Sunday, December 25, 2011

Bưởi da xanh

Sản xuất thành công bưởi da xanh theo hướng IPM

Thứ ba, 26/7/2011 10:07
Mấy năm gần đây giá bưởi da xanh ổn định, mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn, trong đó có ông Mai Văn Rẩy ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam. Yếu tố sản xuất thành công bưởi da xanh của ông là nhờ áp dụng phương thức sản xuất theo hướng IPM. Với phương pháp này, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vừa tiết kiệm chi phí đầu tư mà đảm bảo sản phẩm trái an toàn, chất lượng.


So với trước đây, ông Rẩy trồng mía phải tốn nhiều công sức nhưng nguồn thu về cho gia đình không khá. Đến năm 2007, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, ông Rẩy đã tham gia vào dự án bưởi da xanh của huyện, được Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống. Từ đó, ông Rẩy bắt tay vào cải tạo lại vườn và chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ban đầu ông chỉ trồng thử nghiệm 80 gốc bưởi da xanh trên diện tích 2.000m2. Sau 2 năm, cây phát triển xanh tốt, thấy có triển vọng với mô hình này ông tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng bưởi da xanh đến nay là 0,5ha.

Theo ông Rẩy, bưởi da xanh trồng 3 năm bắt đầu cho trái, nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng nên ông áp dụng vào thực tế vườn bưởi da xanh nhà mình đạt được hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 2 công bưởi da xanh, hàng năm ông Rẩy thu hoạch trên 4 tấn trái, giá ổn định ở mức 25.000 đồng/kg, ông thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Nói về kỹ thuật trồng bưởi da xanh đạt hiệu quả cao ông Rẩy cho biết: “Trước đây, tôi không sử dụng phân hữu cơ, chỉ toàn dùng phân hóa học nhưng từ khi tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh, tôi phát hiện được phân hữu cơ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây rất lớn. Biết được lợi ích của phân hữu cơ là làm tơi xốp đất, rễ dễ phát triển nên đã kết hợp hai loại phân hữu cơ và vô cơ để bón cho cây, vì vậy mà vườn bưởi nhà tôi trở nên xanh tốt”.

Trung bình hàng năm, mỗi cây bưởi da xanh ông Rẩy bón khoảng 30-40kg phân hữu cơ, chủ yếu là phân chuồng kết hợp với khoảng 1,2kg phân (20-20-15) nhằm cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Để đạt được kết quả trên, ngoài việc chọn giống, đắp mô, bón phân cho cây ông Rẩy còn thường xuyên tỉa cành, tạo tán chính vì vậy vườn bưởi da xanh phát triển nhiều cành, cho nhiều trái.

Nhằm cung cấp cho cây đầy đủ chất dinh dưỡng bộ rễ phát triển nhanh, cây khỏe mạnh ông Rẩy cho biết, trước khi trồng phải vun mô cao khoảng 2 tấc và thường xuyên bồi bùn ở gốc bưởi hàng năm. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng cần đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, hạn chế hạn mặn tấn công làm ảnh hưởng đến sự phát triển và sức chống chịu của cây bằng cách ủ ẩm gốc với các loại cỏ khô để giữ ẩm. Ngoài ra, ông Rẩy còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện các loài thiên địch gây hại trên bưởi sớm có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ông Rẩy nói về kinh nghiệm của mình: “Cách ba tháng bưởi sẽ cho ra đọt non một lần, ở giai đoạn này bệnh thường gặp ở bưởi da xanh là bệnh quắn đọt và sâu vẽ bùa trên lá non. Khi cây mắc phải bệnh này làm lá không xanh tốt, cây còi cọc, chậm phát triển. Chủ động phòng bệnh này là khi cây bắt đầu ra đọt tiến hành xịt dầu khoáng, chất dầu có tác dụng bảo vệ lá non chống sâu rầy tấn công làm đọt ra không bị quắn, lá ra xanh mướt. Khi cây bắt đầu ra bông đậu trái nên lãi bỏ bớt trái ở những cành sai, thông thường một chùm nên để từ 1 đến 2 trái”.

Việc sản xuất sản phẩm bưởi da xanh theo hướng IPM theo cách làm của ông Rẩy hiện nay thực sự thu hút nhiều nông dân. Bởi, hiệu quả kinh tế từ mô hình trên rất cao, sản phẩm sản xuất ra vừa giảm được chi phí, vừa đảm bảo tính an toàn cho người tiêu dùng. Không riêng gì ông Rẩy, nhiều hộ nông dân trồng bưởi da xanh ở ấp Hội Thành, xã Tân Hội cũng áp dụng kỹ thuật này trên vườn bưởi da xanh và đã mang lại hiệu quả trong vài năm gần đây.

Ngoài việc chịu khó chăm sóc vườn bưởi nhà mình, ông Rẩy còn tham quan nhiều mô hình trồng bưởi da xanh hiệu quả của các hộ nông dân khác để cùng trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, từ đó áp dụng thành công trên vườn bưởi nhà mình.
Thu Phương


Hiệu quả kinh tế từ việc xử lý cho bưởi da xanh ra trái trên nhánh nhệnh

Thứ tư, 22/6/2011 13:20
Không chỉ Chợ Lách, Châu Thành nổi tiếng những vườn cây ăn trái chuyên canh mà Bình Đại cũng có khoảng 2.100 ha cây ăn trái được nhà vườn từng bước áp dụng mô hình trồng chuyên canh, trong đó diện tích vườn bưởi chiếm khoảng 85 ha.

Điển hình là ông Phạm Văn Thời, còn gọi là ông Mười Thời (Phú Thạnh, Phú Thuận) trồng 40 nhánh bưởi da xanh năm 1996. Sau đó, ông nhân rộng được 250 gốc trên diện tích 5.000m2. Năm 2008, ông Mười Thời thu hoạch được 3 tấn trái, nhờ áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, ông được 36 triệu đồng. “Năm 2001, tôi đã thử cho bưởi da xanh ra hoa trên nhánh nhệnh ở 5 cây bưởi gần nhà. Kết quả, trái to đẹp, chất lượng khá ngon. Trong khi đó, những nhánh nhỏ người ta lại cắt tỉa bỏ đi, tôi thì giữ lại. Từ đó, tôi nhân rộng ra cả vườn. Hiện nay, tôi kết hợp với 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp”-ông Mười Thời cho biết.

Theo ông Mười, 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý dịch hại tổng hợp là: Trồng, chăm sóc cây khỏe; thăm vườn thường xuyên; nông dân trở thành chuyên gia của vườn cây ăn trái; phòng trừ dịch hại và bảo vệ thiên địch. Trong đó, tập trung bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng trái bưởi. Muốn như vậy, trước hết phải chọn giống tốt. Mùa nắng phải tưới nước thường xuyên. Không nên bón phân quá nhiều mà cũng không quá ít. Cần áp dụng biện pháp thủ công, dẫn dụ côn trùng như rầy chổng cánh. “Môi trường và sức khỏe đang được nhiều người quan tâm. Người trồng nhãn, khi áp dụng biện pháp hoá học phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng chủng loại; đúng liều lượng, nồng độ; đúng thời điểm và đúng kỹ thuật”-ông Mười Thời khẳng định.

Trồng cây ăn trái, ai cũng muốn năng suất tăng gấp đôi, nhưng ông Mười Thời thì khác. Ông không để đậu trái quá nhiều. Vườn bưởi da xanh của ông có độ tuổi từ 4-16, năng suất trung bình 3,5 tấn/công. “Chúng ta không nên cho bưởi đậu trái quá nhiều, vì nó dễ giảm tuổi thọ của cây. Tốt nhất là xử lý ra hoa, cho trái vào vụ nghịch. Vì lúc này giá cao. Có như thế mới tăng hiệu quả kinh tế ”-ông Mười Thời không giấu kinh nghiệm.

Ông Mười Thời còn là tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất bưởi da xanh theo quy trình IPM tại Phú Thuận, trong đó có 16 thành viên tham gia với diện tích là 8 ha bưởi da xanh chuyên canh.

Với thành tựu đạt được, ngày 20-5-2011, tại lễ Tổng kết 4 phong trào Khoa học-Công nghệ (từ năm 2008-2010), ông Phạm Văn Thời vinh dự nhận giải B do Sở Khoa học-Công nghệ tặng vì có thành tích “Cho bưởi da xanh ra trái trên nhánh nhệnh”. Ngoài ra ông còn đạt giải nhì “bưởi da xanh” trong Hội thi Trái ngon-an toàn Nam Bộ lần 3 Sở NN-PTNT Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 1/6/2011.

Ngoài cây bưởi, cây nhãn, Bình Đại còn trồng được cây xoài ở tận xã biển Thới Thuận và Thừa Đức. “Mười bốn năm qua, tôi trồng 400 cây xoài cát Hoà Lộc trên diện tích 1ha tại ấp Thới Hòa 1 (còn gọi là cồn Kẽm), xã Thới Thuận. Sau 4 năm, xoài cho trái ổn định. Ban đầu tôi cứ tưởng không trồng được nhưng kết quả rất tốt. Gần 10 năm qua, cứ mỗi năm tôi thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng nhờ vườn xoài này”-Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Nguyễn Văn Hoàng nói.

Qua tìm hiểu cho thấy Bình Đại có tiềm năng phát triển cây ăn trái. Những vườn nhãn, vườn bưởi ngày càng xanh mướt vươn cành. Trong đó, có phần nước ngọt được trữ lại nhờ Cống đập Ba Lai.
Bài, ảnh: Thanh Hiền


Anh Nguyễn Văn Thi với kinh nghiệm trồng bưởi da xanh

Thứ năm, 26/5/2011 14:19
Đến ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ lách hỏi đến anh Nguyễn Văn Thi chắc có lẽ bà con đều biết đến bởi ngoài bản chất cần cù chịu khó chí thú làm ăn, anh còn được biết đến với mô hình trồng bưởi da xanh khá hiệu quả, hàng năm cho thu nhập trên 90 triệu đồng.

Anh Thi cho biết, gia đình anh có hơn 6 công đất vườn, trước đây anh dùng 3,6 công để trồng nhãn tiêu quế và 3 công còn lại anh trồng sầu riêng và bưởi da xanh.

Qua nhiều năm chăm sóc, cây nhãn tiêu quế phát triển nhanh và cho năng suất tương đối ổn, anh rất kỳ vọng vào loại cây ăn trái này, có thể dùng nó để phát triển kinh tế gia đình. Niềm vui chưa được bao lâu thì nhãn tiêu quế gặp phải điệp khúc đụng hàng dội chợ, nhiều nông dân bất mãn, bắt đầu chặt phá và thay vào đó là giống cây ăn trái khác phù hợp với thị trường, anh Nguyễn Văn Thi cũng không ngoại lệ.

Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu thị trường, cùng với kinh nghiệm và ưu thế sẵn có từ mô hình trồng xen giữa sầu riêng và bưởi da xanh của gia đình, anh Thi quyết định phá bỏ vườn nhãn trồng chuyên canh cây bưởi da xanh.

Ý định chuẩn bị thực hiện, năm 2007 huyện Chợ Lách có dự án trồng mới và thâm canh bưởi da xanh. Dự án ra đời anh Nguyễn Văn Thi mạnh dạng đăng ký trồng mới trên diện tích 3. 600 mét vuông và được dự án cung cấp 150 nhánh bưởi da xanh về trồng thử nghiệm.

Khi được dự án cung cấp cây giống về trồng, điều quan trọng trước tiên được anh Thi chuẩn bị là đấp mô đất vì cây bưởi rất dễ bị bệnh vàng lá thối rễ, nguyên nhân gây ra bệnh này phần lớn là do đất ẩm thấp bị ngập úng. Anh Thi cho rằng, khi trồng bưởi cần phải đấp mô cao và trước khi đặt bưởi xuống trồng nên chất cỏ xung quanh để đốt mục đích diệt nấm bệnh, côn trùng gây hại và cải tạo lại đất giúp cây phát triển tốt hơn.

Nhờ có kinh nghiệm thực tiễn qua chăm sóc vườn bưởi da xanh trước đó và được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do dự án tổ chức và kiến thức có được sau khi trở thành thành viên của tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP của xã nên anh đã áp dụng thành công trên vườn bưởi chuyên canh của gia đình.

Hiện nay, vườn bưởi da xanh do dự án cung cấp cây giống được gần 5 năm tuổi, cây thu hoạch được 2 năm, khi mới cho trái vụ đầu đạt 4-5 trái/cây, hiện nay cây phát triển xanh tốt cho trái ổn định, bình quân hơn 15 trái/cây, vụ vừa qua anh Thi thu hoạch hơn 2 tấn trái. Trong đó, tỷ lệ bưởi lớn chiếm hơn 70%, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 35 triệu đồng. Riêng diện tích 3 ngàn mét vuông trồng xen giữa bưởi da xanh và sầu riêng trước đó đến nay hơn 10 năm tuổi cây cho trái ổn định, mỗi năm anh thu hoạch hơn 60 triệu đồng.

Anh Thi cho biết: “Thời gian qua, tôi cũng đã trồng nhiều loại cây ăn trái như nhãn tiêu quế, sầu riêng, bưởi da xanh… nhưng so ra bưởi da xanh có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là cây chăm sóc dễ, hiệu quả cao, cây cho trái quanh năm, ăn bền, hướng tới tôi sẽ thay thế các cây sầu riêng còn lại để trồng đặc sản bưởi da xanh”.

Với kinh nghiệm của mình, anh Thi còn cho biết thêm, chăm sóc cây bưởi lúc còn nhỏ là rất quan trọng, vì thời điểm này cây dễ bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt là sâu vẽ bùa, khi phát hiện cây bị bệnh cần được chữa trị dứt điểm để cây tạo tán lá cho tốt có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Ngoài ra, nếu khâu chăm sóc không tốt, cây bưởi da xanh thường hay bị các loại sâu bệnh khác tấn công như: rệp sáp, nấm bệnh, nhện đỏ, vàng lá thối rễ… Đối với phòng bệnh rệp sáp, mỗi năm anh dùng thuốc tưới 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng và tưới thuốc trị nấm 1 lần sau khi tưới thuốc trừ rệp sáp. Khi nhện đỏ xuất hiện trên cây bưởi, nó sẽ hút nhựa cây làm cho trái bị ghẻ, da không láng, để phòng ngừa bệnh này cách tốt nhất nên mua thuốc đặc trị về phun ngừa cho cây vào thời điểm cây sổ nhị bông và phun lần thứ 2 khi trái bằng cổ tay.

Riêng bệnh vàng lá thối rễ cũng thường xảy ra trên cây bưởi da xanh, nguyên nhân là do môi trường nước bị ngập úng, cách phòng trị tốt nhất là khai thông thoáng tránh để cây bị đọng nước vào mùa mưa. Mặc khác, anh Thi cũng rất quan tâm và chú trọng đến vấn đề sử dụng phân bón cho cây. Anh nói: “Khâu quan trọng nhất là chăm sóc cây bưởi từ lúc đầu, đảm bảo làm sao cho các khâu phân thuốc sử dụng đúng liều, đúng thuốc và đúng thời gian thì cây mới phát triển tốt về sau nhẹ công chăm sóc”.

Anh thi còn cho biết thêm, để sử dụng phân bón phù hợp giúp cây bưởi da xanh cho trái chất lượng là điều không đơn giản, qua tham dự các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm của bà con trong tổ, loại phân bón thường sử dụng cho cây bưởi da xanh được anh Thi áp dụng là phân NPK và Komix. Đối với NPK, sử dụng lọai 15-15-15 để rãi cho cây, mỗi năm 2 đợt, đợt đầu rãi vào thời điểm cây chuẩn bị ra đọt và đợt thứ 2 rãi vào thời điểm khi cây vừa thu họach xong. Riêng Komix được sử dụng sau khi rãi NPK được 15 ngày.

Nhìn vườn bưởi xanh tốt, cây cho năng suất và chất lượng cao, bên cạnh việc phòng ngừa các loại sâu bệnh theo phương pháp nói trên, anh Thi còn áp dụng biện pháp nuôi kiến vàng trong vườn, vào tháng nắng xung quanh gốc bưởi để cỏ, mục đích giữ ẩm cho cây, chống xói mòn và tạo cho đất thông thoáng.

Kinh nghiệm này đã giúp cho anh Nguyễn Văn Thi thành công với mô hình trồng bưởi da xanh, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Trúc Ly



Gương cần cù lao động của lão nông 76 tuổi

Thứ ba, 09/8/2011 13:52
Đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình vườn cây ăn trái ở tuổi thất thập cổ lai hy tại làng nghề cây giống, hoa kiểng ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách là một niềm vui lớn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Nghe.


Khoảng 10 năm trước từ xã Hưng Khánh Trung, gia đình ông Nghe chuyển đến ấp Vĩnh Bắc sinh sống, trong điều kiện kinh tế gia đình ổn định. Nhưng với bản tính cần cù chịu khó của người nông dân chân chất, ông không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già mà tiếp tục chí thú làm ăn. Bởi lẽ, với ông lao động không chỉ làm tăng thu nhập cho gia đình mà còn nêu gương để con cháu noi theo.

Khi chuyển về Vĩnh Bắc sinh sống, gia đình ông mua được 5,3 công đất. Ngoài trồng hoa kiểng xung quanh nhà, ông dùng 5 công đất để trồng cây ăn trái. Cam sành là loại cây ăn trái đầu tiên được ông lựa chọn trồng, qua chăm sóc cây không thích nghi và bị bệnh, nên ông đốn bỏ và chuyển sang trồng 200 cây bưởi da xanh xen với 100 cây măng cụt. Đến nay, cây bưởi đã trưởng thành hơn 7 năm tuổi và cho trái ổn định. Bình quân từ năm thứ 5 trở về sau mỗi năm thu hoạch khoảng 5 tấn trái, tỷ lệ bưởi loại I chiếm hơn 60%, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng 70 triệu đồng/năm.

Ông Nghe cho biết “Với tôi, bưởi da xanh là loại cây trồng lý tưởng, không tốn nhiều công chăm sóc, tuổi già như tôi cũng có thể làm được. Cách chăm sóc của tôi cũng khá đơn giản: Khi trồng phải làm cỏ, phân rãi đúng chu kỳ, thường xuyên theo dõi để phòng bệnh cho cây. Khi trái được bằng ngón tay phun thuốc là hợp lý nhất. Không nên để trái quá nhiều mà phải tương xứng với cây. Khi cây trổ bông dài, tôi dùng kali để rãi mục đích chống rụng bông, trọng lượng khoảng 100g/cây. Từ 1 tháng sau khi cây đậu trái, tôi dùng phân 20-20-15, loại đầu trâu đen để rãi (mỗi năm 2 lần), mỗi lần cách nhau khoảng 4 tháng, trọng lượng khoảng 0,5 kg/cây. Trong thời gian cây đậu trái, tôi còn dùng thuốc phun ngừa bệnh nhện đỏ, khi trái to bằng cổ tay, dùng Til super phun dưỡng trái, 4 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng cho đến khi thu hoạch”.

Ngoài việc sử dụng phân hóa học bón cho cây bưởi da xanh, hàng tháng ông Nghe còn dùng phân hữu cơ để giúp cây luôn xanh tốt, trái đạt chất lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ông Nghe còn nhận ra rằng, trong quá trình chăm sóc cây bưởi cần phải được tưới nước đầy đủ, tránh để cây khô hạn. Khi trồng phải đắp mô, tùy theo đất cao hay thấp mà đắp mô thích hợp.

Có được kinh nghiệm này phần lớn là do sự cần cù không ngại khó của ông Nghe. Ông thường xuyên học hỏi, tham quan thực tế mô hình trồng bưởi của bà con trong và ngoài địa phương.

Không dừng lại ở việc trồng bưởi da xanh, đôi vợ chồng già 76 tuổi, Nguyễn Văn Nghe còn say mê với nghề làm hoa kiểng. Mai vàng và kiểng lá là những sản phẩm được ông lựa chọn để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập vài chục triệu đồng từ mô hình hoa kiểng-nghề truyền thống của địa phương.

Với bản chất nhà nông, cần cù chịu khó, say mê lao động không chỉ giúp gia đình ông Nghe có cuộc sống ổn định, mà còn là tấm gương để con cháu noi theo, được mọi người kính nể.
Phúc Vy


Biện pháp phòng trừ sâu đục vỏ trái bưởi

Thứ tư, 11/5/2011 15:40
Bưởi da xanh là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Vì thế, diện tích trồng bưởi da xanh ngày càng mở rộng. Cũng giống như những loại cây trồng khác, cây có múi nói chung và bưởi da xanh nói riêng bị nhiều loài sâu bệnh tấn công, trong đó sâu đục vỏ trái là loại côn trùng gây hại rất khó phòng trị.
Sâu đục vỏ trái thuộc họ Yponomeutida, Bộ Lepidoptera. Trưởng thành là một loài bướm có kích thước rất nhỏ, màu xám, chiều dài sãi cánh khoảng 8 mm. Trứng mới đẻ có màu trắng trong, có dạng hình tròn, nhìn từ bên ngoài giống như túi tinh dầu trên vỏ trái. Trứng được đẻ thành từng cái riêng lẻ trên trái non. Ấu trùng có màu xanh ngọc, mỗi đốt bụng có một băng ngang màu đỏ quanh thân. Bướm hoạt động, bắt cặp và đẻ trứng vào ban đêm. Bướm chỉ đẻ trứng trên trái mà không đẻ trứng trên bông. Mùa nắng tỷ lệ sâu đục vỏ trái xuất hiện nhiều và gây hại mạnh hơn ở mùa mưa.
Một con cái có thể đẻ vài chục đến vài trăm trứng. Sau khi nở, sâu non đục vào trong phần vỏ của trái, ăn phần mô mềm của vỏ, làm cho vỏ trái phồng lên thành một xoang rỗng. Sâu không ăn phần múi của trái. Sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển, sâu chui ra ngoài, kéo một lớp tơ mỏng làm kén và hóa nhộng trong kén trên những lá gần nơi trái bị đục hoặc ngay cả trên trái.

Sâu tấn công khi trái còn rất nhỏ, vết đục đã tạo nên những u sần trên trái, nếu bị nặng trái sẽ rụng. Nếu sâu tấn công trễ hơn, trái sẽ phát triển bình thường nhưng bị biến dạng với những u sần nhiều khi rất to, xấu xí, giá trị thương phẩm giảm mặc dù chất lượng trái không bị ảnh hưởng vì sâu chỉ ăn phần vỏ mà không đục trong phần múi. Sâu chủ yếu tấn công và gây hại giai đoạn trái non và những trái có vỏ dày như bưởi, cam sành, cam mật nhưng phổ biến nhất là trên bưởi.
Biện pháp phòng trừ:
Sâu đục vỏ trái là loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục vào trong, tạo những u sần trên vỏ, giai đoạn này phun thuốc phòng trừ kém hiệu quả. Do đó, ở những vùng bưởi bị nhiễm sâu đục vỏ trái nên áp dụng biện pháp tổng hợp:
- Thăm đồng thường xuyên và phát hiện khi bướm bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới gây hại khi trái vừa tượng;
-Thu gom những trái bị nhiễm (trên cây và đã rụng xuống đất) chôn tiêu hủy để diệt sâu hiện diện trong trái;
- Bao trái là biện pháp có hiệu quả cao đối với sâu đục vỏ trái. Bao trái khi trái to bằng trái chanh. Thời điểm bao trái là rất quan trọng cho việc phòng ngừa sâu đục vỏ trái;
- Ở những vùng thường xuyên bị nhiễm sâu đục vỏ trái có thể sử dụng các loại thuốc như Sherpa 25EC, Map Permethrin 50EC, Polytrin 440EC,… để phun khi vừa tượng trái non, phun liên tiếp 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Khoảng 2 tháng sau khi tượng trái thì sâu không còn phá hại nữa;
- Nếu thấy nhộng của sâu trên lá thì 5-7 ngày sau thì xử lý thuốc để ngăn chặn sự bộc phát của thế hệ sau;
- Hiện nay, thử nghiệm Pheromone được sử dụng để dự tính dự báo sâu đục vỏ trái rất hiệu quả.
Nguyễn Thị Nguyệt


Phòng trừ sâu đục thân cây bưởi

Thứ tư, 11/5/2011 15:38
Sâu đục thân bưởi thường đục cành nhỏ trên tán lá đục dần vào cành lớn đến thân và có loại đục vòng quanh gốc ăn lớp vỏ, ngăn cản quá trình vận chuyển lưu thông dinh dưỡng và chất hữu cơ làm cây bị rối loạn trao đổi chất, tán lá héo xanh, héo vàng và có thể làm cho cây bị chết.

Sau đây xin giới thiệu đến bà con một số kinh nghiệm phòng, trừ loại sâu đục thân hại cây bưởi.
Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali cho cây, tránh bón quá nhiều đạm hấp dẫn sâu đến phá hại.
Định kỳ 15-20 ngày trong các tháng mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, kiểm tra tán cây, gốc cây để phát hiện sớm khi sâu hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp.
Thường xuyên vệ sinh, nhặt sạch cỏ dại quanh gốc cây ít nhất cách gốc 50 cm để dễ dàng phát hiện sớm vết sâu cắn và mùn gỗ, phân sâu thải ra bên ngoài, có biện pháp tiêu diệt kịp thời.
Quét vôi quanh gốc cây định kỳ 1-2 tháng/lần, đoạn sát mặt đất cao 80-100 cm, lớp vôi bám vào vỏ cây ngăn không cho sâu đục thân trưởng thành (một loại xén tóc) đến đẻ trứng vào lớp vỏ của gốc cây.
Buổi tối 19-21 giờ thắp bóng điện sáng ở giữa vườn, xén tóc có tính hướng quang sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem giết hạn chế trứng đẻ.
Kinh nghiệm phát hiện và diệt sâu hại: Sâu non của sâu đục thân tuổi nhỏ đục những cành tăm trên tán làm héo ngọn cành. Sâu đục dần xuống cành to và thân thải phân qua các lỗ đục ra ngoài. Sâu non đục gốc mới hại nhìn thấy một lớp mùn gỗ nhỏ màu nâu trắng bám vòng quanh gốc cây, lấy tay gạt lớp mùn cưa này thấy vết sâu ăn lỗ chỗ vỏ cây. Sâu còn nhỏ thường ở tuổi 1-3, kích thước bằng chiếc kim đến cái tăm, dài 3-10 mm màu trắng sữa đến đỏ nâu. Khi thấy cành to của cây hay toàn cây cằn cỗi, lá chuyển sang màu vàng là lúc sâu tuổi lớn 4-5, đục sâu vào cành lớn, thân cây hoặc vòng quanh gốc, phân rơi nhiều quanh vết sâu đục; sâu non đẩy sức gần bằng chiếc đũa ăn cơm, dài 50-100 mm, màu vàng ngà, chuẩn bị hóa nhộng trong lỗ đục ở thân hoặc gốc cây.
Cách trị sâu: Khi phát hiện thấy sâu hại, bẻ cành tăm héo bắt sâu non. Dùng mũi dao, ngọn mây hoặc dây phanh lụa xe đạp luồn quanh vết sâu đục chọc chết sâu ở thân cành hay gốc cây. Có thể hòa thuốc trừ sâu loại có tác dụng tiếp xúc mạnh với nồng độ cao 5-10%, độ độc với người thấp như: Sokupi 0,36AS; Sherpa 25EC; Abamectin 36EC… cho vào bơm tiêm nhỏ tiêm vào lỗ sâu đục để diệt sâu.
Theo nongnghiep.vn


Phòng trừ rầy bướm gây hại trên bưởi da xanh

Thứ ba, 19/4/2011 09:12

Bưởi da xanh là loại trái cây được thị trường ưa chuộng vì chất lượng ngon, có thể tồn trữ lâu, vận chuyển dễ dàng và có giá trị kinh tế. Vì thế, diện tích trồng bưởi da xanh ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, sâu bệnh trên bưởi da xanh cũng đáng được quan tâm, hiện nay có loại rầy bướm phát triển và gây hại trên bưởi khá phổ biến, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của bưởi nhất là giai đoạn ra hoa, đậu trái.

Rầy bướm thuộc Bộ Homoptera, họ rầy bướm (Flatidae). Đây là nhóm rầy thân có hình dạng rất giống ngài hoặc bướm. Trưởng thành rầy bướm có màu xanh lá cây nhạt hoặc màu trắng (con màu trắng thường có kích thước lớn hơn màu xanh), chiều dài thân khoảng 10mm, lúc đậu có hình “bánh lái ghe” hay dạng cánh bườm, ở giữa cánh trước có một chấm đỏ rất nhỏ (nếu là loại màu xanh thì có chấm màu vàng). Mặc dù rầy bướm là một dạng rầy nhưng hình dạng con trưởng thành rất giống bướm nên gọi là rầy bướm. Lúc không bay, hai cánh xếp đứng dạng mái nhà. Mãnh lưng ngực ở giữa phát triển. Ấu trùng màu trắng, có đuôi dài, khi bị đụng vào, đuôi chúng dựng lên và xòe ra giống như đuôi gà lôi. Cả thành trùng và ấu trùng thường có những cú nhảy với khoảng cách ngắn, thành trùng bay rất yếu và chậm, khoảng cách bay gần. Khi đậu, chúng thường sắp thành hàng trên các cành non để chích hút.

Rầy bướm đẻ trứng thành từng ổ có màu trắng đến màu kem, các trứng dính liền nhau có cấu trúc sắp xếp hơi đứng nghiêng từ ngoài tiến vào trung tâm của ổ trứng. Mỗi ổ trứng có khoảng 50 trứng. Ấu trùng trãi qua 4 tuổi rồi đến thành trùng, vòng đời từ 1-2 tháng, mỗi năm có từ 3-6 thế hệ.

Cả thành trùng và ấu trùng rầy bướm đều tấn công trên cây, thân, cành, lá làm suy yếu, lá bị vàng dễ rụng, ra bông ít, tỷ lệ đậu trái thấp. Nếu tấn công giai đoạn trái sẽ làm trái nhỏ, giảm năng suất và phẩm chất trái. Ngoài ra, rầy tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển đen trên lá và cành non. Rầy bướm tấn công mạnh trong mùa nắng. Nếu vườn trồng dày, rầy bướm phát triển mạnh.

Biện pháp phòng trừ:
- Sau thu hoạch nên tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng, dọn dẹp những cây hoang dại trong vườn.

- Nuôi kiến vàng trong vườn bưởi là biện pháp phòng trừ sinh học hiệu quả cao.

- Vườn bưởi không nên trồng quá dày.

- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm khi mật độ thấp, ở giai đoạn ấu trùng thì việc phòng trừ đạt hiệu quả cao. Sử dụng thuốc hóa học như: dầu khoáng SK 99, Mapy 48EC, Supracide 40EC, Trebon 10EC, ...

Đây là loài côn trùng rất mau kháng thuốc nên sử dụng thuốc luân phiên để hạn chế sự kháng thuốc của rầy.
Chú ý: khi phun trên bưởi giai đoạn trái cần đảm bảo thời gian cách ly.
Thanh Nguyệt

Biện pháp khắc phục vườn bưởi da xanh bị suy kiệt

Thứ năm, 07/4/2011 08:35
Hiện nay, có một số vườn bưởi da xanh sau khi thu hoạch vài vụ thì có triệu chứng vàng lá, cây còi cọc, ít ra đọt non, trái nhỏ, cây bị suy thậm chí một số cây chết, nhất là trong mùa khô hạn, triệu chứng này thể hiện rất rõ.

Để khắc phục hiện tượng này, trước hết nhà vườn cần tìm hiểu nguyên nhân tác động làm cây bị suy, từ đó mới có biện pháp xử lý thích hợp.
Các yếu tố tác động làm suy kiệt cây bưởi
- Để trái quá nhiều: Do giá bưởi da xanh cao nên nhà vườn có khuynh hướng để trái trên cây quá nhiều. Cây bưởi mang nhiều trái dễ gây hiện tượng khô cành, làm cây suy yếu, ảnh hưởng đến khả năng cho trái năm sau và có thể làm chết cây.

- Để trái quá sớm: Những cây bưởi mới trồng khoảng 2-3 năm bắt đầu cho trái chiến. Tuy nhiên, nếu để trái giai đoạn này rất dễ làm giảm tuổi thọ của cây.

- Quản lý nước: Bưởi là cây chịu úng rất kém nhưng cũng không chịu hạn được lâu. Trong mùa mưa, ở những vườn bưởi không thoát nước tốt làm cây thường bị úng hoặc không cung cấp đủ nước trong mùa khô hạn. Ngoài ra, trong mùa mưa nếu không xới cũng làm đất bị nén chặt, rễ thiếu oxy dẫn đến thối rễ.

- Thiếu dinh dưỡng: Không cung cấp đủ dưỡng chất cho cây bưởi, nhất là sau một vụ sai trái, cây thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Hơn nữa, đất trồng qua nhiều năm không được cung cấp phân hữu cơ, dẫn đến hiện tượng đất thiếu một số nguyên tố vi lượng mà nếu không bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến năng suất giảm rõ rệt.

- Bệnh vàng lá thối rễ: Cũng là nguyên nhân làm lá bị vàng. Vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay toàn cây. Khi quan sát bộ rễ bị hư thối, đặc biệt là rễ non bị thối và tuột khỏi vỏ, rễ mất khả năng hấp thu dinh dưỡng và nước để nuôi cây. Khi nấm bắt đầu xâm nhập cho đến khi triệu chứng bệnh thể hiện cần có thời gian ủ bệnh vài tháng, do đó ở các vườn, bệnh không xuất hiện ngay mùa mưa, lúc đất bị oi nước, mà bệnh thường xuất hiện nghiêm trọng trong đầu mùa nắng. Ngoài ra, tuyến trùng cũng là tác nhân quan trọng làm hư bộ rễ góp phần làm cây bưởi bị suy kiệt. Trong trường hợp này, cho dù bón thật nhiều phân, cây cũng không hấp thu được.

Biện pháp khắc phục:
- Trường hợp cây bị suy kiệt nặng, lá rụng nhiều thì biện pháp cấp thời là phải cắt bỏ ngay bông, trái, sau đó tưới nước đầy đủ để giúp cây hồi phục lại. Xới cho đất được thông thoáng. Có thể bón phân có công thức đạm và lân cao để giúp cây ra đọt mới và rễ mới phục hồi khả năng sinh trưởng. Khi cây có được đọt non nên phun phân bón lá giúp cho đọt phát triển tốt. Chú ý, phòng ngừa sâu bệnh tấn công đọt non như bệnh loét, sâu vẽ bùa,…

- Về lâu dài, cần chú ý tưới đủ nước cho cây trong giai đoạn mang trái, nhất là trong mùa khô hạn nặng. Nên giữ mực nước trong mương ổn định từ 60-80 cm từ mặt liếp trong suốt năm.

- Bón nhiều phân hữu cơ hàng năm sau khi thu hoạch để làm cho đất tơi xốp, kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật trong đất. Nên cung cấp thêm vôi xung quanh gốc, quét vôi vào gốc cây khoảng trên 50 cm vào cuối mùa nắng.

- Nên để trái với số lượng vừa phải tùy theo kích thước tán cây và tình trạng sinh trưởng của cây. Không nên bắt cây mang trái quá sớm khi tuổi cây còn nhỏ.

- Trong vườn, nên trồng các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng, để giúp đất thông thoáng (để cỏ cách gốc 50 cm).

- Nếu xác định bệnh vàng lá, thối rễ thì phải sử dụng thuốc hóa học. Xới nhẹ quanh gốc và tưới thuốc Ridomil Gold hoặc Acrobat. Chú ý: chỉ sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma sau khi xử lý thuốc 15-20 ngày.

Tóm lại, để cây cây bưởi da xanh phát triển tốt và có khả năng cho trái lâu dài, nhà vườn nên theo đúng qui trình kỹ thuật, chăm sóc đúng mức, không khai thác quá mức khả năng cho trái của cây, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết bất lợi cho cây.
Nguyễn Thị Nguyệt

Quy trình sử dụng phân bón NPK trên cây bưởi da xanh

Thứ sáu, 19/8/2011 09:04

Với đặc tính là cây dễ trồng, ít bị bệnh, tuổi thọ cao và có giá trị kinh tế. Vì thế hiện nay cây bưởi da xanh đang được chú ý và phát triển tại nhiều tỉnh phía Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ. Riêng tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có gần 1.000 ha diện tích đất trồng bưởi. Năng suất bình quân đạt khoảng 15-20 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người trồng bưởi. Song, bên cạnh những nông dân có nhiều kinh nghiệm, áp dụng đúng quy trình canh tác mang lại năng suất hiệu quả cao vẫn còn không ít hộ chưa có kinh nghiệm, áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến vườn bưởi suy kiệt và hiệu quả thấp. Nguyên nhân một phần do việc sử dụng và bón phân không hợp lý.
Thực tế đó đã có nhiều công ty phân bón nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm chuyên dùng cho cây ăn trái, trong đó có cây bưởi da xanh. Nhằm giúp nông dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm.
Sau khi thực hiện mô hình trình diễn về việc sử dụng phân bón NPK Phú Mỹ trên cây bưởi da xanh tại vườn bưởi cuả một hộ dân ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ đưa ra quy trình sử dụng phân bón NPK 16-16-8-13S của PVFCCo trên cây bưởi da xanh tại huyện Chợ Lách. Trong đó có 5 giai đoạn áp dụng:
1. Giai đoạn trước khi xử lý cây ra hoa:
Nên bón phân có chứa hàm lượng lân và kali cao. Việc bón ít đạm, nhiều lân và kali vào thời điểm này sẽ hạn chế cây bưởi ra lá non, đồng thời giúp bộ lá bưởi trên cây nhanh chóng thuần thục trước khi tiến hành xử lý ra hoa.
Liều lượng bón cho mỗi cây tùy thuộc vào tuổi cây, tình trạng sinh trưởng của cây và chế độ phân bón sử dụng trước đó.
Sau khi xử lý bằng cách tạo khô hạn từ 20-25 ngày thì tiến hành bón phân 16-16-8-13S để thúc đẩy cây ra hoa.
2. Giai đoạn chăm sóc hoa và xử lý đậu trái:
Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất của bưởi da xanh. Do đó cần có chế độ chăm sóc tập trung. Ngoài việc phòng ngừa nhện và bọ trĩ gây hại hoa, cần phải bón phân hợp lý để nuôi hoa và xử lý hoa đậu trái tốt hơn.
Sau khi cây nhú mầm hoa từ 15-20 ngày tiến hành bón 16-16-8-13S để thúc hoa ra nhanh và mập khỏe. Đến 30-35 ngày sau khi ra hoa, bón phân 16-16-8-13S kết hợp một ít kali để hoa phát triển hoàn chỉnh thúc đẩy quá trình nở hoa hạn chế rụng hoa và trái non giúp tăng đậu trái.
Liều lượng bón từ 0,5-2kg tùy vào lượng hoa trên cây.
3. Giai đoạn đậu trái và trái phát triển:
Trong giai đoạn này chia phân 16-16-8-13S làm nhiều lần bón (khoảng 4-5 lần), nhằm tránh hiện tượng rửa trôi, đồng thời cung cấp dinh dưỡng kịp thời giúp trái bưởi phát triển.
Bón lần đầu khoảng 1 tháng sau khi đậu trái, sau đó cứ mỗi tháng bón 1 lần; liều lượng bón cho mỗi cây tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng trái/cây mà lượng phân gia giảm từ 2-3kg NPK/cây bưởi.
4. Giai đoạn 2 tháng trước khi thu hoạch:
Thời điểm này trái đã vào giai đoạn chín sinh lý bón thêm KCl với 16-16-8-13S, tỷ lệ 1:1; liều lượng khoảng 0,5-1kg/cây để gia tăng chất lượng trái bưởi (hương vị và màu sắc).
5. Giai đoạn sau thu hoạch trái:
Trong giai đoạn này, cây bưởi cần được bón phân NPK có nhiều đạm và lân để giúp cây phục hồi dinh dưỡng đồng thời phát triển bộ rễ mới chuẩn bị nuôi đọt cho đợt trái tiếp theo. Tiến hành bón NPK 16-16-8-13S, liều lượng bón tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sinh trưởng của mỗi cây, độ màu mở của đất. Có thể bón từ 1-2kg phân NPK cho cây từ 4-6 năm tuổi.
Giai đoạn này, ngoài sử dụng phân hóa học, việc bón phân hữu cơ là rất cần thiết cho cây bưởi, liều lượng phân hữu cơ từ 10-20kg/cây bưởi tùy thuộc vào nguồn phân hữu cơ có sẵn.
Thảo Vy


Hiệu quả từ thâm canh vườn bưởi da xanh bằng giống chiết cành

Thứ tư, 03/8/2011 13:28
Trồng bưởi da xanh bằng giống chiết cành đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều nông dân, bởi theo cách trồng này, bưởi nhanh phát triển, cây khỏe mạnh, mau cho trái tiết kiệm được thời gian và chi phí đầu tư.


Nông dân áp dụng thành công mô hình bưởi da xanh bằng giống chiết cành là ông Nguyễn Văn Đua ở ấp Bình Thới, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.

Ông Đua cho biết: “Năm 2007, khi Chương trình Phát triển 4.000 ha bưởi da xanh được phổ biến mạnh mẽ trong nông dân, tôi chủ động tham gia vào lớp tập huấn giới thiệu về mô hình trồng bưởi da xanh do Hội Nông dân xã phát động. Trong khi nhiều bà con nông dân ở huyện Mỏ Cày Nam chọn giống bưởi ghép cây con, thì tôi lại chuẩn bị cho mình 80 nhánh bưởi chiết cành để bước vào vụ trồng mới. Theo ông Đua bưởi nhánh thích nghi với vùng đất thấp hơn nên đã chọn mua nhánh chiết về trồng trên 2 công đất vườn nhà mình”.

Hiệu quả bước đầu mang lại sau gần 3 năm từ mô hình trồng bưởi chiết cành của ông Đua đã mang về nguồn lợi khá lớn cho gia đình, giá bưởi hiện tại dao động từ 22-28 ngàn đồng/kg. Với 2 công bưởi da xanh, năm nay ông Đua thu hoạch gần 1 tấn trái, lãi mỗi năm trên 50 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.

Phấn khởi trước vụ mùa thu hoạch bưởi da xanh năm nay, ông Đua cho biết thêm kinh nghiệm về thâm canh giống bưởi chiết cành: Thông thường, loài bưởi nhánh thích nghi với vùng đất thấp, tầng canh tác mỏng nên bộ rễ của loài bưởi này phát triển không ăn sâu mà lan rộng. Vì thế, để cung cấp dinh dưỡng cho cây, hàng năm, ông Đua bón phân bằng cách đào hộc xung quanh gốc hình tròn đường kính khoảng 1m phủ ở mỗi gốc từ 30-40kg phân chuồng kết hợp với một lượng ít phân lân bón đầy hộc sau đó phủ bằng lớp cỏ khô hoặc một lớp bùn non mỏng lấp đất lại để tạo độ tơi xốp giúp cho bộ rễ dễ hấp thụ phân lâu dài. Đây là cách làm đơn giản giúp cây phát triển nhanh, tán lá xanh rộng. Việc làm này được ông Đua tiến hành mỗi năm một lần.

Trồng bưởi chiết cành không khó, để cây bưởi nhánh mau phát triển, theo cách làm của ông Đua, sau khi vun mô chuẩn bị trồng ông đào hố nhỏ trước khi đặt cây bưởi xuống lòng đất. Trước đó, ông bón lót một lượng phân hữu cơ chủ yếu là phân chuồng trộn lẫn phân lân rồi đặt nhánh phủ lớp đất lên bề mặt vì thế ngay từ đầu rễ có thể hấp thụ dinh dưỡng nhanh.

Khoảng 2 tháng sau, cây bắt đầu châm rễ bắt đất, ông Đua còn cung cấp một lượng dinh dưỡng bằng phân vi sinh. Mục đích của việc làm này để những vi sinh sẽ phân hủy những sinh vật gây hại và côn trùng tiềm ẩn hại rễ có trong đất. Để có được vườn bưởi phát triển tốt lá xanh, trái to, tròn, bóng vỏ như hôm nay ông Đua thường xuyên chăm bón, tưới nước. Vào mùa hạn, mặn, ông Đua duy trì ẩm độ bằng cách phủ lớp cỏ khô để cây có sức chống chịu qua mùa này nên hạn chế tưới nước sẽ ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ của cây. Qua tham quan học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ nông dân khác, ông Đua còn nuôi kiến vàng trên vườn bưởi để tiêu diệt rầy và rệp sáp bám trên cây và trái.

Với nhiều cách sáng tạo trong việc chọn giống cây trồng phát triển kinh tế, hiệu quả từ vườn bưởi da xanh của ông Đua năm nào cũng đem về nguồn thu lớn cho gia đình.
Thu Phương

No comments:

Post a Comment