS - một mối quan tâm đương đại vì tương lai, và bảo tàng - một biểu tượng của quá khứ.
(Cười) Chúng tôi có dự án giúp phát hiện và phòng ngừa HIV/AIDS ở khắp Việt Nam, mà mỗi năm chúng tôi bỏ ra khoảng 6 triệu USD. Cho nên, khi đến Thái Bình dứt khoát phải tìm đến thăm cơ sở đang thực hiện dự án này. Có một điều quan trọng nữa là chứng tỏ cho mọi người ở đây thấy rằng chúng tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này như thế nào.
Còn câu chuyện bảo tàng thì liên quan đến Quỹ Đại sứ về Bảo tồn di sản văn hoá, một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới. Tôi tham gia nhiều dự án khác nhau ở Việt Nam, và tôi đang chờ đợi xem kết quả ra sao khi dự án kết thúc.
Khi chào tạm biệt ông, bà giám đốc Trung tâm Y tế Cộng đồng đã nói rằng cuộc viếng thăm của ông đã khích lệ họ rất nhiều trong việc chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng, và họ sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa. Ông nghĩ gì?
Tôi rất vui. Tôi luôn cố gắng động viên khích lệ những người làm những công việc phục vụ cộng đồng.
Việt Nam, Trung Quốc...qua cảm nhận của Đại sứ Hoa Kỳ
Ông đã đi một số tỉnh thành, tuy chưa nhiều. Ông có cảm thấy sự khác biệt nhiều không?
Càng đi tôi càng thấy sự đa dạng sắc tộc, đa dạng văn hoá và đa dạng vùng miền ở Việt Nam. Vì vậy tôi luôn có cảm giác thú vị trong mỗi chuyến đi. Chẳng hạn, tôi đã tới Sơn La ở miền núi phía Tây Bắc, tôi đã đến Bạc Liêu của Đồng bằng sông Mê Công, và hôm nay tôi đến Thái Bình của Đồng Bằng Sông Hồng, để thấy sự tương phản về lối sống, văn hoá...
Tôi nghĩ rằng chính sự đa dạng đó đã tạo nên gương mặt của Việt Nam đương đại.
Cảm giác của ông như thế nào, khi ở bảo tàng người ta coi ông như một minh tinh màn bạc, và chờ đợi để được chụp ảnh chung với ông?
(Cười) Người Việt Nam rất thân thiện, ấm áp và cực kỳ mến khách. Đó là lý do vì sao tôi đã nói với anh rằng tôi luôn luôn thích những chuyến đi tỉnh như thế này.
Và tôi coi tầm quan trọng của việc chúng tôi có mặt ở những nơi này và giao lưu với mọi người ở đây, chứ không chỉ gặp gỡ những gương mặt ở Hà Nội.
Cảm giác đó giống hệt với cảm giác của những người sống ở Hà Nội, như tôi, khi đi về các tỉnh.
Thế à?
Ấn tượng của ông sau khi tham quan bảo tàng (Thái Bình)?
Đó là một bộ sưu tập các di vật lịch sử phong phú. Và tôi rất vui được cộng tác với Bảo tàng Thái Bình để bảo tồn những di sản văn hoá đó. Đó là một dự án tốt, và tôi sẽ theo dõi xem kết quả thế nào.
Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá và những dự án phát triển?
Tất nhiên. Tôi đã mục kích được niềm tự hào của người Thái Bình đối với các di sản văn hoá của họ, với quá khứ lâu đời của họ, với truyền thống văn hoá của họ. Nhưng họ cũng hãnh diện vì những gì họ đang làm để phát triển tỉnh mình về kinh tế, và họ theo đuổi mục đích này một cách rất tâm huyết.
Quay lại câu chuyện nghề nghiệp của ông. Nhật Bản là nước ngoài đầu tiên ông công tác với tư cách một nhân viên ngoại giao?
Đúng. Sau đó tôi quay về Washington. Cuối những năm '80 tôi sang Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh. Về lại Washington, rồi tiếp tục sang Tokyo, và ngay sau đó đến Malaysia...
Ông chưa bao giờ đến làm nhân viên ngoại giao ở Seoul?
Không. Tôi chỉ phụ trách về mảng Triều Tiên ở Washington. Nên khi chúng ta nói về thảm hoạ đối với BTA ở Aukland trong lúc uống cà phê, và tôi nói lúc đó tôi ở Seoul là trong chuyến công tác, khi hai bên Nam Bắc Triều Tiên đàm phán với nhau.
Vậy ông nhận thấy cái nét đặc trưng gì ở từng nền văn hoá mà ông đã sống và làm việc với tư cách là một nhà ngoại giao? Từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia đến Việt Nam?
Khó đấy. Tuy các nước này đều thuộc châu Á, thậm chí Đông Á, nhưng có những đặc điểm rất khác nhau.
Chẳng hạn, Nhật Bản có truyền thống lâu đời là một cường quốc biển. Họ là một dân tộc cực kỳ siêng năng.
Hay, Trung Quốc suốt một thời gian dài là thuộc địa, và cũng có một thời gian dài làm cách mạng liên tục. Điều đó giải thích tại sao mấy thập kỷ gần đây họ lại quá quan tâm đến phát triển kinh tế như vậy.
Tất nhiên, người Trung Hoa có tham vọng rất lớn cho dân tộc của họ, cũng như ấp ủ một niềm kiêu hãnh dân tộc rất lớn.
Người Việt Nam cũng rất siêng năng, chịu khó, và rất đề cao giáo dục. Đó là người Mỹ đánh giá người Việt Nam qua hình ảnh những sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã nói rằng Việt Nam đã cử sang Mỹ rất nhiều đại sứ tốt.
Còn những người Mỹ sang đây đều không nghĩ rằng kinh tế Việt Nam đã phát triển như vậy. Nói chung, họ hài lòng.
Ông có nghĩ là niềm kiêu hãnh dân tộc của người Trung Hoa hiện nay có hơi quá không?
Tôi nghĩ họ tự hào là có cơ sở, bởi họ đã đi qua một chặng đường dài, kể từ khi cải cách và mở cửa vào cuối những năm '70. Tôi không nghi ngờ rằng kinh tế, và đặc biệt là xã hội, của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển.
Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ tốt. Chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi đoàn các quan chức cấp cao.
Tất nhiên, tôi nói điều này trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và phần còn lại của Đông Nam Á, đang tiếp tục được củng cố và phát triển, cũng như sự hiện diện và can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á, ngày càng rõ nét và sâu sắc hơn.
Tất cả là nhằm đảm bảo cho một tương lai hoà bình ổn định và thịnh vượng của khu vực này.
Hôm nay, ông nghĩ là nhà ngoại giao nhà nước hay nhà ngoại giao nhân dân?
Cả hai. Khi tôi gặp lãnh đạo Thái Bình, hay ký khoản tài trợ cho bảo tàng, tôi là nhà ngoại giao nhà nước. Còn lúc nói chuyện hay chụp ảnh với nhân viên bảo tàng, hay khi chúng ta ngồi ở quán cà phê, tôi là đại diện của "nhân dân" chứ, "nhân dân Mỹ".
Một lý do quan trọng khiến tôi quyết định theo nghề ngoại giao là tôi thích học ngoại ngữ, thích gặp gỡ và nói chuyện với nhiều người khác nhau, thuộc các nền văn hoá và ngôn ngữ khác nhau. Tôi muốn hiểu suy nghĩ của họ, và lý giải tại sao họ lại ứng xử thế này, hành động thế kia, mà không phải ngược lại.
Tôi nói với anh là tôi sẽ học lại tiếng Việt vào tháng tới là vì lý do như vậy đấy.
Ông sang Việt Nam mới có bốn tháng, mà tôi có cảm giác ông rất hiểu Việt Nam. Vậy trước khi sang Việt Nam, ông có nói chuyện với các chuyên gia về Việt Nam không?
Ồ, có chứ. Tôi đã có một cuộc gặp thú vị.
Vào cuối tháng 7 năm nay, sau khi tôi được phê chuẩn làm Đại sứ tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Quốc Cường đã mời tôi đến Đại sứ quán Việt Nam để nghe chuyên gia của ông nói chuyện và trao đổi cả buổi sáng về tình hình quan hệ Việt - Mỹ. Tôi rất biết ơn Đại sứ Cường vì buổi hôm đó, vì tôi nghe được rất nhiều thông tin bổ ích. Chúng tôi vẫn giao lưu định kỳ, và ông Cường giúp tôi rất nhiều.
Ông vẫn còn giữ liên lạc với ông giáo sư tiếng Việt của ông chứ?
Ai cơ?
TNS Jim Webb.
(Cười lớn) TNS Jim Webb đến thăm Việt Nam một ngày sau khi tôi tới Hà Nội nhận nhiệm vụ. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trên cương vị Đại sứ là tháp tùng ông suốt ba ngày trong những cuộc gặp quan trọng. Nhưng đó cũng là cách tốt nhất để tôi được giới thiệu với các đồng nghiệp Việt Nam, cũng như tôi hiểu thêm về TNS Jim Webb. Đó là ba ngày đáng nhớ trong đời tôi.
Các đồng nghiệp Việt Nam ở Washington mà ông đã gặp trước khi sang đây đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ Việt -Mỹ?
Thì tôi đã nói rồi mà.
Ý tôi là phía Việt Nam đánh giá thế nào? Họ có chia sẻ cách nhìn nhận của ông không?
Có chứ. Các nhà ngoại giao cả hai phía đồng ý rằng quan hệ giữa hai nước trong 2-3 năm trở lại đây đã có những bước phát triển khó tin, và hiện cả hai bên đều nhiệt tình với việc tiếp tục thúc đẩy nó. Nhiệm vụ của cả hai bên chúng tôi là biến lòng nhiệt tình đó thành những kết quả cụ thể.
(Còn tiếp...)


Niềm tin và thất vọng
Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 22/12/2011 05:00 GMT+7
Liên quan đến việc BTA không ký được tại Aukland vào tháng 9.1999), theo suy đoán của tôi, đã có cái gì đó xảy ra trong chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Madeleine Albright, trên đường sang dự APEC. Chắc bà ta đã nói gì đấy khiến lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại việc có nên ký BTA với Mỹ hay không. Bởi mọi thứ gần như đã hoàn thiện cho việc ký kết rồi - Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond.
>> Kỳ 1: Xoá bớt hiểu lầm - gây dựng lòng tin
Tức là đã có lúc nào ông nghĩ rằng ông và đối tác của mình sẽ không đi được tới đích?
Đúng vậy.
Bản fax ông nhận được đầu năm 1998 là từ ai, và nội dung thế nào?
Ngay vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới 1998, sau kỳ nghỉ Giáng sinh, tôi đã nhận được một bức fax, vì hồi đó chưa có Internet. Đó là bức thư của ông Lương, khoảng 5-6 trang gì đó. Trong thư ông Lương nêu rõ những bước mà phía Việt Nam sẽ tiến hành, một cách tổng quát nhất.
Đọc xong tôi hiểu rằng chúng tôi có thể tiếp tục đàm phán để ký hiệp định.
Đó chính là bước ngoặt của đàm phán?
Đúng vậy. Tôi đã thực sự ngỡ ngàng khi đọc bức thư đó. Mặc dù trước đó Ginny Foote và Dan Price, người tư vấn cho ông Lương, đã báo với tôi rằng tôi có thể hy vọng ở một cách tiếp cận hoàn toàn khác từ phía Việt Nam.
Bà Ginny Foote thì tôi có biết. Nhưng Dan Price đóng vai trò gì trong tiến trình đàm phán?
Ginny đã rất sáng suốt khi giới thiệu Dan cho ông Lương. Tôi biết rõ Dan, vì ông từng làm cùng với tôi ở USTR, tất nhiên là ở vị trí cao hơn. Dan là một người tuyệt vời, bởi ông có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán BTA với Liên Xô.
Chẳng hạn, lúc đầu phía Việt Nam đề nghị chúng tôi cho biết lộ trình mở cửa thị trường của Việt Nam như thế nào thì phía Mỹ mới có thể chấp nhận.
Tất nhiên là tôi biết, nhưng làm sao tôi có thể nói cho họ được, bởi đơn giản là tôi không đàm phán vì lợi ích của Việt Nam. Phía Việt Nam phải "ra giá" trước, và tôi sẽ "trả giá".
Và sự xuất hiện của Dan thật đúng lúc. Dan hiểu lộ trình mở cửa ở mức nào thì Mỹ có thể chấp nhận được, và ông đã có sự tư vấn tốt cho phía Việt Nam.
Một điều khác khiến tôi ngạc nhiên là làm sao ông Lương và ông Dan có thể thuyết phục được các bộ liên quan của Việt Nam đồng ý với bản dự thảo đó.
À, có một điều này, tuy anh không hỏi, nhưng tôi vẫn muốn nói ý kiến của mình. Đó là sau khi gửi bản thiết kế nội dung đàm phán cho tôi, ông Tuyển và ông Lương vẫn tiếp tục phải giải thích và thuyết phục trong nội bộ Việt Nam để đạt được sự đồng thuận.
Tại sao ông biết?
Thì họ gửi thư cho tôi, yêu cầu tôi khẳng định rõ rằng chỉ có với bản thiết kế vừa rồi phía Mỹ mới có thể ngồi lại cùng phía Việt Nam để đàm phán một cách thực chất. Tôi hiểu bức thư trả lời của tôi là cơ sở để họ thuyết phục trong nội bộ chính phủ Việt Nam.
Đúng là lần đầu tôi mới được nghe câu chuyện như thế này.
Tôi vẫn nghĩ ông Lương lúc đó bất đắc dĩ phải bày những "kỹ xảo" như vậy để đạt được mục đích cuối cùng. Ông còn yêu cầu tôi phải hết sức mạnh mẽ và cứng rắn khi nêu lập trường của mình với đoàn đàm phán Việt Nam.
Tức là ông Lương muốn thông qua ông để làm "nhúc nhắc" những người đứng sau khỏi sức ỳ vốn có của họ?
Chính xác. Ít nhất là tôi cảm nhận được điều đó một cách rõ ràng. Và, nhờ đó, phía Việt Nam đã quay lại bàn đàm phán vào tháng 5.1998 với một bản chào tốt hơn hẳn.
À, còn một chi tiết quan trọng nữa mà không thể không nhắc tới.
Đó là vào mùa hè năm 1997, Bộ Thương mại Việt Nam đã gửi một nhóm sang Geneva (Thuỵ sĩ) làm việc với bộ phận chuyên môn trong ban thư ký WTO để tìm hiểu về WTO, trong đó có luật sư của đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Hồng Dương, con rể của ông Lương. Sau khi trở về, họ thực sự là những chuyên gia thực thụ. Thậm chí, họ hỏi tôi những câu mà tôi không thể trả lời ngay được, và phải về tra cứu lại tài liệu.
Từ thời điểm đó, họ hiểu những điều chúng tôi đưa ra. Điều quan trọng nhất họ hiểu là những tiêu chuẩn trong đó không phải là tiêu chuẩn Mỹ, mà là tiêu chuẩn của WTO.
Trong khi Việt Nam đàm phán BTA với Mỹ, thì đồng thời Trung Quốc cũng đàm phán với Mỹ về việc gia nhập WTO. Ông có thỉnh thoảng liếc mắt sang tiến trình đó không?
Có chứ. Bộ phận phụ trách đàm phán với Trung Quốc ở USTR ở ngay gần văn phòng tôi, nên tôi cũng học được nhiều từ họ.
Ông học được gì?
Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Trung Quốc tương tự nhau, bởi nằm cùng trong một hệ thống kinh tế XHCN. Có điều Trung Quốc đi trước Việt Nam khá xa mà thôi.
Để tôi kể một ví dụ.
Khi đó, một trong những vấn đề lớn trong đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam là quyền thương mại và quyền phân phối. Ở Việt Nam chỉ có doanh nghiệp nhà nước độc quyền làm thương mại.
Các đồng nghiệp đang đàm phán với Trung Quốc đã cho tôi xem một tập tài liệu, khoảng ba trang gì đó, là những gì họ đã làm với Trung Quốc.
Đọc xong, tôi thốt lên: "Hoàn toàn tương tự như những gì tôi đang làm với phía Việt Nam, và tôi có thể sử dụng nó để điều chỉnh phương án của mình."

Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond. Ảnh: Thái An
Tôi biết rằng khi Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, quyền thương mại và quyền phân phối cũng là những điểm họ cố gắng bảo vệ cho DNNN?
Đúng vậy. Đó chính là hai điểm khó khăn nhất khi tôi đàm phán với Việt Nam. Nếu anh nhìn hiệp định, sẽ thấy một danh sách dài những lĩnh vực cần được tự do hoá quyền thương mại. Tất nhiên, lúc đó, chúng tôi tách riêng quyền phân phối ra.
Và chúng tôi đành chấp nhận nhượng bộ, vì chúng tôi muốn hiệp định có tính khả thi, nhưng không phải cho mọi lĩnh vực. Có lĩnh vực mười năm, nhưng có lĩnh vực chỉ năm năm, thậm chí là hai năm thôi.
Tại Aukland vào tháng 9.1999, các ông có cả đoàn đàm phán?
Đúng vậy.
Và các ông ngồi chơi xơi nước ở đó?
(Cười to) Đúng vậy. Cho đến tận giây phút cuối cùng.
Nói chính xác hơn, là chúng tôi có làm việc với ông Lương về lời văn của hiệp định.
Hiệp định được đàm phán bằng tiếng Anh, được viết bằng tiếng Anh, rồi phía Việt Nam mới dịch ra tiếng Việt. Tôi phải dùng chuyên gia giỏi tiếng Việt của chúng tôi kiểm tra lại xem bản dịch có thể hiện chính xác hay không.
Điều làm tôi đau đầu là chuyên gia tiếng Việt của chúng tôi tranh luận với Luật sư Nguyễn Hồng Dương của phía Việt Nam, không ai chịu ai. Tôi đứng giữa không biết phải phán xử thế nào.
Chúng tôi cứ làm việc như vậy cho đến khi Bộ trưởng Trương Đình Tuyển xuất hiện cùng Thủ tướng Việt Nam cho sự kiện APEC. Khi họ đến sân bay, họ vẫn chưa biết quyết định cuối cùng từ lãnh đạo cao cấp của Việt Nam.
Vậy ai báo cho ông biết là hiệp định sẽ không được ký ở Aukland?
Tôi có một phòng suite ở khách sạn, nơi tôi và ông Lương cùng làm việc với nhau về văn bản.
Khi đang ngồi trong đó, tôi nhận được cú điện thoại từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Hà Nội rằng một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đã báo với Đại sứ Peterson là hiệp định không ký được.
Cảm giác của ông lúc đó?
Tôi bị sốc thực sự.
Tôi ra ngoài, và nói với ông Lương rằng tôi đã nhận được một cú điện thoại như vậy.
Lương không hề biết. Ông ấy bảo ông Tuyển vừa hạ cánh được một giờ, và ông gọi cho Bộ trưởng Tuyển để kiểm tra lại.
Rồi ông thở dài và nói: "Anh nói đúng."
Ông có nghĩ rằng ông Lương thực sự chưa biết điều đó khi ông thông báo không?
Tôi tin chắc là ông không biết. Bởi tôi theo dõi rất kỹ sự thay đổi sắc diện của ông khi gọi điện thoại cho ông Tuyển.
Tổng thống Clinton có được thông báo trước rằng hiệp định sẽ được ký ở Aukland, và ông sẽ chứng kiến thời khắc lịch sử đó?
Đúng vậy. Tôi đã nói chuyện với Nhà Trắng về lễ ký. Và tôi chờ đợi giây phút được hiện diện cùng với Tổng thống Clinton trong sự kiện trọng đại đó, điều mà tôi chưa từng được cảm nhận trước đó.
Tôi đã hình dung sẽ lật trang cho Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Barshefski ký, còn Tổng thống Clinton đứng đằng sau sẽ dõi theo từng động tác của tôi.
Ông có tình cờ biết được phản ứng của Tổng thống Clinton khi biết sự kiện ông mong chờ để hoàn tất tiến trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, từ ngoại giao đến thương mại, mà ông chính là người khởi đầu, trước sự hiện diện của nguyên thủ hai chục nền kinh tế APEC, bị đổ bể, không?
Không.
Đến lúc nào thì ông biết nguyên nhân của việc đình lại chuyện ký kết?
Tất cả những gì chúng tôi được biết là Hà Nội đã không đạt được sự đồng thuận cuối cùng. Có ai đó trong giới lãnh đạo Việt Nam đã phản đối vào phút chót, rằng chưa phải thời điểm thích hợp để ký BTA với Mỹ.
Tại buổi hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thực thi BTA (9.12.2011), ông bảo ông đã nghĩ rằng ông sẽ phải mất thêm năm năm nữa để đàm phán lại từ đầu. Ông thực sự lo sợ đến như vậy?
Tôi e rằng người ta sẽ gọi ông Lương đến, và chỉ thị rằng "ông và ông Tuyển đã cho phía Mỹ quá nhiều, và bây giờ nhiệm vụ của ông là phải đòi lại".
Tức là xoá bàn cờ đi, chơi lại từ đầu?
Tôi đã e là như vậy.
Theo ông, nguyên nhân chính là gì?
Tôi thực sự không biết rõ ràng điều gì đã xảy ra. Nhưng, theo suy đoán của tôi, đã có cái gì đó xảy ra trong chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Madeleine Albright, trên đường sang dự APEC. Chắc bà ta đã nói gì đấy khiến lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc lại việc có nên ký BTA với Mỹ hay không.
Bởi mọi thứ gần như đã hoàn thiện cho việc ký kết rồi. Và như ông Lương và tôi cùng khẳng định tại buổi hội thảo đó, rằng chúng tôi chỉ mất có nửa tiếng đồng hồ để giải quyết gọn gàng 12 điều khoản kỹ thuật còn lại, khi chúng tôi gặp nhau ở Washington DC vào tháng 7.2000.

Ông Joe Damond và ông Nguyễn Đình Lương. Ảnh: Thái An
Nhưng nếu chỉ có vậy, tại sao ông lại lo sợ rằng việc đàm phán sẽ bắt đầu từ đầu và kéo dài thêm 5 năm nữa?
Tôi đoán rằng ở trong giới lãnh đạo Việt Nam, kể cả trong chính phủ, vẫn có những người không muốn mở cửa thị trường cho Mỹ. Họ sẽ nhân cơ hội đó để chỉ trích rằng ông Lương và ông Tuyển đã nhượng bộ quá nhiều, và như thế là không thể chấp nhận được.
Vậy trong thời gian 10 tháng giữa Aukland và Washington ông có trao đổi gì với ông Lương không?
Mãi sau này. Chứ còn lúc đầu, chúng tôi quyết định rằng họ muốn ký thì ký, còn không thì thôi. Chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện này nữa.
Ông Lương có gửi thư mời tôi sang Hà Nội vào khoảng giữa tháng Ba. Tôi cũng rất muốn sang để nói chuyện với ông Lương xem có cách nào cứu vãn được bản hiệp định mà hai chúng tôi cùng hai đoàn đàm phán đã lao tâm khổ tứ suốt mấy năm ròng không, tuy chỉ là về những vấn đề kỹ thuật.
Nhưng cả bà Barshefski, cả phó của bà là ông Fisher, và cả Đại sứ Peterson, đều nói tôi không được sang Việt Nam. Nếu trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ sang Việt Nam, điều đó sẽ là một tín hiệu cho phía Việt Nam hiểu rằng phía Mỹ sẵn sàng đàm phán lại.
Quả thật, trong thời gian đó tôi rất lúng túng. Tôi không biết phải làm gì, mặc dù rất muốn làm một cái gì đó.
Vậy bế tắc được phá vỡ như thế nào, để sau đó bốn tháng, hai bên cuối cùng lại ký được hiệp định?
Lại là vai trò của Ginny Foote. Dan Price sang Hà Nội, và mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn.
Đến tháng 7.2000, đi cùng với ông Lương sang Washington DC có cả ông Vũ Khoan, người thay thế ông Trương Đình Tuyển tại Bộ Thương mại. Tôi hiểu là mọi chuyện đã OK thật rồi.
Sau khi BTA được ký, ông có tiếp tục làm cho USTR không?
Chỉ thêm một năm thôi.
Tại sao?
Tôi đã rất may mắn ký được một hiệp định rất quan trọng, mang tính lịch sử. Tôi đã được vào Nhà Trắng, được bắt tay Tổng thống Mỹ.
Tôi nghĩ vận may đó sẽ không lặp lại. Phúc bất trùng lai mà.
Vì vậy, tôi đã quyết định rời USTR để tìm thách thức mới. Đó cũng là lý do tôi viết hồi ký đàm phán BTA.
Tôi muốn toàn bộ quá khứ đó được cất giữ trong cuốn sách, chứ không theo tôi trên con đường tôi đang đi, trước khi tôi trao lại nó cho con cái mình, để chúng hiểu về một thời đáng nhớ của cha chúng. Thật hạnh phúc khi hình dung cái thời khắc đó, khi tôi đã già.
Bao giờ tập hồi ký này sẽ được xuất bản?
Hy vọng là năm sau. Tôi đã cùng ông Lương đến Nhà Xuất bản Thế giới để làm việc với họ.
Bản tiếng Anh đã xuất bản bên Mỹ chưa?
Chưa. Hy vọng là nó sẽ được in bên Mỹ, sau khi đã ra mắt ở Việt Nam.
Xin cám ơn ông.
Đại sứ "Pete" Douglas Peterson nói với tác giả vào tháng 7.2010, bên lề cuộc hội thảo ở Hà Nội kỷ niệm 10 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ:
"Khi Việt Nam, vào mùa xuân năm 2000, gửi tín hiệu sang bên Mỹ về việc muốn nối lại đàm phán, phía Mỹ muốn chờ thêm một thời gian nữa để khẳng định thêm rằng Việt Nam thực sự muốn ký BTA với Mỹ. Chúng tôi không muốn thảm hoạ ở Aukland bị lặp lại.
Với việc chậm ký BTA, Việt Nam đã lỡ mất ít nhất hai năm để khởi động đàm phán cho việc gia nhập WTO của Việt Nam, và cũng vì vậy lỡ mất cơ hội gia nhập WTO sớm hơn. Hơn nữa, khi Việt Nam khởi động đàm phán song phương gia nhập WTO một cách thực sự (năm 2004), mức xà đã được nâng lên, và Việt Nam buộc phải nhảy cao hơn. Tức là phải cam kết nhiều hơn."


Xoá bớt hiểu lầm - gây dựng lòng tin
Tác giả: Huỳnh Phan
Bài đã được xuất bản.: 21/12/2011 05:00 GMT+7

Việt Nam đừng coi nghèo đói và chậm phát triển là cái cớ để biện minh cho việc trì hoãn mở cửa thị trường, mà phải coi việc đóng cửa thị trường chính là nguyên nhân của nghèo đói và chậm phát triển - Trưởng đoàn đàm phán BTA Mỹ - Việt Joe Damond.
LTS: Tuần Việt Nam xin được tiếp tục loạt bài về 'quá trình học để hiểu nhau" giữa hai cựu thù, thông qua trải nghiệm của Trưởng đoàn đàm phán hiệp định thương mại song phương của Mỹ, ông Joe Damond. Điểm khác biệt lớn nhất của Joe với những nhân vật mà Tuần Việt Nam đã từng giới thiệu, là ông không thuộc thế hệ "Chiến tranh Việt Nam", và, vì vậy, cách tìm hiểu, tiếp cận của ông cũng khác, nếu không nói là hoàn toàn mới mẻ, đối với tiến trình bình thường hoá quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.



Khi ông được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán BTA, ông nghĩ gì về quyết định đó, cũng như về Việt Nam?
Tôi biết về Việt Nam rất ít. Khi được chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán, tôi đã cố công đi hỏi chỗ nọ chỗ kia, kể cả các think-tank của Mỹ, nhưng thông tin tôi thu nhận được hầu như là không giúp gì được tôi. Bởi chỉ có một số ít ỏi hiểu về Việt Nam, nhưng, có điều, kiến thức và kinh nghiệm của họ về Việt Nam lại là về lĩnh vực quân sự, hay nói cách khác liên quan tới Chiến tranh Việt Nam, chứ không phải về kinh tế - thương mại. Khi hai nước chúng ta bắt đầu quá trình bình thường hoá quan hệ thương mại, kim ngạch thương mại rất nhỏ, còn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam lại càng nhỏ hơn.
Tôi không biết phải kỳ vọng như thế nào, hay, nói cách khác, sự kỳ vọng của tôi là tiến trình sắp tới sẽ đầy rẫy khó khăn.
Nhưng khi chúng tôi ngồi vào bàn đàm phán, tôi nhận ra điều tương tự từ phía Việt Nam. Họ cũng chẳng mấy hiểu về quan hệ thương mại với Mỹ. Việt Nam đã ký một số hiệp định thương mại song phương (BTA) nhưng không có cái nào giống như cái hiệp định mà hai bên chuẩn bị đàm phán.
Điều duy nhất tôi mà tôi thực sự tin tưởng lúc đó là Mỹ nên đạt được hiệp định thương mại với Việt Nam, vì chiến tranh đã qua được 20 năm rồi, và Việt Nam có tiềm năng của một thị trường mới nổi, cũng như Việt Nam cần tiếp cận được thị trường Mỹ để phát triển.
Tại sao ông lại được chỉ định làm trưởng đoàn đàm phán?
Vị trí lúc đó của tôi là phụ trách khu vực Đông Nam Á trong Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Tôi có những kinh nghiệm giải quyết những vấn đề thương mại với Thái Lan, Indonesia, hay Malaysia. Và khi quyết định đàm phán BTA được đưa ra, bà Barbara Barshefski (Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ) bảo tôi: "Anh phụ trách mảng ASEAN, vậy anh sẽ là trưởng đoàn đàm phán BTA với Việt Nam."
Ngoài ra, còn một lý do nữa, cũng hơi buồn cười. Đó là, nếu ông Sếp trực tiếp của tôi, người phụ trách cả khu vực Đông Á, muốn nhận trọng trách này, hẳn đã không đến lượt tôi. Nhưng ông ta, người thuộc thế hệ Chiến tranh Việt Nam, đã vừa cười vừa nói với tôi: "Tôi muốn cứu đời mình, bằng cách không can dự vào câu chuyện Việt Nam. Vậy cậu hãy làm trưởng đoàn đàm phán."
Trước đó, ông đã từng tiếp xúc với người Việt Nam nào chưa?
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt, là vào tháng 12.1995, khi tôi sang Việt Nam trong một đoàn lớn, do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế Al Larson dẫn đầu, sang bàn về kinh tế nói chung. Bởi có rất nhiều mảng nhỏ khác nhau trong câu chuyện bình thường hoá quan hệ kinh tế, như các chương trình tín dụng của EXIMBANK, OPIC, hay quan hệ thương mại... Tức là chưa có đàm phán gì cả, mà hai bên chỉ mới dừng ở mức giới thiệu những mảng cần thúc đẩy cho nhau.
Ông thấy cuộc đàm phán giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ khác với cuộc đàm phán giữa Joseph Damond và Nguyễn Đình Lương như thế nào?
Trong cuộc đàm phán ở Paris, phía Việt Nam có thể chờ đợi, có thể tìm cách "giết thời gian", bởi họ biết rằng lúc đó Mỹ muốn rút chân khỏi Việt Nam để khỏi sa lầy thêm nữa. Tức là thời gian ủng hộ họ.
Nhưng cuộc đàm phán ở Hà Nội và Washington thì ngược lại. Chúng tôi có thể chờ đợi, bởi thị trường Việt Nam còn lâu mới quá quan trọng với nước Mỹ. Trong khi Việt Nam, ít nhất là đoàn đàm phán của ông Lương, nóng lòng muốn đạt được hiệp định để có thể tiếp cận được thị trường Mỹ mà phát triển kinh tế.
Hơn nữa, tôi còn trẻ, tôi có thể đợi thêm một hai năm để trở lại bàn đàm phán. Còn ông Lương đã lớn tuổi rồi, chờ đợi với ông là việc khó khăn hơn nhiều.

Ông Joe Damond và ông Nguyễn Đình Lương tại hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện BTA tại Hà Nội, 9.12.2011


Ông rút được kinh nghiệm gì từ cuộc đàm phán giữa ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger? Những điều mà ông Thọ kiên quyết đòi hỏi từ phía Mỹ, tức là chuyện đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến với số tiền 3,25 tỷ USD, và ông Kissinger bị ép phải cam kết, nên ông ta đã "khéo léo" chuyển vào bức công hàm của Tổng thống Nixon, và cuối cùng, việc thực thi vẫn phụ thuộc vào quốc hội.
Liệu có phải điều quan trọng nhất đối với một hiệp đinh được ký là tính khả thi của nó?
Đó là một trong những điều ông Lương đã lưu ý chúng tôi. Tức là phía Việt Nam muốn khẳng định rằng họ thực sự hiểu những gì phía Mỹ yêu cầu. Điều dễ nhất là ký BTA để Việt Nam được hưởng qui chế thương mại bình thường (NTR) từ phía Mỹ. Nhưng quá trình đàm phán kéo dài lâu hơn vì cả hai chúng tôi muốn biết chắc là chúng tôi thực sự hiểu những điều cam kết, và tin chắc vào khả năng thực hiện chúng.
Trước khi đàm phán, ông hình dung thế nào về đối tác của mình? Một nhà đàm phán tương tự như Lê Đức Thọ, người mà Kissinger trong hồi ký của mình đã ước gì không phải gặp trên bàn đàm phán, vì luôn bị ông Thọ chỉ trích gay gắt, nhiều khi đến mất mặt?
(Bật cười) Tôi không biết cụ thể về lịch sử cuộc đàm phán đó, bởi tôi chỉ đọc cuốn sách của Kissinger trong quá trình đàm phán, chính xác hơn là khi đàm phán sắp xong.
Tại sao?
Tôi không muốn bị ám ảnh bởi quá khứ chiến tranh, không muốn bị mặc cảm bởi quá khứ đó. Tôi cũng không hiểu điều đó đúng hay sai. Nhưng theo tôi nghĩ đã có quá nhiều người mang một hành trang quá nặng nề về Việt Nam rồi. Tôi còn trẻ và tôi may mắn vì không phải mang cái ký ức đau buồn đó, vậy tội gì vận vào mình cho khổ.
Đây là một kỷ nguyên mới, vậy tôi nên hiểu về Việt Nam theo những trải nghiệm riêng của mình. Và cũng nên có chính kiến riêng của mình.
Điều tôi băn khoăn là không hiểu một đối tác như ông Lương, người đủ già để có một trải nghiệm về cuộc chiến, lại học ở Liên Xô, nơi có một cơ chế kinh tế tập trung, lại có thể đi đến cùng trong một hiệp định thương mại dựa trên các nguyên tắc thị trường.
Và thực tế thì sao?
Tôi nghĩ Lương rất thẳng thắn và cởi mở. Ông nói thẳng cho tôi biết những vấn đề mà phía Việt Nam gặp phải để tôi hiểu, và như vậy cuộc đàm phán có thể đạt được tiến bộ.
Điều thứ hai ông nói thẳng với tôi, khi gặp riêng, rằng trong đoàn đàm phán của Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều bộ.
Ông Lương còn dặn tôi tôi là không nên nói năng kiểu ngoại giao. Bởi như vậy, phía Việt Nam sẽ khó nắm bắt được lập trường của phía Mỹ.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ con người giữa hai nhà đàm phán. Ông nói với tôi rằng ông đại diện cho hệ thống của đất nước ông, và ông muốn đàm phán tiến triển. Nhưng để đạt được điều này, ông cần phía Mỹ phải tiến theo cách này, hay làm theo cách kia. Ông không giải thích cặn kẽ với tôi, nhưng khẳng định với tôi rằng đây là chiến thuật cần thiết để đạt được tiến bộ từ phía Việt Nam.
Và ông đã tin?
Đúng. Ông đã nói thật, và nói đúng.
Nếu không phải là ông Lương mà là một người khác, hoàn toàn có thể là lập trường rất cứng rắn, và một thái độ cố gắng áp đảo người ngồi đối diện, nhất là một người còn trẻ như tôi, mới 33-34 tuổi. Hơn nữa, kể từ cuộc đàm phán Paris, Việt Nam nổi tiếng là có những nhà đàm phán rất cứng rắn.
Nhưng ông Lương đã thể hiện là một người hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung. Ông không hề "làm trò" (play game) trong khi đàm phán, mà rất thẳng thắn, và yêu cầu điều tương tự từ phía tôi, khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán.
Điều thứ hai làm tôi ngạc nhiên là một người già đời như ông, lẽ ra phải rất độc đoán, nhưng ông lại rất thoải mái. Vai trò của ông dường như là người điều tiết (moderator), và yêu cầu mỗi thành viên trong đoàn của mình phải đặt câu hỏi với phía Mỹ. Chứ không như tôi, một "kẻ độc đoán" (dictator), người luôn cố gắng kiểm soát đoàn mình và cuộc đàm phán từ phía Mỹ ở mức cao nhất.
Còn một điểm nữa, là khi tôi nêu câu hỏi, hay phát biểu lập trường của mình, ông không bao giờ nói rằng "ông Damond nói thế này, hỏi thế kia", mà luôn dùng cụm từ "phía Mỹ". Càng về sau tôi càng hiểu rằng cách nói sáng suốt đó đã giúp giảm thiểu những ác cảm có thể dành cho cá nhân tôi, từ phía đoàn đàm phán Việt Nam.




Theo ông khác biệt cơ bản giữa hai hệ thống thương mại theo mô hình Xô Viết và theo GATT (Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch), cũng như WTO, là gì?
Chúng tôi chỉ đưa ra luật chơi, mở ra thị trường. Nhưng chúng tôi không áp đặt trước là lượng xuất khẩu của từng bên sẽ là bao nhiêu. Đó là khác biệt cơ bản giữa BTA mà chúng tôi bắt đầu đàm phán, với những BTA mà Việt Nam đã ký với các nước XHCN.
Tức là trong hiệp định mới này một luật chơi, công bằng nhất ở mức có thể, được xác định, còn tỷ số bao nhiêu là tuỳ theo cố gắng của từng bên, chứ tỷ số không được sắp đặt trước như trong các cuộc chơi trước đó của Việt Nam với các nước Comecon?
Chính xác. Và rất may điều nghi ngại lúc đầu của tôi đã sai. Ông Lương hiểu điều này, và hiểu rằng Việt Nam phải học chơi theo luật chơi mới, dựa trên các nguyên tắc của WTO. Bởi Liên Xô đã tan rã và hệ thống XHCN Đông Âu đã sụp đổ, tức là hệ thống thương mại mà họ đã thiết lập không còn tồn tại nữa.
Trong cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm thực thi BTA Việt - Mỹ, ông Lương nói rằng đây là BTA hoàn toàn mới đối với cả Việt Nam và Mỹ. Với Việt Nam thì rõ rồi, nhưng tại sao với Mỹ cũng vậy?
Thứ nhất, với hầu hết các nước trên thế giới, Mỹ trao qui chế tối huệ quốc (sau đổi thành qui chế thương mại bình thường - NTR) trên cơ sở đàm phán đa phương, chứ không cần phải đàm phán song phương.
Còn song phương, Mỹ chỉ ký với Trung Quốc, Liên Xô, Ba Lan, hay Czech. Những BTA này được ký trước 1994, khi vòng đàm phán Urugoay kết thúc để năm 1995 WTO đã thay thế cho GATT. Và với sự ra đời của WTO, hệ thống thương mại thế giới đã thay đổi đáng kể. Chúng ta có thêm khái niệm thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, và một số thứ khác.
Khi Việt Nam quyết định đàm phán BTA với Mỹ, họ đã tìm hiểu các BTA cũ đó, và nhận thấy rằng có quá nhiều thứ được đưa thêm vào.
Ông Lương nói sau khi đọc các BTA mà Mỹ ký với các nước XHCN, ông Lương thích nhất BTA Mỹ ký với Trung Quốc năm 1979. Ông đã trả lời thế nào?
Tôi còn nhớ tôi nói rằng BTA với Trung Quốc còn đơn giản hơn BTA với Liên Xô năm 1991. Tôi đã nói với ông Lương rằng đoàn tàu thương mại toàn cầu đang chạy, nếu muốn lên, Việt Nam phải nhảy lên giữa đường, chứ còn cứ muốn lên ở ga đầu tiên thì chẳng bao giờ lên được con tàu đó.
Còn một điều quan trọng nữa, là khi ký với Trung Quốc, trong khuôn khổ của chiến lược của Nixon-Kissinger, người Mỹ đã không hình dung được rằng sau này Trung Quốc lại có thể trở thành một mối đe doạ về kinh tế đối với Mỹ. Nhưng đến những năm '90, Trung Quốc đã nổi lên như một thế lực mạnh, cùng với Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến giữa những năm '90 Mỹ đã chịu nhập siêu trong quan hệ thương mại với Nhật Bản, còn hàng hoá của Trung Quốc thì tràn ngập nước Mỹ.
Chính vì vậy, Mỹ kể từ những năm '90, đã hết sức nghiêm túc trong việc đàm phán và ký kết các thoả thuận thương mại, trong chính sách thương mại của Mỹ nói chung.
Việt Nam có chấp nhận cách giải thích đó không?
Phản ứng của phía Việt Nam, mà tôi nhớ rõ đó là câu phản hồi của ông Lương, là Mỹ đã quá cứng rắn với Việt Nam do vấn đề lịch sử.
Tôi đã giải thích rằng điều đó chẳng liên quan gì đến quá khứ hết, rằng tôi không biết về lịch sử và cũng chẳng quan tâm đến nó. Thế nhưng điều quan trọng ở đây là một trăm ba mươi nước là thành viên của WTO lúc đó chấp nhận các nguyên tắc của WTO, vì vậy quan hệ thương mại Mỹ - Việt cũng không thể là ngoại lệ. Việt Nam nên chấp nhận phần lớn những nguyên tắc đó.
Phía Việt Nam lại muốn rằng phía Mỹ chấp nhận cư xử Việt Nam như một quốc gia non trẻ, cần thời gian để lớn, trước khi chấp nhận cách ứng xử, như một người trưởng thành. Tức là họ muốn đợi đến khi đàm phán gia nhập WTO.
Quan điểm của phía Mỹ là đây là câu chuyện đôi bên cùng có lợi, nên nếu Mỹ mở cửa thị trường cho Việt Nam, thì Việt Nam cũng phải đáp lại. Nếu Mỹ không có lợi ích gì ở Việt Nam, đời nào Quốc hội Mỹ thông qua được.
Bản thiết kế nội dung đàm phán đầu tiên là do phía Mỹ đưa ra?
Đúng vậy. Ông Lương đã yêu cầu phía Mỹ làm. Bản thiết kế đầu tiên ngắn thôi, khoảng 3-4 trang, nhưng bao hàm tất cả các lĩnh vực mà chúng tôi dự định sẽ đàm phán.
Chiến lược đàm phán ban đầu của tôi là hai bên sẽ đàm phán từng lĩnh vực trong đó, trước khi viết thành một bản hiệp định hoàn chỉnh. Nhưng ông Lương nói, cách đó sẽ không phù hợp với Việt Nam. Ông bảo rằng phía Việt Nam sẽ không thể hiểu một cách đại thể như vậy, họ cần nhận được những yêu cầu cụ thể từ phía Mỹ, chẳng hạn thuế suất phải cụ thể.
Tôi lại nói rằng đề nghị của ông Lương đã hoàn toàn đi ngược lại quan điểm đàm phán của tôi. Bởi tôi không muốn Mỹ là kẻ áp đặt.
Ông Lương giải thích ra sao?
Ông Lương nói ông cần như vậy, để về trình với chính phủ Việt Nam rằng phía Mỹ đã yêu cầu thế nọ thế kia. Tôi hiểu ông Lương cần như vậy cho câu chuyện nội bộ, và chúng tôi đã bỏ ra mấy tháng trời làm việc với luật sư của USTR để kết hợp những gì có trong các BTA mà Mỹ ký trước đó, với những cam kết mới xuất hiện trong khuôn khổ WTO.
Và đó là cơ sở để chúng tôi đàm phán tiếp.
Khi ông đưa bản thiết kế đầu tiên cho phía Việt Nam, ông Lương đã phản ứng ra sao?
Trong bức thư gửi cho tôi sau đó, ông Lương, mà tôi hiểu là lập trường của chính phủ Việt Nam, nói rằng Việt Nam là một nước nghèo, chậm phát triển, và chỉ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế (WTO) vào năm 2020.
Tôi trả lời lại rằng, tôi quả thực không nhớ là trong thư phúc đáp, hay trong đàm phán, chúng tôi không thể chờ đến 2020, tức là chờ 23 năm nữa. Nhưng điều thứ hai mới quan trọng.
Tôi nói: "Các ông nói Việt Nam là nước nghèo đói, chậm phát triển. Đúng, nhưng nguyên nhân mà Việt Nam nghèo đói và chậm phát triển là vì Việt Nam chưa chịu mỏ cửa thị trường cho thế giới bên ngoài, tức là chưa trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Việt Nam đừng coi nghèo đói và chậm phát triển là cái cớ để biện minh cho việc trì hoãn mở cửa thị trường, mà phải coi việc đóng cửa thị trường chính là nguyên nhân của nghèo đói và chậm phát triển. Vì vậy, nếu muốn trở nên giàu có, thịnh vượng hơn, các ông hãy nên làm theo những gì chúng tôi đề nghị. "
Chúng tôi cứ trao qua đổi lại như vậy, và dường như không đạt được sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc đàm phán chẳng có thêm bước tiến nào, cho tới khi tôi nhận được một bản fax vào đầu năm 1988.
(Còn tiếp...)

No comments:

Post a Comment