Sunday, December 11, 2011

CÒN THƯƠNG NẾP LỤA TÂN CHÂU

CÒN THƯƠNG NẾP LỤA TÂN CHÂU
Posted on Tháng Tư 13, 2008 by secon
Lãnh Mỹ A có độ bền tốt, có độ láng mịn, hút ẩm và luôn thoáng mát, đặc biệt, mặc càng lâu càng óng ả, đã khiến nhiều dân sành lụa mê mẩn tìm đến tận nơi mua về, dù một chỉ vàng chỉ mua được vài mét vải.
Từ bao đời nay, vùng đất Tân Châu (tỉnh An Giang) đã nổi danh với làng nghề truyền thống dệt lụa. Lụa Tân Châu có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, độ bền lâu, mát mịn và quý phái… nên không ít phụ nữ thời bấy giờ mơ ước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại vải trên thị trường, rồi chuyện khan hiếm nguyên liệu, khó tìm đầu ra cho lụa… đã đẩy làng nghề độc nhất vô nhị này có nguy cơ mai một.
Huyền thoại một làng lụa xưa
Theo những chuyến xe đò về miền Tây, chúng tôi tìm đến ấp Hưng Long, huyện Tân Châu khi cái nắng bắt đầu phủ gắt khắp các triền sông, bãi bồi miệt thứ. Đây là thời điểm lý tưởng để người làm lụa thực hiện các công đoạn quay tơ, dệt, nhuộm, đập… Thế nhưng, trái với tâm trạng háo hức nghe tiếng khung cửi rầm rập, đường hương lộ 2 dẫn về xứ lụa sôi động một thời, giờ đây có khá nhiều hàng quán chen chúc, như mạch chảy vô tình của phố thị phồn hoa.
Nhiều bậc cao niên kể lại, những năm đầu thế kỷ XX, nơi đây có rất nhiều cơ sở sản xuất lụa. Từ biên giới Campuchia đến Tân Châu, Tân An, Phú Lâm… đâu đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh của dâu tằm và âm thanh của các loại khung dệt, rộn rã từ sáng sớm đến tối mịt. Trên bến dưới thuyền, lúc nào cũng có thương lái khắp nơi tìm đến mua lụa Tân Châu. Lụa Tân Châu bấy giờ rất được giá và được ưa chuộng trên các thị trường Campuchia, Sài Gòn, miền Trung và cả ở Pháp… Làng nghề hưng thịnh, đời sống người thợ dệt sung túc thấy rõ, diện tích trồng dâu cũng mở rộng. Nếu như, 30 năm đầu của thế kỷ XX, toàn huyện chỉ có chưa tới 2.000ha trồng dâu thì đến năm 1936 dâu đã phủ xanh hơn 10.000ha dọc theo những làng ven sông Tiền. Màu xanh của dâu phủ đến đâu thì những cánh rừng mặc nưa ( loại cây dùng làm màu nhuộm lụa Tân Châu) cũng mọc lên đến đó.
Chưa dừng lại ở đó, người Tân Châu còn tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ngày một cao của thị trường. Nhu cầu của khách hàng đã được đáp ứng bằng một loại sản phẩm “vô tiền khoáng hậu” tên lãnh Mỹ A những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Lãnh Mỹ A có độ bền tốt, có độ láng mịn, hút ẩm và luôn thoáng mát, đặc biệt, mặc càng lâu càng óng ả, đã khiến nhiều dân sành lụa mê mẩn tìm đến tận nơi mua về, dù một chỉ vàng chỉ mua được vài mét vải.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế của nghề này, huyện Tân Châu lúc bấy giờ đã thành lập Công ty tơ lụa (năm 1987). Nhưng chỉ hai năm sau nhiều loại vải giá rẻ, quần áo may sẵn mẫu mã phong phú tràn ngập thị trường đã khiến lụa Tân Châu mất dần tính cạnh tranh và chìm hẳn, các Công ty tơ lụa cũng giải thể. Nhiều hộ gia đình đốn dâu trồng lúa, trồng hoa màu. Làng lụa xơ xác, khung cửi lặng im…
Người giữ hồn cho lụa trăm năm
Trong khi lụa Tân Châu khốn đốn và hàng loạt người bỏ cửi, phá dâu thì có một nghệ nhân già vẫn âm thầm dệt lụa rồi đôn đáo tìm nơi tiêu thụ. Đó là ông Nguyễn Văn Phong, bà con ở đây thường gọi thân mật là ông Tám Lăng. Ông Tám là người duy nhất còn làm nghề lụa ở Tân Châu. “Tôi đã sống cả đời với nghề dệt lụa nên không khỏi chạnh lòng khi thấy lụa gặp khó khăn. Tôi chịu vất vả, chịu lỗ với lụa chỉ với ước mơ khôi phục lại làng nghề cho con cháu”, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Tám Lăng tâm sự.
Xuất thân làm ruộng ở vùng quê nghèo khó, ông Tám kiếm sống bằng nghề bán trái mặc nưa cho thợ nhuộm. Những tấm lụa nguyên sơ, mát đẹp, tự bao giờ đã sớm gieo vào ông tình yêu với nghề. Thời của ông là đỉnh cao của làng nghề dệt lụa Tân Châu, gia đình ông đổi đời cũng nhờ lãnh Mỹ A và Cẩm Tự. Khi lụa lâm cảnh khó, mỗi năm ông chỉ sản xuất cầm chừng từ 2.000 – 4.000m mà cũng khó tìm nơi tiêu thụ. Để có tơ đẹp, ông Tám Lăng phải đặt hàng tận Lâm Đồng. Ông nói: “Mỗi cây lụa, tiền trả lương thợ mất 150.000đ. Giá tơ tằm mấy tháng trước chỉ 330.000đ/kg, thời điểm này giá tơ đã lên 470.000đ/kg mà tơ cũng không nhiều. Nguyên nhân là do các thương lái Trung Quốc mua nhiều tơ và đẩy giá lên. Thông thường 1,6 kg tơ sẽ dệt được một cây lụa, giá bán chỉ 85.000đ/m, trả lương thợ là chỉ… đủ vốn”.
Chưa dứt một tuần trà, bao nỗi niềm chất chứa bấy lâu trong ông lại có dịp quay về. Ông kể, đã bao lần ông muốn đoạn tuyệt với lụa để tìm kế khác sinh nhai. Rồi người mẹ rất mực yêu quý của ông qua đời, trước khi ra đi, bà muốn con trai tự tay dệt bộ quần áo cho bà mặc khi an táng. Lụa lại về trong giấc ông mơ.
Hành trình đưa lụa qua bể dâu
Giữa lúc ông Tám đang bế tắc với lãnh Mỹ A, Cẩm Tự truyền thống thì đầu năm 2003, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai út của ông bỏ nghề lái xe quay về phụ cha dệt lụa. Để hoàn thành một cây lụa phải mất hơn 3 tháng với nhiều công đoạn phức tạp, thế nhưng, Trí vẫn kiên trì theo cha. Thấy trái mặc nưa chỉ cho màu đen trên lụa và chưa có loại cây nào có thể cho màu khác phong phú hơn, Trí bỏ công lặn lội khắp mọi miền. Có lúc, anh lên Tây Nguyên, qua Campuchia… khi lại rong ruổi khắp vùng ĐBSCL để tìm màu cho lụa. Không nhiều vốn hiểu biết về cây cỏ, Trí chọn cách thử… tất cả. Đến giờ, Trí không sao nhớ nổi đã thử nghiệm bao nhiêu lần và bao nhiêu loại cây.
Những sản phẩm được khoác lên màu sắc mới như một sự đền đáp xứng đáng cho những ngày tháng âm thầm của Trí. Đến nay, lụa Tân Châu của anh đã có đến 7 màu: đồng, vàng, chàm, hồng phấn… “Hồi mới tạo màu trên lụa, tôi mang đi chào hàng nhiều người không dám mua vì nghĩ rằng lụa Tân Châu giả hoặc nhuộm bằng hóa chất. Mình phải thuyết phục và bảo lãnh, người ta mới chịu mua đó”, Trí cười xởi lởi. Cùng với chính sách phát triển du lịch của An Giang, lụa Tân Châu nhiều màu của Trí đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và bắt đầu thu hút du khách nước ngoài. Không chịu dừng lại ở đó, Trí “khoe” vừa thành công với màu thứ 8 cho lụa: màu xanh.
Lụa Tân Châu đang trở lại thị trường trong và ngoài nước sau thành công từ những bộ thời trang của nhà thiết kế Võ Việt Chung, với chất liệu chính là lãnh Mỹ A, Cẩm Tự. Bên cạnh đó, thành công của Liên hoan Du lịch ĐBSCL những năm gần đây và chủ trương kết hợp du lịch với làng nghề truyền thống của An Giang sẽ là động lực để vực dậy một làng nghề trứ danh. Mai này, lụa Tân Châu sẽ lại thướt tha khắp mọi miền và những người con Tân Châu xa xứ cũng thôi ngậm ngùi còn thương nếp lụa… (theo SGGP)
KHÔ RẮN
Posted on Tháng Tư 14, 2008 by secon
Mùa nước nổi cũng là lúc tôm cá, rùa rắn theo con nước đục tràn về sông rạch miền Tây tìm đồng cỏ, gò rậm nương náu. Cùng với tôm cá, rắn là món ăn dân dã của người dân miền sông nước, rắn có thể chế biến thành nhiều món ăn giá cả bình dân như cháo rắn, rắn nướng, lẩu rắn… Thịt rắn ăn mát bụng, trị bệnh nhức mỏi. Người dân Châu Đốc, An Giang lại bổ sung thêm cách chế biến khác – khô rắn.
Làm khô rắn trước hết phải lóc bỏ da và xương, lấy phần thịt. Những con rắn sau khi bị hóa kiếp người ta trộn thịt chung theo tỷ lệ thích hợp, rắn bông súng, rắn nước được xẻ thịt banh ra bằng khoảng 1 ngón tay cái, ướp thêm ít muối bọt, thêm vài nguyên liệu riêng. Sau đó quết nhuyễn thịt rắn đem phơi vài nắng là xong. Khô rắn có màu vàng nhạt giống như màu cá lưỡi trâu chiên nên khối người vẫn lầm khô rắn là cá chiên. Khô rắn bán nhiều ở các chợ Châu Đốc, chợ Núi Sam, chợ Vĩnh Ngươn, chợ An Phú…
Khô rắn nướng có mùi thơm, bẻ nhỏ từng miếng chấm nước mắm me, hay cắt từng lát cho vào nồi lẩu sôi hoặc trộn gỏi ăn không thua gì hương vị khô cá đồng.

VỊ ĐẮNG SẦU ĐÂU
Posted on Tháng Tư 12, 2008 by secon

Em ơi, râu tôm nấu với ruột bầu
Thương em nên lá sầu đâu đắng hoài…
Hồi nhỏ, mỗi lần nghe bà ngoại ru em tôi ngủ bằng câu ca dao biến dị lạ lẫm này, tôi cứ bần thần mãi vì không tìm ra lời đáp cho câu hỏi vì sao. Bởi cho tới lúc đó, tôi chưa hề một lần biết đến vị đắng của lá sầu đâu, chỉ biết công dụng duy nhất của nó là trị mạt khi má tôi biểu chạy ra bờ mương hái một túm lá sầu đâu về trải ổ gà. Vậy rồi lớn lên, đi xa quê tôi mang theo nỗi ấm ức không nguôi trong lòng về câu hát có giọng buồn khắc khoải kia.

Sầu đâu là thứ lá nhỏ, mỏng, mọc đối xứng qua cuống của một loại cây thân gỗ cao to, cùng họ với xoan. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch thì sầu đâu cho đọt lá và những chùm bông nhỏ li ti như hột é. Người ta hái cả lá lẫn bông bó từng bó nhỏ (ảnh) đem bán ngoài chợ. Thế là người dân địa phương lại được thưởng thức loại lá có vị độc đáo và hấp dẫn này.
Ăn sầu đâu đơn giản nhất là chấm nước cá hoặc nước thịt. Xôm tụ hơn thì trộn với khô cá sặc hoặc khô cá lóc nướng xé nhỏ cùng một ít dưa leo, cà chua xắt mỏng, trộn và chấm nước mắm me. Nhưng khó quên nhất là khi bạn được thưởng thức gỏi sầu đâu.
Cũng như bao món gỏi khác của nước ta, món này được chế biến khá công phu. Cá lóc nướng trui bằng rơm mới cho thơm, rỉa bỏ xương. Thịt ba rọi luộc chín tới, xắt sợi. Tôm thẻ luộc (nếu là tôm càng xanh nướng xé nhỏ càng ngon) lột vỏ, bỏ đầu. Khô cá sặc nướng than đước, xé nhỏ. Tất cả (ngoại trừ cá lóc) trộn đều với dưa leo, cà chua xắt mỏng, me chín, xoài sống bằm sợi, nêm nước mắm nhĩ, đường, bột ngọt vừa ăn, để 5 phút cho thấm. Sau đó cho thịt cá lóc, rau thơm cùng ớt xắt lát lên mặt là xong. Thế nhưng gỏi sầu đâu dù có được làm công phu thế nào mà nước chấm pha chế không đúng cách cũng giảm đi giá trị. Nước chấm ngon là tuyệt đối không dùng chanh, chỉ sử dụng me. Chính chén nước chấm này giúp người ta thưởng thức hết cái hương vị đậm đà của gỏi. Gỏi sầu đâu có thể dùng để ăn cơm, nhưng đãi khách với chai rượu nếp rặt thì chẳng còn gì để nói! Người ta cũng có thể thưởng thức sầu đâu với cá trèn xông khói. Vị đắng của sầu đâu làm cho vị cá khô thêm ngọt.
Hồi nhỏ nghe câu hát của ngoại, tôi nào có biết vị đắng của lá sầu đâu. Ăn canh khổ qua hầm thì chỉ toàn moi ruột, còn vỏ để bà ăn. Rau đắng thì đừng hòng ngó tới. Khi lớn lên, đi cùng trời cuối đất, rồi lần đầu tiên nếm thử vị đắng của tình yêu, tôi chợt nhớ lại lời ca thuở ấy. Tôi mới đi tìm chiếc lá sầu đâu…
Lá Sầu Đâu



thơ: Ngô Thy Vân
Lá sầu đâu đổi màu
Anh ơi mùa thu tới
Man mác gởi niềm đau
Em như loài chim nhỏ
Em như loài chim nhỏ bé
Lạc giữa chốn rừng sâu
Tìm đâu? Tìm đâu?
Tìm đâu làn hơi ấm
Nồng nàn bên nhau
Nay ta từng tay với
Ngậm ngùi chia phôi
Em sống đời nổi trôi
Biết về đâu anh ơi
Còn tháng năm dài nhung nhớ
Đường lối xưa em về
Sân trường chiều im vắng
buồn tái tê
Lá sầu đâu đổi màu
Em như chiều mây tím
Trong gió bạt ngàn bay
Lá sầu đâu đổi màu
Sao mình mãi xa nhau.

No comments:

Post a Comment