Wednesday, December 1, 2010

Xóm nhỏ của tôi

Xóm nhỏ của tôi

Quê mình ở Thị trấn Ba Đồn, xóm nhỏ của mình ở khúc giữa Thị trấn, men sông Gianh. Cái xóm khá hiền hoà, có chục nóc nhà, chưa thấy khi nào cãi nhau, vẫn thường qua lại mượn nhau gạo tiền, xin nhau mắm muối.
Nhà mình ở cạnh 3 nhà. Phía trước là nhà ông Đái Lùn chuyên nghề ăn xin ở chợ. Ông lùn tịt, cực xấu, mũi to bằng quả cà, da mặt sần sùi trông gớm chết. Ở cạnh nhà ông đúng 7 năm, chỉ nghe ông Đái Lùn nói đúng một tỉếng: Bình! Ấy là khi ông gọi con Bình. Mỗi ngày ông gọi con Bình ba lần, sáng sớm đi học và hai bữa cơm. Nghe quen đến nỗi mỗi lần nghe tiếng “ Bình!” là mình thấy đói bụng liền.
Vợ ông tên gì quên rồi, chỉ nhớ rất đẹp, tức đẹp hơn ông rất nhiều. Mạ mình, bác Thông gái cũng không đẹp bằng bà. Không hiểu sao bà lại lấy ông Đái Lùn, đã xấu lại ăn mày quanh năm ở đình chợ. Con Bình thì cực đẹp, nghe nói vừa mới lọt lòng nó đã có hai bím tóc xinh xinh, giống Hỉ Nhi trong phim gì đó của Trung Quốc, cả thị trấn chạy đến xem.
Vợ ông Đái Lùn hát rất hay, khi nào rửng mỡ hai vợ chồng tu chừng nửa lít rượu, bà cất tiếng hát líu lo Rượu ta nấu nó cho rượu lậu/ muối ta làm nó bảo muối gian… Ông Đái Lùn lấy đũa gõ soong queng queng queng, thỉnh thoảng lại hét rống lên, nói oa chà, cha tổ đế quốc thực dân. Mọi người cười, nói Đái Lùn chửi chi chửi lắm rứa hè. Ông cười khơ khơ khơ, nói oa chà, ăn mày ăn xin không chửi Đế quốc thực dân thì chửi ai.
Phía sau bên trái nhà ông Đái Lùn là nhà ông cu Hoi. Ông có tật run, tay run, miệng run, chẳng nói gì làm gì mà mồm miệng tay chân cứ run bần bật. Mình bốn tuổi, ngồi há mồm há miệng nhìn cái tay ông gắp thức ăn chao qua chao lại, cứ sợ thức ăn văng đi mất.Vì tật run ông cu Hoi chẳng làm gì, chỉ nuôi bò, cứ mỗi lần 4 con, bán lứa này nuôi lứa khác, chỉ thế thôi nhưng nhà ông sống ung dung.
Ông Cu Hoi có tài đặt vè, lại rảnh rỗi nên ngày nào ông cũng có vè, bất kì ai quen biết ông đều có vè, mình nhớ như in bài vè ông làm cho mình: Vè vẻ vè ve/ nghe vè thằng Lập/ mạ thì đòi đập/ ba thì đòi la (mắng)/ ăn rồi không chịu đòi ga ( đuổi gà)/ đi nhà ngườì ta mà nhởi ( chơi)/ cơm thì đang xới/ về hỏi cơm đã chín chưa/ mi mới ăn cơm trưa/ răng đã kêu đói bụng. Ông có bài tổng kết những đàn ông trong xóm hồi đó, ai cũng nhớ: Cu Tư giỏi vẽ, Cu Lễ giỏi ăn, Cu Tăng giỏi cãi, Cu Lại giỏi bơi, Cu Cời giỏi đ.
Chuyện gì xảy ra trong Thị trấn hay dở tốt xấu ông đều có vè hết, đến nay người nhớ bài này, ngươì nhớ bài kia, nếu có ai kì công sưu tầm cho đủ, bảo đảm không dưới chục vạn bài, không thèm nói ngoa.
Bên trái là nhà ông Dương Mạnh Tuyển. Ông làm thợ may, may giỏi, khi nào cũng đông khách. Con cái ông Tuyển đều đẹp trai xinh gái học giỏi, đặc biệt hai anh con trai Dương Toàn Thắng và Dương Mạnh Đạt nổi tiếng khắp huyện.
Anh Dương Mạnh Đạt thì hết chê. Anh hát hay, đàn giỏi, lại biết sáng tác nhạc nổi tiếng khắp huyện. Hồi anh học lớp 10 đã làm bài hát Như những cánh chim bay, thành bài trường ca, bốn chục năm rồi học sinh Trường cấp III Bắc Quảng Trạch vẫn hát. Ai hỏi mình ở đâu mình đều nói ở gần nhà anh Mạnh Đạt là người ta biết liền.
Xưa Ái Vân nổi tiếng đẹp nhất nước, hát hay, đóng phim Chị Nhung đẹp như tiên sa, coi như một siêu sao. Tụi mình chỉ dám đứng ngước lên ngưỡng mộ, không khi nào dám nghĩ sẽ được gặp Ái Vân một lần. Thế mà (năm 1978) anh Mạnh Đạt đem Ái Vân về nhà mấy ngày, lượn đi lượn lại khắp Thị Trấn. Một vạn dân Thị Trấn suốt ngày nức nở. Mình ỷ thế gần nhà anh, được nhìn Ái Vân rất gần, có lần Ái Vân còn nhờ múc nước giếng cho chị rửa chân, sướng rêm ngườì.
Còn một nhà nữa là nhà anh Quách Mạnh Lân ở cuối xóm. Anh thoát li đi văn công từ 17 tuổi nên mình không gặp anh lần nào, chỉ thấy anh trên sân khấu thôi. Anh nổi tiếng như cồn khắp tỉnh. Anh sáng tác rất nhiều bài hát tỉnh ca. Mình nhớ bài hát gì đó có câu Năm trăm chiếc máy bay rơi trên đất Quảng Bình bà con ta ơi. Anh Lân là niềm tự hào của Thị trấn Ba Đồn, ông Phổ chủ tịch Thị trấn gọi anh là đứa con ưu tú của quê hương.
Thầy Phan Xuân Hải cũng là đứa con ưu tú của quê hương, nhà thầy sát sau nhà mình. Thầy cao to như vận động viên bóng chuyền, đẹp trai cực, dạy văn rất giỏi, vẽ truyền thần nổi tiếng khắp tỉnh. Thầy chuyên vẽ Bác Hồ, hầu hết các tranh Bác Hồ trong huyện trong tỉnh đều do thầy vẽ. Đời thầy là cả một thiên tiểu thuyết, chuyện này nói sau.
Con nít trong xóm quanh đi quẩn lại chỉ mấy đứa, con Bình con ông Đái Lùn, con Tiểu Hoa con thím Mơ, thằng Dương Toàn Thắng con ông Dương Mạnh Tuyển và thằng Dưong Viết Hoà con ông cu Mại. Nhà thằng Hoà ở sát nhà ông Dương Mạnh Tuyển, thằng này hay lắm, làm thơ lia xia, chỉ thấy đăng báo tường chứ chả có báo nào đăng cả, thế mà nó khoe loạn cả lên. Có hôm nó nói tối qua Xuân Diệu bình thơ tau trên đài, ông nói: Vể tình yêu đất nước, nhà thơ Dương Viết Hoà đã viết… Tụi mình châu lại nhao nhao, nói cứt cứt đom đom, nhà thơ Xuân Diệu mà thèm biết mi.
Nhưng nó rất có khiếu âm nhạc, học Trường âm nhạc Huế rất được bạn bè nể trọng. Thầy giáo dạy nhạc của nó là một người Nga, tên gì quên mất rồi, nói tôi dạy nhạc hai chục năm chưa thấy sinh viên nào tài hoa như Dương Viết Hoà. Chẳng hiểu sao năm cuối nó đi vệ sinh viết khẩu hiệu đả đảo linh tinh trong hố xí bị tóng tù mấy năm, nó cũng tàn đời từ đó.
Hi hi cái xóm nhỏ xíu vậy mà toàn dân văn nghệ. Vui nhất là ba ngày tết, năm nào xóm cũng liên hoan văn nghệ Mừng xuân mừng Đảng. Trang trí sân khấu là thầy Hải, thầy vẽ đôi bồ câu hoà bình cắp khẩu hiệu Mừng Xuân mừng Đảng bay giữa trời xanh. Tụi mình đứng nhìn thầy cắt cắt dán dán, mồm miệng xuýt xoa, nói đẹp hè đẹp hè.
Anh Dương Mạnh Đạt cầm đũa chỉ huy dàn hợp ca mấy chục người hát bài Ba Đồn niềm tin và hy vọng. Anh Quách Mộng Lân kéo đàn accordion cho tốp nữ hát bài Quảng bình quê ta ơi. Bạn của anh Lân là anh Nguyên Nhung ở làng Quảng Hoà về chơi cũng lên hát bài Đàn môi, anh chỉ hát một lần mà mấy chục năm rồi mình vẫn nhớ như in: Em ơi đàn môi đây đàn môi này… gửi gắm ngàn niềm tin, dù xa xôi lòng em vẫn đợi chờ.
Hay nhất là màn văn nghệ xóm. Vợ ông Đái Lùn lấy nhựa hạt mồng tơi bôi má thay son, đu đưa đu đưa, tay múa miệng hát Rượu ta nấu nó cho rượu lậu/ muối ta làm nó bảo muối gian…Ông Đái Lùn ngồi cánh gà gõ nhịp queng queng queng, thỉnh thoảng lại hét rống lên, nói oa chà, cha tổ đế quốc thực dân.
Màn độc diễn của ông cu Hoi thì tuyệt chiêu. Ông chống gậy bước lên sân khấu, tay chân mồm miệng run lẩy bẩy trông đã buồn cười, bà con vỗ tay nói rồi rồi, cu Hoi lên rồi. Ông vung cái gậy, trợn mắt nói lớn huơ này bà con, bữa hôm ni cu Hoi xin kể chuyện… Mọi người vỗ tay rào rào, sướng ngây ngất.
Tụi mình nhìn nhau xuýt xoa, nói hay hè hay hè. Mấy chục năm rồi bây giờ nhớ lại vẫn còn xao xuyến. Chẳng ngờ sau này mình trở thành nhà văn, Tiểu Hoa là diễn viên gạo cội của Đoàn kịch nói Bình trị thiên, sau này là Đoàn ca kịch Huế. Nó tham gia phim Đời cát và Trái tim bé bỏng, vai nào nó đóng cũng đạt. Thu Bình là nghệ sĩ đàn tam thập lục Đoàn Tuồng Huế. Dương Toàn thắng là nhà thơ và nhà phê bình, chỉ tiếc nó mất sớm quá, chưa đầy 40 tuổi. Chỉ có thằng Dương Viết Hoà bỏ nhạc bỏ thơ, suốt ngày cặm cụi phê bình triết học, hết khen Platon đến chê Socrates, rầu đời.
Bây giờ cái xóm nhỏ không còn nữa, ngôi nhà duy nhất còn mãi đến giờ là nhà thầy Phan Xuân Hải nhưng thầy cũng đã mất, nhà thầy cửa đóng then cài. Người ta xây lên ở đấy Đài truyền thanh huyện, loa truyền thanh bền bỉ nói suốt ngày đêm. Buồn.

No comments:

Post a Comment