Tuesday, December 27, 2011

“Mây Khói Quê Nhà”

Nhà thơ Phạm Cao Hoàng và “Mây Khói Quê Nhà”
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-09-10
Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin giới thiệu đến với quý thính giả nhà thơ Phạm Cao Hoàng và tác phẩm Mây Khói Quê Nhà của ông được Thư Ấn Quán xuất bản vào năm 2010.

Bìa tập thơ "Mây Khói Quê Nhà". Photo courtesy of damau.org.
Tập thơ Mây Khói Quê Nhà dày 128 trang gồm 35 bài thơ và 5 ca khúc do chính Phạm Cao Hoàng sáng tác.
Chúng tôi thật bất ngờ với tập thơ này vì sách in đẹp, cẩn trọng và yêu quý từng con chữ bình thường trong cả tập thơ. Sự trang trọng này như khuyến khích người chưa biết Phạm Cao Hoàng có cảm giác thân mật hơn với ông bởi những gì mà họ thấy trước khi bước chân vào cõi thơ của Phạm Cao Hoàng.
Với rất ít chi tiết mà tác giả thổ lộ, chúng tôi xin ghi lại và gửi cho quý vị sau đây:
“Tôi sang Mỹ năm 1999 cho đến mười năm sau tôi mới in tập thơ đầu tiên ở Mỹ là tập “Mây Khói Quê Nhà” do nhà xuất bản của anh Trần Hoài Thư ấn hành. Trước năm 1975 việc sáng tác ở miền Nam thì chúng tôi thường làm từ những đam mê nhiều hơn. Thời đó còn trẻ nên thích thì viết vậy thôi chứ không có tham vọng hay vấn đề theo đuổi lớn nào.
Bây giờ mình ở xa xứ cho nên lòng của mình lúc nào cũng nhớ về quê nhà. Một số bài tôi viết trong những ngày xa đất nước thì nó cũng gửi gấm lòng nhớ thương về đất nước cũng như bạn bè, người thân của mình ở quê nhà.”
Tập thơ “Mây Khói Quê Nhà” có lẽ nói lên được nhiều điều thay cho tác giả. Những bài thơ có dáng dấp của một thời xa xưa, đầy ắp những hình ảnh của những thập niên 60-70 sẽ làm mềm lòng không ít người từng sống và chia sẻ những ngôn từ đặc trưng của một thời đại vừa chớm chạm vào văn hóa phương Tây, đặc biệt sự xuất hiện của quân đội đồng minh tại miền Nam tạo nên phong cách sống bất cần đời của một lớp người trẻ tuổi, dang dở vì chiến tranh.
Tuy không quá chán chường và tích cực trước chủ nghĩa hiện sinh như một số thanh niên sinh viên khác cùng thời nhưng Phạm Cao Hoàng không tránh khỏi tâm trạng chung của thanh niên cùng thế hệ: ngẩn ngơ trước đổi thay quá lớn của xã hội và từng lớp thanh niên ra đi không có dịp quay về.
Bài thơ mang tên “Hành Phương Đông” của Phạm Cao Hoàng có lẽ là phác thảo chung cho một quãng thời gian khá dài khi nhà thơ lớn lên cùng với dòng chảy lịch sử đau thương của dân tộc. Thể loại “hành” làm bài thơ toát lên nét ngạo mạn, bất cần đời của người làm thơ. Trước cảnh lưu lạc, cô đơn trong xã hội, hay nhỏ bé trước thiên nhiên, vũ trụ thi sĩ chợt nhiên đứng thẳng lưng mà hát, mà say. Trong một giới hạn nào đó có thể nói thể loại “hành” thích hợp nhất cho những tâm hồn thất chí, tài cao sức lớn nhưng bị kềm hãm bởi nhân sinh, số phận.
Thể loại hành được người yêu thơ đón nhận nồng nhiệt sau khi bài “Hành Phương Nam” của Nguyễn Bính xuất hiện. “Hành Phương Nam” là bài thơ duy nhất của Nguyễn Bính làm theo thể loại “hành”. Nó ở lâu trong lòng người do nhiều lẽ nhưng cái phong thái coi thường trời đất sau khi ngộ ra được sự nhỏ bé, hữu hạn của con người thì hãy uống cho say, coi thường thế sự, người đời. Cách thức cao ngạo, bất cần đời làm cho “hành” có cái riêng của nó. Nguyễn Bính chân quê bỗng dưng khác hẳn khi viết những câu trong “Hành Phương Nam” như sau:
Ta đi, nhưng biết về đâu chứ?
Đã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
Người ơi! Hề người ơi!
Người sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.
Năm 1974 Tô Thùy Yên viết “Trường Sa Hành” trong một tâm trạng khác, vừa cô đơn trước vũ trụ vừa đồng cảm với thân phận của những người lính đồn trú một nơi không có dấu vết con người. Nhà thơ nói với đồng đội mà chừng như nói với chính mình:
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.
Trước Trường Sa Hành 3 năm, Phạm Cao Hoàng sáng tác Hành Phương Đông vào năm 1971. Không khí bài thơ không có cái sửng sốt trước trời đất như của Trường Sa Hành, cũng không có cái ngạo nghễ ngồi giữa chợ ôm bầu mà uống như Nguyễn Bính nhưng trong Hành Phương Đông Phạm Cao Hoàng có những câu không kém ấn tượng khi bước vào thể loại này:
bạn ta áo ngươi sao bạc thếch
chiều nay còn một ngươi với ta
ngươi nhớ gì dưới trời mây trắng
ta nhớ màu hoàng hôn năm xưa
ngươi phong trần ta cũng giang hồ
vó ngựa qua nhịp khua lóc cóc
buổi ra đi đâu mơ ngày về
nhưng chiều nay ngươi ơi ta muốn khóc
Phạm Cao Hoàng muốn khóc, chàng không có khả năng cầm giọt lệ như Nguyễn Bính nhưng thi sĩ thật thà cảm tạ trời đất đã cho chàng sống sót. Sống sót để tiếp tục trôi nổi giữa nhân sinh chưa hẳn là không đau đớn, tái tê.
ngươi ba mươi ta cũng ba mươi
kể cũng đã mười năm rồi xa lắc
thì vui đi cho hết một đời
rằng ta kẻ trời cho sống sót
Bây giờ mình ở xa xứ cho nên lòng của mình lúc nào cũng nhớ về quê nhà.
Nhà thơ Phạm Cao Hoàng
Phạm Cao Hoàng nhìn mây như Tô Thùy Yên nhìn biển. Hai hình ảnh đều bao la, lồng lộng trời đất. Cánh mây của Phạm nhuộm thắm màu tê tái trong khi màu mây của Tô lại đỏ thảm thê.
Mây trắng quá và chiều tê tái lắm
biết về đâu giữa lúc hoàng hôn phai
ta cùng ngươi những bóng đời lếch thếch
chiều tan mau rồi vẫn bóng đêm dài
sống nửa đời chẳng có một quê nhà
buổi lận đận thân gửi nhờ đất khách
chẳng lẽ ta ôm lòng mà chờ
chờ một thuở huy hoàng trên mặt đất
“Hành Phương Đông” của Phạm Cao Hoàng rất gần với đời thường và do đó những hình ảnh thật nhỏ cũng được ông khai thác. Có những câu người đọc nhận ra chính mình qua tính cách tri kỷ trong câu thơ hiện rõ bởi danh xưng “ngươi” và “ta”.
Trong mắt ngươi có bóng đời tan vỡ
Có mùa đông quê cũ rét mưa phùn
Có đầu thu rụng đầy bông khế
Có bông cúc vàng nở rộ chớm sang xuân
Có chuyến tàu đi trong chiều sương lạnh
nhả khói buồn ta với hoàng hôn
có chiếc khăn tay vẫy ngang mắt lệ
bánh sắt lăn như nghiến nát cả lòng
bạn ta bên kia sông là núi
núi của ngàn năm đá vọng bóng người đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bến phân ly
sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
mùa bão tới gầm lên rồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi máu đã nhuộm hồng sông nước
Lúc tuổi trẻ đã tan rồi chí khí
sống nửa đời ta chẳng thấy quê hương
nhìn lên cao mây còn bay lớp lớp
ta cùng ngươi quay với bóng tang thương
“Thật ra tôi không có ý định thay đổi gì về cái kỹ thuật thơ của mình bởi vì hồi nào tới giờ đã quen như vậy rồi. Hai nữa thường thì những bài thơ hay người ta tìm đọc không phải vì hình thức mà nội dung là chính. Thí dụ như bây giờ đọc một bài thơ tự do hay, thì vì bài đó hay chứ không phải vì thể thơ mà nó tạo ra được bài thơ hay.
Hồi nào giờ mình quen nó như vậy rồi cho nên cũng không có ý thay đổi gì. Dù sao đi nữa thì một số các nhà thơ như Ngu Yên, Khế Iêm.. họ cố gắng nỗ lực cách tân về mặt hình thức của thơ thì tôi nghĩ cũng có cái đúng, bởi vì thể thơ có vần dù sao nó cũng giới hạn, làm cho người viết không thể bộc lộ một cách đầy đủ những gì mà họ muốn viết bởi do vần cái điệu nó không chế.
Tuy nhiên thật ra trong sáng tác, cái hình thức tôi nghĩ nó đa dạng, mỗi tác giả người ta có sở trường riêng và sự đa dạng đó nó tạo nên phong phú.”

Từ trái: Nguyễn Ngọc Phong, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Nguyễn Trọng Khôi, Ðinh Cường tại nhà Phạm Cao Hoàng buổi họp mặt đêm 02/26/2011. Photo courtesy of www.khoiart.com.
Với nhà thơ Phạm Cao Hoàng, tuy thể loại không phải là điều ông quan tâm nhưng thơ tự do của ông cho thấy ông rất tinh tường khi gửi gấm những ý tưởng buông thả, ngưng tụ mọi giác quan vào thể loại thơ tuy dễ mà rất khó này. Qua bài “Bên Dòng Sông Tuổi Thơ” Phạm Cao Hoàng không những hồi tưởng về cái đã qua mà cảm giác hiện tại mới là tác nhân chính khiến ông bồi hồi lặng lẽ. Con sông vẫn là nơi mà thi sĩ nhiều thời đại đổ nỗi buồn vào đó với nhận thức rất rõ rằng sự liên hệ mật thiết của quá khứ có khả năng biến dòng sông thành một tấm lụa, căng mỏng thời gian cho thi sĩ nhìn vào đấy tìm chút hạnh phúc hiếm hoi của tung tăng niên thiếu.
Bên Dòng Sông Tuổi Thơ
chiều nay ngồi lại bên dòng sông này
tôi muốn quên đi tất cả những phiền lụy
để thấy nước kia vẫn còn xanh
và những đám lục bình
vẫn trôi trong chiều lãng đãng
tôi im lặng để chiêm ngưỡng
tiếng xào xạt tái tê của lau lách
hay tiếng sóng vỗ nhẹ bên mạn thuyền câu
đang lặng lờ trên sông nước
tôi muốn trút đi những oan khiên của một đời người
để nghe sóng réo gọi kiếp đời tôi
hãy quên đi hãy quên đi
hỡi ta của vinh danh phù phiếm
hỡi ta của cơm áo bon chen
tôi đang nghe sông hát
nhạc tiếc nuối một thời xa xưa
hãy thả trôi đi hãy thả trôi đi
những tham vọng của tuổi trẻ
những lừa đảo của cuộc đời
những ngụy tín và phản bội
hãy rửa sạch đi
bụi của ngày tháng
và rửa sạch đi
cả một quãng đời tôi
hỡi dòng sông đã tắm gội tuổi thơ tôi
chiều nay tôi muốn hát vang trên bến nước
khúc hát của kẻ trở về
giữa thiên nhiên mù mịt bóng mây
Tôi chợt thấy lòng vô cùng nhẹ nhàng
Tôi muốn chạy tung tăng
Như thuở mới lên mười
đuổi bắt những cánh bướm
nhưng khi nhìn lại dấu chân mình trên cát
mới biết rằng tuổi thơ tôi đã xa
tôi muốn trầm mình trong dòng nước
như ngày nào vứt sách vở trên bờ ao
nằm nghe nước reo vui
nhưng chiều nay sông ơi
khi nhìn bóng mình cúi xuống quá khứ
mới biết rằng đời sống đã tàn phai
đành ngậm ngùi
phơi xác mình
trên bãi vắng
Càng về chiều, con người có khuynh hướng ưu tư nhiều hơn về cuộc đời. Thi sĩ, người có nỗi buồn lớn lại bất an hơn ai hết. Nếu người bình thường sống đơn giản với cuộc đời như sự lững lờ của mây của gió, trôi đi bất cần mọi điều xảy ra với cuộc sống thì thi sĩ lại lo lắng, hồi hộp trước bất cứ thay đổi nào của thiên nhiên, tạo vật. Chiều xuống vàng một luống tranh cũng làm chàng buồn. Trưa hè vắng tiếng ve kêu cũng khiến chàng nhấp nhổm tự hỏi mùa hạ sao lại chóng qua….những tự hỏi đầy ắp ấy khiến thơ bật ra, và nỗi buồn cũng không thể nằm yên.
Đời như một khúc nhạc buồn
Em có tóc bay giữa trời tháng chạp
Nên ta buồn mỗi lúc mưa tuôn
Cũng như buổi mưa về lướt thướt
Ta nghe hồn rớt giữa vô tăm
Và chút lúm đồng tiền trên má
Xui đời ta điên đảo mấy năm
Em có chân chim dẫm trên cỏ ướt
Nên hồn ta vỡ mỗi mùa đông
Em đã xa như chim biền biệt
Như âm vang mưa trải đến vô bờ
Ta ôm trái sầu ta vừa chín
đập tan tành trên những lối mưa xưa
“Theo chủ quan của tôi thì số người đọc thơ ở hải ngoại không có nhiều. Thơ là một cái gì đó nó kén người đọc nhưng so với trước đây thì có thể nói trước năm 75 thì thơ được nhiều sinh viên, học sinh, trí thức và những người yêu thi ca người ta đọc khá nhiều. Sau này thì giới đọc thơ không nhiều như hồi trước. Có lẽ do sự thay đổi cuộc sống, tốc độ của cuộc sống rồi những khó khăn trong đời sống khi người ta sống ở nước ngoài phải giải quyết vấn đề mưu sinh cho nên phần dành cho thi ca không còn nữa.”
Chúng ta vừa nghe những lời tâm sự của nhà thơ Phạm Cao Hoàng nhận xét về người đọc thơ hôm nay, trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều thi sĩ tiếp tục làm thơ, tiếp tục căng hồn ra trong những sáng tinh sương, hoặc để ngợi ca thiên nhiên, trời đất hoặc than thở cho nỗi bất hạnh của mình, của người.
Dù cách nào thì thơ cũng là ân sủng của thượng đế ban cho thi sĩ. Chàng khó thể đánh đổi thi ca để nhận lấy những phù phiếm mà cuộc đời thường chiêu dụ. Thi sĩ không chạy đua với đời, chàng chạy đua với quả tim mình để dỗ dành nó, vuốt ve nó sau những lần rạn vỡ.

No comments:

Post a Comment