Saturday, December 10, 2011

Tác phẩm "Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ" được dịch sang tiếng Thái Lan

Tác phẩm "Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ" được dịch sang tiếng Thái Lan
Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2011-08-25
Thêm một tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng Thái và được giới thiệu với độc giả Thái Lan hôm thứ Ba vừa qua. Đó là tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giải Văn Học ASEAN 2010.

RFA
Ấn bản tiếng Thái của tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ trưng bày ở bộ ngoại giao Thái Lan.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay không có ý định phê bình hay điểm sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, mà chỉ đơn thuần nói về một tác phẩm dịch thuật từ tiếng Việt sang tiếng Thái Lan.
Một góc nhìn khác về cuộc sống
Như vậy, sau quyển sách đầu tiên, Nhật Ký Đặng Thủy Trâm, được tiến sĩ Montira Rato chuyển sang Thái ngữ, đến lúc này Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của dịch giả Montira Rato là tác phẩm thứ hai của người Việt góp mặt trong giòng văn chương dịch thuật của đất nước Chùa Vàng:
Được hỏi tại sao bà quyết định chuyển ngữ tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ ra tiếng Thái, tiến sĩ Montira Rato, giảng viên môn Việt ngữ đại học Chulalongkorn, giải thích:
Tôi dạy tiếng Việt, văn học Việt Nam và văn hóa Việt Nam cho các sinh viên Thái. Tôi đã dịch cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ ra tiếng Thái. Lý do thứ nhất là vì tối biết ở Việt Nam cuốn sách này được nhiều độc giả yêu mến, nhất là độc giả trẻ.
Thứ hai vì năm trước, năm 2010, cuốn sách này được giải thưởng ASEAN SEA Write Award, trước đây cũng có nhiều cuốn sách của Việt Nam được giải thưởng ASEAN hay giải thưởng SEA Vrite, nhưng những tác phẩm đó đa số có nội dung về chiến tranh là chính, còn tôi thấy cuốn sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ là một bước đi rất hay khi mình tìm hiểu về xã hội Việt Nam.
nhưng những tác phẩm đó đa số có nội dung về chiến tranh là chính, còn tôi thấy cuốn sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ là một bước đi rất hay khi mình tìm hiểu về xã hội Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ. RFA
Điểm quan trọng hơn nữa, tiến sĩ Montira Rato trình bày tiếp, là có rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ mà các em nhỏ, các thanh niên hoặc nói chung người trẻ Thái Lan cũng có thể đồng cảm và chia sẻ được:
Dù sao thì bây giờ mình đã là người lớn, cũng có thể mình không thích những chi tiết như vậy, nhưng khi đọc lại vẫn có thể cảm thấy như mình trở lại với tuổi thơ của mình và mình cũng có thể hiểu hơn là có lúc mình đã lãng quên cái cảm giác như vậy rồi, cái cảm giác trở về tuổi thơ của mình.
Hôm thứ Ba vừa qua, Thái Lan kỷ niệm ba mươi năm quan hệ và hợp tác với Việt Nam bằng một buổi hội thảo về thương mại và đầu tư tại Bộ Ngoại Giao Thái Lan, Tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ bằng tiếng Thái đã được trình bày như một sinh hoạt giao lưu văn hóa nhân dịp này. Tại buổi ra mắt sách, tiến sĩ Montira Rato là người giới thiệu và thông dịch ra tiếng Thái những lời trình bày của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.
Tự hào mình là một trong rất ít người đầu tiên đã đọc cuốn Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ bằng tiếng Thái, cô Emme Achara, của nhà xuất bản sách Nameebooks , cho biết cô lấy làm thích thú khi đọc và nghĩ rằng Nameebooks có lý khi nhận phát hành cuốn sách:
Vì nó phản chiếu lại thế giới kỳ diệu của tuổi thơ và trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, những điều mà người lớn không bao giờ biết tới hay không bao giờ nghĩ đến, đó là đời sống thật của trẻ em, nơi có mọi điều tốt lành mà chúng ta cần học hỏi.
Người thứ hai, một độc giả của Nameebooks, bà Pornwadee Meesuk:
Tôi mong mọi tầng lớp độc giả ở Thái Lan có cơ hội làm quen với tập truyện thú vị này. Cuốn sách không chỉ làm chúng ta nuối tiếc thưở ấu thời còn níu kéo ta về với những ngày thơ dại ấy.
bà Pornwadee Meesuk
Tôi nghĩ người Thái Lan khi đọc tập truyện này sẽ cảm thấy vui và tức cười từ đầu đến cuối mà không hề khó chịu vì những ý tưởng ngộ nghĩnh trong thế giới tuổi thơ ấy đâu. Tôi mong mọi tầng lớp độc giả ở Thái Lan có cơ hội làm quen với tập truyện thú vị này. Cuốn sách không chỉ làm chúng ta nuối tiếc thưở ấu thời còn níu kéo ta về với những ngày thơ dại ấy.
Trong vài phút trao đổi với Thanh Trúc trước khi đến nhà xuất bản Nameebooks để dự buổi tiếp tân đồng thời trả lời câu hỏi của báo chí Thái Lan, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một cây viết với trên trăm tác phẩm về tuổi thơ, trong đó có tập truyện Kính Vạn Hoa đã được chuyển thể thành phim truyền hình hai mươi tám tập ở Việt Nam:
Giải văn học ASEAN là một giải thưởng hàng năm do hoàng gia Thái Lan tổ chức, trao giải cho các nhà văn của từng nước trong khối ASEAN. Năm 2009 thì tác phẩm của tôi được Việt Nam đề xuất tham dự giải này. Trong lần sang Thái Lan năm ngoái để nhận giải thì tôi có tặng cho tiến sĩ Montira Rato một cuốn. Sau khi đọc, tiến sĩ Montara Rato nói là rất thích và xin được dịch sang tiếng Thái Lan. Lúc đó tôi mới biết tiến sĩ

Tiến sĩ Montira Rato, giảng viên môn Việt ngữ đại học Chulalongkorn người dịch cuốn sách Cho Tôi Một Vé Đi Tuổi Thơ sang tiếng Thái Lan. RFA
Montira Rato là người đã phiên dịch cuốn Nhật Ký Đặng Thủy Trâm sang tiếng Thái Lan.
Một thông điệp gởi cho người lớn
Nhưng trên bìa sau của cuốn sách Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, đã tái bản lần thứ hai mươi ba ở trong nước, người ta đọc thấy hàng chữ Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em. Về điều này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thổ lộ:
Cuốn Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ này khác với những cuốn viết về trẻ thơ của tôi trước đây ở chỗ là viết về thời thơ ấu không chỉ qua cái nhìn của một em bé mà qua cái nhìn của một người lớn tuổi nhìn lại thời thơ ấu của mình. Tức là viết về tuổi thơ nhưng ở hai góc độ vừa là trẻ con vừa là người lớn.
Cuốn sách này giống một thông điệp gởi cho người lớn, cho các bậc phụ Huynh. Đừng quên rằng chúng ta từng có một thời là trẻ con. Trẻ con bây giờ, là con cái chúng ta, vấp phải khuyết điểm này những thói tật nọ. Chúng ta nghiêm khắc rầy la lên án, chúng ta không hiểu, chúng ta nói đây là khoảng cách giữa hai thế hệ… mà chúng ta quên mất rằng khi còn là đứa trẻ như con cái mình thì chúng ta cũng mắc phải những khuyết điểm những thói tật y như vậy. Khi đã là người lớn chúng ta quên mất. Cuốn sách này được soi rọi dưới ánh sáng vừa là người lớn và là đưa trẻ con nhìn vào cái tuổi thơ của mình.
Chúng ta nghiêm khắc rầy la lên án, chúng ta không hiểu, chúng ta nói đây là khoảng cách giữa hai thế hệ… mà chúng ta quên mất rằng khi còn là đứa trẻ như con cái mình thì chúng ta cũng mắc phải những khuyết điểm những thói tật y như vậy
Với mười hai chương và với lối hành văn sinh động, dí dỏm, từ Bố Mẹ Tuyệt Vời, Đặt Tên Cho Thế Giới, Và Tôi Đã Chìm, rồi thì Buồn Ơi Là Sầu, Trang Trại Chó Hoang, rốt lại với Cuối Cùng Là Chuyến Tàu Không Có Người Soát Vé, tập truyện ngắn Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ mời gọi người đọc lên chuyến tàu khứ hồi về thế giới tuổi thơ với Cu Mùi, Tủn, Hảỉ Cò, Tí Sún, để thấm thía với những cảm nghĩ thật hồn nhiên , thật chân thành mà cũng rất ư là hóm hỉnh của con trẻ khi nhìn cuộc sống, nhìn vào thế giới của người lớn, rồi có thể sẽ hiểu ra thế giới trẻ con là thế nào, có thể sẽ bao dung sẽ thương yêu nhau hơn như tác giả mong ước:
Cuốn này nhằm lấy lại sự công bằng cho trẻ em và để người lớn nhìn trẻ em bằng ánh mắt thông cảm hơn, và như vậy thì cái giáo dục của mình nó sẽ nhuần nhuyễn hơn dịu dàng hơn và có hiệu quả hơn.
Có tất cả mười hai chương, mỗi chương đặt ra một vấn đề thú vị riêng. Chẳng hạn như chương Đặt Tên Cho Thế Giới, bọn trẻ thấy cuộc sống đơn điệu quá, muốn làm cho mới mẻ nên thay vì cuốn tập thì gọi là cái giếng, tivi là cái quạt máy, gọi môn tập đọc là môn lịch sử. Đại khái nó đặt tên lại thế giới để cảm thấy cuộc sống giàu có hơn, mới mẻ tinh khôi như trái đất được sinh ra một lần nữa. Trò chơi đó của bọn trẻ thì người lớn không thể nào hiểu được, kêu nó đi lấy cái này thì nó đi lấy cái khác vì đối với nó tên đã thay đổi rồi, người lớn nhìn vô không hiểu nỗi và không biết đó là trò chơi rất thí vị rất giàu trì tưởng tượng của trẻ em.
Hay chẳng hạn có một chương mà trẻ em lập phiên tòa xử bố mẹ. Nó kêu tại sao mình bị một cái lỗi bé tí thì bị đòn, còn bố mình say xỉn từ ngày này sang ngày khác, bị tai nạn xe cộ là vì say xỉn, xém chết bỏ lại vợ con không ai nuôi, cái tội đó rất lớn mà tại sao bố lại không bị đòn. Mẹ mình cũng hay bỏ quên chìa khóa tủ chìa khóa nhà cũng không bị đòn mà mình quên tí thì bị đòn. Tụi trẻ ngồi với nhau, mỗi đứa kể hoàn cảnh của mình và đứa nào cũng thấy té ra bố mẹ mình phạm lỗi nhiều hơn mình gấp bao nhiêu lần mà không hề bị đòn bị gì hết. Thế là tụi nó lập một phiên tòa và bắt đầu kể tội bố mẹ.
tại sao mình bị một cái lỗi bé tí thì bị đòn, còn bố mình say xỉn từ ngày này sang ngày khác, bị tai nạn xe cộ là vì say xỉn, xém chết bỏ lại vợ con không ai nuôi, cái tội đó rất lớn mà tại sao bố lại không bị đòn.
Cái này nếu người lớn xem thì sẽ cho là trẻ con quá hỗn hào, tại sao dám lập phiên tòa xử bố mẹ. Thực ra người lớn trong truyện này mới nhìn lại mới nói rằng dù không lập một phiên tòa thì trẻ con khi nhìn bố mẹ bao giờ nó cũng có một phiên tòa trong lòng hết, nó vẫn biết thế nào là sai mà không nói ra thôi. Thành ra người lớn phán xét trẻ em như thế nào thì trẻ em cũng phán xét người lớn y như vậy.
Với một tác phẩm, tuy nói về trẻ thơ nhưng khiến cho người lớn phải suy gẫm, tác giả mong gì ở sự đồng cảm khi sách được dịch sang tiếng Thái Lan, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hướng chủ đề đi xa hơn:
Tôi cũng muốn qua đây để coi thử có thể bắt gặp sự đồng cảm trong lối sống trong tâm hồn giữa người Việt Nam và người Thái Lan hay không. Theo tôi người Việt và người Thái có nhiều điều gần nhau, kể cả về cách sống kể cả về ẩm thực kể cả nhiều mặt khác.
Tôi cũng muốn qua đây để coi thử có thể bắt gặp sự đồng cảm trong lối sống trong tâm hồn giữa người Việt Nam và người Thái Lan hay không. Theo tôi người Việt và người Thái có nhiều điều gần nhau, kể cả về cách sống kể cả về ẩm thực kể cả nhiều mặt khác.
Nhưng mà trong tâm hồn, tình cảm, niềm vui, nổi buồn có gần nhau hay không chỉ có văn chương mới là chiếc cầu nối hiệu quả được. Tôi nghĩ cuốn này sẽ góp một phần nhỏ vào chuyện đó.
Đối với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chuyện ngoại giao giữa hai nước là chuyện của hai chính phủ, thậm chí giũa hai tổ chức hai đoàn thể thuộc hai chính phủ:
Còn giao lưu trên lãnh vực nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn chương là cái giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Thái Lan, chuyện cực kỳ quan trọng để một dân tộc này có thể hiểu một dân tộc khác, đất nước này có thể hiểu một đất nước khác. Tôi cho đó là nhiệm vụ của nghệ thuật của văn chương. Hồi bé tôi đọc sách, chưa từng đặt chân đến Pháp mà đọc Victor Hugo tự nhiên thấy yêu nước Pháp, đọc Mark Twain tự nhiên thấy yêu nước Mỹ, đọc Pushkin , Gogol cảm thấy yêu mến nước Nga. Văn chương giúp mình khám phá một vùng đất, thấu hiểu một quốc gia, cảm mến một dân tộc. Đó là con đường để một dân tộc này đến với một dân tôc khác một cách thân thiện.
Hiện tại, Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ đang được nhà xuất bản Dasan Books của Hàn Quốc dịch sang tiếng Tiều Tiên. Bản anh ngữ của tác phẩm cũng đang được nhà sách Hannacroix Creek của Hoa Kỳ nhận phần ấn loát và phát hành.
Và để tạm ngừng chuyến tàu đi về quá khứ trong tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ, Thanh Trúc mạn phép trích đọc một đoạn trong phần cuối cuốn sách của nhà văn Nguyển Nhật Ánh:
Bạn có thể trở về thăm thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong giòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách kỳ diệu…
Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ khép lại với lời nhắn nhủ sau cuối của tác giả khi ngồi cặm cụi gõ cuốn sách này:
Vì vậy, để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn…
Đó là câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay, tác phẩm Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đến với người đọc Thái Lan qua ngôn ngữ của xứ Thái.
Thanh Trúc kính chào tạm biệt. Xin hẹn lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments:

Post a Comment