Saturday, December 10, 2011

Chuyen Nuoc My

SO TÀI DÀNH CƠ HỘI TẠO DỰNG GIẤC MƠ
Tạ Ðức Trí
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có ước mơ thành đạt, nhưng không phải ai cũng có được cơ hội và điều kiện để biến ước mơ thành sự thật. Cơ hội có thể đến tự nhiên, nhưng nhiều người cũng tự tạo cơ hội cho mình, điển hình là tại Hoa Kỳ, đã có không ít người tranh giành cơ hội tạo dựng giấc mơ bằng cách so tài trong các chương trình truyền hình sống thực, Reality Shows.
Vào những năm gần đây, các chương trình truyền hình sống thực thuộc dạng tranh tài thường có cấu trúc giống nhau. Khởi đầu của cuộc tranh tài là một nhóm thí sinh sống chung tại một địa điểm, mỗi tuần sau những thử thách đa dạng và cam go, một hoặc hai người sẽ bị loại để cuối cùng chỉ còn lại vài người tranh tài lần cuối hòng chọn ra người thắng chung cuộc. Giải thưởng thường rất lớn, ngoài hiện vật và hiện kim, còn có cơ hội được huấn luyện tay nghề và được giới thiệu trên những tờ báo nổi tiếng. Bên cạnh đó, các cuộc thử thách hàng tuần cũng có nhiều giải thưởng giá trị, nên các thí sinh dù không thể tranh tài ở vòng cuối cùng vẫn có cơ hội thắng những giải nhỏ hàng tuần.
Là người thắng giải trong các chương trình sống thực kiểu này có thể nói là một kinh nghiệm đổi đời cho rất nhiều thí sinh. Chỉ sau vài tuần, họ bỗng chốc trở thành người nổi tiếng với biết bao cơ hội tăng tiến sự nghiệp mở ra trước mắt. Ngay cả chỉ cần góp mặt trong chương trình truyền hình, nhất là những thí sinh bị loại ở đoạn cuối, cũng đủ làm cho nhiều thí sinh trở thành nổi tiếng và tìm được cơ hội thành đạt. Ngoài ra, cuộc thi còn cho các thí sinh cơ hội gặp gỡ và làm việc với những người nổi tiếng. Chính vì vậy mà mỗi khi các chương trình truyền hình sống thực này loan báo tuyển thí sinh, hàng ngàn người từ khắp nơi trên nước Mỹ và thuộc mọi thành phần trong xã hội sẽ tranh nhau nộp đơn.
America's Next Top Model (ANTM) là một trong những chương trình truyền hình sống thực thành công nhất hiện nay. Bắt đầu năm 2003, ANTM đã trải qua mười kỳ thi và đang tuyển chọn thí sinh trên toàn quốc cho kỳ thứ mười hai. Cuộc thi người mẫu này được hình thành bởi cựu siêu mẫu Tyra Banks và cô cũng là một trong những giám khảo chính. Cuộc thi bắt đầu với 13 thí sinh. Mỗi tuần các thí sinh được tìm hiểu về ngành người mẫu, tham dự các lớp huấn luyện, và có một buổi chụp hình. Sau đó các thì sinh sẽ gặp giám khảo và được bình chọn dựa trên hình chụp cũng như sự biểu hiện trong tuần, và một thí sinh sẽ bị loại. Vào khoảng giữa cuộc thi, các thí sinh sẽ được đến một quốc gia thứ hai để tiếp tục tranh tài. Khi chỉ còn lại hai người cuối cùng, họ sẽ được tham dự một buổi trình diễn thời trang cùng với những người mẫu nổi tiếng, và một người sẽ được chọn là America's Next Top Model. Người thắng giải sẽ nhận được 100,000 Mỹ kim, được một công ty người mẫu hàng đầu thế giới làm đại diện trong vòng một năm, được 6 trang hình và trang bìa trên một tờ báo thời trang nổi tiếng chụp bởi một nhiếp ảnh gia cũng nổi tiếng, và hợp đồng quảng cáo một năm với công ty mỹ phẩm Cover Girl. Sự thành công của ANTM đã dẫn đến sự hình thành của các cuộc thi người mẫu tượng tự tại trên 30 quốc gia từ Anh, Pháp, Ý, Nga và rất nhiều các nước Âu Châu khác, cho đến Úc, Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan, Do Thái, v.v. Với thành công của ANTM, một vài cuộc thi dành cho người mẫu khác cũng đã được hình thành, như cuộc thi cho cả người mẫu nam lẫn nữ và cuộc thi cho những người mẫu trên 35 tuổi.
Project Runway là một chương trình tranh tài nổi tiếng khác dành cho các nhà thiết kế thời trang, bắt đầu từ năm 2004, đến nay đã được bốn kỳ, cũng với một siêu người mẫu là Heidi Klum làm giám khảo chính. Cuộc thi bắt đầu với khoảng 16 thí sinh, mỗi tuần các thí sinh phải so tài thiết kế thời trang qua những đề tài rất đa dạng, từ thiết kế trang phục cho người nổi tiếng, thiết kế đồng phục hay trang phục trình diễn, đến tạo mẫu từ chất liệu đặc biệt như trong tiệm hoa hay tiệm kẹo. Ba hoặc bốn thí sinh cuối cùng sẽ có vài tháng để thực hiện bộ sưu tập tâm huyết của mình gồm 12 kiểu đặc sắc nhất và sẽ cho trình làng trong tuần lễ thời trang tại New York. Người thắng giải sẽ được nhận 100,000 Mỹ kim để khởi đầu sự nghiệp, được một công ty thời trang nổi tiếng huấn luyện, được giới thiệu kiểu mẫu của mình trong một tờ báo thời trang nổi tiếng, và được một chiếc xe đời mới. Ðiều đặc biệt của cuộc thi này là trong kỳ Project Runway lần hai, người thắng cuộc là một người Việt Nam có vóc dáng nhỏ bé, khá ít nói nhưng không kém phần cương quyết trong những lúc cần thiết. Ðó là Chloe Ðào, một nhà thiết kế thời trang sinh sống tại tiểu bang Texas.
Bước sang một lãnh vực khác không liên quan đến thời trang, cuộc thi Top Chef cũng hào hứng không kém. Chương trình truyền hình này bắt đầu vào năm 2006 cũng với một người mẫu nổi tiếng là Padma Lakshmi làm giám khảo chính. Các thí sinh trong cuộc thi này phải liên tục đối diện với những thử thách trong nhà bếp, có khi là từng cá nhân và cũng có khi phải làm việc chung từng cặp hay từng nhóm. Ðề tài thử thách rất đa dạng, từ tạo các món ăn bổ dưỡng cho học sinh, món ăn nhanh, món ăn đông lạnh, đến thực đơn đám cưới, thực đơn các món ăn chơi, xe thức ăn dã chiến, v.v. Hai hoặc ba người cuối cùng sẽ phải trổ hết tài nghệ sao có thể làm hài lòng những tay đầu bếp trứ danh nổi tiếng thế giới để đoạt được danh hiệu "Top Chef". Tương tự như hai cuộc thi kể trên, người thắng giải Top Chef được nhận 100,000 Mỹ kim, được giới thiệu trong tạp chí Food & Wine, một giàn bếp tối tân, và nhiều giải khác thay đổi mỗi kỳ. Người thắng giải Top Chef kỳ thứ ba cũng là một người Việt Nam rất trẻ và năng động tên là Hưng Huỳnh, một phó bếp tại Las Vegas trước khi trở thành Top Chef.
Nhưng có thể nói, chương trình đã khởi đầu cho "cơn sốt truyền hình sống thực dạng tranh tài" tại Mỹ chính là American Idol khởi đầu năm 2002, hiện vẫn được xem là chương trình ăn khách và sôi nổi nhất. American Idol là cuộc săn lùng giọng hát hay nhất nước Mỹ qua các cuộc thử giọng tại khoảng bảy thành phố lớn. Phải có đến hàng chục ngàn người tại mỗi thành phố đến thử giọng để chọn lại khoảng 20 đến 40 người mỗi nơi trước khi được đến Hollywood tranh tài. Tại Hollywood, các thí sinh sẽ phải thi nhiều thể loại nhạc và bị loại dần dần mỗi ngày cho đến khi còn lại 12 giọng hát vào vòng chung kết kéo dài 11 tuần lễ. Ba người cuối cùng sẽ phải hát ba bài cho ba giám khảo bình chọn. Với sự gạn lọc kỹ càng như vậy, người thắng giải American Idol thường cũng thắng các giải âm nhạc khác kể cả giải Grammy.
Hiện nay, loại chương trình truyền hình sống thực dạng tranh tài đã có trong rất nhiều lãnh vực, từ thi trang trí nội thất, cắt tóc, đạo diễn, sản xuất phim, đến thi nhảy, diễn hài, đóng phim, tài năng mầm non, v.v. Chính nhờ những cuộc thi này mà rất nhiều tài năng trẻ đã tìm được cơ hội thành đạt bằng chính thực tài của mình.

Tiếp >



JOHN MUIR VÀ NHỮNG CON ÐƯỜNG NÚI
Tạ Ðức Trí
Nếu bạn đến bang California để đi dã ngoạn, ngắm cảnh hay leo trên các dãy núi hùng vĩ trong vùng Sierra Nevada, đặc biệt là đến thăm lâm viên quốc gia nổi tiếng Yosemite, chắc chắn bạn sẽ được nghe nhắc đến John Muir. Vậy John Muir là ai?
Trước khi nói về John Muir, hãy nói đến John Muir Trail, con đường mòn dài 211 dặm (340 km). Khi đến chơi Yosemite, bên cạnh ngọn thác Yosemite cao nhất bắc Mỹ, du khách đến thăm Happy Isles rất đông vì đây là điểm khởi đầu của Mist trail và John Muir trail dẫn đến hai ngọn thác khá đẹp và phổ biến của Yosemite là thác Vernal và Nevada. Nếu tiếp tục đi theo đường mòn John Muir về phía đông nam sẽ đến được đỉnh cao nhất của 48 tiểu bang đất liền của Hoa Kỳ là Mt. Whitney cao 14,496 ft nằm ở biên giới công viên quốc gia Sequoia và rừng quốc gia Inyo. Ngoại trừ khoảng 10 dặm đầu tiên đi ra khỏi Yosemite, đường mòn John Muir chủ yếu nằm ở độ cao trên 8,000 ft với những điểm cao nhất trên 13,000 ft. Ði bộ hết con đường núi này trung bình mất khoảng từ 8 đến 14 ngày, băng qua rất nhiều phong cảnh tuyệt đẹp của vùng thiên nhiên hoang dã. Tính đến năm 2007, kỷ lục đi đường rừng nhanh nhất là 4 ngày 5 tiếng 25 phút. Ðường mòn John Muir được khởi công xây dựng năm 1915, một năm sau khi John Muir qua đời, với ngân khoản 10,000 Mỹ kim, và hoàn tất năm 1938, đúng năm sinh nhật thứ 100 của John Muir.
Tại Hoa Kỳ còn có một đường mòn mang tên John Muir khác thuộc bang Tennessee trong rừng quốc gia Cherokee dài gần 21 dặm. Những con đường mòn được đặt tên John Muir để ghi nhớ sự khai phá và bảo tồn cảnh vật thiên nhiên, đặc biệt là trong vùng Sierra Nevada của nhân vật này. John Muir sinh năm 1838 và mất năm 1914 là một trong những nhà bảo tồn học đầu tiên của thời hiện đại. Ông còn là nhà văn chuyên viết về các cuộc thám hiểm các vùng thiên nhiên hoang dã cũng như về nghiên cứu địa lý. Sách của ông được hàng triệu người say mê đọc và vẫn còn được phổ biến cho đến ngày nay. Ông đề cao vai trò bảo vệ môi trường thiên nhiên của con người và vì vậy sự ảnh hưởng của ông đã giúp cho thế hệ sau hiểu được tầm quan trọng này đểø tiếp tục gìn giữ vẻ đẹp vô giá của thiên nhiên.
Sự ý thức và đam mê của John Muir trong sứ mạng bảo tồn thiên nhiên đã bắt đầu trong lúc ông dọn đến sống ở thành phố San Francisco vào năm 1868. Ông đã đọc về Yosemite từ trước và khi đến Thung Lũng Yosemite trong lần đầu tiên, ông đã không khỏi buột miệng: "Không có đền đài nào được xây dựng bằng chính bàn tay con người có thể so sánh được với Yosemite, vì Yosemite là sự hùng vĩ nhất của thiên nhiên." Sau đó, ông đã xin làm việc lái phà và chăn cừu trong vùng Sierra. Chính những công việc này đã tạo cho ông cơ hội để leo đỉnh Cathedral Peak thuộc ngọn núi Dana và đi bộ dọc theo con đường mòn Indian xuống Bloody Canyon kéo dài đến tận Mono Lake.
Trong thời gian thám hiểm vùng núi Sierra, ông đã nghĩ ra phương cách phát triển và gìn giữ môi trường sinh thái học tại đây. Theo ông, mối đe dọa lớn nhất tại vùng Yosemite và Sierra là các loại động vật gia cầm, điển hình là các đàn cừu thời bấy giờ. Sự có mặt của các đàn cừu sẽ tạo hư hại cho các đồng cỏ rộng lớn tại đây, từ đó gây ảnh hưởng nặng đến hệ sinh thái học. Do đó, ông đã dùng sự ảnh hưởng của mình để giới thiệu một dự luật tại Quốc hội Hoa Kỳ để biến vùng Yosemite thành lâm viên quốc gia, dưới sự coi sóc của chính phủ. Muir còn nghiên cứu địa lý để đưa ra những giả thuyết về sự hình thành của vùng rừng núi Sierra vì theo ông, khi hiểu được nguồn gốc và tính chất của đất đai, thì mới có thể tìm ra cách bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Sự nghiên cứu về địa lý của ông đã được đăng tải trên các báo có uy tín thời bấy giờ đà được khá nhiều nhà nghiên cứu khoa học ủng hộ.
Ðể nỗ lực trong việc tạo tác động đến cấp chính quyền trong việc gìn giữ vùng Sierra có hiệu quả hơn, John Muir đã thành lập Sierra Club vào năm 1892, với tôn chỉ là thám hiểm, và bảo vệ môi trường sinh thái học của địa cầu, đồng thời giáo dục con người về tầm quan trọng của con người trong công việc bảo tồn thiên nhiên bằng chính luật pháp. Hiện tại Sierra Club có hơn 700,000 thành viên khắp nơi tại Hoa Kỳ cũng như ở Canada. Bên cạnh hàng trăm ngàn thiện nguyện viên, Sierra Club cũng có khoảng 500 nhân viên được trả tiền và làm việc tại San Francisco, bang California và một số khác làm công tác vận động chính phủ tại Washington D.C. Chính Sierra Club dưới sự dẫn dắt trong những ngày đầu của John Muir đã vận động thành công các nhà lập pháp bang California để đưa Yosemite vào danh sách lâm viên quốc gia dưới sự kiểm soát của chính quyền liên bang. Hơn thế nữa, Sierra Club còn tranh đấu để cho các vấn đề bảo quản các khu rừng hoang dã, biện pháp chống ô nhiễm môi sinh cũng như các chính sách dùng đất đai và phương tiện giao thông của chính phủ. Sierra Club chính thức trở thành một tổ chức bất vụ lợi vào năm 1960 do sự vận động của ông David Brower.
Trở lại với nhà thám hiểm John Muir, một trong những cách hữu hiệu mà ông đã dùng để thuyết phục những người có tầm ảnh hưởng mạnh chính là mời họ đi dã ngoạn cùng ông để tận mắt nhìn thấy sự bao là hùng vĩ của thiên nhiên và sự tàn phá do cuộc sống của con người gây ra. Ông đã có dịp hướng dẫn tổng thống Roosevelt thám hiểm vùng Yosemite vào năm 1903. Cả hai ông đã cắm trại và dã ngoạn tại Glacier Point và dọc theo các con đường mòn dẫn vào thung lũng của Yosemite. Chính kinh nghiệm thiên nhiên này đã giúp tổng thống Roosevelt hiểu được tầm quan trọng của chính phủ trong việc bảo tồn các thắng cảnh thiên nhiên.
Sau khi John Muir qua đời, tinh thần của ông vẫn được tiếp tục qua nỗ lực của những người có lòng với thiên nhiên, điển hình là người chắt của ông là Michael Muir, đã thành lập nhóm Access Adventure chuyên giúp người khuyết tật đến với các sinh hoạt ngoài trời khi ngồi trên xe lăn. Ngoài hai con đường mòn, một vùng thiên nhiên hoang dã rộng 581,000 mẫu Anh (khoảng 2,350 km vuông) cũng được mang tên ông. Tên John Muir cũng còn được đặt cho trường học, công viên, đường nhựa, một khu rừng, một đỉnh núi, và một thiên thạch. Hình của ông đứng nhìn đỉnh Half Dome và cánh đại bàng California giang rộng đã được khắc ở mặt sau của loạt đồng 25 xu phát hành năm 2005. Gần đây nhất năm 2006, thống đốc California Schwarzenegger cùng đệ nhất phu nhân Maria Shriver đã đưa tên John Muir vào "California Hall of Fame" tại viện bảo tàng lịch sử, phụ nữ và nghệ thuật California.
Chính nhờ những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên mạnh mẽ của những người tiên phong như John Muir mà Hoa Kỳ mới thiết lập được một hệ thống bảo vệ môi trường hữu hiệu như ngày nay.


NGƯỜI MỸ VÀ HẸN HÒ TRÊN MẠNG - Tạ Ðức Trí
Nếu như vào những thập kỷ trước, nhiều người đã "tìm bạn bốn phương" trên các trang báo và qua thư từ, thì trong thế kỷ 21, hẹn hò trên mạng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong một xã hội có lối sống chạy đua với thời gian như tại Hoa Kỳ.
Ngày nay, càng có nhiều người Mỹ thật tâm tìm đến các dịch vụ hẹn hò trên mạng mong có thể gặp được một người tâm đầu ý hợp để chia xẻ cuộc sống chung thay vì chỉ có mục đích kết bạn vui chơi. Lý do là vì nhiều người đã quá chú tâm vào việc tạo dựng sự nghiệp nên không có đủ thì giờ cho việc tìm kiếm cũng như tìm hiểu đối tượng tình cảm. Một lý do khác là nhiều người lại có một cuộc sống quá đơn điệu, ngày nào cũng như ngày nấy, cũng gặp từng đó gương mặt quen thuộc, đến độ họ không biết đi đâu hay làm gì để quen biết thêm bạn bè. Ðối với các cộng đồng Á Châu tại Hoa Kỳ, những người trẻ trong độ tuổi đại học thường được cha mẹ khuyên răn nên chú tâm vào chuyện học hành, không nên vướng vào chuyện tình cảm làm sao nhãng việc học. Tuy điều này đã giúp rất nhiều người trẻ Mỹ gốc Á Châu đạt được thành quả tốt nơi học đường và có được một sự nghiệp vững chắc, nhưng đồng thời cũng tạo ra một tình huống nan giải. Khi bắt đầu đi làm, nhiều người trẻ mới nhận ra rằng cuộc sống của họ quá bận rộn, không còn nhiều cơ hội lui tới những nơi tụ tập người độc thân cùng trang lứa để giao tiếp. Những người mà họ gặp gỡ hàng ngày thường chỉ là người làm cùng sở hoặc có liên hệ trong công việc làm, và như thế sự lựa chọn đã bị giới hạn đi rất nhiều.
Hẹn hò trên mạng, do đó, đã trở thành giải pháp thuận tiện và hữu hiệu cho rất nhiều người sống tại Hoa Kỳ. Hiện có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò trên mạng miễn phí hoặc có trả lệ phí. Những công ty có lệ phí thường tạo được uy tín nhiều hơn vì họ đòi hỏi thành viên phải cung cấp những chi tiết cá nhân có thật, như địa chỉ cư ngụ hay số thẻ tín dụng, do đó loại trừ được những thành phần chỉ thích dùng chi tiết giả khi dạo chơi trên mạng. Khác với mục đích lên mạng tìm bạn bè khắp nơi bằng những chi tiết ảo về mình, những người đứng đắn trong việc tìm bạn trên mạng thật sự muốn nhờ các dịch vụ này tìm cho mình những người thích hợp nhất nhằm bớt đi một số giai đoạn trong việc tìm hiểu đối tượng. Chính vì vậy mà họ cung cấp những chi tiết rất thật về bản thân, cũng như cho biết chính xác tiêu chuẩn tìm bạn của mình. Dựa vào những chi tiết này, các dịch vụ hẹn hò trên mạng sẽ đối chiếu, phân loại, và kết hợp những dữ kiện với nhau để tìm ra một danh sách các đối tượng thích hợp nhất cho từng thành viên. Các thành viên sau đó có thể chọn nói chuyện trong phòng "chat", qua email, hay gặp mặt tùy theo ý thích.
Một trong những lợi điểm chính của các dịch vụ tìm bạn trên mạng là tính tiết kiệm thời gian. Người dùng dịch vụ có thể tận dụng bất cứ khoảng thời gian rảnh nào để lên mạng đọc các chi tiết cũng như xem ảnh của những người mà dịch vụ đã chọn cho mình, tất cả đều hội đủ những tiêu chuẩn tối thiểu mà họ đề ra, ví dụ như chỉ tìm những người Á Châu trong vùng lân cận chưa từng lập gia đình có trình độ học vấn đại học trở lên hoặc chỉ tìm những người trên 40 tuổi, thích nuôi chó, và yêu thiên nhiên. Giai đoạn tìm hiểu đối tượng cũng có thể được rút ngắn vì cả hai người đều đã biết một số chi tiết căn bản về đối phương trước khi quyết định gặp mặt và tiến xa hơn.
Như bất kỳ hình thức hẹn hò nào khác, hẹn hò trên mạng cũng không thể tránh khỏi những rủi ro nếu có. Trước hết là tính chân thật trong các chi tiết được cung cấp cho dịch vụ tìm bạn trên mạng. Có nhiều người mô tả bản thân một cách mơ hồ hoặc bằng những cụm từ có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau tùy theo nhận xét của mỗi người nên đã không tránh khỏi sự bất ngờ khi gặp mặt. Một số thành phần xấu cũng có thể lợi dụng các dịch vụ hẹn hò trên mạng, nhất là những công ty kém uy tín, để thực hiện ý đồ của mình, như ăn cắp dữ kiện cá nhân, lừa gạt tiền bạc, săn lùng con mồi cho các vụ lạm dụng tình dục, v.v.
Ðể tránh tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong việc hẹn hò trên mạng, những người sử dụng dịch vụ này được khuyên nên cẩn trọng tối đa. Trước hết là nên tìm đến những dịch vụ có uy tín và nên tìm hiểu kỹ lưỡng về công ty cung cấp dịch vụ trước khi quyết định tiết lộ các chi tiết cá nhân. Chú ý đến những chi tiết trong hồ sơ cá nhân của đối phương cũng như khi liên lạc qua email hay trong phòng trò chuyện, thẩm định xem họ có thành khẩn không. Nên cẩn thận với những câu trả lời quá mơ hồ, cho thấy người này hoặc đang muốn che đậy một điều gì, hoặc không mấy tự tin về con người thật của mình. Khi hẹn gặp mặt lần đầu tiên một người quen biết trên mạng, nên hẹn vào buổi sáng và chọn một nơi có đông người qua lại. Cuối cùng, cũng như bất kỳ cuộc hẹn hò nào, nên cảnh giác khi đối phương bắt đầu đề nghị giữ các cuộc hẹn hò trong vòng bí mật, như gặp gỡ tại những nơi vắng vẻ hay tránh né việc tiếp xúc với gia đình và bạn bè.
Trong số những công ty cung cấp dịch vụ hẹn hò trên mạng, có thể nói Match.com và eHarmony là hai công ty được nhiều người sử dụng nhất. Match.com được thành lập vào năm 1995 có trụ sở chính tại Dallas, bang Texas, hiện có trên 20 triệu thành viên ở 37 quốc gia khác nhau. Match.com có trên 300 nhân viên làm việc khắp nơi trên thế giới với những kỹ thuật so ghép dữ liệu chính xác nhất trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, công ty eHarmony có trụ sở chính tại Pasadena, bang California, được mệnh danh là dịch vụ hẹn hò người Hoa Kỳ tín nhiệm nhất. Ðược sáng lập vào năm 2000 bởi một trong những chuyên gia về hạnh phúc lứa đôi nổi tiếng nhất Hoa Kỳ là bác sĩ tâm lý học Neil Clark Warren, eHarmony áp dụng các phương cách khoa học vào việc chọn lựa và kết hợp những người độc thân nhằm bảo đảm xác suất đạt được hạnh phúc lứa đôi cao nhất. Cả hai công ty này đều có lệ phí gia nhập và được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ, cũng có nghĩa là khách hàng của họ dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng sẽ được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ.
Với tất cả những cẩn trọng cần thiết, hẹn hò qua mạng trên thực tế là một cách hữu hiệu để tìm được một đối tượng tình cảm thích hợp, nhất là trong hoàn cảnh khan hiếm thời gian mà rất nhiều người sống tại Hoa Kỳ đang phải đương đầu.


Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ronald W. Reagan
- Ngay 5 thang 6 -
Phan Đức Minh
Từ ngày đặt chân tới đất Mỹ, năm 1992, sau hơn 12 năm đi tù cải tạo trên núi trên rừng, tôi có cơ hội lập lại cái “ tủ sách gia đình “ đã bị mất trong biến cố muà xuân đau thương 1975. Tôi tìm kiếm ṃoi thứ sách viết về nước Mỹ, nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai, sách viết về những vị Tổng Thống Mỹ, những cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã có mặt trong đó...
Có khi tôi mua ở tiệm sách Mỹ vào lúc “Big Sale - Sale 50% off “ hay tìm kiếm ở mấy cái chỗ “ Garage Sale – Moving Sale “. Giá rẻ̉ đến mức không mua kể như.. phí uổng một đời. Nhờ cái chỗ đó nên tôi biết và coi cựu Tổng Thống Ronald Reagan là một trong những vị Tổng Thống Hoa Kỳ mà tôi mến mộ nhất. Chúng tôi đang ở, cũng như ̀ con cái, dâu rể đều cư trú gần nhau, trong vùng Mira Mesa – San Diego, Nam Cali, tất cả qua lại gặp nhau thường xuyên, đều có dịp lái xe qua con đường khá dài, mang tên Reagan Road .
Cựu Tổng Thống Ronald W. Reagan từ trần vào trưa Thứ Bẩy, ngày 5 tháng 6 – 2004 tại
nhà riêng ở California, thọ 93 tuổi ( 1911 – 2004 ). Gốc Việt Nam, tôi viết về Ông nhân ngày “giỗ 49 ngày cuả Ông“. Ông Ronald W. Reagan sinh ngày 6 tháng 2 năm 1911 tại Tampico, Bang Illinois. Sách vở và người đời thông thường chỉ viết tên Ông là Ronald Reagan, ít viết hay nóí đến chữ đệm W(Wilson ) ở giưã. Ông thuộc Đảng Cộng Hoà và làm Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 40 với 2 nhiệm kỳ, kể từ ngày 20 tháng 1 năm 1981 đến hết ngày 19 tháng 1- 1989. Lịch sử Hoa Kỳ có ghi rằng : “Vào tuổi 69,Ronald Reagan là người cao niên nhất – hay già nhất cũng thế - từ xưa tới nay được bầu làm Tổng Thống Hoa Kỳ - At 69, Ronald Reagan was the oldest man ever elected U.S. President.” Theo một cuốn sách khác thì chữ nghiã không như thế, nhưng sự kiện vẫn y như vậy “ Vị Tổng Thống Hoa kỳ già nhất là Ronald Reagan; Ông rời nhiệm sở vào tuổi 77 sau khi đã phục vụ 2 nhiệm kỳ - The oldest U.S. President was Ronald Reagan, who was 77 when he left office after serving 2 terms “.
Ông Reagan là con trai cuả một người thư ký làm cho một tiệm bán giầy dép, lương tiền không bao nhiêu cho nên đời sống vật chất trong gia đình coi như không thoải mái lắm. Mẹ cuả ông là một phụ nữ rất yêu thích nghệ thuật sân khấu. Dò ảnh hưởng nơi Bà Mẹ, Ronald Reagan, hay “ Dutch “, cái tên thường được gia đình cũng như người quen thân vẫn gọi như thế, ngày càng ham thích, mong có cơ hội được trình diễn trên sân khấu như một diễn viên thứ thiệt. Là học sinh trung học, Dutch xuất hiện trên sân khấu nhà trường một cách xuất sắc trong nhiều vở kịch. Ngoài ra, cậu Ronald hay Dutch này còn là một thanh niên ưa thích hoạt động thể thao : chơi môn Football, baseball ( đã có lần gẫy chân, phải chống nạng, đi cà nhắc ). Cậu còn được đề cử làm Đội trưởng cuả toán bơi lôi chuyên môn cuả trường nưã. Ngoài ra cậu thanh niên Reagan cũng thích... chơi với cuốc, xẻng để làm vườn. Ham thích hoạt động, thể thao như thế cho nên khi Ông bước vào làm Chủ Toà Bạch Ốc ở tuổi 69, nghiã là vị Tổng Thống Mỹ già nhất, mà người ta lại bảo rằng “ Trông Ông coi bộ trẻ trung hơn nhiều nhờ vóc dáng khoẻ mạnh rất chi là thể tháo cuả Ông – He seemed much younger , thanks to his vigorous and athletic appearance. “ Khi lên Đại Học, chàng thanh niên Ronald luôn luôn đảm nhiệm các vai chính trong những vở kịch do nhà trường tổ chức trình diễn.
Sau khi ra trường, Ông làm công việc “ Xướng ngôn viên thể thao trên đài phát thanh – Radio Sports Announcer “. Năm 1937, Ông từ Chicago, theo phái đoàn thể thao cuả thành phố này đi tḥụ huấn, tập dượt tại một trại huấn luyện ở California, để cò cơ hội bám sát và loan truyền tin tức trên đài phát thanh mọi hoạt động, thi đấu cuả Đoàn. Duyên nợ nghề nghiệp Tài tử điện ảnh cuả Ông bắt đầu từ chỗ này. Hãng phim cỡ lớn hồi đó Warner Brothers, mời ông đóng thử một vai trong “ Love is on the air “ coi ra sao. Sự thử thách này đối với Ông không phải là chuyện khó khăn. Quả đúng như vậy, nhà đạo diễn cuốn phim chấm ngay tài tử Ronald Reagan,. Cuộc đời, sự nghiệp điện ảnh cuả Ông bắt đầu mở ra, và Ông đã đóng nhiều cuốn phim nổi tiếng cuả hãng Warner Brothers, bên cạṇh các tài tử đã thành danh, tiếng tăm như : Errol Flynn, Wallace Beery, Lionel Barrymore, Shirley Temple, Ann Sheridan, Patricia Neal trong các phim : Santa Fe Trail– 1940, The Bad Man – 1941, Juke Girl – 1942, That Hagen Girl – 1947, John Loves Mary – 1949 vv... Tuy ông không thuộc vào hàng ... Siêu Sao Điện Ảnh, nhưng cũng dần dần từ tài tử hạng B, leo dần lên những vị trí có giá hơn, đủ cho ông được mời đóng trong tất cả 53 phim, cùng 2 buổi trình diễn xuất sắc trên màn ảnh truyền hình.. Rồi cũng trong môi trường điện ảnh này, ông Reagan có dịp đóng chung với nữ tài tử đã nổi tiếng, Jane Wyman trong một phim vui vẻ mang tên “ Brother Rat “ , và hai người thương yêu nhau, kết thành vợ chồng trong 8 năm, từ 1940 đến 1948. Trông trong tập tài liệu “Ronald Reagan 1911 – 2004” phát hành cấp tốc ngay sau khi Ông qua đời, ta mới thấy Ronald Reagan phải được xếp vào hàng ngũ “tài tử đẹp trai “ quá trời, quá đất, nhất là bức ảnh chụp cặp ̣ tân hôn Ronald Reagan và Jane Wyman đứng bên cạnh chiếc bánh cưới trong buổi tiệc tiếp tân tại Beverly Hills, ngày 24 thang 1 năm 1940, cả hai thật là... xứng đôi vưà lưá. Lúc rảnh, đôi vợ chồng tài tử này hay đi chiếc xe đạp đặc biệt, thiết kế cho hai người cùng ngồi, kẻ trước người sau và cùng đạp cho khoẻ, mà cũng cho vui, sống những giờ phút bên nhau trong cảnh thiên nhiên tuyệt vời. Một bức ảnh khác, chụp cảnh hai vợ chồng tràn ngập hạnh phúc với bé gái Maureen được Mẹ bồng trên tay. Hình ảnh cuả cặp này nhiều vô số, nhưng tôi chỉ nói thêm về bức ảnh thứ ba : Trung Úy phi công trừ bị (Air corps reserve Lieutenant ) Reagan rất đẹp trai trong bộ Lễ phục cuả quân chủng được coi là đào hoa, bay bướm này cùng vợ, Jane Wyman, rất đẹp gái trong bộ đồ hợp thời trang đậm mầu cuả một nữ tài tử điện ảnh đã có tên tuổi tại Hollywwood, hai người đi hai bên, dắt tay bé Maureen xinh xắn, khi họ tiễn nhau tại phi trường Los Angeles ngày 19 tháng 6, 1942 để chàng đi làm nhiệm vụ tạ̣i San Francisco còn nàng sẽ ở lại với ngôi nhà tại thành phố Los Angeles.
Cuộc đời và tình yêu cuả giới tài tử điện ảnh mà được 8 năm như vậy kể cũng đã là tốt đẹp, lâu dài rồi vậy, vì trong 53 cuốn phim, tài tử Reagan có dịp đóng chung với biết bao nhiêu là nữ tài tử xinh đẹp, quyến rũ ...chết người như chơi. Đó là chưa kể trường hợp đã là tài tử màn bạc với 53 cuốn phim, chàng Reagan khoẻ mạnh, đẹp trai có bao nhiêu cơ hội để làm quen, tiếp xúc, tiệc tùng, khiêu vũ với bao nhiêu người đẹp đã mê muốn chết về nét hấp dẫn, lôi cuốn cuả Reagan đã đẹp trai, ăn nói có duyên, như những trường hợp đóng chung hay thân thiết với:các nữ tài tử đến từ nhiều quốc gia : Olympe Bredna, Eleanor Parker, Shirley Temple, Patricia Neal, Viveca Lindfors, Virginia Mayo, Ruth Hussey, Piper Laurie, Ruth Roman, cả Lana Turner, Marilyn Monroe và nhiều lắm, không cách nào nhớ hết được... Ngày 9 ̣ tháng 11 – 1985, Công nương Diana, người đẹp cuả Vương Quốc Anh viếng thăm Hoa Kỳ, đã được Tồ̉ng Thống Reagan đón tiếp long tṛọng và trong bưã dạ tiệc tại Toà Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ đã dìu Công nương Diana nhẹ nhàng, lả lướt trong một bản nhạc Slow tuyệt vời. Đến năm 1952, Ronald Reagan kết hôn với nữ tài tử Nancy Davis sau ba năm quen biết. Sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất kết thúc vào năm 1948, Ronald Reagan thấy rằng: ở đời không gì khó bằng làm tài tử điện ảnh mà tìm được người vợ có thể sống với nhau cho hết cuộc đời kể cả những lúc vinh quang cũng như thời gian khổ cực.. Ông Trời quả là ... có mắt cho nên đã cho Chàng gặp đúng người...trong mộng. Nữ tài tử Nancy có lần, trong lúc vui đuà đã cho một ngườì bạn coi cái danh sách Nàng liệt kê những chàng độc thân lúc đó, cuả vùng trời Hollywood được Nàng... để mắt đến nhiều nhất, mà cái tên Reagan lại đứng đầu danh sách (Nancy had jokingly showed a friend a list of Hollywood’s most eligible bachelors, and Reagan’s name was at the top of her list)..Cuộc tình này không thể bỏ qua những chi tiết đặc biệt cuả nó mà không nói đến. Dù là vui đuà hay nói thật thì Nancy, nữ tài tử 28 tuổi, đã có lúc nói với nhà sản xuất điện ảnh nổi danh đương thời Dore Schary, nếu có thể thì xếp đặt sao cho Cô gặp và chuyện trò với Reagan một lần. Do đó, bà vợ cuả Schary là ̀ Miriam mới đứng ra tổ chức một cái “ Dinner party “ nho nhỏ gồm một số bạn bè thân thiết. Bà Miriam xếp đặt cho Nancy và Reagan ngồi đối diện với nhau. Thế là là chàng và Nàng tha hồ chuyện trò tâm sự. Bà Miriam quan sát – như một nhà thám tử - thấy rằng suốt bưã tiệc, Nàng Nancy luôn luôn tươi cười chuyện trò tâm sự với chàng Reagan - sau khi mối tình đầu cuả chàng đã tan vỡ, chắc chắn như đinh đóng cột là câu chuyện tâm sự phải lâm ly dễ sợ lắm – và Nàng tỏ ra đồng ý với những điều chàng thổ lộ, nói ra tự trong tim, trong lòng. “Nhà thám tử” Miriam đề nghi: Reagan nên lái xe chở Nancy về nhà, nhưng… đóng phim hay thiệt thì không biết, Reagan xin lỗi rời bưã tiệc, ra vè một mình để sưả soạn nhiều chuyện, sáng sớm hôm sau phải đi New York. Tháng sau, Nancy tìm ṃoi cách để gặp lại Reagan và tìm cách làm cho Chàng phải chú ý tới những chuyện đã tâm tình với nàng trong cái Dinner party tháng trước. Nàng g̣oi phôn, nhắn message, thậm chí tình nguyện làm việc trong toán nhân viên dàn cảnh và thu dọn “chiến trường” khi quay xong một cảnh nào đó, mà Reagan lại là người trông coi toán nhân viên này. Cuối cùng, vào chiều tối ngày15 tháng 11 – 1949, điện thoại nhà Nancy reo vang. Nancy bắt phôn. Người ở đầu dây bên kia chính là chàng Reagan… cuả Nàng. Chàng nói: Nếu Nancy có rảnh thì xin mời Nancy đi ăn tối vì trời còn sớm - Chàng muốn khéo léo giữ ý cho Nàng - và sáng hôm sau Chàng lại phải đi xa lo công việc mất rồi. Chỗ này là chàng nói “cuội“ để cho thêm phần... tình tứ mà thôi. Phần Nancy (thời kỳ 1949 chớ đâu có phải 2004 như bây giờ), Nàng trong lòng tuy vui như...mở hội, nhưng cũng phải giữ ý, làm khó làm khăn, chớ đâu có như bây giờ, đàn ông độc thân mời đi ăn tối là đàn bà, con gái chưa chồng ô kê cái rẹt được đâu, cũng phải nói “cuội“ với chàng la : Nancy cũng thế, ngày mai cũng có việc phải đi. Vậy là có nghia : nếu không gặp nhau ăn tối hôm nay thì chắc là khó có cơ hội khác nưã. Cả hai ...trong lòng như đã...mặt ngoài còn e...nhưng khi đã gặp nhau rồi, trong khung cảnh thơ mộng mặt đối măt, bốn mắt nhìn nhau cũng ... đủ no, cần chi phải ăn với uống nưã. Chàng và nàng đều muốn bưã ăn tối đừng bao giờ chấm dứt. Con tim cuả hai kẻ yêu nhau chân tình, tha thiết thì nó như thế đấy. Bưã ăn đã xong – sao mà ngắn ngủi thế - chàng Reagan dẫn nàng Nancy đi coi buổi trình diễn tuyệt vời cuả Sophie Tucker tại Ciro’s nightclub. Khi rủ nàng đi ăn thì chàng nói : trời còn sớm, mình đi ăn tối với nhau rồi mai chàng phải lên đường từ lúc... mặt trời còn ngủ, chưa dậy, và nàng cũng đáp lại tương tự như thế, vậy mà ăn tối xong, hai người dẫn nhau đi coi show ở nightclub, chẳng biết có coi thấy chi hay không mà cả hai khi dắt nhau ra xe, trở về thì đồng hồ đã chỉ đúng 3 giờ 00 sáng, hai xuất trình diễn đã đi qua lúc nào chẳng hay.. Đúng là: khi đã yêu nhau thì chỉ có... hai con tim nói chuyện với nhau, chớ bốn hay mười con mắt cũng đâu có trông thấy trời đất gì nưã đâu. Tình yêu chân thật giưã hai người kéo dài như thế cho tới 2 năm sau, khi cả hai thấy rằng họ không thể nào sống mà không có nhau ở bên cạnh cho đến trọn đời. Trong cuốn hồi ký Reagan viết về sau, có kể lại: One night, over dinner as we sat at a table for two, I said, “ Let’s get married … she put her hand in mine, looked into my eye and said, “Let’s!“ Rồi một đám cưới thật là đơn giản đã diễn ra ngày 4 tháng 3 năm 1952 ṭai nhà thờ Little Brown Church, mà ngoài cặp vợ chồng Reagan – Nancy, khách mời chỉ có duy nhất cặp vợ chồng tài tử William Holden và Ardis, kiêm luôn vai tr̀o phù dâu, phù rể. Kể từ giờ phút đó, Ronald Reagan và Nancy Reagan trở nên vợ chồng và sống với nhau cho đến trọn đời, qua bao nhiêu tháng ngày thăng trầm, vinh quang cũng như khắc nghiệt, đúng như lời thề ước tại ngôi nhà thờ Little Brown Church 52 năm về trước...
Xin trở lại câu chuyện chính đã nói từ đầu. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng đóng chung với nhau trong cuốn phim “Hellcats of The Navy“ kể lại câu chuyện vè một đơn vị Hải Quân trong thơì Đệ Nhị Thế Chiến. Kế đó, Ronald Reagan đóng cuốn phim cuối cùng “The Killers“.
Là một tài tử điện ảnh, Ông Reagan luôn luôn tích cực hoạt động trong Nghiệp Đoàn Công Nhân Điện Ảnh và Truyền Hình. Ông đã phục vụ 6 năm với tư cách là Chủ Tịch cuả Nghiệp Đoàn. Hồi đó trở về trước khi đã là tài tử, nghệ sĩ, ít ai lại ưa thích chuyện chính trị được coi là phiền toái, rắc rối đau đầu và nguy hiểm nưã (Tổng Thống Reagan mới nhậm chức được hơn 2 tháng thì bị ám sát hụt do tay súng John Hinkley thực hiện ngày 30 – 3 – 1981). Ông Reagan khác hẳn, rất hăng hái tham dự vào những hoạt động chính trị mang tầm vóc quốc gia. Năm 1948, với tiếng tăm sẵn có đối với đông đảo dân chúng mến mộ, Ronald Reagan tham gia cuộc vận động tranh cử Tổng Thống cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ : Harry Truman. Thế nhưng, suốt những năm của thập niên 1950, quan điểm chính trị cuả ông nghiêng dần sang khuynh hướng bả̉o thủ truyền thống, ông Reagan chuyển đổi sang Đảng Cộng Hoà và tích cực vận động ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hoà vào những chức vụ dân cử cũng như vào Toà Bạch Ốc như Dwight Eisenhower, Richard Nixon vv...Sau này, có người khuyến khích ông nên ra ứng cử vào chức ̣ vụ Thống Đốc Tiểu Bang California, ông cười lớn và cho rằng Ông chẳng có chút hi ṿọng nào để thắng cử (When someone suggested to him that he should run for governor of California, Reagan laughed. He felt he didn’t have the slightest chance of winning.) Người khác thúc đẩy ông: cứ ra ứng cử một cái coi sao. Ông vưà cười vưà nói : “ Tui mà làm Thống Đốc à? Đâu có phải là… nghề cuả tui!“ Vậy mà ông cũng ráng thử một phen vào năm 1966, và ông đã đánh baị ứng cử viên Dân Chủ để vào dinh Thống Đốc Tiểu Bang California, một Tiểu Bang giầu mạnh, đông dân nhất nước Mỹ. Sau khi mãn nhiệm kỳ 1, ông tái ứng cử và lần này Ông vẫn thắng cử vẻ vang để phục vụ cho tới 1975.
Năm sau, được đà Ronald Reagan vận động Đảng Cộng Hoà để được đề cử ra dự tranh chức vụ Tổng Thống.. Thời cơ chưa đến, cho nên Reagan bị thua vị Tổng Thống đương nhiệm thứ 38 là Gerald Rudolph Ford, tái ứng cử, có nhiều lợi thế hơn theo lẽ thông thường. Ông Tổng Thống Ford này đã vào Toà Bạch Ốc, chiếm ngôi vị số 1 đất nước Hoa Kỳ hùng cường, vĩ đại, tự do, dân chủ hàng đầu thế giới, bằng một con đường không giống bất cứ một vị Tổng Thống Mỹ nào cuả lịch sử: Ông ̀ chưa bao giờ được dân chúng Hoa Kỳ bầu vào chức vụ đó, ngay cả bầu vào chức vụ Phó Tổng Thống để rồi theo tinh thần Hiến Pháp, lên thay Tổng Thống, cũng không luôn. Thế mới hay và lạ lùng, nhưng lạ lùng mà lắm khi lại có thật.. Tôi xin phép đi ra ngoài đề để có vài dòng về vụ này. Dưới thời Tổng Thống thứ 37, Richard M. Nixon, ông Phó, tức là ông số 2: Spiro T. Agnew buộc phải từ chức vì chuyện rắc rối lôi thôi tiền bạc ( tiền bạc với lại...đàn bà thường làm cho giới mày râu, anh hùng hảo hán, dù cho lão luyện giang hồ cũng lắm khi điêu đứng cuộc đời là thế đấy). Thiếu ông Phó, chỉ thiếu ông Phó thôi, chớ nếu thiếu ông Chánh thì ông Phó lên thay, hay cả hai ông Chánh và Phó cùng... rớt máy bay, đi luôn một l̀èo thì cứ theo Hiến Pháp, mời ngài Chủ Tịch Hạ Viện ( Speaker of the House ) lên thay là khoẻ re. Đằng này chỉ có một mình ông Phó ra đi thôi, biết làm sao bây giờ? Ngài số 1, Nixon bèn xin lưỡng viện Quốc Hội chấp thuận “bốc“ ngài Ford từ Hạ Viện lên làm Phó, giúp ông một tay, chớ không tình hình trong nước, ngoài nước, nhất là chiến tranh Việt Nam tùm lum tà la, mình ông chịu sao cho thấu... không chết thì cũng bị thương.. Quốc Hội còn gì mà chẳng ô kê. Thế là Ngài Ford nhẩy một cú tuyệt chiêu lên làm Phó mà dân Mỹ đâu có bầu ông theo cái liên danh tranh cử vào Toà Bạch Ốc bao giờ đâu? Ít lâu sau, đến phiên chính ông số 1, tức la ngàì Nixon phải ....khăn ǵoi ra đi vì cái vụ Watergate, tức cái ṿu gắn máy nghe lén ...phe nó, phe ta, không muốn bị Quốc Hội làm thủ tục chơi một màn...impeachment, còn khổ sở, điêu đứng hơm nưã.. Ông số 1, Nixon đành phải ra đi... khi trời vưà sáng, thì ông Phó, tức là ngài Ford, cứ theo Hiến Pháp mà nhẩy cú thứ hai tuyệt đẹp, lên thay chỗ ông số 1 để làm Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 38, mặc dầu dân chúng Hoa Kỳ chẳng bao giờ bầu ông làm Phó, làm Chánh cuả Toà Bạch Ốc bao giờ cả...Có lẽ ...Trời Đất thấy ông lên ngôi không giống ai cả cho nên chỉ cho ông làm nốt cái nhiệm kỳ dở dang cuả ông Nixon, tức là từ ngày ̣ ̣9 tháng ́8 – 1974 cho đến hết ngày 19 tháng 1 – 1977 mà thôi. Đang làm Tổng Thống, có nhiều lợi thế hơn theo lẽ thông thường cho nên ông Ford đánh bại được ông Reagan trong việc Đảng Cộng Hoà đề cử ra làm “Presidential Candidate“ để “đấu“ với ông Jame Earl Carter cuả Đảng Dân Chủ, giành chức vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 39. Theo các nhà Sử Học và phân tích thì ông Carter không phải là nhân vật xuất sắc về mặt “Trị quốc, an dân“ chớ chưa nói đến chuyện “Bình thiên hạ“ , nhưng ông là người đạo đức, tốt lành và sau khi nước Mỹ vưà trải qua cơn “khủng hoảng lãnh đạo “chưa bao giờ có trong lịch sử : cả Tổng Thống lẫn Phó Tổng Thống đều phải ra đi trong tình trạng... chẳng vẻ vang, vinh dự chi cả. Ông Carter đã đi khắp đất nước, vận động tranh cử với đề tài chính yếu là “Nước Mỹ phải có những người lãnh đạo mới mẻ, tốt lành hơn để đưa nước Mỹ trở lại vị trí được toàn dân cũng như nhân loại yêu thương, kính nể“. Đề tài tranh cử này coi bộ “ăn cử tri“ thấy ro,̃ và ông Carter bước vô làm Chủ Toà Bạch Ốc với chức vị Tổng Thống thứ 39 cuả đất nước vĩ đại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, muốn làm là một chuyện, nhưng có làm được hay không là hai chuyện hoàn toàn khác nhau ở trên cõi đời này. Ông James Earl Carter, người đời thường g̣oi Jimmy Carter, tuy thành công về ngoại giao, đem lại sự ký kết hiệp ước hoà bình trong cuộc chiến tranh giưã Do Thái và Ai Cập ̣ (được đề nghị lãnh giải Nobel Hoa Binh sau thời gian đó, nhưng chưa “ dính “ nổi, phải đợi đến năm 2002, mới đây thêi, sau nhiều thành công khác cho hoà bình nhân loại, ông Carter mới đoạt được giải Nobel về Hoa Bình ) nhưng trong nước, ông không giải quyết được nạn lạm phát, vấn đề thất nghiệp, kinh tế suy thoái, lại thêm̀ vụ sinh viên xứ Hồi Giáo Iran chiếm Toà Đại Sứ Mỹ , bắt 52 người Mỹ làm con tin. Vấn đề thương thảo giải quyết lòng thòng cả năm không xong , khiến dân Mỹ vốn khó kiên nhẫn, nổi điên, nổi khùng (Nếu gặp ông Số Một ngày nay cuả tôi thì đám sinh viên Iran đó không bị hoả tiễn xịt, biệt kích nhẩy trực thăng xuống ria tiểu liên cho chết hết thì cũng...bị thương nặng phải vô bệnh viện nằm ngơi cho biết sự đời). Cơ hội bằng vàng đ̃ã đến, cựu tài tử điện ảnh, cựu Thống Đốc Bang Calí bèn nhẩy ra đúng lúc, đúng thời. Với đường lối, chính sách hợp lòng dân, tài ăn nói đã hấp dẫn từ hồi còn làm xướng ngôn viên thể thao, tài tử điện ảnh, bằng những vụ xuất hiện trên màn ảnh truyền hình ( đất dụng võ cuả chàng ) ứng cử viên Tổng Thống Ronald Reagan đã nổi bật như một vì sao sáng trên vùng trời Hoa Kỳ đang âm u vì tình trạng kinh tê suy thoáí, thất nghiệp tràn lan, nạn lạm phát ... hết thuốc chưã (serious inflation), vụ 52 người Mỹ bị bắt giữ làm con tin sống chết ra sao, có bị cưá cổ hay không ở Iran ... Thế là cựu tài tử điện ảnh, Ronald Reagan, cựu Thống Đốc Bang Cali cuả tôi đã ... hạ đo ván kỹ thuật (technically knocked out ) ngài Jimmy Carter , đương kim Tổng Thống tái tranh cử keo thứ nhì , để cùng First Lady Nancy Reagan chính thức bước vào làm chủ Toà Bạch Ốc ngày 20 tháng 01 năm 1981, sau Lễ Tuyên Thệ nhậm chức vơí sự chứng kiến cuả Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện Warren Burger và Nữ Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện đầu tiên cuả nước Mỹ Sandra Day O’Connor .
Ông Reagan, với những phụ tá vào hàng cự phách (outstanding assistants) đã cho thi hành những biện pháp thích hợp và quyết liệt để đưa nước Mỹ ra khỏi tình trạng đen tối và đem lại cho Đất Nước cuả Ông một luồng sinh khí mới, dân chúng sôi động tinh thần yêu nước, Hoa Kỳ dần dần trở lại với vị trí xứng đáng cuả một “ Siêu cường quốc “. Những đường lối, chính sách kinh tế có hiệu quả mạnh mẽ, rõ ràng cuả thời đại Ronald Reagan đã được người ta đặt cho cái tên g̣ọi là “Reaganomics“.
Ngay khi nhậm chức, bắt đầu một thời kỳ mới mẻ, nhà lãnh đạo Ronald Reagan đã phải đối đầu với một địch thủ đáng nể mặt: Liên Bang Sô Viết, luôn luôn ôm mộng thống trị toàn cầu, sau những thắng lợi vẻ vang, oanh liệt tại các Châu Lục: Á , Phi, Châu Mỹ La Tinh, trong đó Nam Việt Nam, tiền đồn chống cộng cuả Mỹ tại Á Châu xụp đổ một cách thê thảm. Đứng trước làn sóng cộng sản đang dâng lên như bão táp, vây kín chung quanh theo quan điểm chính trị và quân sự cuả Lenin, Cha đẻ cuả Cách Mạng vô sản tháng 10 – 1917 tại Nga, cuả Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản : Thôn tính Đông Âu trước nhất,rồi theo vết dầu loang, Trung Quốc sẽ đi tiền phong với đạo quân và khối dân đông đảo nhất sẽ thống trị toàn cõi Á Châu. Còn Châu Phi với những quốc gia nghèo nàn, chậm tiến, đói khổ thì bộ máy tuyên truyền cộng sản dễ dàng hấp dẫn, thúc đẩy dân chúng nổi dậy cướp chính quyền, giành lấy quyền sống theo kiểu : Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, cơm no, áo ấm, tài nguyên đất nước là cuả nhân dân, không còn ai bị đói khổ, đàn áp, bóc lột. Ṃoi người dân đều trở nên sung sướng, bình đẳng. Đến lúc đó, Hoa Kỳ, tên đế quốc đầu sỏ, kể như đã ḅi vây chặt trong thế gọng kìm, chỉ còn… chờ chết trước sức mạnh cuả nhân dân vô sản, khỏi cần đánh đấm chi cả . Tiếc rằng Lenin chỉ học nghề thầy bói nói mò theo kiểu chủ quan,khinh địch : phe ta tiến lên ào ào, còn phe nó…đắp mền ngủ kỹ cho nên ṃoi sự nó mới ra nông nỗi…phe nó không chết mà chính phe ta lại hết sống. Khổ thế đấy ! Ông Reagan đã thấy rõ : muốn giữ vững hoà bình thế giới, muốn ngăn chặn tham vọng điên cuồng cuả phong trào cộng sản thế giới, Hoa Kỳ, quốc gia hàng đầu cuả khối Tự Do , Dân Chủ, bắt buộc phải có một lực lượng quân sự thật mạnh, vượt trội đối phương, Ông kêu g̣oi Quốc Hội chấp thuận những ngân khoản cần thiết cho việc phát triển các loại hoả tiễn, oanh tạc cơ siêu đẳng và những loại vũ khí có thể trấn áp đối phương ngay từ phút lâm trận đầu tiên. Những nhân vật chính trị chưa biết nhiều về “Sách lược – Policies & Strategies“ cuả cộng sản thì la làng về sự chi tiêu quá đáng cho vấn đề quốc phòng, tối tân hoá quân đội, chiến tranh trên không gian, theo đường lối lãnh đạo cuả Ông Reagan. Nhiều nhân vật cho rằng cứ caí đà… đổ tiền xuống biển như thế này thì Ông Reagan chỉ giữ được Toà Bạch Ốc giỏi lắm l̀à một nhiệm kỳ mà thôi. Tuy nhiên, ̣ nhiều người lại cổ vũ cho đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại cuả nhà lãnh đạo mưu lược Reagan. Ronald Reagan biết rằng cộng sản chủ trương: dùng bạo lực để đạt tới mục tiêu, hoà bình ở đầu mũi súng, sức mạnh quân sự và sự cuồng tín cuả quần chúng quyết định sự thành công cuả “Cách mạng vô sản toàn càu – Global proletarian revolution“ cho nên Liên Sô bắt buộc phải chạy đua võ trang với Hoa Kỳ để giành thế “Thượng phong về hoả lực – Superiority of firepower“. Cuộc chạy đua này tốn tiền bạc kinh khủng lắm, nước Mỹ giầu mạnh nhất hành tinh mà vẫn phải vưà chạy đua, ở vị trí số 1, vưà ngó lại đằng sau, coi địch thủ đã qụy chưa . Còn anh Liên Sô thì chỉ sẵn sàng hi sinh cả triệu quân, chết 5,7 triệu dân cho sự chiến thắng cuả chủ nghiá Marx-Lenin, cho Cách Mạng vô sản thế giới siêu việt, thì kể chi ba chuyện đó. Khốn nỗi chạy đua với Mỹ bằng tiền bạc, bằng đô la, bằng đồng rúp thì Điện Kremlin ở Moscow không… chết thì cũng bị thương nặng, để đi đến chỗ xụp đổ. Mà đúng thế, thời gian đã chứng minh điều đó là sự thật. Ngay đầu năm 1984, tức là đầu năm thứ 3 cuả nhiệm kỳ1, Ronald Reagan tuyên bố “Công việc chúng ta theo đuổi chưa hoàn tất“ và Ông loan báo sẽ ra tái ứng cử nhiệm kỳ 2. Sự loan báo này được tung ra không lâu trước khi kỷ niệm sinh nhật thứ 73 cuả Ông được tổ chức tại Toà Bạch Ốc. Nhiệm kỳ 2, Ông đánh bại đối thủ Walter Mondale để tái đắc cử như Ông đã tin tưởng nơi dân chúng Mỹ đã và đang trông thâý một nước Mỹ thay hình đổi ḍang một cách phi thường. Cụu Lãnh tụ cuối cùng cuả Liên Bang Sô Viết, Mikhail Gorbachev, từng là kẻ đối đầu với Ông cũng phải công nhận Ronald Reagan là một vị Tổng Thống vĩ đại cuả thế giới - đã đưa tinh thần Tự Do, Dân Chủ vào các quốc gia cộng sản và ngay cả Liên-Sô-. Ronald Reagan là Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên đã đạt được những hiệp ước với Liên Sô về kiểm soát vũ khí nguyên tử, cũng như thoả ước 1987 về việc giải trừ các loại hoả tiễn có gắn đầu đạn nguyên tử đang nhắm vào các mục tiêu là những quốc gia quan trọng cuả khối NATO ( North Atlantic Treaty Organization). Trong khi nhân dân Ba-Lan – quốc gia đã nhiều phen cùng Hung-Gia-Lợi và Tiệp Khắc đấu tranh khởi nghiã nhưng thất bại trước Hồng Quân, xe tăng, đại bác cuả Liên Sô - đang dấy lên phong trào đấu tranh đòi Tự Do, Dân Chủ dưới sự tập hợp lãnh đạo cuả Công Đoàn Đoàn Kết, mà đương kim Giáo Hoàng Gioan Phao-lô Đệ Nhị taị La-Mã (người gốc Ba-lan) là “linh hồn “ cuả cuộc đấu tranh này, Ông Reagan, nhìn thấy thời cơ đang đến, tháng 6 – 1987, qua làn sóng truyền thanh, ông đã đọc 1 bài diễn văn lịch sử tại “ Bức tường ô nḥuc, ngăn đôi nước Đức tại Berlin, có những tháp canh, ụ súng liên thanh, rào kẽm gai dưới chân và những người dân Đông Đức từng bị bắn chết ở nơi đó vì ban đêm tìm cách vượt trốn sang Tây Đức.” Ông kêu g̣oi và thách đố Ông Gorbachev, Lãnh Tụ Liên Sô, người đã đưa ra chính sách “Đổi mới, cải tổ - Perestroika, Glasnot“ vào năm 1985, hãy cho thế giới loài người thấy ông là người thế nào, bằng cách cho phá bỏ bức tường ô nḥuc đó đi. Bài diễn văn cuả̉ Ông Reagan đã làm rung động thế giới cộng sản và toàn thể nhân loại. Kết quả: mong ước cuả Ông Reagan đã thành sự thực: Nhân dân Đông Đức với sự “bật đèn xanh“ cuả Lãnh tụ cộng sản thế giới Gorbachev, đã ào ạt xông lên phá tan “Bức tường ô nḥuc này“ góp thêm sức mạnh với Reagan, một nhân vật vĩ đại, cùng nhân dân Ba-Lan, Hung-gia-lợi,Lỗ-ma-ni, Bảo-gia-lợi,Tiệp-khắc vv... đồng loạt nổi lên như sóng đại dương lật nhào chế độ cộng sản tàn bạo, ác nghiệt, dã man tại quốc gia mình. Sự căm hờn, uất ức dồn nén bao năm không thể ngăn cản nhân dân Lỗ-ma-ni vùng lên, phá tan chế độ cộng sản và “xử tử tại chỗ“ vợ chồng nhà lãnh tụ độc tài cộng sản Caucescu sài tiền như đổ xuống sông, xuống biển, trong khi nhân dân lầm than, nghèo khổ. Ông chồng thì cứ bộ đồ lớn thay ra là...a-la đốt! Không có tẩy, hấp, giặt giũ chi cả. Khi khám xét tư dinh, người ta phát giác ra một kho giầy thứ xịn cuả bà vợ gần 4 ngàn đôi, gấp 10 lần cựu Đệ Nhất Phu Nhân Ferdinand Marcos – nổi tiếng với mấy trăm đôi giầy -cuả Phi Luật Tân khi nhà độc tài, tham nhũng này bị nhân dân hạ bệ.
Chính con người vĩ đại Ronald Reagan đã nhận ra bổn phận và trách nhiệm cuả mình, cuả nước Mỹ là phải cứu những người bạn chống cộng sản, từng sống chết với mình tại chiến trường Việt Nam, mà phải cḥiu cảnh lao tù đau khổ tại các trại tù cải ṭao ghê rợn cuả cộng sản Việt Nam nơi rừng sâu, núi thẳm cho nên năm 1984, Ông đã phái vị Tướng hồi hưu Vessy sang gặp chính quyền Hà Nội để bàn thảo cách giải quyết vụ này. Cộng sản Hà Nội vì tự ái dân tộc, đòi hỏi những điều kiện không thể chấp nhận cho nên câu chuyện tạm gác một bên. Năm 1986, tại Việt Nam, Nguyễn Văn Linh với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng, theo chân sư phụ Gorbachev, lãnh tụ Liên Sô, cũng bắt chước “Đổi mới, cải tổ“ một tí cho “quả bom nhân dân“ khỏi nổ tung. Do đó, loại tù cải tạo cỡ như kẻ viết bài này, từ năm 1987 trở về sau mới được thả về vơí sự đe doạ bị tống đi vùng kinh tế mới . Năm 1988 chuyện tù cải tạo trên 3 năm có thể lập hồ sơ, nộp đủ thứ tiền cho cộng sản, để làm thủ tục đi định cư tại Hoa Kỳ cùng với gia đình – theo điều kiện quy định - mới chính thức được loan báo trên đài phát thanh Hà Nội cũng như các đài VOA, BBC vv...
Viết những dòng này, tôi không bao giờ quên được nhân vật vĩ đại Ronald Reagan, người đã cứu nước Mỹ ra khỏi cảnh đen tối cuả những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, người đã góp phần công sức lớn lao vào việc làm xụp đổ hệ thống cộng sản quốc tế từ Đông Âu, Đông Đức rồi chính ngay tại thành trì cộng sản thế giới là Liên Sô, giải thoát bao nhiêu triệu người khỏi gông cùm cộng sản, chết chóc trong các trại cưỡng bách lao động khổ sai, trong đó có chính tôi, có cơ hội thoát kh̉ỏi cảnh sống kinh hoàng trong hơn 12 năm, trong 5 trại tù cải tạo nơi rừng sâu nước độc, nhiều phen tưởng không cách nào sống nổi, để cùng gia đình được sống dưới bầu trời Tự Do, con cháu có cơ hội được sống với ý nghiã đích thực cuả con người... Xin cúi đầu tưởng niệm nhân vật vĩ đại Ronald Reagan...

SanDiego,California
Phan Đức Minh


STRESS TRONG ĐỜI SỐNG MỸ
Tạ Đức Trí

Với lối sống hiện đại và bận rộn tại Hoa Kỳ, nhiều người đã phải làm việc, lo nghĩ từ năm này sang năm khác mà không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Chính cách sống với quá nhiều lo toan đã khiến cho những người sống trong xã hội Mỹ ít nhiều đều bị stress, hay tình trạng căng thẳng về tinh thần và thể xác. Nguy hiểm hơn, stress lại còn là mầm mống của nhiều căn bệnh phổ biến khác, kể cả những bệnh về tâm sinh lý.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căng thẳng tại Hoa Kỳ. Một nguyên nhân rất căn bản và chủ yếu là vấn đề thanh toán các khoản nợ. Mang nợ tại Mỹ là một chuyện rất bình thường vì bất kỳ món hàng nào dù nhỏ như thỏi kẹo chocolate hay lớn như một biệt thự đều có thể dùng tín dụng để mua thay vì tiền mặt. Khi mua hàng bằng tín dụng, hay credit, người mua mang nợ với nhà băng và phải trả góp hàng tháng. Rất nhiều người Mỹ mỗi tháng cần phải lo trả nợ cho nhà, xe, và rất nhiều thẻ tín dụng. Nếu không trả nợ theo đúng quy định của nhà băng, bạn có thể bị nhà băng tịch thu nhà, xe, và các bất động sản giá trị khác. Chính vì vậy mà việc thanh toán "sổ nợ" hàng tháng trở thành nguyên nhân gây căng thẳng cho nhiều người Mỹ, nhất là đối với những người có mức lương chỉ vừa đủ sống hàng tháng.
Ngoài các khoản nợ, cuộc sống tại Hoa Kỳ còn đòi hỏi nhiều khoản chi trả căn bản khác như: tiền điện, ga, nước, rác, điện thoại, internet, bảo hiểm các loại, v.v. Muốn có đủ khả năng giải quyết mọi chi tiêu căn bản, mỗi gia đình cần phải có một mức thu nhập tương đối ổn định. Cho nên, có được một việc làm tốt với lương khá là điều mà ai cũng mong muốn. Khi có việc làm khá rồi, lại phải cố giữ cho công việc được lâu dài để cuộc sống được ổn định dù cho có nhiều điều xảy ra không được như ý tại sở làm. Và như vậy, nỗi lo bị mất việc trở thành nguyên nhân gây căng thẳng thứ hai cho người Mỹ. Mặt khác, áp lực tại sở làm cũng là một nguyên nhân gây ra căng thẳng. Nhân viên chịu áp lực từ cấp trên, cấp trên lại bị áp lực từ cấp lãnh đạo, trong khi người chủ hay tổng giám đốc công ty cũng bị áp lực từ sự cạnh tranh của các công ty khác. Nói chung, ở bất kỳ cấp bậc nào, một người đi làm tại Mỹ đều bị stress ở một mức độ nào đó.
Bản chất của công việc cũng là một nguyên nhân khác dẫn đến căng thẳng. Stress được xem là trạng thái căng thẳng thần kinh hay thể xác, bắt nguồn từ sự lo nghĩ thái quá hoặc mệt mỏi cơ bắp thái quá. Nhiều công việc văn phòng tuy không đòi hỏi hoạt động chân tay nhưng do suy nghĩ quá nhiều cũng gây ra stress không thua gì các công việc tay chân nặng nhọc. Nhiều người vì công việc quá căng thẳng đã phải thay đổi công việc khác dù được trả lương ít hơn. Cũng có người phải nghỉ hưu non để tránh phải đối diện với stress mỗi ngày. Theo các thống kê dựa trên thăm dò ý kiến và các nghiên cứu về công việc làm cho thấy công việc của tổng thống Hoa Kỳ là nhiều stress nhất. Những công việc mang lại nhiều căng thẳng gồm có: lính cứu hỏa, tài xế taxi, cảnh sát, phi công máy bay dân sự, phi hành gia, chuyên viên thị trường chính khoán, bác sĩ giải phẫu, nhân viên cứu cấp, và dân biểu quốc hội. Ngược lại, những nghề ít căng thẳng nhất thường là những nghề giúp cho người khác bớt căng thẳng như giảng viên yoga, huấn luyện viên chạy bộ, chuyên viên vật lý trị liệu, hay biên đạo múa. Ngoài ra, một số ngành nghề được xem là ít tạo căng thẳng gồm có: chuyên viên cắm hoa, chuyên viên dinh dưỡng, chuyên viên chỉnh xương, chuyên viên thẩm mỹ, giáo sư, và thợ kim hoàn.
Về mặt y học, stress trong thời gian dài có thể dẫn đến các triệu chứng đau nhức kinh niên, hoặc tình trạng rối loạn hệ thống thần kinh, hô hấp, hay tiêu hóa. Căng thẳng về tinh thần và thể xác cũng có liên hệ với nhau. Người bị căng thẳng tinh thần thường có khuynh hướng gồng các bắp thịt, chong mắt lớn, hoặc thở gấp một cách vô thức, từ đó dẫn đến sự căng thẳng thể chất như đau nhức khắp người, mỏi mắt, hay cảm giác ngộp thở hoặc khó thở. Do đó, vấn đề thư giãn là yếu tố chính giúp giải tỏa stress. Người bị stress phải tự xác định xem nguyên nhân dẫn đến stress là gì để có thể tự mình tìm cách khống chế stress, hoặc cũng có thể tìm đến bác sĩ hay nhà tâm lý học nhờ giúp đỡ điều trị. Mỗi người cũng có một cách giải tỏa stress một cách khác nhau. Nhiều phụ nữ cho rằng đi mua sắm là một hình thức giảm bớt căng thẳng hữu hiệu nếu như biết cách kiểm soát mức tiêu xài của mình, trong khi việc ngồi uống cà phê nghe nhạc lại có vẻ giúp các ông giải tỏa căng thẳng nhiều hơn. Một số những cách giúp giảm căng thẳng được nhiều người áp dụng gồm có: làm công việc nhà, làm vườn, chơi nhạc, sáng tác, đọc sách, đi dạo công viên, vào phòng chat, nấu ăn, ngâm mình trong bồn nước ấm, mát-xa, chơi đùa với con, v.v. Ngoài những các giảm bớt stress kể trên, các vị bác sĩ thường khuyên bệnh nhân của mình chú tâm vào việc tập thể dục vì ngoài khả năng giải tỏa căng thẳng, tập thể dục còn giúp tránh được những căn bệnh phổ biến rất thường gặp khi con người bước vào tuổi trung niên như cao máu, cao mỡ, hay xốp xương. Có nhiều cách tập thể dục để giảm bớt stress. Nhiều người chỉ cần vài động tác co giãn cơ bắp cũng có thể bớt đi căng thẳng, nhiều người phải tập khoảng nửa tiếng mỗi ngày mới giúp được cơ thể và tinh thần bớt mệt mỏi. Những cách tập thể dục thường được bác sĩ đề nghị gồm có: chạy bộ (trên máy hoặc ngoài công viên), đi bộ nhanh, bơi lội, thể dục nhịp điệu, khí công, yoga, và hiking.
Cuộc sống mang nhiều căng thẳng có thể là lý do mà trong những năm gần đây triết lý sống vô thường của Lão giáo cũng như đạo lý nhà Phật được nhiều người Mỹ nghiên cứu nhằm tìm lại được sự quân bình trong tinh thần và thể xác. Hơn nữa, mỗi người có một sức chịu đựng stress khác nhau. Người Á Đông nói chung hay người Việt Nam nói riêng có sức chịu đựng stress tương đối nhiều hơn người Mỹ bản xứ. Điều này có lẽ xuất phát từ bối cảnh lịch sử mang nhiều biến động và khủng hoảng của người Việt Nam ngay từ trước khi đến tị nạn tại Hoa Kỳ khiến cho nhiều người Việt xem những căng thẳng trong cuộc sống đời thường chỉ là những giao động nhỏ không đáng kể.
Dù sao đi nữa, sống trong xã hội Mỹ mọi người đều phải đối diện với stress ở một mức độ nào đó trog cuộc sống hàng ngày.



THEO DẤU CÁC LOÀI DI TRÚ
Tạ Ðức Trí
Hoa Kỳ tuy là một nước phát triển vượt bực về khoa học kỹ thuật, người dân Hoa Kỳ nói chung lại rất yêu chuộng nếp sống gần thiên nhiên. Do đó, những điều lý thú của tạo hóa thường thu hút sự chú ý của người Mỹ rất nhiều.

Với khí hậu thay đổi bốn mùa và đất đai rộng lớn, rất nhiều loài thú sinh sống tại Hoa Kỳ thực hiện những chuyến di trú để tránh cái lạnh của mùa đông. Một số loài khác di trú do thói quen sinh sống được truyền từ đời này sang đời khác mà đến nay vẫn còn là những bí ẩn của khoa học.
Dọc theo bờ biển phía đông và tây Hoa Kỳ, người dân được dịp theo dõi sự di chuyển của các loài cá voi. Vì cá voi mới sanh không có lớp mỡ dày chống lạnh nên cá voi phải sinh nở và tránh lạnh ở vùng biển nước ấm. Tuy nhiên, biển ở những vùng này tương đối nông hơn nên không cung cấp đủ dưỡng khí và thức ăn cho cá voi. Do đó, sau khi sanh nở, cá voi lại phải dắt con trở về vùng biển nước lạnh nơi có nguồn thức ăn đầy đủ. Chính vì vậy mà mỗi năm, loài cá voi đều phải di chuyển giữa hai vùng nước ấm và nước lạnh, từ đó tạo ra thú đi xem cá voi cho người Mỹ.
Tại thành phố biển Dana Point phía nam bang California vào các cuối tuần đầu tháng Ba đã diễn ra Hội Chợ Cá Voi đánh dấu thời điểm có nhiều cá voi xám đi ngang vùng biển này trên đường di trú. Cá voi xám sẽ thực hiện cuộc hành trình dài 10,000 dặm từ bang Alaska di chuyển dọc theo bờ biển miền tây nước Mỹ để đến trung và nam Mỹ sinh nở cũng như tránh lạnh. Trong khi đó ở bờ đông Hoa Kỳ, những thành phố như Gloucester hay Boston thuộc bang Massachusetts là nơi thu hút rất nhiều người đến xem cá voi "lưng gù" (humpback whale). Gloucester được coi là một trong những địa điểm xem cá voi nổi tiếng nhất thế giới vì chỉ nằm khoảng trên dưới mười dặm cách hai vùng cung cấp nguồn thức ăn cho cá voi là Stellwagen Bank và Jeffrey's Ledge. Nhờ vậy mà cá voi trong vùng biển gần Gloucester vừa đa dạng vừa nhiều hơn so với những nơi khác trên nước Mỹ.
Số lượng tàu bè di chuyển dọc theo bờ biển Hoa Kỳ tạo những làn sóng mạnh có thể đẩy những chú cá voi vào quá gần bờ và mắc cạn. Chính vì vậy mà tại Hoa Kỳ, cá voi cũng được luật liên bang bảo vệ. Chỉ có những loại tàu bè được cấp giấy phép mới có thể đến gần cá voi và phải tuân theo đúng giới hạn về vận tốc tàu chạy cũng như những quy định trong trường hợp cá voi đến quá gần tàu. Những loại tàu bè không có giấy phép mà lại được cá voi "chiếu cố" đến gần thì phải nhẹ nhàng chậm rãi rút lui và liên lạc ngay với cơ quan có thẩm quyền để sự di chuyển của cá voi được ghi nhận.
Nếu như cá voi di trú vì nhu cầu sinh tồn, thì cá hồi (salmon) trở về sinh quán vì thói quen bất di bất dịch mà cho đến ngày nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của khoa học. Chu kỳ sống của cá hồi có thể được chia làm năm giai đoạn: làm tổ đẻ trứng, thời niên thiếu, xuôi dòng ra biển, trưởng thành, và ngược dòng về nguồn. Trong năm giai đoạn, chỉ có thời kỳ trưởng thành là cá hồi sống ở đại dương khoảng từ một đến sáu năm, những giai đoạn còn lại trong cuộc đời của cá hồi diễn ra ở các dòng sông. Số lượng cá hồi có thể sinh tồn đến lúc sanh nở lứa kế tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào ảnh hưởng của môi trường sống. Cá hồi đẻ trứng trong những cái tổ se từ cát đá ở nơi nước cạn đầu nguồn, khi lớn lên cần sống ở nơi có đủ độ sâu và hang hốc để ẩn nấp và tránh cái nóng mùa hè. Khi đã sẵn sàng xuôi dòng, cá hồi phải vượt rất nhiều chướng ngại để tìm đường ra biển. Cá hồi trưởng thành rất nhanh ngoài biển nhưng phải đối đầu với nhiều loài săn thịt cá hồi. Các con cá hồi còn sống sót đến giai đoạn này sẽ phải dùng hết sức làm cuộc hành trình ngược dòng, vượt qua các đập, thác, chướng ngại để về lại đúng nơi chúng đã được sinh ra và lập lại chu kỳ sống. Sau khi cá mái đẻ trứng và cá trống làm cho trứng đậu, phân nửa số cá hồi cạn kiệt sức lực và chết chỉ sau đó vài ngày hay vài tuần.
Cá hồi có thể được tìm thấy ở cả hai bờ đông và tây Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu ở bờ tây Hoa Kỳ, từ Alaska xuống đến California, tập trung nhiều ở tiểu bang Washington với khoảng 1,000 địa điểm cá hồi đẻ trứng. Cá hồi sinh trưởng trên sông Columbia bắt nguồn từ bang Ohio, đi qua hai tiểu bang Oregon và Washington với nhiều con sông nhỏ nhập vào đã phải vượt qua khoảng tám đập nước trước khi ra được tới biển. Với tình trạng nhiều giống cá hồi đang có nguy cơ tuyệt chủng, rất nhiều dự án do liên bang cũng như tiểu bang tài trợ đã thiết kế đường dẫn nước riêng vượt qua các đập và thác nhằm giúp cá hồi di chuyển xuôi dòng và ngược dòng một cách dễ dàng hơn.
Trong số các loài di trú, thú vị nhất có lẽ phải nói đến bướm Monarch. Kể từ tháng Mười, bướm Monarch sẽ bắt đầu xuất hiện dọc theo bờ biển California, đông nhất là tại một vài địa điểm như Pismo Beach, Pacific Grove, hay Santa Cruz. Trong khi ở phía đông của rặng núi Rocky, bướm Monarch sẽ tụ tập ở những cánh rừng trên đỉnh núi miền trung nước Mexico trong khu vực gọi là Transvolcanic Range. Khi bướm tụ tập cũng là lúc người Hoa Kỳ đi tìm xem bướm. Monarch là loài bướm duy nhất có khả năng di trú, chặng đường bay xa nhất có thể lên đến 2,000 dặm và ở độ cao lên đến 10,000ft. Thông thường bướm Monarch có một cuộc sống ngắn ngủi độ chừng 2 đến 6 tuần lễ, nhưng cứ mỗi ba thế thệ thì đến một thế hệ bướm không chết sau 6 tuần mà lại bay về phương nam, ngủ qua mùa đông trong vòng 4-5 tháng. Sang xuân vào khoảng tháng Hai, bướm thức dậy tụ thành từng đàn hàng ngàn con trên những cây thông hoặc cây bạch đàn tìm bạn tình, sau đó bay về lại sinh quán để đẻ trứng, rồi chết. Như vậy hàng năm, trong khi những loài thú khác lần theo những điểm mốc quen thuộc để về nơi trú lạnh cũ, bướm Monarch thực hiện một cuộc hành trình đến một nơi hoàn toàn xa lạ đối với chúng, vượt qua rất nhiều trở ngại do khí hậu và môi trường ô nhiễm gây ra. Ðiều này cho đến nay vẫn còn là một bí hiểm thu hút sự nghiên cứu của các nhà côn trùng học.
Nhờ theo dõi sát hoạt động di trú của các loài thú mà người dân Hoa Kỳ vừa được hưởng thú vui xem sinh hoạt của các loài này trong môi trường thiên nhiên, vừa có thể tìm cách bảo vệ chúng nhằm tạo một môi trường sống cân bằng và sinh động.

< Trước
Tiếp >


LUẬT LAO ÐỘNG TẠI HOA KỲ
Tạ Ðức Trí
Với tệ nạn buôn người và tình trạng bóc lột sức lao động diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền Hoa Kỳ luôn chú trọng đến luật lao động từ cấp liên bang đến địa phương nhằm khám phá nhanh chóng những trường hợp vi phạm luật, mang lại sự công bằng cho người đi làm và đóng thuế tại Hoa Kỳ.

Luật lao động được gọi chung cho một tổng hợp các luật liên bang và tiểu bang có liên quan đến lao động. Thông thường luật liên bang được xếp đứng trên luật tiểu bang, đặc biệt là trong những trường hợp luật liên bang và tiểu bang có những điều khoản trùng lặp. Trên căn bản, thỏa thuận lao động tại Hoa Kỳ có tính chất "tự giác" (at-will), nghĩa là liên hệ chủ-thợ có thể được chấm dứt bởi bất cứ bên nào với bất cứ lý do nào hoặc không cần có lý do. Do đó, việc ép buộc một người làm việc cho mình hoặc mướn mình có thể được xem là trái với pháp luật. Tuy nhiên, luật cũng ngăn cấm hành động sa thải người vì lý do kỳ thị dưới bất kỳ hình thức nào.
Một trong những điều luật chính yếu bảo vệ người lao động đầu tiên được thông qua vào năm 1938. Fair Labor Standard Act (tạm dịch là Ðạo Luật Tiêu Chuẩn Lao Ðộng Công Bằng) năm 1938 đặt ra một số tiêu chuẩn về việc thuê mướn người và trả lương cho tất cả các công ty trên khắp nước Mỹ. Theo đạo luật này thì người đi làm được quyền hưởng một mức lương tối thiểu tính theo giờ. Vào năm 1938, lương tối tiểu của liên bang nằm ở mức 25 xu/giờ. Mức lương này theo thời gian được điều chỉnh cao hơn khi mức sống căn bản tại Hoa Kỳ được nâng lên. Mức lương tối thiểu của liên bang hiện nay là $5.85/giờ và sẽ tăng lên $6.55/giờ vào tháng bảy năm nay, sau đó sẽ tăng lên $7.25/giờ vào tháng bảy năm 2009. Ngoài ra, Hoa Kỳ có 45 tiểu bang ấn định mức lương tối thiểu riêng phù hợp với mức sống tại tiểu bang đó. Bang Washington hiện có mức lương tối thiểu cao nhất là $8.07/giờ, kế đến là bang California ở mức $8.00/giờ. Trong khi đó tại bang Kansas, lương tối thiểu có thể xuống thấp đến $2.65/giờ. Một số thành phố còn thông qua luật để có một mức lương tối thiểu riêng. Ví dụ như thành phố San Francisco đã có mức lương tối thiểu là $9.36/giờ kể từ đầu năm nay. Luật về mức lương tối thiểu cũng được áp dụng tại các lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của Hoa Kỳ như tại Guam, Samoa, hay Puerto Rico. Những tiêu chuẩn lao động căn bản khác tại Hoa Kỳ gồm có: Giới hạn số giờ làm việc ở mức 40 tiếng/tuần, một số công việc sẽ được trả lương phụ trội nếu làm hơn 40 tiếng/tuần, ngăn cấm việc thuê mướn trẻ em dưới 18 tuổi, v.v.
Năm 1941, Fair Employment Act được thông qua ngăn cấm sự kỳ thị về chủng tộc trong cộng việc làm, khởi đầu cho những đạo luật khác mang tính cách bảo vệ người đi làm khỏi bị kỳ thị như Ðiều VII Ðạo Luật Dân Quyền năm 1964, Ðạo Luật Người Mỹ có Khuyết Tật năm 1990, hay Ðạo Luật Rời Việc vì Gia Ðình và Sức Khỏe năm 1993. Cũng trong năm 1964 Equal Employment Opportunity Commission, tạm dịch là Ủy Ban Cơ Hội Việc Làm Bình Ðẳng, được thành lập nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự kỳ thị tại công sở dưới bất kỳ hình thức nào, như ấn định mức lương hoặc quyết định thuê mướn dựa trên giới tính, sắc tộc, tôn giáo, hay tuổi tác thay vì theo khả năng chuyên môn cũng như bảo đảm sự công bằng trong công việc cho những người có khuyết tật hay có giới hạn ngôn ngữ. Người đi làm tại Hoa Kỳ cũng còn được quyền tạm thời nghỉ ở nhà vì lý do sức khỏe của cá nhân hay người thân và trong trường hợp mới có con nhỏ (con ruột cũng như con nuôi). Theo đúng luật thì một người đang đi làm được quyền nghỉ không lương một thời gian ví lý do sức khỏe mà không sợ bị sa thải và khi quay lại làm việc vẫn được tiếp tục làm công việc cũ hoặc một việc tương đương nếu như công việc cũ không còn với đầy đủ quyền lợi như lúc trước khi nghỉ làm.
Luật Hoa Kỳ còn quy định người được mướn làm việc cố định (khác với người làm việc theo hợp đồng độc lập, independent contractor) phải được chủ cung cấp bảo hiểm tai nạn tại công sở nhằm chi trả cho việc điều trị và thuốc men nếu lỡ gặp tai nạn trong khi làm việc. Hoa kỳ cũng có luật bảo đảm quyền lợi hưu trí cho những người có đóng thuế trong lúc đi làm cũng như luật bảo đảm môi trường làm việc ít ô nhiễm cho nhân công. Trong trường hợp sẽ có một cuộc cắt giảm nhân viên hàng loạt hoặc đóng cửa thương vụ, luật Hoa Kỳ quy định các công ty phải ra thông cáo trước 60 ngày và có sự sắp xếp thỏa đáng cho những người bị thất nghiệp. Những người vừa bị mất việc một cách không tự nguyện có thể liên lạc với Cơ Quan Phát Triển Việc Làm (Employment Development Department, gọi tắt là EDD) để được hưởng tiền thất nghiệp, được ấn định dựa trên mức lương của mỗi người.
Những người đi làm tại Hoa Kỳ còn có quyền gia nhập công đoàn một cách tự nguyện. Vai trò của công đoàn là đại diện cho các công nhân thành viên trong các cuộc thương lượng về tiền lương, giờ làm, điều kiện, hay môi trường làm việc. Khi việc thương lượng không đưa đến kết quả thỏa đáng, luật tại Hoa Kỳ cũng còn cho phép các công đoàn tự do tổ chức đình công trong ôn hòa. Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các cuộc đình công thường có tính tự phát, dễ dẫn đến bạo động và thường phải có sự can thiệp của quân đội để chấm dứt đình công. Một trong những cuộc đình công lớn đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ là cuộc đình công của các công nhân đường sắt năm 1877 để phản đối việc bị giảm lương, cắt việc làm, và điệu kiện làm việc quá nguy hiểm. Cuộc đình công kéo dài nhiều tháng liền và lan nhanh trên toàn quốc nhưng cuối cùng đã chấm dứt khi có sự can thiệp của quân đội liên bang. Càng về sau, các cuộc đình công càng mang tính ôn hòa nhiều hơn và cũng dễ đưa đến kết quả ổn thỏa hơn. Mặc dù dưới hình thức nào, lớn hay nhỏ, các cuộc đình công luôn gây ra thiệt hại đáng kể cho sinh hoạt thường ngày tại Hoa Kỳ. Gần đây nhất, cuộc đình công do công đoàn các nhà văn miền đông và miền tây kết hợp tổ chức đã có sự tham gia của khoảng 12,000 người cầm bút, đe dọa làm tê liệt kinh đô điện ảnh Hollywood. Cuộc đình công bắt đầu từ tháng 11 năm 2007 nhằm đòi hỏi mức chia phần lời xứng đáng hơn và ngôn ngữ hợp đồng rõ ràng hơn cho những người cầm bút như nhà văn, người viết truyện phim, kịch bản, v.v. Cuộc đình công kết thúc với những điều kiện thỏa đáng vào ngày 14 tháng hai năm 2008, vừa kịp cho lễ trao giải điện ảnh Oscar 2008.
Với rất nhiều điều luật bảo vệ người đi làm được thi hành chặt chẽ, những vụ bóc lột sức lao động diễn ra tại Hoa Kỳ đã có thể được nhanh chóng khám phá và chấm dứt. Do đó, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia mà nhiều người muốn đến làm việc nhất trên thế giới.

< Trước
Tiếp >



VAI TRÒ ÐỆ NHẤT PHU NHÂN HOA KỲ
Tạ Ðức Trí
Cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay có nhiều điểm đặc biệt khiến nhiều người trước đây thờ ơ với việc bỏ phiếu đã hăng hái đi bầu lần đầu tiên. Một trong những điều lý thú là lần đầu tiên Hoa Kỳ có một nữ ứng cử viên, lại càng đặc biệt hơn khi bà là một cựu Ðệ Nhất Phu Nhân, vai trò trước nay vẫn được xem là thuộc về "hậu trường" nhiều hơn.

Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ tuy không phải là một chức sắc chính thức, nhưng theo thời gian đã nghiễm nhiên trở thành danh xưng dành cho nữ chủ nhân Bạch Cung. Theo lẽ thì vai trò này dành cho phu nhân của vị tổng thống đương nhiệm, như trong 21 đời tổng thống cuối cùng, tính từ tổng thống Grover Cleveland. Tuy nhiên trong quá khứ đã từng có những phụ nữ không phải vợ tổng thống vẫn được công nhận là Ðệ Nhất Phu Nhân vì tổng thống góa vợ, chưa vợ, ly dị vợ, hoặc người vợ vì lý do nào đó không thể hay không muốn giữ vai trò chủ nhân Bạch Cung. Các vị tổng thống Hoa Kỳ không có vợ bên cạnh, như các tổng thống góa vợ Thomas Jefferson, Andrew Jackson, Martin Van Buren, Chester Arthur, và Benjamin Harrison hay tổng thống độc thân James Buchanan đã có con dâu, con gái, cháu gái hoặc em gái đảm nhiệm vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân. Riêng tổng thống Thomas Jefferson đã nhờ một người bạn là bà Dolley Madison giúp đỡ con gái trong vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân. Ðiều lý thú là bà Dolley Madison liền sau đó lại chính thức trở thành Ðệ Nhất Phu Nhân khi chồng của bà là James Madison đắc cử tổng thống. Trong lịch sử Hoa Kỳ cũng còn có hai vị tổng thống với hai người vợ đều được mang danh xưng Ðệ Nhất Phu Nhân là hai tổng thống John Tyler và Woodrow Wilson vì hai vị này tục huyền sau khi người vợ đầu tiên qua đời trong lúc đương nhiệm.
Cách gọi Ðệ Nhất Phu Nhân (First Lady) trở thành phổ biến do sự truyền tụng rộng rãi trong công chúng. Những vị tổng thống phu nhân đầu tiên mỗi người thích được công chúng gọi một cách khách nhau, ví dụ như Lady hay Mrs. President. Bà Dolley Madison, phu nhân tổng thống thứ tư James Madison, rất được công chúng yêu thích và cho rằng là người đầu tiên được mang danh xưng Ðệ Nhất Phu Nhân khi bà từ trần năm 1849. Ðến năm 1877, cách gọi Ðệ Nhất Phu Nhân được phổ biến toàn quốc nhờ nhà báo Mary Ames đã gọi bà Lucy Webb Hayes là "First Lady of the Land" trong lúc tường trình buổi nhậm chức của tổng thống Rutherford B. Hayes. Bà Lucy Hayes cũng là một vị Ðệ Nhất Phu Nhân rất được công chúng yêu mến, còn được biết với tên gọi Lemonade Lucy vì bà đã không cho phép đãi rượu tại Bạch Cung.
Ðệ Nhất Phu Nhân thật ra không có một vai trò chính thức hay bắt buộc nào, nhưng lại thường xuyên tham dự các lễ tiệc bên cạnh tổng thống hoặc thay mặt tổng thống. Do đó, hình ảnh của Ðệ Nhất Phu Nhân trước công chúng cũng rất quan trọng và góp phần không nhỏ trong sự thành công của tổng thống Hoa Kỳ. Theo truyền thống thì các vị Ðệ Nhất Phu Nhân đều không đi làm ở ngoài mà chỉ lo công việc chăm sóc Bạch Cung và gia đình, cũng như tổ chức các buổi lễ tiệc tại Bạch Cung, tương tự như những người nội trợ khác. Tuy nhiên, rất nhiều vị Ðệ Nhất Phu Nhân đã tận dụng vai trò của mình để thực hiện các công tác từ thiện khắp thế giới. Nhiều bà còn đóng một vai trò tích cực trong lãnh vực ngoại giao và rất đắc lực trong việc vận động tranh cử và điều hành quốc gia của chồng. Với vai trò ngày một nhiều, Ðệ Nhất Phu Nhân ngày nay có những nhân viên riêng làm việc trong Văn phòng của Ðệ Nhất Phu Nhân (Office of the First Lady) là một chi nhánh của Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống (Executive Office of the President). Một số chức vụ nằm dưới quyền Ðệ Nhất Phu Nhân gồm có đầu bếp chánh, chuyên viên thiết kế hoa, thư ký xã hội, thư ký truyền thông, v.v.
Có nhiều vị Ðệ Nhất Phu Nhân trong quá khứ trở nên nổi tiếng ở nhiều lãnh vực. Cả hai người vợ của tổng thống Woodrow Wilson là Ellen Wilson và Edith Wilson đều được xem là có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong các quyết định của chồng. Bà Edith Wilson còn được mệnh danh là "tổng thống bí mật" hay "người phụ nữ đầu tiên điều hành chính quyền" qua vai trò của bà trong thời gian tổng thống Wilson lâm bệnh. Bà Anna Eleanor Roosevelt được xem là một chính trị gia có thế lực khi bà dùng vai trò Ðệ Nhất Phu Nhân để tranh đấu cho nhân quyền và vận động cho các chính sách của chồng là tổng thống Franklin D. Roosevelt. Các vị Ðệ Nhất Phu Nhân trẻ tuổi như bà Frances Cleveland, Julia Tyler, hay Jacqueline Kennedy được người Hoa Kỳ yêu mến vì sắc đẹp, đã mang đến nét tươi mát cho Bạch Cung.
Ðệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ hiện tại, bà Laura Welch Bush, nguyên là một giáo viên tiểu học và quản thủ thư viện. Với niềm đam mê đọc sách, năm 2001, bà đã kết hợp với Thư Viện Quốc Hội tổ chức Hội Chợ Sách Toàn Quốc hàng năm tại thủ đô Washington D.C. Chỉ sau bốn lần tổ chức, hội chợ sách năm 2004 đã thu hút được hơn 85,000 người yêu sách trên cả nước tụ về tham dự. Bà đặc biệt chú trọng đến lãnh vực giáo dục, ủng hộ các chương trình khuyến khích ngành giáo như Teach For America, The New Teacher Project, hay Troops for Teachers. Ðệ Nhất Phu Nhân cũng còn ủng hộ các chương trình vận động nâng cao ý thức về sức khỏe và cuộc sống lành mạnh. Ngoài ra, là một người thích cắm trại và dã ngoại, bà đã giúp phát triển chương trình Preserve America nhằm bảo vệ văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Bà và tổng thống George W. Bush cùng sanh năm 1946, gặp nhau năm 31 tuổi, thành hôn chỉ sau ba tháng quen biết, và có hai người con gái sinh đôi, được đặt tên theo tên bà ngoại và bà nội là Jenna và Barbara.
Nếu như Ðệ Nhất Phu Nhân Laura W. Bush được người Hoa Kỳ yêu mến qua dáng vẻ nhu mì của một nhà giáo, thì vị tiền nhiệm của bà là cựu Ðệ Nhất Phu Nhân Hillary Rodham Clinton là một hình ảnh trái ngược, biểu tượng của mẫu người phụ nữ thành công thời đại mới. Bà Clinton tham dự trực tiếp vào chính sự thay vì chỉ tạo ảnh hưởng ngầm như một số vị Ðệ Nhất Phu Nhân trước đây. Bà cũng là vị Ðệ Nhất Phu Nhân đầu tiên bước vào chính trường sau khi rời Bạch Cung trong vai trò thượng nghị sĩ tiểu bang New York, và cũng là vị Ðệ Nhất Phu Nhân đầu tiên có tham vọng thay đổi ngôi vị tại Bạch Cung.
Kể từ năm 2007, chương trình First Spouse Program (tạm dịch là Ðệ Nhất Phối Ngẫu) bắt đầu ấn hành những đồng tiền vàng mười Mỹ kim nặng nửa ounce để ghi nhớ những người phối ngẫu của các vị tổng thống Hoa Kỳ. Mặc dù hiện tại trên danh sách chỉ có các vị Ðệ Nhất Phu Nhân, nhưng chương trình đã chọn tên Ðệ Nhất Phối Ngẫu để chuẩn bị cho trường hợp Hoa Kỳ sẽ có một Ðệ Nhất Phu Quân trong tương lai.

< Trước
Tiếp >




NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ VỀ CÁC TỔNG THỐNG MỸ
Tạ Đức Trí

Hàng năm, người Mỹ lại dành ngày thứ Hai trong tuần lễ thứ ba của tháng Hai để ghi nhớ các tổng thống Hoa Kỳ. Tính đến nay, nước Mỹ đã trải qua 43 đời tổng thống và đang chuẩn bị bầu chọn vị tổng thống thứ 44. Khi nhắc đến tổng thống Mỹ, người ta thường chú trọng đến các thành quả chính trị mà ít khi đề cập đến những khía cạnh khác đôi khi cũng rất thú vị để tìm hiểu thêm.

Lượt qua tên của các vị tổng thống, bên cạnh những cái họ lập lại như Johnson, Harrison, và Roosevelt, còn có hai tên lập lại cả họ lẫn tên, đó là George Bush và John Adams. Tương tự như trường hợp của tổng thống hiện tại George W. Bush là con trai của tổng thống thứ 41 là George Bush, tổng thống thứ 6, John Quincy Adams chính là con trai của tổng thống thứ hai John Adams. Hai tổng thống Hoa Kỳ mang họ Johnson là Andrew Johnson và Lyndon B. Johnson đều đã trở thành tổng thống sau khi vị tổng thống tiền nhiệm bị ám sát là Abraham Lincoln và John F. Kennedy nhận nhiệm sở cách nhau đúng 100 năm.
Ngoài tổng thống Lincoln và Kennedy, hai vị tổng thống khác cũng tử nạn do bị ám sát là tổng thống James Garfield (năm 1881) và tổng thống William McKinley (năm 1901). Rất nhiều vụ ám sát khác nhắm vào các vị tổng thống Hoa Kỳ nhưng không thành công như các vụ ám sát tổng thống Andrew Jackson, Theodore Roosevelt, Franklin D. Roosevelt, Harry Truman, Richard Nixon, Gerald Ford, v.v. Tổng thống Theodore Roosevelt bị ám sát khi đã mãn nhiệm kỳ và đang chuẩn bị tái tranh cử. Ông bị bắn một phát trúng ngực, nhưng viên đạn đã bị chậm lại khi đụng phải tập bài diễn văn dài 100 trang gấp đôi của ông trong túi áo. Ông vẫn tiếp tục đọc xong diễn văn rồi mới chịu đến bệnh viện điều trị, nhưng đã quyết định không lấy viên đạn ra khỏi ngực. Tổng thống Ford bị ám sát hụt hai lần và cũng là tổng thống duy nhất mà những người ám sát là phụ nữ. Được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là vụ ám sát tổng thống Ronald Reagan vào năm 1981. Sát thủ đã bắn năm phát nhắm vào người tổng thống, nhưng chỉ có một viên trúng vào lồng ngực của tổng thống ở vị trí rất gần tim. Mặc dù với vết thương trầm trọng, ông đã không chết, và trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên sống sót sau khi bị bắn. Nhiều người tin rằng vì mạng số của tổng thống Reagan quá lớn mà ông đã hóa giải được "lời nguyền 20 năm" của các tổng thống Hoa Kỳ, kéo dài 120 năm.
"Lời nguyền 20 năm" lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1931 trong cuốn Ripley's Believe It or Not chuyên thu thập những chuyện khó tin có thật. Bắt đầu từ tổng thống William Henry Harrison đắc cử năm 1840, các vị tổng thống đắc cử vào những năm có số không ở cuối, nghĩa là cứ cách mỗi 20 năm, như vào các năm 1880, 1900, 1920, v.v. đều qua đời trong lúc đương nhiệm, trong số đó có bốn vị tổng thống bị ám sát đã kể ở trên. Ngoài ra còn có tổng thống Warren Harding (đắc cử năm 1920) và tổng thống Franklin D. Roosevelt (đắc cử nhiệm kỳ bốn năm 1940). Tổng thống Kennedy đắc cử năm 1960 được xem là người cuối cùng vướng vào "lời nguyền 20 năm". Tổng thống Reagan đắc cử năm 1980, phục vụ hai nhiệm kỳ cho đến năm 1989 và qua đời năm 2004, thọ 93 tuổi. Vị tổng thống kế tiếp đắc cử vào năm có số không ở cuối không ai khác hơn là tổng thống đương nhiệm George W. Bush, đắc cử vào năm 2000.
Tổng thống William Henry Harrison còn là người làm tổng thống ngắn hạn nhất. Ông tuyên thệ vào một ngày giá lạnh hiếm có và bài diễn văn nhậm chức của ông cũng dài nhất trong lịch sử các vị tổng thống Hoa Kỳ. Ngay sau đó ông bị cảm lạnh, biến chứng thành sưng phổi và qua đời đúng một tháng sau khi tuyên thệ. Trái ngược với tổng thống Harrison, người làm chủ Bạch Cung thời gian dài nhất là tổng thống Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ từ năm 1933 đến 1945. Ông là người duy nhất làm tổng thống trên hai nhiệm kỳ. Ông đắc cử nhiệm kỳ thứ tư vào năm 1940 và qua đời năm 1945. Sau đó, luật ứng cử tổng thống đã được sửa đổi, giới hạn thời gian giữ chức vụ tổng thống liên tục là hai nhiệm kỳ. Các cựu tổng thống có quyền tái ứng cử sau khi nghỉ một nhiệm kỳ. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có vị cựu tổng thống nào tái ứng cử sau hai nhiệm kỳ liên tục. Tổng thống duy nhất phục vụ hai nhiệm kỳ cách khoảng là Grover Cleveland. Ông là tổng thống thứ 22, từ năm 1885 đến 1889. Ông tranh cử với Benjamin Harrison và thua cuộc, nhưng bốn năm sau đó ông lại đánh bại tổng thống Benjamin Harrison để bước vào Bạch Cung lần thứ hai.
Về nghề nghiệp của các vị tổng thống Hoa Kỳ trước khi họ bước vào Bạch Cung thì phân nửa đã từng là luật sư. Rất nhiều các vị tổng thống cũng đã từng ở trong quân đội khi còn trẻ, nổi tiếng nhất có lẽ là tổng thống Ulysses S. Grant, được nhắc đến trong lịch sử Hoa Kỳ nhiều hơn với vai trò một vị tướng cao cấp trong quân đội. Người duy nhất đến từ kinh đô điện ảnh Hollywood là tổng thống Ronald Reagan, nguyên là một tài tử và nhà làm truyền thông. Tổng thống Andrew Johnson từng là một thợ may chưa bao giờ đến trường học và chỉ bắt đầu tập viết từ năm 17 tuổi. Ông chỉ chuyên mặc những bộ trang phục do chính ông tự may. Một số nghề nghiệp khác được nhắc đến gồm có thầy giáo, kỹ sư, nông dân, và thương gia.
Vị thổng thống có nhiều con nhất là John Tyler. Ông có 15 người con, tám người với bà vợ thứ nhất và bảy người với bà vợ thứ hai. Ông cũng là tổng thống duy nhất có hai người vợ đều được công nhận là Đệ Nhất Phu Nhân. Người vợ thứ nhất của ông qua đời khoảng một năm sau khi ông nhậm chức và ông tục huyền với người vợ thứ hai khoảng tám tháng trước khi mãn nhiệm kỳ. Một vị tổng thống khác cũng lấy vợ sau khi bước vào Bạch Cung là tổng thống Grover Cleveland. Chỉ riêng tổng thống thứ 15 của Hoa Kỳ James Buchanan là người độc thân duy nhất từng làm chủ Bạch Cung.
Các vị tổng thống Hoa Kỳ cũng còn để lại nhiều giai thoại thú vị. Chú gấu nhồi bông mà ngày nay người ta quen gọi là Teddy Bear được đặt theo tên hiệu "Teddy" của tổng thống Theodore Roosevelt vì ông đã tha cho một con gấu có con nhỏ bên mình trong một cuộc đi săn. Tổng thống William Taft cân nặng hơn 300 pounds sau khi bị kẹt trong bồn tắm đã phải cho đặt những chiếc bồn quá khổ để ông sử dụng tại Bạch Cung. Và chắc hẳn không ai có thể quên hình ảnh chiếc nón đen cao thẳng đứng đặc trưng của tổng thống Abraham Lincoln. Tương truyền rằng ông mang theo trong nón cả thư từ, giấy tờ lẫn sổ ghi chép.

< Trước
Tiếp >



BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ
NTA
Bầu cử Tổng Thống Mỹ tuy là chuyện thường xuyên diễn ra mỗi 4 năm, nhưng thủ tục bầu cử lại rắc rối đến nỗi nhiều người chào đời và lớn lên ở Mỹ cũng không hoàn toàn thấu đáo. Một phần lý do khiến thủ tục bầu cử rắc rối là vì nó đã được qui định trong bản Hiến Pháp (điều 2), được soạn ra từ hơn 200 trước, vào lúc hệ thống giao thông liên lạc còn quá cổ lỗ và dân trí chưa cao.
Các tổ phụ Mỹ thời lập quốc đã qui định những thủ tục tuyển chọn từ cấp thường dân, qua rất nhiều bậc, chỉ để bảo đảm tài đức của nhà lãnh đạo hành pháp do một khối dân bị coi là chưa đủ hiểu biết, bầu lên. Nhưng lịch sử cho thấy (và rồi phê phán sau nầy) dù đã cố gắng, dân chúng và những người lãnh đạo họ cũng đã nhiều lần bầu một người không mấy tài ba lên làm Tổng Thống. Nói rõ hơn, thủ tục tuy rắc rối nhưng vẫn không phải là một bảo đảm chắc chắn cho khả năng của người lãnh đạo guồng máy hành pháp.
Các cuộc bầu cử sơ bộ (primaries) và các cuộc họp đảng (caucuses)
Các ứng viên của mỗi đảng được tuyển chọn qua các cuộc bầu cử sơ bộ và các cuộc họp đảng. Ở những tiểu bang chọn bầu cử sơ bộ thì các cuộc bầu cử đó được dành cho mọi cử tri đã ghi tên. Hệt như trong các cuộc tổng tuyển cử, cử tri bỏ phiếu kín chọn người họ muốn đại diện đảng ra ứng cử trong số các ứng viên đã ký danh. Bầu sơ bộ gồm 2 loại: giới hạn (closed) và mở rộng (open). Trong các cuộc bầu giới hạn, cử tri chỉ được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử của đảng mà họ đã ghi tên (registered). Người đã ghi tên với đảng nào thì chỉ được tham gia cuộc bầu sơ bộ của đảng ấy. Trong cuộc bầu cử mở rộng thì cử tri đã ghi tên được phép bỏ phiếu trong cuộc bầu sơ bộ của đảng nào cũng được. Nhưng chỉ được phép bỏ phiếu trong duy nhứt một cuộc bầu sơ bộ mà thôi. Hầu hết các tiểu bang có tổ chức bầu sơ bộ đều chọn lối bầu giới hạn. Ở một số tiểu bang, tên của ứng viên được in hẳn trên phiếu bầu, cử tri chỉ việc chọn người họ muốn. Ở một số khác, phiếu bầu chỉ in tên các đại biểu (delegates) được chọn tham dự Đại Hội Đảng. Các đại biểu đó xác nhận họ ủng hộ ứng viên nào và trong trường hợp nầy thì cử tri chỉ chọn đại biểu nào có cùng lập trường. Lại còn có những đại biểu không xác nhận họ ủng hộ ai cả (uncommitted) và trong trường hợp nầy thì cử tri phải chọn theo lòng tin, hoặc theo những gì đã biết về đại biểu đó. Ở một số bang, các đại biểu bị buộc phải hứa (pledged) rằng khi họ về dự Đại Hội Đảng thì họ sẽ bầu cho ứng viên nào thắng trong cuộc bầu sơ bộ ở bang mình. Một số bang lại cho phép đại biểu được phép hứa, hay không hứa (unpledged). Trong trường hợp nầy thì các đại biểu nào không hứa, được quyền bầu cho bất cứ ứng viên nào khi họ dự Đại Hội Đảng Toàn Quốc (ĐHĐTQ).
Các cuộc họp đảng (caucuses) thì thực sự ... chỉ là cuộc họp của các đảng viên của đảng mà họ ghi tên. Các cuộc họp nầy diễn ra ở bất cứ đâu (sân vận động, trường học, nhà thờ, các công ốc, thậm chí trong nhà riêng) được tổ chức vào những giờ giấc không nhứt định và trong một thời hạn cũng không nhứt định. Trong các cuộc họp đó, các đảng viên chọn đại biểu tham dự các cuộc họp đảng cấp quận (precinct), để những người nầy về dự cuộc họp cấp hạt (county), để những người nầy về dự cuộc họp cấp bang (state), để chọn Đại Biểu về dự ĐHĐTQ. Một số bang tuyển chọn một cách rắc rối theo từng cấp như thế. Một số bang bỏ bớt một cấp (bỏ cấp quận chẳng hạn). Một số khác chọn luôn đại biểu cấp bang. Ở những nơi tổ chức họp đảng kiểu nầy, các đảng viên chia ra thành nhiều nhóm tuỳ theo họ ủng hộ ứng viên nào. Đảng viên nào chưa quyết định chọn ai thì ngồi đợi để được người ủng hộ một ứng viên nào đó thuyết phục. Mỗi nhóm cử đại diện ra trình bày lý do tại sao họ ủng hộ ứng viên của họ để thuyết phục các nhóm kia. Cuối cuộc họp, người tổ chức sẽ đếm số đảng viên ủng hộ từng ứng viên và tính toán xem mỗi ứng viên tranh được bao nhiêu đại biểu về dự cuộc họp đảng trên đó một nấc.
Hệ quả của các cuộc bầu sơ bộ lẫn các cuộc họp đảng là tuỳ qui luật của mỗi đảng ở mỗi bang, sẽ có cả những đại biểu đã tuyên hứa lẫn những đại biểu chưa tuyên hứa về dự ĐHĐTQ. Những luật lệ nầy thay đổi hoài. Luật lần trước khác với lần sau, tuỳ các diễn biến trong 4 năm (giữa hai kỳ bầu Tổng Thống) ở những cấp bậc khác nhau trong đảng. Năm nay, thay đổi quan trọng nhứt được ghi nhận là Đảng Dân Chủ không chấp thuận các đại biểu của Florida và Michigan vì 2 tiểu bang nầy cứ tổ chức bồ sơ bộ sớm mà không đợi quyết định của trung ương đảng. Báo chí bảo rằng Florida và Michigan bị “trừng phạt” mặc dầu đang có người đề nghị trung ương đảng “tha thứ” 2 bang đó. Lý do là vì tổng số đại biểu mà hai ứng viên của Đảng Dân Chủ giành được quá khít khao, cho nên sẽ rất uổng nếu bỏ qua số đại biểu khá đông của hai bang đó.
Xong các cuộc bầu sơ bộ hoặc các cuộc họp đảng rồi thì cách thức chia số đại biểu cho các ứng viên cũng khác biệt. Đảng Dân Chủ chia số đại biểu theo tỉ lệ. Mỗi ứng viên giành được một số đại biểu theo tỉ lệ phiếu họ nhận được trong cuộc bầu sơ bộ, hoặc theo tỉ lệ hậu thuẫn đã chiếm được trong các cuộc họp đảng. Thí dụ bà Hillary Clinton chiếm được 60% hậu thuẫn trong các cuộc bầu sơ bộ hoặc các cuộc họp đảng, trong khi ông Barack Obama được 40% tại một bang có 30 đại biểu về dự ĐHĐTQ năm nay thì bà Clinton sẽ được 3/5 số đại biểu (18 người) và ông Obama sẽ được 2/5, tức là 12 người của bang đó.
Trong đảng Cộng Hoà thì các bang được quyền chọn phương pháp phân chia đại biểu theo tỉ lệ như Đảng Dân Chủ, nhưng cũng có thể chọn lối “được ăn cả” (winner-take-all) nghĩa là ứng viên nào thắng trong các cuộc bầu sơ bộ hoặc các cuộc họp đảng thì sẽ giành trọn tất cả số đại biểu của bang đó trong ĐHĐTQ. Thí dụ trong cuộc bầu sơ bộ mới đây tại Virginia, ông John McCain được trọn 60 đại biểu trong khi ông Michael Huckabee không được gì cả mặc dầu tỉ lệ phiếu ủng hộ hai ông không mấy sai biệt.
Tóm lại, mục đích của các cuộc bầu sơ bộ hoặc các cuộc họp đảng là để tranh các đại biểu sẽ tham dự ĐHĐTQ. Đảng Dân Chủ sẽ họp ĐHĐTQ từ ngày 25 tới 28 tháng 8 tại Denver (bang Colorado) với tổng cộng 4049 đại biểu, trong đó 3253 là các đại biểu cấp bang, số còn lại là các đại biểu siêu hạng. Hiện số đại biểu mà bà Clinton và ông Obama giành được chỉ mới được hơn 1100, trong khi muốn được đảng đề cử (nominate) làm ứng viên dự tranh trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4 tháng 11 (Thứ ba đầu tiên của tháng 11) thì phải có 2025 đại biểu. Sự kiện hai ứng viên Đảng Dân Chủ tranh nhau sát nút như thế đã đưa tới tình trạng phân hoá nội bộ. Hôm thứ ba 19 tháng 2 đã có những cuộc họp đảng không quan trọng lắm ở Wisconsin và Hawaii, đưa tới chiến thắng cho ông Obama và đã nâng số đại biểu mà ông giành được lên tới hơn 1319 (hơn bà Clitnon chừng 74 đại biểu). Nhưng tới ngày 4 tháng 3 thì các cuộc bầu sơ bộ ở Texas và Ohio được coi như sẽ góp phần quyết định nếu một trong 2 viên viên thắng trọn cả hai tiểu bang lớn nầy (trong cùng ngày, các tiểu bang Rhode Island và Vermont cũng có các cuộc bầu sơ bộ nhưng tầm quan trọng kém hơn nhiều vì là hai tiểu bang nhỏ, thưa dân). Nếu đến khi họp Đại Hội Đảng mà không ai đạt tới kết quả 2025 đại biểu thì các đại biểu được gọi là “super” (nghĩa là siêu hạng, thượng hạng ngoại hạng, cao cấp hơn các đại biểu thường) sẽ nắm những lá phiếu tối quan trọng trong quyết định đưa bà Clinton hay ông Obama ra tranh chức Tổng Thống thay mặt Đảng DC. Đảng nầy có tổng cộng 796 đại biểu siêu hạng gồm các viên chức trung ương đảng, các tay trùm (elders), các lãnh đạo đảng cấp bang ... Tính cách quan trọng của các đại biểu nầy được nâng cao trong năm nay chỉ vì không vị nào trong số hai ứng viên của Đảng vượt trội người kia. (Chính vì vậy mà có tin ban vận động của bà Clinton đã nhờ ái nữ của bà là cô Chelsea kêu điện thoại thuyết phục các siêu đại biểu. Phóng viên David Shuster của hệ thống MSNBC đã dùng chữ rất nặng (pimped-out, nghĩa là “dẫn khách”, “dắt mối”) để gọi hành động cầu viện tới cô Chelsea. Anh nầy bị cả ông bà Clinton lẫn ban vận động của bà phản đối mạnh mẽ vì đã loan tin vịt và đã dùng ngôn từ hạ cấp. Một ngày sau đó, ông Shuster mất việc).
Đảng Cộng Hoà không có các siêu đại biểu nầy cho nên ông John McCain chỉ cần tranh được 1191 trong tổng số 2380 đại biểu dự ĐHĐTQ diễn ra tại thành phố đôi Minneapolis/St.Paul, bang Minnesota, từ ngày 1 tới 4 tháng 9. Hiện ông McCain đã có hơn 900 đại biểu cho nên có phần chắc là sẽ được đảng Cộng Hoà đề cử làm ứng viên bởi lẽ người đang cố tranh với ông là cựu Thống Đốc Huckabee chỉ mới kiếm được có 245 đại biểu. Chưa kể ông Mitt Romney nay đã quyết định ủng hộ ông McCain và đã đồng ý giải trừ cam kết của hơn 200 đại biểu mà ông tranh được để những người nầy trọn quyền quyết định dành hậu thuẫn cho ai.
Vào ngày chót của ĐHĐTQ, sau khi được chính thức đề cử, ứng viên Tổng Thống của mỗi Đảng sẽ loan báo danh tánh người được chọn tranh cử Phó Tổng Thống (bắt buộc phải là một người khác tiểu bang với mình).
Sau khi được hai đảng chính thức đề cử, các ứng viên sẽ tiếp tục vận động, tranh luận công khai, trả lời phỏng vấn, tiếp tục bắt tay mọi người, tiếp tục bồng ẵm hun hít con nít ... để dụ cử tri dồn phiếu cho mình trong cuộc đầu phiếu phổ thông, dựa trên những hứa hẹn đủ kiểu đủ cỡ (mà rồi thường là sẽ rất “vô tư” quên đi sau khi đắc cử).

Phổ thông đầu phiếu (popular vote) và cử tri đoàn (electoral college)

Cuộc đầu phiếu phổ thông năm nay sẽ diễn ra trên khắp nước vào ngày thứ ba 4 tháng 11, trong đó cử tri chẳng những sẽ chọn một Tổng Thống mới (thứ 44) lên thay ông George W Bush mà còn (nhân tiện) bầu lại 35, nghĩa là 1/3, Nghị Sĩ Mỹ (US Senators) và toàn thể 435 Dân Biểu Hạ Viện. Cử tri ở một số tiểu bang cũng sẽ biểu quyết luôn cả các đề nghị (propositions), tỉ như có cho cờ bạc công khai hay không, có tài trợ các lớp học song ngữ hay không, có cho học sinh công khai ôm nhau trong trường hay không, có cho người đồng tính được “cưới” nhau hay không ... vv. Đại khái là biểu quyết mọi chuyện.
Tuy cuộc đầu phiếu phổ thông rất quan trọng và được nói tới rất nhiều, nhưng cử tri thiệt ra không trực tiếp chọn Tổng Thống mà chỉ bỏ phiếu chọn các Đoàn Viên (electors) của Cử Tri Đoàn (electoral college). Phiếu bầu ở một số bang in tên ứng viên Tổng Thống và Phó Tổng Thống, trong khi một số bang khác thì ghi tên các ứng viên dự tranh làm đoàn viên cử tri đoàn. Chính các đoàn viên nầy mới họp lại tại thủ phủ của mỗi bang, vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thứ tư thứ nhì của tháng chạp dương lịch (năm nay là ngày 15 tháng chạp dương lịch) bầu để bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống. Cử tri đoàn có 538 đoàn viên, nghĩa là bằng với tổng số Dân Biểu Nghị Sĩ, cộng thêm 3 đoàn viên dành cho thủ đô Washington DC. Người thực sự đắc cử phải giành được phiếu của đa số đoàn viên cử tri đoàn – nghĩa là 270 phiếu. Các đoàn viên công dân nầy cũng được chọn ở mỗi tiểu bang và đều không phải là những người có chức vụ trong chính phủ liên bang. Nói cách khác, các ứng viên tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức trong cả 2 năm trời chỉ để vận động lối 100 triệu cử tri bầu cho 538 công dân nầy. Khi cử tri bỏ phiếu, chúng ta chỉ bỏ phiếu để “ra lịnh” cho đoàn viên thuộc cử tri đoàn của bang mình bỏ phiếu cho ứng viên được mình chọn. Ứng viên nào thắng phiếu tại một bang trong cuộc đầu phiếu phổ thông, sẽ giành được trọn số phiếu của cử tri đoàn bang đó.
Vì lẽ số đoàn viên mỗi bang bằng tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ bang đó cho nên những tiểu bang đông dân được coi là tối quan trọng (tiểu bang nào cũng có 2 Nghị Sĩ, nhưng số dân biểu nhiều hay ít đều tuỳ dân số trong bang đông hay thưa). Đưa tới cảnh các ứng viên dồn dập vận động các bang đông dân (California, Texas, New York, Florida ...) mà phe lờ các bang thưa dân (North và South Dakota, Montana, Wyoming chẳng hạn). Sự kiện hồi năm 2000, ông George Bush giành được chức Tổng Thống chỉ nhờ thắng được ông Al Gore tại Florida (đông dân thứ tư nước Mỹ) ... cho thấy tầm quan trọng của các bang đông dân (nghĩa là đông đoàn viên cử tri đoàn).
Vì lẽ chính Cử Tri Đoàn bầu Tổng Thống và Phó Tổng Thống nên trong lịch sử tuyển chọn Tổng Thống Mỹ, đã có 4 cuộc bầu cử mà trong đó ứng viên thua phiếu trong cuộc đầu phiếu phổ thông, lại đắc cử. Lần đầu hồi năm 1824 trong đó ông John Quincy Adams đắc cử, lần sau vào năm 1876, trong đó ứng viên Rutherford Hayes đắc cử. Lần thứ ba hồi năm 1888, trong đó ứng viên Benjamin Harrison lên làm Tổng Thống. Lần chót, và nổi đình đám nhứt chỉ vì các máy bầu cử bằng cách bấm phiếu bầu thuộc loại cổ lỗ của bang Florida bấm không chính xác, phải kiểm phiếu nhiều lần, là hồi năm 2000, trong đó ông George Bush thắng cử. Các ông Hayes, Harrison và Bush đều thuộc đảng Cộng Hoà và đều thua phiếu các đối thủ của họ thuộc Đảng Dân Chủ trong cuộc đầu phiếu phổ thông.
Cũng có đến 18 trường hợp trong đó người đắc cử Tổng Thống không chiếm được tới phân nửa tổng số cử tri trong cuộc đầu phiếu phổ thông, trong đó có ông Clinton trong cả 2 cuộc tuyển cử hồi năm 1992 và 1996, và ông George Bush hồi năm 2000.
Cứ nhìn theo số đoàn viên cử tri đoàn mỗi bang mà xét thì có thể có ứng viên không nhận được ngay cả chỉ duy nhứt 1 phiếu tại tổng cộng 39 bang trên khắp nước mà vẫn đắc cử nếu thắng được tại 11 trong 12 bang lớn, xếp theo thứ tự lần lượt là California (55), Texas (34), New York (31), Florida (27), Pennsylvania (21), Illinois (21), Ohio (20), Michigan (17), New Jersey (15), North Carolina (15), Georgia (15) và Virginia (13). Những con số trong ngoặc là số đoàn viên cử tri đoàn của bang đó.Tuy nhiên thường thường nếu một ứng viên thắng ở California, Texas và New York thì cũng thắng tại các bang nhỏ khác. Một trùng hợp rất đáng chú ý là các tiểu bang lớn cũng là những tiểu bang có đông cư dân gốc Việt nhứt. Nói cách khác, phiếu bầu của các cử tri gốc Việt sẽ có tầm quan trọng lớn lao hơn nhiều nếu chúng ta kết hợp được thành một khối duy nhứt và tranh đấu nhơn danh lá phiếu của toàn khối. Tới chừng đó, chắc chắn sẽ có không biết bao nhiêu ứng viên tới Santa Ana, San Jose, Houston, Dallas hay Falls Church .... chỉ để gặp gỡ bắt tay các ông bà đang ăn bún riêu trong tiệm, hun hít trẻ Việt ngoài đường phố và nhứt định sẽ có vài ba ông cố “xổ” đôi ba câu tiếng Việt ngọng nghịu để “Kinh chao tong pao” cũng chưa chừng. Những cử tri gốc Việt sống ở các bang “khỉ ho cò gáy” (như Wyoming hay Oklahoma chẳng hạn) lúc đó chắc phải lấy làm ganh tị với các bạn bè – hay ngay cả con cái mình – sống ở Cali hay Tếch Xịt lắm. Rất tiếc mình chưa thấy được chuyện đó năm nay.
Thời nay ngành truyền thông điện tử quá tiến bộ nên thường thường chúng ta đã biết kết quả trước khi phòng phiếu ở California, Washington và Oregon đóng cửa. Tuy nhiên biết đâu chẳng có trường hợp bất thường? Giả tỉ không có ứng viên nào hội đủ túc số 270 phiếu của cử tri đoàn thì sao? Trong trường hợp đó, theo tu chánh án số 12, Hạ Viện sẽ bầu Tổng Thống. Các dân biểu mỗi bang sẽ họp lại để chọn 1 ứng viên và rồi sẽ biểu quyết bởi vì mỗi tiểu bang chỉ được quyền có 1 phiếu duy nhứt. Ứng viên nào chiếm được 26 phiếu (đa số trong 50 bang và thủ đô District of Columbia) sẽ đắc cử. Lịch sử bầu bán ở Mỹ cho thấy có 2 lần xảy ra chuyện bất thường nầy. Lần đầu hồi năm 1800 trong đó ông Thomas Jefferson được chọn và lần sau hồi năm 1824 trong đó ông John Quincy Adams đắc cử. Còn giả tỉ không có ông nào hội đủ phiếu đắc cử Phó Tổng Thống thì Thượng Viện sẽ bầu Phó Tổng Thống. Trong trường hợp nầy, 100 nghị sĩ sẽ biểu quyết trong tư cách cá nhơn (thay vì trong mỗi tiểu bang được 1 phiếu như khi Hạ Viện bầu Tổng Thống).
Sau khi các đoàn viên cử tri đoàn mỗi bang biểu quyết vào ngày 15 tháng chạp thì kết quả được chuyển về Quốc Hội. Vào ngày 4 tháng giêng dương lịch, Chủ tịch lâm thời (President protempore) của Thượng Viện sẽ đếm phiếu trước lưỡng viện Quốc Hội và rồi mới chánh thức loan báo danh tính Tổng Thống và Phó Tổng Thống tân cử (những tên tuổi mà chúng ta đã biết từ khuya). Lễ tuyên thệ tựu chức diễn ra vào ngày 20 tháng giêng năm 2009 và từ ngày đó, nước Mỹ mới thực sự có Tổng Thống và Phó Tổng Thống mới. Chi tiết sau cùng rất đáng nêu lên là năm nay, dù cho ai đắc cử, tân Tổng Thống Mỹ cũng sẽ là một Nghị Sĩ. Lần trước một Nghị Sĩ lên làm Tổng Thống là ông John Kennedy hồi năm 1960, nghĩa là đã 48 năm rồi.
Tóm tắt, các cuộc bầu cử sơ bộ và họp đảng chỉ để chọn các đại biểu dự Đại Hội Đảng Toàn Quốc, đây là những người sẽ chọn ứng viên đại diện đảng mình ra tranh chức Tổng Thống. Cuộc đầu phiếu phổ thông là để chọn các đoàn viên của cử tri đoàn, đây mới là những người bầu chọn Tổng Thống.
Bầu bán ở Mỹ rắc rối quá nên đã từng có vài nhà lập pháp đòi tu chính Hiến Pháp, cho cử tri được quyền trực tiếp bầu nhà lãnh đạo mình để người nào được nhiều phiếu nhứt là đắc cử, đúng với nguyên tắc “mỗi người dân một lá phiếu”. Nhưng cho tới giờ nầy, chuyện đó vẫn chưa xảy ra.
(20/2/2008)

Bầu cử sơ bộ tại Hoa Kỳ - VT 339
Cứ mỗi bốn năm, trước khi đến mùa bầu cử thực sự, các cử tri ở Hoa Kỳ đã đi bầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Nhưng bầu cử sơ bộ hay primary phát xuất từ đâu, có mục đích gì và có cần phải sửa đổi chăng.
Lịch sử
Hiến pháp Hoa Kỳ không có điều khoản nào nói đến vai trò của các đảng chính trị, bởi mãi đến đầu thế kỷ thứ 19 thì các đảng mới thực sự phát triển. Trước năm 1820, các đảng viên của hai đảng trong quốc hội mỗi bên đề cử một ứng viên từ đảng mình ra ứng cử tổng thống. Hệ thống này đã thất bại năm 1824, và đến kỳ bầu cử năm 1832 thì đã được thay thế bởi một đại hội đảng.
Ðại biểu đến dự một đại hội toàn quốc của một đảng thường được tuyển chọn từ các đại hội tiểu bang. Những đại biểu ở tiểu bang thì lại được tuyển chọn từ các đại diện ở các quận hạt. Thường họ bị chế ngự bởi các ông bầu chính trị, kiểm soát các đại biểu, thành ra việc giao cho một đại hội toàn quốc bầu lên ứng viên không mấy dân chủ và thiếu minh bạch. Trong giai đoạn tiến bộ, nhiều nhà cải cách đã cho là các cuộc bầu cử sơ bộ là một cách để đo lường ý kiến quần chúng về các ứng cử viên, để đối lại với lập trường của mấy ông lớn trong đảng.
Năm 1910, Oregon trở thành tiểu bang đầu tiên xác nhận qui tắc lựa chọn sơ bộ theo đó các đại biểu đến dự Ðại hội đảng bị buộc phải ủng hộ người thắng tại các cuộc bầu chọn sơ bộ ở đại hội. Ðến năm 1912, có 12 tiểu bang lựa đại biểu qua những cuộc bầu sơ bộ hay lựa chọn sơ bộ hay cả hai. Ðến năm 1920 thì có 20 tiểu bang có các cuộc bầu sơ bộ, nhưng một số đã từ bỏ cách lựa chọn này và trong các năm từ 1936 đến 1968 chỉ còn khoảng 13 đến 14 tiểu bang tổ chức bầu sơ bộ.
Nguyên tắc bầu sơ bộ đã gặp thử thách lớn đầu tiên trong cuộc bầu cử năm 1912 khi đương kim Tổng thống William Howard Taft chống lại các ông Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson. Ông Roosevelt là ứng cử viên được ưa chuộng nhất nhưng hầu hết các cuộc bầu sơ bộ lúc đó không có tính quyết định và chỉ là một chỉ dấu và chỉ được tổ chức ở 14 trong số 48 tiểu bang lập thành liên bang lúc đó, nên đảng Cộng Hòa đã lựa chọn ông Taft, lúc đó kiểm soát đại hội đảng.
Ðể thúc đẩy cử tri đi bầu trong các cuộc bầu sơ bộ, tiểu bang New Hampshire đã giản dị hóa thủ tục bầu cử qua luật được ấn định năm 1949. Trong cuộc bầu cử tổng thống vốn được gọi là “cuộc tuyển chọn hoa hậu” năm 1952, ông Dwight Eisenhower đã chứng tỏ khả năng chiêu dụ được cử tri khi ông chiếm được nhiều phiếu hơn là ông Robert A. Taft, vốn được các lãnh đạo đảng chọn. Trong khi đó, ứng cử viên Estes Kefauver của đảng Dân Chủ thắng lớn ở cuộc bầu sơ bộ ở New Hampshire khiến đương kim tổng thống Harry S. Truman đã quyết định không ra tranh cử lần nữa. Từ đó, cuộc bầu sơ bộ đầu tiên trên toàn quốc ở New Hampshire trở thành một nơi quyết định vận mạng của ứng cử viên.
Nhưng việc thúc đẩy cho đòi hỏi là kết quả của các cuộc bầu sơ bộ phải có tính ép buộc và đòi hỏi các đại biểu phải bỏ phiếu theo quyết định của cử tri chính là từ Ðại hội đảng Dân Chủ năm 1968 đầy rối loạn. Ðây là năm mà Phó tổng thống Hubert Humphrey được đảng Dân Chủ chọn làm ứng cử viên tổng thống mặc dầu các cuộc bầu sơ bộ cho thấy Thượng nghị sĩ Eugene McCarthy có nhiều ủng hộ hơn. Ông McCarthy đã dựa vào tinh thần bài cuộc chiến Việt Nam để đạt được nhiều sự ủng hộ của các đảng viên đảng Dân Chủ. Sau vụ này, một Ủy ban được Ủy ban điều hành quốc gia của đảng Dân Chủ thành lập do Thượng nghị sĩ George McGovern cầm đầu đề nghị là các tiểu bang hãy áp dụng các luật lệ mới để bảo đảm được sự tham dự rộng rãi của các cử tri. Một số các tiểu bang, thấy những luật lệ mới quá phức tạp đã chọn lối bầu sơ bộ để đáp ứng đòi hỏi mới của đảng Dân Chủ. Kết quả là từ đó ngày càng có nhiều đại biểu được chọn qua các cuộc bầu sơ bộ. Bên phía Cộng Hòa cũng dần áp dụng các cuộc bầu sơ bộ để chọn đại biểu.
Với việc các cuộc bầu sơ bộ ngày càng phổ biến, nhiều tiểu bang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của tiểu bang mình trong tiến trình lựa chọn quốc gia. Một chiến lược là dùng các khối từng vùng để khuyến khích các ứng cử viên đến vùng mình nhiều hơn. Trong số sơ bộ vùng thành công nhất là cuộc bầu Super Tuesday vào 8 tháng Ba năm 1988 của chín tiểu bang miền Nam. Cuộc bầu sơ bộ vùng này đã buộc các ứng cử viên phải chú ý đến những vấn đề của miền Nam hơn. Một chiều hướng khác là tổ chức các cuộc bầu sơ bộ ngày càng sớm hơn. Vì vậy mà để chiếm ưu thế cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire đã di chuyển từ đầu tháng Ba sang đến đầu tháng Giêng như năm nay.

Bầu cử sơ bộ hiện nay
Như chúng ta đã thấy, bầu cử sơ bộ hiện nay đã trở thành phương thức mà các ủng hộ viên của hai đảng chọn ứng cử viên nào họ muốn đại diện cho đảng mình trong cuộc bầu cử tổng thống.
Nguyên tắc lựa chọn tùy thuộc vào việc là vì mỗi tiểu bang được gửi một số đại biểu được ấn định trước đến dự Ðại hội đảng vào cuối mùa hè năm bầu cử. Chính ở đại hội này ứng cử viên mới được chính thức lựa chọn, nhưng để cho tiến trình dân chủ hơn, các ủng hộ viên của hai đảng được bầu sơ bộ người họ muốn để hướng dẫn cho việc bỏ phiếu tại đại hội.
Nói một cách đơn giản thì nếu nhiều cử tri ở một tiểu bang ủng hộ cho ứng cử viên X thì càng nhiều đại biểu nhận ủng hộ cho ứng cử viên X sẽ được tiểu bang đó gửi đại diện cho tiểu bang đến dự đại hội hơn. Nhưng cũng có những vụ khi đại biểu không bỏ phiếu cho người mà cử tri chọn, mặc dầu việc này bây giờ khó hơn trước nhiều, và các đảng còn có những “siêu đại biểu” được lựa chọn bên ngoài hệ thống bầu cử sơ bộ. Vai trò của họ có khi rất quan trọng trong các vụ đổi chác khi mà có hai ứng cử viên sát nút ngay đến cả ngày họp đại hội đảng.
Khác với các năm từ thập niên 1960 đến thập niên 1990, thường phải đợi đến các cuộc bầu sơ bộ vào tháng Tư hay tháng Sáu của các tiểu bang lớn như California và New York mới có thể biết được thực sự ứng cử viên nào thắng thế, giờ đây ngay những tiểu bang quan trọng như California và New York cũng tham gia vào Super Tuesday. Thành ra thời gian bầu cử sơ bộ ngày càng rút ngắn và dồn lại vào mấy tháng đầu năm, khiến cho các ứng cử viên không có bao nhiêu cơ hội để đến với các tiểu bang bầu sơ bộ vào Super Tuesday trong khi lại quá dồn nỗ lực vào hai tiểu bang nhỏ bé Iowa và New Hampshire.

Chỉ trích
Một trong những chỉ trích đầu tiên là các cuộc bầu sơ bộ này đã giúp cho những tiểu bang ít dân và không quan trọng như Iowa và New Hampshire có một tầm ảnh hưởng quá mức đến lựa chọn của cả nước.
Sự chú trọng quá mức được đặt vào cuộc lựa chọn ở Iowa và cuộc bầu sơ bộ ở New Hampshire đã bị chỉ trích vì hai tiểu bang này không đại diện cho toàn nước Mỹ. Ðây là hai tiểu bang mà đa số là da trắng, nơi nông thôn chế ngự, giàu có hơn mức trung bình trên toàn quốc, và không phải ở miền Tây hay miền Nam. Sự quá chú trọng vào hai tiểu bang này làm cho khi đến phiên New Jersey và Montana, hai tiểu bang cuối cùng lựa chọn đại biểu thì thực sự họ không còn được nói là họ đề cử ứng cử viên nào nữa vì lúc đó đảng đã chọn lựa. Ðó là trường hợp năm 2004 khi hai tiểu bang này tổ chức bầu cử sơ bộ vào tháng Sáu, 13 tuần sau khi Thượng nghị sĩ John Kerry đã coi như không còn ai chống lại được nữa. Và vì vậy năm nay New Jersey đã chuyển sang bầu sơ bộ vào tháng Hai.
Một chỉ trích khác của các cuộc bầu sơ bộ sớm là các cuộc bầu cử này đã tạo ảnh hưởng quá mức cho tiến trình chọn lựa ứng cử viên vì chúng đã trở thành những chỉ dấu, cho thấy ứng cử viên nào được hưởng ứng nhiều và làm cho những người được ở một hai cuộc bầu chọn đầu tiên có được lợi thế của một làn sóng ủng hộ. Và do đó các ứng cử viên đã lờ đi các cuộc bầu sơ bộ xảy ra sau khi đã nắm được phần chắc rồi, lờ đi những tiểu bang khác mà về phương diện chính trị quan trọng hơn là hai tiểu bang Iowa và New Hampshire nhiều. Kết quả là thay vì trải ra trong khoảng từ tháng Ba đến tháng Bảy, các cuộc bầu sơ bộ nay đã bị dồn vào hai tháng Hai và tháng Ba. Các lãnh tụ đảng cũng muốn dồn lịch bầu sơ bộ vì sẽ giúp đảng giảm bớt cơ hội của những cuộc tranh giành xâu xé nội bộ và để bảo đảm được là tài sức dành cho cuộc bầu cử tổng thống thực sự.
Một chỉ trích nữa là các cuộc bầu tập trung như Super Tuesday. Vì tập trung nhiều tiểu bang nên các ứng cử viên phải dồn nỗ lực và thời gian vào các cuộc bầu cử này khiến cho ảnh hưởng của các tiểu bang tổ chức cùng một lúc này cũng vượt ngoài tỷ trọng của họ trong cán cân quyền lực liên bang.

Cải tổ
Ðã có nhiều đề nghị được đưa ra để cải tổ hệ thống tuyển chọn ứng cử viên của các đảng. Một số người đề nghị chỉ một cuộc bầu sơ bộ được tổ chức đồng thời trên toàn quốc, nhưng những người chỉ trích thì nói là như vậy một năm Hoa Kỳ đi bầu hai lần. Hơn thế đòi hỏi các ứng cử viên phải vận động ở các tiểu bang đồng thời một lúc sẽ làm cho các ứng cử viên giàu có dễ thắng thế hơn.
Một số các đề nghị khác bao gồm tổ chức bầu thay đổi tiểu bang mỗi lần để cho mọi vùng đều được tham dự. Kế hoạch thứ nhì mang tên kế hoạch Delaware của một ủy ban thuộc đảng Cộng Hòa đề ra theo đó tổ chức bầu sơ bộ mỗi bốn tiểu bang một lần với các tiểu bang nhỏ bầu trước và dần dà đến các tiểu bang lớn nhưng các tiểu bang lớn phản đối nói là họ sẽ bị phải bỏ phiếu vào lúc cuối mùa. Kế hoạch đề nghị thứ ba là do một ủy ban các bộ trưởng liên tiểu bang đề nghị một hệ thống chia toàn quốc ra làm bốn vùng: Tây, Trung Tây, Nam và Ðông Bắc và luân phiên nhau tổ chức bầu sơ bộ. Kế hoạch này cũng bị chỉ trích vì sẽ rất tốn kém và cũng cho một số vùng nhiều ảnh hưởng hơn vùng khác.
Nói tóm lại thì cho đến nay cũng chưa có một kế hoạch nào để hoàn chỉnh hệ thống bầu sơ bộ được mọi người đồng ý. Mà thực ra đây là một hệ thống nảy sinh vì ước muốn mang lại dân chủ hơn cho tiến trình bầu chọn ứng cử viên của các đảng thành ra rồi có lẽ hệ thống dân chủ Hoa Kỳ sẽ tìm được một lối bầu chọn công bình hơn.
Lê Phan


NGƯỜI MỸ VÀ CÁC MỤC TIÊU TRONG NĂM MỚI - VT 338
Tạ Ðức Trí
Rất nhiều người Mỹ có thói quen đặt một mục tiêu để thực hiện trong năm mới gọi là "New Year's Resolution". Tuy các mục tiêu có thể rất khác nhau tùy theo đời sống của mỗi người, nhưng nhìn chung đều có ý cải thiện đời sống tốt hơn ở một khía cạnh nào đó. Tuần báo U.S. News số đầu năm đã giới thiệu năm mươi cách có thể cải thiện cuộc sống trong năm 2008. Hãy điểm qua một số điều người Mỹ đặt ra trong năm mới.
Sức khỏe vẫn là một trong những điều người Mỹ quan tâm nhất. Có nhiều cách để giữ gìn sức khỏe, và vấn đề tập thể dục đóng vai trò quan trọng. Thế Vận Hội 2008 đã khiến nhiều người Mỹ nghĩ đến việc rèn luyện thể lực ở một mức độ khó khăn hơn, chẳng hạn như bơi đường dài thay vì bơi vài vòng trong hồ. Bơi đường dài hay những môn thể thao hỗn hợp gồm bơi, chạy bộ, và đạp xe hiện đang là cách rèn luyện thể lực càng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, cách này không hẳn thích hợp cho tất cả mọi người, do đó, một số người vẫn cần những cách tập thể dục nhẹ nhàng nhưng khác lạ để tránh nhàm chán, chẳn hạn như tập khiêu vũ, luyện yoga, hay tập khí công. Với những người bận rộn với công việc không thể dành riêng thời giờ cho việc tập thể dục, các chuyên viên rèn luyện thể lực khuyên nên kết hợp việc tâp thể dục vào công việc, như đặt máy chạy bộ trước máy vi tính hoặc biến máy chạy bộ thành bàn làm việc cho những người làm việc tại nhà. Những cách tập thể dục khác gồm sử dụng thang lầu thay cho thang máy hay phối hợp các động tác tập thể dục vào công việc nhà. Ngoài ra, muốn khuyến khích người thân tập thể dục, có thể tặng nhau các thẻ tập thể dục đã được trả tiền trước.
Ðiều chỉnh chế độ ăn uống là một cách khác để bảo vệ sức khỏe. Thực phẩm sử dụng tại Mỹ có quá nhiều bắp, phần lớn được dùng ở dạng syrup quá ngọt khiến cho các chuyên viên dinh dưỡng lo ngại và khuyên mọi người nên giảm bớt, như thay nước ngọt và nước trái cây bằng nước lạnh hoặc tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn có dùng syrup làm từ bắp. Bên cạnh đó, nhiều cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy chocolate đắng giúp hạ huyết áp và tốt cho tim mạch. Do đó, người Mỹ được khuyên nên giảm ăn chocolate loại thường và chuyển sang loại đắng chứa 70% cacao hay hơn. Mặt khác, người Mỹ cũng còn được khuyên không nên phụ thuộc quá nhiều vào nước lạnh đóng chai vì chất lượng của chúng cũng tương đương với nước lấy từ vòi nếu có gắn thêm máy lọc. Hơn nữa, uống nước từ vòi vừa tiết kiệm tiền, vừa không cần phải lo nghĩ đến việc tái sử dụng các chai nhựa.
Việc giữ gìn sức khỏe chỉ thật sự hữu hiệu nếu được sống trong một môi trường lành mạnh. Trong năm mới, người Mỹ được khuyên nên để ý đến một số điều để có thể bảo vệ môi trường. Các loại thuốc chùi rửa trong nhà cần phải được chọn lựa kỹ lưỡng để tránh không có loại hóa chất độc hại như formaldehyde, ammonia, bleach, hay parabens. Thuốc nhuộm và các loại hương thơm nhân tạo cũng nên được tránh tối đa. Mặt khác, các loại thuốc kê toa quá hạn cần phải được bỏ đi một cách an toàn để những người khác, bao gồm trẻ em và thú vật, không nhầm lẫn là thức ăn hay kẹo. Thay vì vứt thẳng lọ thuốc vào thùng rác, nên trộn lẫn thuốc với những thứ bỏ đi khác như bã cà phê hay rác vét từ bồn rửa chén rồi bỏ vào bao đóng kín, sau đó mới bỏ vào thùng rác. Ðiều này cũng còn nhằm giảm khả năng những người nghiện thuốc giảm đau lấy thuốc ra khỏi thùng rác để dùng, vì vấn đề nghiện thuốc giảm đau hiện đang gia tăng và trở thành mối lo ngại trong xã hội Mỹ hơn cả việc nghiện các loại ma túy. Gần đây, rất nhiều đồ chơi làm ở nước ngoài nhập vào Mỹ đã bị thu hồi vì chứa quá nhiều chì hoặc các chất độc hại và điều này đã khiến các bậc cha mẹ nghĩ đến việc mua đồ chơi thủ công làm bởi các nghệ nhân tại Mỹ hoặc tự làm đồ chơi cho con. Ðiều này cũng không ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Liên quan đến môi trường là vấn đề tiết kiệm năng lượng cũng được người Mỹ quan tâm. Các công ty cung cấp điện toàn quốc đang nỗ lực vận động người dân thay thế bóng đèn tròn bằng bóng đèn huỳnh quang để tiết kiệm điện. Ngoài ra, một loại năng lượng người Mỹ đang được khuyến khích sử dụng là geothermal, tạm dịch là sức nóng của trái đất. Một hệ thống ống dẫn cài đặt dưới đất sẽ có thể giữ cho căn nhà ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Tuy nhiên, vì sự tốn kém chi phí cài đặt ban đầu mà loại năng lượng này ít được cân nhắc. Do đó, các chuyên viên định giá nhà đã bắt đầu tăng trị giá cuả căn nhà nếu có lắp hệ thống geothermal.
Mặc dù xã hội Mỹ được xem là ưa chuộng vật chất, người Mỹ ngày càng chú trọng hơn về đời sống tinh thần, và đọc sách là một trong những cách giúp đời sống tinh thần thêm lành mạnh. Người Mỹ được khuyên nên đến thư viện thường xuyên hơn và cũng nên tạo thói quen này cho trẻ nhỏ. Nên chọn đọc những cuốn sách giá trị, như về lịch sử, trau dồi kiến thức, học làm người, hoặc những tiểu thuyết nổi tiếng thay vì đọc các loại sách chỉ nhằm mục đích giải trí. Tuy nhiên, nên đọc sách như là một thú vui hơn là một nhiệm vụ, vì như vậy mới có thể cảm thấy hứng thú trong việc đọc sách. Ðọc các sách báo quốc tế cũng là điều nên làm trong năm mới để mở mang kiến thức. Những cách củng cố đời sống tinh thần và rèn luyện trí nhớ khác gồm có: dành thời gian đi xem hòa nhạc hay một vở ca kịch, nghiên cứu địa lý, thưởng thức các loại rượu lạ hay một ly cà-phê thơm ngon, và tránh bị trầm cảm bằng cách để ý đến những hương thơm bình dị quanh mình như hương hoa cỏ ngoài vườn, hương khí trời ban mai, hay hương thơm của tóc.
Nhằm cải thiện lối sống đặt nặng chủ nghĩa cá nhân, người Mỹ được khuyên nên nghĩ đến người khác trong năm mới bằng cách dành thời gian làm việc tự nguyện, tham gia các sinh hoạt cộng đồng và đóng góp vào các công tác từ thiện. Năm 1993, một giáo sư đại học tên Chuck Wall đã nghĩ ra một bài tập đặc biệt: hãy quyết tâm làm một cử chỉ đẹp. Các học trò của ông đã làm những việc tốt rất thông thường trong đời sống như nhường chỗ trên xe điện cho một người già, không dành chỗ đậu xe với một người đang có vẻ trễ, mang thức ăn cho người vô gia cư, v.v. Bài tập của giáo sư Wall đã nhanh chóng trở thành một phong trào làm cử chỉ đẹp toàn cầu liên tục cho đến nay đã được mười lăm năm, và nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục duy trì thói quen làm những việc tốt dù thật nhỏ trong đời sống hàng ngày.
Những mục tiêu trong năm mới của người Mỹ tuy đa dạng nhưng chú trọng vào một điểm chính là làm sao tạo được một cuộc sống lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần cho mình và cho những người xung quanh.

< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]


CÂY GIÁNG SINH QUỐC GIA - VT 337
Tạ Ðức Trí
Tại Hoa Kỳ, mùa Giáng Sinh được xem là mùa lễ lớn và quan trọng nhất trong năm đối với rất nhiều người chứ không chỉ riêng cho những người theo đạo Thiên Chúa Giáo, và cây Giáng Sinh cũng từ rất lâu đã trở thành biểu tượng mùa lễ cần thiết được trang trí để thắp sáng cho nhiều gia đình. Ðối với Hoa Kỳ, cây Giáng Sinh bên ngoài Tòa Bạch Ốc được trang trí như là cây Giáng Sinh quốc gia (National Christmas Tree).

Cây Giáng Sinh quốc gia hiện nay là một cây thông lớn ở gần khuôn viên Tòa Bạch Ốc. Theo truyền thống hàng năm, tổng thống Hoa Kỳ thường có một buổi lễ thắp đèn trên cây Giáng Sinh vào những ngày đầu của mùa Giáng Sinh và buổi lễ được gọi là Sứ Giả Hòa Bình (Pageant of Peace). Xung quanh cây thông lớn vĩ đại được trang trí thành cây Giáng Sinh quốc gia còn nhiều cây thông nhỏ và hai hàng thông nhỏ hơn được trang trí và thắp đèn tạo thành một con đường dẫn đến cây Giáng Sinh quốc gia. Con đường này được gọi là con đường đến hòa bình (pathway to peace).
Truyền thống của cây Giáng Sinh quốc gia xuất xứ từ thời của tổng thống Calvin Coolidge. Vào thời đó, cây thông vĩ đại cao 48 feet có tên Balsam Fir được hiệu trưởng trường đại học Middlebury tại thành phố Vermont trao tặng. Vào đúng 5 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 1923 tại trước khuôn viên Tòa Bạch Ốc, tổng thống Calvin Coolidge chính thức bật một nút điện để thắp sáng cả cây Giáng Sinh được trang trí bằng 2,500 bóng đèn. Truyền thống thắp đèn Giáng Sinh theo thời gian cũng được thay đổi nhằm thích ứng với bối cảnh của quốc gia cũng như sự mong muốn của người dân.
Buổi lễ thắp đèn cây Giáng Sinh quốc gia từ năm 1924 đến năm 1931 được diễn ra tại Sherman Plaza, lối vào từ phía đông của Tòa Bạch Ốc. Vào năm 1932, những loa phóng thanh được cài đặt trên cây Giáng Sinh để phát những bài hát đặc thù của mùa lễ Giáng Sinh đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Sau đó ít lâu, do vài thay đổi về kiến trúc vườn cây cảnh ở các lối đi vào Tòa Bạch Ốc, các buổi lễ thắp đèn cho cây Giáng Sinh được dời đến công viên Lafayette, thuộc hướng bắc của Tòa Bạc Ốc. Vào thời của tổng thống Franklin D. Roosevelt, cứ đến lễ thắp đèn cho cây Giáng Sinh quốc gia tại Tòa Bạch Ốc, ông lại chỉ vào tượng các chiến sĩ anh hùng Hoa Kỳ đã hy sinh trong các cuộc chiến khác nhau để tỏ ý rằng Giáng Sinh là lễ của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, hay tôn giáo.
Lễ thắp đèn cây Giáng Sinh vào năm 1941 có sự hiện diện của Thủ Tướng Anh Quốc là Winston Churchill nhân dịp ông đi tham dự cuộc họp thượng đỉnh về Thế Chiến Thứ Hai tại Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên cây Giáng Sinh đã không được thắp sáng vào thời điểm này vì lý do an ninh trong thời kỳ chiến tranh và thay vào đó chỉ là một hộp công tắc điện là biểu tượng trong lễ thắp đèn. Mãi đến năm 1945 khi chiến tranh kết thúc, tổng thống Harry Truman mới bật đèn sáng trên cây Giáng Sinh quốc gia trở lại và sau đó là hàng ngàn cây Giáng Sinh khắp quốc gia cũng theo biểu tượng ấy mà cùng thắp sáng. Buổi lễ thắp sáng cây Giáng Sinh quốc gia được thu hình lần đầu tiên vào năm 1946, và hàng triệu người dân khắp nơi trên đất Hoa Kỳ đều có thể cùng chia sẻ giây phút thiêng liêng của buổi thắp đèn.
Tổng thống Harry Truman trong ba năm liền, từ 1948 đến 1951, đã thắp sáng cây Giáng Sinh quốc gia bằng hệ thống điều khiển từ xa, vì ông luôn nghỉ lễ ở tiểu bang Missouri. Ðến năm 1952, tổng thống Truman lại trở về Bạch Cung và thực hiện lễ thắp sáng cây Giáng Sinh tại đây, đồng thời đọc một bài diễn văn cổ động cho hòa bình thế giới cũng như cầu nguyện cho cuộc chiến Hàn Quốc sớm chấm dứt.
Hệ thống truyền thông và truyền hình tại Hoa Kỳ vào thập niên 50 đã đóng góp khá nhiều trong việc chuyển tải các hình ảnh sống động của buổi lễ thắp đèn cây Giáng Sinh quốc gia do tổng thống làm chủ tọa. Bài diễn văn của tổng thống đã được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) phát sóng đi nhiều nơi trên thế giới trong 34 ngôn ngữ khác nhau. Chính điều này đã làm cho buổi lễ thắp đèn thêm phần trang trọng.
Kể từ năm 1954, xung quanh cây Giáng Sinh quốc gia bắt đầu được trang trí với những cảnh diễn ra trong đêm Giáng Sinh như thánh gia, hang đá, máng cỏ, ba vua, mục đồng, v.v. với những hình tượng lớn bằng người thật. Ngoài ra, một sân khấu trình diễn ngoài trời cũng được dựng lên, và có cả góc vui chơi cho trẻ em với những con thú nông thôn hiền lành và những chú thuần lộc (reindeer).
Từ năm 1954 đến 1972, mỗi năm một cây thông được chọn lựa kỹ lưỡng để cắt đưa về làm cây Giáng Sinh quốc gia. Rất nhiều những cây thông nhỏ hơn cũng được cắt đưa về trang trí xung quanh cây Giáng Sinh quốc gia. Nhưng với hàng ngàn lá thư từ cá nhân và các tổ chức bảo vệ môi trường gửi đến Tòa Bạch Ốc bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo quản môi trường và cây xanh, năm 1973 là lần đầu tiên một cây thông trồng tự nhiên được dùng làm cây Giáng Sinh quốc gia. Ðể thực hiện điều này, một cây thông loại Colorado blue spruce cao 42 feet đã được trồng từ một năm trước. Tuy nhiên, cây thông này chỉ sống được vài năm và phải được thay thế bằng một cây khác cùng loại nhưng thấp hơn vào năm 1977. Rất tiếc, cây này bị một cơn giông làm gãy chỉ vài tháng sau đó, và được thay thế bằng một cây thông cao 30 feet vào năm 1978, từ đó cho đến nay đã liên tục giữ vai trò làm cây Giáng Sinh quốc gia.
Cây Giáng Sinh quốc gia không chỉ là biểu tượng của mùa lễ mà rất nhiều lần được dùng gửi thông điệp của Hoa Kỳ đến thế giới. Năm 1973, nhằm lên tiếng về việc tiết kiệm năng lượng, cây Giáng Sinh quốc gia được trang trí chủ yếu bằng những vật không tốn năng lượng như các quả cầu kiếng và dây kim tuyến. Năm 1979 dưới thời của tổng thống Jimmy Carter, chỉ có ngôi sao trên đỉnh cây thông được thắp sáng. Tổng thống đã tuyên bố rằng biểu tượng quốc gia này của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục không tỏa sáng cho đến khi những con tin Hoa Kỳ đang bị giữ tại Iran được trả tự do. Năm kế tiếp, cây Giáng Sinh quốc gia chỉ được thắp sáng trong 417 giây, tượng trưng cho số ngày các con tin Hoa Kỳ đã bị giam cầm tại Iran. Cho đến tháng Một năm 1981, cây Giáng Sinh quốc gia mới được thắp sáng trở lại khi các con tin cuối cùng đã được trả tự do.
Chỉ với một cây thông đơn giản đại diện cho quốc gia, Hoa Kỳ đã có thể qua đó thể hiện sự đoàn kết của toàn dân trong những ngày lễ vui tươi cũng như trong những dịp đau buồn.

< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]

VÀI NÉT VỀ NGƯỜI MỸ BẢN XỨ - Tạ Ðức Trí
Vào tuần lễ thứ ba của tháng 11 hàng năm, người Hoa Kỳ lại nô nức chuẩn bị đón mừng lễ Thanksgiving để nhớ lại bữa ăn mừng mùa thu hoạch đầu tiên của những người di dân Âu Châu tại Tân Thế Giới. Sự thành công bước đầu trong việc sinh tồn tại một mảnh đất mới của người gốc Âu Châu không thể không kể đến tác động của những thổ dân hay các bộ lạc da đỏ, được biết đến là những người đầu tiên có mặt tại Mỹ.
Tại Hoa Kỳ, người da đỏ thường được gọi với nhiều danh từ: Native American, Indian American, Amerindian, hay Original American. Ðây là những nhóm người được lịch sử ghi nhận là có mặt đầu tiên tại Bắc Mỹ. Họ có nhiều nguồn gốc khác nhau và sống thành từng bộ lạc rải rác khắp nơi với nếp sống du mục. Do đó, các bộ lạc người da đỏ đều dùng thổ ngữ riêng và có những tập tục riêng. Không chỉ người da đỏ có mặt tại Mỹ từ lâu đời mà tại Hoa Kỳ còn có một số nhóm thổ dân khác cư ngụ tại tiểu bang giá lạnh Alaska hay tiểu bang ấm áp Hawaii. Trong nhóm thổ dân tại Alaska, người Eskimo được thế giới biết đến nhiều nhất. Riêng tại Hawaii, hai nhóm thổ dân có mặt đầu tiên là Kanaka Maoli và Kanaka Oiwi.
Theo lịch sử ghi nhận, nhóm thổ dân da đỏ đầu tiên gặp đoàn thám hiểm của Christopher Columbus vào năm 1492 là bộ lạc Taino. Nhóm người này đã tỏ ra thân thiện với đoàn thám hiểm nhưng đã trở thành đối nghịch về sau do có một số mâu thuẫn. Tuy nhiên, sự xung đột giữa người da đỏ và nhóm người mới không phải là lý do duy nhất khiến cho dân số người da đỏ giảm đi đáng kể sau khi có sự hiện diện của người Âu Châu. Một số bộ lạc da đỏ đã bị tuyệt chủng vì người Âu Châu mang theo một số bệnh mà người thổ dân không có phương tiện y dược để chống đỡ. Ðậu mùa là một trong những căn bệnh làm chết khá nhiều người trong các bộ lạc da đỏ; chỉ trong hai năm, từ 1617 đến 1619, đã có 90% người thổ dân da đỏ tại bang Massachusetts bị thiệt mạng vì căn bệnh này.
Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa người da đỏ và người da trắng đã khiến cho các bộ lạc da đỏ dần dần mất đi các phần lãnh thổ của họ. Trong thế kỷ 19, tổng thống Andrew Jackson và quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật Di Dời 1830 (Removal Act), cho phép tổng thống ký hiệp ước với người da đỏ lấy phần đất phía đông của con sông Mississippi và trao đổi cho phần đất phía tây của con sông. Kết quả là trên 100,000 người da đỏ đã phải di chuyển về phía Tây. Theo hiệp ước, sự di chuyển của dân da đỏ là hoàn toàn thiện nguyện, nhưng trên thực tế, các tù trưởng của những bộ lạc da đỏ đã gặp rất nhiều áp lực trong việc ký hiệp ước và sự di chuyển ra khỏi phần đất có mồ mả tổ tiên không phải là ước nguyện của nhiều bộ lạc da đỏ. Chính vì vậy mà nhiều bộ lạc da đỏ, điển hình là bộ lạc Cherokee, đã bị cưỡng bách phải di dời, kết quả đã làm thiệt mạng gần bốn ngàn người thuộc bộ lạc này. Do đó, sự di chuyển của người da đỏ vượt sông Mississippi còn được nhắc đến với tên gọi "Trail of Tears".
Trải qua nhiều năm với các cuộc chạm trán giữa quân đội Hoa Kỳ và người dân da đỏ bản xứ, chính sách đối đãi với người da đỏ của Hoa Kỳ dần dần được cải thiện. Vào cuối thế kỷ 19, trong nỗ lực giúp người da đỏ hội nhập vào cuộc sống của xã hội tây phương, các nhà cải cách đã có chủ trương mở trường học cho trẻ em người da đỏ. Những trường này thường do các dòng tu Thiên Chúa Giáo thành lập. Tuy nhiên, song song với việc nâng cao dân trí, việc mở trường cũng còn có mục đích khuyến khích trẻ em da đỏ thay thế các giá trị văn hóa của người da đỏ bằng văn hóa Âu-Mỹ cũng như sống đạo Thiên Chúa Giáo thay vì các tôn giáo của người bản xứ. Ðạo luật cho người da đỏ vào quốc tịch được ban hành vào năm 1924 (The Indian Citizenship Act) cho phép người da đỏ được trở thành công dân Hoa Kỳ. Ðạo luật này được ban ra vì có những sự hy sinh của các người lính da đỏ trong Thế Chiến Thứ Nhất cũng như sự hội nhập của các bộ lạc da đỏ vào dòng chính ngày càng gia tăng.
Hiện nay có khoảng 561 bộ lạc da đỏ được chính quyền liên bang công nhận. Những bộ lạc da đỏ này có quyền tự lập chính phủ riêng. Khi những bộ lạc lập chính phủ riêng, họ được chính phủ Hoa Kỳ cho họ quyền tự lập hay áp dụng các luật riêng về dân sự cũng như hình sự, luật thuế, luật cấp giấy phép cho các sinh hoạt trong bộ tộc và cả luật trục xuất một người nào đó ra khỏi cộng đồng da đỏ. Họ cũng có quyền được xác nhận những sản phẩm nghệ thuật và thủ công nghệ là đặc trưng của người da đỏ và có quyền thu lợi nhuận trên những sản phẩm đó. Ngoài ra, họ còn được quyền xin trợ cấp tài chánh của chính phủ từ các ngân khoản dành riêng cho người da đỏ. Tuy nhiên, các bộ lạc da đỏ này cũng bị một số giới hạn khi họ điều hành chính quyền riêng của họ. Quyền của các bộ lạc da đỏ được chính phủ liên bang công nhận cũng giống như quyền lực của một tiểu bang, có nghĩa là các bộ lạc da đỏ không có quyền tuyên chiến, không có quyền can dự vào việc đối ngoại cũng như không có quyền sản xuất tiền bạc và tiền giấy.
Theo thống kê thì hiện nay tại Hoa Kỳ có khoảng gần 3 triệu người da đỏ và tập trung sống tại ba tiểu bang: California, Arizona và Oklahoma cũng như rải rác ở nhiều tiểu bang khác. Các bộ lạc da đỏ chính yếu tại Hoa Kỳ gồm có Navajo, Cherokee, Sioux, Chippewa, Apache, Lumbee, Blackfeet, Iroquois, và Pueblo. Nhiều bộ lạc nhỏ hiện nay cũng đang nỗ lực phát triển mạnh để được chính quyền liên bang công nhận là một bộ lạc độc lập và được hưởng các quyền lợi kể trên. Ðể đạt được điều này, các bộ lạc cần phải chứng minh sự hiện diện liên tục của họ từ năm 1900 cho tới hiện tại. Ðiều này đã tạo khó khăn cho rất nhiều nhóm người da đỏ muốn được chính quyền liên bang công nhận.
Về mặt kinh tế, loại thương vụ mang lại nguồn lợi chủ yếu của nhiều bộ lạc da đỏ là mở và điều hành các sòng bạc. Tuy nhiên, ngay cả điều này cũng đang tạo mâu thuẫn trong cộng đồng người da đỏ vì nhiều bộ lạc da đỏ cho rằng các sòng bạc mọc lên hàng loạt trên phần đất của người da đỏ đã làm tổn hại đến văn hóa đặc thù của người da đỏ. Chính vì vậy mà nhiều bộ lạc, chủ yếu là các bộ lạc nhỏ, đã có chủ trương không can dự vào kỹ nghệ lập sòng bạc.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, người da đỏ hay còn được gọi là những người bản xứ đầu tiên ở Mỹ vẫn đang tranh đấu cho quyền tự trị của họ. Tuy hầu như tất cả các bộ lạc đều hội nhập vào dòng chính nhưng họ vẫn giữ cho cộng đồng của mình một sắc thái riêng. Chính điều này đã giúp Hoa Kỳ trở thành một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa.

< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]

EMPIRE STATE BUILDING, TÒA NHÀ CAO NHẤT TẠI NEW YORK
Tại Hoa Kỳ có rất nhiều tòa nhà nổi tiếng, và khi nhắc đến thành phố New York, người ta không khỏi nhắc đến Empire State Building, hiện là tòa nhà cao nhất New York và cao thứ nhì tại Hoa Kỳ, chỉ sau Sears Tower tại thành phố Chicago.
Tòa nhà Empire State nằm ở giao lộ Fifth Ave. và West 34th St. của thành phố New York. Với 102 tầng được xây hoàn tất vào năm 1931, Empire State Building giữ vị trí là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến khi tòa Tháp Ðôi phía bắc của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới được hoàn tất vào tháng 12 năm 1970. Tên của tòa nhà Empire State được lấy từ lối gọi ví von cho tiểu bang New York – Empire State có nghĩa là tiểu bang của quyền lực. Ðối với Hội Kỹ Sư Công Chánh tại Hoa Kỳ, thì tòa nhà Empire State được mệnh danh là một trong bảy kỳ quan thế giới về các công trình kiến trúc của thời đại mới. Năm 1986, tòa Empire State cũng được chính phủ Hoa Kỳ chính thức công nhận là một trong những mỹ quan lịch sử của quốc gia.
Dự án xây tòa nhà Empire State nằm trong mục đích cạnh tranh về mặt kiến trúc giữa các nước muốn có những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới. Tòa nhà được xây trong vòng một năm, từ năm 1930 cho đến năm 1931, với khoảng 3,400 công nhân, hầu hết là những người di dân gốc Âu Châu. Chi phí xây dựng toàn bộ tòa nhà lên đến gần 41 triệu Mỹ kim. Chiều cao của tòa nhà tính từ mặt đất đến chóp của hệ thống bắt sóng là 449 mét (tương đương với 1,472 ft) và nếu tính đến nóc của tòa nhà là 381 mét (khoảng 1,250 ft). Tòa Empire State ước tính cân nặng khoảng 370,000 tấn. Khi được khánh thành vào ngày 1 tháng 5 năm 1931, tổng thống Herbert Hoover đã bấm một nút bật từ thủ đô Washington để bật sáng hệ thống đèn trong tòa nhà Empire State.
Trong số 102 tầng, tòa nhà Empire State có 85 tầng dành cho các loại thương vụ và dịch vụ văn phòng. Có hơn 100 phòng vệ sinh được xây bên trong tòa nhà. Ngoài ra, tòa nhà Empire State còn có 6,500 cửa sổ, 73 thang máy và 1,860 bậc thang dành cho những ai muốn thử đi thang chân từ tầng thứ nhất cho đến tầng thứ 102. Diện tích bên trong của tòa nhà là 254,000 mét vuông, tương đương với 2,768,591 sq. ft. Tính đến năm 2007, có khoảng 20,000 nhân viên làm việc mỗi ngày cho hơn 1,000 loại thương vụ có văn phòng tại tòa Empire State. Về điểm này thì tòa Empire State được xếp đứng hàng thứ hai chỉ sau Ngũ Giác Ðài về số lượng văn phòng được xây bên trong.
Trong những năm đầu của thập niên 1930 sau khi tòa nhà vĩ đại Empire State chính thức mở cửa thì cũng là thời điểm mà Hoa Kỳ rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế. Vì vậy, đa số các văn phòng trong tòa nhà đã bị bỏ trống vì không có người mướn. Người dân tại New York vì thế đã từng gọi tòa Empire State Building là Empty State Building. Tòa nhà đã không mang lại lợi nhuận đáng kể mãi cho đến thập niên 1950. Năm 1951, tòa nhà đã được bán cho ông Roger L. Stevens và các cổ đông của ông với giá cao nhất từ trước tới giờ cho một tòa nhà tại Mỹ là 51 triệu Mỹ kim.
Tòa Empire State Building được thế giới biết đến là nơi có thể ngắm toàn bộ thành phố New York. Du khách có thể tham quan nét đẹp của đô thị tại New York trọn vẹn 360 độ ở tầng thứ 86 và một quang cảnh nhỏ hơn ở tầng thứ 102. Ước tính từ lúc mở cửa cho đến ngày nay, có vào khoảng 110 triệu du khách đã từng lên tầng 86 để ngắm toàn cảnh của thành phố New York. Kể từ năm 1978, một cuộc so tài khá độc đáo được tổ chức tại tòa nhà Empire State hàng năm chính là cuộc thi chạy từ tầng thấp nhất lên đến tầng thứ 86, vượt qua 1,576 nấc thang, tương đương với 320 mét (1050 ft). Người đang giữ vị trí quán quân của cuộc thi này là một tay đua xe đạp người Úc Paul Crake với kỷ lục 9 phút 33 giây đạt được vào năm 2003.
Hệ thống đèn chiếu sáng trên đỉnh tòa nhà Empire State được thiết kế một cách công phu vào năm 1964 và đã được sử dụng trong rất nhiều sự kiện đặc biệt. Ðể kỷ niệm sinh nhật thứ 80 và sự qua đời của nghệ sĩ nhạc jazz lừng danh Frank Sinatra, tòa nhà đã bật đèn xanh để làm mọi người nhớ lại biệt danh của Frank Sinatra là “Ol’Blue Eyes”. Và vào năm 2004, sau khi nữ tài tử Fay Wray từng đóng trong phim King Kong qua đời, tòa nhà đã không bật đèn và hoàn toàn tối hẳn trong vòng 15 phút. Sau biến cố 911, tòa nhà Empire State đã bật đèn xanh, đỏ, và trắng là màu cờ Mỹ Quốc để tưởng niệm những nạn nhân xấu số.
Một yếu tố khác làm cho tòa Empire State càng nổi tiếng thêm là do các bộ phim hành động quay ngoại cảnh tại đây mà nổi tiếng nhất có lẽ là phim King Kong được sản xuất năm 1933 và năm 2005. Hình ảnh king kong leo lên nóc của tòa nhà đã in trong tâm trí của người xem về độ cao độc đáo của tòa nhà Empire State. Ngoài những bộ phim hành động, những phim thuộc loại tình cảm lãng mạn cũng có những cảnh quay tình tứ trên tầng 86 là chỗ ngắm cảnh quan thành phố như trong phim Love Affair, An Affair to Remember, và Sleepless in Seattle.
Tòa nhà Empire State đã từng bị một tai nạn vào ngày 28 tháng Bảy năm 1945, khi một trung tá không quân lái chiếc B-25 Michell loại thả bom trong lúc sương mù dày đặc đã vô tình đụng vào phía Bắc của tầng 79 và 80 của tòa nhà gây ra đám cháy và làm thiệt mạng 14 người. Tuy nhiên, tòa nhà Empire State đã cho mở cửa hoạt động bình thường trở lại cho đa số các tầng lầu chỉ vài ngày sau khi xảy ra tai nạn. Ngoài ra, cũng giống như một số các tòa tháp cao khác trên thế giới, tòa nhà Empire State còn được biết đến về số người nhảy lầu tự tử. Vì lý do này, rào cản đã được dựng lên bao quanh khu vực du khách đứng ngắm cảnh, nhưng đã không cản được những người muốn tìm cái chết ở những tầng khác. Vụ tự tử cuối cùng là vào ngày thứ Sáu, 13 tháng 4 năm 2007, một luật sư đã nhảy xuống từ tầng thứ 69.
Với công trình kiến trúc của tòa Empire State Building, thành phố New York vẫn tiếp tục thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, tòa nhà cao chọc trời này vẫn luôn là một biểu tượng của nước Mỹ mang sức hấp dẫn độc đáo trong lòng người dân Hoa Kỳ cũng như du khách khắp nơi.
Tạ Ðức Trí


< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]

ÐẠI NGŨ HỒ BẮC MỸ - Tạ Ðức Trí
Một trong những cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và nổi tiếng tại Hoa Kỳ phải nhắc đến là Ðại Ngũ Hồ (the Laurentian Great Lakes) gồm năm hồ lớn nằm giữa hai quốc gia Canada và Mỹ.
Ðại Ngũ Hồ được xếp vào hạng của những hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới và còn được mệnh danh là những đại dương trong đất liền (inland seas).


Đại Ngũ Hồ nhìn từ trên cao
Ðại Ngũ Hồ gồm năm hồ: Superior, Michigan, Huron, Erie, và Ontario. Hồ Superior được xem là rộng và sâu nhất Bắc Mỹ và trong số ngũ hồ, rộng hơn cả quốc gia Scotland hay bang South Carolina của Hoa Kỳ. Hồ Superior cũng được xếp hạng là hồ nước ngọt lớn thứ tư trên thế giới. Hồ này được bao bọc bởi tiểu bang Ontario của Canada và ba tiểu bang của Hoa Kỳ, gồm Minnesota về hướng bắc và hai bang Wisconsin và Michigan về hướng nam. Hồ Superior có diện tích bề mặt là 31,820 dặm vuông và dài 350 dặm. Hồ có sức chứa 2,900 dặm khối nước và lượng nước này đã được dẫn vào hồ từ hơn 200 con sông lớn nhỏ khác nhau, trong đó có những con sông lớn như sông Nipigon và sông St. Louis. Ðảo lớn nhất nằm trong hồ Superior là Isle Royale thuộc bang Michigan, một thắng cảnh nổi tiếng của vùng này. Những nơi có cảnh đẹp nổi tiếng khác của hồ Superior là: Apostle Islands National Lakeshore, Pukaskwa National Park và Pictured Rocks National Lakeshore.
Lịch sử của hồ Superior được ghi nhận từng có dấu chân người vào khoảng 10,000 năm trước trong thời băng đá (Ice Age). Nhóm người này có tên là Plano, sinh sống bằng cách săn bắn và hái lượm. Những nhóm người sinh sống tại vùng hồ Superior sau đó được ghi lại gồm các bộ lạc như Shield Archaic, Laurel và bộ lạc da đỏ Algonkian chuyên săn đánh bắt cá. Bộ lạc cuối cùng được xem là sinh sống và phát triển tại đây là người da đỏ Anishiable. Về mặt sinh vật học, có khoảng 60 loài cá khác nhau được tìm thấy ở hồ Superior, mà trong đó rất nhiều loại cá hồi (salmon). Hiện nay, hồ Superior trở thành một nơi phát triển du lịch và đồng thời là phương tiện giao thông cho sự di chuyển của các con tàu chuyên chở hàng hóa.
Hồ Michigan là hồ duy nhất trong năm hồ hoàn toàn nằm trong địa phận của Hoa Kỳ, được bao bọc bởi bốn tiểu bang: Wisconsin, Illinois, Indiana và Michigan. Hồ có diện tích bề mặt là 22,400 dặm vuông, trở thành hồ nước ngọt lớn nhất của Hoa Kỳ, và đứng thứ năm trên thế giới. Hồ dài 307 dặm và rộng 118 dặm, với sức chứa 1,180 dặm khối nước. Có khoảng 12 triệu người sống dọc theo bờ hồ. Nhiều thành phố thuộc hướng bắc bang Michigan đã tạo nhiều nguồn lợi từ công nghiệp du lịch do các thắng cảnh của hồ Michigan. Hồ Michigan còn nổi tiếng về các bãi tắm, đặc biệt ở hai bang Michigan và Indiana thuộc hướng bắc. Cát ở bãi tắm của hồ Michigan mềm và trắng. Chính vẻ đẹp của hồ Michigan mà mọi người ví các bãi tắm của hồ là bờ biển thứ ba, chỉ sau Ðại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ngoài ra tại vùng hồ Michigan về phía bắc bang Michigan còn là nơi duy nhất trên thế giới mà con người có thể tìm thấy loại đá Petoskey có hình dạng như những viên sỏi và bên trong là các san hô hóa thạch. Về phương tiện giao thông, xe cộ có thể băng qua hồ Michigan bằng hệ thống phà SS Badger hoặc kể từ năm 2004 có thêm hệ thống phà Lake Express với vận tốc nhanh hơn SS Badger nhiều. Hồ Michigan là quê hương của các loại cá trout, bass và một số loài cá thuộc họ cá trê (catfish).
Hồ Huron, nằm ở phía tây của bang Michigan thuộc Hoa Kỳ và phía đông của bang Ontario thuộc Canada. Hồ được đặt tên là Huron vì những nhà thám hiểm người Pháp đầu tiên tìm đến hồ này đã gặp người da đỏ Huron sống tại đây và đặt tên hồ là "Hồ của người da đỏ Huron". Lúc đó, những nhà thám hiểm này chưa biết có sự hiện diện của các hồ lớn khác xung quanh, và đã gọi hồ Huron là "biển nước ngọt". Hồ có diện tích bề mặt là 23,010 dặm vuông, trở thành hồ lớn thứ ba trên thế giới với sức chứa 850 dặm khối nước. Những thành phố lớn chạy dọc theo hồ Huron gồm có Bay City, Alpena, Port Huron thuộc bang Michigan và Goderich và Sarnia thuộc bang Ontario. Hồ Huron tách biệt với hồ Michigan nhưng thông nhau qua một eo nước hẹp. Do đó, hai hồ được xem là đồng nhất về điều kiện nước cũng như địa lý. Các ngành công nghiệp phát triển tại vùng hồ Huron thuộc loại công nghiệp nặng như các hãng sản xuất sắt thép, xe hơi, máy sản xuất giấy, và các cơ xưởng đóng tàu. Các loài cá được tìm thấy tại đây hồ Huron cũng giống như tại hồ Michigan, gồm salmon, bass và catfish.
Hồ Erie được xếp là lớn thứ mười trên thế giới. Hồ được bao bọc bởi bang Ontario của Canada về phía bắc và các bang New York, Ohio, Pennsyvia của Hoa Kỳ về phía nam và bang Michigan về phía tây. Hồ được đặt tên Erie theo tên của một bộ lạc da đỏ sống tại đây. Hồ Erie có diện tích bề mặt là 9,940 dặm vuông và dài 241 dặm. Nước dẫn vào hồ Erie khởi thủy từ con sông Detroit. Những thành phố lớn trải dài xung quanh bờ hồ Erie như Buffalo (New York), Toledo (Ohio), Monroe (Michigan), và Port Stanley (Ontario). Hồ Erie là một trong những nơi sản xuất ngành công nghiệp đánh bắt cá lớn nhất thế giới.
Hồ Ontario được bao bọc bởi bang Ontario của Canada và bang New York của Hoa Kỳ. Theo thổ dân da đỏ Huron, Ontario có nghĩa là hồ lớn. Diện tích mặt hồ là 7,540 dặm vuông được xếp thứ 14 trong các hồ lớn nhất thế giới. Phà được xem là phương tiện di chuyển chính trên hồ Ontario. Hệ thống phà cao tốc dành cho xe cộ được thành lập vào năm 2004 nhưng đã bị hủy bỏ vào năm 2006. Hồ Ontario được cảnh báo là bị ô nhiễm tương đối nặng do các hóa chất sản xuất được thải ra và hệ thống cống bị hư hại. Nhiều loài cá bị diệt chủng tại đây vì hồ chứa hơn 300 loại hóa chất.
Ðại Ngũ Hồ là một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng thuộc hàng quốc tế có một không hai tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống sinh thái học tại đây cần được hai quốc gia Canada và Hoa Kỳ hợp tác để bảo tồn. Hoàn cảnh hiện nay tại vùng ngũ hồ cho thấy vẫn chưa thật sự có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trong việc ban hành và thực hiện các luật lệ gìn giữ môi sinh. Mặc dù vậy, các cơ quanh chính quyền địa phương và thuộc cấp tiểu bang vẫn luôn duy trì các chương trình bảo vệ môi trường cho vùng Ðại Ngũ Hồ nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch và sinh sống của người dân vùng này.

< Trước
Tiếp >





THÁNG LỊCH SỬ ĐEN
Tạ Đức Trí

Tại Hoa Kỳ, tháng Hai còn được biết đến với tên "Tháng Lịch Sử Đen" (Black History Month) dành riêng để ghi nhớ và tìm hiểu về lịch sử của người Mỹ gốc Phi Châu.
Tháng Hai năm nay người Hoa Kỳ còn có dịp theo dõi cuộc chạy đua vào Bạch Cung hào hứng giữa các ứng cử viên lưỡng đảng. Đặc biệt, cuộc tranh cử năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có một nữ ứng cử viên là bà thượng sĩ Hillary Clinton và một ứng cử viên người Mỹ gốc Phi Châu là thượng nghị sĩ Barack Obama. Tuy nhiên, để có thể đứng trong vị thế của thượng nghị sĩ Obama ngày hôm nay, với cơ hội trở thành một trong những người có tầm ảnh hưởng chính trị mạnh nhất thế giới, người Mỹ gốc Phi Châu tại Hoa Kỳ đã phải trải qua một giai đoạn dài tranh đấu cho quyền bình đẳng của những công dân da màu.
Tháng Lịch Sử Đen được thành lập vào năm 1976 là sự kéo dài của Tuần Lễ Lịch Sử Da Đen được khởi đầu nào năm 1926. Truyền thống này ban đầu chỉ giới hạn trong cộng đồng người Mỹ da đen, nhưng dần dần đã được nhiều thị trưởng thành phố và thống đốc tiểu bang ủng hộ với mục đích tạo sự hài hòa giữa các sắc dân bằng cách tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của mỗi sắc dân. Do đó trong tháng của người Mỹ da đen, mọi người có cơ hội tìm hiểu không những về lịch sử của người da đen tại Hoa Kỳ, mà còn về những người da đen nổi tiếng trong lịch sử, cũng như thưởng thức những nét tinh túy trong văn hóa Phi Châu thể hiện qua trang phục, văn học nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, v.v. Tháng Hai còn là thời điểm cho những nhà hoạt động xã hội đẩy mạnh các cuộc vận động cho quyền lợi của người Mỹ da đen, kể cả việc lập ngày tưởng niệm hay xây dựng tượng đài cho những nhân vật da đen nổi tiếng.
Những người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên đến Hoa Kỳ vào khoảng năm 1619, phần lớn là những tù bình chiến tranh bị bắt làm nô lệ do người Anh mang đến Tân Thế Giới để làm việc tại các đồn điền hoặc giúp việc tại nhà. Ban đầu, những người da đen này sẽ được trả tự do sau một thời gian làm nô lệ, nhưng đều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân công, do đó nhiều tiểu bang thuộc địa đã ban hành luật hợp thức hóa chế độ nô lệ. Massachusetts là thuộc địa đầu tiên thông qua luật này vào năm 1641. Một số thuộc địa khác còn thông qua luật bắt con cháu của các nô lệ cũng trở thành nô lệ hoặc bắt làm nô lệ suốt đời.
Vào thời điểm bản Tuyên Ngôn Độc Lập của các thuộc địa Mỹ ra đời, nhiều người đã lên tiếng về việc chấm dứt chế độ nô lệ nhưng chưa được cân nhắc. Trong cuộc Cách Mạng Mỹ, rất nhiều người da đen tự do cũng như nô lệ đã chiến đấu bên cạnh những người da trắng, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của người Mỹ thoát khỏi sự cai trị của Anh. Qua hiệp ước ký kết với Anh, hàng ngàn người Mỹ gốc Phi Châu đã có cơ hội trở về quê quán thay vì trở thành nô lệ. Tuy nhiên, ý tưởng về quyền bình đẳng cho người da đen chỉ thật sự bắt đầu từ sau khi Hiến Pháp Hoa Kỳ được biên soạn. Mặc dù ở giai đoạn này, chế độ nô lệ vẫn còn được áp dụng, trong khi những người da đen đã được trả tự do vẫn không có quyền bầu cử hoặc theo học tại các trường công, một số người da đen tự do đã dựa vào ngôn ngữ của bản hiến pháp để tranh đấu cho quyền lợi của họ, điển hình như thương gia Paul Cuffe đã đòi hỏi được miễn thuế dựa trên yếu tố không được đi bầu của ông.
Đến đầu thế kỷ 19, nước Mỹ có khoảng gần 800,000 nô lệ da đen và khoảng 200,000 người da đen tự do, trong số đó cũng có những người trở thành bác sĩ, luật sư, hay thương gia và thành công nhờ vào các cộng đồng người da đen. Về cuối thế kỷ 19 trong cuộc Nội Chiến Mỹ, tổng thống Abraham Lincoln đã tuyên bố trả tự do cho tất cả nô lệ trong các tiểu bang phía nam. Sau khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1865, các tu chính án 13, 14, và 15 đã lần lần được thêm vào hiến pháp Hoa Kỳ nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ trên toàn quốc, công nhận quyền công dân cho người Mỹ gốc Phi Châu và cho phép đàn ông da đen được quyền đi bầu. Tuy nhiên, song song với những bước tiến kể trên của người Mỹ da đen là sự hình thành những nhóm chủ trương "người trắng siêu đẳng", dẫn đến giai đoạn kỳ thị chủng tộc khủng khiếp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kéo dài đến giữa thế kỷ 20. Trong khoảng thời gian này, cuộc sống của người Mỹ da trắng và da đen hầu như hoàn toàn tách biệt. Hàng triệu người Mỹ da đen phải sống trong lo sợ đối diện hàng ngày với những hành động kỳ thị mà họ có thể bị giết hay hành hạ đến chết bất cứ lúc nào. Ước tính có khoảng 20,000 người da đen đã bị giết trong giai đoạn kỳ thị chủng tộc này.
Có thể nói phong trào dân quyền cho người Mỹ gốc Phi Châu được đẩy mạnh vào năm 1955 bằng sự kiện bà Rosa Parks đã từ chối nhường ghế trên xe buýt cho người da trắng và bị bắt. Sau khi được thả ra vài ngày sau đó, bà đã nhanh chóng phối hợp với những nhà tranh đấu khác phát động chiến dịch tẩy chay hệ thống xe buýt của thành phố Montgomery, dẫn đến nhiều cuộc tẩy chay và tranh đấu khác ở khắp nơi. Phong trào dân quyền lên cao điểm vào năm 1963 với cuộc diễn hành cho việc làm và tự do tại thủ đô Washington D.C. thu hút khoảng 200,000 người tụ tập trước đài tưởng niệm tổng thống Lincoln tại khu vực National Hall nổi tiếng của thủ đô. Cũng tại nơi đây, nhà tranh đấu người da đen nổi tiếng là tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã đọc bài diễn văn bất hủ "Tôi Có Một Giấc Mơ". Cuộc diễn hành này được xem là yếu tố thúc đẩy tổng thống John Kennedy và sau đó là tổng thống Lyndon B. Johnson thông qua Đạo Luật Dân Quyền 1964 xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị tại nơi công cộng, nơi công sở và trong công đoàn.
Ngày nay, người Mỹ gốc Phi Châu có cơ hội thăng tiến ở mọi lãnh vực như mọi sắc dân khác tại Hoa Kỳ. Năm 1989, nước Mỹ có vị thống đốc da đen đầu tiên và năm 1992 quốc hội Hoa Kỳ có nữ thượng nghị sĩ da đen đầu tiên. Tính đến năm 2000, có khoảng 9,000 dân cử và các quan chức chính phủ người Mỹ gốc Phi Châu. Ngoại trưởng Condoleezza Rice và cựu ngoại trưởng Colin Powell là hai trong số những viên chức da đen cao cấp nhất. Nữ hoàng talk show Oprah Winfrey hiện là tỷ phú da đen duy nhất và được xếp trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ.
Lịch sử gần 400 năm của người Mỹ gốc Phi Châu trên đất Hoa Kỳ với những tranh đấu liên tục cho tự do và bình đẳng đã cho thấy tất cả các cuộc đấu tranh đều có thể thành công trong một xã hội tôn trọng dân chủ nếu những nh tranh đấu luôn có tinh thần bền bỉ và ý chí tự vươn lên từ khó khăn.

< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]


PHẠM TỘI Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN
Tạ Đức Trí

Bên cạnh các thành tựu vượt bực trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, Hoa Kỳ cũng phải đương đầu với nhiều vấn nạn xã hội như bất kỳ quốc gia nào khác. Một trong những vấn đề nan giải của Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ qua chính là tình trạng phạm pháp của trẻ vị thành niên. Và mặc dù mức phạm tội của trẻ vị thành niên tại Hoa Kỳ có giảm trong vòng 20 năm trở lại, nhưng vẫn còn là vấn đề gây nhức đầu cho nhiều bậc phụ huynh cũng như chính quyền.
Tuổi vị thành niên phạm pháp được định nghĩa là trẻ dưới 18 tuổi có những hành vi trái với pháp luật. Mức độ phạm pháp có thể rất nhẹ, như ăn cắp vặt tại các cửa hàng và siêu thị, vẽ bậy trên tường, hay phá hại tài sản công cộng, nhưng cũng có thể rất nghiêm trọng ngang bằng với người lớn, như các tội cướp của giết người, hãm hiếp, buôn bán ma túy, v.v. Tuy nhiên, vì chưa đủ 18 tuổi để được đối xử như người lớn, cách xử phạt đối với trẻ vị thành niên phạm pháp có phần khác biệt, mặc dù ở vài trường hợp, do hành vi phạm pháp quá nặng, quan tòa có thể cho phép tiến hành vụ xử trẻ vị thành niên theo tiêu chuẩn của người lớn. Thống kê cho thấy California là tiểu bang có mức độ trẻ vị thành niên phạm tội cao nhất, gấp rưỡi so với toàn quốc Hoa Kỳ.
Nguồn gốc đưa trẻ đến những hành vi phạm tội khởi nguồn từ nhiều lý do, và một trong những lý do quan trọng là vấn đề của đời sống tinh thần. Các nghiên cứu khoa học cho thấy tuổi vị thành niên là thời điểm trẻ có sự biến chuyển về tâm sinh lý để trở thành người lớn, do đó tinh thần hay tính tình thường dễ bị xúc cảm mạnh dẫn đến sự thay đổi bất thường trong hành động, thường là kết quả của việc không làm chủ được lý trí. Chính vì vậy mà vấn đề tâm lý không được khỏe mạnh chiếm một phần lớn trong các yếu tố khác nhau dẫn trẻ đến những hành động phạm pháp. Trẻ có thể cảm thấy không tìm được sự cảm thông ở những người xung quanh và muốn làm một điều gì đó để "chứng minh mình là ai", hoặc trẻ không nhận được sự quan tâm đúng mức nên muốn làm một điều gì đó để "tạo tiếng vang", để mọi người chú ý đến mình. Những biến chuyển tâm sinh lý của trẻ trong tuổi vị thành niên cũng dễ dàng khiến trẻ bi kịch hóa hoặc phóng đại những trở ngại trong cuộc sống, dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ. Ví dụ, chỉ vì cần tiền mua trò chơi điện tử mới mà có thể nghĩ đến chuyện cướp nhà băng hoặc chỉ vì không muốn bạn mét thầy giáo một việc gì đó mà có thể nghĩ đến chuyện giết bạn.
Để giúp trẻ em tránh đi những vấn đề tâm lý, gia đình luôn phải quan sát thái độ và cách sống của trẻ để từ đó có thể ngăn chặn những điều đáng tiếc kịp thời. Từ đó cho thấy, tình thương và sự gần gũi của gia đình luôn là yếu tố hàng đầu giúp trẻ vượt qua những khó khăn. Ngay nhà trường cũng thường nhắc nhở sự quan tâm của phụ huynh đối với học sinh. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình tại Hoa Kỳ có chung một khó khăn là cả cha lẫn mẹ đều phải đi làm để nuôi sống gia đình, và vì vậy đã không có đủ thời gian dành cho con cái. Hiểu được điều này, chính phủ Hoa Kỳ đã không ngần ngại cấp ngân khoản để tạo những chương trình giúp trẻ có môi trường sinh hoạt lành mạnh sau giờ học, nhưng đó cũng chỉ là sự trợ giúp chứ không thể hoàn toàn thay thế sự quan tâm của phụ huynh đối với con em mình.
Vì chưa đủ tuổi để được xem là người lớn, hành động của trẻ vị thành niên được xem là trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ. Đạo luật AB 1291 mới nhất của bang California vừa được thông qua ở lưỡng viện có nội dung liên quan đến cha mẹ của các trẻ vị thành niên phạm pháp lần đầu. Tác giả của đạo luật này là dân biểu tiểu bang Tony Mendoza, và đạo luật này áp dụng với trẻ lần đầu phạm pháp cho các tội nhẹ có liên quan đến băng đảng. Trẻ phạm tội sẽ được tòa án cho tiếp tục sống với cha mẹ hay người nuôi dưỡng với điều kiện là cha mẹ phải tham dự các lớp hướng dẫn phụ huynh về cách dạy dỗ trẻ giúp con cái hiểu thêm về lối sống đúng theo pháp luật, tránh việc gia nhập băng đảng và phạm pháp. Phụ huynh sẽ phải tự trả tiền để theo học các lớp hướng dẫn này tại các trường đại học hay những địa điểm quy định. Trong trường hợp phụ huynh không có khả năng tài chánh để trả cho những lớp hướng dẫn, tòa sẽ xem xét lợi tức của gia đình để từ đó có thể giảm hay miễn học phí.
Theo đạo luật này, Bộ Tư Pháp sẽ đưa ra chương trình cho các lớp hướng dẫn cha mẹ giúp con trẻ tránh đi vào con đường băng đảng, gồm các buổi gặp gỡ với các gia đình nạn nhân của băng đảng để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, cũng như sự chia sẻ từ gia đình của những thành viên trong băng đảng đã qua đời để cho bậc phụ huynh hiểu sự nguy hại của việc gia nhập băng đảng, cũng như sự khó khăn của việc ra khỏi băng đảng mà trẻ không lường trước được khi có quyết định trong những lúc ham vui. Mục tiêu của những lớp học này nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh về sự quam tâm của cha mẹ đối với nhu cầu tinh thần của con cái, tạo mối liên kết giữa cha mẹ và con cái nhằm giúp con cái cảm thấy thoải mái hơn khi có điều muốn chia sẽ cùng cha mẹ. Rất nhiều bậc cha mẹ phụ thuộc quá nhiều vào vai trò dạy dỗ trẻ của trường học và nghĩ rằng chỉ cần mang con đến trường là xong nhiệm vụ, thầy cô giáo tại trường sẽ có nhiều kinh nghiệm về việc dạy dỗ trẻ hơn. Trên thực tế, thầy cô giáo tuy có kinh nghiệm trong lãnh vực giảng dạy kiến thức, nhưng đức dục vẫn cần phải có nền tảng từ gia đình. Do đó, đạo luật AB 1291 có thể cho phép cơ quan công quyền phạt các bậc phụ huynh nếu có bằng chứng là các phụ huynh tiếp tay hoặc cho phép con em mình phạm pháp. Đạo luật kể trêm cũng đề cập đến sự tài trợ cho các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công việc ngăn ngừa và tạo ra nhiều sinh hoạt hữu ích, huấn nghệ cho trẻ.
Trước vấn đề tội phạm của trẻ vị thành niên trong xã hội, việc gần gũi con cái trong gia đình luôn là điều tiên quyết. Không dành thời gian để tìm hiểu những thiếu thốn của trẻ trong cuộc sống dễ đưa trẻ đi đến tình trạng thất vọng và suy yếu về mặt tinh thần và từ đó dẫn đến khả năng trẻ sẽ đi tìm nguồn an ủi khác để thay thế sự thiếu quan tâm từ phía gia đình. Do đó mà xã hội Hoa Kỳ ngày nay rất quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị gia đình nhằm tạo môi trường nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh cho trẻ em, một trong những yếu tố qua trọng giúp giảm bớt mức phạm pháp của tuổi vị thành niên.

< Trước
Tiếp >



CÁC CUỘC THI SẮC ĐẸP TẠI MỸ
Tạ Đức Trí

Vào những năm gần đây, khán giả Hoa Kỳ có vẻ lơ là với những cuộc thi sắc đẹp, chủ yếu là vì hình thức sau nhiều năm tổ chức đã không tạo được sự mới lạ. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng Giêng vừa qua, cuộc thi Miss America diễn ra tại thành phố nhộn nhịp Las Vegas, bang Nevada, đã mang lại một nét mới cho các cuộc thi sắc đẹp nhằm thu hút lớp khán trẻ của Hoa Kỳ.
Cuộc thi Hoa Hậu Mỹ, Miss America, không chỉ đơn thuần là một cuộc thi về nhan sắc. Mục tiêu chính mà các thí sinh nhắm đến là thi thố tài năng để nhận được học bổng, chủ yếu là cho các chương trình cao học. Năm nay, hoa hậu bang Michigan Kirsten Haglund 19 tuổi đã giành được vương miện hoa hậu Mỹ và một học bổng $50,000, kèm với một năm du lịch khắp nơi cổ động cho việc nâng cao ý thức về chứng biếng ăn (anorexia) mà cô đã từng mắc phải.
Chương trình cấp học bổng của cuộc thi hoa hậu Mỹ hợp cùng các tổ chức tại địa phương của mỗi tiểu bang có thể được xem là tổ chức cấp học bổng lớn nhất nước Mỹ. Trong năm 2006, tổng số tiền học bổng và trợ giúp dành cho những phụ nữ trẻ trên toàn thế giới của chương trình này đã lên đến 45 triệu. Vì mục tiêu chính là cấp học bổng, phần thi áo dạ hội và áo tắm của giải hoa hậu Mỹ chỉ chiếm 35% tổng số điểm. Phần điểm còn lại được dựa trên cuộc phỏng vấn riêng từng thí sinh, phần thi tài năng, và phần đặt câu hỏi trên sân khấu. Trong phần phỏng vấn, thí sinh sẽ có cuộc mạn đàm riêng với các vị giám khảo về nhiều đề tài khác nhau, từ những chuyện linh tinh đến các lãnh vực như văn hóa, xã hội, chính trị. Thí sinh sẽ được chấm điểm dựa trên sự tự tin, phong cách, kiến thức, và khả năng ăn nói. Phần thi tài năng được coi là quan trọng nhất vì chiếm 35% tổng số điểm. Thông thường các thí sinh chọn hát hoặc múa, nhưng bất cứ năng khiếu nào có thể biểu diễn được trên sân khấu trong khuôn khổ thời gian ấn định đều có thể được thi thố. Phần trả lời trực tiếp một câu hỏi trên sân khấu tuy chỉ chiếm 5% tổng số điểm, nhưng cũng khá quan trọng vì đòi hỏi thí sinh phải có sự nhạy bén về các đề tài thời sự nóng bỏng.
Điểm khác biệt của cuộc thi hoa hậu Mỹ năm 2008 là trước ngày thi chung kết, khán giả có dịp theo dõi một chương trình truyền hình sống thực mang tên "Miss American: Reality Check" (tạm dịch là Hoa Hậu Mỹ: Kiểm Lại Thực Tế). Chương trình kéo dài bốn tuần, kết thúc bằng đêm chung kết trên sân khấu của khách sạn khiêm sòng bài Planet Hollywood. Qua chương trình sống thực, khán giả có dịp được biết các thí sinh trong những sinh hoạt bình thường cũng như trong giai đoạn rèn luyện và thay đổi ngoại hình xinh đẹp hơn chuẩn bị cho đêm chung kết. Ngoài ra, khán giả còn có dịp bình chọn thí sinh được người Mỹ yêu thích nhất và tham gia đặt câu hỏi sẽ được dùng trong phần thi trả lời trên sân khấu của các thí sinh.
Cuộc thi hoa hậu Mỹ khởi đầu năm 1921 tại thành phố Atlantic, bang New Jersey. Ban đầu, đây chỉ là một cuộc thi sắc đẹp giới hạn trong thành phố nhằm thu hút du khách, nhưng đã nhanh chóng được người xem lẫn người tham dự hưởng ứng. Phần thi tài năng được thêm vào kể từ năm 1935 nhằm giảm đi định kiến cho rằng các thiếu nữ tranh tài trong các cuộc thi sắc đẹp chỉ là những đóa hoa "hữu sắc vô hương". Có thể nói thập niên 1960 là giai đoạn cực thịnh của giải hoa hậu Mỹ sau khi cuộc thi được phát hình toàn quốc lần đầu tiên năm 1954, và hoa hậu Mỹ được xem là biểu tượng của mẫu phụ nữ lý tưởng trong xã hội Mỹ. Vào thời điểm đó, hình ảnh tiêu biểu của phụ nữ vẫn còn giới hạn trong khuôn khổ gia đình, nên cuộc thi đã phần nào bị các nhà tranh đấu cho quyền phụ nữ lên án. Sang thập niên 1970, người Mỹ bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về mẫu phụ nữ lý tưởng, cuộc thi bắt đầu có các thí sinh gốc da màu và thuộc những ngành nghề đa dạng hơn. Điển hình là trường hợp của hoa hậu Rebecca Ann King đăng quang năm 1974, một sinh viên luật có tư tưởng ủng hộ phá thai hợp pháp tại Hoa Kỳ. Năm 1984, Vanessa L. Williams trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được chọn làm hoa hậu Mỹ, nhưng rất tiếc đã phải từ bỏ ngôi vị khi chỉ còn lại bảy tuần do áp lực từ những chuyện thị phi. Mặc dù vậy trên danh sách những người thắng giải, Vanessa L. Williams vẫn được ban tổ chức cuộc thi công nhận là hoa hậu Mỹ năm 1984 cùng với người kế thừa ngôi vị của cô. Ngoài ra, Vanessa L. Williams cũng còn là một trong những hoa hậu Mỹ nổi tiếng nhất qua sự thành công sau đó của cô trong lãnh vực ca nhạc và điện ảnh. Năm 1989, cuộc thi bắt đầu đòi hỏi người thắng giải phải đặt ra mục tiêu phuc vụ cộng đồng mà họ sẽ phải quảng bá trong năm của mình. Các hoa hậu trước đây đã chọn những mục tiêu như: Ý thức về bệnh AIDS, bệnh tiểu đường, ung thư ngực, bạo hành gia đình, chăm lo đời sống cho cựu chiến binh, người nghèo, thanh thiếu niên bụi đời, v.v.
Song song với cuộc thi Miss America còn có cuộc thi Miss USA., tạm dịch là Hoa Hậu Hiệp Chủng Quốc. Cuộc thi này được bắt đầu vào năm 1952 và hoàn toàn là một cuộc thi sắc đẹp. Người thắng giải Miss USA sẽ đại diện Hoa Kỳ tham dự cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ (Miss Universe). Cả hai cuộc thi Miss USA và Miss Universe cũng như cuộc thi hoa hậu thiếu niêm Miss Teen USA đều có cùng một ban tổ chức là Miss Universe Organization.
Hàng năm, mỗi tiểu bang đều tổ chức những cuộc thi địa phương để chọn hoa hậu đại diện tiểu bang tranh tài trong cuộc thi Miss USA. Nếu Miss USA trở thành Miss Universe, thì đệ nhất á hậu sẽ đảm nhận vai trò hoa hậu. Điều này đã xảy ra cho cô Brandi Sherwood, từng là hoa hậu thiếu niên toàn quốc năm 1989 và hoa hậu Idaho năm 1997, nhưng chỉ đứng thứ nhì khi tranh tài toàn quốc. Tuy nhiên, khi hoa hậu USA 1997 là Brook Lee (Hoa hậu Hawaii) trở thành hoa hậu Hoàn Vũ 1997, Sherwood đã trở thành hoa hậu USA 1997. Trước Brook Lee, sáu hoa hậu USA khác cũng đã đoạt được vương miện hoa hậu Hoàn Vũ. Hoa hậu USA hiện tại là Rachel Smith.
Cho dù là Miss America hay Miss USA, danh hiệu hoa hậu Mỹ là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội, cũng là dịp cho người thắng giải thực hiện được những hoài bão của mình, và trở thành mẫu người phụ nữ tiêu biểu cho xã hội Hoa Kỳ.



< Trước
Tiếp >


NGƯỜI MÙ TRÊN ĐỈNH THIÊN THU
Tạ Đức Trí

Mt. Everest (Đỉnh Thiên Thu), ngọn núi cao nhất thế giới quanh năm tuyết trắng có lẽ là đỉnh mơ của rất nhiều nhà leo núi chuyên nghiệp. Kể từ ngày đầu tiên được chinh phục vào năm 1953 cho đến nay, chỉ có gần 3,000 người lên được đến đỉnh Everest và khoảng hơn 200 người đã nằm lại vĩnh viễn trên ngọn sơn tuyết này. Trong số những người chinh phục được Mt. Everest, có một người mù. Đó chính là một công dân Hoa Kỳ mang tên Erik Weihenmayer.

Hoa Kỳ là quốc gia mà người khuyết tật luôn được tạo nhiều cơ hội để phát triển và thi thố tài năng. Với ý chí cố gắng trong tinh thần sống tự do, nhiều người khuyết tật cũng đã thành công và đạt thành tích trong nhiều lãnh vực. Riêng về môn leo núi tuyết, chắc hẳn ai cũng đều biết đến Erik Weihenmayer, được công nhận là người mù đầu tiên và duy nhất chinh phục được toàn bộ bảy đỉnh núi nổi tiếng cao nhất thế giới, trong đó có Mt. Everest, thuộc dãy Hy Mã Lạp Sơn, cao 29,028 feet (8,848 mét). Erik lên được đỉnh Everest vào năm 2001, và chỉ một năm sau đó ông đã hoàn tất các chuyến chinh phục những đỉnh núi cao nhất còn lại. Câu chuyện phấn đấu bằng nghị lực vượt qua sự khuyết tật để thành công của Erik được nhiều tờ báo lớn tại Mỹ nhắc đến. Ngoài việc leo núi, Erik còn là tay đạp xe đường trường và chạy việt dã. Nhiều người kinh ngạc vì ít khi có một người mù có khả năng tham gia những môn thể thao dành cho những người sáng mắt. Và một trong những bí quyết thành công của Erik là sự kiên trì luyện tập.
Erik Weihenmayer sinh năm 1968 với một chứng bệnh di truyền về mắt mà rất ít người bị mắc phải được gọi là retinoschisis và chứng bệnh này đã hoàn toàn cướp mất đi ánh sáng của đôi mắt ông khi ông vừa tròn 13 tuổi. May mắn thay cho Erik, gia đình ông không dễ dàng chấp nhận số phận nghiệt ngã của con trai, nên bố ông đã tập cho ông vượt qua thử thách của căn bệnh bằng cách dẫn ông đi hiking (dã ngoạn trên núi) từ lúc còn rất nhỏ. Do đó, khi trở thành người mù, Erik đã khá quen thuộc với bộ môn hiking và những ngọn núi cao. Đồng thời, bố ông cũng còn tập cho ông cách rèn luyện thể lực và chơi các bộ môn thể thao khác mà không cần nhìn thấy ánh sáng.
Năm 1987, sau khi Erik tốt nghiệp trung học tại bang Connecticut ông đại diện toàn tiểu bang tham dự cuộc đi bộ việt dã 50 dặm từ Inca Trail đến tận Machu Picchu. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1991, ông đã bắt đầu leo những ngọn núi cao ở Pakistan. Năm 1995, Erik được thế giới bắt đầu chú ý khi quyết định leo lên ngọn núi McKinley ở bang Alaska cũng là ngọn núi cao nhất Bắc Mỹ (20,320 feet). Với sự tài trợ của Hội Những Người Mù, ông đã chinh phục được đỉnh McKinley trước sự thán phục của nhiều dân leo núi chuyên nghiệp. Vào năm 1997, Erik leo được ngọn Kilimanjaro là ngọn núi cao nhất ở Phi Châu, đánh dấu ngọn núi thứ hai trong bảy ngọn núi cao nhất thế giới mà Erik đã đặt chân lên. Ngay cả lễ cưới của Erik cũng được tổ chức tại độ cao 13,000 feet của ngọn núi này. Năm 1999, Erik trở thành người mù duy nhất leo được đỉnh núi Aconcagua (22,850 feet) thuộc quốc gia Argentina và cũng là ngọn núi cao nhất Nam Mỹ. Đây là ngọn núi thử thách Erik đến hai lần. Trong lần đầu tiên, Erik đã không thành công và chỉ cách đỉnh có một đoạn ngắn, nhưng vì thời tiết quá xấu và sức gió lại mạnh nên Erik cùng đoàn leo núi phải trở xuống. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Erik đã thành công chinh phục ngọn núi này.
Năm 2001 có lẽ là năm thay đổi cuộc đời của Erik nhiều nhất. Ông được Hội Người Mù Quốc Gia bảo trợ để tham gia leo ngọn Everest. Mục đích của chuyến đi này còn nhằm vào việc quảng bá bảo vệ môi trường ở những độ cao như ngọn Everest. Theo thống kê của những người đã từng leo ngọn Everest, chỉ có khoảng 10 phần trăm dân leo núi chuyên nghiệp lên được tới đỉnh vì nhiều lý do như: thời tiết, điều kiện sức khỏe, tuyết sụp lở, nhiệt độ quá lạnh, và thiếu dưỡng khí. Phương cách leo ngọn Everest cũng hoàn toàn khác với những ngọn núi khác. Vì độ cao và thời tiết khắc nghiệt, muốn lên đến đỉnh, người leo núi Everest phải tập cho cơ thể quen với môi trường cực lạnh và thiếu dưỡng khí bằng cách leo một đoạn rồi trở xuống, sau đó leo một đoạn dài hơn rồi lại trở xuống, vài lần như vậy cho đến khi sẵn sàng để thực hiện chuyến chinh phục đỉnh cao nhất thế giới.
Rất nhiều người sẽ thắc mắc làm sao một người khiếm thị lại có thể "nhìn thấy đường" để leo núi. Trong chuyến chinh phục Everest, những người đi cùng đoàn với Erik đã hỗ trợ anh bằng cách nói cho anh biết trước đoạn đường sắp đi như thế nào với ước lượng khá chính xác về chiều dài. Ngoài ra, người đi trước anh còn gắn trên mình một cái chuông để giúp anh định hướng. Với ý chí vượt khó và sự kiên nhẫn, Erik đã leo lên được ngọn núi cao nhất thế giới, trở thành người mù đầu tiên và duy nhất cho đến nay đứng trên đỉnh Everest. Một năm sau, năm 2002, Erik cũng đã thành công leo được đỉnh Kosciusko của Úc Châu và tính đến tháng Chín năm 2002, Erik đã trở thành một trong khoảng 100 người chinh phục toàn bộ bảy ngọn núi cao nhất trên thế giới.
Niềm đam mê leo núi của Erik không chỉ dừng lại ở mục đích khắc phục thử thách cá nhân, mà ông đã chia sẻ kinh nghiệm leo núi của người mù với mọi người qua việc viết sách. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm, trong đó có quyển Touch the Top of The World: A Blind Man's Journey to Climb Farther Than the Eye can See được xuất bản ở 10 quốc gia với 6 ngôn ngữ. Quyển sách này đã được dàn dựng thành phim vào năm 2006 với tựa đề Farther Than the Eye can See và đã giúp Erik thắng giải tại nhiều đại hội điện ảnh và được đề cử hai lần cho giải Emmy. Ngoài ra, Erik còn được mời lên phỏng vấn trên các đài truyền hình như ABC, NBC, hay Oprah. Erik cũng còn được mời diễn thuyết cho nhiều đại học nổi tiếng về kinh nghiệm của một người mù leo núi.
Năm 2004, Erik cùng một số bạn đồng hành trong chuyến chinh phục Everest thực hiện dự án Climbing Blind tại Tibet. Trong nhiều tháng liền Erik đã luyện tập cho sáu thiếu niên khiếm thị làm quen với bộ môn leo núi để cuối cùng có thể thực hiện chuyến leo núi dài ba tuần chinh phục ngọn Lhapka Li (23,100ft) nằm về phía bắc của đỉnh Everest.
Sự vượt khó từ một người mù như ông Erik Weihenmayer đã là tấm gương cho những người bị khuyết tật nhưng có nghị lực để vươn lên sống hài hòa và có ích trong xã hội. Tuy nhiên, sự vượt khó của những người khuyết tật sẽ càng gặt hái được nhiều thành quả hơn nếu được sự giúp đỡ mạnh mẽ trong một xã hội mà quyền sống và quyền làm người luôn được tôn trọng, như tại Hoa Kỳ.

< Trước
Tiếp >



VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ KIẾN TRÚC TẠI MỸ - VT 340
Tạ Ðức Trí
Về mặc kiến trúc, tuy Hoa Kỳ không có những di tích lịch sử mang tính chất lâu đời, nhưng lối kiến trúc hiện đại biểu tượng của ngành kiến trúc tại Hoa Kỳ và sự ảnh hưởng đa dạng của nhiều trường phái kiến trúc đã mang lại những nét rất đặc trưng cho các kiến trúc tại Hoa Kỳ.
Những kiến trúc lâu đời nhất tại Hoa Kỳ được bắt nguồn từ nhóm người có tên gọi Ancient Pueblo tại bang New Mexico. Nhóm người thổ dân da đỏ Pueblo được lịch sử ghi nhận là đã từng tồn tại liên tục trên 1000 năm tại châu Mỹ. Nét kiến trúc đặc trưng của nhóm người này hiện còn tồn tại là những dãy nhà dài đục vào vách núi trong khoảng thế kỷ 12 đến 14 ở các tiểu bang Colorado, Utah, Arizona, và New Mexico.
Khi người Âu Châu đặt chân lên vùng đất mới Mỹ Châu, họ đem theo lối kiến trúc cổ kính và kỹ thuật xây dựng từ Âu Châu để áp dụng ở những xứ thuộc địa. Do đó, các kiến trúc thời thuộc địa chịu ảnh hưởng chính từ trường phái kiến trúc kiểu Anh hoặc kiểu Tây Ban Nha. Georgian và Palladian là hai kiểu kiến trúc Anh được dùng trong các tòa nhà xây dựng vào khoảng thế kỷ 18 với gỗ trắng và gạch đỏ là hai vật liệu căn bản. Tòa nhà thống đốc tại bang Virginia được xây từ năm 1706 đến 1720 là một ví dụ điển hình của kiểu kiến trúc Georgian với tường gạch đỏ, các khung cửa sổ lớn đều nhau bằng gỗ sơn trắng, và nóc nhà lợp nghiêng bằng ngói đá xanh có hai ống khói lớn ở hai đầu. Những kiến trúc mang một phần ảnh hưởng của kiểu Palladian gồm tòa nhà Rotunda của đại học Virginia, biệt thự Monticello của tổng thống Thomas Jefferson cũng như rất nhiều trang trại, đồn điền, và trường học được xây cất vào thời điểm này.
Kiến trúc kiểu Tây Ban Nha được tìm thấy ở các tiểu bang phía tây nam Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lối kiến trúc của thổ dân da đỏ Pueblo hiện diện tại đây trước đó cũng góp phần ảnh hưởng đáng kể. Những tòa nhà mang sự hòa hợp này được xây bằng gạch sống theo kiểu dài, có hàng hiên rộng và bao quanh bởi một hàng rào sắt. Trong thế kỷ 17 và 18, người Tây Ban Nha thành lập nhiều phái đoàn truyền giáo và xây nhà thờ tại phía nam. Chính kiến trúc của các chủng viện và nhà thờ đã ảnh hưởng khá mạnh lên tất cả lối kiến trúc của vùng này. Nhà thờ ở Isleta Pueblo thuộc bang New Mexico có lối kiến trúc kiểu Tây Ban Nha làm bằng đất sét có gian giữa hình chữ nhật, trụ tường phía ngoài, và sự cân xứng của hai tháp không tô điểm rất tự nhiên.
Sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố độc lập cho 13 tiểu bang thuộc địa, lối kiến trúc kiểu Anh vẫn mang tầm ảnh hưởng khá mạnh vào việc xây dựng các công trình tư nhân cho đến chính phủ vào thời gian đầu của lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, qua đến khoảng đầu thế kỷ thứ 19, theo xu hướng muốn thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Anh quốc về mọi mặt, các kiến trúc sư Hoa Kỳ bắt đầu bị thu hút bởi tinh thần dân chủ của Hy Lạp và bắt đầu chú ý đế các kiến trúc theo kiểu Hy Lạp và La Mã. Từ đó, các đền đài hay tòa nhà chính phủ tại Hoa Kỳ xây trong thời điểm này bị ảnh hưởng bởi lối kiến trúc của nền văn Hy Lạp kết hợp với kiểu kiến trúc tân cổ điển tại La Mã nhưng mang những đường nét và lối trang trí nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Ðiển hình của lối kiến trúc tân cổ điển kiểu Hy Lạp là tòa Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cũng như các tòa nhà Quốc Hội tại North Carolina, Indiana và Ohio. Chính sự đồ sộ và trang nghiêm của những tòa nhà này với những trụ tròn lớn, mái tiền sảnh hình tam giác và màu sơn trắng đồng nhất cho cả gạch lẫn gỗ đã một phần mang lại cảm giác của tinh thần dân chủ được thực hiện tại Hoa Kỳ.
Ðối với thủ đô Washington, D.C, lối kiến trúc tại đây thể hiện trường phái đô thị đồng nhất (uniform urbanism) với những toàn nhà, đền đài mang nhiều nét kiến trúc tương tự ảnh hưởng từ trường phái kiến trúc của Hy Lạp và Ý Ðại Lợi tạo một mỹ quan độc đáo mang nét uy nghi và trang trọng cho thủ đô. Bên cạnh Tòa Nhà Quốc Hội, Tòa Bạch Cung, một số đài tưởng niệm các vị tổng thống Hoa Kỳ cũng nằm trong số những kiến trúc đặc trưng. Tượng đài tổng thống Lincoln được thiết kế bằng đá hoa cương và đá vôi trắng, được xây theo kiểu các đền đài Hy Lạp cổ xưa với 36 cột tượng trưng cho 36 tiểu bang của Union vào thời điểm tổng thống Lincoln qua đời. Tượng đài tổng thống Jefferson thì được kiến trúc theo kiểu La Mã với nóc vòm tròn và tiền sảnh có nóc hình tam giác theo kiểu của đền thờ Pantheon.
Thế kỷ 19 cũng là thời điểm mà Hoa Kỳ ưa chuộng kiểu kiến trúc neogothic của thời Trung Cổ. Nét đặc trưng của kiểu kiến trúc này gồm tháp cao, mái nhọn nhiều tầng, và những ô cửa sổ hõm vào với kính màu. Ví dụ điển hình nhất tại Hoa Kỳ của lối kiến trúc neogothic là Thánh Ðường St. Patrick ở New York. Ðây cũng là lối kiến trúc được dùng xây những đại học nổi tiếng tại Hoa Kỳ như Yale, Princeton và Harvard. Lối kiến trúc neogothic được dùng suốt thế kỷ 19 và kéo dài đến đầu thế kỷ 20 trong nhiều công trình xây nhà chọc trời (skyscraper) tại bang Chicago và New York.
Nhà chọc trời được xem là sự khai phá trong ngành kiến trúc và khoa học kỹ thuật tại Hoa Kỳ. Một trong những thử thách và khó khăn trong việc xây dựng loại nhà cao tầng này là phương tiện vận chuyển những khối đá xi măng khổng lồ lên nhiều tầng cao. Kỹ sư William LeBaron Jenney là người đã nghĩ ra việc tạo một khung chống bằng thép để vận chuyển số lượng gạch đá lên cao. Tòa nhà Home Insurance tại Chicago có chiều cao 42 mét gồm 10 tầng xây vào năm 1885 được xem là tòa nhà chọc trời đầu tiên tại Mỹ.
Những kiến trúc sư từ Âu Châu đến Hoa Kỳ trước Ðệ Nhị Thế Chiến cũng tác động mạnh vào nền kiến trúc hiện đại của Hoa Kỳ, góp phần tạo nên lối kiến trúc quốc tế được áp dụng vào việc xây cất các công trình vĩ đại, trong đó có các tòa nhà chọc trời. Các tòa nhà chính phủ và tháp chọc trời hiện nay đã được thiết kế theo kiểu kiến trúc có tên gọi là Federal Modernism (tạm dịch là Liên Bang Hiện Ðại).
Với nhiều thay đổi của nền kiến trúc Mỹ do yếu tố lịch sử đã tạo cho Hoa Kỳ có đầy đủ kiểu kiến trúc từ cổ điển cho đến tân thời. Nếu lối kiến trúc kiểu Anh và Tây Ban Nha mang nét quý phái, thì đường nét kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ xưa tạo được sự tôn nghiêm, trong khi kiểu kiến trúc hiện đại sẽ mang lại vẻ đẹp mạnh mẽ không thể thiếu trong một xã hội phát triển.

< Trước
Tiếp >

[ Quay lại ]

No comments:

Post a Comment