Wednesday, December 1, 2010

Bi kịch của gia đình đa văn hoá

Hậu hôn nhân tại Hàn Quốc: Bi kịch của gia đình đa văn hoá
Theo www.thethaovanhoa.vn – 2 năm trước
Vấn đề kết hôn quốc tế giữa người Hàn và người nước ngoài – hiện được gọi bằng cụm từ “gia đình đa văn hoá” – đang trở thành câu chuyện được cả xã hội Hàn Quốc quan tâm. Trong đó, có những góc khuất mà chúng ta chưa biết tới.

Bài 1: Khi người phụ nữ Việt ra đi

Vài thông tin từ báo chí Hàn Quốc

Trên các đài truyền hình của Hàn quốc như MBC, KBS, SBS... đều phát những chương trình liên quan đến việc các cô dâu nước ngoài bỏ trốn. Chương trình SOS 24 của SBS cũng đã quay cảnh ông chồng Hàn tên Park nước mắt ngắn dài kể với phóng viên: “Cô ấy bỏ tôi và đứa con chưa đầy 6 tháng đi mất rồi. Giờ đây gia đình tôi coi như là tan vỡ. Làm ơn hãy tìm vợ tôi cho tôi”. Không chỉ riêng trường hợp của các ông Park mà hiện nay có không ít các ông chồng đã gọi điện thoại đến chương trình để nhờ tìm vợ, với những tâm trạng đầy đau khổ. Mới đây tại tỉnh Kangwon một người đàn ông đã định uống thuốc sâu tự tử khi biết người vợ của mình bỏ trốn ra ngoài.

Một số gia đình Việt Hàn hạnh phúc trong buổi đi chơi miễn phí

Gặp ông Kwon tại huyện Yongdong tỉnh Jungbuk, khi trời đã về chiều mà ông vẫn còn ngập trong rượu. Người vợ nước ngoài của ông đã bỏ trốn với lí do là đi mua sữa, gửi đứa con thứ 2 mới hơn một tuổi cho bà hàng xóm rồi biến mất, không hề có một thông tin liên lạc. Chỉ đến mùa hè vừa qua cô có gửi cho hai con hai bộ quần áo và rồi cũng không thấy liên lạc nữa. 3 năm trước đây, ông thông qua trung tâm môi giới với số tiền là 30.000 USD để cưới được người vợ trẻ về. Ông cho biết hai vợ chồng sống với nhau rất hoà thuận không hề có điều tiếng, đâu ngờ một ngày cô biến mất!

Hai đứa con gái của ông Kwon một đứa 3 tuổi và 2 tuổi vẫn chưa biết hoàn cảnh “biến mất” của mẹ mình. Ông Kwon thì nước mắt ngắn dài, bố mẹ ông cũng không dấu nổi tâm trạng đau khổ khi nhìn thấy con trai và các cháu thơ dại của mình, không ngừng oán trách cô con dâu bội bạc, còn bà mẹ thì vẫn không nguôi niềm hy vọng rằng con dâu bà sẽ trở về.

Ông Kim Jong Sin, cảnh sát Dangjin cho biết: “Do các cô đều là người nước ngoài nên việc tìm kiếm các cô trở nên rất khó khăn. Tìm nơi các cô ở cũng khó mà điện thoại được vì các cô đổi số mất rồi”.

Chính vì như vậy mà những người đàn ông Hàn Quốc kết hôn với cô dâu nước ngoài nói chung với mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, nhưng đã có những kết cục dành cho họ là nỗi đau và nhiều khi với cả một đống nợ nần.

Bà Kim Anh, mẹ của Trần Thanh Lan trong buổi lễ tưởng niệm con tại Kyongsan

Những góc khuất

Tại một gia đình đa văn hoá ở Ansong tỉnh Kyongki, ông chồng Hàn cùng với nhân viên trung tâm môi giới kết hôn đi tìm dấu tích của người vợ Việt đã biến mất của mình. Chỗ ở của vợ ông là một căn nhà thuê cũ kỹ tại một khu lao động nghèo tại Yacheon tỉnh Kyongbuk. Khi ông tìm đến nơi thì vợ mình đang ở cùng… một người đàn ông trẻ người Việt như vợ chồng. Người đàn ông này là lao động lưu vong tại Hàn và đã tìm cách quyễn rũ vợ ông bỏ trốn.
Li hôn Việt - Hàn đứng sau li hôn Trung Quốc - Hàn Quốc

Theo số liệu thống kê của nước này thì tỉ lệ li hôn giữa các cặp vợ chồng kết hôn quốc tế ngày càng tăng cao, tỉ lệ thuận với số vụ kết hôn quốc tế. Chỉ riêng năm 2007 số vụ li hôn của các cặp vợ chồng quốc tế lên tới 8828 vụ, tăng 40,6 % so với năm 2006 (6282 vụ), trong khi năm 2002 là 1866. Theo số liệu của đường dây “điện thoại khẩn cấp 1366” thì chỉ riêng trong năm 2007 số liệu về trường hợp tư vấn li hôn là 13.277 vụ, trong đó Việt nam chiếm tỉ lệ 42.94%. Tại tỉnh Kyongnam số vụ li hôn giữa các cặp vợ chồng Việt – Hàn chiếm tới 30.6%, cao thứ 2 sau Trung Quốc (45%). Nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn gia đình 20,2%, bất đồng ngôn ngữ 19,2% ngược đãi gia đình 7,35%... Ngoài ra số vụ li hôn do kết hôn “hợp đồng”, kết hôn giả với mục đích để kiếm việc làm tại Hàn Quốc cũng tồn tại trên thực tế.
Tại Hawsong tỉnh Kyongki, một ông chồng Hàn khác cũng đã lặn lội từ Yechoen tới đây để tìm vợ, khi biết tin cô đang cư ngụ tại nơi này. Và cô dâu trẻ này cũng đang sống cùng một người đàn ông Việt khác. Trong nhà họ còn có máy chụp hình với những bức ảnh hai người rất tình tứ.

Ngoài bi kịch các cô dâu bỏ đi thì ngay cả khi sống với nhau cũng không phải là họ không gặp những điều phiền muộn đau lòng. Ông P tại Choean lấy vợ Việt đã được 5 năm nhưng không có con cái. Vợ ông khi mới sang cũng vô cùng tử tế ngoan ngoãn nhưng không được bao lâu thì “cô ấy đi đêm về hôm mà không nói với tôi tiếng nào. Nhiều khi đi đến mấy ngày cũng không thấy về. Gọi điện cho cô ấy thì thấy tắt máy. Mấy ngày sau cô ấy về cũng chả thèm biện minh tại sao và rồi tắm giặt thay quần áo nấu cơm ăn như không có chuyện gì xảy ra. Không được bao lâu thì cô ấy lại biến mất”. Hỏi tại sao thì ông nói “Hình như cô ấy không có ý định bỏ nhà ra đi mà chỉ thích sống theo ý mình thôi. Tôi không thể hiểu được”. Theo một số ông chồng trên diễn đàn Hàn Việt, các cô dâu nói với chồng rằng sẽ tự đi ra ngoài kiếm tiền, khi kinh tế gia đình gặp khó khăn.

Trong nhà của ông Son tại Songsan Dangjin vẫn còn giữ nguyên giỏ đựng đồ cá nhân của cô dâu. Bà mẹ chồng cho biết con dâu bà mới sang đây được 3 tuần và đã ra đi không một lời nhắn. Hiện gia đình bà đang tiến hành đòi tiền lại của trung tâm môi giới, nhưng hình như chỉ như là chuyện viển vông…

Đó là một góc khuất của hôn nhân đa văn hoá ở đây mà chúng ta chưa biết tới. Vì tình yêu, vì cha mẹ hay thậm chí vì cả sự quẫn bách của cuộc sống mà các cô dâu nước ngoài phải xa xứ đến Hàn, mong tìm được một cuộc sống hạnh phúc hơn, đầy đủ hơn. Nhưng sự khác biệt văn hoá, đời sống kinh tế đã đẩy các số phận ra các hướng trái chiều nhau.

Tại thành phố Heanam tỉnh Chonlanamdo, người vợ Việt trẻ trung của ông M mới chân ướt chân ráo sang chưa được một tháng đã khăn gói bỏ về Việt Nam không thấy quay trở lại, và hiện ông M đã biến thành một “hòn vọng phụ”. Trong tủ quần áo của hai vợ chồng vẫn còn giữ nguyên quần áo của cô dâu mới cưới.

Đón đọc bài cuối: Xã hội Hàn Quốc và mối quan tâm “cô dâu ngoại”
Hoàng Điệp - Oanh K

No comments:

Post a Comment