Sunday, December 11, 2011

Tương ớt Hội An

Tương ớt Hội An
March 25th, 2009 | Pho Co Hoi An | 3 Comments »
Tương ớt Hội An tuy chỉ là một loại tương cay thông thường nhưng hương vị, chất lượng khó có nơi nào bì kịp. Nguyên liệu để làm tương ớt chủ yếu là mua từ các vùng nông thôn đưa lên bán…
Bất cứ một món ăn nào cũng không thể thiếu phân gia vị, mà tương ớt là một trong những gia vị không thể thiếu được trong những món ăn ngon.

Tương ớt Hội An - Hình minh họa
Tương ớt Hội An tuy chỉ là một loại tương cay thông thường nhưng hương vị, chất lượng khó có nơi nào bì kịp. Nguyên liệu để làm tương ớt chủ yếu là mua từ các vùng nông thôn đưa lên bán. Quả ớt để làm tương yêu cầu phải chín đỏ, tơi. Cách làm tương cũng không kém phần phức tạp. ớt tơi đem luộc rồi xay nhuyễn trộn với cà chua vừa đủ, khử dầu cho vào chảo đun sôi. Lại cho thêm các thứ mè rang, tỏi… trộn đều cho thấm, tiếp tục xào cho ráo nước để thành tương ớt. Khi tương đã nguội được cho vào lọ. Trên mặt lọ tương đổ một lớp dầu khử chín để giữ được lâu và tránh mốc. Một lọ tương ớt đạt yêu cầu là phải có màu đỏ đẹp, có vị cay mà không gắt và mùi thơm dịu.

Tương ớt Hội An không chỉ sản xuất ra để phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn hay các quán ăn trong nội tỉnh mà còn được bán đi khắp nơi trên đất nước như thành phố Saigon, Nha Trang, Quảng Ngãi, Huế…Hầu như chưa bao giờ nghe sự phàn nàn của khách về chất lượng, hương vị của tương ớt Hội An.
Tại Hội An trước đây có tiệm tương ớt Triều Phát rất nổi tiếng. Hiện nay, tương ớt được nhiều nhà sản xuất và bày bán, chất lượng tuy không bằng trước những vẫn được nhiều người, nhiều địa phương ưa chuộng.
Ngày nay, du khách phương xa đến tham quan phố cổ, ngoài việc mua sắm các loại bánh trái hay hàng lưu niệm để tìm quà cho họ còn tìm mua cho được tương ớt Hội An để dung trong gia đình và làm quà biếu. Không phải tự dưng người ta lại làm như vậy mà chắc chắn rằng họ thấy được cái “danh bất hư truyền” của tương ớt Hội An.
Tương ớt Triều Phát:
Tương ớt Triều Phát được sản xuất tại ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi (nhà số 41 Nguyễn Thái Học, thị xã Hội An). Chủ hiệu và cũng là người tự tay làm ra sản phẩm tương ớt Triều Phát hiện nay, chị Trần Thể Vân cho biết, chị là người kế thừa đời thứ năm của dòng họ mình – chủ hiệu buôn Triều Phát nổi tiếng ở Hội An trước đây. Chị Vân không biết chính xác tương ớt Triều Phát xuất hiện trên thị trường từ bao giờ, nhưng phải trên 150 năm, khi Hội An còn là một thương cảng sầm uất, cùng với những hiệu buôn nổi tiếng như Hoàng Hiệp, Chấn Nam Thành, Trường Lan… Tương ớt chỉ là một trong những sản phẩm đặc trưng của phố Hội bấy giờ mà Triều Phát làm ra và bán cho người trong nước và nước ngoài như thuốc bắc, sa tế, thổ sản phố Hội, gạo nếp… Sau ngày giải phóng, Triều Phát ở lại Hội An và từ lúc này chỉ còn làm tương ớt.
Mọi người thích tương ớt Triều Phát bởi vị cay (nhưng không gắt) thơm (rất dịu) không lẫn vào đâu được. Giá tương ớt Triều Phát luôn đắt hơn các loại tương ớt khác ở Hội An nhưng lại được nhiều người mua.
Chính sự nổi tiếng của mình mà hơn 10 năm qua Triều Phát đã phải khổ sở, lao đao vì các loại tương ớt làm nhái, làm giả, được tung ra thị trường dưới một nhãn hiệu chung chung là “Tương ớt Quảng Nam”. Chị Vân kể, làm tương ớt là một nghề gia truyền. Muốn làm ngon thì phải có những bí quyết riêng. Đầu tiên, phải mua ớt đúng mùa. Ở Quảng Nam, mỗi năm chỉ có một mùa ớt, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, trong khi cao điểm mùa làm tương ớt là tháng cuối năm. Vào mùa ớt, chị phải lặn lội lên tận vùng Gò Nổi (Điện Bàn) và huyện Đại Lộc để mua ớt tươi về muối, vì chỉ ớt ở những nơi này mới làm ra tương ớt ngon. Ở Hội An, không phải ai làm tương ớt cũng biết muối cho ớt tươi vẫn còn tươi trong 4-5 tháng. Đó là một bí quyết và là ưu thế của Triều Phát.
Vì tương ớt Triều Phát bị hàng nhái cạnh tranh gắt quá nên mới đây chị phải mở cửa căn nhà cổ của mình cho du khách thuê trọ khi ở lại Hội An. Khi hợp đồng với doanh nghiệp để cho khách ở trọ, bảng hiệu “Tương ớt Triều Phát” treo trước cửa nhà bao năm nay phải dỡ xuống đem vào để ngay cửa ra vào, có phần khiêm tốn, nhường chỗ cho bảng hiệu “lữ quán…” sang trọng và to đẹp. Ở Hội An hiện nay có không ít người làm theo cách như chị để giữ lấy nghề truyền thống của đô thị cổ.
Chị Vân nhấn mạnh: “Ngày xưa Triều Phát là một trong mười hiệu buôn giàu có và nổi tiếng nhất Hội An, tương ớt chỉ là một mặt hàng gia vị, lời lãi không nhiều nhưng cả bốn đời qua đều gìn giữ, tôi thấy được tâm huyết về sản phẩm truyền thống của dòng họ. Vì vậy, không thể nào bỏ được”.
Cái đạo lý của người Hội An, của người làm nghề truyền thống phố Hội trong thời buổi kinh tế thị trường là ở đây – sự kế tục truyền thống ngành nghề không ngưng nghỉ qua bao đời do ông bà để lại. Có phải điều này đã góp phần quyết định tạo nên một Hội An di sản văn hóa như hiện nay?

Riêng tương ớt Triều Phát, chị Vân khoe còn được làm ngay bên California (Mỹ), do chính cha mẹ và bà nội của chị mang nghề sang. Hiện nay gia đình, dòng họ của chị bên đó vẫn thường xuyên làm tương ớt Triều Phát để phục vụ nhu cầu ẩm thực của mình và những người hàng xóm xa quê. “Có nhiều người ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế… đến 25-26 năm sau mới trở lại Hội An nhưng vẫn nhớ và đến đây mua tương ớt Triều Phát. Người Việt ở nước ngoài về lại Hội An không bao giờ quên được tương ớt Triều Phát. Họ mua cho họ và mua cho những người bên đó không về Việt Nam được”, chị Vân nói về sản phẩm của mình.
Triều Phát bây giờ do một tay chị quán xuyến, chủ cũng chị mà thợ cũng chị. Chồng thường xuyên xa nhà vì công việc. Hai con gái, một cô đi làm ngay tại thị xã, một đang học ở Sài Gòn. Những lúc con gái lớn rỗi, chị truyền nghề lại cho cháu. Điều chị lo nhất bây giờ là sợ nghề tương ớt của dòng họ bị thất truyền. “Con gái cũng tâm huyết lắm, nhưng sợ mai mốt nó có chồng…”. Nhưng chị rất vui khi kết thúc câu chuyện: “Vừa rồi có mấy cô cậu sinh viên ở ngoài Hà Nội vào ở cả tuần lễ để học cách làm tương ớt và tìm hiểu thương hiệu Triều Phát. Nghe đâu các cháu đi thực tế để làm luận án tốt nghiệp về ẩm thực Hội An…”.
(Theo muivi.com.vn)


Quảng Nam: Tự hào làng gốm Thanh Hà!
August 26th, 2010 | Pho Co Hoi An | 1 Comment »
Đến với TP. Hội An, du khách không chỉ được biết về đô thị cổ – di sản văn hoá thế giới hay đảo Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới mà còn được biết đến những làng nghề truyền thống độc đáo, trong đó có làng gốm Thanh Hà thuộc phường Thanh Hà. Từ trung tâm TP, du khách có thể bách bộ hoặc theo các tour du lịch để về làng gốm. Tại đây, du khách có thể tự tay thử làm những sản phẩm gốm giản đơn nhưng chắc chắn đầy thú vị…
Giữ nghề cho muôn đời sau!
Chúng tôi tìm về ấp Nam Diêu, bởi nơi đây, người dân làng gốm Thanh Hà tập trung đông nhất, với hàng chục hộ sản xuất theo hai phương thức bàn xoay và tạo hình bằng kỹ thuật khuôn đúc làm ra những sản phẩm với nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng. Tiếp chúng tôi trong khu nhà bình dị, bác Lê Trọng năm nay 78 tuổi, người có thâm niên hơn 60 năm trong nghề. Sau khi rót nước trà mời khách, bác tâm sự: “Người thợ gốm Thanh Hà tiếp quản nghệ thuật làm gốm từ cuối thế kỷ XVI-XVII. Từ đời nọ tiếp nối đời kia, con cháu của làng đã giữ lửa cho làng nghề. Người thợ đã thổi hồn vào đất làm ra những sản phẩm tinh xảo với nhiều mẫu mã đa dạng, độc đáo. Từ kỹ thuật chế tác, người thợ đã biết kết hợp giữa các yếu tố: đất, nước, lửa cùng với những kinh nghiệm làm nên cái hồn của gốm Thanh Hà”.
Tại làng nghề, nhiều sản phẩm khá đa dạng, từ các mặt hàng gốm, đất nung như: tò he, đèn lồng bằng gốm đỏ, cối, trá, chum vại, chân đèn, nồi, chậu, hũ cho đến gạch xây, ngói lợp âm dương, gạch lát nền… Người làng nghề rất tự hào với những sản phẩm do mình làm ra vì nhiều sản phẩm đã trở thành vật trang trí ấn tượng trong các nhà hàng, khách sạn và đã có mặt nhiều nơi trong và ngoài nước. Người dân làng nghề cho biết, nguyên liệu chính làm ra gốm là đất sét được lấy từ các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc trộn với nước qua nhào luyện kết hợp với lửa làm ra sản phẩm. Để cho ra sản phẩm đạt chất lượng về mọi mặt, đòi hỏi ở người thợ tính cần mẫn và năng khiếu về thẩm mỹ, phải qua nhiều công đoạn, ngâm đất, phơi đất, nhào trộn đất, se đất thành lọn, tạo dáng, trang trí các hình hoa văn, họa tiết sống động trên những sản phẩm gốm và công đoạn cuối cùng đưa vào lò nung. Đây là công đoạn khó đòi hỏi người thợ có thâm niên trong nghề mới thực hiện thành công.
Nhấp một ngụm nước trà, bác Trọng nhìn ra xa như đang hồi tưởng lại quãng đời của mình. Bác Trọng nói: “Từ thuở lên 10, tui đã theo cha làm nghề gốm, ngày ấy sản phẩm làm ra khá giản đơn, chỉ là những nồi, chậu, heo đất, lò nấu than… Nghề nào cũng đều phải trải qua bao thăng trầm nắng, mưa. Do đó cùng với thời gian, nghề gốm có lúc bị mai một, rồi một số nghệ nhân phải đổi nghề hay xa xứ mần ăn. Nhưng được cái phần đông con cháu luôn nhớ lời cha ông dặn dò: Phải giữ được cái nghề cho muôn đời sau”.
Một điều đáng ghi nhận nữa là từ khi quê hương được giải phóng, nhất là khi du lịch Hội An phát triển, chính quyền đã tạo điều kiện để khôi phục làng nghề truyền thống này. Các nghệ nhân tâm huyết cũng ra sức vực làng nghề sống dậy. Từ đó làng gốm Thanh Hà quanh năm đỏ lửa. “Bây giờ tuổi cao, sức yếu tui truyền lại cho con, cho cháu!”- Bác Trọng bộc bạch.

Anh Tuấn bên sản phẩm do cơ sở mình làm ra
Thật đáng mừng, con cháu không phụ niềm tin lớp người đi trước. Anh Lê Quốc Tuấn, 42 tuổi, người con trai duy nhất của bác Trọng nối nghiệp cha và cũng là đời thứ 3 kế tục nghề gốm. Tuy còn ít năm trong nghề, nhưng dường như nghề gốm đã phôi thai trong anh Tuấn từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Cơ sở sản xuất của anh gồm 10 người, chủ yếu là người thân trong gia đình. Ngoài những sản phẩm truyền thống, anh còn cho chế tác những sản phẩm mang dáng dấp hiện đại hơn với nhiều chủng loại đa dạng và phong phú. Do đó, cơ sở của anh luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Sản phẩm của anh được ưa chuộng nhất hiện nay là những lu, đèn trang trí, tượng sư tử… mẫu mã đèn với nhiều chủng loại được cách điệu khá bắt mắt, được khách khắp nơi ưa chuộng. Sản phẩm đã được xuất đi Nhật, In-đô-nê-xi-a… Anh cho biết, vừa qua, anh đã nhận được đơn đặt hàng của Resort Nam Hải, lên đến vài trăm triệu đồng chủ yếu là làm đèn trang trí. “Công việc khá công phu và tốn thời gian, tâm sức. Nhưng được cái ngoài hiệu quả kinh tế từ gốm mang lại, mình còn duy trì ngọn lửa yêu nghề của cha ông để lại!” – anh Tuấn nói.

Đèn trang trí từ gốm do các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà làm ra.
Trường tồn và phát triển
Những năm gần đây, khi mà phố cổ Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới, khách du lịch trong và ngoài nước đến Hội An ngày càng đông hơn, các làng nghề truyền thống có cơ hội ăn nên làm ra. Làng gốm Thanh Hà đã được đưa vào tour trong hành trình tham quan của du khách khi đến phố Hội. Theo ông Trần Văn Nhân – Phó Phòng Du lịch & Thương mại Hội An: Bên cạnh phát triển sản phẩm truyền thống, làng gốm Thanh Hà nắm bắt thị hiếu của khách du lịch như mẫu mã đẹp, tinh xảo, gọn nhẹ. Và điều quan trọng, phát triển gốm gắn với công tác bảo tồn. Từ năm 2001, khi tuyến tham quan làng nghề ở Hội An ra đời, làng gốm Thanh Hà trở thành địa chỉ quen thuộc của những nhà làm tour, du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây tự tay làm những sản phẩm mình ưa thích. Đặc biệt, một số du khách lớn tuổi đến với làng gốm học nghề, với họ như là sự quay về với truyền thống văn hóa của người phương Đông. Trong lễ hội hành trình di sản lần thứ IV năm 2009, UBND T.P Hội An đã chọn sản phẩm ống đèn đường của làng gốm Thanh Hà để trang trí đường phố trong ngày lễ. Khắp nơi trên các đường phố Hội An, những đèn, lu trang trí góp phần làm đẹp hơn thành phố cổ kính này. Điều đó chứng tỏ một sự ghi nhận thương hiệu của làng gốm Thanh Hà. Bên cạnh đó, những con tò hoe với những âm thanh réo rắt trên môi của những trẻ nhỏ, của các bà, các chị, của khách du lịch trên khắp hành tinh cùng với nhiều sản phẩm đã được du khách xa gần ưa chuộng. Phải chăng làng gốm Thanh Hà đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên phần hồn phố ?
Có thể nói, người làng gốm Thanh Hà không chỉ yêu nghề mà đáng mừng hơn là các thế hệ con cháu cũng biết trân trọng vốn quý của ông để lại. Ông Lê Hà – một người làm gốm lâu năm cho biết: “Các nghệ nhân gốm Thanh Hà từng được triều Nguyễn mời ra Huế để chế tác những sản phẩm đặc biệt phục vụ cho sinh hoạt cung đình, họ cũng được phong hàm Cửu phẩm, Bát phẩm. Dù nghề gốm vất vả nhưng tui vẫn luôn khuyến khích con cháu duy trì ngọn lửa yêu nghề. Bởi không chỉ là vấn đề mưu sinh mà hơn thế nữa nghề gốm thật sự là một gia sản văn hoá quý báu do cha ông để lại. Người con trai thứ của tôi cũng nhận ra điều đó, cháu đang theo học Khoa Điêu khắc – trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và đã hứa sẽ trở về với làng nghề. Tôi tin thế hệ kế cận được trang bị những kiến thức mới từ các trường đại học tiếp nối truyền thống cha ông sẽ mở ra cho làng gốm cơ hội phát triển!”.
Có những thế hệ con người như thế mà bao thế kỷ qua đi, với nhiều biến động thăng trầm, nhưng làng nghề gốm Thanh Hà vẫn trường tồn và phát triển.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Nước mắm chượp Cù Lao Chàm
March 25th, 2009 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Ở vùng đảo Cù Lao Chàm ngoài các đặc sản nổi tiếng như là Yến sào, cua đá, cá tươi…hiện nay xuất hiện một đặc sản mới được chế biến từ nguyên liệu tươi nguyên của biển đó là : Nước mắm chượp cá cơm.
Nước mắm chượp cá cơm nếu được sử dụng làm dưa món hay làm nước chấm của bánh tét, bánh chưng trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc thì thật là tuyệt.
Đặc sản mới nầy được Khu bảo tồn biển hướng dẫn phụ nữ địa phương sản xuất chế biến theo theo qui trình mới, đảm bảo yếu tố kỹ thuật, chất lượng cao, bảo quản tốt và đưa ra chào hàng phục vụ du khách tại nhiều điểm trong mùa lễ hội “Quảng Nam – hành trình di sản văn hoá lần thứ 3 năm 2007”.
Thực ra, nghề nước mắm ở Cù lao Chàm đã có từ lâu đời, được bà con ngư dân sản xuất theo qui trình truyền thống, chỉ đủ tiêu dùng cho gia đình hoặc buôn bán tại chỗ và đã đúc kết qua câu: “Làm nước mắm một vốn bốn lời”.
Việc phụ nữ Cù Lao làm nước mắm chượp cá cơm là đã xây dựng được một sản phẩm hàng hoá đặc trưng, tạo thêm một sản phẩm du lịch cho biển đảo; mà quan trọng hơn là đã hình thành một nhóm hạt nhân trong quá trình xây dựng và phát triển sinh kế bền vững trên vùng đảo thân yêu, quí giá nầy.

Hình minh hoạ
Qua hơn một năm tổ chức sản xuất, hội thảo về qui trình làm nước mắm chượp cá cơm, những phụ nữ Cù Lao rút ra những điểm cốt lõi, mấu chốt để tạo nước mắm thành phẩm đạt yêu cầu thơm ngon: Trước tiên, cá phải tươi, đủ số lượng dự tính , tránh bổ sung về sau. Dùng cá cơm than chế biến nước mắm thơm ngon hơn cá cơm trắng hay các lọai các khác. Nguồn muối dự trữ trong thời gian từ 4 đến 6 tháng để các tạp chất gây chát trong muối chảy ra ngoài. Giai đoạn đầu ủ mắm do quá trình lên men mắm phát sinh nhiều muồi; vì vậy, mắm mới làm phải thường xuyên chăm sóc phơi nắng. Khi mắm chín thì phơi ít hơn, hạn chế khuấy trộn và đậy thật kỹ. Nếu không làm tốt khâu nầy thì khi mắm chín có màu đen, ăn vào thấy vị chát, ít thơm. Đặc biệt khi mắm đã thành phẩm cần được bảo ôn từ 10 đến 20 ngày để kiểm tra lại chất lượng mắm trước khi sử dụng và bày bán.
Với công thức chế biến 3 cá – 1 muối, nghĩa là muốn muối 100kg chượp phải sử dụng 75 kg cá và 25 kg muối. Sau thời gian 6 tháng sẽ cho 30 lít mắm nguyên chất ( hay còn gọi là mắm cốt) trị giá mỗi lít 15.000 đồng ( gía cách đây 6 tháng ). Mắm chượp cá cơm có thể dùng các lọai chum sành, hủ xi măng để làm nhưng nếu được làm bằng thùng gỗ thì mắm thơm ngon hơn hẳn.
Nước mắm chượp cá cơm đang được mở rộng chế biến, đáp ứng đặc sản mới cho du khách khi đến tham quan mua sắm nơi biển đảo nầy.
Đến bây giờ có thể ghi nhận chất lượng mắm chượp cá cơm chinh phục được người tiêu dùng. Song để có mẫu mã đẹp, một thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của biển đảo Cù Lao Chàm rất cần được sự quan tâm của các ngành chức ngay từ bây giờ.
(Theo Hoàng Ngân-Tập san xuân Mậu Tý 2008.)



Hội An trong mắt Eri
December 28th, 2009 | Pho Co Hoi An | 1 Comment »

KTS. Eri những ngày làm việc tại Hội An.
Chỉ 2 năm làm tình nguyện viên tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, nhưng đối với Ishizaki Eri phố cổ đã là quê hương của mình. Eri luôn trăn trở về những thay đổi của kiến trúc trong nhà cổ và cuộc sống của người dân trong khu phố cổ. Theo cô, việc bảo tồn phố cổ Hội An và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng.
Ishizaki Eri là kiến trúc sư thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong 2 năm qua, Eri cùng với các tình nguyện viên đến từ Nhật Bản miệt mài đo vẽ hiện trạng mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng tại các di tích trong phố cổ và tổ chức nhiều cuộc khảo sát, điều tra ý kiến của du khách về các vấn đề trùng tu, sự thay đổi hiện trạng di tích và sinh hoạt của người dân.
“Việc thành lập Hội Nghiên cứu kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng tài liệu để phục vụ cho việc phát triển kỹ thuật trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc là cần thiết”. KTS Ishizaki Eri (JICA)
Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, cho biết: “Kết quả các cuộc điều tra của nhóm tình nguyện viên đã làm rõ về sự thay đổi trong sinh hoạt của người dân do sử dụng các thiết bị hiện đại; sự chuyển đổi từ buôn bán cho nhu cầu của người dân trong khu phố cổ sang phục vụ du khách nước ngoài đã tác động nhiều đến di tích. Chúng tôi rất trân trọng những giá trị thực tế này”.
Thêm vào đó, trong khu phố cổ có quá nhiều cửa hàng buôn bán các sản phẩm du lịch đơn thuần mà không chú ý đến các mặt hàng truyền thống đã làm mất đi tính đa dạng, đặc trưng trong giao thương của một thương cảng cổ, dẫn đến mất dần những nét riêng trong lối sống truyền thống của cư dân Hội An xưa. Eri nói: “Có 3 vấn đề lớn trong trùng tu, tôn tạo di tích ở Hội An. Đó là cần phải nghiên cứu kiến trúc nhiều hơn trước khi tu bổ; việc sử dụng gỗ mới nhiều quá sẽ làm mất giá trị di tích và có ít loại gỗ giống với gỗ nguyên trạng để phục vụ tu bổ”.

Phố cổ Hội An có nhiều nét tương đồng với phố cổ ở Nhật Bản.
Theo cô, biện pháp cần được áp dụng là phải trồng cây ở Hội An hoặc trong tỉnh Quảng Nam để từ 50 – 100 năm sau sẽ có gỗ cho việc trùng tu di tích. Ở Nhật, gần đây đã bắt đầu trồng cây xung quanh di tích, chính quyền địa phương còn mời tình nguyện viên hay sinh viên tham gia hoạt động này.
Trước khi tu bổ di tích, nếu không thực hiện nghiên cứu hiện trạng sẽ làm mất đi tính nguyên trạng. Nhiều ngôi nhà chưa được nghiên cứu đầy đủ nên đôi khi kiểu mái khác một chút, cấu kiện gỗ cũng có vấn đề.
Thực tế, còn rất nhiều điều chưa biết về kiến trúc nhà cổ Hội An, nhưng do yêu cầu phải tu bổ cấp thiết nên không có thời gian đánh dấu vào tất cả các cấu kiện gỗ để nghiên cứu trước khi trùng tu.
Hiện nay có rất nhiều công trình nghiên cứu về Hội An, tuy nhiên, đa số kết quả không dịch sang tiếng Việt, vì thế công trình đó không có ý nghĩa thực tế với địa phương.

Phố cổ Hội An - Nhiều gỗ mới được sử dụng trùng tu ảnh hưởng đến giá trị nguyên gốc.
Eri nói: “Tôi đề nghị, khi người nghiên cứu nước ngoài xin phép điều tra khu phố cổ thì Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An cần làm giấy giao kèo phải đưa ra kết quả điều tra hay dịch sang tiếng Việt. Rất tiếc, do trung tâm không bắt buộc nên lâu nay họ không thực hiện, nhiều công trình có giá trị đã không được phổ biến ở Hội An”.
Lo ngại về nguy cơ Hội An bị “xóa tên”
Cũng theo Eri, việc sử dụng gỗ mới trong tu bổ đã và đang làm mất đi giá trị di tích. Khi số lượng di tích giả tăng lên, Hội An sẽ bị xóa tên trong danh mục Di sản văn hóa thế giới của UNESCO, hậu quả là khách du lịch sẽ đến ít hơn, tình hình kinh doanh du lịch sẽ đi xuống và kinh tế Hội An sẽ không phát triển. Nếu chúng ta trùng tu bằng gỗ mới thì đó không phải là di tích nguyên trạng, nó là di tích giả và như thế thì ở đâu cũng có thể xây dựng được…
Cũng theo Eri, nên giúp người dân tự quản lý, tuyên truyền với nhau về bảo tồn di tích để giữ gìn nét cổ kính của phố cổ Hội An. Ngay từ bây giờ, cần thành lập một tổ chức của người dân để cùng đóng góp ý kiến bảo tồn phố cổ. Tại Nhật Bản đã thành công với phương pháp bảo tồn này, người dân có Hội Bảo tồn khu phố cổ của mìn.
Nhiều nơi, người dân đã thống nhất với nhau “không bán nhà cho người ở chỗ khác đến”. “Trên thế giới, thành phần cấu thành các khu phố cổ chủ yếu là di tích bằng gỗ, vậy các vấn đề về di tích và kinh nghiệm bảo tồn là giống nhau. Cho nên, việc thành lập Hội Nghiên cứu kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng tài liệu để phục vụ cho việc phát triển kỹ thuật trùng tu, tôn tạo di tích kiến trúc là cần thiết” – Eri khẳng định.
Theo Báo Quảng Nam.


Ngăn chặn biến dạng di tích trong phố cổ Hội An
January 13th, 2010 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Việc sửa chữa, tu bổ nhà ở, di tích đang tạo nên nhiều áp lực và thách thức cho khu phố cổ Hội An. Nỗi lo về nguy cơ biến dạng và mất đi giá trị nguyên gốc là có thực khi không ít trường hợp cơi nới, chỉnh sửa di tích vì nhu cầu kinh doanh, thương mại và sinh hoạt vẫn còn diễn ra.

Việc sửa chữa nhà ở trực tiếp gây biến dạng di tích
Thực trạng lo ngại
Chỉ riêng trong 3 tháng cuối năm 2009, bộ phận nghiệp vụ tu bổ di tích của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (QLBTDT) Hội An đã tiếp nhận 68 hồ sơ xin phép xây dựng trong khu phố cổ, trong đó có 32 hồ sơ ở khu vực I và 36 hồ sơ ở khu vực II. Qua kiểm tra, xem xét, trung tâm đã tham mưu cấp phép 41 hồ sơ và hướng dẫn, chỉnh sửa 20 hồ sơ khác. Bộ phận cũng đã phối hợp với các phường kiểm tra công tác xây dựng trong khu phố cổ và đã phát hiện 5 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp ở khu vực I vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Nhiều năm qua, mặc dù các đơn vị chức năng đã tổ chức tuyên truyền, triển khai liên tục các nội quy, quy định của thành phố và thành lập đội kiểm tra chuyên trách nhưng vẫn còn tình trạng sai phạm ở một số di tích. Nhiều trường hợp đã tự ý lót nền bằng gạch hoa, đập vách ngăn trong nhà, đập vách ngăn 2 nhà liền kề để mở rộng không gian buôn bán. Rất nhiều chi tiết kiến trúc, hạng mục thi công không đúng nội dung giấy phép xây dựng, thậm chí chủ di tích còn lén lút làm vào ban đêm để “qua mặt” cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm QLBTDT Hội An cho biết: “Ý thức của người dân là nguyên nhân chính, nhiều người vì lợi ích buôn bán nên cố ý làm theo ý mình. Cũng cần nói đến việc quản lý hiện nay vẫn chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực này còn thiếu thường xuyên dẫn đến tình trạng di tích ngày càng đối diện với nguy cơ biến dạng”.
Cương quyết chấn chỉnh
Tiến sĩ Utsumi – Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản: “Chỉ cần chỉnh sửa mặt tiền nhà cổ để tiện việc sắp đặt hàng hoá buôn bán, người ta đã vô tình đánh mất đi giá trị của ngôi nhà mà cha ông để lại. Tôi rất mừng là công tác quản lý của Hội An về xây dựng trong phố cổ khá rõ ràng, cụ thể, dựa trên nhiều yêu cầu về bảo tồn nhưng sai phạm vẫn diễn ra là điều đáng lo ngại”.
Hiện nay, việc bảo vệ khu phố cổ đã được Hội An đặt trong mối quan hệ tổng thể, không đơn lẻ, không tách rời nhau từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan đường phố, kiến trúc của từng công trình đến các khoảng đất trống, sân trời, sân vườn của mỗi ngôi nhà và tất cả đều phải được giữ gìn cẩn trọng. Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy khẳng định: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, đơn vị có chức năng tham mưu, giải quyết cấp giấy phép cho công dân, tổ chức phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn các giá trị nguyên gốc đồng thời thận trọng trong công tác khảo sát, hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế sửa chữa, trùng tu di tích. Việc xác định, chứng minh các yếu tố gốc, dấu vết cổ để làm cơ sở giải quyết cấp giấy phép phải đảm bảo các căn cứ khoa học và mang tính thuyết phục cao”.
Hiện Hội An không giải quyết cấp giấy phép cho những công trình xây dựng trên diện tích đất chưa có nhà ở trong khu vực I của khu phố cổ, kể cả những diện tích đất trống đã được chuyển nhượng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan, kiến trúc của quần thể di tích. Ngoại trừ những trường hợp thật đặc biệt phải được sự thống nhất của lãnh đạo thành phố. Trung tâm QLBTDT tham mưu bổ sung, điều chỉnh quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ Hội An đảm bảo tính chặt chẽ. Mặt khác, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, bảo tồn khu phố cổ, nếu có những chủ trương đã được thống nhất nhưng không phù hợp với thực tiễn, các cơ quan chức năng phải tham mưu cho thành phố điều chỉnh, bổ sung phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Theo ông Lê Văn Giảng – Chủ tịch UBND thành phố Hội An: “Khi phát hiện vi phạm, các phường có trách nhiệm lập biên bản ghi rõ nội dung vi phạm và biện pháp xử lý. Trong vòng 12 giờ, UBND phường phải ban hành quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, buộc chủ đầu tư thực hiện các nội dung trong biên bản và báo cáo khắc phục về UBND thành phố”.
QUỐC HẢI – Báo Quảng Nam
Ngăn chặn biến dạng di tích phố cổ Hội An
June 10th, 2010 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Kể từ nay, Hội An không giải quyết cấp giấy phép cho những công trình xây dựng trên diện tích đất chưa có nhà ở trong khu vực I của khu phố cổ, kể cả những diện tích đất trống đã được chuyển nhượng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan, kiến trúc của quần thể di tích.
Từ tháng 1/2010 đến nay, bộ phận nghiệp vụ tu bổ di tích của Trung tâm QLBTDT Hội An đã phối hợp với các phường kiểm tra công tác xây dựng trong khu phố cổ và đã phát hiện 5 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp trong khu vực I vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Chủ yếu là chủ di tích nhà cổ tự ý cơi nới hoặc sửa chữa di tích không xin phép.

Một di tích ở Phố cổ Hội An đang được trùng tu (ảnh minh họa)
Hiện nay, việc bảo vệ khu phố cổ đã được Hội An đặt trong mối quan hệ tổng thể, không đơn lẻ, không tách rời nhau từ cơ sở hạ tầng, kiến trúc của từng công trình đến các khoảng đất trống, sân trời, sân vườn của mỗi ngôi nhà và tất cả đều phải được giữ gìn cẩn trọng.
Kể từ nay, Hội An không giải quyết cấp giấy phép cho những công trình xây dựng trên diện tích đất chưa có nhà ở trong khu vực I của khu phố cổ, kể cả những diện tích đất trống đã được chuyển nhượng nhằm bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan, kiến trúc của quần thể di tích. Ngoại trừ những trường hợp thật đặc biệt phải được sự thống nhất của lãnh đạo thành phố. Trung tâm QLBTDT, tham mưu bổ sung, điều chỉnh quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ Hội An đảm bảo tính chặt chẽ…
Ông Lê Văn Giảng – Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Khi phát hiện vi phạm, các phường có trách nhiệm lập biên bản ghi rõ nội dung vi phạm và biện pháp xử lý. Trong vòng 12 giờ, UBND phường phải ban hành quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, buộc chủ đầu tư thực hiện các nội dung trong biên bản và báo cáo khắc phục về UBND thành phố”.
Hy vọng, với những giải pháp này, Hội An sẽ kịp thời chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trong khu phố cổ, góp phần quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản kiến trúc mà các thế hệ tiền nhân đã gây dựng cho hôm nay.
Theo Báo Công An Nhân Dân


Kiểm tra thực trạng biến dạng di tích trong phố cổ Hội An
August 1st, 2009 | Pho Co Hoi An | 0 Comments »
Thành phố Hội An vừa thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá thực trạng tình hình biến dạng của các di tích trong phố cổ nhằm có giải pháp kịp thời quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản
Phạm vi kiểm tra là toàn bộ khu vực I phố cổ với hơn 800 di tích kiến trúc thuộc nhiều loại hình khác nhau, đặc biệt chú trọng đến các di tích đã được xếp loại. Qua đó, phân tích, đánh giá biến dạng di tích căn cứ theo các nội dung được thành phố cho phép hoặc việc công dân tự sửa chữa, cải tạo di tích nhằm phục vụ sinh hoạt, kinh doanh; đánh giá về công tác quản lý cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào kết quả đánh giá việc chấp hành của công dân.
Được biết, các di tích hiện đang bị nhiều sức ép từ hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ- du lịch, tình trạng xây dựng trái phép trong khu phố cổ vẫn diễn ra trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, trên địa bàn phường Minh An có 32 di tích kiến trúc loại đặc biệt thì đã có 24 di tích bị nấm mốc, mối, mọt phá hại, chiếm đến 75%. Đây là một phần nguyên nhân khiến cho các di tích liên tục bị xuống cấp.
Quốc Hải

No comments:

Post a Comment