Wednesday, December 1, 2010

Kẻ sĩ

Kẻ sĩ
Ý niệm “kẻ sĩ” có từ bao giờ ? Theo lời cụ Nguyễn Công Trứ có giang sơn thì “sĩ” đã có tên – “ Từ Chu, Hán vốn “sĩ” này là quý”. Thế mới biết từ thời Chu, thời Hán đến nay quả là có rất nhiều người làm nghề “sĩ” (người đọc sách), nhấn mạnh vào chữ nghề, như có lúc người ta nói “nhất sĩ nhì nông”. Nhưng thử xem còn lại mấy người được lưu danh là kẻ sĩ, vì vậy từ kẻ sĩ thường bao hàm cả sự độc xuất, nhân cách và đạo lý.
Ở nước ta dưới đời Trần có một người xứng danh là kẻ sĩ. Quán xuyến hết cả giới trí thức; người đó là ông Chu Văn An. Ông đậu tiến sĩ đời nhà Trần, làm quan to, có danh vọng nhưng đã từng dâng sớ lên vua đòi chém đầu bảy kẻ nịnh thần. Dư luận chấn động, nói rằng: “Thất trảm sớ, nghĩa động càn khôn”. Nhưng ông không được vua nghe theo, bèn cởi áo từ quan về nhà dạy học (Trường học dựng tại núi Phượng Hoàng, gần núi Côn Sơn của Nguyễn Trãi). Ông không để lại cho hậu thế một tước vị hào nhoáng nào , mà chỉ để lại một chữ đượm màu sắc kẻ sĩ là chữ “thầy”: Thầy Chu Văn An. Phải nói từ cổ chí kim chưa có một ai lưu danh hậu thế bằng một chữ thầy như ông Chu Văn An cả. Nghĩ kỹ ra, ấy là bởi suốt đời ông chỉ một lòng lo rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo lý và thể hiện sự dũng cảm của người kẻ sĩ.
Kẻ sĩ không cần phải có học vị lớn, có danh vọng cái thế hoặc sản nghiệp hơn đời; mà cốt ở lòng khí khái, quyết tâm bảo vệ trước chân lý sự thật, như chuyện ông Chu Văn An và Thất trảm sớ nói trên đây. Hay như bà Nguyễn Thị Bích Châu – cung nữ đời Trần Duệ Tông, đã dâng lên vua quyển “Kê minh thập sách” ghi lại mười điều răn viết lúc gà gáy nhắm khuyên vua đem lại thái bình cho dân tộc , khiến người đời sau phải xây miếu thờ bà ở của biển Kỳ Lan (Hà Tĩnh). Sử cũ có ghi chuyện một người hàn sĩ Thăng Long quyết tâm can vua đừng dời đô đi nơi khác mà phải ở lại Kinh Thành để cưu mang lấy vận mệnh của trăm họ; nhưng không thể nào lay chuyển được mệnh lệnh sắt đá của quan tể tướng Hồ Quý Ly. Đến ngày đoàn thuyền Hoàng gia xuất phát vào Thanh Hoá, Hồ Quý Ly vẫn đăm đăm với ý chí sắt thép rút gươm đứng sẵn trước mũi thuyền, thề rằng sẽ chém chết bất cứ ai ngăn cản việc dời đô. Thế nhưng có người hàn sĩ ở Thăng Long vẫn lội tới trước mũi thuyền Hồ Quý Ly, khóc lớn mà can rằng: “Nếu nhà vua dời đô vào Thanh Hoá thì cả xã tắc dân chúng bỏ lại cho ai ?” . Vào thời diểm quyết liệt ấy, đó là ngọn đòn chí tử đánh thẳng vào ý chí dời đô của Hồ Quý Ly , buộc ông phải nhượng bộ. Chính người hàn sĩ đã bì bõm lội trên sông Hồng để nói với vua và tể tướng Hồ Quý Ly một lời gan ruột (theo nhà sử học Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược).
Ở triều nhà Lê sau này có tên tuổi của một vị trạng nguyên là Giang Văn Minh. Vua Tàu muốn nói xỏ Việt Nam trước mặt sứ đoàn, bèn đọc một vế câu đối có ý nói kháy chuyện đồng trụ của Mã Viên: “Đồng trụ chí kim, đài dĩ lục “ (cột đồng đến nay rêu đã xanh biếc mấy). Chẳng thể ngồi im nghe vua Tàu nói xéo nền văn hiến của Tổ Quốc mình, ông Giang Văn Minh bèn ung dung đọc trả lại vế đối tiếp theo :
“Đằng giang tụ cổ, huyết do hồng” (Xin tạm dịch nghĩa : Sông Đằng từ xưa, máu vẫn còn tươi)
Người ta truyền rằng, vua Tàu nghe vừa khoái cảm vừa khinh khoái vì vế đối hay, đồng thời vì khí phách không sợ chết của Giang văn Minh, bèn phong ông làm Lưỡng quốc trạng nguyên. Từ nghìn năm nay, nghề đối ngoại của một quốc gia đã đẩy kẻ sĩ đến trước một thách thức ghê gớm. Kẻ sĩ đã thoát khỏi thách thức nhờ có tài đức và lòng dũng cảm. Đó chính là điều mà kinh sách đã dạy cho kẻ sĩ biết thể hiện nghề nghiệp của mình : Đi sứ ra nước ngoài mà không làm nhục mệnh vua. Đến đời Lê Chiêu Thống, một số các bề tôi chạy theo vua sang Tàu. Vua Tàu có ý định đày cả vua, tôi An Nam lên thành Hắc Long Giang, bèn sai mọi người dọc tóc và thay đổi quần áo theo cách ăn vận của người nhà Thanh. Vị đại thần Lê Quýnh vốn là tôi tòng vong theo vua Lê bèn thét lớn, rằng : Đầu ta không chém được thì tóc ta không dọc được, da ta có thể lột, nhưng quần áo ta không thể thay đổi. Như thế đây! Đến bước đường cùng kẻ sĩ vẫn biết lấy cái chết để bảo vệ phẩm tiết của mình, và trường hợp Lê Quýnh là bảo vệ văn hoá dân tộc.
Đất Thăng Long vốn đời đời tàng trữ một lực lượng đọc sách, nên trong dòng máu họ luôn luôn đầy ắp chất sĩ khí và họ biết tuỳ thế hành động để bảo vệ phẩm chất kẻ sĩ bằng phản ứng khôn ngoan, khi kẻ thù bức hiếp họ. Tuy nhiên nhiều lúc thế địch mạnh và sẵn sàng ra tay đàn áp, hoặc vào thời điểm thay đổi văn tự, những kẻ đọc sách có văn học chữ nghĩa đều phải tạm quên Thánh Hiền, khiến cho trong phong tục, lối sống hầu như không có ai muốn nhắc tới vấn đề nhân cách, danh dự, khí tiết. Người ta đành chặc lưỡi, lắc đầu ngao ngán: Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo. Thế là văn đàn tạm thời lắng xuống , và trên khắp mặt trận miệng lưỡi. sức sống của xã hội xuất hiện loại thơ trào phúng, hoặc trong ngôn ngữ bắt đầu có loại truyện ngụ ngôn, cũng là vũ khí của kẻ sĩ lúc thời vận chưa thuận lợi.
Huế, ngày 6-12- 2009
HPNT

No comments:

Post a Comment