Wednesday, December 1, 2010

Nhậu nhẹt ba miền

Nhậu nhẹt ba miền
Dân viết lách thường hay tụ bạ nhậu nhẹt, phần vì ham vui, rời khỏi bàn làm việc, sau khi một mình chống chọi với “ pháp trường trắng”, đa phần đều muốn tìm kiếm bạn bè giải stress; phần vì nhu cầu tìm kiếm thông tin, nhặt nhạnh tư liệu sống quanh bàn nhậu. Đôi khi nghe lỏm được nhiều ý tưởng cực hay, nhiều đề tài hấp dẫn bạn bè buột miệng nói ra.
Bây giờ nhậu nhẹt ba miền na ná nhau, ngày xưa khác nhau lắm. Sài Gòn sôi động, đời sống chảy xiết, dân nhậu Sài Gòn, là nói cánh viết lách, sáng dậy sớm hẹn nhau đi ăn sáng uống cà phê nói chuyện công việc, rồi cắm cổ làm việc cho đến chiều tối xong việc mới nhậu nhẹt tới số, có khi kéo dài tới khuya.
Nhậu nhẹt ra nhậu nhẹt, mọi người quẳng hết việc hát hò chọc quê chơi vui, đúng là dân nhậu chuyên nghiệp. Anh nào gọi đi nhậu anh đó trả tiền, luật bất thanh văn từ xưa đến nay. Không như dân Bắc cứ gọi nhau đi, nhậu xong ai có tiền thì trả, thành thử đến giờ thanh toán cứ nhìn nhau nói cười nhàn nhạt, nhiều anh cứ đúng giờ đó thì nhìn đồng hồ đứng dậy, nói mình có việc phải về sớm, bí quá thì nhảy đại nhảy vào toilet, hi hi.
Sài Gòn mỗi trận nhậu thường chia thành ba hiệp, hiệp một bia hơi, uống mồi chừng dăm bảy vại là kéo nhau đi Karaoke, hội hát bằng mồm hội hát bằng tay. Cuối cùng thì nháy nhau đi massage, kẻ massage sấp người massage ngửa. Sau đó thì biệt tăm, có khi nửa năm chẳng gặp nhau.
Sài Gòn lắm việc, bạn bè từ xa đến, sơ thì mời nhau cà phê ăn sáng, thân thì nhậu một trận tơi bời rồi lặn mất tiêu, ít ai mời bạn về nhà. Nhiều người mới vào vào Sài Gòn hay bị sốc. Đã quen thói ở miền Trung miền Bắc, hễ có bạn tới là đánh đu với bạn suốt ngày, nay thấy bạn lặn mất tiêu suốt kì mình ở chơi, đến ngày về gọi điện chào cũng chỉ nói đi mạnh giỏi nghen, chẳng thấy tiễn tiếc gì thì ngạc nhiên lắm, đôi khi tủi thân, bực mình nữa.
Ngược lại dân Sài Gòn lần đầu ra Bắc cũng hay bị sốc. Sáng mấy anh quen gọi đi nhậu, chiều cũng mấy anh đó đón đi, ngay mai ngày kia vẫn mấy anh đó, đến ngày ra đi cũng mấy anh đó. Nhiều người cứ băn khoăn không hiểu sao người ta mất quá nhiều thời giờ vì mình, đâu biết thời đó cánh viết lách xứ Bắc chỉ có một món tiêu xài thoải mái, đó là thời gian.
Dân Hà Nội cà phê không ham, công việc cũng chẳng nhiều, ngủ dậy muộn, ăn sáng xong làm mấy chén chè chén mới túc tắc đến công sở. Vật vờ vào ra cho đến trưa, giờ cơm trưa cũng là giờ đàn đúm, đến chiều tối lo về với vợ. Phàm đã chui vào chuồng lập tức nội bất xuất ngoại bất nhập, cố gắng làm anh chồng ngoan cho đến sáng hôm sau. Nhậu nhẹt nhiều khi như họp, bàn đủ chuyện trên trời dưới đất, cãi nhau ỏm tỏi.
Thi thoảng mới có cuộc nhậu chia làm ba hiệp, hiệp một nhậu say chí tử, hiệp hai mới kéo nhau đi hát hay massage. Nhưng quân số hiệp hai thường mất đi một nửa, đủ thứ lý do để bỏ cuộc, người sợ vợ, kẻ sợ quan trên nhìn xuống người ta trông vào.
Dân nhậu Hà Nội quan tâm đến cái view, thoáng đãng yên tĩnh càng tốt vì họ cần nói chuyện, cuộc nhậu nào cũng có người nêu vấn đề mọi người góp bàn hoặc tranh cãi, gọi là nhậu vấn đề. Cánh viết lách Hà Nội ngồi với nhau mỗi ông là một ông trời con, không việc gì không phán được, ông nào ông nấy phát ngôn tầm cỡ uỷ viên trung ương, rất ghê. Hết nhậu về công sở lại bóp miệng vật vờ vào ra vô cùng khiêm tốn, hi hi.
Dân viết lách miền Trung thường nhậu nhẹt bất tử, bất kể giờ nào miễn có tiền. Việc vàn chẳng có bao lăm, thời gian không thành vấn đề, chỉ cần cái cớ là kéo nhau vào quán. Bạn bè ở Nam ra, ở Bắc vào là cái cớ tuyệt vời để khai báo với vợ, có thể đi thâu đêm suốt sáng.
Miền Trung vẫn giữ được thói quê, bạn bè từ xa đến không thể không mời về nhà, làm mâm cơm đãi bạn, nhậu nhẹt ở nhà chán chê rồi mới đi ra quán. Khách khứa nhiều người chạy sô ăn cơm nhà bạn cũng đủ chết xác nhưng không thể từ chối, bữa cơm nhà như là chứng chỉ của tình thân sự quí trọng, thiếu nó lắm người rất áy náy.
Không có khách khứa thì tụ bạ quán cà phê ngồi chán thế nào cũng có người kéo đi quán, nhậu hết cuộc này sang cuộc khác, tối vừa về nhà có người gọi lại vọt, các bà vợ chỉ nguýt lườm ít ai dám nói. Ngày nào cũng nhậu, ít ai có khả năng bao sân, thành ra có kiểu nhậu nối dài. Anh đến sau bảo kể từ đây là phần của tôi nhé, một anh khác đến lại bảo kể từ đây là phần của tôi nhé, mỗi anh chịu thanh toán một khúc, cứ thế nối dài ra mãi.
Về sau cánh nhà báo có kiểu nhậu bắt Fulro, gọi người ra trả tiền hộ. Nhậu giữa chừng thì gọi ai đó, thường là các ông chủ doanh nghiệp, các quan chức trong tỉnh mời họ ra nhậu chơi. Mấy ông này lập tức hiểu ý, vọt ra làm đôi ba chén, góp vui đôi ba câu rồi giành lấy bill thanh toán cái rẹt. Không phải ai cũng thích kiểu nhậu bắt Fulro, vì nó luỵ đến đạo đức nghề nghiệp, nhưng tỉnh nào cũng có một anh bắt Fulrro cực tài, rất đáng sợ.
Ngày nay văn hoá nhậu ba miền đã có nhiều điểm tương đồng. Dân nhậu Bắc, Trung đã chuyên nghiệp tựa dân nhậu Nam. Cánh viết lách Hà Nội không chỉ nhậu vấn đề, nhậu đờn ca cũng rất phê. Cánh viết lách Sài Gòn không chỉ nhậu đàn ca mà nhậu vấn đề cũng rất nổ. Cánh viết lách miền Trung đã có nhiều việc làm hơn, anh nào cũng cộng tác với vài ba tờ báo ở Hà Nội, Sài Gòn, nhậu nhẹt đã có giờ, không còn triền miên như ngày xưa nữa. Cả ba miền bây giờ chỉ nhậu hết hiệp một là về, ít ai sa đà sang hiệp hai hiệp ba tốn tiền mất thời giờ phí sức.
Phục vụ nhà hàng ba miền cũng có nhiều đổi khác. Miền Bắc, miền Trung học miền Nam đã thực bụng coi khách hàng là thượng đế. Nhân viên nhà hàng Hà Nội biết mềm mỏng lịch lãm nhiệt tình, đã mất đi khá nhiều các bộ mặt lạnh lùng khinh khỉnh, di chứng thời bao cấp. Nhân viên nhà hàng miền Trung cũng tiến bộ rất nhanh, không còn nhiều nhà hàng cho nhân viên ra tranh giành nhau chặn bắt khách hàng, bắt được rồi gọi gì cũng dạ, dạ riết mà chẳng thấy đưa món ra. Hỏi vì sao chưa đưa món ra, lại dạ. Nói tôi hỏi vì sao chưa đưa món ra dạ dạ cái gì, vẫn cúi đầu lễ phép dạ dạ, tức phát điên. Việc ấy bây giờ tuồng như đã chấm dứt. Có lẽ văn hoá dịch vụ thời bao cấp sắp chết thật rồi chăng?
Mừng.
Tuổi lấy chồng của con gái ngày mỗi cao, xưa quá hai mươi đã sợ ế chồng lo sốt vó, nay nhiều cô ba mươi tuổi vẫn nhởn nhơ như tuổi đang xuân, chưa đến bốn mươi chưa lo ế. Sở dĩ như vậy vì ngày xưa việc chồng con có cha mẹ lo, cứ đến tuần cập kê là cha mẹ đã sắp đặt cho một tấm chồng, may nhờ rủi chịu, khỏi phải lo lắng gì.
Ngày nay cha mẹ thả cho tự do chọn lựa, tưởng thế là sướng hoá ra gay cấn vô cùng, thằng mình ưa thì nó không ưa, đứa không ưa thì nó lại ưa. Vả, cô nào cô nấy đều ham trai thời thượng, nay gọi là hot boy xưa thì gọi là người yêu lý tưởng. Người yêu lý tưởng có một nhúm, con gái có cả đàn, phân phối làm sao cho đủ.
Người yêu lý tưởng cũng tuỳ theo thời thế mà đổi thay, thời này anh là hot boy thời sau anh chỉ là hàng tồn kho, chả ai thèm. Ở đâu không biết chứ ở ta thời này chuyển sang thời kia nhanh như chớp mắt, không thể lường trước được.
Những từ năm 60-70 thế kỉ trước người yêu lý tưởng là anh bộ đội. Có lẽ thời loạn, anh bộ đội nổi lên như mẫu người hùng, được xã hội yêu quí ngưỡng mộ. Thoạt kì thuỷ con gái hễ cứ thấy anh bộ đội là mê, sau biết phân biệt lính bộ binh, lính phòng không, lính hải quân, không quân, thiết giáp…Không quân là số 1, hải quân là số 2, bộ binh bị xếp vào hàng bét dem.
Phải cái các chị không biết phân biệt quân hàm quân hiệu. Trừ lính hải quân, còn lại thấy lính nào cũng giống lính nào. Ra đường gặp các anh bộ đội chọc ghẹo, mặt cứ hất lên ra vẻ lắm, nhưng vừa đi qua là lập tức túm lấy con nít tụi mình hỏi rối rít, nói răng răng, quân chi quân chi.
Mê quân này quân kia chán, các chị mới để ý đến chức vụ. Ai sống thời này đều nhớ như in câu hát em yêu anh trung uý, không yêu anh binh nhì một tháng năm đồng...Lương trung uý 75 đồng, thời mà cán bộ viên chức chỉ có 39 đồng năm hào thì 75 đồng là một đồng lương mơ ước. Sĩ quan thường mặc áo đại cán bốn túi, miền trung gọi là bâu, thế nên mới có câu: râu thì râu bốn bâu em cũng lấy.
Chị em nhìn quân hàm cứ mù mịt, chẳng biết chức gì ra chức gì, cứ tưởng nhiều sao là chức to, lắm khi bị hố điếng người. Một chị thấy anh đeo quân hàm ba sao đến chơi, mừng húm. Người nhà đi hỏi, ưa liền. Sau có người nói đồ gạch vải, không phải gạch đồng. Chị hoảng lên hỏi răng răng. Người này nói ba sao một gạch vải là thượng sĩ thôi, ba sao một gạch đồng mới là thượng uý, chị ngồi khóc sưng mắt. Lần sau có cô bạn nào sắp có chồng bộ đội chị đều nhắc gạch vải ẻ vô nha, nhiều sao cũng ẻ vô!
Một chị tiếp anh chuẩn uý ở phòng khách. Mạ chị đi chợ về, thấy quân hàm trọc lóc một gạch, bà đi qua lờ không chào, kéo chị vào phòng trong nghiến răng nói nhỏ răng ngu rứa con, hắn có sao đom mô mà yêu với đương, ngu ngu!
Chị nói mạ tề, một gạch đồng là chuẩn uý của người ta đó. Mắt bà sáng lên nói rứa a rứa a, quăng cái rổ chạy ra túm lấy tay anh chuẩn uý cười xoe xoe, nói con tới chơi đa con! Chuyến ni dứt khoát phải ở lại ăn cơm với nhà bác, không bác giận đó.
Một chị có anh thiêú tá đến chơi, chị cứ ngồi hất mặt lên, trả lời nhát gừng. Ba mạ chị cũng ngồi trong bếp không thèm ra chào. Chán, anh này bỏ về. Có người hỏi răng chị chê anh nớ. Chị trề môi nói đồ một sao quẹt quẹt. Sau biết một sao nhưng có hai gạch đồng là thiếu tá chị sững sờ, đập hai tay vào má kêu to: ui chao tui lại ngu rồi!
Kịp đến thời người yêu lý tưởng là lái xe. Đấy là những năm 70-80, thời này đói kinh hồn. Hậu chiến đói kém là phải, nhưng đói thế này chủ yếu là hậu quả của chế độ bao cấp, “cái gì cũng phân mà phân thì như cứt”, lại thêm ngăn sông cấm chợ khắp nơi. Phàm là hàng hoá không phải hàng quốc doanh đều bị coi là hàng lậu, cách nhau chừng vài trăm cây số giá cả có thể cách nhau chừng 4, 5 lần là chuyện thường.
Thành ra béo nhất là mấy anh lái xe, hễ ai cầm được cái xe nhà nước là coi như cầm được sự sống của cả nhà rồi. Cánh lái xe sống nhờ vào dân buôn lậu, ấm no cũng nhờ đấy mà ra. Càng ngăn sông cấm chợ thì dân buôn lậu và cánh lái xe càng béo. “ Ai ơi yêu lấy anh tài/ vào trong thịt cá ra ngoài bảnh bao”.
Hễ tài xế xuất hiện là dân tình đã lác mắt. “Quần ximili vừa đi vừa ngắm, dép tông Lào áo trắng thảnh thơi”. Mùa hè xe đỗ đường cái, con gái đi chơi từng tốp, lái xe bật đèn pha, các cô tay che mắt liếc, dẩu môi nói chi mà vô duyên rứa hè, cười cái, ngoảy đít cái, chạy. Qua khỏi bóng đèn thì túm tụm nhón chân nhìn qua cabin ngắm trộm lái xe, thì thầm trẻ hè trẻ hè.
Có cô nào được lái xe mời ngồi cabin, bụng hí hửng lắm, nhưng mặt làm bộ tỉnh bơ nhìn thẳng, cái cổ cứng ngắc, tay gác cửa xe. Thấy bạn quen thì thò cổ ra, kêu: nời, đi mô đó. Mấy bạn cô ngửa cổ nhìn cô đầy ngưỡng mộ, nói sướng hè sướng hè. Xe đi qua thì nhếch mép cười nhạt, người này nói đồ mặt như mặt mo mà cũng lấy được lái xe hà bay, người kia nói ừ đo, đúng là may hơn khôn, to l. hơn đẹp mặt.
Con gái trong xóm làm gì thì làm, không thể không đi qua ngõ nhà có xe tải đỗ một lần, mắt hất lên ra cái điều không thèm nhìn vào, mắt thì liếc xéo vào nhà, thấy cô con gái đang ti toe với anh lái xe thì mím môi bịp một cái như cái rắm, nói chà, báu lắm đó mà vênh! Thế nhưng hễ lái xe gọi một tiếng em ơi là lập tức mặt đỏ rực, cười tít, liếc một cái, rồi giả đò bỏ chạy, vừa chạy vừa ngoảnh lại, sung sướng ra mặt.
Cánh lái xe vào quán được coi là dân thượng lưu, được trọng vọng hơn cả lãnh đạo huyện. Trong làng có cô nào cưới được chồng lái xe, làng xóm bàn tán mê man cả tháng, chẳng khác gì con gái xưa vớ phải trạng nguyên.
Cùng thời này có một người yêu lý tưởng nữa là phó tiến sĩ đi tây về. Món phun thuốc sâu này ngày xưa là thứ bằng cấp quí hiếm, cao sang cực kì. Thời buổi Một yêu anh có may ô/ hai yêu anh có cá khô để dành thì cái bàn là, chiếc xe đạp cuốc, cái quạt tai voi…là cả một gia tài lớn, làm loá mắt các cô gái đẹp. Nếu trong nhà có ti vi neptune, tủ lạnh Saratop thì có thể cưới được hoa hậu.
Ở Hà Nội hồi này cứ chiều chiều các đồng chí phun thuốc sâu mặc quần zin Thái, áo bay Liên xô, đeo đồng hồ ponzot, cưỡi xe đạp cuốc lượn vè vè quanh Bờ Hồ, thỉnh thoảng nhả ra mấy câu tiếng Nga. Mỹ nhân Hà thành không cô nào không dán mắt vào gáy họ.
Nhà nào có được chàng rể là phun thuốc sâu ở Tây về đều lấy làm hãnh diện lắm. Khách đến nhà thấy cái tủ lạnh Saratop đặt giữa phòng khách, trên có bình hoa tươi; góc phòng còn có cái ti vi Peko, phủ tấm voan trắng; cạnh bàn uống nước đặt cái ấm điện mới coóng sáng loá; trên vách treo ảnh chàng rể đứng ở xứ tây, nụ cười rạng rỡ… ai nấy đều trầm trồ, nói nhà bác thật tốt phúc quá. Chủ nhà mỉm cười vẻ khiêm tốn, nói cháu nó nghiên cứu sinh ở Nga về, mình chẳng ham gì, chỉ ham ba cái chữ thôi bác. Ba tiếng nghiên cứu sinh hồi đó vang lên sao mà nghe sang quá đi mất.
Nhưng rồi phun thuốc sâu cũng chỉ tồn tại chưa đầy chục năm, những năm 80- 90 là thời kì của người yêu lý tưởng tàu viễn dương. Nhà nào có người được một suất đi tàu viễn dương thì cả phố cả huyện đều biết, nhà đó được tôn lên bậc vương giả.
Ở nhà mái bằng hai ba tầng, xài ti vi màu, đầu băng Nhật, đi hon đa cup 50, cup 70, cup 82 kim vàng giọt lệ… đều là của mấy nhà có người đi tàu viễn dương, tuyệt không có ai. Mấy hot boy lái xe, phó tiến sĩ cứ phải xách dép chạy dài.
Nhìn thấy cô nào tay đeo vòng vàng, đồng hồ Senko, cổ quàng dây chuyền vàng hạt ngọc, đi cup 82 kim vàng giọt lệ chạy thong dong trên phố thì cầm chắc đó là vợ con mấy bác tàu viễn dương. Mấy cô xách làn vào chợ, thong thả nhặt của ngon vật lạ chất đầy làn không thèm mặc cả, dưới cái nhìn thèm khát bốc cháy của không biết bao nhiêu ánh mắt đàn bà.
Cô lại xách làn thong dong đi ra, nhất định có người gọi, nói nời… chồng mới về à? Thể nào cô cũng dừng lại khẽ gật đầu, nói về đựơc vài ngày rồi lại đi, suốt đời lênh đênh trên biển vất vả lắm. Miệng nói thế nhưng mắt long lanh rạng ngời hạnh phúc.
Có lẽ đến người yêu lý tưởng tàu viễn dương là kết thúc các loại hot boy thời bao cấp, chuyển sang thời kinh tế thị trường là các doanh nghiệp trẻ, buôn lậu trẻ, quan lại trẻ, tham nhũng trẻ. Nhưng mấy hot boy này không được hot cho lắm.
Cuộc sống đã đổi thay, trí khôn đàn bà cũng đã thay đổi, họ biết lấy mấy ông giàu có nhờ trốn thuế nhờ tham nhũng phúc chưa kịp hưởng hoạ đã gần kề, hãi lắm. Nhưng không biết lấy họ thì chẳng biết lấy ai, kiếm đâu ra mấy anh ca sĩ, mấy chú đá bóng, mấy ông cai thầu, mấy bác đầu nậu, khó lắm.
Có lẽ vì thế mà tuổi lấy chồng ngày nay cứ tăng vọt chóng mặt, gái không chồng mà có con ngày một thêm nhiều. Thôi thì thà kiếm lấy đứa con ngoài giá thú nuôi lấy sau này còn nhờ cậy, hot boy hot beo, lý tưởng lý teo, mệt lắm.
(Bài viết cho Tuổi trẻ cười)

No comments:

Post a Comment